[9]GLHTCG số 1365, 1366, 1367 ===================
Suy niệm 4
SUỐI NGUỒN XÓT THƯƠNG
Anh chị em rất thân mến, với lòng biết ơn cảm tạ sâu sắc, chúng ta hãy cùng nhau tán tụng danh Chúa vì Ngài đã thương trao ban chính Con Một yêu dấu của Người cho chúng ta, hầu giải thoát nhân loại khỏi bóng đêm tử thần và đem nguồn ánh sáng vinh quang vĩnh cửu cho mọi người qua biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
Trong tâm tình hân hoan, hôm nay Giáo Hội cử hành thánh lễ Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh cũng được gọi là Chúa Nhật về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mà chính Chân Phước Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã công bố trong bài giảng của Ngài vào ngày 30 tháng 4 năm 2000 nhân dịp tôn phong hiển thánh cho nữ tu Faustina Maria Kowalska như sau: ‘Vậy, đây là một việc quan trọng để chúng ta công nhận trọn vẹn thông điệp đến với chúng ta từ nơi Thiên Chúa trong ngày Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh này, mà từ nay toàn thể Giáo Hội sẽ gọi là Chúa Nhật Thương Xót’. Lòng thương xót của Thiên Chúa dạt dào, tuôn trào qua muôn thế hệ, từ trước khi vạn vật thành hình và cho đến thời sau hết. Và lòng thương xót này được diễn tả qua các bài đọc ngày hôm nay. Vì thương xót nhân loại yếu hèn, đam mê, đắm chìm trong tội lỗi, Thiên Chúa đã không ngần ngại ban chính Con Một Ngài, Người đã yêu thương thế gian đến nỗi không tiếc gì với chúng ta, kể cả sự sống thần tính của mình. Ngài đã ban ân sủng dồi dào cho chúng ta, để rồi chúng ta biết tin nhận Ngài chính là nguồn an vui và cùng đích của đời sống chúng ta. Và đức tin này được tỏ lộ một cách huyền nhiệm qua chứng từ Tô-ma. Vậy, xin mời anh chị em cùng bước vào hành trình tìm hiểu và học hỏi để sống đức tin ấy trong mọi hoàn cảnh cuộc đời của chúng ta, để trở nên chứng tá kiên vững cho Đức Ki-tô.
Trước hết, chúng ta hãy đặt mình vào trong khung cảnh sau khi Chúa Giê-su chịu Tử nạn, các thánh Tông Đồ hoang mang, lo sợ, luôn khép mình trong nhà, các cửa đều đóng kín; bỗng nhiên Chúa Giê-su xuất hiện giữa các ông và nói: “Bình an cho các con!” và rồi Ngài cho ông Tô-ma xem các dấu đinh nơi chân tay và cạnh sườn Người. Khi được thấy tận mắt và được sờ vào các vết đinh với chính đôi tay của mình, Tô-ma sụp lạy và tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”” (Ga 20, 28). Một lời tuyên xưng đức tin đầy xác tín, vượt trên sự nghi ngờ, yếu đuối, nhút nhát và yếu hèn mà Tô-ma nói riêng và các Tông đồ nói chung đã trải qua. Thưa anh chị em, đức tin là ơn sủng cao quý mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta, nhưng thử hỏi chúng ta đã biết đón nhận với cả lòng mến và trung thành sống chứng tá cho Chúa qua cuộc sống thường ngày chưa? Để rồi chúng ta ngày càng trưởng thành trong đời sống đức tin hay không? Nếu chúng ta không đọc kỹ đoạn Phúc Âm này (Ga 20, 19-29), chúng ta dễ dàng quy kết Tô-ma là người kém lòng tin. Ngược lại, Tô-ma chính là một gương sống đức tin mạnh mẽ. Đức tin của ông không dựa trên những lời các Tông đồ kể lại, không dựa trên những lời bình phẩm, lời đồn đại, nhưng đức tin của ông chính là một đức tin nhân vị, một đức tin sống động qua cuộc gặp gỡ riêng tư với Chúa Ki-tô Phục Sinh. Và nhờ cuộc hội ngộ đầy tính biến cố này, Tô-ma đã can đảm, ra khỏi con người nhút nhát, sợ sệt của mình mà thốt lên lời tuyên tín “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Nói