Suy niệm 1
Lc 2, 22 – 40
Ngày sinh của Đức Giê su, thì bà Êlisabét có thể đoán được và vẫn ngong ngóng chờ đợi. Do đó ngày sinh ấy tại hang đá Belem phải được loan báo cho bà Êlisabét trong thời gian ngắn nhất, vì từ Bê lem đến Ain-karimchỉ có 19 cây số. Khi được biết tin này, thì vợ chồng bà Êlisabét phải nôn nóng đến đón Cháu T
hánh về nhà mình. Do đó người ta có thể đoán rằng Hài Nhi Giê su được lãnh phép cắt bì tại nhà bà Êlisabét. Ông chồng là tư tế, tên là Dacaria. Vậy thì ông Dacaria sẽ tổ chức cắt bì cho Cháu Thánh vào ngày thứ 8. Thánh Giuse sẽ đặt tên cho con là Giê su, theo tục lệ của người Do Thái. Tục lệ đó là người cha bồng con ra vườn, nâng con lên như trình diện với đời và tuyên bố: “Con tôi tên là Giê su”. Sau đó đưa con vào nhà, cũng bồng con lên tuyên bố với thân bằng quyến thuộc: “Con tôi tên là Giê su”. Sau đó là tiệc mừng.
Chắc chắn là Thánh Gia Thất cư trú tại nhà bà Êlisabét cho tới ngày thứ bốn mươi. Ngày ấy Thánh Gia Thất lên đền thờ Giê ru sa lem để thi hành hai điều luật dạy. Một là Đức Mẹ làm lễ Thanh Tẩy, vì đàn bà sinh con thì có máu chảy; máu làm người mẹ mắc uế; mắc uế thì thanh tẩy. Hai là mọi con trai đầu lòng là của Chúa nên sau khi sinh 40 ngày phải đem đến đền thờ mà dâng cho Chúa. Dâng cho Chúa xong rồi, thì phải xin Chúa đem con về nuôi, bằng cách dâng một cặp bồ câu non, hoặc một cặp chim gáy giống như tiền chuộc.
Trong dịp dâng con và thanh tẩy này có xảy ra một chuyện bất ngờ gây nhiều cảm xúc. Đó là có một cụ già đạo đức, đáng kính tên là Simêon. Ông được ơn soi sáng, đến Đền Thờ để gặp Đấng Cứu Độ. Ông vẫn nghĩ rằng ông sẽ được diện kiến Đấng Cứu Thế trước khi nhắm mắt lìa đời.
Lên Đền Thờ, ông thấy đúng như mình hằng mong ước. Ông xin bồng ẵm Thánh Nhi và công bố Thánh Nhi này là Đấng Cứu Thế. Ông chúc lành cho Đức Maria và Thánh Giuse. Nhưng sau đó, ông lại tiên báo một điều khủng khiếp sẽ xảy ra cho Đấng Cứu Thế và thân mẫu của Người:
“Bé này sẽ trở thành
Một lưỡi gươm sắc
Đâm thủng tim của cháu”
Một người mẹ còn trẻ như gái tơ, đang miên man nghĩ về một tương lai vàng, một thời hạnh phúc chan hòa, bỗng dưng lại phải nghe một cụ già đầy kinh nghiệm tuyên bố như thế, thì phải coi là một cú sốc khủng khiếp. Tội nghiệp cho Đức Mẹ của chúng ta.
Lẽ ra khi nghe ông cụ Simêon tiên báo về nỗi bất hạnh của mình, thì Đức Mẹ phải hú hồn, ngất xỉu. Thế nhưng không, cô mẹ trẻ măng vẫn đứng vững, vẫn âm thầm suy gẫm và đón chờ nỗi đau tương lai mà Chúa sẽ gửi tới. Đó là lòng tin của Đức Maria – Mẹ của chúng ta. Chúng ta nên hãnh diện vì có một người Mẹ vĩ đại như thế.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
================
Suy niệm 2
TỔ ẤM YÊU THƯƠNG
Lc 2, 22-40
Bốn mươi ngày sau khi sinh con trai, Đức Maria phải làm lễ thanh tẩy theo luật Môsê, và cùng với thánh Giuse đem hài nhi Giêsu lên Giêrusalem để tiến dâng cho Thiên Chúa trong Đền thờ. Của lễ là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu non. Đây là lễ vật của người nghèo. Thánh gia nghèo nên phải dâng tiến như thế (Lv 12, 8). Đó là điều mà tác giả Luca muốn gợi lên, vì toàn bộ Tin Mừng của ông là “Tin Mừng cho người nghèo” (Lc 4,18). “Thánh hiến” cho Thiên Chúa không đòi hỏi những lễ vậtcao sang. Những người nghèo trên thế giới với áo quần rách rưới, lại “xứng đáng” với Thiên Chúa vô cùng cao trọng… Họ nghèo vật chất nhưng lại giàu lòng nhân, là điều mà Thiên Chúa yêu thích hơn mọi lễ vật (x. Mt 9, 13).
