Thứ hai, 27/01/2025

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 32 Thường niên C

Cập nhật lúc 15:01 03/11/2022
Suy niệm 1
Lc 20, 27 – 38
Nước Do Thái có hai nhóm thần học: Nhóm Phariseu – Kinh sư và nhóm Sa đốc. Nhóm Phariseu – Kinh sư thì tin có tận thế và sự sống lại của mọi người. Nhóm Sa đốc thì chống lại niềm tin ấy. Bởi vậy, hôm nay nhóm Sa đốc thắc mắc với Chúa về việc người đàn bà có bảy đời chồng thì khi mọi người sống lại, bà sẽ phải ăn ở với ông nào, thì chỉ là để chọc ghẹo Chúa mà thôi. Ông ta tưởng là Chúa sẽ ớ ra không biết đường trả lời và sẽ làm trò cười cho mọi người. Ai ngờ Chúa trả lời gọn lỏn một câu như sau: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ, cũng chẳng lấy chồng…”
Thay vì làm cho Chúa bị quê, thì chính ông Sa đốc ấy bị mất mặt. Ông Kinh sư khen Chúa cũng chỉ vì ông ta thấy đối thủ của ông bị Chúa cho đo ván một cách quá dễ dàng. Ông Kinh sư không thật tình khen Chúa đâu.
Bây giờ đến lượt chúng ta phải nghĩ gì về niềm tin mọi người sẽ sống lại vào ngày tận thế. Phải thú thật: đây là một niềm tin không dễ thuyết phục lương dân trên đường truyền giáo. Để minh chứng điều này, tôi xin kể một chuyện trong đời truyền giáo của tôi.
Vào cuối thế kỷ 20, tôi có mở một lớp giáo lý dự tòng tại Cái Rắn. Hôm ấy chúng tôi đọc bài Tin Mừng theo thánh Luca mà chúng ta vừa nghe xong. Khi giảng bài xong, tôi hỏi bà con: “Bà con có tin là đến ngày tận thế, mọi người sẽ sống lại không? Lớp giáo lý hôm ấy có 74 người, hầu hết ở tuổi xồn xồn. 74 cái miệng không nói, nhưng 74 cái đầu đều lắc lắc, hoặc cúi gục xuống. Im re. Có một người đàn ông tuổi xấp xỉ năm mươi giơ tay thật cao rồi đứng lên hỏi tôi: “Ông cha ơi, tôi có một thằng cháu đi đánh nhau bên Campuchia, bị mìn cưa mất một cái giò. Bây giờ nó phải chống cà tó mà đi lọc cọc. Cái giò của nó thì bị cọp ăn hết rồi. Vậy đến ngày tận thế, ai sẽ đưa cái giò ấy từ Campuchia về đây cho nó để nó sống lại có cả hai chân?” Cả lớp cười hì một cái để chọc quê tôi.
Để trả lời cho 74 người đang sung sướng vì tưởng mình chiến thắng, tôi im lặng lấy phấn vẽ ba bức tranh: tranh con sâu ghê tởm; tranh con nhộng hiền khô nằm trong cái kén; tranh con bướm đẹp tuyệt vời bay trên ngàn hoa. Ba bức tranh là ba kiếp của một con sâu. Ba kiếp khác nhau một trời một vực. Ai làm cho con sâu thành con nhộng, rồi từ con nhộng thành con bướm. Chỉ có Chúa mới làm được điều ấy. Nếu Chúa làm cho con sâu ghê tởm thành con bướm tuyệt vời, thì Chúa cũng làm cho loài người, con cưng của Chúa, trải qua ba kiếp như vậy:
  • Kiếp một là cuộc sống hôm nay. Đời hôm nay là bể khổ: Sinh khổ; bệnh khổ; lão khổ; tử khổ.
  • Kiếp hai là chết rồi hóa thành tro bụi.
  • Kiếp ba là sống lại và sống như thiên thần.
Vừa vẽ, vừa giải thích. Xong xuôi rồi thì hỏi: “Bây giờ bà con đã tin Chúa sẽ cho chúng ta là con của Ngài được sống lại vào ngày tận thế chưa? Tất cả mọi người đều trả lời: “Ông cha đừng hỏi nữa, chúng tôi tin rồi”.
Sự kiện sống lại trong ngày tận thế là như thế đó. Khó tin nhưng phải là không thể tin.
Linh mục Pi ô Ngô Phúc Hậu
==============
Suy niệm 2
SỰ SỐNG ĐỜI SAU
Lc 20, 27-38
Cái chết như chấm dứt tất cả, và chết là số phận của mỗi người. Phái Sađđucêô là con cháu của Sađốc, thuộc chi họ Lêvi và là giai cấp tư tế, cũng không tin có sự sống lại ở đời sau. Họ giới hạn mạc khải vào 5 cuốn sách đầu tiên của Kinh thánh nên quả quyết “không có sự sống lại, không có thiên thần” (Cv 23, 8). Sự sống lại là giáo điều khiến họ ly khai với nhóm Biệt phái. Đang khi đó niềm tin về sự sống lại đã xuất hiện trước đó hai thế kỷ (Đn 12, 2-3), vào thời Maccabêô.
Vì không tin nên khi nghe Đức Giêsu nói về sự sống lại thì nhóm Sađđucêôbịa ra câu chuyện lắt léo để chế giễu Ngài. Nếu có sự sống lại ở đời sau thì người vợ có bảy đời chồng sẽ là vợ của ai?Đức Giêsu phủ nhận một quan niệm quá trần tục về sự sống đời sau theo lối sống ở đời này. Sau đó Ngài dựa trên chính thế giá của Môsê mà người Sađốc đã dẫn chứng trong bộ Ngũ thư để minh chứng về sự sống lại.Đó là điều Giáo hội vẫn xác tín: sự sống thay đổi chứ không mất đi.
