Thứ sáu, 24/01/2025

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 6 Thường niên và Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024

Cập nhật lúc 19:31 07/02/2024
CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN B
Suy niệm 1
Mc 1, 40 – 45
Người mắc bệnh cùi trong xã hội Do Thái bị cả luật đạo lẫn luật đời xô xuống vực thẳm của nỗi đau và nỗi nhục.
Theo luật đạo, mắc bệnh cùi là mắc uế, mắc uế thì phải thanh tẩy. Bệnh cùi là bệnh nan y không chữa được, nên không được làm lễ thanh uế. Đành phải mang mặc cảm tội lỗi cho đến chết.
Theo luật đời, thì người cùi phải thoát ly gia đình, phải vào rừng dựng lều mà ở. Ai đụng đến người cùi hoặc quần áo, mùng mền, chăn chiếu của người cùi, thì cũng mắc uế. Bởi vậy, người cùi đi đường phải rung chuông, hoặc lấy tà áo che miệng hô “cùi”, để người ta biết mà tránh. Phải tránh xa tối thiểu là hai mét. Nếu người cùi nhớ nhà quá muốn về thăm thân nhân, thì phải lén lút về ban đêm. Nếu chẳng may bị lộ, sẽ bị láng giềng ném đá đuổi đi. Khổ đến thế là cùng!
Đức Giê su thì ngược lại. Ngài chủ trương người cùi là đối tượng của lòng thương xót. Phải kính trọng, phải yêu thương và an ủi họ để bù lại nỗi đau của thân xác. Cụ thể là hôm nay, Đức Giê su không đứng xa hai mét, mà còn đến sát bên, lấy tay đặt lên thân thể người cùi để cứu chữa anh.
Hiện nay, bệnh cùi không còn là nan y nữa, nhưng xã hội vẫn có cái nhìn thiếu thiện cảm với người cùi và cả với người cùi đã khỏi bệnh. Cụ thể là trên xe buýt nếu có người cùi, thì dường như ít có ai dám ngồi gần. Đó là điều ta phải xét mình và sám hối, phải coi thái độ xa lánh ấy là vi phạm nhân quyền, là chống lại giáo huấn của Đức Giê su.
Sau khi cho người cùi khỏi bệnh, Chúa dặn anh ta đừng cho ai biết. “Đừng cho ai biết” là một điệp khúc có vẻ vô lý mà Đức Giê su vẫn lặp đi lặp lại nhiều lần. Kể cả trường hợp cho con gái ông Giai rô sống lại, Chúa cũng bảo “Đừng cho ai biết”. Người cùi được khỏi, được tư tế cho chứng minh thư để về sum họp gia đình thì cả làng đều biết, không cần phải nói. Vậy tại sao Chúa lại cứ nhắc đi nhắc lại điều đó một cách vô ích như vậy? Điều đó chứng tỏ rằng:
1. Chúa muốn cứu nhân độ thế một cách khiêm tốn, âm thầm lặng lẽ. Đó là bản chất của Ngài.
2. Tiếng khen càng phổ biến bao nhiêu, thì công tác truyền giáo càng gặp khó khăn bấy nhiêu. Bằng chứng là khi người cùi kể chuyện Chúa chữa anh như thế nào, thì các ông Kinh sư và Pha ri sêu làm khó, khiến Chúa phải lui về miền quê thanh vắng không còn được giảng ở nơi thành thị đông người nữa.
Đó là một bài học cho thấy Chúa bị khổ vì người Pha ri sêu, lại còn bị khổ vì những người yêu Chúa. Họ yêu ngu, yêu dại làm khổ cho Chúa, mà không hay biết. Đó là điều ta nên biết để thương Chúa nhiều hơn và để giảm thiểu cho Chúa những cái khổ do ta gây nên, vì yêu ngu, yêu dại.
Một đám rước Mình Thánh linh đình làm cản trở giao thông: mình thấy là làm vinh danh Chúa, nhưng người ngoại sẽ giận và ghét Chúa. Như vậy là làm khổ Chúa đấy, là bắt chước anh cùi ca tụng Chúa um sùm, để Chúa phải lui vào vùng thanh vắng, tạm ngưng rao giảng một thời.
Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 2
BỆNH PHONG THỜI ĐẠI
Trong thời đại ngày nay, chúng ta ít nhiều đã có đôi lần được tiếp xúc với những bệnh nhân bệnh phong hủi, thăm viếng ngôi làng dành cho người cùi, v.v…cho nên nỗi sợ hãi ấy có lẽ không ghê gớm như thời Chúa Giê-su; có chăng cảm giác rùng mình khi gặp trực tiếp, sờ đụng vào những nơi bị hủi, nhưng vẫn được cảm thông hơn những người mắc bệnh phong thời Chúa Giê-su: họ buộc phải ‘ở ngoài trại’, ở biệt lập, tách rời khỏi cộng đoàn, mặc áo rách rưới, đi đâu cũng la to cho người khác biết mình bị mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế (x. Lv 13, 44 – 46).
Các bài đọc hôm nay, thoạt tiên chúng ta không thấy điều gì liên quan đến chúng ta vì chúng ta lành lặn, khoẻ mạnh ít ra về mặt thể lý, không mắc bệnh phong hủi. Nhưng nếu cùng nhau suy gẫm thật cặn kẽ, chúng ta sẽ thấy Lời Chúa đánh động, thúc giục mình nhận ra bản than cũng đang mắc bệnh phong hủi trong một ý nghĩa nào đó trong đời sống luân lý, đời sống đức tin và đời sống cộng đoàn! Do đó, chúng ta cũng cần được Chúa chữa lành như người bị phong trong bài Tin Mừng hôm nay.
Trước hết, thời Chúa Giê-su, những ai mắc bệnh phong thì bị loại ra, phải ở biệt lập, không được xem là thành viên của gia đình hay của cộng đoàn! Nhưng thời nay thì ngược lại, những người mạnh khoẻ lại tự tách biệt khỏi cộng đoàn, sống cô độc, giam mình trong bốn bức tường, chôn mình bằng thái độ tự kiêu, tự mãn, tự tôn. Hơn thế nữa, thái độ ‘phong hủi’ này khiến họ trở nên thờ ơ, dửng dưng trước nhu cầu, lợi ích của cộng đoàn. Nếu rơi vào hoàn cảnh này, chúng ta thường ngộ nhận: bản thân vẫn ổn, vẫn mạnh khoẻ về mặt thể lý với những lời trấn an hoặc lao vào những thứ khác để trốn tránh hay lãng quên thực tế ấy trong phút chốc. Có lẽ chúng ta vẫn cố sống tốt trong một thái độ bị ‘phong hủi’ và sống khoẻ trong mối tương quan bị ‘phong cùi’ này với bản thân, gia đình và cộng đoàn!!!
Ngoài ra, ngày nay không những chúng ta mắc bệnh phong hủi về mặt thể lý, mà còn bị ‘lở loét, ô uế’ trong đời sống luân lý. Với thói đời, trào lưu chủ nghĩa tương đối kể cả trong đời sống đạo đức, xã hội thực dụng đưa đẩy chúng ta vào lối sống ‘phong hủi’ cụ thể như bốn vấn đề nổi trội sau: (1) chúng ta e ngại, xấu hổ mỗi khi lãnh nhận bí tích Hoà giải, nhưng chúng ta chẳng hề e ngại, xấu hổ khi phạm tội; (2) dẫu là việc xấu nhưng nhiều người làm, nên nó được cho là không sao; còn việc tốt tự bản chất chăng nữa cũng trở thành việc nhỏ, chẳng đáng nếu chỉ một người thực hành (hiện tượng này còn được gọi là tâm lý đám đông, hay tâm lý theo số đông); (3) dù đó là việc xấu, nhưng nếu không bị ai phát hiện hay bắt quả tang thì đó vẫn là điều bình thường hoặc được cho là việc không xấu! (4) một khi ‘chân đã lấm bùn’, ‘lao đã phóng’ vào những điều xấu, những thói đời vô luân, những thói quen không lành mạnh thì con người chúng ta thường có xu hướng ‘nhắm mắt đưa chân’, ‘phóng theo lao’, và tệ hại hơn chính là ‘cùi không sợ lở’. Đây là bệnh phong trong đời sống đạo đức, luân lý!
Sau cùng, chúng ta cũng có thể rơi vào trường hợp bị phong hủi trên bình diện đời sống đức tin, mặc dù chúng ta khoẻ mạnh, tráng kiện về mặt thể lý! Cụ thể khi chúng ta không sống đức tin, chưa sống đúng với tư cách của người được gọi là con cái Thiên Chúa! Chúng ta e ngại làm chứng đức tin trong gia đình, trước bạn bè, lối xóm, nơi học đường, công sở, ngoài xã hội đang trần tục hoá! Chúng ta chạy theo, tìm tòi, học hỏi biết bao nhiêu kiến thức xã hội, trí thức mà quên việc trau dồi học biết, cảm nghiệm đời sống đức tin, yêu mến Lời Chúa, tìm hiểu để sống theo giới răn của Chúa, giáo huấn của Giáo Hội, noi gương Chúa Giê-su, v.v…Chính vì không được cảm nghiệm một cách sâu sắc, nên ‘èo uột’ và chưa trưởng thành trong đức tin, thế nên dễ bị lung lạc và lung lay theo xu hướng, triết thuyết, trào lưu ‘phi Ki-tô giáo’ hoặc ‘chống lại’ cũng như ‘đi ngược lại với Ki-tô giáo’ xảy ra hàng ngày, nhanh như tia chớp trên vô vàn phương tiện internet, truyền thông đại chúng, trang mạng và các tiện ích xã hội.
Đứng trước căn bệnh phong hủi nơi đời sống cộng đoàn, đời sống luân lý và đời sống đức tin mà chúng ta có thể mắc phải, một lần nữa, Chúa mời gọi chúng ta qua lời nhắn gửi đơn sơ nhưng đầy chân thành của Thánh Phao-lô trong bài đọc II: “Anh (chị) em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Đức Ki-tô” (1Cr 11, 1). Noi gương Thánh Phao-lô Tông đồ, chúng ta biết chú tâm rèn luyện đời sống chung, đời sống đạo đức, đời sống đức tin như thể mỗi lần chúng ta bỏ ra công sức, thời gian, tiền bạc để tập luyện cho cơ thể được khoẻ mạnh. Noi gương Ngài, chúng ta chú tâm lo toan cho linh hồn, đời sống thiêng liêng như mỗi lần chúng ta sẵn sàng hy sinh mọi thứ để chăm lo cho thân xác ‘sẽ trở về cát bụi một mai kia’. Noi gương Ngài, chúng ta năn chạy đến với tình yêu, lòng thương xót bao dung vô bờ bến của Chúa, đặc biệt được bộc lộ cụ thể, rõ ràng nơi Thánh Lễ, bí tích Hoà giải và mỗi khi ta thực hành đức ái, tha thứ cho anh chị em. Chỉ như thế, chúng ta mới được tẩy rửa trinh trong và duy chỉ mình Chúa mới “có thể khiến tôi nên sạch” (x. Mc 1, 40).
Này con hèn yếu, này con tội lỗi
Vương vấn thói đời, vướng vào đam mê
Phong cùi ‘đạo đức’, phong hủi ‘tôi đòi’
Xin Ngài thanh tẩy, xin Ngài dủ thương…Amen! 
Lm. Xuân Hy Vọng
=================
Suy niệm 3
CHỨNG BỆNH PHONG HỦI ĐƯƠNG THỜI
Nhân gian ta có câu “nhà cháy mới ra mặt chuột”. Những lúc bình an, vui sướng thì ai cũng là bạn là bè, nhưng khi túng quẫn, muộn phiền mới biết ai là bè là bạn. Thế giới chúng ta vẫn đang đối mặt với dịch bệnh hoành hành; tuy một số nước đã tiêm chủng ngừa, nhưng biến thể ngày càng trầm trọng. Trong lúc ấy, các nước nghèo từ trước tới giờ vẫn còn loay hoay, vật lộn với tai ương, đại dịch và nay với vác-xin.
Như chúng ta biết: trước kia, chứng bệnh phong hủi là căn bệnh không có thuốc chữa trị. Ai mà mắc phải, thì rời khỏi gia đình, sống tách biệt một mình như sách Lê-vi quy định: “Vậy ai mắc bệnh phong cùi, và tư tế ra lệnh phải ở riêng, thì phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và la to rằng mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế. Bao lâu người đó còn mắc bệnh phong cùi và ô uế, họ phải ở riêng một mình ngoài trại” (Lv 13, 44-46). Như vậy, xem ra họ bị cô lập, bị mọi người xa lánh, và hơn hết, họ buộc cắt đứt mối liên hệ với cộng đồng.Thật đáng thương biết bao!
Tuy nhiên trong Tin Mừng, Đức Giê-su vẫn để người bệnh phong cùi tiến lại gần tiếp xúc với Người, và van xin “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch” (Mc 1, 40). Vì Đức Giê-su đến không phải để lên án, mà là để giải thoát và chữa lành, nên Ngài chẳng ngần ngại trực tiếp, đứng bên người phong cùi, mặc dù lề luật không cho phép. Hơn nữa, do lòng bao dung, nhân từ và thương xót sâu thẳm, Ngài đã chữa lành cho người ấy khỏi căn bệnh hiểm ác này, “Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi! Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch”” (Mc 1, 41-42). Dĩ nhiên, sau khi trình diện tư tế rằng mình đã lành bệnh, thì người ấy được trở lại đời sống cộng đồng, được trở lại với gia đình, với bạn bè, được kết nối tình thân với hết mọi người trên phương diện thể lý cũng như tâm linh, tôn giáo.
Ngày nay, căn bệnh phong hủi không còn bất khả trị, mà đã được điều trị tốt trong các trung tâm, làng cùi. Tuy họ sống tập trung một nơi, có thể cách xa, nhưng chúng ta vẫn được tiếp xúc, chuyện trò, thăm hỏi thoải mái, không quá khắt khe như xưa. Như vậy, tuy sống xa, nhưng không bị tách rời khỏi cộng đồng. Tuy nhiên,  điều đáng buồn thay, chứng phong hủi đương đại vượt lên trên khía cạnh thể lý hay tinh thần này. Mặc dù sống trong gia đình, trong cộng đoàn, trong giáo xứ, họ vẫn bị cô lập, họ bị bỏ mặc, chẳng được yêu mến, quan tâm! Vốn là thành viên trong giáo xứ, cộng đoàn, và gia đình, nhưng họ bị loại ra như kẻ phong hủi. Hơn nữa, thái độ xa rời, biệt lập, chẳng muốn chung đụng hay không muốn chịu trách nhiệm, cộng tác. v.v…sớm muộn gì cũng dẫn chúng ta đến chứng bệnh hủi ghê gớm này.
Ngược lại, những ai mắc phải chứng hủi đương đại lại chẳng buồn quay về kết nối với gia đình, với cộng đoàn, với giáo xứ, mà họ vẫn muốn ở mãi trong tình trạng khốn đốn ấy. Họ thà chịu ô uế, nhơ nhớp, dơ bẩn, xiềng xích nơi tối tăm của tội lỗi, đam mê, kết bè phái, nhóm tư lợi, âm mưu dè bỉu, “ném đá giấu tay”, “gắp lửa bỏ tay người”, phao tin đồn thổi, thay vì đơn thuần truyền tải nội dung trên mạng xã hội, thì nay đóng vai trò “xuất bản” và tự quy định ngăn chặn tự do truyền thông đích thật, hơn là “quay vào bờ”, mong được giải thoát, được rời xa tình trạng “phong cùi đương thời” này. Trong đời sống đạo, tuy lành lặn về thể chất, nhưng tâm hồn chúng ta có lẽ đang mắc chứng bệnh hủi biến chứng, nào là sống xa cách, từ chối mở lòng đón nhận anh chị em, khư khư não trạng, thói quen vô lối của bản thân, tự cao tự đại, phô trương, đạo đức giả, “ngôn hành bất nhất”, sống bằng câu cửa miệng, nhưng không thật sự thực hành giới răn bác ái, tha thứ, yêu thương anh chị em, v.v…
Đối diện với cách sống, lối nghĩ suy theo thói đời do chứng bệnh phong hủi đương đại mang lại, chúng ta là con cái Chúa, là người Ki-tô hữu, cần chạy đến khẩn nài cùng Đức Giê-su như anh bị bệnh cùi năm xưa đã quỳ xuống van xin Người: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch” (Mc 1, 40), và học đòi noi gương thánh Phao-lô đã một lòng sống theo hình mẫu tối ưu nơi Đức Ki-tô Giê-su: “Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Đức Ki-tô” (1Cr 11, 1). Cụ thể, sống chính trực, công bình, tha thứ, yêu mến hết thảy mọi người, trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, nơi mọi lãnh vực, công việc, ngay cả khi sinh hoạt thường nhật, và nhất là đừng làm cớ vấp phạm cho anh chị em khác, đừng làm gương xấu trong đời sống gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, hội dòng, “…dầu anh em làm việc gì, cũng hãy làm mọi sự cho sáng danh Chúa…, đừng nên cớ vấp phạm…không tìm điều gì lợi ích cho mình, nhưng tìm điều lợi ích cho nhiều người, để họ được cứu rỗi” (x. 1Cr 10, 31-33).
Lạy Chúa, xin đoái thương đến con
Sống trong tối tăm còn vương vấn
Phong hủi chứng bệnh bất cần
Giày xéo tâm hồn vạn lần ngày qua.
Con kêu cầu thiết tha nài van
Chữa lành con nồng nàn chan chứa
“Hủi đương thời” sáng chiều trưa
Tẩy sạch trong trắng, dẫn đưa con về… Amen! 
Lm. Xuân Hy Vọng
=================
SUY NIỆM THÁNH LỄ GIAO THỪA NĂM 2024
Những lời chúc Tết đúng và đẹp nhất
(Mt 5, 1-10)
Tết đến, Xuân về, đầu Năm Mới ai cũng muốn dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho gia đình, người thân, bạn bè trong những ngày này và ngược lại, ai cũng muốn mình được nhận nhiều những lời chúc. Người ta đều chúc nhau thật nhiều sức khoẻ, bình an, khang an và hạnh phúc trong năm mới. Chúc nhau đong đầy hạnh phúc, xuân sang đắc lộc, gia đình hạnh phúc, vạn sự cát tường… tựu chung lại là cầu mong cho nhau được hạnh phúc. Câu hỏi được đặt ra : Đâu là căn nguyên hạnh phúc của đời người chúng ta ? Chúng ta phải quả quyết rằng : chỉ có Chúa mới là nguồn hạnh phúc của đời chúng ta, là hoan lạc của mọi tâm can, là bình an cho đời tươi thắp sáng.
Những lời đầu tiên trong bài giảng nổi tiếng nhất của Chúa Giê-su nói về hạnh phúc: "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khổ". Ý của Chúa Giê-su là gì khi tuyên bố mối phúc trên? Nhu cầu tâm linh là gì?
Như các loài vật sống khác, chúng ta phải thở, ăn, uống hầu duy trì sự sống. Tuy nhiên, để được hạnh phúc, chúng ta cần đáp ứng một nhu cầu mà loài vật không có, đó là hiểu mục đích của đời sống. Dĩ nhiên, chỉ có Thiên Chúa, Đấng tạo ra sự sống mới đáp ứng được nhu cầu này.
Ở đầu mỗi câu Tin Mừng (Mt 5, 1-12) đọc trong Thánh lễ Giao Thừa là một loạt các từ “Phúc”, chúng ta có thể suy diễn rằng, Thiên Chúa là Hạnh Phúc, nên Chúa cũng muốn chúng ta là những người hạnh phúc, những phúc nhân.
Chúa Giêsu tuyên bố “phúc” cho người có tinh thần nghèo khó, người sầu khổ, người có lòng thương xót, những người đói khát công lý, có lòng trong sạch, những người bị bách hại (x. Mt 5,3-10). Năm Mới khởi đầu, chắc chắn các Mối Phúc là một chương trình sống mới cho chúng ta, để được giải thoát khỏi những giá trị giả dối của trần gian và cởi mở đối với những thiện ích chân thực, hiện tại cũng như tương lai. Thực vậy, khi Thiên Chúa an ủi, thỏa mãn sự đói khát công lý, lau sạch nước mắt của những người sầu khổ, có nghĩa là Thiên Chúa mở Nước Trời, nơi hạnh phúc cho họ.
Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
 Khi ai đó tập sống giản dị, khiêm tốn, biết chia sẻ vật  cho tha nhân, làm việc xã hội là người ấy có vui mừng và bình an. Vì ai đã thực thi lẽ công bình, bác ái, là có tâm hồn nghèo khó, thì Nước Trời ở trong người ấy rồi. Vì có Chúa là Đấng đã trở nên khó nghèo để họ được giầu có.
Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp.
Ai tập sống hiền lành và khiêm tốn là có nhiều thứ tốt đẹp ở đời này, vì ai cũng thích người hiền lành. Người hiền lành sẽ có Đất Nước là Thiên Đàng ở trần gian, được bạn hữu mến thương, giúp đỡ, nên luôn bình an, mạnh khỏe, vui tươi.
Phúc cho ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an.
Khi người nào biết sầu khổ, hối hận và đau buồn về lỗi lầm yếu đuối của mình là người có niềm vui và bình an trong tâm hồn. Vì Chúa yêu thích kẻ khiêm nhường biết sám hối ăn năn.
Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thỏa.
Nếu chúng ta sống ngay thẳng, thật thà, dũng cảm, đàng hoàng, khao khát sự trọn lành, không những Trời giúp cho mà người đời tin tưởng, người ấy dễ thành công, tiền vào như nước!
Phúc cho ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương.
Ai có lòng thương xót, người ấy mới có hạnh phúc, khang an.
Phúc cho ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.
Khi ta giữ thể xác và tâm hồn trong sạch, không mờ ám, tham lam thì dáng bộ bề ngoài của ta sẽ thảnh thơi, trong sáng, người ngoài sẽ nhìn thấy qua nét mặt của ta, còn Chúa thì thấu suốt hết tâm can. Cho nên ta sẽ thấy Chúa hiện diện trong ta, ta sẽ không sợ chết, vì Chúa nói : “Nước Trời ở ngay trong lòng anh em.” Vì thế nét mặt ta lúc nào cũng vui vẻ, bình an trong Năm Mới!
Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Khi ta không gây sự, sống hài hoà, tha thứ cho người bên cạnh là ta xây dựng hòa bình đích thực, lời chúc bình an, mạnh khỏe, làm ăn phát đạt trong Năm Mới sẽ sự thật đến với ta.
Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.
Ai sống bẩy bí quyết hạnh phúc thật ở trên là sống công chính, ngược với quan niệm người đời, người ấy có thể bị hiểu lầm, bị khinh khi, chế riễu, vu oan. Nhưng người ấy rất tin tưởng vì được Chúa nâng đở ủi an, nên tâm hồn họ lúc nào cũng thấy vui mừng, bình an, hạnh phúc, vì Nước Trời là của họ.
Những lời Chúc Tết tốt đẹp trên sẽ đúng và đẹp nhất sẽ đến với chúng ta. Chúng ta sẽ nắm được Hạnh Phúc Nước Trời như đã nêu trên.
Trước thềm Năm Mới Giáp Thìn, chúng ta hãy khẩn cầu các thánh là những người đã được xem là phúc nhân, đặc biệt xin Mẹ Maria, là ‘Đấng đầy ơn phúc’, giúp con cái Mẹ thoát mọi nguy hiểm xác hồn và trở thành những phúc nhân trong năm mới, nhất là trước tòa Chúa Giêsu Kitô, Con Mẹ đến muôn thủa muôn đời ! Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
=================
MỒNG MỘT TẾT
Suy niệm 1
TÂN NIÊN BÌNH AN CHÚA XUÂN

