Thứ bảy, 25/01/2025

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 18 Thường niên A và lễ Chúa Hiển Dung

Cập nhật lúc 10:04 04/08/2023
CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN A
Suy niệm 1
Mt 14, 13 – 21

Đây là phép lạ duy nhất được cả bốn thánh ký kể lại. Phải đọc hết tất cả bốn trình thuật chúng ta mới có được một cái nhìn tổng quát và tạm đầy đủ.
Lúc ấy khí hậu đã sang xuân: không còn lạnh như mùa đông; chưa nóng như mùa hè; lúa hè thu còn đầy bồ; đại lễ Vượt Qua sắp tới; đồng ruộng thì đã cày bừa và gieo giống. Nói gọn lại thì nông dân vừa được rảnh rỗi, vừa đang phấn khởi chuẩn bị mừng đại lễ. Thế là phép lạ này tạm được ta gọi là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Lợi dụng những ưu điểm trên, Chúa tung ra một chiến dịch lớn, lập thành sáu đoàn truyền giáo đi vào các vùng nông thôn thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng. Khi các tông đồ trở về trung tâm Caphácnaum thì quần chúng nô nức đi theo để được thấy mặt Chúa và được nghe chính Ngài giảng.
Thấy các tông đồ mệt mỏi quá, Chúa nháy họ xuống thuyền, căng buồm trốn quần chúng để đi Bétxaiđa nghỉ. Chuyện bí mật của Thầy trò thì bị bật mí. Quần chúng lội bộ tới Bétxaiđa trước Chúa. Thấy lòng dân quá hâm mộ, Chúa bèn thôi nghỉ, bắt đầu giảng và giảng dài. Xế chiều rồi mà Chúa chưa nghỉ. Các tông đồ phải nhắc để Chúa cho thính giả ra về để kiếm được cái ăn và chỗ nghỉ. Chúa không đồng ý. Anrê dẫn đến một em bé có năm ổ bánh và hai con cá. Thế là phép lạ bắt đầu.
Chúa thì cầu nguyện với Chúa Cha. Các tông đồ thì giúp bà con ngồi và nằm nghỉ trên các đám cỏ xanh của mùa xuân. Chỗ thì năm chục người, chỗ thì một trăm. Năm ổ bánh mì được bẻ ra trao cho các tông đồ để phân phát cho bà con ăn. Ăn no nê rồi, Chúa thấy mảnh vụn bánh mì bỏ rơi một cách vô tội vạ trên các bãi cỏ, Chúa tỏ vẻ không vui. Ngài ra lệnh cho các tông đồ “gom lại, kẻo uổng phí đi!” Gom được 12 thúng.
Sau phép lạ vĩ đại “năm ổ bánh mì và hai con cá làm no hơn 5000 cái bụng, thì:
1. Chúa ra lệnh cho môn đệ xuống thuyền về Caphácnaum.
2. Quần chúng hứng khí tổ chức lễ tôn Chúa làm vua.
3. Còn Chúa thì trốn lên núi cầu nguyện.
4. Quần chúng chuẩn bị xong nghi thức tôn Chúa làm vua, thì chẳng thấy Chúa đâu, đành giải tán.
Phép lạ vĩ đại này đem lại niềm vui cũng và cũng vĩ đại cho các tông đồ và quần chúng. Thay vì cám ơn Chúa, rồi ra về kể lại chuyện này cho bà con, thì họ lại nghĩ đến chuyện chính trị và kinh tế. Họ tôn Chúa làm vua, để không bao giờ phải đói ăn và còn được nâng nước Do Thái lên thành đế quốc bá quyền.
Chúa thì hiểu hết cái lòng hẹp hòi ấy của quần chúng, nhưng vì thương dân, Chúa vẫn thực hiện phép lạ này. Sau này Ngài còn thực hiện phép lạ hóa bánh lần thứ hai nữa. Buồn thì vẫn buồn, nhưng thương thì vẫn cứ thương. Thương thì lớn hơn buồn. Đó là nỗi lòng của Chúa.
Ngoài việc thương dân, Chúa còn cho chúng ta một bài học nhỏ và một bài học lớn. Bài học nhỏ là “Hãy gom lại kẻo uổng phí đi”. Câu nói ấy cho ta thấy Chúa có tập quán tiết kiệm, nghĩa là chỉ tốn tiền cho những gì cần thiết, chứ không hoang phí. Bài học lớn đó là phép lạ này còn là một dấu lạ tiên báo một phép lạ lớn lao hơn nhiều. Đó là Bí tích Thánh Thể, Chúa sẽ thực hiện vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh. Hôm ấy Chúa biến ổ bánh mì thành thân thể của Ngài, để khi ta ăn bánh thánh ấy thì Chúa và ta hóa thành một. Chúng ta không quên rằng ngày hôm sau có một số người đi tìm gặp Chúa ở Caphácnaum. Họ vồn vã hỏi “Thầy đến đây hồi nào?” Chúa trả lời lạnh tanh: “Các ông tìm tôi không phải vì một dấu lạ, mà chỉ vì được ăn no cái bụng”. Thì ra thế, phép lạ hóa bánh ra nhiều vừa để lo cho dân đang đói, vừa để sau này người ta hiểu được ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể, Bí tích vĩ đại nhất.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
===============
Suy niệm 2
BÁNH HÓA NHIỀU
Is 55,1-3; Rm 8,35.37-39; Mt 14,13-21

