Thứ hai, 23/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XIV Thường niên A

Cập nhật lúc 21:13 06/07/2023
Suy niệm 1
Mt 11, 25 – 30
Nếu đọc thêm trình thuật của thánh Luca, chúng ta sẽ thấy bài Tin Mừng hôm nay vừa linh động hơn, vừa cảm động hơn. Đó là Đức Giê su hớn hở vui mừng. Đây là lần đầu tiên Thánh Kinh mô tả niềm vui lớn lao của Chúa là như thế. “Hớn hở vui mừng” là vui mừng hết cỡ và hồn nhiên cực kỳ.
Vậy niềm vui lớn lao này là gì? Nó có giống niềm vui của người nghèo mạt rệp tình cờ mua vé số và tình cờ trúng số đặc biệt không? Không như thế, vì lớn hơn thế. Niềm vui lớn khiến Đức Giê su phải hớn hở ấy là niềm vui thấy nhiều tâm hồn bé nhỏ, tầm thường đã đón nhận Tin Mừng, đã tin Ông Trời là Cha Nhân Từ, đã sẵn sàng yêu thương mọi người như anh em, yêu cả kẻ thù và chúc lành cho người làm khổ mình. Cái tâm của Chúa là thế. Cái vui mừng hớn hở của Chúa là vậy.
Biết bao nhiêu hiền triết đã xuất hiện trên lịch sử thế giới đã dạy đời biết bao nhiêu bài học quý giá, nhưng họ vẫn không biết Đấng sáng tạo vũ trụ này là người cha nhân từ yêu thương loài người. Họ chỉ biết kính trọng Ông Trời, chứ chưa dám yêu Ông Trời và thân thương gọi Ông Trời là Cha nhân từ. Biết bao nhiêu hiền nhân quân tử vẫn kêu gọi loài người yêu đồng bào, yêu đồng loại… nhưng vẫn chưa dám dạy phải yêu kẻ thù và chúc lành cho kẻ thù. Cũng chưa có hiền nhân quân tử nào bảo rằng ghét kẻ thù là ghét Ông Trời, là xúc phạm đến Đấng sáng tạo vũ trụ. Thế mà hôm nay các môn đệ đi truyền giáo về và báo cáo rằng quần chúng đã và đang trập trùng đón nhận Tin Mừng của Chúa. Hầu hết những người này chỉ là những tâm hồn bé nhỏ, tầm thường. Chúa hớn hở vui mừng là vậy.
Biết cái tâm của Chúa là vậy, chúng ta sẽ thao thức loan báo Tin Mừng. Khi có một người bé nhỏ tầm thường theo đạo Chúa, chúng ta cũng phải hớn hở vui mừng như Chúa và hớn hở vui mừng với Chúa.
Phần thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay kêu gọi chúng ta đến với Đức Giê su để nhìn ngắm cuộc đời của Ngài, để lắng nghe lời giáo huấn của Ngài. Nhờ đó mà chúng ta sẽ cảm nghiệm được những điều mầu nhiệm mà lý trí của các siêu nhân không thể khám phá được. Mỗi lời giáo huấn của Đức Giê su là mạc khải của Chúa Cha, của Đấng mà triết lý loài người gọi là Đấng tuyệt đối và mọi lý trí loài người phải giơ tay đầu hàng mà khẳng định là “vượt khả năng của lý trí loài người”.
Bài học thứ ba của bài Tin Mừng này là một lời an ủi tuyệt vời khiến chúng ta dù sống trong hoàn cảnh cùng cực về mọi phạm vi, chúng ta vẫn thấy tràn ngập niềm vui. Chúa bảo chúng ta rằng Ngài là cái ách, nhưng ách của Ngài thì êm. Chúa bảo rằng cái gánh của Ngài đặt trên vai chúng ta thì nhẹ nhàng. Đúng vậy. Chúng ta hãy theo dõi thánh Phê rô. Ngài bị bắt, bị đánh đòn, rồi được thả ra nhờ sự can thiệp của ông Gamalien. Khi ra về, đi trên đường phố, ngài cứ hát thánh ca vui như tết. Hỏi tại sao bị đòn te tua mà còn hát ca như trẻ con, thì ngài trả lời: “Sướng quá vì được đánh đòn vì Thầy”. Thánh Phao lô và ông bạn Sila cũng vậy. Bị căng thây hình chữ X, bị quất cho bốn chục hèo, rồi bị tống vào khu biệt giam. Đêm hôm ấy, hai anh em hát thánh ca um sùm, làm náo động cả trại giam. Tại sao vậy? Tại vì yêu Chúa và vì bị khổ nhục vì Chúa. Gánh nặng trở thành nhẹ là vậy. Ách đau đớn trở thành êm ái là vậy.
Biết vậy rồi, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ thấy khổ nữa. Đời chỉ còn là hạnh phúc, nếu ta tin và yêu Chúa. Đời sẽ không còn là bể khổ nữa, nếu ta tin và yêu Chúa. Cái đó không phải là không tưởng, mà là hiện thực đấy. Cứ yêu Chúa đi rồi sẽ thấy.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
===================
Suy niệm 2
HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG
Mt 11, 25 - 30
Đoạn Tin Mừng ghi lại lời nguyện của Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha, trong tâm tình vui mừng và cảm tạ, vì Cha đã đặc biệt yêu thương những người bé mọn, đơn sơ, và mạc khải cho họ những điều sâu nhiệm. Tiếp đến, Chúa Giêsu mời gọi tất cả những ai vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến với Ngài để tìm sự nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Chỉ nơi Chúa, chúng ta mới tìm lại sức mạnh, an vui và thanh thản cho tâm hồn mình. Nhưng để được như vậy, Chúa muốn chúng ta hãy mang lấy "ách" và "gánh" của Ngài, nghĩa là sống theo luật lệ và giáo huấn của Ngài. "Ách" và "gánh" này sẽ êm ái và nhẹ nhàng hơn, khi chúng ta biết học nơi Ngài sự hiền lành và khiêm nhường, là những đức tính của lòng yêu mến sâu xa.  
