Thứ ba, 24/12/2024

Suy niệm Tin Mừng lễ Chúa Giáng Sinh

Cập nhật lúc 10:26 22/12/2022
Suy niệm 1
TIN MỪNG CHO TOÀN DÂN
Ngày 24 tháng 12: Lễ Nửa Đêm: Lc 2, 1-14
Lễ Chúa giáng sinh đã trở thành một đại lễ của nhân loại, là ngày hội lớn nhất trên thế giới, được đón mừng bởi mọi quốc gia, mọi dân tộc, mọi tầng lớp xã hội. Tuy nhiên, dưới con mắt người đời, thì hoàn cảnh Đức Giêsu chào đời có vẻ quá tầm thường, vì Ngài sinh ra như một kẻ yếu đuối, nghèo nàn, nơi hang lừa máng cỏ hôi tanh ngoài đồng hoang. Nếu Ngài là Chúa, sao Ngài không sinh ra trong cung vàng điện ngọc, hay ít ra một nơi xứng đáng? Vì tư tưởng của loài người không phải là tư tưởng của Thiên Chúa. Chính qua việc giáng sinh nghèo hèn như thế, Thiên Chúa mới biểu lộ được tình yêu sâu thẳm của Ngài đối với loài người chúng ta. Ngài phải xuống mức thấp nhất của thân phận con người, để từ đó nâng loài người chúng ta lên từ mọi tình trạng.
Vì thế, việc Thiên Chúa làm người là niềm vui vĩ đại cho loài người, cách riêng là cho những người nghèo hèn khốn khổ, vì trước tiên, sứ thần đã loan báo cho những người chăn chiên ngay trong đêm khuya: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: “Hôm nay, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em trong thành Đavít, Ngài là Đấng Kitô Đức Chúa”. Họ đã đến và “đã gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”. Họ vui mừng ca tụng Thiên Chúa, vì đâu ngờ những kẻ nghèo hèn như họ mà lại là những kẻ đầu tiên được chứng kiến việc Thiên Chúa làm người.
Thiên Chúa đã làm người để con người được làm con Thiên Chúa Niềm vui Giáng Sinh là niềm vui thánh thiện, niềm vui linh thiêng, niềm vui làm cho chúng ta được sống và sống dồi dào trong bình an và hạnh phúc của Thiên Chúa. Tuy nhiên, thế giới cho tới hôm nay vẫn còn đầy những oan khiên. Vẫn còn hằng triệu người không có việc làm, không được học hành, không được tôn trọng phẩm giá, bị bóc lột sức lao động, bị tước đoạt phẩm giá làm người; còn biết bao cái chết âm thầm do nghèo đói và tệ nạn, do sự kỳ thị chủng tộc và ngay chính các tôn giáo, do chiến tranh hận thù và bạo lực. Tất cả chỉ vì lòng dạ tham lam, ích kỷ và độc ác của xã hội loài người chúng ta.
Thiên Chúa sinh xuống làm người không nhà không cửa, và tiếng kêu khóc của Ngài là tiếng kêu than của hàng triệu trẻ em hằng năm đang bị giết chết do nạn phá thai. Thiên Chúa làm trẻ thơ để nói lên tiếng nói của trẻ thơ, vì có biết bao trẻ thơ không có tuổi thơ. Trong ý nghĩa đó, lễ Chúa giáng sinh mời gọi chúng ta biết tôn trọng và bảo vệ sự sống, biết quan tâm giúp đỡ những người cùng khổ, nhắc nhở chúng ta đừng nhắm mắt làm ngơ trước bao tệ nạn xã hội; thúc giục chúng ta can đảm diệt trừ bất công, xóa bỏ hận thù, và tích cực góp phần xây dựng một xã hội bình đẳng, công bằng và đầy tình nhân ái.
Chắc chắn Chúa Giêsu sẽ không thể đến với chúng ta, nếu ta không đến với anh chị em mình. Ngài không thể ngự vào lòng chúng ta khi tấm lòng đó thiếu vắng tình yêu: tình yêu thương ở giữa gia đình, giữa ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em và đặc biệt đối với những người nghèo khổ ta gặp hằng ngày. Ngoài việc đói khát lương thực hằng ngày, thì còn biết bao người đang đói khát tình thương, đói khát niềm tin, nhất là đói khát Thiên Chúa. Chính vì cơn đói khát đó mà bao nhiêu người sống không ra người, và càng mất đi tính cách là con cái Thiên Chúa.
Trách nhiệm về thế giới hôm nay phải nói trước tiên là Kitô hữu, vì là những người đã được phúc đón nhận ơn cứu độ. Tình trạng thế giới tùy thuộc rất nhiều vào đời sống của chúng ta. Không thể ngồi đó mà lo thiên đàng cho riêng mình, một thiên đàng rất mộng mị vì chứa đầy ích kỷ. Cũng không thể rửa tay tuyên bố mình vô tội khi vẫn đầy những lấm láp hằng ngày. Nhìn vào Giáo Hội, ta thấy còn nhiều chia cắt, nhiều xáo trộn, nhiều đổ vỡ, nhiều ly tán, nhiều gương mù gương xấu…
Mừng lễ Chúa giáng sinh, đòi ta làm một cuộc cách mạng bản thân, không thể sống ung dung trước tình trạng của bao người nghèo khổ, yếu đau, cô đơn, tật nguyền; bao nhiêu gia đình đang sống cảnh lầm than, buồn sầu, thất vọng. Chúng ta không giải quyết những vấn đề của xã hội, nhưng phải làm sao cho Chúa được nhận biết và yêu mến. Muốn thế, ta phải trở nên khuôn mặt và tấm lòng của Chúa giữa đời hôm nay. Người ta cần nhìn thấy Chúa nơi chúng ta hơn tất cả những gì khác. Đó là món quà giáng sinh tuyệt hảo nhất mà ta có thể trao tặng cho mọi người; là niềm vui lớn lao để mọi người có thể cùng đồng thanh ca vang khúc hát của các thiên thần khi xưa: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương".
Cầu nguyện
Lạ lùng thay Thiên Chúa đã làm người,
một mầu nhiệm yêu thương quá thẳm sâu,
trí phàm nhân con chẳng sao hiểu thấu,
chỉ lặng chìm chiêm ngắm Chúa mà thôi.

Con hoan hỷ tôn thờ và chúc tụng,
Đấng sinh ra trong máng cỏ nghèo hèn,
rồi lớn lên trong thân phận mọn hèn,
hoàn tất đời mình như kẻ thấp hèn.

Nhìn máng cỏ,
trái tim con thật bùi ngùi xúc động,
vì thấy một tình yêu quá bao la,
là tình yêu Thiên Chúa không lùi bước,
trước vô tâm từ khước của con người.

Nơi máng cỏ,
con chiêm ngắm một tình yêu khiêm hạ,
Thiên Chúa cúi mình trao tặng cho con,
không phải những ân ban gì mới lạ,
mà chính Ngài Đấng vượt trên tất cả.

Qua máng cỏ,
trong túp lều bé nhỏ nơi hang đá,
Chúa đã lặng lẽ đi vào đời con,
thật nhẹ nhàng bước xuống cõi lòng con,
và đã luôn âm thầm sống trong con.

Con muốn chọn cách sống Chúa đã chọn,
con muốn sống cuộc đời Chúa đã sống,
Chúa làm người trở nên giống như con,
xin cho con được trở nên giống như Chúa.

Xin cho con biết ẩn mình trong Chúa,
như Chúa vẫn ẩn mình ở trong con,
để con sống một tình yêu vẹn tròn,
thuộc về Chúa Đấng làm con nên trọn. Amen.
Lm. Thái Nguyên
=================
Suy niệm 2
ĐÓN NHẬN CHÚA
Lễ Giáng Sinh Rạng Đông: Lc 2, 15-20
Một điều lạ lùng là việc Chúa giáng sinh được loan báo trước tiên cho những người chăn chiên, gọi là mục đồng. Mục đồng tượng trưng cho những người quê mùa, bé nhỏ, nghèo hèn, thấp kém, bị coi thường ở ngoài đời cũng như trong đạo. Thế nhưng Thiên Chúa lại ưu ái và tỏ mình ra cho họ trước nhất. Đúng như lời Đức Giêsu sẽ tuyên bố sau này trên đường đi ra giảng Tin Mừng: “Những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót” (Lc 13, 30).
Bậc thang giá trị của người đời thường đi ngược với bậc thang giá trị của của Thiên Chúa. Vì Chúa thấy được sự thực từ bên trong, còn con người thì chỉ thấy cái hào nhoáng bên ngoài, nên thường thích những gì mà người ta coi trọng, còn Thiên Chúa lại chọn những gì người ta coi thường. Nên Ngài đã chọn làm người tầm thường, sinh ra trong cảnh tầm thường, sống với những gì tầm thường, yêu lấy những con người tầm thường. Có ai ngờ hào quang Thiên Chúa lại ẩn giấu trong những điều mà người ta coi đó là tầm thường. Ngài là Đấng ẩn mình (Deus absconditus) để chúng ta được tự do thể hiện mình. Nhưng chỉ trong sự thể hiện đơn sơ khiêm nhường, ta mới có thể đón nhận Chúa.
Thực ra đây là đường hướng và phương sách ngay từ đầu của mầu nhiệm nhập thể, còn gọi là mầu nhiệm tự hủy (kenosis), mầu nhiệm tự hạ vì yêu thương. Vì trong mầu nhiệm này, Thiên Chúa rời khỏi vị thế của mình, ra khỏi bản thân mình để đón nhận thân phận làm người thấp nhất, sống cuộc đời nghèo khó nhất, và chết đau thương tủi nhục nhất. Dường như Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa khi Chúa mặc lấy thân xác con người, hòa nhập với hạng người cùng đinh, gần gũi với những người tội lỗi, và chết não nề như một tên gian phi. Nhưng nhờ vậy mà Chúa cứu chuộc con người từ chỗ khốn cùng nhất, từ trong bóng tối của sự chết, để đưa vào ánh sáng của sự sống.
Con người kiêu căng tự nâng mình lên, đã làm hư hỏng kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa. Nên Ngài phải tự hạ xuống thế làm người để làm nên một cuộc sáng tạo mới mà chúng ta gọi là mầu nhiệm cứu chuộc. Biến cố giáng sinh đã khởi đầu mầu nhiệm cứu chuộc này. Lễ giáng sinh mời gọi ta chiêm ngắm và tiếp tục thể hiện mầu nhiệm nhập thể trong đời sống. Nhờ việc chiêm ngắm ta mới ngộ ra tình yêu sâu thẳm và linh nghiệm của Thiên Chúa trên đời sống mình, để từ đó ta mới biết đón nhận mọi người như Chúa đã đón nhận ta, nghĩa là dám xóa mình, quên mình, dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và toan tính khôn ngoan của người đời, để sống một cuộc sống khác, đó là cuộc sống của Thiên Chúa làm người để con người biết làm con Thiên Chúa.
Trong chúng ta, ai cũng mong cho mình được trọng vọng, được nể nang, được ca tụng, được mọi người cảm kích, và được chức tước địa vị càng nhiều càng tốt. Thế nhưng đó là quan niệm và ước vọng của phàm nhân, một lối sống phàm tục, không phải lối sống của người Kitô hữu, vì đi ngược với mầu nhiệm nhập thể. Lối sống đó làm cho Ngôi Hai Thiên Chúa không thể tiếp tục hạ sinh vào cuộc sống của chúng ta, vì ta đang đặt mình làm trung tâm và đang qui hướng mọi người mọi sự về bản thân mình. Trong tâm hồn ta không có chỗ để Chúa ngự vào, vì không phải là hang đá thanh bần để Chúa được sinh ra.
Bởi thế, giáo phụ Origène đã nói lên rằng:“Dù Chúa Giêsu có sinh ra cả ngàn lần tại Bêlem, xứ Giuđêa, điều đó chẳng ích lợi gì nếu Ngài không sinh ra chỉ một lần trong đời sống của bạn”. Thật vậy, có nghĩa gì đâu nếu Chúa không sinh xuống lòng ta, hay nói cách khác, mừng lễ Giáng Sinh chỉ là chuyện vô ích, khi lòng ta không được cảm hóa và cải hóa bằng một lối sống đơn sơ khiêm nhường. Tâm hồn chúng ta vẫn là một tòa nhà cao ốc, vẫn là một dinh thự nguy nga, mà Chúa thì lại không sinh ra ở những chỗ đó. Chúa muốn chọn nơi bé nhỏ mọn hèn. Vì thế, đòi ta phải từ bỏ lối sống vương giả hay một lối sống quá tiện nghi cầu kỳ, để tâm hồn mình trở thành như hang lừa máng cỏ.
Trở thành hang lừa máng cỏ nghĩa là trở thành một tâm hồn đơn sơ khiêm hạ; một tinh thần nghèo khó, thanh tịnh; một tấm lòng rộng mở, bao dung. Các mục đồng được ưu tiên diện kiến Chúa Hài Nhi cũng biểu trưng cho những tính cách như vậy. Và đó cũng chính là tâm tình và tính cách sống của Chúa Giêsu khi chấp nhận sinh hạ làm người. Giờ đây đến lượt chúng ta, những người được kêu gọi để sống mầu nhiệm nhập thể, sống hạ mình vì yêu thương, để qua chúng ta, từ tâm hồn mình, Chúa lại được sinh ra cho người khác. “Mầu mhiệm” Giáng Sinh là như vậy, để Chúa có thể thấm nhập và làm nên những con người mới.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Từ muôn thuở là Ngôi Lời Thiên Chúa,
nhờ Ngài mà muôn vật được tạo thành,
Ngài tràn đầy ân sủng và sự thật,
là sự sống là ánh sáng vĩnh hằng.