Một số tôn giáo cũng tin có một cuộc sống khác sau khi chết, dựa theo luật nhân-quả hay nghiệp báo, và cho rằng đời người chuyển hóa thành nhiều kiếp. Theo mạc khải Kitô giáo, mỗi người chúng ta chỉ có một cuộc đời duy nhất mà mình đang sống và cuộc sống nàyđịnh đoạt số phận vĩnh cửu của chính mình.Vì thế mà ta phải sống hết mình cho đời nàyđể đáng hưởng hạnh phúc đời sau. Trong sự xác tín đó, người Kitô hữu được định nghĩa cách đơn giản là người “tận tình với sự chết, nhiệt tình với sự sống”(Alselm Grun).
Chẳng ai biết đời sau như thế nào, nhưng Đức Giêsu đã vén mở cho ta phần nào bức màn của đời sau, khác hẳn với đời này, người ta sẽ sống như các thiên thần. Giống như các thiên thần nghĩa là không còn là người phàm tục theo lối sống ở trần gian, để sống bằng một sự hiện hữu hoàn toàn mới trong cùng một sự sống với Thiên Chúa. Tuy thân xác của chúng ta đã tan thành tro bụi theo thời gian,nhưng sẽ được biến đổi một cách kỳ diệuđể chung hưởng hạnh phúc với linh hồn. Thánh Phaolô cũng đã minh định: vào ngày cuối cùng, cái hư hoại trong ta sẽ trở nên bất hoại, cái khả tử sẽ nên bất tử (x. 1Cor 15, 53).
Chúng ta tin Đức Kitô đã chiến thắng sự dữ là cái chết, nhưng biết rằng, Ngài không chiến thắng sự dữ gây ra ở trong ta. Nhờ Đức Kitô thì tất cả đã thành đạt, nhưng thực tế ta vẫn phải gánh lấy những khổ đau của phận người. Niềm tin và hy vọng không diệt nổi bản năng sinh tồn, nhưng nó đem lại một tâm tình đón nhận nhẹ nhàng. Tuy nhiên, không ai có thể đón nhận cái chết thể lý trong niềm hy vọng phục sinh mà lại không mở rộng con tim để vượt qua cái chết vốn đã hàm ngụ nơi cuộc sống này. Cần phải giải phóng mình khỏi những gì biến mình thành tù nhân của chính mình, để có thể yêu mến cuộc sống hơn.
Yêu mến cuộc sống là điều không dễ khi cuộc sống đầy bi đát, tàn bạo, xung khắc... Khi đó người ta dễ nhìn vào những bất tất của đời thường như một cái gì phi lý, không đáng sống. Nhưng nếu chết để mà chết thì chẳng bao giờ là giải thoát. Nhờ Chúa Giêsu đã chết vì chúng ta, nên sự chết vẫn luôn là khởi đầu cho sự sống vĩnh cửu.Nếu ta biết yêu mến sự sống cách sáng suốt, thì chắc chắn cũng biết yêu mến cái chết của mình. R. Tagore đã chân tình nói lên rằng: “Bởi yêu cuộc đời nên tôi cũng yêu cả sự chết... Tôi chết vui cũng như đã sống vui”.
Trong niềm vui đó, thánh Têrêsa hài đồng đã xác quyết trong giờ hấp hối: “Tôi đâu có chết, tôi bước vào sự sống”. Chết là một sự hoàn tất để đưa đến sự biến hóa: hết đời con sâu thì chào đời cánh bướm. Nhưng không ai có thể bước vào cõi sống mà không chết đi cho chính mình từng ngày. Nếu ta biết không ngừng giũ bỏ mọi sự, ta sẽ được sống trọn vẹn và được phục sinh tại mỗi phút giây.” (Anthony de Mello).
Đời sau là chuyện khó tin, nên người ta thường chỉ lo sống đời này, và lo hưởng thụ những gì trước mắt. Thật ra, chẳng ai có kinh nghiệm về đời sau, nhưng là một mầu nhiệm được mạc khải và được minh chứng bởi sự phục sinh của chính Đức Giêsu, Chúa chúng ta.Nhiều tín hữu cũng bị cuốn hút bởi vật chất,và sống như thể chỉ có đời này.
Ai cũng phải chết đi, nhưng chúng ta tin rằng, chết đi là để sống mãi. Trong tiếng Latinh, người chết được gọi là defungi: là người đã vĩnh viễn hoàn tất cuộc đời mình và an hưởng một cuộc sống mới. Là người Kitô hữu, chúng ta đón nhận sự hoàn tất đó với một tâm hồn bình an cao cả, vì mạc khải Kitô giáo đã cho biết rằng cái chết như cánh cổng to lớn mở vào thánh điện an vui vĩnh hằng (x. Dt 8, 5).
Cầu nguyện
Lạy Cha!
Cái chết dường như đã chấm dứt hết,
chẳng còn gì nối kết sự sống này,
nhưng nếu con sinh ra để mà chết,
đặt Chúa lên trên hết để làm gì,
nếu như thế đời con thật phi lý.

