Thứ hai, 23/12/2024

Suy niệm Tin Mừng lễ Chúa Giêsu Lên Trời và Chúa nhật VII Phục sinh

Cập nhật lúc 09:01 17/05/2023
LỄ CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI
Suy niệm 1
Mt 28, 16 – 20
Sau khi sống lại được bốn mươi ngày, Đức Giê su về trời. Về ở đâu và về thế nào? Theo trình thuật của thánh Mát thêu, thì Chúa về trời ở một ngọn núi của xứ Galilê. Theo trình thuật của thánh Luca, thì Chúa về trời ở núi Cầy Dầu. Chúng ta nghe theo thánh Luca, vì ngài được đánh giá là sử gia. Còn thánh Mát thêu được các nhà chú giải Thánh Kinh nói rằng ngài viết cuốn Tin Mừng thứ nhất với tư cách là một thần học gia hơn là một sử gia. Nếu thế thì sự cố Chúa về trời được ghi nhận như sau.
Trước hết Chúa tập trung các môn đệ ở núi Cây Dầu. Ở đây Chúa gửi đến những lời tâm huyết cuối cùng. Những lời tâm huyết này làm tê tái lòng người, khiến môn đệ chỉ biết nghe, mà chẳng biết nói lời gì. Sau những lời tâm huyết cực kỳ cảm xúc ấy là những lời trăng trối cực kỳ quan trọng.
Lời tâm huyết chỉ vắn tắt là Chúa đi mà vẫn ở lại. Chúa còn ở lại mà không thấy. Không thấy Chúa, nhưng Chúa vẫn ở trong tâm mọi người và ở mãi cho đến tận thế. Sự hiện diện này đem lại sự can đảm để các tông đồ không biết sợ. Kết thúc cuộc gặp gỡ và tâm sự là lời trăng trối. Lời trăng trối là:
Một: Không được rời khỏi Giêrusalem. Cứ cầu nguyện, cầu nguyện mãi cho tới khi Thần Khí của Chúa đến.
Hai: Khi Thần Khí Chúa đến tràn ngập tâm hồn rồi, thì sẽ đi khắp trần gian, đi mãi và kêu gọi mọi người và truyền đạt cho họ tất cả những gì họ đã được Thầy dạy dỗ.
Thầy thì nói, trò thì lắng nghe. Im thin thít. Bỗng như có gió thần bốc Chúa lên. Trò vẫn im thin thít và dán mắt vào Thầy. Nhìn Thầy mãi cho tới khi Thầy chỉ còn nhỏ tí xíu và bị đám mây bay đến che khuất luôn. Các tông đồ đang như chết, thì sứ thần hiện đến cho họ biết rằng Chúa đi thế nào, thì Ngài sẽ tái giáng như thế. Tiếc vô cùng, nhưng đành rút lui.
Những người chứng kiến sự cố Chúa thăng thiên không phải chỉ có 11 Tông đồ, mà còn có hàng trăm người mà ta tạm gọi là tín hữu. Chắc chắn có sự hiện diện của Đức Mẹ. Cũng phải phỏng đoán sẽ có người đông như thế cùng trở về thủ đô tập trung trong nhà bà Maria mẹ của thánh Mác cô. Bà Maria là một đại gia có một căn lầu rộng rãi tọa lạc cách dinh thượng tế chừng vài trăm mét. Bà còn là chủ của một vườn ô liu mênh mông. Vườn Ghét-xê-ma-ni nơi có nhà ép dầu và kho chứa dầu cũng là sở hữu của bà.
Hàng trăm người tập trung trong nhà của bà Maria này. Họ ăn ở đây, ngủ ở đây, cầu nguyện ở đây. Một điều Thánh Kinh không nói, nhưng ai cũng đoán được rằng Đức Mẹ là linh hồn của hàng trăm tân tín đồ này. Chắc chắn họ phải đua nhau hỏi về cuộc đời của Đấng Cứu Thế, con của Đức Mẹ. Cũng chắc chắn một điều nữa là niềm tin cao siêu của Đức Mẹ phải tràn sang cho cộng đồng. Một điều chắc chắn nữa là các bà phụ nữ sẽ trao đổi với nhau rất nhiều về những điều họ được nghe Chúa giảng và lại được Đức Mẹ nhắc lại và nói thêm. Như vậy thì buồn nào cũng biến thành vui.
Cộng đoàn tín hữu đầu tiên của Giáo hội đã sống những ngày đầu tiên là như thế đó. Buồn quá! Lo sợ quá! Nhưng cũng vui quá và an tâm vô cùng.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 2
Lên Trời
Mt 28, 16-20
Khi xưa, Chúa Giêsu nhập thể thì được diễn tả là “giáng trần” hay “xuống thế”. Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Chúa Giêsu “thăng thiên” hay “lên trời”,nghĩa là Ngài trở về tình trạng vinh quang với Chúa Cha. “Lên trời”không phải là một chuyển động trong không gian, cũng không phải là một nơi chốn, mà là một trạng thái sống vinh hiển, biểu hiện sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là sự sống viên mãn, không còn bị hao hụt hay giảm thiểu bởi đau khổ, bệnh tật, đói khát. Lên trời là thay đổi sự sống từ hữu hạn đến vô hạn, từ tạm thời đến vĩnh viễn, từ tương đối đến tuyệt đối, cũng là khát vọng thâm sâu của con người.
Chúa Giêsu lên trời là vì Ngài đã làm người, đã hoàn thành sứ mạng mà Chúa Cha giao phó, đã dâng hiến chính mạng sống mình để cứu chuộc nhân loại, và đã trở nên mô mẫu yêu thương tuyệt hảo cho đời sống con người. Chúa về trời nhưng Ngài không bỏ mặc thế giới, hay rời xa Giáo Hội mà Ngài đã thành lập. Ngài không đi vào cõi vinh quang riêng mình, mà đi vào một hiện hữu mới, để hiện diện một cách mầu nhiệm và sâu sát trong lòng Giáo Hội, trong lòng người, như lời Ngài đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Tuy Chúa Giêsu không còn hiện diện cách hữu hình để chúng ta trông thấy, nhưng Ngài vẫn là Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Phải tập nhận ra Ngài bằng đôi mắt đức tin, trong anh em và trong mọi biến cố đời thường. Chúa Giêsu lên trời mở ra một lối thoát tuyệt vời cho con người, vì họ không còn bị trói chặt vào số kiếp này, không còn bị giới hạn vào thân phận hư hèn hay số mệnh nghiệt ngã. Trên trời, khát vọng sâu thẳm của con người được lấp đầy, mơ ước siêu vượt của con người được mãn nguyện, sự sống và hạnh phúc của con người đạt tới vô biên, vì được tham dự trọn vẹn vào thần tính của Thiên Chúa.
Trời là mẫu mực của đất: Ý Cha phải được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Chỗ nào con người vâng theo ý Cha, chỗ đó là trời. Trái tim của chúng ta sẽ trở thành trời, nếu đầy ắp yêu thương, đầy ắp Thiên Chúa, nghĩa là để cho Chúa ngự trị và làm chủ cuộc đời mình. Chúa ở đâu thì trời ở đấy. Nếu có Chúa ở với ta, thì trời là vương quốc Thiên Chúa đã ở quanh ta và ở trong ta (x. Lc 17, 19). Để từ đó, ta biết đặt mình ở trong Ngài và trở nên sự hiện diện của Ngài.
Chúa về trời cho biết quê hương đích thực của chúng ta ở trên Trời. Đó không chỉ là niềm hy vọng nhưng còn là một bảo đảm chắc chắn cho tất cả những ai tin tưởng vào Thiên Chúavà sống theo đường lối Người. Ta sẽ được hạnh phúc sống đời sau bên Chúa,nếu ta thực sự sống sâu sát với Chúa từ đời này.Thiên đàng đã chớm nở từ hôm nay cho tất cả những ai dám xả thân xây dựng Nước Trời, dám vì công lý mà phải chịu “thiệt thân” như Chúa Giêsu, để đẩy lùi bao bất công, bạo lực, nghèo đói, và mọi thứ làm tha hóa đời sống con người.
