Thứ bảy, 23/11/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật IV Mùa chay năm A

Cập nhật lúc 08:57 16/03/2023
Suy niệm 1
Ga 9, 1 – 31
Chúa cho một người mù được sáng mắt. Đó là chuyện thông thường Chúa vẫn thực hiện trong ba năm truyền đạo. Nhưng lần này, câu chuyện có vẻ lỉnh kỉnh rắc rối khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Trước hết, anh em Tông Đồ hỏi Chúa rằng: “Hắn mù vì tội của hắn hay là vì tội của cha mẹ hắn?” Đức Giêsu bất bình với ý kiến ấy. Bệnh tật không phải là hậu quả của tội. Bảo rằng bệnh tật là hậu quả của tội là một suy nghĩ và một kết tội bất công. Riêng trong trường hợp này, ở tại thủ đô Giêrusalem hôm nay, thì người mù này là một việc khẩn trương phải làm ngay, để Tin Mừng được tỏ hiện. Thời giờ của Chúa không còn kéo dài nữa.
Việc kế tiếp phải suy nghĩ, đó là Chúa chữa bệnh một cách cầu kỳ. Thay vì bảo “anh hãy thấy”, thì Chúa lại nhổ nước miếng đất, trộn thành bùn, bôi vào mắt giống như việc làm của một thầy bùa. Sau đó lại bảo hắn đi đến suối Silôác mà rửa… Tại sao lại phải phức tạp quá vậy? Tại Chúa làm việc này một cách âm thầm không gây sốc trong dư luận quần chúng và không gây bất mãn cực kỳ cho các đối thủ là các đấng bề trên Do Thái giáo ngay tại thủ đô này.
Một chuyện kỳ lạ là cha mẹ của người mù thấy con của mình được Chúa cho sáng mắt, thì lẽ ra họ phải trả lời thẳng thắn cho các ông Pharisêu rằng: “Đúng nó là con của chúng tôi và nó được ngôn sứ Giêsu cho nó được sáng mắt”. Ngược lại, họ rụt rè, sợ hãi, đổ hết trách nhiệm cho đứa con. Tại sao vậy? Họ sợ bị vạ tuyệt thông. Điều đó chứng tỏ lúc ấy bầu khí chống đối Chúa tại thủ đô đang bốc lên tới tận trời mây rồi.
Hiểu như thế, chúng ta thấy lòng mình thương Chúa nhiều hơn. Thương Chúa nhiều hơn thì chúng ta sẽ can đảm sống đạo hơn, bất chấp mọi khó khăn sẽ xảy ra cho những người tin Chúa, yêu Chúa và loan báo Chúa cho mọi người. Chúng ta thấy điều đó ngay trong cách đối đáp của người mù trước mặt các ông Pharisêu đầy quyền hành trong lãnh vực tôn giáo.
Hắn là người mù đi xin ăn ngoài đường phố mà hắn đối chất với các đấng bề trên cao cấp ở thủ đô, y như người ngang cấp, hoặc dưới cấp của hắn. Hắn dám ngạo nghễ nói: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Hay là các ông muốn làm môn đệ ông ấy.” Hơn thế nữa, hắn còn nói như bậc thầy dạy học trò: “Kể cũng lạ thật: các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người mở mắt tôi. Chúng ta biết Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi, còn ai kính sợ Chúa, thì Người nhậm lời kẻ ấy.”
Khi đã tin và yêu Chúa rồi, người ta không còn biết sợ nữa. Ông thánh Phêrô bị đánh một trận đòn, rồi mới được thả về. Trên đường về, ngài vừa đi, vừa hát thánh ca. Hỏi tại sao bị đòn mà còn ca còn hát. Ngài trả lời: “Sướng quá vì được đánh đòn vì Chúa”. Thánh Phaolô và ông bạn Sila bị đánh bốn mươi hèo, rồi bị tống ngục vào chỗ biệt giam. Thánh Gioan trong thư thứ nhất chương bốn, câu mười tám, ngài đã phát biểu rằng: “Tình yêu loại trừ nỗi sợ. Ai sợ là chưa có tình yêu hoàn hảo”.
Đó là những điều chúng ta phải suy nghĩ mãi và sống mãi như đã nghe và đã cảm nghiệm.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
==============
Suy niệm 2
THÔNG SÁNG HAY MÙ TỐI
Ga 9, 1-41
Việc Chúa Giêsu cho anh mù sáng mắt trong bài Tin Mừng hôm nay, mạc khải cho chúng ta biết Ngài là ánh sáng cứu độ, Đấng soi chiếu nhân loại đang còn nằm trong bóng tối tăm và sự chết. Tuy nhiên, con đường tiếp nhận ánh sáng đó là một hành trình đức tin đầy cam go và thử thách, giữa một cuộc sống đầy những phức tạp và nhiễu nhương do lòng người, đầy những ảnh hưởng của sự dữ do ma quỷ gieo rắc.
Kinh nghiệm thiêng liêng cho chúng ta thấy, nhiều khi mình rất sáng mắt nhưng không sáng lòng; thấy sự việc nhưng mà không thấy sự thật. Lý do có thể là mình bị đóng khung và cứng đọng theo một lối sống bó hẹp, hay một lề thói suy tư chỉ dựa vào luật lệ và đạo đức bên ngoài. Lý do khác nữa là vì tự ái, vì thành kiến, vì quyền hành, danh giá, nhất là vì ganh ghét mà ta muốn suy diễn khác đi.
Đó cũng là tính cách của nhóm Biệt phái trong bài Tin Mừng: họ không muốn coi Đức Giêsu là người của Thiên Chúa, vì điều đó đòi họ phải thay đổi suy nghĩ và lối sống đạo, thay đổi bộ mặt tôn giáo của cha ông, nhất là đòi họ phải tin theo Ngài. Vì thế, họ chống trả quyết liệt, và còn tự phong cho mình là người hiểu biết và đạo đức. Chính sự cao ngạo này khiến họ càng cứng lòng, và làm cho tội của họ ra nặng hơn.
Nhóm Biệt phái tìm mọi cách để ngăn chặn sự thật, nhất là bằng tiếng nói của những kẻ có quyền. Sự kiêu hãnh và quyền hành đã khiến họ khép lại, không chấp nhận mình sai lầm, và cố chấp ở lại trong bóng tối. Đây là thứ mù lòa tinh thần, không chấp nhận thực tế về bản thân và tha nhân, tìm cách né tránh sự thật và không muốn nghe ai. Trên phương diện đức tin có khi chúng ta giống như người Biệt phái, từ ánh sáng lại rơi vào bóng tối, không còn khả năng để dẫn lối cho ai.
Anh mù vừa được sáng mắt, đang hớn hở vui mừng thì bao nhiêu thử thách lại ập tới. Người ta nghi ngờ anh, soi mói anh, gây khó khăn và đe dọa đời sống anh, ngay cả cha mẹ anh cũng không dám can dự vì sợ liên lụy. Sự căng thẳng lên đến cực điểm khi anh phải đối đầu với quyền lực tôn giáo, là những người dạy dỗ, hướng dẫn, và là mẫu gương sống đức tin cho dân Chúa. Họ mạt sát anh là sinh ra trong tội lỗi; họ đe dọa những ai dám làm chứng hay bênh vực cho anh; họ tố cáo Đức Giêsu đã vi phạm luật lệ khi chữa bệnh cho anh vào ngày Sabát, và sau cùng, họ khai trừ anh khỏi hội đường.
Anh ta đau lòng, tủi hổ và cảm thấy cô đơn, quả là một thử thách ghê ghớm. Để giữ vững niềm tin, anh phải chấp nhận cuộc hành trình đơn độc. Để sống cho sự thật anh chấp nhận bị loại trừ. Đúng lúc đau khổ nhất, Đức Giêsu đã xuất hiện để nâng đỡ anh, Ngài tỏ mình cho anh. Đời anh từ nay tràn ngập ánh sáng niềm tin, vì anh đã được gặp Chúa. Đức Cố Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cũng đã nói lên ý nghĩa này như sau:“Trở thành Kitô hữu không phải là kết quả của sự lựa chọn đạo đức hoặc ý tưởng cao thượng, mà là cuộc gặp gỡ với một biến cố, một con người, đem lại cho đời sống mình một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu, số. 11).
Cũng như anh mù được sáng mắt, hành trình đức tin của mỗi người chúng ta cũng không thiếu những gian nan thử thách. Đức tin Chúa ban cho ta giống như viên ngọc quí, nhưng “ngọc bất trác bất thành khí”, đức tin mà không được tôi luyện thì trở thành vô hiệu. Do đó, không thể không có những khó khăn và thử thách. Tuy nhiên, nó cũng làm cho ta dễ dàng nhụt chí và rơi vào thất vọng, nếu ta không tìm mọi cách để bám sát lấy Chúa hằng ngày qua cầu nguyện, thánh lễ, v.v…
Mùa chay là cơ hội làm sáng lên đức tin, một đức tin có thể còn mù mờ và bị bao phủ bởi nhiều bóng tối: bóng tối của lòng mình, bóng tối của anh chị em mình, bóng tối ngay trong Giáo hội, bóng tối của một xã hội đang bị tha hóa về mọi mặt, nhất là tinh thần đạo đức đang bị xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, Chúa vẫn đón đợi mỗi người chúng ta trên từng chặng đường đời và từng biến cố lớn nhỏ, để an ủi, nâng đỡ và làm sáng lên cuộc đời ta. Hãy tập nhận ra sự hiện diện của Ngài.
Chúng ta hãy trở thành nhân chứng của ánh sáng mà mình đã lãnh nhận. Đó là ánh sáng Giêsu mà không quyền lực nào có thể dập tắt. Đó là ánh của niềm vui ơn cứu độ đã chiếu soitrong  cuộc sống này. Vì thế, chúng ta đừng để mình bị chao đảo hay nao núng trước những đe dọa của sự dữ hay bất cứ thế lực nào. Tình yêu trong chúng ta là chính phép lạ, có khả năng hóa giải mọi tình thế ngổn ngang, để ánh sáng Chúa có thể lan tràn vào mọi ngõ ngách của đời sống nhân loại. Điều quan trọng là chúng ta nỗ lực sống niềm tin yêu và hy vọng. 
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Đời người là một hành trình vượt qua,
qua bóng tối để vươn tới ánh sáng,
nhưng bóng tối vẫn mênh mang bàng bạc,
b
óng tối gian dối và ích kỷ bạo tàn,
bóng tối thù hằn và kiêu căng ngạo mạn,
nên bao người phải sống kiếp đa đoan.