Đám đông dân chúng lũ lượt đi theo Đức Giêsu, bởi họ được chứng kiến những dấu lạ Ngài đã làm cho những kẻ đau ốm. Thấy đám dân đông đảo theo mình mệt mỏi đói khát, Ngài chạnh lòng muốn nuôi sống họ.
Các môn đệ của Ngài lúc bấy giờ chỉ chứng kiến Ngài rao giảng, dạy dỗ, cắt nghĩa chuyện tâm linh, chứ đâu Thầy Giêsu lại đi lo nuôi ăn đám đông ngút ngàn. Nên các ông bàn lùi, muốn Ngài giải tán cho xong. Các ông nhìn xem lại “tầm tay” thì chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, thấm gì khối người đông ùn ùn thế kia? Không cầm lòng trước cơn đói khát của dân chúng, Đức Giêsu “biết mình sắp làm gì” nên vẫn ra lệnh bảo cho họ ngồi xuống “đồng cỏ” mà chuẩn bị giờ ăn. Đó là hình ảnh thật đẹp trong tình thương yêu, đoàn chiên được vị mục tử nhân lành cho nghỉ ngơi, nuôi ăn trên đồng cỏ xanh tươi. Ngài dùng uy quyền làm bánh hóa ra nhiều, với cử chỉ “cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ.” (Mt 14, 19b). Đây là hình ảnh báo trước việc Đức Giêsu sẽ lập Bí tích Thánh Thể để ở lại và nuôi dưỡng chúng ta mỗi ngày. Ngài là Đấng ban bánh, chính Ngài là bánh trao ban cho mọi người. Dưới cái nhìn của các môn đệ và dân chúng ngày xưa, nhìn vào thực lực sẵn có, họ không ngờ Đức Giêsu thực hiện được phép lạ bánh hóa nhiều nuôi năm ngàn người ăn no nê, lại còn dư mười hai giỏ đầy, nên cứ nại vào những khó khăn trước mắt. Ngày nay cũng vậy, sự Hiện Diện của Chúa, làm của ăn nuôi dưỡng các Kitô hữu mỗi ngày mãi mãi trong Bí tích Thánh Thể là điều khó tin. Một khi Thiên Chúa muốn, thì chẳng có điều gì là không thể, và thật diễm phúc cho những ai không thấy mà tin. Chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài làm cho ngàn ngàn người ăn dư thừa. Với Bí tích Thánh Thể, Ngài nuôi mọi người mọi thời cho đến tận thế là điều hoàn toàn có thể với cặp mắt đức tin, chỉ cần tôi biết tìm đến mà tận hưởng thần lương cao quý này.
Ngôn sứ Isaia đã loan báo kêu gọi thuở xưa trong bài đọc I: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào.” (Is 55, 1).
Chúa ơi! chính Chúa đã dâng hiến chính mình làm hy tế trên Thập Giá cho nhân loại. Chính Chúa đã trở thành của ăn nuôi sống con từng ngày. Xin cho con biết tìm đến, mãi “đi theo” Chúa, để được tận hưởng no say, được dưỡng nuôi, được lớn lên, được tăng sức mà vượt qua hành trình trần thế đầy khó khăn vất vả hôm nay.
Én Nhỏ
===============
LỄ CHÚA HIỂN DUNG
Suy niệm
 1

