Thứ bảy, 23/11/2024

Suy niệm Tin Mừng lễ Chúa nhật kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô

Cập nhật lúc 10:34 08/06/2023
Suy niệm 1
Ga 6, 52 – 59
Ngày hôm trước tại Bétxaiđa, Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Chỉ có năm ổ bánh mì và hai con cá, mà năm ngàn người được ăn no nê, mà còn thu gom được mười hai thúng mảnh vụn rải rác trên bãi cỏ. Uy tín của Chúa như diều gặp gió: vi vu trên ngàn mây.
Ngày hôm sau Chúa đến giảng ở nguyện đường Caphácnaum. Nội dung của bài giảng hôm ấy là: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì được sống đời đời; ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở trong tôi và tôi ở trong người ấy”. Thế là uy tín của Chúa như diều đứt dây, rơi xuống đất: gãy nát tan tành. Thính giả bỏ ra về, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Tại sao ông ta lại lấy thịt mình cho chúng ta ăn.” Nhóm 72 là môn đện thân tín cũng bỏ ra về. Không những bỏ về, mà còn chế giễu, “lời gì mà chói tai như vậy, ai mà nghe cho nổi.” Học trò mà chê thầy như thế, thì còn gì là tình với nghĩa! Cả nguyện đường chỉ còn trơ ra mười ba Thầy – trò. Ai nấy ngơ ngác nhìn nhau và cúi mặt nhìn hai bàn chân. Chúa biết trước hậu quả của bài giảng là như thế, nhưng Ngài cứ tỉnh bơ, mà còn khiêu khích mười hai tông đồ: “Còn chúng con, chúng con cứ bỏ Thầy mà đi cho rồi!”
Có lẽ trong lịch sử loài người chưa có một nhà giảng thuyêtd nào thất bại như thế và cứ tỉnh bơ như vậy. Tại sao thế? Tại quy luật của tình yêu là hai người yêu nhau muốn trở nên một với nhau. Vợ chồng nào cũng nói với nhau rằng “ta với mình tuy hai mà một”.
Nhưng phải thành thật mà nói rằng chẳng có tình yêu nào ở đời này đạt được mục tiêu ấy. Bởi vậy cặp vợ chồng nào cũng phải thành thật thú nhận rằng: “ta với mình tuy một mà hai”. Mẹ con nào cũng tưởng mình là một, nhưng khi đứa con gái về nhà chồng, người mẹ nào cũng khóc hức hức vì “hai vẫn là hai”.
Đức Giêsu không tuân theo quy luật ấy. Khi Ngài sắp phải về với Chúa Cha, Ngài quyết tâm vừa về với Chúa Cha, vừa ở lại với các môn đệ. Bằng cách nào? Bằng cách biến bánh mì thành thân thể của Ngài; biến rượu nho thành máu của Ngài. Ngài bảo ta ăn và uống bánh rượu ấy tức là ăn thịt và uống máu của Ngài. Ngài là Đấng toàn năng thì Ngài có quyền làm như vậy. Và chỉ thế thì Ngài với ta mới trở thành một thật. Ngài ở trong ta và ta ở trong Ngài. Đấy không phải là ước mơ đẹp mà là một hiên thực. Chúa yêu chúng ta đến như thế đó. “Ta với Chúa tuy hai mà một là một chuyện có thật và siêu thật.
Với Chúa thì đó là một nguyện vọng tha thiết của tình yêu. Chúa yêu ta đến như vậy đó. Với chúng ta, thì đó là một vinh dự quá lớn. Một Đấng Tạo Hóa toàn năng lại yêu một thụ tạo bé mọn và biến nó trở thành một với Ngài. Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa: một mầu nhiệm vượt tầm lý trí. Thánh Gioan Vianey đã phải chân thành thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, xin cho con hiểu mầu nhiệm Thánh Thể. Nhưng đừng cho con hiểu hết, vì nếu hiểu hết, thì con sẽ chết mất.”