Chúng con quá ngỡ ngàng và vui sướng,
vì Thiên Chúa đã tỏ lòng xót thương,
cho Ngôi Lời nhập thể làm người thế,
để cứu thoát nhân trần khỏi bến mê.

Thật lòng trí chúng con không thể tưởng,
Con Thiên Chúa trở nên con loài người,
là Thiên Chúa thật và là người thật,
để từ đây Ngài thần hóa chúng con,
từ những kẻ sinh ra trong hèn mọn,
nay lại được trở nên con Thiên Chúa.

Chúa đã nhận lấy thân phận của con,
những gì là mỏng giòn và yếu đuối,
để đời con có Ngài nguồn an ủi,
không còn phải lủi thủi giữa cuộc đời.

Chúa đã đến sống cuộc đời như con,
cho con biết sống cuộc đời như Chúa,
dám vươn lên với tấm lòng cao thượng,
tìm mọi cách để thể hiện tình thương,
làm ánh sao soi rọi giữa đêm trường,
làm muối men cho cuộc đời nồng thắm.

Xin cho con được gặp Chúa hôm nay,
trong mọi nơi mọi lúc mọi hoàn cảnh,
luôn trung thành trước cuộc sống đổi thay,
và hăng say bước theo Chúa mỗi ngày,
luôn gieo rắc niềm tin yêu hy vọng,
để được Chúa là tất cả ước mong. Amen.
Lm. Thái Nguyên
=================
Suy niệm 3
ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI
Ngày 25 tháng 12. Lễ Ban Ngày: Ga 1, 1-18
Đối với tác giả Tin Mừng thứ IV, Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời. Bằng danh xưng này, thánh Gioan muốn diễn tả ra thực tại thâm sâu nhất của Đức Giêsu, Đấng nhiệm xuất từ Thiên Chúa và tầm mức tối quan trọng của Người đối với ơn cứu rỗi cho loài người chúng ta.
Tương quan của Ngôi Lời Thiên Chúa với chính Thiên Chúa được xác định ở đây với ba ý: Ngôi Lời thì vĩnh cửu và vô tạo như Thiên Chúa; Ngài sống trong sự hợp nhất trường tồn với Thiên Chúa; Ngài là Thiên Chúa theo cùng một cách như Thiên Chúa là Thiên Chúa. Trong tất cả những gì Đức Giêsu làm, thì qua đó Ngài không phải là Đấng mang mọi lời của Thiên Chúa, mà chính là Lời Thiên Chúa, là Lời đầu tiên và Lời cuối cùng của Thiên Chúa. Lời vững chắc và đáng tin như chính Thiên Chúa trong chính thần tính của Ngài. Nơi Ngài, Thiên Chúa tự mạc khải cho chúng ta được biết chính Thiên Chúa.
Tương quan đặc biệt của Ngôi Lời với loài người được diễn tả bằng sự sống và ánh sáng. Đặc tính căn bản của Ngôi Lời chắc chắn là sự sống vô cùng viên mãn, tức không có chút gì là bóng tối sự chết và giới hạn nơi Ngài. Như thế, Ngôi Lời có đặc điểm như Thiên Chúa, và Ngài là Thiên Chúa hằng sống (x. Ga 5,26).Nhờ sự sống viên mãn không hề cạn kiệt của Ngài, Ngôi Lời đã trở thành ánh sáng cho loài người chúng ta, là những kẻ sống trong bóng tối và đang bị đe dọa bởi sự chết.
Nhưng cũng chính ở đây, thánh Gioan cho thấy công trình của Ngôi Lời gặp một sức mạnh đối nghịch. Đó là bóng tối ngăn cản loài người đến với ánh sáng. Tuy nhiên, đã là ánh sáng thì tự nó chiếu vào bóng tối. Thực tế, chúng ta thấy ánh sáng Chúa đã chiếu soi, nhưng bóng tối của sự dữ vẫn luôn hoành hành trên thế giới, trong từng quốc gia, từng cộng đoàn, từng gia đình, từng con người, như bức tường chắn ngang giữa nhân loại với Thiên Chúa và giữa con người với nhau.
Ánh sáng đã chiếu soi trong bóng tối, nhưng bóng tối cứ vẫn là bóng tối, khi lòng người cứ đóng kín phủ che, che khuất cuộc đời, che khuất cả lương tri: đó là bóng tối của dục vọng, của phân chia và thù hằn ghen ghét, của tham lam và tranh chấp bạo tàn, của ngạo mạn và tiền tài danh vọng... Không chỉ bóng tối của cõi đời thế tục, mà còn là bóng tối trong cõi chốn tu trì. Không phải chỉ bóng tối của quyền hành xã tắc, mà còn là bóng tối của Giáo Hội phẩm hàm. Ngôi Lời là ánh sáng chiếu soi, nhưng tiếc thay mọi người lại vẫn hay chọn bóng tối, vì bóng tối dễ chịu hơn, đồng lõa hơn (x. Ga 3, 19). Bóng tối ở ngoài ta và bóng tối ở trong ta. Hãy can đảm xóa tan bóng tối trong ta, bằng cách mở tâm hồn ra để cho mình được yêu thương và được chiếu sáng: “Ai yêu thương anh em mình thì ở trong ánh sáng” (1Ga 2, 10).
Tuy nhiên, ánh sáng Chúa không phải lúc nào cũng chiếu soi, cho dù ta sống lành thánh. Vẫn có những đêm tối đức tin làm ta lo âu, sợ hãi và nghi ngờ, thấy như không hề có Chúa trong cuộc đời. Đêm tối đôi khi thật kinh khủng, làm ta hoang mang, hoảng loạn, nhưng rất cần thiết để thanh luyện lòng tin. Ta cứ kiên trì dù ánh sáng không còn. Ánh sáng ấy chỉ lẩn khuất trong bóng đêm để lòng ta thêm khao khát.R. Tagore đã từng trải nghiệm về điều đó, nên đã nói lên một xác tín thâm sâu rằng, đêm tối lại là lúc “chủ ngươi đang thức và chờ ngươi tới nơi hẹn hò tình tự”. Quả thực, Thiên Chúa vẫn dành cho ta những niềm vui bất ngờ, khôn tả, vì thế “đừng để thời gian trôi đi trong bóng tối. Hãy thắp sáng đèn tình yêu bằng cuộc sống của ngươi”.
Ánh sáng mang lại sự sống. Không có sự sống nếu không có ánh sáng. Ngôi Lời là ánh sáng duy nhất phát xuất từ Thiên Chúa để đem lại sự sống cho nhân loại. Sự sống đó chỉ có thể phát triển bằng tình yêu, mà Thiên Chúa là tình yêu, được thể hiện sung mãn nơi Đức Giêsu, Đấngđã đến để cho con người được sống và sống dồi dào. Vì thế, mỗi cử chỉ hay hành vi được làm vì yêu thương của chúng ta đều có giá trị vô biên, vì khi đó ta ở trong ánh sáng của Ngôi Lời Thiên Chúa, và nhờ vậy ta biểu hiện chính Thiên Chúa cho anh chị em mình.
Thiên Chúa đã một lần nhập thể trong thế gian, và Ngài còn đang tiếp tục nhập thể trong ta, khi ta để cho Ngài hóa thân thành Ánh Sáng Tình Yêu trong mỗi suy tư và hành động của mình. Nhờ đó mọi người xung quanh tiếp tục đón nhận ánh sáng của niềm vui ơn cứu độ: chính là sự sống mới muôn đời cho tất cả những ai tin vào Ngài.
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Đời người là một hành trình vượt qua,
qua bóng tối để vươn tới ánh sáng,
ánh sáng chân lý, ánh sáng tình yêu,
ánh sáng an vui và sự sống muôn đời.