Giây phút đầu năm luôn khiến chúng ta bồi hồi, nô nức, nôn nao trong lòng. Với biết bao lo toan, vui buồn sướng khổ năm cũ đều khép lại, để hướng tới những gì tốt đẹp nhất, tích cực nhất trong năm mới. Ông bà cha mẹ anh chị thì xúng xính trong tà áo dài, bộ đồ mới, còn trẻ thơ đơn sơ tươi cười hớn hở, nô đùa, mong nhận được những bao lì xì dày cộm…
Hơn nữa, đã là người Công Giáo, không ai không đến với Chúa trong dịp đầu năm, ngõ hầu tạ ơn, tán tụng Chúa hằng yêu thương đồng hành suốt cả thời gian qua, cũng không quên cầu xin ơn bình an cho cả năm tới. Và lời ca nhập lễ của Thánh lễ Tân niên, hướng lòng chúng ta hân hoan đón chờ giây phút năm mới với bao niềm vui thấm đượm lòng tín thác, cậy trông vào Chúa xuân:
“Tiết đông nay đã qua rồi,                                   
Mưa phùn lạnh lẽo ngừng rơi bên thêm                                   
Ngàn hoa rực rỡ vươn lên                                   
Tỏa hương ngào ngạt khắp miền đồng quê                                   
Mùa vui hát lại trở về                                   
Tiếng chim gáy đã vẳng nghe thôn làng”.
Như chúng ta đều biết, có vô vàn tập tục ăn tết nguyên đán mừng xuân trên quê hương chúng ta. Nhưng có lẽ chẳng ai biết từ khi nào phong tục chúc tuổi, mừng tuổi, và lì xì khởi nguồn!Tuy ậy, cứ dịp xuân sang, tết đến, các con cháu tề tựu bên ông bà cha mẹ để mừng tuổi, và ông bà cha mẹ lại chúc tuổi, lì xì cho con cháu. Thời trẻ thơ, không ai không nhớ khoảnh khắc được nhận bao lì xì, được ăn biết bao nhiêu thức ăn ngon, được mặc áo đẹp, được bố mẹ dẫn đi chơi tết, và nhất là chẳng bị ai la rầy trong dịp tết!!!!
Cũng vậy, ngày đầu năm, người người đi chùa cầu duyên, cầu bình an cho gia khang; nhưng người Công Giáo thì nô nức đến với Chúa trong Thánh lễ trang nghiêm ấm cúng, để mừng tuổi Chúa và được nhận lì xì từ Ngài, đó là: 1 năm, 12 tháng, 52 tuần, 365 ngày, 8.760 giờ, 525.600 phút và 31.536.000 giây (nếu là năm nhuần thì được 366 ngày, 8.784 giờ, 527.040 phút và 31.622.400 giây). Ai ai cũng được Chúa ‘lì xì’ ngần ấy, dù đã lớn tuổi hay còn trẻ thơ, dù nam hay nữ, dù giàu hay nghèo, dù sang trọng hay đơn sơ chất phát…Không một ai được nhận nhiều hơn hay ít hơn cả! Sang năm mới, người lớn chúng ta mong được bình an, mạnh khoẻ hơn; bố mẹ thì mong gia đình, con cái ấm no, ngoan ngoãn; các sĩ tử mong thi đậu, gặt hái được thành quả trong học tập; thương gia, doanh nghiệp mong sao bớt lỗ, thêm lời, ngày càng phát triễn nhãn hiệu; trẻ thơ đơn giản chỉ mong nhận tiền lì xì, và được chơi đùa vui vẻ với nhau…Tuy nhiên, tất cả những điều trên đều được gói gọn trong thời gian - là ơn phúc mà Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta cùng nhắn nhủ với nhau rằng: khôn ngoan sử dụng thời gian để luôn sống tín thác vào Chúa, hơn là sa vào hội chứng cuồng tín; sử dụng thích hợp để biết phó thác vào chương trình yêu thương của Chúa, hơn là phó mặc cho thời cơ hoặc cho dòng đời đưa đẩy; vận dụng thời gian để hằng ký thác đời mình cho Chúa, hơn là trở thành người chỉ biết ‘ký sinh’ vào gia đình hoặc người khác, mà không chút nỗ lực phấn đấu.
Ngoài ra, thời gian sẽ không bao giờ ngừng lại để chờ đợi ai, hay nhắc nhở ai. Thời gian cứ thế trôi như dòng nước chảy, và chuyển giao thời khắc giữa các mùa với nhau theo chu kỳ xoay vần:
Hạ nắng ghé sang nhà chơi                                   
Thu chờ gió mát à ơi ru chiều                                   
Đông tàn lạnh giá đìu hiu                                   
Xuân sang mang tới tình yêu cuộc đời” (cảm tác: tác giả bài viết này).
Vì lẽ đó, chúng ta cũng đừng quên ba tâm tình dựa trên 3 ký tự của hạn từ ‘TẾT’ như sau:
Tạ ơn. Tâm tình tạ ơn kết nối và làm cho chúng ta trưởng thành hơn về mọi mặt. Trước hết, tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn ông bà tổ tiên, cha mẹ, và bạn bè thân hữu, cũng như những ai đã từng đi qua đời mình. Nhìn vào dân Is-ra-el thời Cựu ước, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra một trong những điều thiếu sót, sa ngã của họ đó là sự vô ơn, lãng quên Thiên Chúa. Chính vì vong ơn, nên họ thường xuyên rơi vào tình trạng phàn nàn, kêu trách Chúa, cũng như những người được Ngài kêu mời-chọn lựa để dẫn dắt dân như Mô-sê, A-a-ron, Gio-suê, các tiên tri lớn nhỏ…Ngược lại, với tâm tình tạ ơn như thể lối sống không thể tách rời nơi Mẹ Ma-ri-a nhắc chúng ta luôn biết gắn kết với Chúa, luôn biết đón nhận kế hoạch của Ngài, dù chúng ta chưa hiểu hoặc không hiểu vì giới hạn của con người trước sự vô hạn của Thiên Chúa.
Êm đềm. Ở đây ‘êm đềm’ không có nghĩa là yên vị, ngừng nỗ lực, cứ để “chuyện gì đến cứ đến”, hay chẳng biết cố gắng hết sức trong khả năng hạn định của bản thân; trái lại, hằng biết hài lòng với mình, biết yêu chuộng và sống bình an với bản thân cũng như mọi người, biết không ngừng nỗ lực xây dựng hoà bình trên tinh thần tôn trọng-tha thứ-yêu thương-sẻ chia.
Tri ân. Sau cùng, chúng ta biết dùng thời gian một cách khôn ngoan, ngỏ hầu sống biết ơn, sống trọn nghĩa tình thân, ‘nhớ cội nhớ nguồn’, ‘ăn quả nhớ kẻ trồng cây’. Người sống tri ân luôn luôn gặt hái niềm hoan lạc tâm can, và vững tâm tiến bước trên hành trình nên thánh, cũng như trong cuộc lữ hành dương gian này.
Nhân dịp xuân về, tết đến, xin ước nguyện và cầu chúc cho ông bà, anh chị và mọi người:            Tạ ơn Chúa muôn ngàn trùng           
Êm đềm yên ả tương ph
ùng phúc vinh           
Tri ân sống trọn hy sinh           
Xuân sang chan chứa tâm t
ình con thơ.           
Nhân đây xin chúc quý sơ           
Mãi đời thánh hiến hằng mơ
tinh tuyền           
Kính chúc quý cha nhân hiền           
Hăng say phục vụ, trước tiên đi đầu.           
Mỗi người thêm tuổi bớt sầu           
Gia tăng đức hạ
nh, nguyện cầu kính tôn.           
Mến chúc các bạn thêm khôn           
Ngoan hiền đẹp nết, ôn tồn nghĩ suy.           
Giáp Thìn năm mới lạ chi
Nhanh nhẹn tiểu hổ khác gì xưa nay!           
Hiền lành, bớt dữ lạ thay           
Tu thân tích đức ngất ngây cuộc đời.           
Xuân sang xin mượn đôi lời           
Tỏ lòng mến chúc muôn người hợp hoan.
                                                           
Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 2
Lời Chúc Đầu Năm
(Mt 6, 25-34)

Quý Mão vừa qua, Giáp Thìn đã tới :

Kính dâng lời chúc đầu Xuân

Giáp Thìn Năm Mới thiên ân chan hòa

Xuân về hạnh phúc muôn nhà

An khang – thịnh vượng chan hòa nơi nơi

Phúc – Lộc – Thọ đến muôn người

Vạn sự như ý, lộc Trời như mơ.

Ngày Tết, mọi nhà ngoài bánh chưng bánh tét, hoa đào, hoa mai… có lẽ không gì nhiều bằng “lời chúc”. Vì thế, ai cũng muốn dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho gia đình, người thân, bạn bè trong những ngày này và ngược lại, ai cũng muốn mình được nhận nhiều những lời chúc như:

Đầu xuân năm mới chúc BÌNH AN

Chúc luôn TUỔI TRẺ chúc AN KHANG

Chúc sang năm mới nhiều TÀI LỘC

Công thành danh toại chúc VINH QUANG

          Chúc nhau.                           

                             . Phúc, lộc, thọ.

                             . Phú, qúi, thọ, khang, ninh.

                            . Đa tử, đa tôn, đa phú qúi.

                            . Thăng quan tiến chức

                            . Buôn may bán đắt, nhất bán vạn lợi, một vốn bốn lời.

          Đối với các cha chúng ta thường chúc:

                            . Thánh thiện,

                            . Khôn ngoan,

                            . Khỏe mạnh.

Con cháu chúc ông bà

Sống lâu sức khỏe

Trẻ mãi không già

Yêu thương thuận hòa

Cửa nhà sung túc

Hạnh phúc khang an

Ơn trên thương ban

Suốt năm may mắn

Làm ăn phấn chấn

Phúc, lộc, thọ, tài

Ông bà hưởng trọn

Những câu chúc mà chúng ta trao cho nhau trong những ngày đầu xuân. Tất cả đều muốn hướng về một tiền đồ thật sáng lạn trong tương lai, đi kèm với một đời sống vật chất thật phong phú. Chìa khóa để những lời cầu chúc chúng ta dành cho nhau trở thành hiện thực là:

Hãy tin tưởng vào Chúa

Hôm nay là ngày đầu xuân mới, chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ chân thành nhất vì ngay lúc này Chúa vẫn cho chúng ta có được một khoảng lặng thật ý nghĩa để ngồi bên Chúa và được lắng nghe những Lời hằng sống của Người. Lời Chúa hôm nay sẽ trở nên nguồn năng lượng đích thực cho chúng ta trong năm mới này.

Bài đọc I, trích sách Sáng thế cho chúng ta nhìn lại hình ảnh sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo dựng từ hư vô, nghĩa là Ngài chỉ cần phán bằng Lời thì muôn vật đều xuất hiện trong dáng vẻ thật tốt đẹp. Điều đó cho thấy Thiên Chúa chính là căn nguyên vạn vật, là Cha nhân từ ấy đã dành cho thế gian này một tình yêu thật lớn, và đặc biệt người Cha ấy đã dành tất cả những gì là tốt đẹp nhất và cao quý nhất của Ngài cho con người. Trong con mắt nhân từ ấy, con người luôn là những người con yêu dấu của Ngài. Cho nên Ngài dành trọn vẹn tình thương cho con người qua việc gìn giữ, chăm sóc và cảm thông với những gánh nặng của con người.

Ngày đầu năm mới, chúng ta cầu cho nhau được bình an và hạnh phúc. Tuy nhiên, cầu chúc bình an và hạnh phúc ở đây không chỉ là cầu cho có đủ cơm áo gạo tiền, để khỏi phải lo lắng: " Ăn gì, uống gì" (Mc 6,33). Nghĩa là: Thiên Chúa phải hiện diện ở chỗ ưu tiên trong con người và công việc của chúng ta, rồi mới đến công việc, của ăn và các mối tương quan khác. Nếu đảo lộn trật tự này tức là chúng ta đang đi ngược thánh ý Thiên Chúa và chương trình của Người.

Chúa mới chính là gia nghiệp, là cùng đích mà con người cần phải kiếm tìm và đó cũng chính là sự tồn tại của con người. Chúa Giêsu dạy chúng ta tin tưởng vào sự quan phòng của Cha trên Trời, Ðấng nuôi dưỡng mọi loài chim trời và điểm trang cho hoa huệ ngoài đồng, Ngài là Ðấng thấu biết mọi điều chúng ta cần. Chúa Giêsu dạy: "Các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì lấy gì  mà mạc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều ấy"(Mt 6, 31-32). Và Người mời gọi chúng ta hãy đặt lên hàng đầu việc "tìm kiếm nước của Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban them cho"(Mt 6, 33). Niềm tin vào sự quan phòng không thế chỗ cho những nỗ lực chiến đấu để hướng đến một cuộc sống đúng với phẩm giá con người, nhưng giải phóng chúng ta khỏi những nỗi bận tâm về của cải và những nỗi sợ hãi trong tương lai.

Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới mà đồng tiền thống trị và điều khiển mọi sự . Con người bị chi phối và nghiêng chiều về nó, sẵn lòng phàm hóa mọi sự, bỏ Chúa ra khỏi đời sống, chẳng tin tưởng vào Thiên Chúa nữa. Lời Chúa mời gọi chúng ta tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa tình yêu.

Chúa là hạnh phúc của đời ta

Phúc cho người nào nói được như tác giả Thánh Vịnh: "Duy có nơi Thiên Chúa, hồn tôi mong được an nghỉ, tự nơi Người, ơn tế độ cho tôi. Duy có Người là tảng đá, là ơn tế độ cho tôi, là đồn trú của tôi, tôi sẽ không hề mảy may nao núng!" (Tv 61, 2-3). Người ấy sẽ không thất vọng vì họ cậy dựa vào Đấng Toàn Năng. Điều này không có nghĩa là người ấy sẽ được chở che khỏi mọi thử thách, nhưng niềm tin vào Thiên Chúa đã đủ cho họ. Chìa khóa hạnh phúc rất đơn giản : hạnh phúc thật chỉ thấy ở nơi Thiên Chúa. Chúng ta phải can đảm đặt hy vọng tuyệt đối ở nơi Thiên Chúa, không phải nơi tiền của, nơi sự thành công thế gian, hay nơi người đời, nhưng là ở nơi Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể lấp đầy những khát vọng sâu xa nhất của lòng người” (Thư gửi các bạn trẻ trường công giáo Twickenham).