Nhưng con biết ngay cuộc đời này,
sự sống đã tiềm ẩn trong cái chết,
mọi loài và mọi vật sẽ tàn đi,
nhưng chính khi hạt giống bị phân hủy,
lại cho sự sống mới thật dồi dào,

hết đời con sâuchào đời cánh bướm,
Nơi thiên nhiên Chúa còn cho như vậy,
huống chi là cuộc sống con người đây,
là chóp đỉnh công trình bàn tay Chúa,
được nâng niu được ủ ấp dắt dìu.

Nhờ Đức Giê-su là Đấng cứu chuộc,
con tin mình sinh ra để sống mãi,
chết không phải là tàn phai hư hoại,
mà là cửa mở vào tương lai vĩnh cửu,
nên con phải sống hết mình cho hiện tại,
để đáng hưởng hạnh phúc mãi ngàn sau.

Cái chết dạy cho con biết cách sống,
sống khiêm nhường và rất mực yêu thương
để chết đi chẳng có gì hối tiếc,
mà thấy mình đã hoàn toàn mãn nguyện.

Con yêu lấy cái chết như người bạn,
để đi về quê hạnh phúc bình an,
được gặp Đấng cả đời conmong đợi,
về với cội nguồnThiên Chúa của con.

Xin cho con luôn giữ vững niềm tin,
sống đẹp nhất từng giây phút đời mình,
vì con được dựng nên cho chính Chúa,
Đấng cho con sự sống mới muôn đời. Amen.
Lm. Thái Nguyên


==============
Suy niệm 3
CHẾT CHƯA PHẢI LÀ ĐOẠN KẾT!

Chuyện kể rằng: Một lần kia ông Vôn-ten vốn là triết gia vô thần, chẳng tin vào ai ngoài bản thân ông, đến gặp Pas-cal và buông lời nói rằng: ‘Ông tin linh hồn bất tử và có sự sống lại đời sau, để rồi trong đời sống hiện tại ông sống khắc khổ và đạo hạnh, với bản thân thì ông sống nhịn nhục, chịu thua thiệt;nhưng nếu không có đời sau,chắc hẳn ông là kẻ dại dột nhất’. Nghe thế, Pas-cal từ tốn đáp: ‘Ông nói chẳng sai chút nào! Ông không tin linh hồn bất tử, cũng không tin có sự sống đời sau, nêncó thể sống hưởng thụ thác loạn tuỳ thích; nhưng nếu có đời sau thì ông là kẻ khờ dại và ngu dốt hơn tôi nhiều, vì tôi chỉ tạm thời thiệt thòi đời này, còn ông, ông mất cả cuộc sống đời đời!
Thật vậy, nhìn vào thực tế, có lẽ chúng ta không tệ như nhà triết học vô thần Vôn-ten, nhưng dường như chúng ta chưa sống niềm tin có sự sống vĩnh hằng, có đời sống sau cái chết. Cụ thể, không ít Ki-tô hữu đã-đang chạy theo xu hướng quá lo cho cuộc sống đời này, mà ít lo toan hoặc bỏ bê cuộc sống đời sau. Nhiều lúc, chúng ta sống buông thả như chẳng có đời sau; và hơn thế, qua đời sống đức tin, đời sống đạo, chúng ta chưa thuyết phục được người khác, nhất là những ai chưa biết Chúa, rằng chúng ta thật sự tin chắc có sự sống vĩnh hằng và có đời sau!
Trong Cựu Ước, sách Mác-ka-bê đề cập đến sự sống mai sau một cách rõ ràng như trình thuật kể vào thời vua An-ti-ô-kô bắt đạo, buộc dân Is-ra-en bỏ những truyền thống đạo đức của họ mà theo tà phái khác, thì một bà mẹ và bảy người con thà chịu chết chứ không chịu bỏ đạo Chúa. Dù trích đoạn trong bài đọc I chỉ ghi lại cái chết của bốn người con đầu, nhưng lời họ nói với vua đều khẳng định Chúa sẽ cho họ hưởng sự sống đời đời: “…Chúng tôi sẵn sàng chịu chết hơn là phạm đến lề luật Thiên Chúa đã truyền cho tổ phụ chúng tôi…Vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (x. 2Mcb 7, 2.9). Hơn nữa, qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận ra: mặc dù nhóm Xa-đốc không tin vào sự sống đời sau, nhưng lời lẽ của họ cho thấy họ mang trong mình một quan niệm hết sức vật chất về cuộc sống ấy: ở đời sau người ta cũng cưới vợ, lấy chồng, sinh con và hưởng thụ tất cả những lạc thú như đời này (x. Lc 20, 27-33). Tuy nhiên, nhờ câu trả lời của Chúa Giê-su, chúng ta xác tín có sự sống đời sau, có sự sống lại, và cũng biết phần nào ý nghĩa của cuộc sống ấy, cụ thể: Đời sau người ta sẽ bất tử: “Họ sẽ không thể chết nữa…” (Lc 20, 36), do đó không cần lưu truyền nòi giống, cho nên cũng không cần cưới vợ lấy chồng: “Những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng” (Lc 20, 35). Quả thật, hạnh phúc duy nhất bậc nhất và là quan tâm duy nhất của những ai được hưởng phúc đời sau là sống như các thiên thần, ngày đêm ca ngợi, tôn vinh và phụng thờ Thiên Chúa. Họ được thông phần vinh quang của Chúa: “Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại” (x. Lc 20, 36), được dự phần vào dòng dõi Ngài (x. 1Ga 3, 2). Và thánh Tông đồ Phao-lô xác quyết: “Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15, 42-44). Vì nếu không có sự sống lại, không có đời sau, thì “lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh (chị) em cũng trống rỗng…Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (x. 1Cr 15, 14.19).
Vậy, tin vào sự sống đời đời, và sự sống lại, chúng ta đối diện với cái chết và sống đạo thế nào? Tiên vàn, chúng ta tin thật và thực hành những gì Chúa dạy qua Giáo Hội. Thứ đến, đừng chạy theo kiểu ‘sống vội, sống chỉ biết đời này, mà bỏ mặc đời sau’! Đừng ‘sống buông thả theo thói đời thế tục như chẳng có thưởng-phạt’ đời đời! Đừng theo lối ‘sống đến đâu hay đến đó’! Đừng sống theo lối ‘thụ hưởng đi rồi chết cũng được’! Đừng sống theo trào lưu ‘để sau rồi tính’ vì đâu ai biết được ‘ngày sau, ngày mình tính’ sẽ chẳng bao giờ đến! Sau cùng, sống theo những gì mà thánh Phao-lô khuyên nhủ giáo đoàn Thes-sa-lô-ni-ca: “…hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng thư từ…Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp. Xin các Ngài an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh, để làm và nói tất cả những gì tốt lành” (x. 2Tx 2, 15-17).
Ước gì, chúng ta cũng như thánh nữ Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su trên giường hấp hối đã nói với các chị em trong cộng đoàn: “Em sắpchết, nhưng không phải em chết, mà em đang tiến về cõi sống”. Và luôn sẵn sàng như một nữ tu kia rất xinh đẹp, lúc nào trên đôi môi cũng nở nụ cười,dẫu đang phải chiến đấu với những đau đớn của bệnh ung thư. Vị nữ tu này khi ra đi, trên khuôn mặt xinh xắn vẫn nở một nụ cười rất tươi, và an bình trở về với Chúa, cũng như kết thúc cuộc hành trình trần gian này mà chẳng chút luyến lưu.
“…Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen”.

