Thứ sáu, 22/11/2024

Các bài suy niệm Tam Nhật Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh

Cập nhật lúc 09:10 28/03/2024
THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Suy niệm 1
MỘT LẦN TẶNG, MUÔN LẦN TRAO

“Ngài yêu thương họ đến cùng!”.
“Người khôn ngoan không coi trọng món quà của ‘người yêu’ cho bằng tâm tình của ‘người tặng’. Chúa Giêsu vừa là người yêu, vừa là người tặng! Quà Ngài trao là chính mình Ngài. Không chỉ một lần, Ngài ‘tự hiến’ mỗi ngày! Một lần tặng, muôn lần trao!” - Anon.
Kính thưa Anh Chị em,
Ý nghĩa Thánh Lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh có thể được tóm gọn trong hai từ: “Tự Hiến!”. Vì yêu thương các môn đệ đến cùng, Chúa Giêsu đã tự hiến đến ‘ba lần’ vào hai chiều cuối đời; nhưng không chỉ ‘ba lần’, Ngài tự hiến đến ‘n’ lần, muôn lần! Bởi lẽ, mỗi ngày, trên các bàn thờ, Ngài tiếp tục tự hiến; và như thế, Ngài là Món Quà Tự Hiến ‘một lần tặng, muôn lần trao!’.
Tin Mừng nói, “Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Ngài đã đến… Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình, và Ngài yêu thương họ đến cùng!”. Chính trong bữa ăn yêu thương mà người Do Thái phải cử hành hằng năm - bài đọc Xuất Hành - Chúa Giêsu tự hiến trong phục vụ yêu thương khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ! Cũng trong bữa tối đó, Ngài tự hiến dưới hình thức của ăn, của uống khi cầm lấy bánh rượu, thiết lập Bí tích Thánh Thể - và theo thánh Gioan Phaolô II, Ngài thiết lập chức Linh mục - “Hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Thầy!”, “Hãy nhận lấy mà uống, này là Máu Thầy!”. Trong thư Côrintô hôm nay, Phaolô viết, “Mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết!” - bài đọc hai.
Như vậy, khi cúi xuống rửa chân các môn đệ, cũng như khi cầm bánh rượu là chính Thịt Máu Ngài để trao cho họ, Chúa Giêsu đã tiên liệu một “Món Quà” thiết thực hơn, lớn lao hơn mà Ngài sẽ trao vào ngày hôm sau: một thân xác nát tan, đỏ một màu máu trên thập giá. Vì thế, chỉ trong hai ngày Tuần Thánh đầu tiên ấy, Ngài đã tự hiến chính mình đến ba lần. Và còn hơn thế! “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy!”; với các Linh mục của Hội Thánh Ngài, mầu nhiệm đức tin này còn được cử hành liên lỉ trên các bàn thờ. Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phục vụ lẫn nhau. Khi chúng ta phục vụ nhau, Ngài tiếp tục phục vụ mỗi người ‘trong chúng ta và qua chúng ta!’. Bởi đó, Món Quà Giêsu không chỉ được trao một lần, ba lần, nhưng liên lỉ trao đến tận thế!
Anh Chị em,
“Ngài yêu thương họ đến cùng!”. Thông hiệp với Chúa Kitô trong Thánh Thể, chúng ta rước lấy Thịt Máu Ngài; nhờ đó, tìm thấy sức mạnh để “yêu đến cùng” như Ngài đã “yêu!”. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay viết, “Chén chúc tụng là sự thông hiệp Máu Chúa Kitô!”. Nhờ thông hiệp Máu Chúa Kitô, chúng ta mới có khả năng khiêm nhường cúi xuống phục vụ tha nhân như Ngài. Thánh Thể nuôi dưỡng sự phục vụ; phục vụ, hiện thực hoá Thánh Thể. Thánh Thể biến đổi chúng ta nên ‘những Giêsu khác’, Đấng “yêu cho đến cùng”. Hãy để Thứ Năm Tuần Thánh; đúng hơn, hãy để Thánh Thể Chúa Kitô dạy chúng ta biết tự hiến như Ngài! Noi gương tình yêu vĩ đại của Ngài, bạn và tôi cũng tự hiến mỗi ngày, chết cho chính mình để khiêm nhường phục vụ và “yêu cho đến cùng!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, nhờ việc tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con, ước chi Thánh Thể Chúa biến đổi con mỗi ngày nên ‘một Giêsu khác!’”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
==================

