Suy niệm 1
Mt 14, 22 – 36
Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, quần chúng phấn khởi chuẩn bị lễ nghi tôn Chúa làm vua. Chúa ra lệnh cho các môn đệ xuống thuyền về bên kia bờ hồ. Còn Chúa thì trốn lên núi cầu nguyện. Quần chúng chuẩn bị lễ tôn vương xong, thì chẳng thấy Chúa đâu. Họ thấy mình bị hớ. Thế là họ tự giải tán.
Quá nửa đêm, Chúa xuống núi và đi bộ trên mặt nước để về bên kia bờ hồ. Thuyền của các tông đồ bị gió ngược, nên còn đang lênh đênh trên mặt hồ. Trình thuật của Thánh Máccô cho chúng ta một chi tiết vừa buồn cười vừa thấm thía ý nghĩa. Đó là Chúa giả vờ đua với thuyền, khiến các tông đồ hốt hoảng la lên “ma”/
Tại sao Chúa lại nghịch thế. Đó là một chiêu, một mẹo Chúa thường dùng để gây ấn tượng nhiều hơn cho một bài giáo huấn. Chúa rất dị ứng với nỗi sợ. Chúa muốn dùng cái chiêu giả vờ đua với thuyền này để dạy họ một bài học lớn là không bao giờ được sợ. Sợ là hèn. Sợ là làm nhục cho Chúa. Đã có một lần Chúa và anh em tông đồ băng qua biển hồ, bị mưa bão làm cho con thuyền sắp bị chìm. Chúa thì ngủ khò, ngủ như chết. Các tông đồ đánh thức Ngài để xin cứu sống. Sợ như thế là đúng, thế mà Chúa mắng nặng lời: “Hỡi người hèn tin, tại sao lại sợ?” Có Chúa bên cạnh, thì không được quyền sợ. Hãy xem thằng cu tí được bố cồng kênh trên vai đi dạo phố, nếu có chó sủa đòi cắn thì thằng cu tí sẽ la lên: Bố ơi, đá chó đi. Nếu có đứa bạn nào nắm tay dọa nó, nó sẽ giơ tay lên dọa lại. Nó không sợ vì có bố. Chúng ta có Chúa mà lại sợ, thì thua thằng cu tí.
Một điều rất lạ là cha mẹ vẫn đưa con ma ra để dọa con cái. Ngay cả các giáo lý viên cũng đưa hỏa ngục ra để dọa học viên. Dọa để học viên không dám phạm tội.
Thánh Gioan là người đã cảm nghiệm được bài giáo huấn này, nên trong thư của Ngài, Ngài bảo rằng: Tình yêu loại trừ nỗi sợ. Ai sợ là chưa có tình yêu hoàn hảo.
Ở bên Pháp có một nhà thơ tên là Charles Péguy. Năm 39 tuổi ông mới trở lại đạo. Khi ông học giáo lý, thì một lần kia giáo lý viên dạy về hỏa ngục. Hỏa ngục được mô tả khủng khiếp:
- Hít lửa vào, thở lửa ra.
- Thằng quỷ đen như than, có đuôi, có sừng và tay cầm đinh ba.
- Trên vách tường có một cái đồng hồ quả lắc. Quả lắc vừa lắc đi lắc lại vừa kêu “đời đời, đời đời”.
Mô tả hỏa ngục kinh khủng xong, giáo lý viên cật vấn Charles Péguy:
- Anh có sợ hỏa ngục không?
- Không!
- Tại sao anh không sợ?
- Tại tôi không muốn xuống hỏa ngục, mà Chúa thì chắc chắn không muốn tôi xuống hỏa ngục. Vậy thì chắc chắn là tôi không xuống hỏa ngục.
Thế là thầy thua học trò. Học trò trở thành thầy; thầy trở thành học trò.