Bí tích Thánh Thể là ta ăn thịt và uống máu Chúa thật. Một vinh dự quá lớn lao. Nhưng chưa hết đâu. Đó còn là một mối lợi lớn lao vô cùng, vì khi ta ăn thịt và uống máu Chúa, thì ta được sống muôn đời. Đang hữu hạn mà lại trở thành vĩnh cửu như Chúa. Hiểu không nổi, nhưng lại có thật. Tuyệt vời và siêu tuyệt vời.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
================
Suy niệm 2
BÁNH HẰNG SỐNG
Ga 6, 51-58

Trong bài đọc I, sách Đệ nhị luật kể lại lúc cuối cuộc hành trình trong sa mạc và trước khi bước vào Đất hứa, Môsê khuyên bảo dân đừng bao giờ quên những ơn lành Chúa đã ban cho họ, đặc biệt Ngài đã nuôi sống họ bằng Manna từ trời rơi xuống và nước từ tảng đá vọt ra. Trong bài đọc II, khi nói về Bí tích Thánh Thể, thánh Phaolô nhắc tín hữu Côrintô ý thức rằng, vì họ cùng ăn một bánh và cùng uống một chén nên họ không được chia rẽ, trái lại phải đoàn kết yêu thương nhau. Còn bài Tin Mừng cho biết sau khi dân chúng đã được ăn no nê thừa thãi thứ bánh vật chất mà Đức Giêsu vừa làm phép lạ, thì Ngài hướng họ đến một thứ lương thực cao quý hơn, đó chính là Mình và Máu Ngài.
Được sống trên cõi đời là một hồng phúc, một ân huệ cao vời. Vì yêu thương con người vô hạn mà Thiên Chúa đã ban cho họ quà tặng cao quý nhất là sự sống, không chỉ sự sống tự nhiên mà còn là sự sống siêu nhiên, sự sống muôn đời. Đó là Bí tích Thánh Thểđược Chúa Giêsu lập ra để hiến ban Thịt và Máu Ngài, dưới hình bánh rượu,cho chúng ta được rước lấy. Việc rước Mình Máu Chúa không phải là đón nhận một xác chết, mà đón nhận một Đức Giêsu đã chịu chết và đã phục sinh. Toàn thể con người Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là con người, qua Bí tích Thánh Thể, Ngài biến thành của ăn đem lại phúc trường sinh cho chúng ta: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54).
Thánh Gioan Phaolô II còn xác quyết rằng: “Ai nuôi mình bằng Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, không cần đợi chờ một thế giới bên kia để nhận lãnh sự sống đời đời, họ đã chiếm hữu nó ngay từ đời nầy, như hoa quả đầu mùa của sự sung mãn sẽ tới, liên hệ đến toàn thể con người”. Thật vậy, ngay trong hiện tại, khi tiếp nhận Mình Máu Chúa Giêsu, ta được kết hợp mật thiết với Ngài: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6, 51-58). Không những thế, ta còn được chung phần sự sống với Chúa Cha và Chúa Con: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn lấy tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57). Đó là sự sống của chính Thiên Chúa Ba Ngôi.
Đời sống Kitô hữu thật cao cả, vì được diễm phúc đón nhận chính Đức Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, và được biến đổi để trở nên chính Ngài. Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả khẳng định:“Thực thế, chúng ta thông phần Mình và Máu Chúa Kitô là để được biến thành Đấng chúng ta rước lấy”. Thánh Augustinô còn vui mừng xác tín: “Hãy hoan hỉ và cảm tạ Thiên Chúa, không những chúng ta đã trở nên những Kitô hữu, nhưng chúng ta đã trở nên chính Đức Kitô”.
Thực chất của việc rước lấy Mình Máu Thánh Chúa là như thế, nhưng rồi linh nghiệm tới mức độ nào lại tùy thuộc sự đón nhận và lòng tin mến của chúng ta. Mẹ Têrêxa Calcutta cho biết sở dĩ các nữ tu có đủ tinh thần và nghị lực để mỗi ngày đem đến cho những người nghèo khổ sự an ủi, nâng đỡ, bằng việc yêu thương và phục vụ, là nhờ Mình Thánh Chúa mà họ rước mỗi ngày với lòng tin mến vô vàn.
Đức Cha Helder Camera, Tổng Giám Mục Braxil, đã chia sẻ kinh nghiệm sống mầu nhiệm Thánh Thể như sau: “Mỗi sáng, tôi được nuôi dưỡng bằng Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể, rồi suốt ngày, tôi gặp gỡ Đức Kitô nơi anh chị em tôi. Cũng một Chúa Giêsu ở trên bàn thờ và ngoài đường phố”. Bất cứ ai được Thánh Thể cảm hóa đều nhận ra Ngài nơi anh chị em mình, vì Ngài đang hiện diện ẩn dấu nơi họ, nhất là nơi những người nghèo khổ và bất hạnh. Chỉ khi cảm nhận thâm sâu về Mình Máu Chúa Giêsu đang thấm nhập vào máu thịt ta, mới làm ta choáng ngợp và thay đổi dần dần, thay đổi tận căn, để như Đức Kitô, ta lại tiếp tục trở thành tấm bánh cho người khác.
