==================
Suy niệm 3
QUỐC TỊCH NƯỚC TRỜI
Một lần nọ, trong một dịp thảo luận chuyên đề, con có đặt ra một số câu hỏi đại loại như: “trong chúng ta, ai muốn vào Nước Trời?” Ngay sau câu hỏi, hàng trăm cánh tay giơ cao không chút do dự. Tuy nhiên, sau khi nghe con hỏi: “ngay lúc này đây (ngay bây giờ), ai muốn về Nước Trời liền?” Vừa nghe xong, cũng khá nhiều cánh tay giơ lên, nhưng rồi những cánh tay mới giơ cao ấy từ từ được bỏ xuống trong sự e dè, ngại ngần!
Thiết nghĩ, giả sử câu hỏi thứ hai được thay thế bằng một câu khác như: “ngay giờ phút ngồi đây, ai trong chúng ta muốn được qua Mỹ, qua Nhật hay qua các nước Châu Âu?” Có lẽ mọi cánh tay đều được giơ lên cao một cách dứt khoát, không mảy may do dự! Phải chăng chúng ta kỳ vọng và ước mơ những gì không như Thiên Chúa mong mỏi “Nước Trời giống như kho tàng…, Nước Trời giống như người buôn đi tìm ngọc quý…Nước Trời giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá, nhưng chỉ chọn cá tốt, còn cá xấu thì ném ra ngoài”? (x. Mt 13, 44-48). Dường như chúng ta chưa được cảm nghiệm nhiều về Nước Trời! Chúng ta chưa được cảm nghiệm một cách sâu sắc đến nỗi biến đổi cuộc sống của mình hầu dám bỏ hết tất cả để được Nước Trời!
Một cách nào đó, chúng ta chưa dám khẳng khái xác tín như Thánh Phao-lô đã tin nhận rõ ràng trong thư gửi cho giáo đoàn Phi-líp-phê: “Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian. Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta” (x. Pl 3, 19-20). Trong bản văn tiếng Việt đây, chúng ta chưa thấy rõ tính thuộc về Nước Chúa của mỗi Ki-tô hữu. Ít nhất, bản dịch Kinh Thánh tiếng Nhật và tiếng Anh giúp chúng ta nhận ra ‘quốc tịch đích thật’ của người Ki-tô là gì, và ‘thuộc về Nước Trời’ ra sao, “For our citizenship is in heaven (God’s Reign or Kingdom)” và “私たちの国籍は天(天の国)にある”. Trong chúng ta, ai cũng mang một quốc tịch nhất định và thuộc về một quốc gia nào đó, mà nơi đó chúng ta gọi là quê hương. Đối với quê hương ấy, không cần nói ra, chúng ta đều có tình cảm đặc biệt dành cho và mang niềm tự hào nhất định nào đó. Dẫu cho trải qua bao thăng trầm khó khăn nhất trong đời khiến nhiều người chúng ta phải rời xa xứ, xa quê hương, và rơi vào tình trạng vô quốc tịch hoặc đến một nơi bến bờ tự do, được nhận quốc tịch mới nào đi chăng nữa, thì tình cảm đau đáu sâu thẳm trong lòng của mỗi chúng ta dành cho quê hương, nơi mà chúng ta được sinh ra, nơi ‘chôn nhau cắt rốn’, nơi còn mồ mả ông bà tổ tiên…không thể nào tan biến hoặc ‘cuốn theo chiều gió’ hay ‘già nua theo năm tháng’! Hơn nữa, là một người Ki-tô hữu, khi được nhận lãnh bí tích Thanh Tẩy (lúc lọt lòng hay khi đã trưởng thành) thì chúng ta được mang lấy một ‘quốc tịch’ mới mà Thánh Phao-lô xác nhận và gọi là ‘quốc tịch đích thật’ hay ‘quốc tịch Nước Chúa/Nước Trời’. Và ‘quốc tịch’ này không mặc định chúng ta được vào Nước Trời khi chẳng cần sống đạo, mà đúng hơn là mở ra cánh cửa giúp chúng ta có cơ hội được tiến vào Nước Chúa sau khi chu toàn mọi bổn phận và sống đạo trung thành.
Để được nhập tịch một quốc gia nào đó, chúng ta phải hội đủ mọi điều kiện, tuân theo Hiến pháp của nước ấy. Trong khi đó, để được có ‘quốc tịch Nước Trời’, chúng ta không cần phải vượt qua những kỳ thi trong kỳ hạn nào, không cần phải chứng minh nhân thân, không cần hoàn thành một tá giấy tờ phức tạp, v.v…mà chúng ta được Thiên Chúa mời gọi, ban thưởng nhưng không, được bày biện cho chúng ta không dựa trên công trạng hay thành quả của chúng ta. Hơn hết, chỉ nhờ vào lòng thương xót, tình yêu thương Thiên Chúa dành cho chúng ta như Thánh Phao-lô trình bày cụ thể trong thư gửi cho giáo đoàn Rô-ma “những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi: nhưng ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho họ vinh quang” (Rm 8, 30).
