Thứ năm, 21/11/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXXI Thường niên năm B

Cập nhật lúc 10:49 31/10/2024
Suy niệm 1
ĐỪNG BAO GIỜ TÁCH RA LÀM ĐÔI
Trong thời gian mục vụ của tôi, biết bao lần anh chị giáo dân đến hỏi han cũng như tâm sự: Cha ơi! Cho con hỏi: con vẫn đi lễ hằng ngày, siêng năng lần chuỗi Mân Côi, đọc kinh Lòng Chúa thương xót…, nhưng sao con chẳng thể yêu mến người con không ưa hoặc người không ưa con!!!??? Tương tự, không ít giáo dân cũng than thở, đặt câu hỏi cho tôi: Cha ơi! con đi làm từ thiện nhiều, con đi giúp đỡ người này người kia, nhưng sao con vẫn không thể nào yêu mến giáo xứ con, chưa cảm thấy thích thú đến với Chúa qua Thánh lễ, cầu nguyện và những hoạt động chung của giáo xứ!!!???
Đối với vấn đề trên, có thể tôi không đưa ra lời giải đáp thoả đáng nhất được, nhưng thiết nghĩ, qua các bài đọc hôm nay, đặc biệt bài Tin Mừng, chúng ta sẽ tìm thấy điều gì thiếu thốn, chưa đủ đầy trong đời sống đạo, đời sống đức tin của chúng ta!
Chắc chẳng cần phải nói nhiều, chúng ta cũng biết nội dung chính của các bài đọc hôm nay, đó là: giới răn yêu thương, cụ thể: Mến Chúa và yêu người. Từ nhỏ được học kinh bổn (giáo lý vỡ lòng), ai trong chúng ta đều thuộc nằm lòng câu tóm gọn sau khi đọc kinh Mười điều răn: ‘…Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà chớ, trước kính mến một Chúa trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen!’ Lời kinh thật vắn tắt, gãy gọn, dễ nhớ, giúp chúng ta thực hành mỗi ngày trong đời; thế nhưng, trên thực tế, chúng ta thường có khuynh hướng tách biệt hai điều răn này ra. Cho nên, nhiều người Công Giáo vẫn nghĩ: ‘yêu mến Chúa hết lòng qua việc đi tham dự Thánh lễ hằng ngày, siêng năng đọc kinh cầu nguyện là đủ rồi, không cần yêu thương anh chị em nữa. Vả lại, việc thương yêu tha nhân, làm việc bác ái chỉ là một lựa chọn, làm cũng được, mà không làm cũng chẳng sao!’. Chúng ta thường nghĩ: ‘giới răn yêu mến Chúa thì phải giữ, phải sống; còn giới răn yêu thương tha nhân chỉ là phụ, là thứ hạng, chẳng phải là đòi hỏi của Tin Mừng!’ Tương tự, chúng ta nại vào lí do: đạo tại tâm, nên không cần đến nhà thờ tham dự Thánh lễ, không cần tham gia các sinh hoạt chung của giáo xứ, cộng đoàn, không cần đọc kinh cầu nguyện nhiều, mà chỉ tập trung vào giúp đỡ người khác, đi làm từ thiện là đủ đầy cho đời sống đạo của chúng ta!
Chính vì chúng ta tách rời giới răn yêu thương mà Chúa dạy, chỉ chú trọng hoặc đánh giá cao một giới răn, mà bỏ qua hoặc lãng quên giới răn kia, nên mới dẫn đến những vấn đề, cũng như hiện tình đời sống đức tin của chúng ta, được nêu ra ở đầu bài suy niệm này. Trong Tin Mừng theo Thánh Mác-cô, Chúa Giê-su dạy rất rõ ràng bằng cách trích dẫn Cựu ước (sách Kinh Thánh mà hầu hết người Do Thái nào cũng biết rõ, nhất là các nhà thông luật, Biệt phái, kinh sư): “Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Is-ra-el, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi (x. Đnl 6, 5). Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi (x. Lv 19, 18). Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó” (Mc 12, 29-31). Đây tuy là hai giới răn, nhưng thực chất là một. Chúa Giê-su đã đồng hình đồng dạng giới răn yêu người (tha nhân) với giới răn mến Chúa. Ngài đặt tầm quan trọng của giới răn yêu thương tha nhân ngang bằng với giới răn yêu mến Thiên Chúa, như chính Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu thuật lại: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa ngươi…Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (x. Mt 22, 37-39). Lẽ dĩ nhiên, Thiên Chúa luôn luôn cao trọng, quyền năng, chúng ta phải tôn thờ, tôn kính hơn con người, hơn tha nhân; nhưng không bởi vậy mà việc sống bác ái đối với anh chị em bị cho là phụ phần, chẳng cần thực hành. Trái lại, giới răn ‘yêu mến tha nhân như chính mình’ có một vị thế quan trọng như việc chúng ta dành trọn con người mình để kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực vậy.
