Suy niệm 1 - THÁNH LỄ VỌNG
CHÚA THÁNH THẦN, NGUYÊN LÝ SÁNG TẠO VÀ HIỆP NHẤT
(Ga 7,37-39)
Thánh lễ vọng chiều nay đưa chúng về với Chúa Giêsu và chiêm ngắm Người vào ngày cuối cùng và trọng đại của dịp lễ, nghe Chúa giảng:
“Ai khát hãy đến cùng Ta và uống; ai tin nơi Ta, thì như lời Thánh Kinh dạy: từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra như dòng sông” (Ga 7, 37-38). Người muốn nói điều ấy về Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần là nguyên lý sự hiệp nhất Nếu như tại Babel, sự ngạo mạn kiêu căng của con người nổi lên chống lại Thiên Chúa tự sức riêng của mình muốn “xây một thành với một cây tháp mà ngọn nó chạm tới trời” (x. St 11,4). Hậu quả của hành động đó là Thiên Chúa làm cho họ phân tán, bất đồng ngôn ngữ với nhau, khiến họ không thể hiểu nhau làm gì nữa. Thì Lễ Hiện Xuống, điều ngược lại đã xảy ra: nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ nói được ngôn ngữ mà tất cả mọi người thuộc các nền văn hóa nghe đều hiểu như tiếng thổ âm của mình (x. Cv 2,6). Mọi chia rẽ bất đồng được vượt thắng, không còn kiêu căng chống lại Thiên Chúa nữa, cũng không còn có sự khép kín đối với nhau, họ mở rộng lòng mình ra cho Thiên Chúa và tha nhân, giao thiệp với nhau bằng một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của tình yêu thương mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng họ nhờ Chúa Thánh Thần (x. Rm 5,5). Chúa Thánh Thần thúc đẩy họ làm điều thiện, an ủi họ trong cảnh sầu khổ, hoán cải nội tâm và trao ban sức mạnh và khả năng mới, dẫn đưa họ tới chân lý vẹn toàn, yêu thương và hiệp nhất.
Chúa Thánh Thần là Đấng sáng tạo Câu đầu tiên trong Thánh Thi Kinh Chiều của ngày lễ Ngũ Tuần có viết: “Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo…” làm cho chúng ta nhớ lại công cuộc tạo dựng vũ trụ thủa ban đầu, Thánh Thần Chúa bay lượn trên mặt nước trong cảnh hỗn mang (x. St 1,2).
Phải khẳng định rằng, thế giới chúng ta đang sống là công cuộc của Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo. Nên Lễ Ngũ Tuần không chỉ là nguồn gốc của Giáo hội, là lễ của Giáo hội. Nhưng Lễ Ngũ Tuần còn là lễ của tạo vật. Thế giới không tự mình hiện hữu; nhưng đến từ Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa, đến từ Lời có sức sáng tạo của Thiên Chúa. Và vì vậy, thế giới phản chiếu sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự việc tay Ngài làm” (Tv 19,2). Đức nguyên Giáo hoàng Benedicto nói: “Sự khôn ngoan này hé mở cho chúng ta thấy được điều gì đó về Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta phải nhìn tạo vật như là hồng ân được trao ban cho chúng ta, không phải để bị hủy diệt, nhưng để trở thành ngôi vườn của Thiên Chúa” (Trích bài giáo lý về Chúa Thánh Thần).
Ðứng trước những hình thức khác nhau của việc lạm dụng trái đất, “mọi tạo vật đang rên siết trong cơn đau đớn như lúc sinh nở. Nhưng không phải chỉ tạo vật mà thôi đâu, mà cả chúng ta nữa, tức là những kẻ đã được hưởng của đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên rỉ trong mình chúng ta khi mong Thánh Thần nhận làm nghĩa tử, và cứu chuộc thân xác chúng ta”. (Rm 8,22-24)
Chúng ta tự hỏi: Chúa Thánh Thần là ai hay là gì? Làm sao chúng ta có thể nhận ra Ngài? Bằng cách nào, chúng ta đến với Ngài và Ngài đến với chúng ta? Ngài tác động điều chi? Câu trả lời cho câu hỏi Chúa Thánh Thần là gì, Ngài làm điều chi và làm sao chúng ta có thể nhận biết Ngài. Chúa Thánh Thần là Ðấng Sáng Tạo, đến trợ giúp chúng ta. Ngài đã bước vào trong lịch sử, và như thế, Ngài nói với chúng ta trong cách thức mới. Ngài đến gặp chúng ta qua tạo vật. Ngài là Tình Yêu, là sự hiệp nhất. Ngài mang đến cho chúng ta sự sống và sự tự do. Tất cả mọi tạo vật đều khao khát Chúa Thánh Thần.
Chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là một cuộc thần hiện trong đó gió và lửa nhắc nhở chúng ta về tính siêu việt của Thiên Chúa. Ngài là suối bảy nguồn đa dạng về các ơn: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết và ơn thông minh, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn đạo đức và ơn kính sợ Chúa và tài năng như: tông đồ, làm tiên tri, nói tiếng mới lạ… làm cho mỗi người chúng ta trở nên phong phú và đa dạng.
Sự duy nhất là dấu chỉ rõ ràng về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn tín hữu. Trong lời nguyện mở đầu của Thánh lễ vọng chiều nay, chúng ta cầu xin Chúa tuôn đổ Thánh Thần để “các dân tộc chia tuy ngôn ngữ bất đồng, được hiệp nhất cùng nhau mà tuyên xưng danh Chúa.” (Lời nguyện nhập lễ)
Chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần, nguyên lý của sáng tạo và hiệp nhất đến soi sáng tâm trí của những người nam nữ dấn thân trong các nghiên cứu khoa học, giúp họ tìm ra những giải pháp hiệu quả để khống chế được virus này.
Chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần nâng đỡ những nhà lãnh đạo các quốc gia, ngõ hầu với sự khôn ngoan, quan tâm và quảng đại, họ có thể giúp đỡ những người đang thiếu những điều cần thiết căn bản cho cuộc sống, và đề ra được các giải pháp xã hội và kinh tế với tầm nhìn xa và với tình liên đới.
Chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần lay động lương tâm những nhà hảo tâm thay vì chi trả cho việc phát triển và thu tích các vũ khí, được dùng để thúc đẩy các nghiên cứu hiệu quả, nhằm ngăn chặn những thảm họa tương tự trong tương lai.
Đặc biệt, chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần, nguyên lý của sáng tạo và hiệp nhất, Đấng an ủi con người trong cảnh lầm than, liên kết mọi người trên thế giới thành một đại gia đình duy nhất, giúp họ ý thức được mối liên hệ hiệp nhất tất cả mọi người, để trong tình huynh đệ và liên đới, giúp giảm bớt cảnh nghèo đói và lầm than của đồng loại. Kiên vững trong đức tin, bền chí trong phục vụ và liên lỉ trong cầu nguyện. Nhất là xin Đấng An Ủi tuyệt vời đến với những người đau khổ, giải thoát thế giới sớm thoát khỏi đại dịch khủng khiếp này. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ ==================
Suy niệm 2
CON NGƯỜI CỦA THÁNH THẦN
Ga 20, 19-23
Biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống được ghi lại trong Tân Ước cho chúng ta thấy được sự hoạt động vô cùng sâu rộng của Ngài trên đời sống Giáo Hội và từng người Kitô hữu. Kinh nghiệm cá nhân của mỗi người về tác động của Chúa Thánh Thần vẫn luôn được nhấn mạnh, đặc biệt là trong Phong Trào Ngũ Tuần.
Kitô hữu là con người của Thánh Thần, nhưng đó là một tiến trình rộng mở suốt đời. Trong tiến trình này luôn có những cám dỗ bên trong và lôi kéo bên ngoài khiến ta lạc bước, dễ suy thoái và trở lại với kiểu “sống tự nhiên không có Thần Khí” (Gd 1,19). Cần kiểm tâm và phân định lại từng ngày để xem mình có phải là con người của Thánh Thần hay không? Con người của Thánh Thần có những đặc điểm sau:
1- Là con người tự do (x. 2Cr 3, 17). Nhờ để cho Thánh Thần hướng dẫn (x.Gl 5,18), ta được giải thoát khỏi chính mình, trở thành con cái tự do của Thiên Chúa. Tự do vì không còn bị chế ngự bởi các đam mê của xác thịt (x.Gl 5,16); không còn nô lệ tội lỗi, không còn bị ràng buộc bởi những chuyện phù phiếm và lối sống trần tục, để sống“công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).
