Thứ sáu, 20/09/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXV Thường niên B

Cập nhật lúc 10:11 20/09/2024
Suy niệm 1
LÀM NGƯỜI PHỤC VỤ
Mc 9, 30-37
Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ về cuộc khổ nạn của Ngài, để khi sự việc xảy ra thì họ sẽ không quá ngỡ ngàng và hoang mang, nhưng họ vẫn không hiểu, hoặc không muốn hiểu. Nói rằng các ông sợ không dám hỏi lại, nhưng đúng hơn, các ông muốn tránh né vấn đề. W. Barclay đã bình phẩm thái độ này như sau: Tâm trí con người vốn có năng khiếu lạ lùng để loại bỏ điều họ không muốn thấy. Chúng ta có khác gì họ đâu? Cũng vậy thôi, chỉ tiếp nhận phần nào mình thích và phù hợp với mình, và từ chối không chịu hiểu phần còn lại. Không dám đón nhận tất cả thì đời chúng ta cũng không đạt tới điều gì cả.
Dù Đức Giêsu đã báo về cuộc thương khó, nhưng dường như các môn đệ tìm cách hiểu khác đi. Họ đoán biết Thầy sắp kết thúc hoạt động rao giảng, nhưng sẽ kết thúc một cách huy hoàng bằng cuộc cách mạng tái lập lại Israel. Thế nên giữa các ông bắt đầu có một cuộc tranh chấp về địa vị trong vương quốc mới của Thầy. Các ông tranh cãi nhau ngay trong lúc đi đường xem ai là người lớn nhất trong nhóm. Chúng ta biết là các môn đệ ngay từ đầu không phải là những người lành thánh. Họ không bỏ mọi mọi sự mà theo Thầy để rồi không được gì. Dù họ chỉ là những người bình thường, có thể là tầm thường, nhưng khi có dịp thì vẫn mơ ước làm công hầu khanh tướng. Khi biết Thầy định lập vương quốc, thì đương nhiên họ toan tính nắm giữ quyền hành, chỉ có điều là mơ ước đó đi ngược với đường hướng của Thầy.
Khi về đến nhà, Đức Giêsu bảo các môn đệ ngồi xuống, Ngài vờ hỏi xem họ đã bàn chuyện gì khi đi đường. Họ làm thinh không trả lời. Trong bầu khí trầm lắng, Ngài nhẹ nhàng đưa ra cho họ một cách thế để trở nên những con người lớn lao thực sự:“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Lời này có lẽ làm cho các đồ đệ vừa sượng sùng trước cái ham muốn quyền thế, vừa rơi xuống chiếc mặt nạ ảo tưởng về chính mình. Bởi vì người đứng đầu mà phải sống như người đứng cuối, thì có ai muốn đứng đầu nữa không? Hơn nữa, họ có tài sức gì mà đòi cho mình một vai trò hay vị trí lớn lao trong Nước Chúa. Chúng ta xem ra cũng hay ảo tưởng về mình.
Đức Giêsu còn minh họa bằng một hình ảnh sống động khi đặt đứa bé vào giữa họ rồi ôm lấy nó, và tuyên bố: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”. Khi nói và làm như thế, Đức Giêsu đã thực hiện một hành động phục hồi mang hai chiều kích: con người và tôn giáo; vừa nhận mình là tôi tớ của mọi người, vừa mở rộng vòng đai khép kín của Giáo hội đến tận những người hèn mọn nhất. Đó chính là sứ vụ của Chúa Giêsu ủy thác cho các môn đệ. Để nhấn mạnh thêm bài học quan trọng này, Ngài đã kết luận:“Ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Như vậy, ai đón nhận Ngài trong bản thân những kẻ bé nhỏ là đón nhận chính Thiên Chúa. Lạ thay! Thiên Chúa mang khuôn mặt một con trẻ. Đó là sứ điệp rất mới và rất lạ của đoạn Tin Mừng này.