Nếu biết thực thi song hành giới răn mến Chúa yêu người, chứ không tách biệt hoặc xem trọng một điều, lại bỏ mặc điều kia, thì có lẽ rất nhiều người Công Giáo sẽ sẵn sàng sống chia san, sống bác ái, yêu thương, tha thứ, trở nên chứng nhân (đây là những biểu hiện cụ thể của việc thực thi giới răn yêu người thân cận như chính mình), đồng thời năng đến với Chúa qua Thánh lễ, tham dự các sinh hoạt chung của giáo xứ, siêng năng cầu nguyện hằng ngày, hăng say tìm hiểu-sống Lời Chúa, yêu mến Giáo Hội và giáo xứ của mình (đây là những biểu hiện cụ thể của việc thực thi giới răn mến Chúa). Nếu thực hành giới răn mến Chúa yêu người song song thế này, thì chúng ta sẽ được cảm nghiệm sâu sắc tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, cho mỗi người; và nhờ tình yêu này mà chúng ta càng mến yêu Chúa hơn vì ‘chỉ có tình yêu đáp lại tình yêu mà thôi’. Hơn nữa, nhờ cảm nghiệm này mà chúng ta dám ra đi chia san, dám tha thứ, dám yêu thương tha nhân như thương yêu bản thân vậy. Cũng nhờ tình yêu này, chúng ta đủ nhạy cảm, tinh tế nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa nơi anh chị em. Vì Chúa yêu thương tôi, tha thứ cho tôi, mời gọi-chờ đợi tôi những lúc tôi sa ngã, đón nhận tôi quay về với Ngài, nên cảm nghiệm sống động này thúc giục tôi cũng biết sống chan hoà yêu thương, tha thứ anh chị em, biết nhẫn nại, biết rộng lượng cho người khác cơ hội ‘trở nên tốt hơn’, biết chấp nhận con người yếu đuối của tha nhân, biết sống bác ái, làm việc bác ái đúng nghĩa, chứ không chỉ dừng lại ở công tác từ thiện. Theo lẽ thường tình, chúng ta nghĩ tưởng: làm việc từ thiện cũng chính là làm việc bác ái! Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ lưỡng, chúng ta sẽ thấy được sự khác biệt lớn lao; cũng nên nói ở đây: nhận ra sự khác biệt này chẳng phải để đánh giá thấp công tác từ thiện, hay bác bỏ việc làm từ thiện. Đúng hơn, nó giúp chúng ta hiểu đúng, sống đúng và làm những việc mà Chúa Giê-su mời gọi, cũng như đòi hỏi mỗi người Ki-tô hữu chúng ta.
Thoạt nhiên nhìn qua cách thức hoạt động, những tổ chức bác ái khắp thế giới trên phương diện Giáo Hội hoàn vũ như Caritas Internationalis (Tổ chức Bác ái Thế giới), ở cấp Giáo hội địa phương như Caritas Việt Nam, Caritas Nhật Bản…, tại mỗi Giáo phận như Caritas Hưng Hoá, Caritas Tô-ky-ô..., và xuống các giáo xứ như Caritas Gx. Tân Phước (thuộc Địa phận Sài Gòn), Caritas Gx. Ishigaki (thuộc Giáo phận Naha, Nhật Bản)…dường như giống với những tổ chức từ thiện quốc tế như NGO (tổ chức từ thiện phi chính phủ), NPO (tổ chức từ thiện phi lợi nhuận), v.v…Nhưng thật ra, công tác từ thiện xuất phát từ tình người, từ tình tương thân tương ái, tương trợ lẫn nhau căn bản chỉ dựa trên mối dây yêu thương giữa người với người. Còn công việc bác ái không đơn thuần chỉ xuất phát từ con tim, từ tình người, từ mối tương quan gắn kết con người với nhau, mà là một ơn gọi, một lời cam kết dấn thân phục vụ-chia san với tha nhân theo khả năng cụ thể của bản thân. Hơn nữa, tôi sống bác ái, thực thi công việc bác ái không chỉ vì tình người, mà vì Chúa yêu tôi, thương tôi đến nỗi tự hiến mạng sống của Ngài để cứu rỗi tôi, vì Ngài mời gọi tôi sống trọn vẹn như Ngài, nên tôi vui vẻ, sẵn sàng, can đảm đến với người khác, chia sẻ với tha nhân không chỉ vật chất, hiện vật, hiện kim (theo khả năng của mình), mà còn cho đi những gì quý giá nhất của bản thân mà không tính toán, đòi hỏi trả công như sức khoẻ, thời gian, tài năng, trí lực, nguồn liệu, ân sủng được lãnh nhận từ Chúa (như ơn tha thứ, lòng vị tha, nhẫn nại, điều độ, khôn ngoan, đặc biệt ba nhân đức đối thần: tin - cậy - mến…). Không chỉ dừng lại ở việc từ thiện, từ tâm, làm việc phước đức…, mà chúng ta hăng hái, nhiệt thành làm việc và sống bác ái vì chính tình yêu Chúa thúc giục tôi như Thánh Tông đồ Phao-lô đã từng quả quyết: “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi” (x. 2Cr 5, 14). Tuy nhiên nhìn vào thực tế, có lẽ vẫn còn không ít người Công Giáo chưa dám cho đi theo khả năng, chưa sẵn sàng chia san và sống bác ái như Chúa mong muốn. Chúng ta thường nại vào lí do: tôi chẳng có gì để cho cả, tôi vẫn còn túng thiếu, chưa dư giả gì để chia sẻ với người khác, tôi chỉ có thể cầu nguyện cho những ai cần giúp đỡ, mà nếu tôi không giúp, thì khối người ngoài kia sẽ giúp đỡ họ thôi…! (rất rất nhiều lí do khác nữa). Quả thật, Chúa nào nỡ bắt chúng ta phải cho hết như bà goá nghèo, Chúa nào khắc khe buộc chúng ta phải bán hết tài sản của mình mà cho người nghèo, giúp đỡ những ai túng thiếu, cần hỗ trợ đâu! Chúa chỉ vui thích, hài lòng khi nhìn thấy chúng ta đến với Chúa chân thành, trung tín sống lời cam kết khi được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, hăng say làm chứng tá yêu thương, sống bác ái, biết tha thứ, chia san với anh chị em khác theo khả năng và lòng quảng đại của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con đã thuộc nằm lòng giới răn yêu thương ‘mến Chúa, yêu người’, nhưng lắm lúc chúng con chưa nỗ lực thực hành. Xin cho chúng con biết dùng thời gian, tài năng, nguồn lực, trí lực, những của cải chóng qua này, mà hân hoan sống giới răn ‘mến Chúa, yêu người’ như lòng Chúa mong muốn. Xin cho chúng con ý thức thực hiện giới răn yêu thương này, chẳng phải tách ra làm đôi, nhưng luôn thực thi song hành ‘mến Chúa, yêu người’ một cách cụ thể trong đời sống thường nhật, nơi công sở, giữa hàng xóm láng giềng với nhau, trong gia đình, giáo xứ, hội dòng, Giáo hội, và xã hội. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
===============
Suy niệm 2
ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT
Mc 12, 28b-34
Đức Giêsu đã tóm Luật Môsê trong động từ yêu mến. Trước tiên là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực, vì Ngài là căn cội và cùng đích của đời sống con người. Tình yêu không thể nài ép mà là nhận ra và đáp trả. Chính sự đáp trả này làm cho con người là người, là con cái của Thiên Chúa và là anh em với nhau. Vì vậy, điều răn đứng đầu gắn liền với điều răn thứ hai:“Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Chính trong Chúa, ta nhận ra phẩm giá đích thực của một con người, dù đó là một thai nhi, một phạm nhân hay người mất trí. Chỉ trong Chúa, ta mới yêu thương đến cùng, vì nhận ra mỗi người là hình ảnh của Ðức Kitô đang sống.
Có một người kia sau khi ăn chay 70 tuần, thì xin Chúa cho mình hiểu ý nghĩa vài câu trong Kinh Thánh, nhưng Chúa không trả lời. Cuối cùng, người đó phải tìm đến với người anh em để xin giải thích. Khi người đó lên đường, Chúa gửi một thiên thần xuống nhắn nhủ rằng:“Bảy mươi tuần ăn chay của con cũng không làm cho con đến gần Chúa. Nhưng bây giờ con có lòng khiêm tốn đến với người anh em, nên ta được Chúa gởi đến để nói cho con ý nghĩa các lời thánh”.
Nhân danh lòng tin vào Chúa mà không mở lòng mình ra với tha nhân, phải chăng là một thứ kiêu ngạo thiêng liêng? Đó không phải là tin vào Chúa mà là tin vào sự thánh thiện của mình. Tiếng nói của Chúa trong ta không phải là tiếng nói duy nhất của Ngài, mà Ngài còn nói với ta qua sự khôn ngoan và nhãn quan thiêng liêng của người khác. Ta cần mở lòng ra để đón nhận những tư duy mới, các khả năng mới như một cách thức của Lời Chúa. Khép kín với bất cứ một cái gì, hay bất cứ ai, là khép kín khả năng có thể tái sinh chính mình.
Luật thánh Bênêđictô dạy, khi có ai gõ cửa thì phải nói: “Benedicite”, có nghĩa sâu xa rằng: cảm tạ Chúa vì có người đến làm phong phú lương tri của con, chỉ dẫn con cách suy nghĩ, cách sống, và làm cho con vượt ra khỏi thế giới chật hẹp của mình. Mỗi ngày ta cần mở lòng để đón tiếp một kinh nghiệm mới, một tư duy mới, một cái gì đó nơi người khác để khai sáng trí não mình.