Đó chính là sứ mạng mà Chúa mời gọi mỗi người chúng ta: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy”.Vì thế, bổn phận Kitô hữu là xây dựng trời cao từ nơi đất thấp: là làm cho Tin Mừng thấm nhập vào đời sống con người, để mọi người dần dần nhận biết Thiên Chúa, và qui tụ dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô. Điều đó phải được minh chứng qua đời sống Kitô hữu: là những người xả thân phục vụ cho sự sống và hạnh phúc của người khác, không ngừng cống hiến, cho đi, chia sẻ tất cả những gì mình có, không bị kéo ghì bởi những đam mê xác thịt, càng không chùn bước trước cái chết hay đau khổ.
Như vậy, trời hay thiên đàng là một thực tại đã manh nha từ cuộc sống này, phát xuất từ vinh quang Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa, Đấng là cùng đích của con người và vạn vật, chứ không phải là sản phẩm của hoang tưởng như người ta tưởng. Chính vì người ta muốn làm nên một thiên đàng trần gian như người ta tưởng, một thiên đàng không có Thiên Chúa, nên nó đã suy sụp thê thảm như chúng ta đã thấy trong lịch sử. Thiên đàng là một ân ban của lòng Chúa thương xót, nhưng vì người ta muốn loại trừ Thiên Chúa nên thiên đàng đã trở thành địa ngục.
Ai cũng đang đang mơ ước một tương lai xán lạn cho đời mình, nhưng chắc đó không phải là một tương lai chấm dứt với cuộc đời này, mà phải là một tương lai bền vững đến muôn đời, như Chúa đã dự định và chuẩn bị cho chúng ta (x. Ga 14, 3). Là những người xây dựng lý tưởng linh thiêng cho đời mình, chúng ta hãy bắt đầu xây dựng những thiên đàng nho nhỏ ở quanh mình, nơi gia đình, nơi bạn bè, nơi khu xóm, trong giáo xứ, trong hội đoàn, để minh chứng sự hiện diện của Thiên Chúa đang nhẹ nhàng lan tỏa trên đời sống của con người hôm nay.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã về trời,
nhưng vẫn còn lại đây Thánh Thể Ngài,
là nguồn sống ân ban cho nhân loại,
là thần lương trên con đường lữ thứ,
là bằng chứng của lòng Chúa nhân từ,
để đời con viết nên trang lịch sử.

Chúa về trờinhưng còn lại Lời Ngài,
Lời chỉ đường và dẫn bước con đi,
Lời quyền năng Lời ân ban sáng tạo,
Lời đưa con lên vinh phúc trời cao,
với một tình yêu mến biết dâng trao,
để làm cho cuộc sống thêm dồi dào.

Chúa về trờitừ nay cuộc sống này,
sáng bừng lên trong ơn của Thánh Thần,
để con biết hành động trong sự thật,
đeman bình ích lợi cho thế nhân,
đem niềm vui lẽ sống cho cuộc trần,
nối kết nhau trong nghĩa thiết tình thân.

Chúa về trờinhưng hiện diện mọi nơi,
qua mọingười mọi biến cố nhỏ to,
nhất là qua những con người nghèo khó,
để con luôn biết ý thức chăm lo,
theo Ngài gọi đi vào lòng thế giới,
gieo Tin Mừng đến với mọi tha nhân.

Chúa về trời cho cuộc sống sáng tươi,
không còn nữa những ngày đời tăm tối,
vì từ đây Chúa soi đường mở lối,
cho đức tin và tình mến lên ngôi,
Chúa về trời mở ra sự sống mới,
là muôn đời hạnh phúc chẳng hề vơi.

Xin cho con vững một lòng tin cậy,
để hăng say xây dựng cuộc sống này,
và chờ ngày Chúa sẽ đến vinh quang,
cho đoàn con được hưởng phúc thiên đàng. Amen.
Lm. Thái Nguyên
=================
Suy niệm 3
Khai đường mở lối cho chúng ta
 
Con thuyền không bến
Một chiếc thuyền lênh đênh giữa đại dương bao la, hết ngày nầy qua ngày khác, hết năm nầy đến năm kia, thuyền cứ trôi nổi bồng bềnh trên sóng nước mà không có bến đậu cho đến ngày mục nát… thì thật đau buồn!
Thế giới hôm nay cũng có lắm mảnh đời có chung số phận như con thuyền không bến nầy. Người ta sống mà chẳng biết mình sống vì mục đích gì, chết rồi sẽ ra sao… Cuộc đời của họ như thuyền trôi lênh đênh, không mục đích, không định hướng, không tương lai, không hy vọng… Vì thế, họ thấy cuộc sống là vô nghĩa và phi lý… Sống như thuyền không bến thì bi đát biết bao!
Cuộc phục sinh và lên trời của Chúa Giê-su đem hy vọng cho thế giới
Chúa Giê-su là Thiên Chúa xuống thế làm người và đã sống trọn vẹn thân phận con người như chúng ta.
Ngài đã đi đến tận cùng đau khổ khi bị hành hình như một tội đồ gian ác nhất và chịu chết tủi nhục, thê thảm trên thập giá.
Ngài đã cảm nếm sự cô đơn cực độ khi hấp hối trên thập giá, bị người đời ghét bỏ, nhạo cười và cảm thấy dường như cả Chúa Cha cũng từ bỏ mình.
Ngài đã rơi vào tối tăm bi thảm của kiếp người khi trở thành một thi hài không còn sự sống và chịu mai táng trong mồ hoang lạnh!
Thế rồi,
Nhờ quyền năng Chúa Cha, Ngài đã sống lại và lên trời vinh hiển.
Qua việc phục sinh và lên trời vinh hiển, Chúa Giê-su khai mở cho nhân loại một con đường tiến vào thiên đàng hồng phúc, nơi không còn đau khổ, tang thương, chết chóc nhưng tràn đầy hoan lạc và bình an.
Chúa Giê-su lên trời không phải để rời xa chúng ta, nhưng Ngài đi để dọn chỗ cho chúng ta như lời Ngài nói: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em… Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 2-3).
Thế là từ đây, cửa trời đã được mở ra, vương quốc trường sinh đã được dọn sẵn để đón nhận muôn dân muôn nước vào hưởng phúc đời đời.
Từ đây, đời người không phải như những con thuyền không bến, mà có một bờ bến tuyệt vời là thiên đàng, là chốn hạnh phúc thiên thu vạn đại đang chờ đón họ.
Nhờ sự lên trời vinh hiển, Chúa Giê-su cho thấy cuộc đời rất đáng sống vì những chuỗi ngày ở trần gian là những bậc thang dẫn đưa nhân loại tiến đến quê trời.
Hướng lòng về thượng giới
Biến cố Chúa Giê-su lên trời hướng lòng trí chúng ta về quê hương đích thực của mình trên thiên quốc và thúc đẩy chúng ta phấn đấu để đạt tới mục tiêu cao quý nầy. Thánh Phao-lô trong thư Cô-lô-xê kêu gọi chúng ta: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, thì hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới…” (Col 3,1-2).
Lạy Chúa Giê-su,
Sự phục sinh và lên trời vinh hiển của Chúa đã đem lại cho đời người một hướng đi, đó là tiến về thiên quốc, đã mang lại cho đời sống con người một ý nghĩa cao đẹp, đã khơi lên trong lòng người niềm hy vọng mai đây được vui sống hạnh phúc trên thiên đàng.
