Thứ bảy, 25/01/2025

Suy niệm Lời Chúa lễ Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả

Cập nhật lúc 09:39 21/06/2023

Suy niệm 1

DẤU ẤN CỦA THIÊN CHÚA TRONG CUỘC ĐỜI
(Lc 1, 57 – 66.80)
Mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, khi đọc lại cuộc đời của thánh thánh Gioan Tẩy Giả từ lúc sứ thần truyền tin cho ông Dacaria đến ngày cắt bì, đặt tên cho con trẻ là Gioan (x. Lc 1,60), chúng ta khám phá ra dấu ấn của Đấng Tạo Hóa trên cuộc đời của mỗi con người.
Chúng ta không tự mình mà có
Muốn khám phá con người từ đâu đến, trước hết ta hãy hỏi: Ta có thể tự nhiên có được chăng? Câu trả lời chắc chắn là chẳng bao giờ có được. Vì mọi người đều có cha có mẹ, không ai ở lỗ nẻ mà chui lên.
Hỏi: Ai tạo dựng con người? Thưa, Đấng đã tạo dựng cả đất trời đất. Đấng toàn tri, toàn năng, khôn ngoan vô cùng, phép tắc vô cùng. Đấng ấy là Thiên Chúa. Sách Sáng Thế mô tả: “Thiên Chúa dùng bụi đất nặn nên con người, rồi hà sinh khí vào lỗ mũi, con người bèn trở nên một sinh vật có linh hồn” (St 2,7). Như vậy con người có là bởi Thiên Chúa. Ngài đã dựng nên cách trực tiếp và thổi sinh khí vào lỗ mũi để con người sống, bởi vậy con người khôn ngoan hiểu biết khác hẳn loài vật. “Vậy Thiên Chúa dựng nên loài người theo hình ảnh Chúa. Ngài đã tạo dựng loài người có nam có nữ” (St 1,27). Con người có một phẩm giá cao trọng trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Ngôn sứ Isaia và Thánh vịnh nói về giá trị cao cả của con người trước mặt Thiên Chúa: “Ðức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (Is 49, 1-3). Thánh vịnh trở lại với ý niệm này, tức là, Chúa biết chúng ta từ trong lòng mẹ: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con…Khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (Tv 138, 13). Như thế Thiên Chúa đã an bài sắp đặt mỗi người chúng ta ngay từ khi còn trong dạ mẹ.
Cuộc đời của Gioan Tẩy Giả hoàn toàn được phác họa trước lúc sinh ra: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người” (Lc 1, 76). Tất cả những ơn gọi ấy làm nên một lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa tác động trong lịch sử con người. “Này ông Dacaria, đừng sợ, vì ông đã được nghĩa với Chúa” (Lc 1,13). Đó là lời Sứ Thần nói với ông Dacaria. Ông đã được nghĩa với Chúa. Được nghĩa với Thiên Chúa là được Thiên Chúa yêu thương. Chúa yêu đến ngỡ ngàng, bản thân Giacaria là bằng chứng. Ngỡ ngàng vì không phải do ông không tin Thiên Chúa, nhưng bởi vì Thiên Chúa đã can thiệp vào lịch sử cuộc đời và ơn gọi của Gioan nói riêng và của mỗi người chúng ta nói chung.
Hiện hữu trong sự quan phòng
Giáo lý Hội Thánh dạy: “Sau khi sáng tạo, Thiên Chúa không bỏ mặc các thụ tạo của Ngài. Ngài không chỉ ban cho chúng hữu thể và hiện hữu, Ngài còn luôn gìn giữ chúng hiện hữu, cho chúng khả năng hành động và đưa chúng đến cùng đích”. Sự gìn giữ, sắp xếp và tác động thúc đẩy các tạo vật để chúng đi đến cùng đích ấy được gọi là việc Thiên Chúa quan phòng. (x. SGLHTCG, số 301). Như vậy, theo Giáo lý của Hội Thánh thì Thiên Chúa không chỉ sáng tạo nên vạn vật rồi bỏ mặc chúng, mà Ngài còn quan tâm chăm sóc và điều hành chúng bằng ý định đầy quyền năng của Chúa.
