Thứ bảy, 23/11/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật V Thường niên A

Cập nhật lúc 13:01 02/02/2023
Suy niệm 1
Mt 5, 13 – 16
Đức Giêsu đang nhìn vào một thế giới đầy tội lỗi mà Chúa Cha đã sai Ngài đến để cứu độ. Từ kim tới cổ, từ đông sang tây, chỗ nào và thời nào cũng bị bốn con quỷ cám dỗ làm hư hỏng con người. Từ vua chúa quan quyền cho đến thứ dân, từ cá nhân cho đến tập thể đều để lại trên dòng lịch sử không biết là bao nhiêu đống gạch vụn do bốn con quỷ cám dỗ gây nên. Bốn con quỷ đó gọi là “Tứ đổ tường”. Tứ đổ tường là cờ bạc, rượu chè, xì ke, đĩ điếm.
Nhìn thấy thế giới loài người sa đọa như thế, Chúa buồn tê tái và quay sang nhìn nhóm mười hai Tông Đồ. Tuy họ bé nhỏ tầm thường nhưng Chúa vẫn tin tưởng và trao cho họ trách nhiệm cứu đời. Chúa ví họ như muối mặn và đèn sáng. Muối mặn làm cho cá thịt không bị hư thối. Đèn sáng làm cho người ta đi trong đêm mà không vấp ngã. Dù tin tưởng vào đoàn Tông Đồ bé nhỏ, Chúa vẫn cảnh giác cao và nói rằng: “Nếu muối mà không mặn, thì chỉ còn một việc là đổ nó ra ngoài đường cho người ta đạp lên trên”. Câu nói ấy vừa là lời cảnh giác cho mọi người, vừa là lời tuyên án cho một người. Người ấy là Giuđa Ítcariốt. Đau xót vô cùng!
Tất cả mười hai thùng muối và mười hai ngọn đèn đã đi vào thế giới bên kia rồi. Bây giờ đến lượt chúng ta phải nhận sứ mạng Chúa trao phó để làm muối mặn và đèn sáng. Nhận sứ mạng cao quý này, thì cũng phải cảnh giác, để đừng ai trong chúng ta giống như Giuđa Ítcariốt: một thùng muối lạt bị đổ ra đường; một ngọn đèn tắt ngấm bị vứt vào xọt rác.
Sự thật phải công nhận rằng: có nhiều thùng muối lạt và nhiều cây đèn tắt ngấm đã xuất hiện trên dòng lịch sử của Giáo hội. Nhưng cũng phải vui mừng phấn khởi công nhận rằng trên dòng lịch sử của Giáo hội, đã xuất hiện nhiều thùng muối mặn và nhiều ngọn đèn sáng rực.
Vào cuối thế kỷ 20 có một người phụ nữ được thế giới tôn vinh là người đàn bà vĩ đại  nhất của thế kỷ. Bà là người được lãnh giải Nobel Hòa Bình. Bà là người được tặng nhiều bằng tiến sĩ danh dự nhất thế giới. Đó là Mẹ Têrêsa Calcutta. Cả cuộc đời của bà, bà chỉ biết yêu thương chăm sóc người nghèo. Sự nghiệp của bà lớn lao như thế, bà vẫn khiêm tốn tuyên bố “muối bỏ biển”. Một tấm gương sáng chói, cứu vớt biết bao nhiêu người thoát dốt và thoát nghèo. Biết bao nhiêu người nhờ tấm gương sáng ấy mà thoát được móng vuốt của con quỷ “Tứ đổ tường”.
