Chúa nhật, 08/09/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 16 Thường niên năm B

Cập nhật lúc 09:42 18/07/2024
Suy niệm 1
CẦN SỰ NGHỈ NGƠI
Mc 6, 30-34
Sau một chuyến đi thực tập truyền giáo, các tông đồ trở về tụ họp chung quanh Đức Giêsu. Các ông hồ hởi kể lại những điều các ông đã làm và đã dạy. Với con tim mục tử, Đức Giêsu quan tâm đến con người hơn công việc. Ngài biết các ông rất vui nhưng cũng đã mệt, nên dịu dàng nhủ bảo: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Ðức Giêsu muốn các ông tạm dừng lại công việc, để có đôi chút nghỉ ngơi cho thân xác, đôi chút yên tĩnh cho tâm hồn, để hưởng nếm những giây phút thư thái và ấm áp trong tình nghĩa thầy trò, để có thêm năng lực và sự hăng hái cho ngày mai.
Số người mắc bệnh thần kinh ngày nay càng gia tăng. Nguyên nhân chính do là áp lực của công việc, lúc nào người ta cũng phải lo toan tính toán để đạt mục tiêu, đạt kế hoạch... Áp lực công việc gắn liền với những nỗi lo sợ khác: sợ thất bại, sợ thua lỗ, sợ mất danh giá, sợ bị khiển trách, sợ mất việc... Ngoài những nỗi lo sợ đó còn là những ham mê lợi lộc và ham muốn trổi vượt. Tâm trạng đó khiến người ta không dám nghỉ ngơi, cứ phải làm việc liên tục, khiến sức khỏe mau suy kiệt, trí não suy thoái, tinh thần suy giảm, và nhiều thứ suy nhược khác. Hoặc nghỉ ngơi bằng cách tìm đến những cuộc vui chơi, tổ chức ăn uống, hưởng lạc… Làm thế càng mệt mỏi, căng thẳng và tai hại hơn.
Chúng ta cần một chút yên tĩnh mỗi ngày để nghỉ ngơi thật sự, để tìm lại một cõi riêng tư của tâm hồn mình, để trở lại chỗ sâu nhất của lòng mình, để phục hồi và gia tăng sức sống. Cần tìm một chỗ thật yên tĩnh để tôi có thể ngồi lại với tôi, ngồi lại với Chúa, nhất là mỗi tối khi đêm về, mỗi sáng sớm trước khi đi vào ngày sống. Thứ yên tĩnh ta cần là thứ yên tĩnh bên trong, không còn bồn chồn, lo lắng, xôn xao; thứ yên tĩnh tràn đầy hương vị ngọt ngào của tình Chúa tình người.
Khi thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng, thì không ngờ dân chúng đã kéo nhau đến trước nơi mà các ngài định đến. Nhìn thấy đám đông như đoàn chiên bơ vơ không người chăn dắt, khiến Chúa Giêsu cảm động tận cõi lòng. Vì yêu thương nên Ngài đã nhủ bảo họ nhiều điều. Dân chúng đã quá ngán trước những lời giảng dạy của các tư tế và luật sĩ, là những kẻ chỉ nệ vào lề luật và những rào cản luân lý quá khắt khe, xem ra quá khô khan và nặng hình thức, nay gặp thấy Tin Mừng của Chúa vừa đơn sơ dễ hiểu, vừa gần gũi thực tế, vừa chan chứa tình yêu thương nên họ say sưa đón nhận.
Cho dù hôm nay con người đang sống giữa một thế giới đầy tiện nghi và được gọi là văn minh tiến bộ, đầy những thú vui bên ngoài, thế nhưng người ta vẫn cảm thấy cô đơn trống vắng và bơ vơ lạc loài. Bên trong sâu thẳm của lòng người vẫn còn một khao khát vô biên mà không có gì có thể lấp đầy ngoài một mình Thiên Chúa. Chỉ khi trở về trong sự yên tĩnh của lòng mình, với niềm khao khát sự thiện hảo, người ta mới cảm thấy dâng trào những băn khoan thao thức.
