Thứ ba, 24/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật III Mùa Vọng năm A

Cập nhật lúc 10:13 08/12/2022
Suy niệm 1
Mt 11, 2 – 11
Thánh Gioan Tẩy Giả là nhà truyền giáo đầu tiên và cũng là người đầu tiên hiến mạng mình cho sứ mạng loan báo Tin Mừng. Sở dĩ ngài bị bỏ tù vì ngài đã vô triều đình khiển trách vua Hêrôđê Antipát về tội cướp vợ của ông anh là bà Hêrôđia. Vua Hêrôđê rất kính nể thánh Gioan vì ngài là siêu sao của quần chúng, nhưng vì sợ vợ nên đã bỏ tù ngài. Cuối cùng thì vua Hêrôđê đã lọt bẫy của Hêrôđia, nên miễn cưỡng cho lính vào trại giam chặt đầu thánh Gioan để thưởng tài ca múa của cô bé Salômê, con riêng của bà Hêrôđia.
Thánh Gioan đã thẳng thắn nói với đệ tử của mình rằng ngài không đáng xách dép cho Đức Giê su. Ngài khuyên đệ tử và quần chúng bỏ ngài mà theo Đức Giê su, nhưng họ vẫn cứ bám lấy ngài. Ngài lại tuyên bố thẳng thừng một lần nữa rằng: “Tôi phải nhỏ đi, còn Người thì phải lớn lên”. Ngài tuyên bố như thế với niềm vui tận cùng và trọn vẹn.
Với thiện chí lớn lao như thế, thánh Gioan vẫn chưa chinh phục được các đệ tử. Bởi vậy, dù đang ngồi tù, ngài vẫn không ngừng công tác giới thiệu Đức Giê su cho các môn đệ. Ngài bảo họ đến hỏi Đức Giêsu xem Người có phải là Đấng Cứu Thế không? Câu hỏi ấy chỉ là một chiêu khôn khéo giúp các môn đệ được trực tiếp thấy việc Đức Giêsu làm và lời Đức Giêsu nói. Chỉ có cách đó mới mở được mắt đui mù của các môn đệ.
Đức Giêsu không trả lời thẳng Ngài là Đấng Cứu Thế, mà lại trả lời vòng vo bằng lời của sứ ngôn mô tả các việc Chúa đang thực hiện. Các đệ tử của thánh Gioan sẽ về kể lại cho thầy của mình. Chừng đó thánh Gioan sẽ minh chứng cho họ thấy rằng Đấng Cứu Thế là người đang làm những việc mà Chúa Giêsu đang làm. Thế là xong. Cả thầy lẫn trò đều đồng tâm nhất trí công nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế.
Điều mà Chúa Giêsu đã làm, đó là công tác xã hội dành cho người nghèo và người bệnh tật. Có thế là từ đó môn đệ của thánh Gioan sẽ nghe lời thầy cắt nghĩa mà tin theo Đức Giêsu. Thế là thánh Gioan hoàn thành sứ mạng của mình, sứ mạng loan báo Tin Mừng, sứ mạng đưa loài người đến với Đức Giêsu. Vì sứ mạng ấy mà Đức Giêsu tôn vinh thánh Gioan Tẩy Giả như một người vĩ đại nhất của loài người.
Bài Tin Mừng hôm nay đề cao con người và sứ mạng loan báo Tin Mừng của thánh Gioan Tẩy Giả. Nhưng đồng thời bài Tin Mừng còn cho chúng ta biết rằng tin theo và sống theo giáo huấn của Chúa thì còn được Chúa tôn vinh hơn là ngài đã đề cao thánh Gioan Tẩy Giả. Điều Chúa muốn chúng ta làm là nhân danh Ngài và vì Ngài mà chúng ta chiếu cố phục vụ những người đang khổ vì nghèo đói, vì bệnh tật và vì chưa biết Thiên Chúa là Cha chung của loài người và mọi người trên đời này đều là anh em trong Đức Giêsu.
Vậy ta phải tự hỏi rằng mình đã sống và đã làm được như thánh Gioan Tẩy Giả chưa? Chúng ta đã tin theo Đức Giêsu rồi, nhưng có yêu người nghèo, người bệnh tật như Đức Giêsu chưa? Làm được như thế vàvới niềm tin như vậy thì còn được Chúa tôn vinh hơn cả thánh Gioan nữa đấy!
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

================

Suy niệm 2
DUNG MẠO ĐẤNG CỨU THẾ
Trong bài đọc 1, ngôn sứ Isaia kêu gọi dân chúng hãy vui lên, vì “sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của Đức Chúa… Chính Ngài sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35,1-6).
Như mọi người đương thời, Gioan Tẩy Giả cũng nôn nóng chờ Đấng Mêsia đến. Ông cũng đoán Đấng ấy là Đức Giêsu. Lúc đó Gioan đang bị bắt giam, vì đã công kích hành động vô luân của vua Hêrôđê. Trong tù, Gioan vẫn theo dõi những hoạt động của Đức Giêsu, nhưng ông cảm thấy rất nghi ngại, vì thấy Ngài hành động khác lạ. Gioan đã loan báo một Đấng Mêsia nghiêm minh, đến để trừng phạt và tiêu diệt những kẻ ác, đồng thời đã răn đe người Do Thái: Búa rìu đã để sẵn ở gốc cây, cây nào không sinh trái sẽ bị đốn cho vào lò lửa”(Mt 3,10). Nhưng khi đến, Đức Giêsu lại không oai phong, không quyền lực, không tiêu diệt kẻ ác, mà còn biểu hiện là một Đấng đầy lòng nhân từ.
Gioan như thấy mình thất bại: rao giảng sự công chính nhưng bị xử bất công; loan báo ơn giải thoát nhưng lại bị giam cầm. Buồn hơn nữa khi không thấy Đấng cứu thế đến giải thoát mình. Bị giam cầm, bị ngược đãi, Gioan còn có thể chịu đựng, nhưng ông e sợ mình đã lầm đường và có thể lầm người. Không nén lòng được, ông đã sai các môn đệ đến hỏi: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Ðấng phải đến không…”.Đức Giêsu không trả lời phải hay không, mà yêu cầu họ về thuật lại cho Gioan những điều họ chứng kiến, cũng là những điều mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo: “người mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”.
Biết được Gioan đang đứng trước thử thách, nên Đức Giêsu đã nhắn gửi: “Phúc cho ai không vấp ngã vì Ta”.Ngài khen Gioan “còn hơn cả ngôn sứ nữa”, và xác nhận “chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới”. Hóa ra Đấng Kitô mà Gioan loan báo không phải là vị quan tòa oai nghiêm đáng sợ, nhưng là một Đấng từ bi nhân hậu, đến chữa lành những vết thương nhân loại, an ủi những ưu sầu, nâng đỡ người yếu đuối, tha thứ kẻ tội lỗi. Ngài không đến trong hàng ngũ vua chúa quan quyền hay trong cấp lãnh đạo tôn giáo, nhưng Ngài đến trong cảnh nghèo khó, lui tới với những kẻ nghèo hèn, thân thích với những kẻ nghèo khổ. Cũng như Gioan, ai cũng nghĩ Ngài đến với cung cách thần thánh siêu phàm, có ai ngờ Ngài lại là một con người bình dị, thật gần gũi và dễ thương, bạn bè với quân thu thuế và những người tội lỗi. Ngài là Đấng quyền năng, nhưng là quyền năng trong sự yêu thương che chở chứ không phải hủy diệt.“Cây lau bị giập, Ngài không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12, 20).
Gioan giới thiệu các môn đệ và dân chúng đến với Ðức Giêsu,
nhưng ông còn phải vượt qua chính mình, phải thanh lọc cái nhìn về Ðấng Mêsia. Chúa không như điều ta tưởng,thậm chí có khi còn ngược với điều ta rao giảng hay nói về Ngài. Chúa luôn mới trong từng câu Kinh Thánh, từng biến cố, từng thời điểm. Ngài là một mầu nhiệm luôn mở ra cho mọi người. Đừng giới hạn Ngài trong những gì ta đã nghe hay đã biết. Vấn đề đặt ra không phải ở Chúa, nhưng ở bản thân của chúng ta. Cần nhận ra sự yếu đuối, bất toàn và nhỏ bé của mình, để đón nhận ánh sáng của Chúa và lớn lên trong sự nhận biết Ngài.
Cũng như các tín hữu thời ban đầu, họ hết sức mong chờ Chúa lại đến lần thứ hai. Nhưng chờ hoài chẳng thấy đâu, xem ra họ đã nản lòng. Thánh Giacôbê khuyên họ hãy kiên nhẫn đón chờ ngày Chúa đến, như người nông dân mong chờ mùa gặt (x. Gc 5,7-10). Sự kiên nhẫn giúp thanh luyện đức tin và biểu lộ lòng trung thành, đồng thời tạo điều kiện và thời gian cho kẻ tội lỗi biết hồi tâm sám hối. Chúa không nóng vội trước tội lỗi của ta, thì ta không vội nóng trước lòng nhân từ của Chúa.
Mùa Vọng, mùa đón chờ Chúa đến. Chúa đã đến, vẫn đang đến và còn sẽ đến trong vinh quang vào ngày sau hết. Chúa không đến với ta qua những thành công hay danh giá, qua những biểu dương rầm rộ bên ngoài. Ngài đến trong âm thầm lặng lẽ, nhưng đầm ấm tình người. Ngài đến trong một nụ cười khích lệ với bàn tay kín đáo đỡ nâng. Ngài đến trong sự thân thương và gần gũi với ta hơn chính bản thân ta, nhưng có mấy khi ta nhận ra để cảm mến, nhất là để sống tình yêu Ngài đối với mọi người, nhất là những người nghèo hèn. Cần đón nhận Chúa sâu xa, để qua ta Chúa đến với con người hôm nay.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Con cứ tưởng Chúa đến trong quyền lực,
trong oai phong và chiến thắng vinh quang,
để dẹp tan những bọn người gian ác,
làm nên một vương quốc thật huy hoàng.

