Thứ hai, 27/01/2025

Suy niệm Tin Mừng lễ Chúa Hiển Linh

Cập nhật lúc 16:09 05/01/2023
Suy niệm 1
Mt 2, 1 – 12
Có một thắc mắc đáng được chúng ta quan tâm, đó là ngôi sao ở cách xa trái đất hàng nhiều tỉ cây số và ngôi sao nào cũng lớn hơn trái đất hằng nhiều ngàn lần. Vậy mà tại sao nó lại dời quỹ đạo của nó và hướng dãn các đạo sĩ từ Giêrusalem xuống Bêlem, một hành trình chỉ có 12 cây số. Một ngôi sao mà được mô tả như một ngọn đèn di chuyển cách xa trái đất chừng vài ba chục mét. Điều đó chứng tỏ câu chuyện thánh Matthêu kể chỉ có tính thần học chứ không có tính khoa học. Điều mà thánh Matthêu muốn là đồng bào của ngài phải tin Đức Giêsu Nadarét là Đấng Cứu Thế, đồng thời ngài muốn khiển trách đồng bào Do Thái của ngài là suốt dòng lịch sử người Do Thái luôn luôn coi chư dân là kẻ thù, thậm chí còn kết tội những ai quan hệ với người ngoại quốc. Ai vào nhà người ngoại quốc và ngoại đạo thì mắc uế.
Dân Do Thái được tuyển chọn làm người đem Tin Mừng đến cho muôn dân. Nhưng họ đã phản bội với ơn gọi ấy, khiến Đức Giêsu rất bức xúc. Đức Giêsu đã nhiều lần đề cao người ngoại. Một lần kia Ngài khen ông sĩ quan ngoại quốc ngoại đạo và là quân xâm lược: “Tôi chưa thấy một niềm tin nào như thế trong dân tộc Itraen”. Một lần khác Ngài cho người Samari đóng vai lý tưởng trong dụ ngôn “người Samari nhân từ”. Hơn thế nữa, Ngài còn nói với ông Kinh sư, bậc thầy trong đạo rằng: “ông hãy về và làm như thế”. Đặc biệt là trong một lần kia, Ngài về thăm quê Nadarét. Trong một bài giảng tại nguyện đường Nadarét, Ngài đã hai lần đề cao người ngoại. Một lần đề cao bà góa ở Sarépta: “trong nước Ítraen có biết bao bà góa nghèo đói mà sứ ngôn Êlia không chiếu cố, lại chiếu cố bà góa ở Sarépta”. Chưa hết, Ngài còn nói: “Trong nước Ítraen có biết bao người cùi mà sứ ngôn Êlisa không chữa, lại chữa ông Naaman, người Syria”. Thế là đồng hương đang tôn sùng Ngài như siêu sao, bỗng nổi giận và đòi lôi cỏ Ngài lên núi mà xô xuống cho chết.
Đức Giêsu yêu người ngoại như thế đó. Thánh Matthêu cũng muốn cho đồng bào ngài hiểu ý Chúa và sống như Chúa muốn. Đó là ý thần học của câu chuyện “Ba nhà đạo sĩ” mà thánh Matthêu đã dựng nên.
Ngày xưa ta gọi lễ này là lễ “Ba vua”. Bây giờ Giáo hội muốn ta gọi là lễ “Hiển linh”. Ý của Giáo hội muốn là chúng ta phải hưởng ứng cái ý thần học mà thánh Matthêu đã gán cho câu chuyện “ba nhà đạo sĩ phương đông” này.
Một điều đáng buồn và đáng tiếc là lịch sử truyền giáo 500 năm tại Việt Nam đã chưa làm được điều Đức Giêsu đã làm và thánh đã viết. Đó là yêu và kính trọng người ngoại đạo. Vì hoàn cảnh lịch sử khiến các nhà thần học và truyền giáo của chúng ta đã có một sai lầm rất lớn, nghịch với tâm và ý của Chúa. Thánh Tôma tiến sĩ đã nói rất sai rằng: “ngoài kitô giáo, các tôn giáo khác đều bởi ma quỷ mà ra”. Cha De Rhodes một nhà truyền giáo tại Việt Nam, người có công nhất trong sự nghiệp sáng lập ra chữ quốc ngữ và hôm nay được nhà nước và giới trí thức Việt Nam gọi là “Nhà văn hóa vĩ đại của Việt Nam”. Cái sai cực lớn của cha De Rhodes là ngài đã gọi Đức Phật là “một tên gian dối, bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ vợ, bỏ con để đi rao giảng sự dối trá và lừa gạt chúng sinh”. Cái sai cực kỳ lớn này là do hoàn cảnh lịch sử. Nhưng phải công nhận là sai lầm này chống lại tâm và ý của Chúa. Ta phải hối hận sâu đậm và phải yêu người ngoại thật nhiều để bù lại sự sai lầm ấy.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
================
Suy niệm 2
Những ngôi sao Bê-lem mới
Mt 2, 1-12
Các nhà chiêm tinh phương đông phát hiện ra một ngôi sao đặc biệt xuất hiện trên bầu trời và nhận ra đó là dấu hiệu cho thấy có một vì vua vĩ đại mới ra đời. Thế là các vị quyết tâm lên đường, vượt qua muôn dặm đường xa, mong được triều bái vị vuad mới sinh.
Lòng thành kính của các vị đã được đền đáp. Họ được phúc tìm gặp Đấng cứu thế là vua trời mới giáng sinh tại Bê-lem.
Thế là nhờ ánh sáng của một ngôi sao chỉ đường, các nhà chiêm tinh phương đông được phúc tìm gặp Chúa Giê-su giáng thế. Trong khi đó, có vô vàn dấu hiệu trên trời dưới đất, nhan nhản khắp nơi mà chúng ta tiếp cận hằng ngày, có thể chứng tỏ cho người đời nhận ra Thiên Chúa, thế mà người ta không mảy may tìm hiểu, do đó không nhận biết Thiên Chúa là Đấng tạo thành.
Thiết tưởng chỉ cần khảo sát một chiếc lá thôi cũng đủ để cho ta nhận ra có một Đấng sáng tạo đầy quyền năng.
Mỗi chiếc lá là một nhà máy tuyệt vời tự chế biến ra thức ăn để nuôi cây chủ và nuôi sống nhiều loài động vật khác, kể cả con người.
Lá hút nước từ đất lên, hóa hợp với khí cacbonic đầy dẫy trong không khí, phơi mình dưới ánh sáng mặt trời để quang hợp. Thế rồi từ hai thứ nguyên liệu dư dật nầy, lá sản xuất ra khí ôxy trong lành tối cần thiết cho cuộc sống và cung cấp chất dinh dưỡng là glucose nuôi cây, nuôi các loài cầm thú và cả loài người.
Nếu không có những chiếc lá quá đỗi tầm thường nầy thì sẽ không có rau cỏ, không có hạt, không có trái cây để nuôi sống chim chóc, thú vật cũng như con người và như thế, cuộc sống trên địa cầu sẽ lụi tàn ngay.
Đến đây, chúng ta cần làm sáng tỏ vấn đề: Ai tạo nên những chiếc lá?
Tất nhiên, đất đai là thứ vô tri vô giác, không thể tạo nên những chiếc lá và lá cũng không thể tự tạo nên mình. Các nhà khoa học cũng không thể tạo nên lá vì lá cây xuất hiện trước khi có con người.
Chỉ còn một câu trả lời thỏa đáng nhất: Chính Thiên Chúa là Đấng đầy quyền năng phép tắc mới có thể tạo dựng nên muôn vật muôn loài, từ những chiếc lá nhỏ bé cho đến những công trình lớn lao.