cách khác, đối với Tô-ma, ngoài Chúa Ki-tô Phục Sinh ra, không một ai làm chủ con người ông, không một ai có thể lay chuyển đức tin mà ông đặt trọn vẹn vào một vị Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm con người, đã chịu chết và sống lại, đem tình thương, lòng thương xót của Thiên Chúa Cha và ơn cứu độ đến cho chúng ta là những người tội lỗi. Dù có phải chịu cảnh tù đày, bắt bớ, gươm giáo, gian truân, đói khát, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, nhưng chẳng có điều gì, chẳng có ai có thể tách Tô-ma ra khỏi chính Đức Ki-tô Phục Sinh, Đấng mà Tô-ma hoàn toàn tín thác. Anh chị rất yêu mến, đức tin của Tô-ma là một bằng chứng hùng hồn, là một tấm gương sống đời sống đức tin cho chúng ta, nhất là trong thời đại hiện nay. Một thế giới dường như không có chỗ cho Thiên Chúa, Đấng tác thành và làm chủ muôn loài. Một xã hội chỉ đặt niềm tin vào những gì chóng qua, những phương pháp kỹ thuật tối tân, những trào lưu cấp tiến được trang bị bởi nền khoa học hiện đại, mà quên đi một điều thiết yếu và căn bản nhất, đó là: biết đặt lòng tin tưởng nơi anh chị em mình, và tín thác vào Thiên Chúa, Đấng có quyền tối thượng trên sự sống và sự chết.
Hơn nữa, đức tin này không phải chỉ giữ khư khư riêng cho mình, mà trái lại phải được chia san qua đời sống yêu thương tha nhân, hiệp nhất với nhau, sống chan hòa, tha thứ cho nhau, đồng tâm nhất trí với nhau như Giáo hội Tiên khởi đã trải nghiệm mà chúng ta được nghe trong bài đọc một, trích trong sách Công Vụ Tông Đồ (x. Cv 4, 32-35). Nói như thánh Gia-cô-bê “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2, 17) Sống đức tin là hãy để Chúa Ki-tô Phục Sinh thúc bách chúng ta làm việc cụ thể, hãy để Thần Khí Người đánh động tâm hồn và làm chủ con người ta, để rồi chúng ta trở nên can đảm sống yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Vì khi chúng ta yêu mến Chúa thì chúng ta cũng tuân giữ giới răn của Ngài (x. 1Ga 5, 3), và thực hành những gì chúng ta đã cam kết với Người khi được lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Nhìn vào thực tế cuộc sống gia đình hiện nay, cũng như những chuyển biến trong xã hội mà ta đang sống tại xứ sở Phù Tang này, chúng ta cũng có nhiều nỗi ưu tư, hoang mang, lo sợ trước sức ảnh hưởng khôn lường của một thế giới tiên tiến, phát triển khoa học vượt bậc, cuộc sống tất bật, lo toan vật chất cũng như những thao thức về đời sống đạo đức trong các gia đình. Nhiều nỗi phiền muộn, thách thức đi tìm ý nghĩa của đời sống tận hiến trong một bối cảnh xã hội hoàn toàn khác, và có thể nói xa lạ đối với chúng ta. Đứng trước những thách đố ấy, có thể nói, không một ai trong chúng ta chưa một lần trải qua những giây phút vấp ngã hay cảm tưởng chùn chân tiến bước trên hành trình sống đức tin, tình bác ái và niềm cậy trông vào lòng lân tuất vô bờ của Thiên Chúa! Vì vậy, chúng ta cùng nhau học theo gương thánh Tô-ma, biết can đảm ra khỏi tính tự ti, nỗi sợ hãi của mình mà biết đặt hết niềm tin nơi Thiên Chúa, để chỉ một mình Ngài làm chủ tâm hồn ta. Và từ đó, chúng ta sống chứng tá cho Chúa Ki-tô Phục Sinh qua cử chỉ biết cảm thương, cảm thông với hết mọi người, qua lời nói động viên chân thành, khuyến khích nhau ‘nhân rộng những ơn lành mà Chúa đã ban cho ta’, hãy đẩy xa những gì tách lìa chúng ta khỏi Đức Ki-tô và chia rẽ chúng ta với nhau bằng đời sống cầu nguyện, và lòng vị tha.