Suy niệm 2
CAO LƯƠNG M
Ỹ VỊ ĐỜI TÔI

Chắc hẳn trong chúng ta, ít nhất một lần trong đời mơ ước được thưởng thức một mâm cỗ đầy cao lương mỹ vị, hoặc đã từng tận hưởng thức ăn đồ uống nơi những nhà hàng sang trọng, mà ai nhìn cũng có vẻ trầm trồ khen ngon và có chút gì đó ghen tị!
Ngoài xã hội là thế! Ai trong chúng ta không mong có địa vị giàu sang, muốn mọi người xung quanh đều phải ngước nhìn hay khen tặng mỗi lúc đi tham các sự kiện lớn nhỏ danh giá, được mời đặt chân đến những nơi chỉ dành cho giới thượng lưu, danh nhân…! Thế nhưng, chúng ta đã bao lần tự hỏi chính mình: mâm cỗ cao lương mỹ vị của một người Công Giáo đích thật là gì chưa? Hay vì tham dự nhiều bữa tiệc hoành tráng, đèn chiếu lung linh, nhạc sống dập dìu đung đưa đã quen rồi, nên bữa tiệc cao quý nhất trong đời tôi lại trở nên quá tầm thường?
Nhìn lại ba năm về trước, nguy cơ lây lan càng ngày càng chóng mặt của cơn đại dịch cô-vi, hầu hết các Thánh lễ khắp nơi đều bị đình chỉ; nhưng dẫu rằng vậy, Thánh lễ vẫn tiếp diễn dưới hình thức trực tuyến, và mọi người Công Giáo khắp nơi cũng tham dự Thánh lễ online với tâm tình chờ mong được lãnh nhận cao lương mỹ vị mà không một nhà hàng nào, dù bậc nhất thế giới đến đâu cũng không thể có, đó chính là Mình và Máu Chúa Ki-tô.
Phụng Vụ Thánh Lễ Thứ Năm Tuần Thánh nhắc nhở chúng ta đến bữa tiệc Vượt Qua của dân Do Thái thời Cựu Ước, và tiệc Vượt Qua này được trở nên trọn vẹn qua việc Chúa Giê-su hoá bánh và rượu trở nên Mình và Máu của Ngài, hầu đơn sơ ở lại với chúng ta mãi mãi nơi bàn tiệc Thánh lễ, trong Bí tích Thánh Thể. Đối với người Do Thái, khi nhắc đến lễ Vượt Qua, không ai trong con cái họ lại quên bẵng biến cố vô cùng trọng đại này. Vì nhờ bàn tay oai hùng của Thiên Chúa, dân Do Thái đã được cứu thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, vượt qua biển Đỏ ráo chân, và tiến vào đất hứa. Còn đối với chúng ta, khi được tham dự vào Bàn tiệc Thánh, chúng ta được tháp nhập vào lễ Vượt Qua của Chúa Giê-su Ki-tô, vượt qua sự chết và tiến vào vinh quang Phục Sinh. Chúng ta phải chết với tội lỗi mà sống cuộc sống mới cho Chúa, “…các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (x. Lc 22, 19 - 20). Chúng ta được mời thưởng thức cao lương mỹ vị không gì khác hơn chính Mình và Máu, chính sự sống của Chúa Ki-tô, thì chúng ta cũng được mời gọi trở nên giống Chúa Ki-tô trong mọi sự. Chúng ta không thể nào dùng cái miệng này vừa rước Mình Máu Thánh mà lại chửi rủa, thoá mạ, lên án, kết tội anh chị em? Chúng ta không thể nào dùng bàn tay này vừa lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, mà lại thượng cẳng chân hạ cẳng tay, đánh đập, bạo hành, làm tổn thương anh chị em? Chúng ta không thể vừa rước Chúa vào lòng, cũng vừa làm cho tâm hồn, tư tưởng bản thân nên hoen úa với biết bao tội lỗi?
Hơn nữa, mâm cỗ cao lương mỹ vị Mình và Máu Thánh Chúa được diễn tả một cách cụ thể và sống động qua việc Chúa Giê-su chịu khổ nạn và chịu chết trên Thập Giá. Chúa Giê-su không nói suông bằng môi miệng hay ngôn từ; nhưng Ngài dọn tiệc mừng với chính sự sống vô giá của mình cho chúng ta bằng hành động phục vụ tận tâm (x. Ga 13, 1-15) và hy sinh mạng sống quý giá cho người bạn hữu (x. Ga 15, 13). Thiết nghĩ, Chúa không bắt chúng ta phải chết cho người khác đâu, nhưng Ngài hằng mời gọi chúng ta mỗi ngày chết cho những gì ‘phản Ki-tô’, chết cho những thói hư, tật xấu, những thói quen không giúp chúng ta gần Chúa và gần anh chị em. Ngoài ra, Chúa cũng chẳng bắt chúng ta phải bỏ mạng sống bản thân để phục vụ đâu, nhưng có chăng Ngài gọi mời, thúc giục chúng ta nên bước ra khỏi ‘chăn ấm nệm êm của cái tôi’, cúi xuống (hạ mình) hầu đến với anh chị em, nhất là những ai nghèo khó, cơ cực, cô đơn, cô độc, những người có một vị trí đặc biệt trong con tim hằng yêu thương của Chúa.
Cao lương mỹ vị của đời sống người Công Giáo không chỉ kết thúc vỏn vẹn trong Thánh Lễ, nhưng được tiếp nối mãi trong đời sống thường nhật. Mỗi lần chúng ta thực thi bác ái, bỏ mình, khiêm hạ, gặp gỡ Chúa trong anh chị em, thậm chí những người mình không ưa, không thích, không muốn giao thiệp; mỗi khi chúng ta tha thứ, khuyến khích, động viên anh chị em trong đời sống đạo, là lúc mùi vị của mâm cỗ tiệc Thánh được toả hương thơm ngát. Chẳng phải hương thơm của gia vị hoà trộn mặn mà để ướp thức ăn, mà là hương thơm của tình yêu, hương thơm sự sống của chính Con Một Thiên Chúa đang ôm trọn tâm hồn chúng ta!
Ước gì, mùi hương của mâm cỗ tiệc Thánh luôn toả ngát trong đời sống chúng ta, trong môi trường chúng ta đang sống, trong mọi hoàn cảnh, trạng huống, trong mọi thời điểm buồn vui của cuộc đời chúng ta.
Ôi Mình Máu Thánh châu báu                    
Mâm cỗ tuyệt hảo th
m thấu hồn con
                    
Cao lương mỹ vị vẹn tròn
 
Được cù
ng tận hưởng, đời con thông phần.
                    
Đơn sơ Chúa đến ân cần
                    
Chan hoà ở lại, kế
t thân muôn đời. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng
==================
THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Suy niệm 1
CAM CHỊU KHỔ HÌNH THẬP GIÁ

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần Thánh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa lấy lòng từ bi nhìn đến đại gia đình nhân loại. Chính vì gia đình này, mà Đức Giêsu, Chúa chúng ta, không ngần ngại phó mình trong tay kẻ dữ và cam chịu khổ hình thập giá. 
Đức Giêsu đã cam chịu khổ hình thập giá để tiêu diệt tội lỗi và thiết lập Giao Ước Mới bền vững muôn đời. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thư gửi tín hữu Hípri cho thấy: Người là trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời Giao Ước Cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa. Tựa như cừu bị đem đi làm thịt, Người không hề mở miệng kêu ca khi bị ngược đãi, Người bị trao nộp và chịu chết. Người đã hiến thân chịu chết và bị liệt vào hàng tội nhân, để dân Người được sống.
Đức Giêsu đã cam chịu khổ hình thập giá để cứu chuộc chúng ta. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Gioan Kim Khẩu đã cho thấy giá trị của Máu Đức Kitô: Nước tượng trưng phép rửa, máu tượng trưng thánh lễ. Người lính đã mở cạnh sườn của Chúa: anh đã chọc thủng bức tường đền thánh. Không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu chuộc, nhưng là nhờ bửu huyết của Con Chiên vô tỳ tích là Đức Kitô. Bửu huyết Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, thanh tẩy chúng ta sạch mọi tội lỗi. Nhờ Người, tất cả chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.
Đức Giêsu đã cam chịu khổ hình thập giá vì chúng ta, như trong bài đọc một của Cuộc Tưởng Niệm Thương Khó, ngôn sứ Isaia đã cho thấy: Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Đức Giêsu đã cam chịu khổ hình thập giá để chúng ta bắt chước Người vâng phục thánh ý Chúa Cha, như trong bài đọc hai của Cuộc Tưởng Niệm Thương Khó, thư gửi tín hữu Hípri cho thấy: Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 30, vịnh gia cũng đã cho thấy lòng vâng phục, tín thác của Đức Giêsu: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ. Bởi vì Ngài công chính, xin giải thoát con. Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con, Ngài đã cứu chuộc con, lạy Chúa Trời thành tín. 
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày hôm nay là: Vì chúng ta, Đức Kitô đã tự hạ, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Hội Thánh không ngần ngại: quy cho các Kitô hữu, trách nhiệm nặng nề nhất, về cực hình mà Đức Giêsu phải chịu, trách nhiệm mà các Kitô hữu thường hay trút đổ trên đầu những người Dothái. Những ai sa đi ngã lại trong tội lỗi, đều là những người đã phạm tội đóng đinh Đức Giêsu, bởi vì, chính tội ác của chúng ta đã làm cho Đức Giêsu phải chịu khổ hình thập giá. Tội lỗi mà chúng ta thường cố tình tái phạm, thì nặng nề hơn tội của những người Dothái đã đóng đinh Chúa, bởi vì, theo thánh Phaolô: Nếu họ đã được biết Vua vinh hiển, thì họ đã chẳng đóng đinh Người vào thập giá. Trái lại, ta tuyên xưng rằng ta biết Người, nên khi ta chối bỏ Người bằng những hành vi tội lỗi, thì khi đó, ta đã tra tay giết Người. Ước gì ta biết ý thức rằng: Chính ta đã đóng đinh Người vào thập giá, và ta còn đang đóng đinh Người những lần khác nữa, khi ta cố tình đắm chìm trong các thói xấu và những tội lỗi “thâm căn cố đế” của mình. Ước gì được như thế!

