Thứ hai, 23/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 12 Thường niên A

Cập nhật lúc 15:01 22/06/2023
Suy niệm 1
Mt 10, 26 – 33
Bài Tin Mừng cho chúng ta ba bài học.
Bài học một vừa là một khuyến khích, vừa là một lệnh truyền. Đó là phải đem hết khả năng và tâm sức để kể lại cho thế giới tất cả mọi Lời Chúa đã giảng công khai trong các nguyện đường. Hơn thế nữa, còn phải kể lại cả những Lời Chúa âm thầm tâm sự giữa Thầy trò với nhau, trong những chỗ riêng tư.
Bài học hai là một lời an ủi vỗ về. Chúa cho biết trước là khi loan báo Tin Mừng sẽ gặp sự chống đối từ nhiều phía. Phía cụ thể nhất là lãnh đạo Do Thái giáo. Các ông Kinh sư và Pharisêu, từ Bắc chí Nam, chỗ nào chúng bắt bớ, bắt bẻ và chém giết. Ngoài lãnh đạo Do Thái giáo còn có những tay làm chính trị như nhóm của vua Hêrôđê. Chúa kể hết nnỗi khổ của người rao giảng Lời Chúa. Những nỗi khổ ấy là tù đày, tra tấn và chém giết. Nhưng Chúa bảo là đừng sợ, vì có Cha trên trời hỗ trợ. Không phải hỗ trợ là thôi không bị tù đày, chết chóc, mà lòng can đảm chịu hành hạ, thông minh để đối đáp với dân trí thức ngoan cố.
Bài học ba cứng rắn như một lời răn đe. Đó là Chúa bảo rằng ai can đảm xưng mình là đệ tử của Ngài, thì Ngài cũng sẽ công nhận những người ấy là để tự của mình trước mặt Chúa Cha. Ngược lại nếu ai từ chối Ngài trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị Ngài từ chối trước mặt Chúa Cha.
Ba bài học trên đây sẽ diễn ra đầy đủ trong suốt dòng lịch sử của các Tông đồ và của Giáo hội trong suốt hai mươi thế kỷ. Các tông đồ thì bị bắt, bị tù đày, tra tấn và chết chóc. Các ngài vốn là những người bình dân tầm thường, thế nhưng đã khiến các vị lãnh đạo cấp trung ương của Do Thái giáo đều phải cúi đầu chịu thua.
Đạo Chúa thì bùng vỡ từ Giêrusalem cho tới các quốc gia xunh quanh Địa Trung Hải và đến tận cùng của bản đồ thế giới. Mà quả thật Đạo Kitô đi tới đâu cũng bị bắt bớ. Nhưng cuối cùng thì người bắt đạo đã đi vào thế giới bên kia, còn đạo thì vẫn còn đấy và càng ngày càng phát triển. Cụ thể là đế quốc La mã đày đọa đạo của Chúa suốt ba trăm năm; người bắt đạo tàn bạo nhất là Nêrô. Nêrô thì chết rồi; Rôma thì trở thành thủ đô của Giáo hội toàn cầu.
Riêng tại Việt Nam, đạo Chúa cũng bị hành hạ chừng ba trăm năm. Ông vua bắt đạo khủng nhất là vua Tự Đức. Sắc dụ độc ác nhất là sắc dụ “phân sáp”: phân tách gia đình và giáo xứ cho mỗi người đi một nơi và hội nhập vào các làng lương dân. Sau thời gian “phân sáp” này, các giáo xứ bị mất tích hơn 60.000 người. Thế nhưng vua Tự Đức thì chết rồi, còn những người giáo dân bị phân sáp thì lại biến thành các giáo xứ mới.
Máu của các thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh ra các tín hữu. Đó là một quy luật của lịch sử. Đạo càng bị bách hại bao nhiêu, thì càng phát triển bấy nhiêu. Đạo giống như chậu hoa mai của ngày tết. Trước tết hai tháng, nhà làm vườn không còn bón phân, tưới nước cho chậu mai. Trước tết hai tuần, nhà làm vườn còn ngắt hết lá của cây mai. Tưởng người làm vườn điên: đày đọa cây mai. Ai ngờ, chính vì bị đày đọa như thế mà mỗi chậu mai nở hoa rực rỡ. Mỗi chậu mai, nếu không bị đày đọa thì chỉ nở vài nụ hoa và chỉ bán được vài trăm ngàn đồng. Nhưng vì chậu hoa mai bị đày đọa mà hoa nở quá nhiều và bán được vài ba cho tới dăm bảy chục triệu.
Từ sự kiện chậu mai ngày tết, chúng ta nên cám ơn những ai ghét đạo và bắt đạo. Chính nhờ họ mà hôm qua, ngày nay và ngày mai đạo của Chúa tăng trưởng. Máu các thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh ra tín hữu là vậy.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