Thế là chỉ cần khảo sát và ngắm nhìn một chiếc lá thôi, chúng ta cũng có thể nhận biết có Thiên Chúa quyền năng là Đấng tạo nên nó.
Ngoài ra, khi khảo sát một con kiến, một con ong hay bất kỳ sinh vật nào trên Địa Cầu, chúng ta đều thấy chúng là những kỳ quan tuyệt vời do Thiên Chúa tạo nên. Nếu Chúa không tác thành, chẳng vật gì có thể tự có được.
Như thế, từ một chiếc lá nhỏ bé tầm thường đến những ngôi sao hùng vĩ trên vòm trời cao thẳm, tất cả đều là những dấu hiệu, là những “ngôi sao” khác… dẫn đường cho chúng ta đến với Chúa và thờ lạy Ngài như các nhà chiêm tinh ngày xưa.
Lạy Chúa Giê-su,
Các nhà chiêm tinh cách đây 2.000 năm, nhờ ánh sáng của ngôi sao lạ dẫn đường, đã sẵn sàng vượt qua muôn dặm đường xa, trải qua cuộc hành trình gian lao vất vả, tìm đến xứ lạ quê người để được gặp mặt và triều bái Chúa mới giáng sinh.
Hôm nay, xin cho chúng con biết noi gương các ngài, dựa vào những điều kỳ diệu chung quanh chúng con, để nhận ra Chúa là Đấng quyền năng đã tác tạo muôn vật muôn loài và không ngừng tung hô chúc tụng Chúa. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
================
Suy niệm 3
THÀNH ÁNH SAO LẠ DẪN ĐƯỜNG CHO THA NHÂN
Is 60,1-6 ; Ep 3,2-3a.5-6 ; Mt 2,1-12
I.HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 2,1-12
(1) Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem (2) và hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”. (3) Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. (4) Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu? (5) Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng: (6) “Phần ngươi hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa. Ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa. Vì ngươi là nơi Vị Lãnh Tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”. (7) Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. (8) Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin qúi ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho Trẫm, để Trẫm cũng đến bái lạy Người”. (9) Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông lại xuất hiện dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở mới dừng lại. (10) Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. (11) Họ vào nhà, thấy Hài Nhi và thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình bái lạy Người. Rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. (12) Sau đó họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
2. Ý CHÍNH: NHỜ ÁNH SAO DẪN ĐƯỜNG, DÂN NGOẠI ĐÃ TÌM THẤY CHÚA.
Khi Đức Giê-su giáng sinh tại Bê-lem, có mấy đạo sĩ từ phương Đông đã theo ngôi sao lạ đi tìm Đấng Cứu Thế. Nhờ ánh sao dẫn đường và sau khi vượt qua nhiều trở ngại, cuối cùng các ông đã gặp được Hài Nhi Cứu Thế. Các ông đã biểu lộ đức tin bằng thái độ sụp lạy và tiến dâng lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược. Sau đó, các ông vâng lời thiên thần để theo con đường khác trở về quê hương.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-2: +Vua Hê-rô-đê:Đây là Hê-rô-đê Đại Vương, một con người đa nghi, độc ác và tham quyền cố vị, băng hà vào năm 4 sau Công Nguyên (x. Mt 2,15). Phân biệt với Hê-rô-đê An-ti-pa hay Hê-rô-đê Con, kế vị vua cha cai trị xứ Ga-li-lê. Hê-rô-đê Con cũng độc ác không kém vua cha. Chính ông đã ra lệnh chém đầu Gio-an Tẩy Giả và có lần đã xét xử Đức Giê-su trong cuộc khổ nạn của Người. +Mấy nhà chiêm tinh: Cũng gọi là đạo sĩ, đến từ phương Đông (x. Ds 23-24). Đây là những nhà thông thái, am tường khoa chiêm tinh. Dựa vào 3 lễ vật họ dâng mà người ta quả quyết có 3 vị. Truyền thuyết dân gian còn kể tên 3 vị ấy: Melchior da trắng ; Gaspar da vàng ; Balthaza da đen để nói lên rằng: Ơn cứu độ phổ quát cho mọi dân tộc, màu da hay tiếng nói, không chỉ riêng cho dân Do Thái.
- C 5-6: +Họ trả lời: “Tại Bê-lem.”..: Có một sự đối nghịch về thái độ đối với Đấng Cứu Thế giữa dân Do Thái và lương dân: Các thượng tế và kinh sư là những người dựa vào Kinh Thánh biết rõ nơi sinh của Hài Nhi Cứu Thế là Bê-lem, nhưng lại thờ ơ. Đang khi dân ngoại vất vả đi tìm Người. +Thành Bê-lem: Là một thị trấn nhỏ thuộc miền núi xứ Giu-đê, cách Giê-ru-sa-lem 10 cây số về phía Nam. Bê-lem này là quê hương của vua Đa-vít (x. 1 Sm 16,1 tt).
- C 7-8: +Hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện: Vì Hê-rô-đê muốn biết đích xác tuổi của Hài Nhi Cứu Thế và đã ra lệnh cho quân lính giết các trẻ nam tại Bê-lem và vùng phụ cận từ hai tuổi trở xuống.
- C 9-10: +Ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông lại xuất hiện dẫn đường cho họ: Đây là một ngôi sao có những đặc tính khác thường như: Lúc ẩn lúc hiện, lúc đi trước dẫn đường và lúc thì dừng lại... do Thiên Chúa ban, để trợ giúp các nhà chiêm tinh đi tìm Hài Nhi Cứu Thế.
- C 11-12: +Họ vào nhà: Chắc chắn sau đêm Chúa giáng sinh, hai ông bà Giu-se Ma-ri-a không tiếp tục cư ngụ tại cánh đồng Bê-lem vì thiếu các tiện nghi tối thiểu mà đã vào thị trấn Bê-lem thuê một căn nhà ở tạm.+ Sấp mình bái lạy Người: Các đạo sĩ biểu lộ đức tin Hài Nhi là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa. + Lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến: Các nhà chiêm tinh dâng lên Hài Nhi ba lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược, là đặc sản của quê hương các ông. Vàng tượng trưng đức tin, nhũ hương tượng trưng đức cậy và mộc dược tượng trưng đức mến. Theo các giáo phụ thì Vàng ám chỉ tước vị Vua, nhũ hương chỉ tước vị Tư Tế, mộc dược ám chỉ cuộc tử nạn và mai táng bằng dầu thơm sau này. + Đi lối khác về xứ mình: Hê-rô-đê không thể chống lại quyền năng, tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Những ai chống lại Thiên Chúa sớm muộn cũng sẽ thất bại và chuốc lấy hậu quả tai hại cho mình mà thôi.