Xin cho chúng con hôm nay luôn hướng lòng về thượng giới, cố gắng sống tốt lành thánh thiện để mai sau, được cùng nhau sum họp bên Chúa trên thiên quốc. Amen.
 
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=================
Suy niệm 4
Chúa mang bản tính chúng ta về 
Trời
(Mt 28, 16 - 20)
Toàn bộ ý nghĩa Chúa về Trời được các bài đọc Thánh Kinh diễn tả và nội dung gồm tóm trong những lời sau: "Chúa Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, Người căn dặn các Tông đồ xong... ". Và sau đó " Người lên Trời " (x. Cvtđ 1, 1- 11).
"Đã đến giờ Chúa Giêsu rời bỏ thế gian mà về cùng Đức Chúa Cha". Lời này được lặp đi lặp lại mỗi đoạn Tin Mừng trước lễ Chúa về Trời. Theo sự quan phòng trong kế hoạch đời đời của Thiên Chúa, Chúa Giêsu từ giã Đức Maria, Mẹ Người, các môn đệ và nhất là tâm sự với các nhiều điều trước khi về Trời. Hôm nay mừng Chúa lên Trời.
Chúa xuống thế mặc lấy bản tính loài người chúng ta
Đọc lại Tin Mừng viết về gia phả của Đức Giêsu, chúng ta thấy Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể có một lịch sử rõ ràng (x. Mt 1,1-17), (Mt 3,9 ; 8,11 ; Lc 3,8 ; 2Cr 11,22). Chứng tỏ, Thiên Chúa, Đấng siêu việt, đã “vì loài người chúng ta”, mà nhập thể làm người. Đúng như thánh Phaolô viết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các Ngôn sứ ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. … Người là phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,1-3). 
Chúng ta có thể quả quyết mà không sợ sai lầm rằng, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa từ Trời xuống thế, nhập thể làm người đã đảm nhận thân phận con người như chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Người là một thực thể của thế giới, một con người của lịch sử, có nguồn gốc, có cha có mẹ như bao người khác.
Thiên Chúa muốn cứu độ chúng ta bằng cách mặc lấy xác phàm như Thánh Phaolô đã diễn tả: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7), hay như thánh Gioan viết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Có lẽ, cũng từ đó mà thánh Athanaxiô diễn tả: “Ngôi Lời đã nhận lấy một thân xác có thể chế, để thân xác đó, một khi hoà hợp với Ngôi Lời là Đấng làm chủ mọi loài mọi vật, thì vừa có thể chết thay cho mọi người, vừa không thể hư hoại, vì có Ngôi Lời hằng cư ngụ. Cuối cùng nhờ ơn phục sinh, mọi người được giải thoát khỏi cảnh hư hoại” (Trích lại trong Các Bài Đọc Kinh Sách, bài đọc II, ngày 2 tháng 5).
Như vậy, Chúa Giêsu sau khi đã từ cung lòng Chúa Cha, từ Trời thân hành xuống thế nhập thể làm người, đi vào lịch sử loài người, sống kiếp phận con người, bước vào trong bóng sự chết, đã phục sinh và trở về Trời trong vinh quang mà từ thuở đời đời Người đã có với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
Chúa lên Trời mang bản tính chúng ta về Trời với Chúa
Chúa Giêsu lên trời dựa trên cụm từ: “Chúa Giêsu lên Trời ngự bên hữu…”. Theo lời thánh Lêo Cả, khi Vị Thủ Lãnh của chúng ta bước vào thiên đàng và ở trên đó, “vinh quang của Đầu” đã trở thành “niềm hy vọng cho thân xác” (x. Sermo Ascensione Domini). Chúa Giêsu đã vĩnh viễn bước vào thiên đàng, “Người là Đầu và là Trưởng Tử giữa đàn em đông đúc” (Rm 8, 29). Vì bản tính của chúng ta là ở trong Thiên Chúa và ở trong Đức Giêsu Kitô. Nên vì loài người chúng ta (thân xác), Chúa Giêsu là (Đầu) hằng sống đến muôn thủa muôn đời hằng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước mặt Chúa Cha (x. Dt 7 , 25). Từ tao cao vinh hiển, Người gửi cho Giáo hội một sứ điệp hy vọng và mời gọi hướng đến sự thánh thiện trên Trời nơi Người đang ngự bên hữu Thiên Chúa.
Chúa lên Trời, niềm hy vọng của chúng ta
Nhờ công nghiệp và lời cầu bầu của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha cho chúng ta, chúng ta có hy vọng đạt tới sự công chính và sống thánh thiện. Chính Người, Vị Thủ Lãnh của chúng ta đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, hiển vinh về Trời, đó là niềm hy vọng của chúng ta. Người sẽ trở lại đón chúng ta đi với Người. Để được về Trời với Chúa, chúng ta hãy gia tăng lòng mộ mến những sự trên trời và tích cực làm việc vì Nước Trời.
Lễ Chúa Giêsu lên Trời là lễ của niềm hy vọng, vì lễ này báo trước cảnh ngọt ngào của Thiên Đàng. Chúa Giêsu là Đầu, chúng ta là chi thể, Người đi trước để chúng ta được tiếp bước theo sau vào Thiên Đàng. Vẫn theo lời Thánh Leo Cả: “Trong Đức Kitô chịu đóng đinh mà chúng ta chết cho tội, và trong Đức Kitô phục sinh chúng ta sống lại với Người trong đời sống mới đầy ân sủng, chúng ta cũng đạt tới Trời nhờ sự lên Trời của Người. Việc tham dự vào mầu nhiệm của Đức Kitô với tư cách là thành viên của Người, hoàn toàn phụ thuộc vào Người và gắn bó mật thiết với vận mệnh của Người” (x. LEO CẢ, Bài giảng lễ Chúa lên Trời).
Quả thật, nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã được tháp nhập vào sự sống của Chúa Kitô, nghĩa là chúng ta hy vọng phục sinh và được chia sẻ vinh quang của Người. Chúng ta cũng sẽ theo Người đến cùng Chúa Cha khi kết thúc cuộc sống trần gian này. Lễ Chúa lên Trời là sự kiện phản ánh rõ nhất về niềm hy vọng của chúng ta về cuộc sống vĩnh cửu.
Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng, xin giúp chúng con là con cái Mẹ, biết sống và thực hành lời Chúa Giêsu, Con Mẹ, để một ngày kia chúng con cũng được về Trời với Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các thánh vui hưởng tôn nhan Chúa Ba Ngôi đến muôn thủa muôn đời. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=================
Suy niệm 4
SỐNG ĐẠO GIA ĐỜI ĐẦY BIẾN ĐỘNG

Kính thưa quý cộng đoàn Phụng vụ! Kể từ khi cơn dịch bệnh cô-vi bùng phát, chúng ta đã phải bỏ hàng triệu ngôn từ, trang giấy để nói về nó. Đặc biệt tại xứ sở truyền giáo Nhật Bản này, bình thường các nhà thờ vẫn thưa thớt giáo dân vào các Thánh lễ trọng hay lễ hằng ngày, và từ khi các Thánh lễ cộng đồng bị ngưng lại, thì các giáo xứ càng vắng lặng, yên tĩnh vô cùng!
Nhìn chung, thành phần giáo dân Nhật Bản hầu như đã lớn tuổi nên họ không thể nào tham dự Thánh lễ trực tuyến trên các trang mạng xã hội hiện đại; còn đài phát thanh (radio) hầu như không được dùng để phát Thánh lễ như trước kia cho hầu hết các bệnh nhân không thể tham dự Thánh lễ trực tiếp nữa!