"Các con chớ áy náy về ngày mai" (Mt 6, 34). Tương lai mỗi người đều nằm trong tay quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúa luôn muốn mọi người nghĩ đến cùng đích của cuộc sống mình. Với tình thương và lòng nhân hậu của Chúa, chúng ta luôn tin tưởng và phó thác, bởi Ngài là người Cha luôn muốn những điều tốt nhất cho con cái.

Từ cái giây phút linh thiêng khi trời đất giao hòa, năm cũ bàn giao cho năm mới. Chúng ta họp nhau đâu để cầu xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn vàn ơn phúc cho năm mới qua những lời chúng ta đã muốn cầu chúc cho nhau sức khỏe, điều lành, điều tốt. Và chính ngay lúc khởi đầu của Năm Mới, chúng ta muốn mọi sự cũ phải được qua đi, cái mới, cái đẹp phải loé rạng, tỏa sáng. Vậy thì trong thánh lễ Tân Niên nay, chúng ta hãy đặt tin tưởng, cậy trông và phó thác vào Chúa. Bởi tất cả mọi sự đều do Chúa, đều bởi Ngài như lời thánh vịnh viết: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 36, 5).

Năm Giáp Thìn

Giáp Thìn đã tới. Trong 12 con giáp chỉ có Rồng là con vật chưa ai thấy tận mắt bao giờ. Rồng là một loài vật xuất hiện trong thần thoại phương Đông và phương Tây. Dù Đông hay Tây thì hình ảnh loài Rồng đều được biểu thị cho loài vật huyền thoại có sức mạnh phi thường. Rồng ở các nước Á Châu có nhiều khác biệt với Rồng ở các nước  Châu và Mỹ Châu. Rồng Á Châu được tôn thờ như thần vật. Rồng Tây phương bị coi là loài quái vật có hình hung dữ nên họ coi Rồng là biểu tượng của cái ác và sự hung dữ.

Chính vì Rồng là một huyền thoại, nên nó được tôn vinh lên mức huyền bí. Trong tứ linh: Long, Ly, Quy, Phụng. Nên người Việt Nam hãnh diện là "con Rồng cháu Tiên". Người Á Đông tin rằng Rồng là một linh vật mỗi khi xuất hiện thường đưa đến điềm lành cho hạ giới nên hay được dùng để đặt tên người và những địa danh.

Kính chúc mọi một Năm Mới An Khang và Đầy Dũng Mãnh như Rồng với nhiều sức khỏe, khang an, thịnh vượng, phát đạt, thăng tiến về tinh thần cũng như vật chất nhờ hồng ân Thiên Chúa tặng ban. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 3
ĐỪNG LO

Mt 6, 24-34
Ngày đầu năm, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Đừng lo lắng”. Nhưng làm sao sống mà không lo. Người xưa có nói: "Không lo xa ắt có buồn gần". Xem ra có điều gì mâu thuẫn chăng? Thật ra, câu nói của người xưa là nhắc nhở ta đừng sống buông tuồng, dễ dãi, kẻo phải ân hận hối tiếc. Còn Chúa Giêsu khi bảo đừng lo lắng, là Ngài muốn chúng ta sống cuộc đời an vui thanh thản, không quá đặt nặng nhu cầu vật chất như cơm ăn áo mặc, vì Thiên Chúa đã quan phòng mọi sự. Ngay cả vạn vật cũng nằm trong dự hướng tốt lành của Ngài: Hãy xem chim trời không gieo không gặt mà chúng vẫn no đủ. Hoa huệ ngoài đồng không cửi không dệt mà vẫn đẹp tươi. Hơn nữa, Thiên Chúa là một người Cha nhân hậu, thừa biết những nhu cầu của con cái và luôn ban đúng lúc, miễn ta đừng lười lĩnh và biếng nhác, cũng như đừng ích kỷ, để còn biết chia sẻ và tương trợ lẫn nhau. Vì thế, hãy“Quẳng gánh lo đi và vui sống”.Thánh Phêrô đã khuyên ta: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1Pr 5,7).
Tiếp theo, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy xét xem: “Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Ai cũng biết rằng, mình không thể chỉ sống bằng việc thỏa mãn nhu cầu vật chất, nhưng chính yếu là sống bằng tình thương. Một em bé cũng nhận ra điều này, vì em không chỉ cần ăn, cần mặc, nhưng còn cần hơn nữa sự hiện diện yêu thương của những người thân. Thiếu tình thương thì mọi thứ khác trở thành thừa. Dù có tiền dư của đầy, đời sống con người cũng trở thành vô nghĩa, thậm chí trở thành địa ngục, vì nó gây nên tán tận lương tâm. Không lạ gì mà Chúa Giêsu đã cảnh báo: Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6, 24).
Chúa Giêsu tiếp tục đặt vấn đề với chúng ta như sau: “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?”(Mt 6, 27). Ở đây, Ngài còn muốn nói đến cả những lo lắng mà ta cho là quan trọng và lớn lao. Nhưng hãy coi chừng, tiềm ẩn trong những lo lắng đó có thể là một thứ tham lam hay tham vọng trá hình. Dù có thể là điều quan trọng đi nữa, nếu cứ lo lắng như thế thì cuối cùng chúng ta được gì? Tâm trí ta lúc nào cũng bị chiếm đóng bởi những tính toán chi ly thì sao có thể sống an vui? Thật ra chẳng có gì quan trọng và lớn lao hơn là bình an và hạnh phúc trong cuộc đời mình. Không có gì có thể trao đổi vì đó là ân phúc tuyệt vời nhất của cuộc sống hôm nay và mãi mãi.
Thiên Chúa là chủ tể sự sống. Cuộc sống ta nằm trong vòng tay yêu thương của Chúa ngay từ lúc chào đời cho đến lúc lìa đời. Vì thiếu tín thác vào Chúa nên ta thường cậy dựa vào sự khôn ngoan và sức lực của mình, nên ta phải lo lắng không ngừng. Có lo lắng cách nào đi nữa thì cái gì đến cũng sẽ đến. Có những việc mà mình phải chấp nhận để nó diễn ra, nghĩa là thuận theo tự nhiên, tới đâu tính tới đó, chẳng gì phải sợ lo. Sự việc có trái ý hay tồi tệ đôi chút cũng chẳng chết chóc gì, miễn là ta đã tiên liệu một cách cẩn trọng và có kế hoạch: làm những gì cần làm, an tâm trước những gì không thể làm và không nên làm, rồi phó thác mọi sự cho Chúa. Thành công hay thất bại không quan trọng cho bằng tâm an trí sáng.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu cho ta biết có một mối lo hết sức nghiêm trọng mang tính vĩnh cửu, đó là lo “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài”. Cụ thể lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa là lo sống tình yêu mến đối với Chúa và với mọi người. Lo thể hiện tình yêu trong mọi việc làm là điều rất chí thú để nếm trải cuộc sống với tất cả độ sâu của nó. Đó là cái lo làm cho ta hân hoan, vì biết rằng, mọi sự do Chúa mà có, mọi việc bởi Chúa mà thành. Đừng để mình chìm ngập trong những lo toan tính toán, mà hằng ngày hãy biết dành thời giờ để đến với Chúa, ở bên Chúa; dành sức lực để làm việc tông đồ, bác ái. Nhờ vậy, ta sẽ gặp Chúa trong mọi việc, thấy Chúa trong mọi nơi, nhận ra Chúa trong mọi người, đó là niềm vui lớn nhất trong đời Kitô hữu trong từng ngày sống.
Tất cả mọi khả năng và sức mạnh của chúng ta đều phải được huy động để làm nên một cuộc sống chan chứa tình yêu với mọi người mọi việc, nên không thể để cho mình quá lo lắng về những thứ phụ thuộc trong cuộc sống này. Nhờ vậy ta mới có một tinh thần thanh thoát và đầy an vui để hoàn thành một chuyến đi định mệnh mang tính vĩnh cửu. Cần ý thức sự hiện diện của Chúa trong mọi lúc để ta luôn hòa nhịp với trái tim của Ngài.
Bài Tin Mừng hôm nay phải là cơ hội thay đổi đời sống chúng ta trong năm mới, để chúng ta được sống bình an trong tay Chúa, và dám đặt Chúa lên trên hết trong mọi lựa chọn của mình. Với định hướng đó, chúng ta vận dụng mọi khả năng, đầu tư thời giờ và công sức để thăng tiến bản thân và gia đình theo chương trình tình yêu của Chúa. Nhưng trong mọi việc, chúng ta hãy khao khát tìm kiếm Nước Thiên Chúa, khao khát sống thuộc về Chúa, để đạt tới Chúa là Mùa Xuân hạnh phúc muôn đời.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Thế là năm cũ đã qua đi,
để cho năm mới tới đẹp ngời,
trước tiên con muốn dâng lời,
tạ ơn Thiên Chúa trong thời gian qua. 

Con không chỉ muốn tạ ơn Chúa,
về hết những gì là thành quả,
nhưng còn cảm mến sâu xa,
những gì thất bại phong ba trên đời.

Cho dù cuộc sống chẳng gặp thời,
đều góp phần làm mới đời con,
vì rằng tình mến chưa tròn,
nên con phải được bào mòn chông gai.  

Cuộc sống không thể không ngang trái,
nhưng lại cần thiết cho ngày mai,
cho dù cay đắng xót xa,
thật ra tất cả đều là hồng ân.

Nên con giữ vững một tinh thần,
không để lòng mình phải sân hận,
biết luôn nối kết tình thân,
với người với Chúa ân cần tận tâm.

Hôm nay mồng một ngày đầu năm,
bên Chúa chúng con đầy phấn khởi,
để xin ân phúc cho đời,
an vui thịnh đạt sáng ngời niềm tin.

Cho con biết giữ lòng chân chính,
sống công bình bác ái phân minh,
an vui trên bước đăng trình,
đặt mình trong Chúa với tình hiến dâng.

Một đời phó thác luôn phấn chấn,
hăng say chiến đấu giữa cuộc trần,
vì yêu con sống ân cần,
để ca tụng Chúa tri ân ngàn đời. Amen.

Lm. Thái Nguyên
=================
Suy niệm 4
TÌM NƯỚC CHÚA TRƯỚC
Mt 6, 25-34; St 1, 14-18; Pl 4, 4-8
Ngày trước còn may đồ, tôi thấy khổ làm sao khi tết sắp đến, làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, tính từng ngày còn lại cố làm sao cho kịp. Người người, nhà nhà lo lắng chạy vạy tiền tài, sao cho đủ đồ ăn, đồ mặc, quà để đi tết, đủ thứ kẻo không kịp, tết đến nơi rồi! Bởi vậy trên mạng xã hội mới có bài viết “Tết ơi xin đến từ từ”…
Lời Chúa ngày mồng một tết hôm nay như đèn báo bật lên, làm khựng lại dòng chảy cuộc đời: “Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?... Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” Với câu hỏi thách thức này chúng con nhận ra rằng, chúng con có thể tìm kiếm cơm ăn áo mặc, nhưng còn mạng sống, thân thể trọng hơn thì tự sức chúng con làm sao giữ được hay kéo dài thêm một gang tay? Nên chi bằng: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” Nước Thiên Chúa thì chúng con nghe rồi để đó từ từ, còn những thứ kia, nhất là tiền tài thì lại dốc sức theo lao. Nước Chúa như thế nào? ở đâu? Thánh Phaolô bảo: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần… Vậy chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an”.
 Hôm nay là ngày cầu bình an cho năm mới. Phần đông chúng con hiểu bình an là ấm no mạnh khỏe, mọi sự được thái bình thịnh vượng, chứ không tìm kiếm bình an trong Chúa, có Chúa là Nước Trời hiện diện trong con người mình. Chúng con thường hiểu tìm Nước Chúa là chuyên chăm đọc kinh cầu nguyện, tham dự thánh lễ, lãnh Bí tích, tham gia hiệp hội đạo đức đầy đủ. Nhưng nếu chúng con nhận ra và đón nhận Nước Chúa là chính Chúa vào cuộc đời mình, chúng con sẽ thấy Nước Chúa đang hiển trị.  Sống gắn bó với Chúa, lòng chúng con sẽ tràn ngập bình an hoan lạc, dù khi làm việc hay nghỉ ngơi, khi ăn uống.... Bởi vậy nhu cầu thân xác chỉ còn là thứ yếu. Sống buông mình trong sự bảo bọc của Chúa mọi nơi mọi lúc thì an lòng, vì luôn có Chúa trong tôi mọi nơi mọi lúc, sẽ an bình no thỏa dù vẫn phải mưu sinh hay công việc đầy ứ, “ngày nào có cái khổ của ngày ấy” nhưng tôi vẫn bình an vui tươi, khó khăn đau khổ không đè bẹp được tôi. Thánh Phaolô giục giã: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” Bài đọc I, sách Sáng thế mô tả Thiên Chúa dựng nên ngày và đêm, các tinh tú. Chúa lập nên và làm chủ thời gian. Con người so với với tinh tú trên bầu trời thì chỉ như hạt cát bé nhỏ! Nhưng hạt cát này lại có trái tim hồng biết rung động,  yêu thương… nên được Ngài quan phòng yêu thương, chăm sóc cho những hạt bụi bé nhỏ li ti này! “Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em”. Vậy thì trong mọi ngày tại sao không an vui phó thác mọi sự trong cánh tay yêu thương của Ngài?
Lạy Chúa! hôm nay đầu xuân năm mới, đất trời còn nở hoa, huống chi lòng chúng con, những đứa con yêu của Chúa. Xin cho chúng con luôn cảm nhận được hạnh phúc khi sống trong vòng tay yêu thương quan phòng của Chúa.
Én Nhỏ
=================
MỒNG HAI TẾT
Suy niệm 1
TÌNH CHA NGHĨA MẸ

