Suy niệm 1
Vào gia phả con người để cứu con người
(Mt 1, 1-25)
Vọng Lễ Chúa giáng sinh, phụng vụ Giáo hội cho chúng ta đọc gia phả nhân loại từ Abraham đến thánh Giuse bạn của Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người sinh ra trong gia phả ấy (x.Mt 1, 16), với câu: “
Vậy từa Abraham đến Đa-víd có tất cả mười bốn đời. từ Đa-víd đến cuộc lưu đầy ở Babilon có mười bốn đời; từ cuộc lưu đầy ở Babilon đến Chúa Kitô có mười bốn đời” (Mt 1, 17).
Câu trên không khỏi làm người ta thắc mắc. Chúa Giêsu chẳng có liên hệ gì về mặt huyết thống với dòng dõi vua Đa-víd ? Nếu Đa-víd đã sống khoảng 1000 trước khi Chúa Giêsu sinh ra thì Chúa Giêsu là con Đa-víd thế nào được ?
Thưa: Đấng Đấng Cứu Thế đã hoàn tất lời tiên tri về dòng dõi của Đa-víd (2 Samuel 7, 12-16). Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế đã được hứa, sinh ra bởi dòng dõi vua Đa-víd (x. Rm 1,3; Tm 2,8; Mt 1). Gia phả minh chứng, Chúa Giêsu theo nhân tính, Người là hậu duệ trực tiếp của Đa-víd qua Giuse, người cha hợp pháp của mình.
Câu mở đầu trong gia phả, Chúa Giêsu được xác định là “con vua Đa-víd” (Mt 1,1). Tiếp theo, lần theo dấu vết con cháu của Abraham đến “vua Đa-
víd”. Gia phả của Chúa Giêsu chứng tỏ Con Thiên Chúa nhập thể là một người thật trong lịch sử Dân Chúa. Qua các thời đại, Thiên Chúa là Đấng trung thành đã thực hiện lời hứa cứu độ.
Gia phả của Đức Giêsu Kitô Người ta có cố có ông, có cha có mẹ có ông có bà, tức là có một gia phả. Chúa Giêsu dù là Thiên Chúa, nhưng làm người, nên cũng không nằm ngoài qui luật tự nhiên ấy. Gia phả của Đức Giêsu Kitô được Thánh sử Matthêu viết thật là dài, cả thảy 42 đời, không phải một cách hết sức chính xác và đầy đủ theo nghĩa lịch sử, nhưng mang nặng ý nghĩa thần học. Gia phả này nhắc nhớ chúng ta rằng, “
Sau sự sa ngã phạm tội của Ađam và Evà, Thiên Chúa đã không muốn bỏ rơi nhân loại một mình, cũng như đã không muốn phó mặc nhân loại cho sự ác. Ngài đã đáp trả lại sự nặng nề của tội lỗi bằng sự phong phú tràn trề của ơn tha thứ. Lòng Thương Xót luôn luôn vượt lên trên mọi mức độ của tội lỗi, và không ai có thể đặt ra những giới hạn cho Tình Yêu tha thứ của Thiên Chúa” (x. Misericodiae Vultus số 3). Thiên Chúa đã đi tìm Ađam và Evà và đồng hành với con người. Thiên Chúa đã gọi Abraham người đầu tiên trong gia phả, thứ đến là các tổ phụ khác. Thiên Chúa đã hòa mình vào lịch sử với chúng ta, một lịch sử đi từ thánh thiện đến tội lỗi, có những thánh nhân vĩ đại nhưng cũng có những tội nhân thấp hèn. Đó là Tình Yêu an ủi của Thiên Chúa, Đấng tha thứ và ban tặng niềm hy vọng cho chúng ta.
Theo thánh Mátthêu, Đức Giêsu xuất thân từ dòng dõi Abraham, và cuộc đời Người gắn kết với dân tộc Israel, một dân được tuyển chọn trong tình thương. Đức Giêsu cũng là Con của vua Đa-víd, nên Người có cơ sở để là Đấng Messia như lời hứa.
Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa là người cuối của gia phả, nhưng lại là nhân vật trung tâm (x. Mt 1,16-17). Toàn bộ lịch sử của dân tộc Israel cũng là lịch sử cứu độ. Dòng lịch sử cứu độ này đã lên đến tột đỉnh nơi Đức Giêsu Kitô. Nơi Người, Thiên Chúa đã đưa lịch sử nhân loại đến chỗ thành toàn.
Quả thật, Con Thiên Chúa hòa mình vào một lịch sử đi từ thánh thiện đến tội lỗi, một gia phả khác thường đối với Do thái giáo. Bởi lẽ, trong gia phả Đức Giêsu có tên một số phụ nữ, đó là chuyện lạ, vì người Do Thái thường chỉ để tên người cha. Trừ Đức Maria ra, còn bốn phụ nữ kia đều có gốc dân ngoại, mỗi bà một hoàn cảnh không ai giống ai chứng tỏ Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn lịch sử nhân loại. Thiên Chúa muốn dùng những cái bất ngờ để đem các kế hoạch của Ngài đến thành công. Lịch sử nhân loại không phải là một chuỗi dài các biến cố dẫn tới một kết cục định trước. Lịch sử nhân loại bao gồm tội lỗi và hoán cải, thành công và thất bại, anh hùng và những kẻ hèn hạ. Song, sự Quan Phòng của Thiên Chúa cai quản lịch sử này. Sự Quan Phòng của Chúa biến đường cong thành thẳng, đường gồ ghề thành phẳng mịn. Và cuối cùng, Tình yêu của Thiên Chúa sẽ thắng, như nó được mạc khải nơi Đức Giêsu.
Thánh Matthêu có lý khi đưa bốn phụ nữ vào trong gia phả toàn đàn ông. Tất cả các bà là dân ngoại. Ta-ma và Ra-kháp là người Ca-na-an, Rút là một người Mô-áp, và Bát-sê-ba người Hít-tít. Sự có mặt của các bà trong danh sách là điềm báo vai trò của Đấng Mê-si-a, Đấng mở rộng chương trình cứu độ của Thiên Chúa cho dân ngoại. Đức Giêsu đã là con cháu của các phụ nữ khác thường này, nên cũng mang trong mình chút dòng máu của dân ngoại nếu tính theo gia phả, dẫn đến cuộc sinh hạ của Đức Kitô cũng khác thường. Đức Giêsu cứu rỗi mọi người, người tội lỗi cũng được cứu; cả người tội lỗi cũng được cộng tác vào công cuộc của Chúa. Ơn cứu rỗi là ơn nhưng không Chúa ban, không do công trạng con người.
Sự giáng sinh của Con Một Chúa Cách làm người của Con Thiên Chúa vừa bình thường lại vừa tuyệt đối khác thường. Bình thường vì Người được sinh ra bởi một người nữ (x. Gl 4, 4). Khác thường vì Người không được sinh ra bởi người nam (cha ruột), nhưng do quyền năng Chúa Thánh Thần (x. Mt 1, 18. 20). Mátthêu diễn tả một cách tinh tế như sau: “
Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, từ bà Đức Giêsu được sinh ra, cũng gọi là Đức Kitô” (c. 16). Có thể nói, Đức Giêsu có dược “nhập khẩu” vào dòng dõi vua Đavít hay không đều tùy thuộc vào lời đáp trả của thánh nhân. Nên Thánh Mátthêu đã làm nổi bật dung mạo vị cha nuôi của Chúa Giêsu, vừa nhấn mạnh rằng, nhờ qua thánh nhân, Con Trẻ được đưa vào trong dòng dõi vua Ðavít một cách hợp pháp, và như thế thực hiện những Lời Kinh Thánh, trong đó Ðấng Thiên Sai được các tiên tri loan báo như là “
Con của Vua Ðavid ”. Như thế, Con Thiên Chúa đã có một người mẹ để trọn vẹn là người. Có cha nuôi là thánh Giuse để được thuộc về dòng Đavít với một gia phả. Có một gia đình cần thiết để sống và lớn lên.
