Chúa nhật, 26/01/2025

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật Lễ Lá năm A

Cập nhật lúc 14:35 30/03/2023
Suy niệm 1
Mt 27, 11 – 54
Đức Giê su bị kết án tử hình. Đây là vụ án được dư luận quốc tế đánh giá là vụ án bỉ ổi nhất của ngành tư pháp quốc tế. Phitato là chánh án khẳng định Đức Giê su vô tội, thế nhưng ông lại trao bên bị vô tội cho bên nguyên đem đi đóng đinh, đồng thời ông lại lấy nước rửa tay và tuyên bố mình vô tội. Tại sao vậy?
Tự thâm tâm, tổng trấn Philato muốn tha Đức Giê su là bị cáo vô tội. Ông tìm mọi cách để tha, nhưng ông không thành công. Trước hết ông cho lính đánh Đức Giê su một trận đòn te tua. Ông tưởng là như thế đủ để người Do Thái hả giận. Ông dẫn Chúa ra trước đám quần chúng Do Thái đang tập trung ở công dinh. Ông mỉa mai rằng: “Đây là Người”. Nghĩa là không còn hình dáng một người nữa. Tưởng rằng người Do Thái hả giận, ai ngờ họ vẫn cứ la lên “đóng đinh nó vào khổ giá”. Philato chịu thua. Một điều nữa làm lương tâm ông Philato bị ray rứt, đó là người Do Thái hăm dọa: “Nếu ông tha nó, thì chúng tôi sẽ làm đơn thưa ông tới tận Roma.” Dân thuộc địa mà tố cáo tổng trấn đồng lõa với người phản động, thì một là ông bị án tử hình; hai là bị lưu đày. Cái nào cũng là chết và như chết.
Đang lúng túng như thế, thì tổng trấn Philato lại vướng thêm một cái khó thứ hai. Đó là bà vợ cho người ra nói với ông: “Ông đừng nhúng tay vào vụ án người công chính này, vì đêm hôm qua tôi chiêm bao tôi chịu khổ vì ông này.”
Thế mới khổ. Tha Chúa, vì Chúa là bị cáo oan, thì sẽ bị người Do Thái tố cáo ngược với hoàng đế Roma. Nếu nghe người Do Thái kết án tử hình cho Chúa, thì sẽ bị bà vợ đay nghiến suốt đời.
May quá người Do Thái gỡ bí cho tổng trấn Philato bằng câu nói tuyệt vời sau đây: “Máu nó đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi, thì chúng tôi xin lãnh hết. Ông khỏi lo.” Philato mừng quá, lấy nước rửa tay và tuyên bố: Tôi vô tội trong vụ đổ máu này.” Thế là Philato trao Đức Giê su cho người Do Thái đem đi đóng đinh. Nếu bà vợ có đay nghiến ông, thì ông chỉ cần nói một câu là xong: “Người Do Thái đã thề là họ xin lãnh hết hậu quả do vụ án này mà.”
Đức Giê su bị đóng đinh vào lúc 12 giờ trưa và tắt thở vào lúc 3 giờ chiều. Quằn quại trên cây khổ giá suốt ba tiếng đồng hồ.
Điều làm cho những lý hình ngỡ ngàn, đó là tên tử tội nào trước khi chết, cũng gào thét lên để chửi trời, chửi đời, chửi bọn lý hình, chửi cả cha mẹ đấng sinh thành. Còn Đức Giê su thì tuyệt nhiên là không. Khi người Do Thái vẫn còn nắm tay thách thức “Nếu mày là Con Thiên Chúa, thì hãy nhảy xuống đi, chúng tao sẽ tin mày”. Đức Giê su vẫn một niềm cầu nguyện “Lạy cha, xin tha cho họ.” Chính vì thế mà dự luận quốc tế gọi cái chết của Chúa là cái chết đẹp nhất của lịch sử loài người. Với loài người là tha thứ, còn với Chúa Cha thì tha thiết phú thác: “Lạy Cha, Con xin phú thác hồn con trong tay Cha.”
Cái chết của Chúa chúng ta là thế: không hề than trách Chúa Cha, không hề chấp nhất bọn người độc ác. Với trời thì phú thác. Với người thì yêu thương và tha thứ. Mong rằng cái chết của Chúa là một bài học vĩ đại cho mọi người chúng ta.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 2
SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC GIÊSU
Mt 26, 14-27, 66
Với Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta bước vào Tuần Thánh, là tuần quan trọng nhất trong năm Phụng vụ. Trong tuần thánh, chúng ta chứng kiến những giây phút cuối đời trần thế của Chúa Giêsu, và cử hành cuộc thương khó của Ngài là nguồn ơn cứu độ cho nhân loại chúng ta. Cũng như dân Do Thái xưa, chúng ta cầm cành lá trên tay để đón mừng Chúa như vị Vua hòa bình của thế giới. Nhưng qua bài Thương Khó, chúng ta lại thấy bao nhiêu tội lỗi nhân loại của chúng ta trút lên mình Chúa. Ngài tự gánh hết những tội tình của thế nhân, và muốn rửa sạch hết những tội ác của con người trong cái chết và sự phục sinh của Ngài.
Vì thế, khi nghe kể lại cuộc thương khó và khổ nạn của Chúa Giêsu, ta không thể nghe như nghe những câu chuyện lịch sử khác, nhưng nghe như một thiên tình sử muôn đời của Thiên Chúa gắn liền với cuộc đời của chúng ta. Chúng ta hãy làm sống lại thiên tình sử đó trong chính cuộc đời mình, cảm nhận từ chính tâm hồn mình, nói một cách khác là nội tâm hóa biến cố đau thương và tử nạn của Chúa Giêsu.
Qua bài Thương Khó, ta cần khám phá ra con người mình qua cách hành xử của Philatô, Hêrôđê, Phêrô, Giuđa, các thượng tế, khách qua đường… nghĩa là thấy mình cũng không tránh khỏi những tội phạm tương tự như họ: gian dối, phản bội, ích kỷ, cao ngạo, làm chứng gian, hiềm thù, ghen ghét, độc ác…Vì những tội lỗi đó mà dung nhan của Chúa Giêsu nơi chúng ta bị bầm dập, tồi tàn, đến nỗi người ta không còn nhận ra hình dạng của Chúa trong đời sống của mình.
Phải thấy được tất cả những điều đó qua mọi hành vi và thái độ sống của chúng ta đối với Chúa và tha nhân. Nhờ đó, gợi lên trong ta tâm tình sám hối sâu xa để làm một bước chuyển hóa, bằng cách dám chết đi cho tội lỗi để khơi sáng lại dung nhan Chúa Giêsu trong trái tim và trên khuôn mặt của mình. Không có sự thao thức và niềm khao khát này, tâm hồn ta vẫn trơ trọi, chai lì, dù có qua bao nhiêu tuần thánh nữa cũng vậy thôi, và điều đáng sợ là có thể mất đi cơ hội ngàn đời. 