Ngoài Mẹ Têrêsa Calcutta, một người đàn bà vĩ đại nhất của thế kỷ 20, còn xuất hiện biết bao bọc muối nhỏ và biết bao ngọn đèn nhấp nháy. Cụ thể là ở một giáo xứ kia có mười em thiếu nhi lập thành một nhóm bác ái. Các em đều thuộc lớp bốn, lớp năm và lớp sáu. Mỗi em mỗi ngày bớt ăn hàng, để bỏ vào quỹ từ thiện 100 đồng. Cứ thế, cứ 20 ngày, quỹ từ thiện của các em có được 20.000 đồng. Khi được 20.000 đồng, các em kéo nhau đến xóm chợ để thăm và tặng quà cho ông cùi. Tặng quà rồi lại còn tâm sự, đùa nghịch mua vui cho ông cùi. Ông cùi vui sướng quá. Cả xóm chợ ai cũng khen: “Thiếu nhi nhà thờ nó ngoan như vậy đó”. Bà con lương dân xóm chợ đều ca ngợi như thế. Các em thì phổng mũi lên. Cha mẹ và cha xứ của các em còn phổng mũi hơn các em. Còn Chúa thì tung phép lành như pháo bông.
Mong rằng mỗi người chúng ta đều nhân thừa công tác ấy lên.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
==================
Suy niệm 2
CHỨNG NHÂN TRUNG THÀNH
Kính thưa quý cộng đoàn Phụng vụ! Lời Chúa hôm nay: “Các con là muối đất…các con là ánh sáng thế giới…Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời” (x. Mt 5, 13.14.16) dường như không ai trong chúng ta không biết. Tuy nhiên, để vui sống trở nên chứng nhân trung thành, chúng ta không thể không cùng suy gẫm Lời Chúa, cộng tác với ơn Ngài và nỗ lực hằng ngày!
Chắc hẳn ai cũng rõ công dụng của muối và tác dụng của ánh sáng. Muối mặn được dùng trong đời sống thường nhật, nào là nấu nướng, giữ cho thịt thà, cá tươi sống, chế biến công nghiệp, v.v…Ánh sáng giúp cho con người thấy rõ tường tận, hữu ích và tiện lợi trong cuộc sống, nghiên cứu. Nhưng trên hết, mỗi chúng ta đều lãnh nhận ánh sáng đức tin từ khi chịu phép Thánh tẩy, và cũng lúc ấy trở đi, chúng ta được mời gọi sống đức tin như thể “đặt nó trên giá đèn, hu soi sáng cho mọi người trong nhà” (x. Mt 5, 15). Đức tin này ngày càng trở nên đậm đà nhờ “muối mặn” của lòng cậy trông, việc làm bác ái. Công đồng Va-ti-can II khuyên như sau: Người giáo dân có rất nhiều cơ hội làm việc tông đồ: rao giảng Phúc âm và thánh hóa. Chính chứng tá của đời sống Ki-tô và những việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên có sức lôi kéo người ta đến đức tin và đến với Thiên Chúa, vì Chúa phán: Sự sáng của các con phải soi trước mắt người ta, như vậy để họ xem thấy việc lành các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt 5, 16).
Thật vậy, đời sống của Mẹ Tê-rê-sa minh chứng sống động điều này. Một buổi chiều nọ, Mẹ rảo bước qua một căn nhà ở vùng ngoại ô Cal-cút-ta. Căn nhà tối đen như mực và dường như có tiếng ai đó đang rên rỉ từ bên trong vọng ra. Mẹ liền đẩy cửa bước vào, sờ soạng đi lại giường của một cụ già tiều tuỵ, đau yếu. Mẹ hỏi: ‘Nhà cụ không có đèn đóm gì à?’
Cụ già đáp: ‘Có một chiếc đèn còn tốt, nhưng chẳng có dầu ạ!’.
Nghe vậy, Mẹ lục lọi tìm chiếc đèn, lau chùi, rồi mua dầu đổ vào và đốt lên. Nhìn thế, gương mặt cụ tươi tỉnh hẳn. Ít lâu sau, Mẹ nhận được mấy dòng chữ: Nụ cười của Mẹ như dầu khích lệ, như đèn thắp sáng đời tôi!