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
==================
Suy niệm 2
NHỮNG LỜI NÓI YÊU THƯƠNG SAU CÙNG

Ngay sau được chọn làm Giáo Hoàng, kế nhiệm Thánh Phê-rô, trong bài huấn từ khởi sự của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, ngài nói: “Mỗi khi chúng ta tuyên xưng Đức Ki-tô mà không có Thánh giá, thì chúng ta chưa phải là môn đệ của Chúa. Chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là linh mục, giám mục, hồng y, giáo hoàng, nhưng chẳng phải là môn đệ của Chúa! Tôi ao ước rằng tất cả chúng ta, sau bao ngày ân sủng này, sẽ trở nên can đảm, can đảm tiến bước trong sự hiện diện của Chúa, với Thánh Giá của Chúa, để xây dựng Giáo Hội nhờ bửu huyết của Chúa đã đổ ra trên Thánh Giá và để tuyên xưng một vinh quang duy nhất, đó là vinh quang của Đức Ki-tô chịu đóng đinh. Bằng cách này, Giáo Hội sẽ thăng tiến. Tôi ước mong cho tất cả chúng ta rằng nhờ lời cầu bầu của Mẹ Ma-ri-a, Mẹ chúng ta, Chúa Thánh Thần tuôn đổ dồi dào hồng ân trên mỗi người, hầu chúng ta ra đi, kiến tạo và tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh. Chỉ vậy thôi”.
Lời huấn đức của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô quả thật là tâm điểm của đời sống đức tin Ki-tô hữu chúng ta. Và Phụng Vụ hôm nay hướng chúng ta đến thời khắc ‘Chúa Giê-su hiến tế thân mình, yêu thương và tha thứ đến tận cùng, vâng phục Chúa Cha cách trọn hảo, hy sinh chịu tử nạn trên Thánh Giá’ vì chúng ta. Người ta kể lại rằng: tại thị trấn Nash-vin (Nashville), một khách du lịch lần nọ bước vào nghĩa trang quân đội, lấy làm lạ khi thấy người đàn ông đặt hoa trên một nấm mộ bé nhỏ xinh xắn. Người du lịch ấy bèn hỏi: ‘Xin lỗi! Phải chăng đây là mộ phần của con ông?’ Ông đáp: ‘Thưa ngài, không ạ!’
- Thế của bà con thân thuộc?
- Cũng chẳng phải vậy, thưa ngài!.
- Thế sao ông đặt hoa lên mộ cách kính cẩn như vậy ạ?
Người kia đặt hoa xuống, sụt sùi cảm động liền kể cho ông khách du lịch nghe. Đó là khi chiến tranh diễn ra, chính phủ bắt tôi phải đi động viên. Khổ nỗi nhà tôi vừa nghèo vừa không thể thuê người khác đi hộ được; nên tôi đành tuân lệnh lên đường nhập ngũ. Đang khi tôi thu dọn đồ đạc và từ giã vợ con, thì bỗng dưng một người bạn tri kỷ tình cờ ghé thăm, biết chuyện bèn đề nghị với tôi: “Anh còn vợ con, nếu anh đi sẽ không có ai làm ăn, nuôi nấng chúng, thôi anh hãy ở lại, để tôi đi thay cho!” Vừa nghe lời ấy, trong bụng tôi vô cùng vui sướng, nhưng chẳng nỡ để anh bạn đi thế. Từ chối hồi lâu, tôi bị thuyết phục, chấp thuận để người bạn ấy nhập ngũ thay tôi. Sau ít lâu, tôi nghe tin bạn tôi bị thương nặng, rồi thiệt mạng ngoài chiến trường, và cũng được biết người ta mai táng anh ấy tại nghĩa trang này. Dò hỏi thông tin, cuối cùng tôi cũng đặt chân tới đây tìm thấy ngôi mộ của anh ấy. Sau đó, tôi khắc lên bia mộ bạn tôi: ‘Người đã chết vì tôi’.
Anh bạn tri kỷ đã hy sinh mạng sống cho bằng hữu với tình bạn thanh khiết. Còn hơn thế, Chúa Giê-su đã chịu khổ nạn, chịu chết vì nhân loại tội lỗi, trong đó có bạn và tôi, có anh chị em và tôi. Đã là con người, chẳng có ai muốn chết cho người bất hảo, bất lương…, có chăng chết cho người tử tế tốt lành thánh thiện thôi! Tuy nhiên, trước khi bị xử tử, tâm lý con người thường rối loạn, khiến họ chửi rủa. Triết gia Sê-nê-cơ (Sénèque) bộc bạch về tâm lý này như sau: đương sự thường chửi mắng, đay nghiến những kẻ muốn giết họ, chửi lây đến ai đang nhìn ngó; có người còn nguyền rủa thân phận xấu số của mình, nguyền rủa ngày mình được sinh ra, nguyền rủa chính đấng sinh thành dưỡng dục. Bởi thế, văn hào Si-sê-ron (Cicéron) cho biết thêm, rằng: trong các cuộc xử tử thời đế quốc La-Mã, khi thấy tên tử tội nào hung dữ, người ta sẽ cắt lưỡi hắn trước, để khỏi phải nghe tiếng chửi rủa, chì chiết cay nghiệt. Như vậy, trong cuộc xử tử chiều thứ Sáu Tuần Thánh ấy, chúng ta cũng đã nghe một tên trộm bị đóng đinh chung với Đức Giê-su chửi mắng lung tung, chửi cả Đức Giê-su, người chẳng có thù oán với hắn. Tuy nhiên, đáp lại những lời thoá mạ, nguyền rủa ấy, chẳng phải là lời chửi rủa vô hạn, mà lại là những câu nói nhẹ nhàng, dịu dàng, thắm thiết, chứa chan tình yêu thương vị tha, mặc dù Ngài đang chịu đau thương tan nát. Lời thứ nhất, Đức Giê-su nói với những kẻ thù căm ghét, giết hại Ngài: “Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (x. Lc 23, 34). Lời thứ hai, Ngài nói với người tội lỗi, tên trộm ‘lành’ đang bị treo bên cạnh: “Quả thật, Ta bảo với anh: Ngay hôm nay, anh sẽ được ở với Ta trên Thiên Đàng” (Lc 23, 43). Lời thứ ba, Đức Giê-su trao phó Gio-an (tượng trưng Giáo Hội) cho Đức Mẹ, và nhắn nhủ Gio-an đón nhận Mẹ Ma-ri-a. Đây là lời Ngài nói với Mẹ - một người thánh thiện, cùng với ‘môn đệ yêu dấu’, môn đệ trung thành: “Thưa Bà, đó là con Bà - Đó là Mẹ của con” (Ga 19, 26-27). Qua đây, chúng ta càng thấm thiết hơn lời Chúa dạy “yêu thương tha nhân như chính mình, yêu thương kẻ thù, cầu nguyện cho những kẻ bách hại…” (x. Mt 5). Vì chưng, cho đến giờ phút lâm chung, tình thương của Thầy Chí Thánh Giê-su vẫn luôn bao la vô bờ, và còn bao la hơn bao giờ hết. Tình yêu vị tha, tình yêu hiến tế tận cùng ấy Ngài dành cho ai? Trước hết cho kẻ thù, những ai giết hại Ngài; kế đến cho người tội lỗi, và tiếp theo cho những ai thiện lành, thánh đức.
Dẫu là “Thiên Chúa thật, nhưng Đức Ki-tô đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, đã biến mình ra không, trở nên xác phàm yếu đuối, nhưng sống trọn hảo, vâng phục đến tận cùng” (x. Pl 2, 6-11); và căn cứ vào những lời nói sau cùng của Ngài trước lúc tử nạn, chúng ta càng thấu tỏ Con Người Đức Giê-su thế nào!
Lạy Chúa, xin cho chúng con trung thành theo chân Chúa đến cùng. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
==================
Suy niệm 3
ĐÓNG ĐINH MỘT VỊ THẦN