Mở đầu cuộc thương khó là việc nhà cầm quyền Do Thái tìm cách bắt Đức Giêsu. May mắn cho họ là có sự tiếp tay của Giuđa. Không biết động cơ nào đã thúc đẩy anh làm một việc tầy trời, là tìm cách nộp Thầy cho các thượng tế. Anh ta là một trong nhóm Mười Hai, được Thầy Giêsu tuyển chọn giữa bao nhiêu người, và anh cũng đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Thầy. Thời gian ba năm tuy không dài, nhưng đậm đà tình nghĩa Thầy trò với những sướng khổ, vui buồn trên đường loan báo Tin Mừng, đủ để cho anh nhận ra vai trò và sứ mạng từ trời của Thầy, với những bài giảng cuốn hút, nhất là anh đã chứng kiến những phép lạ lớn lao. Tại sao bỗng chốc lại trở nên tan tác?
Phải chăng vì ham tiền mà Giuđa tìm cách bán Thầy mình? Dù sao thì biến cố xức dầu tại Bêtania, Gioan đã nhận định về Giuđa rằng: y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung”. Nhưng bán Thầy chỉ có ba mươi đồng thì có nghĩa gì đâu. Phải chăng Giuđa có một âm mưu gì lớn lao chứ không thể ti tiện như thế? Người ta nghi anh thuộc phái Zêlốt, nhóm ái quốc cực đoan, luôn tìm cách nổi dậy để đánh đuổi quân Rôma, giành lại độc lập cho Palestin. Chính vì biết Thầy có một quyền lực siêu phàm, nên anh muốn đặt Thầy trong trường hợp đã rồi, để Thầy không còn đường nào khác hơn, là phải ra tay hành động để làm cuộc cách mạng như anh đã dự trù. Nhưng rồi anh đã sửng sốt khi thấy mọi sự ngoài dự định của mình. Thầy đưa tay chịu nộp chứ không ra tay hành động.
Đức Giêsu đã đoán trước được sự việc. Trong bữa tiệc ly, Ngài nhắc khéo anh đến ba lần, để anh kịp thời tỉnh ngộ. Nhưng anh đã mê man trong thế trận mà mình đã bày ra, không ngờ kẻ sa lưới lại là anh. Dù đã đan tâm phản bội Thầy, đưa Thầy vào chỗ chết, nhưng anh ta vẫn sốt sắng tham dự trọn vẹn Bí Tích Thánh Thể mà Thầy vừa thiết lập, là chính thực tại của mầu nhiệm cứu chuộc mà Đức Giêsu sẽ thực hiện trọn vẹn bằng sự hiến tế trên thập giá. “Ðã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người”.
Có ai ngờ người đồng bàn thân thiết với Thầy lại là kẻ phản bội. Đúng như lời Thánh vịnh: “Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con!” (41,10). Dù đã là môn đệ Chúa, đang trên bước đường theo Chúa, vẫn ở bên Chúa, vẫn chia sẻ một bàn tiệc với Chúa trong Thánh Lễ, nhưng coi chừng tâm ý ta đã khác, đức tin đã phai, tình mến đã nhạt. Đó cũng là điều gây thương tổn nặng nề cho trái tim Đức Giêsu, Đấng cứu độ ta.  
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Đối diện với Thập giá Chúa,
con thấy mọi loang lổ của tâm hồn,
đều được phơi bày trên thân xác Chúa,

Con kiêu căng nên Chúa phải bị treo.
Con ích kỷ nên Chúa chẳng còn gì.         
Con lãnh đạm nên Chúa bị bỏ rơi.          
Con no thỏa nên Chúa đành đói khát.
Con ham muốn nên Chúa phải trần truồng.
Con hà tiện nên Chúa chịu oan khiên.
Con lười biếng nên Chúa phải ưu phiền.
Con ghen ghét nên Chúa bị đâm thâu.
Con gian dối nên Chúa đội mão gai.
Con buông thả nên Chúa bị nhục mạ.
Con xa hoa nên Chúa chịu đóng đinh.
Con tham lam nên Chúa chịu hành hình.
Con hận thù nên Chúa chết điêu linh...

Tội con không thể nào mà nói hết,
con có chết bao lần cũng không xong,
nhưng rồi Chúa đã chết cho con sống,
cho thế nhân niềm tin yêu hy vọng,
cho những ai lòng sám hối cậy trông,
được vượt qua khỏi cảnh đời tang tóc..

Xin xóa tội con theo lượng cả đức từ bi.
Xin cứu vớt con khỏi sa vòng lâm lụy.
Ôi Thập giá Chúa mãi mãi đáng yêu vì!
tay chắp gối quỳ lòng con mãi niệm suy. Amen.
Lm. Thái Nguyên
=================
Suy niệm 3
CON ĐƯỜNG VINH QUANG NGANG QUA THẬP GIÁ
- KIỆU LÁ: Mt 21,1-11
- THÁNH LỄ: Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 27,11-54
I. HỌC LỜI CHÚA
1A. TIN MỪNG KIỆU LÁ: Mt 21,1-11
(1) Khi thầy trò đến gần thành Giê-ru-sa-lem và tới làng Bết-pha-ghê, phía núi Ô-liu, Đức Giê-su sai hai môn đệ (2) và bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia, và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh. Các anh tháo dây ra và dắt về cho Thầy. (3) Nếu có ai nói gì với các anh, thì trả lời là Chúa cần đến chúng. Người sẽ gởi lại ngay. (4) Sự việc đó xảy ra như thế để ứng nghiệm lời ngôn sứ: (5) Hãy bảo thiếu nữ Xi-on: Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ”. (6) Các môn đệ ra đi và làm theo lời Đức Giê-su đã truyền.  (7) Các ông dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giê-su cỡi lên: (8) Một đám người rất đông lấy áo mình trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi. (9) Đám đông, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô Con vua Đa-vít ! Chúa tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời”. (10) Khi Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: “Ông này là ai vậy ?” (11) Đám đông trả lời: “Ngôn sứ Giê-su, người Na-da-rét, xứ Ga-li-lê đấy”.
1B. TIN MỪNG TRONG THÁNH LỄ: Mt 27,11-54
2. Ý CHÍNH PHỤNG VỤ CN LỄ LÁ:
Phụng vụ CN Lễ Lá gồm hai phần:
- Phần đầu lễ, bài Tin Mừng diễn tả cuộc khải hoàn của Đức Giê-su như một ông vua ngồi trên lưng lừa khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem, giữa những tiếng hoan hô tưng bừng của mọi người: ” Hoan hô con Vua Đa-vít ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời”.