Khi nói đến đây, chúng ta không khỏi bồi hồi nhớ lại thời cấm đạo, dù các nhà truyền giáo phương Tây bị trục xuất khỏi nước Nhật, nhưng giáo dân bản xứ thuộc thế hệ đầu tiên đã kiên tâm cầu nguyện giữ đạo cho bản thân, cho gia đình và cho lối xóm, giáo họ, giáo xứ, rồi dần dần lan rộng khắp cả nước, đặc biệt tại vùng Goto, Nagasaki. Tuy nhiên, đó là khí phách, lòng nhiệt thành, tâm huyết của các thế hệ giáo dân xưa; còn hiện nay, những điều này dần dần mất đi và trở nên lãng quên. Thời ông bà, cha mẹ hết lòng sống đạo, nhưng đến thời con cháu, thế hệ sau thì như thế nào? Điều này khiến chúng ta không khỏi băn khoăn, trăn trở!
Hôm nay, cùng với Giáo Hội cử hành Phụng Vụ mừng kính Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh vinh quang về trời, kết thúc sứ mạng của Ngài tại trần gian, chúng ta xác tín lại rằng: Ngài về trời ngự bên hữu Chúa Cha, nhưng Ngài không bao giờ xa chúng ta. Ngài luôn hiện diện bên ta trong mọi biến cố: trong Thánh lễ và các Bí tích, qua mọi việc bác ái, cũng như qua mọi công cuộc của Chúa Thánh Thần (Đấng Bảo Trợ khác mà chính Chúa Giê-su hứa ban cho các môn đệ khi Ngài về trời), và qua việc chúng ta sống chứng tá, thực hiện sứ mệnh đã được trao phó cho mỗi người Ki-tô hữu “các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật” (Mc 16, 15) hoặc nói một cách khác “các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong tất cả xứ Giu-đê-a, Sa-ma-ri-a, và cho đến tận cùng trái đất” (x. Cv 1, 8). Tuy có nhiều cách nói khác nhau, nhưng điều Chúa trao cho các Tông đồ và cho mỗi người chúng ta không gì khác hơn là làm chứng tá cho Chúa Ki-tô Phục Sinh. Nói một cách đơn giản hơn là sống và làm chứng vì đạo, nhất là trong thời điểm cam go như lúc đại dịch vừa qua; mọi người khắp nơi hạn chế di chuyển, hạn chế ra ngoài đường, hạn chế tụ tập đông âu cũng vì sự an toàn tính mạng và tránh lây nhiễm bệnh.
Dù như vậy đi chăng nữa, sứ mệnh làm chứng hay sống đạo vẫn luôn được tiếp diễn trong mọi hoàn cảnh, mọi thời, mọi lúc và mọi nơi; có thể chỉ khác phương cách thực hiện mà thôi. Trong tâm tình ấy, thiết nghĩ chúng ta có thể tóm gọn cách thức sống đạo theo hai cách, dựa trên linh đạo đan viện dòng Biển Đức, đó là: Cầu nguyện và Làm việc (ora et labora). Riêng Làm việc chia làm hai phần: làm việc phục vụ nhu cầu thể lý, và làm việc cho nhu cầu tinh thần/thiêng liêng. Dĩ nhiên, hai điều này không thể tách rời, vì trong thực tế có người chỉ cầu nguyện mà không làm việc hoặc chỉ làm việc mà không cầu nguyện!
Cầu Nguyện: Nền tảng của đời sống thiêng liêng là cầu nguyện; hơn nữa, cầu nguyện không ngừng trong mọi nơi mọi lúc là điều cần thiết hầu duy trì mối tương quan với Chúa và với tha nhân. Trong thời gian dịch bệnh cô-vi, mọi người không thể tập trung đông đảo tại nhà thờ, nhà nguyện hay phòng hội hoặc từng nhà để đọc kinh liên ái/liên khu được; nhưng chúng ta có thể sử dụng các chương trình truyền thông như Viber, Line (dĩ nhiên nên tìm hiểu chương trình nào phù hợp và an toàn bảo mật tính riêng tư khi truy cập) tạo thành nhóm cầu nguyện mỗi ngày. Ngoài ra, thời gian cách ly vì dịch bệnh tạo cho chúng ta bên nhau với gia đình nhiều hơn trong giờ kinh nguyện chung. Thay vì, chúng ta dành nhiều thời giờ để lướt mạng xem tin tức hoặc theo dõi thông tin trên truyền hình, chúng ta nên dành nhiều thời gian cùng đọc kinh nguyện chung trong gia đình. Thêm nữa, chúng ta có thể cùng lần chuỗi liên kết Mân Côi hoặc chuỗi liên kết Lòng Chúa Thương Xót trong trường hợp chúng ta cách xa về mặt địa lý không thể nguyện gẫm trực tiếp với nhau. Chúng ta có thể tham dự buổi hồi tâm, tĩnh tâm, hoặc học hỏi chuyên đề về đời sống đức tin, Giáo Hội…trên các trang mạng Công giáo có uy tín. Cùng với cầu nguyện, chúng ta Làm việc phục vụ nhu cầu thể lý và tinh thần của tha nhân. Sức mạnh của cầu nguyện giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi, lo âu, hoang mang trong cơn bệnh dịch, cũng như thúc giục chúng ta dám hành động (làm việc) bác ái cho nhu cầu thể lý và thiêng liêng.
Làm việc bác ái về mặt thể chất: Trong mối tương thân giữa con người với nhau, chúng ta không chỉ dừng lại ở mức độ đồng cảm, thấy thương những người khốn khổ, thiếu thốn vật chất…, mà chúng ta còn được mời gọi yêu thương họ một cách cụ thể, tuỳ theo khả năng của bản thân. Với tâm hồn quảng đại, lòng bác ái sẽ giúp chúng ta có nhiều sáng kiến phục vụ lợi ích cho tha nhân, dĩ nhiên cũng nên nắm rõ luật lệ, quy định của nơi đang sinh sống hầu tránh những gì ngăn trở việc lành thánh hướng tới tha nhân. Trong mùa dịch cô-vi, mặt trái cũng như mặt phải của xã hội, của từng quốc gia hầu như đều được lộ diện rõ ràng trước mắt chúng ta; nào là tình trạng người vô gia cư, những ai khốn khó với thu nhập thấp, những bạn trẻ vì nhiều lí do mà bỏ gia đình, sống lang thang, mưu sinh với công việc liên quan đến JK (Joshi Kosei - kỹ nghệ tình dục vị thành niên)…, kể cả những người có tài sản kết xù hành xử ra sao khi đối mặt với đại dịch này. Có lẽ, nhiều người trong chúng ta đều có xu hướng nghĩ rằng: ngoài xã hội kia cũng có nhiều tổ chức thiện nguyện làm rồi, nên không cần chúng ta nữa! Ý nghĩ này sẽ lấn át tư tưởng, kiềm hãm đôi chân chúng ta sống bác ái cụ thể, trước hết với nhu cầu căn bản đầu tiên của tha nhân, đó là nhu cầu thể chất! Không chỉ dừng lại ở khía cạnh thể lý, mà chúng ta cũng không quên làm việc bác ái hướng tới khía cạnh thiêng liêng/tinh thần của tha nhân.
