Suy niệm 1
=================
Suy niệm 2
ƠN GỌI: ‘ƠN SỦNG’ + ‘NGƯỜI GỌI và CHỌN’
Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Như thường lệ, cứ vào dịp lễ tuần IV Phục Sinh, Giáo Hội lại mời gọi tất cả tín hữu hiệp ý cầu nguyện cho ơn thiên triệu (hay còn gọi: ơn gọi), và cách riêng cho các linh mục được trở nên người mục tử như lòng Chúa mong muốn (sicut pastor Cor Iesu).
Có câu chuyện vui thế này: Ở một gia đình Công Giáo nọ, vì người mẹ muốn con trai Thiên Ân trở thành linh mục, nên lúc nào cũng nhắc con: “Lớn lên con đi tu nha không!” Buổi tối hôm kia, ngay sau khi đọc kinh gia đình xong, bé Thiên Ân bèn hỏi mẹ:
– Mẹ ơi, mỗi ngày con thấy mẹ lo cơm nước cho bố, vậy sau này con đi tu thì ai nấu cơm cho con ăn
Suy nghĩ một lát, mẹ Ân trả lời:
– Mình đi tu, tức là mình dâng đời mình cho Chúa, nên con phải nấu cơm lấy mà ăn, chứ đâu có ai nấu cho…
Nghe xong, Ân buồn lắm, và khẽ nói với mẹ:
– Mẹ ơi, nếu vậy, con chẳng thích đi tu chút nào!
Vừa dứt câu, cậu buồn bã lặng lẽ bước vào phòng ngủ, vì mai còn phải đi học. Tuy nhiên, hôm sau, khi từ trường về nhà, Ân lại hớn hở thưa với mẹ:
– Mẹ ơi, con thích đi tu lại rồi!
Quá đỗi ngạc nhiên, mẹ hỏi:
– Ủa! Sao vậy con? Sao thay đổi nhanh quá vậy?
– Vì có người cùng đi tu với con và sẽ nấu cơm cho con ăn mỗi ngày rồi.
– Ai vậy con?
– Thì cái Vy, con bác Phạm ở gần nhà mình đó mẹ!
– (…mẹ bó tay)
Phụng vụ hôm nay nhắc tới hình ảnh Phê-rô can đảm rao giảng về Đức Giê-su Ki-tô đã chịu nạn, chịu chết và phục sinh (x. Cv 4, 12), sau khi các Tông đồ được đầy tràn Thần Khí trong ngày lễ Ngũ Tuần. Hơn thế, biểu tượng người mục tử tốt lành, dám thí mạng sống mình vì đàn chiên (x. Ga 10, 11) và chúng ta cũng cảm nhận phần nào tình yêu của Chúa Cha trao ban cho chúng ta lớn lao dường nào (x. 1Ga 3, 2).
Trước hết, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta hết mực, dù chúng ta chẳng xứng đáng với Ngài. Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn cao cả làm con cái của Ngài, và sau được ‘diện đối diện’ với Ngài, “chúng ta sẽ giống như Ngài, vì Ngài thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy” (1Ga 3, 2). Hơn nữa, Ngài còn mời gọi chúng ta thông phần vào sứ mệnh rao truyền, chia san Tin Mừng qua tác vụ người mục tử thánh thiện, nhân lành như lòng Chúa mong ước. Tuy nhiên, để có những người mục tử tốt lành, thánh đức, chúng ta phải được Chúa mời gọi (ơn gọi - ơn thiên triệu) và chọn giữa muôn người tín hữu trong một cộng đoàn nào đấy: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em…” (Ga 15, 16). Vì vậy, hạn từ ‘đi tu’ thông thường gắn liền với “ơn gọi” (‘ơn’ và ‘gọi’). Thứ nhất, ‘đi tu’ chẳng do bởi công trạng, thành quả, tài năng, giỏi giang…của bản thân, nhưng đó thật sự là một ân sủng (‘ơn’); và thường ân sủng đi đôi với trách vụ hay sứ mệnh hoặc công việc nào đó. Kế đến, người ‘đi tu’ phải được ‘gọi’, chứ không thể tự mình muốn đi là được, hoặc tự cho mình có đầy đủ phẩm hạnh để đi! Người ‘gọi’ ở đây chính là Thiên Chúa, còn người ‘đi tu’ là người ‘được gọi’ và vui vẻ đáp trả tiếng mời gọi này, không vì khiên cưỡng, hay đi vì kỳ vọng hoặc ước muốn của ai khác, thậm chí của cha mẹ, họ hàng, thân thuộc, có khi ‘đi tu’ vì sự đánh đố với bạn bè, hay hơi hướng lí do kinh tế!