Có ai ngờ Chúa đến chẳng oai hùng,
không trống kèn không tiền hô hậu ủng,
không quần thần không áo mão cân đai,
không giống như những anh hùng khí khái.

Quả thật Chúa đã đến quá sơ sài,
trong nghèo khó âm thầm và khiêm hạ,
trong phận người cũng yếu đuối mong manh,
nên chẳng thấy có gì là thần thánh.

CảGio-an cũng hoang mang nghi ngại,
có thật Ngài là Đấng phải đến không?
Chúa mời gọi hãy nhìn vào hành động,
để biết được đích thực Ngài là ai?

Hóa ra Chúa không như điều con tưởng,
thậm chí có những khi còn trái ngược,
thế mới thấy đời con hay ảo tưởng,
tự tạo nên cho mình những thần tượng.

Nhìn ngắm Chúa để con được nhận biết,
Ngài luôn sống bằng tình thân nghĩa thiết,
lo cứu chữa cho bao người bệnh tật,
giúp phục hồi thân xác lẫn tinh thần,
đi đến đâu là thi ân đến đấy,
đem an vui cho cuộc sống thế gian này.

Xin cho con mỗi ngày nên giống Chúa,
đừng để tâm vào những chuyện hơn thua,
nhưng quan tâm đi đến với mọi người,
làm những gì để cuộc sống đẹp tươi,
lo gieo rắc niềm an vui hy vọng,
hướng con người đến đời sống hiệp thông. Amen.
Lm Thái Nguyên
=================
Suy niệm 3
THI HÀNH SỨ VỤ TIỀN SỨ CHO CHÚA NHƯ GIOAN TẨY GIẢ