Hiền lành. Thánh Matthêu dùng từ Hy lạp là Praus: có nghĩa là lòng từ bi, bác ái, bao gồm thái độ hiền hoà, dịu dàng và bao dung đối với mọi người. Điều này trái ngược với tính thô bạo cứng cỏi, cũng không yếu nhược hay nhát đảm. Chúa Giêsu hiền lành nhưng không im lặng trước sự dữ. Ngài đã từng lên án gắt gao thói giả hình của nhóm biệt phái, đã xô đuổi con buôn ra khỏi đền thờ, dám vì công lý mà chịu thiệt thân, không oán hận, còn xin Chúa Cha thứ tha cho họ. Sự hiền lành của Chúa Giêsu còn là sự cảm thông sâu xa với người tội lỗi. Ngài đến gặp gỡ, đối thoại và đồng bàn với họ. Ngài mở cho họ một con đường để tiến tới sự sống mới. Ngài giúp họ làm lại cuộc đời như Madalena, như Giakêu, hay như người thiếu phụ bên bờ giếng Giacóp. Dụ ngôn người Cha nhân hậu còn nói lên tấm lòng hiền lành bằng sự bao dung của Ngài.
Khiêm nhường. Thánh Matthêu dùng từ Hy lạp là Tapeinos. Chữ này có nghĩa là chấp nhận "đứng thấp", "ở dưới". Căn bản của khiêm nhường là biết mình như thế nào thì sống như thế ấy, không tự ti cũng không tự tôn, không tỏ ra hơn cái mình "là". Người khiêm nhường luôn mở rộng tâm hồn để đón nhận, học hỏi và thay đổi, không bao giờ sợ bị tổn thương hay mất mát. Các bậc chân nhân là những người đã sống khiêm nhường sâu xa, không muốn tỏ lộ gì ra bên ngoài, nhưng âm thầm kín đáo bên trong: “Chân nhân bất lộ tướng”. Tuy nhiên, bài học khiêm nhường ở đây không chỉ theo nghĩa từ ngữ hoặc là tính cách cao đẹp của các hiền nhân, mà còn là tấm gương độc nhất của Chúa Giêsu, Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế… (Pl 2,6-10).
Khiêm nhường là hàng rào bảo vệ tốt nhất cho chúng ta tránh khỏi bờ vực của thói kiêu căng, tự mãn. Người kiêu căng là người vượt quá cái “là” của mình, bị coi là người “việt vị” trong bóng đá, vì đã vượt quá vị trí của mình. Sách Châm Ngôn cho biết: “Kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào”(16,18). Đức Gioan Phaolô I nói rằng:“Trên thiên đàng không thiếu những người thu thuế và gái điếm, nhưng chắc chắn không có kẻ kiêu ngạo”. Chỉ trong sự khiêm nhường, ta mới thực sự là chính mình và mới có khả năng đạt tới cùng đích của đời mình.
Thế gian coi sự hiền lành và khiêm nhường là một thái độ sống yếu nhược. Thế nhưng sự thật nơi họ lại ẩn chứa một nội lực thâm sâu, một tính khí anh hùng, vì dám nhẫn nhục và kiên trì đến cùng trước mọi nghịch cảnh. Vương Thông đã định nghĩa chữ “anh hùng” như sau: ANH là người tự biết mình. HÙNG là người tự thắng mình. Những người hiền lành và khiêm nhường là những người anh hùng, vì họ đã đã biết mình và đã thắng được chính mình, thắng được tính nóng nảy và kiêu căng của mình. Thánh nhân là gì nếu không phải là người đã chiến thắng được chính mình, không còn nô lệ cho đam mê và dục vọng của mình nữa, nên hoàn toàn có tự do để sống cho Thiên Chúa và tha nhân.
Người hiền lành và khiêm nhường là dấu chỉ của Chúa Cứu thế. Trong một xã hội cạnh tranh, giữa những lối sống phô trương và loại trừ, họ biết sống âm thầm lặng lẽ và chia sẻ nỗi đau của người khác. Họ giống như những tia sáng nhỏ trong bóng tối mênh mông, nhưng đủ để làm sáng lên một dấu chỉ nhiệm mầu. Xưa Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong con người khiêm hạ của Đức Kitô, thì nay, Chúa cũng đang tỏ mình ra trong những người phận nhỏ, nhưng ít ai nhận ra. Trong mọi hoàn cảnh, họ vẫn sống an vui và tràn đầy niềm hy vọng vào Chúa.
Chỉ trong sự hiền lành và khiêm nhường, chúng ta mới thực sự là môn đệ Đức Kitô, mới trở nên hình ảnh sống động của Ngài giữa một thế giới đầy tranh chấp quyền hành và danh lợi, kẻ mạnh được kẻ yếu thua, không còn công lý và tình thương, gây nên bao cuộc chiến tranh và huynh đệ tương tàn. Chỉ trong sự hiền lành và khiêm nhường, chúng ta mới biết phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân trong công bình và bác ái, để đem an hòa cho thế giới, mà vì đó nên máu tim Chúa đã đổ ra để cứu chuộc nhân loại.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Trong một thế giới xung đột và tranh chấp,
phân chia cao thấp và mạnh được yếu thua,
kẻ thắng thì làm vua còn kẻ thua làm giặc,
mất đạo đức và đạo tặc lên ngôi.