Thánh Gioan Kim Khẩu viết: “Chúa lưu ý đến từng điều cho con người. Phần ta, ta không thêm được gì cho thân ta, nhưng Chúa quan phòng làm hoàn toàn đầy đủ mọi việc cho ta. Nếu không có Chúa quan phòng, thì mọi sự lo lắng vất vả của chúng ta đều vô ích”.
Thánh Basiliô dùng kiểu nói ví von: “Chúa cho bò ngựa có cỏ, thì lại cho con người có của cải sinh sống. Chúa tạo nên mọi thứ là dự bị cho con người có đủ thức ăn… Không có gì là không có lý do hay tình cờ, nhưng là kết quả của tài khôn ngoan vô cùng”.Thánh Augustinô thì đưa ra một nhận xét chí lý: “Thượng Đế không phải như một kỹ sư xây nhà xong có thể bỏ đấy đi, vì nếu Ngài ngơi tay ra thì tất cả vũ trụ sụp đổ”. Thánh nhân viết tiếp: “Sao tôi lại xin để Chúa ở trong tôi, trong khi tôi không thể tồn tại nếu Chúa không ở trong tôi?” Theo ngài, đúng hơn phải nói: “Tôi không thể tồn tại nếu tôi không ở trong Chúa, mà do đó, nhờ đó và trong đó tất cả mọi vật tồn tại”.
Gioan Tẩy là kiểu mẫu điển hình cho sự quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa can thiệp cụ thể trong lịch sử đời người. Mang danh hiệu là Tiền hô của Đấng Cứu Thế, Gioan có sứ mạng “đem nhiều con cái Ítrael trở về cùng Chúa” (Lc 1, 16).  Gioan đã sống xứng danh người loan báo về Đấng Cứu Thế. Là Kitô hữu, chúng ta được Chúa tạo dựng và an bài trong ý định nhiệm mầu cao siêu của Thiên Chúa.
Sứ mạng của mỗi người chúng ta 
Sinh ra sống ở trên đời, mỗi người trong chúng ta đều có một sứ mạng trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Hết thảy chúng ta đều được sáng tạo trong yêu thương với ơn gọi làm người giống hình ảnh Chúa là Chân, Thiện, Mỹ, được chính Thiên Chúa gọi trong tình yêu và mong một ngày nào đó người ấy nghe được tiếng Chúa gọi và đáp lại với tình yêu. Thiên Chúa cũng trao cho mỗi người một sứ mạng, dù sang hay hèn, bất tài, hay chống đối Chúa.
Mỗi người chúng ta được tạo dựng một cách độc đáo, không ai giống ai, cả thể xác lẫn tâm hồn, tính tình và năng khiếu. Bởi đó, không có ơn gọi nào giống ơn gọi nào. Mỗi người là tác phẩm nghệ thuật độc đáo và độc nhất vô nhị của Thiên Chúa. Theo tư tưởng thần học về Nhiệm Cục Cứu Độ của Von Balthasar, thì cuộc hành trình ơn gọi của mỗi chúng ta như một kịch bản. Thiên Chúa Cha đã cài đặt một chương trình. Chúa Thánh Thần là huấn luyện viên. Thiên Chúa Con là gương mẫu. Bản thân ta thực hiện chương trình, và cộng đoàn là những môi trường.
Cuộc sống con người tự nó đã là một huyền nhiệm, huyền nhiệm vì con người được tạo dựng trong ý định của Thiên Chúa: “chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1, 26-28). Như thế, nơi sâu thẳm thân phận con người đã có một huyền nhiệm và con người không tồn tại do chính ý định của mình.
Để khám phá ra mục đích đời ta, ta phải qui chiếu về Lời Chúa. Qua miệng Phaolô, Chúa chỉ cho chúng ta thấy: “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Chúa Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta. (Ep 2,10).
Xin Chúa qua lời chuyển cầu của thánh Gioan Tiền Hô giúp chúng con quyết tâm sống sao cho xứng với ơn gọi là Kitô hữu. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================

