Thứ bảy, 25/01/2025

Suy niệm lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

Cập nhật lúc 08:10 14/08/2023

Suy niệm 1

Phúc Đức Tại Mẫu
(Lc 11, 27-28)
Phụng vụ Thánh lễ vọng Đức Maria hồn xác lên trời chiều nay dìu chúng ta về với Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng ta là người có phúc.
Phúc đức tại mẫu
Phúc đức tại mẫu” có thể hiểu là “phúc đức từ người mẹ mà ra”. Ông bà ta xưa cho rằng người mẹ nếu ăn ở tốt sẽ để lại những điều tốt lành cho con.
Ai đó đã từng nói: “Muốn giáo dục một đứa trẻ, thì phải giáo dục 20 năm trước khi đứa bé đó chào đời”. Chín tháng cưu mang, ba năm bú ẵm.v.v… những điều đó làm cho ảnh hưởng của người mẹ trên người con hơn từ khi bắt đầu hoài thai cho tới lúc lọt lòng. Thánh Alphônsô Ligouri, sáng lập Dòng Chúa cứu thế đã thốt lên : “Tất cả những gì tôi có, đều do mẹ tôi ban cho”.
Người việt ta vẫn thường nói: “Phúc đức tại mẫu”, nghĩa là theo quang niệm truyền thống, con cái được thừa hưởng điều tốt lành, may mắn từ người mẹ, do cách ăn ở cư xử, sự gương mẫu, cách giáo dục của người mẹ mà ra. Phúc đức tại mẫu, một chân lý ở mọi nơi, mọi tôn giáo đều không bao giờ cũ. Người mẹ chính là thầy dạy đầu tiên của việc hình thành nhân cách nơi đứa con. Chẳng thế, George Herbert đã không tiếc lời khi viết: “Một bà mẹ tốt thì giá trị hơn cả trăm ông thầy!
Người Do thái cũng vậy, khi Chúa Giêsu đang giảng cho dân chúng, thì có một phụ nữ ở giữa họ, vì ngưỡng mộ con người cũng như cách giảng dạy của Chúa Giêsu cho rằng, Thầy tài giỏi như thế này, hẳn là Mẹ Thầy phải là người có phúc lắm, nên bà đã không ngần ngại vượt qua rào cản của chính mình là phụ nữ, bà đã cất tiếng nói với Đức Giêsu về Mẹ của Người: “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú” (Lc 11, 27).
Hòm bia hạnh phúc
Ngay từ rất sớm, các nhà Kinh Thánh Tân Ước, các Giáo Phụ và huấn giáo của Hội Thánh đã nhận ra sự tương đồng giữa Đức Maria và hòm bia Thiên Chúa trong câu chuyện truyền tin (Lc 1, 26-38), thăm viếng (39-56) và sách Khải huyền (11, 19 – 12, 1.5. 17) những chi tiết gợi lên hình ảnh về hòm bia Thiên Chúa.
Sách Sử Biên Niên quyển thứ nhất mô tả cảnh “con cái Lêvi rước hòm bia Thiên Chúa với nhạc khí râm ran, vừa đi vừa hát hòa điệu với đàn sắt, đàn cầm, và não bạt, tấu lên những hân hoan” (1Sb 15, 3-4. 15-16; 16, 1-2) làm chúng ta nhớ đến biến cố Mẹ về Trời như lời ca của Triệu Hà diễn tả: “Mẹ lên trời giữa một ngày rực ánh sáng. Đàn ca các Thánh tung hô! Nhân loại vui hát mừng vì xác hồn vẹn tuyền Mẹ về thiên cung. Mẹ lên trời ngày mừng vui cho thiên quốc. Hào quang Mẹ Chúa Ba Ngôi. Sáng ngời khắp chín tầng vì xác hồn vẹn tuyền Mẹ tới thiên đường”. Ngày khiêng hòm bia dân chúng rỗn rã tung hô. Ngày Mẹ được rước lên Trời chín tầng mây thắp sáng, các Thánh tung hô, nhân loại hát mừng, triều thần thiên quốc và trái đất mừng vui, đúng là ngày trời đất hân hoan.