Và khi chúng ta được lãnh nhận ‘quốc tịch Nước Trời’ thì chúng ta cũng phải sống theo Hiến Chương Nước Trời (hay nói theo ngôn ngữ bình dân: là sống đạo) hầu được vào Nước Chúa cùng với chư Thánh, bao gồm cả ông bà cha mẹ, những người thân hữu đã được hưởng nhan Thánh muôn đời trước chúng ta. Nói một cách khác, chúng ta không thể ‘ngồi mát ăn bát vàng’ hay ‘ngồi chơi xơi nước’ hoặc ‘ngồi chờ sung rụng’, mà chúng ta phải cộng tác với ơn Chúa và nỗ lực trung thành sống đạo, hy sinh, bỏ hết những gì tạm thời để có cơ hội thuộc về Nước Trời vĩnh hằng: “Nước Trời như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia khi tìm được, vui mừng trở về bán tất cả để mua thửa ruộng ấy” (Mt 13, 44), và chịu đánh đổi mọi thứ chóng qua hầu đạt được “Nước Trời như ngọc quý. Tìm được viên ngọc quý, người buôn nọ về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13, 45). Sau cùng, ngoài việc tận dụng sống với ơn Chúa, nỗ lực sống đạo mỗi ngày, chúng ta phải trở nên ‘cá tốt’ được chọn khi “Nước Trời giống như lưới thả bắt mọi thứ cá, nhưng khi kéo lên bãi, ngồi lựa ra cá tốt thì cho vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài” (x. Mt 13, 47-48). Và để đạt được mọi điều này, chúng ta cần xin ơn khôn ngoan phân định như Vua Sô-lô-mon đã chẳng xin gì từ Thiên Chúa ngoài ơn khôn ngoan, phân biệt lành dữ “vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ, vì ai có thể xét xử dân này, một dân của Chúa đông đảo thế này?” (1V 3, 9). Chúng ta không xin ơn khôn ngoan nhận ra Thánh ý Chúa hầu như Vua Sô-lô-mon để lãnh đạo dân, nhưng có được ơn khôn ngoan biết đón nhận - thực thi theo ý Chúa; có được ơn khôn ngoan hầu phân định điều đúng - sai, điều gì cần làm và không nên làm…trong cuộc hành trình dương thế đầy cam go, chông gai, truân chuyên, nhiều nỗi buồn nhưng cũng lắm niềm vui.
Chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con ơn được làm công dân quê hương Nước Trời khi chúng con được lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy; Lạy Chúa, xin đồng hành nâng đỡ chúng con sống xứng đáng với ‘tư cách của công dân Nước Trời’ trong cuộc sống hằng ngày:
Nước Trời Chúa ban cho ta
Chẳng vươn cao thẳm, không xa đời mình.
Được gọi công dân an minh
Quê hương đích thật, quang vinh muôn phần
Khôn ngoan phân định thánh ân
Sẵn sàng buông bỏ, lãnh phần Chúa trao. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==================
Suy niệm 4
Khám phá kho báu Tin mừng
Mt 13, 44-46
Kho tàng ẩn giấu dưới lòng đất
Qua bao đời, người Ả-rập Xê-út sống ngay trên những túi dầu khổng lồ với một trữ lượng lớn lao vượt xa các nơi khác trên thế giới mà không hay biết. Hiện nay, trữ lượng dầu của Ả-rập Xê-út lên đến 260 tỷ thùng, chiếm khoảng 20% trữ lượng dầu mỏ thế giới. Thế mà, suốt cả mấy ngàn năm trước đây, ông bà tổ tiên của họ phải sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực vì đất nước của họ gồm phần lớn là sa mạc nóng cháy với một khí hậu khắc nghiệt khác thường.
Mãi cho đến năm 1938, nhờ kỹ thuật tân tiến của phương Tây, họ mới khám phá và khai thác những túi dầu lửa khổng lồ nằm ngay dưới chân mình. Nhờ đó, từ thân phận nghèo khổ bần cùng, họ trở nên một dân tộc giàu có, phồn vinh.
Kho tàng quý báu của chúng ta hôm nay
Vì lòng yêu thương vô bờ dành cho con cái mình, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại một kho tàng quý báu hàng tỷ lần hơn kho dầu bên Ả-rập; đó là Tin mừng của Chúa Giê-su.
Tin mừng Chúa Giê-su là sự khôn ngoan của Thiên Chúa được Chúa Giê-su mang từ trời xuống tặng ban cho thế giới.
Tin mừng Chúa Giê-su là phương dược cứu chữa nhân loại khỏi chia rẽ, hận thù và tự hủy diệt.
Tin mừng Chúa Giê-su đề ra giải pháp tối ưu để xây dựng một thế giới yêu thương huynh đệ, công bằng, hạnh phúc.