Is 35,1-6a.10 ; Gc 5,7-10 ; Mt 11,2-11

I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 11,2-11
(2) Ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: (3) “Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ? (4) Đức Giê-su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: (5) Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng. (6) Và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”. (7) Họ đi rồi, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa ? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng ? (8) Thế thì anh em xem gì ? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng ? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. (9) Thế thì anh em ra làm gì ? Để xem một vị ngôn sứ chăng ? Đúng thế đó. Mà tôi nói cho anh em biết: Đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. (10) Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con. Người sẽ dọn đường cho Con đến”. (11) Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”.
2. Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng nhằm giới thiệu Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và đề cao Tân Ước trổi vượt hơn Cựu Ước. Khi Gio-an trong tù nghe biết hoạt động của Đức Giê-su, liền sai môn đệ đến gặp Người để tìm hiểu rõ hơn về sứ mệnh Thiên Sai của Người. Đức Giê-su đã gián tiếp trả lời bằng các công việc Người đang thực hiện ứng nghiệm lời tuyên sấm của I-sai-a về Đấng Thiên Sai. Người cũng khen ngợi các đức tính của Gio-an và xác nhận vai trò tiền sứ của ông.
3. CHÚ THÍCH:
- C 2-6: + Gio-an lúc ấy đang ngồi tù…: Gio-an đã bị vua Hê-rô-đê bắt giam về tội dám ngăn cản nhà vua lấy bà chị dâu là Hê-rô-đi-a-đê vợ của ông hoàng Phi-líp-phê làm vợ của mình (x. Mt 14,3). + Liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng:Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác ?: Gio-an rất vui khi nghe môn đồ thuật lại những việc Đức Giê-su làm (x. Ga 3,28-30). Ông đã được chứng kiến cuộc thần hiện cho thấy sứ mệnh Thiên Sai của Đức Giê-su khi ông làm phép rửa cho Người tại sông Gio-đan, đang khi các môn đệ của ông lại tỏ thái độ ganh tị khi thấy Đức Giê-su thành công hơn thày mình (x. Ga 3,26). Giờ đây Gio-an sai môn đệ đến gặp Đức Giê-su, để họ tin Người thực là Đấng Thiên Sai. Tuy nhiên, chính Gio-an cũng thắc mắc tại sao Đức Giê-su không hành xử công thẳng như Đấng Mê-si-a thẩm phán, mà ông đã rao giảng cho dân chúng trước đó (x. Mt 3,10.12). + Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Khi các môn đệ của Gio-an tới thì gặp lúc Đức Giê-su đang chữa nhiều bệnh hoạn tật nguyền trong dân, xua trừ ma quỷ (x. Lc 7,21). Đức Giê-su đã gián tiếp trả lời cho Gio-an về sứ mệnh Thiên Sai của Người khi cho thấy các việc Người đang làm ứng nghiệm các sấm ngôn về Đấng Thiên Sai (x. Is 26,19). + Và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi: Đức Giê-su cũng cảnh báo: Cần loại bỏ quan niệm về một Đấng Thiên Sai hành xử công thẳng và thiết lập một Nước Trời mang tính thế tục.
- C 7-9: + Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về Gio-an rằng: Đức Giê-su đã hết lời khen ngợi Gio-an để đánh tan hiểu lầm của dân chúng cho rằng ông đã bị thất bại và bị Thiên Chúa bỏ rơi khi để mặc ông cho vua Hê-rô-đê bắt bớ. + Anh em ra xem gì ở hoang địa…: Gio-an cao trọng vì đức tính can đảm bất khuất, không chịu luồn cúi trước bạo lực. + Một người mặc gấm vóc lụa là chăng ?: Gio-an không sống giàu sang buông thả nhưng có nếp sống đơn giản khổ hạnh. + Để xem một vị Ngôn sứ chăng…: Gio-an chính là một Ngôn sứ do Thiên Chúa sai đến.
- C 10-11: + Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến”. Đây là lời tuyên sấm của Ngôn sứ Ma-la-khi về một vị tiền hô đi trước dọn đường cho Chúa ngự đến (x Ml 3,1) đã được ứng nghiệm nơi Gio-an là vị tiền hô có sứ mệnh đi trước để dọn đường cho Đức Giê-su. + Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông: Gio-an tuy là ngôn sứ cao trọng nhất trong thời Cựu Ước, nhưng ông vẫn không thể sánh được với Đức Giê-su trong thời Tân Ước.
4. CÂU HỎI:
1) Tại sao Gio-an bị vua Hê-rô-đê bắt giam vào tù ? 2) Gio-an có tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai hay không ? Tại sao ? 3) Lý do nào khiến ông phải sai môn đệ đến hỏi Đức Giê-su về vai trò Thiên Sai của Người ? 4) Đức Giê-su đã làm gì để chứng tỏ Người là Đấng Thiên Sai ? 5) Đức Giê-su khen ngợi Gio-an về những điều gì ? 6) Sứ vụ của Gio-an đã được Ngôn sứ nào tiên báo ? 7) Tại sao nói Gio-an cao trọng nhất mà vẫn thua người nhỏ nhất trong Nước Trời?                
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con. Người sẽ dọn đường cho Con đến” (Mt 11,10).
2. CÂU CHUYỆN:
1) LÀM TIỀN SỨ BẰNG GƯƠNG SÁNG TIN YÊU PHÓ THÁC:
Có một cô bé mới chỉ bốn tuổi mà đã có thể yêu cầu được ba của em làm dấu đọc kinh trước bữa ăn. Trưa hôm đó, khi đang chơi đồ hàng ngoài sân, thì cô chị ra kêu vào nhà ăn cơm. Ngồi vào bàn, em nhìn ba và khẽ nói:
- Ba à, Ma-sơ bảo phải đọc kinh trước khi ăn cơm.
Lúc đó người cha chỉ còn cách làm dấu và đọc kinh Lạy Cha, một thói quen mà ông đã bỏ từ lâu.
Câu chuyện thứ hai: Một bác sĩ giải phẫu đã được ơn trở lại tin yêu Chúa nhờ gương sáng của một bệnh nhân là một bé trai 5 tuổi. Em bị đau bụng dữ dội được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau khi siêu âm và chụp X quang ổ bụng, bác sĩ khẳng định em bị khối u trong dạ dày cần được phẫu thuật. Về sau bác sĩ giải phẫu đã kể lại câu chuyện mổ cho em như sau:
“Hôm đó, em bé được đưa vào phòng mổ và trước khi gây mê, tôi nói với em rằng:
- Bác sĩ sắp sửa giúp con khỏi bệnh. Nhưng trước hết con cần phải qua một giấc ngủ nhé”. Nghe nói sắp đi ngủ, em bé được mẹ dạy thói quen cầu nguyện trước khi đi ngủ đã nói:
- Vậy xin bác sĩ cho con cầu nguyện trước khi đi ngủ.
Nói đoạn em quỳ xuống bên cạnh bàn mổ, hai tay chắp lại, đôi mắt ngước lên cao, em khẽ đọc một kinh lạy cha. Nhìn thấy cảnh em cầu nguyện, vị bác sĩ và mấy y tá đều cảm động rưng rưng nước mắt. Vị bác sĩ kể tiếp: Sau đó, tôi tự nhiên cảm thấy lương tâm cắn rứt, nên đã đi xưng tội sau 20 năm, và từ đó mỗi buổi tối, tôi không bao giờ đi ngủ mà không cầu nguyện”.
Thánh Gioan Tẩy Giả cũng được trao sứ vụ làm tiền sứ của Đấng Thiên Sai như ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước Con, để dọn đường cho Con” (Mc 1,2). Mỗi người chúng ta đều được mời gọi để làm tiền sứ cho Chúa, giúp tha nhân tin yêu Chúa bằng một lối sống tin yêu phó thác như em bé trong câu chuyện trên.
2) LÀM TIỀN SỨ BẰNG LỐI SỐNG YÊU THƯƠNG CHIA SẺ:
Một nhóm thương gia dự một cuộc họp. Người nào cũng báo trước với vợ con là sẽ về nhà đúng giờ ăn bữa tối với gia đình. Nhưng cuộc họp kéo dài hơn dự định. Tan buổi họp, ai nấy hối hả chạy ra xe buýt. Một người chẳng may xô phải quầy bán táo của một cậu bé, táo rơi tứ tung. Nhưng không ai dừng lại để lượm giúp cậu. Rồi mọi người vội lên ngồi trên xe buýt và thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng ít giây sau, một người trong nhóm cảm thấy bứt rứt về chuyện cậu bé bán táo. Ông xuống xe trở lại chỗ cũ và thấy cậu bé đang vất vả đi mò tìm từng trái táo lượm lại. Thì ra cậu bé bị mù! Tội nghiệp quá, ông giúp cậu lượm lại từng quả cho đến hết. Một số quả đã bị giập. Ông móc túi dúi vào tay cậu bé một món tiền, rồi ra đi. Cậu bé bán táo liền hỏi với theo "Ông có phải là Chúa Giê-su không ?"