Cũng có một giai thoại khác kể rằng, đêm nọ xuyên qua cửa sổ, một tu sĩ già bỗng nhìn thấy thiên thần đang ngồi ghi tên những ai yêu mến Chúa vào cuốn sách vàng. Ông hỏi thử xem có tên mình không. Thiên thần giở ra nhưng không thấy. Ông nài nỉ thiên thần: “Xin Ngài ghi tên tôi là người lúc nào cũng yêu mến tha nhân”. Thiên thần cũng chiều ý ông, thế là tên ông được ghi vào sổ vàng. Tối hôm sau, giữa ánh trăng sáng, thiên thần lại hiện ra và mở cuốn sổ vàng cho vị tu sĩ xem. Lần này, ông thấy tên của mình dẫn đầu trong danh sách những người yêu mến Chúa. Sau khi vị tu sĩ già qua đời, các anh em trong tu viện xem lại nhật ký của ông, thấy câu đầu tiên là câu trích dẫn từ thư 1Ga 4, 20: “Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”. Tiếp theo, ông ghi chú như sau: “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy. Tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt khỏi tầm tay tôi. Tôi đi tìm người anh em tôi, tôi đã gặp Chúa và linh hồn tôi”.
Ta không thể gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa trong tâm tưởng hay trong ước muốn, mà là nơi chính tha nhân, nơi những hành động cụ thể trong những tương quan hằng ngày. Thiên Chúa và tha nhân hòa hợp làm một trong cõi lòng ta. Ta yêu tha nhân trong Chúa, và yêu Chúa nơi tha nhân. Tuy nhiên, điều này không dễ chút nào. Chúng ta có thể cầu nguyện để làm tăng triển mối liên hệ với Chúa, nhưng rồi đối với chính mình thì ta có thể bất mãn, than thân, trách phận. Còn đối với tha nhân thì lại bất nhẫn, nói hành, nói xấu, hận thù... Lòng đạo đức như vậy có thể là một thứ đạo đức bệnh hoạn. Và yêu Chúa như vậy cũng có thể là một thứ tình yêu lệch lạc. Chỉ khi nào ta chấp nhận bản thân, hoàn cảnh và giới hạn của mình với những khuyết điểm, những lỗi lầm của mình, rồi nhờ ơn Chúa cải thiện dần dần, thì ta mới có thể yêu mến Chúa và thương mến tha nhân.
Cầu nguyện là đặt mình trong Chúa để có thể yêu tha nhân như chính mình. Tình yêu với Thiên Chúa đưa ta vào cuộc sống với anh em. Tình yêu thương anh em đòi ta chìm sâu trong Thiên Chúa, để kín múc nguồn sinh lực hầu tiếp tục hiến trao. Cuối cùng tình yêu ấy lại quay trở về với Thiên Chúa như cùng đích tối hậu của nó, và như vậy phát sinh sự “hợp nhất” toàn hảo, mà Đức Kitô đã ao ước thực hiện giữa Thiên Chúa với chính Ngài và các kẻ tin (Ga 17, 21). Đẹp biết bao vương quốc của Thiên Chúa, nơi chỉ có tình yêu chiếu sáng rạng ngời, dành cho tất cả những ai đã một đời biết sống trọn vẹn cho tình yêu.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Yêu Chúa lúc bình thường thì không khó,
nhưng yêu khi sóng gió thì không dễ,
nhất là khi gặp khốn khó ê chề,
sa cơ thất thế trở về tay không,
nhưng con vẫn cậy trông và hy vọng,
vì tin Chúa hằng khơi sâu nới rộng,
bằng ân ban và sức sống của Ngài.

Yêu mến Chúa xem ra là điều dễ,
vì dù sao Ngài cũng vẫn là tình yêu,
yêu tha nhân như chính mình mới khó,
nhất là khi bị phủ nhận khinh chê,
bị bất công loại trừ và thay thế,
là những lúc con đau buồn vô kể,
nỗi thù hằn như khống chế tim con,
thấy bao nhiêu thiện chí bị xói mòn.

Nhưng khi con bình tâm suy nghĩ lại,
những tổn thương xem ra cũng rất cần,
để con có kinh nghiệm sống tình thân,
vì nhiều lần con cũng xử vô nhân.

Tình con yêu luôn mang tính hỗ tương,
cả trong những đau thương và hạnh phúc,
muốn yêu thương mà không chịu đau thương,
thì đời con quả thật là ảo tưởng.

Chúa đã sống tất cả mọi tình trường,
muốn cho con nhìn ngắm để noi gương,
trong an vui khiêm nhường mà tiến bước,
để con là nhân chứng của tình thương.

Xin cho con biết sống con người mới,
bằng tình yêu mà Chúa đã gọi mời,
để bừng lên ánh sáng ở mọi nơi,
là niềm vui hạnh phúc đến muôn đời. Amen.

Lm. Thái Nguyên
===============
Suy niệm 3
Bí quyết để sống lâu
(Mc 12, 28b-34)
Ước muốn sống lâu, sống hạnh phúc khang an trên mặt đất này là ước muốn của mọi người. Vậy đâu là bí quyết?
Hãy tuân giữ huấn lệnh và giới răn Chúa
Hỡi Israel, hãy nghe đây…” Biểu thức nầy thường được lập đi lập lại trong sách Đệ Nhị Luật. Kinh nguyện hằng ngày của người Do thái bắt đầu với lời mời gọi này: “Hãy nghe, hỡi Ít-ra-en”, được mượn ở Đnl 6, 4-9.
Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy cho các ngươi, cho con cái cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống các ngươi, để các ngươi được sống lâu dài” (Đnl 6, 2). Việc tuân giữ các huấn lệnh của Thiên Chúa là vấn đề sống còn đối với dân Israel. Để chẳng những được sống, mà còn sống lâu dài thì ông Môsê truyền cho dân chúng phải tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Chúa. Tuân giữ chẳng những một thời gian, nhưng phải hàng ngày. Điều mà bản văn Đệ Nhị Luật nhắm đến là cuộc sống của dân Israel với tư cách dân Giao Ước. Không tuân giữ Lề Luật đồng nghĩa với việc vi phạm Giao Ước, tức là đánh mất những phúc lộc mà Thiên Chúa hứa ban. Vì thế, tiếp liền ngay sau những lời nầy là: “Như vậy, anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà Đức Chúa, là Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em”. Việc thực hành các huấn lệnh gắn liền với niềm xác tín rằng Thiên Chúa đảm bảo cho họ một cuộc sống trường thọ và thịnh vượng, họ sẽ “được phần phúc và sinh sản ra nhiều” (Đnl 6, ). Để có được như thế, họ phải yêu mến Chúa hết lòng.
Yêu mến Chúa hết lòng
Để được sống lâu dài, Môsê đã truyền cho dân chúng phải tuân giữ huấn lệnh và các giới răn của Chúa, trong đó có yêu mến Chúa hết lòng. Đến lượt Chúa Giêsu, Người cũng chỉ cho nhóm luật sĩ phải: “Yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi.” (x.Mc 12, 28-34). Câu luật này trích trong sách Đệ nhị luật 6,5 có đổi một chút, thay vì “hết sức” thì Chúa nói là “hết trí khôn”. Song cốt yếu không có gì đổi.
Chúa cũng mời họ tuân giữ giới răn thứ hai : " Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi" (Mt 22, 39). Luật này trích ở sách Lêvi 19,18 có khác ở chỗ thay vì yêu kẻ khác thì yêu đồng loại: "Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình". Chúa không đòi hỏi chúng ta nhiều điều, bởi "yêu mến là chu toàn cả Lề luật" (Rm 13, 10).
Yêu tha nhân như chính mình
Chúa có truyền dạy chúng ta yêu chính mình không ? Thưa: Thiên Chúa xét thấy không cần buộc con người phải yêu chính mình, vì không ai ghét mình bao giờ. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng muốn yêu mình. Nên khi truyền dạy "Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình", Chúa Giêsu như đặt một tấm gương để tự chúng ta soi xem mình có yêu "kẻ khác" hay không? Chúa Giêsu xem tình yêu " kẻ khác " như "mệnh lệnh của Người," mệnh lệnh tóm tắt toàn thể lề luật. "Đây là mệnh lệnh của Thầy, là anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em" (Ga 15, 12). Nhiều người có khi đồng hóa toàn thể Kitô giáo với luật yêu người.
Theo quan niệm của Người Do thái lúc bấy giờ thì "tha nhân" là những người đồng chủng, đồng hương, đồng xứ (x. Lv 19, 18).  Còn “kẻ khác” được hiểu là hết mọi người, (x. Mt 25, 40). Khi Chúa Giêsu bảo người thông luật "hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi", Người có ý dạy phải thương yêu mọi người chứ không giới hạn trong những người đồng hương với nhau (Mt 25, 40), không những thế mà lại còn phải yêu thương cả địch thù nữa (Mt 5, 43), và yêu như thế nào ? "Yêu như chính mình ngươi".
"Như chính mình" Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh người được yêu đồng hóa với người yêu, vì vậy, phải yêu thương kẻ khác bằng chính tình yêu đối với bản thân, nhưng tiên vàn phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
===============
Suy niệm 4
YÊU MẾN THẦY THÌ GIỮ LỜI THẦY
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 31 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chỉ nhờ Chúa ban ơn, các tín hữu Chúa mới có thể thờ Chúa cho phải đạo, xin Chúa giúp chúng ta thẳng tiến về cõi trời Chúa hứa, mà không bị vấp ngã trên đường.
Thẳng tiến về cõi trời, mà không bị vấp ngã trên đường, nếu ta chấp nhận để cho Chúa sửa dạy, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Macabê quyển I cho thấy: Chiến thắng của người Hylạp. Trong một đoạn văn ngắn nhưng dễ gây cảm xúc, tác giả trình bày những nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc bách hại: Alêxanđê đại đế, sau các cuộc chinh phục, đã chết sớm; một bộ phận quan trọng của dân Dothái bị nền văn minh Hylạp mê hoặc; các cuộc chiến của vua Antiôkhô dẫn đến những khó khăn tài chánh, rồi đến việc cướp phá Đền Thờ lần đầu tiên, khai mào cho bao tai họa sẽ xảy tới. Nếu Đức Chúa hằng sống đã giáng cơn thịnh nộ xuống chúng tôi trong chốc lát, để sửa phạt và giáo huấn, thì Đức Chúa lại cho các tôi tớ được hòa giải với Người... Ngay lúc bị sửa dạy thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính.