Nhưng làm sao để biết bản thân có ơn gọi dâng hiến hay không? Đầu tiên, chúng ta (với vai trò phụ huynh hay con cái) phải tin tưởng rằng: nếu Chúa muốn gọi-chọn ai làm nhân chứng cho Ngài trong đời sống dâng hiến (trở thành linh mục, hoặc tu sĩ nam nữ) thì Ngài luôn ban ơn cần thiết, hướng dẫn, trang bị cho họ, chứ Ngài không bao giờ ‘bỏ con giữa chợ, gặp mợ bỏ dì’! Dĩ nhiên, Ngài có cách thức chỉ dẫn riêng; nhưng thông thường, Ngài sẽ dùng môi trường gia đình, qua cha mẹ, qua lời dạy bảo và đồng hành của bậc phụ huynh mà giúp ứng viên nhận ra ‘ơn gọi’; bởi lẽ, ‘gia đình là chủng viện đầu tiên cho ơn gọi’. Hơn nữa, đời sống sinh hoạt nơi gia đình như: những buổi cầu nguyện chung, những lúc gia đình quây quần với nhau qua bữa cơm thường nhật, những cử chỉ yêu thương, chuyện trò với con cái về Chúa, về Giáo Hội, về các Thánh nam nữ, về gương sống đức tin, sống Lời Chúa, v.v…sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn của ứng viên. Từ đó, khi được tiếp xúc với các cha, các tu sĩ nam nữ ngoài giáo xứ hoặc cộng đoàn dòng tu nào đấy, thì có lẽ ứng viên dần dần mường tượng và liên tưởng đến đời sống đi tu là như thế nào. Ngoài ra, Thiên Chúa có thể dùng những người khác hoặc các biến cố trong đời để đánh động, giúp ứng viên nhận ra ngày càng rõ rệt ơn gọi dâng hiến. Và khi nhận biết, nhận ra rồi, thì hân hoan, quảng đại đáp lời mời gọi của Ngài, với sự nỗ lực, hy sinh, rèn luyện, bỏ mình nữa; vì chưng, chẳng có con đường nào bằng phẳng và dễ dàng cả!