Quả thật, theo một nghĩa nào đó, ông thương gia kia chính là Chúa Giê-su hiện thân. Ngày nay Hội Thánh cũng rất cần có những Chúa Giê-su như thế.
3) LÀM TIỀN SỨ BẰNG THÁI ĐỘ KHIÊM TỐN HÒA ĐỒNG VỚI THA NHÂN:
Vào một buổi chiều, sau ngày lên ngôi vị Giáo Chủ, Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an 23 ra khu vườn của điện Va-ti-can đi bách bộ để tìm thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng. Ngài thấy một người đang làm vườn, bên mình bác ta có đeo một chai rượu. Vị Giáo chủ khả ái tiến lại gần hỏi chuyện và không chút ngần ngại, ngài đã ngồi xuống đất uống rượu chung với bác ta. Vì chưa biết mặt vị tân Giáo chủ, nên trước vẻ xuề xòa của ngài, bác làm vườn nghĩ ngài cũng chỉ là một viên chức cao cấp trong giáo triều, nên báchết lời ca ngợi vị tân Giáo chủ dựa theo dư luận mà bác đã nghe biết về ngài. Sau khi đã uống cạn bình rượu với bác làm vườn, trước khi từ giã, Đức Gio-an 23 mới hỏi rằng: “Này bác, bác chưa bao giờ thấy mặt vị Giáo chủ phải không ?” Bác ta trả lời: “Thưa chưa ạ”. Bấy giờ Đức Gio-an 23 mới ôn tồn nói: “Thế là hôm nay bác đã thấy rõ rồi nhé. Giáo chủ mới chính là người đã ngồi uống rượu với bác từ nãy đến giờ đó !”.
Thái độ khiêm tốn hòa đồng, sẵn sàng ngồi xuống đất nói chuyện và chia sẻ một ly rượu tầm thường với người giúp việc cho thấy: sự thánh thiện không hệ tại phảilàm việc lớn lao, nhưng qua thái độ khiêm hạ đến với mọi người, sẵn sàng sống chan hòa yêu thương với những người đang sống bên cạnh mình. 
4) LÀM TIỀN SỨ BẰNG MỘT ĐỜI SỐNG CÔNG MINH CHÍNH TRỰC:
Tể tướng lưng gù là một câu chuyện huyền thoại về một vị tể tướng có thể hình dị dạng với cái lưng bị gù, nhưng lại rất anh minh trong công việc trị nước.
Chuyện xảy ra vào đời nhà Thanh: Lưu Dung là con của một thầy giáo, sở học và thú đánh cờ đều giỏi như nhau. Tiểu thư Hà là con gái của vị tể tướng trong triều vừa xinh đẹp, vừa là cao thủ cờ tướng, được rất nhiều người yêu mến, trong đó có cả nhà vua. Tiểu thư lá ngọc cành vàng ấy tuyên bố chỉ lấy làm chồng người nào vô địch trong cuộc tỉ thí cờ do cô tổ chức. Đúng lúc Lưu Dung về kinh đi thi trạng nguyên và chàng đã lấy được người đẹp. Sau đó lại thi đỗ trạng nguyên rồi còn được làm tể tướng triều đình.
Tuy hình thù dị dạng nhưng tể tướng họ Lưu là một người coi trọng công bằng và chính nghĩa. Ông đã lật tẩy nhiều thói hư tật xấu của bọn tham quan, hương lý. Ông trở thành đại ân nhân của lớp dân đen bị quan lại hà hiếp đàn áp bóc lột. Tuy là tể tướng đầy quyền uy, nhưng ông lại chọn lối ứng xử khôn khéo mưu lược hơn là dùng vũ lực, nên rất được dân chúng tin yêu.
5) LÀM TIỀN SỨ BẰNG LỐI SỐNG SIÊU THOÁT TIỀN BẠC VẬT CHẤT:
Thánh Phan-xi-cô thành Át-si-si khi còn là một thanh niên đã đến viếng thăm thủ đô Rô-ma nước Ý, quì gối cầu nguyện trước mộ thánh Phê-rô. Để tỏ lòng biết ơn đối với thánh cả, Phan-xi-cô đã bỏ vài đồng tiền kẽm vào thùng công đức. Nhưng khi vừa bước ra tới đường lộ, Phan-xi-cô gặp một người ăn xin nghèo khó. Với tâm trạng hưng phấn, Phan-xi-cô đã yêu cầu người ăn xin đổi chiếc áo choàng cũ rách của anh ta lấy chiếc áo choàng đắt tiền quý giá của mình. Người ăn xin rất sung sướng, và còn sướng hơn nữa khi ông ta phát hiện ra những đồng tiền cắc còn sót lại trong túi áo mới đổi được. Rồi sau đó, Phan-xi-côcũng tập làm nghề ăn xin: Anh ngồi ở góc đường, mở miệng xin những người qua lại bên đường giúp đỡ. Nhưng dù trong hoàn cảnh nghèo khó ấy, Phan-xi-cô lại cảm nghiệm thấy trong lòng một niềm vui khôn tả. Chính nguồn vui ấy đã gợi hứng cho Phan-xi-cô sau này thiết lập một trong những dòng tu lớn nhất của Hội Thánh Công Giáo là dòng “Anh em hèn mọn”.
Mùa đông năm 1206, Phan-xi-côÁt-si-si, đã công khai từ bỏ cha ruột của mình để thuộc trọn về Chúa Cha trên trời. Ngài từ bỏ những cuộc vui chơi tiệc tùng với bạn bè để đi giúp những người phung cùi, những kẻ vô gia cư và những người bị xã hội khai trừ. Hai năm tiếp đó, ngài đi hành khất, sống ẩn dật và sửa sang ba nhà thờ đổ nát trong miền Át-si-si.
Lối sống siêu thoát của Phan-xi-cô đã thu hút được nhiều người đi theo: trước tiên là 12 "người đền tội" và lữ hành, không nhà cửa hoặc nơi cư trú cố định, sống theo Luật Dòng Anh em Hèn mọn. Phan-xi-cô đã cử các tu sĩ thừa sai đi khắp nơi để loan báo một Đức Ki-tô nghèo khó, khiêm hạ và chịu đóng đinh, hầu mang lại sự hòa giải và bình an cho mọi người như lời cầu trong “kinh Hòa Bình”. Căn tính của phong trào Phan sinh là sống siêu thoát noi gương Chúa Giê-su theo luật dòng được Hội Thánh chấp nhận, để rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật.
6) LÀM TIỀN SỨ BẰNG VIỆC GIỚI THIỆU CHÚA CHO THA NHÂN:
Vào một ngày đẹp trời, có một ông cụ ngồi trên ghế xích đu vẻ đăm chiêu, lòng mong đợi Chúa đến. Tình cờ một bé gái tung banh rơi vào sân nhà ông. Cô bé chạy lại nhặt trái banh và mở lời làm quen: “Thưa ông, ngày nào ông cũng ngồi trên ghế này, ông đang đợi ai vậy?” Ông nói: “Cháu còn quá nhỏ làm sao hiểu được điều ông mong đợi.” “Ông à, mẹ cháu nói rằng nếu có điều gì trong lòng, thì hãy nói ra mới hiểu rõ hơn.” Nghe cô bé nói thế, ông liền thổ lộ tâm tình: “Ông đang chờ đợi Chúa đến.” Cô bé kinh ngạc, ông già giải thích: “Trước khi nhắm mắt, ông muốn tin chắc rằng có một Thiên Chúa hiện hữu. Ông cần một dấu hiệu, cháu à.” Bấy giờ cô bé lên tiếng: “Ông chờ một dấu hiệu hả? Thưa ông, Chúa đã cho ông nhiều dấu hiệu rồi: Mỗi khi ông hít thở không khí, nghe tiếng chim hót, nhìn hạt mưa rơi… Chúa cho ông dấu hiệu trong nụ cười trẻ thơ và trong nước mắt người đau khổ. Ông ơi, Chúa ở trong ông. Chúa ở trong cháu. Chúa luôn hiện diện ở khắp mọi nơi và trong mọi người.”
3. SUY NIỆM:
1) THẦY CÓ ĐÚNG LÀ ĐẤNG PHẢI ĐẾN KHÔNG?
- Dù bị Hê-rô-đê bắt giam vào tù, nhưng Gio-an vẫn được các môn đệ cho biết về các hoạt động của Đức Giê-su. Khi thấy Người không hành xử cách công thẳng là trừng phạt tội nhân (x. Mt 3,10-12), ông bị hoang mang, nên sai môn đệ đến gặp Người và nêu thắc mắc về sứ mệnh Thiên Sai của Người. Đức Giê-su không trả lời trực tiếp, mà yêu cầu các môn đệ Gio-an trở về thuật những việc Người làm: “Cho kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi lành sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe rao giảng Tin Mừng”.
-Với câu trả lời ấy, Chúa Giê-su nhắc Gioan nhớ lại lời sấm của I-sai-a về Đấng Cứu Thế, (Is 35,5-6a) và thanh luyện cái nhìn của ông về sứ mệnh của Đấng Thiên Sai: Người không phải là ông Vua oai phong từ trời ngự xuống, mà chỉ là một hài nhi bé nhỏ xuất hiện giữa loài người. Người không phải là vị Vua sống trong cung điện nguy nga, nhưng như một người lao động nghèo hèn. Người không phải là Quan tòa oai nghiêm trừng phạt tội nhân, mà là một lương y hiền hòa, đến để chữa lành những thương tích, an ủi những kẻ ưu sầu, nâng đỡ những người yếu đuối, tha thứ những tội nhân. Người không đến trong chiến thắng vinh quang, mà âm thầm như một người bạn thân thiết của mọi người. Người không đến như một người quý tộc cao xa, nhưng sẵn sàng sống hòa đồng với mọi kẻ khó nghèo, những người thu thuế và tội lỗi bị xã hội khinh thường loại bỏ...