Ai trong chúng ta cũng khao khát tình yêu, muốn yêu và được yêu đến vô cùng. Chỉ có tình yêu Thiên Chúa qua Đức Kitô mới lấp đầy khát vọng vô biên của chúng ta. Hãy mở rộng trái tim mình cho tình yêu Chúa trào tuôn. Tình yêu là con đường ngắn nhất để cho Mình Máu Chúa biến đổi cuộc đời ta thành sự hiện hiện diện của Đức Giêsu.
Ước chi chúng ta thật sự hăm hở và vui mừng mỗi khi được rước Chúa, được cận kề bên Chúa, được sống trong Chúa và Chúa sống trong ta. Dần dần ta mới cảm thấy Chúa lấp đầy trái tim khao khát của mình, mới cảm nhận Ngài là sự sống viên mãn và niềm vui miên trường cho chúng ta từ chính cuộc sống hôm nay, để ta dám sống cho mọi người.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Lương thực hằng ngày chỉ sống đời này,
chẳng ai có thể sống hoài sống mãi,
chỉ có Chúa là tấm bánh nhiệm mầu,
cho con người sự sống mới mai sau.

Khi con rước Chúa với lòng khao khát,
là con được chính Chúa nguồn ân ban,
được kết hiệp với Ba Ngôi Chúa cả,
cao vời quá ôi tình thương hải hà.

Bản thân con bất xứng muôn ngàn lần,
mà rồi Chúa vẫn ân cần ngự đến,
con không dám tin đó là sự thật,
ai ngờ là nhiệm mật của tình yêu,
chính là điều vượt trên mọi trí hiểu,

Mầu nhiệm này không ai suy cho thấu,
chỉ khi con yêu Chúa cả trái tim,
con mới có được phần nào cảm nghiệm,
tấm bánh linh thiêng quá diệu huyền,
để đời con được dần dần xoay chuyển.

Nhưng con thấy tâm hồn vẫn bợn nhơ,
khi đứng trước tình yêu Chúa vô bờ,
vẫn không tránh những lần con vô cảm,
khi rước Chúa mà lòng vẫn không ham,
chỉ vì còn đam mê đời thế tục,
chưa thoát khỏi nhục dục của trần gian.

Xin tha thứ cho con đã xúc phạm,
thật ra chẳng bao giờ mà con dám,
cũng chỉ vì yếu đuối quá vô tình,
xin cho con biết cải hóa đời mình,
lòng hân hoan đón rước Chúa uy linh,
để sống mãi trong ân tình muôn thuở. Amen.
Lm. Thái Nguyên
================
 Suy niệm 3
THẦN LƯƠNG HỒN CON
 
Kính thưa quý cộng đoàn Phụng vụ! Mỗi khi chúng ta tham dự Thánh lễ, chúng ta được dự phần vào Mầu nhiệm Tử nan - Phục Sinh của Chúa Ki-tô; hơn nữa, chúng ta được tận mắt chứng kiến phép lạ cao quý nhất mà chính Chúa Giê-su Ki-tô thực hiện qua vị thừa tác viên có chức Thánh. Một cách cụ thể, Ngài ẩn thân trong hình bánh nhỏ và giọt rượu đơn sơ để ở lại với chúng ta, trong chúng ta và là thần lương để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Vì thế, hôm nay cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta cùng cảm tạ Chúa đã ban chính sự sống Ngài cho mỗi người chúng ta, và ước gì chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô mỗi khi lãnh nhận chính Mình Máu Thánh Ngài.