Gương chứng tá không đòi hỏi quá cao siêu, không yêu cầu làm những gì to tác, vĩ đại, nhưng trước hết nên ‘thắp lên một ngón nến, còn hơn chỉ ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối’. ‘Thắp lên ngọn nến’ đức tin của mình, trở nên mặn mà với niềm hy vọng, cậy trông, và trìu mến, ấm áp với lòng yêu thương mọi người, chẳng hề đố kỵ, định kiến, phân biệt! Một cách cụ thể như lời ngôn sứ I-sai-ah truyền dạy: Hãy chia bánh của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào, và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi…loại bỏ khỏi ngươi xiềng xích, cử chỉ hăm do, lời nói xấu xa, khi ngươi hy sinh cho người đói rách, và làm cho những người đau khổ được vui thích…” (x. Is 58, 7.9.10). Như thế “sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông, các vết thương của ngươi sẽ lành nhanh chóng; công lý của ngươi sẽ đi trước mặt ngươi, vinh quang của Chúa sẽ hậu thuẫn cho ngươi…ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối, và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày” (x. Is 58, 8.10). Dĩ nhiên, chúng ta không lẻ loi, không làm riêng rẻ, nhưng như lời của nhà diễn thuyết John Keller: ‘Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau, có thể chiến thắng bóng tối, sự dữ và oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta’.
Hơn nữa, Thánh Giáo hoàng Phao-lô VI đã từng khẳng định: ‘Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân’. Điều này cần kiếp và cấp bạch hơn bao giờ hết! Cũng vậy, lời bộc bạch của Thánh Phao-lô soi chiếu cho chúng ta biết hơn về gương sống chứng tá của ngài “…lời tôi nói và việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rũ của sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và quyền năng, để đức tin của anh em không dựa vào sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào quyền năng của Thiên Chúa” (1Cr 2, 4-5). Trong gia đình, bố mẹ làm gương lành gương sáng cho con cái. Giữa anh chị em biết nhường nhịn, yêu thương, vị tha cho nhau! Nơi cộng đoàn giáo xứ, hội đoàn, hội dòng, v.v…, chúng ta được mời gọi trở nên chứng nhân trung tín. Ngoài xã hội, trong các mối tương quan, chúng ta được sai đi sống chứng tá yêu thương, thứ tha.
Tóm lại, ơn gọi và sứ mạng trở nên chứng nhân trung thành đều dựa trên ân sủng của Thiên Chúa và nỗ lực cộng tác, sáng tạo không ngừng của mỗi người chúng ta, như lời của một nhà tu đức trần tình: ‘Bạn muốn là một người Ki-tô hữu tốt, trước hết bạn hãy là một con người tốt. Bạn muốn là một vị thánh, thì bạn phải là một người Ki-tô hữu tốt’.
Xin đừng để ánh sáng vụt tắt,
          làm héo hắt con tim
Xin đừng để muối mặn nhạt nhẽo,
          khiến cho đời nhạt phai
Xin thắp sáng ngọn nến đức tin,
          để nung nấu cõi lòng lạnh giá
Xin ướp muối mặn nồng nàn
          với niềm cậy mến khôn ngơi. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==================
Suy niệm 3
Muối và ánh sáng cho đời
Mt 5,13-16
 
Từ nhiều năm nay, các bậc thức giả, các viện nghiên cứu xã hội cũng như những người quan tâm đến vận mệnh đất nước thường lên tiếng báo động về tình trạng suy thoái đạo đức rất nghiêm trọng, đến mức báo động trong xã hội chúng ta.
Sự xuống cấp đạo đức xảy ra trong mọi lĩnh vực, đủ mọi hình thức: Từ lối sống buông thả, hưởng lạc, sa đọa, vị kỷ, vô cảm, dối trá… đến các tệ nạn xã hội như bạo lực, giết người, cướp của, cờ bạc, nghiện hút, mại dâm... ngày càng lan rộng khắp nơi trên đất nước chúng ta.