“Chính Tôi đây!”.
Heywood Broun nói, “Không ai luôn nói về Chúa cho bằng những người cho rằng, không có Ngài!”. Một nhà tu đức khác thì bảo, “Không ai biết Chúa Giêsu là Chúa mà lại đóng đinh Ngài! Vậy mà mỗi lần phạm tội trọng, họ đóng đinh Ngài, ‘đóng đinh một vị Thần!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Ghi lại Cuộc Thương Khó, chỉ một mình Gioan có được khẳng định tuyệt vời này của Chúa Giêsu, “Chính Tôi đây!”. Khẳng định đó đưa chúng ta về một sự thật vô cùng quan trọng. Rằng, Ngài là Thiên Chúa! Vì thế, đóng đinh Giêsu, nhân loại ‘đóng đinh một vị Thần!’.
“Chính Tôi đây!”, “Tôi Là!”, hay “Tôi Hằng Hữu!” là những danh xưng chỉ dành cho Thiên Chúa. Chính Ngài đã sử dụng tước hiệu này để tự mặc khải cho Môsê trên núi Sinai. Kitô giáo sử dụng nó để chỉ Đấng tạo dựng muôn loài. Lạ lùng thay, “Chính Tôi đây!” là lời Chúa Giêsu công khai tuyên bố trước quân dữ. Như vậy, chẳng vô tình chút nào, Ngài công khai thần tính của Ngài! Vì lý do đó, Gioan viết, “Nghe thế, họ lùi lại và ngã xuống đất!”. Suy gẫm cuộc khổ nạn của Chúa, chúng ta đừng quên; Ngài là Thiên Chúa bị đóng đinh, Đấng Cứu Độ Thế Giới, một thế giới - trong đó - con người ‘đóng đinh một vị Thần!’.
Thật thú vị! Cũng trong bối cảnh này, Phêrô tuyên bố một lời hoàn toàn ngược lại, một lời ‘không thể phàm nhân hơn’: “Không phải tôi!”. Đó là lời nói dối của ông trước một cô gái. Mỉa mai thay, không phải trước một nữ hoàng, nhưng trước một tớ gái! “Không phải tôi” là ‘nội hàm’ cho tất cả yếu đuối và mỏng giòn nhất của con người. Phêrô đại diện cho bạn và tôi. Khi làm vậy, Phêrô xác nhận sự yếu hèn của bản thân cũng như nhu cầu của mình trước ân sủng và lòng thương xót Chúa. Về điểm này, bạn và tôi nên đồng ý với Phêrô!
Bối cảnh thương khó của Chúa Giêsu đặt liền kề việc Phêrô chối Thầy; và dẫu cái chết của Ngài vẫn xảy ra nếu không có sự chối Thầy của Phêrô; nhưng ảnh hưởng của nó vẫn tác động đến ông. Ngài đã chết thay cho Phêrô, cho tất cả mọi người; nhờ đó, cứu chuộc cả nhân loại. Sự thiếu đức tin và tình yêu của Phêrô không thay đổi được điều đó; nhưng một khi quay trở lại và tin, Phêrô loan báo chân lý này thật xa và thật rộng! Rằng, “Anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ mà đóng đinh Ngài vào thập giá”. Nhưng “Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại; đặt Ngài làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô!”. Tác phẩm “Thập Giá Chiến Thắng” của Janice Alexander đã diễn tả sự vui mừng của Ngài với đôi mắt mở to, mặt hớn hở, dang rộng đôi tay như một vị Vua đang muốn ôm chầm thế giới!
Anh Chị em,
“Chính Tôi đây!”. Khẳng định của Chúa Giêsu tiết lộ Ngài là Thiên Chúa, Ngôi Lời làm người, sống dưới chế độ luật của con người và chết bởi luật của nó. Ngài chấp nhận cho nó ‘đóng đinh một vị Thần’. Nhưng chính nhờ sự chết và những đau khổ Ngài chịu, nhân loại được công chính hoá. Đó là đường lối khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa. Ngài là vị Thiên Sai mà Chúa Cha đã phán, “Tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy mọi tội ác của họ”- bài đọc một; để “trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Ngài” - bài đọc hai. Ngài là Đấng có Thiên Chúa là Cha như Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha!”.    
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, mỗi lần phạm tội, con đóng đinh Chúa. Giúp con kiên trì xây dựng lại bản chất thứ hai như Phêrô, đó là khả năng thống hối và quay trở lại!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 
==================
THỨ BẢY TUẦN THÁNH
CÙNG ĐƯỢC MAI TÁNG VỚI ĐỨC KITÔ
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Bảy Tuần Thánh năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Con Một Chúa đã chịu chôn vùi trong lòng đất, nhưng, đã chiến thắng tử thần và khải hoàn trỗi dậy. Này tất cả chúng ta là những tín hữu, đã cùng được mai táng với Người khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, xin Chúa cho chúng ta cũng đạt tới nguồn sống muôn đời cùng với Người là Đấng đã phục sinh. 
Cùng được mai táng với Đức Kitô, chúng ta mới được vào chốn yên nghỉ của Người, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thư gửi tín hữu Hípri cho thấy: Ai sẽ được vào chốn yên nghỉ của Thiên Chúa? Ai sẵn sàng nghe Lời Chúa, như dao sắc bén phê phán hết mọi loài thụ tạo? Ai sẽ được đi theo Đấng đã băng qua các tầng trời?: Chúng ta phải sợ rằng trong khi lời hứa được vào chốn yên nghỉ của Người vẫn còn đó, mà có ai trong chúng ta bị coi là: đã mất cơ hội.
Cùng được mai táng với Đức Kitô, chúng ta mới được cùng chiến thắng với Người. Bài đọc hai của giờ Kinh Sách cho thấy: Hôm nay cõi đất chìm trong thinh lặng. Thinh lặng như tờ và hoàn toàn thanh vắng. Thinh lặng như tờ vì Đức Vua đang yên giấc. Cõi đất kinh hãi lặng yên vì Thiên Chúa đã ngủ say trong xác phàm. Ngày hôm nay, các cửa âm phủ bị phá tung, quyền lực ác thần bị tiêu diệt, khi Đấng cứu độ chúng ta toàn thắng. Người đã mở tung cửa ngục tù và dẹp tan quyền lực ma quỷ.
Cùng được mai táng với Đức Kitô, chúng ta mới được cùng sống lại với Người, trong bài Thánh Thư của Đêm Vọng Phục Sinh, thánh Phaolô đã cho biết: Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người. Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. 
Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 117, vịnh gia đã cho thấy: Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô đã tường thuật lại việc Người thanh niên ngồi trong mộ nói với các bà: Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giêsu Nadarét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Tảng đá bị loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường; Giêsu Nadarét bị đóng đinh, nay đã trỗi dậy. Qua thập giá mới đến vinh quang, qua cái chết mới đến được sự sống đời đời. Muốn được sống lại với Chúa, chúng ta phải cùng chết với Người, như con nhộng, sau một thời gian ở trong chiếc kén, sẽ chui ra, bay lượn trong bầu trời rộng lớn. Tuy nhiên, muốn chui ra khỏi tổ kén, chúng nhất định phải dồn hết sức lực để tự mình chui ra. Chúng ta thấy chúng phải khổ sở đến nhường nào, nhưng, không vì thương hại mà chúng ta giúp chúng xé bỏ tổ kén, bởi vì, tất cả đã được Chúa sắp đặt như thế: Khi cơ thể chúng tự nhận thấy quá khó khăn, để chui ra ngoài, lúc đó, cơ thể chúng sẽ tiết ra một loại chất nhờn, không những, giúp chúng dễ dàng thoát khỏi tổ kén, mà sau đó, còn giúp đôi cánh của chúng to khỏe hơn, để có thể bay lượn. Vậy nên, việc chúng ta giúp chúng, cũng tương tự như việc chúng ta lấy đi đôi cánh của chúng. Ơn cứu độ là ơn nhưng không của Chúa, hoàn toàn xuất phát từ Chúa, nhưng Chúa tôn trọng tự do của chúng ta, cho nên, Chúa sẽ không làm thay phần của chúng ta. Chúa muốn chúng ta tận dụng những ơn lành Chúa ban, và bằng nỗ lực của chính mình, mà cộng tác với Chúa, để chúng ta cùng với Chúa, đi từ thập giá đến vinh quang, từ cõi chết bước vào cõi sống muôn đời. Ước gì chúng ta biết chết đi cho con người cũ của mình, để được phục sinh vinh hiển với Chúa. Ước gì được như thế!

