Thứ hai, 27/01/2025

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật IV Thường niên năm A

Cập nhật lúc 20:03 26/01/2023
Suy niệm 1
Mt 5, 1 - 12
Bài Tin Mừng hôm nay được gọi là “Kinh Phúc Thật Tám Mối”. Kinh này được thế giới đánh giá là bài giảng quan trọng nhất của Đức Giêsu. Leo Tolstoy là một nhà văn vĩ đại nhất của Liên Bang Nga đã tôn sùng kinh này như một siêu tuyệt tác. Ông đã gửi tặng kinh này cho hai ông bạn thời danh của Ấn Độ; ông bạn già là thánh Găng đi, cha già của dân tộc Ấn; ông bạn trẻ là thi sĩ Tagor, người Á Châu đầu tiên được lãnh giải Nobel văn chương. Ông Găng đi là người duy nhất trên dòng lịch sử đã giành độc lập cho Ấn Độ, mà không tốn một viên đạn. Ông tâm sự rằng: khi đọc “Kinh Phúc Thật Tám Mối”, tôi rất yên tâm tiếp tục cuộc đấu tranh bất bạo động để giành độc lập cho quê hương tôi”.
Kinh “Phúc Thật Tám Mối” vĩ đại như thế đó, chúng ta không thể suy niệm trong vòng mươi phút được. Bởi vậy chúng ta chỉ suy niệm hai cái Phúc thôi. Đó là “Phúc cho người có tinh thần khó nghèo” và “Phúc cho người bị bách hại vì sống công chính”.
1 – “Phúc cho người có tinh thần nghèo”. Người có tinh thần nghèo là người làm ra tiền một cách lương thiện và sử dụng tiền một cách hợp tình, hợp lý, coi tiền như tên đầy tớ trung thành của mình. Rất nhiều người nghèo mà không có tinh thần nghèo. Trái lại có khá nhiều người giàu mà lại có tinh thần nghèo. Tự bản chất nghèo là kẻ thù của loài người. Giáo hội quyết tâm hợp tác với những người thiện chí để chấm dứt tình trạng nghèo trên thế giới. Ông Vícto Huygô đã tuyên bố: “nghèo và dốt là một cặp vợ chồng đẻ ra quái thai”. Chúng ta có thể nói mạnh hơn: “nghèo và dốt là một cặp vợ chồng cực kỳ gian ác”.
Người nghèo mà có tinh thần nghèo thì không gian tham, trộm cướp, lừa gạt…, nhưng can đảm vượt khó, để ban đầu sống nhờ người thiện chí, rồi sau đó chính mình lại có khả năng giúp người nghèo.
Người giàu có tinh thần nghèo là người giàu vì may mắn, vì tài khéo, vì cần cù…, nhưng không cờ bạc, rượu chè… mà còn chia cơm sẻ áo, kiếm việc làm cho người nghèo. Trên thế giới đã có nhiều tỷ phú sẵn sàng chia gia tài cho người nghèo. Tỷ phú Bill Gates và Buffet đã vận động được nhiều người bạn sẵn sàng cống hiến cho người nghèo 10%, 20%, 50% tài sản của mình để gây quỹ xã hội. Người có tinh thần nghèo có thể chỉ là một em bé, mẹ cho tiền ăn bánh, thì không ăn một mình, mà mời bạn nghèo ăn chung với mình. Đó là trường hợp của mẹ Têrêxa Calcuta. Mỗi lần bé Têrêxa đi học thì mẹ cho tiền và dặn rằng: “Mẹ cho con tiền ăn bánh, nhưng không được ăn một mình mà phải mời bạn nghèo ăn với con”. Thế là cứ giờ giải lao, bé Têrêxa lại vỗ vai một bạn nghèo vào căng tin để cùng nhau ăn bánh và uống nước. Đó là người có tinh thần nghèo.
2 – “Phúc cho người bị bách hại vì sống công chính”. Có một thực tế rất buồn là có những tập thể rủ nhau tham nhũng phá hoại tài sản của Nhà Nước và móc túi của nhân dân. Họ cùng nhau chia chác lợi nhuận do tham nhũng. Nhưng trong tập thể ấy lại có những người không đồng ý tham nhũn. Thế là bỗng dưng trở thành kẻ thù của tập thể tham nhũng. Người ấy bị ghét bỏ, bị loại khỏi tập thể, bị mất việc làm, bị mất cơm ăn áo mặc. Những người ấy là thiểu số, đành chịu thua, đành chịu thiệt thòi. Đó là những người đáng thương và được Chúa chúc phúc.