Chúng ta cùng nhau nhìn Chúa giả vờ đua với thuyền của các tông đồ. Chúng ta cùng nhau nghe Lời Chúa dạy các tông đồ “Thầy đây, đừng sợ!” Mong rằng hình ảnh ấy và lời an ủi ấy thấm vào tâm tư của chúng ta. Mong rằng trong suốt cuộc đời dài hay ngắn thì động từ SỢ chỉ có trong từ điển chứ không có trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
====================
Suy niệm 2
SÓNG GIÓ BIỂN ĐỜI
Mt 14, 22-33
Sau một thành công hay những việc tốt đẹp, ai cũng muốn được người khác khen lao, ca ngợi, nhất là muốn người khác nhận ra tài năng, đức độ của mình. Được vênh vang nổi tiếng dường như ai cũng ham; được kính phục suy tôn hầu như ai cũng thích. Đức Giêsu thì khác, sau khi hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn no nê, Ngài biết ý định của họ muốn tôn Ngài làm Vua (Ga 6, 15). Không chần chừ, Ngài “bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán đám đông”.Điều này không lạ gì, vì Đức Giêsu muốn tránh cho các môn đệ tỏ ra vênh vang về quyền năng của Thầy mình, không để cho các ông bị lôi kéo theo tình cảm bốc đồng của đám đông.
Ngoài ra, nếu các môn đệ ở lại có thể làm cho tình huống thêm rắc rối, vì trong tâm trí các ông vẫn nghĩ Thầy mình sẽ tái lập vương quốc Israel, như là một thế lực trần gian. Vì vậy mà các ông đã cãi nhau xem “ai là người lớn hơn cả” (Mc 9, 34). Tiếp theo đó, Gioan và Giacôbê còn xin được ngồi bên hữu và bên tả Thầy khi Thầy được vinh quang (x. Mc 10, 35-40). Mang não trạng như vậy nên các môn đệ dễ tiếp tay cho dân chúng tạo ra một cuộc sôi động nguy hiểm. Chắc các môn đệ cũng rất khó chịu khi phải “rút lui” như vậy, tuy nhiên các ông vẫn vâng phục mặc dù không hiểu được ý Thầy.
Trong lúc các môn đệ xuống thuyền thì Đức Giêsu cũng giải tán dân chúng. Khi còn lại một mình, Ngài lên núi cầu nguyện. Việc chìm sâu trong sự gặp gỡ Cha luôn là những thời điểm quan trọng để Ngài kín múc lại thần lực và để thấy mình luôn hợp nhất với Cha trong mọi hành động. Khi đêm đã về khuya, có lẽ Đức Giêsu đi vòng qua mé hồ để đến bờ bên kia. Đến khoảng canh tư, nghĩa là khoảng 3g sáng, và có thể là đêm trăng sáng, nên khi đi trên vùng đất cao ở phía bắc bờ hồ, Ngài nhìn thấy thuyền các môn đệ đang chiến đấu với những cơn sóng gió, và Ngài đã đi trên mặt biển mà đến với họ.
Thấy có bóng người đi trên mặt nước mà đến, các môn đệ sợ hãi la lên, vì tưởng là ma.Đức Giêsu liền trấn an họ: “Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ”. Các ông chưa dám tin là thật, nhưng Phêrô đã táo bạo lên tiếng:“Nếu quả là Thầy, thì xin cho conđược đi trên mặt nước mà đến với Thầy”. Một lời đề nghị quá liều lĩnh, sao ông không xin cho bão táp lặng yên mà lại xin đi trên mặt nước. Nếu không phải Thầy thì sao? Phêrô vẫn hành động theo sự thúc đẩy của cảm tính mà không chịu nhìn rõ thực trạng và không cân nhắc kỹ lưỡng. Vì vậy mà ông từng thất bại và sẽ còn vấp ngã nặng nề.Tuy nhiên, với sự nhiệt tình, ngay thẳng, thành thật, ông không bao giờ thất bại ở giây phút cuối.
Khi Đức Giêsu bảo “Cứ đến” là ông bước xuống mặt biển ngay. Phải tin mạnh mẽ thì ông mới dám hành động như vậy. Không biết ông đi được bao xa, nhưng khi thấy gió thổi thìông hoảng sợ,không còn giữ được lòng tin, ông bắt đầu chìm xuống.Cũng may là trong cơn nguy ngập, ông đã kịp thời kêu lên:“Lạy Thầy, xin cứu con !”. Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và đưa ông lên thuyền. Ngài trách ông: “Người đâu mà kém tin vậy!, Sao lại hoài nghi!”.Hoài nghi đã làm cho Phêrô sợ hãi, và sợ hãi đã phá tan một năng lực siêu nhiên đã được kết tụ, khiến con người ông trở nên nặng nề và bị nhận chìm xuống.