Quả thật, trước giáo huấn của Chúa Giêsu, việc đua đòi danh vọng trở nên cái gì hàm hồ đối với những ai bước theo Ngài. Nhưng dường như ai cũng háo hức về chức tước, địa vị, quyền thế, vì nó không chỉ thỏa mãn được nhu cầu thể hiện bản thân, mà còn vì được công thành danh toại trước mặt người đời:“Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”, hoặc “Không công danh thà nát với cỏ cây”. Chức vụ, địa vị, là điều phải có trong mọi tổ chức xã hội cũng như Giáo Hội. Nó xấu là bởi vì người ta quy về mình, lo chiếm hữu cho mình. Nhưng nó lại rất tốt khi người ta coi đó như một phương tiện phục vụ để đem lại bình an và hạnh phúc cho tha nhân. Tuy nhiên, kẻ ham mê quyền cao chức trọng thì không thể là người tốt được.
Thực tế, việc ham muốn đứng đầu vẫn là một cám dỗ không ngừng đối với đời lẫn đạo. Rất ít người mong đứng đầu để phục vụ, mà để hưởng thụ và sống trên người khác. Dù có phục vụ đi nữa thì cũng phục vụ như kẻ có quyền. Không mấy ai có được tính cách phục vụ như Đức Giêsu. Nếu phải coi ai là “Người lớn nhất”, thì chắc phải là người phục vụ nhiều nhất, với lòng khiêm nhường và tình yêu vô vị lợi. “Người lớn nhất” không dùng sức mạnh để chỉ huy, nhưng dùng con tim để yêu thương; không đứng trên cao để điều khiển, nhưng xuống dưới thấp để hầu hạ. Không phải chỉ Giáo Hội, mà bất cứ một tập thể hay cộng đoàn nào cũng rất cần những người đứng đầu theo kiểu mẫu của Đức Giêsu. Nhà truyền giáo Albert Schweitzer nói: “Người hạnh phúc nhất trong anh em là người đã tìm thấy con đường hiến thân phục vụ”.     
Cầu nguyện  
Lạy Chúa Giêsu!
Ngài là Con Thiên Chúa Đấng toàn năng,
nhưng không đến trần gian làm bá chủ,
mà là đến để hiến thân phục vụ,
để đem lại hòa bình cho thế giới,
và trở thành giá cứu chuộc cho đời. 

Ai cũng muốn mình nên cao trọng,
nên chạy theo danh vọng quyền hành,
dùng mọi phương kế để đua tranh,
đưa đến bao nhiêu chuyện chẳng lành.

Chúa dạy con muốn nên người lớn nhất,
phải làm người nhỏ nhất giữa anh em,
làm cao phải biết cúi mình phục vụ, 
làm lớn phải hành động thật khiêm nhu.
        
Nhìn ngắm tượng ảnh Chúa Giê-su,
con thấy tay Ngài không chỉ lên đầu
mà chỉ vào trái tim bị đâm thâu,
một trái tim bốc lửa vì yêu dấu.

Điều đó thật đã làm cho con hiểu: 
đứng đầu thì phải sống như người hầu,
và vui lòng đón nhận những thương đau,
như chính Chúa đã nêu lên gương mẫu.

Phục vụ nào cũng đòi con xả kỷ,
không tìm mình và cũng chẳng mong chi,
chỉ mong sao ý Chúa được thực thi,
và ai cũng thấy mình được yêu quý.

Xin cho con đừng toan tính điều gì,
nhưng chân thành và phục vụ cho đi,
đặt mình làm tôi tớ của mọi người,
nhận ra vị trí mình là ở dưới,
để góp phần cho cuộc sống đẹp tươi. Amen.

Lm. Thái Nguyên
================
Suy niệm 2
LÃNH ĐẠO L
À NGƯỜI TÔI TỚ ĐÍCH THẬT

Sống trong một xã hội, chúng ta không thể tránh khỏi những ảnh hưởng, chi phối tốt đẹp cũng như xấu xa của nó. Đã là con người, ai cũng muốn khẳng định giá trị của bản thân. Tuy nhiên, chúng ta thường rời xa giá trị thật sự của mình. Vì giá trị con người không bao giờ hệ tại bởi những gì chúng ta sở hữu hay nắm giữ, cho bằng chính sự hiện hữu của bản thân.