Nhìn vào thánh Giuse, vị hôn phu của Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, cha nuôi Đức Giêsu, mẫu gương của người “công chính” (Mt 1,19) với vai trò trổi vượt về nhân đức trổi vượt, được Thiên Chúa tín nhiệm trao ban quyền làm “Người gìn giữ Ðấng cứu thế”, trong gia đoạn đầu của công trình cứu chuộc, khi hoà hợp hoàn toàn với vị hôn thê của mình, tiếp rước Con Thiên Chúa làm người và canh chừng cho sự tăng trưởng nhân bản của Con Thiên Chúa. Vì thế, thật xứng hợp biết bao hướng về ngài, cầu xin ngài trợ giúp chúng ta.
Noi gương ngài, chúng ta mở rộng lòng mình ra, chuẩn bị nội tâm để đón nhận và gìn giữ Chúa Giêsu trong đời sống chúng ta. Uớc chi Chúa có thể gặp thấy trong chúng ta lòng quảng đại sẵn sàng đón Chúa đến, như đã xảy ra như vậy tại Bêlem trong Ðêm Cực Thánh Chúa sinh ra đời. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ Suy niệm 2
CẢM NGHIỆM MẦU NHIỆM GIÁNG SINH
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Đã biết bao lần, chúng ta được mừng lễ Giáng sinh, được tận hưởng không khí se se lạnh, cùng nghe các bài hát Thánh ca Giáng sinh, đi viếng hang đá, chụp hình dưới cây Noel rực rỡ, v.v…Nhưng thử hỏi chúng ta đã cảm nhận được tình yêu Chúa yêu thương chúng ta thế nào qua mầu nhiệm Giáng sinh chưa?
Thánh Gio-an Tông đồ quả quyết: “Tình yêu của Chúa là như thế này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước, nhưng Ngài đã yêu chúng ta trước và đã gởi Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta…” (1Ga 4,10). Hơn thế, thánh nhân còn mời gọi chúng ta suy ngẫm và cảm nhận sâu sắc hơn về điều này, rằng: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Ngài yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thật sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1Ga 3, 1). Thật vậy, trên chặng đường đời, giữa dòng chảy ngược xuôi, có lẽ chúng ta vẫn nghĩ: chúng ta đang đi tìm Chúa, chúng ta đang yêu Chúa, chúng ta đang cảm nghiệm tình thương mà Ngài đã-đang-và luôn luôn dành cho nhân loại; nhưng thật ra, Chúa đi tìm chúng ta trước, Chúa yêu chúng ta trước và Ngài hằng tuôn đổ ân phúc trên chúng ta để cho chúng ta cảm nhận tình yêu này mỗi ngày.
Chuyện kể rằng: có hai người bạn chơi thân với nhau lắm. Một hôm, họ cùng giao kèo rồi chia tay nhau đi tìm điều quý giá nhất trên đời. Họ hẹn sẽ gặp lại nhau sau khi đã tìm thấy. Người thứ nhất đi tìm viên kim cương xanh ngọc vô cùng quý giá. Vì vậy, bất cứ đâu bán đá quý, kim cương, anh đều tìm đến. Cuối cùng, anh cũng mãn nguyện vì đã tìm được viên kim cương xanh ngọc ấy, rồi vui mừng vội vã trở lại quê hương chờ bạn. Trong lúc ấy, người thứ hai lặn lội đi tìm Chúa. Anh đi khắp nơi thọ giáo các bậc thánh hiền, học hỏi từ những nhà hiền triết, chăm chú đọc sách, nghiền ngẫm nhưng vẫn không tìm được Chúa. Nhiều năm trôi qua, đang lúc tuyệt vọng, anh vô tình nhìn thấy dòng sông lững lờ, một đàn vịt con đang bơi lội tung tăng như đang vui đùa với nhau. Anh thấy ngạc nhiên là: trong khi vịt mẹ tìm con, thì bầy con lại cứ muốn rời khỏi mẹ để đi tìm ăn riêng. Nhưng vịt mẹ chẳng hề tỏ vẻ giận dữ, cứ lẽo đẽo theo bầy con và gom chúng lại. Chứng kiến cảnh vịt mẹ mãi mê tìm con như thế, anh mỉm cười mãn nguyện trở về quê hương, mặc dù chưa đạt được mục đích. Cả hai hội ngộ, và người bạn kia bèn hỏi anh điều quý giá mà anh đã tìm được là gì khiến gương mặt rạng rỡ hớn hở như thế. Lúc đó, dù trở về với hai bàn tay trắng, nhưng tâm hồn anh tràn ngập niềm vui liền thốt lên: – Điều quí giá mà tôi đã tìm thấy, đó là trong khi tôi đi tìm Chúa, thì chính Ngài đã đi tìm tôi.