Nếu nhìn lại lịch sử nhân loại, đặc biệt trong lãnh vực tôn giáo-tín ngưỡng, chúng ta có thể nhận ra rằng: không có một vị sáng lập tôn giáo nào dù lâu đời hay hiện đại, dù lớn hay nhỏ, mà can đảm dám trao ban và để lại chính sự sống, sinh mạng của chính mình cho các đồ đệ cả! Và điều này cũng dễ hiểu vì họ cũng chỉ là con người có một cuộc đời, một mạng sống mà thôi; nếu họ hiến mạng sống cho môn sinh thì xem như họ chấp dứt đời sống của họ trên dương gian này! Tuy nhiên, đối với Đấng làm chủ, làm đầu của Hội Thánh Công Giáo là một loại trừ, vì Ngài chính là Thiên Chúa thật và người thật. Vì thế, Ngài không phụ thuộc vào tính hư mất của con người tự nhiên, mà Ngài chiến thắng sự chết và phục sinh từ cõi chết, hơn thế, còn ẩn thân trong hình bánh rượu nhỏ bé, tầm thường để trở nên lương thực thiêng liêng và ở mãi với chúng ta qua bí tích Thánh Thể.
Còn ân sủng nào cao quý hơn nữa! Còn hạnh phúc nào cao trọng hơn nữa! Nào chúng ta hãy đến múc lấy nguồn ơn sủng vô giá này mỗi khi tham dự tích cực vào bàn tiệc Thánh.!Nói theo lời kinh Tantum Ergo (Kinh Chầu Thánh Thể) của Thánh Tô-ma A-qui-nô: “…nếu mắt trần của ta không nhận thấy, thì lấy đức tin bù lại…” Với con mắt đức tin, với ơn của Chúa và việc mở rộng tâm hồn tín thác của mỗi chúng ta thì khi tham dự Thánh lễ, chúng ta nhận ra chính Chúa Giê-su Ki-tô đang chủ tế qua vị linh mục dù tội lỗi, yếu đuối và lỗi lầm với biết bao đam mê xác phàm của một con người được mời gọi trở nên khí cụ bình an của Ngài. Với đôi mắt đức tin và đời sống cầu nguyện thâm sâu, mỗi khi tham dự bí tích Tình Yêu - bí tích Thánh Thể trong Thánh Lễ, chúng ta nghiệm ra: chính Chúa Giê-su Ki-tô là của lễ toàn thiêu, của lễ tinh tuyền và không vương tì vết, đẹp lòng Thiên Chúa Cha. Dưới ánh nhìn của đức tin, chúng ta được lãnh nhận chính sự sống của Chúa Giê-su Ki-tô, lãnh nhận chính Mình và Máu Ngài dưới hình bánh đơn sơ và giọt rượu thơm ngát. Cũng với đức tin, chúng ta không cần đi tìm phép lạ ở đâu cho xa, mà ngay trong Thánh Lễ, chính Chúa Giê-su Ki-tô biến bánh, rượu trở nên Mình Thánh, Máu Thánh làm thần lương nuôi dưỡng chúng ta, làm thần dược chữa trị tâm hồn chúng ta.
Ôi, con là ai mà được nhận lãnh ơn ích lớn lao như vậy? Ôi, con chẳng xứng đáng được Chúa đến viếng thăm tâm hồn con, nhưng vì tình yêu lớn lao mà Chúa đã dành cho con, mà con được Chúa hạ mình, ẩn thân trong hình bánh rượu đơn sơ bé nhỏ để nuôi sống chúng con! Ước chi mỗi lần rước Mình Máu Thánh Chúa, chúng con được tháp nhập khăng khít với Chúa, được trở nên miệng lưỡi của Ngài, được trở nên tay chân của Ngài, được biến đổi nên giống Ngài hơn để mỗi lời nói chúng con xướng lên đều ích lợi cho anh chị em con, để suy nghĩ của chúng con được trong sạch, luôn theo Thánh ý Ngài, để đôi bàn tay chúng con dám mở ra đón nhận anh chị em dù anh chị em có bất hoà hay xung đột với chúng con, để đôi chân con không do dự tiến bước đến với anh chị em, nhất là những ai đang cần đến sự bình an của Chúa…Và đây cũng chính là sứ mạng của mỗi chúng ta khi tham dự bàn tiệc Thánh Chúa “vì mỗi khi anh (chị) em ăn bánh và uống chén này, anh (chị) em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến” (1Cr 11, 26). Mỗi khi được lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta tuyên xưng Mầu nhiệm Vượt Qua - Cuộc Tử nạn và Phục Sinh của Chúa; đồng thời, sống đức tin can trường “…hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (x. Lc 22, 19) cho tới khi Chúa lại đến trong ngày Cánh chung. Hơn nữa, khi chúng ta được tháp nhập vào Mầu nhiệm này, chúng ta cũng được mời gọi cùng với