Hình ảnh Đức Maria chỗi dậy, đon đả lên đường viếng thăm bà Isave gợi lên hình ảnh Đavit, chỗi dậy, vội vã cùng toàn dân rước hòm bia Thiên Chúa từ Baalê Giuđa lên Giêrusalem (2 Sm 6, 2). Cũng vậy, bà Isave nghe lời Maria chào thì đứa con trong bụng nhảy lên vì vui sướng (Lc 1, 44) gợi nhớ hình ảnh Vua Đavit nhảy múa quay cuồng trước Nhan Đức Chúa khi hòm bia Thiên Chúa được rước vào Thành (2 Sm 6, 16). Lời bà Isave nói “Em được chúc phúc hơn mọi người nữ, và người Con em đang mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42) gợi nhớ việc Đavít nhân danh Thiên Chúa chúc lành cho toàn dân (2 Sm 6, 18). Tâm tình của bà Isave: “Bởi đâu tôi được diễm phúc Thân Mẫu Chúa tôi đến viếng thăm” (Lc 1, 43) làm ta liên tưởng đến Đavit nghĩ về sự bất xứng của mình trước Thiên Chúa nên nói: “Hòm bia Thiên Chúa đến với tôi thế nào được” (2 Sm 6, 9).
Trong Kinh Cầu Đức Bà có câu: “Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa vậy”. Chúng ta phải khẳng định Đức Maria là hòm bia hơn cả hòm bia Thiên Chúa.
Hòm bia trong Cựu Ước chỉ chứa đựng Mười Điều Răn, hay những vật thánh chứ không cưu mang những vật đó. Trong khi Đức Maria mang trong mình chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, Đấng từ đời đời vẫn là Thiên Chúa (Ga 1, 1 – 2). Mẹ  là hòm bia đích thực, vì qua Mẹ và trong Mẹ, Thiên Chúa đã cắm lều giữa chúng ta. Mẹ đích thật là hòm bia hạnh phúc vì cưu mang Đấng là Hồng Phúc.
Đức Maria, người mẹ phúc đức
Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú” ( Lc 11, 27) là lời của một người nữ thính giả nghe Chúa Giêsu giảng đã khen Mẹ Người như thế. Phúc đức tại mẫu. Mẹ hạnh phúc vì có “Thiên Chúa ở cùng” (Lc 1, 28 ). Lời bà Isave xác nhận: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc” (Lc 1, 42 ). Phúc của Mẹ trổi vượt trên mọi thần thánh trên trời, phúc vì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng là Hồng Phúc đã cư ngụ trong dạ chín tháng mười ngày, đến khi chào đời, Mẹ đã ôm ấp bú mớm nâng niu. Mẹ thật diễm phúc, hồng phúc ấy vượt quá sự hiểu biết của chúng ta. Mẹ được rước lên Trời hưởng niềm vinh phúc. Mẹ hạnh phúc, Mẹ cũng muốn con cái mình hạnh phúc, nên Mẹ dạy: “Người bảo gì các con cứ làm theo” (Ga 2, 5). Chúa Giêsu bảo: “Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa còn có phúc hơn” ( Lc 11, 28 ).
Xin Mẹ giúp chúng con vâng nghe và giữ lời Thiên Chúa, để trở nên những người con diễm phúc của Mẹ. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
==================
Suy niệm 2
Thiên Chúa ân thưởng Mẹ về Trời

(Lc 1, 39-56)
Tại Quảng Trường Thánh Phêrô ở Rôma dịp Lễ Các Thánh ngày mồng 01 tháng 11 năm 1950,  trước 40 Hồng y, 500 Tổng Giám mục và Giám mục, hàng trăm đại diện chính quyền các quốc gia, hàng ngàn linh mục tu sĩ nam nữ và hơn 700,000 dân chúng, dưới bầu trời tươi sáng, vị tôi tớ Chúa lúc đó là Đức Giáo hoàng Pi-ô XII đã cất tiếng trong máy vi âm, ngân vang khắp Quảng Trường, vọng vang vào Đền Thờ chật ních hơn 80,000 dân chúng, vang xa khắp hoàn cầu, vang lên tới cung trời cao thẳm, những lời trịnh trọng tuyên tín với Tông hiến “Munificentissimus Deus” (Thiên Chúa vô cùng đại lượng) như sau: "Do uy quyền của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, và với thẩm quyền của Ta, Ta phán quyết, tuyên ngôn, và định tín là tín điều đã được mạc khải rằng: Đức Maria, Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa trọn đời đồng trinh, sau cuộc sống trần gian này, đã được phúc vinh quang Thiên đàng cả hồn và xác. Nếu ai cả dám tự tình chối bỏ hay nghi ngờ điều Ta đã định tín, thì họ phải biết rằng họ hoàn toàn phản bội đức tin Công giáo của Thiên Chúa".
Đức Thánh Cha Pi-ô XII vừa dứt lời thì thánh ca Te Deum do tất cả mọi người trong Quảng Trường Thánh Phêrô ca lên hùng tráng hoà nhịp với những tiếng chuông trầm hùng của Đền Thánh Phêrô và của 400 đền thờ khắp thành Rôma, như cùng với toàn thể thần thánh trên trời, hân hoan reo mừng chúc tụng ngợi khen Mẹ vinh quang của Thiên Chúa, của Giáo Hội và của toàn thể loài người.