Nhưng dường như bóng tối che chở con,
để cho con được cảm giác an toàn,
nhưng lòng con vẫn cảm thấy bất an,
có nguy cơ cạm bẫy đang rình chờ.

Khi nhìn lại đời sống con mới thấy,
những chỗ tối tăm chưa được khai sáng;
còn cảnh mù mờ chưa được khai quang;
còn bao hỗn mang chưa được khai phóng.

Để đón nhận và bước đi trong ánh sáng,
con phải dẹp tan mọi bóng tối âm u,
dù nhức nhối và tội lỗi bị phơi trần,
nhưng lại an vui trong tinh thần chân thật.

Chúa biết là tình trạng con không tốt,
nhưng rồi vẫn đặt con là ánh sáng,
soi chiếu vào nơi tăm tối trần gian,
con thấy mình thật bất xứng muôn vàn,
trước tình thương và ân ban của Chúa,
nhưng rồi con cố gắng quyết không thua.

Xin tinh luyện tâm con nên trong sáng,
sống sứ mạng mà Chúa đã trao ban,
làm cho tình yêu Chúamãi dâng tràn,
cho bao người trong tăm tối hoang mang,
tìm thấy được sự bình an tươi sáng,
và ngày mai đạt tới bến thiên đàng. Amen.
Lm. Thái Nguyên
==============
Suy niệm 3
XIN MỞ MẮT ĐỨC TIN ĐỂ VỮNG BƯỚC ĐI THEO CHÚA
1 Sm 16,1b.6-7.10-13a ; Ep 5,8-14 ; Ga 9,1-41
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 9,1-41
(1) Đi ngang qua, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. (2) Các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù. Anh ta hay cha mẹ anh ta?” (3) Đức Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. (4) Chúng ta phải làm những việc của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng. Đêm đến, không ai có thể làm việc được. (5) Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian”. (6) Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù. (7) Rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là: Người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được. (8) Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?” (9) Có người nói: “Chính hắn đó!” Kẻ khác lại rằng: “Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi”. Còn anh ta thì quả quyết: “Chính tôi đây!” (10) Người ta liền hỏi anh: “Vậy làm sao mắt anh lại mở ra được như thế?”. (11) Anh ta trả lời: “Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: “Anh hãy đền hồ Si-lô-ác mà rửa”. Tôi đã đi, và sau khi rửa tôi nhìn thấy được”. (12) Họ hỏi anh: “Ông ấy ở đâu?” Anh ta đáp: “Tôi không biết”. (13) Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu. (14) Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày Sa-bát. (15) Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy”. (16) Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát”; Kẻ thì bảo “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?” Thế là họ đâm ra chia rẽ. (17) Họ lại hỏi người mù: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh đáp: “Người là một vị Ngôn sứ!”. (18) Người Do thái không tin là trước đây anh bị mù nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến. (19) Họ hỏi: “Anh này có phải là con ông bà không? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được?”. (20) Cha mẹ anh đáp: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. (21) Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó. Nó đã khôn lớn rồi, tự nó, nó nói về mình được”. (22) Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do thái. Thật vậy, người Do thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. (23) Vì thế, cha mẹ anh mới nói: “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó”. (24) Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi”. (25) Anh ta đáp: “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: Trước đây tôi bị mù, mà nay tôi nhìn thấy được!” (26) Họ mới nói với anh: “Ông ấy đã làm gì cho anh? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào?” (27) Anh trả lời: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng?” (28) Họ liền mắng nhiếc anh: “Có mày mới là môn đệ của ông ấy. Còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê. (29) Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê. Nhưng chúng ta không biết ông ấy bởi đâu mà đến”. (30) Anh đáp: ”Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi ! (31) Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi. Còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. (32) Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. (33) Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì”. (34) Họ đối lại: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?” Rồi họ trục xuất anh. (35) Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh, và khi gặp lại anh, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?”. (36) Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” (37) Đức Giê-su trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây”. (38) Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin”. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người. (39) Đức Giê-su nói: "Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!". (40) Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giê-su nghe vậy, liền lên tiếng: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?” (41) Đức Giê-su bảo họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy, nên tội các ông vẫn còn!”.
2. Ý CHÍNH:
Câu chuyện Đức Giê-su chữa cho người mù từ khi mới sinh cho thấy: Đức Giê-su chính là Ánh Sáng Thế Gian, và chỉ những ai có lòng khiêm hạ mới đón nhận được ánh sáng ấy. Trong cuộc đối thoại, anh mù đã từng bước hiểu biết về Người: Từ "một người tên là Giê-su” (11) đến “một vị Ngôn sứ!” (17), rồi “Người bởi Thiên Chúa mà đến” (33). Cuối cùng là “Con Người”(35), là Tôi Trung của Thiên Chúa và là Đấng Thiên Sai, thì anh mù đã tuyên xưng: “Thưa Ngài, tôi tin” và sấp mình trước mặt Người (37). Quả thật, chỉ những ai thực tâm muốn tìm Chúa mới gặp được Người.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-5: + Ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù: Cựu Ước thường cho rằng: tai nạn, bệnh tật và đau khổ là hình phạt do tội lỗi của tội nhân (x. St 3,3) hay tội của cha ông người ấy (x. Xh 20,5). Chính Đức Giê-su có lần cũng chia sẻ tư tưởng ấy: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” (Ga 5,14). + Là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh: Ở đây Đức Giê-su còn coi bệnh tật như một tai họa mà con người phải chịu đựng, như một quyền lực của Sa-tan đang đè trên con người mà Đức Giê-su đến nhằm giải thoát cho họ (x. Lc 13,16).
- C 6-9: + Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù:Theo các nhà chú giải Kinh Thánh: Đức Giê-su làm như vậy để thử thách đức tin của người mù. + Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa: Si-lô-ác có nghĩa là “Được sai đến”. Như nước hồ của “Người được sai phái” đã cho người mù từ thuở mới sinh nhìn thấy thế nào, thì “Đấng Được Sai” cũng ban ánh sáng cho những ai đang ngồi trong bóng tối tội lỗi và sự chết như vậy.
- C 35-41: +Anh có tin vào Con Người không?: Sau khi mở con mắt thể xác để anh mù được nhìn thấy, Đức Giê-su cũng muốn mở mắt đức tin cho anh. Vì thế Người đặt câu hỏi để khơi dậy niềm tin như Người đã từng làm đối với người phụ nữ Sa-ma-ri (x. Ga 4,26). + Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: Xét xử không phải là lên án (x. Ga 3,17), nhưng là như ánh sáng chiếu soi để tỏ cho thấy những điều thầm kín trong lòng người ta (x. Ga 3,19-21). + Cho người không xem thấy được thấy và kẻ xem thấy lại nên đui mù: Câu này tương tự lời cầu nguyện của Đức Giê-su với Chúa Cha: “Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (x. Mt 11,25). Chỉ những ai khiêm tốn và thành tâm đón nhận đức tin mới được nhìn thấy ơn cứu độ.