4. CÂU HỎI: 1) Phân biệt Hê-rô-đê Đại Vương khác với vua Hê-ro-đê An-ti-pa thế nào trong sự đối xử với Đức Giê-su và về sự gian ác quỷ quyệt? 2) Các nhà chiêm tin trong Tin Mừng có phải là vua không? Vì sao người ta gọi là 3 vua và theo truyền thuyết thì tên ba vị là gì và mang ý nghĩa như thế nào? 3) Các thượng tế và kinh sư Do thái dựa vào đâu mà nói nơi sinh của Đấng Cứu Thế là Bê-lem? So sánh giữa thái độ của các nhà thông thái của dân Do thái và của các đạo sĩ ngoại giáo trước việc Đấng Cứu Thế ra đời như thế nào? 4) Hê-rô-đê hỏi về ngày giờ ngôi sao lạ xuất hiện để làm gì? 5) Các đạo sĩ biều lộ đức tin thế nào khi gặp Hài Nhi Cứu Thế? 6) Ý nghĩa tượng trưng của ba lễ vật các đạo sĩ dâng là gì? Các giáo phụ giải thích ba lễ vật như thế nào?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2,11).
2. CÂU CHUYỆN:
1) MÓN QUÀ CỦA VỊ ĐẠO SĨ THỨ TƯ:
Chuyện kể rằng, khi ba đạo sĩ là Gaspar, Melchior, Balthazar và đoàn tùy tùng vừa đi khỏi làng Be-lem, thì vị đạo sĩ thứ tư cũng vội chạy đến. Ông cũng đã nhìn thấy ngôi sao lạ và cũng như ba ông kia, ông dắt vào lưng ba viên ngọc quí là gia sản quí nhất của ông và vội vã lên đường. Nhưng sau cùng, ông đã đến trễvì gặp nhiều sự cố phải giải quyết trên đường: ba vị kia đã gặp Chúa rồi và đã trở về nhà rồi!… Còn ông vừa đến trễ và nhất là lạichỉ đến với hai bàn tay trắng… vì không còn viên ngọc quí nào làm lễ vật dâng cho Hài Nhi Cứu Thế…
Đến nơi, ông nhẹ tay mở cửa chuồng bò để vào thăm bé Giê-su, Mẹ người và người cha nuôi của Người. Trời tối, ông thấy Giu-se đang nằm nghỉ trên đống rơm, bé Giê-su thì đang say ngủ trong lòng Mẹ.
Rón rén, vị đạo sĩ thứ tư tiến lại gần, phục mình dưới chân bé Giê-su và Mẹ Người và bắt đầu thưa với Người qua dòng nước mắt:
– Lạy Chúa, con đến để dâng lên ngài lễ vật giống như các vị đạo sĩ kia, đó là ba viên ngọc quý to như trứng bồ câu. Nhưng giờ đây con lại không còn viên nào nữa…Con thấy ba vị kia đi trước con ngồi trên lạc đà, con định tiến nhanh lên để đi chung với họ. Nhưng rồi rượu ngon, tiếng chim hót làm con say mê. Tối hôm đó con đã ngủ lại trong một quán trọ. Khi bước vào quán, con thấy một cụ già đau nặng đang lên cơn sốt rétnằm co quắp run rẩy bên lò sưởi. Ngày mai, ông sẽ bị chủ quán đuổi ra ngoài đường nếu không trả tiền ở trọ. Lạy Chúa, xin tha cho con, con đã lấy một viên ngọc trong túi ra và đưa cho chủ quán để nhờ ông này tìm thầy chạy thuốc chữa bệnh và nếu ông lão có bị chết, thì cũng có đủ tiền trả chi phí an táng cho ông.
Ngày hôm sau, con ra đi, giục con lừa của con chạy đuổi theo ba vị kia, vì họ đi bằng lạc đà chậm hơn con. Con đường con đi qua thật vắng vẻ và nhiều cây cối.Một hôm, đang đi thì con nghe thấy có tiếng kêu cứu phát ra từ một bụi rậm. Con nhảy xuống lừa và thấy mấy tên lính đang hãm hiếp một thiếu phụ trẻ. Họ đông quá, con không đủ sức chống lại. Lạy Chúa, xin tha cho con: Một lần nữa con lại đưa tay vào túi lấy ra viên ngọc thứ hai để xin chuộc lại người thiếu phụ. Cô ta hôn tay con rồi vội vã chạy như bay vào con đường dẫn lên núi.
Giờ đây chỉ còn lại một viên ngọc duy nhất trong túi. Con tiếp tục lên đường. Ít ngày sau, con đã tới gần thị trấn Be-lem. Lúc đó đã quá trưa, con nghĩ mình sẽ cố đến nơi trước khi trời tối. Nhưng kìa một bọn lính đang hung hăng đốt phá một ngôi làng nhỏ. Con hỏi thăm người đi đường thì biết bọn lính đang thi hành lệnh vuaHê-rô-đê là giết tất cả các con trẻ từ hai tuổi trở xuống tại Be-lem và vùng phụ cận. Bấy giờ một tên lính đang nắm trên tay một em bé trần truồng, đưa qua đưa lại trước mặt. Đứa bé dãy dụa khóc thét vì sợ. Tên lính nói với mẹ đứa trẻ: ”Bây giờ tao sẽ cho con mày vào đống lửa và nó sẽ bị thiêu cháy như một con heo sữa !” Người mẹ thì đang quì lạy và gào khóc dưới chân tên lính.Không chịu nổi cảnh ấy, một lần nữa, con lấy ra viên ngọc cuối cùng trao cho tên lính để yêu cầu trả con cho bà mẹ. Mẹ nó ôm chặt lấy con, vội chạy trốn đi không kịp nói lời cám ơn. Lạy Chúa, thế là cuối cùng con đã đến đây với hai bàn tay trắng. Xin Chúa tha cho con…
Nói xong ông sấp mặt sát đất hồi lâu. Thinh lặng bao trùm chuồng bò. Rồi ông từ từ ngước nhìn lên thì thấy ông Giu-se đã thức dậy, bé Giê-su vẫn nằm trong tay Mẹ Ma-ri-a. Bé quay mặt về phía ông, chìa đôi tay tí hon ra trước mặt ông. Hai mẹ con đều nhìn ông mỉm cườinhư gián tiếp tiếp nhận các món quà bác ái yêu thương ông đã quảng đại thực hiện cho các người bệnh tật nghèo khổtrước đó…
2) ĐỨC TIN ĐƯỢC CHIẾU SÁNG BẰNG VIỆC TẶNG QUÀ CHO THA NHÂN:
Trong cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chủ tịch Liên Xô Gorbachov đã trao tặng và nhận quà. Nhà lãnh đạo của Liên Xô đã tặng cho Đức Thánh Cha một tập Kinh Thánh, Thánh Vịnh in vào thế kỷ 13 và 14. Món quà là cuốn Kinh Thánh có ý khẳng định rằng giá trị đạo đức và luân lý Kitô giáo là những nhân tố cần thiết để xây dựng xã hội tốt đẹp.
Đáp lại Đức Thánh Cha đã tặng cho nhà lãnh đạo Liên Xô một quyển Tân Ước có ghi hàng chữ: “Ta là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống”. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và toàn thể Giáo Hội muốn trao tặng Đức Kitô cho một xã hội đã từ lâu quên lãng Thiên Chúa.
Riêng bà Raissa, phu nhân chủ tịch Gorbachov, Đức Thánh Cha đã tặng cho bà một cổ tràng hạt. Mẹ Ma-ri-a là nữ vương hòa bình. Do đó, đây là món quà rất cao quý mà một vị giáo hoàng muốn tặng cho một vị phu nhân chủ tịch hay những ai đang mưu tìm hòa bình cho nhân loại.