BIẾN ĐỔI HÌNH DẠNG
Mt 17, 1-9
Trong Bài Đọc I, tiên tri Đanien (khoảng 200 BC) được Thiên Chúa tỏ cho thấy qua các thị kiến, về sự xuất hiện của Con Người sau triều đại của bốn đế quốc Assyria, Media, Persia, và Hylạp. Ngài có dáng vẻ con người, nhưng lại có nguồn gốc từ trời. Ngài lãnh nhận vương quyền từ Chúa Cha, và sẽ thống trị mọi dân nước, vương quốc của Ngài sẽ tồn tại đến muôn đời, và ánh vinh quang Ngài sẽ rạng ngời muôn thuở.
Thị kiến trên ứng nghiệm trong bài Tin Mừng hôm nay qua việc Đức Giêsu tỏ mình trên núi cao. Mặc dù Phêrô đã tuyên xưng Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, cũng như Đức Giêsu đã báo cho biết về cuộc thương khó, nhưng Phêrô và các môn đệ cho tới lúc này vẫn chưa hiểu được sứ vụ Mêsia của Thầy. Như hầu hết người Do Thái đương thời, các ông tin vào một Đấng Thiên Sai uy quyền sẽ dùng quyền năng để chinh phục và thống trị nhân loại. Các ông vẫn mong Nước Chúa sớm hiển trị để được chia chác quyền lợi cũng như địa vị trong vương quốc đó. Các ông không thể chấp nhận một Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ và chết trên thập giá. Vì thế mà sáu ngày sau, Chúa Giêsu đưa ba Tông đồ lên núi để họ hiểu rằng, con đường khổ nạn Ngài sắp phải đi qua là theo Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa, đồng thời cho các ông nhìn thấy vinh quang trước khi phải đương đầu với cuộc khổ nạn.
Trong quang cảnh hiển dung, có sự xuất hiện của Môsê và Êlia: Môsê tượng trưng cho các Sách Lề Luật vì Thiên Chúa ban Thập Giới và các thánh chỉ qua ông. Biến cố hôm nay chứng tỏ Lề Luật phải hướng về Đức Kitô để được nên trọn hảo. Còn Êlia tượng trưng cho các Sách Ngôn Sứ, ông được coi là ngôn sứ cao trọng nhất, nên biến cố hôm nay chứng tỏ Sách Ngôn Sứ cũng phải hướng về Đức Kitô, để tìm thấy sự ứng nghiệm trọn vẹn về Đấng Thiên Sai. Như vậy, Lề Luật và Ngôn Sứ đều làm chứng và tìm thấy sự hoàn hảo của mình nơi Đức Kitô, nhất là trong Cuộc Thương Khó và Phục Sinh sắp tới của Ngài.
Phêrô choáng ngợp trước ánh quang rực rỡ khi Đức Giêsu biến hình, ông xin dựng ba lều cho ba vị, để cùng với họ vui hưởng cảnh huy hoàng này. Bỗng có tiếng từ đám mây phán ra. Đây là lời tuyên phán lần thứ hai của Chúa Cha để làm chứng cho Đức Kitô là Con Một yêu dấu, và truyền“Hãy vâng nghe lời Người”. Đó là một lời truyền tối quan trọng cho đời sống và sứ vụ các môn đệ. Các ông phải vâng nghe những gì Chúa Con đang mặc khải, dù những điều này không phù hợp với mong đợi của các ông về Đấng Thiên Sai, nhưng là kế hoạch của Thiên Chúa.
Chắc chắn quang cảnh hiển dung đã làm các môn đệ vô cùng phấn khởi. Họ đã thấy vinh quang bên kia cảnh nhục nhã; khải hoàn bên kia cảnh khổ đau; vương miện bên kia thập giá. Lúc ấy họ chưa thể hiểu trọn vẹn, nhưng phần nào đã ý thức được rằng, thập giá trước mắt tuy hoàn toàn khổ nhục, nhưng nó đi liền với vinh quang là nét chính của cuộc xuất hành đến Giêrusalem và sau cái chết. Phêrô không bao giờ quên được kỷ niệm lạ lùng này như ông đã viết:“Chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Chúng tôi đã nghe thấy tiếng từ trời phán rakhi chúng tôi ở trên núi thánh với Người” (2Pr 1,16-18).
Chúa Giêsu hiển dung không chỉ cho ba môn đồ thân tín, nhưng Ngài còn tiếp tục hiển dung cho những ai sống gắn bó với Ngài, để họ vững vàng bước đi trên con đường thập giá. Chúng ta cũng sẽ được biến hình, được bừng sáng cách nào đó,khi chúng ta dám sống hồn nhiên chân thật, dám yêu hết mình. Khi cái tôi ích kỷ của mình bị xóa mờ thì cái tôi đích thực được lộ ra trong ngần.Đời Kitô hữu phải là một hành trình lên núi và xuống núi cùng với Chúa, là điểm nhấn của từng ngày sống, từng giai đoạn, cũng là nhịp điệu của trái tim để làm triển nở sức sống và tình yêu.Chính trong sự tĩnh lặng và kết hiệp với Chúa ngay trong đời thường mà chúng ta được chứng kiến vinh quang của Chúa, tuy thoáng chốc nhưng đủ để ta làm mới lại đời sống mình.
Trong ý nghĩa đó, Susanna Wesley đãdâng lên lời nguyện: “Lạy Chúa, xin hãy giúp con nhớ rằng, tôn giáo không bị giới hạn trong nhà thờ hay nguyện đường, cũng không chỉ thực hành bằng cầu nguyện hay suy gẫm, mà là ở bất cứ nơi nào con được ở trong sự hiện diện của Chúa”.Thật vậy, bất cứ khi nào ta đặt mình trong sự hiện diện của Chúa, ta đều cảm nhận được sự phấn khởi cho tâm hồn mình, giúp ta mạnh mẽ vượt qua những nghịch cảnh để sống sứ mạng của mình.Người ta không thấy Chúa biến hình sáng láng, nhưng họ có thể cảm nhận sự hiện diện của Ngài nơi khuôn mặt vui tươi, chan chứa niềm tin và đầy tình thương mến của người Kitô hữu trong thế giới hôm nay. 
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Qua sự kiện biến hình trên núi cao,
Chúa hé mở chút vinh quang rực rỡ,
cho thấy vinh quang Chúa thật vô bờ,
khiến các môn đệ vui mừng hớn hở.