4. CÂU HỎI:
1) Đối với các tín hữu, bệnh tật có phải do tội lỗi gây ra không? 2) Việc Đức Giê-su lấy bùn thoa vào mắt người mù để chữa bệnh mang ý nghĩa thế nào? 3) Tại sao Đức Giê-su lại ra lệnh cho anh mù đến rửa mắt tại hồ Si-lô-ác? 4) Tại sao Đức Giê-su lại nói: "Cho người không xem thấy được thấy và kẻ xem thấy lại nên đui mù"?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Đức Giê-su nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” (Ga 9,39).
2. CÂU CHUYỆN:
1) NĂM ANH MÙ ĐI XEM VOI:
Ngày xưa ởẤn độ, có một ông vua muốn bày trò tiêu khiển, liền cho quân lính đi kiếm năm người bị mù từ lúc mới sinh đưa về triều đình làm trò tiêu khiển cho triều thần. Vua truyền đưa đến một con voi khổng lồ và bảo năm anh mù rằng: “Các ngươi chưa hề biết voi là gì thì hôm nay trẫm sẽ cho các ngươi biết. Các ngươi hãy lại gần sờ vào voi rồi nói cho trẫm và quần thần biết voi có hình thù ra sao. Aitả con voi đúng nhất sẽ được trọng thưởng”.
Anh mù thứ nhất sờ đúng cái chân của voi liền tâu: “Tâu bệ hạ! Con voi có hình thù giống như cột nhà!” Anh thứ hai sờ đúng cái tai voi vội cãi: “Không đúng. Voi giống như một cái quạt lớn”. Anh thứ ba sờ trúng cái vòi lại nói: “Voi giống như một khúc cây ngoằn ngoèo!”  Anh thứ tư sờ trúng bụng voi cãi lại: “Voi giống một tảng đá lớn, tròn tròn!” Tới lượt anh thứ năm sờ trúng đuôi con voi thì cho cả bốn người kia đều sai và tâu vua: «Voi chỉ như một cái chổi cùn!”
Anh nào cũng quyết liệt bảo vệ ý kiến của mình là đúng, và bác bỏ ý kiến của các người kia. Ban đầu họ còn nói nhỏ, về sau to tiếng và còn xông vào đánh nhau chí chóe, đang khi nhà vua và triều thần ai cũng cười cho sự mù quáng đáng thương của cả bọn.
Mỗi người mù nói trên chỉ biết được một phần sự thật mà tưởng rằng mình am tường tất cả và đánh giá những ai không suy nghĩ giống như mình đều sai lạc. Giả như họ biết khiêm tốn nhìn nhận kiến thức hạn hẹp của mình và biết bổ sung bằng ý kiến kẻ khác thì hay biết mấy.
2) VIỆC NGƯỜI THÌ SÁNG, VIỆC MÌNH THÌ QUÁNG:
Có một học giả rất thông thái nhưng lại mắc bệnh đãng trí. Một hôm ông cỡi lừa đi thăm một ông bạn thân. Dù đang ngồi trên lưng lừa, nhưng ông vẫn tranh thủ đọc sách thánh hiền và buông lỏng dây cương. Con lừa sau khi đi được một đoạn đường đã theo đường cũ quay trở lại ngôi nhà của ông.Thấy lừa dừng lại, ông học giả tưởng đã đến nhà bạn, liền xuống lừa và đi chung quanh quan sát một vòng ngôi nhà. Ông nói lời phê bình cốt để bạn ông trong nhà nghe được: "Ông bạn già của ta sao lại cẩu thả như thế này: Ngôi nhà đã bị xuống cấp gần sập đến nơi mà chẳng chịu lo sửa sang gì cả!". Vợ ông ở trong nhà nghe vậy liền bước ra và nói: "Ông nhận xét thật chính xác. Nhưng đây là nhà của ông đó !".
Trong cuộc sống, nhiều người thường có nhận định sáng suốt về chuyện của người khác, nhưng lại mù mờ về những chuyện của chính mình như người ta thường nói: “Việc người thì sáng, mà việc mình thì quáng”. (Theo Ernst Wilhelm Nusselein).
3) NHÌN NGOẠI VẬT THEO LĂNG KÍNH BẢN THÂN:
Một vị Nhật hoàng sau khi làm việc căng thẳng muốn thư giãn, nên yêu cầu các quan tìm kiếm một người biết nói đùa. Người ta đã dẫn đến cho vua một vị thiền sư.
Nhật hoàng nói: “Ta muốn nhà ngươi nói đùa cho ta nghe và ta sẽ không hài tội về lời nói đùa của ngươi”. Thiền sư nói: “Tâu bệ hạ, xin bệ hạ nói trước để hạ thần nói đùa theo”. Nhà vua nói: “Ta thấy nhà ngươi giống y như một con lợn!” Thiền sư đáp: “Còn hạ thần thì nhìn thấy bệ hạ giống y như Đức Phật!” – Nhà vua liền thắc mắc: “Tại sao ta bảo nhà ngươi là con lợn mà nhà ngươi lại bảo ta là Đức Phật?”- “Tâu bệ hạ, dễ hiểu thôi ạ: ai có tâm của Phật thì nhìn đâu cũng thấy Đức Phật; Còn ai có tâm của lợn thì nhìn đâu cũng thấy lợn!”
4) ĐỪNG SOI MÓI KHÍCH BÁC THA NHÂN:
Có một đôi vợ chồng kia rủ nhau đi xem một cửa hàng nổi tiếng chuyên trưng bàytranh thêu lụa. Vừa bước vào đến cửa, bà vợ liền nhìn vào bên trong cửa hàng và nêu nhận xét gián tiếp chê bai cửa hàng: "Tranh thêu gì đâu mà xấu tệ!Như mặt người đàn bà trong bức tranh kia trông chẳng giống ai!". Ông chồng liền vộibịt miệng vợlại và nói: "Đó không phải là tranh thêu đâu, mà là tấm gương soi đó. Hình người phụ nữ bà thấy kia chính là hình của bà phản chiếu trong tấm gương đó ! Tốt nhất là bà hãy giữ im lặng dùm, chứ đừng lên tiếng phê phán cách hồ đồ!". Bà vợ cảm thấy xấu hổ nên đã vội vã bỏ về ngay sau đó.
Câu chuyện trên cho thấy thói xấu của nhiều người trong chúng ta: Tuy sáng mắt nhưng lại có tâm hồn mù tối. Nhiều khi chúng ta phê phán người khác mà không ngờ đã tự lộ ra chân tướng không tốt của mình, như người ta thường nói:"Chân mình những lấm bê bê. Lại cầm bó đuốc mà rê chân người".
3. SUY NIỆM:
1) AI CŨNG CẦN ÁNH SÁNG SOI ĐƯỜNG:
Vào một đêm nọ, có một người mù đến thăm một người bạn cùng xóm. Lúc từ giã ra về, thấy anh bạn mù không mang theo lồng đèn trên tay, chủ nhà liền lấy ra chiếc lồng đèn của mình trao cho anh mù. Nhưng anh mù từ chối và nói: “Đối với người mù như tôi thì ban ngày cũng như ban đêm, ánh sáng có khác gì bóng tối. Cho nên tôi sẽ không cầm theo chiếc lồng đèn vì việc làm đó là vô ích!
Bấy giờ chủ nhà mới giải thích: « Tôi biết anh không cần đến chiếc lồng đèn để soi đường. Nhưng nếu anh không có nó trên tay thì người khác sẽ không nhìn thấy anh và có thể họ sẽ đụng vào người anh đấy! » Anh mù nghe bạn nói có lý nên đã nhận chiếc lồng đèn rồi ra về.
Đi được một đoạn đường, bất ngờ anh mù bị một người đi ngược chiều tông vào suýt té. Anh ta liền tức giận la mắng: « Bộ anh bị đui hả? Không thấy tôi đang cầm chiếc đèn lồng trên tay hay sao » Người kia liền trả lời: “Đúng là anh đang cầm một chiếc đèn lồng đấy. Nhưng ngọn lửa bên trong cây đèn đã tắt rồi, nên tôi không nhìn thấy anh. Xin lỗi anh bạn nhé!”
Câu chuyện trên giúp chúng ta hiểu được rằng: Để đi trong bóng đêm ai cũng cần ánh sáng. Ánh sáng giúp người ta thấy đường đi, thấy người khác và tránh được các trở lực trên đường. Người mù đi trong đêm tối, tưởng như không cần ánh sáng soi đường, nhưng anh vẫn cần có cây đèn cháy sáng, để người khác khỏi đụng phải anh.
2) CÓ HAI LOẠI MÙ: MÙ MẮT THỂ XÁC VÀ MÙ TỐI TÂM HỒN:
Người mù bẩm sinh trong Tin Mừng hôm nay tuy bị mù mắt thể xác nhưng lại sáng lòng hơn những người Pharisêu luôn tự hào về sự khôn ngoan thông thái. Người Pha-ri-sêu bị thành kiến che mờ tâm trí nên không nhận ra Đức Giê-su là Đấng cứu độ và đã tự loại mình ra khỏi Nước Trời do Người thiết lập.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh mù tâm hồn như sau:
- Mù quáng do lòng tham không đáy:
Sách Các Vua có thuật lại câu chuyện hoàng hậu I-dơ-ven, vợ vua A-kháp, có lòng tham lam muốn chiếm đoạt vườn nho của ông lão nghèo Na-vốt, nên đã dàn dựng một vụ án kể tội Na-vốt đã dám nguyền rủa Thiên Chúa và nhà vua, rồi tuyên án ông phải bị ném đá chết. Lòng tham đã làm cho hoàng hậu I-dơ-ven trở thành mù quáng phạm tội giết hại người nghèo vô tội để chiếm đoạt vườn nho của ông ta. (1 V Ch 21)
Mù quáng do thói ganh tị:
Sách Samuel ghi lại rằng vua Sa-un rất yêu thương Đavít, nhưng sau khi Đavít giết được tướng giặc khổng lồ là Gô-li-át để cứu nguy cho quân dân Israel và khải hoàn về thành. Đa-vít được các phụ nữ đi đón rước. Họ vừa múa nhảy theo tiếng reo mừng não bạt, vừa ca hát như sau: “Vua Sa-un hạ được hàng ngàn, còn Đa-vít giết được hàng vạn”. Nghe lời ca đó, vua Sa-un cảm thấy rất tức giận Đa-vít. Chính do lòng ganh tị đã làm cho vua trở thành kẻ mù quáng, từ lòng yêu thương hóa ra thù ghét và đã ra tay truy lùng Đa-vít, quyết giết chết bằng được người anh hùng Đa-vít nầy. (1 Sm, Ch 18).
Mù quáng do dục tình lấn lướt:
Sau khi lên làm vua thay Sa-un, vua Đa-vít do mê đắm sắc đẹp của bà Bát-sê-va. Dục vọng đã làm cho vua mù quáng và đã phạm tội nặng giết chồng đoạt vợ (2 Sm, Ch 11).
Tóm lại, do tình dục, do lòng tham, do kiêu căng ganh tị… mà người ta có thể trở nên mù tối phạm phải những tội ác không ngờ.Bất cứ người mù nào cũng khao khát được sáng; nhưng điều đáng tiếc là nhiều người mù tâm hồn, do không ý thức tình trạng mình đang bị mù, nên không quyết tâm ra khỏi tình trạng mù quáng của mình, và cuối cùng đã bị loại ra khỏi Nước Trời, giống như các đầu mục dân Do thái khi xưa.
3) HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN CỦA NGƯỜI MÙ TRONG TIN MỪNG:
Niềm tin của người mù vào Đức Giê-su tăng dần theo sự thử thách. Thử thách càng cao, đức tin càng mạnh: Thoạt tiên, anh chỉ coi Đức Giê-su là một người nào đó qua câu nói: “Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo:Anh hãy đền hồ Si-lô-ác mà rửa. Tôi đã đi, và sau khi rửa tôi nhìn thấy được” (Ga 9,11). Sau khi nghe đám đông bàn tán, và bị người Pha-ri-sêu tra hỏi, anh đã nêu nhận định: “Người là một vị Ngôn sứ !” (Ga 9,17). Rồi trước sự phê phán của các đầu mục, anh đã can đảm bênh vực việc làm của Đức Giê-su: “Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9,33). Cuối cùngkhi gặp gỡ Đức Giê-su và được Người cho biết mình chính là Con Người, là Đấng Thiên Sai (x. Ga 9,35-37), thìanh mù đãlập tức tuyên xưng đức tin: “Thưa Ngài, tôi tin”, và đã thể hiện niềm tin bằng việc sấp mình xuống trước mặt Người (Ga 9,38).
4) SỐNG TINH THẦN MÙA CHAY THẾ NÀO?:
- Theo Đức Giê-su thì mù không phải là một cái tội. Cố tình bịt tai nhắm mắt do cứng lòng tin như các đầu mục Do thái mới là tội. Nhiều khi chúng ta cũng có thái độ giống như các người này khi tự bịt tai nhắm mắt, cố tình không nhìn nhận những khuyết điểm lỗi lầm của mình. Mùa Chay là mùa sám hối canh tân. Muốn biết mình ra sao, chúng ta cần có thời gian tĩnh tâm để hồi tâm sám hối và quyết tâm canh tân đời sống.
- Ngoài ra, trong bất cứ việc gì, chúng ta cần ý thức mình chỉ nhìn thấy một phần sự thật, nên phải khiêm tốn tìm hiểu và học hỏi tha nhân. Điều ta biết chỉ là phần nổi nhỏ bé của tảng băng. Còn những điều ta chưa biết thì to lớn và chìm sâu dưới mặt nước. Do đó, khi có quan điểm khác nhau, thay vì cãi nhau chúng ta hãy khiêm tốn lắng nghe và sẵn sàng chấp nhận ý kiến đúng đắn của người khác để đạt tới chân lý.
- Cuối cùng, ta cần lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, tiếp thu sự phê bình của người khác để nhận biết con người thật của mình, vì thói thường: “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng!”, và “biết mình biết người, trăm trận trăm thắng!”. Khi nhận ra con người thật của mình, chúng ta sẽ phải canh tân đổi mới để ngày một nên hoàn thiện hơn theo thánh ý Thiên Chúa.
4. THẢO LUẬN:
Trong Mùa Chay này, Bạn sẽ làm gì để nhận ra con người thực của mình và quyết tâm tu sửa các thói hư tật xấu để ngày càng nên hoàn thiện giống như Đức Giê-su hơn?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU: hiện nay còn biết bao người đang mù chữ, mù kiến thức, mù giáo lý… Nhất là đang cố tình bịt tai nhắm mắt giống như những người Pha-ri-sêu xưa. Trong Mùa Chay này, xin cho chúng con biết dành thì giờ tham dự những cuộc tĩnh tâm để duyệt xét lại con người thật của mình. Xin cho chúng con ngày một hiểu biết Chúa để yêu mến Chúa hơn, biết rõ con để không còn dám tự mãn, nhưng quyết tâm tu sửa các thói hư để ngày một nên hoàn thiện giống Chúa nhiều hơn.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH -  HHTM
==============
Suy niệm 4
Một chứng mù đáng sợ
Ga 9,1-37
Những người lâm cảnh mù lòa, suốt đời phải sống trong tăm tối là nỗi bất hạnh lớn nhất trong đời.
Vì thế, Chúa Giê-su dành cho họ một tình thương đặc biệt và đã cứu chữa nhiều người bị khiếm thị từ lúc mới sinh. Trích đoạn Tin mừng hôm nay mô tả lại một trong những lần Chúa xót thương cứu chữa những người mù lòa đáng thương như thế.
Tuy nhiên, những người khiếm thị đều là người tốt lành trong xã hội; họ không xúc phạm đến ai và dường như không bao giờ gây ra tội ác.
Trong khi đó, nhiều người có đôi mắt tinh tường sáng tỏ, nhưng lại bị mù quáng nặng nề nên đã gây ra nhiều lỗi lầm, nhiều tội ác trong xã hội. Hầu hết những người gây ra các cuộc chiến tranh đau thương tang tóc trên thế giới là những người mù quáng.
Nguyên nhân gây bệnh mù quáng
Có rất nhiều nguyên nhân làm cho con người trở nên mù quáng; chúng ta thử điểm qua một vài điểm chính như sau:
Mù quáng vì tham lam
Sách Các Vua chương 21 thuật lại câu chuyện hoàng hậu I-dơ-ven, vợ vua A-kháp, vì tham lam muốn chiếm đoạt vườn nho của ông lão nghèo Na-vốt, nên đã dựng lên một vụ án, quy kết Na-vốt tội nguyền rủa Thiên Chúa và nguyền rủa đức vua, rồi tuyên án ông phải bị ném đá chết. Lòng tham lam đã làm cho hoàng hậu I-dơ-ven ra mù quáng đến độ đang tâm giết hại một ông lão nghèo vô tội để chiếm đoạt vườn nho của ông ta.
Mù quáng vì ghen tị
Sách Sa-mu-en ghi lại rằng vua Sa-un rất yêu thương Đa-vít, nhưng khi Đa-vít chém đầu tên tướng giặc khổng lồ Gô-li-át để cứu nguy cho quân dân Ít-ra-en và quay về trong vinh quang, “thì phụ nữ từ hết mọi thành của Ít-ra-en kéo ra, ca hát múa nhảy, đón vua Sa-un, với trống con, với tiếng reo mừng và tiếng não bạt. Họ vui đùa ca hát rằng: “Vua Sa-un hạ được hàng ngàn, còn Đa-vít hàng vạn”. Khi nghe lời đó, vua Sa-un uất lên vì ghen tị. Lòng ghen tị làm cho vua đâm ra mù quáng, đổi lòng yêu thương ra thù ghét và truy lùng Đa-vít tận thâm sơn cùng cốc, quyết giết cho bằng được vị anh hùng kiệt xuất nầy (Samuen I, chương 18).
Mù quáng vì dục tình
Về sau, khi vua Sa-un qua đời, Đa-vít được lên làm vua. Đa-vít lại đâm ra mê đắm sắc đẹp của bà Bát-sê-va. Dục vọng đã làm cho vua mù quáng đến độ lập mưu giết chồng bà là Uria để chính thức cưới bà nầy làm vợ (Samuen II, chương 11).
Nói tóm lại, tâm trí con người rất dễ trở nên mù quáng do tình dục, do lòng tham lam, kiêu căng, ghen tị… khiến người ta lún sâu vào vũng lầy tội ác lúc nào không hay.
Chứng mù quáng nầy tai hại gấp ngàn lần mù loà đôi mắt thể xác.
Điều đáng tiếc là ai trong chúng ta cũng có thể lâm vào tình trạng mù quáng về một phương diện nào đó, vào lúc nào đó trong đời. Vì thế, chúng ta cần tỉnh táo và thường xuyên soi xét nội tâm, không để cho dục vọng và những xu hướng xấu xa làm mờ ám lương tri.
Lạy Chúa Giê-su là ánh sáng cho trần gian,
Xin chiếu dọi ánh sáng Chúa vào tâm trí chúng con, cứu chúng con khỏi bị mù quáng do dục vọng gây nên, để chúng con khỏi gây ra tội lỗi, khỏi hư mất đời đời nhưng được cứu độ và được sống, sống có nhân cách cao đẹp ở đời nầy và sống viên mãn trong thế giới hồng phúc mai sau.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
==================
Suy niệm 5
MÀU HỒNG GIỮA RỪNG TÍM LAM