3) ĐỨC TIN ĐƯỢC CHIẾU SÁNG BẰNG VIỆC CẢM THÔNG VỚI THA NHÂN:
Có một bé gái cùng với mẹ đi viếng hang đá. Bà mẹ giải thích cho em rằng ba nhà Đạo Sĩ dâng tiến của lễ cho Chúa Hài Nhi là vàng, nhũ hương và mộc dược. Cô bé nhìn Hài Nhi trong máng cỏ một cách cung kính rồi quay sang hỏi mẹ: “Tại sao các đạo sĩ không mang đến cho Chúa Hài Nhi một cái giường nhỏ, mà để Chúa phải nằm trong máng rơm lạnh lẽo như vậy hả mẹ ?”
Một tấm lòng và một sự quan tâm thực sự đến nhu cầu của tha nhân. Cô bé cảm nhận được nhu cầu của cuộc sống thực tế đời thường. Sự kiện Chúa Giê-su sinh ra nơi hang lừa, máng cỏ đã khơi dậy được tâm tư và sự cảm thông của lòng em gái này. Chúa đến trong nghèo nàn để mời gọi chúng ta cùng chia sẻ tâm tình với những người cùng khổ nghèo đói chung quanh chúng ta. Nhu cầu thực tế của cuộc sống là miếng cơm manh áo và một chỗ để nương thân. Hài Nhi Giê-su đã chạm đến cái cùng cực nghèo khó của thân phận con người. Từ đó, Chúa mời gọi chúng ta: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy."(Mt 25, 40).
4) ĐỨC TIN ĐƯỢC CHIẾU SÁNG BẰNG VIỆCCÔNG KHAI CẦU NGUYỆN:
ARTHUR JONES gia nhập không lực Hoàng gia, anh được huấn luyện trong một trại lính cùng với 30 binh sĩ khác. Ngay đêm đầu tiên, anh đã phải cân nhắc về một quyết định: “Có nên quì gối đọc kinh như thói quen ở nhà không?”. Ban đầu anh cảm thấy hơi ngượng, nhưng rồi anh tự nhủ: “Chẳng lẽ mình phải thay đổi cách sống vì sợ kẻ khác dòm ngó sao?”
Anh liền quyết định cứ quì gối đọc kinh như thói quen. Khi vừa làm dấu kết thúc buổi cầu nguyện, mọi người mới biết anh là người Công giáo. Hơn nữa, anh lại là người Công giáo duy nhất trong trại lính. Tuy nhiên, anh vẫn quì gối cầu nguyện hàng đêm, và sau đó thường dẫn đến những cuộc tranh cãi hàng giờ.
Cuối khóa huấn luyện, có người đến nói với anh:
– Anh là người Kitô hữu tốt nhất mà tôi gặp.
Anh liền đáp lại:
– Cám ơn bạn, tôi không nghĩ mình là Kitô hữu tốt nhất đâu. Có thể tôi là người Công giáo dám công khai biểu lộ đức tin.
Ánh sáng Đức Tin của người lính đã tỏa sáng trong trại huấn luyện của không lực hoàn gia. Đúng như lời Đức Giê-su đã nói: “Các con là ánh sáng thế gian” (x. Mt 5,14-16). Như ánh sao lạ đã mọc lên để dẫn đường cho các đạo sĩ, ngôi sao Tin Mừng cũng đã xuất hiện để soi dọi vào tâm hồn tăm tối của chúng ta. Để từ đây, ánh sáng đức tin luôn tỏa rạng ngời.
3. SUY NIỆM:
1) XIN THÌ SẼ ĐƯỢC; TÌM THÌ SẼ GẶP; GÕ THÌ SẼ MỞ:
Khi hay tin Đấng Cứu Thế mới ra đời, thái độ của các người liên quan như thế nào?
- Các mục đồng nghèo khó: đang chăn giữ đoàn chiên ở vùng phụ cận Be-lem đã mau lên đường đi tìm kiếm Hài Nhi Cứu Thế dựa theo dấu chỉ mà sứ thần đã cho họ biết. Vua Hê-rô-đê và hoàng cung nghe tin đã đi tìm nhưng không phải để triều bái Người như vua đã nói với các đạo sĩ, nhưng là để tìm giết Người. Còn dân thành Giê-ru-sa-lem thì hoảng hốt, thay vì vui mừng trước tin Đấng Cứu Thế đã ra đời. Riêng các thượng tế và luật sĩ có sự hiểu biết Lời Chúa trong Kinh Thánh, đã có thể chỉ đường cho các đạo sĩ hãy tìm Đấng Cứu Thế tại Be-lem, nhưng chính họ lại không thiết tha đi tìm. Chỉ có các vị đạo sĩ khi nhìn thấy ngôi sao lạ bên trời Đông, đã vội vã chuẩn bị lễ vật và lên đường tìm kiếm. Các ngài đã trải qua nhiều nỗi vất vả và trắc trở và cuối cùng đã tìm thấy Hài Nhi Cứu Thế. Họ đã sụp lạy, dâng tiến lễ vật và nghe lời sứ thần mộng báo, họ đã chọn đi theo con đường khác trở về quê hương mà không quay lại với con đường gian ác của vua Hê-rô-đê muốn tìm giết Hài Nhi mới sinh.
- Các vị đạo sĩ: chỉ có một dấu hiệu mơ hồ là ánh sao lạ trên bầu trời, nhưng họ đã can đảm ra đi và kiên trì tìm kiếm, nên đã được Chúa trợ giúp vượt qua những gian nan để tìm thấy Hài Nhi Cứu Thế, rồi tin thờ Người và được hưởng ơn cứu độ Người ban cho. Ngày nay cũng có rất đông anh chị em lương dân đang miệt mài nghiên cứu tìm kiếm sự thật trong các lãnh vực: khoa học kỹ thuật, triết lý, nghệ thuật..., đang cố gắng tu tập để nên tốt hơn dựa theo ánh sáng giới hạn là các điều thiện hảo nơi các tôn giáo ngoài Kitô giáo, hay đang tận tâm lo bảo về môi trường trái đất ngày một an toàn tốt đẹp hơn. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa vẫn đang đồng hành với họ mà họ không hay biết. Xin cho họ sớm nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong trật tự lạ lùng nơi vũ trụ, và giúp họ sớm nhận biết Chúa Giê-su là “sự thật toàn vẹn, sự sống đời đời và là đường duy nhất dẫn đưa loài người lên trời gặp Thiên Chúa”.
- Các thượng tế và kinh sư: Khi được hỏi Đức Kitô sinh ra ở đâu, thì họ đã trả lời vanh vách: Tại Be-lem, miền đất Giuđa, vì trong sách tiên tri có chép rằng: “Phần ngươi, hỡi Be-lem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời”. Sự hiểu biết của họ thật chính xác, nhưng mới chỉ là hiểu biết theo sách vở, nên đã không đủ mạnh để thúc đẩy họ hành động dấn thân đi tìm Chúa.
- Mỗi người tín hữu hôm nay: Nguyên việc tin thờ Chúa tại nhà thờ, nghe Lời Chúa giáo huấn là điều cần, nhưng chưa đủ để giúp chúng ta đón nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chúa đòi chúng ta còn phải luôn đi tìm Chúa và thực thi thánh ý của Ngài qua việc học sống Lời Chúa trong Thánh Kinh, và thánh lễ và qua các dấu chỉ của thời đại. Rồi khi đã tìm gặp Chúa, chúng ta còn phải chu toàn sứ vụ làm cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Chúa đến để ban ơn cứu độ cho mọi người, nhưng không phải hết mọi người đều được ơn cứu độ, mà chỉ những ai tin và đi theo con đường của Chúa Giê-su.