=================
Suy niệm 2

ĐIỀU ĐÁNG PHẢI SỢ

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Không biết tự bao giờ, chúng ta bắt đầu có những nỗi sợ hãi mà không thể giải thích được! Từ khi nào con trẻ lại sợ bóng tối? Lớn dần lên bắt đầu sợ ma, nhưng lại thích nghe từ bạn bè, người lớn những chuyện về ma quỷ? Và rất nhiều nỗi sợ khác đáng lí ra không nên khiếp sợ thì chúng ta lại sợ hãi vô cùng!
Có lẽ vì bản tính yếu đuối của con người, và hậu quả của sự tội, nên chúng ta thường trở nên hoảng sợ trong ý nghĩ, sợ hãi do trí tưởng tượng hay suy đoán mà ra. Trong khi đó, những việc nên sợ, những chuyện không đáng phải sợ thì chúng ta lại xem đó là điều không đáng sợ và cho đó là bình thường, chẳng cần bận tâm!
Thật ra, chẳng phải đến thời đại chúng ta mới có điều này, mà từ rất xa xưa, thời Cựu ước đã diễn ra qua lời thuật lại của tiên tri Giê-rê-mi-a: sợ bị vu cáo, sợ người thân thích rình xem sự vấp ngã của bản thân, sợ bị mắc lừa, sợ bị nhục nhã ê chề…. Và trên hết điều đáng kính sợ và nên làm mà không được quên: “hãy ca tụng Chúa, hãy ngợi khen Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo, cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ” (x. Gr 20, 13). 
Nỗi sợ hãi chiếm lĩnh con người, tâm tư, ý nghĩ, chi phối các sinh hoạt của con người, cho nên chúng ta thường có xu hướng không sợ những điều đáng/nên phải sợ. Có nhiều cha bạn của con rất ư là sợ ma! Khi nghe đến chuyện một linh mục sợ ma, thì phản ứng đầu tiên của giáo dân là: ôi, cứ tưởng chỉ có giáo dân sợ thôi chứ, các cha mà cũng sợ ma sao! Thật ra, đâu phải trở thành linh mục rồi mới sợ ma hay hết sợ ma! Trước khi được đào tạo trở thành một thừa tác viên linh mục, thì ứng viên đã có nỗi sợ này từ nhỏ rồi, và điều này cứ theo đương sự suốt (có thể mức độ sợ sẽ giảm dần theo năm tháng!!!). Ngoài ra, rất nhiều câu chuyện về một số cha ngại đến nỗi sợ không dám tiến gần quan tài để rảy nước Thánh hay an ủi gia đình tang quyến, mà chỉ đứng từ xa rảy nước Thánh khi cử hành các nghi thức tang lễ tại gia và trong Thánh lễ an táng, đặc biệt trong nghi thức tiễn biệt! Một trong nhiều lí do mà chúng ta thường được nghe: sợ ngã bệnh hay cơ thể sẽ trở nên không khoẻ khi tiếp xúc với hơi người đã qua đời!
Ở đây, chúng ta không có tham vọng tìm ra nguyên nhân hay lí do hầu giải thích; tuy nhiên dẫu biết một lí do gì đi chăng nữa, chúng ta đều thấy điều mà chúng ta không đáng sợ thì chúng ta lại sợ hãi vô cùng; ngược lại, điều chúng ta nên và đáng phải sợ thì chúng ta cho là bình thường! Nào là chúng ta sợ mỗi khi lãnh nhận bí tích Hoà giải, ngại xếp hàng đi xưng thú tội lỗi của mình; trong khi đó chúng ta lại không sợ việc phạm tội, không sợ làm Chúa phiền lòng, chẳng e sợ khi làm người khác tổn thương như nói xấu anh chị em, nói sau lưng người khác, dèm pha, đồn thổi, loan tin thất thiệt…Chúng ta sợ, không dám tuyên xưng đức tin qua đời sống đạo, sợ không dám làm chứng cho Chúa giữa đời; trong khi đó chúng ta dường như lại không sợ một khi chưa chu toàn bổn phận sống đạo và làm gương lành gương tốt trong gia đình, lối xóm, cộng đoàn giáo xứ! “Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời” (Mt 10, 32-33). Chúng ta sợ người khác hại đến thân thể, thân xác, ảnh hưởng đến đời sống vật chất, đời sống thể lý của mình, nhưng chúng ta lại không sợ bị mất linh hồn, mỗi khi chúng ta rơi vào cạm bẫy tội lỗi, thói hư tật xấu, xa lìa, hờ hững, dửng dưng trước sự thống khổ của anh chị em, xa rời, nguội lạnh trong đời sống đức tin, làm những việc không ích lợi cho đời sống linh hồn! "Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn: Các con hãy sợ Đấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục” (Mt 10, 28). Chẳng phải những gì Chúa dạy nên và đáng phải kính sợ, thì chúng ta cần để tâm, khắc sâu trong lòng mà nỗ lực sống thực thi mỗi ngày sao? “Các con đừng sợ những gì, những việc, những ai không đáng lo hãi, vì các con đáng giá hơn chim sẻ bội phần” (x. Mt 10, 31), vì chính Chúa Giê-su Ki-tô đã đổ máu ra cứu chuộc chúng ta, giúp chúng ta vượt lên những nỗi sợ hãi vô hình này. Và nhờ ân sủng đức tin mà chúng ta được lãnh nhận, cùng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, ban cho chúng ta lòng can đảm, sự khôn ngoan vượt thắng những sợ hãi này, như lời xác tín của Thánh Phao-lô gửi cho giáo đoàn Rô-ma “sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người (x. Rm 5, 15). 
Giờ đây, chúng ta cùng khẩn cầu xin Chúa giúp mỗi người chúng ta vượt lên những sợ hãi dưới đây, và cho chúng ta luôn biết tín thác vào Chúa và sống như lời nhắn nhủ của Ngài “các con đừng sợ hãi…” qua đôi dòng suy tư trở về với lòng mình ‘chẳng ngại/chẳng sợ….nhưng lại sợ’: 
 