Ngay cả học đường là nơi đào tạo nhân cách cho thế hệ trẻ cũng không thiếu những tệ nạn như bạo lực, dối trá, bệnh thành tích…
Trước nguy cơ đời sống đạo đức đang bị nhiều thứ ung nhọt làm cho hư thối, Chúa Giê-su khẩn thiết kêu gọi chúng ta hãy làm muối để “khử trùng” và ngăn ngừa ung nhọt. Ngài phán: “Chính anh em là muối cho đời…”
Để đẩy lùi bóng tối tội lỗi đang bao trùm xã hội, Chúa Giê-su thúc giục chúng ta hãy toả sáng: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…”
Trong gia đình, cha mẹ phải là những thầy cô thứ nhất, chăm lo “ướp mặn” con cái, phải tỏa sáng bằng các nhân đức và đời sống mẫu mực, bằng những lời răn khuyên dạy dỗ, để bảo vệ con cái mình không hư hỏng hay chìm đắm.
Nơi học đường, thầy cô nắm vai trò đào tạo nhân cách cho học sinh, là tương lai đất nước, cần phải quan tâm đào tạo phẩm chất đạo đức và tẩy trừ thói xấu.
Xã hội hôm nay cần có nhiều “muối” để khỏi bị hư thối. Thế giới nầy cần có nhiều ánh sáng để xua tan bóng tối tội lỗi lan tràn. Sứ mạng của Ki-tô hữu là muối ướp mặn đời, là ánh sáng soi chiếu cho thế gian. Vậy thì chúng ta phải xét lại mình và tự hỏi:
Tôi đã làm muối giữ cho người thân của tôi khỏi hư hỏng chưa? Tôi đã làm ánh sáng soi chiếu cho gia đình, con cháu tôi chưa?
Tôi đã dùng lời nói, dùng việc lành, việc tốt để cảm hoá những người lầm lỗi chưa?
Nếu chưa, thì số phận của tôi sẽ ra sao?
Một bóng đèn điện hư hỏng không còn sáng nữa, thì sẽ bị cho vào thùng rác. Một nhúm muối không còn mặn nữa sẽ trở nên vô dụng và bị vứt ra ngoài như lời Chúa cảnh báo hôm nay.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin giúp chúng con cải thiện bản thân mình trước để có thể cảm hoá những người lầm lỗi chung quanh.
Xin giúp chúng con làm tròn sứ mạng làm muối cho đời, làm ánh sáng cho gia đình và những người chung quanh, bằng nhiều gương lành và việc tốt, để khỏi bị Chúa ném ra ngoài như thứ muối nhạt, để khỏi bị quẳng vào thùng rác như bóng đèn đã hư.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
==================
Suy niệm 4
LÀ MUỐI, LÀ ÁNH SÁNG
Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Isaia đã xác quyết với dân Chúa: việc chay tịnh làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn hết là cho kẻ đói được ăn, cho kẻ trần trụi được mặc, và cho kẻ bơ vơ vất vưởng được có nơi nương tựa, nói chung đó là những việc lành phúc đức. Tất cả những hành động đó như một thứ ánh sáng bừng lên trong đêm tối, để thiên hạ nhận ra Thiên Chúa nơi những người tin. Đến bài Tin Mừng,Đức Giêsu nêu lên hai hình ảnh để xác định về đời sống của người môn đệ Chúa như sau:
Thứ nhất: Anh em là muối ướp cho đời. Đây là một định nghĩa tuyệt vời về người Kitô hữu. Như muối mặn thấm vào thức ăn, giữ cho nó khỏi bị hư và thêm hương vị đậm đà, nó còn dùng để sát trùng, giúp tiêu hóa, lưu giữ và chuyển tải i-ốt, ngăn ngừa bệnh tật... thì trên phương diện tinh thần, đời sống Kitô hữu khi sống hòa mình với mọi người cũng tạo nên sự tốt lành như vậy, nhờ vị mặn nồng là tình yêu mến của mình. Vị mặn là bản chất của muối, thì sự thánh thiện cũng là bản chất đời Kitô hữu. Khi đánh mất bản chất của mình, muối thành vô dụng như thế nào, thì đời Kitô hữu cũng trở nên vô nghĩa như thế.