Bất ngờ vào giờ ấy, ông Simêon “được Thần Khí dun dủi” lên Đền thờ, và nhận ra “Đấng muôn dân đợi trông”. Ông vui mừng ẵm lấy hài nhi, dâng lời chúc tụng Thiên Chúa. Ông sẵn sàng ra đi bình an, vì đã nhìn thấy được ơn Thiên Chúa cứu độ. Những lời của ông đã trở thành bài ca “Bây giờ xin chết” (Nunc Dimittis), cũng là tuyệt tác thánh ca của Giáo Hội. Ông còn nói tiên tri về con trẻ Giêsu sẽ là “duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được trỗi dậy”.
Còn có một cuộc hạnh ngộ khác nữa với trẻ Giêsu là nữ ngôn sứ Anna, một quả phụ đã tám mươi tư tuổi, chỉ sống với chồng được bảy năm. Sau đó, đời sống bà gắn liền với Đền thờ, trong sự chay tịnh và cầu nguyện hằng ngày. Một góa phụ từ lúc trẻ như thế không thể tránh khỏi những lần than và nguy hiểm, nhưng rồi bà vẫn một niềm tin cậy và hy vọng vào Thiên Chúa. Hôm nay, bà được phúc nhận ra ngay vị Cứu Tinh bé nhỏ đang được bồng ẵm trên tay của đôi vợ chồng nghèo, và bà cũng vui mừng nói lên ngày cứu độ cho những ai hy vọng. Có biết bao tư tế và luật sĩ thông thái, giỏi giang, am tường Kinh Thánh, nhưng họ đã không nhận ra Chúa. Duy chỉ có cụ già Simêon, và bà cụ Anna đã nhận ra được dung mạo của Đấng cứu thế. Tại sao vậy?
Chúng ta nhận thấy rằng, ông Simêon và bà Anna không chỉđón nhận một cuộc sống cô đơn, chật vật,mà điều quan trọng là họ đã sống công chính theo đường lối của Thiên Chúa. Giữa những nhiễu nhương và lôi kéo của cuộc đời, cũng như giữa những tan tác của một dân Thiên Chúa đã dần dần xa lạc và mất định hướng sống, thì Simêon và Anna vẫn trung thành hết mực với Thiên Chúa, vẫn trông chờ Đấng cứu thế, bằng một đời nghèo khó và thánh thiện. Vì thế, không lạ gì dung mạo của Đấng Cứu Thế đã tỏ hiện sáng ngời trước mặt các ngài.
Lễ Thánh Gia mời gọi chúng ta nhìn vào các gia đình. Truyền thống đạo đức gia đình ngày càng sa sút; ly dị, trẻ em lang thang, thanh niên sống vội yêu cuồng, phá thai, mại dâm, ma tuý ngày càng gia tăng. Gia đình là nền tảng của xã hội, và gia đình Kitô giáo còn là Hội Thánh tại gia. Thực tế, thì gia đình của chúng ta như thế nào?
Điều cần nhận ra nơi Thánh Gia, là tất cả cuộc sống của các ngài đều tập trung vào Giêsu. Gia đình này đã tạo được một bầu khí yêu thương, hòa hợp, vì đặt Đức Giêsu làm trung tâm. Bí quyết đơn giản của hạnh phúc chính là sự hiện diện của Đức Giêsu trong đời sống gia đình. Khi mọi người trong gia đình đều qui hướng vào Chúa, đặt ý Chúa trên hết, thì chính Ngài là bình an và hợp nhất của gia đình. Mỗi gia đình chúng ta hãy nhìn lên tấm gương của gia đình Nazarét, để qua đó họcbiết cách gìn giữ sự an vui hòa thuận và hạnh phúc gia đình mình.
Ngoài ra, sự hiện diện của ông Simêon và bà Anna được coi là tiêu biểu cho đời sống các tín hữu. Nếu chúng ta biết luôn qui hướng về Đức Giêsu và qui tụ quanh Ngài, thì đời sống xã hội, nói riêng là Giáo Hội, sẽ làm nên một thế giới linh thiêng và an lạc cho con người. Đó là hiệu quả đương nhiên của ơn cứu độ mà “Chúa đã dành sẵn cho muôn dân” khi con người dám đón nhận Thiên Chúa vào cuộc đời mình, gia đình mình, vào xã hội và đất nước của mình.