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
==================
ĐÊM VỌNG PHỤC SINH
Suy niệm 1
Đêm Ánh Sáng và Niềm Vui

(Mc 16,1-8)
Ánh sáng xua tan bóng tối
Trước khi cử hành nghi thức Đêm Vọng Phục Sinh. Mọi người chìm trong bóng tối tĩnh mịch của đêm đen, không ánh đèn, tất cả cộng đoàn phụng vụ cùng hướng về phía cha chủ tế: với đống lửa đang cháy sáng. Sau Nghi thức Làm Phép Lửa, Nến Phục Sinh được thắp lên như sự hiện diện của chính Chúa Giêsu Phục Sinh đang ở giữa chúng ta.
Lúc kiệu nến Phục sinh, vị chủ tế xướng lên ba lần: “Ánh sáng Chúa Kitô”. Và cộng đoàn cùng đáp lại ba lần: “Tạ ơn Chúa.” Nghi thức này muốn nói rằng: Ánh Sáng Phục Sinh của Chúa Kitô đã bừng lên xua tan bóng đêm của tội lỗi và sự chết. Từ trong bóng tối, Nến Phục Sinh dẫn chúng ta bước vào ánh sáng cử hành long trọng đêm Vọng Phục Sinh. Đây chính là ánh sáng mà dân Israel mong đợi như Isaia tiên báo: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Is 9,1). Nay ứng nghiệm nơi Đức Giêsu Kitô Phục Sinh: “Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Mt 4,16) Vâng, ánh sáng ấy được vận hành trong dòng lịch sử cứu độ của nhân loại.Chúng ta vừa rước Nến Phục Sinh cháy sáng với
lửa được làm phép vào nhà thờ đặt trên chân nến. Trên thân Nến có các mẫu tự Hy Lạp: Alpha và Omega (có nghĩa là “chữ đầu” và “chữ cuối”trong bảng mẫu tự Hy Lạp), tượng trưng cho Chúa Kitô là đầu và là cuối (là nguyên thủy và cùng đích) của tất cả mọi tạo vật. Nến cũng được đánh dấu theo năm, năm nay là năm 2024. Cây Nến này được thắp sáng suốt cả Mùa Phục Sinh, trong các Thánh lễ và sẽ được đốt lên vào mỗi dịp cử hành phép Rửa tội và trong Thánh lễ an táng.

Mỗi người được thắp nến của mình với Lửa Mới lấy từ Nến Phục SInh. Cầm nến sáng trên tay trong Đêm Vọng Phục Sinh là chúng ta đón nhận Ánh Sáng Phục Sinh của Chúa Kitô. Ánh sáng ấy không chỉ nhìn thấy ở phương diện vật lý nhưng còn là ánh sáng của niềm tin. Tâm hồn mỗi người chúng ta được Chúa Kitô Phục Sinh ngự đến trong đêm nay. Ánh Sáng ấy chính là Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh đúng như Người tuyên bố: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12).
Đến phần làm phép Nước, Nến sẽ được nhúng vào nước, sau đó Tân Tòng được Rửa tội bằng Nước Phép này, những người đã đã chịu phép Rửa tội sau khi lặp lại lời hứa cũng được rảy trên mình cùng một nước mới này.
Tin Mừng Phục Sinh được công bố
“Mừng vui lên hỡi muôn lớp cơ binh thiên thần trên trời. Cùng vui lên, hỡi những thừa tác viên này… Và vui lên, toàn trái đất vui lên … tất cả vũ trụ đều hân hoan... Cùng vui lên, ôi Mẹ Hội Thánh vui lên…khắp nơi trong cung điện này hòa vang lên ngàn muôn tiếng ca reo mừng của nhân trần”(x.Exsultet). Cả Trời Đất mừng vui. Mừng vui lên! Hỡi anh chị em!!! Chúa đã sống lại thật rồi. Alleluia.
40 ngày Chay Thánh qua đi, nay Giáo hội bước vào 50 ngày Mùa Phục Sinh và kêu gọi con cái mình Mừng vui lên. Này người trần hỡi hãy vui lên Al-lê-lui-a, vì Chúa đã sống lại thật rồi đem niềm vui cho thế giới. Chúa đã sống lại rồi, vinh quang tỏa lan khắp nơi. Chúa đã sống lại rồi, cho muôn người hưởng phúc quê Trời.
Ánh Sáng mang lại niềm vui
Mừng vui lên! Đêm vọng Phục sinh là đêm của niềm vui. Chúa Kitô Phục Sinh là nguồn vui, Người mang niềm vui đến cho chúng ta. Thật vậy, trong suốt cả Mùa Chay, chúng đã đã nguyện ngắm, ăn chay, cầu nguyện, tĩnh tâm, xưng tội để chuẩn bị tâm hồn đón nhận niềm vui Phục Sinh: “Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15,11). Đúng thế, sau mỗi lần xưng tội chúng ta thấy tâm hồn ngập tràn niềm vui. Niềm vui ấy đến từ ân sủng của Chúa Giêsu Phục sinh. Niềm vui hoán cải và yêu thương. Niềm vui của cậy trông và phó thác cuộc đời trong tay Thiên Chúa.
Đêm nay, đêm mang lại niềm vui đặc biệt cho các anh chị em dự tòng vừa được lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Họ được rửa bằng Nước mới, xứ Dầu mới, thắp Lửa mới. Mỗi chúng ta chan chứa một niềm vui vì tình thương Chúa ngập tràn.
Mừng vui lênsao không thể không vui, bởi vì đêm nay Chúa Kitô ra khỏi ngục vinh thắng, đêm mà xiềng xích sự chết do Tội Tổ Tông gây ra bị bẻ gãy. Sự chết đó đã khiến cho bao người thất vọng, làm tiêu tán hết mọi nỗ lực của con người. Nay Con Thiên Chúa, vì yêu thương đã vâng phục, với cái giá phải trả là chết trên thập giá, để hòa giải tội nhân với Chúa, mang lại sự sống cho con người.
Vâng, Chúa Kitô đã sống lại sáng láng bước ra khỏi mồ, sau khi tiêu diệt sự chết, bẻ gãy mọi ràng buộc của ngôi mộ. Con Thiên Chúa không còn ở trong mộ, bởi vì Người không thể nào là người tù của sự chết (x. Cv 2, 24) và ngôi mộ không thể nào giữ lại “Ðấng hằng sống” (Kh 1,8), Ðấng là chính nguồn mạch của sự sống đã kết thúc cuộc hành trình nơi ngôi mộ như mọi người, nhưng Người đã chiến thắng sự chết, sống lại ra khỏi mồ. Người đã mở lòng đất và mở ra thật rộng để hướng về Trời, đưa chúng ta ra khỏi mồ tăm tối, dẫn chúng ta từ đất về trời với Chúa Cha.
Vậy chúng ta có thể cao rao: “Chúa Kitô... Ðấng từ cõi chết sống lại và chiếu toả ánh sáng bình an của Người trên toàn thể nhân loại, Ðấng là Con Thiên Chúa, là Ðấng hằng sống và hằng trị mãi mãi muôn đời”. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
==================
Suy niệm 2
ĐÊM HOÀI MONG - ĐÊM KHẢI HOÀN

