Thứ hai, 27/01/2025

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật IV Mùa Vọng năm A

Cập nhật lúc 16:31 15/12/2022
Suy niệm 1
Mt 1, 18 – 24
Mọi cô gái Do Thái đều nôn nóng lấy chồng, để sinh thật nhiều con, làm cho tổ phụ Apraham trở thành cha của một dân tộc đông như sao trời và cát biển. Nhưng ở làng Nadaret có một cô gái tên là Maria lại không muốn lấy chồng để dành hết thời giờ phục vụ Đấng Toàn Năng. Nguyện vọng ấy chẳng giống ai, mà còn là nỗi tủi nhục cho dòng họ. Cha mẹ cô bắt cô phải lấy chồng. Thế là có một đám nói mà chú rể là chàng thợ mộc tên là Giuse. Còn cô dâu là Maria. Theo luật Do Thái thì đám nói biến hai cô cậu thành vợ chồng thật, nhưng theo tục lệ thì qua một năm mới rước dâu.
Trong thời gian chờ đợi rước dâu, thì sứ thần hiện ra báo tin cho cô Maria là cô sẽ thụ thai một bé trai, đặt tên là Giê su. Bé Giê su chính là Đấng Cứu Thế. Cô Maria thắc mắc vì cô vẫn giữ lập trường sống độc thân. Sứ thần cho biết là cô thụ thai Đấng Cứu Thế bởi quyền phép của Chúa Thánh Thần, nên vẫn còn đồng trinh. Cô Maria đồng ý ngay. Sau đó cô vào miền Nam thăm bà chị là Êlidabet cũng vừa nhận được hồng ân của Chúa, là thụ thai con trai trong tuổi già khụ khị.
Cô Maria ở với bà chị Êlidabet ba tháng, rồi trở về Nadaret với cái bầu ba tháng rưỡi. Chưa rước dâu mà đã có bầu, ai nấy đều vừa vui vừa xầm xì với nhau “ăn cơm trước kẻng”. Riêng anh chàng Giuse thì điên cái đầu. Rõ ràng là ngoại tình, chứ không phải là ăn cơm trước kẻng. Theo luật thì phải ném đá cho chết. Nhưng anh Giuse vẫn phân vân vì thấy cô vợ Maria vẫn vui như tết. Có lẽ Giuse vốn có cái tâm thiện, nên không nỡ tố cáo để ném đá. Anh tha chết cho cô Maria, nhưng không tổ chức rước dâu, nghĩa là ly dị một cách âm thầm.
Trong khi anh Giuse đang điên đầu về cái bầu của cô Maria, thì sứ thần của Chúa đã đến can thiệp bằng lời nhắn nhủ trong giấc mơ. Sứ thần cho Giuse biết cái bầu ấy là sự cố cực kỳ quan trọng. Sự cố ấy là Đấng Cứu Thế sắp ra đời mà anh phải đặt tên cho bé là Giê su. Cô Maria thụ thai Đấng Cứu Thế bởi quyền phép siêu mầu nhiệm của Chúa.
Anh Giuse vừa quá mừng vì lịch sử đã sang trang nhưng lại quá hối hận vì đã nỡ nghĩ quá xấu cho một bà hoàng vĩ đại như thế. Giuse vội vàng tổ chức rước dâu và quyết tâm đền tội bằng cách tôn sùng và hết sức làm vui lòng Bà Hoàng Maria. Cụ thể là đồng ý cho Bà Hoàng giữ mình đồng trinh suốt đời. Anh Giuse cũng rất hãnh diện vì mình cũng sống đồng trinh như Bà Hoàng khả kính.
Có một điều khá khôi hài là tại sao sứ thần Gáprien không báo tin kỳ diệu ấy cho anh Giuse sau khi báo tin cho cô Maria. Đó là cách giải quyết vấn đề sống đồng trinh cho cả hai vị: Đức Maria và thánh Giuse. Chúa không giải quyết bằng phép lạ, mà bằng phép thường. Hai cú sốc lớn của thánh Giuse: một là tưởng mình bị vợ cắm sừng; hai là mình nỡ tâm nghĩ quá xấu cho một vị thánh quá lớn lao như vậy. Hai cú sốc ấy biến thánh Giuse trở thành vị siêu thánh chứ không phải là người phàm bình thường. Chúng ta nên cùng thánh Giuse sống thánh thiện và tôn sùng Đức Maria.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 2
THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA

Mt 1, 18-24

Bài đọc 1 cho chúng ta biết, vua Akhát bị đe dọa bởi ngoại bang, nên nghĩ đến việc cầu cứu quân Assyri. Ngôn sứ Isaia đã ngăn cản và khuyên ông đừng sợ, hãy trông cậy vào sự trợ giúp của Thiên Chúa hơn là cậy dựa vào liên minh quân sự. Để khuyến khích nhà vua thêm tin tưởng, Isaia cho nhà vua một dấu chỉ: “Này đây một phụ nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuen, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Lời tiên tri này ứng nghiệm ngay cho Akhát, là vợ vua thụ thai và sinh hạ một thái tử. Câu Kinh Thánh này về sau được hiểu là lời tiên tri về Đấng Mêsia sẽ được sinh ra bởi một trinh nữ. Vì thế, bản dịch 70 bằng tiếng Hy Lạp đã dùng chữ "trinh nữ" thay vì chữ "phụ nữ", nói lên ý nghĩa nhiệm mầu trong chương trình của Thiên Chúa.
Thánh Mátthêu trích dẫn lại lời Kinh Thánh trên để xác định người trinh nữ ấy chính là Đức Maria, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và sinh hạ Đức Giêsu cứu thế. Sự việc này diễn ra một tình tiết rất gay go, là khi Giuse biết Maria đã có thai trước khi về chung sống với mình. Để giải quyết vấn đề, ông dự tính là “đào vi thượng sách” để vẹn toàn cả đôi bên. Không những thế mà còn bảo toàn mạng sống của hai mẹ con vàbảo đảm phẩm giá của Maria. Giuse được gọi “là người công chính” trước tiên ở chỗ không nhận là của mình cái gì không thuộc về mình, đồng thời tôn trọng điều mình không hiểu hết. Còn nếu như Giuse đã biết được sự thật một cách nào đó, thì việc bỏ đi cách kín đáo cũng là thái độ tôn kính mầu nhiệm Thiên Chúa đã thực hiện nơi Maria.
Theo luật người Do Thái thì Giuse phải tố cáo Maria. Đó mới là người công chính. Nhưng công chính còn có nghĩa sâu hơn khi hành động với lòng nhân từ. Giuse không coi thường lề luật của cha ông, nhưng luật cao hơn hết là luật yêu thương. Ông muốn gìn giữ danh thơm tiếng tốt cho người mình yêu dấu. Giuse có ý định bỏ đi không phải là toan tính làm theo ý mình, nhưng vì thấy điều đó phù hợp với ý Thiên Chúa. Chính vì vậy mà sau khi sứ thần truyền tin về ý định của Thiên Chúa thì ông sẵn sàng thi hành ngay, không chút lưỡng lự. Cũng như Maria biết có thể gặp nguy nan khi chấp nhận cưu mang Con Thiên Chúa, thì Giuse cũng không kể gì đến bản thân mình khi tiếp nhận Maria về nhà làm vợ.
Để Con Thiên Chúa làm người, cần tiếng Xin Vâng của Maria, nhưng không thể thiếu tiếng Xin Vâng của Giuse. Đón nhận Maria đang mang thai và đặt tên cho Hài Nhi trong tư cách một người cha, đã khiến cho Giuse có một chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử cứu độ. Thiên Chúa toàn năng, nếu Ngài đã tạo dựng thế giới chỉ bằng một lời phán, thì Ngài cũng có thể cứu chuộc loài người bằng một lời tha thứ. Nhưng Ngài đã không làm như thế, nhưng muốn hy sinh xuống thế làm người để cứu chuộc, và muốn con người cộng tác vào công trình cứu chuộc của Ngài.
Chúng ta thường tranh thủ để làm mọi thứ theo ý mình mà ít khi xét đến ý Chúa.Thuận theo ý Chúa, trước mắt có thể bất lợi cho mình, nhưng đó mới thật sự là điều có lợi sâu xa và cao cả. Tầm nhìn của chúng ta bao giờ cũng hạn hẹp, nhằm vào cái lợi cá nhân trước mắt. Chỉ có Chúa mới thấy điều có lợi nhất cho ta khi mời gọi ta hành động theo ý Ngài. Ngài muốn nâng cao chúng ta trong phẩm cách làm người và làm con Thiên Chúa, nhưng chúng ta lại muốn bảo toàn mình trong lối sống tầm thường.
Ngay trong những trường hợp cam go hay khốn khó nhất, thì cũng hãy tin rằng, Chúa vẫn ở cùng chúng ta, vì danh Ngài là Emmanuen. Có “Thiên Chúa ở cùng” hay “ở với” là điều làm cho con người trở nên phi thường. Trong Kinh Thánh, khi Thiên Chúa chọn ai hay sai ai đi thi hành sứ mạng, thì luôn có lời hứa bảo đảm là “Ta ở với ngươi”. Lời chúc phúc lớn lao nhất cũng là “Có Chúa ở cùng”. Có Chúa ở cùng tôi, tôi chẳng sợ gì, hỏi người đời làm chi tôi được? (Tv 118,6).Đức Maria diễm phúc vì có Thiên Chúa ở cùng. Trước khi về trời, Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28, 20). Xác tín sâu xa điều này, ta không còn phải lo sợ gì nữa, để có thể thoát ra khỏi mọi ràng buộc và bứt phá mọi giới hạn để sống theo ý Chúa.
Hướng về lễ Giáng Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể làm người và nhập thế để cứu chuộc. Tất cả mầu nhiệm đều gói gọn trong câu: “Lạy Thiên chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10, 7). Giữa một thế giới đầy những ồn ào và xáo trộn, ta chỉ có thể nghe được tiếng Chúa trong thinh lặng nội tâm. Hôm nay có thể Chúa không nói với ta qua giấc mơ, nhưng qua nhiều cách khác, rất riêng tư, chỉ mình ta cảm nhận. Nếu ta dám bất chấp sự an toàn của bản thân mình để mau mắn nói tiếng Xin Vâng như Đức Maria và như thánh Giuse, ta sẽ góp phần với Chúa vào việc cứu độ cả thế giới.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Lời hứa năm xưa nay đà ứng nghiệm,
khi Chúa sinh ra bởi Đức Nữ Trinh,
nhờ quyền phép của chính Chúa Thánh Linh,
Ngài nhập thể để cứu nhân độ thế.

