Thứ hai, 23/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật III Phục Sinh năm A

Cập nhật lúc 14:06 20/04/2023
Suy niệm 1
Lc 24, 13 – 25
Buổi sáng Chúa nhật Phục Sinh, bầu khí Giêrusalem căng như dây đàn. Thượng tế Caipha và Công nghị Do Thái giáo đang thở phào khoan khoái vì Chúa bị đóng đinh và an tang, thì bỗng lại rối mù lên vì tin Chúa đã sống lại thật rồi. Hết đường xoay xở! Còn các tông đồ đang tuyệt vọng vì Chúa bị đóng đinh. Ba năm theo Chúa để được làm tướng làm quan, ai ngờ… xôi hỏng bỏng không. Bây giờ chỉ còn lấy mo bịt mặt về quê xây dựng lại cuộc đời. Tưởng Chúa chết là hết, ai ngờ nỗi thất vọng lại trở nên tuyệt vọng. Tin đồn “đệ tử của Giê su ăn trộm xác giấu đi” đang lan rộng khắp thủ đô. Đệ tử của Chúa không đủ khả năng để đương đầu. Đại họa đang đè xuống, không thể cụ cựa.
Trong bầu không khí tuyệt vọng ấy, ông Clôpát và một người bạn trốn khỏi Giêrusalem để đi Emmau. Trốn để tránh đại họa. Trốn để quên đời…
Con đường Giêrusalem – Emmau dài chừng 11 cây số. Họ đang đi, thì Chúa hiện ra, nhưng giả vờ làm một khách hành hương đi dự lễ Vượt Qua. Chúa giả vờ tâm sự: “Hai ông có chuyện gì mà buồn thế?” Họ kể lại nỗi lòng tuyệt vọng của họ. Chúa dùng Kinh Thánh để an ủi họ. Khi đến ngã ba có lối rẽ vào Emmau, Chúa lại giả vờ đi xa hơn nữa. Hai môn đệ mời Chúa vào nghỉ trọ ở Emmau…
Có một vấn đề nên ngẫm nghĩ để tìm ra một bài học, đó là chuyện “Chúa giả vờ”. Giả vờ suốt một đoạn đường dài. Giả vờ một lần, rồi giả vờ hai lần. Ấy là chưa kể hồi sáng sớm Chúa đã giả vờ khi hiện ra với bà Mácđala đang ngồi khóc tỉ ti ở cửa ngôi mộ trống.
Chúa đổi cả giọng lẫn hình mà hỏi: “Bà ơi! Tại sao bà khóc? Bà tìm ai vậy?” Tưởng là ông làm vườn, bà Mácđala năn nỉ: “Ông ơi! Nếu ông cất xác Thầy tôi ở đâu, thì xin cho tôi lấy lại.” Bấy giờ Chúa mới thôi giả vờ, trở lại hình và giọng thật mà nói: “Maria”. Bà Maria vội gào lên: “Thầy”.
Chỉ có một buổi sáng mà ba lần giả vờ. Trong ba năm truyền đạo, có lẽ Chúa còn giả vờ nhiều lần nữa. Cụ thể là hôm ấy người phụ nữ bị bệnh băng huyết rờ vào tua áo của Chúa, để được khỏi bệnh. Chúa giả vờ không biết ai, nên cứ day dí: “Ai đụng vào Ta?” Cho tới lúc người đàn bà ấy sấp mình xin lỗi, Chúa mới thôi day dí, mà còn nói một câu ngọt như đường phèn: “Đức tin của bà chữa bà đấy. Chúc bà về bình an nhá.” Một lần khác Chúa đến nhà ông Giai-rô để cho một bé gái 12 tuổi khỏi bệnh. Nhưng đến muộn quá, bé đã chết và thân nhân đang lo hậu sự. Chúa biết hết, nhưng vẫn giả vờ bảo bà con: “Bà con ơi, đừng khóc nữa, bé không chết đâu. Nó ngủ đấy.” Thế là các bà chế giễu Chúa…
Tại sao Chúa giả vờ làm chi vậy? Đó là cái chiêu Chúa dùng để gây nhiều ấn tượng, để làm cho niềm vui tang lên gấp bội, để cho niềm tin được phổ biến rộng lớn hơn.
Chúng ta vẫn nhìn Chúa như một Đấng cao cả, mà quên không dám nhìn những chuyện nhỏ bé của bản tình loài người của Chúa. Những cái giả vờ ấy là những cái nhỏ mọn thật, nhưng nếu ta thấy và ghi nhận, chúng ta dễ cảm thấy thương Chúa nhiều hơn và thấy Chúa vừa gần gũi vừa thân thương hơn. Hãy giữ cái lơn và đồng thời ghi khắc cả cái nhỏ của Chúa. Cả hai cái đều tuyệt vời đấy.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
================== 
Suy niệm 2
TRÊN ĐƯỜNG EMMAU
Lc 24, 13-35
Sau thảm kịch thập giá của Chúa Giêsu, các môn đệ buồn sầu vì vỡ mộng. Niềm hy vọng về một cuộc giải phóng Israel chưa đi tới đâu thì Thầy đã chết. Giấc mơ khanh tướng công hầu của các ông cũng tiêu tan. Họ tưởng đi theo Thầy là nắm chắc tương lai tươi sáng, nhưng rồi cuối cùng chẳng có gì và chẳng còn gì, chỉ còn thất bại và ô nhục trước mặt người đời. Tương lai mịt mờ như bóng chiều tà trên đường Emmau. Hai môn đệ lê bước về quê xưa, quay lại với cuộc sống cũ, xem như mọi sự chỉ là một thoáng chốc phù du trong cuộc trần.
Thế nhưng lúc con người thất vọng nhất cũng là lúc được khơi lên một niềm hy vọng mới. Chúa Giêsu Phục Sinh dưới dáng dấp một người khách lạ, đã âm thầm đến bên cạnh hai ông. Ngài đồng hành với họ trên đường, mở lời gợi chuyện và hỏi về sự kiện mà họ nói vừa xảy ra tại Giêrusalem mấy ngày nay. Họ trả lời lạnh nhạt với thái độ thiếu thiện cảm. Chúa Giêsu vẫn tỏ ra kiên nhẫn để lắng nghe. Họ kể lại với tâm trạng uất ức, không biết tại sao một một ngôn sứ đầy uy thế, một người mà họ tin là Đức Kitô, và vẫn hy vọng rằng chính Người sẽ cứu chuộc Israel, mà lại bị các thượng tế và thủ lãnh bắt đem ra xử án, hành hình và bị đóng đinh như một kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ.
Tuy nhiên, hai ông cũng cho Chúa Giêsu biết một điều làm họ kinh ngạc, là có mấy người đàn bà trong nhóm đã ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu, nhưng nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn còn sống. Sau đó vài môn đệ đã đi đến, nhưng cũng chỉ thấy ngôi mộ trống mà thôi. Dù đã có dấu chỉ lạ lùng nhưng họ vẫn trở về làng quê xưa trong sự thất vọng, dù sao thì họ đã chứng kiến là Thầy đã chết thật, và chết thảm thương trên thập giá.
Nghe xong câu chuyện, Chúa Giêsu nhẹ nhàng trách họ không hiểu gì, và lòng trí họ cũng chậm tin vào lời các ngôn sứ đã báo trước về Đấng Kitô. Ngài dần dần vén mở cho họ thấy ý nghĩa mầu nhiệm của đau khổ, là chặng đường mà Ðức Kitô phải vượt qua để đi tới đích điểm vinh quang. Ðau khổ không hẳn là chuyện rủi ro hay bất hạnh, nhưng nó có chỗ trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Người cũng lần giở Kinh Thánh để giải thích cho hai ông hiểu những gì liên quan đến Người. Lời giải thích của Chúa Giêsu là Tin Mừng có sức thuyết phục mạnh mẽ, khiến nỗi đau của họ dịu đi, lòng họ như ấm lại. Ngài đã thắp sáng lại niềm tin của họ, một niềm tin đã bị phủ lấp do biến cố đau thương, nên cũng che lấp sự hiện của Ngài đang đi bên cạnh họ.