Hai tiếng “Cha mẹ” nghe thật thân thương và ấm áp khiến ai ai cũng phải cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nhắc đến. Tuy thật đơn giản nhưng không phải ai cũng được cất lên  tiếng gọi “Mẹ ơi, cha ơi!”, vì đâu đó còn có biết bao em bé đang phải lang thang nơi đầu đường góc phố vì không có nơi để về, không được một lần cất tiếng gọi cha gọi mẹ. Hạnh phúc biết bao vì chúng ta có cha có mẹ, mặc dù cha mẹ chúng ta có thể không hoàn hảo nhưng tình yêu và sự hy sinh của các ngài dành  cho chúng ta luôn hoàn hảo. Được xum vầy bên cha mẹ trong những ngày tết đó là một hồng ân Chúa ban, là món quà không phải ai cũng có được. Vì thế hôm nay Giáo hội mời gọi, cách đặc biệt mỗi người chúng ta hãy luôn biết trân trọng những gì mình đang có là cha mẹ và sống chữ “Hiếu” với các ngài khi họ còn sống cũng như khi họ đã qua đời.
Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Một câu nói đầy ý nghĩa nhưng cũng đặt ra cho mỗi người những câu hỏi: Chúng ta đã cảm nhận tình thương của cha mẹ dành cho mình chưa? Chúng ta phải sống chữ “Hiếu” với cha mẹ của mình như thế nào trong xã hội hôm nay? Một xã hội mà con người dễ dàng đánh đổi tình nghĩa cha mẹ bằng đồng tiền và có thể đặt lợi ích của bản thân trên những lợi ích của người khác. Đối với người công giáo, đạo hiếu không chỉ là một bổn phận phải có đối với các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ mà còn là một đòi hỏi, một lệnh truyền, một giới răn của chính Thiên Chúa. Khi hiếu kính với tổ tiên, chúng ta sẽ được Thiên Chúa chúc phúc và tha thứ lỗi lầm, vì: “Ai tôn thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu” (Hc 3,3-4). Thánh Phaolô thêm: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo (Ep 6,1-3); vì: “Ai vâng lời cha mẹ trong mọi sự sẽ đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20).
Trong tất cả tình yêu, có lẽ chỉ có tình cha, tình mẹ là bền bỉ, là kiên vững nhất, là trung thành nhất và sẽ luôn còn mãi. Cha mẹ đã đánh đổi cả cuộc đời mình, chỉ mong cho con cái được lớn lên thành người. Niềm vui, niềm hạnh phúc và tự hào của cha mẹ là nhìn thấy những đứa con trưởng thành về cả nhân bản, tri thức và đức tin. Cho dù  vì con cái  mà cha mẹ phải vất vả hao gầy, cha mẹ vẫn không sờn lòng mà vẫn cảm thấy vui khi nhìn thấy con cái lớn khôn mỗi ngày. Chính nhờ công ơn của cha mẹ lớn lao như thế, những người con khi đã lớn khôn, trưởng thành, thành công trong cuộc đời  cần phải luôn nhớ đến những hy sinh mà cha mẹ đã dành cho mình. Sự nhớ ơn không chỉ qua lời nói  trên môi miệng, nhưng cần được thể hiện bằng những hành động cụ thể như: quan tâm, lo lắng và chăm sóc cha mẹ khi đã về già, cầu nguyện xin lễ cho cha mẹ khi cha mẹ đã qua đời. Nhưng trong cuộc sống không phải mọi điều mình muốn  đều có cơ hội để làm. Vì thế mỗi người con hãy luôn biết trân trọng những gì mình đang có đó là cha mẹ, họ là tài sản chúng ta không thể mua được bằng tiền.
Ngày Mồng Hai Tết là dịp đặc biệt để chúng ta sống chữ hiếu với mẹ cha qua việc đi tham dự thánh lễ và cầu nguyện cho các ngài. Ngày tết chúng ta thường dành cho cha mẹ những món quà là những gói bánh, những chiếc áo mới, những bao lì xì …. Những món quà rất quý, rất cần và rất đáng trân trọng, nhưng chưa phải là những món quà mà cha mẹ mong muốn nhận được từ con cháu của mình. Món quà mà cha mẹ mong muốn nhất đó là: chúng ta sống hạnh phúc và yêu thương nhau, chúng ta sống đức tin, chúng ta sống bác ái. Ai cũng mong ngày tết được đoàn tụ bên gia đình, ai cũng mong những giây phút linh thiêng nhất của ngày đầu năm được ở bên cha mẹ ông bà và những người thân. Những giây phút đó thực sự hạnh phúc khi tình yêu Thiên Chúa thực sự hiện diện trong gia đình. Những tiếng cười, niềm hạnh phúc, tình liên đới, sự sẻ chia, tình hiệp thông sẽ luôn còn mãi trong tâm trí nơi các thành viên trong gia đình khi ngày tết qua đi. Đó thực sự là nguồn động viên lớn nhất mà những đứa con dành cho cha mẹ của mình, mặc dù trong cuộc sống họ không thể hiện diện bên cha mẹ cách thường xuyên.
Lạy Thiên Chúa là Chúa của mùa xuân, là Chúa của tình yêu nơi con người.Tạ ơn Chúa đã cho mỗi người chúng con được lớn lên, được bao bọc trong tình yêu của cha và của mẹ, ơn nghĩa ấy chúng con không biết đền đáp sao cho cân xứng. Xin Chúa tuôn đổ phúc lành trên ông bà cha mẹ của mỗi chúng con, để các ngài luôn được sống an vui và hạnh phúc trong tuổi già. Xin Chúa cho chúng con là những người con trong gia đình luôn biết noi gương Chúa Giêsu để sống hiếu kính với cha mẹ. Đặc biệt là xin cho mỗi người chúng con dù đi đâu, dù làm gì, dù sống trong môi trường nào chúng con cũng luôn sống tâm tình biết ơn với cha mẹ của mình.
Sr Maria Hương Trần
=================
Suy niệm 2
CHỚ QUÊN CỘI NGUỒN

Với lối sống thấm đượm ‘Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín’ trong tâm khảm, chúng ta chẳng thể nào lãng quên cội nguồn. Hơn nữa, ngày mồng hai Tết, Giáo hội dạy chúng ta dâng tấm lòng thành, kính nhớ tổ tiên, ông bà, những bậc đã đi trước chúng ta, đã sống đức tin và hằng đau đáu trong lòng khi còn sống, ngõ hầu để lại ơn sống đạo cho con cháu mai sau: “Ca tụng các bậc cha ông của chúng ta đã sống qua các thời đại” (x. Hc 44, 1. 10-15).
Theo dòng lịch sử, đạo Công Giáo bị gán với danh xưng ‘đạo bỏ ông bà, ông vải’! Thật sự, chúng ta không biết vì sao mà bị gán ghép một cách oan uổng như vậy. Có lẽ do chưa hiểu tường tận về đạo Công Giáo, cũng như tinh thần khép kín không muốn đón nhận giá trị đạo đức, luân lý Công Giáo, nên mới ra cớ sự như vậy!!! Tuy nhiên, với tâm tình biết ơn, tri ân, nhớ về cội nguồn, và hằng cầu nguyện-noi gương sống đạo của các ngài, chúng ta cùng nhau đào sâu Lời Chúa, thay vì chú trọng giải thích nguyên do trên.
Trước hết, Sách Huấn Ca quả quyết rằng: “Ai thảo kính cha sẽ được sống lâu dài” (Hc 3, 6). Thánh Phao-lô Tông đồ khuyên răn chúng ta: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1). Vậy đâu là bí quyết để những lời chúc này trở thành hiện thực? Lời giải đáp rất ư đơn giản và hết sức rõ ràng, đó là thực hành Lời Chúa dạy: “Hãy thảo kính mẹ cha” (Mc 7, 10). Ca dao tục ngữ Việt Nam cũng có rất nhiều câu thể hiện việc này:

                     “Vì cha nên mới có mình,

                     Mẹ cha đối đáp công trình biết bao

                     Ơn này sánh với trời cao

                     Trong lòng con dám lúc nào lãng quên”.

Thứ đến, việc ‘thảo kính mẹ cha’ không chỉ là lời khuyên răn, mà là một điều răn, một kết ước với Chúa (x. Thập điều), nghĩa là chúng ta phải sống, thực hành cụ thể trong suốt cuộc đời, như: biết tôn kính, phụng dưỡng, vâng phục, chăm sóc, cầu nguyện cho các ngài. Không ai trong chúng ta có thể quên câu: “Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tông, có cha có mẹ, có ông có bà”. Nào ai không thuộc nằm lòng những câu ca dao tục ngữ của người xưa răn dạy về đạo hiếu đối với mẹ cha:

                     “Công cha nghĩa mẹ cao dày,

                     Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.

                     Nuôi con khó nhọc đến giờ,

                     Trưởng thành con phải biết thờ song thân” (về lòng tôn kính các bậc sinh thành).

                     “Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc

                     Xem cháo cơm thay thế mọi bề

                     Ra vào thăm hỏi từng khi

                     Người đà vô sự, ta thì an tâm.”

                               (Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca, nói đến tâm tình phụng dưỡng mẹ cha)

và hết lòng vâng lời mẹ cha:

                     “Dạy sao cho được con hiền

                     Để cho cha mẹ khỏi phiền về con

                     Một niềm phép tắc nết na

                     Biết sống biết kính mới là khôn ngoan”.

Chăm sóc cha mẹ khi còn sống, cũng như biết cầu nguyện cho linh hồn các ngài khi đã qua đời không đơn giản là một chọn lựa tuỳ hỷ, mà là trách vụ của một người Ki-tô hữu, như đâu đó có câu:

                     “Một nén hương nồng nàn lặng lẽ

                     Nỗi lòng con gửi gắm những niềm thương

                     Dù bao năm dù có hóa vô thường

                     Công sinh dưỡng vẫn là công lớn nhất” (Kim Liên).

Thật ra, chẳng có bố mẹ nào đòi buộc con cái mình phải phụng dưỡng, trả công nuôi dạy sinh thành cả; nhưng nét tập tục tốt lành này đã ăn sâu vào tâm khảm của con cái, đó là: biết sống hiếu thảo với ông bà, tổ tiên, cha mẹ. Nhờ các ngài, chúng ta được Chúa cho chào đời. Nhờ công ơn nuôi dưỡng, dạy dỗ mà chúng ta nên người, trở thành con cháu hiếu hoà:

                     “Con nợ mẹ cha những ngày vui bất tận

                     Rong rủi suốt cuộc đời không định hướng tương lai

                     Con nợ những chiếc hôn còn nóng hổi vành môi

                     Trong cơn điên loạn giữa bạc tiền mến mộ.

                     Khi rời xa mới biết ý nghĩa của gia đình

                     Mới biết niềm vui trong từng cử chỉ

                     Mới biết hạnh phúc phải đâu nào xa xỉ

                     Vì chỉ một nụ cười cũng đủ ấm con tim…” (Kim Liên);

Hơn thế,       “Giữ mãi gia đình trong một góc riêng

                     Để nhớ để mong để âm thầm cầu nguyện:

                     Xin nỗi buồn đừng hằn trên mắt mẹ

                     Và nụ cười đừng chia cách môi cha…” (Kim Liên).