Làm việc bác ái về mặt tinh thần: Trong chúng ta, có người được Chúa ban dư dật về vật chất, có người chỉ đủ dùng, và cũng có người phải chật vật mới sống qua từng ngày. Làm việc bác ái không chỉ giản lược trong khía cạnh vật chất hay thể lý, nhưng còn chú tâm đến chiều kích thiêng liêng nữa, điều mà chúng ta thường xem nhẹ hoặc lãng quên. Trong đại dịch này, chúng ta không thể tham dự Thánh lễ trực tiếp như trước. Hầu hết chúng ta tham dự Thánh lễ trực tuyến (được phát trực tiếp hoặc thu lại) tại bất cứ trang web của Giáo phận nào hoặc trang chính của Vatican, nơi đó chúng ta được tham dự Thánh lễ Giáo triều mà chính Đức Thánh Cha chủ sự, cũng như lãnh nhận được phép lành Toà Thánh ngoại thường trong thời điểm bệnh dịch cô-vi. Ý nghĩa mỗi khi chúng ta tham dự Thánh lễ trực tuyến, chúng ta rước lễ thiêng liêng, chúng ta xưng tội thiêng liêng (trong trường hợp không thể xưng tội trực tiếp với Linh mục), và đều không khác gì khi chúng ta cử hành hay tham dự trực tiếp cả, nếu có khác, chỉ ở cách thức thực hiện mà thôi. Chính vì vậy, chúng ta nên tham dự một cách sốt sắng, với tâm tình tín thác, và để Lời Chúa, bàn tiệc Thánh Chúa thẩm thấu con người chúng ta, mọi sinh hoạt thường nhật của chúng ta, giúp chúng ta bỏ qua cho anh chị trong gia đình và dòng tộc, giúp chúng ta tha thứ thật lòng anh chị em, giúp chúng ta biết dùng an ủi, khuyến khích, động viên…anh chị em. Mỗi khi chúng ta hành động thê này, tức là chúng ta đang làm việc bác ái hướng tới chiều kích thiêng liêng của tha nhân.
Trên đây chỉ là một số gợi ý sống đạo và làm chứng cho Chúa trong thời gian cam go này. Xin Chúa hằng gìn giữ và đoái thương đến mỗi người chúng ta và toàn thế giới đang phải đối mặt với thời đại đầy biến động. Xin giúp chúng ta đang mãi lo chống chọi với những thay đổi chóng mặt,  cũng không quên tỉnh thức trước ‘virus thờ ơ, ích kỷ, khép kín’,  và luôn luôn sống đức tin, can trường trở nên chứng tá giữa thời đại này. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 5
TRỞ NÊN CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU
Anh chị em rất thân mến, chúng ta đã cùng Giáo hội hân hoan mừng đón Chúa Phục Sinh và giờ đây giống như mười một Tông đồ, có lẽ chúng ta lòng cũng buồn rười rượi, bịn rịn phải nói lời chia tay với Chúa Giê-su vì hôm nay Người lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Nhưng con thiết nghĩ nỗi buồn này được lấp đầy với niềm vui chan chứa, và ngôn từ chia tay này được thay thế bằng lời trấn an xác tín của Chúa Giê-su Ki-tô với các môn đệ và với mỗi người chúng ta: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28, 20). Các bài đọc hôm nay chúng ta vừa nghe, đặc biệt trình thuật ngắn gọn của Thánh Sử Mác-cô về sự kiện Chúa Thăng Thiên cho chúng ta thấy: Mác-cô không đơn thuần thuật lại chuyện Đức Giê-su được đưa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha, mà còn nhắn nhủ mỗi người chúng ta hãy nhớ “bài sai” của Chúa Giê-su gửi cho mọi người tin nhận vào Người rằng: “Các con hãy đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo, ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án” (Mc 16, 15-16). Nói cách khác, mỗi người chúng ta được Chúa mời gọi và được sai đi làm chứng nhân cho Chúa tình yêu trong mọi hoàn cảnh sống, mọi thời đại và mọi lãnh vực. 
Trước tiên, chúng ta nên hỏi bản thân: ai là chứng nhân cho Thiên Chúa tình yêu? Và chứng nhân cho Chúa là người như thế nào? Thông thường, anh chị em nghe quý cha, quý sơ, quý thầy được nhận bài sai đi truyền giáo, phục vụ ở nơi này hay nơi khác, ở quê hương hay trên một vùng đất xa lạ nào đó, chứ ít ai nghe giáo dân được sai đi?!! Nghĩ như vậy cũng là điều dễ hiểu, nhưng chúng ta nên biết rằng: khi được chịu Bí tích Rửa tội, chúng ta được trở nên người thuộc về Chúa Ki-tô (Ki-tô hữu), người được thông phần vào sứ vụ tiên tri, tư tế và vương đế của Ngài; còn nữa, chúng ta cam kết từ bỏ mọi âm mưu đen tối của tội lỗi, ma quỷ và hứa sống tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa qua việc sống đức tin và làm chứng cho Chúa qua đời sống hằng ngày. Như vậy, chứng nhân cho Thiên Chúa tình yêu chính là mỗi một người Ki-tô hữu chúng ta, là những người được khắc sâu trong tâm khảm mình ấn tín thánh thiêng không bao giờ phai mờ, là người mặc lấy thánh danh Ki-tô hay là người mang tên Ki-tô hữu. Như bài đọc 1 trích trong sách Công Vụ Tông Đồ, Chúa Giê-su khẳng định: các tông đồ sẽ được lãnh nhận sức mạnh của Thánh thần khi Người ngự xuống trên các ông. Bấy giờ các ngài sẽ là chứng nhân của Thầy Chí Thánh Giê-su tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri-a cho đến tận cùng trái đất (x. Cv 1,8). Chứng nhân của Thiên Chúa tình yêu là người được Thánh thần thúc giục, nâng đỡ, ban sức mạnh, can đảm, quả quyết, dũng cảm ra khỏi con người yếu đuối, sợ sệt, nhút nhát của mình, vứt bỏ những thú vui trần tục, thói quen đam mê mà dám tuyên xưng vào Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi trao ban Con Một yêu dấu của mình để cứu độ con người tội lỗi (x. Ga 3, 16). Còn gì đẹp hơn, cao cả hơn tình yêu của một Thiên Chúa trao ban chính sự sống mình cho chúng ta dù chúng ta bất xứng, vô ơn!
Như vậy, anh chị em chúng ta phải khẳng định một điều là: đã là người Ki-tô hữu, tất cả chúng ta đều là chứng nhân của Chúa Ki-tô. Tuy nhiên, chúng ta sẽ làm chứng cho ai và cho điều gì? Một câu hỏi dường như không cần thiết và có lẽ hơi dư thừa, nhưng nếu nhìn vào cuộc sống gia đình, lịch sử bản thân, và những thăng trầm, bước ngoặc lớn trong đời sống đức tin của mỗi người, chúng ta sẽ nhận ra rằng: lắm lúc chúng ta không làm chứng cho Chúa tình yêu và cho Chân lý. Lý do thì ôi thôi vô số, hơn cả 1001 lý chứng để biện hộ, biện minh hay giải trình. Thay vì làm chứng cho Chúa Ki-tô đã yêu thương tôi, đã chết cứu chuộc tôi, tôi lại làm chứng cho “cái tôi”, cho “bản ngã” tự kiêu, hõm hĩnh của mình. Thay vì làm chứng cho lòng thương xót, lòng bao dung tha thứ của Thiên Chúa dành cho tôi, tôi lại làm chứng cho sự cứng nhắc, hành vi lên án và ghen ghét đối với chính mình và đối với tha nhân. Thay vì làm chứng cho cử chỉ khoan dung, chờ đợi và vòng tay rộng mở của Chúa dành cho con người tội lỗi như tôi, tôi lại làm chứng cho lối suy nghĩ kết án, xua đuổi và tách biệt của mình đối với anh chị em trong cộng đoàn; và còn vô vàn nhiều điều khác mà đáng lẽ chúng ta phải làm chứng, nhưng vì sự yếu đuối, chúng ta đã nhiều lần thỏa hiệp với điều bất chính hay cho tư lợi cá nhân mình. Là con cái Chúa, chúng ta phải sống trong sự thật, làm chứng cho chân lý, nhưng lắm lúc chúng ta lại làm chứng gian. Chính vì nhận biết con người thật mỏng manh, yếu đuối và dễ sa ngã như vậy, thánh Phao-lô đã nhắn nhủ chúng ta qua bài đọc 2, thư gửi giáo đoàn Ê-phê-sô: “Anh em được ban thần khí khôn ngoan và mạc khải để nhận biết Người. Xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh...” (Ep 1, 17-18). Lời nguyện xin của thánh Phao-lô cho tín hữu Ê-phê-sô cũng chính cho mỗi người Ki-tô hữu chúng ta. Thật không sai khi chúng ta nhận mình yếu đuối, nhưng với ơn Chúa, chúng ta trở nên can đảm làm chứng cho Ngài. Chẳng chút gì sai khi chúng ta nhận biết mình mù quáng trước lợi danh, tiền, tài, tình, tham vọng và đam mê, nhưng với thần khí khôn ngoan, đôi mắt tâm hồn của chúng ta sẽ trở nên sáng suốt, can trường đứng về phía chân lý và làm chứng nhân cho tình yêu đích thật, làm chứng tá cho Thiên Chúa.