Augustinô sau một thời gian chạy theo danh vọng, tiền tài, khoái lạc, rồi cũng đến lúc chán chường. Một hôm anh chàng cầm theo một quyển sách vào trong khu vườn vắng vẻ, chẳng để ý là sách gì. Đột nhiên, anh nghe vang lên tiếng trẻ con “Hãy cầm lấy mà đọc”. Augustinô ngó xuống thì thấy tay mình đang cầm quyển Thánh Kinh. Chàng mở ra và đọc thấy ngay câu:“Hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa.(Gl 5, 16). Câu nói ấy đã khởi đầu cho một cuộc sống mới của thánh Augustinô. Tất cả khởi đầu từ một giây phút yên tĩnh của tâm hồn.
Ước chi chúng ta biết tìm cho mình những giây phút nghỉ ngơi cho thân xác, một khoảng không gian yên tĩnh cho tâm hồn, là những cơ hội để cảm nhận, để khám phá, để ngộ ra những điều nhiệm lạ trong đời mình. Cũng từ đó mà Lời Chúa vang lên trong tâm khảm, cho ta được gặp Ngài, nhận ra tình thương của Ngài rất đặc biệt cho đời mình. Nhờ vậy ta lấy lại niềm tin, tìm được an vui và hạnh phúc, đồng thời nhận ra vai trò và sứ mạng của mình trong cuộc sống hôm nay.
Mỗi ngày cần có những giây phút kề cận bên Chúa, cần tận dụng mọi cơ hội và biến cố để sống với Chúa một cách thân tình hơn. Ta phải gặp được Chúa từ chính tâm hồn mình, nếu không, có thể mọi việc sẽ trở thành vô nghĩa, cuộc sống sẽ trở nên vô vị, mọi nỗ lực và giải pháp hóa ra vô ích. Gần gũi với Chúa Giêsu, ta trở thành một Giêsu khác cho anh chị em mình, để đem lại an bình và sức sống cho nhau, nhất là an ủi và nâng đỡ những ai đang bơ vơ vất vưởng trên đường đời.  
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Cuộc sống con vẫn ồn ào náo động,
vẫn còn bị mê hoặc bởi cái “tôi”,
với những sục sôi nhiều ham muốn.
Con cần phải trở về trong thinh lặng,
để được sống với Chúa trong yên bình,
để thấy rõ chính mình trong yên tĩnh.
Thiếu thinh lặng để gặp Chúa,
tâm hồn con sẽ bồn chồn manh động,
và bung xung theo những thói thị phi.
Thiếu yên lặng để nghe Chúa,
con sẽ nghe theo những điều thế tục,
cũng ham mê lối sống của phàm tục.
Thiếu trầm lặng hướng về Chúa,
con sẽ sống như bao người đang sống,
dễ vong thân xa lạc với chính mình.
Thiếu tĩnh lặng ở trong Chúa,
con sẽ như muối không còn mặn,
như men không còn nồng,
như hạt giống vẫn trơ trơ.
Thiếu bình lặng sống với Chúa,
con sẽ luôn hối hả và đon đả,
lo chạy tìm những thứ trong thiên hạ,
ngỡ vinh hoa ai ngờ bả phù hoa.
Xin cho con mỗi ngày kề bên Chúa,
để nghỉ ngơi và lặng ngắm nhìn Ngài,
để kín múc tình yêu và sức sống,
để khám phá biết bao điều mới lạ,
là chính Chúa đang bao trùm tất cả,
Đấng yêu con như chính bản thân con. Amen
Lm. Thái Nguyên
==============
Suy niệm 2
NGƯỜI MỤC TỬ NÀO MÀ CHNG BIẾT KHÓC CƠ CH?