Hẳn ai trong chúng ta đều rõ: cao điểm của năm Phụng vụ chính là Tuần Thánh, đặc biệt Tam Nhật Thánh (Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy Tuần Thánh hoặc Lễ Vọng Phục Sinh). Có rất nhiều lễ nghi cũng như nghi thức trong Tam Nhật Thánh, nhưng chúng ta cùng nhau chiêm ngắm gần hơn ngọn nến cao cháy sáng Phục Sinh.
Khởi đầu nghi lễ, mọi đèn nến trong sân nhà thờ đều tắt, bóng tối như bao trùm tất cả. Thế rồi vị Chủ tế châm lửa từ bếp than hồng, mồi vào ngọn nến Phục Sinh. Một tia sáng nhỏ loé lên trong đêm tối. Đêm canh thức, đêm hoài mong dường như nhường lối cho đêm hồng ân và đêm khải hoàn! Sau đó, những ngón nến nhỏ trên tay các tín hữu được thắp sáng bừng lên từ ngọn nến cao Phục Sinh. Ánh sáng tỏa lan, và cuối cùng mọi đèn nến trong nguyện đường đều rực chiếu. Bóng tối hoàn toàn bị đẩy lùi. Chúa Giê-su Ki-tô đã chiến thắng sự chết, đã khải hoàn phục sinh từ cõi chết; Ngài là nguồn mạch ánh sáng, chiếu soi toàn thể nhân loại đang lần mò trong tối tăm.
Quả thật, bóng tối chẳng thể nào che lấp ánh sáng; ma quỷ-thần chết chẳng thể nào chiến thắng Thiên Chúa; sự ác chẳng thể nào áp đảo thiện lành được! Qua các nghi lễ Tuần Thánh, một chân lý sáng tỏ và tường tận. Khi Đức Giê-su chịu khổ nạn, chịu chết nhục nhã trên thập giá, dường như bóng tối, quyền lực ma quỷ, thần chết và sự ác đã hoàn toàn chiến thắng. Thế nhưng, Chúa Giê-su Ki-tô đã sống lại vinh quang; Ngài là ánh sáng Phục Sinh soi chiếu và đẩy lùi bóng đêm tăm tối; Thiên Chúa không dừng bước trước ma quỷ và sự thiện lành đã toàn thắng trước sự ác!
Vào dịp Lễ Vọng Phục Sinh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô năm 2014, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô kết thúc bài giảng của ngài như sau: "Tin Mừng Phục Sinh rất ư rõ ràng: chúng ta cần trở về Ga-li-lê-a để gặp Chúa Giê-su Phục Sinh, và trở thành những chứng nhân phục sinh của Ngài. Điều này không phải đi ngược thời gian, cũng không phải niềm thương luyến tiếc quá khứ, mà là chúng ta quay trở về với tình yêu ban đầu, hầu nhận ngọn lửa mà Đức Giê-su đã thắp lên trong thế gian và mang ánh lửa ấy đến cho tất cả mọi người, đến tận cùng trái đất”. Thật vậy, trong đêm lễ Vọng Phục Sinh, tại các nhà thờ đây đó trên khắp thế giới, chúng ta chứng kiến những anh chị em dự tòng trưởng thành được lãnh nhận Bí tích Khai Tâm (Rửa Tội, Thêm Sức, Rước Lễ lần đầu), được trở nên con cái của Chúa, được gia nhập Giáo Hội, trở thành người đồng hành đức tin với chúng ta. Thiết nghĩ, trong số ấy, có nhiều người vì hoàn cảnh này hoàn cảnh khác chưa dám bỏ mình theo đạo; nhưng nhờ gương sáng chứng nhân nơi anh chị em Ki-tô hữu, cuộc gặp gỡ đổi đời, họ cảm nhận dãi ánh sáng trong tâm trí, dần dần tìm hiểu học đạo, và tự quyết bước theo chân Chúa. Cũng trong đêm Vọng Phục Sinh này, họ được bước vào cung lòng ánh sáng chan hòa của Chúa; họ vui mừng kín múc hồng ân trở nên thụ tạo mới; họ được lãnh nhận đức tin và can đảm sống chứng tá suốt quảng đời còn lại. Vì vậy, bóng tối vô thần nhường bước cho ánh sáng Phục Sinh; bóng đêm vô tri ngã gục trước ánh sáng khôn ngoan của Thiên Chúa!
Bên cạnh đó, đã là con người, chúng ta không thể tránh khỏi những giây phút yếu đuối, tội lỗi; những ‘đêm tối, u mê’ giữa dòng đời. Lắm lúc, chúng ta ngã lòng, ‘nhắm mắt đưa chân’ hoặc muốn buông trôi; nhiều khi chán chường vì biết bao kẻ lòng dạ ác tâm nhận chìm chơi vơi giữa biển đời tăm tối chông chênh, v.v… Những khoảnh khắc này, chúng ta không khỏi chán nản, nhục chí, bỏ cuộc! Tuy nhiên, Mầu Nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh vực chúng ta trỗi dậy, đưa chúng ta ra khỏi đại dương tăm tối, cứu chúng ta đang hì hục ngụp lặn giữa dòng chảy siết trần ai, nâng đỡ chúng ta kiên vững, giúp chúng ta vượt qua tình trạng ngã lòng; vì chưng sau cùng, ánh sáng Phục Sinh sẽ đẩy lùi bóng đêm sự chết, và Chúa Ki-tô khải hoàn vinh quang là nguồn cứu độ cho chúng ta. Bởi vậy, từ đêm Vọng Phục Sinh, chúng ta cùng với Mẹ Giáo Hội hân hoan cất lên bài ca Hal-lê-lui-a (Tạ ơn Thiên Chúa!). Ước gì bài ca Hal-lê-lui-a vang mãi trong đời sống đức tin của mỗi chúng ta, như Thánh Phao-lô Tông Đồ từng mời gọi giáo đoàn Phi-líp-phê đang khi ngài bị giam giữ: “Anh (chị) em hãy vui lên. Tôi không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng anh (chị) em hãy vui mừng luôn trong Chúa” (Pl 3, 1).
Ôi đêm hoài mong trở thành đêm hồng ân; đêm chờ trông trở nên đêm khải hoàn! Lời tiên báo từ xa xưa của ngôn sứ I-sai-ah đã thành sự nơi Con Thiên Chúa Phục Sinh ‘ngay hôm nay và bây giờ’ (hic et nunc; here and now): “Mặt trời của ngươi sẽ không lặn và mặt trăng sẽ không còn khuyết, vì Thiên Chúa là ánh sáng vĩnh tồn của ngươi và sẽ chấm dứt những ngày tang tóc của ngươi”  (Is 60, 20).
Ánh sáng Chúa Ki-tô, ngợi khen Chúa!
Ánh sáng Chúa Phục Sinh, chúc tụng Chúa!
Lm. Xuân Hy Vọng
==================