Do đó, cách nhìn về vai trò lãnh đạo hay làm lớn của chúng ta dường như bị lệch lạc. Là người lãnh đạo, người dẫn đầu, người làm lớn mà chỉ dựa trên quyền hành, quyền bính, cậy có quyền, có tiền…điều khiển, sai khiến, ‘làm chủ’ người khác. Ngoài thế giới rộng lớn kia, và trong xã hội đa dạng này, lối nhìn, cũng như thực trạng trên đã-đang diễn ra cách rõ ràng hơn. Tuy nhiên, dưới nhãn quan của Đức Giê-su, vai trò lãnh đạo và người muốn làm lớn lại khác hẳn, lắm khi trái ngược, “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người” (Mc 9, 35). Lời dạy của Đức Giê-su mời gọi tất cả những ai đang nắm giữ vai trò lãnh đạo, đang muốn làm đầu; nhất là đòi hỏi chúng ta - môn đệ của Ngài.
Nhớ lại thời gian đào tạo trong chủng viện Chúa Chiên Lành, tôi được tiếp xúc và sinh hoạt chung với Đức Hồng y Lu-is An-tô-ni-ô G. Tag-lê 5-6 năm (khi ấy ngài là Giám mục và Giám đốc chủng viện). Tuy bận rộn với sứ vụ Giám mục, giảng dạy tại các học viện-chủng viện, tham dự nhiều hội nghị, cuộc họp trong và ngoài nước, nhưng Ngài luôn luôn trở về chủng viện cho dù tối khuya. Có một lần, tôi còn nhớ rõ như hôm qua. Khi cả chủng viện vừa mới ăn tối xong, thì ngài liền về tới. Lúc ấy, tổ chúng tôi đang hì hục từng công đoạn rửa bát (tráng dĩa, bát, xoong nồi, muỗng nĩa bằng nước nóng - rửa bằng bột rửa chén - rửa với nước lạnh - rửa với nước nóng - lau khô trước khi xếp vào tủ), thì ngài len vào muốn phụ chúng tôi. Dĩ nhiên, ai trong chúng tôi đều không đồng ý và nói: “Đức Cha nhiều việc rồi, với lại mới về, nên xin Đức Cha lên phòng nghỉ ngơi…” Mặc dù nghe vậy, nhưng ngài vẫn nán lại rửa bát, thử chờ đến giây phút mà chúng tôi có thể đổi ý. Tuy nhiên, ai ai cũng năn nỉ ngài về phòng nghỉ ngơi vì cũng khuya rồi, nên ngài đành rửa tay và đi ra ngoài nhà bếp. Tưởng chừng, ngài lên phòng; nhưng ngài vẫn muốn nán lại chỗ lau bát chén và cùng trò chuyện nói cười vui vẻ với tổ lau-cất. Một hình ảnh và nhân chứng sống cụ thể khó tìm thấy nơi môi trường đào tạo; nhưng thiết nghĩ là mẫu gương thiết thực trong vai trò lãnh đạo với tinh thần mà Đức Giê-su răn dạy các Tông đồ và chúng ta là những người đã-đang-sẽ bước theo Chúa.