- Nhưng rồi đến bài Tin mừng trong thánh lễ thuật lại buổi xử án Đức Giê-su và cuộc khổ hình của Người, khi phải vác cây thập giá lên Núi Sọ, chịu đóng đinh giữa hai tên trộm cướp như một kẻ tội đồ. Người vô tội nhưng đã chịu hình phạt thập giá đau thương nhục nhã của một tử tội để đền tội thay cho mọi người chúng ta.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-6: + Thầy trò đến gần Giê-ru-sa-lem: Theo Tin Mừng Gio-an (x Ga 12,1), sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su tới Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem khỏang gần 3 cây số vào buổi chiều, và thầy trò đã đến ở trọ qua đêm tại Bê-ta-ni-a trong nhà ba chị em Mác-ta Ma-ri-a và La-da-rô. + Tới làng Bết-pha-ghê: Giữa Bê-ta-ni-a và Giê-ru-sa-lem có làng Bết-pha-ghê, nằm dưới chân núi Ô-liu về phía Đông. + Sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó…: Câu này nói lên tính siêu việt nơi con người Đức Giê-su: Ngài có cái nhìn thấu suốt không gian thời gian, thấu suốt tâm can con người (x. Mt 9,4; Lc 7,39-40). + Một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh: Chỉ Tin Mừng Mát-thêu mới nói đến con vật là lừa mẹ và lừa con. Còn ba Tin Mừng kia chỉ nói đến một con lừa tơ chưa một lần sử dụng, như dành riêng cho công việc linh thánh này. + “Chúa cần đến chúng”: Chủ lừa chắc là chỗ quen biết trước nên Đức Giê-su căn dặn môn đệ trả lời như vậy. Từ “Chúa” ở đây ám chỉ ông chủ lừa này đã tin Người là Đấng Thiên Sai.
- C 7-9: + Một đám người rất đông lấy áo mình trải xuống mặt đường: Dân chúng ở đây phần lớn là những người từ xứ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua. Họ nghỉ trong các quán trọ trên đường vào Thành, hoặc tạm trú trên sườn núi Cây Dầu. Những người này phấn khởi ra đón vị Vua Thiên Sai mà họ hy vọng sẽ giúp họ chống lại ách thống trị của ngoại bang. Họ lấy áo lót đường và chặt cành cây Ô-liu trải trên lối đi để bày tỏ lòng trọng kính Đức Giê-su như một vị Vua Thiên Sai theo phong tục Cận Đông thời bấy giờ. + Con vua Đa-vít: Dân chúng đã tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, là “Con Vua Đa-vít” khi họ thấy Người làm cho hai người mù được sáng mắt (x. Mt 20,30), và truyền cho La-da-rô chết bốn ngày sống lại (x. Ga 11,45). Đó là dấu chỉ thời đại Thiên Sai đã bắt đầu (x. Is 29,18-19; 25,7-9). + Hoan hô: Dân chúng nô nức theo sau và phấn khởi hoan hô Người bằng lời hoan hô được ghi trong Thánh Vịnh 118 (x. Tv 118,25-26).
4. HỎI ĐÁP:
- HỎI 1: Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem mấy lần trong đời của Người ?
ĐÁP: Đọc Tin Mừng Mát-thêu, ta có cảm tưởng Đức Giê-su chỉ lên Giê-ru-sa-lem một lần duy nhất trong cuộc sống trần gian. Nhưng thực ra, Người đã lên Đền thờ ít là 5 lần quan trọng: Lần 1 khi mới sinh được 40 ngày (x. Lc 2,22-24). Lần 2 năm 12 tuổi, trẻ Giê-su theo cha mẹ lên Đền thờ (x. Lc 2,42). Lần 3,4,5: Trong gần 3 năm rao giảng Tin Mừng, mỗi năm Đức Giê-su đều lên Đền thờ dự lễ Vượt Qua (x. Ga 2,13; 5,1; 12,12), và vào nhiều lễ khác (x. Ga 7,10.14; 10,22-23).
- HỎI 2: Tại sao Người không cưỡi ngựa mà lại dùng lừa ?
ĐÁP: Đức Giê-su ngồi trên lừa con chưa mang ách và chưa ai cưỡi cho thấy Người là Đấng Thiên Sai. Vì lừa mẹ ám chỉ dân Do thái đã từng mang ách của Luật Mô-sê (x. Cv 15,10), còn lừa con ám chỉ dân ngoại chưa từng mang ách, giờ đây sẽ được mang ách êm ái và gánh nhẹ nhàng của Đức Ki-tô (x. Mt 11,29-30). Người cưỡi trên mình lừa thay ngựa để nói lên sự khiêm tốn và hiếu hòa của Vua Thiên Sai. Bên Do thái, các bậc vua chúa quan quyền thường dùng lừa thay vì dùng ngựa. Như hoàng tử Áp-sa-lon đã chết thảm khi đang cưỡi lừa (x. 2 Sm 18,9).
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa” (Mt 21,5).
2. CÂU CHUYỆN:
1) ĐÁP LẠI TÌNH THƯƠNG TỘT ĐỈNH CỦA CHÚA GIÊ-SU:
Vào một ngày Chúa Nhật nọ, BOB lái xe đưa vợ đi mua sắm một số đồ cần dùng. Hai vợ chồng bàn nhau vào một tiệm cầm đồ bình dân để tìm mua hàng rẻ. Bà chủ tiệm chỉ cho họ một số hàng quá hạn cần thanh lý. Bà vợ của BOB cầm lên xem một cây Thánh giá đã cũ, rồi ghé tai chồng nói nhỏ: “Đây là cây Thánh giá bằng bạc đắt tiền mà sao bà chủ tiệm lại để giữa các món hàng rẻ tiền này ?” Sau đó, hai vợ chồng đã mua được cây Thánh giá ấy với giá chỉ một đôla ! Về đến nhà, BOB liền mang cây Thánh giá ra lau chùi sạch sẽ. Một lát sau, cây Thánh giá cũ kia đã trở nên bóng lộn và giá trị đã tăng lên cả trăm đôla ! Rồi BOB trân trọng đặt cây Thánh giá kia lên bàn. Sau đó cậu con trai của BOB đi học giáo lý về. Cậu chăm chú nhìn cây Thánh giá và tự nhiên hai giọt nước mắt từ từ lăn trên gò má. BOB rất ngạc nhiên trước thái độ của con trai và hỏi cậu nguyên nhân tại sao khóc như thế ? Bấy giờ cậu bé trả lời như sau: “Thưa ba, hôm nay ở nhà thờ con học giáo lý về cây Thánh giá của Chúa Giê-su. Con biết Chúa Giê-su vì yêu thương nhân loại, nên đã sẵn lòng chịu chết trên cây Thánh giá, để đền tội thay cho chúng ta. Vì thế khi nhìn thấy cây Thánh giá này, con liền nghĩ đến tình thưong của Chúa thật quá lớn lao, và dù con đã cố kìm nén lại mà tự nhiên nước mắt cứ chảy ra !”.