Chúa biến hình trong ánh sáng chói chang,
báo trước ngày phục sinh sẽ huy hoàng,
sau khi trải qua nhục hình và tử nạn,
để cho đời sự sống mới bình an.

Tuổi trẻ con cũng thích được chói sáng,
nên tô vẽ cho mình ánh hào quang,
bằng hành động và kiểu cách vênh vang,
có khi theo những lối sống nghênh ngang,
hoặc theo đời theo “mốt” theo thời trang.

Chúng con thường ảo tưởng nên không biết,
chói sáng đích thực là mình nên giống Chúa,
Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng,
Đấng chân thật và thánh thiện vô song.

Chúa mới làm cho đời con chói sáng,
bằng đức tin và tình mến rỡ ràng,
chứ không phải những kiểu sống lan man,
tìm mọi cách để nổi nang trên “mạng”.

Cho con trở lại với cái tôi sâu thẳm,
cái tôi hiền lành và chân thật dễ thương,
cái tôi bình thường và nhân ái khiêm nhường,
cái tôi đơn sơ và không chút lụy vương,
cái tôi hòa đồng và lan tỏa hiệp thông,
để trao ban cho mọi người niềm vui sống.

Như vậy con mới mong ngày chói sáng,
vì sẽ được gặp gỡ Chúa vinh quang,
trong ánh sáng huy hoàng và vô tận,
với tình yêu và hạnh phúc vô ngần. Amen.