Theo nhãn quan của Thầy Giê-su, trước hết, lãnh đạo là phục vụ khiêm hạ. Tin Mừng hôm nay thuật lại biến cố trên đường đi tới Ca-pha-na-um, các môn đệ tranh luận “ai là người lớn nhất?” (x. Mc 9, 34), cho dù sau khi được nghe Đức Giê-su tiên báo về thân phận của Ngài: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9, 31). Các ông chẳng hiểu và cũng không nghĩ Đức Giê-su sẽ phải chịu như vậy, cho nên vẫn cứ tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất! Mặc khác, trên bước đường bôn ba theo Thầy Giê-su đây đó, chắc hẳn họ cũng được nghe nhiều điều mà Ngài giảng dạy liên quan đến vai trò lãnh đạo này: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23, 11; Lc 22, 26). Hơn hết, các ông tận mắt chứng kiến Thầy mình trong Bữa tiệc ly trước khi tử nạn, đã cúi xuống rửa chân cho các ông, rồi lau khô. Gương phục vụ khiêm hạ ấy lên tới đỉnh điểm trên cây thập giá nơi Ngài chịu đóng đinh. Đây chẳng phải là câu chuyện hư cấu hòng thu hút sự chú ý độc giả như tin giật gân chạy những tít lớn trên báo chí giấy cũng như báo mạng hoặc những phương tiện truyền thông! Đây không phải là truyền thuyết, hay chuyện tranh Nhật Bản (manga), hoặc chuyện cổ tích Giáo hội dựng nên! Mà chính là Con Thiên Chúa đã mặc lấy xàm phàm, ở giữa chúng ta, sống tận cùng với lời Ngài giảng dạy. Có lẽ chính vì thế, trải qua bao đời triều đại Giáo hoàng, đặc biệt Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II lúc còn sống, ngài đã dùng tước hiệu “Tôi tớ của các tôi tớ Chúa” (Servus Servorum Dei), hầu trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su Ki-tô chí thánh một cách trọn vẹn nhất có thể. Còn chúng ta, những người đang bước theo Chúa, hay muốn trở thành môn đệ đích thật của Thầy Giê-su thì con đường phục vụ khiêm hạ là nẻo chính hằng mong.
Thứ đến, lãnh đạo là phục vụ yêu thương. Nhờ nhân đức khiêm nhường, chúng ta mới có thể yêu thương hết tình. Quả thật, khi kiêu căng, ngạo mạn phình to trong cái bản ngã to tướng của mình, thì chúng ta không thể nào phục vụ với vai trò lãnh đạo được. Vả lại, khi không có lòng mến, thì như Thánh Gia-cô-bê chỉ ra “ở đó hỗn độn và đủ thứ tệ đoan”; dĩ nhiên sinh ra thói ganh tị, cãi vã, tranh chấp (x. Gc 3, 16). Như thế, chẳng thể nào ‘cúi xuống rửa chân” phục vụ như Đức Giê-su mời gọi cũng như đòi hỏi được. Tình mến khiến chúng ta cảm thông, đặt mình vào vị trí người khác, tha thứ và bao dung đúng mực; nhờ đó, chúng ta mới dám hy sinh, bước ra khỏi ‘chốn loang phòng chăn ấm nệm êm’ của bản thân mà đến với tha nhân, chẳng phải đòi người khác phục vụ, cung phụng, mà chỉ mong chia san, phục vụ anh chị em như Thầy Giê-su “…và Ngài yêu thương họ đến cùng”(Ga 13, 1), “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự…” (x. Pl 2,  8).