2) ĐIỀU KIỆN ĐỂ TÌM GẶP ĐƯỢC CHÚA:
- Muốn tìm thấy Chúa đòi phải hy sinh: Các đạo sĩ đã phải rời khỏi nhà, sẵn sàng đón nhận bất ngờ trong cuộc sống: Họ nghĩ Đấng Cứu Thế phải là con của nhà vua, phải sinh ra tại kinh thành hoa lệ, nên họ đã đến thủ đô Giê-ru-sa-lem rồi vào hoàng cung hỏi: “Vua Do thái mới sinh hiện ở đâu ?” Nhưng Hài Nhi Cứu Thế lại không sinh ở nơi giàu sang, mà tại hang chiên bò hôi tanh, trong hình hài một trẻ thơ mới sinh yếu đuối « bọc trong tã và nằm trong máng cỏ » nghèo hèn.
- Muốn tìm thấy Chúa đòi phải dấn thân đi tìm: Các Thượng tế và kinh sư biết rõ nơi sinh của Đấng Cứu Thế là thành Bê-lem, nhưng lại không đi tìm, đang khi các đạo sĩ dù chỉ suy đóan mơ hồ, nhưng họ lại quyết tâm lên đường tìm kiếm, nên cuối cùng họ đã gặp được Hài Nhi Cứu Thế.
- Muốn đi tìm Chúa cần phải chuẩn bị hành trang: Khi đi tìm Chúa, các đạo sĩ đã chuẩn bị lễ vật mang theo là các đặc sản của quê hương như: vàng, nhũ hương và mộc dược làm lễ vật dâng tiến Hài Nhi. Những lễ vật này chỉ là những biểu hiệu của lễ vật thiêng liêng là đức Tin, đức Cậy và đức Mến. Khi dâng vàng, các đạo sĩ cũng tuyên xưng vương quyền của Hài Nhi Giê-su. Dâng nhũ hương, các ngài nhận Hài Nhi là tư tế của Giao Ước Mới; Dâng mộc dược là các ngài đề cao mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đấng Thiên Sai sau này.
- Gặp được Chúa thực sự sẽ giúp biến đổi nên người mới: Sau khi gặp Chúa, các đạo sĩ đã nghe lời sứ thần mộng báo, để không quay lại với vua Hê-rô-đê độc ác, nhưng đã chọn đi đường khác trở về quê hương mình. Đây cũng là bài học cho chúng ta: Một khi đã gặp được Chúa là nguồn Chân Thiện Mỹ, chúng ta sẽ dứt khoát với tội lỗi gian ác, để quyết tâm đi theo đường tin yêu là khiêm tốn phục vụ Chúa nơi tha nhân, nhất là nơi những người nghèo hèn.
3) SỨ MẠNG TRỞ THÀNH ÁNH SÁNG DẪN ĐƯỜNG CHO THA NHÂN:
Trong cuộc sống đời thường, có nhiều điều như ánh sao dẫn chúng ta đến với Chúa. Có thể là:
– Một câu Lời Chúa trong kinh thánh đánh động lòng ta.
–Một bài giảng hay trong thánh lễ thuyết phục ta.
– Một lời khuyên chân tình của người trên nhắc nhở ta.
– Một gương sáng khiến ta xúc động quyết tâm noi theo.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II trong Giáo lý Năm Thánh 2000 cũng viết: “Việc giáo dân tham dự và cùng có trách nhiệm trong cộng đồng Kitô hữu, cùng với nhiều hình thức tông đồ và phục vụ của họ trong xã hội, khiến chúng ta có lý mà hy vọng rằng, vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba, sẽ có một cuộc “hiển linh” trọn vẹn và tốt đẹp nơi thành phần giáo dân”.
4) THỰC THI SỨ MẠNG LÀM ÁNH SAO DẪN ĐƯỜNG CHO LƯƠNG DÂN:
Ngày nay, Chúa không dùng ngôi sao xuất hiện trên trời, nhưng muốn mỗi người chúng ta trở thành một vì sao lạ soi dẫn giúp mọi người đến với Chúa.
- Ngôi sao cần phải chiếu sáng: Ngôi sao chỉ chiếu sáng khi bản thân nó có ánh sáng. Người Ki-tô hữu cũng chỉ chiếu sáng khi cuộc sống của họ có ánh sáng, phản chiếu ánh sáng đón nhận từ ơn Chúa ban và từ việc thực hành Lời Chúa trong Thánh Kinh.
- Phải chiếu ánh sáng lạ là hành động tin yêu: Tin kính Chúa và yêu thương phục vụ tha nhân. Tin yêu để xây dựng một cuộc sống chan hoà tình người. Tin yêu để sẵn sàng tha thứ hoà giải. Tin yêu để vượt qua mọi bóng tối của chia rẽ thù hận, bất hoà bè phái. Tin yêu là ánh sáng ấm áp làm cho thế giới trở nên gần gũi nhau, con người trở nên thân thiện với nhau, cuộc đời trở thành đáng yêu đáng sống hơn.
- Phải chiếu ánh sáng công bình, bác áithể hiện sự thánh thiện thực sự: Tin Chúa được biểu lộ bằng sự tôn trọng lối sống công bình trong cuộc sống. Yêu Chúa còn phải thể hiện qua lối sống bác ái yêu thương tha nhân cụ thể.
Tất cả những làn ánh sáng công bình bác ái nói trên sẽ trở thành lòng đạo đức thánh thiện thực sự. Một người chỉ mong tìm kiếm vật chất tiền bạc sẽ luôn sống trong bóng tối tuyệt vọng. Chỉ có ánh sáng của sự thánh thiện thực sự mới đủ sức phá tan bóng tối tội lỗi và làm cho thế giới ngày một chan hòa hạnh phúc bình an.
- Phải chiếu ánh sáng lạ là niềm hy vọng vào ơn cứu độ của Chúa: Niềm hy vọng một “Trời Mới Đất Mới” cho ta thêm sức mạnh góp phần xây dựng xã hội ngày một tốt hơn. Niềm hy vọng vào hạnh phúc thiên đàng đời sau giúp chúng ta ý thức về giá trị giới hạn của cải vật chất đời này, để luôn tin cậy vào ơn cứu độ của Chúa như lời Chúa phán: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người. Còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
4. THẢO LUẬN:
1) Ngày nay bạn có thấy Chúa tiếp tục tỏ mình ra nơi những người lương hay không ? 2) Bạn sẽ làm gì để trở thành ngôi sao lạ dẫn đường cho các bạn bè lương dân tin nhận Chúa và đi theo Người ?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Biết bao lần chúng con đến nhà thờ nhưng đã không gặp được Chúa. Đạo con giữ mới chỉ gồm các thói quen đạo đức; Lễ con dâng chỉ là những lời kinh nhàm chán; Của cải con cho người nghèo chỉ là những thứ đồ hư vất bỏ… Nhưng con lại tưởng mình đang đạo đức thánh thiện và làm chứng cho Chúa. Ước gì hôm nay con nhận ra những thiếu sót của mình, để của lễ con dâng phải là thứ vàng đức tin quý giá, là nhũ hương của đức cậy khiêm nhu, là mộc dược của lòng hy sinh mến Chúa nồng nàn. Hy vọng Chúa sẽ vui nhận, và ban muôn hồng ân cho chúng con. Để khi gặp được Chúa, như các vị đạo sĩ xưa, chúng con sẽ tránh xa những thói gian ác lọc lừa, sẵn sàng làm theo Lời Chúa dạy, luôn sống hiệp nhất xin vâng và phục vụ, để sau này được về quê trời hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa.- AMEN.
LM ĐAN VINH -  HHTM