Ngoài những người ấy, còn là các vị tử đạo. Chỉ vì theo Chúa mà bị tù đày và chết chóc. Họ cũng là người được Chúa chúc phúc. Mong rằng mỗi người chúng ta đều giống như thế.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

==================
Suy niệm 2
THUA ĐỂ THẮNG, MẤT ĐỂ ĐƯỢC

Chuyện kể rằng: Phan-xi-cô xuất thân từ một gia đình quý tộc danh giá ở thành Át-si-si. Lúc còn thanh thiếu niên, ngài hay đi lễ muộn. Khi trưởng thành, trong một buổi lễ, tình cờ nghe cha quản xứ giảng về Tám mối Phúc Thật, Phan-xi-cô hết sức tâm đắc với câu nói của Chúa Giê-su: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,2). Từ hôm ấy trở đi, ngài luôn suy nghĩ xem mình phải sống thế nào để trở thành một người nghèo thực sự theo lời Chúa dạy? Rồi một ngày nọ, ngài đi đến quyết định sống cuộc đời từ bỏ mọi sự để hoàn toàn phó thác cuộc đời cho Chúa quan phòng. Ngài đã bán gia sản của cha mình và đem phân phát cho những người nghèo khổ bệnh tật. Hành động của Phan-xi-cô đến tai người cha, khiến ông nổi cơn giận kinh hoàng. Ông liền đến tịch thu tất cả những gì còn sót lại của Phan-xi-cô và tuyên bố từ mặt, không nhận ngài làm con nữa. Ngày hôm ấy, Phan-xi-cô đã can đảm bỏ lại tất cả quần áo, giày dép sang trọng để ra khỏi nhà với đôi bàn tay trắng. Trong nhật ký, ngàicó viết: “Bây giờ tuy không còn có cha ở trần gian, nhưng tôi vẫn luôn có Cha Trên Trời hằng thương yêu tôi”. Từ ngày đó, ngài được hoàn toàn tự do đi theo lý tưởng đã chọn “từ bỏ tất cả mọi sự, trở nên nghèo khó vì Nước Trời”.
Quả thật, đây chính là nghịch lý của Ki-tô giáo: “thua để thắng, mất để được” mà chúng ta bắt gặp ngang qua bài Tin Mừng hôm nay (x. Mt 5, 1-12a) đề cập đến Tám mối Phúc Thật.
Thánh Phao-lô đã nghiệm ra và quả quyết: “…cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1, 25). Dĩ nhiên, khi chúng ta đặt Tám mối Phúc Thật theo lối suy nghĩ và tiêu chuẩn của xã hội trần thế, hoặc của con người, thì có lẽ chúng ta bị khinh miệt, chê bai, chứ chẳng thể nào là phúc thật! Thế nhưng, Tám mối Phúc Thật (Bát Phúc) chính là chuẩn mực của Thiên Chúa dành cho những ai dám chấp nhận ‘nghịch lý’ này: tâm hồn nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, khao khát nên người công chính, xót thương người, tâm hồn trong sạch, xây dựng hoà bình, bị bách hại vì sống công chính (x. Mt 5, 3-10). Và Bát Phúc cũng được gọi là Hiến chương Nước Trời, nghĩa là hết thảy những ai khao khát được vào Nước Trời, đều hân hoan sống trọn Tám mối Phúc Thật ngay đời này.
Thánh Phan-xi-cô Át-si-si đã dám chịu mất tất cả để đạt được hạnh phúc thật. Thánh Ma-xi-li-a-nô Kol-bê đã hy sinh mạng sống cho người tử tù để đạt sự sống đời đời, hưởng phúc thật viên mãn. Thánh Đa-mi-en đã bỏ hết những tiện ích, tiện nghi trần thế, mà chăm lo cho người phong hủi đến cuối đời, hầu sống trọn Bát Phúc. Thánh Tê-rê-sa Cal-cút-ta đã dám bỏ sự an vị, cất bước lên đường đến Ấn Độ để khởi sự chặng đường chăm lo cho những người cùng khốn, những người thiếu vắng tình thương, những người đang hấp hối, v.v…cũng chỉ vì thánh nhân sống trọn vẹn Tám mối Phúc Thật! Còn rất nhiều thánh nam thánh nữ khác đã kết thúc cuộc hành trình lữ khách nơi trần gian này với tinh thần Bát Phúc, hầu được hưởng hạnh phúc đích thật viên mãn muôn đời.