Thánh Giuse ngay từ đầu không biết,
nên âm thầm đã dự định bỏ đi,
nhưng khi ngài biết được là thánh ý,
liền sẵn sàng vui đón nhận thực thi.

Để Ngôi Lờixuốnglàm người thật,
cần có tiếng Xin Vâng của hai đấng,
và các ngài không xá kể bản thân,
từ bỏ hết để góp phần với Chúa.

Con tin rằng trong cuộc sống hôm nay,
Chúa vẫn luôn mời gọi con mỗi ngày,
qua Lời Chúa qua biến cố đổi thay,
qua rủi may hay buồn vui sướng khổ.

Chúa vẫn luôn hiện diện trong mọi chỗ,
vẫn đồng hành và nâng đỡ hộ phù,
nhất là cho những ai đang khốn khổ,
vì danh Ngài là Em-ma-nu-en.

Xin Chúa thương ở cùng con trọn vẹn,
dẫu đời con vẫn có những hư hèn,
để từ đây con dứt bỏ mọi bon chen,
sống cho Chúa như lời xưa ước hẹn.

Cũng như thánh Giu-se và Đức Mẹ,
cho chúng con biết tập chú lắng nghe,
nghe tiếng Chúa trong mọi nơi mọi lúc,
và sẵn sàng đáp trả tiếng
“xin vâng”,
để hôm nay Chúa đến với cuộc trần,
đem an bình cho tất cả thế nhân. Amen.