Lm. Thái Nguyên

===============

Suy niệm 2
ƠN ĐƯỢC BIẾN ĐỔI

Trước hết, chúng ta cùng đọc và lắng nghe Kinh Tiền Tụng Thánh lễ Chúa Hiển Dung như thể một bản tóm lược tuyệt vời về biến cố biến hình trên núi Ta-bor: ‘…Con Một Chúa biểu lộ dung nhan hiển vinh Người, Chúa đã dùng hai chứng nhân Cựu Ước là ông Mô-sê và ông Ê-li-a để củng cố niềm tin của các Tông đồ vào mầu nhiệm cứu độ và báo trước hồng ân lạ lùng Chúa sẽ ban là nhận chúng con làm nghĩa tử. Xin cho chúng con nghe lời Con Một Chúa để mai sau được chung hưởng gia nghiệp với Người’.
Lễ Chúa Hiển Dung nhắc nhở chúng ta bài học chẳng thể nào quên, đó là: ơn Thánh Chúa biến đổi đời sống chúng ta hằng ngày, ngõ hầu củng cố, nâng đỡ chúng ta xác tín vào Mầu nhiệm cứu độ, và hân hoan lãnh nhận hồng ân được trở nên nghĩa tử của Người. Nói một cách xác quyết như Thánh A-tha-na-si-ô đã viết: ‘Chúa Giê-su đã nhập thể làm người và khoác lên mình tấm áo da nhân loại nghèo hèn của chúng ta; hôm nay Người mặc áo thần linh sáng láng của chính Người’.
“Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17, 2). Quả thật, đây là biến cố biểu lộ vinh quang sáng ngời của Con Một Thiên Chúa; là biến cố “như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn” (x. 2Pr 1, 19). Thánh Phê-rô Tông đồ không nhiều lời, hay dài dòng văn tự, mà ngài xác tín tuyên xưng: “…đây không phải dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người” (2Pr 1, 16). Các Thánh Tông đồ tiên vàn được biến đổi vì tin nhận và thực hiện đúng như lời Chúa Cha phán xưa: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17, 5). Giáo hội và chúng ta cũng vậy, sẽ được biến đổi hằng ngày nhờ biến cố Chúa Biến Hình trên núi Ta-bor xưa kia, và nhờ bởi Lời Chúa, Mình Máu Thánh Chúa nuôi dưỡng con cái Người, qua sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh trong đời ta.
Truyện kể rằng: một vị ẩn sĩ nọ suy gẫm và chay tịnh đến độ suốt ngày không động đến thức ăn; cứ mỗi lần như vậy, ai ai cũng thấy có một ngôi sao xuất hiện giữa ban ngày, và họ tin đó là dấu hiệu trời cao chấp nhận lễ vật hy sinh của ông. Vào một ngày kia, vị ẩn sĩ quyết định leo lên núi cao. Ông muốn vươn lên cao, trổi vượt hơn nữa trong sự khổ chế. Vừa lúc đang hì hục leo núi, thì một cô bé trong làng chạy tới xin ông đi theo. Không thể từ chối, vị ẩn sĩ đành để cô bé đi cùng. Họ bắt đầu hành trình khi bình minh ló rạng; nhưng chẳng mấy chốc, ánh nắngmỗi lúc một chói chang, cả vị ẩn sĩ lẫn cô bé đều cảm thấy cổ họng cháy khô vì khát nước. Vị ẩn sĩ vẫn cố gắng chiến thắng chính mình, vượt qua cơn khát, nhưng ông lại giục cô bé hãy uống nước. Tuy nhiên, sau đóchẳng ai chạm đến nước cả. Vị ẩn sĩ không uống nước vì lời thề của mình, còn cô bé thì không đành uống một mình. Như vậy, càng đi, cuống họng họ càng cháy khô, cơn khát càng tăng gấp bội. Cho tới một lúc vị ẩn sĩ không nỡ nhẫn tâm nhìn cô bé phải quằn quại trong cơn khát; ông đành lỗi lời thề, cầm lấy nước đưa lên miệng và cô bé cũng mỉm cười uống nước với ông. Uống xong, vị ẩn sĩ không dám nhìn lên trời cao, ông cứ đinh ninh ngôi sao hiện ra mỗi ngày như chứng giám cho sự khổ chế của mình, giờ đây có lẽ đã biến mất. Nhưng không, lúc ngước mắt nhìn lên đỉnh núi, ông rất đỗi ngạc nhiên vì có đến hai ngôi sao đang toả chiếu sáng láng như mỉm cười với ông vậy.
Thật thế, mọi hy sinh sẽ trổ bông hoa trái nhân đức tốt tươi! Mọi việc lành phúc đức sẽ trở nên phương cách biến đổi nhờ vào Lời Chúa, do bởi lòng nhân từ Người, nhờ sự sống Thần lương nuôi dưỡng hằng ngày, và ơn Chúa Thánh Linh soi dẫn.
Sau cùng, thay lời kết, xin mượn lời Thánh Gio-an Đa-mas để chúng ta cùng thưa với Chúa: “Lạy Chúa Ki-tô, Chúa đã thu hút con bằng cách làm cho con ao ước Người, và Chúa đã biến đổi con bằng tình yêu của Người. Xin hãy dùng lửa linh thánh thiêu đốt hết mọi tội lỗi con, và xin thương ban cho con được đầy tràn sự dịu dàng của Chúa, ngõ hầu được chứa chan niềm vui, con nguyện cất lời chúc tụng vinh quang Người muôn đời”. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