Anh chị em rất thân mến, chúng ta đã biết mỗi một người trong chúng ta được Thiên Chúa mời gọi trở nên chứng nhân cho tình yêu Chúa và cho chân lý. Tuy nhiên, sống trong một thế giới đầy chuyển biến như ngày nay, chúng ta phải sống chứng tá như thế nào? Một niềm vui an ủi chắc chắn cho các Tông đồ, cho Giáo hội và cho chúng ta, đó là: mặc dù Chúa Giê-su vinh hiển lên trời, nhưng Người luôn đồng hành, ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Bằng chứng cụ thể, mỗi ngày Ngài hiện diện qua bí tích Thánh thể, trao ban chính sự sống Người cho chúng ta. Trong mọi phút giây, những khi ta quỵ ngã vì phạm tội, Ngài đồng hành với chúng ta qua bí tích Giải hòa để ban ơn tha thứ và bình an cho ta. Khi ta ốm đau bệnh tật phần hồn cũng như phần xác, Ngài đỡ nâng và cảm thông với ta, v.v...Những cảm nghiệm này, tiên vàn các Tông đồ là nhân chứng hùng hồn nhất “...phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông và củng cố lời rao giảng bằng những phép lạ kèm theo” (Mc 16, 20). Trong đời sống mục vụ và truyền giáo ở xứ sở hoa anh đào này, con cũng được nhiều anh chị em chia sẽ: làm sao sống, giữ vững đức tin ở đất nước phồn thịnh Nhật Bản này; làm sao sống chứng tá cho Tin Mừng và rao truyền Nước Chúa cho những người chưa tin nhận Chúa, v.v...Và câu chuyện đó luôn kết thúc bằng 4 chữ “khó lắm cha ơi” Thật sự, bản thân con cũng đồng cảm với quý ông bà, anh chị em; nhưng cũng nên khẳng định một điều là “khó không có nghĩa là không thực hiện được”. Nếu mỗi người chúng ta cố gắng bắt đầu làm chứng tá cho Chúa từ những việc làm bé nhỏ nhất, cử chỉ yêu thương, vị tha, hài hòa và hiệp thông với nhau. Và rồi từ tình yêu thương trong cộng đoàn dù bé nhỏ ấy sẽ như hương hoa lan tỏa khắp nơi. Hơn nữa, nếu chúng ta luôn tin tưởng rằng: chúng ta không ‘đơn thân độc mã’ sống chứng tá cho Tình yêu, nhưng các anh chị em khác đang cùng với ta và nhất là Chúa Ki-tô Phục Sinh luôn đồng hành, nâng đỡ ta trên bước đường trở nên nhân chứng Tình yêu như tâm tình trong một bài hát sinh hoạt “Phao-lô trồng, A-pô-lô tưới, Thiên Chúa sẽ cho mọc lên. Tôi trồng, anh tưới, Thiên Chúa cho bông lúa vàng”.
Với niềm tin xác tín vào Chúa Ki-tô, Con Thiên Chúa đã chịu chết cho nhân loại vì tình yêu. Và hôm nay Ngài lên trời, về cùng Chúa Cha, nhưng Ngài luôn ở cùng chúng ta cho đến ngày tận thế, chúng ta xin Chúa giúp sức mỗi người biết ý thức, can đảm trở nên chứng tá cho tình yêu mà Ngài đã dành cho chúng ta. 
Chung lời ngợi khen Chúa Con,
Hân hoan thờ kính một mình Ngài thôi.
Ứng viên của Chúa tình yêu
Nhiệt tâm, nhiệt huyết, nhiệt thành chẳng ngơi,
Gần gũi, gắn bó keo sơn
Nghị lực Thần khí ơn trên tuôn trào.
Hoạt động hăng hái vun trồng,
Ân sủng chan chứa, cậy trông không sờn
Người người góp sức truyền rao
Khắp nơi dân nước hoà ca vang trời. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
=================
Suy niệm 6
Làm Cho Muôn Dân Trở Thành Môn Đệ
Cv 1 ,1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20
Điểm hẹn cuối cùng của Đức Giêsu với mười một môn đệ tại một ngọn núi thuộc miền Galilê, ngọn núi Người đã truyền cho các ông đến đó. Tại sao Người hẹn gặp các ông ở Galilê, mà không phải ở đền thờ hay hội đường? Có lẽ Galilê là nơi đặc biệt, nơi xảy ra những biến cố lịch sử cứu độ nhân thế của Người, là một cứ điểm truyền giáo. Đây là miền đất của dân ngoại, thật cần kíp để gieo Tin Mừng. Chính nơi đây Satan đã đưa Người lên để thỏa hiệp với hắn nhưng Người đã chiến thắng. Nên hôm nay trên núi này Đức Giêsu đã công bố với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Khởi đầu sứ vụ, nơi đây Thầy đã gọi các môn đệ đầu tiên. Và cuối cùng hôm nay, điểm hẹn này là nơi Thầy trao sứ vụ loan báo Tin Mừng: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19.20a).
Suốt ba năm, các ông chỉ đi theo Thầy, trực tiếp cận kề học tập bên Thầy. Giờ đến lúc Thầy không còn trực tiếp dạy dỗ các ông, giờ là lúc các ông phải tự “thực hành thực tế” trong khi Thầy “vắng mặt”. Các ông phải “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền”. Đây là trọng trách lớn lao và thật khó khăn vất vả, nhất là khi không thuận tiện, trong cái chật hẹp, tối tăm của đời các môn đệ cũng như mỗi chúng con hôm nay. Nhưng một lời hứa chắc chắn kèm theo để an ủi và thúc bách chúng con: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20b). Đây là lời hứa để chúng con an tâm khi thi hành sứ vụ khó khăn mà cao cả. Chính Thầy sẽ thực hiện những điều lớn lao kỳ diệu nơi con người mỏng giòn yếu đuối của mỗi chúng con. Từ buổi Thiên sứ truyền tin đã loan báo về Đức Giêsu: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta(Mt 1,23). Vâng, Đấng Emmanuel vẫn luôn hiện diện, đồng hành, ở cùng các môn đệ và những người nhiệt tâm loan báo Tin Mừng trong mọi nơi mọi lúc. Chúa luôn ở cùng chúng con trên bước đường loan báo, trải dài cho đến ngày tận thế.  
Trong trình thuật biến cố thăng thiên hôm nay, nơi sách Công vụ trong bài đọc I, Đức Giêsu đã căn dặn những người ở lại: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt,  nhưng anh em sẽ nhận sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân được của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1,7-8). Sự kiện Chúa về trời là bước ngoặt đánh dấu sự bắt đầu trưởng thành của các môn đệ. Sự kiện này cũng đánh dấu sự hiện diện vô biên của Chúa trong cuộc đời của các môn đệ, trải dài đến chúng con hôm nay và cho đến tận thế.