Thứ hai: Anh em là ánh sáng cho trần gian. Đây là một định nghĩa tuyệt vời hơn nữa về người Kitô hữu. Đèn thì phải cháy sáng, đèn mà không cháy sáng thì chỉ còn là đồ vô dụng. Thật ra, chỉ Thiên Chúa mới là Ánh Sáng (1Ga 1,5). Chỉ Đức Giêsu, con Thiên Chúa mới dám nhận mình là Ánh Sáng (Ga 8,12). Thế nhưng Chúa Giêsu lại áp dụng điều đó cho chính chúng ta. Sách Giáo lý Công giáo số 1216 xác định: “Trong phép Rửa tội, người được rửa tội nhận lấy Ngôi Lời là “ánh sáng đích thực soi sáng mọi người”, và “sau khi được soi sáng như thế”, họ trở nên “con của sự sáng”, và chính bản thân họ là “ánh sáng”. Tuy nhiên, nếu chúng ta không liên tục đón nhận “Ánh sáng-Lời Chúa” soi dẫn, cuộc sống chúng ta không thể tiếp tục chiếu sáng được.
Ông Gandhi, một nhà ái quốc vĩ đại của dân tộc Ấn, được người tặng cho biệt hiệu là Mahatma, nghĩa là “thánh”. Ông được hỏi vì sao không theo đạo công giáo khi ông rất mê say Phúc Âm Chúa? Ông trả lời: Phúc Âm Chúa rất tốt lành, nhưng người công giáo đã không sống Phúc âm, nên không hơn gì chúng tôi. Ông còn nói thẳng với người Công giáo nước Anh thời đó rằng, các ông khỏi cần phải lao nhọc truyền giáo cho đất nước Ấn độ chúng tôi, chỉ cần các ông sống sâu sát với Lời Chúa Giêsu dạy, tức khắc cả đất nước chúng tôi theo đạo.
Điều này đòi hỏi mỗi người chúng ta phải nghiêm túc đặt lại đời sống mình trước Lời Chúa. Vì tôi chưa sống Lời Chúa, nên ngọn đèn đức tin của tôi chưathể chiếu sáng, vì vậy thế giới còn nhiều bóng tối.Vì tôi là muối nhạt nên thế giới này đã trở thành vô vị và hôi tanh,chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp”. Không lạ gì mà người Kitô hữu đã từng bị khinh chê, bị chỉ trích và thậm chí có khi còn bị lên án. Thế nên Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có lần công khai xin lỗi mọi người trên thế giới. Nhân loại sẽ mang bộ mặt mới, nếu chúng ta thật sự là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian.
Muối và ánh sáng là hai hình ảnh riêng biệt, nhưng thực ra cùng diễn tả một thực tại duy nhất: đó là sự sống của Chúa Kitô trong tâm hồn chúng ta. Chính Ngài đang hành động qua đời sống yêu thương, chân thật, hiền lành, khiêm tốn và dấn thân phục vụ của mỗi người chúng ta. Chính Ngài đang đổi mới thế giới qua sự đổi mới bản thân chúng ta từng ngày. Vì thế, chúng ta cần được ướp lại vị mặn nồng của Đức Giêsu qua việc cầu nguyện hằng ngày, ngọn đèn đức tin của ta cần được đổ thêm dầu của Thần khí Chúa bằng việc vâng theo tác động của Ngài, để chúng ta không đánh mất bản sắc Kitô hữu của mình.
Theo triết lý Á Đông, mục tiêu hàng đầu của việc tu thân là minh Minh Đức, tức là làm sáng lên cái Đức Sáng, còn được gọi là chân tâm, hay chân lý thường hằng. Đối với chúng ta, chân lý thường hằng đó chính là Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng đang sống động trong tâm hồn chúng ta. Suốt cuộc đời chúng ta dù là ai, dù là gì hay làm gì, dù ở đâu hay trong tình cảnh nào thì cũng đều chung một ơn gọi duy nhất là làm sáng lên toàn thể con người Đức Kitô trong cuộc đời mình. Nhờ thánh lễ hằng ngày, xin cho chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa, để làm sáng lên cuộc đời chúng ta ở trong Ngài, hay nói cách khác làm sáng lên khuôn mặt và tính cách của Ngài trong cuộc đời chúng ta. Ước chi chúng ta sống được kinh nghiệm của thánh Phaolô: Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đặt con làm muối ướp cho đời,
để cho trần gian này luôn tươi mới,
và là ánh sáng soi vào thế giới,
để làm cho cuộc sống được đẹp ngời.