2) MỖI NGƯỜI ĐỀU GÓP PHẦN VÀO VIỆC ĐÓNG ĐINH CHÚA GIÊ-SU:
Danh hoạ Rembrandt, người Hoà Lan, sống vào thế kỷ 17, đã để lại nhiều bức tranh nổi tiếng, trong đó nổi tiếng nhất là bức tranh "Ba cây thập giá".
Chiêm ngưỡng tác phẩm, hầu như ai cũng chú ý vào ba cây thập giá ở trung tâm: giữa hai cây thập giá của hai tên gian phi, thập giá của Chúa Giê-su đã nổi bật. Dưới chân thập giá là một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ sự hận thù ganh ghét... tác giả như muốn nói rằng: mọi người đều góp phần vào việc đóng đinh Chúa Giê-su trên cây thập giá.
Khi quan sát đám đông, người ta thấy một gương mặt dường như bị mất hút trong bóng tối, nhưng chỉ cần một vài nét cũng đủ để các nhà chuyên môn nhận ra đó là khuôn mặt của danh hoạ Rembrandt là tác giả bức tranh.
Tại sao giữa đám đông đằng đằng sát khí muốn thảm sát Chúa Giê-su, mà Rembrandt lại chèn thêm khuôn mặt của mình vào ? Câu trả lời duy nhất có lẽ là do ông đã ý thức về tội lỗi của mình. Rembrandt như muốn thú nhận chính ông khi phạm tội cũng đã gián tiếp hành hình và treo Chúa Giê-su trên cây thập giá.
3) TÌNH YÊU CỦA CHÚA TRỔI VƯỢT HƠN TÌNH YÊU CỦA NGƯỜI PHÀM:
Môn đệ của một vị đạo sĩ kia muốn từ bỏ thế gian, nhưng anh ta xem ra còn quyến luyến với tình cảm gia đình nên nói với đạo sĩ: "Vợ con của con rất thương yêu con, nên chắc sẽ không bằng lòng cho con thoát tục theo thầy đâu".
Nghe vậy, vị đạo sĩ muốn chứng minh cho anh chàng biết sự thật nên đã dạy cho anh một kỹ năng chết giả. Sau khi thực tập thuần thục, vị đạo sĩ bảo anh hãy về nhà áp dụng kỹ thuật chết giả này. Quả thật, anh ta đã áp dụng tuyệt vời bài học chết giả bằng việc nhắm mắt xuôi tay và ngừng thở, nhưng vẫn có thể nghe được tiếng khóc than của vợ con và người thân trong gia đình.
Ngày hôm sau, vị đạo sĩ đến để phân ưu cùng tang quyến. Sau giây phút tưởng niệm người quá cố, ông bảo với vợ con đang khóc thương người mới qua đời như sau: "Tôi có bí quyết để cứu sống người này, nếu có ai sẵn lòng chết thay thì anh ta sẽ sống lại".
Bấy giờ anh chàng giả chết rất ngạc nhiên khi nghe từng người trong gia đình anh nêu ra các lý do để từ chối chết thay anh. Sau cùng anh lại càng ngạc nhiên hơn nữa khi nghe chính người vợ nghĩa thiết của anh đã tóm lại quyết định của mọi người trong gia đình như sau: "Tôi nghĩ là không ai đồng ý chết thay cho chồng tôi đâu. Thực ra dù không có anh ta, thì chúng tôi vẫn có thể sống được ! ".
4. LOÀI NGƯỜI LUẬN TỘI THIÊN CHÚA:
Tôi có một giấc mơ. Tôi mơ thấy ngày tận thế. Hàng tỉ tỉ người tập trung tại một cánh đồng rộng lớn trước toà Thiên Chúa để chờ Ngài xét xử. Nhiều người sợ hãi. Nhưng nhiều người khác lại nổi giận.
Một phụ nữ nói : “Sao Chúa có thể xét xử chúng tôi được ? Ngài có biết gì về đau khổ đâu ! Chúng tôi đã phải chịu khủng bố, đánh đập, tra tấn và giết chết.” Vừa nói bà vừa vạch tay áo cho thấy một con số do một trại tập trung Đức quốc xã xâm vào cánh tay bà.
Tiếp theo, một người đàn ông da đen cúi đầu xuống, để lộ một sợi dây thừng đang quấn quanh cổ ông : “Tôi đã bị buộc cổ như thế này chỉ vì tội làm người da đen, bị rứt khỏi những người thân yêu, rồi bị dẫn xuống chiếc tàu chật cứng như nêm, bị bán làm nô lệ, làm việc nặng nhọc cho đến chết”.
Sau đó, một cô gái với dòng chữ “con hoang” khắc trên trán lên tiếng : “Tôi phải chịu đựng sự sỉ nhục này vượt sức… vượt sức…”. Cô nghẹn ngào không nói tiếp được.
Nhiều tiếng nói khác tiếp theo… Mọi người đều trách Chúa vì những khổ đau họ đã gánh chịu khi còn sống. Ngài sung sướng quá vì cứ sống ở trên trời chỉ toàn ngọt ngào và sáng láng, chẳng hề có một chút mồ hôi, nước mắt, đói khát, sợ hãi, hận thù. Bởi vậy Ngài có biết gì về những nỗi khổ của loài người đâu !
Thế rồi họ nhất trí bắt Ngài phải xuống sống ở trần gian. Tuy nhiên phải làm sao cho Ngài sống y như một người thường để không ai biết Ngài là Thiên Chúa, và cũng không cho Ngài được sử dụng quyền phép Thiên Chúa của Ngài. Rất nhiều góp ý được đưa ra :
– Hãy cho Ngài trở thành một tên Do thái.
– Làm sao để người ta nghĩ Ngài là một đứa con hoang, để không ai biết Cha thật của Ngài là ai.
– Ngài phải làm việc bận rộn đến nỗi bà con Ngài tưởng Ngài bị mất trí.
– Ngài phải nếm nỗi đau bị những người bạn thân nhất phản bội.
– Ngài phải bị đưa ra toà án để phải chịu quan tòa luận tội cách bất công.
– Ngài phải bị kết án là một tay lừa đảo và bị xử tử ô nhục trên cây thập tự.
– Trước khi chết, Ngài còn phải nếm mùi bị tra tấn và lăng nhục.