Lm. Xuân Hy Vọng

==============
Suy niệm 4
TIN VÀO CUỘC SỐNG VĨNH HẰNG ĐỜI SAU

2Mcb 7,1-2.9-14 ; 2Tx 2,16-3,5 ; Lc 20,27-38

I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 20,27-38
(27) Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. (28) Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: “Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải cưới lấy nàng, để gây dựng một dòng giống cho anh hay em mình”. (29) Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. (30) Người thứ hai, (31) rồi người thứ ba đã lấy người vợ góa ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. (32) Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. (33) Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ ? (34) Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, (35) chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. (36) Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.(37) Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. (38) Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.
2. Ý CHÍNH: Những người phái Xa-đốc không tin có sự sống lại sau này, nên khi nghe Đức Giê-su giảng về mầu nhiệm kẻ chết sống lại, họ đã tìm cách phi bác giáo lý ấy qua một câu chuyện giả tưởng về bảy anh em nhà kia theo luật Thế Huynh của Mô-sê đã tiếp nối nhau lấy cùng một người đàn bà và đều chết mà không có con. Từ đó họ đặt vấn đề: Nếu có chuyện kẻ chết sống lại thì người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai trong bảy anh em ? Đức Giê-su đã dùng Kinh Thánh để chứng minh có cuộc sống vĩnh hằng sau đời tạm này, và còn cho biết cuộc sống ấy như thế nào.
 3. CHÚ THÍCH:
- C 27-28: + Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc: Đây là một số người thuộc hàng tư tế phục vụ Đền thờ, là những người không tin có sự sống lại cũng như không tin có đời sau, đang khi người Pha-ri-sêu thì tin kẻ chết sẽ sống lai (x. Cv 23,8), dựa vào lời sấm của ngôn sứ Đa-ni-en như sau: “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời. Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ. Những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao.” (x. Đn 12,2-3). Còn Đức Giê-su luôn khẳng định giáo lý về mầu nhiệm kẻ chết sống lại đối lập với phái Xa-đốc, nên phái này đã đến nêu thắc mắc nhằm phi bác giáo lý kẻ chết sống lại của Đức Giê-su và các người Biệt phái. + Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều Luật này...: Nhằm chế diễu giáo lý về sự sống lại, nhóm Xa-đốc đã trưng ra điều luật “Thế huynh” của Mô-sê nội dung như sau: Nếu người anh lấy vợ mà chết không con, thì em trai của anh ta phải lấy bà chị dâu làm vợ. Đứa con sinh ra đầu tiên sẽ được Luật pháp công nhận là con của người anh đã chết, để cho người anh có con cái nối dòng (x. Đnl 25,5).
- C 29-33: + Vậy nhà kia có bảy anh em trai...: Nhóm này đưa ra câu chuyện giả định chưa từng xảy ra. Sai lầm của nhóm Xa-đốc là đã quan niệm rằng khi sống lại thì người ta cũng sẽ sống y như khi còn sống ở trần gian. Nghĩa là hai người đã là vợ chồng thì khi sống lại sẽ vẫn sống đời vợ chồng với nhau.
- C 34-36: + Con cái đời này cưới vợ lấy chồng: “Con cái đời này” là những người thuộc về trần gian. Câu này có nghĩa là: Vì sự sống của con người ở trần gian có sinh có tử, nên người ta cần phải lấy vợ lấy chồng để sinh con cái nối dòng. + “Nhưng những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết”: Câu này chỉ nhấn mạnh đến việc kẻ lành sống lại để được hưởng vinh quang, và không đề cập đến số phận của kẻ dữ. Thực ra không chỉ những người được Thiên Chúa tuyển chọn và xét xứng đáng mới được sống lại, nhưng là tất cả mọi người: tội lỗi cũng như công chính, đều được sống lại, như thánh Phao-lô đã đề cập trong sách Công Vụ như sau: “Tôi đặt nơi Thiên Chúa niềm hy vọng này là: người lành kẻ dữ sẽ sống lại” (Cv 24,15; x Ga 5,28-29; Mt 25,34-45). + Thì không cưới vợ, cũng chẳng lấy chồng: Họ không dựng vợ gả chồng, một là vì thân xác sẽ được siêu hóa không bao giờ chết và nên giống như các thiên thần; Hai là vì họ trở nên con cái Thiên Chúa, hay con cái của sự sống lại, nghĩa là được thừa hưởng một thế giới mới và được sự sống mới từ Thiên Chúa (x. Ep 1,5; Rm 8,18-21).
- C 37-38: + Còn vấn đề kẻ chết trỗi dậy...: Đức Giê-su đã dựa vào Thánh kinh để chứng minh có sự sống lại của những kẻ đã chết. Người nêu ra một đoạn trong sách Xuất hành: Khi hiện ra với Mô-sê trong bụi gai đang cháy, Thiên Chúa đã tự xưng là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác và Thiên Chúa của Gia-cóp (x. Xh 3,6). + Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống: Các Tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp dù đã chết, nhưng qua câu nói với Mô-sê, Thiên Chúa cho biết các vị ấy hiện vẫn đang sống với Chúa.
4. CÂU HỎI: 1)Trong hai nhóm Pha-ri-sêu va Xa-đốc, nhóm nào tin xác lòai người ngày tận thế sẽ sống lại, nhóm nào không tin ? 2)Luật “Thế huynh” của Mô-sê quy định thế nào về việc kết hôn giữa em trai với chị dâu ? 3)Phải chăng chỉ những người lành thánh mới được sống lại vào ngày tận thế, còn những kẻ tội lỗi sẽ chết luôn và không bao giờ sống lại ? 4)Đức Giê-su đã dựa vào bằng chứng nào để khẳng định mọi người sẽ sống lại ngày tận thế ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống” (Lc 20,38).
2. CÂU CHUYỆN:
1) HÌNH ẢNH MINH HỌA VỀ CÁI CHẾT:
ĐÊ-VÍT MA-CỚT (David Marcus) là một viên sĩ quan của quân đội Ít-ra-en đã chết trận vào tháng 6 năm 1948. Người ta đã tìm thấy một cuốn nhật ký, trong đó ông đã ghi lại cảm nghĩ của ông về cái chết có thể xảy ra với ông như sau:
“Tôi đang đứng trên một bến cảng ở bờ biển. Trước mặt tôi là một con tàu vừa trương buồm chuẩn bị ra khơi. Con tàu trông mới hùng vĩ và đẹp làm sao ! Tôi đứng nhìn theo nó cho đến khi nó chỉ còn là một vệt trắng ở đường chân trời. Lúc đó, có một người bạn đứng cạnh tôi nói to lên rằng: “Xem kìa, con tàu đã biến mất rồi !”. Nhưng thực ra nó đâu có biến mất. Nó vẫn còn ở đó với chiếc buồm màu trắng và thân tàu to lớn đúng như kích thước khi tôi nhìn thấy nó đậu ở bến cảng. Hiện giờ nó đang trên đường đi đến một nơi đã định trước. Kích thước con tàu chỉ nhỏ dần đi trong mắt của tôi và cuối cùng đã biến mất khỏi tầm nhìn hạn hẹp của tôi mà thôi. Rồi ít ngày sau, con tàu đó sẽ tới một bến cảng mới. Tại nơi nó sắp cập bến lại vang lên tiếng nói đầy vui mừng của những người đang chờ đón người thân: “Ồ con tàu chúng ta chờ đợi đã đến rồi kìa !”. Con tàu đó chính là hình ảnh cái chết của mỗi người chúng ta”.
2) CẢM NGHIỆM VỀ THẾ GIỚI ĐỜI SAU:
Từ sau khi quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Na-ga-sa-ki của Nhật Bản, bác sĩ TA-KA-SHI NA-GAI (1908-1951) đã  trở thành một nhân vật nổi tiếng nhờ sự tận tâm và tấm lòng hy sinh cao cả phục vụ các nạn nhân bị nhiễm phóng xạ nguyên tử của ông. Sau khi ông chết, người ta đã tìm thấy mấy dòng tâm sự ông để lại, cho biết lý do tại sao từ một người vô thần ông đã trở thành một người tín hữu có đức tin mạnh vào Thiên Chúa như sau:
“Trong kỳ nghỉ Xuân, lúc đó tôi học hết năm thứ hai đại học y khoa, mẹ tôi bị trúng phong. Tôi hối hả chạy đến đầu giường của mẹ tôi khi ấy chỉ còn một chút hơi thở. Mẹ tôi trừng trừng mở mắt nhìn tôi thở hắt ra. Cái nhìn cuối cùng của cặp mắt bà mẹ đã sinh ra, đã giáo dục và đã thương yêu tôi đến cùng. Cặp mắt này nói cho tôi một cách rõ ràng: Sau khi chết, bà vẫn luôn ở bên tôi là Takashi yêu dấu của bà. Tôi nhìn vào trong cặp mắt đó. Tôi, một con người vốn không tin có linh hồn, tự nhiên đã cảm thấy linh hồn mẹ tôi đang có đó; linh hồn mẹ tôi khi chết đã lìa khỏi thân xác nhưng vẫn tồn tại mãi mãi”. Rồi Na-gai viết thêm: ”Từ đó, con người của tôi đã thay đổi hẳn: Dù tôi đã cố gắng hết sức nhưng cũng không thể khiến tôi tin rằng con người mẹ tôi đã hoàn toàn bị tiêu diệt… Con mắt tôi lần đầu tiên đã mở ra và nhìn thấy thế giới siêu hình”.
3) ÔNG VUA GIÀU CÓ VÀ ANH HỀ NGU DỐT:
Có một ông vua kia rất giầu sang phú quí. Ông sống như không cần biết đến tương lai. Ông cũng chẳng cần biết có cuộc sống sau khi chết hay không. Trong hoàng cung có một anh hề chuyên giúp vui trong các bữa tiệc. Theo nhà vua thì anh hề này có biệt tài giúp mang lại bầu khí vui tươi cho khách dự tiệc. Nhưng anh ta lại là một người ngu đần. Một ngày kia nhà vua cho gọi anh hề tới trao cho anh một cây thanh trượng và nói: "Ngươi hãy đi tìm cho ra một người ngu đần hơn ngươi để trao cây gậy này cho nó, rồi ta sẽ trọng thưởng cho ngươi." Chú hề nhận cây gậy và cố gắng đi tìm, nhưng anh ta tìm mãi mà vẫn không thể tìm ra ai ngu đần hơn mình để trao cây gậy.
Thời gian qua mau và tuổi già cũng đến vào lúc nhà vua không ngờ. Đến khi sức lực cạn kiệt, cảm thấy ngày gần đất xa trời không còn xa, nhà vua liền cho gọi anh hề đến nói chuyện. Nhà vua đã tâm sự với anh hề như sau:
- Trẫm sắp phải đi một chuyến đi thật xa.
- Dạ thưa Đức Vua sắp đi đâu ạ?
- Ta cũng chẳng biết nữa.
- Dạ thưa đi rồi bao giờ Đức Vua trở về?
- Không bao giờ , không bao giờ con ạ.
Anh hề là một người ngu nhưng giờ đây anh lại suy nghĩ rất chính xác. Anh nhẹ nhàng đặt cây gậy trước kia vua đã trao, trao lại vào tay nhà vua, rồi im lặng ta về, lòng cảm thấy nhẹ nhàng vui sướng vì đã hoàn thành nhiệm vụ. Giờ đây anh đã tìm ra một người ngu hơn mình. Đó chính là ông vua trước kia tự hào thông minh hơn anh gấp vạn lần.
3. SUY NIỆM:
Thực tế cho thấy con người ta ai cũng đều phải chết ! Chết là giai đoạn cuối cùng trong bốn giai đoạn cuộc sống của mỗi người chúng ta là: Sinh- lão- bệnh- tử. Nhưng chết là gì và sau khi chết chúng ta sẽ đi đâu ? Ta phải làm gì để được sống lại trong cuộc sống vĩnh hằng đời sau ?
1) Chết là gì và chết rồi con người sẽ đi đâu ?:
Chết là khi linh hồn lìa ra khỏi xác. Hầu hết nhân loại đều tin: chết không phải là đi vào cõi tiêu diệt, nhưng là trải qua một cuộc biến đổi từ cuộc sống vật chất trần gian sang cuộc sống vĩnh cửu đời sau được diễn tả qua câu nói: ”Sinh ký tử qui” - sống chỉ là ở tạm, chết mới là đi về. Nhưng đi về đâu ? Thưa là đi về với cội nguồn, về cõi vĩnh hằng với Đấng đã tạo dựng nên mình.
Riêng đối với các tín hữu là những người tin vào Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và đã đi theo con đường “qua đau khổ vào trong vinh quang” của Người thì chết là trải qua cuộc biến đổi với Đức Giê-su như lời thánh Phao-lô: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người” (2 Tm 2,11). Thánh Au-gút-ti-nô cũng nói lên niềm khát mong được nghỉ yên trong Chúa ở đời sau qua lời cầu nguyện: ”Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con hướng về Chúa, nên tâm hồn con vẫn còn khắc khoải mãi đến khi nào con được nghỉ yên trong Chúa”. Còn thánh nữ Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su lúc sắp chết cũng đã nói với các chị em đang đứng chung quanh về niềm tin của mình vào cuộc sống vĩnh hằng như sau: ”Em không chết đâu, em sắp đi vào cõi sống”.
2) Hai lập trường đối lập về mầu nhiệm kẻ chết sống lại:
-Trong thời Đức Giê-su, các người Biệt phái (Pha-ri-sêu) tin rằng: ngoài cuộc sống đời này còn một cuộc sống vĩnh hằng ở đời sau. Còn phái Xa-đốc gồm các tư tế Đền thờ lại không tin có cuộc sống đời sau như vậy. Do đó khi nghe Đức Giê-su giảng về sự kẻ chết sống lại, họ đã phi bác lại bằng việc đặt ra một câu chuyện giả tưởng không có thực như sau: Nhà kia có bảy anh em trai, người thứ nhất lấy vợ rồi chết mà không có con. Theo luật “Thế huynh” của Mô-sê, người thứ hai phải lấy người vợ góa đó, nhưng rồi người này cũng chết không con. Tới người thứ ba, tư, năm, sáu, bảy đều lần lượt lấy người vợ góa đó và cũng đều chết mà không để lại một người con nào. Vậy nếu có sự sống lại thì người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai trong bảy anh em ? Mục đích của phái Xa-đốc khi đưa ra câu chuyện này là để chứng minh niềm tin vào sự sống lại là vô lý. Vì nếu còn có cuộc sống đời sau như vậy thì chẳng lẽ người đàn bà ấy lại là vợ của cả bảy anh em nhà đó hay sao ?
-Để trả lời, trước hết Đức Giê-su cho biết tình trạng người ta sau khi sống lại sẽ không cưới vợ lấy chồng. Cuộc sống của họ sẽ hoàn toàn thanh khiết như "các thiên thần". Họ sẽ trở thành "con cái của Thiên Chúa" (Lc 20,34-36). Tiếp đến Đức Giê-su xác nhận sự kẻ chết sống lại là điều chắc chắn vì dựa trên Lời Thánh Kinh: Khi hiện ra với ông Mô-sê trong bụi gai cháy mãi không tàn, Đức Chúa đã tự xưng mình như sau: “Ta là Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, I-sa-ác và Gia-cóp” (Xh 3,6). Câu này hàm ý Thiên Chúa là Đấng hằng sống và điều khiển thế giới người sống. Các tổ phụ dân Do Thái dù đã chết nhưng linh hồn các ngài vẫn đang sống và thân xác các ngài sau này cũng sẽ sống lại.
3) Niềm tin của người tín hữu về cuộc sống đời sau:
Khi đọc kinh Tin kính, các tín hữu tuyên xưng đức tin vào mầu nhiệm này như sau: ”Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Thánh Phao-lô cũng đã khẳng định về một cuộc sống mới trong Đức Ki-tô: ”Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế ! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15,19-20). Cuộc sống của chúng ta nơi  trần gian là cuộc hành trình về quê trời. Cuộc sống ấy sẽ ra sao tùy thuộc vào cuộc sống hiện tại của chúng ta trên trần gian theo nguyên tắc: “gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy”.
4) Thể hiện đức tin vào mầu nhiệm này thế nào?:
- Một là không nên sợ chết: Những người không có đức tin sẽ rất sợ chết vì cho rằng chết đi là hết. Nếu người tín hữu sợ chết là tự mâu thuẫn với niềm tin của mình về một cuộc sống vĩnh hằng sau khi chết. Sách Công Vụ Tông Đồ đã thuật lại về cái chết anh dũng của Phó tế Tê-pha-nô tử đạo như sau: “Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa” (Cv 7,55-56).
- Hai là phải chuẩn bị cho cuộc sống mai hậu: Nếu một người chỉ lo kiếm tiền rồi lại tim cách hưởng thụ các nhu cầu vật chất thể xác thì sẽ chỉ gặt hái được thứ hạnh phúc bọt bèo chóng qua. Muốn đạt được hạnh phúc lâu dài cần phải có đức tin và sống phù hợp với đức tin ấy như câu ngạn ngữ tây phương sau đây:
“Nếu bạn muốn được hưởng hạnh phúc một ngày, hãy mua một một bộ quần áo mới.
Nếu bạn muốn được hưởng hạnh phúc một tuần, hãy giết thịt một con heo.
Nếu bạn muốn được hưởng hạnh phúc một năm, hãy lập gia đình với người mình yêu.
Nếu bạn muốn được hưởng hạnh phúc một đời, hãy sống một cuộc sống lương thiện.
Nếu bạn muốn được hưởng hạnh phúc muôn đời, hãy sống như một tín hữu tốt lành”.
Người tín hữu tốt sẽ luôn sống giới răn mến Chúa yêu người theo lời Chúa dạy trong “Tám Mối Phúc Thật” (x. Mt 5,3-12). Thánh Phao-lô cũng cho biết có sự thưởng phạt người lành kẻ dữ trong ngày tận thế: ”Ngày đó Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ đã làm” (Rm 2,6).
- Ba là năng cầu nguyện cho các người thân qua đời: Hằng năm, Hội thánh dành riêng tháng Mười Một để khuyến khích các tín hữu cầu nguyện cho ông bà cha mẹ đã qua đời. Đây cũng là cơ hội giúp chúng ta suy nghĩ về bốn sự sau là: sự chết, sự phán xét, thiên đàng và hỏa ngục. Chính sự chết dạy cho chúng ta biết phải sống như thế nào. Niềm tin vào Thiên đàng hay hỏa ngục sẽ giúp chúng ta tránh những đam mê hạnh phúc giả tạo đời này và động viên chúng ta can đảm chịu đựng những đau khổ gặp phải để đền tội và đi con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” để về quê trời đời sau. Trong tháng này, khi làm các việc lành cầu cho các linh hồn là chúng ta thể hiện niềm tin vào mầu nhiệm kẻ chết sống lại và cuộc sống vĩnh hằng đời sau.
4. THẢO LUẬN: Ngày nay nhiều người chỉ biết đi tìm thứ hạnh phúc bọt bèo chóng qua trong những thú vui nhục dục và những đam mê bất chính. Bạn sẽ làm gì để hồi tâm sám hối và quyết tâm sống cuộc đời bác ái yêu thương để tuyên xưng đức tin vào cuộc sống vĩnh hằng đời sau?
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Khi đọc kinh Tin kính, tuy miệng con tuyên xưng mầu nhiệm kẻ chết sống lại và tin có sự sống đời sau, nhưng trong thực hành, con lại thường lỗi đức công bình khi có cơ hội, gây ra bao thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần cho tha nhân, mà không nghĩ đến việc con sẽ phải đền trả khi ra trước tòa Chúa phán xét sau này. Dường như đức tin của con mới chỉ là thứ đức tin lý thuyết và không đủ mạnh để ngăn cản con khỏi sống ích kỷ và tội lỗi. Trong Tin mừng hôm nay, chính Chúa đã khẳng định rằng: Thân xác lòai người sau này sẽ sống lại. Khi ấy người ta sẽ không còn cưới vợ lấy chồng, không còn bon chen kiếm sống như ở trần gian, nhưng mọi người sẽ trở nên giống như các thiên thần của Thiên Chúa và được sống hạnh phúc muôn đời.
- LẠY CHÚA, con muốn rằng: ngay từ bây giờ con sẽ thuộc trọn về Chúa. Con xin dâng lên Chúa tất cả tâm tư, cùng những niềm vui nỗi buồn và những ước vọng của con. Xin Chúa thương nhận và ban xuống dồi dào hồng ân cứu độ cho con. Xin cho con luôn phó thác cuộc sống trong tay Chúa và sẵn sàng đón nhận mọi thử thách, với niềm tin rằng chúng đều hữu ích cho phần rỗi đời đời của con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH - HHTM