Để rồi lẽ phải trong tay người quyền thế,
nên người hiền lành bị áp chế và xử tệ,
còn kẻ khiêm nhường thì bị coi yếu nhược,
cả hai được xếp loại “phường giá áo túi cơm”.

Thế nhưng đối với Chúa thì lại khác,
người hiền lành mới chân thành đạo hạnh,
kẻ khiêm nhường mới thực sự sống yêu thương,
họ mới đáng là những người được chúc phúc,
vì đem lại an bình cho thế giới nhiễu nhương.

Chúa đã sống hiền lành và khiêm nhượng,
để con noi gương Ngài mà tiến bước,
không dựa vào địa vị hay tiền tài,
không xem thành bại mà quyết đoán đúng sai,
nhưng xử khoan thai ôn hòa và độ lượng.

Hiền lành không phải là không nóng giận,
nhưng nóng giận vì nhiệt tình nhà Chúa,
để nói lên sự thật và lẽ phải,
dù biết rằng có thể gặp nguy cơ,
giống như lần Chúa thanh tẩy đền thờ,

Khiêm nhường cũng không phải là thỏa hiệp,
để cho sự gian ác cứ hoành hành,
nhưng tích cực tạo môi trường lành mạnh,

giúp mọi người có được tấm lòng thanh,
biết xa tránh những thói đời kiêu hãnh.

Con muốn sống hiền lành và khiêm nhượng,
để đời mình được trở nên giống Chúa,
đem an bình cho cuộc sống hôm nay,
cho tình yêu thêm sâu rộng mỗi ngày,
và cuộc đời trong Chúa hạnh phúc thay! Amen.
Lm. Thái Nguyên