Lm. Thái Nguyên

=================
Suy niệm 3
“CHÚA Ở VỚI CON”

Chuyện kể rằng: Một linh mục người Ai-len tên là Gio-an đã dành nhiều năm tận tâm đồng hành và thuyết phục chàng thanh niên bỏ đạo trở về với Giáo hội, nhưng mọi thứ trở nên tốn công vô vọng, vì bao lời khuyên răn vẫn chỉ là số không. Tuy nhiên, một lần nọ, Mẹ Tê-rê-sa Cal-cút-ta (hiện giờ là Thánh nhân) được mời đến thăm viếng nước Ai-len. Ban tổ chức đã cố gắng sắp xếpmột buổi nói chuyện thân mật giữa Mẹ với các bạn trẻ. Trong cuộc chuyện trò, Mẹ chỉ nói về tình yêu Thiên Chúa một cách giản dị: ‘Chúa yêu thương các bạn; Ngài luôn đồng hành với các bạn’. Sau đó Mẹ rời thành phố, mọi người trở về nhà mình.
Và cũng chính ngày này, một hồi chuông điện thoại reo vang đánh thức cha Gio-anlúc nửa đêm. Ngài nhấc vội chiếc điện thoại, và đầu dây bên kia là giọng nói của chàng thanh niên năm nào: ‘Alô thưa cha, con muốn xưng tội. Con muốn trở về với Giáo hội ạ!’
– Chuyện gì xảy ra với con vậy?Vị linh mục hỏi lại. Ngài tưởng chừng chàng thanh niên đang bị tai nạn hiểm nghèo đâu đó, nên vội dọn mình từ biệt ra đi.
Nhưng anh ta trả lời: ‘Thưa cha, vì chiều nay Mẹ Tê-rê-sa đã đánh động lòng con với một câu nói ạ!’.
Vị linh mục ngạc nhiên: ‘Thế à, vậy Mẹ nói lời gì? Chắc hẳn nơi diễn ra buổi nói chuyện với Mẹ không còn chỗ trống, và như vậy, Mẹ đâu có cơ hội để gặp riêng con?’
– Vâng thưa cha, Mẹ không gặp riêng con, nhưng Mẹ đã nói với mọi người, trong đó có con. Mẹ nói rằng: ‘Chúa ở với các con!’
Vừa nghe xong, cha Gio-an càng ngạc nhiên hơn: ‘Chẳng phải nhiều lần cha đã nói với connhư thế sao, mà hôm nay conmới bị đánh động bởi lời nói ấy của Mẹ Tê-rê-sa?’
Chàng thanh niên từ tốn giải thích: ‘Thưa cha, vì Mẹ đã nói câu đó với cả con tim, từ trong sâu thẳm của tâm hồn. Mẹ đã nói với con bằng tất cả con người của Mẹ’.
Quả thật, lời nói không xuất phát từ một chuỗi công thức có sẵn hay do một thói quen xã giao thông thường nào đấy thúc đẩy, mà nó khởi đi từ tâm hồn yêu thương hết mực mới thuyết phục, hoán cải, và truyền đạt được ý nghĩa chân thực nhất của danh hiệu Emmanuel-Thiên Chúa-ở-cùng-chúngta. Không chỉ là danh hiệu đơn thuần, mà là lời cam kết của Thiên Chúa đã yêu thương con người chúng ta từ thuở ban đầu: “…Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là ThiênChúa-ở-cùng chúng ta” (Is 7, 14). Đây chẳng phải là lời hứa suông, lời hứa cho vui lòng ‘chư dân’, mà là chương trình Thiên Chúa trao ban ơn cứu độ (nhiệm cục cứu độ) cho nhân loại.
Thiên Chúa không nói hai lời, không sống hai lòng, hay ‘đầu môi chót lưỡi’ như con người yếu hèn chúng ta, mà Ngài thực hiện kế hoạch yêu thương - cứu rỗi con người qua lời các ngôn sứ từ ngàn năm trước cho đến thời Tân ước: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là ThiênChúa-ở-cùng-chúngta” (Mt 1, 23).
Người ta thường nói: ‘Nhập gia tuỳ tục’. Nhưng Chúa ‘nhập thế’ theo cách của Ngài. Thiên Chúa ‘nhập gia’ không cần ‘tuỳ tục’. Ngài đi vào cuộc đời chúng ta, bước vào ‘căn nhà’ của Mẹ Ma-ri-a, Thánh Giu-se và tất cả chúng ta, nhưng không làm theo những gì chúng ta đã sắp xếp, mà trái lại, Ngài thực hiện theo thánh ý. Vậy, Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta (Emmanuel) trong mọi khoảnh khắc đời thường, khi vui mừng cũng như lúc đau buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi được hậu thuẫn cũng như lúc bị chống đối, khi khoẻ mạnh cũng như lúc bệnh tật, v.v…Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta kể cả khi chúng ta khước từ hoặc không nhận ra sự hiện diện của Ngài. Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta trên mọi nẻo đường chúng ta đi, trong mọi biến cố cuộc sống (sinh-lão-bệnh-tử), nơi những gì chúng ta hoạch định, dự kiến…
Ngạn ngữ Ni-gê-ri-a có câu:‘Hãy lắng nghe, và bạn sẽ nghe được những bước chân của các con kiến’. Nào ai nghe được âm thanh phát ra từ bước đi của những chú kiến! Tuy nhiên, nếu chú tâm và lắng nghe bằng con tim, chúng ta sẽ cảm nhận được, thậm chí ‘âm thanh của sự tĩnh lặng’. Với tâm tình ấy, chúng ta cảm nghiệm sâu sắc hơn tình yêu mà Thiên Chúa dành cho bản thân, cho gia đình, cho cộng đoàn, v.v…qua sự hiện diện khôn cùng của Ngài - Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta (Emmanuel). Chỉ có thế, tâm hồn chúng ta sẽ được chạm tới, sẽ được đánh động, sẽ bình tâm, sẽ được hứng khởi vì ‘Chúa-ở-cùng-chúng ta’. Ước gì, chúng ta cũng năng tháp nhập và ở-cùng-với Chúa trong ân sủng của Ngài.
Em-ma-nu-el, Chúa ở cùng con
Với tấm lòng son, trọn niềm trìu mến
Không lời từ khước, bước vào tâm can
Thánh hoá hồn con, sướng vui ngập tràn. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 4
Thiên Chúa gắn bó với con người 
Mt 1, 18-25         