Chúa ơi! trước khi về trời Chúa đã trao cho chúng con sứ vụ “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” của Chúa. Lạy Chúa! sức chúng yếu lắm, lòng người đời thì cứng cỏi, nhưng chúng con tin Chúa sẽ ở cùng và ở với chúng con trong mọi nơi mọi lúc. Để dù khó khăn hay gian nguy, chính Chúa sẽ thực hiện những điều kỳ diệu trong con người hèn mọn yếu đuối chúng con, cho muôn dân nhận biết Chúa và đi theo Ngài. Amen.
Én Nhỏ
=================
CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH NĂM A
Suy niệm 1
Ga 17, 1 – 11
Đức Giê su là một Thiên Chúa toàn năng, nhập thể làm người, sống như một người phàm suốt 33 năm. Trước năm 30 thì làm nghề thợ mộc. Hết 30 năm thì giải nghệ, bước vào đời truyền đạo. Suốt 3 năm truyền đạo, Chúa liên tục đi đây đó để làm hai việc. Việc thứ nhất là giới thiệu Ông Trời là một người Cha thân thương và do đó mọi người trên thế giới đều là anh em con của một Cha. Việc thứ hai là cứu nhân độ thế bằng các phép lạ. Trong ba năm truyền đạo dân chúng coi Ngài như một siêu sao. Nhưng giới lãnh đạo Do Thái giáo coi Ngài như một tên phá đạo.
Thời gian 33 năm làm người phàm sắp kết thúc. Bài Tin Mừng hôm nay là mẩu tâm sự Đức Giê su ngỏ bày với Chúa Cha. Là tâm sự của một Chúa Con toàn năng gửi cho một Chúa Cha toàn năng, nên chúng ta chỉ nghe mà không cảm nghiệm được. Không cảm nghiệm được, thì đành phải chấp nhận, vì Chúa là Đấng toàn năng và toàn tri, còn ta thì chỉ là một thụ tạo bé nhỏ và tầm thường. Tuy không cảm nghiệm được, nhưng chúng ta cũng vẫn hiểu được cái ý của Chúa. Ý Chúa muốn nói rằng Ngài sắp phải về với Chúa Cha và trở về với bản tính tuyệt đối mà Chúa Cha đã dành cho Ngài từ muôn thuở. Nhưng trước khi giã từ trần gian, Ngài muốn ngỏ lời xin Chúa Cha ban Thần Khí cho các môn đệ của Ngài để họ tiếp tục sự nghiệp kêu gọi loài người, để loài người được biết mình là con thân yêu của Chúa Cha. Ngoài việc ấy ra, Chúa Giê su lại xin Chúa Cha cho môn đệ của Ngài gồm 12 Tông đồ và toàn thể các tín hữu từ đó cho đến tận thế biết yêu thương nhau như Chúa Cha yêu Chúa Con và như Chúa Con yêu Chúa Cha. Đức Giê su dù rất bức xúc vì phải trở về với Chúa Cha. Ngài vẫn ngỏ lời là Ngài vẫn sống bên cạnh Giáo hội của Ngài cho đến tận thế. Thân xác thì đi, mà tình thì vẫn ở lại. Đó là một niềm an ủi tuyệt vời Chúa dành cho chúng ta. Tuyệt vời cho đến muôn đời.
Tâm và ý của Chúa là như thế đó. Ngài đi rồi, nhưng đi mà vẫn ở lại. Ở lại bằng Thần Khí của Chúa là Chúa Thánh Thần. Còn hơn thế nữa, Chúa ở bên ta và trong ta qua bí tích Thánh Thể.
Nghe như thế, hiểu như thế, tuyệt vời rồi. Nhưng chúng ta cũng còn phải tự ngẫm nghĩ xem: nguyện vọng của Chúa có được chúng ta thực hiện không? Lời cuối cùng của bài Tin Mừng này là: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho Con, để họ nên một như chúng ta.” Chúa muốn chúng ta không những phải yêu nhau, mà phải yêu nhau như Chúa Cha và Chúa Con yêu nhau.
Chúa về trời rồi và đang mong chúng ta yêu nhau đến độ trở nên một. Nghe thế thì sướng quá, nhưng nhìn vào thực tế của lịch sử Giáo hội, chúng ta phải gục đầu xuống, không dám nhìn lên Chúa và không dám vểnh tai để nghe Chúa. Hiện nay Giáo hội của Chúa bị chúng ta phản bội bằng cách chia Giáo hội thành bốn phe: Công giáo, Chính thống giáo, Tin lành và Anh giáo. Bốn anh em không còn thương nhau mà còn chê trách nhau. Lỗi tại ai? Không nên đổ thừa trách nhiệm cho ai. Bốn anh em phải khiêm tốn ngồi lại với nhau, cùng nhau cầu nguyện xin ơn hiệp nhất. Chỉ có tình yêu và lòng khiêm tốn mới hy vọng bốn an hem này trở nên một. Chỉ khi bốn anh em trở nên một, thì Giáo hội mới khẳng định với thế giới rằng: chỉ có một Thiên Chúa là Cha yêu thương và toàn thể thế giới đều là anh em.
Hãy yêu thương và khiêm tốn để hiệp nhất. Hãy hiệp nhất vì đó là điều bức xúc của Chúa Giê su trước khi Ngài kết thúc sứ mạng cứu độ.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

=================
Suy niệm 2
Chúa Giêsu, Đấng cầu thay nguyện giúp chúng ta
(Ga 17, 1-11a)

Chúng ta vừa cử hành Lễ Chúa Giêsu đã lên Trời với đầy niềm vui và hy vọng. Nay chúng ta hướng lòng về Lễ Ngũ Tuần, chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống như lời hứa Chúa Giêsu đã hứa. Sách Tông đồ Công vụ thuật lại: “Sau khi Chúa Giêsu lên trời, Các Tông đồ xuống khỏi núi gọi là Núi Ôliu mà trở về Giêrusalem… các ông lên lầu gác… Mọi người đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện “(Cv 1, 12-14).
Khi đến giờ Ðức Giêsu qua khỏi thế gian này để về cùng Đức Chúa Cha, Người phán cùng các môn đệ nhiều điều. Người nói với họ về niềm tin, tình yên và lòng mến (Ga 12, 44-50; 14, 1-6). Người trấn an các ông bằng cách để lại bình an cho họ, truyền dạy họ mến thương nhau, đồng thời kết hợp với Người như cành nho với thân nho, ở lại trong tình yêu của Chúa Cha (Ga 14; 15). Người xin Chúa Cha ban cho các môn đệ “Đấng Phù Trợ khác ” (Ga 14, 16) để ở với các ông luôn mãi.
Toàn bộ Phúc Âm thánh Gioan chương 17 là một bằng chứng về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho các môn đệ. Sau một loạt diễn từ ly biệt, được kết thúc bằng kinh nguyện vô cùng cảm động Chúa Giêsu dâng lên Cha. Kinh nguyện mở đầu bằng lời khẩn cầu danh Cha, ca tụng Ngôi Cha và Ngôi Con (Ga 17, 1-5). Thứ đến là xin "Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha" (Ga 17, 1). Và sau cùng là lời cầu xin cho các môn đệ. “Môn đệ” ở đây theo nghĩa hẹp, nghĩa là không phải tất cả những kẻ tin Người, cụ thể là nhóm 12 và nhóm 72.