===================
Suy niệm 3

ĐẾN VỚI GIÊ-SU, HỌC CÙNG GIÊ-SU, MANG LẤY ÁCH GIÊ-SU

Kính thưa cộng đoàn Phụng Vụ! Đọc bài Tin Mừng ngày hôm nay, con nhớ đến một câu hỏi mà một chị giáo dân người Nhật đặt ra cho con khi con dạy chuyên đề về Chúa Ki-tô. Cũng đoạn Tin Mừng này, đặc biệt ở câu 25 (Mt 11, 25), chị ấy suy niệm xong, bèn hỏi con: “tại sao Thiên Chúa lại giấu những chương trình, kế hoạch của Ngài, không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết; ngược lại, Ngài mạc khải cho những người bé mọn?” Vừa nghe câu hỏi ấy, thì con đã có câu trả lời! Chẳng phải vì con giỏi giang đâu, mà nếu chúng ta đọc tiếp câu 26 thì sẽ thấy câu trả lời do chính Chúa Giê-su khẳng định: “Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy” (Mt 11, 26).
Có lẽ chúng ta đôi lúc cũng có câu hỏi như chị giáo dân ấy, rồi cuộc sống cứ dần trôi, công việc, gia đình, những nỗi lo toan, muộn phiền, v.v…dường như đưa chúng ta đến một dấu chấm hỏi lớn hơn thay vì đi tìm câu trả lời! Nhưng thiết nghĩ, qua Lời Chúa hôm nay, lời cầu nguyện chân thành của Chúa Giê-su dâng lên Thiên Chúa Cha; Ngài cảm tạ, tán tụng vì chương trình và ý định cao vời của Chúa Cha, và sau đó Ngài mời gọi mỗi chúng ta hãy đến với Ngài, học nơi Ngài sự hiền lành và lòng khiêm nhượng, sau cùng mang lấy ách của Ngài.
Trước hết, ‘đến với Chúa Giê-su’: “…hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức” (x. Mt 11, 28). Chúa mời gọi tất cả mọi người hãy tựa nương bình yên nơi Thánh Tâm Ngài. Khó nhọc, vất vả không chỉ về thể xác, mà cả về tinh thần và linh hồn nữa! Những ai đang mang gánh nặng đời, nặng gánh gia đình, gánh nặng tâm hồn, muộn phiền, đau buồn vì mất mát, tan thương, vì sự xung đột, chiến tranh hoặc vì thù hận, ghét ghen giữa các bộ tộc, sắc dân, v.v…Chúa mời gọi họ và tất cả chúng ta nữa, hãy đến dâng hết cho Ngài, và thầm thỉ với Ngài ‘Giê-su, con…(tên) đây!” Mỗi lần chúng ta chạy đến với Chúa với tất cả tấm lòng, nỗi niềm chân thành chất chứa sự tín thác thì Chúa thương đón nhận, ‘nâng đỡ, bổ sức’ (x. Mt 11, 28). Lúc ấy, chúng ta phần nào hiểu được lời nguyện của Chúa Giê-su (Mt 11, 25) “Thiên Chúa mạc khải cho những kẻ bé mọn…”, họ là những ai đặt niềm tin tưởng vào Chúa, thay vì quá tin vào bản thân; họ là những ai biết trông cậy vào Chúa, thay vì hy vọng vào trần thế chóng qua, điều lệ khập khiễng của xã hội vật chất; họ là những ai yêu mến, nhận lấy sự hướng dẫn của Chúa, thay vì ‘tôn thờ’ lí trí, sự hiểu biết giới hạn của con người, sùng bái sự khôn ngoan hư mất; họ là những người sống theo Thần Khí như Thánh Phao-lô nói một cách đanh thét: “Anh (chị) em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh (chị) em” (x. Rm 8, 9).
Thứ đến, ‘học cùng Chúa Giê-su, và học nơi Chúa Giê-su’: “…vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (x. Mt 11, 29). Dẫu là Con Thiên Chúa làm người, nhưng Chúa Giê-su ‘đã trút bỏ vinh quang, mc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế…’ (x. Phil 2, 6-7). Ngài hiền lành không từ chối một ai, đón nhận những người tội lỗi, chữa lành bệnh nhân, tật nguyền; Ngài chẳng hề xua đuổi ai đến với Ngài, kể cả những thành phần không được xã hội thời ấy ghi nhận như đàn bà, con trẻ, người goá bụa, người ngoại kiều…Sự diệu hiền của Ngài biểu lộ rõ nét qua lòng thương xót, cảm động