Trong ánh sáng của Ngôi Lời Thiên Chúa,
chúng con nên ánh sáng cho trần gian,
nhưng bóng tối vẫn bàng
bạc mênh mang,
bóng tối gian dối và ích kỷ bạo tàn,
bóng tối thù hằn và kiêu căng ngạo mạn,
khiến bao người phải nhức nhối tâm can.

Bóng tối làm con lo sợ và nao núng,
vì sự ác luôn thao túng hoành hành,
khiến biết bao người lành phải khổ đau,
giữa âu sầu mà Chúa đâu chẳng thấy.

Cũng như các tông đồ trước bão giông,
thấy Chúa bất động trong cơn biến động,
nhưng cũng là một cách Chúa hành động,
tạo nên chuyển động trong lòng các ông.

Cho con an tâm dù ánh sáng không còn,
nhưng tin còn tay Chúa vẫn đỡ nâng,
thật ra ánh sáng chỉ tạm ẩn khuất,
để lòng con ngày càng thêm khao khát,
tập sống phó thác trước mọi nguy nan,
không để cuộc đời mình phải dở dang.

Xin cho con cứ an lòng vững dạ,
mở lòng ra để sống với tất cả,
thắp sáng tin yêu để dẫn lối đưa đường,
giúp bao người vượt thoát cảnh đau thương,
gieo hy vọng để tìm về một hướng,
đạt tới Chúa là chính cõi thiên đường. Amen.
Lm. Thái Nguyên
=================
Suy niệm 4
Hồng ân cao quý nhất
Ngày sinh nhật của Chúa cứu thế là một sự kiện đem lại niềm vui chan hòa cho mọi người khắp nơi. Có người vui vì thấy phố phường nhộn nhịp, nhiều sinh hoạt vui chơi diễn ra tưng bừng, cảnh trí trang hoàng xinh đẹp bắt mắt. Có người vui vì được tham dự Thánh lễ trọng thể có đông người tham dự, lời ca tiếng hát ngân vang lay động lòng người… Tuy nhiên, niềm vui chính đáng nhất là niềm vui của người tín hữu được ơn nhận biết rằng sự kiện Chúa Giê-su sinh xuống làm người mang đến cho nhân loại một hồng ân cao quý và tuyệt vời khôn tả. Giờ đây, chúng ta hãy dành chút thời gian để trải nghiệm niềm vui đó.
Có một ao hồ nhỏ bé nằm cạnh đại dương bát ngát bao la, cách nhau bởi một bờ ngăn hẹp.
Nước ao quanh năm đen ngòm, dơ bẩn; nước biển lúc nào cũng sạch sẽ trong lành.
Nước ao không thể trở thành nước biển, không thể trong lành như nước biển, nếu không có người phá bỏ bờ ngăn.
Một khi bờ ngăn được phá bỏ thì nước ao sẽ hòa chung với nước biển; hai bên nên một với nhau.
Xin mượn hình ảnh nầy để diễn tả mầu nhiệm Chúa xuống thế làm người.
Con người thì nhỏ bé, Thiên Chúa vô cùng lớn lao;
Con người tội lỗi nhơ uế, tựa như ao nước bẩn; Thiên Chúa hết sức tốt lành thánh thiện, tựa như đại dương trong lành bát ngát bao la.
Giữa con người và Thiên Chúa có một ngăn cách diệu vợi, ngút ngàn, vô tận vô biên.
Ngăn cách nầy khiến con người phải xa lìa Thiên Chúa, không thể liên kết với Ngài. Chỉ khi nào ngăn cách nầy được xóa bỏ, con người mới có thể lại gần Thiên Chúa, giao hòa với Thiên Chúa và nên một với Ngài như ao nước hòa vào đại dương.
Thế rồi lịch sử được lật sang trang mới. Ngôi Hai Thiên Chúa hạ mình xuống thế làm người, mặc lấy thân xác con người, trở thành người thật như chúng ta. Nhờ đó, ngăn cách ngàn trùng giữa Thiên Chúa và nhân loại được xóa bỏ, loài người được giao hòa cùng Thiên Chúa, hòa nhập với Thiên Chúa như nước ao hòa chung với đại dương. Thế là từ giây phút lịch sử trọng đại nầy, con người nên một với Thiên Chúa, mang bản tính Thiên Chúa[1], ở trong Thiên Chúa và được Thiên Chúa hiện diện ngay trong thân xác mình như trong đền thờ của Ngài[2].
Nhờ ân huệ nầy, chúng ta có thể tâm niệm như thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Chúa Giê-su đang sống trong tôi” (Galat 2,20). Nói cách cụ thể hơn, tôi làm việc, tôi ăn uống, nghỉ ngơi… nhưng không phải tôi, mà là Chúa Giê-su đang làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi trong tôi. Chúa với tôi tuy hai mà một.
Và đặc biệt, khi chúng ta tiếp nhận Chúa Giê-su trong bí tích Thánh thể, chúng ta được trở nên cùng máu thịt với Ngài, được ở trong Chúa và Chúa ở trong ta, cả hai hoàn toàn nên một.
Ôi! Thật tuyệt vời! Nhờ Chúa xuống thế làm người mà con người thấp hèn bé mọn mà được nâng lên hàng cao cả, lên bậc thần thánh, nên một với Thiên Chúa toàn năng.
Đây là ân huệ cao vời hơn tất cả những ân huệ khác Thiên Chúa ban tặng cho loài người chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy vui mừng hoan hỉ và hết lòng cảm tạ hồng ân Thiên Chúa trong ngày lễ mừng Chúa giáng sinh nầy.
Lạy Chúa Giê-su,
Nhờ việc hạ mình xuống thế làm người hèn mọn như chúng con, Chúa nâng con người lên địa vị cao vời tột bậc, không thể nào cao hơn được nữa. Xin giúp chúng con sống sao cho xứng hợp với giá trị và địa vị cao cả của mình. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

[1] (2 Pr 1,4)
 
[2] (1 Cor 6,19)
=================
Suy niệm 5 - LỄ ĐÊM GIÁNG SINH ABC
TIN MỪNG CHO TOÀN DÂN
Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG:Lc 2,1-14.
(1) Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. (2) Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri-a. (3) Ai nấy phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. (4) Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét miền Ga-li-lê, lên thành Bê-lem miền Giu-đê, là thành vua Đa-vít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Đa-vít. (5) Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. (6) Khi hai người đang ở đó thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. (7) Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. (8) Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. (9) Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. (10) Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: (11) “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. (12) Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ. (13) Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: (14) “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.
2. Ý CHÍNH:
Bài tin mừng hôm nay nhằm trình bày việc Chúa Giê-su giáng sinh là một tin vui cho nhân loại. Ta có thể chia làm 2 phần chính như sau:
- Phần thứ nhất (1-7): Cuộc kê khai nhân khẩu là nguyên nhân khiến hai ông bà Giu-se Ma-ri-a phải lên đường trở về Giê-ru-sa-lem là quê hương của vua Đa-vít. Tại đây bà Ma-ri-a tới ngày sinh. Bà đã phải sinh con trong cảnh nghèo khó tột cùng vì hai ông bà quá nghèo không tìm được chỗ nơi nhà trọ.
- Phần thứ hai (c. 8-14): Một sứ thần của Chúa đã hiện đến báo tin vui cho các mục đồng ở ngoại ô Bê-lem. Sứ thần cũng cho biết dấu chỉ để họ nhận ra Đấng Thiên Sai là “Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Rồi có rất nhiều thiên thần đến hợp lời ngợi khen Thiên Chúa.
3. CHÚ THÍCH:
- 1: + Hoàng đế Au-gút-tô: Hoàng đế Rôma cai trị từ năm 29 trước Công nguyên (CN), đến năm 14 sau CN).
- C 2: + “thành vua Đa-vít”: Khi gán tước hiệu “thành Vua Đa-vít” cho Bêlem (x. Mt 2,6), Tin Mừng dựa vào lời sấm của ngôn sứ Mi-kha về quê hương của Đấng Cứu Thế (x. Mk 5,1).
- C 5: +“Người đã đính hôn với ông Giu-se là bà Ma-ri-a đang có thai”: Câu này nhắc lại việc sứ thần Gáp-ri-en đến truyền tin cho Trinh Nữ Ma-ri-a (x. Lc 1,27).
- C 7:+ Bà sinh con trai đầu lòng: Sinh “Con đầu lòng” chỉ có nghĩa là sinh “đứa con đầu tiên hay con thứ nhất”, không nhất thiết sẽ phải sinh thêm con kế tiếp. Sở dĩ Luca đề cập đến “con trai đầu lòng” ở đây là muốn nhắc đến điều luật Môsê qui định phải dâng “các con đầu lòng cho Chúa”(x. Xh 13,2), và cách cha mẹ phải làm để chuộc lại con, sắp được hai ông bà Giu-se Ma-ri-a thực hiện cho Hài Nhi Giê-su (x. Lc 2,23). + Không tìm được chỗ trong nhà trọ: Các chủ quán từ chối không cho ở trọ phần vì dáng vẻ quê mùa nghèo khó của hai ông bà Giu-se Ma-ri-a, phần vì họ sợ đón phụ nữ mang bầu vào nhà sẽ mang lại xui xẻo cho việc kinh doanh của họ!
- C 11:+ Đấng Ki-tô Đức Chúa: Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a. Quyền Chúa Tể và Vương Đế của Người được chính Thiên Chúa trao ban (x. Cv 2,36).
- C 14:+ Bình an dưới thế”: Lời của các sứ thần ca ngợi chúc tụng Thiên Chúa cho thấy sứ mệnh của Hài Nhi Cứu Thế là làm vinh danh cho Thiên Chúa và thiết lập một nền hòa bình vĩnh cửu (x. Is 9,5-6 ; Mk 5,4).\
4. HỎI ĐÁP:
HỎI: Phải chăng bà Ma-ri-a chỉ đồng trinh trước khi thụ thai Đấng Cứu Thế (x. Is 7,14), rồi sau khi đã sinh “con trai đu lòng” (x. Lc 2,6) thì sống đời vợ chồng bình thường với ông Giu-se, và từ đó đã sinh thêm nhiều con trai con gái khác (x. Mt 13,55-56)?
ĐÁP: Thực ra không phải như vậy. Vấn đề ở đây là ý nghĩa thực sự của từ “cho đến khi” và “anh em và chị em của Đức Giê-su” như thế nào?:
+ “Cho đến khi”: Câu Mt 1,24-25 nên được diễn giải như sau: Khi tỉnh giấc, ông Giu-se đã thi hành 3 lệnh truyền của sứ thần trong giấc mộng: Một là ông “tổ chức lễ cưới chính thức để rước cô dâu Ma-ri-a” về nhà mình; Hai là ông “không ăn ở với Ma-ri-a như vợ chồng” vì Ma-ri-a đã được thánh hiến dâng mình phục vụ Thiên Chúa như một nữ tu khấn trọn; Ba là “cho đến khi” Ma-ri-a sinh con thì ông “đặt tên cho con trẻ là Giê-su” như lời sứ thần truyền để nhìn nhận trẻ Giê-su là con chính thức của mình về luật pháp (x. Lc 3,23). Tin Mừng không viết: hai ông bà đã không ăn ở cho đến khi Ma-ri-a sinh con thì lại ăn ở với nhau, như có người lầm tưởng!
+“anh em và chị em của Chúa Giê-su”: Trong Tin Mừng Mát-thêu, các từ “anh em ông”, “chị em ông” (x. Mt 13,55-56) hay “mẹ và anh em của Người” (x. Mt 12,46-47) chỉ là các anh chị em bà con mà thôi. Vì Chúa Giê-su là “con trai đầu lòng”, là người con thứ nhất, nên nếu Đức Ma-ri-a có thêm các người con khác thì họ phải được gọi là “các em trai” và “các em gái” thay vì được gọi chung chung là “anh em” và “chị em” như ở đây. Hơn nữa, bằng chứng quan trọng nhất cho thấy Đức Ma-ri-a chỉ có một con trai duy nhất là: Chúa Giê-su đã trối Mẹ Người làm mẹ của môn đệ Gio-anvà “Kể từ giờ đó, người môn đệ đã rước bà về nhà mình” (Ga 19,26-27). Chắc Đức Giê-su sẽ không trối Mẹ Ma-ri-a cho môn đệ Gio-anrước về nhà mà phụng dưỡng sau khi Người chết nếu Mẹ Ma-ri-a còn có nhiều người con khác ngoài Người.
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,10-11).
2. CÂU CHUYỆN:
1) CHÚA CỨU THẾ ĐÃ GIÁNG SINH CHO CHÚNG TA:
Ở nước Nga thời trung cổ, có một hoàng tử tên là A-lếch-xích (Alexis) rất yêu quí những người nghèo khổ bệnh tật. Mỗi ngày chàng ta bỏ nhiều thời giờ đến nhà thăm họ và sẵn sàng giúp đỡ những ai cần được trợ giúp. Có điều là hoàng tử thấy dân chúng vẫn dửng dưng thờ ơ khi chàng đến với họ. Rồi hoàng tử để tâm tìm hiểu lý do thì được biết sở dĩ dân chúng không mấy phấn khởi khi gặp gỡ chàng vì chàng không đáp ứng được các nhu cầu thực tế của họ. Từ đó hoàng tử A-lếch-xích âm thầm học hỏi chuẩn bị giúp dân một cách thiết thực hơn.
Sau một thời gian, một hôm dân chúng lại thấy một người ăn mặc đơn sơ đến thăm họ. Anh ta thuê một túp lều trong hẻm sâu làm nơi trú ngụ. Hàng ngày anh đến từng nhà và khám bệnh bốc thuốc miễn phí chữa bệnh cho các người nghèo. Chẳng bao lâu sau, anh ta gây được thiện cảm của mọi người chung quanh. Uy tín của anh ngày một gia tăng khiến nhiều người nghe tiếng tìm đến nhờ anh giúp đỡ giải quyết những khó khăn họ đang gặp phải. Hôm nay anh dàn xếp được một cuộc tranh chấp đất đai giữa hai gia đình. Hôm sau, anh lại làm cho một đôi vợ chồng sắp ly hôn làm hòa với nhau và yêu thương nhau như trước. Anh động viên mọi người tương trợ lẫn nhau và nhờ đó ai cũng mến anh vì anh đã hy sinh giúp đỡ cho họ.
Thật ra ông thầy lang ấy chính là hoàng tử A-lếch-xít. Hoàng tử đã rời bỏ cung điện phú quí, đến sống giữa đám dân nghèo đói dốt nát, và sống hòa mình với họ. Về sau khi biết thầy lang chính là hòang tử A-lếch-xít thì dân chúng lại càng quý trọng hòang tử hơn rất nhiều.
Hoàng tử A-lếch-xít trong câu chuyện trên là hình ảnh của Đức Giê-su Đấng Cứu Thế. Người đã giáng sinh trong cảnh nghèo hèn để chia sẻ cảnh nghèo khó với lòai người chúng ta. Người đã yêu thương chúng ta và tình nguyện xuống trần gian để ban cho chúng ta sự sống đời đời.
2) NGƯỜI VỐN VÔ TỘI NHƯNG ĐÃ TRỞ THÀNH TỘI NHÂN VÌ CHÚNG TA:
Một vị quan lớn gửi thiệp mời các người thân quen đến dự tiệc mừng sinh nhật thất tuần của ông. Tất cả quan khách đến dự buổi liên hoan đều ăn mặc sang trọng và có xe hơi đưa đón. Một vị quan cao tuổi là bạn chí thân của chủ tiệc cũng đến dự. Do già yếu nên khi bước xuống xe, ông bị trượt chân té xuống một vũng nước dơ khiến các gia nhân gần đó cười ồ lên. Trước tình trạng quần áo bị hoen ố nước dơ, vị quan cảm thấy xấu hổ trước trăm con mắt nhạo cười và quyết định lên xe ra về. Các gia nhân hiện diện đã năn hỉ hết cách mà vị quan kia nhất định không vào nhà dự tiệc. Bấy giờ chủ nhà được gia nhân cấp báo liền vội vàng chạy tới. Khi ngang qua vũng nước, ông lại cố tình té ngã vào vũng nước và quần áo ông cũng vấy bẩn không khác vị quan khách kia bao nhiêu. Lần này bọn gia nhân không ai dám cười nữa. Sau đó chủ nhà đã nắm tay vị khách quý kia mời vào phòng dự tiệc, và ông này không còn viện lý do gì để từ chối nữa.
Việc làm của chủ nhà trong câu chuyện trên là một hành động tế nhị và đầy tình người, khiến chúng ta hiểu được phần nào lý do tại sao Đức Giê-su vốn là Con Thiên Chúa mà lại hạ mình xuống làm một người phàm. Người muốn trở nên giống như loài người chúng ta để ban ơn cứu độ cho chúng ta.
3) THĂM HANG ĐÁ:
Vào một dịp lễ Giáng Sinh, người ta thấy có một đoàn người đến viếng thăm Hang đá trong nhà thờ Đức bà Paris. Đây là một ngôi Nhà thờ cổ kính và rất nổi tiếng tọa lạc ngay giữa thủ đô. Hoà trong đoàn người kính viếng hang đá năm ấy, người ta thấy có nhiều người khôn ngoan tài giỏi cũng cùng đi viếng hang đá.
Đầu tiên là một hoạ sĩ chuyên về mầu sắc: Đứng trước máng cỏ của Chúa Giê-su, ông nhìn ngắm và lắc đầu tỏ ý như những màu sắc trang hoàng trong hang đá không mấy hài hòa theo con mắt thẩm mỹ của ông. Một vài phứt sau, ông đi ra chỗ khác. Tiếp đến là một kiến trúc sư chuyên việc xây dựng. Người ta thấy ông cũng nhìn ngắm rồi ông cũng lại lắc đầu bỏ đi, có lẽ cách kết cấu hang đá đã không theo đúng kỹ thuật khoa kiến trúc. Sau đó ông cũng lặng lẽ đi ra.
Tiếp theo đó là nhà điêu khắc chuyêntạc đắp tượng. Tượng Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giu-se trong hang cũng là do những người làm nghề điêu khắc làm. Nhà điêu khắc này đứng ngắm hang đá lâu hơn hai người trước. Hình như ông thấy các bức tượng nơi hang đá có vấn đề. Sao nó không đúng với thực tế mấy: Chúa thì to mà con bò con chiên thì lại quá nhỏ, thiếu sự cân đối hài hòa. Rồi người ta cũng lại thấy ông lắc đầu bỏ ra chỗ khác.
Sau cùng người ta thấy một bà cụ già dắt theo một em bé gái khoảng 5 tuổi. Em bé mặc bộ đầm trắng toát như tuyết. Vai em còn mang thêm một chiếc khăn quàng cũng màu trắng. Hai bà cháu đứng ngắm nhìn hang đá một hồi lâu. Bỗng người ta thấy em bé mon men tìm đường leo lên hang đá, đến tận chỗ người ta đặt tượng Chúa Giê-su Hài đồng.
Em bé ngắm nhìn Chúa Giê-su và xúc động. Em nghĩ: giữa cảnh đêm đông giá lạnh như thế này mà Hài nhi Giê-su lại không có được một chiếc mền để đắp cho ấm... Rồi em cởi chiếc áo len trắng em đang mặc đắp lên máng cỏ che ấm cho Chúa Hài đồng.
Sau đó hai bà cháu cùng nhau ra về, nhưng họ thấy tràn ngập niềm vui trong tâm hồn vìđược gặp gỡ Chúa và đã được Chúa yêu thương.
Trong những ngày này, ước chi mỗi chúng ta cũng có được niềm vui hạnh phúc, nhờ biết cảm thông và sẵn sàng chia sẻ cơm áo cụ thể cho những người nghèo đói noi gương em bé trong câu chuyện trên.
3. SUY NIỆM:
1) ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG:
Vào dịp lễ Giáng Sinh, chúng ta lại được nghe những bài hát du dương thánh thót có khả năng đánh động lòng người, nhất là bài SAI-LÂN NAI, HÔ-LI NAI (Silent Night, Holy Night), lời Việt là “Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng”. Quả thực, đêm Giáng Sinh thật là một Đêm thiêng liêng, vì là giờ phút thiêng liêng, đất trời hòa hợp nhờ việc Con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Mùa Vọng là thời gian trông mong Đấng Cứu Thế mau đến. Hôm nay, Thiên Chúa đã đáp lại sự mong mỏi của lòai người bằng việc sai Con Một Ngài xuống thế làm người, đầu thai trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a, trở thành một người giống như chúng ta mọi đàng, chỉ trừ không có tội.
Làm sao hiểu được chuyện đó ? Làm sao Thiên Chúa lại trở thành một phàm nhân yếu đuối nghèo nàn ? Làm sao Đấng Vô Cùng lại có thể trở thành một con người hữu hạn ? Làm sao Đấng siêu thời gian lại đi vào trong thời gian và chịu sự chi phối của thời gian ? Làm sao Đấng Tạo Hóa hằng sống lại phải trở thành một loài thụ tạo hay chết ? Tóm lại: Tại sao Thiên Chúa lại giáng sinh làm người ? Chúng ta chỉ có thể trả lời rằng: Tất cả là do TÌNH THƯƠNG.
Vì yêu thương loài người chúng ta và vì muốn cứu độ chúng ta, Con Thiên Chúa đã xuống thế để ở cùng chúng ta, để dạy loài người chúng ta nhận biết Đấng tạo dựng nên mình và mở ra cho loài người một con đường sống, để về trời hưởng hạnh phúc với Chúa Cha. Chúa Giê-su đã thể hiện tình thương của Thiên Chúa bằng việc thiết lập một Nước Trời là Hội Thánh, và đã chịu chết trên cây thập giá để đền tội thay cho loài người, rồi sống lại để trả lại sự sống cho loài người. Tóm lại đêm nay kỷ niệm “Con Thiên Chúa giáng trần làm con loài người, để con loài người được nên Con Thiên Chúa”.
Như thế, lễ Giáng Sinh là lễ của tình thương. Tin mừng trong ngày lễ Giáng Sinh hôm nay công bố sứ điệp: Thiên Chúa yêu thương loài người nên đã sai Con Một xuống thế để công bố cho loài người biết tình thương bao la của Thiên Chúa. Người muốn chúng ta đáp lại tình thương của Ngài bằng việc yêu mến Ngài và yêu thương nhau.
2) NGHÈO KHÓ CHÍNH LÀ DẤU CHỈ CỦA ĐẤNG CỨU THẾ:
Chúa Giáng Sinh là một Tin mừng cho mọi người thiện tâm trên trần gian. Các mục đồng sau khi được thiên thần báo tin đã lập tức lên đường tìm kiếm Hài Nhi và cuối cùng đã gặp được Người. Rồi họ lại đi loan Tin mừng cho kẻ khác. Đấng Cứu Thế đã chọn mang thân phận nghèo hèn đến với nhân loại, để chia sớt nỗi khổ đau với những người nghèo. Dấu chỉ giúp các mục đồng nhận ra Người: “Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Trước dấu chỉ nghèo khó này, các chủ quán ở Bê-lem đã xua đuổi hai ông bà Giu-se Ma-ri-a khỏi nhà trọ, đang khi các mục đồng nghèo khó lại vui mừng đón nghe Tin mừng về sự giáng sinh của Người.
Ngày nay Chúa Giê-su vẫn tiếp tục đến với chúng ta qua những dấu chỉ khiêm tốn và nghèo hèn. Người trở thành một tấm bánh với vẻ bề ngoài tầm thường, Người hiện thân trong những kẻ tàn tật què quặt đui mù, Người đến trong những người nghèo khó bị người đời hắt hủi bỏ rơi. Đây là lúc chúng ta phải xác định lập trường, để biết mình thuộc hàng người nào:
- Là chủ quán giàu có khi thiếu lòng từ tâm xua đuổi người nghèo ?
- Hay là các mục đồng tuy nghèo khó, nhưng sẵn sàng đón nhận Tin mừng Chúa Giáng Sinh và quyết tâm đi tìm kiếm Chúa để đón nhận niềm vui ơn cứu độ ?
4. THẢO LUẬN:
Tặng quà là một hình thức biểu lộ tình thương cụ thể, vậy trong mùa Giáng Sinh này bạn sẽ tặng gì cho những người thân trong gia đình, những bè bạn, những người làm ơn cho bạn suốt trong năm qua, và hết những ai nghèo khổ cô đơn, những bệnh nhân liệt giường không tiền thuốc thang chữa trị… là hiện thân của Chúa Giê-su ?
5. LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU, Hôm nay bắt đầu một mùa Giáng Sinh nữa. Trần gian rực sáng, cờ xí giăng đầy, người người nô nức mừng Chúa giáng sinh trong những bữa tiệc vui vẻ sang trọng, rượu thịt ê hề. Nhưng những người lữ hành năm xưa vẫn còn đang lỡ bước và đang tiếp tục bị xua đuổi ra đầu đường xó chợ trong đêm nay, vì các chủ quán ngày này năm xưa vẫn còn đó: Những ai đi xe hơi và ăn mặc bảnh bao sẽ được chủ quán ân cần đón tiếp vào nhà, còn những người nghèo khó cũng lại bị đuổi ra hầm cầu qua đêm ! Xin cho chúng con biết luôn nhìn thấy Chúa đang hiện thân trong những người nghèo khó, những cụ già neo đơn không ai chăm sóc, những trẻ em mồ côi bụi đời… để chúng con ân cần thăm hỏi và sẵn sàng khiêm nhường phục vụ như phục vụ chính Chúa. Nhờ đó chúng con sẽ trở nên những môn đệ đích thực của Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH -  HHTM
=================
Suy niệm 6 – LỄ RẠNG ĐÔNG ABC 
GÓP PHẦN CHIA SẺ NIỀM VUI ƠN CỨU ĐỘ
Is 62,11-12; Tt 2,4-7 ; Lc 2,15-20
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG:Lc 2,15-20
(15) Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết”. (16) Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. (17) Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.(18) Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. (19) Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. (20) Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.
2. Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng lễ Rạng Đông nối tiếp Tin Mừng lễ Nửa Đêm mừng Giáng Sinh. Nội dung ghi lại thái độ của các mục đồng sau khi được sứ thần hiện đến loan báo tin vui về sự ra đời của Đấng Cứu Thế. Họ đã tích cực đáp trả bằng cách vội vã rủ nhau lên đường đi sang thành Bê-lem, để coi xem sự việc xảy ra mà Chúa mới cho biết. Theo lời sứ thần hướng dẫn, họ đã sớm tìm thấy Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ và hai ông bà Giu-se Ma-ri-a đứng bên. Rồi họ thuật lại mọi sự từ khi được sứ thần loan báo tới việc tìm thấy Hài Nhi, đúng với những điều họ đã nghe biết. Cuối cùng họ vui vẻ về nhà, vừa đi vừa ca tụng tôn vinh Thiên Chúa, đã ban Đấng Cứu Thế cho loài người.
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hai Nhi này” (Lc 2,16-17).
2. CÂU CHUYỆN:
1) CHÚA ĐẾN BAN HÒA BÌNH CHO NHÂN LOẠI:
Vào ngày lễ vọng Giáng sinh năm 1914, những quân lính Đức và Anh đối đầu với nhau, tại các hào chứa đầy bùn lầy và chuột cống. Tại các hào của quân Anh, những lá thư và tấm thiệp được gửi đến từ gia đình, và anh em binh lính khá vui vẻ. Đến nửa đêm, một số người trong bọn họ bắt đầu ca hát. Thế rồi đột nhiên, một người lính gác la lên một cách đầy phấn khích: “Anh em hãy lắng nghe đi !”. Họ lắng nghe, và nhận thấy những quân lính Đức cũng đang ca hát. Một lúc sau, hai người lính can đảm, do mỗi phe cử một người, đến gặp nhau tại bãi đất trống. Thêm nhiều quân lính khác đi theo họ. Theo quan điểm quân đội, điều này không có ý nghĩa gì cả. Với tư cách là những người lính, người ta cho rằng họ đến đánh nhau. Đột nhiên ngừng lại và trở nên bạn bè không tạo nên ý nghĩa. Nhưng trong đêm hôm đó, có sức mạnh còn lớn lao hơn cả quân đội tại nơi chiến trường.
 Khi ngày lễ Giáng sinh bắt đầu ló rạng, với gương mặt tươi cười, các binh lính đi dạo chung quanh vùng Đất Không Người. Người ta không nhìn thấy một dấu vết nào của sự hận thù. Họ trao đổi với nhau lương thực, đồ kỷ niệm và thuốc lá. Khoảng giữa trưa, khi tình thân thiện đang gia tăng, thì lại có một trận đấu bóng đá giữa hai phe. Nhưng trận đấu này không kéo dài lâu. Tin này đã lan tới tai các vị tướng đôi bên, và họ đã ban bố những mệnh lệnh gay gắt phải chấm dứt ngay mọi chuyện. Các sĩ quan dồn binh lính trở lại vào chiến hào. Tất cả mọi chuyện đều kết thúc. Sau lễ Giáng Sinh, cuộc giao chiến lại bắt đầu trở lại.
Khi Đức Giê-su sinh ra, các thiên sứ hát rằng “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Đây là một câu, trong số những lời nói đầy yêu thương nhất ở Tin Mừng. Bạn sẽ làm gì để đem sự bình an cho gia đình và nơi bạn đang sống?
2) “LỄ NO-EN THỜI THƠ ẤU”:
- Trong quyển tự thuật “Đứa Trẻ Duy Nhất”, một nhà văn Ai-len tên là PHĂNG Ô CON-NO (Frank O’ Connor) đã tự thuật câu chuyện về lễ No-en trong đời ông như sau:
Khi còn bé, vào một ngày trước lễ Giáng Sinh, Ô CON-NO được ông già No-en tặng cho một món đồ chơi chạy bằng giây cót. Thế rồi vào chiều ngày lễ hôm ấy, cậu bé Con-no theo mẹ đi đến một tu viện ở gần nhà. Cậu bé mang theo món quà duy nhất mới nhận được để khoe với mấy nữ tu thân thiết với gia đình cậu.
Một nữ tu dẫn cậu đến viếng máng cỏ được dựng trong nhà nguyện của tu viện. Nhìn vào hang đá, cậu bé suy nghĩ khi thấy Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ mà không có món quà nào bên cạnh cả. Cậu nghĩ có lẽ bé Giê-susẽ rất buồn vì không được ai tặng quà cho. Cậu quay lại hỏi vị nữ tu tại sao Chúa Hài Đồng lại không có món quà nào cả ? Bấy giờ nữ tu kia trả lời: “Vì quá nghèo, nên Mẹ Ma-ri-a không có tiền mua quà cho con trẻ mới sinh”.Câu trả lời ấy tuy giải tỏa phần nào thắc mắc của cậu, nhưng cậu vẫn suy nghĩ: “Mẹ của mình cũng nghèo như thế, mà tại sao Mùa Giáng Sinh nào mẹ cũng dành được tiền mua quà tặng cho mình ?” Món quà có khi là một hộp bút chì màu, khi khác là một chiếc cặp da… Rồi lòng quảng đại chợt dâng lên trong lòng, cậu bé liền cầm lấy món đồ chơi mang theo, leo rào vào bên trong hang đá rồi đặt món quà kia vào giữa đôi tay đang mở rộng của trẻ Giê-su. Cậu còn hướng dẫn cách lên giây cót, sợ rằng trẻ Giê-su còn quá nhỏ không biết cách sử dụng thành thạo món quà cậu mới trao tặng.
- Câu chuyện trên cho thấy lễ Giáng Sinh là một cơ hội để mỗi người chúng ta bày tỏ sự quan tâm đối với tha nhân. Đây là điều chính Thiên Chúa đã làm gương bằng cách ban Con Một mình cho nhân loại chúng ta. Con Thiên Chúa không đến trong quyền lực và giàu sang phú quí, nhưng trong sự yếu đuối nghèo khó cùng cực. Người đến trong vẻ yếu đuối để giúp chúng ta thêm tự tin vào các tài năng Chúa ban và sử dụng chúng theo Thánh Ý Chúa muốn. Người đến trong sự nghèo khó để an ủi chúng ta và mời gọi chúng ta quảng đại chia sẻ cho những kẻ nghèo đang sống chung quanh chúng ta.
3. SUY NIỆM:
1)CON THIÊN CHÚA ĐÃ LÀM NGƯỜI ĐỂ CON LOÀI NGƯỜI NÊN CON THIÊN CHÚA:
Chúa Giê-su Đấng Cứu Thế đã yêu thương nhân loại chúng ta và đã từ trời cao xuống thế làm một người phàm. Người được sinh ra trong thân phận nghèo khó, sống một cuộc đời lao động vất vả tại Na-da-rét như bao dân làng. Người đã trở thành EM-MA-NU-EN nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Quả thật: “Con Thiên Chúa đã trở nên loài người, để làm cho con loài người trở nên Con Thiên Chúa”.
2) LỊCH SỬ HANG ĐÁ BE-LEM:
- Trong Mùa Giáng Sinh này, chúng ta thường thấy nhiều hang đá tại nhà thờ hay tư gia. Trong hang có Hài Nhi Giê-su đang nằm trong máng cỏ, bên cạnh là Mẹ Ma-ri-a và thánh cả Giu-se quì thờ lạy. Cũng có mấy con bò và lừa đang quì gần bên thở hơi ấm cho Hài Nhi mới sinh.
- Việc dựng các hang đá như trên đã có từ thế kỷ thế 13. Vào năm 1223, thánh Phan-xi-cô khó khăn, lúc đó đang là bề trên một tu viện bên Ý. Ngài cho dọn một hang đá trong vườn cây ở gần Gờ-réc-xi-ô. Bên trong hang đá, ngài đặt tượng Hài Nhi Giê-su nằm trên máng cỏ, bên cạnh là một con bò và một con lừa. Vào đêm khuya hôm lễ Giáng Sinh, thánh Phan-xi-cô cùng các tu sĩ và dân chúng lân cận kéo nhau đến đứng chung quanh hang đá. Bên cạnh hang có đặt một bàn thờ, và thánh lễ đã được cử hành trang nghiêm. Từ đó, việc trưng bày hang đá tại nhà thờ và tư gia càng ngày càng phổ biến trở thành tập tục chung của cả thế giới.
3) GIÁNG SINH LÀ MẦU NHIỆM TÌNH THƯƠNG VÔ CÙNG CỦA TH CHÚA:
Mầu Nhiệm Giáng Sinh là cách Thiên Chúa diễn tả tình thương lớn lao nhất đối với nhân loại. Thiên Chúa đã sai Con Một xuống thế làm người, trở nên giống như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ không có tội. Người đã yêu thương chúng ta đến cùng, và biểu lộ tình yêu bằng việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời, làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế, lựa chọn và huấn luyện các tông đồ, lập các Bí Tích và cuối cùng sẵn lòng chịu chết nhục nhã trên cây thập giá để đền tội thay cho chúng ta, và sống lại để ban lại sự sống cho chúng ta. Người đã mở ra con đường lên trời cho chúng ta. Đó là con đường yêu thương, quên mình và phục vụ, là chấp nhận “Qua đau khổ tử nạn để vào vinh quang phục sinh”. Người mời gọi mọi người muốn được ơn cứu độ thì “hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà đi theo Người”. Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ được sống lại với Người, và sau này sẽ cùng được hưởng hạnh phúc vĩnh viễn trên thiên đàng với Người.
4) CHIA SẺ NIỀM VUI ƠN CỨU ĐỘ VỚI THA NHÂN:
Trong mùa Giáng Sinh tại nhiều nước truyền thống Ki-tô giáo, có thói tục tặng quà cho người thân và cho người nghèo. Chúa sinh ra trong cảnh nghèo hèn để mời gọi các tín hữu chúng ta biết nghĩ đến tha nhân, cảm thông và chia sẻ giúp đỡ những người bất hạnh với hết khả năng của chúng ta. Mỗi chúng ta phải trở thành những ông già No-en đầy lòng nhân ái, sẵn sàng trao tặng cho tha nhân một nụ cười thân ái, một lời nói động viên an ủi, một món quà chứa đựng tình người. Mỗi người chúng ta hãy đi thăm những người đau khổ để chia sẻ tình thương của Chúa cho họ, là những món quà vật chất, là lời nói chân thành động viên những ai đang bị bệnh tật, đau khổ… phấn đấu vượt qua những khó khăn gặp phải, cùng hợp tác với nhau để biến đổi gia đình, khu phố, nhà thờ, nơi làm việc của mình trở thành một thiên đàng trần gian yêu thương hòa bình, vui tươi và hạnh phúc, đúng như những lời chúc mừng luôn được ghi trên các cánh thiệp Giáng Sinh và đầu Năm Mới: “Chúc mừng Giáng Sinh vui vẻ và Năm Mới hạnh phúc”.
4. THẢO LUẬN:
Sau khi được sứ thần loan báo tin vui, các mục đồng đã vội vã lên đường đi Bê-lem để tìm Hài Nhi Cứu Thế. Rồi sau đó họ đã thuật lại những gì mắt thấy tai nghe về Hài Nhi này. Trong Mùa Giáng Sinh,mỗi người chúng ta cần làm gì để loan báo Tin Mừng Chúa Giáng Sinh cho các bạn bè và những anh em lương dân chưa nhận biết Chúa
5.LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU.Xin cho chúng con trở thành những ông già No-en đầy lòng nhân ái, luôn sẵn sàng trao tặng cho tha nhân một nụ cười thân ái, một lời nói động viên an ủi, một món quà chứa đựng tình người. Xin cho chúng con biết đến thăm những người bất bạnh để chia sẻ tình thương của Chúa cho họ. Ước gì niềm vui trong ngày lễ Giáng Sinh không dừng lại ở những của cải vật chất bên ngoài, nhưng ở tình người được nhân lên mãi, được nối lại thành vòng tay lớn, hầu cùng nhau chung lo xây dựng một thế giới mới đầy niềm vui, bình an và hạnh phúc.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH -  HHTM
=================
Suy niệm 7 - LỄ BAN NGÀY GIÁNG SINH ABC
HÃY THẮP LÊN NGỌN LỬA YÊU THƯƠNG NƠI THA NHÂN