            Lạy Chúa, lắm lúc chúng con
 
            Chẳng ngại nhắm mắt làm điều trái với lương tâm
            Nhưng e sợ mở mắt cảm thông, chia san với anh chị em.
 
            Chẳng sợ đưa tin buồn, tin hãi, tin vịt
            Nhưng e ngại loan truyền Tin Mừng, tin tưởng, tin vui.
 
            Chẳng ngại đưa chân đến những nơi đánh mất nhân phẩm
            Nhưng e sợ bước chân tới những ai đang khốn khổ nghèo hèn.
 
            Chẳng sợ tích trữ quá nhiều của cải vật chất, đánh mất linh hồn
            Nhưng e ngại chia sẻ thật lòng với anh chị em.
 
            Chẳng ngại để cuộc sống mình câu kết với tội lỗi
            Nhưng e sợ trao đời sống mình trong bàn tay Chúa.
 
            Chẳng sợ mỗi khi tự mãn tự kiêu với thành quả bản thân
            Nhưng e ngại chia vui thành công với người khác.
 
            Chẳng ngại xét đoán, lên án người khác
            Nhưng e sợ mỗi lúc nhìn lại bản thân mình.
 
            Chẳng sợ với những dự định ảo của bản thân
            Nhưng e ngại đón nhận chương trình của Chúa.
 
            Chẳng ngại khi chỉ biết tung tăng ngao du khắp nơi
            Nhưng e sợ mỗi lúc tham dự Thánh Lễ trọn vẹn.
 
            Chẳng sợ khi ưu tiên đi phượt những nơi xa xôi
            Nhưng e ngại đến với những ai đang gần kề cần đến mình.
 
            Chẳng ngại mỗi lúc mua sắm, tiêu tiền thả ga
            Nhưng e sợ khi phải giúp đỡ, bớt xén từng đồng.
 
            Chẳng sợ học đòi gương mù gương xấu
            Nhưng e ngại học - sống gương tốt gương lành.
 
            Chẳng sợ khi mất nhiều thời gian cho tán gẫu, ‘buông dưa buông lê’
            Nhưng e sợ mỗi lần tâm sự, cầu nguyện cùng Chúa.
 
            Chẳng ngại buông lời khiến anh chị em tổn thương
            Nhưng e ngại nói lời xin lỗi - cám ơn với người…..
 