==============
Suy niệm 5
Tin xác loài người ngày sau sống lại

(Lc 20, 27-38)

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay hướng chúng ta về ngày chung cuộc và nuôi dưỡng đức tin cũng như củng cố niềm hy vọng của chúng ta vào Thiên Chúa, Đấng đã tạo thành vũ trụ muôn loại trong đó có chúng ta là Thiên Chúa hằng sống.
Bài đọc trích sách Maccabê quyển thứ II nói với chúng ta về việc sống lại sau này:"Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi được sống lại trong cuộc sống đời đời" (x. 2 Mcb 7,1-2.9-14 ); Tin Mừng khẳng định: "Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống" (Lc 20,27-38). Còn thánh Phaolô khuyên bảo chúng ta một vài công việc cụ thể phải làm trong khi chờ đợi ngày Ðức Giêsu Kitô trở lại.
Thiên Chúa Hằng Sống
Thiên Chúa “Đấng Hằng Sống” đã từng tỏ mình cho ông Môisê qua bụi gai cháy bừng khi ông Môisen hỏi Chúa: “Ngài là ai?” Thiên Chúa phán: “Ta là Đấng Tự hữu” (Xh 3,14). “Tự hữu”, có nghĩa Ngài là Đấng vô thủy vô chung, phép tắc vô cùng, là “Thiên Chúa Hằng Sống”.
Tin vào Thiên Chúa Hằng Sống, là niềm tin căn bản của người Do Thái. Chúa là Đấng sáng tạo mọi loài và ban cho chúng sức sống. Dù trời đất có qua đi, Thiên Chúa vẫn tồn tại, bởi Ngài là Đấng Hằng Sống. Niềm tin ấy đã giúp con người vượt lên mọi khó khăn nghiệt ngã của cuộc đời. Ông Gióp, trong cảnh khốn cùng, đã không mất niềm hy vọng vào Chúa. Cuộc sống đang an lành, bỗng nhiên ông mất hết mọi sự: con cái, tài sản, người thân… Bản thân ông phải ngồi trên đống tro, bạn bè xa lánh. Người vợ cũng nặng lời nguyền rủa ông là đồ vô phúc. Dù vậy, ông vẫn xác tín một niềm: “Tôi biết rằng Đấng Cứu chuộc tôi hằng sống” (G 19,25). Ông là mẫu mực cho những người tín hữu thánh thiện trung thành. Niềm tin vào Đấng Hằng sống cũng ban sức mạnh cho biết bao vị tử đạo Do Thái, vào thời đất nước bị Hy Lạp hóa và Do Thái giáo bị bách hại. Người mẹ can đảm mẫu mực được kể lại trong sách Maccabê đã khuyên các con: “Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình” (2 Mcb 7,23). Người mẹ đạo đức và các con đã vui lòng chấp nhận sự chết, vì họ tin rằng, Chúa sẽ cho họ sống lại và hưởng phúc vinh quang. Ngài cũng luôn trọng thưởng cho những ai trung tín với Ngài.
Tin sự sống lại
“Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” là lời tuyên xưng chúng ta vẫn đọc trong Kinh Tin Kính. Quả thật, Cái chết không là một phần kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu” (Kn 1 , 13-14). “Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa” hay “vì Chúa.” (Lc 20, 37-38). Tin kẻ chết sống lại là một niềm tin đã có từ lâu nơi các dân tộc, đặc biệt nơi những người Do Thái. Họ tin rằng những ai trung thành với lề luật của Thiên Chúa, thì sẽ được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Tuy nhiên, niềm tin vào sự sống lại đời sau vẫn là một thách thức đối với nhiều người, khiến họ không dễ chấp nhận. Nhóm người thuộc phái Sađucêô thời Chúa Giêsu đâu có tin sự sống lại. Họ không chấp nhận niềm tin này, nên họ mới đặt vấn đề với Chúa Giêsu: Có một người cưới bảy anh em trai, mà cuối cùng chết đi không ai có con, thì sau này nếu như sống lại người ấy là vợ của ai trong số họ? Họ nghĩ, cuộc sống đời sau hoàn toàn giống như cuộc sống tại thế, cũng dựng vợ gả chồng, cũng xây nhà cửa, cũng có của cải vật chất…Chúa Giêsu trả lời: “Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại“. (Lc 20, 34-36)
Trường hợp bảy anh em đã liên tục kết hôn với cùng một người phụ nữ như nhóm Saducêô trưng dẫn. Đối với họ là bằng nhau, lặp đi lặp lại cùng một điều: đó là tình yêu đích thực và món quà mỗi cặp vợ chồng, khách quan tất cả đều tốt, Thiên Chúa sẽ không xóa nhòa nhưng hoàn tất nó ở trên trời. Trong Thiên Chúa sẽ không có sự cạnh tranh hay ghen tuông: những điều không thuộc về tình yêu đích thực, hay dưới ách thống trị do hậu quả của tội lỗi, sẽ không tồn tại ở trên trời.