Suy niệm 2
CON MỚI LÀ BÀO THAI, MẮT NGÀI ĐÃ THẤY

(Is 49,1-6 ; Cv 12, 22-26 ; Lc 1, 57- 66,80)

Từ thế kỷ thứ IV, Giáo hội đã mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. Đây là một lễ rất lâu đời xét về mặt thời gian. Nếu như câu hỏi mà những người đương thời để bụng suy nghĩ “con trẻ này rồi sẽ nên thế nào?” Thì ngày nay người ta vẫn không ngừng đặt ra những câu hỏi, chẳng hạn như: Tại sao lại lấy ngày 24 tháng 6? Và lý do gì mà Giáo hội lại mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan cách trọng thể như thế?
Tại sao lại lấy ngày 24 tháng 6?
Lý do lấy ngày 24 tháng 6 thay vì ngày 25 tháng 6 là vì theo cách tính ngày xưa, tức là theo calends (ngày mùng 1), ides (ngày 15) và nones (ngày thứ chín). Dĩ nhiên, những niên hiệu này có một giá trị phụng vụ và biểu trưng hơn là một giá trị lịch sử. Chúng ta không biết chính xác ngày và năm Chúa Giêsu sinh ra, nên khi nào Gioan sinh ra chúng ta cũng không hay.
Dựa vào trang Tin Mừng, thánh Luca cho biết, khi loan báo sự sinh hạ của Chúa Kitô cho Đức Maria, thiên thần cho ngài biết bà Isave chị họ của ngài đang có thai trong tháng thứ sáu. Cho nên, Gioan Tẩy Giả phải được sinh ra sáu tháng trước Chúa Giêsu và như vậy bảng niên đại được tôn trọng cho đến ngày nay.
Giáo hội mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan 
Thánh Augustinô nói: “ Giáo hội có thói quen lấy ngày qua đời của các vị thánh để mừng kính, vì đó là ngày sinh nhật của các thánh trên Trời. Riêng thánh Gioan Baotixita được miễn trừ khỏi qui luật bình thường đó, vì ngài đã được thánh hiến ngày từ trong lòng mẹ trước khi sinh ra, nhờ sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô trong lòng Đức Maria Trinh Nữ Rất Thánh khi thăm Bà Thánh Isave, từ đó Giáo hội tin rằng Gioan Tẩy Giả đã được thánh hoá trong dạ mẹ nhờ sự hiện diện của Chúa Kitô. Đó là lý do Giáo hội cử hành lễ sinh nhật của ngài ”.
Hội Thánh coi sinh nhật của thánh Gioan như một ngày thiêng thánh. Không có vị nào trong các bậc cha ông được chúng ta mừng sinh nhật trọng thể như thế. Chúng ta mừng sinh nhật thánh Gioan và mừng sinh nhật Đức Kitô: đó là điều không thể bỏ qua.
Thánh Gioan sinh ra bởi một cụ bà son sẻ, còn Đức Kitô sinh ra bởi một thiếu nữ đồng trinh. Vì không tin Gioan sẽ chào đời, nên người cha đã hoá câm; vì tin Đức Ki-tô sẽ chào đời, nên Đức Ma-ri-a đã thụ thai bởi lòng tin. Vậy Gioan xuất hiện như ranh giới giữa hai giao ước, Cựu Ước và Tân Ước. Chính Chúa Giêsu chứng thực: Cho đến thời ông Gio-an thì có luật và các ngôn sứ. Vì là đại diện cho thời đại cũ, ông đã được sinh ra bởi hai ông bà già; vì là đại diện cho thời đại mới, ông đã được gọi là ngôn sứ ngay từ trong lòng mẹ.