Thật sự, Giáo Hội đang rất cần nhiều bạn trẻ quảng đại đáp lời kêu mời của Chúa, mà dám hiến dâng trọn đời mình cho Ngài qua đời sống tu trì-phục vụ-mục vụ-truyền giáo. Tuy nhiên, thiết nghĩ để có một vị linh mục tốt lành, thánh thiện thì cần có một chủng sinh tốt lành, thánh thiện! Nhưng để có một chủng sinh tốt lành, thánh thiện, thì không thể nào không có một Ki-tô hữu tốt lành, thánh thiện; và làm sao để có một Ki-tô hữu tốt lành, thánh thiện, nếu không có một con người/một công dân tốt lành, thánh thiện và nhân bản? Ngoài ra, sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội hơn bao giờ hết đòi hỏi các ứng viên trong thời gian đào luyện, đào tạo không những trau dồi về học vấn-tu đức-cộng đoàn-việc tông đồ, mà cần có lòng nhiệt huyết, lửa mến truyền giáo, dám ra đi rao giảng Tin Mừng, chứ không rơi vào tình trạng yên vị, sa vào hội chứng ‘an toàn, an vị’, chẳng mong đón nhận những thách đố mục vụ-phục vụ-truyền giáo, hoặc e ngại, có khi lo sợ đến vùng ven, vùng ngoại biên phục vụ, hay dính chặt vào những tiện nghi, môi trường đã thân quen, do dự thuyên chuyển đến nơi xa xôi, lạ lẫm, v.v…Tắt một lời, nếu muốn làm giàu (về vật chất) thì không nên làm linh mục! Nếu muốn lợi danh, doanh nhân thành đạt, hay có tiếng tăm…thì không nên làm linh mục! Nếu chỉ muốn người người biết đến mình, mà không phải khao khát biết Chúa, thì không nên làm linh mục! Nếu nhằm đạt được những nghị trình lớn lao, những tham vọng của bản thân, thì không nên làm linh mục! Vì sao như vậy? Đơn giản vì những tiêu chí, tiêu chuẩn ấy không thuộc về căn tính và ơn gọi linh mục. Nói như Kinh Thánh xác thực: Mục tử tốt lành thí mạng sống mình vì chiên (x. Ga 10, 11); mục tử tốt lành biết chiên mình, và các con chiên biết chủ chiên (x. Ga 10, 14); mục tử tốt lành tìm kiếm những con chiên lạc, những con chiên chưa thuộc ràng chiên, vì “chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên” (Ga 10, 16).
Nguyện xin Chúa sai thợ gặt
Hết lòng tín thác, chân thật tâm can.
Chủ chăn yêu mến chứa chan
Chăm lo dẫn dắt, hân hoan đồng hành.
Như người mục tử nhân lành
Hy sinh mạng sống, trung thành mãi liên
Ngày đêm săn sóc đoàn chiên
Trung kiên chống lại ‘sói điên’ rình chờ. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
=================
Suy niệm 3
Mục tử tốt lành hay người chăn thuê
(Ga 10, 11-18)
Mục tử tốt lành
Chúa Giêsu đã tự nhận mình là mục tử tốt lành với đoàn chiên (x. Ga 10,11) để nói về tương quan của Người với nhân loại, cách riêng đối với Hội Thánh là từng người Kitô hữu chúng ta. Chúa Giêsu khẳng định Người là mục tử tốt lành biết từng người, luôn chăm sóc và tâm sự với từng con chiên một là mỗi người để giúp chúng ta không nghe theo tiếng của ma quỷ, thế gian và của những thế lực không thuộc về Thiên Chúa. Người mục tử đi trước đoàn chiên, nói lên tâm tình của Chúa Giêsu là đi trước nhân loại, bảo vệ nhận loại, không để cho nhân loại bị rơi vào tay của ma quỷ.
Kẻ làm thuê
Nếu vị “Mục tử tốt lành thí mạng sống vì đoàn chiên” (Ga 10,11), thì đương nhiên khác với những kẻ chăn thuê và giữ mướn, những kẻ trộm cướp và lợi dụng. “Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên” (Ga 10,11).
Một cách phân biệt mục tử với kẻ chăn thuê có lẽ rất thời sự chúng ta tìm thấy trong lời chú giải của Thánh Grêgôriô Cả Giáo Hoàng: “Khi thinh lặng, người lãnh đạo phải khôn ngoan; khi nói năng phải liệu sao cho hữu ích, để khỏi nói ra điều cần giữ kín, hay không làm thinh khi cần lên tiếng. Một lời nói thiếu thận trọng lôi kéo người ta vào con đường lầm lạc; cũng vậy sự thinh lặng thiếu khôn ngoan khiến người ta tiếp tục sống trong lầm lạc đang khi lẽ ra họ có thể được soi sáng. Thật thế, nhiều khi các vị lãnh đạo không biết lo xa, sợ không được lòng người đời nên ngại không dám thẳng thắn nói ra sự thật. Họ không nhiệt thành chăm sóc đoàn chiên theo lời Đấng là sự thật, cho đúng với nhiệm vụ mục tử, mà chỉ chăn dắt như người làm thuê, vì khi ẩn mình làm thinh thì chẳng khác gì họ xa chạy cao bay khi chó sói đến… Quả vậy, đối với người mục tử, làm thinh không dám nói sự thật vì sợ hãi lại chẳng phải là quay lưng chạy trốn hay sao?” (x.Trích sách Quy Luật Mục Vụ của thánh Grêgôriô Cả GH – Bài đọc 2 Kinh Sách Chúa Nhật XXVII TN).