Chỉ có thể biết lòng tin mạnh mẽ hay không khi gặp thử thách. Thử thách là điều cần thiết để thanh luyện và nâng cao đức tin. Không chịu được thử thách nên bao người đã bỏ cuộc. Mỗi lần vượt qua thử thách lại cho chúng ta kinh nghiệm sống đức tin. Là Kitô hữu, chúng ta không bao giờ chiến đấu một mình với nghịch cảnh, những cám dỗ và sầu khổ. Chúa thấy tất cả và không bao giờ để ta phải chiến đấu một mình. Có khi chúng ta cũng lo sợ và hốt hoảng trước giông tố cuộc đời, nhưng không được mất lòng tin nơi Chúa. Ngài vẫn nhìn thấy và luôn kịp thời trong mọi tình cảnh nguy nan của chúng ta, miễn ta đừng cuống cuồng, thất vọng hay buông xuôi, nhưngvững lòng trông cậy.
Chính trong thử thách này mà các môn đệ khám phá một điều lớn lao về Thầy mình: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”. Các ông vẫn bên cạnh Thầy nhưng chưa hiểu Thầy được bao nhiêu. Gần Chúa không hẳn là biết rõ về Chúa. Gần mặt nhưng không gần lòng. Qua biến cố mới biết rõ con người của nhau hơn. Chúa vẫn tiếp tục mở ra cho chúng ta mầu nhiệm vô biên của Ngài, nhưng Ngài muốn lòng tin của chúng ta phải lớn lên qua từng thử thách, qua từng chặng đường đời. Khi đức tin lớn lên thì lòng mến cũng sáng lên để ta bước vào cảnh giới mới.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Tuổi trẻ thường háo hức trước thành công,
mong tới đỉnh trên con đường danh vọng,
nhưng nhìn lại thấy tâm hồn trống rỗng,
vì mọi sự rồi cũng hóa ra không.
Cũng như các tông đồ sống khi xưa,
Chúa tránh cho chúng con khỏi ảo vọng,
đừng xây đời bằng giấc mộng quyền hành,
sẽ đưa con vào tình thế long đong,
phải chèo chống giữa phong ba đêm tối,
khiến con thấy chơi vơi và bực bội.
Khi lênh đênh đời mình giữa biển khơi,
con thấy mình như kẻ bị bỏ rơi,
thấy buồn tủi và chua xót ngậm ngùi,
bao nỗ lực như chôn vùi đáy biển,
bao cố gắng hy sinh làm việc thiện,
con nuối tiếc trên đường đi theo Chúa.
Nhưng đâu hay Chúa đến quá bất ngờ,
trong đêm khuya giữa sóng gió vật vờ,
làm con sợ hãi tưởng là bóng ma,
Chúa đã đến với quyền năng thật lạ,
khiến con quá vui mừng và tin tưởng,
vì biết mình luôn được Chúa yêu thương,
Con chẳng dám xin đi trên mặt nước,
như Phê-rô đã bước xuống khỏi thuyền,
con chỉ xin một đức tin kiên vững,
để can trường vượt hết những nguy nan.
Xin cho Giáo hội Chúa giữa biển đời,
như con thuyền vượt sóng ở ngoài khơi,
đưa đoàn con về tới bến quê trời,
nơi vinh phúc ngàn đời là chính Chúa. Amen
Lm. Thái Nguyên
====================
Suy niệm 3
THUYỀN ĐỜI CON
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Biến cố xảy ra trong đoạn Tin Mừng hôm nay khiến chúng ta suy tư, đặt bản thân mình vào tâm thế của Thánh Phê-rô và các thánh Tông đồ xưa, khi chứng kiến sự việc Chúa Giê-su đi trên mặt nước đến gặp các ông vào khoảng canh tư, tức là 1 - 3 giờ sáng.