2- Là người có não trạng thiêng liêng (x. Rm 8,5; 1Cr 10,15). Người của Thánh Thần thường nghĩ đến những thực tại thần thiêng (x. Cl 3,1-4): thích những điều thuộc về Thiên Chúa, ham mê đọc Thánh Kinh để đào luyện bản thân, biết lắng nghe Lời, đón nhận Lời và thực thi Lời, vì người ấy đã trưởng thành trong Đức Kitô (x. Dt 5,13-14). Nhờ vậy, người của Thánh Thần luôn đặt trọng tâm là tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết (x. Mt 6,33), tìm mọi cách loan báo Đức Kitô (x.1Cr 9,16), nên mọi thứ khác thành phụ thuộc.
3- Là người nhiệt tình dấn thân phục vụ (1Cr 12,4-11). Phục vụ là thái độ nền tảng của con người thuộc về Thánh Thần, Đấng tự hiến cho sự kết hợp yêu thương giữa Chúa Cha và Chúa Con, cũng như kết hợp mọi người trong Thiên Chúa. Phục vụ cũng là một lựa chọn cơ bản để sống cho Thiên Chúa và tha nhân như Đức Kitô, Đấng trao ban Thần Khí của Ngài cho chúng ta (x. Mt 20,28). Sự phục vụ trong Thánh Thần chủ yếu là xây dựng nhiệm thể Đức Kitô (x.Ep 4,12), tất cả đều phải nhằm vào việc xây dựng Hội Thánh (x.1Cr 14,26), không như những hình thức phục vụ khác của thế gian (x.Mt 20,24-28). Sự phục vụ theo Thánh Thần là:
- Phục vụ trong tinh thần hiệp nhất: người của Thánh Thần luôn cảnh giác tối đa trước những hành vi và lời nói của mình cũng như của tha nhân, để tránh sự phân rẽ hay phân hóa trong nội bộ Hội Thánh. Mọi tranh chấp, bất hòa, chia rẽ đều do sự xúi giục của ma quỉ mà ra. Vì thế người của Thánh Thần luôn “theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau.” (Rm 14,19).
- Phục vụ vô vị lợi vì lòng mến: Thánh Thần là ngôi vị biểu lộ sự tự hiến. Ngài luôn thúc giục ta phục vụ vì lòng mến, không đòi hỏi, không chờ đợi đáp trả, không lo sợ thiệt thòi, không khép lại trước một vô ơn, không chán nản trước một lãnh đạm,“vui lòng phục vụ như thể phục vụ Chúa chứ không phải người ta” (Ep 6,7).
- Phục vụ khiêm tốn và âm thầm: Thánh Thần được ví như chiều sâu của Thiên Chúa, nên không chấp nhận việc phô trương bề mặt, không bày tỏ bản thân qua những việc tốt lành. Ngài luôn ẩn mặt mà vẫn hoạt động nơi mỗi người cách âm thầm, nhẹ nhàng, không áp đặt. Vì thế, chúng ta phải tránh kiểu phục vụ như kẻ cả, mà luôn nhận mình “là đầy tớ vô dụng, chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).
- Phục vụ trong tinh thần từ bỏ: từ bỏ là điều kiện tiên quyết của người môn đệ Đức Kitô, để thực hiện thánh ý Thiên Chúa (x.Mc 10,45). Không thể phục vụ theo cảm tính hay sở thích cá nhân, vì như vậy là phục vụ cách tùy tiện và ngẫu hứng. Phục vụ trong tinh thần từ bỏ cũng là phục vụ trong sự nghèo khó như Chúa Giêsu (Lc 9, 58): chọn sự thất thế chứ không chọn quyền thế; chọn sự coi thường chứ không chọn sự nổi tiếng… để Thiên Chúa được nhận biết và yêu mến.
4. Là người mang hoa trái của Thánh Thần (Gl 5, 22-23)
Như nhựa sống trong thân cây mang lại hoa trái đúng mùa, Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn Kitô hữu cũng mang đến những mùa gặt thiêng liêng với nhiều hoa trái thánh thiện là:“bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ”.