================
Suy niệm 4
ÁNH SAO TOẢ CHIẾU, CHỨ KHÔNG VỤT TẮT

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Hôm nay, cùng với Giáo hội, chúng ta mừng kính lễ Hiển Linh (tên thường gọi là lễ Ba Vua). Như chúng ta biết, ơn cứu độ của Thiên Chúa không chỉ gói gọn cho dân Do Thái, mà còn được biểu lộ cho toàn thể nhân loại: “…sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi” (x. Is 60, 1). Ba nhà chiêm tinh (hoặc Ba Vua) từ Đông phương xa xôi có lẽ khác biệt về tôn giáo, văn hoá và ngôn ngữ, nhưng họ được Thiên Chúa tỏ lộ dẫn đường qua ngôi sao lạ. Thật xúc động biết bao khi họ biết mở lòng đón lấy, nhận ra thánh ý Chúa qua tạo vật, qua sở trường hay chuyên môn…của họ.
Theo ngôi sao lạ, rảo bước lên đường như Ba Vua đến chầu Chúa Hài Nhi “…kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng…” (Mt 2, 9-10), chúng ta cùng nhau tự hỏi bản thân: Ánh sao đời mình là gì/là ai? ‘Ngôi sao’ đời tôi là gì/là ai?
Đối với một số bạn trẻ ngày nay, ‘ngôi sao’ của họ là những ca sỹ, diễn viên điện ảnh, nghệ sỹ trong giới nghệ thuật, cầu thủ nổi tiếng, các doanh nhân ‘ngân khoản đầy tiền, tiếng tăm nổi đình nổi đám’…đến mức khiến các bạn quên cả việc ăn uống - ngủ nghỉ - học hành, hầu chạy theo xu hướng thời thượng của thần tượng mình. Trong thời gian qua, trước khi đại dịch và kể cả sau thời gian bình thường mới, chúng ta chứng kiến biết bao cảnh fan cuồng khóc thét khi gặp “ngôi sao”, và vô số biến cố hy hữu xảy ra. Đơn cử một ví dụ cụ thể: vì mê muội nhóm nhạc K-pop (nhạc pop Hàn Quốc), cô gái trẻ đòi đi xem trực tiếp cho bằng được khi nhóm này đến Sài Gòn lưu diễn. Nghe vậy, ông bố không đồng tình; nhưng bất chấp điều ấy, cô tuyên bố dõng dạc với bố rằng: ‘Con cần ban nhạc này hơn gia đình mình!’ Câu trả lời này khiến ông bố buồn bã như thể chết lặng đi!
Quả thật, sở thích ban nhạc, mến mộ ca sỹ hoặc diễn viên không phải là xấu, nhưng nếu chẳng may tôn họ lên làm ‘chúa/thần’ của đời mình hay đánh đổi tất cả để chạy theo họ thì hành vi ấy chẳng tốt đẹp gì. Hơn nữa, đối với một số khác, ‘ngôi sao’ cuộc đời họ lại là tiền tài, danh vọng, địa vị, quyền cao chức trọng, danh giá, đam mê thú vui, ‘cái bụng’, ‘cái tôi’ của họ! Dù biết rằng những thứ này chẳng phải là cùng đích tối hậu, nhưng trong thực tế, họ để chúng trở nên ‘ông chủ/thần/chúa’ chi phối, điều khiển mọi phương diện cuộc đời họ.
Trong đời người, qua các dấu chỉ thời đại, có biết bao ‘ngôi sao’ đang hiện diện bên cạnh mà chúng ta chẳng hề hay biết, hoặc không chút đoái hoài. Những ‘ngôi sao’ này có thể không sáng chói như chúng ta mường tượng, nhưng lại trợ lực, giúp sức và hữu ích cho cuộc đời chúng ta dường nào. Đó có thể là anh chị em trong gia đình, vợ chồng-con cái, bạn hữu, thầy cô, cha xứ, các sơ, hội đoàn cầu nguyện-bác ái, và hết thảy những ai đồng hành với chúng ta. Trong mối tương quan phu thê, đã bao giờ chồng nói với vợ: Em là ánh sao của đời anh!? Hoặc vợ nói với chồng: Anh là ngôi sao sáng của đời em!? Trong tương quan với cha mẹ, con cái đã từng nói: Bố mẹ chính là ánh sao của cuộc đời con!? Tương tự trong cộng đoàn, hội dòng, giáo xứ; hay chúng ta chỉ nhìn thấy những lỗi lầm, sai phạm của nhau, những điều thiếu sót của nhau để chỉ trích, lên án…?
Một khi nhận ra ‘ngôi sao’ hay ‘ánh sao’ đời mình rồi, chúng ta được mời gọi trở nên ‘ánh sao’ trong đời, qua gương lành thánh thiện, qua cách sống hiền hoà, tử tế, bác ái, vị tha, qua lời ăn tiếng nói, cách hành xử, đối nhân xử thế, qua cử chỉ yêu thương, biết ơn, trân trọng anh chị em như lời trần tình của Thánh Phao-lô Tông đồ: “Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh (chị) em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết…” (x. Ep 3, 2-3). Sau cùng, ý thức mỗi người cũng được mời gọi trở nên ‘ánh sao’ trong đời, chúng ta phải luôn biết chiếu sáng. Vì chưng, ánh sao vụt tắt, không chiếu rạng thì sẽ chẳng có ích lợi gì. Cũng như ánh sáng, ‘ngôi sao’ phải toả chiếu; tương tự muối mặn để ướp, chứ một khi mất vị mặn thì chỉ bị đổ đi, hoặc bị vứt đi mà thôi.
Để kết thúc bài chia sẻ này, xin mạn phép mượn lời thơ của thi sỹ Tô-ma S. Ê-li-ốt (Thomas Stearns Eliot [1888-1965]) để cùng với quý cộng đoàn, chúng ta nguyện cầu:
‘Nếu bạn không thể là ngôi sao sáng giữa trời,
thì hãy trở nên ánh lửa bập bùng trên non cao!
Nếu bạn không thể là ánh lửa bập bùng trên non cao,
Xin hãy làm ánh nến toả chiếu trong gia đình!’ Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