Thế giới ngày nay dường như chai sạn, khô cứng tình người. Có lẽ đang co rúm vào bản thân, mà chẳng dám nhìn, vươn tới tha nhân! Dĩ nhiên, đâu đó vẫn còn lòng mến, đâu đó vẫn còn những cánh tay dám dang ra cứu lấy người khác, biết tương thân tương ái, hỗ trợ anh chị em đang gặp cảnh túng thiếu. Nhờ lòng trắc ẩn nơi họ, mà biết bao nhiêu nghĩa cử đầy sáng tạo không ngừng nghỉ, được thực hiện, nhằm giúp đỡ tha nhân, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch, nhiễu nhương này.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Qua thư gửi giáo đoàn Ê-phê-sô, Thánh Phao-lô đã nêu lên thực trạng của mỗi người chúng ta: Trước kia, chúng ta là những kẻ xa l…” (Ep 2, 13). Xa lạ với Thiên Chúa, và xa cách anh chị em. Tuy nhiên, nhờ bửu thuyết của Đức Giê-su Ki-tô, mà Ngài chính là sự bình an, đã đưa chúng ta đến gần với Thiên Chúa, gần với nhau. Ngài gắn kết chúng ta lại với nhau, phá vỡ bức tường ngăn cách, tiêu diệt hận thù trong tâm tư, cõi lòng của mỗi chúng ta. Qua thập giá, Ngài hoà giải chúng ta với Thiên Chúa Cha, hoà giải chúng ta với nhau. Hơn nữa, Ngài còn sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng bình an, và ban ân sủng ngõ hầu tiến gần tới Chúa Cha trong cùng một Thần Trí (x. Ep 2, 13-18). Tất cả đều nhờ Chúa mà ra. Chính vì vậy, sứ vụ “mục tử” không gì khác hơn cũng là ơn cao quý thánh thiêng. Chẳng phải vậy mà người tín hữu không được thông phần tham dự vào! Nhớ lại, khi chịu phép Rửa tội, chúng ta được lãnh nhận sứ vụ ngôn sứ-tư tế-vương đế của Đức Giê-su Ki-tô. Và sứ vụ “mục tử” này được biểu lộ rõ rệt qua việc chăm sóc đoàn chiên, cộng đoàn đối với thừa tác viên có chức Thánh, cũng như được diễn tả qua việc tham gia, đóng góp, cộng tác của thành phần giáo dân trong việc điều hành, trông nom đàn chiên. Đôi lúc, trong thực tế, chúng ta thường lãng quên, mà nghĩ rằng: ai có khả năng cộng tác, lo cho giáo xứ thì cứ làm, còn tôi thì chẳng lo được! Lắm lúc, chúng ta còn chỉ trích thái quá, cứ than phiền trách móc chủ chăn, và người khác, còn về phần mình thì chẳng muốn thực hiện sứ mệnh của bản thân!
Ngoài ra, với vai trò của người mục tử đầy lòng trắc ẩn, dĩ nhiên, chúng ta phải noi gương Đức Giê-su Ki-tô là vị Chủ chăn đích thật, là người Mục tử nhân lành. Cụ thể như lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a trong bài đọc I: quy tụ đoàn chiên đang bị phân tán, lùa chúng về đồng cỏ xanh tươi, nuôi dưỡng chúng, cho chúng lớn lên và tăng số, chăn dắt chúng, đừng để chúng sợ hãi, kinh hoàng, và không còn thiếu thốn gì nữa (x. Gr 23, 3-4). Ngược lại với những kẻ xưng danh là mục tử, nhưng chỉ là mục tử giả, thì chỉ biết lo cho tư lợi, thay vì chăm lo cho đàn chiên. Tệ hơn, họ khiến đoàn chiên tản mát, xâu xé chúng, xua đuổi và chẳng biết trông nom chúng (x. Gr 23, 1-2). Nhìn vào thực tế, chúng ta cũng phải đấm ngực mình vì biết bao lần chúng ta không làm tròn trách vụ của một người mục tử được Thiên Chúa mời gọi, tuyển chọn và sai đi. Nhiều phen, thay vì trở nên mục tử đầy lòng xót thương, chúng ta lại trở nên gương mù gương xấu cho sự chia rẽ, ganh đua, bè phái…trong cộng đoàn. Còn với vai trò người giáo dân, biết bao lần, chúng ta phớt lờ lời kêu mời cộng tác với chủ chăn, chưa nhiệt tâm trong việc hỗ trợ người mục tử.