Lời nói tiếp theo của Chúa Giêsu khiến chúng ta suy nghĩ: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên” (Ga 10,14).
Mục tử nhân lành học nhiều hơn chơi, kẻ chăn thuê chơi nhiều hơn tự học. Để có thể “biết chiên” và “chiên biết” (Ga 10,14), người mục tử nhân lành phải không ngừng học khám phá đàn chiên của mình.
Trong khi kẻ chăn thuê có thể sẽ đổ lỗi, quy trách nhiệm, than phiền… và bỏ cuộc, còn mục tử nhân lành nhận trách nhiệm khi thất bại. Mục tử nhân lành là người có kiến thức phổ quát, biết cần phải giải quyết điều gì trước, điều gì sau. Trái lại, kẻ chăn thuê thường trầm trọng hóa vấn đề, thiếu bao quát. Vì làm thuê kiếm tiền, nên kẻ chăn thuê sẽ bỏ đàn chiên khi nơi đó không thể kiếm được nữa, hoặc họ sẽ “mọc rễ” thật chắc tại những nơi ‘béo bở”. Mục tử nhân lành thì khác, vì lo lắng cho sự “phồn vinh và giàu có” của đàn chiên, của cộng đoàn, họ khám phá và xây nền trên chính sự thực của cộng đoàn họ.
Không ai trong chúng ta muốn làm kẻ chăn thuê hay kẻ trộm cướp, thực thi sứ vụ như một dịch vụ nhằm chỉ tìm lợi ích cho bản thân, còn ai sống ai chết mặc ai. Những lời sau đây của ngôn sứ Giêrêmia và Edêkiel chất vấn và cảnh tỉnh chúng ta: “Khốn thay những mục tử làm cho đàn chiên Ta thất lạc và tan tác… các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm đến chúng” (Gr 23,1-2); “Khốn cho các mục tử chỉ biết lo cho mình!… Sữa chiên thì các ngươi uống, len của chúng thì các ngươi mặc, con nào béo tốt thì các ngươi giết, và chẳng thèm lo chăn dắt đàn chiên. Chiên đau yếu các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương các ngươi không băng bó; chiên bị lạc các ngươi không đưa về; chiên bị mất các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, khiến chúng bị tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi, trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm” (Ed 34,2-6); “Hỡi các mục tử chỉ biết lo cho mình mà không chăn dắt đàn chiên của Ta, đây Ta chống lại các ngươi. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta, Ta sẽ không để các ngươi chăn dắt chiên Ta nữa…để chiên của Ta sẽ không còn làm mồi cho chúng nữa” (Ed 34,8b-10).
Ngày cầu cho ơn gọi
Khi công bố Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn Thiên triệu lần thứ 61 với Chủ đề : “Được kêu gọi Gieo Hạt giống Hy vọng và Xây dựng Hòa bình”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến tình huynh đệ và niềm hy vọng.
Ngài mời gọi chúng ta suy ngẫm về cuộc lữ hành Kitô giáo như một hành trình hiệp hành khởi nguồn từ niềm hy vọng, hướng tới việc khám phá tình yêu của Thiên Chúa. Lời mời gọi phổ quát của Kitô giáo đặt cuộc sống của chúng ta trên tảng đá của sự phục sinh của Chúa Kitô, nhận thức rằng mọi nỗ lực được thực hiện trong ơn gọi mà chúng ta đã ấp ủ và tìm cách thực hiện sẽ không bao giờ vô ích (x. PHANXI CÔ, Sứ điệp cầu cho ơn gọi 2024).