Is 52,7-10; Dt 1,1-6; Ga 1,1-18
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 1,1-18
1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. 2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. 3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành. 4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. 5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. 6 Có một người được Thiên Chúa sai đến,tên là Gio-an. 7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. 8 Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. 9 Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.10 Người ở giữa thế gian,và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. 11 Người đã đến nhà mình,nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. 12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. 13 Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông,nhưng do bởi Thiên Chúa. 14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. 15 Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố: "Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi." 16 Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. 17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có. 18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúavà là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.
2. CÂU CHUYỆN VÀ SUY NIỆM:
1) TẠI SAO THIÊN CHÚA PHẢI NHẬP THỂ TRỞ THÀNH EM-MA-NU-EN ?
- Xưa kia một ông vua đã chọn một ông quan thông thái và thánh thiện tên là The Vizier để luôn đi theo làm bầu bạn và giải đáp các thắc mắc của nhà vua. Một hôm trên đường đi hành hương thánh địa Pa-lét-tin, The Vizier đã bị xúc động mãnh liệt khi được nghe biết câu chuyện của Chúa Giê-su Đấng Cứu Thế: Tuy là Thiên Chúa, nhưng vì yêu thương nhân loại tội lỗi, nên đã nhập thể làm người để ban ơn cứu chuộc cho loài người. Sau đó ông ta đã xin theo đạo Công giáo. Khi trở về triều, nhà vua thắc mắc hỏi quan The Vizier rằng: “Nếu trẫm muốnlàm bấtcứ điều gì, trẫm sẽ không cần đích thân làm, mà chỉ cần ra lệnh cho quần thần là việc đó sẽ lập tức được thi hành. Vậy tại sao Chúa Giê-su là vua các vua, là Thiên Chúa quyền năng, có thểcứu rỗi nhân loại chỉ bằng một lệnhtruyền, nhưng người lại phải nhập thể làm người, trở thành Đấng “Em-ma-nu-en - Thiên Chúa ở cùng chúng ta” như vậy làm chi?” Bấy giờ quan cố vấn The Vizier xin nhà vuacho thời gian suy nghĩ một ngày trước khi trả lời cho nhà vua. Ngay sau đó, ông ta cho người nhờ một ngườithợ mộc tài giỏi trong nước làm gấp một con búp bê và cho mặcquần áo giống y như hoàng tử một tuổi con trai của nhà vua. Ông cũng căn dặn hôm sau phải mang búp bê đó đến choông.
Sáng hôm sau, khi vua và quan cố vấn đang chèo thuyền dong chơi trong hồ lớn bên trong hoàng cung,vua đã yêu cầu quan cố vấn hãy trả lời cho câuhỏi của vua hôm trước. Bấy giờ quan cố vấn ra hiệu cho người thợ mộc đang có mặt ở bờ hồ, trên tay bế con búp bê giống hệt hoàng tử một tuổi làcon trai của nhà vua. Nhà vua trôngthấy hoàng tử con trai của mình trên tay người lạ thì tưởng là thích khách. Nhất là khi thấy tên thích khách kia ném hoàng tử xuống hồ nước, nhà vua liền nhảy xuống hồ bơi nhanh đến để kịp thời cứu hoàng tử sắp bị chết chìm, mà không ra lệnh cho quần thần chung quanh. Sau khi quan quân đưa được nhà vua và hình nộm búp bê hoàng tử kia lên thuyền, quan cố vấn liền hỏi: “Tâu đức vua, thần nghĩ là đức vua không cầnphải nhẩy xuống hồ nước, mà chỉ cần ra lệnh cho quần thần làm việc ấy không được hay sao? Tại sao chính đức vua lại phải nhẩy xuống hồ để cứu hình nộm hoàng tử vậy?” Nhà Vua suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Trẫm nghĩ có lẽ việc trẫm vừa làm làcâutrả lời của khanh muốn nói cho trẫm biết lý do tại sao,để cứu nhân loại khỏi chết, Thiên Chúatoàn năng lại phải đích thân nhập thể làm người, thay vì ra lệnh cho ai khác làm điều đó”.
- Hôm nay chúng ta cử hành biến cố vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại: “Chúa  Giê-su là  Ngôi Lời Nhập Thể đã xuống thế làm người”. Người là Con Một của Chúa Cha, vì yêu thương nhân loại, đã từ trời cao xuống đầu thai thành một người phàm, “nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ không phạm tội” (Dt 4,15). Tin mừng Gio-an đã diễn tả mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể trong lời tựa mở đầu sách Tin Mừng Thứ Tư như sau: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14).
2) THẮP LÊN NGỌN LỬA TIN YÊU BẰNG SỰ THĂM VIẾNG VÀ PHỤC VỤ:
Một ngày kia, tại MEO-BƠN (Melbourne) nước Úc, mẹ Tê-rê-sa đến thăm một người đàn ông lớn tuổi nghèo khó và cô độc, đang sống dưới tầng hầm của một chung cư. Căn phòng của ông tối tăm và bề bộn, và ít khi ông bước ra khỏi phòng. Thái độ của ông không mấy phấn khởi khi thấy có người đến thăm. Sau mấy lời chào hỏi, mẹ Tê-rê-sa bắt đầu đi thu dọn và sắp xếp lại căn phòng. Lúc đầu, ông ta tỏ ý không muốn qua câu nói: “Bà cứ để mọi sự như cũ cho tôi. Tôi đã quen với cảnh này rồi”. Mặc dù thế, mẹ vẫn cứ xúc tiến công việc của mình. Mẹ vừa dọn dẹp, vừa nói chuyện với ông ta ngồi trên nệm kê ở góc phòng. Dưới một đống rác cạnh tường, mẹ phát hiện ra một cây đèn dầu phủ đầy bụi bặm, liền lấy ra lau chùi. Nhận thấy cây đèn khá đẹp, mẹ liền nói với ông ta: “Ông có một cây đèn dầu rất đẹp, vậy ông có thường thắp sáng nó lên hay không?” Ông ta đáp: “Tôi có thường thắp sáng cây đèn đó lên hay không ư ? Có ai đến thăm tôi đâu !” Mẹ nói: “Thế ông có bằng lòng cho chúng tôi thường xuyên đến thăm ông để ông có dịp thắp sáng cây đèn này lên hay không?” Ông ta trả lời: “Vâng, nếu tôi nghe thấy một giọng nói của người nào, thì tôi sẽ thắp đèn lên”.
Từ ngày đó hai nữ tu dòng của mẹ Tê-rê-xa đã thường xuyên đến thăm viếng ông lão. Mọi sự đã dần dần được cải thiện. Mỗi lần các nữ tu đến thăm, ông ta đều thắp sáng cây đèn lên. Thế rồi một ngày nọ, ông đã nói với các nữ tu: “Thưa các sơ, kể từ bây giờ, tôi đã có thể tự xoay xở mọi việc được rồi. Xin các sơ nói với mẹ bề trên đã đến thăm tôi cách đây ít lâu là: ánh sáng mà bà đã thắp sáng trong tôi từ đó đến nay vẫn tiếp tục cháy sáng trong tôi”.
Chính lòng nhân ái thể hiện qua hành động thăm viếng và thái độ đầy tình người của mẹ Tê-rê-xa và các chị em nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái đã thắp sáng lên ngọn lửa tin yêu trong tâm hồn người đàn ông nghèo khó cô đơn nói trên.
3. LỜI CẦU:
Lạy Chúa. Mầu nhiệm Chúa giáng sinh hôm nay mời gọi mỗi người chúng con biết nghĩ đến những người chung quanh, nhất là những người đau khổ, bệnh tật, nghèo đói, cô độc và những đôi vợ chồng bất hạnh. Xin cho chúng con ý thức Chúa đang hiện thân nơi họ để mời gọi chúng con thăm viếng, động viên an ủi, sẻ chia tinh thần vật chất, để thắp sáng lên ngọn lửa tin yêu vẫn đang còn âm ỉ trong tâm hồn họ. Xin Chúa cũng giúp chúng con biết nhìn thấy Chúa nơi những người thân trong gia đình chúng con như: chồng vợ, cha mẹ, anh chị em trong cùng một mái nhà, để cảm thông, tha thứ và sẵn sàng chia sẻ lời chúc bình an hạnh phúc cho họ. Nhờ đó, Chúa là tình thương sẽ có thể hiện diện nơi bản thân, gia đình, khu xóm và nơi làm việc của chúng con.- AMEN.
LM ĐAN VINH - HHTM