Vì thế để đạt hạnh phúc này, chúng ta nên phân biệt hai loại hạnh phúc chính: hạnh phúc tự nhiên khả giác và hạnh phúc siêu nhiên tinh thần. Ai trong chúng ta đều rõ: hạnh phúc là một khát vọng tự nhiên nơi con người, muốn được thoả mãn các như cầu cả về thể xác lẫn tâm hồn. Về hạnh phúc tự nhiên như: được có nhiều tiền của, được chung sống với người mình yêu, được khen tặng, được thi đậu hay được cấp vi-sa nhập cảnh nước ngoài, được thăng tiến…, con người sẽ cảm thấy vui sướng khi được thoả mãn điều mình khát vọng. Tuy nhiên, loại hạnh phúc này thường không bền lâu, dần dần phai mờ theo thời gian, và có khi hạnh phúc hôm nay lại trở thành nguyên nhân gây ra bất hạnh sau đó. Về hạnh phúc siêu nhiên mà Tin Mừng đề cập là “Tám mối Phúc Thật”. Đây là những tiêu chuẩn cho hết thảy mọi người muốn được ơn cứu độ, muốn được vào hưởng hạnh phúc Nước Trời. Cụ thể, chúng ta hoan hỷ thực hành xuyên suốt trong cuộc sống Ki-tô giáo:
Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó: Người có tâm hồn nghèo khó là người không tham lam tiền tài, không tranh giành địa vị chức quyền, nhưng luôn sống đơn sơ, tín thác và khiêm nhường phục vụ noi gương Đức Giê-su, nên họ sẽ được ban thưởng Nước Trời.
Phúc thay ai hiền lành: Người hiền lành là người có lòng từ bi nhân ái, không cố tình làm hại ai, nhưng luôn biết nhẫnnhịn, chịu đựng những xúc phạm của tha nhân vì lòng mến Chúa, nên họ sẽ được Chúa bù đắp các thiệt thòi bằng hạnh phúc đất hứa Thiên Đàng.
Phúc thay ai sầu khổ: Người sầu khổ là người ý thức giá trị thanh luyện của đau khổ, nên sẵn sàng chịu đựng mọi gian nan gặp phải trong cuộc sống hằng ngày, nên họ sẽ được Chúa đoái thương ‘lau khô lệ rơi’ và được động viên an ủi bằng hạnh phúc Thiên Đàng.
Phúc thay ai khao khát nên người công chính: Người công chính luôn hướng thượng, muốn trở nên hoàn thiện noi gương Cha trên trời, nên họ sẽ được thỏa lòng mong ước nhờ tin vào Chúa Giê-su và ăn ở công minh, chính trực giống như Người.
Phúc thay ai xót thương người: Người biết xót thương luôn cảm thông chia sẻ niềm vui nỗi buồn với tha nhân như thánh Phao-lô dạy: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15), nên họ sẽ được Chúa xót thương và ban ơn tha thứ trước tòa phán xét.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch: Người có tâm hồn trong sạch là người có nếp sống lành thánh trong tư tưởng, lời nói và hành động, nên đôi mắt tâm hồn của họ trở nên trong sáng để có thể nhìn thấy Chúa đang hiện thân nơi anh chị em, đặc biệt những ai đang đói khổ bất hạnh (x. Mt 25,40), và sau này được “mặt giáp mặt” diện kiến với Chúa trên Thiên đàng (x. 1Cr 13,12).
Phúc thay ai xây dựng hòa bình: Người xây dựng hòa bình luôn nhẫn nhịn,kiên trì vun xới tình huynh đệ, biết ứng xử,sống hòa thuận với tha nhân, nên họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa (x. Mt 5,45) và trở nên môn đệ đích thật của Đức Giê-su (x. Ga 13,35).