-Ngoài ra, Đức Giê-su còn muốn Gio-an đổi mới cái nhìn về Đấng Thiên Sai, để tránh khỏi vấp ngã (x. Mt 11,6), như Phê-rô đã từng bị vấp ngã khi khuyên Đức Giê-su đừng đi theo con đường đau khổ thập giá như ý Chúa Cha (x. Mt 16,22-23).
2) “ANH EM RA XEM GÌ TRONG HOANG ĐỊA ?”:
Đức Giê-su ba lần đặt câu hỏi này với thính giả về vai trò của ông Gio-an Tẩy Giả.
- Ông được Người khen là một người dũng cảm cương nghị chứ không luồn cúi hèn hạ như lau sậy phất phơ trước gió (x. Mt 11,7).
- Ông sống đơn sơ khổ hạnh chứ không ham gấm vóc lụa là trong đền vua (x. Mt 11,8).
- Ông không những là một ngôn sứ, mà còn hơn thế nữa, vì có sứ mệnh làm tiền sứ, đi trước dọn đường giúp người đời đón Đấng Thiên Sai sắp đến (x. Mt 11,10).
Sau khi làm phép rửa cho Đức Giê-su ở sông Gio-đan và được chứng kiến cuộc thần hiện xảy ra, Gio-an đã tin Người chính là Đấng Thiên Sai. Ông đã giới thiệu Người là “Con Chiên Thiên Chúa” với hai môn đệ và khuyến khích họ bỏ ông để theo làm môn đệ Người (x. Ga 1,36-37). Gio-an đã khiêm tốn thừa nhận vai trò thấp kém của mình “không đáng cởi quai dép cho Người” (x. Lc 3,16) và khẳng định sự lệ thuộc của mình: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn”. Cuối cùng ông còn khiêm tốn tuyên bố như sau: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,29-30).
3) “KẺ NHỎ NHẤT TRONG NƯỚC TRỜI CÒN CAO TRỌNG HƠN ÔNG”:
Gio-an đã được Đức Giê-su khen là người cao trọng nhất trong con cái loài người: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”. Vậy Đức Giê-su muốn dạy gì khi nói: “kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” ?
- Đức Giê-su đến thiết lập Nước Trời ban ơn cứu độ, mà Gioan có sứ mạng đi trước dọn đường cho Người. Nước Trời là một gia đình của Thiên Chúa, trong đó chỉ có một Thiên Chúa là Cha, chỉ có Đức Giê-su là Thầy và là người chỉ đạo, còn hết mọi người đều là anh em với nhau (x. Mt 23,8-10). Đây là một xã hội lý tưởng, trong đó mọi người có bổn phận yêu thương nhau và nhờ đó họ sẽ được sống trong niềm vui hạnh phúc. Hiện nay, trên thế giới vẫn có nhiều tiêu cực, đau khổ là do người ta thiếu tình thương với nhau. Đức Giê-su có sứ mạng đem đến cho thế giới một tinh thần mới, một lề luật mới xây dựng trên tình yêu thương. Từ nay tiêu chuẩn mới của sự công chính là tình yêu, khác với tiêu chuẩn cũ là lề luật như lời thánh Phao-lô: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy” (Rm 3,28).
- Sống khiêm nhường như Gio-an: Sự khiêm nhường chính là điều cần thực hiện trong mùa Vọng này, bởi vì chỉ những người khiêm nhường mới gặp được Chúa như lời Người phán: “Chúa hạ bệ những kẻ kiêu căng và nâng cao những người phận nhỏ”. Kinh nghiệm cho thấy: Một người yếu đức tin mà có lòng kiêu căng tự mãn sẽ khó quay về với Chúa, hơn một kẻ dù mê đắm xác thịt mà có lòng tin vào Chúa. Bởi vì người sa ngã nếu có đức tin sẽ sớm nhận ra thân phận yếu hèn của mình để quay về giao hòa với Chúa. Ngày kia, một du khách đang đứng chiêm ngắm bức tượng Chúa chịu nạn thời danh của THOR-WALD-SEN. Nhưng ông ta nhìn ngắm hồi lâu mà chẳng khám phá ra một vẻ đẹp nào như lời đồn đại. Bỗng ông ta nghe thấy có tiếng người thì thầm bên tai: “Phải quì xuống ông mới có thể nhìn thấy khuôn mặt từ ái của Chúa”. Ông ta làm theo và bấy giờ ông đã khám phá ra vẻ đẹp tuyệt vời của bức tượng. Về phần chúng ta trong những ngày này, nếu biết khiêm hạ quì xuống trước nhan Chúa, thì chúng ta mới có thể gặp được lòng thương xót của Người.
4) CHU TOÀN SỨ MỆNH TIỀN SỨ BẰNG LỐI SỐNG VUI TƯƠI, KHIÊM TỐNVÀPHỤC VỤ: 
- Mùa Vọng là thời gian các tín hữu chúng ta mong chờ Chúa đến. Trong khi người Do thái mong Đấng Thiên Sai đến trong uy quyền vinh quang thì Chúa lại chọn đến trong khiêm hạ khó nghèo và âm thầm không ai hay biết. Trong khi người đời mong Chúa đến ban ơn cứu độ bằng con đường rộng rãi, thì Chúa lại chọn đi con đường thánh giá chật hẹp leo dốc và ít người dám đi. Ngày nay để nhận được ơn cứu độ là được vào Nước Trời, đòi người tín hữu phải tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, lắng nghe Lời Người và thi hành ý muốn của Chúa Cha (x. Mt 7,21-23). Đức Giê-su cũng dạy: đến ngày phán xét, chỉ những ai phục vụ Người hiện thân trong những người nghèo đói bệnh tật và bị bỏ rơi mới được vào Thiên Đàng (x. Mt 25,34-36).
- Ngoài ra, chúng ta cũng cần làm các việc đạo đức và bác ái chia sẻ với lòng mến Chúa. Muốn biết việc cầu nguyện dâng lễ của mình có đẹp lòng Chúa không, thì cần phải nhìn vào hiệu quả: Nếu việc cầu nguyện dâng lễ làm cho tâm hồn chúng ta được bình an, thêm niềm vui và phấn khởi hiến thân phục vụ Chúa và tha nhân hơn… là dấu chúng ta đã làm các việc đạo đức theo thánh ý Thiên Chúa. Ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm lời Chúa cho thấy Ngài “chán ngán những buổi cầu nguyện, những nghi thức tôn giáo rỗng tuếch vì thiếu tình yêu” (x. Is 1,11-17). Ấy thế mà rất nhiều Ki-tô hữu hiện nay vẫn đang cầu nguyện dâng lễ theo luật nhưng lại thiếu lòng yêu mến như thế, hoặc đang làm các việc bác ái để tìm tiếng khen hay chỉ mong được thưởng công sau này (x. Mt 6,1-6). Vậy trong những ngày Mùa Vọng này, mỗi người chúng ta cần thực hành các việc đạo đức với tâm tình nào để chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa đến?
- Trong Mục Vụ Gia đình, các bậc làm cha mẹ được mời gọi sống vui tươi trong bổn phận vợ chồng với nhau và cha mẹ đối với con cái. Nhiều gia đình ngày nay đã trở nên buồn bã thiếu sinh lực. Để có thể tìm lại niềm vui cho gia đình, các bậc cha mẹ cần sống vui tươi, và làm cho niềm vui lan tỏa trong gia đình mình. Hãy vui vì chúng ta được làm con Thiên Chúa, hãy đem Chúa vào trong đời sống của gia đình mình nhờ các giờ kinh gia đình, cầu nguyện trước mỗi bữa ăn... Các bạn trẻ đừng tìm vui trong men rượu, đừng giải sầu trong bài bạc, trong các quán hát ka-ra-ô-kê hay những quán cà-phê đèn mờ để tìm hưởng lạc thú bất chính… vì những thứ đó chỉ đem đến bệnh tật, gia đình bất hòa và ly tán, chứ không mang lại niềm vui và bình an thực sự. Hãy tìm kiếm niềm vui thực sự nơi Đức Giê-su, bằng cách gặp Ngài qua việc học Lời Chúa và cầu nguyện để được Ngài lấp đầy sự trống rỗng của chúng ta.
- Nhưng quan trọng hơn cả: Chúng ta chỉ có thể vui mừng và được bình an khi tâm hồn chúng ta sạch tội, không bị đam mê dục vọng bủa vây, không bị lương tâm dày vò, nhờ sám hối và đến với bí tích giải tội, năng dự lễ để rước Chúa vào lòng. Dù bên ngoài chúng ta có gặp phải các điều trái ý cực lòng, nhưng chúng ta vẫn có được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn. Bấy giờ chúng ta mới có thểsống hòa thuận với tha nhânvới lòng tin yêu Chúa, thay vì thái độ xung đột, giận hờn mang lại bất hạnh.
4. THẢO LUẬN: Noi gương Đức Giê-su cứu thế bằng con đường khiêm tốn yêu thương và phục vụ (x. Mt 11,5), bạn sẽ làm gì để nên môn đệ thực sự của Đức Giê-su trước mặt người lương ?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xưa Chúa đã dùng hành động cứu nhân độ thế để làm chứng về sứ mệnh Thiên Sai. Xin cho chúng con hôm nay biết làm chứng cho Chúa bằng việc hăng say phục vụ những người bệnh tật đau khổ, đồng thời luôn xét đoán ý tốt, nói tốt và phục vụ tha nhân vô vụ lợi. Nhờ đó chúng con chu toàn được sứ mệnh làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.- AMEN.
LM ĐAN VINH -  HHTM