Không ngờ người bạn đường mà hai ông coi thường lại có thể giải thích rành mạch về cái chết của Thầy, và đem lại một tia sáng tràn đầy hy vọng. Khi gần tới nhà, họ cố nài ép Ngài ở lại, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn”. Lời nài van này không chỉ xác định thời gian một ngày đã dần tàn, mà còn nói lên một tâm trạng bơ vơ, lạc lõng, hết sức cần đến sự hiện diện đầy thân thương và an ủi của một người bạn đường tuyệt vời. “Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ”.
Thế rồi trong bữa ăn chiều, “khi đồng bàn với họ”, Ngài cầm bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”, thì họ nhận ra ngay vị khách lạ này chính là Thầy Giêsu. Lúc đó họ mới nhớ lại lúc đi dọc đường, lòng họ cũng đã bừng cháy lên khi Thầy giải thích Kinh Thánh cho họ. Lòng họ hân hoan vui sướng khôn cùng, tức tốc quay trở lại Giêrusalem, để báo tin vui mừng cho các môn đệ khác.
Ðấng Phục Sinh vẫn đến với mỗi người chúng ta hôm nay qua một người bạn hay một người lạ mà ta tình cờ gặp gỡ. Qua một người nào đó, Chúa đòi ta xem xét lại sự hiểu biết còn nông cạn và dang dở của mình. Qua đó Chúa thay đổi cái nhìn và khơi lên niềm hy vọng nơi chúng ta. Người vẫn đến với chúng ta từng ngày và từng biến cố vui buồn trong cuộc sống. Nhất là trong từng thánh lễ, Ngài đích thân giảng Tin Mừng và bẻ bánh trao cho ta chính Mình Ngài.
Đón nhận Chúa, ta hãy tập đến với tha nhân, tập đồng hành, tập gợi ý, tập lắng nghe, tập soi sáng cho những trăn trở và bế tắc của anh chị em. Đừng quá bận tâm về bản thân đến nỗi không còn thời giờ dành cho người khác. Sống như vậy ta sẽ rất cô đơn và lạc loài, vì không nói lên được tình yêu là điều cốt yếu để sống hiệp thông với Chúa và mọi người. Cứ hãy mở ra, hãy hướng tới, hãy sống đẹp cuộc đời mình và đồng thời giúp người khác sống đẹp cuộc đời họ. Đó mới chính là cuộc đời Kitô hữu mà Chúa Phục Sinh muốn làm nên.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Khi xưa trên đường Em-mau,
Chúa đã đồng hành với hai môn đệ,
khi họ đang chán nản về miền quê,
Chúa gợi chuyện và lắng nghe họ kể,
chia sớt những thất vọng thật ê chề.

Lòng họ nồng ấm lên trước lời Chúa,
mắt họ nhận ra Chúa khi đồng bàn,
tim họ bao rộn ràng niềm vui sướng,
đi loan báo tin mừng Chúa phục sinh.

Đó cũng là kinh nghiệm của đời con,
có những lúc chán nản và buồn sầu,
gặp nguy nàn mà chẳng thấy Chúa đâu,
ai ngờ Chúa đang ở ngay bên cạnh,
lúc buồn thương vẫn có Chúa đồng hành,
con quay quắt với mình mà không biết.

Chúa viếng thăm vào lúc con không ngờ,
Chúa ngay bên càng làm con bỡ ngỡ,
Chúa đi rồi mà lòng cứ ngẩn ngơ,
nhưng tim con sẽ tiếp tục ngóng chờ,
đến bao giờ thì con đây vẫn đợi,
bởi con tin Chúa có mặt khắp nơi.

Bao nghi ngờ trong con không còn nữa,
và lòng con bừng sáng lửa mến tin,
để từ đây cuộc sống mới khởi đầu,
con vững bước an vui mà phấn đấu.

Chúa yêu thương làm lòng con tan chảy,
Chúa hiện diện làm hết thảy sáng lên,
dù cuộc sống vẫn có những bấp bênh,
nhưng lòng con trung tín mãi vững bền.

Xin giúp con trở nên người đồng hành,
luôn sát cánh với hết mọi anh em,
biết khơi sáng cho nhau niềm hy vọng,
để Chúa đến lấp đầy nỗi khát mong. Amen.
Lm. Thái Nguyên
==================
Suy niệm 3
LẠY CHÚA, XIN Ở LẠI VỚI CHÚNG CON
Cv 2,14.22-33 ; 1 Pr 1,17-21 ; Lc 24,13-35
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 24,13-35
(13) Cùng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem sáu mươi dặm. (14) Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. (15) Đang lúc trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. (16) Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. (17) Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. (8) Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay”.  (19) Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy ?” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một Ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. (20) Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá (21) Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. (22) Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, (23) không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. (24) Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói: còn chính Người thì họ không thấy”. (25) Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Ôi những kẻ tối dạ, những lòng chậm tin vào lời các ngôn sứ ! (26) Nào Đức Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? (27) Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. (28) Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. (29) Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn”. Bấy giờ Người vào ở lại với họ (30) Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. (31) Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. (32) Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” (33) Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở về Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp lại đó (34) Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon” (35) Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
2. Ý CHÍNH: CHÚA PHỤC SINH ĐỒNG HÀNH VỚI HAI MÔN ĐỆ:
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Phục Sinh đã hiện ra đồng hành với hai môn đệ đang chán nản bỏ về quê là làng Em-mau. Nhờ nghe Lời Chúa mà hai người này từ tâm trạng bị vấp ngã trước mầu nhiệm thập giá (18 và 21), đã lấy lại đức tin (25-27.32). Hơn nữa họ còn nhận ra Chúa Phục Sinh khi tham dự lễ nghi bẻ bánh (30-31). Rồi nhờ đức tin mà họ đã lập tức trở về Giê-ru-sa-lem để loan báo Tin Mừng cho anh em.
3. CHÚ THÍCH:
- C 13-16: + Cùng ngày hôm ấy: Tức là ngày Thứ Nhất trong tuần. + Có hai người trong nhóm môn đệ: Hai môn đệ này thuộc nhóm 72 (x. Lc 10,1), không thuộc nhóm 12. Tin Mừng nhắc đến tên một trong hai ông là Cơ-lê-ô-pát (18). Còn ông thứ hai không được nêu tên và được suy đoán là chính Lu-ca, tác giả đã tường thuật câu chuyện này. + Làng Em-mau: Một nơi cách Giê-ru-sa-lem khoảng 11 km về phía Tây. Nhưng cho tới nay các nhà chú giải vẫn chưa xác định được vị trí của ngôi làng này. + Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra: Biến cố tử nạn của Đức Giê-su là mối bận tâm sâu đậm của các môn đệ, đến nỗi dù đang buồn chán thất vọng, các ông vẫn bàn tán với nhau đang khi đi đường. + Chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ: Đức Giê-su Phục Sinh luôn yêu thương và quan tâm đến các môn đệ. Khi họ gặp hoàn cảnh khó khăn nan giải, thì Người liền hiện đến để ban ơn nâng đỡ. + Mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người: Bị ngăn cản có thể do tâm trạng buồn sầu thất vọng, nên không nghĩ người khách lạ kia lại có thể là Thầy Giê-su của họ. Cũng có thể do khuôn mặt Đức Giê-su Phục Sinh đã được biến dạng khác với khi còn sống. Trước đó vào sáng Ngày Thứ Nhất trong tuần, bà Ma-ri-a Mác-đa-la cũng đã không nhận ra Chúa khi Người hiện ra bên mộ đã an táng Người.
- C 17-18: + “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?”: Chúa Phục Sinh chủ động bắt chuyện để các ông dễ dàng tâm sự những lo buồn chất chứa trong lòng. + Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem…: Các ông nghĩ đây là một khách hành hương lên Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua, và không quan tâm đến một biến cố lớn mới xảy ra trong thành mấy ngày qua.
- C 19-21: + Chuyện ông Giê-su Na-da-rét…: Cho đến lúc này, các môn đệ mới công nhận Đức Giê-su là Ngôn sứ có quyền lực trong lời rao giảng và các phép lạ đã làm. Các ông đi theo Người với hy vọng có được một địa vị trong Vương quốc của Người. + Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình: Sự kiện mới xảy ra đã làm các ông chán nản thất vọng: các nhà lãnh đạo dân Ít-ra-en đã nộp Người để quan Phi-la-tô kết án đóng đinh thập giá. Còn Thiên Chúa thì không làm gì để cứu vị Ngôn sứ của Người. Sự việc xảy ra tới nay đã sang ngày thứ ba rồi !
- C 22-24: + Cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi…: Tâm trạng của các ông vẫn hoang mang, dù mấy phụ nữ và các Tông đồ đã nhìn thấy mồ trống, và thiên thần hiện ra bảo rằng “Người vẫn còn sống”, nhưng riêng các ông này thì cho điều đó thật khó tin. Câu này cho thấy hai môn đệ này không phải thuộc loại người dễ tin. Do đó, một khi họ tin thì chắc đã phải có những bằng chứng xác đáng không thể phản bác được.
- C 25-27: + Ôi những kẻ tối dạ, những lòng chậm tin vào lời các ngôn sứ !: Lời Chúa quở trách đức tin yếu kém của hai ông có hơi nặng nề, nhưng thực ra vẫn hàm chứa một tình cảm âu yếm. + Nào Đức Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ?: Chúa Giê-su nhắc lại lời Người đã từng báo trước về số phận của Người trước đó: “Con Người phải chịu đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22; 17,25). + Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ…: Luật Mô-sê và sấm ngôn của các ngôn sứ ám chỉ tòan bộ Thánh Kinh Cựu Ước, đã làm chứng về con đường cứu thế mà Đức Giê-su đã chọn theo là: « Qua đau khổ vào trong vinh quang » (x. Lc 24,44 tt).
- C 28-31: + Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa: Thái độ giả vờ ở đây không phải là giả dối, nhưng là cách thức thử xem phản ứng của các môn đệ, để biết các ông có thực lòng muốn nghe và muốn Người ở lại với mình hay không. Một đức tin chỉ có giá trị khi người tin tự nguyện mở lòng đón nhận, chứ không chấp nhận do bị ép buộc. + Họ nài ép Người: Đây là thái độ hiếu khách quen thuộc của Người Pa-lét-tin (x. Lc 14,23). Chính Lời Chúa giải thích Kinh Thánh đã đánh tan những lo lắng bất an trong lòng hai môn đệ, nên các ông đã xin Người ở lại nhà các ông để có thể tiếp tục nói chuyện với các ông. + Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn: Đây là lời hai môn đệ mời vị khách lạ kia ở lại cách khép léo tế nhị. Đây cũng là lời cầu nguyện chân thành của các tín hữu trước khi được hiệp lễ.
- C 32-31: + Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ: Khó có thể nghĩ rằng Đức Giê-su đã truyền phép Thánh Thể như Người đã làm trong bữa Tiệc Ly. Nhưng ở đây, Lu-ca cố ý dùng kiểu nói quen thuộc trong phụng vụ Thánh Thể (x. Lc 22,19), là cử chỉ Đức Giê-su đã làm khi nhân bánh ra nhiều (x. 9,16), ám chỉ nghi lễ Bẻ Bánh (x. Cv 2,46; 20,7.11). Sau này mỗi khi tham dự thánh lễ, các tín hữu cũng được nghe lời Chúa giáo huấn và được tham dự bàn tiệc Thánh Thể như hai môn đệ hôm nay. + Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người: Tiến trình đức tin của các tín hữu cũng bắt đầu từ việc lắng nghe Lời Chúa, rồi tin theo Chúa và được thánh hóa nhờ tham dự bàn tiệc Thánh Thể, như bà Ly-đi-a thời Giáo Hội sơ khai (x. Cv 24,13-15). + Nhưng Người lại biến mất: Từ đây Chúa Giê-su sẽ hiện diện cách thiêng liêng vô hình khi các tín hữu đọc Thánh Kinh, nghe lời giảng của các mục tử, tham dự thánh lễ và phục vụ bác ái…
- C 32-35: + Lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?: Nhờ được nghe giảng Thánh Kinh, các môn đệ đã thấy được ý nghĩa cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su như một chặng đường Người phải trải qua để vào trong vinh quang phục sinh. + Ngay lúc ấy, họ đứng dậy…: Việc nhận ra Chúa Phục Sinh và lòng tin yêu Chúa đã biến đổi hai môn đệ từ chỗ thất vọng muốn buông xuôi, trở thành con người mới đầy phấn khởi và hy vọng. Tâm trạng ấy làm các ông hăng hái đi lại quãng đường dài 11 cây số trở về Giê-ru-sa-lem để báo tin vui cho các tông đồ và môn đệ khác. + Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon: Sự kiện Si-mon Phê-rô được Chúa Phục Sinh hiện ra trước các tông đồ khác đã được chính Chúa Giê-su tiên báo trước cuộc khổ nạn (x Lc 22,31-32) và sau này cũng được thánh Phao-lô nhắc đến trong thư Cô-rin-tô (x 1 Cr 15,5). + Thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường: Cuối cùng hai ông đã chia sẻ niềm vui Phục Sinh cho Nhóm Mười Một tông đồ và các môn đệ ở Giê-ru-sa-lem.
4. CÂU HỎI: 1) Hai môn đệ quê làng Em-mau kể trên thuộc nhóm 12 tông đồ hay nhóm 72 môn đệ ? Tên của các ông là gì ? 2) Tại sao hai môn đệ làng Em-mau và bà Ma-ri-a Mác-đa-la lại không nhận ra ngay người đang nói chuyện với mình là Chúa Phục Sinh ? 3) Việc Chúa Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ làng Em-mau nói lên điều gì về tình yêu của Người đối với các tín hữu chúng ta ? 4) Câu trả lời của hai môn đệ cho thấy đức tin của các ông về sứ mạng của Đức Giê-su thế nào ? Các ông đi theo Đức Giê-su nhằm mục đích gì ? Tại sao giờ đây các ông lại chán nản tuyệt vọng ? 5) Hai môn đệ này có phải là những người dễ tin vào mầu nhiệm sống lại của Chúa Giê-su không ? Tại sao ? 6) Chúa Giê-su trong vai khách bộ hành đã làm gì để củng cố đức tin còn non yếu của hai môn đệ ? 7) Chúa Giê-su giả vờ muốn đi xa hơn nhằm mục đích gì ? 8) Câu nào của hai môn đệ là lời cầu nguyện mẫu về lòng tin yêu Chúa cho các tín hữu chúng ta hôm nay ? 9) Hai môn đệ đã nhận ra người khách lạ chính là Thầy Giê-su Phục Sinh khi nào ? 10) Hai ông cho biết lòng mình bừng cháy lên ngọn lửa tin yêu Chúa vào lúc nào ? 11) Điều gì khiến hai môn đệ vội vã đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho anh em?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Họ mới bảo nhau: “Dọc đường khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” (Lc 24,32)
2. CÂU CHUYỆN:
1) TIN CẬY VÀO QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA:
Được thăng  giáo hoàng là một việc rất trọng đại. Khi Đức Pi-ô  XI đăng quang, sau khi thực hiện xong các lễ nghi rồi, ngài về phòng riêng, ngồi vào chiếc bàn viết của Đức tiên Giáo hoàng Bê-nê-dic-tô XV, thì tự nhiên ngài cảm thấy một mối lo âu ập xuống trên mình, vì tình hình Giáo hội khi ấy đang bị kẻ thù tấn công tư bề, Hội Thánh đang trải qua một giai đoạn thử thách mới : Tuy Thế Chiến Thứ Nhất đã chấm dứt, nhưng Thế chiến Thứ Hai lại đang âm ỉ và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nghĩ đến những chuyện ấy, lòng Đức Pi-ô XI ngập tràn lo âu. Bấy giờ ngài qùi gối trước Thánh Giá và cầu nguyện sốt sắng. Đang lúc cầu nguyện, tự nhiên tay ngài chạm vào một tấm ảnh đặt trên bàn làm việc của Đức tiên giáo hoàng, ngài liền cầm tấm ảnh lên xem và nỗi lo sợ trong lòng trước đó tự nhiên biến mất. Ngài cảm thấy tâm hồn được bình an. Đó là bức hình vẽ Chúa Giê-su đang đứng trên mũi thuyền và ra lệnh cho sóng gió yên lặng. Từ ngày đó, Đức Pi-ô XI luôn để bức ảnh ấy trên bàn làm việc, và mỗi khi gặp hoàn cảnh khó khăn không biết phải làm gì, Đức Pi-ô XI lại ngồi nhìn vào bức ảnh rồi cầu xin Chúa Giê-su hãy phán một lời, thế là mọi khó khăn đang gặp đều tự nhiên tan biến (W.J. Diamond- Đồng cỏ non).
2) CHÚA BỒNG TA TRÊN ĐÔI TAY CỦA NGƯỜI ?
Một người tân tòng sau khi theo đạo đã gặp phải nhiều tai ương hoạn nạn: bệnh tật, rủi ro mất xe, mất tiền bạc… Anh đã nhiều lần xin Chúa cho tai qua nạn khỏi mà xem ra Chúa vẫn ngỏanh mặt làm ngơ khiến anh đâm ra chán nản và thôi không cầu nguyện và cũng không đến nhà thờ dự lễ nữa. Thế rồi một đêm kia, anh nằm mơ thấy mình đang đi bách bộ với Chúa Giê-su trên bãi biển. Anh quay nhìn ra sau thì thấy trên nền cát ướt có 4 dấu chân: hai dấu chân lớn của Chúa, và hai dấu chân nhỏ của anh. Khi gặp chỗ lởm chởm nhiều sỏi đá thì anh không thấy Chúa đi bên cạnh nữa. Quay lại nhìn thì anh chỉ thấy hai dấu chân trên cát của anh. Anh chán nản ngồi nghỉ mệt trên một tảng đá thì Chúa Giê-su lại hiện đến ngồi bên. Anh thắc mắc hỏi Người: “Lạy Chúa, vừa qua Chúa biến đi đâu để con phải một mình đương đầu với những khó khăn như vậy ?” Bấy giờ Chúa Giê-su mới âu yếm nhìn anh và nói: “Con hãy thử nhìn kỹ lại xem hai dấu chân trên cát kia là của ai ?” Lúc đó, anh ta mới nhìn kỹ và nhận ra đó hai dấu chân to là của Chúa Giê-su. Anh lại hỏi: “Lạy Chúa, thế thì dấu chân của con đâu ?” Chúa liền trả lời: “Con ơi, hãy nhớ rằng: Ta luôn ở bên con mọi giây phút trong cuộc đời con. Chính khi con gặp gian nan thử thách là lúc Ta đang bồng con trên cánh tay Ta đó !”
3) CHÚA ĐẾN VỚI CHÚNG TA QUA THA NHÂN CẦN ĐƯỢC TRỢ GIÚP :
Vào một buổi sáng cuối đông, bác thợ giầy thức dậy rất sớm dọn dẹp nhà cửa và cho thêm củi than vào lò sưởi để đón chờ khách quý là Chúa Giê-su. Người đã hiện ra với bác trong giấc mơ ban đêm và hứa sẽ đến nhà thăm bác vào ngày hôm sau. Khi ánh bình minh vừa ló rạng, thì bác thợ  giầy đã nghe thấy có tiếng gõ ngoài cửa. Tưởng là Chúa đã đến, bác liền vội ra mở cửa. Thế nhưng kẻ đứng mặt bác không phải là Chúa Giê-su, mà là anh phát thư như mọi lần. Băng tuyết ngoài trời khiến mặt mũi và tay chân của anh ta đỏ lên như gấc. Bác thợ giầy cảm thông liền mời anh ta vào nhà ngồi bên lò sưởi và pha trà nóng mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm, người phát thư đã nói lời cám ơn và từ giã đi lo công việc.  
Ít phứt sau, nhìn qua khung cửa kính, bác thấy một bé gái khoảng 7-8 tuổi đang co ro đứng trước cửa nhà khóc, bác liền ra hỏi thăm thì được biết em bị lạc mẹ ngoài chợ và đang tìm đường về nhà nhưng không tìm thấy đường vì tuyết rơi trắng xóa. Bác thợ giầy liền lấy bút viết vài chữ trên tờ giấy và gắn ngoài cửa nhà để thông báo cho Chúa Giê-su biết mình cần đi ra ngòai một lát. Nhưng tìm đường dẫn cô bé về nhà không đơn giản. Mất mấy tiếng đồng hồ bác mới tìm được nhà của đứa bé, và khi ra về thì trời đã xế chiều.
Về đến nhà, bác lại thấy có người đang ngồi đợi nhưng không phải là Chúa, mà là một bà mẹ trẻ gần nhà với vẻ mặt buồn bã. Chị cho biết đứa con nhỏ của chị đang lên cơn sốt ở nhà và chị chạy sang tìm bác để nhờ giúp đưa bé đi nhà thương. Bác thợ giầy liền hối hả theo chị về nhà giúp đưa cháu bé đến bệnh viện chăm sóc. Nửa đêm bác mới trở về nhà mình và nằm lăn ra giường ngủ quên cả việc ăn uống. Trong giấc mơ, bác thợ giầy đã nghe thấy tiếng Chúa Giê-su: « Hôm nay Ta cám ơn con đã sẵn sàng tiếp đón và cho Ta vào nhà để sưởi ấm và còn dọn trà nóng cho Ta uống. Cám ơn con đã dẫn Ta bị lạc có thể trở về nhà mình. Cám ơn con đã giúp đưa Ta đến bệnh viện để kịp thời thuốc thang chữa trị ». Thì ra hôm nay Chúa Giê-su đã giữ lời hứa đến thăm bác thợ giầy không phải một mà là ba lần. Người hiện thân qua những người cần được trợ giúp như Người đã nói: « Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy » (Mt 25,40).
4) TÍN THÁC VÀO TÌNH THƯƠNG QUAN PHÒNG CỦA CHÚA:
Một sĩ quan công giáo, người Anh được sai đến phục vụ tại một nơi xa xôi hẻo lánh. Ông cùng với gia đình xuống tầu đến nhiệm sở mới. Tầu rời bến được vài ngày thì biển động dữ dôi. Một cơn bão ập đến làm tầu có nguy cơ bị đắm.  Mọi người trên tầu hết sức sợ hãi. Bà vợ của vị sĩ quan là người mất bình tĩnh hơn cả vì bà đã không tiếc lời trách móc chồng  đã đưa cả gia đình vào mối nguy hiểm, nhất là khi thấy chồng vô tư chẳng mấy quan tâm. Chính thái độ bình thản của chồng khiến bà càng thêm tức giận.
Trước tình thế đó, sau khi nói mấy lời an ủi vợ, viên sĩ quan đã rời căn phòng và một lát sau quay lại  với thanh kiếm tuốt trần trên tay. Bằng ánh mắt đau khổ ông tiến lại bên vợ và dí mũi kiếm vào ngực bà. Mới đầu bà ta tái xanh mặt mày, nhưng sau đó bà bỗng cười không chút nao núng sợ hãi. Viên sĩ quan hỏi:
- Làm sao mình có thể cười khi sắp bị mũi kiếm đâm vào ngực ?
- Tại sao em lại phải sợ khi lưỡi kiếm ấy trong tay của người chồng rất mực yêu em.
Bấy giờ viên sĩ quan liền nghiêm giọng giải thích:
- Vậy tại sao em lại muốn anh phải sợ cơn bão tố này, khi biết nó nằm trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa là Đấng quyền năng và hằng yêu thương anh ?
3. SUY NIỆM:          
1) TÂM TRẠNG CỦA HAI MÔN ĐỆ LÀNG EM-MAU: 
Đây là hai trong số 72 môn đệ của Đức Giê-su đã được Người sai từng hai người đi giảng đạo (x. Lc 10,1a). Hai ông đã đến Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua. Giờ đây đại lễ đã xong, hai ông quay trở về nhà riêng tại làng Em-mau. Một trong hai ông tên là Cờ-lê-ô-pát, còn người kia không được nêu tên, có thể là chính tác giả Lu-ca. Hai ông này vừa đi vừa trò chuyện với nhau với vẻ mặt buồn bã thất vọng. Sở dĩ họ mang tâm trạng như thế là vì mấy lý do như sau:
- Một là Đức Giê-su «là một Ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để bị án tử hình, và đóng đinh Người vào thập giá » (Lc 24,19b-20). 
- Hai là biến cố đau thương của Đức Giê-su đã xảy ra trái với ước vọng của các ông khi đi theo Thầy, khiến các ông hoàn toàn thất vọng và muốn buông xuôi: « Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Nhưng các sự việc ấy đã xẩy ra đến nay là ngày thứ ba rồi » (Lc 24,21).
2) VAI TRÒ CỦA KINH THÁNH VÀ  BÍ TÍCH THÁNH THỂ CỦNG CỐ ĐỨC TIN:
- Biến cố tử nạn của Đức Giê-su là mối bận tâm sâu đậm của các môn đệ, đến nỗi dù đang buồn chán thất vọng, các ông vẫn bàn tán với nhau khi đi đường. Đức Giê-su Phục Sinh đã yêu thương và luôn quan tâm đến các môn đệ, nên Người đã chủ động hiện đến đồng hành bắt chuyện và giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong Sách Thánh. Nhờ cảm nghiệm được Lời Chúa nên các ông đã lấy lại niềm tin qua câu nói: “Lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên khi dọc đường, Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó sao ?” (Lc 24,32).
- Tuy nhiên hai môn đệ chỉ nhận ra Người khi tham dự bí tích Thánh Thể : Hai ông đã  mời Người ở lại: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn (Lc 24,29). Rồi chính bầu khí yêu thương chia sẻ Bánh Thánh giữa cộng đoàn mà mắt họ đã mở ra, như Tin Mừng thuật lại: « Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất » (Lc 24,30-31).
3) ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚA TRONG CUỘC SỐNG:
Trong cuộc sống, mỗi lần gặp phải thử thách, nhiều người trong chúng ta thường nghĩ rằng: Chúa đã bỏ rơi mình rồi. Chúa không còn quan tâm giúp mình nữa… và từ đó sinh ra chán nản, bỏ bê đọc kinh cầu nguyện, lười biếng dự lễ Chúa Nhật và có khi còn mê tín dị đoan: đi coi bói tóan, cậy nhờ sự giúp đỡ của thầy bùa thầy ngải… Chúng ta cần xác tín rằng: Chúa Phục Sinh vẫn luôn đồng hành với chúng ta. Không những Người ở bên ta khi ta được bình an, mà ngay cả những lúc ta gặp gian nan khốn khó như bị bệnh tật, tai nạn, thất bại… Người vẫn ở bên và đồng hành với chúng ta. Người sẵn sàng trợ giúp và bồng ẵm ta trên tay nếu ta biết tín thác cậy trông vào Người. Hãy siêng năng tham dự thánh lễ để được nghe Lời Chúa giáo huấn và được kết hiệp mật thiết với Chúa Thánh Thể khi lên rước lễ.
4) SỐNG VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG CHO THẾ GIỚI HÔM NAY:
- Hai môn đệ làng Em-mau sau khi gặp Chúa đã lập tức trở về Giê-ru-sa-lem để chia sẻ Tin Mừng Phục Sinh cho cộng đoàn.
- Loan báo Tin Mừng hôm nay không những là chia sẻ niềm tin yêu cho tha nhân bằng đời sống quên mình vị tha và khiêm nhường phục vụ, mà còn là sự thực thi bác ái cụ thể như kinh « Thương Người có mười bốn mối » đã dạy. Nhờ đó đến ngày phán xét chúng ta sẽ được Chúa đón nhận vào hưởng hạnh phúc đời đời trong Nước Trời như lời Chúa phán: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.”  (Mt 25,34-36).
4. THẢO LUẬN: Khi gặp một người lỡ đường xin tá túc ban đêm, chúng ta nên làm gì để vừa bảo đảm an toàn cho gia đình, vừa thực hành bác ái “Cho khách đỗ nhà” như kinh Thương Người đã dạy ?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn rồi, vì lòng chúng con đang khao khát được nghe lời Chúa. Xin ở lại với chúng con, vì đức tin chúng con mỏng dòn yếu đuối, rất cần được Chúa trợ giúp vượt qua khó khăn của cuộc đời. Xin ở lại với chúng con, vì chúng con dễ sa chân lạc bước, chỉ biết tìm kiếm thỏa mãn những đam mê bất chính và dễ chán nản buông xuôi khi gặp thử thách gian nan. Xin ở với chúng con, để chúng con thấy Chúa đang hiện diện nơi những người đau khổ và chân thành phục vụ họ như phục vụ chính Chúa. Xin ở lại với chúng con, vì khi gặp được Chúa, chúng con sẽ được ơn biến đổi cuộc đời. Xin ở lại với chúng con, vì tâm hồn chúng con vẫn còn xao xuyến mãi, cho tới khi nào được nghỉ yên trong Chúa.- AMEN.
LM ĐAN VINH -  HHTM
==================
Suy niệm 4
Chúa đồng hành với ta trong đêm tối cuộc đời
Vào xế chiều hôm ấy, hai môn đệ buồn bã giã từ Giê-ru-sa-lem đi về Em-mau, lòng nặng trĩu ưu phiền vì thầy Giê-su đã chết! Thế là thần tượng của họ đã sụp đổ; giấc mộng vàng mong được vinh hiển trong triều đại Vua Giê-su đã tan thành mây khói.
Đang lúc họ đang ưu sầu tuyệt vọng như thế, thì Chúa Giê-su tiến lại cùng đi với họ, dùng lời Kinh thánh sưởi ấm tâm hồn họ.