Mỗi khi mừng lễ Giáng sinh, chúng ta suy ngắm mầu nhiệm Con Chúa nhập thế và nhập thể, mầu nhiệm Thiên Chúa đi tìm con người, mầu nhiệm Thiên Chúa trao ban Con Một yêu dấu của Ngài để làm của lễ đền tội cho chúng ta. “Ngôi Lời đã nhập thể, và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Lắm lúc chúng ta tưởng mình đi tìm Chúa, nhưng thật sự chính Chúa đi tìm chúng ta trước. Lắm lúc chúng ta nghĩ Chúa bỏ mặc chúng ta, nhưng thật ra Chúa đang rất gần chúng ta “Ngài cư ngụ giữa chúng ta” (nt). Ngay cả khi con người sa ngã phạm tội, Thiên Chúa đã lên kế hoạch cứu chuộc. Ngay cả khi con người phản bội bất trung, Thiên Chúa đã mở lối cho chúng ta quay bước trở về. Ngay cả khi con người vô phương cứu lấy chính mình, Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài hiến mình chuộc tội chúng ta. Quả thật, lễ Giáng sinh không đơn thuần là lễ hội trang trí đèn hoa, cây thông, làm hang đá, đi lễ rồi về, v.v…, mà là thời khắc ‘độc nhất vô nhị’, là ngày giao duyên đất trời, ngày tỏ rạng ánh sáng cứu độ, ngày Thiên Chúa viếng thăm con người trong hình hài xác phàm. Đúng như thông điệp chứa chan hy vọng của ngôn sứ I-sai-a đã loan báo từ ngàn xưa: “Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta và một Người Con đã được ban tặng cho chúng ta” (Is 9,5). Dĩ nhiên, con người chúng ta không thể lên tới Thiên Chúa, nên Thiên Chúa đã xuống với con người. Chúa giáng trần để cho trần gian/nhân loại biết đường về trời. Chúa mặc lấy bản tính con người để cho con người trở nên con cái Chúa như thánh Tông đồ Gio-an khẳng định: “Những ai tin ở Ngài thì Ngài ban cho quyền được làm con Thiên Chúa” (Ga 1,12).
Hơn nữa, Giáng sinh là mùa trao ban quà tặng, chẳng phải quà tặng thông thường, mà là vật phẩm vô giá: “Đức Giê-su là quà tặng quý giá nhất mà Thiên Chúa gởi trao cho con người” (x.Ga 3,16). Còn chúng ta, không chỉ nhận quà, mà chúng ta được mời gọi cũng hãy trao tặng cho anh chị em những gì cần thiết nhất, với tất cả lòng yêu mến, trân trọng như thể chúng ta đang tặng trao cho chính Hài Nhi Giê-su đang dang tay chờ đón mọi người. Những ai bé nhỏ nhất, những ai cô độc nhất, những ai chịu nhiều đau khổ nhất lại chính là những người cần được gửi trao tặng phẩm Giáng sinh nhất. Trong gia đình, nơi cộng đoàn, cũng như các đoàn thể cầu nguyện, nhóm bác ái, chúng ta cần biểu lộ rõ ràng rằng họ không phải thứ yếu, mà rất quan trọng, đáng kể đối với chúng ta. Danh xưng họ chiếm một vị trí trong tâm hồn chúng ta. Được vậy, chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn tình yêu Giáng sinh, tình yêu mà Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta, cụ thể qua món quà vô giá, tặng phẩm hoan lạc mà Hài Nhi Giê-su đã mặc lấy xác phàm, sinh hạ nơi hang đá bò lừa, cư ngụ giữa nhân loại và cứu độ chúng ta.