Mỗi ngày sống, mỗi biến cố, chúng ta cần đặt mình lại trong Chúa Thánh Thần, là Đấng đang hiện diện trong tâm hồn ta; là Đấng đang điều khiển Giáo Hội và canh tân đời sống nhân loại; là Đấng đang làm nên trời mới đất mới, đang điều hướng con người và vũ trụ qui tụ về nguồn sống vĩnh hằng là chính Đức Kitô, cho Thiên Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Thánh Thần!
Đấng phù trợ cho đời sống chúng con,
Ngài nâng đỡ khi con thấy lo âu,
Ngài ủi an khi con thấy buồn sầu,
Ngài cứu giúp khi gặp cảnh bể dâu.
Chính Ngài là tình yêu hằng tuôn đổ,
cho con người sự sống mới đẹp tươi,
cho thế giới muôn loài được tái tạo,
ban muôn vàn ân phúc của trời cao.
Cho con biết buông mình theo ân sủng,
biết sống và hành động trong tình yêu:
yêu điều tốt đẹp ghét điều xấu xa.
quyết vượt qua những gì còn tăm tối,
khai đường và mở lối để vươn lên,
dám làm nên cuộc cách mạng đời mình.
Cho con đưa tình yêu vào cuộc sống,
và biết đưa cuộc sống vào tình yêu,
để từng giây phút con yêu,
làm nên cuộc đời con sống,
vì con biết rằng, Thiên Chúa Hằng Sống
cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu.
Xin thương đến nhân loại chúng con,
và ban cho một lễ Hiện Xuống mới,
một biến cố ân sủng hóa toàn cầu,
để mọi người được liên kết với nhau,
để thuận hòa an vui tràn khắp chốn,
để yêu thương hợp nhất khắp muôn nơi.
Xin biến đổi chúng con nên tông đồ,
để loan truyền danh thánh Đức Ki-tô,
là tình yêu trong cội nguồn chân thật,
là Mùa Xuân cứu độ cho thế trần. Amen.
Lm. Thái Nguyên
==================
Suy niệm 3
THẦN KHÍ CHÂN LÝ
Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Mỗi khi cử hành Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hay Ngày Lễ Ngũ Tuần, chúng ta thường hồi tưởng ngày mỗi người chúng ta được hân hoan, vinh dự đón nhận bảy ơn Chúa Thánh Thần qua cử chỉ đặt tay và sức dầu Thánh của Đức Giám Mục Giáo phận. Kế đến, mỗi gia đình sum vầy, quây quần lại với nhau chụp hình với Đức Cha và quý Cha; và theo thông lệ, lễ xong thì lạc vì ‘lễ lạc’ thường đi đôi với nhau!
Chẳng hiểu thế nào, được nhận bí tích Thêm Sức xong rồi, ông bà và anh chị có cảm nghiệm được ơn Chúa Thánh Thần xuống tràn đầy tâm hồn chúng ta chăng? Và rồi, chúng ta có can trường, can đảm như được Thần Khí tăng thêm sức mạnh hầu sống chứng tá, sống đạo, thực hành Lời Chúa trong gia đình, nơi chòm xóm, trường học, công sở, và ngoài xã hội chăng?
Đọc lại và suy niệm các bài đọc hôm nay, chúng ta cùng nhau nhìn lại đời sống đức tin, mối tương quan với nhau trong cộng đoàn, và gương làm chứng tá của mỗi người chúng ta mỗi ngày nhé! Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ ‘ai nấy đều tràn đầy Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho’ (x. Cv 2, 4). Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống trên các Tông Đồ như lời Chúa Giê-su đã hứa trước khi Ngài lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha. Một điều chúng ta xác tín rằng: Thần Khí Chân Lý luôn thúc đẩy mỗi người chúng ta biết cộng tác với ơn sủng Ngài, biết ra khỏi con người câu nệ, ấu trĩ, tội lỗi, nhút nhát, v.v…; hơn thế, biết dẹp bỏ những thói quen vô bổ, đam mê trần tục, thói đời dẫn chúng ta đến hư vô. Tuy nhiên, chúng ta đã biết mở toan cõi lòng đón nhận Thần Khí và dâng trọn con người mình hầu để Ngài làm việc, hoạt động qua thân phận yếu hèn của chúng ta như Ngài đã ngự xuống trên các Tông Đồ xưa kia và thực hiện bao kỳ công nơi các dân thiên hạ tề tụ tại Giê-ru-sa-lem chăng?