Nhưng bóng tối như mây mù vây phủ,
ở bên ngoài và ở cả bên trong,
khiến tâm con vẫn u hoài thổn thức,
và đời con vẫn day dứt không ngơi.

Thật ra chỉ có Chúa là Ánh Sáng,
nhưng Chúa lại áp dụng cho chúng con,
nên chúng con chỉ có thể chiếu sáng,
khi ở trong ánh sáng của Lời Ngài.

Muối và ánh sáng tuy vẫn là hai,
nhưng thực ra diễn tả một thực tại,
là sự sống của Chúa ở trong con,
và khi con biết sống ở trong Ngài.

Nên đời con phải cậy dựa vào Chúa,
cứ phải luôn sống gắn bó với Ngài,
vì thiếu Chúa muối đời con sẽ nhạt,
và ánh sáng đời con sẽ lụi tàn,
dễ dàng bị ô nhiễm bởi thế gian,
khiến cuộc sống thêm lầm than khốn khổ.

Để có thể bước đi trong ánh sáng,
Chúa đòi con ra khỏi bóng tối tăm,
dù nhức nhối bởi tội lỗi phơi trần,
nhưng an vui trong tinh thần chân thật,
nên con phải dám sống như mình là,
không giả vờ giả bộ để cho qua.

Xin cho con luôn đặt mình trong Chúa,
sống với Ngài trong mọi lúc mọi nơi,
để con là muối mặn ướp cho đời,
và là đèn sáng cho người thế gian. Amen.
Lm. Thái Nguyên 
==================
Suy niệm 5
Ơn gọi của chúng ta là muối và ánh sáng
(Mt 5,13 – 16)
Chúa Giêsu nói với các môn đệ : “Các con là muối đất… Các con là sự sáng thế gian” (x. Mt 5, 13-14).
Chúa qua miệng ngôn sứ Isaia nói lên ước muốn của Chúa: “Sự sáng của các ngươi tỏ rạng như hừng đông” (Is 58, ) và đan cử một số việc lành như “chia bánh của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào, và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi. Như thế, sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông” (Is 58,10). 
Những lời trên chứa đựng căn tính Kitô giáo của chúng ta. Điều đáng nói ở đây là Chúa Giêsu không chỉ nói các môn đệ đơn giản là “ muối”, là “ánh sáng” nhưng là “muối đất” và là “sự sáng thế gian”, qua đó, Chúa mời gọi chúng ta suy nghĩ về vai trò là muối và là ánh sáng của mình.
Các con là sự sáng thế gian
Chúa lại khẳng định chúng ta là muối đất và là ánh sáng của thế gian; Ngài muốn chúng ta phải vươn lên, sáng lên trước mặt mọi người như thành xây trên núi và đèn đặt trên đế. Khi Chúa Giêsu nói: “Các con là sự sáng thế gian” (Mt 5,14). Chúng ta biết rằng ánh sáng là công trình đầu tiên của Thiên Chúa Sáng Tạo và là nguồn mạch sự sống.
Thiên Chúa chẳng những tạo dựng và đưa ta vào Nước sáng láng để ta được sáng, mà còn cho ta tham dự vào bản tính sáng láng của Ngài để chúng ta trở thành ánh sáng. Cây nến sáng được thắp từ ngọn nến Phục sinh trao cho chúng ta ngày chịu phép Rửa tội tượng trưng cho Ðức Kitô sống lại, để chúng ta đi trong ánh sáng và soi sáng mọi người mọi nơi.