– Cuối cùng phải cho Ngài nếm mùi chết cô đơn và bị người thân bỏ rơi khủng khiếp đến mức nào.
Lời góp ý cuối cùng đưa ra xong, mọi người im lặng… Và bỗng nhiên họ nhận ra rằng chính Chúa đã thi hành bản án ấy từ lâu ! (Flor McCarthy)
3. SUY NIỆM:
1) ĐẠO CÔNG GIÁO LÀ CON ĐƯỜNG VINH QUANG QUA THẬP GIÁ:
Người tín hữu là người chấp nhận đi trên Con Đường của Chúa Giê-su: Là đòi phải bỏ đi ý riêng của mình để vâng theo ý Thiên Chúa muốn như lời cầu của Chúa Giê-su với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu được, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng đừng theo ý con mà xin vâng ý Cha”, và như Người đã dạy các môn đệ: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi”.  Mỗi người tín hữu chúng ta cần ý thức rằng: Ai đi Con Đường Giê-su sẽ không được dừng lại lúc Chúa khải hoàn vào thành Giêrusalem với cành lá, quần áo trải thảm trên đường, và đám đông hoan hô… nhưng phải trung thành theo Chúa trên đường thập giá, kết thúc trên Núi Sọ, chịu chết ô nhục giữa hai tên trộm cướp như một kẻ đại gian đại ác.
- Trên đường lên Giê-ru-sa-lem mọi người đều đi theo Chúa và đều là môn đệ của Chúa. Nhưng trên đường lên Núi Sọ thì chỉ còn ít người đi theo Chúa. Có những người đã phản nộp Thầy như Giu-đa, có người chối bỏ Thầy như Phê-rô. Còn những môn đệ  còn lại thì đều hèn nhát bỏ Thầy mà chạy trốn…
2) TÔN VINH CHÚA GIÊ-SU LÀ VUA THIÊN SAI:
- Bài Tin Mừng khi rước lá thuật lại việc Đức Giê-su khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem như một vị Vua Thiên Sai, được dân chúng theo sau hoan hô như đón mừng một ông vua khải hoàn vào thành, hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Gia-ca-ri-a. Vào thời Đức Giê-su, nhiều người Do thái đang chờ mong Đấng Thiên Sai đến để lãnh đạo dân đánh đuổi quân Rô-ma ra khỏi bờ cõi Do thái và thiết lập một Triều Đại Mới, giống như triều đại của vua Đa-vít và vua Sa-lô-mon xưa. Nhưng thực ra sứ mệnh cứu thế của Đức Giê-su không phải như dân Do thái đang trông đợi. Người là Đấng Thiên Sai nhưng là ông Vua “Mục Tử tốt lành, hiền hậu và khiêm nhường”. Người đã xưng mình là Vua trước mặt quan Tổng Trấn Phi-la-tô, khi hai tay đang bị trói, thân thể bị đòn đánh tan nát; khi phải đứng trước tòa án như một tội nhân. Danh hiệu Vua của Chúa Giê-su được ghi bằng dòng chữ viết tắt “INRI” gắn trên cây thập giá, nghĩa là: “Giê-su Na-da-rét Vua dân Do thái”.
- Đức Giê-su chính là Vua nhưng không phải như một ông Vua trần tục, đòi được người khác hầu hạ, nhưng là ông Vua Mục Tử Tốt Lành, hiền hậu và khiêm nhường:
+ Là Vua Mục Tử: Người biết rõ đàn chiên, yêu thương mọi con chiên và chăm sóc từng con, nhất là sẵn sàng đi tìm những con đi hoang, băng bó những con bị thương tích, âu yếm và vác chúng trên vai mà đưa về đàn. Ngày nay Người yêu thương đàn chiên Hội Thánh và yêu đến tột cùng, khi thiết lập bí tích Thánh Thể để ở với Hội Thánh mọi ngày và trở nên lương thực thần linh nuôi dưỡng Hội Thánh. Người cũng nêu gương khiêm nhường cho chúng ta, và mời gọi chúng ta hãy học nơi Người sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng.
+ Là Vua Hòa Bình: Người không ngồi trên ngựa chiến uy quyền khải hoàn vào thành thánh Giê-ru-sa-lem, nhưng khiêm tốn ngồi trên con lừa. Người đến không để kết án và trừng phạt tội nhân, nhưng để yêu thương, tha thứ cho những tội nhân thực lòng sám hối ăn năn như tha tội người trộm lành trên cây thập tự. Người là Vua Mục Tử bảo vệ đàn chiên và sẵn sàng chịu chết để cho chiên được sống và sống dồi dào.
Còn chúng ta hôm nay sẽ làm gì để đáp lại tình thương vô biên của Vua Giê-su ?
3) ĐÁP LẠI TÌNH THƯƠNG CỨU ĐỘ CỦA VUA GIÊ-SU:
Một số việc các tín hữu chúng ta cầm thực hiện để trở thành môn đệ của Chúa Giê-su và xứng đáng được Chúa Cha đón nhận vào Nước Trời đời sau:
+ Siêng năng cầu nguyện: Lý do Tông đồ Phê-rô sa ngã và hèn nhát chối Thầy ba lần là vì quá tự tin vào sức riêng hơn tin cậy vào ơn Chúa, đã ăn uống no say và không theo lời Thầy dạy:” Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”.
+ Luôn vâng theo thánh ý Chúa Cha : Khi gặp rủi ro, bệnh tật và những điều trái ý cực lòng, chúng ta hãy xin vâng theo ý Chúa Cha. Tránh đi coi bói toán, tin vào bùa phép và các thứ mê tín khác… Hãy xin Chúa thêm sức mạnh giúp chúng ta chấp nhận những đau khổ không thể tránh khỏi, coi đau khổ gặp phải như phương thế để đền tội mình và góp phần cứu rỗi anh em.
+ Tránh cố tình phạm tội như Giu-đa, vì sẽ bị phạt chung số phận với ma quỷ như lời Chúa phán: “Khốn cho kẻ nộp Con Người. Thà nó đừng sinh ra thì hơn”.
+ Sẵn sàng tha thứ cho những kẻ có lỗi với mình như lời kinh Lạy Cha, noi gương Chúa Giê-su đã tha thứ cho Phê-rô sau khi ông chối Thầy ba lần; Hãy năng cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ làm hại mình noi gương Chúa Giê-su đã xin Cha tha cho những kẻ làm khốn mình. 
+ Luôn giữ bình tĩnh và dùng tình thương để hoán cải kẻ thù, noi gương Chúa Giê-su đã ứng xử với Giu-đa khi anh ta hôn mặt để nộp Người cho kẻ thù.
