Chúa nhật, 22/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXVII Thường niên B và lễ Đức Mẹ Mân Côi

Cập nhật lúc 15:25 03/10/2024
CHÚA NHẬT XXVII TN B
Suy niệm 1
Ơ
N GI ĐỜI SNG HÔN NHÂN - GIA ĐÌNH 
Kính thư cộng đoàn Phụng vụ! Triết gia người Pháp thời Phục hưng Michel de Montaigne (Mi-sel đờ Mon-ten) đã trình bày hôn nhân như một chiếc lồng sơn son thiếp vàng, những con chim ở ngoài khao khát được vào, còn những con ở trong thì lại làm mọi cách hòng thoát ra. Ca dao Việt Nam cũng có câu mang ý nghĩa tương tự: ‘Cá trong lờ đỏ hoe con mắt. Cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô’. Lẽ thường tâm lý con người là thế, nhưng nói tới đời sống hôn nhân, không chỉ là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, mà chính là ơn gọi xây dựng cộng đoàn nhỏ - gia đình. 
Khởi đầu công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã đặt để con người coi sóc thế giới này, và Ngài còn tác hợp một nam một nữ và chúc phúc cho họ: Người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân th” (St 2, 24). Và điều này được tái khẳng định trong Tin Mừng, cũng như trong đời sống hôn nhân-gia đình dưới lăng kính Ki-tô giáo: “Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10, 8-9). 
Cách đây khá lâu, bộ phim mang tựa đề ‘Chúng tôi muốn ly hôn’ và bộ phim khác mang tựa đề ngược lại ‘Đừng chia tay người mình yêu’ được trình chiếu rộng rãi. Chắc hẳn các bạn trẻ biết rõ nội dung những cuốn phim này hơn ai hết! Trong phim nêu lên những lý do khiến các đôi vợ chồng đưa nhau ra toà ly hôn. Vị thẩm phán nghiêm nghị hỏi: Tại sao chị xin ly hôn?” Trước toà án, người vợ trả lời thẳng thừng: Thưa quý toà, tại vì ông ấy ngủ ngáy quá lớn nên tôi mất ngủ triền miên”. Còn ở tình tiết khác, một chị vợ trả lời: Tại vì lúc nào ông ấy cũng hôi mùi thuốc lá, nên tôi không chịu được”. Cứ thế, mỗi người có lý do riêng, hòng bỏ nhau một cách dễ dàng, nếu ly dị được cho phép vô tội vạ! 
Hôn nhân chẳng phải chuyện riêng của hai cá thể, mà trên hết là một ơn gọi và là Bí tích, nơi đó Thiên Chúa tác hợp một nam một nữ thành vợ chồng (độc hôn) và sống trọn đời với nhau (vĩnh hôn). Chính vì vậy, đây là thiên luật, chứ không đơn thuần là giáo luật. Cho nên kể cả Giáo hội cũng không được sửa luật, thay luật và bỏ luật này. Do đó, đừng chia cắt những gì Thiên Chúa đã kết hợp! Lắm người chưa hiểu lập trường của Giáo hội về đời sống hôn nhân, thì đã vội chỉ trích, lên án và tệ hơn rời khỏi Giáo hội. Giáo hội chỉ đón nhận thiên luật này, giữ gìn và truyền dạy cho con cái mình, chứ không có quyền hạn thay-sửa đổi theo thời đại, trào lưu hoặc học thuyết này nọ. Lẽ dĩ nhiên, là người mẹ, Giáo hội luôn đồng hành, bảo bọc, chở che và mong mỏi con cái mình luôn được hạnh phúc trong ơn gọi đời sống hôn nhân-gia đình. Vì thế, Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II trong Tông huấn Gia đình số 59 đã khẳng định: Phẩm giá và trách nhiệm của gia đình Ki-tô hữu, xét như là một Hội thánh tại gia, chỉ có thể sống được với sự trợ giúp liên lỉ của Thiên Chúa, và sự trợ giúp này sẽ không bao giờ thiếu, nếu người ta biết cầu nguyện khẩn xin với lòng tin cậy và khiêm tốn”. Quả thật, hôn nhân - gia đình là một ơn gọi, nên cần gắn liền với đời sống cầu nguyện không ngừng, hầu ngày càng cảm nhận ân sủng nơi Bí tích hôn phối. Tình yêu, cảm xúc đôi lứa sẽ phôi phai theo năm tháng, nhưng ơn Chúa luôn tưới gội trên những ai đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, và đang sống cuộc sống gia đình. Nhờ đó, vợ chồng gắn kết với nhau trong tình yêu nồng ấm, cha mẹ con cái mến thương nhau thiết tha. 
Để kết thúc bài chia sẻ này, xin kể một giai thoại khá thú vị như sau: Vào ngày nọ, có hai vị tu sĩ già cùng ngồi đọc Tin Mừng, và hôm ấy họ đọc chuyện người con hoang đàng (x. Lc 15). Sau đó, một vị thoạt nhiên nhận xét: “Đây thật là câu chuyện hay và thú vị. Chúa đã vẽ nên bức tranh sinh động. Trong đó, người em ham hưởng thụ, đòi cha chia tài sản khi ông còn sống sờ sờ; người anh thì cần cù lam lũ, nhưng lại nhỏ nhen ganh tỵ, chẳng cảm nhận được tình cha đang khi sống với ông; còn người cha thì dịu hiền nhân ái vô cùng tận. Nhưng tôi thắc mắc là sao không thấy nói tới người mẹ nhỉ?” Nghe vậy, vị tu sĩ kia vốn nhiều tuổi hơn, điềm đạm đáp: “Bạn tôi ơi, nếu gia đình đó còn mẹ, chắc người con thứ sẽ chẳng bỏ nhà đi hoang đâu!” 
Thật vậy, một gia đình đầy đủ bố mẹ con cái, mỗi người đều chu toàn sứ mệnh của mình là điều bảo đảm hạnh phúc cho từng thành viên và cũng là chiếc nôi vững vàng cho đức hạnh, tư cách của mỗi người. Ngoài ra, đó cũng đảm bảo thành công trong xã hội, và trợ lực rất nhiều cho mọi thành viên trong việc rèn luyện những đức tính nhân bản và siêu nhiên. Xin Chúa chúc lành cho các bạn trẻ đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, và luôn đồng hành nâng đỡ các gia đình, những ai đang sống ơn gọi hôn nhân - gia đình. Amen! 
Lm. Xuân Hy Vọng
================
Suy niệm 2
Đơn hôn và vĩnh hôn

(Mc 10, 2-16)
Lần giở lại những chương đầu của sách Sáng Thế chúng ta sẽ khám phá ra ý định tuyệt vời của Thiên Chúa khi tạo dựng con người. Sau khi tạo ra người nam và người nữ đầu tiên, Thiên Chúa tác hợp Adong và Evà thành vợ thành chồng thật là đẹp. Ngài thiết lập hôn nhân là mối liên kết đặc biệt giữa người nam và người nữ, là nền tảng để xây dựng tổ ấm gia đình (St 1,27, 28; 2,18).
Ý định của Thiên Chúa
Từ ban đầu, Thiên Chúa thiết lập hôn nhân là sự gắn kết giữa một người nam và một người nữ (x. St 2,24). Ngài không chấp nhận đa thê, hành vi đồng tính hoặc sống chung ngoài vòng hôn nhân (x. 1 Cr 6,9; 1Tx 4,3). Thiên Chúa muốn các cặp vợ chồng hạnh phúc (x. Cn 5, 18). Ngài đưa ra tiêu chuẩn cũng như sự hướng dẫn để giúp hôn nhân thành công.
Chúa Giêsu dạy các môn đệ vâng giữ tiêu chuẩn ban đầu của Thiên Chúa về hôn nhân (x. Mc 10, 6-8). Thiên Chúa coi hôn nhân là một sự gắn bó lâu dài. Khi người nam và người nữ kết hôn, họ hứa nguyện sẽ chung thủy và chung sống trọn đời. Thiên Chúa muốn họ giữ lời hứa nguyện đó (x. Mc 10,9).

Sự cứng lòng của các ngươi
Tình vợ tình chồng dành cho nhau là một thứ tình phát xuất từ tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa đã chia sẻ tình này cho con người. Ngài đã cho con người biết về dự án yêu thương này: “Chúng ta hãy tạo dựng con người giống hình ảnh chúng ta” (St 1,26). Do đó, khi đáp lại tiếng gọi con tim của nhau trong ơn gọi hôn nhân là con người chia sẻ thứ tình yêu cao cả của Thiên Chúa cho nhau. Luật một vợ một chồng không phải do con người đặt ra để áp đặt trên con người, đây là luật của Thiên Chúa, mà những gì Thiên Chúa làm thì tốt đẹp, mang lại hạnh phúc cho mọi loài thụ tạo trong đó có con người.
Có không ít người trong cũng như ngoài Giáo Hội Công giáo cho rằng, Giáo Hội khe khắt, đòi hỏi, không bắt kịp trào lưu tư tưởng của con người thời đại. Họ đặt ra các vấn nạn: làm gì mà phải chung thủy? Tại sao phải sống chết với một người, nhất là người ấy gây sầu khổ cho mình? Thiên hạ ly dị đầy đường có chết chóc ai đâu? Tại sao mình lại không thử một lần để may ra đổi đời thay mệnh?
Đúng là tình trạng ly dị hiện nay không còn được coi là trọng tội đối với đời sống hôn nhân; nó đã được chấp thuận và hợp pháp hóa tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nói như vậy không có nghĩa là luật “một vợ một chồng” trở nên lạc hậu và Thiên Chúa cũng đã lỗi thời! Điều mà Giáo Hội gọi là “Ơn Gọi Hôn Nhân”, chung thủy, một vợ, một chồng mới là cái làm cho đời sống hôn nhân trở nên hạnh phúc. Ly dị không phải là giải pháp cuối cùng và tốt nhất cho đời sống hôn nhân. Có thể có những lúc vợ chồng phải xa nhau, chẳng hạn khi một trong hai người phải đi lo việc khẩn cấp của gia đình. Nhưng Kinh Thánh không khuyến khích việc vợ chồng hoàn toàn tách ra, hoặc ly thân, vi những vấn đề trong hôn nhâ. Thay vì thế, Kinh Thánh khuyến khích họ giao hoà với nhau (x. 1 Cr 7,10).
Chính Chúa Giêsu đã xác định với những người Do Thái khi họ hỏi Người về vấn đề ly dị. Trước biện chứng của người biệt phái về việc Môisê cho phép làm giấy tờ ly dị và họ ly dị, Người đã trả lời: “…lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ” (Mc 10,…..). Môisê chỉ làm điều chẳng đừng mà Thiên Chúa làm ngơ cho phép xảy ra theo sự cứng lòng của con người. Tại sao vậy? Thưa: Vì Thiên Chúa muốn hạnh phúc cho con người.

Loài người không được phân ly
Con người và thế giới hiện đại của chúng ta đang thay đổi nhanh chóng về nhiều mặt: văn hóa, xã hội, kỹ thuật, cũng như thông tin điện toán toàn cầu… Sự thay đổi ấy tác động trực tiếp đến lễ nghĩa gia phong, tôn giáo, nhất là các gia đình, đặc biết các cặp hôn nhân trẻ.
Hơn bao giờ hết, gia đình trên thế giới đang bị đe dọa đến tận nền tảng như: nạn ly dị lan tràn, chấp nhận sống chung mà không hôn phối, khước từ con cái hoặc hủy diệt con cái từ trong trứng nước. Kết hôn giữa người cùng giới tính, một số quốc gia chấp thuận. Đức Cố Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nhận định rằng, việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ở nhiều quốc gia là “sự bóp méo lương tâm” con người, là “mâu thuẫn với tất cả các nền văn hóa của nhân loại đã tiếp nối nhau cho đến nay, và do đó biểu thị một cuộc cách mạng văn hóa chống đối toàn bộ truyền thống của nhân loại cho đến tận ngày nay”. Để duy trì nòi giống phải là sự kết hợp giữa người nam và người nữ từ nguyên thủy cho đến hôm nay.
Ngài lưu ý rằng, dường như ngày nay con người không còn tin tưởng vào việc sinh sản từ quan hệ luyến ái phu phụ “mà là lên kế hoạch và sản sinh ra con người một cách hợp lý”. Do đó, con người không còn là một ân sủng để đón nhận mà là “một sản phẩm do chúng ta lập kế hoạch”. Ngài đặt câu hỏi: Con người là ai? Liệu có một Đấng Sáng tạo hay không, và phải chăng tất cả chúng ta chỉ là những sản phẩm do chính con người sản xuất ra?
Là người tín hữu ai cũng biết: đơn hôn và vĩnh hôn là hai đặc tính trong hôn nhân Công giáo. Đơn hôn, nghĩa là hôn nhân chỉ giữa một người nam và một người nữ. Vĩnh hôn có nghĩa là đã kết hôn thành sự và đã hoàn hợp thì hai người bị ràng buộc, phải chung thuỷ với nhau với nhau cho đến chết. Đặc tính vĩnh hôn loại trừ ly dị. Giao ước Hôn nhân bắt đầu bằng lời hứa thuỷ chung cho đến chết. Một Giao ước mang tính Bí tích, lấy Chúa ra mà thề, lấy cộng đoàn Giáo hội ra để làm chứng.
Chúng ta hãy cầu xin cho các cặp hôn nhân ngày hôm nay trung thành với giao ước hôn nhân, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào hay gặp gian lao thử thách nào vẫn mãi mãi bền chặt, thủy chung và son sắt.  Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
================
Suy niệm 3
TẠO NÊN NHÂN LOẠI

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly!”.
“Ngay cả khi hôn nhân được định sẵn trên thiên đường, con người vẫn phải chịu trách nhiệm việc duy trì cuộc sống. Chính họ tạo nên nhân loại!” - John Graham.
Kính thưa Anh Chị em,
Tư tưởng của Graham được gặp lại trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay. Những người Pharisêu thử thách Chúa Giêsu; họ đặt ra vấn đề ly dị. Ngài cho biết, “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly!”; vì lẽ, ý định của Thiên Chúa là những người phối ngẫu - nam và nữ - kết hợp với nhau để ‘tạo nên nhân loại!’.
Họ hỏi Chúa Giêsu, “Chồng có được phép rẫy vợ không?”. Thay vì đưa ra một câu trả lời chắc chắn, Ngài hỏi ngược lại họ, Thánh Kinh nói gì - và không chỉ trích luật Môsê - Ngài cho họ hiểu, luật đó là ‘hợp pháp’, nhưng chỉ mang tính ‘tạm thời’, “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó”.
Ngài nhắc cho họ lời sách Sáng Thế, từ lúc khởi đầu công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ - bài đọc một. Ngài nói đến sự hợp nhất ‘tạo nên nhân loại’. Hai con người tạo nên sự hợp nhất, không phải là một “sự kết hợp”. Và Ngài kết luận, “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly!”.
Nếu coi hôn nhân là một sự kết hợp, thì không thể hiểu được tính bất khả phân ly của nó. Nếu hôn nhân chỉ là vấn đề lợi ích liên quan, thì chúng ta có thể hiểu rằng sự giải thể của nó có vẻ hợp pháp. Trong trường hợp này, nói về hôn nhân theo những thuật ngữ này là khinh thường nó, vì nó chỉ đơn thuần là sự kết hợp của hai người độc thân tìm cách làm cho cuộc sống của họ thú vị hơn. Khi nói về hôn nhân, Chúa Giêsu ám chỉ một điều gì đó ý nghĩa hơn: “Thiên Chúa là tác giả của hôn nhân vốn được ban tặng vì nhiều lợi ích và mục đích khác nhau. Tất cả những điều này có tác động rất quyết định đến sự tiếp nối của loài người” - Vui mừng & Hy Vọng số 48.
Tiếp đến, Tin Mừng bất ngờ nói đến cảnh dịu dàng của Chúa Giêsu đối với trẻ em. Vậy mà, hai khoảnh khắc này có liên quan với nhau. Khoảnh khắc thứ hai giải thích cách thức hôn nhân có thể xảy ra. Vương Quốc của Thiên Chúa thuộc về những ai trở nên như trẻ em và đón nhận việc tạo ra một điều gì đó mới mẻ. Tương tự như vậy, hôn nhân, khi được hiểu đúng, là ‘rời xa, kết hợp và trở thành’. Hai người phối ngẫu sẽ rời xa cha mẹ, kết hợp với nhau để trở thành một và sinh sản… cho sự tiếp nối của loài người; họ ‘tạo nên nhân loại’.
Anh Chị em,
“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly!”. Cả hôn nhân và độc thân đều là ơn gọi của Chúa để mỗi người sống một cuộc sống thánh hiến, tức là sống như những cặp vợ chồng đã kết hôn hoặc như những người độc thân không thuộc về chính họ mà thuộc về Chúa. Cuộc sống của chúng ta không phải của riêng chúng ta, nhưng chúng thuộc về Chúa. Ngài ban ân sủng và quyền năng cho những ai dõi theo con đường thánh thiện của Ngài trong trạng thái sống của họ. Bạn có tìm kiếm Chúa và ân sủng của Ngài trong trạng thái sống của mình không? Bạn có hạnh phúc không?
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con hiểu rằng, con thuộc về Chúa. Giúp con luôn sẵn sàng làm điều Chúa muốn trong đấng bậc mình, và như thế, con sẽ nên thánh!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
================
Suy niệm 4
TRÊN CẢ ‘SỢI TƠ HỒNG’
Mon-ta-nhơ (Montaigne) đã trình bày hôn nhân tựa như một chiếc lồng sơn son thiếp vàng: những con chim ở ngoài khao khát được vào, còn những con ở trong thì lại làm hết cách để thoát ra. Tương tự, tục ngữ- ca dao Việt Nam cũng có câu: “Cá trong lờ đỏ hoe con mắt. Cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô”.
Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã từng xem qua bộ phim “Chúng tôi muốn ly hôn”, và một bộ phim khác mang tựa đề ngược lại “Đừng chia tay người mình yêu”? Đặc biệt các bạn trẻ có thể quá quen thuộc với nội dung những thước phim này bàn đến vấn đề gì. Thật ra, trong đó phát hoạ bức tranh của thực trạng ly hôn ngày nay, nêu lên những lý do khiến các đôi vợ chồng chẳng phải dắt dìu nhau đi trên con đường trải đầy hoa hồng thời còn yêu nhau, mà dìu dắt nhau ra toà để kết thúc cuộc tình lãng mạn đẹp đẽ, chấm dứt đời sống hôn nhân-gia đình, có đoạn: Thẩm phán quan toà hỏi:
– Tại sao chị xin ly dị? Người vợ liền trả lời: “Tại vì ông ấy ngáy to quá, không để cho tôi ngủ”. Một bà vợ khác nêu lý do: “Do ông ấy hôi mùi thuốc lá quá, tôi không chịu được”…
Và cứ thế mỗi người đều có lý do này lý do nọ, để bỏ nhau một cách dễ dàng, nếu như được phép ly dị!
Khi mới quen nhau, tình yêu thuở ban đầu luôn đẹp đẽ, trong sáng như hình ảnh A-đam thoạt nhìn E-và, thốt lên: “Đây xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi” (St 2, 23). Tình yêu khiến ông nhận ra bà là một phần không thiếu của mình. Tình yêu gắn kết ông bà tổ phụ loài người nên “một xương một thịt” (x. St 2, 24). Chẳng phải xa lạ, chẳng cần cách biệt, mà E-và chính là “thân thể” của A-đam, “người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra” (St 2, 23). Không vì thế, mà người nữ bị xem thấp kém, phụ phần của người nam; đúng hơn, là người đồng hành, người cộng tác và hỗ trợ suốt cuộc đời này.
Hơn nữa, tình yêu thuở ban đầu này cần được hun đúc, sưởi ấm hằng ngày trong đời sống hôn nhân - gia đình. Ở bậc sống nào cũng có niềm vui, nỗi buồn và những thách đố riêng. Đặc biệt, trong đời sống hôn nhân biết bao nhiêu thăng trầm sóng gió, nhưng cũng không thiếu nhiều tiếng cười giòn tan bên nhau, khi chứng kiến tiếng trẻ thơ chào đời, nhìn nó lớn lên mỗi ngày. Theo lẽ thường tình, cuộc sống vợ chồng không thể tránh khỏi những sự bất hoà, hiểu nhầm, hoặc chưa hiểu nhau, nhưng dù gì đi nữa, người bạn đời luôn bên cạnh sớt chia, cảm thông,  rộng lượng như còn thuở mới quen: “Hôm nay sum họp trúc mai. Tình chung một khắc, nghĩa dài trăm năm”, hay đã về chung sống với nhau: “Cây đa lá rụng đầu đình. Bao nhiêu lá rụng thương mình bấy nhiêu”, hoặc “Qua đồng ghé nón thăm chồng. Đồng bao nhiêu lúa, thương chồng bấy nhiêu”. Trên hết, Thiên Chúa là Đấng kết hợp người nam và người nữ, nên hôn nhân chính là thiên luật (luật của Thiên Chúa), chứ không phải luật do Giáo hội soạn ra (Giáo luật). Chính vì thế, hôn nhân Công giáo là đơn hôn và vĩnh hôn: “Lúc khởi đầu cuộc sáng tạo: Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ nên một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10, 6-9). Hơn cả ‘ông tơ bà nguyệt’ se duyên ‘sợi dây tơ hồng’, mà chính Thiên Chúa kết hiệp người nam và người nữ, để họ trở nên một thân thể trong “giao ước tình yêu”. Điều này minh chứng việc ly hôn cũng đồng nghĩa với sự bất trung với hôn ước, và bất tuân thánh ý Chúa.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, bên canh rất nhiều đôi vợ chồng bước đi bên nhau hạnh phúc trong đời, thì không ít những bước chân dẫm đạp lên đời nhau đến nỗi đau đớn. Bếp lửa gia đình đã tắt nhúm, lạnh tanh, cuộc vui đã tàn lụi chóng vánh, chặng đường chung tay không trọn vẹn như mơ ước chốn thiên đường hằng mong. Với biết bao thách đố trong đời sống hôn nhân - gia đình, chúng ta cùng quay về ‘cội rễ’ của thánh ý Chúa, chứ không chạy theo xu thế của xã hội, hay thói đời “lòng chai dạ đá” (x. Mc 10, 5) như Đức Giê-su chỉ ra trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Quả thật, để hâm nóng tình yêu thuở ban đầu, đôi vợ chồng cần được thánh hoá hằng ngày qua kinh nguyện, qua đời sống yêu thương, tha thứ, nhẫn nại, đón nhận nhau và dám thay đổi nết xấu của bản thân vì người mình yêu. Hơn thế, tác giả thư Do Thái khẳng định: “Đấng thánh hoá là Đức Giê-su, và những người được thánh hoá đều do một nguồn gốc” (Dt 2, 11). Vì vậy, chúng ta cần chạy đến với Đức Giê-su hằng ngày trong giờ cầu nguyện gia đình, tham gia vào các hội đoàn thăng tiến đời sống hôn nhân, v.v…như Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II trong Tông huấn Gia đình số 59 đã viết: “Phẩm giá và trách nhiệm của gia đình Ki-tô hữu, xét như là một Hội thánh tại gia, chỉ có thể sống được với sự trợ giúp liên lỉ của Thiên Chúa, và sự trợ giúp này sẽ không bao giờ thiếu nếu người ta biết cầu nguyện khẩn xin với lòng tin cậy và khiêm tốn”.
Sau cùng, những ai đang sống trong bậc sống gia đình nên nhớ rằng mình không chỉ là vợ chồng thông thường như bao đôi vợ chồng ngoài xã hội kia, mà là cặp đôi được Thiên Chúa kết hiệp nên một trong Bí tích hôn phối, qua ‘giao ước tình yêu’, là đôi vợ chồng Công giáo. Hơn nữa, cũng nên nhắc nhở mình hằng ngày: chúng ta không đơn thuần là ông bố bà mẹ chung chung ngoài xã hội, mà là người bố người mẹ Công giáo, sống đạo giữa đời, luôn biết đặt Thiên Chúa làm trọng tâm đời mình và cuộc sống gia đình. Và như thế, mới mong sống hạnh phúc, cùng nhau vượt qua thách đố cuộc đời.
Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con
Luôn sống trọn vẹn với ơn gọi
Hôn nhân - gia đình và con cái
Hằng gắn kết, nhân ái không ngơi. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
================
SUY NIỆM LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
Suy niệm 1

Kinh Cầu Cho Hòa Bình
(Lc 1, 26-38)
Thiên Chúa nhân hậu và khôn ngoan, khi muốn thực hiện công cuộc cứu chuộc thế giới vào thời cuối cùng, Ngài đã sai Con mình tới bằng cách cho Đức Giê-su nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần (x.Lc 1, 26-38). Khi cất lời thưa Xin vâng,  Mẹ đã đón nhận Chúa Giêsu vào trong lòng Mẹ. Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu, Nữ Vương Bình An, sinh ra Chúa Giêsu là Thái Tử Hòa Bình. Vì thế, Giáo hội khấn xin Đức Mẹ chuyển cầu cùng Thiên Chúa Cha ban cho thế giới được hòa bình.
"Kính mừng Maria đầy ơn phúc"
Đó là lời sứ thần Gabriel chào kính Đức Maria lúc truyền tin (Lc 1,28). Đức Maria là Đấng đầy ơn phúc vì có Thiên Chúa ở cùng. Phúc của Mẹ thật cao vời khôn sánh, lời bà Ê-li-sa-bet xác nhận: " Em thật có phúc hơn mọi người nữ, vì Đấng em cưu mang thật diễm phúc".
Những lời của sứ thần Gabriel và của bà Ê-li-sa-bet trên đây đã được Giáo hội dùng để chúc tụng ngợi khen Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta. Đồng thời Giáo hội thêm vào đó lời cầu khẩn Mẹ thương nâng đỡ phù trì "Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử".
Giáo hội không ngớt lời lặp đi lặp lại lời kinh này để tôn vinh Đức Maria, Người Nữ hạnh phúc. Mẹ được đầy ơn phúc, Mẹ cũng muốn cho con cái mình hạnh phúc, vì mẹ nào mẹ chẳng thương con. Nên khi con cái lầm đường lạc lối, sa lầy trong tội, Mẹ đã mở rộng vòng tay, dẫn lối chỉ đường cho con người đạt tới hạnh phúc với lời nhắn nhủ: "Hãy ăn năn đền tội, hãy năng lần hạt Mân Côi". Làm theo lời dặn dò của Mẹ, Hội Thánh đã thoát nhiều cơn giông tố hiểm nguy xác hồn, phá tan được bao bè rối, mang lại bình an trong tâm hồn.
Ơn phúc bởi đọc Kinh Kính Mừng
Chính Mẹ đã dạy chân-phước Alanô: "Bất-cứ ai trung thành đọc Kinh Mân Côi và suy ngắm những Mầu Nhiệm sẽ được ân thưởng. Mẹ sẽ xin cho họ được tha mọi hình phạt và mọi tội lỗi trong giờ họ chết".
Thánh Bênađô nói: "Kinh Kính Mừng làm cho Quỉ Dữ trốn chạy, Hỏa Ngục run sợ".
Còn thánh Bônaventura nói: "Mẹ Maria chúc phúc cho những ai đọc Kinh Kính Mừng".
Theo thánh Montfort "Những người rối đạo, những người vô tín ngưỡng, những người kiêu căng chê ghét hay khinh thị Kinh Kính Mừng, là những người có dấu bị trầm luân Hỏa-Ngục. Không có gì có hiệu-lực được lên Nước Thiên Chúa bằng đọc Kinh Mân Côi".
Thánh Anphongsô "Nhờ Kinh Mân Côi, biết bao tội nhân bỏ đường tội lỗi, bao linh hồn đã tiến cao trên đường trọn lành. Biết bao người được ơn chết lành và hưởng phúc Thiên đàng".
Chính Đức Mẹ khi hiện ra với thánh nữ Bernardette ở Lộ đức (1858) cũng như hiện ra với Lucia, Phanxicô và Giaxinta tại Fatima năm 1917. Mẹ đều thúc-dục: "Các con hãy tiếp tục đọc Kinh Mân Côi hằng ngày". Và nhất là: "Các con hãy đọc kinh Mân côi để cầu nguyện cho hòa bình".
Lời kinh cầu cho hòa bình
Chúng ta đang sống trong một tình hình quốc tế đầy những căng thẳng, càng ngày càng gia tăng, khiến ngày mùng 07 tháng 9 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô phải mời gọi cả Hội Thánh ăn chay cầu nguyện cho hòa bình tại Syria và những nơi bạo lực đang hoành hành. Năm 2014, Đức Thánh Cha đã kêu gọi thế giới nhiều lần cầu nguyện cho Irắc.
Đặc biệt ngày 25 tháng 3 năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi thư mời các giám mục tham gia thánh hiến Ucraina và Nga cho Đức Mẹ Fatima. Chính tại Palestin, nơi sinh của Thái Tử Hoà Bình, nhưng hoà bình vẫn vắng bóng, bom đạn không ngừng rơi.
Thế giới hiện nay, con người ngày càng trở nên vô cảm, không dấn thân và khép kín. Hòa bình bị đe dọa bởi sự thờ ơ trên mọi bình diện của cuộc sống. Con người bị đầu độc bởi các chủ nghĩa tiêu thụ và khoái lạc, bởi sự giàu có và xa hoa, bởi thói tự cao tự đại, con người thường quá tàn nhẫn với nhau, loại trừ nhau bằng nhiều cách.
Trong tình hình hiện nay, chỉ biết chạy đến với Thiên Chúa, để khẩn xin hòa bình cho thế giới và. Việc làm trong tháng này là hãy lần hát Mân Côi, như Giáo hội vẫn thường làm trong các cơn túng cực. Vì chỉ có lời cầu nguyện mới vượt qua được các biên giới các quốc gia và các ngăn cách của thù ghét cũng như không hiểu nhau, mới đem lại bình an cho nhân loại. Chúng ta hướng về Đức Maria, Nữ vương hòa bình, và khẳng định rằng, nơi nào thiếu hòa bình, nơi nào con người tỏ ra bất lực hay không muốn dẹp đi mầm mống thù ghét và chết chóc, thì việc trợ giúp phải đến từ Trời. Chính Đức Maria, Nữ vương hòa bình, Đấng đem chúng ta trở lại với Chúa Cha.
Trước những thế lực mạnh hơn, chúng ta thường cảm thấy bất lực. Khi nghĩ đến sức mạnh của những thế lực trên trái đất này định đoạt số phận của nhân loại, chúng ta cảm thấy bị giới hạn và bất lực, chúng ta chỉ biết tin tưởng vào lời cầu nguyện mà thôi, chúng ta tin cậy vào một sức mạnh lớn hơn, là Thiên Chúa. Vậy kinh Mân Côi càng có lý do hơn nữa để xúc tiến hòa bình, một hoà bình cho tới nay vẫn chưa trở lại. Với lời Mẹ Maria dạy và kinh nghiệm của các thánh về ơn phúc bởi đọc Kinh Kính Mừng, chúng ta hãy sốt sáng đọc kinh Mân Côi, để cầu nguyện cho bản thân, cho gia đình, cho Giáo hội, cho quê hương và cho thế giới được hoà bình.
Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân Côi, cầu cho chúng con.
Nữ Vương bình an, cầu cho chúng con. Amen
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
================

Suy niệm 2
ĐƯỢC SỐNG LẠI HIỂN VINH
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng ta biết: Đức Kitô, Con Chúa, đã xuống thế làm người,  xin Chúa đổ ơn thánh đầy lòng chúng ta, để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, và nhờ lời Mẹ chuyển cầu, chúng ta sẽ được sống lại hiển vinh. Ngày 7 tháng 10 năm 1571, Tây Phương thoát khỏi sự đe dọa của quân Thổ Nhĩ Kỳ nhờ chiến thắng ở vịnh Lêpantô. Người ta cho rằng chiến thắng đó là kết quả của Kinh Mân Côi. Ngày nay, mừng lễ này không có nghĩa là mừng biến cố xa xưa ấy, nhưng là nhắc nhở việc suy niệm các Mầu Nhiệm Nhập Thế, Thương Khó và Phục Sinh vinh hiển của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa cũng như khám phá ra vị trí của Đức Trinh Nữ Maria trong Mầu Nhiệm Cứu Độ. 

Chúng ta sẽ được sống lại hiển vinh, nhờ sự cộng tác của Mẹ vào trong công trình cứu độ của Thiên Chúa, và Mẹ sẽ luôn nâng đỡ, chở che để giúp chúng ta đạt đến ơn cứu độ của mình, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ cho thấy: Các Tông Đồ chuyên cần cầu nguyện cùng với bà Maria, thân mẫu Đức Giêsu. 
Chúng ta sẽ được sống lại hiển vinh, đây là lời hứa cứu độ Chúa dành cho chúng ta qua những điều cao cả Chúa đã làm cho Mẹ, như trong bài Đáp Ca, Đức Maria nói: Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời. 
Chúng ta sẽ được sống lại hiển vinh, đây là hy vọng chắc chắn của chúng ta, bởi vì, Chúa Cha đã sai Con Một của Người đến thực hiện lời hứa cứu độ của Người, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. 
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Kính chào Đức Maria, Mẹ đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Mẹ, Mẹ có phúc hơn mọi người phụ nữ. Trong bài Tin Mừng, sứ thần nói: Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai. Mẹ đầy ân sủng, Mẹ có phúc hơn mọi người phụ nữ, không phải do công trạng của Mẹ, nhưng do, tình yêu và lòng thương xót Chúa dành cho Mẹ và cho cả nhân loại chúng ta. Trong biến cố Truyền Tin, Mẹ đã thưa xin vâng, khi trao dâng cung lòng trinh trong để đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể, và Mẹ đã được lãnh nhận: thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa. Trong biến cố Thập Giá, Mẹ cũng đã thưa xin vâng, khi trao dâng cõi lòng tan nát để đón nhận cả nhân loại, và Mẹ đã được lãnh nhận: thiên chức làm Mẹ toàn thể chúng sinh. Trong biến cố Mẹ được đưa về trời cả hồn lẫn xác, Mẹ đã thưa lời xin vâng cuối cùng khi hoàn tất sứ mạng, và Mẹ đã được lãnh nhận: thiên chức làm Nữ Hoàng Thiên Quốc, trở nên niềm hy vọng tràn trề cho chúng ta, là khởi đầu và là hình ảnh Hội Thánh sẽ được thành toàn trên Nước Trời mai sau. Cùng với Mẹ, chúng ta chiêm ngắm các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, chiêm ngắm Mầu Nhiệm Vâng Lời của Đấng Vâng Phục. Cả cuộc đời Mẹ luôn kết hiệp khăng khít với Đấng Vâng Phục: Mở đầu bằng lời thưa “xin vâng” gián tiếp qua sứ thần để làm Mẹ Thiên Chúa trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, và kết thúc bằng lời thưa “xin vâng” trực tiếp với Đấng Vâng Phục để làm Mẹ toàn thể nhân loại trong Mầu Nhiệm Thập Giá. Ước gì khi chiêm ngắm Mầu Nhiệm Vâng Lời của Đấng Vâng Phục qua các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, chúng ta cũng bắt chước Mẹ can đảm thưa “xin vâng” trong từng biến cố của cuộc sống hằng ngày. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

================

Suy niệm 3
TIẾNG XIN VÂNG CỦA MẸ

Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1, 26-38
Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Sứ Thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria chịu thai Đấng Cứu Thế. Nhờ lời thưa “Xin vâng” của Mẹ như chìa khóa mở cửa nguồn ơn Cứu Độ. Từ đây, chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện, tiếng xin vâng của Mẹ thay đổi cả thế giới, ơn Cứu Độ được ban xuống cho nhân loại.
Mẹ quá ư tuyệt vời, chẳng vậy lời đầu tiên sứ thần Gabriel mang đến tặng Mẹ là: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28). Mẹ đơn sơ khiêm hạ, nên bối rối trước lời khen tặng ấy. Lúc đầu Mẹ cũng phản ứng cách tự nhiên theo lẽ thường mà thắc mắc theo sự hiểu biết của con người: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1,34). Sứ thần đã cắt nghĩa và chứng minh rằng đối với Thiên Chúa không có gì là không thể được. Mẹ là Đấng đầy ân sủng và luôn “có Chúa ở cùng”, nên Mẹ đã để Chúa làm chứ không nhìn vào sức mình, mà can đảm liều mình đáp lời với hai tiếng “xin vâng” làm đổi thay cho cả thế giới. Mẹ đã mềm lòng ra để cho Chúa “chiếm đoạt”: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà”. (Lc 1, 38). Ngày nay trước sứ vụ hay những công việc lớn nhỏ, chúng con thường chỉ nhìn vào sức mình nên sợ và chối đay đảy. Nhưng một khi có Chúa ở với thì “phận nữ tỳ” trở thành Mẹ Thiên Chúa. Cũng vậy, dù là tạo vật hèn kém, bất xứng nhưng có Chúa ở cùng, chúng con sẽ thành chi thể, bạn hữu và anh em của Người.
Từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng con cũng được Đấng Emmanuel ở với chúng con, chúng con phải làm sao để Đấng ấy được lớn lên trong chúng con. Ngày nay con vẫn luôn hát bài ca “Xin vâng” của Mẹ. Lúc hát thì có vẻ dễ dàng, hăng hái như “thuộc lòng” hai tiếng “xin vâng” tự bao giờ. Khi vui vẻ hạnh phúc thì cũng dễ dàng nói lớn hai tiếng “xin vâng”. Vậy mà trong những lúc gặp khó khăn, biến cố nghịch cảnh, thất bại… con lại thấy khó làm sao khi thưa lên hai tiếng ấy cách hăng hái thật lòng. Làm sao con học với Mẹ đây? Trọn cuộc đời Mẹ chỉ hai tiếng “xin vâng” trước mọi biến cố trong đời. Mẹ xin vâng trong biến cố Truyền Tin hôm nay, xin vâng khi đem con đi trốn, khi lạc mất con… nhất là khi đứng dưới chân thập giá.
Mẹ ơi! nhờ tiếng “xin vâng” của Mẹ mà nhân loại chúng con được phúc “đổi đời”! Con nức lòng biết ơn và cám ơn Mẹ, vì nhờ Mẹ mà nay con có Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng Emmanuel, để con mãi được “ở với” Ngài. Xin Mẹ dạy con sống với Chúa Giêsu Thánh Thể như Mẹ, nhờ Mẹ với Mẹ và trong Mẹ, giữa cuộc đời trần tục đầy sóng gió của con.
Én Nhỏ

================

Suy niệm 4
ĐẤNG TOÀN NĂNG ĐÃ LÀM CHO MẸ
(LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI 07/10) 
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng ta biết: Đức Kitô, Con Chúa, đã xuống thế làm người,  xin Chúa đổ ơn thánh đầy lòng chúng ta, để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, và nhờ lời Mẹ chuyển cầu, chúng ta sẽ được sống lại hiển vinh. Ngày 7 tháng 10 năm 1571, Tây Phương thoát khỏi sự đe dọa của quân Thổ Nhĩ Kỳ nhờ chiến thắng ở vịnh Lêpantô. Người ta cho rằng chiến thắng đó là kết quả của Kinh Mân Côi. Ngày nay, mừng lễ này không có nghĩa là mừng biến cố xa xưa ấy, nhưng là nhắc nhở việc suy niệm các Mầu Nhiệm Nhập Thế, Thương Khó và Phục Sinh vinh hiển của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa cũng như khám phá ra vị trí của Đức Trinh Nữ Maria trong Mầu Nhiệm Cứu Độ. 
Đấng Toàn Năng đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả, cho Mẹ sinh hạ Đấng Trung Gian duy nhất hòa giải nhân loại với Thiên Chúa, để chúng ta được hưởng ơn cứu độ, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô cho thấy: Sống giữa lòng thế giới, Hội Thánh có sứ mạng cầu nguyện không ngừng nhờ Đấng Trung Gian duy nhất là Chúa Giêsu Kitô. Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, đó là một con người: Đức Giêsu Kitô. Người đã tự hiến làm giá chuộc mọi người… Bởi thế Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một Vị Thượng Tế nhân từ. 
Đấng Toàn Năng đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả, để Mẹ làm máng chuyển thông ơn thánh cho chúng ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Bênađô nói: Những mầu nhiệm ấy ngọt như những trái hạnh đào trổ sinh từ cây gậy của tư tế Aharon. Sự ngọt ngào đó, Đức Maria đã kín múc từ trời cao và đổ xuống tràn trề trên chúng ta… Lạy Đức Trinh Nữ Maria, trong hàng nữ giới ở Giêrusalem, nào có ai sánh được như Ngài: Ngài là hiền mẫu của Vua các vua, là nữ vương trên chín phẩm thiên thần, là nữ hoàng thiên quốc… Mừng vui lên, hỡi Mẹ đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Mẹ. Mẹ có phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con Mẹ đã cưu mang cũng thật là có phúc. 
Đấng Toàn Năng đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả, để qua Mẹ, Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ của Người dành cho chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ cho thấy: Các Tông Đồ chuyên cần cầu nguyện cùng với bà Maria, thân mẫu Đức Giêsu. Trong bài Đáp Ca, Đức Maria nói: Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Kính chào Đức Maria, Mẹ đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Mẹ, Mẹ có phúc hơn mọi người phụ nữ. Trong bài Tin Mừng, sứ thần nói: Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai. Tất cả những gì ta tin về Mẹ đều quy hướng về đức tin của ta đặt nơi Đức Giêsu, Con của Mẹ, bởi vì, hơn ai hết, Mẹ đã theo sát Đức Giêsu từ khi Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng Mẹ cho đến tận chân thập giá. Lời “xin vâng” của Mẹ được lấy mẫu từ lời “xin vâng” của Đấng Vâng Phục, Đấng mà Mẹ hằng dõi bước theo, và liên lỉ bắt chước để trở nên đồng hình đồng dạng với Người, trong sự vâng phục tuyệt đối thánh ý Chúa Cha. Mẹ vẫn tiếp tục sứ mạng “vâng lời” làm Mẹ của toàn thể chúng sinh, và cùng đồng hành với Hội Thánh. Ước gì ta biết xin vâng như Mẹ và Con của Mẹ, để ta cũng được hưởng hạnh phúc Quê Trời cùng với Mẹ. Ước gì được như thế!

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log