Chúa Ki-tô chết đi những tính hư tật xấu của bản thân, mọi tội lỗi, và được trở nên con người mới, một con người được mặc lấy sự sống hoàn toàn mới mẻ nơi Chúa Ki-tô. Như thế, chúng ta trở nên can đảm lên đường, sẵn sàng ra đi chia san ơn sủng mà chúng ta được lãnh nhận nơi bí tích Thánh Thể như câu chúc và sai đi của chính Chúa qua vị linh mục chủ tế “Thánh Lễ đã xong, chúc anh chị em ra đi bình an”, không đơn giản chỉ là câu chúc ra về bình an sau Thánh lễ, mà là một lời sai đi “ra đi trong bình an, ra đi chia san những gì đã được lãnh nhận nơi bàn tiệc Thánh, ra đi làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh, ra đi sống vui tươi, xứng đáng là một người Ki-tô hữu, ra đi can trường trở nên nhân chứng giữa đời dù đời chẳng như mong ước….”. Đây cũng chính là lời mời chúng ta như trong bài Tin Mừng hôm nay “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời” (Ga 6, 51); hơn nữa, “ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56). Nói cách khác, chính Chúa sẽ nuôi dưỡng mọi người qua sự hy sinh, bỏ mình, lòng quảng đại chia sẻ, chia san của mỗi người chúng ta. Chúa tự mình dư sức làm những chuyện phi thường, nhưng Ngài đã ra đi, bỏ chính mình, trao ban chính sự sống của Ngài cho chúng ta mà kêu mời chúng ta năng đến với Ngài để lãnh nhận thần lương nuôi hồn, hầu nhiệt thành cộng tác, tham dự vào công cuộc cứu độ, chia san bình an cho mọi người. Vì thế, với sức lực có hạn của mỗi chúng ta mà cộng tác với nhau, với Chúa thì Chúa sẽ biến sức lực ấy trở nên vô hạn và phi thường ngay trong đời sống bình thường qua những con người tầm thường như chúng ta.
Giờ đây, xin mời mọi người hướng về Chúa Giê-su Thánh Thể và cùng nguyện rằng:
                   Ôi Giê-su, con mến yêu, tôn thờ
                   Chân thành nép bên Chúa, con nương nhờ
                   Ngài ẩn thân trong rượu-bánh đơn sơ
                   Nuôi dưỡng tâm hồn con thơ
                   Nguyện trở nên nhân chứng suốt đời. Amen! 
                             (trích từ lời bài hát “Ôi Giê-su” của cùng tác giả bài viết này)
Lm. Xuân Hy Vọng
================
Suy niệm 4
Từ Manna đến Thánh Thể
( Ga 6, 51-59 )

Để nhắc lại việc cử hành đầy ý nghĩa trong Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu, giúp các tín hữu sống lại bầu khí trang nghiêm ấy, với lòng biết ơn Thiên Chúa Cha cách sâu xa, và có lúc dừng lại trong thinh lặng trước mầu nhiệm Ðức Tin để chiêm ngắm sự cao cả của Bí Tích vô cùng cao quí với trọn con người và tình thương của Chúa Giêsu mà ngày 11 tháng 8 năm 1264 Đức Ubanô IV đã thiết lập lễ của Chúa, hay còn gọi là Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Ngài cũng truyền cử hành Lễ này vào ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi, tức 60 ngày sau lễ Phục sinh. Tiếp liền sau lễ là cuộc kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa vừa được truyền phép ra khỏi nhà thờ, đi trên các nẻo đường, vừa đi vừa hát bài : « Chúa nuôi dân bằng lúa mì tinh hảo, mật ong rừng, Người cho hưởng thỏa thuê » (Ca nhập lễ - lời của thánh Tôma Aquinô). Để loan truyền cho mọi người biết rằng : Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể và Hy tế của Người là ơn cứu độ cho toàn thế giới.
Manna của ăn trong sa mạc
Trên hành trình về Đất Hứa để chứng tỏ tình thương và lòng thành tín của Chúa đối với dân giữa sa mạc khô cằn, Thiên Chúa đã làm mưa Manna từ trời xuống mỗi ngày cho cha ông chúng họ ăn no thỏa thích. Theo Môsê, “Đó là bánh Thiên Chúa ban… làm của ăn” (Xh 16, 16). Sau này người ta nói: “Bánh Thiên Thần phàm nhân được hưởng” (Tv 77, 25). 