Sau cùng, vai trò lãnh đạo không những phục vụ trong khiêm hạ và yêu thương hết tình, mà còn biết đón nhận mọi người, đặc biệt ‘những ai bé mọn như Đức Giê-su “đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy…” (x. Mc 9, 36-37). Nhưng sao lại là ‘một trẻ thơ’? Như chúng ta biết, đàn bà và con trẻ không được tôn trọng, thường bị gạt bỏ trong xã hội Do Thái thời đó. Vì thế, Đức Giê-su đưa một đứa trẻ ra, hầu dạy các môn đệ và chúng ta biết đón nhận những người bị bỏ rơi, những ai là nạn nhân của sự ganh ghét, nội chiến sắc tộc, những người ‘thấp cổ bé miệng”, không có tiếng nói, v.v…như thể Ngài ‘lội ngược dòng’ với ‘văn hoá bỏ rơi, xã hội lãng quên’ đang chảy xiết trong cơn xoáy của chính nó. Đón nhận mọi người, nhất là những người bé mọn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, không chỉ ở lời nói thôi, mà còn hành động ‘ôm lấy họ, ôm trọn con người hiện hữu của họ’, chẳng một lời than van, trách móc hoặc đổ lỗi hay ‘mãi tìm nguyên nhân, đánh mất, lãng quên và rồi đưa họ vào một thời dĩ vãng’. Nói đến đây, chúng ta không thể không nhớ đến mẫu gương tận tâm của Thánh Tê-rê-sa miền Cal-cút-ta. Khi còn sống, Mẹ đã từng gặp gỡ trực tiếp, ôm trọn hết tất cả những nỗi đau khổ, khốn khó của kiếp phàm trần nơi anh chị em cô thế cô thân, đang hấp hối. Mẹ đã đón nhận và chứng kiến từng người ra đi với phẩm giá cao quý của họ, cho dù phẩm giá của họ bị chà đạp, bị cướp mất lúc họ còn sống đi nữa. Về phương diện này, không thiếu tấm gương soi chiếu, nhưng điều chúng ta cần ngay bây giờ là đứng dậy, tiến bước và thực hiện.
Lạy Chúa, giữa dòng xoáy đời trôi
Bao thăng trầm giăng lối Ngài ơi!
Nguyện lòng con luôn mãi rạng ngời
Khiêm nhu phục vụ người anh em
Hằng đón nhận êm đềm, vui sướng
Hay khổ đau tan thương mỗi ngày
Ôm trọn người anh em quý thay. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
================
Suy niệm 3
Qua Thập giá đến vinh quang
(Mc 9, 30 – 37)
Sống ở trên đời, người ta thường áp dụng nhiều phương thế để có được hạnh phúc, nhưng song song với việc kiếm tìm hạnh phúc, thì không thể nào mà không có bóng dáng của khổ đau. Như phải có màu trắng để biết được màu đen, có bên phải thì có cái gọi là bên trái, có trên cao thì mới thấy cái dưới thấp, có bóng tối mới nhận ra ánh sáng, có nụ cười thì cũng có nước mắt…
Vì thế, nói đến Hạnh Phúc thì cũng phải nói đến Đau Khổ. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến khổ nạn và phục sinh, cụ thể là Thập giá và vinh quang. Người cũng nói đến trẻ em và người lớn là những mặt đối nghịch nhau nhưng song hành cùng nhau và hiển hiện trong cuộc đời của mỗi chúng tra trên cõi đất này. Mỗi người chúng ta đều trải nghiệm ít nhiều trong đời, cái tâm trạng êm ái, dễ chịu, sung sướng được gọi là Hạnh Phúc và ngược lại, cái thái độ bực bội, khó chịu, đau đớn được gọi là Đau Khổ.
Con người vốn sợ đau khổ và mong tìm hạnh phúc. Thế nhưng đau khổ lại cứ bám riết lấy con người, còn hạnh phúc thì lại thật mong manh.
Sau khi thăm dò ý kiến dân chúng về chính con người của mình, Chúa Giêsu quay sang hỏi các môn đệ, và nhận được phản hồi từ Phêrô tuyên xưng: "Thầy là Đấng Kitô" (Mc 8, 29). Chúa Giêsu bắt đầu mạc khải cho các ông biết Người là " Tôi Tớ đau khổ" … "Sẽ phải chịu đau khổ nhiều…bị giết đi" (Mc 8, 31).
Các môn đệ kia không biết có hiểu hay có ý kiến gì không, vì không thấy nói tới? Đành rằng với ý ngay lành chúng ta thanh minh cho các Tông Đồ như Marcô ghi rõ là: "Các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người" (Mc 9, 10). Không dám hỏi Chúa nhưng lại hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?" (Mc 9,10) Và cũng từ sự không hiểu biết ấy dẫn đến cuộc cãi vã dọc đường (x. Mc 9, 34). Tệ hơn nữa Giacôbê và Gioan đến xin Chúa Giêsu cho được một ngồi bên tả, một ngồi bên hữu Thầy (x. Mc 10, 35).  Còn Phêrô, vì không chấp nhận mạc khải ấy nên đã bị khiển trách nặng nề: "Satan, hãy lui đi" (Mc 8, 33).