Nói đến ơn gọi sống đời thánh hiến, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta nghĩ đến những người thánh hiến dâng trọn cuộc sống cho Chúa trong âm thầm của kinh nguyện, cũng như trong hoạt động tông đồ; những người đã đón nhận ơn gọi làm linh mục và tận tụy loan báo Tin mừng, chia sẻ cuộc sống cùng với bánh Thánh Thể cho anh chị em, gieo vãi hy vọng.
Đức Thánh cha khẳng định: “Mục đích của mỗi ơn gọi là trở thành những người hy vọng. Trong tư cách cá nhân và cộng đoàn, trong các đoàn sủng và thừa tác vụ khác nhau, tất cả chúng ta đều được kêu gọi thể hiện niềm hy vọng của Tin mừng trong thế giới đang bị những thách đố to lớn: hiểm họa thế chiến thứ ba từng mảnh lan rộng, những đám đông di dân tị nạn khỏi quê hương của họ để tìm một tương lai tốt đẹp hơn; số người nghèo liên tục gia tăng, nguy cơ sức khỏe của trái đất bị thương tổn không thể hồi lại được. Tất cả những điều đó, cộng thêm với những khó khăn chúng ta gặp hằng ngày, và nhiều khi làm cho chúng ta lâm vào thái độ cam chịu và chủ bại”.
Trong bối cảnh trên đây, Đức Thánh cha khẳng định: “điều quan trọng đối với các Kitô hữu chúng ta là vun trồng một cái nhìn đầy hy vọng, để có thể làm việc hiệu quả, đáp ứng ơn gọi được ủy thác cho chúng ta, phục vụ Nước Thiên Chúa, nước tình thương, công lý và hòa bình”.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
=================
Suy niệm 4
CHUNG HƯỞNG HẠNH PHÚC VÔ BIÊN
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 4 Phục Sinh, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Đức Kitô, Vị Mục Tử oai hùng của chúng ta, đã khải hoàn tiến vào Thiên Quốc, xin Chúa cho chúng ta là đoàn chiên hèn mọn, cũng được theo gót Người vào chung hưởng hạnh phúc vô biên.
Chung hưởng hạnh phúc vô biên là chung phần chiến thắng của Đức Kitô, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Khải Huyền tường thuật lại cuộc chiến giữa các thiên thần và Con Mãng Xà, đây cũng là cuộc chiến của các tín hữu, nhưng, đừng lo, bởi vì, họ đã thắng nhờ máu Con Chiên và nhờ lời họ làm chứng về Đức Kitô: họ coi thường tính mạng, sẵn sàng chịu chết. Sau khi chịu cực hình trong giây lát vì trung thành với giao ước của Thiên Chúa, thì giờ đây các tín hữu Chúa đang hưởng sự sống đời đời.
Chung hưởng hạnh phúc vô biên nhờ Đức Kitô, vị mục tử nhân lành đã hy sinh tính mạng vì đoàn chiên, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Ghêgôriô Cả đã nói: Như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Dường như Đức Giêsu muốn nói rõ rằng: Điều minh chứng, tôi biết Chúa Cha và được Chúa Cha biết, ấy là, tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, nghĩa là, nhờ tình thương, khiến tôi chịu chết cho đoàn chiên, tôi tỏ cho thấy là tôi yêu mến Chúa Cha tới mức nào.
Chung hưởng hạnh phúc vô biên là nhờ Đức Kitô, Đấng Cứu Độ Duy Nhất, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc thánh Phêrô mạnh dạn tuyên bố: Ngoài Đức Kitô ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.
Chung hưởng hạnh phúc vô biên là được chung phần với Đức Giêsu, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Gioan đã nói: Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.