Nhưng cho dù là Manna từ trời xuống nuôi dân Israel trong sa mạc, hay bánh Thiên Thần mang đến cho Êlia nuôi sống người ta 40 ngày cùng lắm là 40 năm đi nữa, thì những thứ bánh đó cũng chỉ nuôi sống con người cách rất tạm bợ, kẻ ăn những thứ bánh ấy vẫn đói, vẫn khát và vẫn phải chết. Hôm nay, Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta bánh bởi trời xuống là chính Chúa, Người đến làm no thỏa cái đói tinh thần con người, ai ăn chính Người sẽ khỏi đói muôn đời, và nhất là khỏi chết đời đời: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời” (Ga 6, 51).
Bánh Giêsu
“Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do thái rằng. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51 ).
Chúa Giêsu là bánh từ trời xuống, là hồng ân bởi trời, có khả năng duy trì sự sống không phải chỉ trong một lúc hay một đoạn đường, mà luôn mãi. Người là lương thực ban sự sống đời đời, bởi vì Người là Con Một Thiên Chúa, ở cung lòng Thiên Chúa Cha, đến để trao ban cho con người sự sống tràn đầy, dẫn con người vào trong chính sự sống của Thiên Chúa.
Thế giới ngày nay có rất nhiều người đói và cần bánh. Có người cam chịu chết đói, chết vì cô đơn, vì thiếu hy vọng, nhưng cũng có nhiều người cần đến Chúa Giêsu. Có ba cái đói và ba phương thế để chuyển hóa ba loại bánh: bánh vật chất, bánh Giêsu và bánh Thánh Thể. Bánh Giêsu là bánh quan trọng nhất. Nếu không có Chúa Giêsu, chúng ta không thể sống như lời Chúa nói “Không có Thầy, anh em không thể làm gì được” (Ga 15,5). Theo thánh Augustinô  thì “khi chúng ta ăn Chúa Kitô, là chúng ta ăn sự sống (…), thật vậy, giả như, anh em tự tách mình ra không ăn thịt và uống máu Chúa nữa, anh em sẽ không có sự sống”.
Muốn sống đời đời, hãy ăn Bánh Giêsu
Xưa kia Chúa Giêsu mời gọi những người Do thái, giờ đây Chúa bảo chúng ta hãy đến mà ăn cho no uống cho thỏa. Nếu chúng ta khao khát sự sống trường sinh, thì đây là cơ hội tốt để có được mầm sống ấy. Hãy đến gặp Chúa Giêsu và đón nhận Người, bởi chính Người: “Là Bánh Hằng Sống” (Ga 6,51).
Thật hạnh phúc khi được mời gọi ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu để được sống đời đời: “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6, 54) và hơn thế nữa còn được Người đến cắm lều ngay nơi lòng kẻ ấy: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6, 56). Chúa Giêsu là bánh bởi trời xuống làm no thỏa cái đói, cái khát, nhất là cái ước vọng lớn nhất của con người mọi nơi mọi thời là sự sống đời đời.
Thánh Thể thần lương vượt thế trần
Nếu như trong sa mạc, Manna là quà tặng do lòng thương xót của Chúa dành cho dân, lương thực cứu đói tạm thời, nay Mình Máu Thánh Chúa là lương thực giúp người tín hữu có đủ sức, đủ nghị lực vượt qua trần thế về tới quê trời hưởng phúc vinh quang.
Trong sa mạc, manna chứng tỏ Chúa không bỏ dân của Chúa, ngày nay Chúa ở giữa Hội Thánh và trong thế giới bằng chính mình trong bí tích Thánh Thể. Nhờ Bí tích ThánhThể, người cô đơn tìm được nguồn an ủi ; người yếu đuối tìm được sức mạnh; người tội lỗi tìm được ơn tha thứ ; người đau yếu tìm được sự chữa lành ; người bất hạnh tìm được nghị lực tinh thần ; người hấp hối tìm được sự đỡ nâng ; người bị bỏ rơi tìm được nguồn tình yêu chất chứa đầy sự thông cảm và âu yếm… Và còn một ý nghĩa rất quan trọng, manna ngày xưa của ăn trong sa mạc, Thánh Thể thần lương vượt thế trần.