Sau cùng, lòng trắc ẩn nơi người mục tử chính chuyên không dừng lại ở giới hạn: bồi bổ, tìm giờ giấc nghỉ ngơi cho bản thân, hoặc kiếm mọi cách để mình được thoải mái, tiện lợi, với lối sống tiện nghi! Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ: sau khi được Chúa sai đi từng hai người một để loan báo Tin Mừng, trở nên sứ giả bình an, các Tông đồ trở về, thuật lại mọi việc đã làm và đã giảng dạy (x. Mc 6, 30); thì Đức Giê-su hiểu rõ các Tông đồ, thấu tỏ người mục tử cần nghỉ ngơi, dưỡng sức, nên Ngài khuyến khích các ông: Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút” (Mc 6, 31). Tuy nhiên, Ngài không cổ suý việc mưu cầu giải trí, nghỉ ngơi, hoặc tìm những tiện lợi cho bản thân, mà quên đi sứ mệnh mục vụ” đoàn dân với cả tấm lòng của người mục tử, đầy lòng trắc ẩn xót thương, vì “họ như đàn chiên không người chăn” (x. Mc 6, 34). Người mục tử tốt lành, đích thật là vậy! Họ cũng cần nghỉ ngơi, lấy lại sức lực sau bao việc mệt nhọc, nhiều điều phải nghĩ suy, quyết định, v.v…, nhưng chẳng bao giờ quên nhu cầu, lợi ích của đoàn chiên, vốn được giao phó cho mình. Mẫu gương nơi Đức Giê-su khiến chúng ta cần suy gẫm, và nỗ lực bước theo: Có lẽ Ngài cũng muốn được nghỉ ngơi chút ít, nhưng khi thấy đám đông người người cứ lũ lượt bước theo, thì Ngài chạnh lòng thương, vì họ như thể đàn chiên không chủ chăn vậy. Người mục tử nào mà không biết khóc cơ chứ? Người mục tử nào mà chẳng biết cảm thương trước sự khốn cùng của đàn chiên của mình? Người mục tử nào mà chỉ biết khép kín, mặc kể cho đàn chiên bị xâu xé cơ chứ?
Với tâm tình phó dâng, chúng ta cùng chạy đến khẩn cầu cùng Vị Mục tử nhân lành Giê-su:
Lạy Đức Giê-su Ki-tô,
Là người Mục tử tỏ lộ xót thương.
Dẫn đoàn chiên đến náu nương
i có suối nước, cỏ hương ngạt ngào
Nghỉ ngơi giữa chốn cần lao
Dưỡng nuôi hồn xác, thanh tao muôn phần.
Xin thương tuôn đổ hồng ân
Chăm lo, săn sóc ân cần đàn chiên.
Chẳng tìm nơi chốn bình yên
Lãng quên tình Chúa, đứng yên lặng nhìn
Nhìn ràn chiên phải hy sinh
Vô tâm chỉ biết thân mình chủ chăn
Giờ này sám hối ăn năn
Khoan nhân trắc ẩn, vạn lần bao dung. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==============
Suy niệm 3
HẾT LÒNG TIN CẬY MẾN
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 16 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa tỏ lòng nhân hậu với các tín hữu Chúa, và rộng tay ban phát mọi ơn lành, để chúng ta thêm lòng tin cậy mến mà chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy.
Xin thêm lòng tin cậy mến, để tuân giữ những điều Chúa truyền dạy, bởi vì, chúng ta luôn phải đối mặt với những gian nan thử thách, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô nói: Chúng tôi có phải chịu gian nan, thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ. Chúng tôi có được an ủi, thì cũng là để anh em được an ủi, khiến anh em có sức kiên trì chịu đựng cùng những nỗi thống khổ mà chính chúng tôi phải chịu… Lạy Chúa, tình thương Ngài đã nâng đỡ con. Lúc ưu tư đầy ắp cõi lòng, ơn Ngài an ủi khiến hồn con vui sướng. Cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi.
Xin thêm lòng tin cậy mến, để tuân giữ những điều Chúa truyền dạy, bởi vì, chúng ta phải làm chứng cho Chúa qua cách ăn nết ở của mình, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Inhaxiô Antiôkhia nói: Không phải chỉ cần mang danh Kitô hữu, mà phải thật sự là Kitô hữu… Anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch. Hãy tha thiết với những điều đó, chuyên chú vào đó, để mọi người nhận thấy những tiến bộ của anh. Làm như vậy, anh sẽ cứu được chính mình, lại còn cứu được những người nghe anh giảng dạy.