Cuộc đời chúng ta là một mùa Giáng sinh liên lỉ, nghĩa là hằng trao ban, chia san, gửi tặng yêu thương mà tiên vàn chúng ta được Thiên Chúa ban tặng. Ước gì khi tặng quà, chúng ta sẽ trao ban vô vị lợi, trao ban không tính toán, trao ban trọn vẹn như thánh Tê-rê-sa Cal-cut-ta từng định nghĩa: “Ki-tô hữu là người trao ban chính bản thân mình”.
Kính chúc quý ông bà và anh chị luôn cảm nhận tình yêu Giáng Sinh, và trở nên khí cụ tình yêu ấy!
Lm. Xuân Hy Vọng ==============
Suy niệm 3
CHIA SẺ CHỨC VỊ LÀM CON CHÚA
Qua Lời Tổng Nguyện của Ngày 25 Tháng 12 hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã sáng tạo con người cách kỳ diệu, lại còn phục hồi phẩm giá con người cách kỳ diệu hơn nữa; xin Chúa ban cho chúng ta được chia sẻ chức vị làm con Chúa với Đức Kitô là Đấng đã chia sẻ kiếp người với chúng ta.
Chia sẻ chức vị làm con Chúa với Đức Kitô, nhờ Đấng Mêsia đã làm người như chúng ta, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Sẽ đến ngày Đấng Mêsia, Con vua Đavít xuất hiện – Thần Khí Đức Chúa ngự trên Người… Ngày hôm nay, từ lòng Đức Trinh Nữ, Vua Trời sinh xuống cõi trần gian, hầu dẫn đưa con người hư hỏng vào hưởng phúc quê trời. Mừng vui lên, hỡi các đạo binh thiên sứ, này Thiên Chúa đã ban cho nhân loại ơn cứu độ muôn đời. Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.
Chia sẻ chức vị làm con Chúa với Đức Kitô, là lời hứa, mà hôm nay, Thiên Chúa đã thực hiện cho nhân loại, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Lêô Cả nói: Hôm nay, Đấng cứu độ chúng ta đã giáng sinh, chúng ta hãy vui mừng. Chúng ta không được phép buồn khi mừng ngày sự sống xuất hiện. Ngày kỷ niệm này phá tan sự sợ hãi trước cái chết và ban cho chúng ta niềm hân hoan được sống đời đời… Hôm nay từ trời cao, Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta bình an đích thực. Hôm nay từ trời cao, mật ngọt chảy tuôn khắp cùng thế giới. Hôm nay đã bừng lên ơn Chúa ban tặng, nhằm cứu chuộc và đổi mới chúng ta, đó là ơn bao thế hệ xa xưa từng mong đợi, ơn đem lại cho người thế hạnh phúc muôn đời.