Sống niềm hy vọng
Có “một cuộc sống khác” đang chờ đợi chúng ta, như Đức Giêsu nói: “Họ là con cái Thiên Chúa“. Đối với Chúa Giêsu chắc chắn rằng một vài lời nói lên tất cả , bởi vì đối với Ngài không có hạnh phúc lớn hơn: là con cái Thiên Chúa được chia sẻ trọn vẹn sự sống của Thiên Chúa.
Sống, yêu, ca tụng, vui mừng … tất cả những động từ này sẽ đề cập đến thực tế duy nhất tồn tại ở nơi Thiên Chúa, những người cuối cùng sẽ là “tất cả trong mọi sự” ; “Bởi lòng yêu mến Người đã tiền định cho ta được phúc làm con, nhờ Ðức Yêsu Kitô, và vì Người, chiếu theo nhã ý của thánh chỉ Người,“(Ep 1, 5 ).
Lời của bài hát “Niềm Hy Vọng Hằng Sống” của nhạc sĩ Ân Đức minh họa phần nào: “Tôi tin rằng Đấng Cứu chuộc tôi hằng sống và ngày tận thế tôi sẽ từ bụi đất sống lại và trong thân thể này tôi sẽ được chiêm ngưỡng Đấng Cứu chuộc tôi”.
Lạy Chúa, “Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống: trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!” (Tv 16). Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

==============
Suy niệm 6
Thiên Chúa Của Kẻ Sống

2Mcb 7,1-2.9-14; 2Tx 2,16-3,5; Lc 20, 27-38

Những người thuộc nhóm Sađốc chủ trương không có sự sống lại. Nhưng họ biết là Thầy Giêsu, những người Pharisêu và đa số dân chúng đều tin vào sự sống lại. Vì muốn bác bỏ niềm tin này, họ dựa vào luật Môsê, bịa ra chuyện trớ trêu về người phụ nữ có bảy đời chồng, một câu chuyện khá hấp dẫn để gài bẫy, bằng cách hỏi khó Thầy Giêsu, vừa chế giễu niềm tin vào sự sống lại và để bảo vệ chủ trương của họ: “Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ”? (Lc 20, 33).
Chất vấn thật khó xử như vậy, mà Thầy Giêsu lý giải thật minh bạch rõ ràng mọi nhẽ: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai… Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” (Lc 20, 34-38). Đời này người ta còn dựng vợ gả chồng, sinh con cái, tính toán làm ăn mưu sinh, còn có quy luật sinh-lão-bệnh-tử. Thầy Giêsu nói đến cảnh sống ở đời sau, khi sống lại người ta được thanh thoát như thiên thần, không ăn uống ngủ nghỉ, hoạt động về thể lý, không còn lệ thuộc vào những công lệ tự nhiên của trần gian như người đời. Thầy Giêsu chứng minh sự bất tử của linh hồn, Thầy giải thích thật hợp lý hợp tình. Tôi đang sống cuộc đời này thì cứ sống giây phút hiện tại cho thật đẹp, cần chi tìm lo biết nhiều về tương lai, có khi lại bê trễ đời hiện tại. Có câu hát rằng: “Ôi cuộc sống đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp, mùa xuân đâu chỉ có hoa thơm và nắng hồng. Cuộc đời còn có cả những nụ hôn”. Vâng, cuộc sống đời này không phải chỉ có cơm áo gạo tiền, nhưng cần có tình yêu. Và chỉ có Tình Yêu của Chúa mới lấp đầy nỗi lòng con người. Khi được no thỏa Tình Yêu thì lòng tôi hân hoan vui sướng, dù trong khó khăn đau khổ chẳng nề, sống quảng đại vị tha, khốn khó trở nên nhẹ nhàng vì có Tình Yêu. Giữa cuộc đời trần thế mà được Tình Yêu siêu nhiên nâng cao lên, đến độ biết hiến mạng sống mình vì người mình yêu, thể hiện ngay trong gia đình, nơi những người thân, những người mà tôi gặp gỡ. Như thế ngay cuộc sống đời này đã có dấu hiệu về sự sống đời sau. Nếu chúng con cảm nhận được cuộc sống tốt đẹp mai sau ngay trong đời hiện tại gắn bó với Chúa, chúng con sẽ minh chứng được rằng: “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” (Lc 20, 38).

Én Nhỏ

                                                    

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log