Với những lời tuyên tín trên cho thấy Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đấng Trinh Khiết Trọn Đời, là Đấng đầy ơn phúc, luôn kết hợp với Chúa Giêsu Con Mẹ đã được ân thưởng hồn lần xác về Trời. Chúng ta tự hỏi, Đức Maria đã được rước lên Trời cả hồn lẫn xác có làm chúng ta thay đổi không ?
Thánh Phaolô cho chúng ta câu trả lời: « Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc » (1 Cr 15, 20 ). Đức tin không nói cho chúng ta biết điều gì về cái chết của Đức Maria. Có người cho rằng Đức Maria không chết, nhưng Đức tin nói với chúng ta rằng sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Đức Maria được Thiên Chúa tôn vinh. Nơi Mẹ, cũng như Chúa Giêsu Con Mẹ, cái chết không phải là hết, sự chết đã bị đập tan. Trái đất không còn là nơi giam hãm con người trong số phận đau thương, các tầng trời mở ra để loan báo một tương lai sáng ngời cho nhân loại. Sự chết đã bị tiêu diệt bởi sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa. Đó là niềm hy vọng lớn lao cho chúng ta !
Mẹ được rước lên Trời cả hồn lẫn xác là do đặc ân Chúa ban cho Mẹ. Mẹ là người diễm phúc nhất trong mọi người nữ. Mẹ có tên gọi là “Đấng đầy ơn phúc” vì “Thiên Chúa ở cùng bà”. Mẹ được hết mọi đời khen là diễm phúc chính vì “Đấng toàn năng đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả”. Điều cao cả nhất là làm Mẹ Chúa Cứu Thế.
Mừng lễ Mẹ về Trời, Giáo hội cùng Mẹ cất lên lời ngợi khen Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.
Đó là những lời tán tụng ngợi ca Thiên Chúa phát xuất từ sâu thẳm lòng Mẹ trong ngày thăm viếng người chị họ Isave. Những lời ngợi ca đó nói lên tất cả tâm hồn của Mẹ đối với Thiên Chúa toàn năng đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.
Mẹ cảm nghiệm được quyền năng và tình yêu vô biên của Chúa trong giây phút Chúa hiển dương Mẹ về trời: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả... Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.
Ngày lễ hôm nay, Giáo hội mừng kính Đức Maria, một tạo vật đầu tiên đã được khải hoàn và bước vào thiên quốc. Thánh Kinh ca tụng Mẹ: “Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông, diễm kiều như vầng nguyệt, lộng lẫy tựa thái dương, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ” (Dc 6, 10); “Có một điềm lớn xuất hiện trên trời: một Phụ nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp vầng trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12, 1).
Con rồng trong sách Khải Huyền được mô tả như là mầm mống của sự chết chóc vì nó đứng « rình người nữ sắp sinh con để nuối lấy đứa trẻ » (Kh 12, 4). Với từ ngữ và hình ảnh tượng trưng, sách Khải Huyền còn gợi lên cuộc chiến lâu dài giữa sự sống và sự chết, giữa Satan với Đức Kitô và Giáo hội của Người. Cuộc chiến giữa sự sống và sự chết, giữa sự thiện và sự ác là không cùng.
Mẹ được hình dung là một mỹ nữ mặc áo mặt trời (x. Kn 3, 21 ) nghĩa là Thiên Chúa cho Mẹ mặc áo vinh quang với ánh sáng rực rỡ nhất là mặt trời. 
Mẹ chân đạp mặt trăng. Mặt trăng khi tròn khi khuyết, tượng trưng sự đổi thay mà Mẹ không bị biến đổi theo thời gian, theo tứ thời bát tiết vì Mẹ làm chủ như đạp trên tất cả.
Đầu Mẹ đội một triều thiên mười hai ngôi sao. Các ngôi sao ở trên trời cao, tức là Mẹ làm Nữ Vương trời đất. Triều thiên tượng trưng sự vinh thắng của Mẹ. Mỹ nữ đang mang thai và đã sinh một con trai. Con trai đây là Đức Kitô, là Đấng Thiên Sai mà Thánh vương Đavid đã tiên báo trong Thánh vịnh 2 và 110.
Con Rồng lớn màu đỏ là sức mạnh của thần dữ, không thể tiêu diệt Con Trai đó. Giáo Hội đã trải qua biết bao thời kỳ đẫm máu, nhưng quỉ hỏa ngục cũng không phá nổi (x. Mt 16,18).
Thiên Chúa sắp sẵn cho mỹ nữ một nơi trong sa mạc, nghĩa là Chúa đưa Giáo Hội vào nơi gian nan thử thách (x. Đnl 8,2). Giáo Hội gặp nhiều thử thách, nhưng Giáo Hội vẫn đứng vững. Con trẻ được cất bổng lên ngai Thiên Chúa, nghĩa là Chúa Kitô sẽ được phục sinh.