Ngoài ra, Thần Khí Chân Lý biến chúng ta trở nên nghĩa tử, trở nên con cái Thiên Chúa. Thần Khí mang lại cho chúng ta lòng can trường, can đảm, chứ chẳng phải Thần Khí khiến chúng ta trở nên nô lệ, nhát đảm, sợ sệt (x. Rm 8, 15) như thánh Phao-lô khẳng khái nhắc nhở giáo đoàn Rô-ma. Và nhờ Thần Khí, chúng ta được vinh dự lớn lao, kêu lên “Abba, Cha ơi” như tấm lòng của một người con thảo dâng trọn niềm thành tín, phó thác nơi người cha hết mực thương yêu mình. Một lời kêu lên cùng Chúa Cha ‘Cha ơi’, ‘Bố ơi’ hay ‘Ba ơi’ cho thấy Thiên Chúa cúi xuống, hạ mình chấp nhận thân phận yếu đuối, mỏng dòn của mỗi người chúng ta để nhấc chúng ta lên bậc con cái của Ngài, dầu trăm ngàn lần chúng ta bất xứng, hay quay lưng thờ ơ với tình yêu Ngài dành trọn cho chúng ta qua Cuộc Tử Nạn-Phục Sinh của Con Một. Mặc khác, lời gọi đơn sơ ấy còn cho ta thấy rằng: Thiên Chúa không câu nệ, cung cách, phức tạp hay phân biệt giai cấp, phẩm trật, mà Ngài hoà đồng, muốn xây dựng tình liên đới, tình thân thương như mối tương quan khăng khít giữa người cha với đứa con thơ của mình vậy. Chính nhờ Thần Khí Chân Lý chứng thực cho thần trí chúng ta rằng: chúng ta là con cái Thiên Chúa (x. Rm 8, 16). Và nhờ Thánh Thần Chúa, bức tường ngăn cách giữa Thiên Chúa và loài người bị vỡ tan. Thay vào đó, khoảng cách ấy được lấp đầy bởi hình ảnh một vị Thiên Chúa như người cha thương yêu dang rộng đôi tay trìu mến, đón nhận, âu yếm và ôm ấp con thơ mình vào lòng. Ngài dẹp tan những hố sâu ngăn cách, những gì làm cản trở mối tình thân da diết này. Còn chúng ta, chúng ta đã can đảm, đón nhận Thần Khí, ngỏ hầu dám dẹp bỏ con người ích kỷ, câu nệ, lòng cao ngạo, thái độ chụp mũ của bản thân mình mà bước tới anh chị em khác, tha thứ, đón nhận họ với cả lòng thành như Thiên Chúa đã gạt bỏ, chẳng màng đến sự bất xứng của ta mà rộng lượng hải hà, bao dung thứ tha, dang rộng đôi tay mời gọi ta trở về với Ngài chưa?
Thần Khí Sự Thật được ban xuống cho chúng ta như một Đấng Bảo Trợ khác mà Chúa Giê-su xác tín: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em...” (x. 14, 26). Và như trong đoạn trình thuật Ga 20, Chúa Ki-tô Phục Sinh ‘thổi hơi’ và nói: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. Các con hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 21-22). Chính Thánh Thần Chúa sẽ dạy chúng ta những gì mà Chúa Giê-su đã nói, đã làm. Vì vậy, mỗi khi chúng nghe lời đồn thổi rằng: có thần khí dạy những điều mới mẻ nhưng lại khác hoàn toàn, hoặc ngược lại với những lời dạy của Đức Giê-su, thì lúc ấy, chúng ta dám quả quyết: đó không phải là Thần Khí Sự Thật, mà trái lại, đó là thần khí gian tà, mê hoặc, hoặc thần khí thế gian, v.v…Do đó, chúng ta phải biết phân định đâu là Thần Khí Chân Lý, và từ đó biết lắng nghe, tuân giữ những gì Chúa Giê-su răn dạy qua Lời Hằng Sống (Lời Chúa), qua Giáo Hội, cũng như luôn can đảm bênh vực cho chân lý, cho sự thật. Hơn nữa, có rất nhiều ân sủng, chức vụ, công việc, cũng như nhiều chi thể, nhưng nhờ Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ khác liên kết chúng ta nên một thân thể (x. 1Cr 12, 3-7. 12-13), hiệp nhất với nhau.