Bài Tin mừng Chúa nhật nầy đề cập đến tước hiệu của Chúa cứu thế là Em-ma-nu-en. Tước hiệu nầy đã được ngôn sứ I-sai-a tiên báo từ ngàn xưa: “Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta" (Mt 18,23).
Tước hiệu nầy gói ghém ước vọng của Thiên Chúa là ở mãi với loài người, gắn bó với con người như mẹ hiền và con thơ.
Không hề có vị vua nào trên dương gian từng lìa bỏ hoàng cung cao sang diễm lệ, tìm đến với người cùng đinh, dựng chòi ở với họ, sống kiếp lam lũ, bần cùng để chia vui xẻ buồn với họ.
Thế mà Vua Trời cao cả vô song, đầy quyền năng phép tắc, là Ngôi hai Thiên Chúa uy hùng, đã hạ mình xuống cõi trần ai thấp hèn khốn khổ, trở nên người phàm bé mọn như chúng ta, cắm lều cư ngụ giữa loài và chia sẻ thân phận làm người với họ. Như thế, Ngài đúng là Em-ma-nu-en, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.
Thiên Chúa gắn bó với con người 
Người mẹ hiền không hề muốn xa lìa con thơ, dù chỉ trong giây lát. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, mẹ cũng muốn có con bên cạnh để vỗ về chăm sóc. Chúa Giê-su cũng mang tâm trạng đó, Ngài muốn chúng ta với Ngài luôn ở với nhau. Ngài bày tỏ với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, con muốn rằng Con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho Con cũng ở đó với Con…” (Ga 17,24).
- Khi sắp từ giã các môn đệ để nộp mình chịu tử nạn, Chúa Giê-su cũng trấn an các môn đệ rằng Ngài chẳng hề lìa xa các ông. Ngài nói: “Anh em đừng xao xuyến! … Thầy đi dọn chỗ cho anh em…. Thầy sẽ lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. (Ga 14,1-3). Y như mẹ hiền gắn bó mật thiết với con thơ.
- Rồi khi tạm biệt các môn đệ để về Trời, Chúa Giê-su cũng quả quyết với các ông: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Hôm nay, mặc dù Chúa Giê-su đã về trời ngự bên hữu Chúa Cha, Ngài vẫn tiếp tục hiện diện cách thiêng liêng trong tâm hồn của các tín hữu và trong Hội thánh.
Chúa Giê-su tiếp tục ở với chúng ta qua Lời của Ngài. Chính Ngài ngỏ lời với ta khi Giáo hội công bố Lời Chúa.
Chúa Giê-su tiếp tục ở với chúng ta khi chúng ta họp nhau nhân danh Ngài. Ngài nói: “Khi có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, Thầy sẽ ở giữa những người đó” (Mt 18,20).
Ngoài ra, Chúa Giê-su cùng với Chúa Cha và Thánh Thần thường xuyên cư ngụ trong lòng chúng ta như trong cung điện của Ngài. Ngài phán: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Gioan 14, 23).
Thế nhưng bấy nhiêu cũng chưa thoả lòng yêu thương nên Chúa Giê-su còn lập nên bí tích Thánh Thể, hiện diện thực sự dưới hình bánh rượu để cho chúng ta được rước Chúa vào lòng, để chúng ta được trở nên đồng huyết nhục với Chúa, được sống trong Chúa và Chúa sống trong chúng ta, cả hai hoàn toàn nên một.
Lạy Chúa Giê-su,
Nguyện vọng tha thiết nhất của Chúa là ở với loài người mọi ngày cho đến tận thế. Và điều khiến Chúa đau lòng nhất là bị nhân loại từ khước như thánh Gioan nhận định trong Tin mừng thứ tư : “Ngài ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài. Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận Ngài !” (Gioan 1, 10-11).
Xin cho chúng con đừng bao giờ khước từ hay xa cách Chúa, nhưng luôn gắn bó mật thiết với Chúa như con thơ ở với mẹ hiền. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