Hôm nay, nhiều lúc trong cuộc đời, chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức, sóng gió, bão táp cuồng phong… Đó là những đêm tối trong cuộc đời. Có bình minh thì cũng có hoàng hôn. Có ánh nắng rực rỡ của trưa hè thì cũng phải có những ngày đông ảm đạm. Cuộc sống con người cũng có ngày buồn chen lẫn ngày vui, có đêm đen xen kẽ ban ngày.
Đêm tối cuộc đời có thể là chứng bệnh nan y đang hành hạ bản thân mình hay những người thân thuộc trong gia đình khiến cho cả nhà phải đau khổ, buồn lo. Đêm tối cuộc đời có thể là cảnh vợ con nheo nhóc nghèo đói, nợ nần chồng chất… Đêm tối cuộc đời có thể là tình duyên trắc trở, hạnh phúc tan vỡ hay một tai nạn giao thông...
Trong những hoàn cảnh như thế, chúng ta cảm thấy thất vọng, chao đảo, mất hết niềm tin, mọi thứ như đều đổ sụp. Chúng ta rơi vào tâm trạng của hai môn đệ Emmau. Chúng ta cần nơi nương tựa, bám víu.
Khi gặp hoàn cảnh đó, hãy tìm đến với Chúa Giê-su, chỉ có Ngài là chốn nương tựa vững bền. Nơi Ngài, chúng ta tìm được bình an, hoan lạc. Ngoài Ngài ra, chẳng còn nơi đâu khác.
Ngài đang ở bên chúng ta, đang đồng hành với chúng ta, sẵn sàng chia sẻ ngọt bùi với chúng ta. Chúng ta hãy thưa với Ngài như hai môn đệ Emmau xưa: Xin Chúa ở lại với chúng con, vì bây giờ là đêm tối… bây giờ là tuyệt vọng âu sầu. Xin hãy ở lại với chúng con!
Lạy Chúa Giê-su,
Hôm xưa khi cùng đi với hai môn đệ tiến về Emmau, Chúa đã dùng ánh sáng lời Chúa để soi sáng cho hai môn đệ hiểu rằng đấng Cứu thế phải trải qua đau thương rồi mới tiến đến phục sinh khải hoàn vinh hiển… thì nay, xin cho chúng con cũng biết dùng lời Chúa để xoá tan mây mù u tối đang vây phủ tâm hồn, làm bừng lên trong chúng con niềm hy vọng được sống lại với Chúa và hưởng hạnh phúc đời đời. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
==================
Suy niệm 5
LỜI CHÚA VÀ THÁNH THỂ
Lc 24, 13 – 35
Sự kiện Chúa Giêsu phục sinh được các Thiên Thần loan báo cho các bà Maria Mađalêna, bà Maria, mẹ ông Gia-côbê và bà Salômê  (x. Lc 24, 1 – 12), các bà về thuật lại cho các Tông Đồ ở Galilêa, hai môn đệ làng Emmaus trong nhóm các bà chẳng những chưa tin mà còn lo sợ (x. Lc 24). Chúa Giêsu Phục Sinh tiếp tục hiện ra dưới dáng dấp của một người lữ hành, tỏ ra không biết, rồi đồng cảm với hai ông, đã dùng Kinh Thánh để giải thích, bẻ bánh trước mặt hai ông, giúp lòng họ sốt sáng lên và làm cho mắt họ sáng ra để nhận ra Người (x. Lc 24, 13 – 35).
Trở lại Giêrusalem, hai ông thuật lại cho các Tông Đồ trong khung cảnh cửa đóng then cài. Đang lúc đứng bàn chuyện, Chúa Giêsu hiện đến với họ khiến họ kinh hoàng khiếp sợ “bối rối tưởng mình thấy ma” (Lc 24, 37).
Bình an cho các con ! Thầy đây, đừng sợ” (Lc 24, 36). Đó là lời cầu chúc đầu tiên của Đức Kitô Phục Sinh, kèm theo là những chứng tích ở tay chân với những vết thương, họ “vẫn còn chưa tin” (Lc 24, 41). Chúa phải nghĩ đến cách ăn cá nướng và mật ong, trích dẫn luật Môisen, lời các tiên tri và Thánh Vịnh là những bằng chứng không thể sai lầm về sự phục sinh và cuộc sống mới của Chúa. Chính Chúa thực hiện những lời Sách Thánh đã chép, và tiếp theo bằng miệng : “Chính Thầy đây” (Lc 24, 39), đúng Thầy là sự thật và là sự sống. Đó là lý do tại sao các tông đồ, những người ban đầu nghi ngờ, thậm chí khi nhìn thấy cơ thể sống của Chúa cũng chưa tin đã trở nên những chứng nhân rao giảng về sự sống lại của Chúa cách hùng hồn (x. Cv 4).
Lời Chúa sưởi ấm con tim
Giả bộ khách đồng hành, tham gia vào cuộc hành trình buồn bã của hai môn đệ, giữa bóng đêm của ngày đang qua và bóng tối đang phủ kín tâm trí họ, Chúa Giêsu Phục Sinh bắt đầu gợi chuyện, nghe họ bộc bạch về đau khổ và thất vọng cũng như đắng cay của chính mình sau khi Thầy chết, các môn đệ tản mác mỗi người một ngả, đức tin của họ bị tan vỡ, mọi sự xem ra đã hết, các xác tín sụp đổ, niềm hy vọng tắt ngóm. Thấy họ buồn sầu như thế, Chúa nói chuyện với hai ông và  “giải thích” Kinh Thánh, “bắt đầu từ Môsê và các tiên tri“, giúp họ hiểu rằng cuộc khổ nạn và cái chết của Ðấng Cứu Thế đã được thấy trước trong chương trình của Thiên chúa và được loan báo trước trong Thánh Kinh (x. Lc 24, 27). Như thế, Chúa đốt cháy lên trong con tim họ một ngọn lửa hy vọng. Khi đó hai mộn đệ cảm thấy một sức thu hút ngoại thường nơi con người bí mật ấy và mời Người ở lại với họ chiều hôm đó : “Mời ông ở lại với chúng tôi, lý do “vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn ” ( Lc 24, 29 ).
Thánh Thể mở mắt đức tin
Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn” (Lc 24, 29 ). Đây là lời mời xin tha thiết của hai ông vào ngày thứ nhất trong tuần, lúc mà tâm hồn đang trĩu nặng vì buồn nản, đang trên đường trở về quê. Chúa Giêsu chấp nhận và cùng họ vào nhà và khi ngồi vào bàn Người làm phép và bẻ bánh, thì họ nhận ra Người, nhưng Người đã biến khỏi cái nhìn của họ, để họ lại đầy kinh ngạc. Họ không bao giờ nghĩ rằng người khách lạ ấy lại chính là Thầy mình mới sống lại. Hai ông đã nhận ra Người tại bàn ăn chỉ với một hành vi ” bẻ bánh ” đơngiản ( Lc 24, 35 ). Khi trí khôn được chiếu sáng, con tim được đốt nóng, những dấu chỉ bắt đầu gợi lên lòng sốt mến và thôi thúc họ ” chỗi dậy trở về Giêrusalem ” ( Lc  24, 33 ) để thuật lại tất cả những gì họ đã thấy và đã nghe cho ” mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp ” (Lc 24, 33).