Xin thêm lòng tin cậy mến, để tuân giữ những điều Chúa truyền dạy, bởi vì, Chúa chính là Mục Tử Nhân Lành hằng luôn yêu thương, chăm sóc chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Giêrêmia rằng: Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng. Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đavít một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi, trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 22, vịnh gia cũng đã cho thấy: Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô cũng đã nói: Chính Đức Giêsu là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Dothái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng, và chúng theo tôi. Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô tường thuật lại: Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt, và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi: nghe tiếng Chúa là làm theo những gì Chúa truyền dạy, mà để có thể làm theo những gì Chúa truyền dạy, đòi hỏi chúng ta phải có lòng tin cậy mến. Lòng tin cậy mến sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi gian nan thử thách, dù qua lũng âm u, chúng ta cũng không sợ hãi gì, bởi vì, chúng ta luôn có Chúa ở ngay bên cạnh, Người sẽ can thiệp kịp thời ngay lập tức, để giải thoát chúng ta khỏi mọi nỗi gian truân, vấn đề là chúng ta có đặt hết niềm tin tưởng cậy trông nơi Người hay không mà thôi. Chúa tỏ lòng nhân hậu với chúng ta, và rộng tay ban phát mọi ơn lành cho chúng ta, ước gì chúng ta biết hết lòng tin cậy mến Chúa, mà chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
==============
Suy niệm 4
THẢ TÔI NẰM NGHỈ

“Trong đồng cỏ xanh tươi, Người thả tôi nằm nghỉ!”.
“Mọi vấn đề của nhân loại đều bắt nguồn từ việc con người không biết nghỉ ngơi!” - Blaise Pascal.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta khám phá tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi. Sau khi thi hành sứ vụ, các tông đồ thấm mệt, trở về; Chúa Giêsu bảo, “Các con hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút!”. Tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca thật phù hợp, “Trong đồng cỏ xanh tươi, Người thả tôi nằm nghỉ!”.
‘Nghỉ ngơi trong Chúa’ có nghĩa là ‘cầu nguyện!’. Một trong những cám dỗ mà bất cứ Kitô hữu nào cũng có thể không chống nổi là muốn làm quá nhiều việc; và do đó - mỗi ngày một chút - xa Chúa dần! Về việc cầu nguyện - thời khắc Chúa ‘thả tôi nằm nghỉ’ - một trong những mối nguy lớn nhất là bạn có thể dễ dàng nghĩ rằng, có những việc lớn lao hơn, quan trọng hơn và cấp bách hơn cần làm, dẫn tới chỗ thiếu quan tâm đến ‘việc ở lại với Chúa’; và cho dẫu đó là việc của Chúa thì “Chúa vẫn luôn quan trọng hơn việc của Ngài!”. Vì lý do đó, Chúa Giêsu nói với các tông đồ - dù đã kiệt sức nhưng vẫn phấn khởi vì mọi việc đã diễn ra quá tốt đẹp - rằng, họ phải nghỉ ngơi!
Để có thể ‘nghỉ ngơi trong Chúa’ đúng cách, bạn phải ‘ở lại với Chúa Giêsu’, người mà bạn sẽ trò chuyện. Hãy xác tín bạn đang ở với Ngài! Vì lý do này, mọi giờ cầu nguyện phải luôn luôn bắt đầu bằng việc ý thức sự hiện diện của Chúa, đây thường là phần khó khăn nhất. Thứ đến, bạn phải ‘ở một mình’ với Ngài, vì nếu thực sự muốn nói chuyện thân mật và sâu sắc với ai, chúng ta chọn ở một mình với họ.
Thánh Pierre Julian Eymard cảnh báo chúng ta về mối nguy ‘lấp đầy lời tạ ơn’ sau rước lễ bằng nhiều lời thuộc lòng. Ngài nói, “Sau khi rước Mình Thánh Chúa, điều tốt nhất nên làm là thinh lặng để Chúa Giêsu nói với chúng ta thay vì nói với Ngài về những kế hoạch và những dự án. Tốt hơn, hãy để Chúa Giêsu hướng dẫn và khích lệ bạn!”.
Ngài là hiện thân của Thiên Chúa Mục Tử - bài đọc một - Ngài rao giảng và làm các công việc Chúa Cha trao. Ngài không bỏ mặc những nhu cầu của đám đông, nhưng mỗi ngày, trước hết, Ngài rút lui để cầu nguyện trong thinh lặng, trong sự thân mật với Cha. Lời mời dịu dàng của Ngài - hãy nghỉ ngơi đôi chút - sẽ đồng hành với chúng ta mỗi ngày và mọi ngày.