=================
Suy niệm 5
Emmanuel – Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta

(Mt 1, 18 - 24 )

Emmanuel -Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta!
Là lời của ngôn sứ Isaia nói với Akhát vua người Do Thái lúc bấy giờ đang đang lo sợ một quốc gia hùng mạnh khác đe dọa chiếm lấy vương quốc của mình. Ngôn sứ Isaia thông báo rằng, vợ của vua Akhát  sẽ sinh một con trai, và người con này sẽ trở nên một vị vua nổi trội hơn cả cha mình.
Với cái nhìn của chúng ta hôm nay òn nhìn thấy một ý nghĩa sâu xa hơn, đó chính  là Thiên Chúa đến với con người qua việc hạ sinh Chúa Giêsu bởi Đức Maria Đồng Trinh. Tin Mừng Thánh Mátthêu, việc nhắc đến Đức Giêsu, được nhấn mạnh bằng sự giải thích “Emmanuel” nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.”
Emmanuel - Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta!
Đó là kế hoạch của Thiên Chúa, huyền nhiệm của sự dữ, sự chiến thắng của ân sủng Chúa trên sự dữ... Có một Đấng Quyền Năng hơn chúng ta đang đến,đã đến, mở đường giải thoát chúng ta khỏi sự chết, dẫn đưa chúng ta đến bến bờ mới và đổ tràn Thần Khí của Ngài trên loài thụ tạo. Sự tốt lành và thánh thiện của Thiên Chúa mạnh hơn mọi sự dữ trên thế gian này.
"Này đây, Chúa toàn năng đến: Người sẽ được gọi là EmmanuelThiên-Chúa--cùng-chúng-ta!" (Is 7,14). Những lời trên đây của ngôn sứ Isaia được lặp lại trong các ngày này, đặc biệt Chúa nhật thứ IV, để khẳng định rằng Trái đất vẫn rất đáng yêu và con người vẫn còn đáng mến. Thiên Chúa đến vì mến địa cầu, Thiên Chúa thương vì tình thương vấn vương khi tạo dựng. Chúa đã đến. Emmanuel - Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta!Thiên Chúa đã đến thế gian và cho dù thế nào đi nữa, Thiên Chúa vẫn ở cùng thế gian.
Đó là lý do vì sao Lễ Giáng Sinh là “niềm vui”. Hài Nhi được sinh ra ở Bêlem là Emmanuel, là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta!
Toàn bộ phụng vụ xoay quanh lời ngôn sứ: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta". (Is 7,14 ; Mt 1,23). Nếu bài đọc I, ngôn sứ tuyên sấm lời Thiên Chúa hứa: "Sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai…" ((Is 7,14), thì lời hứa ấy được thực hiện trong Bài Tin Mừng : Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai …" Mt 1,23). Câu này tiếp tục lặp lại trong phần alleluia và cả phần Ca hiệp lễ nữa.
Thiên Chúa đến ở cùng chúng ta, vì Ngài vẫn còn tin tưởng chúng ta!... Ngài đến để sống với con người, Ngài chọn cư ngụ trên trái đất để ở lại với con người, để sống tại nơi con người vẫn sống trong niềm vui hay nỗi buồn. Vì thế, Trái đất không còn là ‘thung lũng đầy nước mắt’ nữa mà là nơi Thiên Chúa đến cắm lều, gặp gỡ con người, là nơi Thiên Chúa liên đới với con người.