Sau cùng, năm cũ đã qua với bao nhiêu tiếc nuối, bao nhiêu thiếu sót của những người con đối với cha mẹ còn sống cũng như đã qua đời. Có lẽ không thiếu lỗi lầm lớn nhỏ khiến cha mẹ phiền lòng, già đi vì chúng ta. Tuy nhiên, năm mới đến, sắc xuân tươi trẻ và với ơn Chúa, chúng ta cùng nhủ nhau rằng: sống thảo hiếu với cha mẹ, vâng phục, tôn kính, chăm sóc các ngài, đừng sống bất hiếu, đừng làm những chuyện thất đức, đáng xấu hổ với tổ tông như “liệt tổ, liệt tông”, cũng đừng làm cho cha mẹ bất an, lo lắng cho chúng ta, để khỏi phải cảm thấy nuối tiếc về thời gian cạnh bên cha mẹ, đã không làm tròn phận vụ người con, khiến cho các ngài khổ tâm, âu sầu, buồn tủi. Thế nên, ai đó muốn quay ngược thời gian như trong chuyện tranh Đô-rai-môn của Nhật Bản:

                     “Thời gian thấm thoắt trôi đi,

                     Tìm đâu một vé trở về tuổi thơ?

                     Một thời lém lỉnh ngây ngô,

                     Sống trong đùm bọc bến bờ yêu thương” (khuyết danh).

Và đâu đó, tiếng nức nở tiếc nuối của những người con mải miết với ‘cơm áo gạo tiền’, quên mẹ cha hằng thương nhớ, lo toan cho mình:

                     “Bài học đầu đời thật vất vả mẹ cha ơi!

                     Xin cho con im lặng để mắt con cay

                     Xin cho con lạnh lùng để con không bật khóc

                     Xin cho con góp nhặt để còn chút lương tâm

                     Xin cho con chuộc lỗi dù biết đã muộn màng” (khuyết danh).

Nhân dịp mồng hai Tết, xin cầu chúc quý cha, quý sơ cùng quý thầy, ông bà, anh chị em, các bạn trẻ và mọi em thơ:

Năm mới kính chúc quý cha

Dạt dào ơn thánh, bao la tình người

Tận tâm phục vụ vui tươi

Cho đoàn con nhỏ mãi cười hợp hoan

Cầu chúc ông bà bình an

An vui hạnh phúc bên đàn cháu con

Gia đình tình mến sắt son

Vợ chồng khăng khít núi non không dời

Con cái hiếu thảo một đời

Nam thanh nữ tú chơi vơi bớt phần

Hăng say dâng hiến ân cần

Ra đi phục vụ thánh ân tuôn tràn

Xuân sang tín thác hân hoan

Cậy trông nơi Chúa, lo toan tan dần

Trọn niềm phó thác canh tân

Xin thương tuôn đổ phúc ân miên trường….Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

=================

Suy niệm 3
THỜ CHA KÍNH MẸ

Mt 15, 1-6
Hôm nay Mồng Hai Tết, Giáo Hội dành để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Có thể nói rằng, là người Việt Nam, dù thuộc bất kỳ một tôn giáo nào, không thể chối bỏ là mình đã được dìm sâu trong cái gọi là “Đạo Hiếu” của truyền thống Dân tộc, còn gọi là “Đạo ông bà”, “Đạo gia tiên”, vì luôn đặt nặng tình nghĩa và ơn nghĩa lên trên hết  Những câu ca dao tục ngữ đã ăn sâu vào tâm trí và đời sống mỗi gia đình như:
Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Tuy nhiên, xưa nay vẫn có một sự hiểu lầm là người Công giáo coi thường việc thờ cúng ông bà tổ tiên. “Theo Đạo là bỏ Ông Bà”. Xem ra sự ngộ nhận này vẫn còn tồn tại trong tâm thức của một số người. Cần xác định ngay rằng: Đạo Hiếu theo Kitô giáo không chỉ là một hành động luân lý, đạo đức xã hội, hay truyền thống dân tộc, mà đó còn là một giới luật được Thiên Chúa truyền dạy, một giới răn chỉ đứng sau ba giới răn dành riêng cho Thiên Chúa. Hiếu thảo với ông bà cha mẹ đặt trên nền tảng là niềm tin vào thiên Chúa. Vì biết rằng đó là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa, là điều Thiên Chúa muốn mọi người phải thi hành, chứ không phải chỉ là tập tục riêng của con người.
Ngay từ xa xưa, Kinh Thánh Cựu Ước đã nói rất nhiều về việc hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ. Qua sách Xuất hành, Thiên Chúa đã tuyên phán: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20, 12). Sách Đệ nhị luật đã xác định rõ ràng trong điều răn thứ tư của Thiên Chúa: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi” (5,16). Tiếp theo, các sách khác như sách Lêvi, sách Châm ngôn, sách Huấn ca, cũng đã bàn đến rất nhiều về việc thờ cha kính mẹ, và đặc biệt là cầu nguyện cho người đã chết (Macb12,44).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chính Đức Giêsu nhắc lại luật hiếu thảo từ sách Xh 20, 12 và Lv 20, 9: “Bất cứ người nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Nó đã nguyền rủa cha mẹ, thì máu nó đổ xuống đầu nó”. Ngài phản đối một truyền thống bày đặt bởi người Pharisêu, đó là khi một người con lấy số tiền lẽ ra dành để nuôi cha mẹ mà dâng cúng cho đền thờ làm lễ phẩm thì anh ta khỏi phải dùng tiền đó mà nuôi cha mẹ nữa. Làm như thế là nhân danh một truyền thống của con người mà “vi phạm điều răn của Thiên Chúa” và “hủy bỏ lời của Thiên Chúa”. Đức Giêsu bênh vực quyền lợi của cha mẹ. Ngài không chấp nhận lối hành xử vô lý như vậy, và đòi người ta phải giữ điều răn thứ tư là thảo kính cha mẹ trong việc săn sóc và phụng dưỡng các ngài.
Tiếp nối theo Đức Giêsu, thánh Phaolô cũng đã dạy: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3, 20). Trong thư gửi tín hữu Êphêsô, ngài còn nhắn nhủ thêm:“Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1-3). Tuy nhiên, việc thờ cúng tổ tiên ông bà cha mẹ của người Công giáo có sự khác biệt với anh em lương dân. “Bàn thờ” tổ tiên bao giờ cũng đặt dưới bàn thờ Chúa, và có hai điều không được phép: đó là đốt vàng mã và tin tổ tiên về ăn đồ cúng. Sự thật đời sau không như đời này, và đối với những người đã khuất, điều họ cần không phải là ăn uống mà được yêu mến, kính nhớ, cầu nguyện. Điều họ đói khát không phải là vật chất mà là sự sống tinh thần, là sự hiệp thông và viên mãn trong tình yêu. Vì thế, người Công giáo không chỉ kính nhớ đến người quá cố qua vài nghi lễ giỗ chạp hàng năm, mà còn qua việc cầu nguyện và dâng lễ hàng ngày.
Tóm lại, “Đạo Hiếu” trong Kitô giáo là để sống chứ không phải để giữ. Sống “Đạo Hiếu” để chúng ta biết thông truyền chính sự sống ấy cho những người khác từ thế hệ này đến thế hệ kia, dù người ấy là ai và thuộc tôn giáo nào. Đặc biệt đối với chúng ta là những Kitô hữu, nếu không hiếu thảo với ông bà cha mẹ, thì làm sao chúng ta có thể hiếu thảo với Thiên Chúa được? Lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ dưới đất là sự phản ảnh và là thước đo lòng hiếu thảo của chúng ta đối với Cha trên trời. Cũng vậy, khi càng yêu mến Chúa thì ta càng biết thể hiện tình yêu ấy qua việc sống hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, cũng như sẵn sàng cống hiến cuộc sống mình cho anh chị em.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Khi mang thân phận làm người thế,
Chúa sống hiếu thảo thật sâu xa,
ba mươi năm dưới mái nhà,
kính yêu vâng phục mẹ cha trọn tình.

Lớn lên trong tình nghĩa gia đình,
Chúa đã thành hình con yêu dấu,
học nơi Thánh Cả cao sâu,
và nơi Mẹ Thánh nhiệm mầu khiêm nhu.

Học biết yêu thương và cầu nguyện,
mỗi ngày càng nên giống mẹ cha,
trái tim rộng mở bao la,
để rồi cất bước mở ra Tin Mừng.

Sẵn sàng sứ mạng Cha giao phó,
với một tình yêu rất dạt dào,
một đời hết mực dâng trao,
hy sinh nghèo khó với bao cơ cầu.

Nhìn Chúa Giêsu sống đẹp mầu,
tình cha nghĩa mẹ thật gương mẫu,
nên con tôn kính cúi đầu,
một đời cảm mến ân sâu đáp đền.

Dù nay cha mẹ không còn nữa,
thì lòng kính nhớ vẫn đầy dư,
cầu xin Chúa cả nhân từ,
cho cha mẹ sớm an cư thiên đàng.

Bằng hy sinh việc lành bác ái,
của đoàn con cái kính Chúa đây,
nhất là thánh lễ hằng ngày,
nguồn ơn cứu độ tràn đầy phúc vinh.

Cúi xin Chúa Cả Thiên Đình,
ban cho cha mẹ an bình thiên thu. Amen.

Lm. Thái Nguyên.

=================
Suy niệm 4
Làm Con Phải Hiếu 

Theo tập tục vẫn có từ đời cha Đắc Lộ, để thánh hóa ba ngày Tết Nguyên Đán, Hội Thánh đã chỉ định Ngày Mồng Một Tết, là Ngày cầu cho thế giới được hòa bình, quốc thái dân an, gia đình ấm êm hạnh phúc. 

Hôm nay Ngày Mồng Hai Tết, ngày kính nhớ tổ tiên ông bà, cha mẹ, những người đã cộng tác với Thiên Chúa để sinh thành, dưỡng dục chúng ta thành người. 

Thứ bốn thảo kính cha mẹ

Thiên Chúa dạy chúng ta: “Hãy thảo kính cha mẹ” (Mc.7, 8-13).  Ý tưởng của Lời ca nhập lễ nhắc nhớ chúng ta: “Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, khắc ghi công đức một niềm tri ân...”. Lời nguyện tiến lễ mới đẹp làm sao: “Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận mà tuôn đổ hồng ân xuống trên tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con, để chúng con cũng được thừa hưởng phúc ấm của các ngài”.

Việc “đền ơn đáp nghĩa” là một nghĩa vụ thiêng liêng và cũng là bổn phận của kẻ làm con. Nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục, tất cả chúng ta đều phải biết sống hiếu thảo, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ lúc sinh thời cũng như khi đã khuất bóng.

Ước muốn sống lâu, sống hạnh phúc trên địa cầu này là lời cầu chúc trên cửa miệng của chúng ta trong ngày đầu năm mới, bởi ai cũng mơ sống hạnh phúc, khang an và trường thọ. Chúa dạy: “Ai thảo kính cha sẽ được sống lâu dài” (Hc 3,6). Thánh Phaolô Tông đồ khuyên chúng ta “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1).

Ngoài việc sống vui sống hạnh phúc, kẻ tôn kính mẹ cha còn được tha thứ tội lỗi: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm” (Hc 3,2). Được nhận lời khi cầu xin: “Ai hiếu thảo với cha mẹ, khi cầu xin họ sẽ được lắng nghe” (Hc 3,5b). Được con cái báo đền: “Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái” (Hc 3,5a). Vì “Sóng trước đổ đâu, sóng sau theo đấy”. Người bất hiếu với cha mẹ sẽ bị con cái đối xử tàn tệ hơn. Người có hiếu với cha mẹ cũng sẽ được con cái đối xử tốt đẹp. Được ơn lành tích trữ trong kho tàng: “Ai kính mẹ thì tích trữ kho báu” (Hc 3,4).

Triết lý chữ hiếu qua chiếc bánh chưng xanh

Thật phù hợp với đạo lý dân tộc Việt Nam, chiếc bánh chưng, một sản phẩm cổ truyền, một chứng tích của đạo lý, chúng ta làm để ăn ngày Tết nhắc nhớ chúng ta mang nặng nghĩa mẹ tình cha.  

Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng trái Đất, âm. Bánh dầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng Trời, dương, thể hiện triết lý Âm Dương, Dịch, Biện chứng Đông Phương nói chung và triết lý Vuông Tròn của Việt Nam nói riêng.