đến rơi lệ của vị Vua tình yêu khi nhìn thấy sự đau khổ, bệnh tật, sự hất hủi của thần dân mọn hèn. Và hơn nữa, Ngài luôn khiêm nhường và khiêm nhu, ‘chậm bất bình, và rất mực khoan nhân’ (x. Tv 102, 8-9), cũng như lời tiên tri Da-ca-ri-a tuyên sấm về Ngài “kìa Ðức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Ngài là Ðấng Chính Trực, Ðấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (x. Dcr 9, 9). Những ai khiêm tốn đích thật, những ai học tính khiêm nhường, khiêm nhu là người biết đặt Thiên Chúa nơi trung tâm đời sống của mình, thay vì đặt cái tôi to tướng làm tâm điểm cuộc đời! Những ai khiêm nhượng thật sự là người biết vị tha, hướng đến anh chị em, nghĩ cho anh chị em thay vì ích kỷ, chỉ biết sống cho bản thân, muốn người khác ‘xoay quanh trục cái tôi’ của mình! Chỉ có những ai học cùng Giê-su khiêm cung thì tâm hồn người ấy sẽ gặp được bình an (x. Mt 11, 29). Trở lại lời tán tụng của Chúa Giê-su dâng lên Chúa Cha “…vì Cha đã giấu, không cho những người hiền triết, khôn ngoan biết; ngược li, Cha lại mạc khải cho kẻ bé mọn biết” (x. Mt 11, 25). Thiên Chúa không che giấu chương trình yêu thương của Ngài, và Ngài không phải là người nhỏ mọn, ích kỷ; nhưng tại sao những ai khôn ngoan, hiền triết lại không nhận ra ý định cao vời của Thiên Chúa? Thiết nghĩ, đó là vì sự kiêu căng, ngạo mạn, lòng tự cao tự đắc của họ đã ‘che’ mất, khiến họ không nhận ra kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa mà thôi. Trái lại, những người khiêm tốn đích thật (sống như Giê-su) là ‘kẻ bé mọn’ lại nhờ ân sủng bình an nơi tâm hồn, sự tín thác, tin tưởng của họ vào Thiên Chúa, giúp họ nhận ra và đón nhận ý định của Ngài.
Sau cùng ‘hãy mang lấy ách của Chúa Giê-su’: “…vì ách của Ta êm ái, và gánh của Ta nhẹ nhàng” (x. Mt 11, 30). Ở đây Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy mang lấy ách và gánh của Ngài, thay vì mang lấy ách nô lệ của sự đam mê, thú vui, thói đời, nhỏ nhen, ích kỷ, tội lỗi (hình ảnh cái ách: khi chúng ta muốn sử dụng con ngựa, trâu, bò, v.v…thì chúng ta dùng ách đặt lên cổ của nó), và nhận lấy gánh của Ngài, thay vì gánh gồng những muộn phiền, ưu hoài, não nề của sự lo lắng trần thế, hay gánh những chất chứa hiềm tị, hận thù, oán trách trong lòng! Những ai mang lấy ách của Chúa Giê-su và nhận lấy gánh của Ngài thì tâm hồn luôn thảnh thơi vì ‘ách của Ngài êm ái, gánh của Ngài nhẹ nhàng” (x. Mt 11, 30). Nếu chúng ta sống được như vậy thì quả thật như Thánh Phao-lô viết trong thư gửi giáo đoàn Rô-ma “chúng ta không phải là những kẻ mắc nợ xác thịt, để chúng ta sống theo xác thịt. Vì chưng, nếu anh em đã sống theo xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Trí mà anh em đã giết được các hành động (xấu xa của) thân xác, thì anh em sẽ được sống” (x. Rm 8, 12-13). Thật vậy, khi chúng ta sống theo Thần Khí, chúng ta bỏ những ách tội đời, thói quen không tốt, tránh thú vui, đam mê, ước muốn mà thân xác mang lại. Hơn nữa, đời sống thiêng liêng, cầu nguyện, hy sinh, hãm mình, bác ái sẽ giúp chúng ta chạy đến với Chúa Giê-su, học cùng với Ngài hiền lành, khiêm nhượng và nhận lấy ách êm ái, dịu hiền của Ngài.
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể                                        
Mỗi lần con đến dâng lễ tạ ơn,
                                        