=================
Suy niệm 4
Vui lên anh em

(Mt 11, 2-11)
Bước vào Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng, Chúa Nhật của niềm vui. “Gaudete” là chủ đề của Chúa nhật này. “Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên!” (Ph 4,4-5). Với những lời trên của Thánh Phaolô Tông Đồ làm tâm hồn chúng ta rạo rực hẳn lên.  Lời nguyện nhập lễ hôm nay đưa chúng ta vào chính niềm vui thiêng thánh ấy: “Lạy Chúa, xin đoái xem, này dân Chúa đem tất cả niềm tin đợi chờ ngày lễ Sinh Nhật Đấng Cứu Thế. Xin hướng niềm vui chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả để tâm hồn chúng con hoàn toàn đổi mới mà họp mừng ngày cứu độ đã gần”. Niềm vui này nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với con người sinh động là Chúa Giêsu.
Ngay những lời đầu tiên trong sách Isaia đã đầy những từ ngữ: hoan lạc, hân hoan, trổ hoa, nở hoa, nhiệt liệt, reo hò. Ông nói về niềm vui sau Lưu đày khi Dân Chúa được hồi hương. Quả thật, ai sung sướng bằng Dân được độc lập, giải phóng! Ngày đó người què cũng muốn nhảy, người điếc cũng muốn nghe, người câm chỉ muốn nói. Và đất nước tuy tan hoang nhưng hứa hẹn sẽ nở hoa. Isaia muốn diễn tả niềm vui đó, niềm vui được nhìn thấy quê hương sau những năm đô hộ, nô lệ và lưu đày. “Các tầng trời, hãy trổ hoa công chính, và ngàn mây hãy mưa ơn cứu độ! Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao! Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Giêrusalem, hãy mạnh dạn cất tiếng! Hãy cất tiếng cao đừng sợ, hãy nói cho các dân thành thuộc chi họ Giuđa rằng: Đây Thiên Chúa các ngươi, đây Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ đến trong quyền lực” (Is 40, 9).
Chúng ta mặc lấy tâm tình của Dân Cựu Ước để nói đến niềm vui khi Chúa đến. Đó là niềm vui của thời Thiên sai, của ngày Chúa trở lại. Chỉ khi ấy mọi người què muốn đi mới đi được, mọi người câm muốn nói mới nói được, và mọi người điếc muốn nghe mới nghe được. Tất cả mọi khổ sở, đau phiền, bệnh tật, chết chóc bấy giờ mới chấm dứt; và người ta mới có thể nói như Isaia: vĩnh biệt phiền sầu than vãn.
Làm sao không thể không vui khi nghe những lời loan báo đầy niềm vui của Isaia: “Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em.” (Is 35, 4) Và làm sao không thể không mừng khi “nơi hoang địa cằn cỗi sẽ vui mừng, cõi tịch liêu sẽ hân hoan và nở bông dường như khóm huệ, sẽ nẩy chồi non và hoan hỉ vui mừng” (Is 35, 1). Lại nữa: “Bấy giờ mắt người mù sẽ nhìn thấy, và tai những người điếc sẽ được nghe. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, những người được Chúa cứu chuộc, sẽ trở về, và đến Sion với lời khen ngợi; và trên đầu họ mang hoan hỉ triền miên, họ sẽ được vui mừng khoái trá, họ sẽ không còn đau buồn; rên siết sẽ trốn xa” (Is 35, 6).
Chúng ta đang vui sẵn, nay có Gioan Tiền Hô xuất hiện trong tư cách là vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước, là hy vọng cuối cùng của một dân tuyệt vọng. Ngài được các tiên tri báo trước: “Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, người sẽ dọn đường cho con đi ” (Mt 11, 10). Sự hiện diện của ngài làm cho chúng ta vui thêm, vì lời hứa đã trở thành hiện thực. Việc ngài sai các môn đệ đến hỏi Đức Giêsu có phải là Đấng phải đến không cho chúng ta câu trả lời đầy niềm vui vì Chúa đã đến thật rồi.
Gioan đã từng loan báo, Đấng Thiên Sai đến sẽ phân xử công minh cho người hèn yếu và bênh vực kẻ khó nghèo hèn. Nay ông vì chính Đạo mà bị cầm tù mà sao Đấng Thiên Sai không thấy, cũng chẳng bênh vực. Chúa Giê su chính là Đấng phải đến. Nhưng Người không phân xử theo mắt thấy hay đoán phỏng chừng tai nghe. Chúa Giêsu muốn nói với Gioan và chúng ta rằng: Người chính là Chúa, nhưng Người không hoàn toàn như ta nghĩ đâu! Ta phải tin Người chứ không được xét đoán Ngài. Nếu Người phải y như ta nghĩ, thì Người không còn là Chúa của ta nữa. Gioan đã sung sướng khi nhận được câu trả lời của Chúa và biết rằng Chúa thấu hiểu tâm can của mình. Ông tin ở Chúa và đã sống phó thác hoàn toàn.
“Gaudete” Hãy vui lên, chúng ta lặp lại lời thánh Phaolô lần nữa: “Anh em hãy vui lên!”  (Ph 4,4). Niềm vui chân thực không phải là kết quả sự vui chơi giải trí, nhưng gắn liền với một cái gì sâu xa hơn, đó là quan hệ với Thiên Chúa. Ai đã gặp được Chúa Kitô trong cuộc đời, người ấy sẽ cảm nghiệm sự thanh thản và niềm vui trong tâm hồn mà không một ai hoặc hoàn cảnh nào có thể tước mất. Thánh Augustinô đã hiểu điều đó rất rõ. Trong cuộc tìm kiếm của ngài đối với chân lý, an bình và mừng vui, sau khi đã kiếm tìm trong nhiều sự mà không có kết quả, thánh nhân đã kết luận với câu thời danh rằng : “Tâm hồn bất an của con người chỉ tìm được thanh thản và an bình cho đến khi được an nghỉ trong Chúa” ( Le Confessioni, I,1,1). Niềm vui đích thực không phải chỉ là một tâm trạng chóng qua, cũng chẳng phải là điều ta đạt tới bằng sức riêng của mình, nhưng là một hồng ân, nảy sinh từ sự kiện ta dành chỗ cho Chúa trong chúng ta, Trong mùa vọng này, chúng ta hãy củng cố xác tín Chúa đã đến giữa chúng ta và tiếp tục đổi mới sự hiện diện an ủi, yêu thương và vui mừng của Ngài. Chúng ta hãy tín thác nơi Chúa; như thánh Augustinô cũng đã quả quyết, do kinh nghiệm của ngài: “Chúa gần chúng ta hơn chúng ta gần chính mình” (Le Confessioni, III, 6,11).
Chúng ta hãy phó thác hành trình của chúng ta cho Ðức Maria, thần trí của Mẹ đã vui mừng trong Chúa là Ðấng Cứu Thế. Xin Mẹ hướng dẫn tâm hồn chúng ta trong sự vui mừng chờ đợi Chúa Giêsu đến, một sự chờ đợi đầy kinh nguyện và việc lành. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 5
KIÊN NHẪN ĐỢI CHỜ
CHÚA ĐẾN TRONG HÂN HOAN