================
Suy niệm 5
NIỀM TIN LÊN ĐƯỜNG
Mt 2, 1-12 

Mátthêu cho biết Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì. Bêlem là một thị trấn cách Giêrusalem mười cây số về phí Nam. Thời xưa nó còn được gọi là Épratha. Tên “Bêlem” có nghĩa là “nhà bánh”, vì nằm ở một vùng quê mầu mỡ nhiều lúa mì. Đó cũng là nhà và thành của Đavít (1Sm 16,1;17,12; 20,6). Chính từ dòng dõi nhà Đavít mà Thiên Chúa ban Đấng cứu độ cho dân Ngài, như tiên tri Mikha đã loan báo: “Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ítraen” (Mk 5,1). Vì vậy mà dân Do Thái luôn trông đợi.
Đoạn Tin Mừng hôm naycũng kể vềcác nhà chiêm tinh, gọi là Magi,từ phương Đông đi tìm kiếm Đấng cứu tinh vừa mới giáng sinh, mà họ phát hiện qua ánh sao lạ. Magi là một chi phái Mêđi, là một phần dân thuộc đế quốc Ba Tư. Ban đầu là một đảng phái chính trị, nhưng về sau trở thành chi phái tư tế. Họ là những người khôn ngoan và thánh thiện, rất giỏi về triết học, y khoa và khoa học tự nhiên. Vào thời đó mọi người đều tin vào khoa chiêm tinh, tin rằng có thể tiên đoán tương lai dựa vào các vì sao, và tin rằng số mệnh một người cũng được an bài bởi ngôi sao đã xuất hiện lúc người ấy sinh ra. Nếu thình lình có một vì sao sáng xuất hiện, thì phải chăng Thiên Chúa đang can thiệp vào chính trật tự của Ngài để loan báo một sự việc nào đó?
Điều quan trọng trong bài Tin Mừng là các nhà chiêm tinh như đại diện cho các dân ngoại.Matthêu viết theo lối văn khải huyền của người Do thái,nên không thể hiểu mọi chi tiết theo nghĩa đen. Tuy nhiên, Thiên Chúa có thể dùng sự xuất hiệncủa một vì sao để báo hiệu cho các nhà chiêm tinh biết Con Ngài đã chào đời. Qua những dấu chỉ kỳ diệu hay đơn sơ trong vũ trụ, họ nhận thấy lời mời gọi lên đường để tìm kiếm vị Cứu Chúa của muôn dân. Chấp nhận lên đường là chấp nhận bỏ lại tất cả để bước đi trong đêm tối, chỉ còn dựa vào ánh sao của niềm tin khi tỏ khi mờ. Họ chỉ gặp được Chúa sau khi trải qua nhiều gian nanthử thách trên đường, và chỉ nhận ra Chúa với cái nhìn đức tin mạnh mẽ, nhất là khi đứng trước cảnh hang lừa tồi tàn. Thiếu đức tin, người ta vẫn thấy Chúa nhưng không nhận ra Ngài.
Các nhà chiêm tinh từ ngàn dặm xa xôi đã lên đường tìm Ðấng Cứu Thế, đang khi Hêrôđê và hàng lãnh đạo Do thái giáo cũng được báo tin, thì lại bình chân như vại. Bởi lẽ các luật sĩ hay biệt phái chỉ thao thức về lề luật; các thượng tế chỉ lo nghi lễ trong đền thờ; các kỳ lão chỉ bận tâm về truyền thống.Họ là những người lãnh đạo tôn giáo nhưng lại tự mãn và khép kín trong những cơ chế an toàn và cứng nhắc.Còn vua Hêrôđê thì toan tính để khai trừ vị vua mới sinh.Điều này không lạ gì vì ông là người đa nghi và tàn bạo, đã từng giết vợ, mẹ vợ, ba người con trai, và nhiều danh tướng khác. Phản ứng của Hêrôđê là ganh ghét và thù địch, nên cũng tìm cách diệt trừ Đức Giêsu.
Thời nay vẫn có những triết giachủ trương bất khả tri, coi Thiên Chúa chỉ là một phạm trù siêu việt, nếu Ngài có hiện hữu thì cũng không ăn nhập gì đến thế giới loài người.Vẫn có nhữngnhà khoa học vànhững người chủ trương vô thần phủ nhận những gì là thần linh, họ cho điều huyền nhiệm cũng chỉ là huyền thoại. Vẫn không thiếu những kẻ có quyền thế tìm cách trù dập chân lý.Đối với họ, vũ trụ thiên nhiên như một đối tượng để nghiên cứu và khống chế, chứ không mang tính siêu nhiên, càng không như một dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa.Nhưng cũng trong thời đại này,dù không là Kitô hữu, vẫn có biết bao người đang rong ruổi tìm kiếm Thiên Chúa. Có ánh sáng nào đó soi chiếu trên đường đời của họ, khiến họ miệt mài phục vụ trong mọi lãnh vực, nhằm nâng cao đời sống tinh thần và góp phần kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn, hướng con người đến những giá trị tâm linh, vĩnh cửu.
Còn chúng ta thì sao? Nếu không tỉnh thức, ta dễ tự mãn với những điều mình biết về Thiên Chúa, chẳng còn thao thứckiếm tìm Ngài, nên cũng chẳng quan tâmgì đến những dấu chỉ hay thời điềm. Dường như đời sống đức tincủa chúng ta đã được gói gọn trong các câu kinh và nghi thức. Những gì sâu xa nhất cũng đã được hệ thống hóa trong các cử hành phụng vụ, nên ta cảm thấy quá đầy đủ, không cần nhận ra Chúa nơi điều gì khác. Cần có lòng khao khát chân lý và sự thiện hảonhư các nhà chiêm tinh,để ta can đảm ra khỏi mình, ra khỏi những an toàn và tiện nghi đang trói buộc mình hằng ngày, để thấy Chúa đang tỏ mình qua mọi biến cố của đời sống, từ thiên nhiên vạn vật đến con người.
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Chúa không chỉ tỏ mình cho Israel,
mà còn tỏ mình cho mọi dân mọi nước,
Chúa vẫn làm sáng lên những ánh sao,
không phải chỉ ở trên trời cao,
mà còn chính ở trong lòng người thế,
để cho thiên hạ luôn biết nẻo tìm về.

Chúa đặc biệt tỏ mình cho những ai,
có tâm hồn đơn sơ và ngay chính,
sống công bình và bác ái yêu thương,
không vấn vương bám víu vào trần thế,
không bị đam mê và lắng lo kiềm chế,
sống cuộc đời trong tâm thế hồn nhiên.

Như các nhà chiêm tinh đi tìm Chúa,
xin cho con dám đi ra khỏi mình,
khỏi định kiến và lười biếng tinh thần,
khỏi tiện nghi và tự mãn bản thân,
để nhận ra Chúa nơi mỗi tha nhân,
qua dấu chỉ của thiên nhiên vạn vật.

Xin cho con sống niềm tin lên đường,
luôn can trường và chấp nhận đau thương,
để sau khi vượt qua nhiều gai chướng,
được gặp Chúa ở cuối cuộc hành hương,
là niềm vui hạnh phúc chốn thiên đường,
mà lòng con vẫn hằng luôn mong ước.

Cho con nên dấu chỉ của Chúa ở mọi nơi,
là ánh sao giữa đời trong đêm tối,
để âm thầm luôn dẫn lối đưa đường,
là ánh sao hiền lành và khiêm nhượng,
ánh sao phục vụ với tất cả tình thương,
tỏa sáng an bình của Chúa Giáng Sinh. Amen.

Lm. Thái Nguyên

================
Suy niệm 6
Chúa Hiển Linh, vinh quang và hạnh phúc cho Dân Chúa

(Mt 2, 1-12)