Phải chăng đời chúng ta như một con thuyền trôi giữa dòng đời biển lặng hay sóng xô, giữa cảnh gió mát trăng thanh hay bão bùng giông tố! Dù ở trạng huống nào chăng nữa, Chúa vẫn luôn đồng hành và dõi theo chúng ta. Chúa luôn đến gặp gỡ và dang tay che chở chúng ta như Ngài đã cứu giúp Thánh Phê-rô khi bước ra khỏi con thuyền, đi trên mặt nước đến với Ngài.
Có một điều chúng ta nhận thấy rõ ràng: trong Kinh Thánh luôn tường thuật lại sự việc trước và sau khi Chúa Giê-su thực hiện chương trình gì, Ngài luôn tìm nơi vắng vẻ cầu nguyện một mình, “giải tán họ xong, Ngàilên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Ngài vẫn ở đó một mình” (Mt 14, 23); và nhất là sau khi Ngài làm phép lạ nuôi sống năm người đàn ông chưa kể đàn bà, con trẻ. Thánh sử Mát-thêu không viết chi tiết sự việc xảy ra sau đó, nhưng các thánh sử khác trình bày: sau khi được ăn no nê, mọi người tìm kiếm và muốn tôn Ngài làm vua (x. Ga 6, 15)! Với lẽ thường, Ngài được phong vương là điều tất yếu; nhưng vinh hoa chóng qua ấy, sự quang vinh trần thế ấy chẳng phải ý định của Chúa Cha, và không thuộc về sứ mệnh của ‘tôi trung của Thiên Chúa’.
Sau khi rời xa vinh quang chóng vánh ấy, Ngài lại kết hiệp mật thiết với Chúa Cha qua hơi thở cầu nguyện, qua mọi sinh hoạt thường nhật của Ngài. Dẫu đời chúng ta có lẽ là con thuyền trôi đi chăng nữa, nhưng nếu chúng ta được ‘phong vương’ trong thuyền ấy, thì chắc gì chúng ta rời thuyền, bước ra ngoài giữa biển đời rộng lớn bao la xung quanh ta!
Mặc khác, nỗi sợ hãi vô hình trong hay ngoài chúng ta luôn bủa vây, chúng ta có dám đưa chân bước ra, đến gặp gỡ Chúa và anh chị em! Các thánh Tông đồ trên thuyền giữa biển hồ sương mờ giăng kín, lúc canh tư (1-3 giờ sáng) trời vẫn chưa sáng tỏ để nhận diện ai đó, thì Chúa Giê-su lại đến gặp các ông (x. Mt 14, 25) ngay thời điểm khó lòng nào biết trước được. Trong trạng huống này, các ông không nhận ra Ngài, và hoảng sợ, kêu la vì tưởng là bóng ma cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, sau khi nghe giọng nói thân quen: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14, 27), thì các ông được trấn an phần nào. Và như bao lần khác, Phê-rô luôn tiên phong, đại diện cho nhóm Mười hai, xin Chúa cho ông đi trên mặt nước đến cùng Ngài.
Trong đời mỗi chúng ta, biết bao nhiêu e ngại, hãi hùng đưa chúng ta đến việc trốn tránh, chạy trốn hay dối diện với nó? Nào là:
nỗi sợ hãi vô định, bất an giữa màn đêm cuộc đời,
nỗi e dè mong lung, nhạt nhoà, mờ ảo trong cuộc sống,
nỗi hãi hùng trước phong ba gió lớn nổi trôi giữa đời,
nỗi nghi ngờ, mất niềm tin khiến chân tay rụng rời,
nỗi xốn xang bộn bề trong tâm trí làm con tim yếu đuối…
Thật vậy, khi được truyền đi trên mặt nước đến cùng Chúa, chỉ là cơn gió mạnh thổi qua cũng đủ làm Phê-rô sợ hãi, muốn chìm xuống biển hồ. Vốn là một ngư phủ dày dạn kinh nghiệm, dẫu lúc ấy ông có thể bị chìm đi nữa, cũng không đáng sợ cho lắm vì ông biết bơi cơ mà! Tuy nhiên, khi nỗi sợ hãi chiếm lĩnh con người chúng ta, khi xung quanh chúng ta vây kín với bóng đen tối tăm vô định, thì sở trường cũng trở nên sở đoạn, điểm tối ưu cũng trở nên điểm yếu và tệ hơn nữa là mất nhuệ khí, can đảm!