Cho con suy gẫm hồng ân,
                                        
Năn chạy tới Chúa, ân cần nguyện xin.
                                        
Được nâng đỡ, mãi hy sinh
                                        
Học nơi gương Chúa, huyền linh diệu hiền.
                                        
Khiêm nhu, nhân hậu mãi liên
                                        
Xót thương, tha thứ, ngoan hiền, khoan dung.
                                        
Trọn đời mang ách thuỷ chung
                                        
Dịu ngọt êm ái, gánh cùng Giê-su. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

===================
Suy niệm 4
Học Trường Giêsu

(Mt 11, 25 – 30)

Mở đầu đoạn Tin Mừng hôm nay là lời chúc tụng tạ ơn của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha. Khi Chúa cầm lấy chén, tạ ơn (x. Mt 26,27); Lời tạ ơn diễn tả tâm tình của tạo vật đối với Đấng Tạo Hóa. Chúa Kitô thường quen tạ ơn. Người tạ ơn vì biết trước rằng Chúa Cha đã nhận lời. Người tạ ơn vì sức mạnh uy quyền toàn năng của Thiên Chúa hiển hiện nơi Người để Người tỏ uy quyền toàn năng của Đấng Tạo Hóa ra trước mặt thiên hạ. Người tạ ơn vì công trình cứu chuộc Người đã hoàn tất, và Người tạ ơn vì việc Người làm để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.
Như vậy, hiện tại hóa hy tế đời đời của Chúa Kitô trên thập giá trong Thánh Lễ được hiểu như là một hành động tạ ơn cao cả nhất. Chính trong nghĩa đó mà từ “Thánh Thể” là hành động tạ ơn được nên trọn vẹn. Chúa Giêsu đã dâng hiến thân mình thay cho mọi tạo vật trên thế giới. Người cũng mời gọi các tạo vật phải tạ ơn Đấng Tạo Hóa cho xứng.
Tiếp theo hành động tạ ơn là lời Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến trường Giêsu và học bài “Hiền Lành Và Khiêm Nhường”. Bài đọc I cho thấy, Đấng Messia mà Giacaria nói tới trong Cựu Ước, Đấng ấy không đến trong quyền uy với vũ khí hủy diệt, nhưng đến với một thứ vũ khí đặc biệt là “hiền lành và khiêm nhường”. Vua hòa bình ngồi trên lưng lừa, không đến để giết chết mà để cứu sống (x. Dcr 9,8-10).
Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha vì Ngài quý chuộng những kẻ bé mọn, hiền lành và khiêm nhường. Chính Ngài đã mạc khải cho họ, trong khi lại giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy (x. Mt 11,25-30).
Nhân dịp này, Chúa Giêsu cũng khuyên những người bé mọn đó hãy “mang lấy ách của Chúa” và “hãy học cùng Chúa” bài học: “Hiền lành và khiêm nhường” trong cuộc sống hằng ngày để làm môn đệ Chúa.
Hiền lành, theo nguyên ngữ Hy lạp được dùng trong Kinh Thánh thì nó có nghĩa là dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo, cứng cỏi. Như thế hiền lành phải có cả bên trong lẫn bên ngoài. Bên trong thì phải êm ái, hòa nhã, yêu thương, khoan dung, thông cảm. Bên ngoài thì phải nhẹ nhàng, không có hành động cứng rắn hay thô bạo. Hiền lành thì phải tránh tính nóng nảy. Hiền lành hay hiền hậu là đức tính tốt lành của người có lòng thương người, không độc ác, nhưng có đức hạnh và hay làm điều thiện.