Chung hưởng hạnh phúc vô biên nhờ biết giữ vững niềm trông cậy vào Chúa, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 117, vịnh gia đã cho thấy: Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy vào thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói rằng: Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. “Biết” chính là “yêu”, Đức Giêsu đã yêu đoàn chiên đến hy sinh cả mạng sống mình. Để có thể chung hưởng hạnh phúc vô biên với Đức Kitô, vị mục tử nhân lành, chúng ta phải để cho Người “biết”: có biết, mới được yêu thương, được thấu hiểu, được cảm thương; được chữa lành, được giải cứu, được sống và sống dồi dào. Ước gì chúng ta biết ngoan ngùy vâng theo sự chăn dắt của Chúa, để chúng ta luôn được nuôi dưỡng trong đồng cỏ xanh tươi, mà Chúa đã dùng chính Máu mình để mua lấy cho chúng ta. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
=================
Suy niệm 5
ĐỂ PHỤC VỤ
“Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”.
“Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ bằng việc bị đói; tuy nhiên, Ngài là Bánh Trường Sinh. Kết thúc sứ vụ bằng cơn khát; tuy nhiên, Ngài là Nước Hằng Sống. Bị bán ba mươi đồng bạc; tuy nhiên, Ngài cứu chuộc cả thế gian. Và đã chết như một con chiên; tuy nhiên, Ngài là Mục Tử Nhân Lành!” - Grêgôriô Nazian.
Kính thưa Anh Chị em,
Hôm nay, Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, ngày cầu cho ơn gọi. Hạn từ “ơn gọi” thường bị giới hạn trong chức linh mục và đời sống tu trì. Vậy mà, như chính Chúa Giêsu, mọi thành viên trong Giáo Hội đều đã nhận một “ơn gọi”, ơn gọi đó là ‘để phục vụ’ tha nhân.
Chúa Giêsu là mẫu mực hoàn hảo của mọi ơn gọi, Ngài đến không để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình. Ngài nói, “Tôi là mục tử nhân lành!”. Tất cả những gì Ngài nhận được từ Chúa Cha, Ngài đều cho người khác. Đây cũng là trọng tâm ơn gọi phục vụ của chúng ta. Những gì chúng ta có, những gì chúng ta là đều đến từ Thiên Chúa, và chúng ta được kêu gọi dùng tất cả chúng ‘để phục vụ’ anh chị em mình.
Ai cũng có thể phục vụ bằng những cử chỉ tưởng chừng như nhỏ bé - nhưng thực ra lại rất vĩ đại - nếu chúng được làm bởi một tình yêu chân thành. Những cách chúng ta sống ơn gọi này thường rất khiêm tốn và ẩn giấu; những gì dường như không đáng kể - một đôi tai biết lắng nghe, một lời khích lệ, một cử chỉ nhỏ nào đó - điều mà Tin Mừng có lúc gọi là “chén nước lã”. Bạn không cần phải nghĩ đến một công việc to tát hoặc một nhiệm vụ hấp dẫn nào đó; nhưng hãy làm những gì xem ra tầm thường với một trái tim phi thường!
Phần lớn cuộc đời được diễn ra trên các sân khấu nhỏ! Chính trong không gian đó, ơn gọi phục vụ của chúng ta được thực hiện. Cách bạn và tôi sống ơn gọi phục vụ trong không gian đó sẽ không gây chú ý và có thể không bao giờ được biết đến; tuy nhiên, khi các mối quan hệ được gợi hứng bởi một trái tim yêu thương thì một thế giới mới sẽ được tạo ra.
Hãy chiêm ngắm những tố chất nơi Mục Tử Nhân Lành Giêsu! Ngài yêu thương, biết từng con chiên và cuối cùng, hy sinh mạng sống cho chiên. Ngài yêu thương chúng ta với những sở trường lẫn sở đoản của mỗi người; Ngài biết từng con hẽm tối, từng lối mòn của chiên. Vì thế, Ngài không ngần ngại cất công tìm kiếm. Cuộc đời của Ngài là một cuộc đời quan tâm và hy sinh. Ngài đến, để yêu thương, ‘để phục vụ’, quên mình và chết cho chiên.