===============

Suy niệm 3
Con người tuyệt vời
Mt 17, 1-8
Chúa Giê-su là Thiên Chúa cao sang vinh hiển và đầy quyền năng, nhưng Ngài đã tự xoá mình đi, hoá thân làm người, sống kiếp phàm nhân bình dị. Vì thế, người đương thời cho rằng Ngài chỉ là người phàm. Họ gọi Ngài là “Bác thợ con bà Maria” (Mc 6,3), thậm chí còn xem Ngài là người bị quỷ ám, người mất trí (Mc 3,21) …
Thế rồi hôm đó, “Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình tới một ngọn núi cao. Ngài biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Ngài chói lọi như mặt trời, và y phục Ngài trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Ngài. Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài. Các ngươi hãy vâng nghe lời Ngài!” (Mt 17,1-5).
Vậy là nhờ việc Chúa Giê-su tỏ mình trên núi, ba môn đệ mới nhận ra Chúa Giê-su là Con yêu dấu của Thiên Chúa Cha, là Thiên Chúa thật, là Đấng hiến mình cứu độ muôn dân.
Chúng ta cũng có hoàn cảnh tương tự.
Nhìn xem diện mạo bên ngoài thì chúng ta là người tầm thường, kém cỏi và ngay chính ta cũng thấy mình yếu kém.
Thế nhưng, bản chất của chúng ta rất cao đẹp, vì bất cứ ai đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy đều trở thành những con người tuyệt vời.
Nhờ đâu mà được như thế?
Thứ nhất, nhờ Bí tích Thánh tẩy, chúng ta được sinh lại lần thứ hai, để được làm con Thiên Chúa.[1]
Thiên Chúa là Chúa tể trời đất, là Đấng tạo dựng nên vũ trụ bao la vô biên vô tận này. So với Ngài, chúng ta chỉ là cát bụi thấp hèn, chẳng đáng cho Ngài quan tâm… Thế mà Chúa Giê-su đã lập Bí tích Thánh tẩy để sinh chúng ta lần thứ hai, cho chúng ta được trở thành con thật sự của Thiên Chúa Cha.
Được làm con thật của Thiên Chúa, Chúa tể trời đất thì thật tuyệt vời.
Thứ hai, Bí tích Thánh tẩy cũng liên kết chúng ta nên một với Chúa Giê-su, như bàn tay được ráp nối vào thân thể và nên một với thân thể; nhờ đó, chúng ta trở thành một chi thể sống trong thân mình Chúa Giê-su[2].  Và sự sống của Chúa Giê-su như dòng máu thiêng liêng lưu chảy trong thân mình chúng ta, mang lại cho ta sự sống của Thiên Chúa.
Từ thân phận thấp hèn mà được trở thành chi thể của Chúa Giê-su và được tiếp nhận sự sống của Thiên Chúa thì quả là một diễm phúc tuyệt vời!
Sống xứng đáng là con của vua trời
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.”
Vì là con của Thiên Chúa, chúng ta phải tạo cho mình những phẩm chất cao đẹp xứng đáng với địa vị những hoàng tử hay công chúa của Vua trời.
Hoàng tử hay công chúa của Vua trời không thể sống thấp hèn, thiếu đạo đức, thiếu tư cách, kém văn minh được, vì sống như thế là bất xứng với địa vị của mình, làm nhục cho vua cha, làm ô danh hoàng tộc cao quý của mình.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin giúp chúng con sống tốt lành thánh thiện, xứng đáng với địa vị cao quý của mình và luôn làm cho Chúa hài lòng bằng đời sống tốt đẹp của chúng con. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà


[1] GLHTCG 1265
[2] GLHTCG 1267

===============

Suy niệm 4
CÙNG LÊN NÚI CHÚA
(Mt 17, 1-9)

Ngày mùng 06 tháng 8 hàng năm, Phụng vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm một mầu nhiệm vĩ đại, đó là biến cố Chúa Giêsu biến hình và mời gọi chúng ta noi gương các Tông Đồ cố gắng lên núi để được chứng kiến cảnh Chúa Giêsu biến hình, và xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn để được biến đổi chính mình hầu lãnh nhận ơn cứu độ.
Lên núi
Hôm nay, thánh sử Matthêu nhắc đến việc Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Lên tới đỉnh núi, Ba Tông Đồ chứng kiến sự Biến hình của Chúa Kitô. Nhưng để chứng kiến cảnh Chúa Biến Hình, các môn đệ phải lên núi. Chúng ta cũng thế, chúng ta cầu mong mình được biến đổi, chúng ta cũng hãy bắt đầu một cuộc hành trình vươn lên hay leo núi, mà cuộc hành trình nào cũng đòi hỏi nỗ lực, hy sinh. Lên tới đỉnh núi, Ba Tông Đồ chứng kiến sự biến hình của Chúa Kitô. Bức tranh toàn cảnh này sẽ giúp chúng ta “hiểu rõ hơn về ý muốn của Thiên Chúa và sứ mệnh của chúng ta là phục vụ Vương quốc của Người”.
Xin ơn biến đổi
Đối với chúng ta ngày hôm nay, biến cố Chúa biến hình loan báo trước Mầu Nhiệm Vượt Qua mời gọi chúng ta mở rộng cặp mắt tâm hồn chiêm ngắm Mầu Nhiệm Ánh Sáng của Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi. Năm Sự Sáng, thứ Ba thì Ngắm, Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi, ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần.
Nhưng để biến đổi đâu có dễ, cần phải ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp. Chúng ta cũng hãy cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta từng bước trong cuộng đời, đặc biệt là xin Ngài biến đổi.
Xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta từ con người khô khan biếng trễ xưng tội rước lễ, bỏ đọc kinh, lười đi nhà thờ, bỏ lễ Chúa nhật thành người đạo đức, thánh thiện và siêng năng. Xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta từ con người tối tăm tội lỗi nên con người tươi sáng; từ con người ích kỷ tham lam thành người sẵn sàng yêu thương hy sinh và phục vụ mọi người; từ con người kiêu căng tự mãn thành người khiêm nhu tin tưởng và phó thác vào Chúa.
Chúa Thánh Thần đã biến đổi các giác quan của các tông đồ, họ mới có thể nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Cặp mắt được đổi mới, các ông mới nhìn rõ hơn những gì tỏa sáng, tai được biến đổi để nghe rõ hơn tiếng nói tuyệt vời và có thật: là tiếng nói của của Thiên Chúa Cha, Đấng hài lòng về Con yêu dấu của Ngài.
Chúng ta cũng thế, hãy để Chúa Thánh Thần tác động mới mong được biến đổi, giác quan của chúng ta mới có thể nhìn thấy và nghe được những điều kỳ diệu và vui mừng trong Thiên Chúa cùng với hàng ngũ các thánh đã được Chúa Giêsu phục sinh từ trong cõi chết. Để được biến đổi, hãy vâng nghe Lời Chúa và cầu nguyện
Vâng nghe Lời Chúa
Để được biến đổi, chúng ta phải vâng nghe Lời Chúa. Trong lúc Chúa biến hình thì “có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người” (Mt 17,6). Có vâng nghe lời Chúa Cha, Đức Giêsu mới trở nên người con chí ái đẹp lòng Cha mọi đàng. Nhờ vâng nghe Lời Chúa, chúng ta mới xứng đáng là người môn đệ của Đức Giêsu. Lời Chúa như thanh gươm sắc bén sẽ tỉa sạch các thói hư và biến chúng ta thành những tạo vật mới của Thiên Chúa.
Cầu nguyện
Đang khi cầu nguyện, Chúa Giêsu biến đổi hình dạng trở nên sáng láng. Chúng ta cũng chỉ được biến đổi thân phận tội lỗi của mình bằng việc tha thiết cầu xin Chúa ban ơn trợ giúp và thứ tha. Chúng ta cần đến với Chúa mỗi ngày để được biến đổi trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Chẳng hạn như tham dự tĩnh tâm, giục lòng ăn năn sám hối tội lỗi, quyết tâm sửa đổi thói hư tật xấu bằng việc thực hành nhân đức mỗi ngày để đền tội.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin biến đổi con. Xin biến đổi con mắt, môi miệng và lỗ tai con, để con biết thấy cái hay cái đẹp của tha nhân, biết nói lời hay lẽ phải, biết nghe Lời Chúa, và nhất là thực hành Lời Chúa dạy, để hưởng được trọn vẹn niềm vui ơn cứu độ. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