Thẳng tiến về cõi trời, mà không bị vấp ngã trên đường, nếu chúng ta biết cổ võ và kiến tạo hòa bình trên toàn thế giới, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng nói: Hòa bình là sự nghiệp của đức công minh. Hòa bình là thành quả của trật tự đã được chính Thiên Chúa là Đấng sáng lập ghi khắc trong xã hội loài người. Trật tự này phải được những ai luôn khao khát một nền công lý hoàn hảo hơn đem ra thực hành… Lạy Chúa, Ngài vĩ đại quyền năng, Ngài nắm giữ vương quyền, và địa vị tối cao, vượt trên tất cả. Xin ban bình an cho những ngày chúng con đang sống. Lạy Đức Chúa, Đấng tạo thành vạn vật, Đấng oai nghiêm dũng mãnh, công chính và khoan dung.
Thẳng tiến về cõi trời, mà không bị vấp ngã trên đường, nếu ta hết lòng yêu mến Chúa và đặt niềm tin tưởng vào Vị Thượng Tế tối cao, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ông Môsê nói trong sách Đệ Nhị Luật: Nghe đây, hỡi Ítraen! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 17, vịnh gia cho thấy: Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con. Lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thư gửi tín hữu Hípri nói: Chính vì Đức Giêsu hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu trả lời: Điều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Yêu thương là chu toàn cả lề luật, bởi vì, trên trần gian này, lòng yêu mến tha nhân, lại chính là hình ảnh và kết quả của tình yêu xuất phát từ Chúa Cha, do Đức Kitô đem đến. Quả thế, chính Con Thiên Chúa đã dùng thập giá mà hòa giải mọi người với Thiên Chúa, Người đã làm cho mọi người lại được hợp nhất trong một dân tộc, một thân thể duy nhất. Nơi chính thân xác mình, Người đã tiêu diệt hận thù, và sau khi phục sinh vinh hiển, Người đã tuôn đổ Thánh Thần tình yêu vào tâm hồn mọi người. Chỉ nhờ Chúa ban ơn, ta mới có thể thờ Chúa cho phải đạo, nhờ ơn Chúa giúp, ước gì ta thẳng tiến về cõi trời Chúa hứa, mà không bị vấp ngã trên đường. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
===============
Suy niệm 5
ĐỘNG LỰC YÊU

Hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi!”.
“Tôi yêu nhân loại; đó là những con người mà tôi không thể chịu nổi!” - Charlie Brown.
Kính thưa Anh Chị em,
Nhiều người sẽ đồng cảm với Charlie Brown - một nhân vật truyện tranh. Nhưng cuộc sống không phải là tập truyện tranh; cuộc sống là cuộc sống, sống các mối tương quan! Vậy làm sao có thể sống các mối tương quan? Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay tiết lộ cho chúng ta một động lực - ‘động lực yêu’ - đó là, “Hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi!”.
Nhiều người cảm thấy không yêu nổi cuộc sống, nên ai cũng ngưỡng mộ một tình yêu trọn vẹn và trung thành. Tương tác của Chúa Giêsu với vị kinh sư chỉ cho chúng ta tình yêu này. Đây là một nguyên tắc đơn giản, bao trùm tất cả để sống. Hơn nữa, đây chính xác là điều mà thế giới hôm nay ‘đang thiếu, đang cần và đang muốn’. Chúng ta muốn đơn giản hoá cuộc sống mình và Chúa Kitô đã làm cho ‘bản đồ cuộc sống’ đó trở nên đơn giản. Chỉ cần hành động vì tình yêu dành cho Chúa và hợp nhất tất cả sức mạnh, trái tim, tâm hồn và trí óc của mình trong nỗ lực duy nhất này: Yêu mến Chúa. Thế là đủ! Bạn và tôi có đang làm phức tạp cuộc sống một cách không cần thiết không? Ý nghĩa thay, Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa là sức mạnh con, con yêu mến Ngài!”.
Muốn đến đích, đường ngắn nhất là đường thẳng. Khi yêu Chúa hết lòng, Ngài là ‘động lực yêu’, chúng ta sẽ đi thẳng con đường của mình. Tuy nhiên, khi chúng ta có những tình yêu khác, những tình yêu ‘cạnh tranh’ khiến Chúa không có trong hành động của chúng ta, chúng ta sẽ mất đà và ‘lang thang theo đủ mọi hướng’, và như thế sẽ không đến gần được Vương quốc. Chúng ta không thể hợp nhất mọi thứ trong một tình yêu đơn phương dành cho Chúa sao? Nếu làm được, thì mọi email, mọi cuộc điện thoại, bữa ăn gia đình, sự kiện, các cuộc họp và lớp học, mọi việc vặt - hoàn toàn là mọi thứ - sẽ đưa chúng ta đến Vương quốc chứ không phải rời xa nó.
Thư Do Thái hôm nay cho biết, Chúa Giêsu, “Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền” hằng chuyển cầu cho chúng ta; cuộc sống của Ngài trở nên tấm gương toàn bích về cách sống của chúng ta. Ngài thể hiện một tình yêu không vẩn đục. Noi gương Ngài sống tình yêu đối với Chúa Cha, với nhân loại, chúng ta có ‘động lực yêu!’.
Anh Chị em,
“Hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi!”. Nhìn lên thánh giá, chúng ta biết mình được yêu đến mức nào và phải đáp trả tình yêu đó thế nào. Chúa Kitô dành cho Chúa Cha và cho nhân loại tất cả khi Ngài phó dâng chính mình. Tình yêu của Ngài không là chịu đựng - như Charlie Brown - nhưng là ôm lấy, gánh lấy, mang lấy, yêu lấy, sống lấy cuộc sống nhân loại, và cứu lấy nó; trong đó, có cả những kẻ giết Ngài. Hãy đến với Ngài, kín múc sức mạnh hầu có thể tiếp tục yêu như Ngài yêu, ôm lấy như Ngài ôm lấy. Đó chính là ‘động lực yêu’ làm cho tình yêu trổ hoa sinh trái trong gia đình, trong cộng đoàn, làng xóm, công sở. “Yêu thương là hoa trái trổ sinh cả bốn mùa, ngang tầm với của mọi người” - Mẹ Têrêxa. Được như thế, bạn và tôi không còn xa Nước Thiên Chúa!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, chớ gì tình yêu Chúa trong con đầy tràn đến mức con có thể yêu lấy bất cứ ai Chúa đặt trên đường đời, cả những người xem ra con không thể chịu nổi!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
===============
Suy niệm 6
…VÀ NHỮNG ĐIỀU THIẾU SÓT
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Chuyện kể rằng: Một người kia bán chiếc quạt điện “dỏm” cho vị khách hàng lạ, thì bị anh bạn thân bắt gặp. Hôm sau, anh vừa đi lễ và xưng tội về, tình cờ gặp lại người bạn ấy. Người bạn nói đùa nhưng thật: “Chắc anh đã kể cho cha giải tội nghe chuyện anh bán chiếc quạt điện dỏm rồi chứ?” Anh liền đáp lại chẳng chút do dự: “Ê, tôi chỉ xưng các tội thôi, còn chuyện bán buôn thì liên quan gì tới ông cha!”
Thiết nghĩ, thứ tội mà chúng ta hay mắc phải là tội từ khước, tội thiếu sót, và tội không yêu thương. Tuy nhiên trong thực tế chúng ta lại không xem đó là tội, vì chúng ta vẫn thường nghĩ điều gì làm hại đến người khác mới là tội! Thật vậy, mỗi khi tham dự Thánh lễ, sau phần mở đầu, cha chủ tế và cộng đoàn cùng đọc Kinh thú nhận: “…Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót. Lỗi tại tội, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng…” Chúng ta xét mình đã chưa sống giới răn yêu thương trong tư tưởng, lời nói, việc làm, nhưng chớ hề nhớ tới những tội thiếu sót, thiếu trách nhiệm, thiếu ngay thẳng trong kinh doanh, thiếu tôn trọng những anh chị em đang cùng sống chung với mình, v.v…Như thế, vô hình chung đạo và đời sống chẳng sánh đôi ư!
Hơn nữa, nguy cơ nghiêm trọng cho chúng ta là những tín hữu đi lễ thường xuyên, nhưng không thấy sự liên hệ giữa việc phụng tự, lắng nghe Lời Chúa, rước Mình Thánh Chúa trong Thánh lễ với điều mà chúng ta làm hằng ngày với người khác. Thật vậy, Đức Giê-su khẳng định với người kinh sư: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu” (Mc 12, 34), vì chưng ông ấy đã biết liên kết hai giới răn mến Chúa và yêu người thành một, đây là bước thứ nhất. Ông chỉ cần bước thêm bước thứ hai nữa là vào được Nước Trời, bước đó chính là thực hành điều ông biết (x. Đnl 6, 5-6; Mc 12, 29-31). Thế nhưng, trong đời sống thường nhật, chúng ta có xu hướng tách rời giới răn mến Chúa yêu người. Có người chỉ mến Chúa mà không yêu người, dẫn tới việc đi lễ, đọc kinh cầu nguyện nhưng không sống bác ái, giúp đỡ tha nhân, và họ tự nhận đã đủ đầy. Còn có người chỉ thương người, tích cực tham gia hoạt động từ thiện, hăng hái hỗ trợ nơi này chỗ kia, nhưng chẳng buồn đi lễ, cầu nguyện vì họ cạn nghĩ và thường biện minh cho việc không đi lễ, cầu nguyện là Chúa ở khắp mọi nơi, và đạo tại tâm!!! Chúa Giê-su đâu có dạy: mến Chúa thôi là đủ rồi, đừng yêu người; hoặc yêu người là được rồi, không cần mến Chúa! Đúng hơn, tuy hai giới răn yêu thương nhưng là một, vì chúng không được tách rời hoặc tách biệt: “Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó” (Mc 12, 29-31).
Trong cuốn Hạnh các Thánh thuật lại chuyện Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su một hôm đang đi dạo tại vườn hoa đan viện, bỗng thấy cảnh tượng gà mẹ âu yếm ấp ủ đàn gà con dưới cánh, bảo vệ chúng trước nanh vuốt của diều hâu đang bay lượn tìm bắt. Lúc ấy, Tê-rê-sa nhớ đoạn lời Chúa hôm nay và tâm hồn cứ thổn thức, cảm động nghĩ đến lòng Chúa yêu thương, đến nỗi chị không thể tiếp tục đi dạo, mà trở về phòng riêng ôm mặt khóc và hết lòng tri ân kính mến Ngài. Thật vậy, tình yêu Chúa khiến chúng ta xúc cảm, mến thương tha nhân. Tình yêu Chúa thúc giục mọi tư tưởng, lời nói, hành động chúng ta chuẩn mực, và nhận ra mọi điều thiếu sót của bản thân. Tình yêu Chúa đưa chúng ta đến việc sống đạo, thực hành giới răn yêu thương trọn vẹn.
Sau cùng, để kết thúc bài chia sẻ này, xin được mượn lời Chúa nhắn nhủ, hướng dẫn Sr. Bénigna (Bê-ni-na) luôn biết khắc ghi thực thi giới răn yêu thương trong suốt cuộc đời mình: “Con hãy đọc: ‘CHA YÊU CON’ trên bánh con ăn, trên giường con nằm, trong nhà con ở, trên các dụng cụ con dùng. Và quyết tâm gắng sức mọi cách làm cho nhân loại nhận biết, tôn thờ, phụng sự và yêu mến Chúa cách xứng đáng như Ngài hằng đáng mến vô song”. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

===============

Suy niệm 7
Điều Răn Đứng Đầu
Dnl 6, 2-6; Dt 7, 23-28; Mc 12, 28b-34
Khi nghe tin Thầy Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc bị khóa miệng, một người trong nhóm kinh sư đến gần Người và hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” (Mc 12,28b). Phải chăng đây là cơ hội để làm Thầy Giêsu mất mặt? Họ hỏi xem Thầy có hiểu biết gì về luật và có tôn trọng luật lệ không? Nhưng Thầy nhanh chóng “tóm tắt nội dung” rõ ràng: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào lớn hơn các điều răn đó” (Mc 12,29-31). Toàn bộ lề luật được tóm gọn lại trong hai giới răn quan trọng nhất: mến Chúa - yêu người. Hôm nay Thầy nối kết hai điều răn này là một, như một sự bất khả phân ly.
Giới răn thứ nhất: Kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự là điều răn quan trọng đối với người Dothái. Để nhắc nhớ, họ dán trên cửa, đeo trên đầu như thẻ kinh và đeo trên cánh tay mỗi khi cầu nguyện sáng chiều. Điều răn phổ cập toàn dân như vậy mà họ còn đem ra hỏi Thầy Giêsu, chứng tỏ họ khinh thường muốn làm khó Thầy. Một điều răn đã “khắc ghi trên trán” như vậy, nhưng chỉ dễ nhớ mà không dễ thực hành. Người Do Thái vẫn đúc bê vàng để thờ hoặc chạy theo thần ngoại bang. Ngày nay chúng con cũng thuộc nằm lòng từ bé: “Thứ nhất thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự.” (Kinh Mười điều răn). Nhưng có lúc chúng con lại đặt các thứ khác lên trên Thiên Chúa như tiền, danh, lợi, thú…
Giới răn thứ hai: yêu người thân cận như chính mình. Ai mà không yêu chính mình? Tình yêu đối với tha nhân được đo lường bằng tình yêu đối với chính mình. Đó thực sự là “khuôn vàng thước ngọc”. “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môsê và các sách ngôn sứ dạy như thế”(Mt 7, 12). “Chớ làm cho người điều chi mà con không chịu được”(Tb 4, 15). Lý thuyết thì hay và dễ nhưng khi đối diện với hoàn cảnh cuộc sống thực tế thì xem ra rất khó.
Khi người ta yêu Chúa với tất cả tâm hồn, bằng cả con tim với tình yêu đậm đà mật thiết với Chúa, Chúa sẽ chỉ cho biết phải yêu thương anh em như thế nào, “yêu như Chúa yêu”, hiến dâng cả mạng sống… Tình yêu Chúa như ánh mặt trời. Ta thu nhận sức nóng tình yêu của Chúa qua cầu nguyện, ở lại với Chúa và sống trong Lời Chúa. Để rồi trong Chúa ta được hâm nóng tình người bằng tình yêu Chúa qua những hành động cụ thể, những cử chỉ yêu thương nho nhỏ, một nụ cười, một lời ủi an khích lệ, một ý kiến xây dựng, hành động sẻ chia vật chất, một sự tha thứ bao dung…
Chúa ơi! nhìn lên Thánh giá, con thấy Chúa không còn cách nào để yêu con hơn được nữa. Xin cho con biết tìm về sống trong Tình Yêu Chúa. Nhờ Tình Yêu Chúa hun đúc, tim con cũng thấm đẫm tình yêu ấy, để con sống chan hòa với mọi người anh em của con.
Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log