Nhìn vào cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta thấy đó là một cuộc đời đi vào đau khổ. Từ trời cao Người đã nhập thể làm người, hòa mình vào trong nhân thế, trong giới lao động cùng khổ. Người đến trần gian không nhằm mục đích xóa bỏ đau khổ mà là hiện diện cùng với những con người đau khổ. Người đòi hỏi các môn đệ phải từ bỏ danh, lợi, thú, để đi vào con đường thập giá, con đường mà nhiều người đang muốn vượt ra, nay Người lại mời gọi đi vào.
Phải chăng là một nghịch lý khi Đức Giêsu đề nghị ta hãy đi vào đau khổ? Phải chăng Người chỉ muốn các tín đồ của Người sống trong đau khổ?
Không, con đường Chúa Giêsu đi không dừng lại ở đau khổ và sự chết. Nếu kết thúc cuộc đời của Chúa Giêsu chỉ dừng lại ở bi kịch thập giá thì cửa mồ của sự chết sẽ hoàn toàn khép lại. Người đi qua đau khổ để tiến tới vinh quang, qua sự chết để tới sự phục sinh.
Con đường ấy, Chúa mời gọi chúng ta là kitô hữu vác lấy thập giá hằng ngày của mình mà theo Chúa. Thập giá ở đây là chính bổn phận, là trách nhiệm thường ngày của mỗi người. Chồng vợ vác thánh giá mình nghĩa là có bổn phận, trách nhiệm quan tâm, lo lắng và đem lại hạnh phúc cho nhau. Cha mẹ có bổn phận, trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ con cái. Ngược lại, con cái phải có bổn phận thảo hiếu, kính yêu và vâng lời cha mẹ, chia sẻ trách nhiệm với gia đình trong khả năng thể. Người kitô có trách nhiệm đối với Giáo hội, giáo phận, giáo xứ. Sợ hãi khổ đau là sợ hãi trách nhiệm. Trốn chạy đau khổ là trốn tránh trách nhiệm. Kẻ sợ hãi trách nhiệm là người vô dụng, và người như thế chỉ là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Nếu mỗi người đều biết chu toàn bổn phận của mình một cách ý thức, trách nhiệm là chúng ta đang trồng cây hạnh phúc ở giữa gia đình và xã hội mà chúng ta đang sống. Thập giá của bổn phận sẽ không còn là nỗi khổ mà là niềm vui, vì chúng ta đang cống hiến tài năng, trí tuệ của mình để đem lại hạnh phúc cho gia đình và xã hội. Nếu chúng ta bỏ bê và thiếu trách nhiệm trong bổn phận là chúng ta đang hủy diệt cây hạnh phúc và trồng cây đau khổ cho gia đình cũng như xã hội.
Ngày hôm nay, tận cùng trái đất đối với chúng ta thật là tương đối và luôn dễ dàng lướt web, đó là thế giới tiềm thể, kỹ thuật số, các mạng xã hội đang tràn ngập và xuyên qua chúng ta, xóa bỏ mọi khoảng cách, thu hẹp những khác biệt. AI, hay điện toán toàn cầu ở trong tầm tay chúng ta. Điều thiết yếu là tìm kiếm và gắn bó với Đức Kitô, mang Chúa là nguồn hạnh phúc đến cho người khác. Giáo hội đang cần đến chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô đang mời gọi toàn thể Hội Thánh “Cùng với người trẻ, chúng ta mang Tin Mừng cho tất cả mọi người”.