Điều cuối cùng cũng cần ta phải ghi tâm khắc cốt điều này: là để gặp được Chúa trong đời thường, ta cần có lòng mong đợi và khao khát Ngài. Thực tế, cầu nguyện và thánh lễ là đỉnh cao của đời sống Kitô hữu, nơi ta có thể gặp gỡ Chúa hằng ngày. Gặp Chúa mỗi ngày mới hy vọng gặp Chúa mai ngày. Cần luôn sống đẹp lòng Chúa để được Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn, ta mới nhận ra Chúa trong mọi hoàn cảnh của đời mình, mới biết buông mình theo tác động của Ngài, và mới có khả năng nói về Chúa cho con người trong cuộc sống hôm nay.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Để đón nhận thân phận làm người,
Chúa đón nhận mọi điều dang dở,
theo cách ăn nết ở của con người,
cả những quan niệm rườm rà trắc trở,
khiến cuộc sống thêm khổ sở nặng nề.
Chúa đã muốn xuống làm người như thế,
chọn những gì mà thiên hạ khinh chê,
sống những gì mà nhân thế coi thường,
để nói lên trọn vẹn một tình thương.
Nhìn vào đời sống của Thánh Gia,
Ma-ri-a và Giu-se cũng thế,
hết lòng tin và phó thác mọi bề,
sống đơn sơ thanh bần giữa làng quê.
Bao khó khăn và túng thiếu chẳng nề,
theo ý Chúa mà không hề nao núng,
giữa nguy biến các ngài vẫn ung dung,
bởi vì luôn tin có Chúa ở cùng.
Giu-se thì chuyên chăm lao động,
Ma-ri-a thì quán xuyến bên trong,
cả hai hòa nhịp trong cuộc sống,
Chúa Giê-su là nối kết trung tâm.
Xin cho chúng con ngắm Thánh Gia thất,
để củng cố lại tươm tất gia đình mình,
hệ trọng nhất là đời sống đức tin,
và hợp nhất gia đình trong tình mến.
Lấy yêu thương và nhân nghĩa làm nền,
biết cùng nhau đặt Chúa lên trên hết,
để gia đình nên Hội Thánh tại gia,
khiến an vui hạnh phúc ngập cả nhà,
và Tin Mừng từ đó được loan ra.
cho thế giới biết Chúa Trời cao cả. Amen.
Lm. Thái Nguyên ================
Suy niệm 3
GIA ĐÌNH SỐNG TRONG ĐỨC TIN - CẬY - MẾN Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Cứ mỗi lần sau lễ Giáng Sinh, chúng ta lại được hân hoan cùng với Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Thánh Gia Thất. Nhìn vào Thánh Cả Giu-se, Đức Ma-ri-a và Chúa Giê-su Hài Đồng, chúng ta không khỏi bồi hồi suy xét, noi gương, học hỏi nơi gia đình Thánh Gia. Với bao nỗi gian truân khó khăn xoay quanh mỗi gia đình, cũng như vấn nạn về gia đình hiện nay, chúng ta không quên những niềm vui thường ngày trong gia đình, dù nhỏ bé đơn sơ, và đôi lúc khó nhận ra. Trên hết, là một gia đình, chúng ta càng xác tín và sống phó thác, cậy trông hơn, đặc biệt trong thời điểm hiện nay. Như tại Việt Nam, mỗi khi đến lễ Tết Nguyên Đán, các giáo xứ ở Nhật Bản cũng đều chuẩn bị một câu chúc ngắn gọn xúc tích, có thể lấy từ Kinh Thánh, được làm phép trong Thánh lễ đầu năm dương lịch, sau đó phát cho mỗi người, và họ thường treo trước cửa phòng, trước cửa nhà hoặc một nơi nào đó trang nghiêm như nhắc nhở họ sống lời chúc ấy, cũng như chia sẻ thông điệp ấy suốt một năm. Với tinh thần ấy, giáo xứ con năm nay chọn câu: “Sống kiên vững trong đức tin-cậy-mến” (x. 1Cr 13, 13). Với tất cả những gì chúng ta đang cảm nhận, lắng nghe, chứng kiến hằng ngày qua cuộc sống thường nhật, thiết nghĩ có lẽ khiến chúng ta lạc lối, hoảng sợ, thu mình và tệ hơn là thờ ơ, xa cách, nếu chúng ta không có đức tin, đức cậy, đức mến! Như ai trong chúng ta đều biết rõ, đây là ba nhân đức đối thần. Nói khác đi, chúng ta được lãnh nhận ba nhân đức này từ Thiên Chúa, chứ chẳng giống như mọi nhân đức tốt lành thánh thiện khác mà chúng ta có thể tập luyện, đắc thủ. Hơn nữa, vì là nhân đức được lãnh nhận từ Thiên Chúa, nên dù con người có thành công, giỏi dang, xuất chúng đến đâu cũng không thể nào tạo ra được. Chính nhờ lòng tin vững mạnh vào Thiên