Thiên Chúa xuống thế làm người vì chúng ta, tất cả chúng ta đều cảm thấy mình được yêu thương và được đón nhận; chúng ta khám phá mình có phẩm vị quý giá và duy nhất trước nhan Ðấng Tạo Hoá.
Ðấng Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta! Khi sinh ra trong cảnh khó nghèo tại Bêlem, Chúa Giêsu đã muốn trở thành bạn đồng hành với mỗi người chúng ta. Trên mặt đất này, kể từ khi Người muốn "dựng lều" để cư ngụ, thì không còn ai là kẻ xa lạ nữa. Thật vậy, tất cả chúng ta là những khách lữ hành sống tạm qua trên trần gian này, chính Chúa Giêsu là Ðấng làm cho chúng ta có cảm nghiệm dường như mình đang sống tại nhà mình, trên mặt đất này, nơi được thánh hoá do bởi sự hiện diện của Chúa. Và Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy biến trái đất này trở thành căn nhà đón tiếp tất cả mọi người.
Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta". (Is 7,14 ; Mt 1,23). Các Giáo Phụ đã giải thích. Con Thiên Chúa đã trở nên nhỏ bé, đến độ vào được trong máng cỏ. Ngài trở nên trẻ thơ để dạy chúng ta yêu thương những trẻ thơ và những kẻ yếu đuối. Bằng cách thế như vậy, Ngài dạy chúng ta tôn trọng trẻ thơ, những em đang đau khổ và bị lạm dụng trên thế giới, những em đã được sinh ra cũng như những trẻ không được sinh ra. Ngài dạy chúng ta nhìn đến những trẻ bị đưa vào trong thế giới của bạo lực, như làm lính, phải đi ăn xin, phải khổ vì nghèo vì đói, những trẻ em không được hưởng chút tình thương. Chính Thiên Chúa, Ðấng đã trở nên trẻ thơ, mời gọi chúng ta dấn thân, ngõ hầu sức mạnh của tình yêu Chúa chăm sóc cho tất cả các trẻ em này; để phẩm giá của các em được tôn trọng.
Nhưng khi Thiên Chúa chia sẻ thân phận con người của chúng ta, Ngài không hiện diện giữa nhân loại ở một nơi an nhàn lý tưởng, nhưng ở trong thế giới thực này, với bao điều tốt đẹp và xấu xa, với những chia rẽ, sự dữ, nghèo đói, lạm dụng quyền lực và chiến tranh. Ngài chọn tham gia vào lịch sử của chúng ta như lịch sử ấy vốn thế, với tất cả gánh nặng của những giới hạn và bi kịch của nó.... Ngài là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta... trong mọi nỗi khổ đau của lịch sử. Chúa Giêsu được sinh ra là minh chứng cho thấy Thiên Chúa đứng về phía con người, một lần và mãi mãi, để cứu chúng ta và nâng chúng ta lên khỏi bụi bặm của khổ đau, của khó khăn và tội lỗi chúng ta”.
Còn hạnh phúc nào hơn khi có Thiên Chúa ở cùng, ấy là sức mạnh thiêng liêng giúp chúng ta không bị gục ngã dưới sức nặng của khổ nhọc, của tuyệt vọng và buồn phiền... Chúa Giêsu được sinh ra mang đến cho chúng ta tin vui rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng và yêu thương mọi người và từng người trong chúng ta. Amen.