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính: Người bị bách hại vìsống công chính là người can đảm sống đức tin, sống chứng nhân choĐức Giê-su, nên bị ghen ghét, bắt đạo, cấm cánh, có thể bị giết chết thân xác, nhưng họ sẽ được Thiên Chúa thưởng ban ơn cứu độ là hạnh phúc Thiên đàng đời đời.
Sau hết, noi gương các Thánh nhân đã sống trọn vẹn Bát Phúc ngay ở đời này, chúng ta cùng nhau chung tay, chung lòng cất bước trên con đường nên Thánh qua việc đón nhận Tám mối Phúc Thật là kim chỉ nam của đời mình. Xin Chúa trợ lực cho mỗi người chúng ta. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

================
Suy niệm 3
Chìa Khóa 
Hạnh Phúc

(Mt 5, 1-12a )

Phụng vụ Lời Chúa nhật thứ IV thường niên A năm nay thật là ý nghĩa khi chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng (Mt 5, 1-12a) đã đọc trong Thánh lễ Giao thừa, chúng ta có thể khẳng định rằng: Thiên Chúa muốn, chúng ta là những người hạnh phúc. Suy diễn này không có quá ảo tưởng, vì vào khởi đầu của Kitô giáo, các thành phần của Giáo hội cũng được gọi là "những người diễm phúc". Thiên Chúa là Hạnh Phúc, Ngài luôn muốn chúng ta hạnh phúc, nên Ngài thi ân giáng phúc cho chúng ta. Ngài muốn chúng ta không chỉ hạnh phúc tạm thời, mà còn hạnh phúc luôn mãi cả đời này và đời sau. Quả thực, người kitô nhờ Bí tích Rửa tội, được kết hiệp với Chúa Giêsu là Quả Phúc nơi cung lòng Đức Maria là Đấng đầy ơn phúc, nên chúng ta hạnh phúc là lẽ đương nhiên. 
Ngày đâu năm, chúng ta đã đi chúc tết nhau, ngoài bánh chưng, bánh tét, hoa đào, hoa mai… có lẽ không gì nhiều bằng “lời chúc”. Ai cũng muốn dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho gia đình, người thân, bạn bè trong những ngày này và ngược lại, ai cũng muốn mình được nhận nhiều những lời chúc. Về phương diện con người, điều đầu tiên trong năm mới chúng ta cầu chúc cho nhau là bình an, hạnh phúc, vui vẻ, may mắn... người có đạo còn chúc nhau được đầy niềm vui và phúc lành của Thiên Chúa.
Về phía Thiên Chúa, vì Ngài là nguồn mạch mọi ân phúc, Ngài yêu thương con người và hằng mong muốn con người được hạnh phúc, Ngài sẵn sàng chúc phúc cho chúng ta. Ngài vui khi nhìn thấy chúng ta mạnh khoẻ, cả về thể xác lẫn tâm hồn. Cha mẹ nào mà không vui khi thấy con cái mình lớn lên, khôn ngoan, khoẻ mạnh, huống chi là Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta, không để chúng ta hư không đời, mà lại sinh ra ta cho ta được làm người…lại cho Ngôi Hai Xuống thế làm người để cứu độ, giải thoát ta khỏi mọi tội lỗi và sự dữ, cứu chúng ta khỏi án phạt đời đời. Đoạn Tin Mừng đọc trong Thánh lễ hôm nay minh chứng rõ ràng rằng, Thiên Chúa muốn, chúng ta là những người hạnh phúc (x. Mt 5, 1-10).
Hạnh phúc thật theo Chúa Giêsu phán trong Tin Mừng (Mt 5,1-12) nghe xong nhiều người không khỏi ngạc nhiên và sửng sốt, bởi vì những người mà người đời coi là khờ dại, bất hạnh và đáng thương hại theo Chúa Giêsu lại là những người có phúc.
Phần đông chúng ta nghĩ ngay đến phương diện vật chất. Suy nghĩ như vậy không thể nào đúng được. Chúa Giêsu nói phúc cho những ai có tinh thần khó nghèo chứ không nhất thiết phải thực sự nghèo khó. Bài giảng trên Núi nói về Nước Trời chứ không nói đến nước thế gian.