Trong tâm tình mong chờ Chúa Cứu Thế đến sinh lại trong trần gian, ngoài việc ăn năn, sám hối trở về với cung lòng yêu thương củaThiên Chúa, Giáo Hội cũng mời gọi mọi người không quên tin tưởng, kiên nhẫn chờ đợi trong thái độ tín thác, hân hoan. Chính vì lí do này, hôm nay được gọi là Chúa Nhật màu hồng, biểu lộ niềm phấn khởi vui tươi khi trông chờ Chúa đến. Lẽ thường tình, con người chúng ta có xu hướng buồn chán, lơ đễnh khi đợi mong. Tuy nhiên, các bài đọc Phụng vụ hôm nay nhắc nhở chúng ta cách đặc biệt nên làm gì khi chờ, khi đợi Đấng Thiên Sai, trông mong ngày Người đến lần thứ hai (ngày cánh chung).
Chờ đợi cũng có lẽ là hạnh phúc, mà cũng có thể là chán nản! Khi chờ, chúng ta không biết nên làm gì! Không biết những gì nên làm! Và lắm lúc, những gì chúng ta nghĩ nên làm trong khi trông đợi lại chẳng mang lại ích lợi phần rỗi cho ta!
Trong thời đợi ngày nay, mỗi lúc chờ đợi ai, chờ đợi sự kiện gì, chúng ta có phương tiện ‘giết thời gian’, hoặc ‘chống nhàm chán’ như các thiết bị khoa học kỹ thuật, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, v.v…hoặc ‘tám hàng giờ’ qua Viber, LINE, hay cứ thế mà chơi game bằng điện thoại thông minh, v.v…Có lẽ nó giúp ích chúng ta trong một ý nghĩa nào đó, nhưng suy niệm thật thấu đáo thì đó không phải những gì Thiên Chúa muốn chúng ta làm khi trông chờ Con Thiên Chúa. Thánh Gia-cô-bê khuyến dụ tất cả chúng ta: “hãy kiên nhẫn chờ ngày Chúa đến,…hãy bền chí và vững tâm, …đừng kêu trách lẫn nhau để khỏi phải bị kết án” (x. Gc 5, 7-9). Sự kiên nhẫn ở đây không chỉ ở ý nghĩa lý trí, mà còn mang ý nghĩa thâm sâu trong đời sống đạo đức, sống đức tin trong mọi trạng huống cuộc sống, dù vui hay buồn, dù thành công hay thất bại, dù được hậu thuẫn hay bị chống đối, dù được khen tặng hay bị chê bai, chỉ trích…Cho dù lắm người đổi thay, xã hội có thay đổi như thế nào thì vẫn giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa và sống đức tin một cách sống động, can đảm giữa đời. Hơn nữa, Chúa mời gọi chúng ta biết nhẫn nại với anh chị em qua lời ăn, tiếng nói, tư tưởng, hành động “đừng kêu trách lẫn nhau…, hãy học gương kiên nhẫn và chịu đựng trong gian khổ của các tiên tri là những người đã nói nhân danh Chúa” (x. Gc 5, 9-10). Chúng ta dễ dàng kêu trách, dễ dàng đổ lỗi cho anh chị em, dễ dàng lên án, cáu gắt anh chị em…tại vì trong tận sâu thẳm của tâm hồn, chúng ta chưa khiêm nhường, chưa biết nhìn nhận, xét mình hoặc nếu có xét mình thì chỉ hời hợt, hình thức. Và nếu chúng ta không kiên nhẫn, trách cứ, kêu trách anh chị em thì làm gì có thời giờ cho ta nhìn lại con người yếu hèn của bản thân, và làm gì có thời gian để phục vụ tận tâm! Thánh Al-phong-sô, Đấng Sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế nói rất chí lý ‘muốn làm đẹp lòng Chúa, con phải từ bỏ cái tôi’. Thật sự, khi ‘bé nhỏ đi’ (khiêm tốn) thì lúc ấy chúng ta mới có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi anh chị em, và từ đóđưa chúng ta đến thái độ, tâm tình phục vụ tận tình. Như thế khi chuẩn bị tâm hồn mừng đại lễ Giáng Sinh và đón chờ ngày Chúa đến lần thứ 2 (ngày cánh chung), điều mà cần kíp, không thể thiếu được là: kiên trì sống tín thác, giữ vững đức tin, sống chia san, tận tâm phục vụ Chúa, Hội Thánh và anh chị em trong hội dòng, cộng đoàn, gia đình, lối xóm….
Hơn nữa, chúng ta còn được mời gọi hãy sống can đảm làm chứng đức tin trong hân hoan, vui mừng “…hãy can đảm, đừng sợ hãi,…chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ các ngươi” (x. Is 35, 4) và “loan báo những gì các ông nghe và thấy”(x. Mt 11, 4). Trong một thế giới ‘thay da đổi thịt’ từng khắc, với hàng loạt kỹ xảo, những chuẩn mực dường như bị thay thế bởi vô số trào lưu, lối suy nghĩ theo chủ nghĩa tương đối, thì mỗi giây phút chúng ta đón nhận hàng triệu thông tin, nghe hàng vạn câu chuyện, và có lẽ trông thấy hàng ngàn điều, nhưng phải chăng chúng ta được mời gọi ‘loan báo’ những điều này? Thiết nghĩ, Lời Chúa mời gọi chúng ta ra đi loan truyền, sống niềm vui của người con được Chúa yêu thương, được giải thoát, được cứu độ khỏi những trói buộc của trần gian, do tội lỗi chúng ta gây ra; chúng ta được thúc bách loan tin vui cho thế giới đầy tin dữ, tin buồn, chết chóc; chúng ta được gọi mời ra đi loan truyền lòng cậy trông, niềm hy vọng cho thế giới đang thất vọng ê chề; chúng ta được sai đi chia san những gì chúng ta đã, đang được lãnh nhận một cách như không từ Thiên Chúa: ơn sủng, sự sống, tình yêu, lòng nhân ái, sự quan tâm, thời gian, sức khoẻ, khả năng, tài năng, v.v…như lối diễn tả cụ thể trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu “người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta”(x. Mt 11, 5-6) Dẫu cho những chuẩn tắc, tiêu chuẩn của xã hội có hay ho đến đâu mà đi ngược lại với đời sống đức tin, Lời Chúa, giáo huấn của Hội Thánh thì chúng ta cũng được nhắc nhở sống can đảm, bước theo ‘con đường hẹp’ mỗi ngày.
Mùa Vọng là mùa chờ mong, trông đợi Đấng Cứu Thế đến sinh lại nơi trần thế, trong cộng đoàn, giáo xứ, gia đình, và trong lòng mỗi người chúng ta, và khi chờ đợi Chúa đến trong ngày cánh chung, chúng ta cúi mình lặng yên trở về với lòng mình, lắng nghe Lời Chúa đang thầm thĩ nơi mỗi người, đang nói qua Hội Thánh và những dấu chỉ thời đại với tâm tình kiên nhẫn sống đức tin, phục vụ tận tình và can đảm làm chứng giữa đời. Với ý nghĩa đó, chúng ta thật sự hân hoan đón mừng lễ Giáng Sinh trong tâm tình nồng nàn, ấm áp giữa sự vô tâm, thờ ơ, dửng dưng mà con người chúng ta đang bồi đắp; và hơn nữa chúng ta sống mầu nhiệm Nhập Thể thiết tha, chan hoà với cả lòng thành giữa đời đầy lạnh lùng, lạc bước.
Lạy Chúa,
Xin thời gian hồng phúc này
Trở nên ân sủng đong đầy hồn con.
Thời khắc chờ trông mỏi mòn,
Trổ hoa nhẫn nại mãi còn khắc ghi.
Dù đời thay đổi cứ đi
Hồn con trọn ước, lo gì chông gai.
Đường trần hun hút mãi hoài,
Đời con sau trước, chẳng ngại chia san
Vui tươi nụ cười toả lan
Kiên tâm, bền chí muôn vàn lời ca,
Một lòng thờ kính thiết tha
Chúa thương giáng thế bao la cõi trần. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

================= 
Suy niệm 6

Sứ mạng của Chúa cứu thế
Mt 11, 2 -11

Bấy giờ, ông Gioan tẩy giả “đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Chúa Giê-su rằng: “Thầy có thật là Đấng cứu thế được Thiên Chúa sai đến không? Hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”
Nhân cơ hội nầy, Chúa Giê-su tỏ cho biết Ngài đến trần gian làm cho người mù được xem thấy, cho người điếc được nghe, cho người què được đi, người phong hủi được sạch, kẻ chết sống lại…
Việc Chúa Giê-su mở mắt cho người mù được thấy là biểu tượng của việc Ngài đến mở mắt tâm hồn cho muôn dân, chủ yếu là khai trí mở lòng cho nhân loại nhận biết nhiều sự thật cao quý, đặc biệt là nhận biết Thiên Chúa là Cha giàu lòng yêu thương.
Sự kiện sau đây cho thấy người con nhận biết cha yêu quý của mình là hồng phúc lớn.
Nguyễn Thị Martine mang thân phận một người con lai xấu số, lớn lên trong vất vả nhọc nhằn. Khi Martine còn trong bụng mẹ thì cha cô là một người lính trong quân đội viễn chinh Pháp đã trở về Trung Phi, thế là cha con chưa từng biết nhau.
Đầu năm 1972, lên 18 tuổi, Martine vào làm phu khuân vác trong nhà máy xi măng Hà Tiên, cuộc đời lam lũ tăm tối, đổ mồ hôi đổi lấy áo cơm.
Thế rồi vào một ngày cuối năm 1972, khi Martine đang bốc vác xi măng, bụi bặm đầy người, thì cậu của cô bất thần chạy đến, la to: “Martine! Đi về thay đồ chuẩn bị lên máy bay, đi gặp ba mầy làm tổng thống!”
Martine bàng hoàng ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì. Hóa ra, dịp may ngàn năm một thuở đã xảy đến với cô: Cha của Martine là ông Bokassa, người lính da đen thuộc quân đội Pháp tham chiến ở Việt Nam năm xưa, nay đã trở thành tổng thống nước Cộng Hoà Trung Phi, một đất nước nổi tiếng có nhiều kim cương. Ông Bokassa đã cậy nhờ chính phủ Việt Nam Cộng hoà thời đó tìm kiếm đứa con lai của mình tại Việt Nam và rước cô này về Trung Phi.
Đối với Martine, được nhìn thấy người cha thân yêu, được vui sống với cha trong hoàng cung lộng lẫy tại quốc vương Trung Phi là một hạnh phúc tuyệt vời tưởng như chỉ có trong mơ.
Còn chúng ta, chúng ta có thể gặp được diễm phúc khác lớn hơn diễm phúc của Martine. Những ai được Chúa Giê-su “mở mắt” cho thấy mình có Cha là Thiên Chúa, là vua trời cao cả quyền năng, có Chúa Giê-su là Đấng cứu độ hiến thân chịu chết cho mình được sống, có Chúa Thánh Thần là Thầy dạy và là Đấng ban sự sống… thì sẽ được hạnh phúc gấp triệu lần hơn.
Chính vì thế, Chúa Giê-su nói với các môn đệ, là những người được diễm phúc nhận biết Thiên Chúa, rằng: “Hạnh phúc cho những con mắt được xem thấy điều các con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem thấy những điều các con thấy, mà chẳng được thấy, muốn nghe những điều các con nghe, mà đã chẳng được nghe.”
Ngoài ra, Chúa Giê-su còn tỏ ra hân hoan vui sướng trong Chúa Thánh Thần và thưa với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ” (Lc 10, 21-24).
Lạy Chúa Giê-su,
Chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con diễm phúc tuyệt vời: Điều mà nhiều người khôn ngoan thông thái cũng như nhiều vị tiên tri và vua chúa xưa nay muốn xem thấy mà chẳng được thấy, muốn nghe mà đã chẳng được nghe thì Chúa lại ban tặng cho chúng con là những người đơn sơ bé mọn.
Xin cho chúng luôn hân hoan vui sướng vì hồng phúc cao quý nầy và giúp chúng con sống xứng đáng với ân huệ Chúa ban. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

=================
Suy niệm 7
Thầy có thật là Đấng phải đến không?

Is 35,1-6a.10; Gc 5,7-10; Mt 11, 2-11

Ông Gioan Tẩy Giả từng là chuyên viên quảng cáo, giới thiệu, dọn đường, rao giảng về Đấng Cứu Thế. Nhưng cuối cùng vì công lý ông phải vào tù. Ngồi trong tù nhưng “con người Gioan” vẫn không thể yên, ông vẫn như nghe ngóng từng bước chân và hành động của Thầy Giêsu. Ngồi trong tù ông có thời giờ ngẫm nghĩ lại và so sánh lời giảng của mình với thực tế. Phải chăng thời kỳ ở tù lâu dài với đau khổ làm ông mệt mỏi chán chường, thất vọng về Thầy? Sao vẫn chưa thấy Đấng Cứu Thế vùng lên để giải thoát dân như ông từng rao giảng, bằng uy quyền như dân Do Thái vẫn quan niệm về Ngài? Trong khó khăn thử thách, con người muốn ngã quỵ và sinh nghi ngờ. Ông mới sai hai môn đệ đến tận nơi gặp Thầy và hỏi lại cho ra nhẽ: “Thưa Thầy, Thầy có thật là “Đấng phải đến” không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11, 3).
Chính lúc hai ông đến hỏi thì Đức Giêsu đang chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỉ ám và cho nhiều người mù được thấy. Người trả lời luôn và dặn các ông đem tin tức mắt thấy tai nghe này về cho Gioan để minh chứng: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.” (Mt 11, 4-5). Những việc Người làm này là dấu chứng tỏ một Đấng Cứu Thế mà ngôn sứ Isaia từng loan báo. Người muốn cho Gioan và môn đệ ông nhận ra dấu chỉ thực sự của Đấng Thiên sai với những việc làm cụ thể, mà chính các ông đã được mắt thấy tai nghe hôm nay. Ngài đã thi hành sứ vụ cứu con người khỏi tội lỗi, khỏi ách thống trị của Satan và gông cùm sự chết, để đưa con người đến cùng Thiên Chúa là Cha đầy tình yêu thương xót.
Bài đọc I hôm nay đã quả quyết về sứ mệnh của Đấng cứu độ: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò”. (Is 35,5-6a). Ngày nay trong chúng con nhiều người vẫn mong Chúa của mình là Đấng thật hùng mạnh, để giúp con chiến thắng kẻ thù, mong Chúa đối xử công bằng nghiêm minh trước những thực tại bất công ngược đời, mong Chúa thực hiện những ước mơ hoài bão xa vời, để rồi khi thấy Chúa lặng im, thì ngã lòng thất vọng, nghi ngờ tình thương và sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa! trong thời đại hôm nay xin giúp chúng con thức tỉnh để nhận ra Chúa luôn hiện diện ở giữa chúng con, không ồn ào giữa hàng lớp oai phong, nhưng ẩn mình trong những thân phận của những người nghèo hèn, đau khổ, bệnh tật, tù đày... Xin cho chúng con sẵn sàng giơ tay đón lấy những người anh em ấy như là chính Chúa. Xin mở con mắt và đôi tai để chúng con biết lắng nghe và nhìn nhận một Đấng cứu tinh đã và đang đến với chúng con. Trong sâu thẳm cõi lòng, những gì đã cảm nhận được từ nơi Chúa, chúng con lại đem những điều “mắt thấy tai nghe” ra làm chứng cho một Thiên Chúa nhân hậu từ bi và luôn yêu thương đến quên mình vì con. Amen.

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Kinh Năm Thánh 2025
Kinh Năm Thánh 2025
Đây là Kinh Năm Thánh 2025 được Đức Giáo hoàng Phanxicô soạn. Bản dịch Việt ngữ do Linh mục Giuse Lê Công Đức, PSS thực hiện và đã được Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log