Nhưng tiếc thay, cũng như người Ả-rập trước đây phải sống lây lất trong nghèo đói, bần cùng và lạc hậu vì không biết khám phá và khai thác những túi dầu khổng lồ dưới chân mình, thì nhiều người hiện nay vẫn chưa phát hiện được những giá trị cao quý do Tin mừng mang lại nên phải sống trong tình trạng nghèo tình thương, đói công lý, nếp sống đạo đức sa sút nghiêm trọng…
Sở dĩ như thế là vì Tin mừng là kho báu, nhưng là kho báu ẩn giấu dưới những dòng chữ, là ngọc quý ẩn mình trong những trang sách, nên mặc dù sách Tin mừng đang ở trong tầm tay mọi người, nhưng nhiều người không phát hiện được giá trị tiềm ẩn bên trong nên không tìm cách khai thác để mang lại lợi ích cho mình.
Hăm hở khai thác kho tàng
Hiện nay, khi thấy dấu hiệu có trữ lượng dầu lửa đáng kể nằm sâu dưới lòng đất hay dưới lòng đại dương, các quốc gia lân cận lập tức xác nhận chủ quyền của mình trên những vùng biển hay vùng đất đó và tìm cách khai thác cho bằng được.
Đó cũng là chọn lựa của anh nông dân bất ngờ khám phá ra kho báu hay của một thương gia đi săn lùng ngọc quý trong dụ ngôn Tin mừng Mát-thêu sau đây (13, 44-46):
“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.”
Lạy Chúa Giê-su,
Tin mừng của Chúa là một kho tàng tuyệt vời đang ẩn mình dưới những dòng chữ, là viên ngọc vô cùng quý báu chìm khuất trong những trang sách, nhưng tiếc thay, vì người đời chẳng hay biết nên họ tỏ ra dửng dưng, hờ hững với Kho tàng nầy.
Xin cho chúng con biết đánh giá đúng giá trị của Tin mừng để quyết tâm khám phá cho bằng được và sẵn sàng đầu tư khai thác không quản ngại phí tổn thời giờ và công sức; nhờ đó cuộc đời của mỗi người sẽ được cải thiện, xã hội sẽ có thêm công bằng hạnh phúc và tương lai của nhân loại sẽ bừng sáng. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
====================
Suy niệm 5
KHO BÁU VÀ NGỌC QUÝ
Mt 13, 44-52
“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13, 44-46).
Đức Giêsu ví Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong thửa ruộng. Người may mắn phát hiện thấy được thì mừng quá, ngay lập tức đi bán hết những gì mình có để mua cho được thửa ruộng này, không thể lừng khừng kẻo lỡ mất cơ hội. Người còn ví Nước Trời như viên ngọc đẹp lọt vào mắt một thương gia. Ông cũng đi bán tất gia sản của mình để mua cho bằng được. Cả hai dụ ngôn đều nói lên sự cao quý tột bậc, đắt giá của Nước Trời. Cả hai người trong dụ ngôn đều khôn ngoan, biết nhanh tay đầu tư tận lực và ngay lập tức.
Nước Trời là phần rỗi, là sự sống đời đời, là gia nghiệp của những ai khao khát kiếm tìm, đến khi nhận ra và nỗ lực phấn đấu với hết khả năng, sức lực để có được. Có nhiều người muốn có, nhưng không đủ “say” để bán đi những gì mình yêu thích, không chịu thua thiệt mất mát những gì mình đang sở hữu để đánh đổi lấy, khó dứt mình khỏi những đam mê, tiếc xót mọi thứ đang hưởng thụ... thì làm sao có được?
Nước Trời là chính Chúa. Tôi có biết khao khát kiếm tìm Chúa không? Vì không nhận ra nên nhiều người dửng dưng coi thường, chỉ mải mê với đủ vui thú thế trần thì làm sao có được? Lời Chúa là chính Chúa. Tôi có tha thiết gì với Lời Chúa không? Một khi đã thực sự gặp thấy Nước Trời, trở nên thân tình, gắn bó mặn mà với Chúa, niềm vui hạnh phúc quá lớn lao chất chứa trong lòng, thì những thứ khác thành bé nhỏ. Nhờ sức nóng từ Chúa hun đúc tôi luyện, những gì không xứng với Nước Trời trong tôi sẽ “rơi rụng” dần và làm cho xứng đáng lãnh lấy phần thưởng Nước Trời.
Tạ ơn Chúa đã mạc khải cho chúng con biết giá trị vô song của ơn cứu rỗi. Xin Chúa hướng dẫn, thúc đẩy chúng con sẵn sàng hy sinh mọi sự để đạt được kho tàng Nước Trời. Ước gì trong chúng con Chúa là “kho tàng duy nhất đời con”, cho tâm hồn con luôn hướng về Chúa, sống kết hợp mật thiết với Chúa trong từng phút giây. Để niềm hạnh phúc này thể hiện rõ trên khuôn mặt luôn vui tươi, thể hiện trong việc làm hằng ngày với tinh thần quảng đại, phục vụ anh chị em con.
Én Nhỏ