Lời Chúa và Thánh Thể trong đời sống người tín hữu
Lời Chúa giúp tâm hồn các ông nóng lại, mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Cử chỉ bẻ bánh giúp các môn đệ nhận ra Chúa Giê-su (x. Lc 24,35). Như thế, con đường về làng Emmaus trở thành con đường lòng tin của chúng ta: Thánh Kinh và Thánh Thể là hai yếu tố không thể thiếu được cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể luôn dọn sẵn cho chúng ta, chúng ta nghe Chúa nói, gặp gỡ và đón rước Chúa trong khi cử hành Thánh lễ và rước lễ. Hai môn đệ nhận ra Ðức Giêsu khi người bẻ bánh, liền về Giêrusalem kể lại kinh nghiệm ngoại thường mà họ đã sống: đó là cuộc gặp gỡ với Ðấng Phục Sinh.
Trong đời sống thường ngày của người tín hữu, có những lúc gặp khó khăn, thất vọng, dẫn đến buồn sầu trở về “làng Emmaus“, quay lưng lại với chương trình của Thiên Chúa, rời xa Thiên Chúa. Lời Chúa và Thánh Thể luôn luôn làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui như hai môn đệ làng Emmaus, sau khi đã “nhận ra” Chúa trong việc bẻ bánh, thì mau mắn trở lại Giêrusalem lòng tràn đầy niềm vui, kể cho anh em mình tất cả những gì đã xảy ra. Niềm vui gặp gỡ Đấng Phục Sinh, niềm vui phải lây sang người khác làm cho Giáo hội tăng trưởng và lớn mạnh nhờ những chứng tá nảy sinh từ niềm vui được đón nhận và được biến thành lời loan báo. Ðó là một niềm vui tông đồ, lan tỏa.
Thánh Phaolô cũng bảo chúng ta: ” Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền sự chết của Chúa cho tới khi Người đến“( 1 Cr 11, 26 ). Như thế, chúng  ta phải nỗ lực phấn đấu trở thành những chứng nhân, sẵn sàng loan báo cái chết và sự phục sinh của Ðức Kitô với lòng hăng say và niềm vui vì được gặp gỡ Chúa. Hãy để cho Lời Chúa sưởi ấm con tim và Thánh Thể Người mở đôi mắt đức tin của chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta bằng niềm hy vọng và tình bác ái, để chúng ta có thể đồng hành với các anh chị em buồn sầu và tuyệt vọng, sưởi ấm con tim họ với Tin Mừng, và bẻ bánh tình huynh đệ với họ.
Cùng với Mẹ Maria, chúng ta nhìn lên Mẹ Maria như gương mẫu để  bắt chước. Xin Mẹ giúp chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể và nghe Lời Chúa, nhất là hăng say loan báo Tin Mừng Chúa sống lại để mọi người tin mà được cứu độ. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 ==================
Suy niệm 6
HÀNH TRÌNH EM-MAU

Kính thưa quý cộng đoàn Phụng Vụ! Nhìn lại ba năm về trước, vào thời điểm này, cả thế giới đang chống chọi với cơn đại dịch cô-vi. Và trong thời gian bệnh dịch bùng phát, Thánh lễ nhiều nơi trên thế giới, những sinh hoạt chung giáo xứ vẫn còn bị đình chỉ! Dù trong một bức tranh u ám như vậy chăng nữa, Chúa Phục Sinh đã chiếu sáng vào chốn tối tăm, chiếu soi vào cõi lòng nhân loại, và tỏ rạng ánh vinh quang của Ngài nơi tâm hồn chúng ta. Vì thế, cùng cảm nghiệm ngày xưa của hai môn đệ trên đường về làng Em-mau, chúng ta cùng suy gẫm đôi điều về các bài đọc Phụng Vụ hôm nay.
Nếu ví cuộc đời của chúng ta là một bộ phim nhiều tập, thì hơn ai hết là người Ki-tô hữu, chúng ta biết rõ cuốn phim này kết thúc ra sao rồi. Mà nếu ví cuộc đời của chúng ta là cuốn tiểu thuyết thì chắc chắn chúng ta cũng đã biết kết cuộc thế nào. Vì chưng, Chúa Ki-tô đã chịu chết trên thập giá, nhưng Người đã sống lại, chiến thắng sự chết, và đây chính là điều tối hậu của cuộc đời Ki-tô hữu chúng ta, đức tin của chúng ta; cụ thể được minh chứng rõ nét trong đoạn sách Công Vụ Tông Đồ “vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Đấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống và cho tôi đầy hân hoan tận hưởng nhan thánh Chúa” (Cv 2, 28). Chúng ta có thể thất vọng với chính bản thân mình, với những người xung quanh, với kỳ vọng của chúng ta; nhưng Thiên Chúa không bao giờ làm chúng ta thất vọng, nếu chúng ta biết trông cậy và tín thác nơi Người.
Chính nhờ niềm tin này, mà chúng ta nên ra công tìm kiếm và thực thi ý Chúa hơn là ước muốn của thế gian hay của chúng ta. Về điểm này, lời Chúa trong thư của Thánh Phê-rô Tông Đồ vang vọng trong chúng ta, “…không phải nhờ những thứ chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm…Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô” (x. 1Pr 1, 18 - 19). Tuy nhiên, thực tế cho chúng ta nhận ra, chúng ta đã - đang sống ngược lại với những gì Thánh nhân dạy. Trong lịch sử, mỗi khi các cơn đại dịch xảy ra, thì con người thường ăn năn, sám hối ít nhiều, trở về với Thiên Chúa, chạy tới kêu xin Người thương xót. Nhưng nay thì khác, đại dịch cô-vi bùng phát, người ta lại hối hả mua đồ tích trữ, vơ vét hết những thứ nhu yếu phẩm, chỉ biết lo cho bản thân mà không mảy may nghĩ đến người khác cũng đang cần như mình! Giữa đại dịch, thay vì dành nhiều thời gian để nhìn lại bản thân, nhìn lại cuộc sống làm người, nhìn lại đời sống Ki-tô hữu…thì không ít chúng ta chỉ nơm nớp lo sợ, hoảng loạn! Giữa đại dịch, thay vì dành nhiều cơ hội để cầu nguyện, để gần gũi Chúa, gần gũi với anh chị em trong gia đình hơn, thì chúng ta lại vẫn ‘ngựa quen đường cũ’ tụ tập trong nhà ăn nhậu, bày ra nhiều trò tiêu khiển khác. Giữa cơn đại dịch, thay vì loan truyền tin mừng, tin hy vọng, khuyến khích động viên, cảm thông hơn với nhau, thì chúng ta chỉ biết lợi nhuận cá nhân mà đẩy giá mặt hàng trên mạng! Chúng ta được cứu thoát nhờ Máu châu báu của Con Chúa, chứ không phải được cứu rỗi bằng nén vàng, thỏi bạc, châu sa, hạt lựu! Vì thế, chúng ta nên sống và làm chứng với ơn sủng được Chúa cứu độ.