Sau cùng, chúng ta cùng đồng tâm nhất trí dâng lên Thiên Chúa lời ngợi khen cảm tạ khôn nguôi, và tạ ơn Ngài đã ban Thần Khí, nguồn Tình Yêu cho chúng ta. Xin Chúa Thánh Thần luôn soi sáng chúng ta biết phân định, bênh vực cho chân lý, sự thật và biết mở lòng, can đảm thực hành những gì Ngài thúc đẩy mỗi người chúng ta trong tư tưởng, lời nói và việc làm.
Lạy Chúa Thánh Thần xin Ngài ngự đến
Đốt lửa bừng cháy tình mến trong con
Thần Khí Chân Lý dẫn dắt vuông tròn
Sống luôn trọn vẹn, chứng nhân tin yêu….Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==================
Suy niệm 4
CÔNG TRÌNH CỦA CHÚA
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã cử Thánh Thần đến thánh hóa Hội Thánh ngay từ buổi sơ khai, và sai Hội Thánh đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Hôm nay khi mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng con nài xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện mà tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần cho mọi tín hữu trên khắp cùng thế giới.
Xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện, công trình làm cho tất cả mọi người trở thành nghĩa tử của Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô nói: Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Ápba! Cha ơi!” Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.
Xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện, công trình làm cho muôn dân trở thành môn đệ, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Irênê nói: Khi ban cho các môn đệ quyền cho người ta được tái sinh làm con Thiên Chúa, Chúa Giêsu nói với các ông: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện, công trình làm cho muôn dân được nghe giảng Tin Mừng, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc: Các môn đệ được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho: nào là những người từ Rôma đến đây; nào là người Dothái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơrêta hay người Ảrập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!
Xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện, công trình làm cho tất cả được hiệp nhất trong một thân thể, một Thần Khí, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói với tín hữu Côrintô: Tất cả chúng ta, dầu là Dothái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.
Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 103, vịnh gia đã ca ngợi công trình thiên hình vạn trạng của Chúa: Lạy Chúa, xin gửi thần khí tới, và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này. Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi! Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả! Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất. Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến, cho tâm hồn tín hữu được nhuần thấm muôn ơn, và cháy lửa yêu mến Ngài. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ và nói: Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Chúng ta như mảnh đất hoang khô cằn, không thể sinh hoa trái, nếu như, không nhờ nước Thánh Thần tưới gội. Chúng ta như những hạt lúa miến không thể thành nắm bột để trở nên tấm bánh, nếu như, không được hòa trộn trong nước Thánh Thần. Chúng ta tuy nhiều, nhưng, được nên một trong Đức Kitô nhờ Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đã đến thánh hóa Hội Thánh ngay từ buổi sơ khai, và Hội Thánh đã hăng say ra đi rao giảng Tin Mừng cứu độ, ước gì chúng ta luôn biết mở lòng ra để đón nhận những luồng gió mới của Chúa Thánh Thần, để cuộc đời chúng ta luôn được tươi mới. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
==================
Suy niệm 5
Thế giới và Giáo hội đang rất cần Chúa Thánh Thần
(Ga 20, 19-23)
40 ngày sau Đại lễ Phục Sinh, Giáo hội long trọng cử hành mầu nhiệm cao cả Chúa về Trời, tiếp liền sau đó, lời cầu nguyện sau đây vang lên một cách tha thiết không chỉ một lần trong một ngày mà cả thẩy chín ngày nhiều lần:
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,
và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!
Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến;
Ðấng ban ân huệ, Ðấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!
Lạy Ðấng an ủi tuyệt vời,
là khách trọ hiền lương của tâm hồn,
là Ðấng uỷ lạo dịu dàng.
Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,
là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.
Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc,
xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài.
Nếu không có Chúa trợ phù,
trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội.
Hỏi: Giáo hội xin Ngài đến để làm gì ?
Thưa : Để xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,
và chữa cho lành nơi thương tích.
Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,
chỉnh đốn lại chỗ trật đường.
Xin Chúa ban cho các tín hữu,
là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn.
Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức,
được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời. (Ca tiếp liên).