Anh Chị em,
“Người thả tôi nằm nghỉ!”. Cầu nguyện, chiêm ngắm, sẽ là nơi mà lòng từ bi phát sinh. Nếu chúng ta biết cách nghỉ ngơi thực sự, chúng ta sẽ có khả năng từ bi thực sự; nếu chúng ta biết trau dồi một đời sống chiêm niệm, cầu nguyện, chúng ta sẽ thực hiện các hoạt động của mình mà không có thái độ tham lam của những kẻ muốn sở hữu và tiêu thụ mọi thứ. Nếu chúng ta giữ liên lạc với Chúa và không gây mê phần sâu thẳm nhất của mình, thì những việc phải làm sẽ không có khả năng gây kiệt sức hoặc nuốt chửng chúng ta. Hãy lắng nghe điều này, chúng ta cần một “bầu sinh thái của trái tim”, bao gồm sự nghỉ ngơi trong Chúa, chiêm ngắm Ngài, vì Chúa Giêsu đang muốn ‘thả tôi nằm nghỉ!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để sự hấp tấp chiếm lĩnh trái tim con; nhờ đó, con mới có thể lay động được các tâm hồn, để ý đến những vết thương và cả những nhu cầu của họ!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế 

==============
Suy niệm 5
NGƯỜI MỤC TỬ
Gr 23,1-6; Ep 2,13-18; Mc 6, 30-34
Sau chuyến công tác của các môn đệ trở về, Thầy trò tụ họp bên nhau. Các ông báo cáo với Thầy tất cả những việc mình đã làm được. Nhân cơ hội này, Thầy dạy các ông một phương thế để mọi công việc của người mục tử có hiệu quả tốt: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6,31a). Mọi hoạt động tông đồ để mang lại kết quả tốt đẹp, cần có giờ nghỉ ngơi tĩnh lặng mà dưỡng sức, cầu nguyện, kết hợp mật thiết với Chúa. Nếu cứ ra sức hăng say, làm việc quá tải đến quên ăn mất  ngủ, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu năng công việc và mệt mỏi kiệt sức. Đời sống siêu nhiên của người tông đồ cần phải có nhịp độ: ở với Chúa, ra đi thi hành sứ vụ và trở về lại bên Chúa để kiểm thảo, nhìn lại như các môn đệ hôm nay. Qua một ngày làm việc cần phải trở về “thân thưa” với Chúa, trong cầu nguyện, tĩnh lặng thanh vắng để nghỉ ngơi, nạp thêm năng lượng mới cho hành trình tiếp theo.
Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.” (Mc 6,32). Mặc dù thầy trò đã xuống thuyền tìm chốn nghỉ ngơi mà cầu nguyện, nhưng bầy chiên vẫn tìm cách đón gặp cho bằng được. “Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. (Mc 6,34). Cảm động sao tấm lòng người Mục Tử, chạnh lòng thương trước bầy chiên đông đảo. “Chạnh lòng thương” theo tiếng Hy lạp, nghĩa là cảm thấy quặn đau trong lòng, xót xa, khiến Người Mục Tử không thể đặng đừng, Người lại bắt đầu giảng dạy thật nhiều, cho thỏa nỗi lòng khát mong của đoàn chiên.
Ngày nay chúng con có thấy “chạnh lòng thương” trước khó khăn đau khổ, phải cần đến sự giúp đỡ, giải quyết mọi nhu cầu cho người anh em mà hằng ngày chúng con gặp thấy không? Nhìn lên những người có trách nhiệm chăm sóc, lãnh đạo từ Giáo Hội địa phương như các Giám mục, Linh mục, chúng con có vâng lời, biết ơn, giúp đỡ cả tinh thần và vật chất không?
Lạy Chúa! cùng với nhịp sống hằng ngày, dù thành công hay thất bại, hơn thua được mất, xin cho con luôn biết trở về bên Chúa trong thinh lặng, để con được nghỉ ngơi dưỡng sức trong Chúa, kín múc ân sủng từ nguồn sống là chính Chúa, để hiện tại và tương lai của con luôn được Chúa dẫn dắt từng ngày. Ở lại với Chúa nhiều, chúng con sẽ được biến đổi, để luôn biết “chạnh lòng thương” như Chúa vậy. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:
Ở cùng (26/05/2024)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Sơn La làm bác ái tại Chiềng Cơi
Giáo xứ Sơn La làm bác ái tại Chiềng Cơi
Ngày 05/09/2024, cha xứ, cha phó và Ban hành giáo giáo xứ Sơn La đã kết hợp với chính quyền địa phương đến trợ giúp một số đồ dùng và nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log