Ông Da-ca-ri-a bị câm, hay im lặng của ông Da-ca-ri-a có nghĩa gì nếu không phải là lời ngôn sứ tạm ngưng, và đóng lại cho tới khi Đức Ki-tô đến rao giảng? Khi ông Gioan đến thì lời ngôn sứ được mở ra và khi Đấng được tiên báo đến thì lời ngôn sứ trở nên rõ ràng. Lưỡi được mở vì tiếng ra đời. Khi ông Gioan tiên báo về Chúa thì người ta hỏi ông rằng: Ông là ai ? Và ông trả lời: Tôi là tiếng, còn Chúa, ngay từ nguyên thuỷ đã là Lời. Ông Gioan là tiếng trong thời gian, còn Đức Ki-tô, ngay từ khởi đầu, đã là Lời vĩnh cửu.
Lời mời gọi bảo vệ sự sống các thai nhi
Theo Kinh Thánh, con người là kẻ được Thiên Chúa nhận biết, gọi tên; và Thiên Chúa biết chắc chúng ta từ khi còn trong lòng mẹ. Mắt Ngài thấy chúng ta: “Con mới là bao thai, mắt Ngài đã thấy” (Tv 138,16).
Chúng ta có một ý niệm rất hẹp hòi và có tính pháp lý về con người, gây nhiều hoang mang trong sự bàn cãi về nạn phá thai. Xem ra một đứa bé chỉ được sở hữu phẩm giá con người khi nó được các thẩm quyền con người thừa nhận.
Khoa học nói với chúng ta rằng trong phôi thai, toàn diện hữu thể nhân bản đang thành hình, được phản chiếu trong mỗi chi tiết rất nhỏ; đàng khác, đức tin chúng ta thêm rằng, điều chúng ta có không phải là công trình vô danh của tạo vật, nhưng một công trình tình yêu của đấng Sáng tạo. Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả hoàn toàn được phác họa trước lúc sinh ra: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người” (Lc 1, 76).
Vấn đề nghiêm trọng ngày nay là hàng triệu trẻ em chết vì phá thai mà không được rửa tội. Chúng ta phải nói gì về chúng? Chúng có được thánh hoá cách nào đó trong bụng mẹ chúng không? Chúng có được cứu rỗi không?
Câu trả lời không do dự: Chắc chắn chúng được cứu rỗi. Thiên Chúa có thể cứu rỗi bằng những phương tiện bất thường, khi con người, không do lỗi mình, không được lãnh bí tích rửa tội. Chúa làm như vậy đối với các thánh Anh Hài, những em bé đã chết không được rửa tội.
Giáo hội đã luôn luôn công nhận khả năng của một phép rửa tội bằng ý muốn và một phép rửa tội bằng máu, và nhiều em bé chắc chắn đã biết một phép rửa tội bằng máu, dầu thuộc về một bản tính khác.
Khi làm sáng tỏ vấn đề trên sẽ mang lại một sự thoải mái cho những kẻ tin, những kẻ mất bình thản trước số phận khủng khiếp của rất nhiều em bé trong thế giới ngày nay.
Xin Chúa cho tất cả những người cha và bà mẹ, như bà Isave và ông Giacaria, đang chờ đợi hay kinh nghiệm sự sinh con, có được niềm vui và hớn hở trong đứa con Chúa đã trao ban, và niềm vui sinh con, vì sự sống đã bừng lên nơi con cái. Xin cho mọi người tôn trọng các thai nhi ngay từ trong lòng mẹ. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================