Nói chính xác hơn, nhờ câu nói của Chúa Giê-su với Phê-rô sau khi ông đi trên mặt nước một đoạn, bỗng sợ hãi thốt lên: “Lạy Thầy, xin cứu con” (Mt 14, 30), chúng ta biết nguyên nhân sâu xa hơn vì sao ông trở nên như vậy, “người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?” (Mt 14, 31). Trong phút chốc, Phê-rô đã kém tin, đã không tín thác vào Thầy Giê-su đang đứng chờ trên ‘biển đời’ dù tối tăm ra sao, dù sóng to gió lớn thế nào. Phê-rô đã rơi vào tâm trạng hoài nghi, có lẽ vì quá sợ hãi! Thiết nghĩ, hơn một lần, chúng ta cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh như thánh Phê-rô trong biến cố này, cũng bất tín, nghi ngờ sự hiện diện, đồng hành, nâng đỡ, chở che của Chúa. Có lẽ nhiều lần trong đời, chúng ta kém lòng tin vì đủ mọi lí do, vô vàn lời khước từ chăng?
Ước gì sau mỗi biến cố lớn nhỏ xảy ra trong cuộc sống, chúng ta đều nhận ra bàn tay yêu thương của Chúa, và biết tuyên xưng đức tin như các thánh Tông đồ khi xưa, “chứng kiến mọi việc đã xảy ra, các ông trong thuyền đến sụp lạy mà rằng: Thật, Thầy là Con Thiên Chúa” (x. Mt 14, 33).
Thuyền con lênh đênh sóng khơi
Trôi đi trôi mãi xa nơi bến bờ
Có Chúa con chẳng bơ vơ
Đưa tay dẫn lối con thơ tháng ngày.
Đời con lắm lúc đắng cay
Dường như vắng Chúa, chẳng hay tình Ngài!
Tiếng mời tha thiết đêm dài
Chứa chan dìu dắt tương lai con cùng. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
====================
Suy niệm 4
Giữa sóng cả ba đào hãy vững tin vào Chúa
(Mt 14, 22-36 )
Trong những năm gần đây, chúng ta được nghe rất nhiều tin làm chấn động cả thế giới: những trận động đất, sóng thần, bão tố, sạt lở liên tiếp xảy ra, phá hủy bao công trình phúc lợi công cộng. Những trận cuồng phong bão táp chúng ta có thể thấy bằng con mắt giác quan, còn có những trận cuồng phong vô hình đã và đang từng ngày đổ ập vào người ta như sóng gió hữu hình đến với các môn đệ Chúa Giêsu, và chắc chắn có sóng cả ba đào đổ ập vào đời ta.
Tin Mừng Thánh Matthêu thuật lại : “Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà sang bờ bên kia trước… ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió … ” (Mt 14,22-25). Đang lúc các môn đệ hết sức sợ hãi thì Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với họ, lại thêm một bóng người lạ đang tiến gần họ, họ tưởng rằng “Ma” nên càng sợ hãi, bán tín bán nghi. Chúng ta đặt mình vào trong tình huống này, giữa đêm khuya trên biển cả, gió gào, sóng thét, tâm thế chúng ta sẽ ra sao?
Biển là gì? Theo người Do Thái, biển là sào huyệt của Satan, cuồng phong thể hiện sức mạnh của tà thần. Con thuyền của các môn đệ là hình ảnh của Giáo hội, việc Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các ông giữa lúc đêm khuya sóng đành chứng tỏ đời luôn có Chúa. Đức Cố Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nói tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 27-2-2013 rằng : “Giáo hội là con thuyền… có lúc vui, nhưng cũng có lúc không dễ dàng. Tôi đã cảm thấy như thánh Phêrô với các Tông Đồ trong con thuyền trên hồ Galilêa: Chúa đã cho chúng ta những ngày đánh được đầy cá; cũng có lúc ngược gió, như trong suốt lịch sử của Giáo hội và xem ra Chúa ngủ. Nhưng tôi biết rằng trong thuyền luôn có Chúa … và con thuyền Giáo hội là của Chúa, Chúa không để cho nó chìm; chính Chúa điều khiển nó...”