Linh mục Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 6
Truyền Tin Cho Thánh Giuse

Isaia 7, 10-14; Rm 1, 1-7; Mt 1, 18-24

Thánh sử Matthêu từng ghi nhận: “Ông Giacóp sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là đấng Kitô.” (Mt 1,16). Ông Giuse thuộc dòng dõi của những người không chỉ sang trọng mà là những người công chính. Đọc gia phả ta thấy Giuse thuộc dòng  dõi thánh Vương Đavít, người đã tin vào lời hứa của Thiên Chúa. Tổ phụ Abraham cũng được nên công chính nhờ lòng tin.
Theo trình thuật của thánh Matthêu hôm nay, cuộc hôn nhân của ông Giuse với bà Maria ngay từ đầu đã gặp phải sấm sét giông tố bão bùng. Trước khi về chung sống, Giuse bị quá sốc vì không biết từ đâu mà nàng đã… “có bầu”! Chẳng còn gì thất vọng, buồn bã, chán trường hơn được nữa. Trinh nữ của ông, bạn đời vô cùng yêu dấu, rất mực đoan trang đạo đức, nguyện trăm năm hạnh phúc bên nhau… Thế là hết, mộng vỡ tan tành! Biết làm sao bây giờ? Người tốt có xử đẹp thì cũng chỉ còn cách… “đầu hàng chạy trốn” cuộc hôn nhân ngang trái ấy mà thôi. “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.” (Mt 1, 19). Đang cơn thử thách quá đớn đau bỗng có “Bàn Tay của Đấng Vô Hình” chặn lại: “Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” (Mt 1, 20-21). Là người “công chính”, ông không hành xử theo toan tính người phàm, nên dù trong đêm tối cuộc đời, ông vẫn “lắng nghe” Lời Chúa qua sứ thần với lòng tin. Lời Chúa như ánh sao đêm trường làm tâm tư ông bừng sáng! Thế là như người sực tỉnh cơn mê, ông mới à ra mọi sự. Ông tin “bởi Chúa Thánh Thần” là sự thật không thể lầm lạc. Ông quyết tâm hành động theo sự hướng dẫn của Thánh Thần dù chưa biết tương lai vất vả chuân chuyên ra sao. Ông hân hoan vui vẻ đón nhận  và làm theo Thánh Ý. Ông vui vẻ hiến dâng trinh nữ bạn đời cho Thiên Chúa để sống trọn đời thanh khiết. Ông tự hiến mình để gánh lấy trọng trách “làm cha” Chúa của mình: “… ông phải đặt tên… Khi “tỉnh giấc”, ông Giuse “làm” như sứ thần Chúa dạy.” (Mt 1, 24). Nhờ “người công chính” này mà chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện trọn vẹn.
Chúa ơi! thuở xưa Chúa mới nhập thể, thánh Giuse được hạnh phúc “làm cha” của Chúa, được ở gần bên, ăn cùng mâm, sống trong một nhà, được giữ gìn chăm sóc nuôi nấng, dõi từng bước đi của Chúa Trời, Ngài hạnh phúc quên cả mọi đớn đau thiệt thòi mất mát, sẵn sàng hiến dâng trọn đời cho Chúa và công trình cứu độ của Thiên Chúa. Cảm tạ Chúa vì nhờ và qua thánh cả Giuse, để đến hôm nay chúng con được ngàn lần hạnh phúc hơn: trong đức tin chúng con được nuôi dưỡng bởi Thịt Máu Chúa, được sung sướng bước đi trong bàn tay ánh mắt yêu thương của Chúa, dù đời có muôn vàn khổ đau. Nhờ tin vào Chúa chúng con sẽ được công chính hóa, Chúa sẽ thực hiện Thánh Ý lạ lùng trong khối óc con tim trần tục, chân yếu tay mềm của người dương thế chúng con. Amen.

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log