Suy niệm 3
Cuộc Đời Nhiệm Lạ

Is 49,1-6; Cv 13,22-26; Lc 1,57-66.80
Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlisabeth sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.” (Lc 1, 57-58).
Ngày sinh nhật Gioan Tẩy Giả là một ngày vô cùng trọng đại, vui mừng và hạnh phúc. Bởi vì bà Êlisabeth đã cao niên mà vẫn không có lấy một mụn con. Nay Thiên Chúa đã cất nỗi nhục của bà, cho bà sinh một bé trai kháu khỉnh. Gia đình bà vui, cả làng đều vui và đến chia vui niềm hạnh phúc vì Chúa đã quá thương bà như vậy. Vào lúc mà người ta không thể sinh con, thì Thiên Chúa lại tặng ban cho bà người con ấy.
Sinh nhật của trẻ Gioan thật nhiệm lạ, làm cho mọi người đều bỡ ngỡ. Ngay từ lúc em đầu thai trong lòng mẹ đã gây “chấn động” nơi gia đình, ông Dacaria không tin vợ có thai thì đã bị câm. Ra như ông bị Chúa khóa miệng, không thể nghe và nói, không hỏi han bàn luận. Và như một thời gian tĩnh tâm, cho đến ngày đặc biệt con trẻ được đặt tên lại xảy ra những biến cố lạ lùng. Theo tục lệ thì phải lấy tên cha mà đặt cho con, nhưng ở đây bà mẹ đòi phải đặt tên cháu là “Gioan”, nghĩa là “Thiên Chúa thi ân”, mặc dù trong họ hàng của bà không có ai tên như vậy. Ý Chúa kỳ diệu thay! khi làm hiệu hỏi người cha đang bị câm, ông viết ý mình lên tấm bảng nhỏ: “Tên cháu là Gioan”. Láng giềng ai nấy đều kinh sợ vì ngay lúc ấy, lưỡi ông lại mở ra, ông nói được và cứ thế chúc tụng Thiên Chúa, chứ không oán trách Chúa đã “khóa” miệng ông trong thời gian qua. Tất cả những người đã chứng kiến mọi sự nơi gia đình Dacaria đều từ vui mừng, bỡ ngỡ, đến kinh sợ, bởi vì chẳng có ai trên thế gian có thể thực hiện những điều kỳ diệu cho ông bà già này, ngoại trừ một mình Thiên Chúa. Sự việc ấy được đồn ra khắp miền Giuđê. Ai nghe cũng phải suy nghĩ và tự hỏi đứa trẻ rồi sẽ ra sao? Và quả thật, có “bàn tay Thiên Chúa” phù hộ em. Trong bài đọc I ngôn sứ Isaia đã loan báo: “Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi.” (Is 49,1b). Sự lạ lùng khi có mặt Gioan Tẩy Giả trên đời mang đến cho cuộc đời ông sứ mạng cao cả và đặc biệt, là dọn đường và khiêm nhường làm chứng cho Đấng Cứu thế: “Để dọn đường cho Đức Giêsu, ông Gioan đã rao giảng kêu gọi toàn dân Israel chịu phép rửa tỏ lòng sám hối. Khi sắp hoàn thành sứ mệnh, ông Gioan đã tuyên bố: ‘Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho người’.” (Cv 13,24-25). Ông như là vị ngôn sứ giao thời cho Cựu Ước và Tân Ước, rao giảng bằng đời sống, bằng lời và bằng chính mạng sống của mình.
Lạy Chúa! Thánh Gioan đã thực hiện sứ mệnh tiền hô kèm theo những dấu lạ, khiến mọi người phải bỡ ngỡ thán phục. Đời con chẳng có những dấu lạ như thánh Gioan. Cũng như bao người khác, Chúa muốn con trở thành chứng nhân cho tình thương của Chúa. Xin cho con trở thành dấu chỉ để người đời nhận biết Chúa, qua lối sống bác ái yêu thương tha nhân và khiêm nhường phục vụ đến quên mình. Amen.

Én Nhỏ 
                                                                             

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log