+ Kiên nhẫn chịu đựng khi bị khích bác, noi gương Chúa Giê-su đã im lặng chịu đựng trước những lời hò hét đả đảo của đám đông cuồng nộ.
+ Thực lòng sám hối và tin yêu Chúa noi gương kẻ trộm lành trên cây thập tự khi trách bạn: “Mi chịu cùng một án, mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao ? Phần chúng ta, bị như thế này là đích đáng, vì xứng với tội ta đã làm. Còn ông Giê-su này đâu có làm điều gì xấu ?” và cầu xin Chúa Giê-su: “Lạy ông Giê-su. Khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi cùng”. Chúa Giê-su đã lập tức tha tội và ban ơn cứu độ cho anh khi phán: “Ta bảo thật. Ngay hôm nay anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với Ta”.
+ Quyết tâm loại trừ tính ganh ghét: Sau cùng, mỗi người chúng ta hãy quyết tâm loại trừ tính ganh ghét những ai hơn mình, để tránh phạm thêm tội ác khác như các đầu mục Do Thái xưa đã ganh ghét và giết hại Chúa Giê-su.
4. THẢO LUẬN:
Trước đau khổ thập giá gặp phải do bản thân, người khác và do hoàn cảnh tự nhiên gây ra, chúng ta phải ứng xử thế nào để thể hiện đức tin vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa noi gương Đức Giê-su ?
5.  NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Trong những ngày Tuần Thánh này:
Vì Chúa đã lấy thịt mình mà nuôi dưỡng chúng con, xin giúp chúng con năng nhớ đến những người nghèo khó gần bên để nhường cơm xẻ áo cho họ.
Vì Chúa đã xao xuyến buồn sầu trong vườn Cây Dầu, xin giúp chúng con sẵn lòng chấp nhận chén đắng đau khổ gặp phải trong cuộc sống.
Vì Chúa đã bị kết án bất công, xin giúp chúng con dám lên tiếng bênh vực công lý. Vì Chúa đã bị xỉ nhục nhạo cười, xin giúp chúng con nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân.
Vì Chúa đã vác cây thập giá nặng nề, xin giúp những ai đang đau khổ trên giường bệnh, biết sẵn sàng vác Thánh giá đời mình mà theo chân Chúa.
Vì Chúa đã bị lột áo và chịu đóng đinh tay chân vào thập giá, xin giúp chúng con biết đóng đinh tính xác thịt mình vào thập giá Chúa.
Vì Chúa đã giang tay chịu chết trên thập giá, xin giúp chúng con biết cầu nguyện điều tốt cho tha nhân.
Vì Chúa đã phục sinh vinh quang, xin cho chúng con biết đón nhận mọi sự trái ý xảy đến với niềm cậy trông phó thác vào tình thương quan phòng của Chúa…
Nhờ đó, sau này chúng con hy vọng sẽ được tham phần vào hạnh phúc với Chúa trong Nước Trời muôn đời.- AMEN.
LM ĐAN VINH -  HHTM
=================
Suy niệm 4
TÌNH YÊU THA THỨ ĐẾN TẬN CÙNG

Trải qua năm tuần lễ, chúng ta cùng theo chân Chúa Giê-su vào hoang địa ăn chay, cầu nguyện, hãm mình, hy sinh, sống tinh thần bác ái Mùa Chay Thánh. Giờ đây, chúng ta được mời gọi ‘đừng sợ hãi, trỗi dậy, xuống núi Ta-bor, cùng Chúa tiến vào thành Thánh Giê-ru-sa-lem’ (x. Mt 17, 7-9) không phải để được hoan hô tán tụng, mà để được tham dự vào chương trình cứu độ nhân loại của Chúa Ki-tô bằng sự vâng phục trọn vẹn theo thánh ý Chúa Cha, chịu cuộc Thương khó, chịu Khổ nạn và Phục sinh vinh thắng. Đây chính là ý nghĩa đích thật của lễ Lá mà mỗi năm chúng ta được tham dự, hầu tưởng niệm biến cố vào đền Thánh Giê-ru-sa-lem cách long trọng của Chúa Giê-su, đồng thời tôn vinh Ngài là Vua, và nhắc nhở mỗi Ki-tô hữu - những người môn đệ đang bước theo chân Thầy Giê-su - giá trị thiêng liêng cao quý của đau khổ, ngang qua mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh của Ngài.
Quả thật, câu nói bất hủ của cố Tổng Giám Mục Ful-tôn Shin (Fulton Sheen) cho chúng ta nghiệm ra giá trị nhiệm mầu của cuộc Khổ nạn-Chịu chết-Phục sinh của Chúa Giê-su Ki-tô: ‘Tình yêu thương của Ngài là dải ánh sáng xé toang bóng đêm hận thù, chiếu soi cả những ai ghét ghen. Tình yêu thương của Ngài tựa như loài gỗ quý nhuốm cả hương thơm vào lưỡi búa đã đốn ngã nó’. Chỉ có tình yêu tự hiến mới chiến thắng mọi hận thù, ghét ghen! Chỉ có tình yêu tận hiến mới vượt thắng muôn khổ đau! Và chỉ có tình yêu tha thứ đến tận cùng mới toàn thắng sự dữ!
Truyện kể rằng: Vào thời Thế chiến thứ hai, một vị linh mục người Hà Lan bị Đức quốc xã bắt giữ và đem về trại tập trung ở Đa-khao (Dachau). Tại đây ngài bị nhốt trong chiếc cũi; ngày ngày bọn lính gác mua vui bằng cách bắt ngài phải sủa lên như con chó mỗi lần khi họ đi qua. Trải qua bao nhục hình tủi hổ, cuối cùng ngài đã chết vì bị tra tấn tàn bạo. Sau đó, bọn lính không ngờ phát hiện ra ngài vẫn thường xuyên viết nhật ký giữa những cơn thử thách, giữa lúc đối diện với cái chết trong từng gang tấc. Đọc quyển nhật ký mới biết rằng ngài từng bày tỏ, tâm sự cùng Chúa qua một lời kinh nguyện: ‘Lạy Chúa, sẽ không có nỗi đau đớn nào làm con gục ngã, bởi vì con luôn nhìn thấy đôi mắt đầy đau khổ của Chúa. Con đường thập giá Chúa đi qua, giúp con chịu đựng mọi nỗi đắng cay một cách khôn ngoan và ý nghĩa nhất’.