Ngài tiếp tục phục vụ, trao ban chính Ngài. Chúng ta hãy tham dự Thánh Lễ với tấm lòng rộng mở, đón nhận sự phục vụ của Ngài, “Hãy cầm lấy mà ăn!”. Khi nhận lấy chính Ngài, chúng ta để mình được Ngài phục vụ; nhờ đó, có thể sống ơn gọi phục vụ của mình. Chúng ta sẽ phục vụ Ngài nơi người khác như Ngài đã phục vụ chúng ta qua người khác.
Anh Chị em,
“Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”. Đó phải là mẫu mực và là tiếng gọi bền bỉ trong suốt cuộc đời mà chúng ta không ngừng khám phá những cách thức mới mẻ để đáp trả. Hãy luôn có cho mình một bước đi mới, bất kể chúng ta đang ở đâu trên hành trình cuộc đời. Là con cái Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi tiếp tục phát triển bản thân theo hình ảnh Ngài, và như thế, chúng ta đang nên thánh!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con như đứa chăn thuê chăm chút vun quén cho bản thân, cho con dám sống, dám chết cho linh hồn của những ai Chúa trao cho con!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
=================
Suy niệm 6
Tôi Là Mục Tử Nhân Lành
Cv 4,8-12; 1Ga 3,1-2; Ga 10,11-18
Đức Giêsu kể dụ ngôn với người Do Thái cho họ hiểu ai là mục tử đích thực: «Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên». (Ga10, 11-15).
Đức Giêsu chính là Mục Tử nhân lành mà đàn chiên yêu mến và luôn “theo sau”, là chính Mục Tử mà chiên “nghiện” và bám riết lấy Ngài chứ không chịu theo người lạ. Ngài “biết” rõ chiên của Ngài từng con một. Chiên nào ốm yếu bệnh hoạn tật nguyền ra sao, chiên nào dễ thương ngoan ngoãn, chiên nào đã từng lầm lỡ quay lưng, được “vác” trên vai trở về… Ngài yêu hết, cưng hết dù cách chăm sóc có khác nhau tùy hoàn cảnh khác biệt. Còn lũ chiên ngoan thì nghe tiếng Ngài, nhận biết được tiếng của Ngài, hiểu ý Ngài, Ngài khẽ gọi hay ra dấu hiệu nhỏ là chúng biết ngay và quay ngoắt chạy theo.
Chiên mà gặp “đồng cỏ” thì tha hồ ăn no say thỏa thích. “Đồng cỏ” tươi là chính Máu Thịt của Chủ, ăn mãi mà không chán, không hết. Càng ăn càng “khỏe mạnh” và “lớn” lên mãi, “tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”. Vị Mục Tử Giêsu đã hy sinh tính mạng vì đoàn chiên, Ngài đã chấp nhận cái chết vô cùng bi thương trên Thập Giá để Cứu Độ con người. Trong Ngài những ai tin và sống đức tin thực sự sẽ được hạnh phúc sung mãn tràn đầy. Vì yêu thương Ngài đến để thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, quy tụ thành một đoàn chiên duy nhất, bất kể dân ngoại hay không cắt bì.
Chúa Chiên ơi! xin giữ con trong Bàn Tay Yêu Thương của Ngài. “Ở bên Ngài hoan lạc chẳng hề vơi”. Dù con có bệnh hoạn làm sao hay chạy lăng xăng sai lối xin Ngài chữa lành, uốn nắn và dắt con về, về bình an bên “ngàn suối mát” của Ngài. Thành con chiên ngoan hiền, con sẽ ra vào trong Cánh Cửa Tình Yêu của Ngài, con vào đó tha hồ mà múc vợi ăn uống thỏa thuê, từ Ngài con lại mang ra phân phát cho anh em mọi ân huệ, để “cả nhà ta cùng thương yêu nhau” hạnh phúc Chúa nhé! “Đồng là đồng cỏ tươi, Chúa chăn cho tôi nghỉ ngơi. Suối ngọt cỏ non xanh rì. Tôi nay còn thiếu thốn chi? vui thay mà cũng phúc thay!”
Én Nhỏ