=================
Suy niệm 8
CẢM NGHIỆM MẦU NHIỆM GIÁNG SINH

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Đã biết bao lần, chúng ta được mừng lễ Giáng sinh, được tận hưởng không khí se se lạnh, cùng nghe các bài hát Thánh ca Giáng sinh, đi viếng hang đá, chụp hình dưới cây Noel rực rỡ, v.v…Nhưng thử hỏi chúng ta đã cảm nhận được tình yêu Chúa yêu thương chúng ta thế nào qua mầu nhiệm Giáng sinh chưa?
Thánh Gio-an Tông đồ quả quyết: “Tình yêu ca Chúa là như thế này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước, nhưng Ngài đã yêu chúng ta trước và đã gởi Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta…” (1Ga 4,10). Hơn thế, thánh nhân còn mời gọi chúng ta suy ngẫm và cảm nhận sâu sắc hơn về điều này, rằng: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Ngài yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thật sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1Ga 3, 1). Thật vậy, trên chặng đường đời, giữa dòng chảy ngược xuôi, có lẽ chúng ta vẫn nghĩ: chúng ta đang đi tìm Chúa, chúng ta đang yêu Chúa, chúng ta đang cảm nghiệm tình thương mà Ngài đã-đang-và luôn luôn dành cho nhân loại; nhưng thật ra, Chúa đi tìm chúng ta trước, Chúa yêu chúng ta trước và Ngài hằng tuôn đổ ân phúc trên chúng ta để cho chúng ta cảm nhận tình yêu này mỗi ngày.
Chuyện kể rằng: có hai người bạn chơi thân với nhau lắm. Một hôm, họ cùng giao kèo rồi chia tay nhau đi tìm điều quý giá nhất trên đời. Họ hẹn sẽ gặp lại nhausau khi đã tìm thấy.Người thứ nhất đi tìm viên kim cương xanh ngọc vô cùng quý giá. Vì vậy, bất cứ đâu bán đá quý, kim cương, anh đều tìm đến. Cuối cùng, anh cũng mãn nguyện vì đã tìm được viên kim cương xanh ngọc ấy, rồi vui mừng vội vã trở lại quê hương chờ bạn. Trong lúc ấy, người thứ hai lặn lội đi tìm Chúa. Anh đi khắp nơi thọ giáo các bậc thánh hiền, học hỏi từ những nhà hiền triết, chăm chú đọc sách, nghiền ngẫm nhưng vẫn không tìm được Chúa.Nhiều năm trôi qua, đang lúc tuyệt vọng, anh vô tình nhìn thấy dòng sônglững lờ, một đàn vịt con đang bơi lội tung tăng như đang vui đùa với nhau. Anh thấy ngạc nhiên là: trong khi vịt mẹ tìm con, thì bầy con lại cứ muốn rời khỏi mẹ để đi tìm ăn riêng. Nhưng vịt mẹ chẳng hề tỏ vẻ giận dữ, cứ lẽo đẽo theo bầy con và gom chúng lại. Chứng kiến cảnh vịt mẹ mãi mê tìm con như thế, anh mỉm cười mãn nguyện trở về quê hương, mặc dù chưa đạt được mục đích. Cả hai hội ngộ, và người bạn kia bèn hỏi anh điều quý giá mà anh đã tìm được là gì khiến gương mặt rạng rỡ hớn hở như thế. Lúc đó, dù trở về với hai bàn tay trắng, nhưng tâm hồn anh tràn ngập niềm vui liền thốt lên:– Điều quí giá mà tôi đã tìm thấy, đó là trong khi tôi đi tìm Chúa, thì chính Ngài đã đi tìm tôi.
Mỗi khi mừng lễ Giáng sinh, chúng ta suy ngắm mầu nhiệm Con Chúa nhập thế và nhập thể, mầu nhiệm Thiên Chúa đi tìm con người, mầu nhiệm Thiên Chúa trao ban Con Một yêu dấu của Ngài để làm của lễ đền tội cho chúng ta. “Ngôi Lời đã nhập thể, và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga1,14). Lắm lúc chúng ta tưởng mình đi tìm Chúa, nhưng thật sự chính Chúa đi tìm chúng ta trước. Lắm lúc chúng ta nghĩ Chúa bỏ mặc chúng ta, nhưng thật ra Chúa đang rất gần chúng ta “Ngài cư ngụ giữa chúng ta” (nt). Ngay cả khi con người sa ngã phạm tội, Thiên Chúa đã lên kế hoạch cứu chuộc.Ngay cả khi con người phản bội bất trung, Thiên Chúa đã mở lối cho chúng ta quay bước trở về.Ngay cả khi con người vô phương cứu lấy chính mình, Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài hiến mình chuộc tội chúng ta. Quả thật, lễ Giáng sinh không đơn thuần là lễ hội trang trí đèn hoa, cây thông, làm hang đá, đi lễ rồi về, v.v…, mà là thời khắc ‘độc nhất vô nhị’, là ngày giao duyên đất trời, ngày tỏ rạng ánh sáng cứu độ, ngày Thiên Chúa viếng thăm con người trong hình hài xác phàm. Đúng như thông điệp chứa chan hy vọng của ngôn sứ I-sai-a đã loan báo từ ngàn xưa: “Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta và một Người Con đã được ban tặng cho chúng ta” (Is9,5). Dĩ nhiên, con người chúng ta không thể lên tới Thiên Chúa, nên Thiên Chúa đã xuống với con người. Chúa giáng trần để cho trần gian/nhân loại biết đường về trời. Chúa mặc lấy bản tính con người để cho con người trở nên con cái Chúa như thánh Tông đồ Gio-an khẳng định: “Những ai tin ở Ngài thì Ngài ban cho quyền được làm con Thiên Chúa” (Ga1,12).
Hơn nữa, Giáng sinh là mùa trao ban quà tặng, chẳng phải quà tặng thông thường, mà là vật phẩm vô giá: “Đức Giê-su là quà tặng quý giá nhất mà Thiên Chúa gởi trao cho con người (x.Ga3,16). Còn chúng ta, không chỉ nhận quà, mà chúng ta được mời gọi cũng hãy trao tặng cho anh chị em những gì cần thiết nhất, với tất cả lòng yêu mến, trân trọng như thể chúng ta đang tặng trao cho chính Hài Nhi Giê-su đang dang tay chờ đón mọi người. Những ai bé nhỏ nhất, những ai cô độc nhất, những ai chịu nhiều đau khổ nhất lại chính là những người cần được gửi traotặng phẩm Giáng sinh nhất. Trong gia đình, nơi cộng đoàn, cũng như các đoàn thể cầu nguyện, nhóm bác ái, chúng ta cần biểu lộ rõ ràng rằng họ không phải thứ yếu, mà rất quan trọng, đáng kể đối với chúng ta. Danh xưng họ chiếm một vị trí trong tâm hồn chúng ta. Được vậy, chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn tình yêu Giáng sinh, tình yêu mà Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta, cụ thể qua món quà vô giá, tặng phẩm hoan lạc mà Hài Nhi Giê-su đã mặc lấy xác phàm, sinh hạ nơi hang đá bò lừa, cư ngụ giữa nhân loại và cứu độ chúng ta.
Cuộc đời chúng ta là một mùa Giáng sinh liên lỉ, nghĩa là hằng trao ban, chia san, gửi tặng yêu thương mà tiên vàn chúng ta được Thiên Chúa ban tặng. Ước gì khi tặng quà, chúng ta sẽ trao ban vô vị lợi, trao ban không tính toán, trao ban trọn vẹn như thánh Tê-rê-sa Cal-cut-ta từng định nghĩa: “Ki-tô hữu là người trao ban chính bản thân mình.
Kính chúc quý ông bà và anh chị luôn cảm nhận tình yêu Giáng Sinh, và trở nên khí cụ tình yêu ấy!