Sau cùng, con xin anh chị em dành một phút ngắn ngủi thinh lặng trước Chúa, không phải để xin điều này, hay điều kia, nhưng để nói lên lời cảm tạ Ngài. Và trong tâm tình tạ ơn, chúng ta cùng cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô Phục Sinh, xin gia tăng đức tin, canh tân đức ái, và nuôi dưỡng đức cậy cho chúng ta, để chúng con hết lòng tin tưởng và tín thác cuộc sống này cho Chúa như thánh Tô-ma Tông Đồ đã can đảm thốt lên lời tuyên xưng vào Chúa Giê-su Phục Sinh “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Nguyện xin Chúa cũng chúc lành cho những nỗ lực của mỗi người anh chị em chúng con qua đời sống chứng tá cho Chúa và việc bác ái trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
===================
Suy niệm 5
LÒNG THƯƠNG XÓT
Ga 20, 19-31
Đức Giêsu Phục Sinh bất ngờ xuất hiện giữa các tông đồ. Ngài trao ban bình an và cho họ xem các vết thương. Thân xác chiến thắng sự chết của Chúa vẫn mang dấu tích của cuộc khổ nạn. Các tông đồ vui mừng vì được thấy Thầy, và hơn nữa còn được Thầy ủy thác sứ mạng trọng đại: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”.
Chỉ có một người không vui là ông Tôma, vì ông vắng mặt khi Chúa hiện ra. Có vẻ giữa ông và nhóm anh em có cái gì xa cách,nên ông thẳng thừng từ chối tin vào lời chứng của các bạn. Ông không tin ai khác, chỉ tin vào giác quan của mình.“Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.Trước sự thách thức và cố chấp của ông, Chúa Giêsu lại hạ mình để hiện ra một lần nữa. Con người Tôma có cái gì bất thường, lập dị, nhưng may là ông trở về với cộng đoàn, nên chứng kiến việc Chúa phục sinh.
Khi hiện ra, Đức Giêsu nói với Tôma: “Đặt ngón tay vào đây…Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Tôma kinh hoàng thưa với Chúa: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”. Như thế, dấu chỉ để người nhận ra Chúa phục sinh không phải là vinh quang chói lọi hay điều gì kinh khủng, mà là chính dấu đinh. Đấng Phục Sinh vinh hiển đã không muốn dùng vinh quang hay quyền lực của mình để khuất phục thế gian, mà chỉ dùng những dấu đinh nơi chân tay và cạnh sườn Ngài.Đức Giêsu thực sự là “người” khi “đầu đội vòng gai, mình mặc áo đỏ” nghĩa là khi Ngài bị hành hình, bị sỉ nhục; Ngài thực sự là “Chúa” khi bị đóng đinh trên thập giá và sống lại vì chúng ta, để ta cùng được sống lại với Ngài.
Thánh giá Chúa mới thực sự là biểu hiện vinh quang, và dấu đinh mới là dấu chỉ của Chúa Phục Sinh. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ mong cho mình được vinh hoa phú quí hay quyền cao chức trọng, vì như vậy chúng ta muốn sống khác biệt với Chúa. Lối sống đó đối nghịch với thập giá Chúa và không đạt tới sự phục sinhvới Ngài. Lối sống đó đào hố sâu ngăn cách giữa người với người, không thể hiện được tình yêu mà chỉ là sự ích kỷ, làm điên đảo và tổn thương đời sống con người.
Đức tin của chúng ta hôm nay dựa trên đức tin của những người đã thấy Chúa, đã sờ chạm vào Chúa. Tất cả các tông đồ đều đã hy sinh mạng sống mình để làm chứng là Đức Kitô đã sống lại, Ngài là Đấng cứu độ duy nhất cho loài người, chứ không ai khác. Tiếp nối các tông đồ đã có hàng triệu người cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Phục Sinh, đã dâng hiến đời mình vì niềm tin ấy, trong số đó có hằng ngàn cha ông chúng ta đã hiên ngang đổ máu mình để lưu truyền đức tin lại cho con cháu hôm nay, cụ thể là 118 thánh tử đạo Việt Nam.