===============

Suy niệm 5
CHÚA  HIỂN  DUNG

Lc 9, 28b-36; Dn 7, 9-10.13-14; 2Pr 1, 16-19
Tuần trước Thầy báo cho môn đệ biết trước cuộc thương khó Thầy sẽ phải chịu, các ông không hiểu, Phêrô thì không chấp nhận nổi nêncan ngăn, bị Thầy mắng là “Satan!…” Hôm nay Thầy kéo ba môn đệ được yêu hơn (trong đó có Phêrô) đi riêng lên một ngọn núi cao, cho cả ba chiêm ngưỡng thước phim có một không hai: “Thầy biến đổi hình dạng”! Sướng quá các ông quên hết sự đời! Vẫn cái ông Phêrô nhanh nhảu nói vu vơ mơ mộng trong mê sảng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” Chỉ “dựng lều” cho ba nhân vật trong “bức tranh tuyệt mỹ” này thôi, còn các ông thì cứ say ngắm thế này đã đủ, chả còn thiết sự gì nữa…Thế đấy, ai thấy khổ mà chẳng bàn lùi tránh né, thấy sung sướng oai phong thì ôm mơ dệt mộng chẳng muốn xa rời.
Khi chìm đắm chất ngất trong lúc cầu nguyện, ở trên núi (cảnh đất trời gần nhau),trong giây phút xuất thần, Thầy trở nên rực rỡ tuyệt trần. Ngày xưa lúc Môsê cầu nguyện gương mặt ông cũng bừng sáng lên. Hôm nay được lên núi cầu nguyện với Thầy, các ông được sung sướng ngất ngây, được chiêm ngưỡng vinh quang Thầy, trực diện với bậc Ngôn Sứ vị vọng trong lịch sử cứu độ, đàm đạo về cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Thầy, cuộc Tử Nạn mà Thầy đã loan báo. Phêrô hôm nay được nghe và xem thấy tận mắt. Đang say mê với cảnh thiên đường, bỗng từ trong đám mây có tiếng Chúa Cha xác nhận và kéo các ông trở về thực tại: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Ở lại chiêm ngắm Thầy biến hình thì dễ, nhưng phải thực hành vâng nghe lời Người là điều khó hơn nhiều, phải từ bỏ mình, vác thập giá, đi vào con đường hẹp, liều mất mạng sống…
Biến cố hiển dung của Thầy nhằm củng cố đức tin cho các môn đệ,trước khi bước vào thử thách trong cuộc thương khó. Nhưng sự hăng hái này không còn tới ngày mà khuôn mặt Thầy đầy mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu, ngày xem thấy khuôn mặt đầy thương tích của Thầy trên đồi Sọ. Sau này Phêrô đã làm chứng rằng: “Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến”. Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người.
Thầy ơi! ngày nay chúng con có đủ can đảmxuống núi làm chứng cho Thầy giữa những tối tăm trong cuộc sống thực tại, bằng những điều mình từng “thấy” khi được lên núi với Thầy không? Xin Thầy dẫn đưa chúng con vào mối tình gắn bó keo sơn với Thầy, để trong Thầy, chúng con được biến đổi từ trong ánh mắt, đôi tai, môi miệng, trái tim, để dung nhan sáng láng dịu hiền của Thầy hiện rõ trên khuôn mặt phàm trần của chúng con.
Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log