Thật vậy, nếu ngày nào đó chúng ta phải đương đầu với các cơn cám dỗ không thể tránh được, như khó khăn, vất vả, mệt nhọc bủa vây quanh ta, thuyền của chúng ta đang ở giữa đại dương mênh mông, với những cơn sóng đang tìm cách nhấn chìm đức tin của chúng ta. Hãy tin rằng, Giáo hội là của Chúa, Người không để cho nó chìm; Chúa chỉ đợi chúng ta tin tưởng vào Chúa.
Đối diện với sự dữ xảy ra trong cuộc sống, niềm tin vào tình yêu và sự toàn năng của Thiên Chúa bị thử thách. Chúng ta hãy vững tin vào Chúa, Đấng luôn muốn điều tốt cho con người. Chúa sẽ biến những đường cong thành đường thẳng. Chúa sẽ làm cho đêm tối của chúng ta thành ánh sáng. Chúng ta có thể bình an bước đi ngay cả trong đêm tối, khi đối mặt với sự dữ bởi chúng ta không bước đi một mình, nhưng có Chúa cùng đồng hành.
"Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?" (Mt 14, ). Chúng ta hãy mời Chúa Giêsu bước lên những con thuyền cuộc sống của chúng ta. Hãy phó thác cho Chúa những lo sợ của chúng ta để Người chiến thắng chúng. Như những môn đệ chúng ta sẽ cảm nghiệm thấy rằng có Chúa ở trên thuyền, thuyền sẽ không bị đắm. Vì sức mạnh của Thiên Chúa là: tất cả những gì xảy ra cho chúng ta, cả những điều bất hạnh, đều mưu ích cho chúng ta. Chúa đưa sự thanh thản vào trong những bão tố của chúng ta, vì với Thiên Chúa, sự sống sẽ không bao giờ chết.
Chúa đặt câu hỏi cho chúng ta, giữa biến cả lữ thứ trần gian của chúng ta, Chúa mời gọi chúng ta hãy đánh thức và khởi động tình liên đới và hy vọng, có khả năng mang lại sự vững chắc, nâng đỡ và mang lại ý nghĩa cho những lúc này, trong đó tất cả dường như bị chìm. Chúa đến bước vào con thuyền của đời ta, hồi sinh niềm tin của chúng ta.
Với lời kêu cứu của Phêrô: “Lạy Thầy, xin cứu con!” (Mt 14, 30) Chúa Giêsu đáp lại bằng cử chỉ và lời. Người giơ tay nắm lấy ông và trách: “Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?” (Mt 14, 31) Khi gió thổi mạnh, nỗi sợ hãi và nghi ngờ về quyền năng của Chúa đột nhập vào Phêrô, một con người yếu lòng tin. Cứu ông lên khỏi nước, Chúa Giêsu dạy ông rằng, tình thầy trò không phải là đức tin của người môn đệ, nhưng là lòng trung thành của Thầy. Cảnh tượng trên phơi bày sự cao cả cũng như thấp hèn của người môn đệ. “Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa” (Mt 14, 32-33). Quả thật, niềm tin vào Con Thiên Chúa chỉ có được sau một hành trình dài của đau khổ, chết và phục sinh của Đức Giêsu Con Thiên Chúa.
Nếu một ngày nào đó chúng ta phải đương đầu với các cơn cám dỗ không thể tránh được, hãy nhớ rằng Chúa Giêsu buộc chúng ta xuống thuyền ; từ bờ bên này sang bờ bên kia không thể không có sóng gió. Và khi chúng ta thấy những khó khăn, vất vả, mệt nhọc giữa đời vây quanh ta, thuyền của chúng ta đang ở giữa đại dương mênh mông, với những cơn sóng đang tìm cách nhấn chìm đức tin của chúng ta. Chúng ta hãy vững tin rằng, Con Thiên Chúa sẽ đi trên mặt nước đến gần chúng ta, giơ tay kéo chúng ta lên; Chúa chỉ mong đợi chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào Chúa.