Rước kiệu Mình Thánh Chúa
Sau lễ này, Giáo hội kiệu Mình Thánh Chúa và đưa Chúa ra khỏi nhà thờ, tuyên xưng Chúa Giêsu ngự thật trong phép Mình Thánh, mang Chúa vào trong đời ta, với mong ước nhà ta là nhà của Chúa, đường đời ta là đường của Chúa, xin Chúa hiện diện hằng ngày trong đời sống chúng ta! Có Chúa Giêsu là Bánh ban sự sống, Bánh của các thiên thần, Bánh của của kẻ hành hương cùng đi, chúng ta sẽ không cô đơn.
Khi đặt Mình Thánh vào Mặt nhật, dưới dạng mặt trời, ngụ ý rằng Chúa Giêsu là « Mặt Trời » : Ngài là ánh sáng của lòng ta (đó là ý nghĩa của từ « mặt nhật »)
Bình khói hương thơm nghi ngút vừa đi vừa xông, tượng trưng cho lời nguyện cầu của chúng ta tỏa bay lên trước tòa Chúa.
Các em bé rắc hoa trên đường nhắc lại cuộc rước Chúa Giêsu vào Thành Thánh, và những lời tụng ca của các em rất làm Chúa hài lòng.
Qua cuộc rước kiệu, chúng ta thấy Chúa và chắc chắn Chúa thấy tất cả những khổ đau của những bệnh nhân; những nỗi cô đơn của những người trẻ và của những người già; những cám dỗ, những nỗi lo lắng trong cuộc sống của chúng ta. Cuộc rước kiệu này còn có ý nghĩa là xin Chúa chúc lành cho chúng ta và cho toàn thế giới.
Lạy Chúa Giêsu ngự thật trong phép Mình Thánh, xin cho con biết ra đi tìm kiếm của ăn không hư nát là chính Chúa và đón rước Chúa hầu đư
ợc sống muôn đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

================
Suy niệm 5
Lương thực nuôi linh hồn
Dnl 8,2-3.14b-16a; 1Cr 10,16-17; Ga 6,51-58
Trong Tin Mừng hôm nay, Người Do Thái nghe Đức Giêsu nói Ngài sẽ lấy bánh là thịt mình để nuôi người thế được sống, họ nghĩ thứ bánh đó như manna tổ tiên đã ăn no nê ngày xưa nhưng vẫn chết, nên bất đồng sôi nổi tranh luận với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6,52b). Dưới cái nhìn thực tại trần thế, làm sao họ có thể tin và chấp nhận một “ông Giêsu” có thể xẻ thịt cho người ta ăn? Nhưng Đức Giêsu quả quyết: Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.  Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6,53-56). Dù Ngài khẳng định với bốn chữ “thật”, nhưng lúc ấy họ không chấp nhận, vì chưa tin Đức Giêsu là Thiên Chúa. Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể. Đường lối Ngài vượt xa tư tưởng nghĩ suy của loài người. “Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55, 9). Đức Giêsu đã long trọng lập Bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly. Với cặp mắt đức tin của người Kitô, Mình Máu Ngài thực sự trở thành của ăn của uống dưỡng nuôi linh hồn các tín hữu. Khi ăn Thịt và uống Máu Ngài, “ở lại trong Ngài”, họ được biến đổi, “thay mới tế bào” từ trong ra ngoài, được lớn lên trong đời sống đức tin, được tăng sức trên đường lữ hành trần thế, cuộc đời mãi nở hoa từ nơi “khách sạn bậc nhất” này. Trong Thánh Thể ta được Chúa biến đổi và thực hiện  những điều kỳ diệu lạ lùng trong con người hèn mọn.
Chúa ơi! Thịt và Máu Chúa thật là của ăn của uống nuôi sống con từng ngày, của ăn mà càng ăn con càng đói, càng uống con lại càng khao khát hơn. Dẫu con đây muôn ngàn bất xứng, nhưng vì Tình Yêu, Chúa còn khao khát con hơn ngàn lần con khao khát đón nhận. Xin cho con luôn luôn đáp tình Chúa mời gọi, để con đến, ở lại với Chúa, trong Chúa, mà tận hưởng no say nguồn sống từ thần lương cao quý này, để nhờ Mình Máu Chúa bổ dưỡng, con được sống hạnh phúc sung mãn hôm nay và mai sau được sống muôn đời.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log