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 9
Nhân loại
 đang cần Vua Hòa Bình
(Lc 2, 1-14)

"Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiên tâm" (Lc 2,14) là câu cuối của đoạn Tin Mừng công bố đêm nay chúng ta vừa nghe. Lời các Thiên Thiền và một số đông thuộc đạo binh thien quốc đồng thanh hát khen Chúa, từ 21 thế kỷ qua, Giáo Hội vẫn không ngừng hát lên trong các Thánh Lễ Chúa nhật và Lễ Trọng.
Thế giới hiện nay
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bất an, bất ổn. Thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 được đánh dấu bằng vụ tấn công khủng bố kinh hoàng vào tòa Tháp Đôi ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở nước Mỹ làm hơn 4.000 người chết, khiến nhân loại bị ám ảnh về hiểm họa khủng bố ở khắp mọi nơi, làm cho con người cảm thấy lo sợ, bất an nhiều hơn.  Tiếp theo đó là cuộc chiến gọi là “chống khủng bố” nổ ra và những hệ lụy của nó càng đưa thế giới vào tình trạng bất an, bất ổn hơn bao giờ hết.  Đại dịch Covid 19 xảy đến chỉ cho con người biết mình thật sự mong manh và nhận ra sự giới hạn của chính mình. Những tin tức hằng ngày về bạo hành, xung đột, dịch bệnh, thiên tai, nhân họa, ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình, internet, nhất là chiến do Nga châm ngòi tại Ucraina gần 1 năm nay… khiến nhiều người lo âu tự hỏi không biết thế giới chúng ta đang sống sẽ đi về đâu.
Về phương diện nội tâm, lòng người vốn bất an nên sinh ra bất hòa, bất mãn, bất bình, bất nhân, bất nghĩa, bất cần đời….bao nhiêu là chữ “bất” thậm chí đưa đến những cái chết “bất đắc kỳ tử”.  Thật vậy, con người trong xã hội hiện đại ngày càng bất an, bất hòa, bất đồng nên tình yêu, hôn nhân, gia đình đổ vỡ; tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng ngay ở những nước mới thoát khỏi nghèo đói như Việt Nam.  Tỷ lệ ly dị ở Việt Nam đang gia tăng đến mức báo động, khoảng 30%.  Đáng lo ngại là hiện tượng mà các nhà tâm lý gọi là “ly hôn xanh”, tức là những vụ ly hôn xảy ra ở những cặp vợ chồng mới kết hôn vài ba năm, con còn quá nhỏ, mà đã kéo nhau ra tòa ly dị với những lý do chưa đáng để ly hôn như thường thấy.
Điểm qua tình hình thế giới và con người, một câu hỏi cần đặt ra là tại sao con người từ xưa đến nay không tìm thấy sự bình an thật? Mặc dù có nhiều triết lý, tôn giáo xưa nay đã bàn luận nhiều đến nan đề nầy, tuy nhiên, có thể nói con người không thể tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Đúng như Isaia nói là: “Dân tộc bước đi trong u tối” (Is 9,2). Nhân loại hiện nay đang khao khát sự bình an.  Có người tưởng rằng vật chất, tiền bạc, tiện nghi khoa học, kỹ thuật sẽ đem lại hạnh phúc, bình an nhưng con người đã nhầm.   
Tội làm cho con người bất an
Sách Sáng Thế ghi lại bi kịch trong vườn địa đàng khi tổ tông loài người phạm tội bất tuân lệnh Chúa mà ăn trái cấm (x. St 3,6). Tôi lỗi đã khiến con người bối rối, sợ hãi. Dòng dõi loài người do A-đam sa ngã sinh ra lại tiếp tục ghen ghét, chém giết nhau. Bi kịch trong gia đình đầu tiên của nhân loại: Ca-in đã giết em ruột mình là A-ben vì ganh tị (x. St 4,8). Lịch sử nhân loại cũng từ đó trở thành lịch sử của chiến tranh. Hòa bình chỉ là sự ngưng nghỉ của chiến tranh mà thôi. Đúng như Isaia nói : “Những kẻ ác chẳng hưởng sự bình an bao giờ” (Is 48,22).
Hài nhi giáng sinh là Vua Hòa Bình
Isaia loan báo một tin vui toàn thế. Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết... Một hài nhi đã sinh ra cho chúng tôi... Người là “Cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa huy hoàn, Người Cha Muôn Thủa, Ông Vua Thái Bình” (Is 9,1.5).
Chúng ta phải khẳng định rằng: trong thời đại hiện hôm nay, con người có lẽ cần đến Ðấng Vua Hòa Bình hơn bao giờ hết, bởi vì xã hội trong đó con người sinh sống đã trở nên phức tạp hơn, và những hăm dọa xúc phạm đến sự toàn vẹn bản thân và luân lý. Ai có thể bênh vực con người, đem lại bình an cho con người, nếu không phải là Ðấng yêu thương loài người cho đến mức độ trao ban chính Con Một là Vua Hòa Bình cho con người.
Cuộc chiến do Nga khai mào mệnh danh là “đặc biệt” kéo dài gần một năm chưa có hồi kết cho thấy. Nhân loại đang rất cần Hòa Bình. Con người khiêm nhường cúi đầu quỳ gối xuống trước “một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,7) là Vua Hòa Bình đem bình an cho dương thế.
“Thế Giới Đang Cần Đến Hòa Bình” là một thông điệp gửi đến tất cả mọi người trên thế giới này, giữa lúc cuộc chiến giữa Nga và Ucraina ngày khốc liệt. Thế giới nói chung, Âu Châu nói riêng bất an và dường như không còn dựa vào sức riêng của mình được nữa, thế giới đang cần Vua Hòa Bình hơn bao giờ hết. Chỉ có Vua Hòa Bình mới mang bình an và ơn cứu độ đến cho nhân loại.
Cùng với các Thiên Thần chúng ta vang lời ca hát và khẩn khoản nài xin:"Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiên tâm" (Lc 2,14).
Xin chúc tất cả Giáng Sinh an lành, thế giới được hòa bình!

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 10
NGÔI LỜI ĐÃ TRỞ NÊN NGƯỜI PHÀM

Ga 1, 1-18

Thánh sử Gioan đại diện cho các môn đệ, những người trực tiếp sống với Đức Giêsu Kitô. Trong tình yêu, ông chứng thực, cảm nghiệm và “thấy” rất rõ, nên lời chứng  của ông về Ngài hoàn toàn xác thực và đáng tin nhận. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.”Ông khẳng định Đức Giêsu chính là Thiên Chúa đã có từ đầu khởi thủy.
Trước hết Ngôi Lời tỏ mình qua việc tạo dựng. “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành”. Ngài “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” thì Ngài vẫn luôn “hướng về Thiên Chúa” vì Ngài là Thiên Chúa thật.
Ngôi Lời tỏ mình qua lời chứng của Gioan Tẩy Giả,  vị ngôn sứ cuối cùng và cao trọng: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”
Đặc biệt Ngôi Lời tỏ mình qua biến cố Nhập Thể, Ngôi Lời đã trở nên người phàm cư ngụ giữa chúng ta: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7). Thánh sử Gioan đại diện cho các môn đệ để minh chứng: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người”. Các môn đệ đã nhìn thấy Ngôi Lời bằng xương bằng thịt. Ngài đã ở giữa họ, dạy dỗ, cùng ăn uống và làm bao nhiêu phép lạ…Thánh Gioan làm chứng cho người hậu thế chúng ta, là những người không được chứng kiến tận mắt biến cố Nhập Thể, trở thành người phàm của Con Thiên Chúa, bằng Phúc Âm và các thư của Ngài.
Nhưng trớ trêu thay, nhiều người sống đồng thời với Ngài năm xưa và cho đến hôm nay lại không nhận biết Ngài, hay chẳng chịu đón nhận. Phải chăng vì mầu nhiệm tự hủy của Ngài làm họ không thể nhận ra? Trong mầu nhiệm Giáng Sinh, Ngài là hiện thân của sự nghèo hèn cơ cực. Đấng mà các tầng trời không thể chứa lại được đặt trong máng cỏ. Vì ai mà Thiên Chúa cao cả đã  trở nên quá tầm thường? Các quán trọ không tiếp nhận Ngài, nhưng hang đá nghèo Belem lại tiếp nhận Ngài, nên hang đá Belem đã đi vào lịch sử, in mãi dấu xưa vẫn còn và trở thành thánh địa mang ơn cứu độ đến cho nhân loại. Xưa nay vẫn có đó những người không tin nhận Ngài. Những người thuộc hiện tại hôm nay, cả những người sống đồng thời với Ngài hai ngàn năm trước không tin và chối từ Ngài. “Chúng xuất thân từ hàng ngũ chúng ta, nhưng không phải là người của chúng ta; vì nếu là người của chúng ta, chúng đã ở lại với chúng ta. Nhưng như thế mới rõ:không phải ai ai cũng là người của chúng ta”(1 Ga 2, 19).Ngược lại những ai đón nhận và tin vào Ngài thì được hạnh phúc làm con Thiên Chúa, được lãnh nhận “hết ơn này đến ơn khác”. Qua ngôi Lời họ được thấy Chúa Cha và hiệp với Chúa Thánh Thần. “Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.”
Ôi Chúa Hài Đồng yêu mến ơi! Chúa là Thiên Chúa đã trở nên người phàm cho chúng con và vì chúng con, cho chúng con “đổi đời” mà được làm con Chúa! Này con xin mở rộng tâm hồn mà đón Chúa vào trái tim bé nhỏ của con. Xin Chúa biến đổi làm tim con thành “ngôi nhà” nhỏ bé thân thương có Chúa ngự trị, cho mãi luôn ấm áp cõi lòng con và còn lan tỏa đến mọi người hôm nay Chúa nhé!

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Kinh Năm Thánh 2025
Kinh Năm Thánh 2025
Đây là Kinh Năm Thánh 2025 được Đức Giáo hoàng Phanxicô soạn. Bản dịch Việt ngữ do Linh mục Giuse Lê Công Đức, PSS thực hiện và đã được Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log