Lịch sử minh chứng, con người ở mọi nơi mọi thời thường say mê quyền lực và muốn thống trị, sai khiến người khác theo ý mình, nên theo một số người thì hiền lành và khiêm nhường có thể bị coi như một thái độ hèn nhát, nhu nhược. Trái lại, cũng có rất nhiều người cho rằng, người có bản lĩnh vững vàng cao thượng mới có thể thực hiện được nhân đức khiêm nhường và hiền lành, họ đáng được ca tụng.
Hiền lành và khiêm nhường ngày nay không còn được đánh giá cao như xưa. Trước kia, lời khen ngợi tốt nhất mà ta có thể trao tặng cho người khác khi gọi họ là “người hiền lành khiêm nhường”. Nhưng ngày nay, bạo lực lại phổ biến hơn hiền lành dễ thương.
Người hiền triết và khôn ngoan, thường khó đi vào trong các mầu nhiệm Nước Trời, vì họ không mở lòng mình ra để đón nhận các mạc khải của Thiên Chúa; Thiên Chúa không ngừng mạc khải chính mình, nhưng họ thì lại tự tin vào hiểu biết của chính mình; vì thế, mạc khải của Thiên Chúa không làm họ ngỡ ngàng được. Trái lại, người đơn sơ như trẻ nhỏ lại đón nhận được mạc khải của Thiên Chúa; họ giống như tấm bọt biển khô hấp thấm nước vậy, họ ngỡ ngàng và thán phục trước mạc khải của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, cũng có trường hợp, họ là học giả khôn ngoan, nhưng khiêm tốn trước Thiên Chúa, họ có thể hiểu biết về Thiên Chúa.
Ngược lại với thái độ của những kẻ tầm thường chỉ biết hành động theo tình tư dục, những bậc hiền nhân quân tử có cái nhìn khác. Những kẻ tầm thường không có cái suy nghĩ và hành động như các vị đó.
Thánh Francois de Sales nói: “Tất cả đều được chinh phục bởi hiền lành chớ không phải bạo lực”.
Nhà hiền triết Mạnh Tử nói: “Thiên đạo vô thân. Thường dữ thiện nhân (Đạo trời không riêng một người, Luôn gia ân cho kẻ hiền lành).
Ông Gandhi nói: “… Tôi tin rằng Ấn độ không phải là vô lực. 100.000 người Anh làm gì mà đến 300 triệu người Ấn kia phải sợ? Bất bạo động đâu phải chịu lụy kẻ làm hại mình. Bất bạo động, là dùng sức mạnh của cả tâm hồn để chống lại với cường quyền của kẻ độc tài”.
“Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” là thông điệp Đức Giêsu gửi đến mỗi người chúng ta. Người đã làm gương trước, chúng ta chỉ việc học đòi bắt chước Người thôi.
Vậy, chúng ta hãy thực hiện được lời Chúa dạy, cố gắng vượt thắng tính nóng nảy và hay trả thù của mình. Đứng trước tấm gương của những người hiền lành nhịn nhục, không ai dám coi họ là những người hèn nhát mà phải suy tôn họ là anh hùng.
Trong bài giảng “Tám Mối Phúc Thật” (Mt 5,1-12). Chúa Giêsu đã khẳng định: “Phúc cho ai có tinh thần hiền lành vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Chỉ có người theo học trường Giêsu, quyết học bài học hiền lành và khiêm nhường cả đời, chỉ có người biết cư xử với lòng khoan nhân, mới tìm được an bình và hạnh phúc trên cõi đời nầy cùng sự nghỉ ngơi miên viễn khi đã ‘ra trường’.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết khiêm nhường thật trong lòng, để chúng con được kể vào số những kẻ bé mọn của Tin Mừng, những người Thiên Chúa Cha hứa mạc khải cho biết mầu nhiệm Nước Trời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