Quanh chúng ta cũng vẫn có nhiều anh chị em đạo đức, đầy lòng tin mến. Họ đã được ơn “thấy và chạm đến” Chúa một cách nào đó, nên họ rất chuyên chăm trong đời sống cầu nguyện, sốt sắng trong thánh lễ, và tích cực làm việc tông đồ. “Thấy và chạm” đến Chúa nghĩa là “cảm nghiệm” hay “cảm nhận” về sự hiện diện của Chúa khi nghe Lời Chúa, khi rước Mình Chúa, khi phục vụ anh chị em, khi thăm viếng và cứu giúp những người bệnh tật, nghèo hèn, khốn khó…
Để làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng ta cũng không cần phải nổi bật cái gì hết, mà chỉ cần nổi bật lòng thương xót của Chúa. Thương xót nói theo thánh Phaolô là:đón nhận tất cả, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Tuy nhiên, thương xót không có nghĩa là làm ngơ trước tội lỗi và sai lạc của con người, cũng không phải là dung túng hay nhượng bộ cho những xấu xa trong đời sống. Thương xót là muốn nâng nhaulênmột cuộc sống tốt lành hơn, chân thật hơn, thiện hảo hơn, theo đường nẻo của Thiên Chúa.
Cũng như xưa, con người ngày nay làm sao có thể tin Chúa được, nếu họ không thấy chứng tích của những khuôn mặt đẫm mồ hôi vì phục vụ, hay của những cuộc đời xả thân hy sinh cho tha nhân? Con người ngày nay cũng đang đòi kiểm nghiệm những chứng tích tình yêu nơi Giáo hội, nơi các bạn trẻ. Đạo của bạn là đạo tình yêu ư? Xin đừng nói nhiều, hãy cho tôi xem những chững chứng tích tình yêu của bạn đi!MahatmaGandhi đã từng tuyên bố với người công giáo như thế.
Ước gì mỗi người chúng ta nhận ra mình là người được Chúa thương xót, để suốt cuộc đời ta là trở nên lòng thương xót của Chúa cho mọi anh chị em, nhất là những người bé nhỏ nghèo hèn. Quả thật “Phúc thay ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được Chúa xót thương”.
Cầu nguyện
Lạy Cha!
Thương xót là hành động của Cha,
là tiêu chuẩn để biết ai con cái,
là sống với tất cả lòng nhân ái,
nhưng bao hàm công bằng và sự thật.
Thương xót không dung túng điều xấu xa,
nhưng đòi con phải kiên nhẫn vượt qua,
để đón nhận những hồng ân cao cả,
xứng đáng với những gì con người “là”.
Thương xót là hành động cao quí nhất,
đó chính là phẩm chất của con người,
là hành vi thờ phượng rất đẹp tươi,
vì điều Chúa muốn không phải là lễ vật,
mà trước tiên là sống với lòng nhân,
để trở nên ánh sáng giữa cuộc trần.
Đức Giê-su đã trở nên người thế,
để thể hiện lòng thương xót của Cha,
trên thập giá Ngài cũng đã thứ tha,
trước lòng dạ bạc ác của con người,
ngay cả ông Tô-ma cứng lòng tin,
Ngài cũng đã hạ mình cho xem thấy.
Chúa muốn con nên hoàn thiện như Cha,
không phải là không còn gì thiếu sót,
mà là sống nhân từ và tha thứ,
không xét đoán và càng không lên án,
luôn bao dung và đại lượng vô vàn,
vì thương xót là tình yêu vô giới hạn.
Xin cho con được đầy lòng thương xót,
dù nhiều khi rất đắng đót trong đời,
nhưng nhờ vậy phát sinh con người mới,
để tình Chúa sáng tỏa khắp muôn nơi,
là niềm vui ơn cứu độ cho đời. Amen. Lm. Thái Nguyên
===================
Suy niệm 6
Vết thương của Đấng Phục Sinh
Ga 20, 19-31
Tin Mừng thánh Gioan (Ga 20, 19-31) mô tả, Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra tỏ cho các Tông Đồ, đặc biệt thánh Tôma đã tận mắt thấy những vết thương của đôi tay, chân và cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi phục sinh.
Câu hỏi lớn được đặt ra: Tại sao Chúa Giêsu sống lại rồi mà trên thân thể vẫn con mang những vết thương ?