Nguyện xin Chúa ban ơn phù trợ, giúp mỗi người trau dồi kiến thức Đạo đời, trở nên những chiến sĩ loan báo Tin Mừng, can đảm lên đường sống mùa xuân truyền giáo, loan báo cho mọi người Đức Kitô tử nạn và phục sinh để họ tin mà được cứu độ. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Văn Độ
================
Suy niệm 4
VÂNG GIỮ GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 25 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, xin Chúa giúp chúng ta hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh.
Vâng giữ điều Chúa truyền dạy, nếu không sẽ tự chuốc lấy tai họa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Êdêkien cho thấy: Thử thách trong đời tư của ngôn sứ: liên đới với dân, khi vinh cũng như khi nhục, ngôn sứ nhân lúc chịu tang, báo trước đám tang cả nước sắp phải chịu. Đột ngột đến độ không có thì giờ cho bất cứ một nghi thức nào, nhưng ít lâu sau, những người lưu đày sẽ có dịp nghe lời Chúa, và nhờ đó có cơ may ăn năn trở lại. Êdêkien sẽ nên điềm báo cho các ngươi. Các ngươi sẽ làm y như nó đã làm. Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, là Chúa Thượng… Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của các ngươi.
Vâng giữ điều Chúa truyền dạy, bằng cách quan tâm giúp đỡ những người yếu nhược, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Người nói với các mục tử xấu chỉ biết uống sữa chiên và mặc đồ len, còn chiên thì chẳng chịu săn sóc, và con nào đau yếu, cũng chẳng lo bồi dưỡng… Ngược lại, thánh Phaolô thì: Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả để hòa mình với mọi người, hầu bằng mọi cách, cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.
Vâng giữ điều Chúa truyền dạy, cho dẫu, có bị chống đối, bị bách hại, vẫn giữ thái độ hiền hòa, khoan dung, mềm dẻo, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Khôn Ngoan cho thấy: Phường vô đạo nói: Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 53, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Chúa, thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ. Phường kiêu ngạo nổi lên chống đối, bọn hung tàn tìm hại mạng sống con, chúng không kể gì đến Thiên Chúa. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Giacôbê nói: Người xây dựng hòa bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hòa bình, là cuộc đời công chính.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được hưởng vinh quang của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải phục vụ mọi người. Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng kêu gọi chúng ta, đó là Tin Mừng nào? Thưa, Tin Mừng Thiên Chúa nhập thể làm người để cứu độ chúng ta, để chúng ta được hưởng vinh quang của Đức Giêsu Kitô, vinh quang nào? Thưa, vinh quang của Đấng sẽ bị nộp vào tay người đời, sẽ bị giết chết, và ba ngày sau, Người sẽ sống lại; vinh quang của Đấng đến để làm theo thánh ý Chúa Cha: đến không phải để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. Đức Kitô chính là vinh quang của chúng ta, vinh quang của những ai muốn làm đầu thì phải hầu thiên hạ, vinh quang của những ai biết trở nên bé nhỏ nghèo hèn, yêu thương đón nhận hết tất cả mọi người, nhất là, những người hèn mọn bị gạt ra bên lề xã hội. Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, ước gì chúng ta hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
================
Suy niệm 5
Phục vụ cho đến chết
Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37
Dân tình đang kinh ngạc trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa nơi Thầy Giêsu. Thầy chữa bao nhiêu bệnh hoạn tật nguyền chẳng cần thuốc thang, chữa bệnh kinh phong, trừ được những loại quỷ quái ác nhất, hồi sinh kẻ chết, Thầy mới biến hình sáng rực trên núi… Thầy đang nổi tiếng lẫy lừng, đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Thầy làm, thì Thầy lại nói với các môn đệ, đoàn tùy tùng theo Thầy, đang hy vọng được cùng hiển trị với Thầy rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”. (Mc 9,31). Thầy nói vậy có nghĩa là Thầy… sắp phải chết. Đang khỏe re thịnh đạt lại nói ra mình sắp phải chết, ai nghe vậy mà chẳng thấy hụt hẫng và sợ, huống hồ các môn đệ là những người hiền lành chất phác, nhát sợ nên không dám hỏi lại về điều ấy. Nếu là chúng con ngày nay chắc đã dãy nảy lên, hoặc là sẽ xua tay bàn lùi như ông Phêrô hôm nào. Thầy đang đầy quyền uy cao cả của Thiên Chúa như thế, sao lại chịu bị nộp vào tay người đời mà chết cho khổ, sao lại có chuyện ngược đời như vậy được? Các ông không thể hiểu nổi một Thiên Chúa quyền uy như thế mà lại chọn con đường đau khổ để cứu độ con người. Các ông sợ vì các ông không dám đương đầu với cái chết của Thầy. Thầy mà chết, hy vọng được cùng thống trị với Thầy sẽ tan thành mây khói.