CHÚA NHẬT PHỤC SINH
Suy niệm 1
NIỀM TIN CHÚA PHỤC SINH, ALLÊLUIA

 
Thế giới đảo điên trước tin đồn, tin nóng hổi, nào là người từ cõi chết trở về dương gian, người nằm trong mồ trỗi dậy về với gia đình trước sự bàng hoàng, hoảng sợ của gia luyến, người được xác quyết là đã lìa thế, nay lại trở về, v.v...Theo thói thường, con người chúng ta có xu hướng mong mỏi sự kiện, thông tin ‘shock’, thích bàn tán, bàn luận về ‘thế giới bên kia’, phép lạ này phép lạ kia, v.v... Thế thì, đứng trước niềm xác tín, lòng tin Chúa Ki-tô phục sinh, chúng ta có thái độ thế nào, và sống chứng tá ra sao?
 
Trước tiên, chúng ta cùng tán tạ Thiên Chúa đã thực hiện biết bao kỳ công vĩ đại và hân hoan chia san niềm vui Chúa Phục Sinh với nhau “Chúa đã sống lại thật rồi, Al-lê-lui-a”. Con thiết nghĩ, lời chúc mừng này chính là động lực, niềm xác tín của đời sống Ki-tô hữu chúng ta. Thánh Phao-lô đã từng khẳng định khi Ngài nói về sự phục sinh của Đức Ki-tô như sau: “Nếu Đức Ki-tô không trỗi dậy từ cõi chết, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng...và nếu Đức Ki-tô không trỗi dậy thì lòng tin của anh em thật hão huyền...nếu chúng ta chỉ đặt niềm tin vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết” (1Cr 15, 14.17.19). Vì thế, niềm vui phục sinh là bài ca tán tụng Thiên Chúa, là kim chỉ nam cho đời sống chúng ta.
 
Thế nhưng, Phục sinh khải hoàn này chẳng phải do công trạng, lòng đạo đức thánh thiện của riêng ta, mà đây chính là cuộc chiến thắng tử thần của Đức Giê-su Ki-tô, và nhờ vào lòng thương xót, nhân hậu của Thiên Chúa mà chúng ta được thông phần vào niềm hân hoan phục sinh của Chúa Ki-tô. Hơn nữa, một khi chúng ta kết hợp mật thiết với Ngài, đồng chịu tử nạn với Ngài, đóng đinh những sai lầm, tội lỗi, tính hư nết xấu của bản thân, thì chúng ta sẽ cùng được sống lại với Ngài. Ngạn ngữ phương tây có câu: ‘Có qua con đường thập giá, mới nhận vòng hoa phục sinh’. Thật vậy, lắm lúc, chúng ta mong muốn, hồ hởi đón nhận niềm vui, vòng hoa chiến thắng vinh quang, nhưng chúng ta chẳng muốn thông phần, chịu tử nạn, bước qua con đường hy sinh, dâng hiến ‘trên thập tự’! Lắm lúc, chúng ta khước từ lời mời gọi ‘uống chén đắng’ với Thầy Giê-su trong mọi giây phút sinh hoạt hằng ngày, ngược lại, chỉ toàn ước mong nhanh nhanh lãnh lấy triều thiên quang vinh!
 
Trong các bài đọc hôm nay, Chúa Ki-tô phục sinh mời gọi mỗi người trong chúng ta hãy xác tín, tin vào Người, vì chỉ có Ngài là sự sống lại và là sự sống (x. Ga 11, 25). Thứ đến, hãy trở nên nhân chứng cho Chúa Ki-tô phục sinh qua mọi sinh hoạt, mọi nơi, mọi lúc, trong mỗi cử chỉ, lời ăn, lối suy nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề, cách sống xây dựng tình huynh đệ trong cộng đoàn, vì chúng ta là đoàn dân của Chúa Ki-tô phục sinh như chính Đức Hồng y Lu-is An-tô-ni-ô G. Tag-lê, Tổng trưởng Thánh bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các Dân tộc, và trước kia là Tổng Giám mục Địa phận Ma-ni-la, Phi-luật-tân, đã xác tín khi Ngài viết tác phẩm suy tư về ơn gọi cùng đích của người Ki-tô hữu, và sứ mạng của Giáo Hội Công Giáo với tựa đề nguyên bản The Church: The People of the Resurrection (tạm dịch: Giáo Hội: Dân Chúa Phục Sinh). Theo ngài, mỗi Ki-tô hữu là một chứng nhân của niềm vui Phục Sinh, chứ không là người ủ dột, buồn sầu. Người Ki-tô hữu là chứng tá sống động của Chúa Ki-tô Phục Sinh, chứ chẳng phải là người vô cảm, vô hồn, chẳng màng đến sự thống khổ của đồng loại. Người Ki-tô hữu là những người con cưng của Giáo Hội, luôn mang trong mình niềm tin Chúa Ki-tô Phục Sinh, luôn mặc lấy con người mới, con người của sự chia san, của sự quên mình, luôn nghĩ cho tha nhân, và đặt Chúa Ki-tô làm chủ, trung tâm đời sống mình.
 
Như bà Ma-ri-a Mag-đa-lê-na, với lòng trìu mến, gắn bó với Chúa Giê-su, và nhất là bà đã đặt Ngài làm chủ, làm trung tâm của mọi sinh hoạt của bà, thế nên, bà đã chiến thắng nỗi sợ sệt khi phải một mình ra mộ lúc trời còn mờ tối (x. Ga 20, 1). Bà trở nên can đảm nhanh nhẹn chia san, loan truyền những gì bà cảm nghiệm và đón nhận từ Chúa Phục Sinh. Cũng như Phê-rô, Gio-an đã dật tung cánh cửa khép kín do nỗi sợ hãi, ra khỏi con người cũ, bước tới với niềm xác tín vào Chúa Phục Sinh, và trở nên chứng tá Tin Mừng “ông thấy và ông tin” (x. Ga 20, 9). Tương tự, Phao-lô được mời gọi hoán cải từ một người Biệt phái bắt bớ các tín hữu tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh, trở thành tông đồ nhiệt thành, sống và làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh “...Người đã truyền chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn vinh...” (x. Cv 10, 42). Chúng ta được mời gọi trở nên nhân chứng của niềm tin hân hoan Chúa Phục Sinh trong đời sống thường nhật, và cũng được thông phần vào sự vui mừng trọn vẹn mà Chúa Phục Sinh mang lại cho chúng ta, đó là: ơn cứu độ, vinh quang chiến thắng sự chết.
 