Hẳn không ít người Công Giáo rất đỗi ngạc nhiên vì sao Chúa Nhật hôm nay (Chúa Nhật IV Mùa Chay), vị chủ tế lại được mặc áo lễ màu hồng? Sắc phục Phụng vụ biểu trưng cho niềm vui, phấn khởi và hân hoan, nhưng rất hiếm hoi được thấy! Thế nên, lòng hoan hỷ giữa Mùa Chay Thánh được ví von như sắc hồng giữa rừng chàm tím lam vậy!
Thật ra, theo truyền thống Giáo Hội, hôm nay được gọi là “Chúa Nhật Laetare” (theo nguyên ngữ La-tin: Chúa Nhật ‘Hãy mừng vui’) và đây cũng chính là lời ca nhập lễ trích từ sách Ngôn sứ I-sai-a 66, 10: “Laetáre, Ierúsalem, et convéntum fácite, omnes qui dilígitis eam” (nghĩa là: Hãy vui mừng với Giêrusalem, hãy vì Thành Đô mà hoan hỷ, hỡi tất cả những người yêu mến Thành Đô!) như thể Giáo Hội mời gọi con cái mình đang hăng say sống tinh thần Mùa Chay qua các việc cầu nguyện, ăn chay hãm mình, làm việc bác ái, cũng đừng quên vui mừng, hân hoan, hướng lòng về biến cố Chúa chúng ta vinh thắng sự chết, khải hoàn Phục Sinh!
Tuy nhiên, Mẹ Giáo Hội cũng muốn nhắc nhở mỗi chúng ta sự thật hiển nhiên là chính Chúa, Đấng trao ban cho mỗi người khả năng nhìn bằng con mắt thể lý cũng như đôi mắt tâm hồn, ngõ hầu chúng ta luôn tỉnh thức trước mọi tình trạng mù loà: mù loà thể xác, mùa loà tâm linh, mù loà tâm hồn, mù loà về bản thân, mù loà về tha nhân, mù loà về Thiên Chúa, v.v…
Anh chàng khiếm thị trong trình thuật Tin Mừng hôm nay (Ga 9) mặc dù bị mù về mặt thể lý, nhưng tâm hồn anh luôn biết mở rộng, đơn thành và đặt niềm tin tưởng vào Đức Ki-tô vì chỉ mình Ngài mới chữa lành tình trạng mù loà cho anh. Cũng nên biết rằng: không phải do tội lỗi của anh hay của cha mẹ anh, mà anh ta bị mù loà từ bẩm sinh; nhưng “chuyện này xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (x. Ga 9, 2-3). Quả thật, sống trong cảnh mù loà từ thuở mới sinh có thể khiến anh dễ gắt gỏng, tự ti, tủi hổ, không muốn chấp nhận bản thân và cũng không cần giúp đỡ từ người khác. Ngược lại, tuy mù về thể lý, nhưng tấm lòng anh đơn sơ, chân thành, chấp nhận để Đức Giê-su “nhổ nước miếng, trộn thành bùn và xức vào mắt anh” (x. Ga 9, 6), rồi vâng phục làm theo lời Ngài dặn: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (x. Ga 9, 7); thế nên anh được chữa lành về mặt thể xác, cũng như được thăng tiến về mặt tâm linh: “Họ hỏi anh: 'Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?’ Anh đáp: ‘Ngài là một vị ngôn sứ!’” (Ga 9, 17), và đức tin của anh ngày càng vững mạnh: “Anh nói: ‘Thưa Ngài, tôi tin’. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Ngài” (Ga 9, 35).
Liên tưởng đến bản thân, tuy có đôi mắt sáng, trong vắt, đẹp xinh, không chút mù loà (có thể bị cận, hoặc bị viễn, hay bị bệnh về mắt, nhưng vẫn nhìn thấy, không đến nỗi bị mù), nhưng chúng ta thường thích soi mói anh chị em như cha ông ta vẫn hay nói:
‘Chân mình còn lấm bê bê,
Lại cầm bó đuốc mà rê chân người’.
Và đôi khi chúng ta sống sai với lương tri, bị mù quáng ‘các thể loại’ do tham lam, ghen tương, dục tình phát sinh. Như vậy, đây được xem là những triệu chứng của căn bệnh mù loà tâm hồn, mù loà tâm linh, mù loà về bản thân, mù loà về tha nhân, mù loà về Thiên Chúa. Có thể nói hai tai hại chính yếu từ hội chứng mù loà mà ra: một là chúng ta không biết tình trạng mù quáng của bản thân, nên chẳng cảm thấy cần được cứu chữa. Thế nên bị mù quáng cho đến mãn đời, dẫn tới lầm lỗi suốt đời; hai là không xem tình trạng mù loà nghiêm trọng, dù có nhận biết bản thân mù quáng đi nữa, nhưng vẫn không cần được cứu chữa. Tuy nhiên, đối với chúng ta - Ki-tô hữu - trong Mùa Chay Thánh này, điều quan yếu hơn cả là không chỉ dừng lại ở việc nhìn nhận khuyết tật mù loà của mình để sám hối canh tân, để được chữa lành, mà còn phải mặc lấy tinh thần tín thác, cậy trông, sống đức tin trong niềm vui tươi, hân hoan như anh chàng khiếm thị trong đoạn Tin Mừng hôm nay sau khi được sáng mắt sáng lòng. Cụ thể, đó là một đức tin chan chứa niềm hoan lạc, reo vui, cảm tạ Thiên Chúa vì biết bao ơn thánh được trao ban. Đó là một đức tin thấm đượm lòng can đảm, gan dạ, sẵn sàng trực diện với vô vàn cạm bẫy nơi dương gian này. Và đó cũng là một đức tin vững vàng, không lung lay hay đổi dời, chấp nhận thiệt thòi để sống chứng tá cho ánh sáng Tin Mừng giữa bóng đêm tội lỗi, giữa muôn vàn sa đoạ trần đời hôm nay.
Sau cùng, chúng ta cùng mượn lời Thánh Phao-lô Tông Đồ trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô (x. Ep 5, 8-14) mà thinh lặng nguyện cầu: “Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng, bởi vì hoa trái của sự sáng ở tại tất cả những gì là tốt lành, là công chính và chân thật. Anh em hãy nhận biết điều gì làm đẹp lòng Chúa, và đừng thông phần vào những việc con cái tối tăm không sinh lợi ích gì, nhưng phải tố cáo thì hơn. Vì chưng, việc chúng làm cách thầm kín, du có nói ra cũng phải hổ thẹn. Nhưng tất cả những việc người ta tố cáo, thì nhờ sự sáng mà được tỏ bày ra; vì mọi việc được tỏ bày, đều là sự sáng”. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