            ‘E ngại’ mà vậy thì thôi
            ‘Chẳng sợ’ ra thế, hỡi ôi làm gì?
            Làm ngược lại chẳng hại chi
            Mang điều tươi sáng, tiếc gì người ơi! Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 3

ĐỪNG SỢ
Mt 10,26-33

Bài đọc I trích sách tiên tri Giêrêmia cho chúng ta biết: vì rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa cho dân và vì thẳn thắng cảnh cáo dân về tội lỗi của họ sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt, mà tiên tri Giêrêmia đã bị dân thù ghét, khinh khi, nhạo báng, và tìm cách hãm hại. Nhưng Thiên Chúa hằng ở bên ông “như một trang chiến sĩ oai hùng” (Gr 20,11). Nhờ thế, ông tin tưởng cầu nguyện và ca tụng Thiên Chúa. Đặc biệt, ông can đảm tiếp tục sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó cho ông.
Đời con người bị nhiều thứ bủa vây, đặc biệt là nỗi “sợ”. Nỗi sợ như gắn liền với sự mong manh của phận người: sợ đau khổ, sợ thử thách, sợ thất bại, sợ bệnh tật, sợ thiếu thốn và nhất là sợ chết… Càng văn minh dường như càng có nhiều đe dọa, khiến con người càng sợ hơn. Nỗi sợ làm ta mất tự do, mất bình an, mất vui… Riêng người môn đệ Đức Giêsu cũng sợ bị chống báng, sợ bách hại và giết chết. Thấu hiểu điều đó nêntrong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu khuyên các môn đệ: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn... Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”.
Thật ra, không thể nào tránh hết được mọi nỗi lo sợ trong cuộc đời. Khi bảo “anh em đừng sợ” Chúa Giêsu muốn chúng ta đừng để cảm xúc sợ hãi làm tê liệt đời sống mình. “Đừng sợ” nghĩa là bình tĩnh ngay trong mọi biến động; “Đừng sợ” nghĩa là phải can đảm đối diện với đau khổ hay sự chết, bởi vì Thiên Chúa luôn yêu thương quan phòng và chăm sóc chúng ta, vì “ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi” (Mt 10, 29).Phần chúng ta “Hãy ký thác đường đời cho Chúa và tin tưởng vào Người.” (Tv 37, 5). Thánh Phêrô mạnh mẽ khuyên ta: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em.” (1Pr 5, 7).Buông xả cho Chúa mọi sự, ta sẽ cảm thấy rất thơ thới.
Lời căn dặn “Đừng sợ” của Chúa Giêsu đã trở thành sức mạnh cho Giáo Hội. Hai mươi thế kỷ sau, trong giây phút đầu tiên đăng quang ngôi Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã lập lại lời Thầy Chí Thánh: “Đừng sợ! Hãy mở cửa lòng đón Đức Kitô”. Trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã không ngừng kêu gọi Hội Thánh và mọi người trên thế giới đừng sợ. “Đừng sợ” ở đây vượt trên ý nghĩa thông thường,đó là sự bất khuất, không nao núng trước bạo lực, bạo quyền. “Đừng sợ” là thái độ vượt thắng sự thủ thế, co lại trên chính mình, không dám mở ra đón lấy sự cao cả, siêu việt, linh thánh của Tin Mừng.Cũng đừng sợ sống yêu thương trong thế giới còn đầy lòng thù hận, vì sự thù hận nào cũng sẽ bị vô hiệu hóa và bị cảm hóa bởi yêu thương.
Trong đại hội giới trẻ thế giới tổ chức tại Panama vào tháng 1/2019, khi suy tư về những lời của Sứ Thần Gabriel nói với Đức Maria “Đừng sợ!”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi giới trẻ hãy nêu đích danh những nỗi sợ của các bạn. Ngài cho thấy có nhiều bạn trẻ đang vẫn tiếp tục chỉnh sửa (photoshop) hình ảnh của họ hoặc ẩn núp sau những căn tính giả tạo, trong một nỗ lực để làm cho phù hợp với những tiêu chuẩn giả tạo và không thể đạt tới được. Sự không chắc chắn của thị trường lao động, một cảm thức về sự thiếu thốn và thiếu sự an toàn về cảm xúc là những nỗi sợđang tiêm nhiễm người trẻ.
Kinh Thánh cho ta thấy Abraham, Giacop, Môsê, Phêrô, các tông đồ và ngay cả Chúa Giêsu cũng đã kinh qua sự sợ hãi và nỗi khổ. Những người có chí khí, một khi đã chọn cho đời mình một lý tưởng để phụng sự, thì đương nhiên dám đánh đổi mọi sự, và chấp nhận mọi thứ. Đời sống thánh Phaolô đã minh chứng như thế. Ngài đã hùng hồn tuyên bố:Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.” (Rm 8, 35-37).
Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy, cụm từ “đừng sợ” được lặp lại 365 lần trong Kinh Thánh,“như thểnói cho chúng ta rằng, Chúa muốn giải thoát chúng ta khỏi sự sợ hãi mỗi ngày trong năm”.Ngày nào có khó khăn gian nan của ngày đó, nhưng hãy tin rằng Chúa luôn ở với ta, người đời chẳng làm gì ta được. Hãy phó thác mạng sống cho Ngài.
Cuối cùng, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm sống cuộc đời mình cho Chúa (x. Mt 10, 32-33); hãy mạnh dạn dấn thân thi hành sứ vụ Kitô hữu, đồng thời đón nhận mọi thử thách trong cuộc đời, như một điều kiện cần thiết để đạt tới sự sống muôn đời.
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Con lần lữa trên đường về phía trước,
muốn tiến bước nhưng lại nhiều nghi ngại,
sợ phải chông gai sợ phải nhọc nhằn,
vậy nên con vẫn thường hay né tránh,
tìm cách này cách khác để đi quanh.

Con cứ phải lên đường và cất bước,
nếu không bước chẳng tới được bến bờ,
sẽ đau buồn khốn khổ vì dang dở,
nên con đừng than thở và lo sợ,
đừng ngại ngần với thái độ ngu ngơ.

Con tin Chúa có mặt trong mọi lúc,
nên bình tâm vững chí không lo gì,
hoàn cảnh nàocon cũng chẳng bơ vơ,
miễn sao con đừng có những nghi ngờ,
đừng để tim ơ hờ xa vắng Chúa.

Cuộc đời là tiến bước về phía trước,
chứ không phải là chốn để nghỉ ngơi,
càng không phải là nơi để hưởng thụ,
hay là chỗ để tranh giành vui thú,
nhưng chiến đấu để chiến thắng ba thù.

Chúa mong con tiến bước về phía trước,
mang cho đời những mơ ước đẹp tươi.
đừng để mình bị lối sống ươn lười,
hay những thứ đam mê làm cản trở,
đừng ngồi đó để mà chờ sung rụng,
hên xui may rủi rất mịt mùng.

Xin cho con tin Chúa vẫn đi cùng,
cho dù rằng sẽ có những phong ba,
nhưng con quyết luôn an lòng vững dạ,
hoàntất cuộc hành trình về với Cha. Amen.

Lm. Thái Nguyên

==================
Suy niệm 4
ĐỪNG SỢ

(Mt 10, 26 -33)