Chúa đã sống lại thật rồi, Al-lê-lui-a! Chúng ta hãy hân hoan, mừng rỡ, chia san, thông truyền niềm vui Phục Sinh đến hết mọi người, mọi dân nước vì Chúa đã chiến thắng sự chết và sống lại vinh quang.
 
Trần hoàn vui ca mừng
Vì Chúa đã Phục sinh
Khắp nơi trong hoan lạc
Thần chết bị đập tan.
Al-lê-lui-a hoà vang
Muôn dân tung hô chứa chan
Al-lê-lui-a tán dương
Chúa Phục sinh khải hoàn. Amen!
 Lm. Xuân Hy Vọng

==================

Suy niệm 2
MỘT CUỘC ĐỜI TRÀN NGẬP ÁNH SÁNG

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Ðức Giêsu đã đánh bại thần chết, khai đường mở lối cho chúng ta vào cuộc sống muôn đời. Nay chúng ta đang hoan hỷ mừng Người sống lại, xin Chúa ban Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên người mới, để sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh.
Một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh là một cuộc đời can đảm làm chứng cho Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ đã tường thuật: ông Phêrô đã mạnh dạn tuyên xưng: Trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội.
Một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh là một cuộc đời luôn tìm kiếm những sự trên trời, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô mời gọi: Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.
Một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh là một cuộc đời ăn mừng chiến thắng vinh quang: theo Chúa trong đau khổ, ắt sẽ được ở Chúa trong vinh quang, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 117, vịnh gia đã cho thấy: Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ. Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay cũng cho thấy điều đó: Đức Kitô đã chịu hiến tế, làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Nào ta hãy hỷ hoan trong Chúa mà ăn mừng đại lễ.
Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan đã tường thuật lại: Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Trong ngôi mộ trống có băng vải (τὰ ὀθόνια: vải điều trang trí lễ cưới) và có cả khăn che đầu (τὸ σουδάριον: tấm vải liệm). Thất bại và chiến thắng, sỉ nhục và vinh quang, tất cả đều được tìm thấy nơi ngôi mộ của Đức Giêsu.
Trong cuộc sống hằng ngày, những gì Chúa cho phép xảy đến: chúng không tốt, cũng chẳng xấu; không tích cực, cũng chẳng tiêu cực. Những biến cố xảy đến, những hoàn cảnh sống, chỉ là những gì phải được thể hiện ra mà thôi. Một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh là một cuộc đời hoàn toàn chấp nhận những gì đang hiện hữu, đang diễn ra theo ý Chúa, dù chúng ta cho là: “tốt” hay “xấu”, “tích cực” hay “tiêu cực”. Thuận theo thánh ý Chúa thì ánh sáng và bóng tối cũng như nhau. Ước gì chúng ta ý thức rằng: mỗi khi có chuyện gì không may xảy đến với mình, thì đằng sau những nghịch cảnh đó, luôn ẩn tàng một ân huệ cao cả, một bài học sâu xa mà Chúa muốn gửi đến, dù rằng, có thể, lúc đó, chúng ta vẫn chưa nhận ra được. Ước gì chúng ta có được cái nhìn chiêm niệm, để nhận ra rằng: những biến cố Chúa gửi đến luôn là điều tốt nhất, mà Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta. Ước gì được như thế!

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB​

==================

Suy niệm 3
Ông Đã Thấy Và Đã Tin

Cv 10, 34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9
Tin Mừng hôm nay trình thuật biến cố Phục Sinh theo thánh Gioan. Ông giấu tên và tự đặt cho mình biệt hiệu thần bí nhưng thật là dễ thương: “người môn đệ Đức Giêsu thương mến”.
Cái chết của Thầy Giêsu làm “cả thế giới” của các môn đệ và những người phụ nữ theo Thầy bị sụp đổ tan tành. Các ông thì thấy thất bại và chán chường. Các bà thì đứt ruột… khóc hết cả nước mắt! Nên sáng sớm ngày thứ ba lúc trời còn tối, phận nữ mà bà Maria Macđala đã liều ra thăm mộ. Lòng yêu mến Thầy của bà đã vượt lên nỗi sợ hãi.
Thoạt nghe bà Maria Macđala báo về ngôi mộ trống, hai môn đệ cùng “chạy” ra mộ. Bình thường người ta đi chứ không chạy, nhưng ở đây là việc nóng bỏng cấp thiết, tình yêu là động lực thúc đẩy bước chân người môn đệ. Cả Gioan và Phêrô cùng chạy nhưng Gioan chạy nhanh hơn. Có lẽ vì Gioan còn trẻ, nhưng đúng hơn là lòng yêu Thầy thúc đẩy và dồn nhanh bước chân ông không thể đặng đừng. Gioan là một trong ba môn đệ gần gũi Thầy mình nhất và được chứng kiến vinh quang cũng như khổ đau của Thầy, ông được tựa đầu vào ngực Thầy trong bữa tiệc sau hết và chỉ còn mình ông trong hàng môn đệ đứng dưới chân Thánh giá. Gioan là người đã có cảm nhận sâu sắc nhất về tình yêu của Đức Kitô vì chỉ có Ngài mới phát biểu một câu “định nghĩa” ngắn gọn nhưng thật đầy đủ: “Thiên Chúa là tình yêu”. Hôm nay trong biến cố Phục Sinh, bằng cảm nhận của tình yêu tha thiết, ông được “thấy” mầu nhiệm trọng đại và đã tin trước hết. Thật tế nhị khi ông “chiêm niệm trong lòng” đã, khiêm nhường để cho Phêrô vào trước mà chứng kiến sự việc, một mẫu gương cho Giáo Hội xưa nay.
Sau cái chết của Thầy, lòng yêu của ông còn canh cánh về đó. Cũng chính tình yêu làm cho ông nhạy cảm, nhận ra, luôn “thấy” và tin. Trong mầu nhiệm Phục Sinh, Gioan chỉ kết luận bằng một lời thú nhận rằng “ông đã thấy và đã tin”. Ông còn được mang danh hiệu “Người môn đệ Chúa đó!” Với tình yêu, ông có thể làm chứng cho Thầy cách chắc chắn về điều mình đã “thấy” và chiêm niệm: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến…” (1Ga 1,1).
Thánh Gioan đã “thấy và tin”. Ngày nay chúng con cần “tin để thấy”, để yêu. Chúa ơi! hôm nay chúng con thấy gì trong một tấm bánh trắng đơn sơ mỏng manh? Tấm Bánh ấy làm lòng con tan chảy, con được thấy, được gặp gỡ Đấng mà lòng con yêu mến với hạnh phúc ngọt ngào, trào tràn khiến mắt con tuôn trào suối lệ. Chiêm ngắm Chúa trong mùa Phục Sinh này, con càng cảm nhận thấy tình yêu không bến bờ của Chúa. Xin cho đời con thành lời chứng cho mọi người nhận ra và yêu mến Chúa hơn. Amen.
Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Tổng Giám mục Milano: Chân phước Acutis là sứ điệp mời gọi thanh thiếu niên can đảm yêu thương
Tổng Giám mục Milano: Chân phước Acutis là sứ điệp mời gọi thanh thiếu niên can đảm yêu thương
Chia sẻ về tin Đức Thánh Cha sẽ tuyên thánh cho Chân phước Carlo Acutis vào Năm Thánh 2025, Đức Tổng Giám mục Mario Delpini của Milano nhận định rằng Acutis là sứ điệp mời gọi các thanh thiếu niên tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, lòng can đảm để yêu thương và sức mạnh trong đau khổ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log