Chúa Giêsu cầu nguyện rằng  : “ Lạy Cha, giờ đã đến! Xin hãy tôn vinh Con Cha, ngõ hầu Con Cha tôn vinh Cha! ” (Ga 17, 1). Chúa Cha đã tôn vinh Chúa Con trên Thánh Giá và đưa về Trời, nay Chúa Giêsu xin Cha: ” Con đã tôn vinh Cha. Và bây giờ xin Cha tôn vinh Con nơi Cha, trong vinh quang Con đã có nơi Cha trước khi có thế gian ” (Ga 17, 4-5). Sự tôn vinh đánh dấu giờ của Chúa Giêsu đã đến, giờ đi đến cùng của sứ mạng đã được Cha trao phó là tôn vinh Cha. Nếu Chúa Giêsu xin Chúa Cha tôn vinh mình, thì đến lượt mình lại tôn vinh Chúa Cha. 
Tiếp theo là những lời nguyện xin của Chúa Giêsu cho những người mà Chúa Cha ban cho, Người phó thác họ cho Chúa Cha, xin Chúa Cha gìn giữ họ luôn mãi, vì họ ” còn ở trong thế gian “, nơi có nhiều khó khăn, thử thách và gian truân, họ có thể bị bách hại vì lẽ công chính, chết vì đức tin vào Chúa Giêsu, dễ dàng bị lôi cuốn vào những trào lưu chối bỏ Thiên Chúa, chối bỏ ánh sáng chân lý và sự sống. Chính vì thế, Chúa Giêsu xin Cha gìn giữ họ, để khi gặp bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn kiên trung, hiệp nhất nên một trong tình yêu như Chúa Giêsu nên một với Cha của Người để làm nhân chứng cho Thiên Chúa ở trần gian này.
Chúa Giêsu biết các môn đệ của mình ở trong một hoàn cảnh hết sứ đặc biệt và tế nhị: Họ phải sống giữa thế gian. Thế gian này đã ghét Chúa Giêsu nên cũng ghét các môn đệ của Người, thế gian này còn rất xảo quyệt, luôn tìm cách quyến rũ để các môn đệ đi lệch khỏi đường của Chúa Giêsu mà ngả sang phía thế gian.
Ở trong một thế gian như thế, người môn đệ luôn phải đứng trước hai cám dỗ: Một là cám dỗ trốn tránh, xa lánh thế gian; hai là cám dỗ thỏa hiệp với thế gian. Nhưng xa lánh thì làm sao cho chu toàn sứ mạng thánh hoá thế gian, còn thoả hiệp với thế gian thì đánh mất căn tính của mình và cũng đánh mất sứ mạng của mình.
Chúa Giêsu cũng cầu xin cho các môn đệ hai điều: một là sự hiệp nhất, hai là sự thánh hiến. Đây chính là 2 điều quan trọng để con cái Chúa tuy sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.
Điều thứ nhất là hiệp nhất: Kinh nghiệm cho thấy người môn đệ nào không thân thiết với anh chị em cùng lý tưởng của mình, không gắn bó với Giáo Hội và với cộng đoàn thì dễ sa ngã hơn.
Điều thứ hai là thánh hiến: Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng Thánh. Thánh hiến ai là làm cho người đó hoàn toàn thuộc về Chúa. Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha lấy Lời Chúa mà làm cho các môn đệ thuộc về Chúa một cách trọn vẹn. Ai đã trọn vẹn thuộc về Chúa thì cho dù người đó có sống trong nguy hiểm quyến rũ của thế gian thì cũng không hề hấn gì. Người ấy như sen giữa bùn, như ánh sáng chiếu trong đêm tối, như men vùi trong thúng bột. Người ấy vừa luôn trung thành với Chúa của mình, vừa chu toàn sứ mạng thánh hoá thế gian.
“Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.” Noi gương Chúa Giêsu, Giáo hội mời gọi chúng ta tha thiết cầu xin, để Chúa Con tôn vinh Chúa Cha trong đời sống mỗi người chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần. Sao cho tất cả đều qui hướng về Cha, tôn vinh Chúa Con trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần. Chúa Con đến lượt mình, tôn vinh Giáo hội bằng việc tuôn đổ trên Giáo hội cũng một Thánh Thần của Cha và Con.
Như các Tông đồ đồng tâm nhất trí trong nhà Tiệc Ly, cùng với mấy người phụ nữ, và Bà Maria mẹ Chúa Giêsu, kiên trì cầu nguyện (x. Cv 1, 12-14), chúng ta tha thiết cầu xin Chúa Thánh Thần xuống trên chúng ta. Ước mong sao danh Cha được thánh hóa nơi mỗi người chúng ta, ” để ta được nên thánh và vô tì tích trước mặt Người, trong tình yêu” (x. Ep 1, 4). Cầu nguyện là điều cần thiết để đón nhận Chúa Thánh Thần vì khi cầu nguyện, chúng ta chứng tỏ mình sẵn sàng đón nhận ơn của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tôn vinh Chúa Cha và cầu cùng Chúa Cha cho chúng con. Xin ban ơn can đảm cho chúng con, để chúng con không hổ thẹn vì chỉ vì là Kitô, nhưng luôn ca tụng Chúa. Chúa sẽ không bỏ chúng con mồ côi. Cùng với Mẹ Maria, các thánh nam nữ ở trên Trời xin Chúa Cha ban Thánh Thần cho chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 3
XIN TÔN VINH CON CHA
Cv 1,12-14 ; 1Pr 4,13-16; Ga 17, 1-11a
 Đức Giêsu tập hợp các môn đệ, để nói những lời sau cùng và cầu nguyện cho các ông, trước khi vào vườn Cây Dầu để bắt đầu cuộc thương khó. Người ngước mắt lên trời và cầu nguyện với Cha: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha.” (Ga 17,1). Đã đến giờ rất nghiêm trọng, rất thảm buồn, mà Người lại xin được tôn vinh! Sự vinh quang thế trần là được thăng quan tiến chức, được khen ngợi chúc mừng, mọi người tôn trọng kính nể… Vậy vinh quang ở đây là gì? mà khi sắp bước vào cuộc thương khó, sẽ bị lôi hết tòa án này đến tòa án khác, nhục mạ, đánh đòn nhừ tử, căng thây trên thập tự và chết đau đớn tức tưởi như một tử tội… lại là được tôn vinh và để Con tôn vinh Cha? Ngày nay chúng con hát rằng: “Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô”, bởi vì “nơi Người ơn cứu độ ta, sức sống của ta và sự phục sinh của ta”. Đây là kiểu “tôn vinh”  khác biệt trong Tin Mừng Gioan. Đường thập giá của Đức Giêsu là con đường chu toàn Thánh Ý Cha. Khi chu toàn Thánh Ý Cha thì Chúa Cha được tôn vinh nơi Người: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm”. Khi Người bị treo lên thập giá, là lúc kế hoạch cứu độ được hoàn thành.
Các môn đệ và chúng con hôm nay nữa, thật ấm lòng khi được Thầy Giêsu lắng lo cầu nguyện cho: “Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con; và con được tôn vinh nơi họ. Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian.” (Ga 17,9-11a). Nhờ lời Thầy Giêsu cầu nguyện, mà sau này các môn đệ đã mạnh dạn, không còn sợ hãi để theo chính con đường Thầy mình đã đi.  
Ngày nay sống giữa thế trần, noi gương Chúa chúng con cũng sống tình hiệp thông, liên đới với nhau, cầu nguyện cho những người thân, trong cộng đoàn, những người thuộc về chúng con, cả những người chúng con gặp gỡ trong cuộc sống này.
Lạy Chúa! xin cho chúng con biết thực thi ý Chúa trong suốt cuộc đời, để Chúa Cha được tôn vinh trong phận người bé nhỏ của chúng con. Amen.
Én Nhỏ
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Kinh Năm Thánh 2025
Kinh Năm Thánh 2025
Đây là Kinh Năm Thánh 2025 được Đức Giáo hoàng Phanxicô soạn. Bản dịch Việt ngữ do Linh mục Giuse Lê Công Đức, PSS thực hiện và đã được Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log