Lạy Mẹ Maria, gương mẫu về lòng tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa, xin giúp chúng con vững tin vào Chúa, để giữa bao bận tâm, lo lắng, khó khăn giữa biển cả cuộc đời đang làm chúng con giao động, chúng con vẫn nghe thấy lời trấn an của Chúa Giêsu, Con Mẹ: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ! ” (Mt 14, 27). Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
====================
Suy niệm 5
ĐI TRÊN MẶT BIỂN
Mt 14, 22-33
“Đức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng.” (Mt 14, 22). Tại sao Người lại bắt các môn đệ chèo thuyền để lánh sang bên kia, đồng thời giải tán đám đông dân chúng nhỉ? Bởidân chúng theo Người vì được ăn bánh phép lạ no nê, theo Người hy vọng được ăn mãi thứ bánh ấy. Người biết các môn đệ cũngquan niệm về một Đấng Thiên Sai với sức mạnh quyền uy mà giải phóng dân tộc, nên Người dẹp trận mà bắt các ông xuống thuyền đi trước.
“Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình.”(Mt 14,23). Tin Mừng Gioan cho biết: Đức Giêsu “trốn” đám đông để lánh mặt một mình lên núi, vì biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua. Dân chúng thích vị “Vua” cho ăn bánh, nhưng Ngài là Vua Tình Yêu cơ! Trong khi đám đông muốn tôn vinh vì sức mạnh quyền năng của Ngài, thì Ngài lại đi cầu nguyện với Cha lâu giờ. Cầu nguyện là trực diện một mình với Chúa. Cầu nguyện là phương thế để khỏi sa chước cám dỗ.
Chuyện trong Tin Mừng hôm nay thật hấp dẫn. Thầy Giêsu chìm trong cầu nguyện. Các môn đệ thì chèo thuyền đã xa Thầy cả mấy cây số và bị sóng đánh vì ngược gió. Nửa đêm gần sáng, Thầy ra biển hồ thấy các ông đang vật vã với sóng gió. Các ông đang sợ mà thấy Thầy đi trên mặt biển tiến về phía mình lúc còn trong đêm. Ai mà không sợ chứ? Các ông hoảng hốt tưởnglà ma nên sợ hãi la lên, nhưng họ nghe được tiếng Thầy trấn an từ xa vọng lại: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14, 27). Nghe tiếng Thầy, ông Phêrô xin Thầy cho được đi trên mặt nước để đến với Thầy. Và quả nhiên ông bước xuống khỏi thuyền, ông cũng đi được trên mặt nước như Thầy. Nhưng khi yếu lòng tin, gió vừa thổi ông đâm sợ và chìm xuống. Ông la lên xin Thầy cứu. Thầy vừa đưa tay nắm lấy ông vừa trách yêu: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” (Mt 14, 31).
Tại sao Thầy đi được trên mặt nước? phải chăng vì Thầy mới cầu nguyện? Sống cầu nguyện làm cho người đó nhẹ tênh, tâm hồn có thể “bay lên” được. Ba môn đệ đã từng chứng kiếnkhi Thầy cầu nguyện trên núi Tabor, Thầy tỏa sáng làm các ông lóa mắt, ra mê sảng. Ông Phêrô hôm nay cũng mạnh tin, nhưng đến khi gặp sóng gió thì niềm tin như chẳng còn. Chỉ khi kêu cứu đến Thầy thì ông được lại sự an toàn, bình an trong tay Thầy mình.
“Màn trượt băng”hôm nay cho chúng con một bài học: phải luôn luôn tin tưởng, buông mình trong bàn tay yêu thương của Chúa. Có Chúa cùng đi với con trên mọi nẻo đường đời, có khi nào yếu lòng hầu quỵ ngã,con vẫn một niềm bám víu vào Chúa như Phêrô, để rồi sẽ thấy: “Kìa bóng Chúa hiện đến cầm tay nâng con lên, ủi an như mẹ hiền. Chúa chính là Chúa bình an”. (Thánh ca).
Én Nhỏ