Khó nghèo là còn thiếu ơn cứu độ của Chúa, là muốn được ơn cứu độ ấy nhiều hơn, nhưng không có khả năng và còn bị trăm nghìn cản trở, là thiếu thốn thật sự và chỉ còn biết trông đợi vào lượng từ bi phong phú của Chúa, là đang đi trên đường về Nước Trời nên không dừng lại nơi một tạo vật nào mà chỉ bắt chước Phaolô: bỏ mọi sự lại đằng sau, lao thẳng về phía trước, theo ơn Chúa kêu gọi.
Hiểu như vậy thì nhất thiết phải nói mọi người đều khó nghèo. Chúa đã dạy, người giàu có khó vào Nước Trời vì người giàu thường cậy của, tin vào mình. Tinh thần khó nghèo được Chúa nhắc đến đầu tiên trong Bài giảng trên Núi, là phúc đầu tiên trong các mối phúc thật, mà là điều kiện đi trước để có các mối phúc thật sau. Ðó là cơ sở để phát huy mọi nhân đức, để đón nhận ơn cứu độ dẫn đến hạnh phúc Nước Trời.
Tiên tri Sôphônia kêu gọi người ta: Hãy tìm công chính và sự hiền lành nếu muốn được Thiên Chúa chúc phúc che chở trong ngày Chúa thịnh nộ. Là vì Chúa sẽ chỉ để sót lại một dân khó nghèo, thiếu thốn. Chính họ mới là những kẻ được chăn dắt, yên hàn, hạnh phúc.
Còn thánh Phaolô thì khẳng định dân khó nghèo thiếu thốn mà Chúa hứa để sót lại đó, chính là chúng ta, những thành phần không và chẳng ra gì, mà Chúa đã chọn để đổ đầy sự khôn ngoan, công chính và cứu rỗi cho chúng ta.
Lý do là vì họ sống tinh thần nghèo khó, mặc dù họ giàu sang, có tiền của. Sống tinh thần nghèo khó, không cậy dựa vào tiền của, nhưng phó thác vào quyền năng của Chúa. Họ còn là những người hiền lành, những người đau khổ, những người đói khát sự công chính, những người có lòng trong sạch, những người ăn ở thuận hoà và những người bị bách hại vì lẽ công chính. Đó là những người được Thiên Chúa chúc phúc.
Chúa Giêsu là hiện thận của Chúa Cha là Hạnh Phúc, Người cũng muốn chúng ta có được hạnh phúc, nên đã vạch ra cho chúng ta con đường Tám Mối Phúc Thật để tất cả chúng ta đi theo mà trở thành phúc nhân. Con đường Chúa đã đi khi còn sống thân phận lữ thứ trần gian như chúng ta: Phúc cho những ai nghèo khó trong tinh thần, phúc cho những ai đau khổ, phúc cho những kẻ hiền lành, phúc cho những ai đói khát sự công chính, phúc cho những kẻ có lòng nhân từ, phúc cho những ai có lòng trong sạch, phúc cho những ai hoạt động cho hoà bình, phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính (x. Mt 5, 3-10).
Đầu Xuân Năm Mới, chúng ta hãy khẩn cầu các thánh là những người đã được xem là phúc nhân, đặc biệt xin Mẹ Maria, là ‘Đấng đầy ơn phúc’, giúp con cái Mẹ trở thành những phúc nhân trong Năm Mới, nhất là trước tòa Chúa Giêsu Kitô, Con Mẹ đến muôn thủa muôn đời ! Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 4
HẠNH PHÚC TRONG CHÚA

Mt 5, 1-12

Hạnh phúc tự nhiên của con người là có cuộc sống an cư lạc nghiệp, khỏe mạnh, có thế giá, giàu sang, tiện nghi…
Hôm nay ngồi trên núi, Đức Giêsu lại rao giảng, quảng bá về tám mối phúc, có những mối phúc nghe ngược đời:
- “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó…” Có nhiều thứ nghèo: nghèo tiền của vật chất, nghèo sức, thấp cổ bé miệng, số phận hẩm hiu, ít học, lực bất tòng tâm… Bình thường người khó khăn thiếu thốn sẽ không còn cậy vào sức riêng mà đặt niềm trông cậy nơi Chúa. Người giàu có, tiện nghi đầy đủ thường thấy an thân không cần đến Chúa, chỉ tìm hưởng thụ và chẳng bao giờ thấy thỏa mãn  đủ. Đức Giêsu không cổ động lối sống  nghèo nàn đến độ không có những cái căn bản ổn định để phát triển tinh thần. Ngài nhấn mạnh người có tâm hồn nghèo khó là người không bám víu nặng lòng với của cải vật chất đang có, không hưởng thụ ích kỷ mà sẵn sàng sẻ chia; hay khó nghèo mà không than van, nhưng biết tin tưởng cậy trông vào Chúa quan phòng, họ sẽ được hạnh phúc vì có Chúa hiện diện yêu thương chăm sóc. Ngôn sứ Êlia ngày xưa tin cậy vâng nghe Lời Chúa nên vẫn được Chúa quan phòng, trong khi toàn vùng khô khan đói kém vì không có mưa sương: Ông ra đi và làm như Chúa truyền: là đến ở thung lũng Cơ-rít… Buổi sáng, quạ mang bánh và thịt cho ông; buổi chiều, quạ cũng mang như vậy. Nước ông uống là nước suối.” Ông không phải đói khát vì ông luôn “đứng trước nhan Đức Chúa.”