Trên đời con người có nhiều thứ bủa vậy, một trong những thứ đó là cái “sợ”. Càng văn minh con người càng có nhiều nỗi sợ mới. Nỗi sợ làm người ta mất tự do, mất bình an, mất vui… Nỗi sợ có vẻ gắn liền với sự mong manh của phận người. Người ta sợ nhiều thứ: sợ đau khổ, sợ thử thách, sợ bệnh hoạn, sợ thiếu thốn và nhất là sợ chết… Xem ra, nỗi sợ hãi luôn ám ảnh con người và dù muốn dù không con người vẫn bị bủa vây bởi trăm ngàn mối hiểm nguy. Thấu hiều điều đó, nên khi dạy dỗ cho các môn đệ, Chúa Giêsu khuyên: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn… Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (x. Mt 10, 28-31).
Lời căn dặn “Đừng sợ” của Chúa Giêsu đã trở thành sức mạnh cho Giáo Hội. Hai mươi thế kỷ sau, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong ngày đầu tiên lãnh đạo Giáo Hội đã lặp lại lời Thầy Chí Thánh: “Đừng sợ”. Trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã không ngừng kêu gọi toàn thể Hội Thánh và mọi người trên thế giới “Đừng sợ”:
“Anh chị em đừng sợ đón lấy Chúa Kitô và nhận lấy quyền năng của Người!”.
“Anh chị em đừng sợ! Hãy mở ra, mở toang mọi cánh cửa đón lấy Chúa Kitô! Hãy mở mọi biên giới các quốc gia, các hệ thống chính trị, những lãnh vực bao la của nền văn hóa, văn minh, phát triển cho quyền năng cứu độ của Chúa bước vào”.
“Đừng sợ! Chúa Kitô biết rõ mọi điều trong lòng người”! Và chỉ một mình Người biết rõ” (Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng – Bài giảng lễ khai mạc sứ vụ Tông đồ Phêrô).
Thái độ “không sợ” được Thánh Giáo hoàng Đức Gioan Phaolô II nói đến vượt trên ý nghĩa thông thường là sự bất khuất, không nao núng trước bạo lực, bạo quyền. Không sợ là thái độ vượt thắng sự thủ thế, co về mình, không dám mở ra đón lấy sự cao cả, siêu việt, linh thánh của Tin Mừng Cứu độ và cũng không đủ nghị lực và sự kiên trì đưa Tin Mừng trở thành hiện thực nơi trần gian, xây dựng Nước Chúa ngay trong thực tại trần thế.
Từ “Đừng sợ” lại vang lên trong bài giảng thứ hai trên cương vị giáo hoàng, khi cử hành việc tiếp nhận ngai tòa giám mục giáo phận Rôma, ngày Chúa nhật 12-11-1978, tại nhà thờ Chánh tòa Gioan Latêranô, Đức Gioan Phaolô nói rõ thêm về lời kêu gọi “Đừng sợ”.
Đừng sợ đón lấy và thực thi lối sống Tin Mừng. Đó là sống yêu thương, không hận thù, như chính Đức Kitô yêu thương và đã tha thứ cho kẻ bách hại mình: “Tình yêu thì kiến tạo. Chỉ có tình yêu mới có thể kiến tạo được. Còn thù hận thì phá hủy. Lòng hận thù không kiến tạo được gì hết. Nó chỉ gây đổ vỡ. Nó làm tan nát đời sống xã hội. Nó chỉ có thể gây sức ép đối với những người yếu đuối và chẳng xây dựng nổi một điều gì” (Gioan Phaolô II – Bài giảng lễ nhận nhà thờ Chánh tòa Gioan Latêranô của Giám mục Rôma)
Đừng sợ sống yêu thương trong thế giới còn đầy tràn lòng thù hận. Đó là tín thư của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Một tín thư xụất phát từ sứ điệp Tin Mừng Cứu độ của Đức Kitô. Sứ điệp của niềm Hy vọng: “Hãy làm cho những Lời hằng sống của Đức Kitô đến được với mọi người để họ nghe được Lời của Chúa, sứ điệp của niềm Hy vọng” (Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng – Bài giảng lễ khai mạc sứ vụ Tông đồ Phêrô).
Tiếp nối đường hướng của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong ngày lên ngôi, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã thắp lên lời hy vọng: “Hãy tiến lên phía trước, vì có Chúa ở cùng”. Nếu một phần tư thế kỷ trước là “Đừng sợ”, thì một phần tư thế kỷ sau lại là: “Hãy tiến lên phía trước, Thiên Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta. Mẹ Chí Thánh của Người ở ngay bên cạnh chúng ta…”. Và trong Sứ điệp nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXVII, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã viết: “Các bạn trẻ thân mến, đừng sợ phải liều mạng mình cho Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Đó là phương cách tìm được bình an nội tâm và hạnh phúc đích thực”.
Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi được bầu làm Giáo Hoàng vào ngày 13-3-2013, Ngài đã là cho nhiều lần dùng kiểu nói “đừng sợ”.
Thật vậy, sống ở đời làm sao tránh khỏi những căng thẳng, lo âu, sợ hãi khi gặp khó khăn, nguy hiểm. Chính Chúa Giêsu cũng có những lúc bàng hoàng xao xuyến. Khi bảo “anh em đừng sợ” Chúa Giêsu muốn ta đừng để cảm xúc sợ hãi làm tê liệt đời sống chúng ta. Người bảo chúng ta: “đừng sợ”. “Đừng sợ” ngay trong mọi biến động, “đừng sợ”, vì “Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ” (Gr 20,13). “Đừng sợ”, khi phải đối diện với đau khổ hay sự chết bởi vì Thiên Chúa, Đấng yêu thương quan tâm chăm sóc chúng ta, vì Ngài là Cha nhân từ, trung tín, thấu hiểu chúng ta cần gì, vì đối với Ngài, chúng ta “quý hơn muôn vàn chim sẻ” (x. Mt 10,31). Ta hãy sống như con thơ phó thác cách đơn sơ trọn vẹn cho Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, trong mọi công việc.
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm sống thật, hành động thật và tin tưởng phó thác nơi Chúa. Đừng sợ những khó khăn thử thách trong đời sống đạo. Đón nhận con đường khổ giá như là điều kiện cần cho phần rỗi của mình. Luôn nhớ rằng khi chúng ta tin và sống đạo, hẳn chúng ta không thể thoát khỏi sự hiểu lầm, chống đối và đôi khi cả cái chết nữa. Tuy nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra ý nghĩa của đau khổ và ngang qua đó, chúng ta sẽ thấy cùng đích của cuộc đời nằm ở nơi Thiên Chúa chứ không phải những thứ mau qua, chóng hết ở đời này.
Lạy Chúa, nỗi sợ làm cho con chùn bước, rụt rè trong đời sống đức tin của con, xin cho con thêm sức mạnh để con không còn sợ hãi Chúa ơi. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 5
ĐỪNG SỢ