Bánh chưng âm giành cho Mẹ, bánh dầy dương giành cho Cha. Bánh chưng bánh dầy là thức ăn trang trọng, cao quí nhất để thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ. Theo truyền thuyết, bánh chưng bánh dầy có từ thời vua Hùng Vương thứ 6, sau khi phá xong giặc Ân.Vua muốn truyền ngôi cho con, nhân dịp đầu xuân, mới hội các con mà bảo rằng: ”Con nào tìm được thức ngon lành để bày cỗ có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho”.

Các con trai đua nhau kiếm của con vật lạ, hy vọng được làm vua. Người con trai thứ mười tám của Hùng Vương thứ VI là Lang Lèo (tên chữ gọi là Tiết Liêu), tính tình thuần hậu, chí hiếu, song vì mẹ mất sớm, không có người mẹ chỉ vẽ cho, nên rất lo lắng không biết làm sao, bỗng nằm mơ thấy Thần Đèn bảo: ”Vật trong trời đất không có gì quí bằng gạo, là thức ăn nuôi sống người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng Trời Đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”.

Lang Lèo (sau có người gọi Lang Liêu) tỉnh dậy, mừng rỡ làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp, đậu xanh thật tốt, thịt lợn (heo) ba rọi dày thật tươi.

Đến hẹn, các lang (con vua) đều đem cỗ tới, đủ cả sơn hào hải vị. Lang Lèo chỉ có bánh Dầy bánh Chưng. Vua lấy làm lạ hỏi, ông đem thần mộng tâu lên. Vua nếm bánh, thấy ngon, lại khen có ý nghĩa hay, bèn truyền ngôi cho Lang Lèo, tức đời vua Hùng Vương thứ 7.

Ngày Tết, cầm bánh chưng lên ăn, làm chúng ta nhớ đến tổ tiên để tỏ lòng hiếu thảo như: thăm viếng, chúc tết, giúp đỡ là một lẽ, chúng ta còn phải xin lễ cầu nguyện cho những người đã khuất. Tất cả đều là những nghĩa cử cần thiết, không thể thiếu được. Chỉ gói gọn trong chiếc bánh chưng xanh thôi là cả một Đạo Hiếu đáng ghi nhớ. Nó đã thoát khỏi đơn thuần là vật chất, móm ăn bình thường nhưng chứa đựng một triết lý sâu sắc đạo làm người.

Làm con phải lấy chữ hiếu làm đầu

Từ lâu nhân loại đã luôn ca tụng về những tấm gương hiếu hạnh. Có thể thấy, dù ở thời đại nào, con người vẫn đề cao sự hiếu kính và báo đáp công ơn nuôi dưỡng của các đấng sinh thành.

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh núi Thái Sơn cao vời vợi và nước trong nguồn vô tận kia được đem ra so sánh với “công cha, nghĩa mẹ”. 

Mỗi lần nhắc tới ơn cha nghĩa mẹ, thì y như rằng ta có lớn, có già lụm cụm cũng vẫn là trẻ con trước mắt mẹ cha, rồi nước mắt ngắn dài, cha thương mẹ xót. Thương vì cái ơn quá lớn chưa có đền đáp được bao nhiêu, xót vì có lúc nghịch ngợm, và có khi đã từng là... nghịch tử, cãi cha mắng mẹ! Người ta nói xã hội xuống cấp về đạo đức, lòng người trở nên vô cảm, lạnh lùng, nhưng nếu quả tình họ vô cảm, lạnh lùng với cả cha mẹ mình thì... chẳng còn gì để nói.

Làm con phải lấy chữ hiếu làm đầu, nếu không mọi việc làm tốt đều vô nghĩa. Thờ không phải chỉ lúc chết mới cúng giỗ linh đình mà phải thương, kính ngay từ thuở người còn sống. Kính vì ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục ví tựa “Thái sơn”, tựa “nước trong nguồn chảy ra”. Đỗ Trung Quân thì khẳng khái ví quê hương như là mẹ. Và mỗi người chỉ một, nên phải nhớ, nhớ để “lớn thành người”.

Tôn kính    Công cha nghĩa mẹ cao dày,

Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.

Nuôi con khó nhọc đến giờ,

Trưởng thành con phải biết kính thờ song thân.”

Phụng dưỡng    Còn nữa, phận làm con đối với cha mẹ:

“Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc

Xem cháo cơm thay thế mọi bề

Ra vào thăm hỏi từng khi

Người đà vô sự ta thì an tâm.”

                      (Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca)

Vâng lời      Dạy sao cho được con hiền

Để cho cha mẹ khỏi phiền về con

Một niềm phép tắc nết na

Biết sống biết kính mới là khôn ngoan

Có một số người, không biết sống đạo gì mà lại đối xử nhất trọng nhất khinh. Bởi vì đối với người Việt Nam, tương quan với họ hàng gia tộc là điều quan trọng. Lấy vợ, lấy chồng không chỉ là lấy một người mà “lấy” cả họ hàng nhà chồng, nhà vợ. Cách cư xử với họ hàng bên chồng hay bên vợ không chỉ liên quan đến bản thân mà còn liên quan đến cả họ hàng bên mình.

Trong tác phẩm “Gia Huấn Ca” Nguyễn Trãi đã đề cao đạo đức, và chữ hiếu được nhấn mạnh rất rõ:

“Dù nội ngoại bên nào cũng vậy,

Đừng tranh dành bên ấy, bên này,

Cù lao đội đức cao dày,

Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.”

(Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca)

Khi cha mẹ qua đời

Con cái tỏ lòng hiếu kính bằng cách lo an táng chu đáo, cầu nguyện và xin lễ cho cha mẹ. Không những cầu nguyện cho cha mẹ, con cái còn xin cha mẹ cầu nguyện cho mình trước mặt Chúa, như khi còn sống, các ngài vẫn cầu nguyện cho mình.

Hội Thánh Công giáo nhìn nhận đó là một hình thức tốt đẹp để bày tỏ lòng tưởng nhớ công ơn tiền nhân. Hội Thánh khuyến khích các tín hữu phát huy những tinh hoa trong văn hoá dân tộc.

Trong ngày Mồng Hai Tết năm nay chúng ta hãy nhìn qua lại lòng hiếu thảo của chúng ta đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ để mà yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ các ngài khi còn sống và đã qua đời. Đồng thời Lời Chúa nhắc cho chúng ta phải thi hành bổn phận thảo hiếu của chúng ta.

Xin Chúa trả công bội hậu đời này và đời sau cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các Ngài. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 5
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ
Hc 44,1.10-15; Ep 6,1-4.18-23; Mt 15,1-6

Hôm nay là mồng hai tết, ngày kính nhớ tổ tiên, ông bà cha mẹ. Ngày đầu xuân năm mới, trong cảnh ấm êm hạnh phúc gia đình, con cháu sum họp bên cha mẹ ông bà,  Giáo Hội mời gọi con cái tưởng nhớ, nhìn lại và thực hành đạo hiếu với các ngài, dù các ngài còn tại thế hay đã khuất bóng.
Trong Tin Mừng hôm nay, những người Pharisêu và kinh sư khéo “mượn” chuyện trò để trách móc Thầy: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Đức Giêsu dựa vào điều răn của Thiên Chúa để bác bỏ luận điệu giữ luật về thảo kính cha mẹ cách hời hợt của họ. “Còn các ông, các ông lại bảo: ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm cho Chúa rồi, thì người ấy không cần phải thờ cha kính mẹ nữa”. Ngày hôm nay cũng có những người con nghĩ rằng cứ cung cấp cho cha mẹ tiền bạc vật chất là xong nhiệm vụ, mà không về thăm nom hay hỏi han cha mẹ ra sao. Thảo kính không chỉ là cung cấp tiền của vật chất, mà còn là sống mối tương quan gần gũi, thăm hỏi, hiện diện gần bên, chăm sóc, an ủi, đỡ đần,  nghe lời cha mẹ dạy bảo nữa. Có những người con luôn ở bên đỡ nâng cha mẹ từng bước đi, chỉ lo được những bữa cơm thanh đạm hàng ngày, hay sớm tối viếng thăm đã làm ấm lòng cha mẹ. Khi cha mẹ về già trở thành người chân yếu tay run, mắt mờ, trí khôn thiếu minh mẫn, lẩm cẩm, bệnh tật nằm trên giường… làm cho người con thấy khó để cảm thông, thảo kính vâng lời. Nhưng hơn lúc nào hết, lúc này cần làm sao những đứa con thảo kính, báo hiếu công ơn trời bể của các ngài. Thư gửi tín hữu Êphêsô nhắc nhủ: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.” Hôm nay Đức Giêsu chỉ cho các kinh sư thấy rõ: “Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử”.
Khi ông bà cha mẹ còn khỏe mạnh, con cháu còn được cậy dựa nương nhờ, xem ra con cháu dễ thảo kính vâng lời hơn. Đến khi cần báo hiếu hơn bao giờ hết, thì lại thấy khó khăn với đủ thứ lý do. Những ai đã từng làm mẹ cha sẽ biết lòng cha mẹ. Nhưng một khi có đủ đức mến với các ngài, thì con cháu sẵn sàng “chịu đựng tất cả”, sẽ hết lòng yêu mến, khi các ngài còn sống và còn mãi thương khi các ngài đã lìa xa cõi thế về đời sau.
Chúa ơi! chính Chúa đã sống thảo hiếu ở giữa gia đình Nazarét năm xưa. Phút cuối trên Thánh giá Chúa còn trao phó Mẹ cho thánh Gioan cho tròn chữ hiếu mới an lòng trút hơi, khi chỉ còn lại Mẹ. Thánh Gioan đã đón Mẹ về nhà mình chăm sóc. Xin cho chúng con vì lòng yêu mến Cha trên trời, cũng trở thành những con cháu ngoan hiền thảo kính ở giữa gia đình hiện tại, và còn mãi tỏ lòng biết ơn khi các ngài đã khuất bóng.
Én Nhỏ
=================
MỒNG BA TẾT
Suy niệm 1

NẾU KHÔNG CÓ CHÚA, CHÚNG CON LÀM ĐƯỢC GÌ?
Phụng vụ Thánh lễ mồng ba Tết nguyên đán mời gọi mỗi người chúng ta mặc lấy tâm tình tạ ơn Thiên Chúa đã thương trao ban mọi sự cần thiết, đã đồng hành, đặt để con người “trồng tỉa và coi sóc” (x. St 2, 15), cũng như chúc lành cho mọi nỗ lực của chúng ta. Đồng thời, từ tận đáy lòng, sâu thẳm trong tâm hồn, chúng ta nguyện xin Chúa thánh hoá hết thảy ngày sống của mỗi người, để rồi với lòng tín thác, cậy trông và yêu mến, chúng ta cố gắng từng ngày trong sự hiện diện đầy quyền năng và hết sức gần gũi của Ngài.
Ai trong chúng ta, nếu được phép, chắc hẳn sẽ hỏi: Chúng con làm được việc gì, nếu không có Chúa chở che nâng đỡ? Lời giải đáp thật giản dị xúc tích mà tác giả Thánh Vịnh đã nêu lên trong tâm tình vừa phó thác vào Chúa, vừa nỗ lực cộng tác với ơn Ngài hằng ngày:

                     “Bạn có thức khuya hay dậy sớm,

                     khó nhọc làm ăn cũng hoài công.

                     Còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ,

                     Ngài vẫn ban cho đủ tiêu dùng” (Tv 127, 2).