- “Phúc thay ai hiền lành…” Người hiền hòa thì dễ thương dễ mến, họ nên giống Chúa Giêsu: (Ta hiền lành và khiêm nhường). Trong Chúa họ luôn bao dung, từ bỏ tự ái, sẵn sàng cảm thông tha thứ dù thiệt thòi oan ức, không tức giận phẫn nộ với ai. Tâm tư họ luôn vui vẻ bình an hạnh phúc.
- “Phúc thay ai sầu khổ…” Người đau buồn khóc lóc cảm thương trước đau khổ của người anh em, đau buồn vì những lầm lỗi của chính mình sẽ được Chúa nâng dậy, ủi an và biến nỗi buồn của họ trở thành niềm vui. “Người sẽ lau sạch nước mắt họ.”
- “Phúc thay ai khát khao nên người công chính…” Người coi thường sự công chính sẽ không lo đến, không bỏ công tập luyện nhân đức. Người khao khát nên công chính luôn tìm kiếm để học biết và dấn thân tới trọn lành sẽ “được Thiên Chúa cho thỏa lòng.”
-“Phúc thay ai xót thương người…”Ai không biết xót thương người khác, làm sao dám xin lòng thương xót Chúa cho mình ? Còn người có lòng thương xót sẽ chạnh lòng thương, giúp  người thiếu thốn đau khổ, cảm thông, quảng đại cho đi, nhân từ tha thứ, chia vui sẻ buồn với người anh em, chắc chắn họ sẽ được ở trong đại dương thương xót của Chúa.
-“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch…” Trí sạch thì tâm an. Con tim trong sạch không nuôi hận thù, không chất chứa đam mê hay đủ thứ hằm bà lằng, trong sạch từ đáy lòng, không mong ước điều bất chính.  “Con mắt tâm hồn” sạch sẽ đơn sơ sẽ “nhìn thấy” Thiên Chúa rõ ràng.
-“Phúc thay ai xây dựng hoà bình…” Người sống trong hòa bình, trong tình yêu Chúa và khiêm nhường nhịn nhục thứ tha,  không tìm trả đũa, không chia rẽ bất thuận, sẵn sàng bắt tay người không ưa mình, sống hòa hợp trong mọi khác biệt, biết biến thù thành bạn, chắc chắn sẽ là “con nhà Chúa” rồi !
- “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính…” Khi gặp đau khổ thử thách vì sống công chính, ta không than thân trách Chúa hay mất niềm tin tưởng nơi Ngài, nhưng biết liên kết với Chúa sẽ được hưởng vinh quang với Ngài.
Chúa ơi! chỉ một mình Chúa mới lấp đầy khao khát hạnh phúc của chúng con. Tiện nghi vật chất không phải là đích điểm cuộc đời. Hạnh phúc của chúng con là chính Chúa. Chúng con chỉ bất hạnh khi xa rời Chúa mà thôi. Xin cho chúng con luôn tìm gặp và được sống hạnh phúc sung mãn tràn đầy trong Chúa, để dù sống giữa những khó khăn thiếu thốn, sầu khổ gian truân, chúng con vẫn đang tận hưởng hạnh phúc ngọt ngào trong Chúa, bây giờ và mãi mãi.

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log