Mặc khác, khi nhìn lại khung cảnh toàn thế giới đang oằn mình chống chọi với cơn đại dịch cô-vi, và mỗi ngày phải nhìn thấy những dòng tít lớn trên báo mạng về thảm hoạ dịch bệnh, khiến chúng ta rùng mình, bi quan, buồn bã, thất vọng và có khi nghi ngờ ‘Thiên Chúa còn là Đấng luôn yêu thương, giàu lòng thương xót’? Thậm chí, còn nghĩ ‘Chúa đang trừng phạt nhân loại’ qua cơn đại dịch này chăng? Thật ra, Thiên Chúa mà Chúa Giê-su loan báo cho chúng ta, và là hiện thân qua Con Một Người không phải Đấng ưa thích trừng trị, sát phạt, mà là ‘Đấng giàu lòng xót thương, chậm bất bình, và rất mực khoan dung’ (Tv 103, 8), là ‘Đấng không muốn kẻ gian ác, tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống’ (Ez 18, 23). Sự dữ, sự ác đều do tội lỗi con người, do tính kiêu căng, cao ngạo của con người mà ra; và vì con người tự mình gây ra nên phải gánh hậu quả là điều tất yếu. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ mặc, và luôn gửi thông điệp đến với chúng ta trong tâm hồn, qua những biến cố thời đại giúp chúng ta quay về với Người, v.v…Hơn nữa, chỉ có một mình Thiên Chúa mới cứu thoát con người ra khỏi vòng luẩn quẩn này, và chỉ mình Người mới có thể biến sự dữ thành sự lành, biến sự ác thành sự thiện mà thôi, ‘duy chỉ Thiên Chúa viết đường thẳng trên những đường cong’ (theo Thánh Âu-gus-ti-nô). Trong nỗi thất vọng dường như tuyệt vọng ‘Thiên Chúa bỏ quên chúng ta’ này cũng là cảm nghiệm của hai môn đệ đã bỏ Giê-ru-sa-lem mà về làng Em-mau. Vì buồn sầu thê thảm, mọi thứ dường như sụp đổ trước mắt họ, nên họ đành bỏ nơi mà họ từng hăng hái, đầy nhiệt huyết bước theo chân Thầy Giê-su, cùng Người bôn ba khắp chốn, được nghe Người giảng dạy và chứng kiến biết bao điều kỳ lạ, để trở về nơi chốn xưa, nơi mà hai ông sống trước khi được gặp Thầy Giê-su! Trong nỗi thất vọng ê chề này, có thể nói: hai ông đã trốn chạy, bỏ lại đằng sau những gì bi thương xảy ra tại Giê-ru-sa-lem ‘Thầy Giê-su chịu kết án, chết nhục nhã trên thập giá’. Nhưng nỗi sầu này đâu phải chỉ dừng tại đây, mà ‘sau ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy từ cõi chết’ như hai ông đã từng được nghe khi còn theo chân Thầy Giê-su. Và trong nỗi u buồn lê bước trở về làng Em-mau, với suy nghĩ ‘Thiên Chúa đã bỏ mặc Thầy Giê-su’ hoặc ‘Thiên Chúa đã bỏ mặc chúng ta’, thì chính lúc này, Thiên Chúa lại gần gũi hai ông hơn bao giờ hết “đang lúc trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến gần và cùng đi với họ” (Lc 24, 15). Không những thế, Người còn giải thích Kinh Thánh cặn kẽ, mở trí lòng cho hai ông, mà còn tỏ cho hai ông thấy hành động bẻ bánh trong bữa tiệc ly trong đêm trước khi Người chịu khổ nạn. Và khi nghiệm lại tất cả biến cố trên đường đi, hai ông đã nhận ra “dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24, 32). Nói cách khác, Chúa Ki-tô Phục Sinh đã đồng hành với họ trong nỗi thất vọng, Chúa Ki-tô Phục Sinh thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết của họ đã tắt khi trên đường về quê, Chúa Ki-tô Phục Sinh đã ban cho họ niềm vui của Ngài hầu xua tan bao nỗi bất an, nặng trĩu đang ẩn sâu trong tâm hồn họ.
Với cảm nghiệm của hai môn đệ làng Em-mau, chúng ta cùng nhau xác tín rằng: Chúa Ki-tô Phục Sinh đang cùng sánh bước với chúng ta trên cuộc hành trình lữ thứ đầy chông gai này. Người đang nói với chúng ta qua mỗi giờ kinh nguyện sốt sắng. Người hiện diện, đỡ nâng, nuôi dưỡng chúng ta qua Thánh Lễ hằng ngày. Người hướng dẫn, chỉ lối chúng ta qua Giáo Hội của Người. Trong niềm cậy trông tín thác Chúa Ki-tô Phục Sinh, chúng ta dâng lời cảm tạ:
Chúa đã chịu chết cho nhân loại
Chúa đã sống lại trong vinh quang
Chúa hằng chuyển cầu cho chúng con
Chúa luôn đồng hành với chúng con
Amen! Al-lê-lui-a, Al-lê-lui-a!

Lm. Xuân Hy Vọng

===================
Suy niệm 7
CÓ CHÚA CÙNG ĐI
Cv 2,14.22-23; 1Pr 1,17-21; Lc 24, 13-25
Buổi chiều ngày Chúa phục sinh, hai môn đệ thất thểu trên đường bỏ về quê Emmaus, lòng đầy thất vọng, buồn sầu, miệng thì nguyên chuyện thời sự nóng hổi về cái chết oan nghiệt của Thầy Giêsu. Đang trò chuyện về Thầy, thì chính Đức Giêsu “nhập đoàn” trên đường đi. Làm sao hai ông có thể nhận ra, vì Thầy đã chết rồi và đối với các ông lúc này Thầy vẫn là “đang chết”. Chúa phục sinh nhẹ nhàng, không rung động trời đất, nên nghe mấy người nói mà các ông bỏ ngoài tai, chả còn gì để mà hy vọng hiển trị với Thầy. Đang chán chường thì Thầy “đóng kịch” mào đầu câu chuyện: “Các ông vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ buồn mà kêu ông là người duy nhất không biết chuyện tày trời xảy ra trong thành mấy hôm nay. Thầy cứ nhẹ nhàng xen vào chuyện của các ông mà hỏi tiếp, thế là các ông thành thật kể một lô cho Thầy rõ chuyện. Lúc này vị khách lạ mới giũa giã: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ. Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Chính con đây cũng được mở mắt, à ra mà thay đổi cái nhìn về đau khổ bệnh tật của mình với chính lời này của Chúa). Rồi các ông được nghe chính Chúa giải thích những gì liên quan đến Người trong Sách Thánh. Quả thật khi tiếp cận với Lời hằng sống, chính Lời sẽ cho con gặp được Chúa. Khi con biết “lắng nghe”, chính Lời sẽ cho con “thấy” và được thêm sức sống dồi dào.
Ba người cùng đi hết đoạn đường, Người khách lạ giả vờ còn phải đi tiếp xa hơn. Nhưng sao gần gũi thân thương quá chẳng muốn rời! “say mê” rồi! Họ nài ép Người “ở lại” với họ. Khi đồng bàn với họ, Người làm những cử chỉ y như mấy hôm trước trong bữa tiệc ly. Mắt họ bừng mở nhận ra, thì Người lại biến mất. Thảo nào, họ nhớ lại những giờ được lắng nghe lời Người và nhìn nhận: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” Quả thực Lời Ngài làm chứa chan hy vọng, Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui khi con biết sống trong Lời. Khi tham dự lễ bẻ bánh, nơi Bí tích Thánh Thể làm cho con “thấy” được Chúa. Thánh Thể Chúa làm tim con tan chảy, mắt con chan chứa giọt lệ mừng vì tình Chúa ôi tuyệt vời!
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho con luôn nhận ra luôn có Chúa cùng đi với con trên mọi nẻo đường đời, thật nhẹ nhàng, ẩn mình nhưng thật khéo léo. Xin cho con biết say mê Lời Chúa và Thánh Thể Chúa, để từ đây con hân hoan trở về với Giêrusalem của lòng con, của người thân bạn bè, cộng đoàn, giữa lòng xã hội mà loan truyền, kể lại tất cả những gì con đã thấy, những điều tuyệt vời Chúa đã làm cho cuộc đời nhiều khi mệt mỏi gian lao của con. Amen.
Én Nhỏ 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Kinh Năm Thánh 2025
Kinh Năm Thánh 2025
Đây là Kinh Năm Thánh 2025 được Đức Giáo hoàng Phanxicô soạn. Bản dịch Việt ngữ do Linh mục Giuse Lê Công Đức, PSS thực hiện và đã được Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log