Thưa: Hơn bao giờ hết, nhân loại đang cần Chúa bị đóng đinh và phục sinh mang những vết thương. Chỉ có một mình Chúa Giêsu Phục Sinh mang những vết thương mới có quyền nói với chúng ta về hòa bình. Những vết thương ấy là của chúng ta, vì tội lỗi chúng ta đã gây ra cho Chúa, và cả sự cứng lòng cũng như sự thù hận anh em của chúng ta. Những vết thương trên thân thể của Chúa Giêsu Phục Sinh là dấu chỉ của trận chiến mà Người đã chiến đấu và chiến thắng cho chúng ta, đã chiến thắng bằng vũ khí của tình yêu, để chúng ta có được hòa bình và sống trong bình an.
Vết thương mang lại bình an
Tin Mừng mô tả: Khi các môn đệ đang khóa mình sau những cánh cửa đóng kín, đầy sợ hãi, đau khổ. Bỗng Chúa Giêsu hiện ra đứng giưa các ông và nói: “Bình an cho các con!” (Ga 20, 19-21). Chúng ta tự hỏi: Các môn đệ Chúa Giêsu đang cần gì ? Thế giới đang cần gì? Nước Việt nam cần gì? Bản thân chúng ta cần gì? Thưa: Bình an !
“Bình an cho các con!” (Ga 20, 19-21). Ðây không phải là một lời chào, cũng không phải là một lời cầu chúc đơn sơ, nhưng là ơn quí trọng Chúa Kitô Phục Sinh cống hiến cho các mộn đệ sau khi đã trải qua cái chết thương đau.
“Bình an cho các con!” (Ga 20, 19-21). Đây là hồng ân phát sinh từ những vết thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau. Thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa. Người trao ban bình an cho các môn đệ như lời Người đã hứa: “Thầy ban bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như kiểu thế gian ban” (Ga 14,27). Bình an này là chiến thắng của Chúa Kitô Phục Sinh, hoa trái tình yêu của Thiên Chúa trên sự dữ và tha thứ. Các môn đệ hết sức vui mừng khi Chúa trao ban bình an. Sợ hãi cũng biến mất nơi các ông.
Hơn một năm qua, trên các phương tiện truyền thông báo chí, chúng ta vẫn nghe chiến tranh tại Ucraina. Vậy nhân loại cần gì? Thưa: Bình an, chỉ có Chúa Kitô Phục Sinh mới cứu con người khỏi chiến tranh và ban bình an cho thế giới. Nhân loại nói chung và mỗi người chúng ta nói riêng đều cần bình an. Nếu con người biết yêu thương nhau, thì con người mới xứng đáng lãnh được bình an của Chúa Kitô, và chiến tranh mới lui dần. Con người càng thương xót nhau, càng yêu thương nhau, thì chiến tranh càng bị đẩy lùi. Vì vậy chúng ta phải thành thật nhận lỗi của mình thì chúng ta mới có thể xây dựng môt thế giới hòa bình. Chúng ta hãy xin với Chúa Giêsu Phục Sinh xót thương và ban bình an cho thế giới.
Vết thương của sự tha thứ
Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại” (Ga 20, 21- 23). Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân “tha thứ các tội lỗi” diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Từ đó, một làn sóng tình thương nhân từ và tha thứ đổ xuống trên toàn thế giới, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho thế giới niềm hy vọng. Cử chỉ trao ban bình an của Chúa cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang lo sợ và kinh ngạc, trở nên những được thứ tha và thành thừa tác viên của Bí tích Hòa giải.
Từ sợ hãi đến niềm vui
“Những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do thái” (Ga 20,19). Không phải sợ. Hầu như sợ hãi là không thể nhưng chúng tồn tại và có thật. Sợ hãi làm cho cửa lòng mình đóng lại với người khác. Sau khi Chúa chết, nhà các môn đệ giống như ngôi mộ, họ sống với sự sợ hãi, sợ chết. Chúa Giêsu không còn ở trong Mộ, bởi vì Người không thể nào là người tù của sự chết (x. Cv 2, 24) và ngôi mộ không thể nào giữ lại “Đấng hằng sống“ (Kh 1,8), Đấng là chính nguồn mạch của sự sống đã kết thúc cuộc hành trình nơi ngôi mộ như mọi người, nhưng Người đã chiến thắng sự chết, sống lại ra khỏi mồ. Cái chết đã bị đánh bại: vậy thì còn gì phải sợ? “Họ vui mừng khi thấy Chúa”: các môn đệ từ sợ hãi đến vui mừng.