==============
Suy niệm 6
ĐÔI MẮ
T - CÁCH NHÌN - LỐI NGHĨ SUY

Kính thưa quý cộng đoàn Phụng Vụ! Không ít trong chúng ta được khen có đôi mắt đẹp, đôi mắt sáng, đôi mắt tinh tuyền, đôi mắt sành đời…Nhưng không mấy ai khen tặng những lời tốt đẹp cho người mù thể lý cũng như người mù về mặt thiêng liêng lại có đôi mắt sáng! Các bài đọc Phụng Vụ hôm nay ít nhiều đều nói tới đôi mắt và cách nhìn của Chúa, cũng như ánh mắt, lối nhìn - nghĩ suy của con người nói chung.
Khi Thiên Chúa mời gọi và chọn ai trong dân Is-ra-el thay mặt Ngài lãnh đạo, thì Ngài luôn nhắc nhở các tiên tri, đặc biệt tiên tri Sa-mu-el nơi bài đọc I “đừng nhìn xem diện mạo, vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi. Ta không xem xét theo kiểu của con người, vì chưng con người chỉ thấy điều mắt thấy, còn Thiên Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1Sm 1, 7). Quả thật ‘đôi mắt là cửa sổ tâm hồn’ như chúng ta đã từng nghe, nhưng khi xem xét, nhìn nhận sự việc hoặcngười khác, thì đôi mắt của chúng ta thường chỉ dừng lại bên ngoài cánh cửa ấy, và dường như bị hấp dẫn, bị tác động bởi dáng vẻ bên ngoài, quên đi việc bước vào tâm hồn ấy! Chính vì lối nhìn ấy nên ảnh hưởng đến cách nghĩ suy của chúng ta, và trông rất giống như các luật sỹ, biệt phái đã nói: “mày sinh ra trong tội mà mà dám dạy chúng ta ư?” (x. Ga 9, 34). Họ gán ghép và mặc định những ai bị khuyết tật, bị bệnh hoạn, bị tai nạn là do tội của họ hoặc tội của cha mẹ họ. Và đây cũng chính là vấn đề mà các môn đệ hỏi Chúa Giê-su ở đoạn đầu Phúc Âm hôm nay. Một cách khẳng khái, Ngài đã phá vỡ cách nhìn mặc định, chụp mũ của họ mà trả lời rõ ràng rằng: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha manh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (x. Ga 9, 3). Câu trả lời của Chúa Giê-su khiến chúng ta thật sự xem lại cách nhìn, lối suy nghĩ về những gì không may mắn, rủi ro, thậm chí những tai nạn xảy đến với chúng ta, với người thân trong cuộc đời này. Chẳng phải vì chúng ta bị phạm tội, hay ông bà tổ tiên cha mẹ chúng ta phạm tội sinh ra hậu quả chúng ta bị khuyết tật bẩm sinh, bị tai nạn…Một phần nào đó, nói theo khoa học, những gì bố mẹ làm (như lúc thời trai trẻ, họ dùng quá nhiều thức uống có cồn, dùng thuốc tránh thai, có lối sống không lành mạnh…) có thể ảnh hưởng đến hình hài con cái sau này, nhưng đó không phải là lí do để mặc định, quy chụp cho ai bị tật nguyền, thiểu năng bẩm sinh!
“…Nhưng chuyện đó xảy ra là để việc của Thiên Chúa được tỏ hiện” cụ thể khi Chúa Giê-su khẳng định “chính vì để luận xét mà Ta đã đến thế gian hầu những kẻ không xem thấy, thì được xem thấy, và những kẻ xem thấy, sẽ trở nên mù” (x. Ga 9, 39). Dường như có một điều nghịch lý ở đây! Chẳng phải cộng trạnghay vẻ bề ngoài ‘nam thanh nữ tú’ của anh chàng mù bẩm sinh này mà mắt anh được mở ra và trông thấy tường tận mọi vật, nhưngđúng hơn là nhờ vào lòng thương xót của Chúa Giê-su và đôi mắt đức tin của anh khi được diện đối diện với Đấng chữa lành, nên anh được trông thấy thật sự. Ngược lại, các người luật sỹ, biệt phái hằng ngày được chứng kiến, xem thấy tận mắt Chúa Giê-su là Đấng giàu lòng xót thương, chữa lành bệnh tật, giảng dạy cho dân chúng, nhưng giờ đây họ lại trở nên ‘mù’ (không xem thấy, không nhận biết) khi nghe lời chứng thật của anh mù bẩm sinh. Họ không chỉ mù về thể lý,mặc dù mắt họ to tròn, sáng tỏ, nhìn rõ mọi vật, mà còn mù về mặt tâm linh vì đôi mắt tâm hồn họ khép kín, đức tin họ đóng băng. Do đó, họ không tin nhận kể cả khi được đối diện với Chúa Giê-su, khi được chứng kiến tận mắt phép lạ mà Ngài chữa lành cho anh mù thời bình sinh. Vì thế, lời Chúa Giê-su đáp lại cho họ: “Nếu các ngươi mù, thì các ngươi đã không mắc tội; nhưng các ngươi nói chúng tôi xem thấy”, nên tội các ngươi vẫn còn” (Ga 9, 41).
Thật vậy, nếu chúng ta có được đôi mắt sáng về mặt thể lý thì xin cho cách nhìn, lối suy nghĩ của chúng ta cũng được sáng suốt qua những việc tốt lành, công chính và chân thật như Thánh Phao-lô nhắn gửi giáo đoàn Ê-phê-sô: “Anh em hãy ăn ở như con cái của sự sáng, bởi vì hoa trái của sự sáng ở lại tất cả những gì là tốt lành, là công chính và chân thật” (Ep 5, 8 - 9). Hơn nữa, nếu chúng ta được phúc có đôi mắt sáng về mặt thể lý, thì xin cho con mắt đức tin của chúng ta ngày càng sáng tỏ hầu nhận ra thánh ý, nhận biết Chúa qua các biến cố cuộc sống, nhìn thấy Chúa nơi anh chị em không chút thiên vị hay phân biệt hoặc định kiến, “anh em hãy nhận biết điều gì làm đẹp lòng Chúa, và đừng thông phần vào những việc con cái tối tăm không sinh lợi ích gì…” (x. Ep 5, 10 - 11). Và sau cùng, nếu đôi mắt thể lý hay con mắt đức tin chúng ta đang trong tình trạng ‘mù loà’ hay ‘ngủ mê’ hay ‘khép kín’, ảnh hưởng đến tầm nhìn, cách nhìn, lối nghĩ suy thì như lời răn bảo của Thánh Phao-lô, xin cho chúng ta can đảm trỗi dậy: “Tỉnh giấc đi hỡi người còn đang ngủ, từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào, Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi!” (Ep 5, 14).
Kính thưa cộng đoàn Phụng Vụ, giờ đây chúng ta cùng thành tâm dâng lên Chúa lời cầu nguyện:

          Cảm tạ Chúa ban cho con đôi mắt

          Để nhìn đời không một chút bợn nhơ

          Để nhận biết Thánh ý qua thời đại

          Hầu sẻ chia vui buồn trong cuộc đời.

          Xin gìn giữ ánh mắt con trong sáng

          Và lối nhìn, cách suy nghĩ của con

          Được tinh tuyền, chẳng vướng bận tăm tối

          Tỉnh cơn mê chìm trong ngày tháng qua. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng                  

===============
Suy niệm 7
Từ Nước đến Ánh Sáng
(Ga 9,1-41)
Chúa nhật  IV Mùa Chay vẫn quen gọi là Chúa Nhật Niềm Vui (Lætare). Vui vì toàn thể Hội Thánh đã đi được nửa chặng đường của Mùa Chay Thánh, đánh dấu nửa chặng đường sám hối của mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng, ăn chay, cầu nguyện và làm phúc. Tinh thần của Mùa Chay năm nay theo hướng dẫn của vị cha chung là Đức Giáo hoàng Phanxicô, cả Giáo Hội cùng nhau thực hành Khổ Chế Mùa Chay và Hành Trình Đồng Nghị. Nay Giáo hội tạm dừng để chuẩn bị tốt hơn niềm vui Phục Sinh, nghỉ để nhìn lại những gì ta đã làm trong ba tuần đầu của Mùa Chay, lấy thêm can đảm bước tiếp những chặng đường tới.
Laetare – Mừng vui lên
Từ lời ca nhập lễ, Thánh Vịnh, Tin Mừng đến Kinh Tiền Tụng Chúa nhật IV Mùa Chay đều diễn tả niềm vui ngập tràn và thiêng thánh. "Mừng vui lên, Giê-ru-sa-lem ! Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng mến yêu Thành ! Các bạn đang sầu khổ, nào hớn hở vui mừng và hân hoan tận hưởng, nguồn an ủi chứa chan." (Ca nhập lễ)  Hay lời của Thánh vịnh gia : "Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi : Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa. Vui lên nào…". " Nhờ mầu nhiệm nhập thể, Người dẫn đưa nhân loại đang lần bước trong u tối đến nguồn ánh sáng đức tin. Nhờ phép rửa mang lại đời sống mới, Người giải thoát những kẻ sinh ra đã mắc tội truyền, và nâng lên hàng nghĩa tử của Chúa… " (Kinh Tiền Tụng Chúa nhật IV Mùa Chay năm A).
Làm sao chúng ta không thể không vui không mừng được. Mừng vui lên, hỡi những người trước kia ở trong sầu khổ, " Cùng Giê-ru-sa-lem khấp khởi mừng… được Thành Ðô cho hưởng trọn nguồn an ủi, được thoả thích nếm mùi sung mãn vinh quang…đón nhận dồi dào ơn an ủi …" (Is 66,10-11). Giáo hội chúc mừng con cái mình đã hăng hái đi được nửa hành trình của Mùa Chay Thánh.
Từ Nước tới Ánh Sáng
Nếu gọi Chúa nhật trước là Chúa nhật Nước, thì thật hợp lý để khi gọi Chúa nhật này là Chúa nhật Ánh Sáng. “Hắn ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được” (Ga 9, 1). Từ Nước tới Ánh Sáng.
Khi đi ngang qua đường, thầy trò Giêsu thấy một người mù. Các môn đệ không màng chi đến bệnh khổ người mù mà nghĩ ngay đến tội nên hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội, anh này hay cha mẹ anh, khiến anh mù từ khi mới sinh?" Chúa Giêsu đáp: "Không phải anh cũng chẳng phải cha mẹ anh đã phạm tội, nhưng để công việc của Thiên Chúa tỏ ra nơi anh" (Ga 9,1-3). Chúa Giêsu tuyên bố : “Ta là sự sáng thế gian” (Ga 9,5). Nghĩa là không những Người là sự sáng nhưng còn là sự sáng thế gian, sự sáng đến trong thế gian. Việc Chúa Giêsu mở mắt người mù đã như ánh sáng bừng lên trước mặt mọi người. Đúng là: " Nhờ mầu nhiệm nhập thể, Người dẫn đưa nhân loại đang lần bước trong u tối đến nguồn ánh sáng đức tin… " (Kinh Tiền Tụng Chúa nhật IV Mùa Chay năm A).
Thấy anh mù bỗng được sáng mắt,ai cũng bàn tán hỏi nhau (x. Ga 9,8), chẳng làm sao hiểu được. Người ta phải đưa vấn đề trình lên các Biệt phái. Tòa làm việc nhộn nhịp, hỏi cung người mù, đòi chứng của cha mẹ anh ta, hỏi lại anh ta một lần nữa, nỗ lực vùi dập vụ này đi đúng như Gioan viết: “Ngài là sự Sống, và sự Sống là sự Sáng cho nhân loại. Và sự sáng rạng trong tối tăm, và tối tăm đã không triệt được sự sáng” (Ga 1,4-5). Sự sáng rạng trong tối tăm và tối tăm đã không triệt được sự sáng. Gioan muốn ám chỉ: Biệt phái đang mưu mô hại Chúa, nhưng họ sẽ thua. Cuộc tử nạn mà họ muốn Người phải chịu sẽ làm cho họ phải bẽ bàng vì biến cố Phục sinh. Chúa sống lại là đỉnh điểm của Mùa Chay Thánh.
Người mù bị các Biệt phái tống cổ ra ngoài. Hay tin, Chúa Giêsu đi tìm anh, ban cho anh ta được ơn nhận ra Người và thờ lạy Người. Còn các Biệt phái vì tự phụ là người sáng mắt, nên tội lỗi còn nguyên. Ðúng như lời Chúa nói: " Ta đã đến thế gian hầu những kẻ không xem thấy, thì được xem thấy, và những kẻ xem thấy, sẽ trở nên mù" (Ga 9,39).
Chúa Giêsu từ trời xuống thế, để cho phàm nhân được thấy Người và qua Người họ thấy Chúa Cha; chỉ có người mù mới không thể nhìn thấy Chúa. Người đã mở mắt người mù, để người mù thấy được Chúa Cha ở nơi Người. Người tự giới thiệu : " Ta là sự sáng thế gian" (Ga 9, 5) ; " Là ánh sáng  thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người." (Ga 1,9). Người chữa lành sự mù quáng của con mắt đức tin nơi những người không thấy để mà tin.
Anh mù cho biết, Chúa Giêsu làm cho anh sáng mắt bằng cách nhổ nước miếng trộn vào đất thành bùn rồi bôi vào mắt anh, bảo anh đi rửa, anh được sáng mắt làm cho chúng ta nhớ lại Ađam được Thiên Chúa sáng tạo với con mắt tinh tường, nhưng sau khi giao tiếp với con rắn xong, ông trở nên mù quáng (x. St 3, 1-7). Anh mù bẩm sinh vẫn ngồi… mà không xin bất kỳ một loại thuốc mỡ nào để chữa mắt mình... anh chỉ hết mù khi anh tin (x. Ga 9,1-41). Chúa Giêsu, Vị thầy thuốc cao tay đã nhìn thấy những đau khổ của người mù ngồi đó, bằng quyền năng Thiên Chúa, Người đã làm phép lạ cho người mù được thấy.
Ađam được Thiên Chúa dựng tạo dựng bằng đất sét, bùn ướt: " Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người" ( St 2, 7), nay chất liệu ấy được Chúa Giêsu dùng để chữa lành đôi mắt. Người đã phục hồi thị giác cho người mù từ khi mới sinh bằng nước bọt nhổ ra trộn vào đất, anh người mù nói : " Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt " (Ga 9,15). Người là quả là Ánh Sáng chiếu sáng thế gian và cho con người được nhìn thấy ánh sáng.
Người mù, sau khi được Chúa mở mắt cho, đã dần dần trở thành con người có giá trị đến nỗi xứng đáng được Chúa đi tìm để ban thêm ơn đức tin.
Mù lòa tinh thần – Tội lỗi làm chúng ta mù
Anh bị mù khiến anh lâm cảnh nghèo đói và phải sống  phụ thuộc vào người khác trong mọi sự. Tội lỗi cũng vậy: nó làm cho chúng ta trở nên nghèo hèn và cô lập chúng ta. Đó là chứng mù loà tinh thần, không cho chúng ta nhìn thấy những điều chính yếu, không cho chúng ta nhìn ngắm tình yêu là điều đem lại sự sống.
Thế giới hôm nay có biết bao cơn cám dỗ có sức làm mờ đục cái nhìn của tâm hồn khiến chúng ta trở nên cận thị! Thật dễ dàng và sai lầm biết bao khi tin rằng cuộc sống phụ thuộc vào những gì chúng ta có, vào những thành công hay sự ngưỡng mộ chúng ta đạt được; khi tin rằng nền kinh tế chỉ là lợi nhuận và tiêu thụ; rằng những ham muốn cá nhân phải vượt trên trách nhiệm xã hội! Khi chỉ nhìn vào mình, chúng ta sẽ trở nên mù loà, tàn lụi và co cụm vào chính mình, không có niềm vui và cũng chẳng có tự do thật.
Chúng ta hãy xin Chúa Giê su là Ánh Sáng thật chiếu soi trần thế mở mắt mù loài tội lỗi và tinh thần của chúng ta.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
==============
Suy niệm 8
Ánh Sáng Và Bóng Tối