===================
Suy niệm 5
Hiền hậu và khiêm nhường

Mt 11, 25-30

Đức Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Mt 11, 25-26).
Đức Giêsu ca tụng đường lối của Cha, Ngài mặc khải  cho những người bé mọn. Những người “khôn ngoan thông thái” thường tự mãn cậy sức mình, nghĩ mình đã ngon cơm, lấy mình làm đủ đầy không cần người khác, “Tôi không như người thu thuế kia”… Một khi con người tự mãn vì sức riêng, cảm thấy đủ khôn ngoan hiểu biết, đủ nhân đức, đóng kín cửa lòng thì đâu cần đến Đấng Cứu Độ? Các ông kinh sư và Pharisêu ngày xưa như những chuyên viên Kinh Thánh, mà chẳng nhận ra Đấng Cứu Thế đang ở giữa họ đấy thôi!
Còn những “người hèn mọn” là người khiêm nhường thật, biết làm nhỏ đi cái tôi, nhận thấy thực trạng thế giá thật của mình. Đức Maria, người Nữ Tỳ khiêm hạ của Thiên Chúa; bà góa nghèo bỏ tiền vào thùng; các môn đệ ít học… Thánh Phanxicô Assisi, thánh Đa Minh, thánh Têrêsa Hài Đồng dám buông mình trong tay nhân lành Chúa… Tất cả đều sẵn sàng mở rộng lòng mình, đón Chúa vào cuộc đời mình, phó thác tin tưởng, cậy dựa hoàn toàn nơi Chúa và lấy Chúa là niềm vui hạnh phúc ngập tràn của lòng mình. Càng mở rộng lòng ra ta càng đón nhận được ơn mặc khải của Chúa, càng thấy và “biết” nhiều hơn, trong khi những người “thông thái” có khi “trố mắt” nhìn mà chẳng thấy chi, lắng tai mà không nghe được gì. “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” (Mt 11,27). “Biết” ở đây là cái biết bên trong, biết bằng con tim chứ không phải thông hiểu kiến thức hay biết bề ngoài. Biết rõ và cảm nhận được trong tình yêu tha thiết và lòng muốn khát khao.
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.  Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11,28-30). Đức Giêsu mời gọi tất cả những ai đời nhọc nhằn khốn khó hãy đến với Người, để tâm hồn được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Hai nguồn mạch cung cấp sự nghỉ ngơi dưỡng sức này là Lời Chúa và Thánh Thể. Nếu ta biết khát khao tìm đến và “ở lại” sẽ tìm được sự an dưỡng thực sự. Mọi gánh nặng sẽ trở nên nhẹ nhàng vì lòng yêu mến. Khi yêu người ta quên cả đớn đau, không lấy làm khó nhọc nặng nề nữa dù phải trải qua khó khăn vất vả. Hãy ở lại trong Chúa mà kín múc tình yêu, vì Thiên Chúa chính là Tình Yêu.

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Kinh Năm Thánh 2025
Kinh Năm Thánh 2025
Đây là Kinh Năm Thánh 2025 được Đức Giáo hoàng Phanxicô soạn. Bản dịch Việt ngữ do Linh mục Giuse Lê Công Đức, PSS thực hiện và đã được Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log