Qua đây, chúng ta tường tận hơn rằng: linh mục người Hà Lan này sở dĩ có thể chịu đựng được tất cả các cực hình đau đớn là vì ngài thấu tỏ Chúa Giê-su đã từng đau đớn như thế trước ngài, cho ngài và cho cả nhân loại. Vậy trong cuộc thương khó, Chúa Giê-su đã phải chịu những khổ đau nào? Dựa vào bài Thương khó của Thánh sử Mát-thêu, chúng ta dễ dàng nhận ra đau khổ trước hết từ các môn đệ thân tín: Phê-rô chối Thầy ba lần trước đầy tớ gái (x. Mt 26, 70-72. 74); Giu-đa Is-ca-ri-ốt bán Thầy với cái giá rẻ mạt “ba mươi đồng bạc” (x. Mt 26, 15); những môn đệ khác ngoại trừ Gio-an,  thì ‘cao chạy xa bay’, chẳng thấy đâu trong lúc ngặt nghèo, cần nhất người bạn đồng hành (x. Mt 26, 56). Hơn thế, khi còn bôn ba cùng với Thầy Giê-su đi rao giảng đây đó, luôn luôn có nhau; giờ đây trước giây phút cam go đối diện với cái chết, các môn đệ, kể cả ba môn đệ thân tín nhất (Phê-rô, hai anh em con ông Zê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an) cũng ngủ vùi, để Thầy một mình cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-ni “buồn sầu đến nỗi chết được” (x. Mt 26, 38). Thứ đến, đám đông dường như bị kích động lên án Đức Giê-su vốn là người đã giảng dạy, chữa lành, yêu thương họ hết mực, nhưng họ đứng ra làm chứng gian (x. Mt 26, 60; Mt 27, 20. 22)…Ngài chịu đòn roi, sỉ vả, thoá mạ, khích bác, vác thập giá, bị đánh đòn, bị đổi mão gai nhọn, bị đóng đinh treo trên thập tự, chết nhục nhã như một tên tử tội. Ngài chịu đau đớn về thể xác, cũng như xao xuyến về tinh thần (x. Mt 26, 37); nhưng “Chúa Ki-tô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá…” (x. Pl 2, 8). Hơn thế, trên thập giá, Ngài còn nài xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ đóng đinh Ngài với một lý lẻ không thể không bắt nguồn từ tình yêu tự hiến và tận hiến, tha thứ đến cùng tận, tha cho kẻ thù, kẻ hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (x. Lc 23, 34).
Vì thế, mỗi khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta được thông phần vào cuộc Thương khó - Tử nạn - Phục sinh của Chúa Giê-su Ki-tô. Chúng ta ‘tưởng niệm’ (không chỉ ‘tái hiện’ những gì đã xảy ra trong quá khứ, mà đúng hơn là cử hành Mầu nhiệm Vượt Qua này ‘ngay giây phút hiện tại và ngay tại nơi đây’ [‘hic et nunc’; ‘here and now’]). Do vậy, nhà toán học-triết học Pas-cal (Pascal) không sai khi viết: ‘Đức Giê-su Ki-tô còn hấp hối cho đến ngày tận thế’. Nói cách khác, vì “yêu thương cho đến tận cùng” (x. Ga 13, 1), Chúa Giê-su đã chịu tử nạn cho chúng ta và cho nhân loại. Cũng vì “yêu thương đến cùng” (nt), Ngài vâng phục, tự hiến cho Chúa Cha và đã chiến thắng tử thần, Phục sinh khải hoàn: “Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài, và ban cho Ngài một danh hiệu vượt trên hết mọi danh hiệu” (x. Pl 2, 9).
Để khép lại bài chia sẻ này, xin mạn phép mượn đôi dòng thư của nhà văn người Át-hen-ti-na tên là A-đol-tô Es-ki-vê (Adolto Eskivei), gửi cho những người bạn ở thành phố Sao Paolo, sau khi bị bắt vào đầu Tuần Thánh năm 1997, vì các hoạt động đấu tranh bất bạo động bênh vực giới nông dân nghèo ở nước này. Lá thư ấy như sau: ‘Các bạn thân mến, tôi không muốn nói với các bạn về nỗi khổ đau, nhưng tôi nói về niềm hy vọng và về ơn thánh mà Chúa đã ban cho tôi, đó là được cùng chịu đau khổ và sống với những anh chị em nạn nhân của bất công, sống với những người mà sau hai hoặc ba năm bị giam giữ, họ cũng không hề biết tại sao họ phải chịu các hình phạt như vậy. Tuy nhiên, mỗi ngày đều xuất hiện một ánh sáng chiếu soi những đau khổ này, đó chính là sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi giây phút, trong mọi cử chỉ, Thiên Chúa của tình yêu thương, Đấng tha thứ trên thập giá qua mọi thời đại: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.’
Xin cho chúng con hằng trung tín bước theo nẻo đường tình yêu tha thứ đến tận cùng. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 5
GIỜ CHIẾN THẮNG VINH QUANG
Trước mắt người đời, cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá là một thất bại não nề, là tấn thảm kịch đau thương khốn khổ nhất; thế nhưng, đối với Chúa Giê-su, đó lúc Ngài được tôn vinh[1], là thời điểm giành lấy chiến thắng.
Giờ đây, chúng ta cùng chiêm ngắm chiến thắng của Chúa Giê-su thông qua cuộc khổ nạn đau thương của Ngài.
Chúa Giê-su chiến thắng hận thù bằng lòng bao dung
Bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giê-su bị lùng bắt giữa đêm đen như một tên gian phi rồi bị đưa ra xét xử như một người gian ác và sau đó là một chuỗi đau thương trút xuống thân Ngài: Ngài bị phỉ báng, chế giễu, nhạo cười, bị đánh đòn hung tợn rách cả thịt da, phải đội vòng gai trên đầu, vác thập giá nặng nề và chịu treo thân trần trụi trên thập giá...
Thông thường, các tội nhân bị án đóng đinh thời ấy thường trút hết căm thù lên đầu những người kết án mình và tuôn ra những lời nguyền rủa độc địa dành cho kẻ nào gây đau khổ cho họ.
Thế mà khi chịu hành hình, Chúa Giê-su vẫn không mảy may oán hận! Ngài chiến thắng sự hận thù bằng lòng bao dung vô bờ bến. Ngài nhìn những kẻ gây khổ đau cho mình với ánh mắt thương xót, Ngài yêu mến họ bằng lòng nhân ái bao la... Và vì sợ Chúa Cha đánh phạt họ vì tội lỗi ngất trời của chúng, Ngài tha thiết cầu xin Cha tha thứ cho những kẻ gây đau khổ và kết án tử cho Ngài. Ngài tha thiết cầu xin: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm[2]
Thật lạ lùng! Không ai trên đời có tấm lòng bao dung, cao thượng tuyệt vời như Chúa Giê-su.