Chúa, mà ông Áp-ram được đổi tên thành Áp-ra-ham, là cha của kẻ tin, và là tổ phụ của dân tộc đông đảo như sao trên trời, như cát bãi biển, “hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nỗi không”. Thiên Chúa lại phán: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!”” (x. St 15, 5; Dt 11, 12). Vì ông đã tin Ngài, nên ông được kể là người công chính (x. St 15, 6). Chưa hết, tác giả thư gửi cho tín hữu Do Thái đã khẳng định: nhờ đức tin, mà ông Áp-ra-ham vâng nghe và ra đi như Chúa phán bảo, mặc dù ông không biết đích đến là đâu. Nhờ đức tin, khi bị thử thách sát tế đứa con duy nhất mà Thiên Chúa trao ban, Áp-ra-ham đã không ngần ngại thực hiện (x. Dt 11, 8. 17). Quả thật, đức tin đã khiến ông sống phó thác trọn vẹn vào Thiên Chúa, dù không biết tương lai ra sao, không biết nơi sắp đến, thậm chí hy sinh chính người con mà Chúa trao ban. Có lẽ, những gì chúng ta cảm nghiệm và trải qua khác biệt với ông Áp-ra-ham, tuy nhiên, một điều chung nhất chính là đức tin, đức cậy và đức mến mà Thiên Chúa đã ân ban, đồng hành, nâng đỡ, nuôi dưỡng mọi lúc trong đời chúng ta. Là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham, chắc hẳn ông Si-mê-on và bà An-na cũng được thừa kế ân huệ sống tín thác, nhẫn nại chờ trông, đặt hết niềm hy vọng vào kế hoạch của Thiên Chúa “…được Thánh Thần linh báo cho biết: Ông sẽ không chết trước khi thấy Đấng Ki-tô” (x. Lc 2, 26), và “bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa” (Lc 2, 37). Nhờ vào đức tin không lay chuyển, đức cậy kiên vững, và lòng mến dạt dào, mà ông bà đã được tận mắt chứng kiến, tận tay ẵm bồng Đấng Cứu Độ, và tâm hồn hân hoan mừng vui, miệng lưỡi tung hô Thiên Chúa (x. Lc 2, 29-32). Mặc khác, hơn ai hết, gia đình Thánh Gia chính là mẫu gương sống trọn vẹn nhân đức tin-cậy-mến, tuy đoạn trình thuật Tin Mừng theo Thánh Lu-ca 2, 22-40 không nói chi tiết, chỉ mô tả lời tiên tri của ông Si-mê-on nói với Đức Ma-ri-a, và kết thúc với hai câu vỏn vẹn nhưng đầy ý nghĩa cho bối cảnh gia đình chúng ta hiện nay “Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Ga-li-lê-a, về làng Na-da-rét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Ngài” (Lc 2, 39-40). Dù phải đối diện với cuộc sống đơn nghèo, bao nỗi truân chuyên, khó khăn, gian nan nơi làng quê Na-da-rét, nhưng Đức Mẹ và Thánh Giu-se đã luôn chu toàn bổn phận làm cha làm mẹ, sống tin tưởng, phó thác, cậy trông, thực thi giới răn với cả lòng mến, chăm sóc, nuôi dạy Chúa Hài Đồng lớn lên kể cả về mặt thể lực, trí lực và đầy tràn ơn nghĩa với Chúa, cũng như trước mặt muôn người. Cuộc sống gia đình chúng ta hiện nay, thời đại bây giờ biến chuyển nhanh chóng và khác xa với gia đình Thánh gia, nhưng một điều chung bất biến đó là vai trò của cha mẹ đối với con cái, mối quan tâm ân cần dạy dỗ con cái, và tình thân thắm thiết gần gũi của con cái với cha mẹ, cũng như của cha mẹ với con cái trong gia đình. Như gia đình Thánh Gia đã hết mực sống đức tin-cậy-mến dù cho hoàn cảnh nào, thì mỗi gia đình chúng ta nên noi theo, nỗ lực, hỗ trợ nhau trong tin yêu, hy vọng, và để Chúa làm trung tâm gia đình mình qua mọi sinh hoạt thường nhật. Được như vậy, chúng ta sẽ cảm nhận sâu sắc lời kinh nguyện trong nghi thức làm phép nhà: “…Ðể khi ở trong nhà này, họ cảm thấy Chúa là nơi nương tựa; khi đi xa nhà này, họ vui mừng có Chúa là bạn đồng hành; và khi trở về nhà này, họ được Chúa hiện diện luôn mãi, cho đến ngày họ được hạnh phúc viên mãn trong nhà Cha nơi Chúa đã dọn sẵn cho họ…”. Lạy Thánh Gia Na-da-rét Dù cho cuộc sống giá rét đêm sương
Tâm hồn không chút vấn vương
Chẳng hề quên lãng yêu thương mỗi ngày.