Gr 20,10-13; Rm 5,12-15; Mt 10, 26-33

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu báo trước và trấn an các môn đệ, trước những khó khăn sẽ xảy ra trên con đường đi rao giảng của các ông sau này.
Người trấn an các ông đừng sợ người ta, cứ phải đi rao giảng, những điều anh em nghe rỉ tai, hãy gào lên tận mái nhà, để “không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.” (Mt 10,26-28).
Ngày xưa thời các môn đệ, cái thuở còn chân đi đất, khó khăn thiếu thốn mọi đàng, mà khi ở cạnh Thầy, những điều mới nghe rỉ tai họ đã “lên mái nhà công bố”, nghe nói lúc đêm hôm thì đã “nói ra giữa ban ngày” rồi. Thuở ban sơ mà các Ngài đã dày công biên soạn thành bài vở, in thành sách, để ngày nay, dân ăn sẵn chúng con có Lời mà niệm suy. Chúng con phải theo gương Đức Maria, suy đi nghĩ lại trong lòng, rồi “Người bảo gì, anh em cứ việc làm theo”. Dù thuận tiện hay không, chúng con không có lý do để chối từ hay thoái thác sứ vụ cao cả ấy.
Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ.” Thầy Giêsu đã đi con đường của nghèo khó, của đau khổ thua thiệt, của Thập giá. Người môn đệ theo Thầy cũng bước đi trên  chính con đường ấy. Để trung thành, người môn đệ sẵn sàng chấp nhận gian khổ, không được sợ hãi người đời và phải tin tưởng nơi sự quan phòng của Chúa. Khi làm chứng cho sự thật, các môn đệ sẽ phải trả giá đắt, có thể phải hy sinh cả tính mạng. Nhìn vào các thánh tử đạo, đúng là phải có sức mạnh của Chúa thực hiện nơi con người mỏng dòn yếu đuối. Ở đây xem ra sức mạnh can đảm vượt thắng gian lao đau khổ, nhưng vượt lên tất cả là vì lòng mến, vì tình yêu vượt lên nỗi sợ, tình yêu loại trừ sự sợ hãi.
Ngày nay chúng con không còn phải sợ “những kẻ giết được thân xác”, nhưng là sợ sự dửng dưng, sợ bị phê bình chống đối, sợ mất lòng người nghe. Một lời ủi an cho mọi người môn đệ: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.” (Mt 10, 29-31).
Là Kitô hữu, mỗi người chúng con đều nhận ơn gọi làm ngôn sứ. Chúng con có bổn phận trao ban Lời Chúa cho anh em, dù lúc thuận tiện hay không thuận tiện, dẫu cho gặp nhiều gian lao, vì chính Tình Yêu của Đức Kitô đang thúc bách chúng con. Dù ở hoàn cảnh nào chúng con cũng cố gắng loan báo, Chúa sẽ chúc lành cho cố gắng của chúng con, để hạt giống Lời Chúa âm thầm mọc lên thành cây và sinh hoa trái.

Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Kinh Năm Thánh 2025
Kinh Năm Thánh 2025
Đây là Kinh Năm Thánh 2025 được Đức Giáo hoàng Phanxicô soạn. Bản dịch Việt ngữ do Linh mục Giuse Lê Công Đức, PSS thực hiện và đã được Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log