Quả thế, dẫu con người có cố gắng hết sức mình, mà không biết tin tưởng phó thác vào Chúa, chỉ một mực cậy dựa vào sức lực, tài nghệ của bản thân, thì “khó nhọc làm ăn cũng hoài công”. Ngược lại, Chúa sẽ “ban cho đủ tiêu dùng” đối với những ai sống cậy trông vào Ngài, đồng thời cố gắng lao động mỗi ngày. Chính vì vậy, không có Chúa, không có ơn của Chúa, chúng ta sẽ chẳng làm gì nên cả!
Tâm tình tin tưởng, cậy trông vào Chúa chỉ khiến chúng ta ngày càng nỗ lực làm việc thiện lành hơn. Tâm tình tạ ơn Chúa luôn giúp chúng ta ý thức tất cả những thành quả do bàn tay vất vả chúng ta làm ra đều nhờ bởi Chúa, vì ‘tất cả là hồng ân’, tất cả nhờ bởi ơn thánh. Cũng nên nói ở đây, lòng tín thác đích thật sẽ chẳng bao giờ đưa chúng ta tới tình trạng ‘tay không làm, hàm không nhai, chỉ chờ sung rụng’! Hơn thế, niềm cậy trông vào Chúa sẽ chẳng đưa đẩy chúng ta vào thói biếng nhác, lười biếng, hay không biết nỗ lực đâu!
Thật vậy, Đức Giê-su đã mặc khải cho chúng ta biết về sự chăm chỉ, cần mẫn làm việc của Thiên Chúa Cha: “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy” (Ga 5, 17). Thử hỏi, giả sử Thiên Chúa bỏ bê chúng ta, chẳng để ý coi sóc vạn vật, thì chúng ta sẽ ra sao? Chắc hẳn, chúng ta đã ‘tiêu vong’ từ lâu rồi! Vì chưng, Ngài chẳng bao giờ ‘bỏ con giữa chợ’; Ngài làm việc liên lỉ (chẳng phải theo nghĩa ‘làm việc tay chân, thể lý’), mà Ngài hằng săn sóc, chở che, nâng đỡ chúng ta từ khi chưa tạo tác muôn loài cho tới khi mọi sự hoàn tất theo ý định của Ngài. Đúng vậy, khi chúng ta tụ họp nơi Thánh đường trong ngày lễ mồng ba tết này, chúng ta cùng nhau xác tín rằng: Thiên Chúa hằng chăm sóc, hằng chở che chúng ta và nâng đỡ mọi nỗ lực, cố gắng trong đời sống chúng ta trên mọi lãnh vực, mọi khía cạnh. Vì thế, chúng ta cũng học nơi Ngài: biết không ngừng quan tâm đến anh chị em, sống hoà thuận hiếu hoà, yêu thương chia san qua công ăn việc làm, qua cuộc sống hằng ngày như Đức Giê-su mặc khải: “Vì chưng, Chúa Cha yêu thương Chúa Con, và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ còn bày tỏ những vic lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán thục (Ga 5, 20).
Với tâm hồn đơn sơ tín thác, chúng ta cùng dâng lên Chúa tất cả mọi dự định, mọi kế hoạch thiện lành của mỗi người chúng ta, để nhờ ơn Chúa thánh hoá và chúc phúc, chúng được thực hiện một cách tốt đẹp theo Thánh ý Chúa trong thời điểm của Ngài. Nhân dịp này, xin cầu chúc tất cả mọi người:

Xuân sang, năm mới, tết đến

Cầu chúc nhà nhà tình mến dạt dào

An vui, hạnh phúc dường bao

Bên đoàn con cháu cùng trao tâm hồn: 

1 năm bình an,

12 tháng hân hoan,

52 tuần chứa chan nụ cười,

366 ngày người người vui tươi,

8.784 giờ tràn đầy hạnh phúc,

527.040 phút tận tình chia san,

31.622.400 giây tình thân tỏa lan.

Chúc mừng năm mới an khang

Lộc xuân ơn Chúa tuôn tràn sánh đôi

Giáp Thìn năm nay chao ôi

Mở tay chào đón cả tôi (và) mọi người!

Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 2
CÔNG ĂN VIỆC LÀM
Mồng Ba Tết : Mt 25, 14-30
Giáo Hội Việt Nam dành ngày mồng Ba Tết để “thánh hoá công ăn việc làm”, nghĩa là để công việc làm ăn của người tín hữu được Chúa chúc phúc, đem lại ý nghĩa thiêng liêng và giá trị cứu rỗi. Vì chúng ta biết rằng, mọi hoạt động của con người đều tùy thuộc vào Thiên Chúa:“Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 126). Nhân gian ai cũng biết:“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Điều này nói lên mối tương quan linh thánh giữa Tạo Hóa và loài thụ tạo. Ngay từ đầu Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất" (St 1, 26). Sau đó, chính Ngài đã đem con người đặt vào vườn Êđen, để cày cấy và canh giữ đất đai“ (St 2, 15). Trao mọi sự vào tay con người, để con người làm chủ, đồng thời Thiên Chúa luôn yêu thương quan phòng và tiếp tục chăm sóc không ngừng, như Đức Giêsu đã cho biết: “Cho đến nay, Cha Ta vẫn làm việc liên lỉ, thì Ta cũng làm việc” (Ga 5,17).
Nhờ lao động, chúng ta được cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới này. Đây là một vinh dự lớn lao cho con người. Chúng ta làm việc không chỉ vì mình hay vì gia đình, mà còn vì ích lợi chung cho xã hội, cho mọi người. Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu, đều có lý để tin rằng nhờ lao công của mình họ tiếp nối công trình của Tạo hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao của mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử” (GS 34).
Lao động như thế không chỉ giúp con người có của ăn nuôi thân, mà còn làm tăng giá trị nhân phẩm, góp phần xây dựng một thế giới yêu thương, huynh đệ và hòa bình. Chính vì vậy mà Đức Giêsu coi việc góp phần của mỗi người là một điều hệ trọng, là một trách nhiệm lớn lao mang tính quyết định về số phận của một con người. Ngài nói rõ điều đó qua dụ ngôn những nén bạc, mà ông chủ giao cho các tôi tớ để sinh lợi khi ông đi xa. Số nén bạc trao tuy không đồng đều như nhau, nhưng ai cũng phải cố gắng để sinh lợi tối đa. Ngày ông chủ trở về và tính sổ, hai người đầu tiên đã đi làm ăn và sinh lợi xứng đáng với kỳ vọng của ông chủ, được coi là “tôi tớ tốt lành và trung tín”.
Còn người thứ ba lại đào lỗ chôn giấu nén bạc mình đã nhận. Khi ông chủ trở về, anh trả lại nén bạc còn nguyên, không hề đầu tư sinh lợi, vì anh sợ ông chủ “là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi”. Vì nghi ngờ ông chủ là người xấu, nên anh không dại gì bỏ công sức ra để phục vụ. Thật ra, đó cũng chỉ là lý do ngụy biện để che lấp tính cách của một “tôi tớ xấu xa, biếng nhác và vô dụng”. Sự thật là ông chủ không hà khắc như anh nghĩ, mà lại rất hào phóng, vì nén bạc của anh được lấy lại để trao cho người đã có mười nén. Tiếc xót cho anh, vì lười biếng, muốn sống an nhàn, nên trong phút chốc đã đánh mất cơ hội ngàn đời. Quả thật: “Một phút sa chân là ngàn đời ân hận”.
Ông chủ đi xa là hình ảnh của Đức Giêsu, Đấng đã nhập thể làm người, đã chết, đã sống lại hiển vinh và đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Nhưng Ngài hứa sẽ trở lại vào ngày tận thế để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Các Kitô hữu chúng ta đang sống trong niềm hy vọng ngày Chúa sẽ Quang Lâm. Trong khi chờ đợi, Ngài đòi chúng ta phải đầu tư số vốn là chính cuộc đời mình với mọi khả năng tự nhiên và siêu nhiên. Dù vốn nhiều hay ít không quan trọng. Vấn đề chính yếu là làm sao nỗ lực hết mình để sinh lợi từ những gì Chúa đã trao ban. Điều này đòi chúng ta phải mạnh dạn, sáng kiến, dám mạo hiểm, và đôi khi liều lĩnh để dấn thân vào những công việc mới mẻ, khó khăn. Đã làm thì không sợ lỗ lã hay thất bại, vì đối với Chúa, sự thành công của chúng ta đã nằm ngay trong chính sự trung thành và hy sinh tận tụy của mình. 
Chúa đòi chúng ta phải làm việc để sinh lợi không phải vì Ngài nhưng vì chúng ta. Chẳng ai có thể thêm gì cho Chúa. Ngài không đòi ta phải nộp cho Ngài cả vốn lẫn lời. Dâng hiến cho Chúa chỉ là nói lên tình yêu mến đã ngập tràn trong trái tim ta. Hạnh phúc của Chúa là thấy ta trưởng thành qua việc góp phần với Ngài cho ngôi nhà trái đất này tươi tốt hơn, cho cuộc sống con người trở nên phong phú và dồi dào hơn. Và rằng: mọi thành quả do công khó của con người làm nên sẽ không mất đi, nhưng được biến đổi trong ngày sau hết, trong “trời mới đất mới”, nơi Thiên Chúa hiển trị ngàn đời, và Ngài là tất cả cho tất cả.
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Dấu hiệu trưởng thành của người trẻ,
là khi mạnh mẽ bước vào nghề,
biết đứng lên đưa mình vào cuộc sống,
không còn ngồi mà mơ tưởng viễn vông.

Thánh Phao-lô đã nói lên rằng:
“Ai không làm thì cũng đừng ăn”,
lười biếng không chỉ nhục thân,
mà còn hủy hoại khả năng tinh thần,
cũng như người đi chôn nén bạc,
khiến cho đời mình ra tan tác.

Làm việc để con thực hiện những ước mơ,
tự lực cánh sinh không chờ ai giúp đỡ,
cho đời con những cơ hội triển nở,
biết xoay sở và sáng tạo đời mình.

Làm việc giúp cho con nên giống Chúa,
Đấng không ngừng quan phòng và sáng tạo,
để con người và vũ trụ nên hoàn hảo,
cho tình yêu và cuộc sống được nâng cao.

Nhưng lạy Chúa xin cho con biết rằng,
mình đang sống trong đời đầy biến động,
trong thế giới rất dễ bị vong thân,
vì tất cả bị lôi vào sản xuất,
kinh tế coi như cứu cánh mọi thành phần,
khiến con người đánh mất cả lòng nhân.

Xin cho con luôn làm việc tận tình,
như đầy tớ tốt lành và trung tín,
biết hy sinh và sẵn sàng cống hiến,
đền đáp lại những gì Chúa đã ban,
bằng một tình yêu mến dâng ngập tràn,
để mọi người vui hưởng sự bình an. Amen.

Lm. Thái Nguyên

=================
Suy niệm 3
GIAO PHÓ

Mt 25, 14-30
Chuyện kể rằng: ba người đầy tớ được ông chủ giao cho số vốn bạc khác nhau, tùy theo khả năng mỗi người, nghĩa là hợp tình hợp lý, đúng người đúng việc. Nhưng kết quả thực hành là khi ông chủ trở về, cả ba người đến tính sổ trả bài, tinh thần trách nhiệm của mỗi người mới bộc lộ rõ ràng. Người thứ nhất và người thứ hai đã trung thành thi hành y lệnh ông chủ, tùy theo vốn liếng được giao nên được tuyên thưởng và tín nhiệm hơn (đã có lại được cho thêm nhiều, thế mới gọi là “ăn nên làm ra”). Còn người thứ ba đã lười biếng lại ngoảnh mặt quay lưng với chủ, nên bị mắng nhiếc tồi tệ và bị tước đoạt cả vốn liếng cũ, bị phạt nặng (càng thất thu càng bị thua lỗ phá sản).
Ở trên đời, trong cả cộng đồng, mỗi người được xếp đặt một vị trí, thế giá, công việc của mỗi người cũng khác nhau. Người giàu sang quyền quý, kẻ nghèo hèn khốn khó bần cùng. Người làm sếp lớn công ty, người là bác sĩ, công nhân, người làm bếp núc việc nhà, người là công nhân quét lá bên đường làm sạch đường phố. Mỗi người mỗi vị trí, mỗi công việc khác nhau, nhưng mỗi người đều làm tốt phần việc của mình, sẽ thành một cộng đồng tốt đẹp phong phú, bổ túc cho nhau, tất cả làm thành một nhịp sống êm đềm, chứ không thể ai cũng là bác sĩ lấy gì mà ăn, hay ai cũng là dân cày lấy gì mà mặc.
Trở lại câu chuyện ba đầy tớ, hai người trước có lòng yêu mến nên tôn trọng ý chủ, ra sức làm lời, vừa tài giỏi vừa trung thành, vừa khôn vừa ngoan, nên được khen hết lời và thêm tín nhiệm: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” Còn người thứ ba coi thường ông chủ, biếng nhác, mặc kệ bất cần, lại còn có thái độ phản chủ hỗn láo: “tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi... Của ông đây, ông cầm lấy!” Đã đến nước này thì làm sao mà ông chủ không nổi giận: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác!... Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến… Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” Số lượng bạc được giao không quan trọng, trên hết là lòng yêu mến trung thành, gắn bó nghĩa thiết trong tình thân yêu với ông chủ, để dù được nhiều hay ít, khả năng trình độ, thuận tiện hay không vẫn một lòng cố gắng nhờ “vốn liếng” mình được giao phó, gầy dựng cho.
Yến bạc của con là chính cuộc đời con và khả năng lớn nhỏ Chúa trao. Con đã làm gì trên cuộc đời ấy?
Yến bạc của con là người anh em bên cạnh, con đã làm gì cho họ, để tất cả trở thành người nhà thân ái của Chúa?
Yến bạc của con là chính Chúa, để dù con đây có là ai, nếu con đón nhận Chúa vào cuộc đời, ở trong con, thì  giữa những yếu đuối hạn hẹp, bất lực, Chúa vẫn lấp đầy và làm trổ hoa kết trái tốt đẹp, cả trong những yếu kém ấy, bởi vì có Chúa là có tất cả! “Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người.”
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log