Nguyện xin gia đình hăng say
Tin yêu-cậy-mến, thẳng ngay giữa đời.
Cõi lòng chan chứa rạng khơi
Mẹ cha nuôi dưỡng, hết lời bảo ban
Đoàn con ân cần chia san
Kính yêu cha mẹ, bình an sớm chiều. Amen.
Lm. Xuân Hy Vọng ================
Suy niệm 4
Gương soi cho các gia đình (Lc 2, 16-21) Ý nghĩa của Lễ Thánh Gia Thất Tiếp liền sau Lễ Giáng Sinh, do lòng sùng kính Thánh Gia lan rộng ra khắp hoàn cầu, Giáo hội đã cử hành lễ kính Thánh Gia Thất : Chúa Giêsu, Đức Maria Và Thánh Giuse, một mặt để ca tụng tôn vinh Ba Đấng Thánh trong nhà Nagiarét, mặt khác cũng để giúp các gia đình công giáo suy niệm, noi gương bắt chước học đòi nhân đức của Ba Đấng mà sống ơn gọi bí tích hôn nhân của mình như lời cầu nguyện sau: "Lạy Chúa, Chúa đã muốn đề cao Thánh Gia như tấm gương xán lạn để mọi người bắt chước. Xin làm cho chúng con biết noi gương để ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến, hầu được chung hưởng niềm an vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời" (x. Lời nguyện nhập lễ). Với lòng mong ước: "Nagiarét dạy cho chúng ta biết ý nghĩa của gia đình, của sự hiệp thông trong tình yêu, của vẻ đẹp khắc khổ nhưng sáng ngời, cũng như tính cách linh thánh và bất khả xâm phạm của gia đình. Ước chi Nagiarét chỉ cho chúng ta biết rằng việc huấn luyện tại gia đình êm dịu biết dường nào, và không có gì có thể thay thế được. Ước chi Nagiarét dạy cho chúng ta biết vai trò nền tảng của gia đình trong trật tự xã hội" (Sách Các giờ kinh phụng vụ, tập I, Lễ Thánh Gia Thất, Giờ Kinh sách, Lễ Thánh gia thất). Nều nhìn vào sự kiện Lễ Thánh Gia thất được cử hành vào Chúa Nhật giữa Lễ Chúa Giêsu giáng sinh và Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, cũng cho ta nhiều ý nghĩa. Trước tiên, Lễ Thánh Gia thất mặc khải và minh chứng mầu nhiệm nhập thể cách cụ thể: vì Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, có một gia đình như bao người khác, sống trong một gia đình như chúng ta. Việc Người sống trong một gia đình, cũng là một biểu hiệu, Người muốn đem nhân loại vào trong sự hiệp thông trọn vẹn của gia đình Chúa Ba Ngôi. Lễ Giáng sinh và Đầu Năm khi người ta thường trở về gia đình, lớn hay nhỏ, để mừng lễ Giáng Sinh và Tết Dương Lịch, thì gương mẫu của Gia đình Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse, trở nên mầu gương sống động cho mọi phần tử trong gia đình từ cha mẹ đến con cái trong cuộc sống đức tin và lòng hiếu thảo. Các bài sách thánh và các kinh nguyện gợi ý rõ ràng về điểm sau cùng này. Sứ điệp Lời Chúa Tin Mừng năm B được trích theo thánh Luca : nói về việc dâng Chúa Giêsu trong đền thờ để cử hành lễ đặt tên cho con trẻ và thanh tẩy cho bà mẹ theo như luật dạy (Lc 2,22-40); rồi biến cố Con trẻ Giêsu lạc mất trong đền thờ. Những biến cố này nằm trong khung cảnh tôn giáo Do thái và trong phạm vi gia đình thật rõ ràng; vai trò của thánh Giuse và Đức Mẹ được nhận ra trong khung cảnh một gia đình, như các gia đình khác; còn Chúa Giêsu được mô tả như một người con của gia đình, nhưng Người hướng về, và giúp chúng ta hướng về một gia đình cao trọng hơn, trong đó Thiên Chúa là Cha. Bài Sách Cựu Ước dạy chúng ta về lòng hiểu thảo với Cha Mẹ được Thiên Chúa chúc lành (x. Hc 3,3). Con cái phải vâng lời cha mẹ. Nhưng cha mẹ cũng phải vâng lời