Những lời ca tiếp liên được đọc hay hát lên liên tục như thế cho thấy được thế giới con người ở mọi nơi mọi thời, kể cả Giáo hội hôm nay đang rất cần Chúa Thánh Thần.
Sống trong một thế giới sự ác vẫn lan tràn, chiến tranh giữa các nước vẫn đang xảy ra, lòng nghi kỵ giữa các dân tộc vẫn không thuyên giảm, sự dối trá vẫn còn ngự trị khắp nơi. Ngay chính trong Giáo hội, sự rạn nứt chia rẽ vẫn chực chờ đâu đó, sự mất lòng tin giữa một số các vị chủ chăn và giáo dân đang dần nảy sinh bởi nhiều nguyên nhân như về luân lý, cai quản, hay chính trị. Nhiều tín hữu cũng chỉ mải miết kiếm tìm của cải vật chất thay vì tìm kiếm Chúa; trong tay họ thay vì quyển Kinh Thánh và chuỗi tràng hạt Mân côi là iPhone, iPad. Họ chỉ lắng nghe tiếng gọi của vật chất, của bạc tiền thay vì lắng nghe tiếng Chúa, tiếng của nhau, v.v...
Người ta đặt câu hỏi: Phải chăng Chúa Thánh Thần đã vắng bóng trên mặt đất nên giờ đây Ngài im hơi lặng tiếng, không còn hoạt động trong Giáo hội, không còn hướng dẫn con người, không còn ưa thích ngự trong lòng người tín hữu là đền thờ của Ngài, không còn muốn canh tân Giáo hội Chúa Kitô và bộ mặt trái đất này nữa? v.v…
Hay, phải chăng con người lãng tai, điếc lác hay cố tình bưng tai bịt mắt mà không còn nghe thấy Chúa Thánh Thần nói với họ, không còn có thể lắng nghe tiếng nói của nhau?
Thực tế ngày hôm nay trên thế giới có quá nhiều bất hòa, trong Giáo hội, những người tin vào Thiên đang sống trong bối cảnh có quá nhiều chia rẽ. Tiếng kêu gọi sống chung, hoà bình trên trái đất vang lên hàng ngày trên mọi thông tin đại chúng. Nhưng chiến tranh vũ trang và tôn giáo vẫn chưa ngừng nghỉ, không những thế ngày một gia tăng với qui mô rộng lớn và hiện đại dẫn đến tàn ác hơn.
Tất cả chúng ta, những người được kêu gọi kết nối nhưng lại thấy mình bị rạn nứt trong tương quan với nhau, bị mê hoặc bởi sự thờ ơ và bị áp bức bởi sự cô đơn. Chiến tranh và xung đột xảy ra quá nhiều, thật không thể tưởng tượng được sự ác mà con người gây ra cho đồng loại! Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa đã thốt lên giữa Đền thờ Thánh Phêrô như tiếng chuông rung rung vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh 2/4/2021 rằng: "Tình huynh đệ được xây dựng từ chúng ta... Tình huynh đệ đại đồng bắt đầu với tình huynh đệ trong Giáo Hội Công Giáo... và tình huynh đệ này đang bị thương tổn! Chiếc áo chùng của Chúa Kitô đã bị xé thành những mảnh do những chia rẽ giữa các Giáo Hội Kitô, nhưng điều không kém trầm trọng hơn, đó là mỗi mảnh áo của Chúa thường bị xé thành những mảnh khác nữa... ".
Quả thật, kẻ thúc đẩy sự thù địch của chúng ta là Ác Thần "kẻ chia rẽ". Vâng, đi trước và vượt trên sự dữ cũng như sự đổ vỡ của chúng ta, có một ác thần "lừa dối cả trái đất" (Ap. 12.9). Hắn ưa thích đối kháng, bất công, vu khống, đó là niềm vui của hắn. Và, đối mặt với sự xấu xa của sự bất hòa, thì những nỗ lực của chúng ta để xây dựng sự hòa hợp là không đủ.