Còn bỡ ngỡ vì ngược đời hơn, sức mạnh của loài người hèn hạ, lại treo Đấng quyền năng lên thập giá mà sỉ nhục và giết chết. Chỉ sau khi Thầy Phục Sinh, được Chúa Thánh Thần mở trí và cho sức mạnh can đảm, các ông mới hiểu đường lối cứu độ của Thầy mình, họ sẵn sàng can đảm ra đi làm chứng cho Thầy cho dù phải chết đau thương. Cái chết lúc này không phải thất bại nhục nhã, mà là chiến thắng vinh quang, khác xa cái nhìn của loài người.
Còn chúng con hôm nay cũng chưa hiểu nổi, nên vẫn hoài tìm kiếm vinh quang trước mắt, vẫn trốn tránh khó khăn đau khổ. Chỉ khi được mật thiết thâm sâu trong Chúa, chúng con mới hiểu đường lối của Chúa. Trong Chúa chúng con nhìn rõ cách thức yêu thương của Chúa trong từng biến cố, từng cuộc đời của mỗi con người trần thế.
“Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” (Mc 9,37). Tiếp đón người thế giá, người thương mến ta thì dễ, nhưng “vì danh Thầy” mà kết thân với người khó ở, bạn bè với người thấp cổ bé họng, hèn hạ đói rách, bệnh tật ngạo ngơ, người “chẳng ra gì” mà kể như chính Thầy thì khó biết bao! Nhưng khi cảm nghiệm mình “chẳng ra gì” mà được Chúa nâng niu, ta sẽ vui vẻ đón nhận người anh em của ta cho dù họ là ai.
Chúa ơi! còn đâu lằn ranh giữa Thiên Chúa và loài người, khi chính Chúa vì yêu đã nộp mình cho chúng con? Chúa chết để cho chúng con được sống. Chúa hiến mình làm của ăn nuôi sống chúng con, ở với chúng con mọi ngày mãi mãi, cho dẫu chúng con hèn hạ bất xứng trăm bề. Xin cho chúng con biết lấy hết tình trong con tim yếu đuối để đáp Tình Ngài, mà không bao giờ cảm thấy đã đủ, đã xứng đã cân, đã xong. Xin cho chúng con biết sống hết mình với anh em, cho Giáo Hội, hiến mình phục vụ vì lòng yêu mến, không cân đo đong đếm, không sợ mất mát được thua. Bởi chính Chúa đã tự hiến “trao nộp” cả thân mình vì chúng con. Một khi được gặp gỡ và nhận ra đường lối yêu thương của Chúa, chúng con luôn sống hạnh phúc bình an, hoan lạc ngay trong cuộc đời phù vân, nay còn mai mất, hôm nay vui sướng, ngày mai đau khổ tàn tạ chợt đến bất cứ lúc nào.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Biên bản Hội nghị thường niên kỳ II năm 2024
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Biên bản Hội nghị thường niên kỳ II năm 2024
Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên kỳ II năm 2024 tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao, giáo phận Phan Thiết, từ ngày 16 đến 20 tháng 9 năm 2024. Tham gia Hội nghị có đầy đủ 31 Giám mục đang phục vụ 27 giáo phận tại Việt Nam.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log