Thiên Chúa. Thi hành chỉ thị này của cha mẹ đòi hy sinh. Nhưng những hy sinh của bậc cha mẹ để giữ Lời Chúa còn to lớn hơn nhiều. Và có hy sinh như thế mới là đạo đức. bài sách Huấn ca đã giục con cái tìm cách làm đẹp lòng Chúa khi vâng lời cha mẹ; và bài Tin Mừng cho thấy Ðức Maria phải khổ vì thánh ý Chúa nơi chính trẻ Giêsu. Nói cách khác đạo đức gia đình đòi con cái phải vâng lời cha mẹ và cha mẹ tuân giữ Lời Chúa Thư của thánh Phaolô Tông đồ, gửi giáo đoàn Coloxê, nói về bổn phận của từng phần tử trong gia đình: vợ chồng, cha mẹ, con cái (Cl 3,12-21). Thánh Phaolô gọi tín hữu bằng thánh. Họ thánh không phải vì họ tốt lành, nhưng chỉ vì Ðấng Thánh đã tuyển chọn và đang thánh hóa họ. Và Người làm như vậy chỉ vì yêu mến. Nên bổn phận của họ bây giờ là phải đón nhận lấy sự thánh thiện ấy. Trước khi sống, tức là hành động, họ phải cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới là chính sự thánh thiện của Thiên Chúa, để từ đó cư xử như Thiên Chúa. Bài học từ gia đình Nagiarét Nagiarét là trường học để ta khởi sự tìm hiểu cuộc đời của Đức Giêsu; đó là trường học của Tin Mừng. Tại đây trước tiên chúng ta học quan sát, học lắng nghe, chiêm niệm và thấu hiểu ý nghĩa vừa rất sâu xa, vừa rất huyền diệu của Con Thiên Chúa xuất hiện cách đơn sơ, khiêm tốn và dễ thương. Có lẽ chúng ta còn phải học để ầm thầm noi theo. Tại đây chúng ta học được phương pháp giúp ta hiểu Đức Kitô là ai. Tại đây chúng ta nhận ra cần phải quan sát khung cảnh nơi Nguời cư ngụ giữa chúng ta: địa điểm, thời gian, phong tục,ngôn ngữ, nghi lễ tôn giáo,và tất cả hững gì Đức Giêsu đã sử dụng để mặc khải chính mình cho thế gian. Tại đây, mọi sự đều lên tiếng, mọi sự đều có ý nghĩa....." (Sách Các giờ kinh phụng vụ, tập I, Lễ Thánh Gia Thất, Giờ Kinh sách, Lễ Thánh Gia thất, Chúa Giêsu Kitô, Đức Maria, Thánh Giuse). Như vậy việc cử hành lễ Thánh gia thất, mang nhiều ý nghĩa: trong phạm vi thần học, lễ này làm nổi bật mầu nhiệm nhập thể; trong khía cạnh phụng vụ, lễ này hướng về Giáo hội như là gia đình tế tự và cầu nguyện tôn vinh Thiên Chúa; và sau cùng theo ý nghĩa tu đức, nhờ gương gia đình thánh tại Nagiarét, các gia đình công giáo biết sống trưởng thành trong đức tin, đức cậy, đức ái, giữa các phần tử trong gia đình và trong mọi cảnh huống, khi hạnh phúc may lành cũng như khi hoạn nạn khổ đau, như trong Lời nguyện hiệp lễ đọc như sau: Lạy Cha nhân từ, Cha đã nuôi dưỡng chúng con nơi bàn tiệc thánh thể, xin cho chúng con hằng noi gương Thánh Gia Thất, để sau đời khổ ải, được cùng Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh cả Giuse hưởng vinh phúc muôn đời. Amen. Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ ================
Suy niệm 5 GIA ĐÌNH: ĐIỂM TỰA YÊU THƯƠNG
Hạnh phúc gia đình là điều ai trong chúng ta cũng mong muốn có được. Hạnh phúc ấy được xây đắp từ tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái và từ sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Chiêm ngắm Thánh Gia Thất: Chúa Giêsu, Đức Maria, Thánh Giuse, chúng ta nhận thấy: Gia đình là một tổ ấm hạnh phúc, cộng đoàn của tình yêu và cộng đoàn của đức tin. Nét nổi bật nơi gia đình Thánh Gia đó là: “Cha mẹ gương mẫu, đạo đức, con cái thảo hiền”, một mẫu gương sáng cho mọi gia đình chúng ta noi theo.