Như thế, ở cao điểm của Lễ Vượt Qua, cao điểm của ơn cứu độ, Chúa Giêsu trút hơi thở, nghĩa là đã tuôn đổ Thần Khí tốt lành của Người trên thế giới thụ tạo để kháng cự thần dữ. Thần Khí tốt lành ấy là Chúa Thánh Thần, Đấng chống lại tinh thần chia rẽ vì Ngài là sự hài hòa, là Thần Khí hiệp nhất vốn đem lại bình an. Ngài mang đến cho thế giới sự hài hòa; do đó Ngài "điều khiển dòng thời gian và canh tân bộ mặt trái đất" (Gaudium et spes , 26; Tv 104,30). Ngay từ ban đầu, và mọi lúc, Ngài đã làm cho các thực tại được tạo dựng chuyển từ hỗn độn sang trật tự, từ phân tán sang liên kết, từ rối ren sang hài hòa. Đây là phong cách của Chúa Thánh Thần. Đó là lý do, trước lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta tha thiết kêu cầu Ngài xuống trên thế giới của chúng ta, trong cuộc sống chúng ta và trước mọi chia rẽ! Phải khẳng định rằng, thế giới và Giáo hội hôm nay đang cần đến Chúa Thánh Thần hơn bao giờ hết.
Cùng với Mẹ Maria và toàn thể các thánh trên Trời, chúng ta cùng cầu nguyện: "Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến. Xin cho chúng con biết lắng nghe Chúa Thánh Thần và lắng nghe nhau." Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
==================
Suy niệm 6
ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN
Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23
“Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19).
Sau cái chết như một tử tội của Thầy Giêsu, các môn đệ vô cùng khiếp sợ. Ngay cả sau khi Thầy đã sống lại, các ông vẫn chưa hoàn hồn vì nỗi sợ người Do Thái. Vào buổi chiều Chúa nhật, phòng ở của các ông còn đang đóng kín các cửa, bỗng Chúa hiện đến đứng ngay giữa và trấn an: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19b). Vì sợ hãi làm cho tâm hồn các ông bị khép kín, sống co cụm, cách biệt các mối tương quan, không dám gặp gỡ giao tiếp với ai. Nhưng khi có Chúa ở giữa với lời ban bình an, các ông như được cởi bỏ mối lo sợ đang ngập tràn. Để họ an tâm xác nhận, Người cho các ông xem chân tay và cạnh sườn rồi thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông. Người còn truyền sai đi và ban quyền tha tội cho các ông.
“Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).
Có sự hiện diện với sự bình an và ơn của Chúa Thánh Thần, các ông như được mở tung cõi lòng, như tia nắng mới, làn gió mát ùa vào khiến họ tự tin vững vàng để làm chứng cho Thầy mà không sợ hãi. Sự bình an của Chúa là ơn đặc biệt mà “thế gian chẳng thể ban được”. Sự bình an luôn là niềm khát vọng ngàn đời của cả nhân loại.
Bài đọc I hôm nay mô tả sự kiện vô cùng lớn lao trong ngày lễ Ngũ Tuần. Các môn đệ đang tề tựu một nơi, tiếng gió mạnh từ trời ùa vào, xuất hiện những hình như lưỡi lửa trên từng người. Từ những người kém học, nhút nhát sợ sệt, họ bừng lên sức sống mạnh mẽ, như sức bật của lò xo. Với đầy ơn Thánh Thần, họ có thể nói được các thứ tiếng khác khi chưa hề học tới!
Vâng, chỉ có Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống, là Đấng “sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con”, mới nhóm lên ngọn lửa mến cháy trong lòng mọi người. Người tưới gội chỗ khô khan, sưởi ấm chỗ lạnh lùng và chỉnh đốn lại chỗ chật đường. Nhưng chúng con nhiều khi lại quên mất sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng làm nên và canh tân, đổi mới mọi sự cách lạ lùng. Chúa Thánh Thần xuống trong tâm hồn các tín hữu, nhẹ nhàng như làn gió, thổi sạch những bụi bặm thế trần trong con người, làm cho họ được thay đổi tế bào từ trong ra ngoài và lớn lên bằng một sức sống mới.
Lạy Chúa, xưa Chúa đã cử Thánh Thần xuống trên Đức Mẹ và các Tông đồ, để thánh hóa Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai và sai Giáo Hội đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Xin Chúa tiếp tục công trình đã thực hiện, mà tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần cho mọi tín hữu trên khắp cùng thế giới, để chúng con được hiệp nhất nên một cùng nhau, mà tuyên xưng danh Chúa mãi ngàn đời. Amen.
Én Nhỏ