Sau hết, là bài ca chiến thắng: ơn Cứu độ, quyền năng và vương tước của Thiên Chúa đã toàn thắng và mọi uy quyền đều thuộc về Chúa Kitô.
Nữ Vương linh hồn và xác lên Trời. Cầu cho chúng con. Amen.
Lm. An tôn Nguyễn Văn Độ
​==================
Suy niệm 3
Lc 1,39-56; Kh 11,19a;12, 1-6a.10b; 1Cr15, 20-26
Tin Mừng Luca hôm nay thuật chuyện Mẹ Maria vừa hay tin chị họ diễm phúc có thai được sáu tháng, Mẹ liền “vội vã lên đường”. Không phải Mẹ vội vã kiểu ồn ào náo động, nhưng là nhẹ nhàng, âm thầm nhưng với tình yêu lớn lao, tình yêu đủ sức băng qua đồi núi hiểm trở. “Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu”. Mẹ nhẹ nhàng mang tình yêu, mang Chúa, mang tin vui và chung chia với gia đình Dacaria. Bước chân Mẹ rộn ràng với niềm vui khôn tả. Chính niềm vui trong Thiên Chúa làm nên chuyện lạ “chấn động” cả hai thai nhi. “Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.” Chuyện lạ thai nhi “nhảy lên” trong bụng mẹ, vì đã nhận ra nhau do Thánh Thần tác động, vì có sự Hiện Diện của Chúa.
Tác giả sách Sử Biên trong bài đọc I Thánh lễ vọng kể rằng, khi con cháu Lêvi rước Hòm Bia Thiên Chúa đi, thì “Vua Đavít truyền cho những người đứng đầu các thầy Lêvi bố trí các ca viên, anh em của họ, để những người này dùng nhạc khí như đàn sắt, đàn cầm, não bạt mà tấu khúc hoan ca.” Họ huy động ca viên và mọi nhạc khí để ca mừng vìsự Hiện Diện của Thiên Chúa nơi Hòm Bia, rồi họ được chúc phúc. Đức Maria được ví như là Hòm Bia Thiên Chúa, là thụ tạo ưu tuyển nhất của Thiên Chúa. Hôm nay trong túp lều nghèo khó đơn sơ của bà Êlisabeth cũng vang lên lời kinh “Magnificat”, bản hòa tấu của hai giọng nữ trầm cùng hai ấu nam, đồng sức hòa  lòng hân hoan mừng hát, mà “tưng bừng” ngợi khen tôn vinh Thiên Chúa và những việc Ngài làm, trong sự Hiện Diện của Thiên Chúa nơi Mẹ với ân phúc tràn đầy.
Mẹ vui mừng hớn hở ca khen Thiên Chúa, trong sự khiêm nhường, đơn sơ chân thật của một cô gái thôn quê. “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” Lời lẽ trong bài ca Ngợi khen phản ảnh một tâm hồn luôn mở rộng đón nhận ân sủng Thiên Chúa cũng như sự thánh thiện và khiêm nhường của Mẹ. Lời kinh cho ta thấy rõ tâm trạng hạnh phúc vui mừng của Mẹ, là trọn tâm tình tạ ơn và ngợi khen của Mẹ, người “có phúc” vì “đã tin”. Đức tin của Mẹ đã tóm tắt lại tất cả những gì Kinh Thánh nói cho ta biết về Thiên Chúa và Mẹ đã dệt thành MỘT BÀI CA MỚI. Những yếu tố như phản ứng của mẹ con bà Êlisabét, ân sủng của Thiên Chúa và sự thánh thiện của Mẹ Maria, tất cả đều được nêu cao để giúp ta hiểu tột đỉnh của ân sủng Thiên Chúa ban cho Mẹ, đó là sự kiện Hồn Xác Lên Trời. Lòng trí và trái tim của Mẹ luôn hướng về Trời Cao với sức hút từ tình yêu trong lòng tin. Mẹ luôn khiêm nhường, làm theo ý Chúa và phục vụ tha nhân.
Mẹ ơi! hôm nay cả Giáo Hội mừng Mẹ lên trời. Mẹ là Hoa Hậu số một của cả Giáo hội, Mẹ là Người Mẫu tuyệt vời của chúng con! Xin Mẹ cầm tay mà dẫn chúng con từng bước mỗi ngày, cho chúng con hy vọng được nên giống Mẹ mình, được bay vào trong Vương Quốc của Thiên Chúa Tình Yêu, vì chúng con đã ngoan ngoãn bước theo chân Mẹ từ ngày hôm nay.
Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log