Gia đình không chỉ là ngôi nhà để che nắng che mưa, mà còn là nơi cha mẹ và con cái được sưởi ấm bởi tình yêu: Yêu và được yêu. Lễ Thánh Gia Thất không chỉ là dịp tôn vinh các gia đình mà còn là cơ hội giúp chúng ta nhìn lại mẫu gương của gia đình Nazareth, để xây dựng hay vực dậy hạnh phúc linh thiêng của mỗi gia đình chúng ta.
Người ta cứ tưởng một gia đình thánh thiện như gia đình Nazareth là một gia đình không gặp khó khăn. Thế nhưng cuộc sống của Thánh gia chẳng bao giờ là êm ả. Đâu phải có Chúa là tránh được những căng thẳng, long đong. Ngay từ đầu, mối tình của Giuse và Maria đã có những hiểu lầm bối rối. Sau này, đôi vợ chồng trẻ còn phải trải qua biết bao cơ cực: vợ sắp sinh đi tìm một quán trọ để qua đêm nhưng không có, cuối cùng phải vào một chuồng súc vật và sinh con ở đó, và rồi sau đó đã phải vội vã đi lánh nạn trong một cuộc hành trình cam go và sống giữa những người xa lạ như Thánh sử Matthêu trình thuật trong Tin Mừng hôm nay.
Bí quyết để giữ được hạnh phúc trong gia đình Thánh Gia là có Chúa ở lại trong gia đình. Có Chúa, có thể gia đình không thoát khỏi những khó khăn, nhưng có Chúa sẽ có hạnh phúc. Sự hiện diện của Chúa Giêsu chính là nền tảng của gia đình Nazareth. Chúng ta đã thấy được sự yêu thương âm thầm nhưng mãnh liệt của thánh Giuse đối với Đức Giêsu và Đức Maria. Tình yêu ấy rất tế nhị, Giuse không nói nhiều nhưng hành động nhanh chóng. Tình yêu là nghệ thuật, cho nên có nhiều gia đình không đạt được tình yêu. Một hành động cụ thể, một sự tương trợ hiệu quả, luôn có giá trị gấp trăm ngàn lần lời nói. Ít ra là sự hiện diện, dù ở hình thức nào, sự gần gũi trong lúc người yêu, người bạn, người thân của mình đang gặp khốn khó, đang đau khổ… cũng đủ nói lên sự trung thành, lòng chung thủy. Khi đó, chúng ta biến mái ấm của mình thành nơi đem lại hạnh phúc thật sự.
Có lẽ chưa bao giờ gia đình lại khủng hoảng trầm trọng trong thế giới như chúng ta đang sống hiện nay. Rất nhiều gia đình đổ vỡ, tan nát: nạn ly thân, ly dị và phá thai… Hơn bao giờ hết chúng ta phải chiêm ngắm mẫu gương Thánh gia ngay trong những hoàn cảnh khó khăn riêng của gia đình mình, để xây dựng hạnh phúc vững bền. Cha mẹ hãy cho con cái một mái ấm gia đình. Xin đừng biến gia đình mình thành địa ngục. Xin đừng biến nơi nương náu của con cái thành một nơi nhầy nhụa tội lỗi. Cha mẹ đừng ly thân, đừng ly dị, đừng bỏ nhau...hãy ở lại với nhau để con cái có cha, có mẹ, để con cái có thể gọi lên những tiếng thân thương: Cha ơi, mẹ ơi. Xin cha mẹ đừng bắt con phải một mình lang thang vất vưởng giữa chợ đời cạm bẫy. Muốn vậy, cha mẹ hãy giữ lấy đức tin và tình yêu là điểm căn cốt của một gia đình Công giáo. Một gia đình hạnh phúc phải là một thế giới xung đột khép lại, một thế giới tình thương mở ra. Gia đình là vương quốc của cha, thế giới của mẹ và thiên đàng của con. Gia đình là trung tâm của tình thương mà mọi lời ước nguyện của con tim quyện vào đấy. Gia đình là nơi duy nhất trên trần gian mà mọi lỗi lầm và thất bại của con người được che đậy dưới chiếc áo bác ái.