1Sm 16,1b.6-7.10-13; Ep 5,8-14; Ga 9,1-41
Trình thuật Tin Mừng hôm nay diễn tiến giống như cuộc gặp gỡ Đấng cứu độ của người phụ nữ Samari. Điều hay ở đây là Đức Giêsu luôn đi bước trước trong tiến trình gặp gỡ. Anh mù này đâu biết tìm gặp Người để xin cứu chữa. Thầy trò đi ngang qua thì “nhìn thấy” anh, vậy là có chuyện.
Mở đầu câu chuyện của Thầy trò, các môn đệ hỏi Thầy anh bị mù là tại anh hay cha mẹ anh? Đức Giêsu vào bài giảng luôn và khẳng định Người là ánh sáng thế gian: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh... Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian”. (Ga 9, 3.5). Rồi Người bắt đầu chữa cho anh mù. Ca chữa lành hôm nay có vẻ kỳ quặc: Người nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn rồi xức vào mắt anh và bảo anh đến hồ Silôac mà rửa. Anh vâng lời đến đó rửa, về thì con mắt tối tăm từ nhỏ của anh tới giờ được bừng sáng.
Chuyện anh được sáng mắt làm xôn xao dư luận từ những người nhìn thấy anh. Anh bắt đầu tuyên xưng đức tin với họ, mặc dù chỉ mới biết Người là “ông Giêsu” và không biết Người ở đâu nữa. Khi vừa tuyên xưng, đức tin của anh đã gặp thử thách vì họ đem anh đến với người Pharisêu để tra vấn, làm nhóm Pharisêu cãi vã rồi đâm ra chia rẽ. Còn anh khi đức tin bị thử thách được tôi luyện lại mạnh hơn, anh càng được “sáng” hơn, anh tuyên xưng Người là vị ngôn sứ.
Chưa hết, người Do Thái không tin anh mù tịt từ bé giờ bỗng dưng khỏi hẳn nhờ ông Giêsu mà họ không tin, nên gọi cha mẹ anh đến để tra vấn. Không biết vì sợ hãi hay không, ông bà khôn ngoan trả lời: “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó”. (Ga 9,23). Sau cùng cùng họ lại lôi anh ta đến dạy rằng phải tôn vinh Thiên Chúa, còn họ biết ông Giêsu ấy là người tội lỗi. Anh lý luận với họ chắc chắn, anh phủ nhận điều ấy. Mắt tâm hồn anh càng được sáng tỏ, anh đơn sơ chọc họ: “Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng?” (Ga 9,27b). Họ tự ái phẫn nộ mắc nhiếc, chửi rủa rồi trục xuất anh sau cuộc chất vấn căng thẳng vì nhất quyết không tin.
Biết vậy, khi gặp anh, Đức Giêsu thẩm vấn lại và trả lời để anh rõ và tin Người: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.” (Ga 9, 37). Qua chuyện hấp dẫn, chất vấn sôi nổi của Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu chứng tỏ một thực tại nghịch lý trớ trêu: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử, cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” (Ga 9,30).
Hôm nay thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu Êphêsô cũng như mỗi chúng con: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là thánh thiện, công chính và chân thật. Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa. (Ep 5,8-10).
Lạy Chúa! Chúa thật là ánh sáng đã chiếu soi vào sự tăm tối cuộc đời của chúng con. Xin cho mỗi chúng con mùa chay thánh biết đến với Chúa, qua lời mời gọi của Chúa trong Lời Chúa, nơi các Bí tích, để chúng con từ trong tăm tối bước vào nguồn ánh sáng cứu độ của Chúa. Trong ánh sáng diệu kỳ của Chúa, đức tin của chúng con sẽ vượt qua thử thách mà vững mạnh giữa bao sóng gió thế trần.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log