Chia sẻ chức vị làm con Chúa với Đức Kitô, là phần thưởng, là ân ban do lòng thương xót vô bờ Chúa dành loài người chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Isaia rằng: Hãy nói với thiếu nữ Xion: Kìa ơn cứu độ ngươi đang tới. Kìa phần thưởng của Người theo sát một bên, và thành tích đi ngay trước mặt. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 96, vịnh gia đã kêu xin: Hôm nay chúng ta được ánh sáng bừng lên chiếu rọi vì Chúa đã giáng trần cứu độ chúng ta. Chúa là Vua hiển trị, hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên, vui đi nào, ngàn muôn hải đảo! Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực, hết mọi dân được thấy vinh quang Người. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Vì thương xót, Thiên Chúa đã cứu chúng ta. Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Kitô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời như chúng ta vẫn hy vọng.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương. Trong bài Tin Mừng, thánh Luca tường thuật lại: Các người chăn chiên liền hối hả ra đi và gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống, chúng ta sống được là nhờ thông phần vào sự sống của Thiên Chúa, những người chăn chiên đã nhìn thấy một Hài Nhi, Thiên Chúa làm người ở giữa chúng ta. Ta đã được thông phần bản tính của Thiên Chúa, thì đừng để mình bị thoái hóa, qua việc trở lại với lối sống bất xứng đã qua. Ta hãy nhớ ai là đầu của ta, và ta là chi thể của thân mình nào. Hãy nhớ rằng ta đã được cứu thoát khỏi quyền lực tối tăm, đã được đưa vào trong ánh sáng, vào Nước Chúa. Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, ta đã trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần. Ta đừng xua đuổi vị khách quý trọng như thế, do những hành vi xấu xa của ta, đừng để mình lại rơi vào ách nô lệ ma quỷ, vì giá chuộc chúng ta là chính Máu Đức Kitô. Chúa đã sáng tạo con người cách kỳ diệu, lại còn phục hồi phẩm giá con người cách kỳ diệu hơn nữa. Ước gì chúng ta được chia sẻ chức vị làm con Chúa với Đức Kitô là Đấng đã chia sẻ kiếp người với chúng ta. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB ==============
Suy niệm 4
Cửa Thánh mở - Niềm vui Chúa ra đời
(Lc 2, 1-14)
Đêm nay là đêm vui nhất không chỉ riêng Giáo Hội Công giáo mà còn cho toàn thể : nhân loại. Đêm nay thật linh thiêng, vì có tin từ Trời xuống lúc nửa đêm cho các mục đồng: “Đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi” (Lc 2,12). Đêm nay Giáo hội lặp lại lời Sứ Thần loan toàn cho thể nhân loại, cho mọi người và từng người ở thời đại chúng ta.
Tin mừng Chúa Cứu Thế giáng sinh
Lời của Sứ Thần báo cho các mục đồng tuy xa xưa những vẫn luôn mới mẻ trong đêm nay, làm chúng ta sống lại bầu khí linh thiêng của Ðêm Thánh, Ðêm mà cách đây 2024 năm tại Bêlem, Con Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại đã thân hành xuống thế, giáng sinh làm người giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi, và cư ngụ giữa chúng ta. Đây là cuộc hòa mình của Thiên Chúa vào trong lịch sử nhân loại : “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên” (Tv 84, 11).
“Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. Đại tin vui được loan báo vang vọng trong đêm đen. Làm sao không mừng được, bởi vì Hài Nhì giáng sinh làm người là một Quà Tặng được Thiên Chúa Cha gửi trực tiếp đến cho các mục đồng trong cánh đồng Belem, cho dân vùng Giuđa lẫn vua Hêrôđê, cho các nhà đạo sĩ từ phương xa vất vả tìm đến, cho Mẹ Maria, Thánh Giuse và cho thế giới. Thiên Chúa đang trực tiếp chỉ tay vào mỗi người chúng ta và nói với chúng ta: Hài Nhi Giêsu là Quà Tặng cho con đó.
Tin mừng Chúa sinh ra đời là tin vui trọng đại cho toàn thế giới, niềm vui ấy là chính Chúa Giêsu, “Một Hài Nhi đã sinh ra cho chung ta” (). Nhân loại đón nhận niềm vui Giêsu mà Chúa Cha ban tặng: “Nào chúng ta hãy đến Belem” để đón lấy Hài Nhi Giêsu, Đấng Cứu Thế. Người là Qùa Tặng của Cha trên trời gửi tặng mỗi chúng ta trong hoàn cảnh của mình.
Mừng vì Cửa Năm Thánh mở ra
Việc mở Cửa Năm Thánh vào ngày trước Lễ Đêm Giáng sinh cho thấy Năm Thánh là một trong những khoảnh khắc quan trọng, tượng trưng cho một con đường, một sự canh tâm thiêng liêng, và lời mời gọi đón nhận cuộc sống mới được ban cho chúng ta qua chiếm ngắm Hài Nhi, Con Thiên Chúa xuống thế làm người.