Hôm nay toàn thể Hội Thánh mừng lễ Chúa Hiển Linh. "Hiển Linh - Epiphaino", có nghĩa là Thiên Chúa tự mặc khải trong nhân tính của Ðức Kitô, tự làm cho mình có thể trông thấy được. Cụ thể như dùng ánh sao đêm biểu lộ cho ba đạo sĩ biết, dẫn họ lên đường đến nơi Hài Nhi vừa mới sinh để nhận ra Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Thế.
Nếu lễ Giáng Sinh người ta nêu bật sự ẩn mình của Thiên Chúa trong sự khiêm hạ với điều kiện là người, nơi Trẻ Thơ Bêlem. Thì lễ Hiển Linh lại nêu bật việc Thiên Chúa tự tỏ mình, xuất hiện qua chính nhân tính.
Còn hạnh phúc nào hơn khi con người được xem thấy Thiên Chúa cách tỏ tường. Các mục đồng là những người đầu tiên tận mắt được Thiên Chúa tỏ mình ra dưới hình hài bé thơ giáng sinh được mẹ bọc tã và đặt nằm trong máng cỏ. Tiếp đến là cụ già Simeon và Anna khi được cha mẹ dâng vào Đền Thánh và nhận Tên là Giêsu. Thấy Chúa nơi Đền thờ, cụ Simeon thốt lên: “Ánh Sáng chiếu soi các lương dân, và vinh Quang của Israel Dân Chúa” (Lc 2, 32).
Phụng vụ hôm nay nhấn mạnh đến việc Chúa tỏ bản tính thần linh của Người ra cho mắt phàm của loài người chúng ta được nhìn thấy Người. Đây là niềm vui cả thể cho cả và nhân loại, bởi trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa không những chỉ xuống thế làm người trên mặt đất này, mà còn để cho con người nhìn thấy ; Người không chỉ có sinh ra, nhưng còn để con người biết đến và thờ lạy. Đây là sự thật nhãn tiền được biểu lộ trong ngày lễ Hiển Linh, ngày Chúa tỏ mình ra cách rõ nhất mà hôm nay chúng ta mừng kính.
Việc các đạo sĩ đến tôn thờ Chúa Hài Nhi đã sớm được nhìn nhận như là ứng nghiệm những lời tiên tri trong Kinh Thánh. Isaia có viết: "Các dân tộc sẽ bước đi theo ánh sáng của ngươi, và các vua chúa tiến bước theo nguồn sáng của ngươi đang mọc lên" (Is 60,3.6). Ánh sáng của Chúa Kitô, khi xưa như được chiếu tỏa trong hang Bêlem, nay tỏa sáng trên khắp địa cầu.
Trong lễ Chúa Tỏ Mình, Giáo Hội đề nghị một văn bản rất ý nghĩa của ngôn sứ Isaia: "Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi" (Is 66,1-3).
Isai mô tả cảnh các dân tộc chìm trong u tối, thì từ Giêrusalem ánh sáng của Chúa đã bừng lên rồi tỏa xuống chiếu soi muôn dân. Mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái, nào thuyền bè từ đại dương, nào lạc đà từ sa mạc, chở muôn dân tiến về Giêsusalem để thờ lạy Chúa (x.Is 60,6). Ngôi sao đã đứng lại trên nhà Hài Nhi ở; như thế, từ Giêrusalem ánh sáng đã lan tỏa khắp địa cầu, chính là Hài Nhi Giêsu mà các đạo sĩ đến thờ lạy.
Chúa Kitô chính là Nguồn Sáng thật, là “Mặt Trời mọc lên từ trên cao” (x. Lc 1,78) chiếu tỏa trần gian và lan ra theo những vòng tròn đồng tâm. Trước hết trên Ðức Maria và Thánh Giuse được chiếu sáng bởi sự hiện diện thần linh của Hài Nhi Giêsu, kế đến là các mục đồng tại Bêlem; khi được thiên sứ báo tin, các ngài mau mắn chạy đến hang đá và gặp thấy nơi đó “dấu chỉ” đã được báo trước cho họ: một con trẻ được bọc trong khăn và đặt nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,12). Các mục đồng, cùng với Đức Maria và Thánh Giuse, đại diện cho “nhóm nhỏ còn lại của Dân Israel”, những người nghèo, những kẻ đã được loan báo Tin Mừng.
Ánh sáng của Chúa Kitô cuối cùng chiếu toả đến các vị đạo sĩ, hoa quả đầu mùa từ các dân ngoại : “Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng… và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người” (Mt 2,11).
Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa là sự sáng” (1Ga 1,5). Lời quả quyết trên giúp chúng ta hiểu rằng: Ánh sáng bừng lên trong đêm Giáng Sinh. Chúa Giêsu “là Ánh sáng đã chiếu soi lương dân và Vinh quang của Israel dân Chúa” (Lc 2,32). Ánh sáng đã đến trong thế gian. Ánh sáng này sau đó sẽ xuất hiện trên khuôn mặt của nhân loại: thần linh hóa mọi tạo vật, chiếu dọi vào tâm hồn, phản ánh vinh quang rực rỡ của Chúa Cha.
Thế giới của chúng ta đang cần những chứng nhân cho ánh sáng. Ở những thế kỷ đầu của Kitô giáo, những người chịu phép Rửa tội được gọi là " ánh sáng" chiếu tỏa ánh sáng Thần Linh. Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng đã nói với các linh mục rằng : "Người ta muốn thấy Chúa Giêsu qua anh em".  
Còn hạnh phúc nào hơn khi chúng ta được Thiên Chúa đến chiếu tỏa vinh quang rạng ngời trên chúng ta. Chúng ta được mời gọi dõi theo ánh sao cùng ba nhà đạo sĩ đến chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa làm người trong khiêm hạ và nghèo khó, nhất là đón nhận chính Hài Nhi ấy là Ánh Sáng và là Chúa Kitô vào trong chúng ta, để chúng ta có sống là sống chính sự sống của Người, và lấy các tâm tình, tư tưởng và hành động của Người làm tâm tình, tư tưởng và hành động của chúng ta. Mừng Lễ Giáng Sinh là biểu lộ niềm vui, sự mới mẻ, ánh sáng mà biến cố Giáng Sinh này đem lại với ước mong chúng ta cũng là những người đem niềm vui, sự mới mẻ đích thật, và ánh sáng của Thiên Chúa đến cho mọi người. Amen.

Linh mục Antôn Nguyễn Văn Độ

================
Suy niệm 7
Lên Đường Tìm Thiên Chúa

Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12

Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại hành trình của các nhà chiêm tinh, thành tâm đi tìm Hài Nhi Giêsu, vị vua Do Thái mới sinh. Họ từ phương đông lặn lội đến Giêrusalem tìm hỏi, chỉ nhờ một ngôi sao dẫn đường. Với sự kiện ba nhà đạo sĩ đi tìm và gặp Chúa Hài Nhi, chứng tỏ Thiên Chúa đã tỏ mình ra không chỉ cho các mục đồng trong ngày giáng thế, mà Chúa còn tỏ mình cho các dân ngoại, cho tất cả mọi người, không loại trừ ai, không phân biệt màu da sắc tộc.
Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (Mt 2, 2b). Sự khao khát mãnh liệt được thúc đẩy từ bên trong, khiến các nhà đạo sĩ khao khát tìm kiếm, không gì ngăn cản được, họ quyết tâm mò mẫm lên đường theo dấu chỉ từ ngôi sao lạ. Họ trung thành đi theo ánh sao, dù khi trèo đèo lội suối, lúc gặp đường gai góc quanh co, chắc sẽ có lúc như ngõ cụt, bế tắc, hoặc bóng tối đêm đen, nhưng họ không chán nản, vẫn bền chí trung kiên, cho đến đích cuối cùng nơi Hài Nhi ở: “họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người”. (Mt 2,10). Đây là bài học lớn cho chúng con trong hành trình tìm và bước theo Chúa. Lắm khi cuộc đời gặp sóng gió nổi trôi, thất bại, niềm tin bị lung lay... Nếu chúng con biết tìm đến với Chúa, ánh sáng của Chúa sẽ chiếu soi giúp chúng con biết đi theo đúng đường ngay nẻo chính.
Nhưng ngày nay đâu là ánh sao để chúng con dõi bước tìm theo? Trong Thánh lễ, nơi Lời Chúa và Thánh Thể, trong các Bí tích, giờ kinh Phụng vụ, giờ cầu nguyện riêng và cả những người có kinh nghiệm chỉ lối hướng dẫn, là như ánh sao để chúng con tìm về bước theo. Khi xưa ba nhà đạo sĩ đã phải nhờ đến các vị lãnh đạo tôn giáo, để tìm hiểu và nhận ra đúng địa chỉ mà sách ngôn sứ đã báo trước trong Kinh Thánh.
Lạy Chúa! ngày nay chúng con cũng được mời gọi lên đường tìm kiếm và gặp gỡ Chúa. Ba nhà đạo sĩ đã thờ lạy và dâng Chúa Hài Nhi những của lễ cao quý. Khi chúng con được gặp gỡ Chúa, xin cho chúng con biết hiến dâng tất cả những gì tốt đẹp, cao quý mà chúng con có được. Bằng cả đời sống theo ơn Chúa, chúng con sẽ trổ sinh những hoa trái tốt lành, khởi đi từ những nghĩa cử đẹp, lòng nhân hậu, quảng đại sẻ chia, để vinh quang Chúa được tỏ hiện rõ trong cuộc đời chúng con. Amen.

Én Nhỏ  

                                                                        

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log