Chúa Giê-su chiến thắng tính khiếp nhược và lòng tham sinh uý tử bằng sự dũng cảm phi thường
Là người ai cũng sợ chết. Chính Chúa Giê-su cũng đã trải qua những giờ phút kinh hoàng trước viễn ảnh cái chết đau thương sắp đến khi cầu nguyện trong vườn Dầu, thế nhưng Ngài không bị khuất phục vì sợ chết. Ngài chỗi dậy, dũng cảm đương đầu với nó. Ngài chấp nhận chết cách can trường và huỷ diệt sự chết để sống lại vinh quang.
Chúa Giê-su chiến thắng đau đớn thể xác và đau khổ tinh thần
Là người ai cũng sợ khổ và tìm mọi cách lánh thoát khổ đau. Thế nhưng Chúa Giê-su đã đón nhận những cực hình đau thương khủng khiếp nhất cách can đảm phi thường. Qua thập giá, Ngài đã hoàn toàn chiến thắng tính khiếp nhược của phận người.
Trong cuộc khổ nạn, không một thách thức nào làm cho Chúa Giê-su lùi bước; không một đe doạ nào làm cho Ngài khiếp sợ; không một sỉ nhục nào làm cho Ngài nổi giận hay mất bình an; không hận thù nào tiêu huỷ được lòng bao dung vô bờ bến của Ngài...
Ngài thắng được bản năng tham sinh úy tử; Ngài vượt lên trên nỗi sợ mọi thứ khổ đau; Ngài thắng được lòng hận thù...  Tóm lại, Chúa Giê-su đã hoàn toàn chiến thắng mọi nghịch cảnh, vượt qua các thách thức từ mọi phía để hoàn thành mỹ mãn sứ mạng Chúa Cha đã trao ban.
Nhờ đó, Ngài làm cho thập giá trở thành nguồn phát sinh ơn cứu độ cho muôn dân.
Lạy Chúa Giê-su,
Qua khổ nạn, Chúa chiến thắng tội lỗi và sự chết, mang ơn cứu độ cho trần gian. Xin giúp chúng con noi gương Chúa, anh dũng chiến đấu chống lại tội lỗi và diệt trừ thói hư tật xấu mỗi ngày, để được cùng Chúa sống lại vinh quang. Amen.
 
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà    

[1] Ga 13, 31
[2] Luca 23, 34
================
Suy niệm 6
Con Đường Đau Khổ
Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 26,14-27,66
Mùa chay dần khép lại, hôm nay toàn thể Giáo Hội bước vào Tuần Thánh. Trong Bài Thương Khó hôm nay, thánh sử Matthêu tường thuật “hành trình đau khổ” đầy chông gai của Đức Giêsu, từ khi Người bị phản bội từ người thân với các thượng tế lập mưu tính kế để bắt Người, cho đến khi tắt thở trên thập giá và chôn trong mộ có lính canh. Đây là “đường trường đầy đau đớn khổ nhục cho đến chết”, nhưng là ĐƯỜNG TÌNH YÊU, Ngài đã nhẫn nhục chịu đựng trong vâng phục Chúa Cha để cứu độ con người tội lỗi.
Sau khi bị bắt, Người bị lôi hết tòa án này đến tòa án khác, bị tra hỏi, tạt vả. Trước tòa án Philatô, Người bị xử bất công, phải xử án chết oan nghiệt thay cho tên cướp Baraba, bởi sóng người hô hào đả đảo cùng các thượng tế nhà đạo. Tên cướp được tha bổng, còn Người vô tội thì phải chịu hành hình. Mấy năm trời bôn ba rao giảng cứu chữa, làm ơn cho đủ mọi hạng người, để đến hôm nay Thầy Giêsu phải tự vác Thập giá tủi nhục đớn đau, rồi bị căng thây đóng đinh vào đó mà treo lên cùng với hai tên trộm cướp.
Chúa nhật Lễ Lá hôm nay mời gọi mỗi người chúng con nhìn lại bản thân mình. Con có thể là một trong số các môn đệ, khi Thầy giảng dạy như một Đấng có uy quyền thì hăng hái theo bước. Khi Thầy bị bắt bớ thì bỏ cuộc trốn chạy, chối từ như chưa bao giờ biết Thầy kẻo bị vạ lây. Con có thể là những người trong đám dân, khi vui thì sẵn sàng trải áo làm đường rước, hết lời tung hô ca ngợi, nhưng lúc khác lại hùa theo số đông mà trở lòng đả đảo chống đối, kết án xấu tha nhân... Nhưng có thể con cũng là một Simon Kyrênê sẵn lòng vác đỡ thập giá cho người khổ đau.
Đức Giêsu cam lòng chịu đựng tất cả vì tình yêu con người và vâng phục Ý Cha cho đến chết trên thập tự, đó là một minh chứng, tận cùng cho một tình yêu, yêu cho đến chết, mà chết cũng chỉ vì yêu. “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.” (Dt 5, 7-9). Bước theo Đức Giêsu trên con đường thập giá là lội ngược dòng đời, vác thập giá theo Chúa không phải dễ, nhưng có Chúa đồng hành và đỡ nâng, chúng con cũng từ thập giá bước vào vinh quang với Chúa.
Ôi Chúa Giêsu của lòng con Chúa ơi! Chiêm ngắm Chúa chịu căng thây trên thập giá, con nhận ra chẳng có tình yêu nào như tình Chúa yêu con. Chúa chết cho con sống muôn đời. Chúa chết vì yêu con. Vì con Chúa quên thân mình, đời con dám mơ gì hơn? Giữa cơn lâm nguy của đại dịch nguy biến làm cả Giáo Hội đau khổ, xin cho con tâm hồn chìm lắng trong cái chết của Chúa, để bao tội lỗi, đau khổ của con chìm xuống hòa nhập vào mầu nhiệm Thập giá, để Chúa ôm trọn lấy con trong tình yêu bao dung tha thứ. Xin cho con bước đi theo Chúa từng ngày trên CON ĐƯỜNG TÌNH YÊU. Xin cho con được yêu mãi Người, Giêsu ơi!
Én Nhỏ  
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ nhận xứ của Cha Phêrô Nguyễn Duy Trường tại Giáo xứ Mỹ Hưng
Thánh lễ nhận xứ của Cha Phêrô Nguyễn Duy Trường tại Giáo xứ Mỹ Hưng
Vào lúc 8 giờ sáng ngày 23 tháng 01 năm 2025, tại Giáo xứ Mỹ Hưng, cha Giuse Chu Văn Khương – Quản hạt Nghĩa Lộ, cùng quý cha, quý thầy, quý dì, và đông đảo giáo dân trong và ngoài Giáo xứ Mỹ Hưng đã quy tụ để chúc mừng và chia sẻ niềm vui với cha Phêrô Nguyễn Duy Trường, người vừa được bổ nhiệm làm Linh mục Chính xứ Giáo xứ Mỹ Hưng.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log