Quả thật, Chúa Giêsu sinh xuống làm người để đưa con người ra khỏi bóng đêm tội lỗi. Giải thoát con người khỏi mọi hình thức nô lệ, mở mắt cho người mù, giải phóng những người bị áp bức (x. Lc 4,18-19). Sứ vụ Cứu Thế của Người đã mở rộng ý nghĩa Năm Toàn xá giải quyết mọi hình thức áp bức con người, trở thành một dịp ân sủng để giải thoát những ai đang bị giam cầm của tội lỗi, cam chịu và tuyệt vọng. Năm Thánh là lời mời gọi chữa lành khỏi cái mù nội tâm ngăn cản chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và người khác, giúp chúng ta những Người Hành Hương Hy Vọng, gặp gỡ Chúa, trong hy vọng chứa chan.
Đối diện với những điều không chắc chắn của cuộc sống, con người khao khát vượt qua sự ngờ vực, hoài nghi và tuyệt vọng. Chúa Kitô, niềm hy vọng của chúng ta, đáp lại nỗi khao khát nội tâm này, mời gọi chúng ta tái khám phá niềm vui có Chúa ở cùng. Cuộc gặp gỡ này đổi mới chính cuộc sống. “Có thể thấy rõ rằng đời sống Kitô hữu là một con đường cần những khoảnh khắc mạnh mẽ để nuôi dưỡng và củng cố niềm hy vọng như người bạn đồng hành không thể thay thế, cho ta thoáng thấy mục tiêu là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu” (Hy vọng không làm thất vọng, n. 5).
Bước vào Năm Thánh với niềm hy vọng
Cửa Năm Thánh lệ thường đã mở với chủ đề: “Những Người Hành Hương Hy Vọng”. Chúa Cha đã yêu thương nhân loại đến nỗi trao tặng Người Con Một, Người Con ấy là Ân Sủng của Thiên Chúa, là Tình Yêu đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người (x. Tt 2, 11 ), là Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta. Cuộc giáng sinh diệu kỳ của Con Một Chúa đã đánh dấu bước điểm khởi đầu mới của lịch sử.
Trong đêm cực thánh này, Chúa Kitô đã từ trời cao sinh xuống giữa chúng ta. Ngôi Lời nằm khóc trong máng cỏ, được gọi là Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa cứu độ “bởi vì Người sẽ cứu dân Người khỏi mọi tội lỗi” (Mt 1,21). Quả thật, khi chiêm ngắm liên lỉ dung mạo của Chúa Giêsu, chúng ta khám phá được rằng, tình yêu của Thiên Chúa là chung kết và tối thượng, nghĩa là ở ngay từ một Hài Nhi bé bỏng đã mang đến cho chúng ta một tình yêu không bao giờ vơi cạn, khi chấp nhận bước vào cuộc đời này trong một thân phận không thể thấp hèn hơn được nữa, để những ai trong Đêm Giang Sinh dù không có một mái nhà, dù đang đau khổ vì tình yêu bị phản bội, khổ đau vì bị con cái hắt hủi thì nhìn vào mái ấm gia đình ở nơi hang đá vẫn cảm thấy trong cuộc đời này có ai đó đồng cảm và thông cảm được với mình.
Lạy Chúa Hài Nhi, Tình Yêu của Chúa Cha, Hoàng tử của Hòa Bình, Ðấng Cứu Chuộc, đã giáng sinh vì chúng con. Trong giai đoạn đầu của Năm Thánh chúng con vừa bước vào, xin Chúa hãy đổ trên chúng con Thánh Thần của Chúa, ngõ hầu ân sủng của Mầu Nhiệm Nhập Thể khơi dậy nơi mỗi tín hữu niềm hy vọng, tích cực dấn thân sống quảng đại hơn, phù hợp với sự sống mới do bí tích Rửa tội trao ban. Xin hãy đồng hành với Giáo hội Chúa trên con đường đang mở ra dẫn đưa Giáo hội bước đi trong Năm Thánh! Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