Như trên đã nói, bản chất chúng ta không phải là ánh sáng. Các việc chúng ta làm chỉ là tối tăm. Nhưng nhờ ơn phép Rửa, chúng ta đã trở nên ánh sáng. Chính Lời Chúa cũng được tác giả Thánh Vịnh ví: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho đi” (Tv 119.105).
Lời Chúa và đức tin đã đưa chúng ta vào Nước sáng láng của Con Chúa. Lời Chúa và đức tin đã soi sáng chúng ta và đang hướng dẫn ta đi trong ánh sáng. Chúng ta là ánh sáng thế gian, khi mang Lời Chúa và đức tin trong mình. Lời Chúa và đức tin càng sáng và càng sống ở nơi ta, ta càng có khả năng soi sáng cho người khác. Do đó khi bảo ánh sáng của ta phải sáng lên trước mắt mọi người và phải đặt lên nơi cao như đèn trên đế, như thành trên núi, Chúa muốn dạy chúng ta phải suy tôn Lời Chúa, phải sống đức tin, phải đem Lời Chúa vào đời sống. Như thế, chúng ta đã biết ý của Chúa khi Người dạy: chúng con là ánh sáng thế gian, và ánh sáng của chúng con phải rực lên trước mắt mọi người. Chúng ta phải làm cho ánh sáng ấy rực lên, vì “Ngài là ánh sáng thật chiếu soi mọi người” (Ga 1,9). 
Các con là muối đất
Muối theo nền văn hóa Trung Đông gợi lên nhiều giá trị như giao ước, tình liên đới, sự sống và sự khôn ngoan. Trong Cựu ước, muối tượng trưng cho sự trung thành của Thiên Chúa. Bởi Thiên Chúa đã ký kết với dân người một khế ước bằng muối: “Ðó là giao ước muối muôn đời tồn tại trước nhan Ðức Chúa, cho ngươi và dòng dõi ngươi” (Ds 18,19). Trong Tân ước, Chúa Giêsu nói: “Các con là muối đất ” (Mt 5, 13). 
Chữ "muối đất" đã làm tốn mực của nhiều học giả. Muối ướp đồ ăn hay rắc trên các tế vật. Muối ướp mặn thì chắc chẳng bao giờ hóa nhạt được.
Qua các hình ảnh giầu ý nghĩa này, Chúa Giêsu muốn thông truyền cho các môn đệ mình và cả chúng ta ngày hôm nay nữa ý nghĩa sứ mệnh và chứng tá của Tin Mừng. Thêm hương vị là thêm sức sống ơn thánh. Ướp đồ ăn cho khỏi hư, nghĩa là bảo vệ chân lý hằng sống. Chúa bảo: nếu muối nhạt nó sẽ bị ném ra ngoài cho người ta đạp lên. Quả thật, muối hư rồi thì sẽ bị quẳng đi. Chúa cảnh cáo chúng ta nếu không sống đầy đủ ơn gọi của mình sẽ bị gạt ra ngoài Nước Trời.
Là muối đất và là ánh sáng thế gian
Các con là sự sáng thế gian” (Mt 5,14), lời này chứa đựng sứ mạng được sai đi. Hành động và con người của các kitô hữu liên kết chặt chẽ với nhau, chứng tỏ rằng nhiệm vụ của “muối” và “ánh sáng” cho trần gian là của riêng chúng ta, không ai làm thay chúng ta. Vì thế, chúng ta phải chịu trách nhiệm về những gì chúng ta là Kitô hữu.
Hỏi, có thức ăn nào của con người mà không muối? Hỏi có bí tích nào mà không có sự hiện diện của Chúa Kitô, hay Lời Người và hành động yêu thương nhân hậu của Chúa Thánh Thần? Nên chúng ta phải duy trì nhận thức về sự hiện diện của Chúa Cứu Thế ở giữa loài người, nhất là trong Bí Tích Thánh Thể, tưởng niệm cái chết và sự phục sinh vinh quang, loan báo quyền năng cứu độ tiềm ẩn trong Tin Mừng của Chúa. Hiệp nhất với Người, các kitô hữu có thể chiếu sáng giữa các bóng tối của sự thờ ơ và ích kỷ ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa.
Muối là hương vị giữ thức ăn. Người kitô hữu được kêu gọi cải thiện cái “hương vị” lịch sử loài người. Đó là thực hành trong cuộc sống ba nhân đức đối thần đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội. Điều đến từ Thiên Chúa luôn làm cho con người trở nên người hơn, hơn bao giờ hết là hình ảnh Chúa và giống Thiên Chúa. Nhờ đức tin, đức cậy và đức mến, chúng ta được mời gọi chiếu sáng và thể hiện lòng nhân giữa một thế giới sống trong đêm đen của thử thách, của tuyệt vọng và thờ ơ. Nhờ thế, mối liên kết giữa “muối” và “ánh sáng” được thể hiện.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin biến chúng con trở muối đất và ánh sáng thế gian.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
==================
Suy niệm 6
MUỐI VÀ ÁNH SÁNG

Mt 5, 13-16
Rất vô tình, mấy em đến học hát thánh vịnh méc với tôi: “Cô ơi! cô giáo cháu đọc mãi cuốn sách của cô và bảo chúng cháu rằng các em phải học theo cô này”. Tôi ngạc nhiên vì không hề biết hoặc liên hệ gì với cô giáo đó. Nhưng tôi thầm cám ơn Chúa, chút muối men và ánh sáng của Chúa đã “thấm” qua tôi, gây ảnh hưởng ra đến nơi trường sở ngoài xã hội, dẫu rằng đó mới chỉ là những tâm tình đơn sơ được chia sẻ trên trang giấy mà thôi.
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”. Khi gọi các môn đệ là “muối và ánh sáng”, Người muốn họ trở thành chất xúc tác để chiếu sáng và ướp mặn trần gian. Sống giữa lòng nhân loại, họ có nhiệm vụ giữ trần gian cho khỏi hư thối vì sự phá hủy của tội lỗi. Họ phải như đèn chiếu sáng để người khác biết đâu là đường đi, đâu là nguy hiểm phải tránh. Sự hiện diện của các ông phải làm tăng thêm ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống con người.
Cuộc sống của những người theo Chúa phải sáng lên niềm vui tươi hy vọng, để khi nhìn vào, người u sầu tìm được niềm vui an ủi, người thất vọng hồi phục lòng tin tưởng cậy trông. Nhưng nếu đời sống của chúng con chỉ“sáng” ở nhà thờ, trong buổi cầu nguyện thì cũng chưa phải là ánh sáng mà Chúa muốn. Nơi càng tối càng cần ánh sáng, đồ ăn cần để lâu càng cần ướp mặn. Từ chính những nơi này, ánh sáng và muối sẽ chứng tỏ giá trị đích thực của nó. Chúng con cần phải hiện diện, hòa đồng, gần gũi với mọi người, không phân biệt họ là ai. Nhưng tự sức chúng con không trở nên muối và ánh sáng được. Chỉ có Chúa mới là Muối và Ánh Sáng thật. Muối và Ánh Sáng ở đâu thì ướp mặn và tỏa sáng nơi đó.
Tôi sống mối tương quan với Đức Kitô ra sao? mặn nồng thắm thiết hay nhạt nhẽo? Chúa có là niềm vui hạnh phúc của đời tôi không hay còn nhiều thứ khác? Nếu chúng con mở lòng ra đón nhận Chúa vào cuộc đời, buông mình trong tay Chúa để Ngài hoạt động trong con người mỏng dòn yếu đuối của mình, chúng con sẽ trở nên như muối và ánh sáng của Chúa. Sống gắn bó thân mật với Chúa, Muối và Ánh Sáng của Chúa trong chúng con sẽ thấm sâu và lan tỏa ra nơi những người sống xung quanh chúng con: “Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”
Én Nhỏ 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log