Chúa vui, các môn đệ vui, niềm vui của tình Thầy trò bén dễ sâu trong tình yêu. Niềm vui này không tách rời khỏi Thập Giá, nhưng trong khả năng của mình, con người có thể hiểu được Thập Giá và thảm kịch của con người. Bình an và niềm vui là những “món quà” của Chúa Kitô, đồng thời “dấu chỉ” để nhận biết Người. Sự bình an và niềm vui nảy nở trong tự do và hy sinh.
Lạy Mẹ maria, Mẹ của lòng nhân từ và hay thương xót, xin giúp chúng con là con cái Mẹ duy trì lòng tin vào Con Mẹ, Đấng cứu chuộc chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
===================
Suy niệm 7
Lạy Thiên Chúa của con!
Ga 20, 19-31
Sau cái chết như “một tử tội” của Thầy Giêsu, các môn đệ vô cùng khiếp sợ. Ngay cả sau khi Thầy đã sống lại, các ông vẫn chưa hoàn hồn vì nỗi sợ người Do Thái. Vào buổi chiều Chúa nhật, phòng ở của các ông còn đang đóng kín các cửa, bỗng Chúa hiện đến đứng ngay giữa và trấn an: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19b). Vì sợ hãi làm cho tâm hồn các ông bị khép kín, sống co cụm, cách biệt các mối tương quan, không gặp gỡ giao tiếp với ai. Khi có Chúa ở giữa với lời ban bình an, các ông như được cởi bỏ mối lo sợ đang ngập tràn. Để họ an tâm xác nhận, Người cho các ông xem chân tay và cạnh sườn rồi thổi hơi (ban Thánh Thần) cho các ông. Người truyền sai đi và ban quyền tha tội cho các ông. Có sự hiện diện với ơn bình an của Chúa Phục Sinh, các ông như được mở tung cõi lòng, như tia nắng mới, làn gió mát ùa vào khiến họ tự tin vững vàng để làm chứng cho Thầy mà không sợ hãi. Sự bình an của Chúa là ơn đặc biệt mà “thế gian chẳng thể ban được”. Sự bình an luôn là niềm khát vọng ngàn đời của cả nhân loại.
Lần trước Chúa hiện đến với các môn đệ thì ông Tôma vắng mặt. Các môn đệ khác nói lại nhưng ông không tin. Có lẽ nhiều người hôm nay chê trách Tôma quá cứng lòng. Nhưng thật ra, Chúa Giêsu đã chết rồi “tự sống lại” là chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử, ông lại không nhìn thấy nên thật khó để tin. Ông đại diện cho những người không sống theo dư luận, không hùa theo đám đông khi chưa nhìn rõ sự việc gì hệ trọng, mà phải là mắt thấy, tai nghe và tay rờ. Tin Mừng hôm nay là chuyện tám ngày sau, hôm ấy ông Tôma cùng ở đó và đã nhìn rõ Thầy mình. Chắc chắn ông đã tin, nhưng biết lòng người môn đệ này, Chúa còn lấy tình thân thương mà “nhắc nhủ” riêng ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (Ga 20, 27). Lúc này ông vừa tin, vừa yêu, vừa kính sợ và chỉ còn biết kêu lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Tình yêu và sự bình an của Chúa Phục Sinh đã tràn ngập tâm hồn ông, khiến ông cảm nhận thật rõ lòng thương xót của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh! Hôm nay là Chúa nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, vì tình yêu và lòng xót thương, Chúa đã chịu chết, chịu lưỡi đòng đâm thấu Trái Tim, để từ đây Máu và Nước đã tuôn trào như suối nguồn thương xót chúng con. Như thánh Tôma Tông đồ, xin Chúa cho chúng con luôn cảm nhận, tin yêu và tín thác trọn cuộc đời mình trong Trái Tim yêu thương của Chúa, để đời chúng con luôn sống trong sự bình an của Chúa, lạy Thiên Chúa của con! Amen.
Én Nhỏ