Mừng Lễ Thánh Gia hôm nay, mời gọi mọi người chúng ta sống thánh trong chức phận của mình cách cụ thể. Mỗi thành viên trong gia đình hãy biết vun đắp cho gia đình trở nên trong ấm ngoài êm, biết lo lắng, hy sinh, nhường nhịn và tha thứ cho nhau (x. Cl 3,13).Lạy Chúa, gia đình được ví như Hội Thánh tại gia, nơi ươm mầm tương lai cho Giáo Hội. Xin cho mỗi thành viên trong các gia đình biết cùng cộng tác với nhau, xây dựng gia đình mình thành mái ấm tình thương, thành nơi chan chứa tình bác ái và yêu thương. Và sự yêu thương đó lan toả trên gia đình lối xóm và mọi nơi, để mọi người nhìn thấy Chúa đang hiện diện thực sự trong gia đình, mà ca ngợi Thiên Chúa. Amen
Sr Hương Trần - MTG Hưng Hóa ================
Suy niệm 6
Kính Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Cả Giuse
Lc 2, 22-40
Tin Mừng hôm nay thuật lại biến cố thánh gia đem con trẻ Giêsu vào đền thờ để tiến dâng cho Thiên Chúa. Bởi theo luật Môsê, mọi con trai đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa và phải tiến dâng cho Ngài. Thánh gia đã khiêm nhường tuân giữ lề luật, dù trẻ Giêsu là Thiên Chúa thật. Lễ vật nhà nghèo của thánh gia chỉ với cặp bồ câu non. Việc thánh gia dâng Con vào đền thờ mang ý nghĩa lớn lao: Đấng Cứu Thế lần đầu tiên đi vào thành thánh. Nhưng hiếm có ai nhận ra vai trò của con trẻ Giêsu hôm ấy. Nhưng cụ già Simêon được Thần Khí thúc đẩy, ông biết sẽ được nhìn thấy Đấng Kitô trước khi chết. Ông lên đền thờ đúng lúc cha mẹ Hài Nhi đem con tới, ông đón và ẵm lấy Hài Nhi trên tay, mãn nguyện ông chúc tụng Đức Chúa: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài.” Ông là người công chính và sùng đạo, hằng mong đợi Đấng Cứu Thế. Vì ông được nghĩa với Chúa nên Thánh Thần hằng ngự trị nơi ông, giúp ông nhận ra và tuyên xưng Đấng Cứu Thế khi Người còn là Hài Nhi bé bỏng trong ngày được hiến dâng. Cả đời ông mòn mỏi khát vọng, kiên nhẫn và trung tín để rồi được đáp lại bằng cuộc gặp gỡ hôm nay. Với lòng mến yêu Thiên Chúa, ông hạnh phúc sung sướng đến nỗi sẵn sàng chết ngay lúc này. Những lời ông nói hôm nay làm cha mẹ Hài Nhi rất đỗi ngạc nhiên. Nhất là lời ông nói với Đức Maria: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” Người mẹ nào nghe những lời tiên tri về con và cho mình như vậy mà không bị sốc đứng tim, vì thất vọng quá chừng? Nhưng Mẹ Maria thì vẫn bình thản ẵm Hài Nhi đứng đó, chỉ lặng lẽ gẫm suy về lời tiên báo kỳ bí ấy, sau này khi mọi sự xảy đến, cho tới phút cuối cuộc đời cứu chuộc của Con Mẹ.
Cụ già thượng thọ Simêon đến lúc cuối đời được nhìn thấy Đấng Kitô mà hạnh phúc mãn nguyện như vậy. Còn chúng con hôm nay thì sao? Ngay từ lúc ẵm ngửa chúng con đã được cha mẹ đem đến nhà thờ để lãnh Bí tích Rửa tội, để được thanh tẩy và hiến dâng, được thánh hiến, được trao ánh sáng Chúa Kitô. Nhưng cả cuộc đời chúng con mải miết với cuộc sống trần thế, ít dành thời gian tĩnh lặng mà ý thức và cảm mến hồng ân được có Chúa ở cùng, hiện diện đồng hành trong mỗi phút giây. Xin Chúa cho chúng con biết ý thức lại mỗi khi lãnh nhận Bí tích, khi rước Thánh Thể Chúa, để chúng con nhận ra và cảm nghiệm được hạnh phúc có Chúa trong lòng, mà cảm mến chúc tụng và được lớn lên trong ân sủng Chúa.
Én Nhỏ