Suy niệm 1
LỜI CHÚA MÃI CÒN ỨNG NGHIỆM
Kính thưa cộng đoàn! Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của dân Is-ra-el khi được tư tế Ét-ra công bố sách luật của Thiên Chúa, và cũng là dịp thuận lợi cho chúng ta nhìn lại rằng: chúng ta đã đặt để Lời Chúa làm trung tâm điểm của đời sống đức tin, cuộc sống gia đình, đời sống tận hiến, đời sống mục vụ và truyền giáo của mỗi người chúng ta trong từng hoàn cảnh, sứ vụ chưa?
Tin Mừng theo Thánh Lu-ca thuật lại sự kiện Chúa Giê-su trở về Na-da-rét nơi Ngài được sinh trưởng và điều trước tiên Ngài làm giống như bao nhiêu người khác đó là vào hội đường, đọc sách Thánh, tham dự vào sinh hoạt thiêng liêng, cộng đồng. Mặc dù danh tiếng Ngài lan rộng khắp miền chung quanh, nhưng Ngài không quên tham dự đời sống tâm linh với mọi người nơi quê hương của mình. Ở chi tiết này, chúng ta học được nơi Chúa Giê-su nên đặt ưu tiên ở đâu, biết ưu tiên việc gì cho phải lẽ. Đó là đời sống cầu nguyện, đời sống thiêng liêng, đời sống nối kết với Lời của Chúa qua việc học hỏi, chia sẻ, tham dự vào Tiệc Thánh dù ở đâu, nơi xứ sở quê hương hay đất khách quê người, nơi cùng ngôn ngữ hay khác ngôn ngữ, nơi có nét văn hoá tương đồng hay khác lạ, v.v...Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi khi người Công giáo chúng ta đi du lịch hay đi thưởng ngoạn, chúng ta đã nhớ cầu nguyện, có ưu tiên việc tham dự Thánh lễ hàng đầu, có chút quan tâm đến đời sống đức tin của mình chăng? Hay đó chỉ là thứ yếu, còn điều không thể quên đó là tìm xem danh lam thắng cảnh, đắm mình vào cuộc vui, thưởng thức đồ ăn thức uống, và tán gẫu vô thời lượng?
Cũng như Chúa Giê-su, dân Is-ra-el, già trẻ lớn bé đều chú tâm lắng nghe thầy tư tế Ét-ra trong bài đọc I công bố sách luật (Lời Chúa), rồi đáp ‘Amen’, cúi mình, phủ phục trước Thiên Chúa (x. Nkm 8, 6). Sau khi được nghe, được giải thích từng đoạn trong sách luật Chúa, mọi người đều đã hiểu điều được đọc. Họ đã đặt Lời Chúa làm kim chỉ nam dẫn lối cho cuộc sống của họ. Hơn nữa, Lời Chúa còn được ứng nghiệm nơi cuộc sống, hoàn cảnh, trong từng trách vụ của mỗi người chúng ta, và còn thúc bách chúng ta ra khỏi ‘nệm ấm gối êm’ của cuộc sống thoải mái, dễ giải, nhằm hướng tới việc làm chứng tá cho Chúa nữa. Lời tiên tri nói về Đấng Cứu Thế nay được ứng nghiệm một cách sống động nơi chính Đấng đã được loan báo từ xa xưa “
hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe” (Lc 4, 21). Lời tiên tri ấy đã thành sự, và đang diễn ra trước mắt chúng ta qua chính Con Một Thiên Chúa – Đấng đã được nói đến và được sai đến – hầu thực hiện kế hoạch yêu thương vô điều kiện của Thiên Chúa Cha, “…
sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng” (Lc 4, 18-19).
Một cách cụ thể hơn, Lời Chúa tiếp tục ảnh hưởng không ngừng trong cách sống, trong lối suy nghĩ, nhìn nhận hay nhận định, đánh giá sự việc, nhãn quan về thế giới hay con người của chúng ta. Không chỉ là nhân tố bên ngoài tác động vào tư tưởng, hành vi, lời nói, việc làm của mỗi chúng ta, mà Lời Chúa còn được biểu lộ và linh nghiệm trên mọi nẻo đường cuộc đời, qua mọi sự kiện kể cả sự cố, qua đời sống gia đình, đời sống tận hiến - phục vụ - truyền giáo của chúng ta, vì chính Lời – Con Thiên Chúa Hằng Sống, Đấng Phục Sinh – đang hiện diện, đồng hành và nâng đỡ chúng ta. Chính vì thế, tuy chúng ta được Chúa tạo dựng ‘độc nhất vô nhị’, khác nhau, nhưng mỗi người đều là chi thể, hay bộ phận nhỏ bé của thân xác Chúa Ki-tô (Thân xác Mầu nhiệm hay Nhiệm Thể). Chẳng phải vì khác nhau mà chúng ta tự cho mình quyền tự trị, phân rẽ, chia cắt, mà cũng chẳng phải vì chúng ta tương đồng nên chúng ta có thể hoà hợp, đoàn kết, hiệp nhất với nhau! Nhưng vì mỗi chúng ta đều thuộc về Chúa Ki-tô dù chúng ta chỉ là từng chi thể, từng bộ phận khác nhau. Nhờ Lời – Chúa Ki-tô – gắn kết mỗi cá thể tuy khác nhau nhưng hợp nhất với nhau. Nhờ Lời – Chúa Ki-tô – nối kết mỗi cá nhân dễ rơi vào chủ nghĩa cái tôi (chủ nghĩa cá nhân) nhưng được hiệp nhất với nhau. Nhờ Lời – Chúa Ki-tô – làm cầu nối hàn gắn mọi đố kỵ, giận hờn, ghen ghét, oán thù nơi từng chi thể trở nên một thân thể mà trong đó tình bác ái, yêu thương, tha thứ, bao dung, cảm thông được đặt lên hàng đầu: “…
anh chị em là thân xác Chúa Ki-tô và là chi thể của Người…” (x. 1Cr 12, 27). Phần chúng ta, ước mong chúng ta ngày càng xác tín, ra sức nỗ lực làm theo sức mình và cộng tác hầu lo công ích cho nhau trong gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ, trong hội dòng và trong xã hội.
Giờ đây, chúng ta cùng nhau dâng lên Chúa muôn lời cảm mến và hết lòng cầu nguyện:
Lời Chúa – ngọn đèn sáng soi Nơi cung lòng tối mòn mỏi chờ trông. Lời Chúa – ánh sáng trinh trong Soi đường con bước, cậy trông miên trường. Lời Chúa – nơi con náu nương Xa lìa ganh ghét, yêu thương một đời. Lời Chúa ứng nghiệm người ơi Thực thi bác ái, rạng khơi tâm hồn. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng