Thứ sáu, 24/01/2025

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 29 Thường niên và Khánh nhật Truyền giáo

Cập nhật lúc 15:05 19/10/2023
CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN A
Suy niệm 1
Mt 22, 15 – 21

Nước Do Thái bị đế quốc La mã xâm chiếm vào năm 63 trước Công nguyên. Vào thời Chúa hoạt động loan báo Tin Mừng, thì chính quyền La mã trao cho vua Hêrôđê Antipas nắm quyền hành chính trên toàn xứ Galilê. Dù chỉ là ông vua bù nhìn, Hêrôđê vẫn có quyền hành chính trên xứ Galilê; còn quyền quân sự thì Philatô nắm cả ba miền và cả xứ Syria.
Trong bối cảnh ấy, nhóm Pharisêu rủ cán bộ của vua Hêrôđê đến gài bẫy Chúa Giêsu. Họ hỏi Chúa là có nên nộp thuế cho đế quốc La mã không? Đây là một cái bẫy nguy hiểm. Nếu bảo là đừng nộp thuế cho quân xâm lược, thì nhóm Hêrôđê sẽ còng tay Chúa về tội phản động. Nếu bảo là cứ nộp thuế cho nhà nước bảo hộ, thì sẽ bị nhóm ái quốc cực đoan chê Chúa là tên phản quốc. Chúa sẽ mất hết uy tín ngay.
Biết thế, nên Chúa không ừ, mà cũng không hử. Chúa yêu cầu cho xem đồng tiền của đế quốc La mã. Đồng tiền kẽm có hình vua Xêda. Chúa hỏi: “Hình ai đây?” Họ trả lời: “Hình hoàng đế Xêda”. Thế là Chúa trả lời vô tư: “Của Xêda thì trả cho Xêda”. Thế là bẫy không xập. Chúa thoát nạn. Nhóm Pharisêu và cán bộ của Hêrôđê ớ ra. Đành chịu thua. Nhân dịp này Chúa dạy một bài học: “Của Xêda thì trả cho Xêda. Của Thiên Chúa thì trả cho Thiên Chúa.”
Đọc xong bài Tin Mừng chúng ta mừng cho Chúa vì Chúa thoát nạn độc ác; chúng ta cảm phục vì Chúa khôn khéo quá, vì tưởng chết mà thoát chết trong gang tấc. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải ngẫm nghĩ về bài học Chúa dạy các ông Pharisêu và dạy cả chúng ta và dạy mọi người.
“Của Xêda thì trả cho Xêda, của Thiên Chúa thì trả cho Thiên Chúa”. Như vậy có nghĩa là chúng ta có bổn phận đối với Chúa và cũng có bổn phận với tổ quốc. Nước nào cũng có chính quyền. Chính quyền nào cũng có cơ chế và luật lệ. Cơ chế và luật lệ nào cũng là để phục vụ nhân dân. Làm dân thì phải giữ luật: luật hành chính, luật an ninh chính trị. Là dân thì phải đóng thuế cho nhà nước. Là dân thì phải nghĩ đến quyền lợi xóm giềng: luật phòng cháy chữa cháy; luật bảo vệ môi trường sinh sống… Luật thì trùng điệp nhưng vẫn phải thi hành trọn vẹn.
Song song với bổn phận công dân, chúng ta phải chu toàn bổn phận đối với Chúa. Đạo có rất nhiều luật giống như luật đời. Ví dụ cả hai đều cấm trộm cắp, giết người, ngoại tình, gian dâm. Nhưng có những khoản luật của đạo mà đời bỏ qua. Ví dụ: đạo của Chúa không cho đa phu, đa thê và không cho ly dị. Cụ thể là tại Việt Nam, phải chờ đến sau cách mạng 1945, thì luật gia đình Việt Nam mới cấm đa thê, và luật này mới được Thủ Tướng Phạm Văn Đồng khen là luật tiến bộ. Như vậy là luật một vợ một chồng của Chúa phải trải qua gần 2000 năm mới được khen ngợi và đánh giá cao. Còn luật cấm ly dị, thì chưa được các quốc gia chấp nhận, nhưng vẫn được khen ngợi một cách khéo léo. Ví dụ: các nhà lập luật vẫn đồng thanh nói rằng: “không cấm ly dị, nhưng đừng ly dị”; “ly dị là thảm họa của xã hội”. Cảnh sát quốc tế khẳng định rằng: “Hầu hết các vụ thiếu niên phạm pháp đều là con của gia đình ly dị, hoặc là bất hạnh.”
Là ki tô hữu chúng ta phải hãnh diện và thực hành luật của Chúa, đồng thời giữ luật đời không nghịch với luật Chúa.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 2
VIỆC ĐỜI - VIỆC ĐẠO NGƯỜI ƠI!

Một ngày kia tại giáo xứ nọ, theo thường lệ, cứ sau thánh lễ Chúa Nhật buổi sáng, Hội Các Bà Mẹ Trẻ Công Giáo quy tụ cầu nguyện, chia sẽ và hàn thuyên với nhau về cuộc sống hằng ngày cũng như đời sống đạo. Sau khi buổi gặp gỡ kết thúc, một chị tiến đến và tâm sự với tôi những trăn trở, nỗi niềm rối bời giữa cuộc sống xã hội và đời sống đức tin, cũng như những khó khăn giữa trách nhiệm đối với xã hội, gia đình và đối với giáo xứ, đối với Chúa, v.v... và tôi nghĩ câu chuyện này nếu viết hết hoặc kể lại cho thật cùng tận thì có lẽ phải mất cả tuần!
Thưa quý ông bà, anh chị em! Nỗi băn khoăn trên của chị này thiết nghĩ cũng là điều mà mỗi chúng ta hằng suy nghĩ canh cánh trong lòng, thậm chí đôi lúc cũng làm tâm hồn chúng ta trĩu nặng, chùn xuống chăng? Và thật trùng khớp làm sao, trong bài Tin Mừng hôm nay, có thể nói Chúa Giê-su đã trả lời cho vấn nạn trên, đó là “cái gì của Cê-sa-rê thì trả cho Cê-sa-rê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa” (Mt 22, 21). Nghĩa là chúng ta vừa có trách nhiệm đối với xã hội, môi trường xung quanh, nơi ta đang sinh sống, và trên hết chúng ta cũng có trách nhiệm vô cùng trọng đại đối với Đấng dựng nên ta, trao ban sự sống và nuôi dưỡng ta, đó là Thiên Chúa tình yêu. Một vị Thiên Chúa đã ‘gọi đích danh’, đã ‘cầm tay dẫn dắt’ và đã ‘thắt lưng’ cho dân Người tuyển chọn, mặc dù ‘họ không nhận biết Người’ (x. Is 45, 1.4-6). Dẫu cho đến thời sau hết chăng nữa, Thiên Chúa vẫn thực hiện những kỳ công mà Người từng làm, qua cử chỉ yêu thương, quan tâm, đồng hành, nâng đỡ mỗi chúng ta trong từng hoàn cảnh sống, văn hoá, biến động trong xã hội theo thời gian, giai đoạn cuộc đời...Tuy nhiên, bổn phận chúng ta thì sao? Chúng ta có nhận biết Người, cảm tạ Người, và đáp trả, dẫu biết rằng ‘lấy chi đền đáp Chúa bây giờ’ (x. Tv 116, 13) vì chẳng có gì xứng đáng với ‘vô vàn ơn lành Người đã ban cho’ ta!
Một vài ý tưởng giúp suy tư thành hình mỗi khi chúng ta đặt mình vào guồng máy xã hội hiện nay, điều dễ dàng nhận ra là: dường như chúng ta bị quật ngã vì bao cơn lốc xoáy của đòi hỏi, điều kiện khắc nghiệt của thời đại, hơn nữa bị tê liệt, quỵ ngã trước vô số trận sóng thần hung dữ của chủ nghĩa vật chất, hưởng thụ chi phối khá sâu nặng đến đời sống tâm linh. Và vì thế, lối sống đạo hời hợt, giữ luật Chúa dạy quoa loa, dẫn đến tâm hồn của chúng ta xa cách Chúa, xa rời tâm tình tạ ơn, sống biết ơn Người; buồn hơn nữa, chúng ta chạy theo trào lưu rẻ rúng của thế sự, danh vọng, của cải mà quên tình người, tình đời và tình bạn hữu! Ai trong chúng ta cũng được ban cho 24 giờ đồng hồ trong 1 ngày sống, nhưng nhiều người lại biết khôn ngoan sử dụng thời gian ấy để tích trữ ‘của cải không bị hư mất hay bị mối mọt’; ngược lại, khá đông chúng ta lại không biết tận dụng thời giờ quý giá mà sinh ích lợi cho chính mình và cho cộng đoàn! Đi xa hơn một chút, chúng ta thường chú trọng đến vai trò trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, xã hội, mà quên lãng nghĩa vụ đối với Thiên Chúa qua việc cộng tác, đóng góp chân thành, xây dựng cộng đoàn, giáo xứ, Giáo hội tuỳ theo khả năng của mình. Một mặt, trách nhiệm đối với xã hội dễ dàng nhận biết vì ‘có thưởng có phạt’ nhãn tiền; mặt khác, trách nhiệm đối với Chúa, với Giáo hội thì chỉ ‘tuỳ hứng’ hoặc ‘theo cảm hứng’, mà nói cho cùng, chủ yếu phát xuất từ tấm lòng biết ơn, đáp trả vì chúng ta được Người trao ban vô điều kiện và nhưng không. Thiết nghĩ, khi chúng ta biết ý thức và hân hoan thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình đối với Chúa, đối với Giáo hội, thì nghĩa vụ của bản thân đối với tha nhân, cộng đoàn, xã hội sẽ được dưỡng nuôi, sinh lợi như thánh Phao-lô nói “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái…” (x. Rm 13, 8). Chúng ta thường cho rằng: chúng ta có quá nhiều món nợ đối với xã hội, đối với người khác, nhưng chúng ta không cảm nghiệm một cách sâu xa là chúng ta đang ‘nợ’ rất nhiều đối với Thiên Chúa, với Giáo hội, với cộng đoàn giáo xứ nữa đấy!
Để kết thúc bài chia sẽ này, cùng với thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Thes-sa-lô-ni-ca, tôi nguyện chúc anh chị em luôn vững vàng trong đức tin, mạnh mẽ trong đức cậy và hăng say đáp trả, tạ ơn Thiên Chúa cũng như phục vụ anh chị em trong đức mến, vì chưng ‘anh ch em là nhng ngưi đưc Thiên Chúa yêu mến, đưc Chúa tuyn chn, bi vì Tin Mng ca Ngưi nơi anh em, không phi ch vi li nói mà thôi, mà là vi quyn năng, vi Thánh Thn và vi lòng xác tín’ (x. 1Tx 1, 5). Và với lời nguyện ấy, với niềm xác tín vào ơn Chúa, mỗi người chúng ta thành tâm quyết chí sống làm chứng giữa đời qua lời thơ nguyện ngắn dưới đây:
Tạ ơn Thiên Chúa cửu trùng,
Ngàn muôn kiệt tác lẫy lừng Người ban.
Sống sao tín thác chứa chan
Việc đời việc đạo chu toàn tháng năm. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
=================

Suy niệm 3
LO TRẢ
CHO XÊ-DA-RÊ, MÀ CHƯA TRCHO THIÊN CHÚA

Thưa quý ông bà và anh chị rất thân mến! Chúng ta thường nghe về sự tách biệt rõ ràng giữa Giáo Hội và chính thể xã hội nói riêng hoặc xã hội nói chung. Tách biệt ở đây không mang nghĩa tách rời, “mạnh người, người làm; mạnh tôi, tôi làm”, mà đúng hơn, vì vai trò và sứ mệnh của Giáo Hội và xã hội khác nhau, cho nên khác biệt là lẽ thường tình. Hơn nữa, Giáo Hội hiện diện trong xã hội, và xã hội diễn ra trong Giáo Hội. Giáo Hội thực hiện ơn gọi-sứ mệnh của mình là trở nên “muối men cho đời, ánh sáng cho trần gian”, thánh hoá, chỉ hướng xã hội khỏi bị sai lạc, lầm lỗi dựa trên các giá trị chung quy nhất: chân lý, hoà bình, bác ái, công bình, công ích, liên đới, hỗ trợ, nâng đỡ…Và xã hội tuy chi phối, ảnh hưởng đến Giáo Hội, nhưng cũng nên lưu tâm đến đường hướng, lập trường của Giáo Hội, mà mở lòng đón nhận, cộng tác, loan truyền và thực thi.
Mỗi khi được nghe và suy gẫm về đoạn Tin Mừng hôm nay, ai trong chúng ta cũng nằm lòng câu: “của Xê-da-rê thì hãy trả cho Xê-da-rê, còn của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa” (x. Mt 22, 21), và thường được dạy rằng: với vai trò công dân, phải chu toàn bổn phận xã hội, và với vai trò tín hữu, phải chu toàn bổn phận với Thiên Chúa qua Giáo Hội và đời sống đức tin! Đây chính là trách nhiệm hai trong một của mỗi người Công Giáo chúng ta. Như bao nhiêu người bình thường khác, chúng ta phải gánh vác nghĩa vụ và thực thi bổn phận bản thân cho xã hội, thông qua việc tuân thủ pháp luật, hoàn thành trách nhiệm đóng thuế, đóng góp vào sự phồn vinh của xã hội, mà trong đó chúng ta là một thành viên. Nhưng hơn thế, với vai trò là người Công Giáo, chúng ta cũng phải chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa, cụ thể qua Giáo Hội và Giáo phận nói chung, giáo xứ nói riêng bằng đời sống đức tin, yêu thương và thứ tha.
Nói cho cùng, Xê-da-rê hoặc xã hội và những gì được cho là thuộc về Xê-da-rê hay xã hội cũng nhờ vào sự yêu thương, quan phòng, trao ban của Thiên Chúa mà thôi. Vì lẽ Xê-da-rê hay xã hội không thể tự hiện hữu được, mà phải được tạo dựng, được kiến tạo như bao loài thụ tạo khác. Cho nên, theo nghĩa  rộng, tất cả những bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ đối với xã hội, cũng là đối với Đấng đã tạo ra, ân phát xã hội cho con người chúng ta. Gia đình, xã hội, tất cả mối tương quan xung quanh con người là ân sủng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, theo nghĩa đặc thù của xã hội, là một thành viên trong tổng thể liên đới ấy, chúng ta phải biết cộng tác, tuân thủ, đóng góp, dựng xây và chu toàn mọi điều chính trực, đúng đắn, phục vụ cho thiện ích chung, mà nó không bao giờ được đối nghịch với lương tâm chân chính, tốt lành, và nhất là không trái ngược với đức tin, luân lý, trách vụ đối với Thiên Chúa qua Giáo Hội.
Cứ qua mỗi thời, chúng ta lại tốn nhiều công sức, tốn biết bao giấy mực, chữ nghĩa về các sự việc trên, nhưng điều cốt lõi của sứ điệp Tin Mừng hôm nay vẫn mở ngõ, vẫn chưa được thực thi một cách nghiêm túc với cả lòng yêu thương tận tuỵ! Đặc biệt, trong thế giới được mệnh danh là “ngôi làng toàn cầu”, “ngôi nhà chung” hẳn đã kết nối chúng ta gần nhau hơn, trở nên láng giềng hàng xóm thân thiết với nhau hơn; nhưng thật buồn khi đối mặt với thực tế, chúng ta chưa thật sự trở thành anh chị em tốt của nhau (x. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, Thông điệp Fratelli Tutti số 12). Mặc khác, chúng ta hết lòng hết sức đóng góp, chu toàn mọi sự cho xã hội, có thể nói đã “trả những gì của Xê-da-rê cho Xê-da-rê” (x. Mt 22, 21), nhưng chúng ta chưa một lòng một dạ sống đời bác ái, thực thi mệnh lệnh yêu thương, tha thứ, và sống đức tin theo cách thức Chúa muốn, như vậy chưa có thể nói: chúng ta “đã hay đang trả lại những gì thuộc về Thiên Chúa” được (x. Mt 22, 21). Đáng buồn hơn, chúng ta lo làm ăn, tích góp vật chất hầu có đuọc một cuộc sống xã hội sung túc, nhưng lại lơ là trong việc đạo đức, yêu thương, tha thứ, thực hiện sứ mệnh Chúa truyền. Hơn nữa, chúng ta cổ vũ cho các giá trị tinh thần cao quý, nhưng chẳng buồn thực thi; hoặc nếu có thực thiện đi chăng nữa, thì cũng chỉ là phục vụ cho tư lợi, đáp ứng sự tiện lợi, tiện nghi và thoải mái cho bản thân! Chúng ta đang “nai lưng trả lại những gì thuộc về Xê-da-rê, nhưng lại lơ là trong việc hoàn trả những gì thuộc Thiên Chúa”. Lo trao trả cho xã hội, nhưng hoạ hiếm hoàn trả cho Thiên Chúa. Nói một cách đơn giản, chúng ta lo việc trần thế, xã hội, việc “Xê-da-rê”, mà quên mất ơn gọi-sứ mệnh thực thi và chu toàn bổn phận trong đời sống đức tin đối với Chúa cũng như Giáo Hội - hiền thê của Người. Chúng ta nên học nơi giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ka qua thư của Thánh Phao-lô. Ngài đã thổ lộ sự tin tưởng, liên lỉ cầu nguyện của mình đối với đời sống đạo-làm chứng nơi các tín hữu tại Thê-xa-lô-ni-ka: “Tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công vic của lòng bác ái, sự vững lòng trông cy ca anh em vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta” (1Tx 1, 3). Như lời Thánh nhân bộc bạch, chúng ta có thể nhận thấy giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ka đã hết lòng sống đạo, nêu cao gương sáng nơi đức tin-đức cậy-đức mến, và họ nhiệt tâm chu toàn, thực thi bổn phận đối với Thiên Chúa. Một khi, họ hăng hái, nhiệt thành sống giới răn bác ái (mến Chúa yêu người) như vậy thì chắc hẳn họ đang nỗ lực xây dựng cộng đồng liên đới, đang góp sức chung tay kiến tạo một xã hội tốt đẹp, dựa trên mọi giá trị thiêng liêng, luân lý mà họ được lãnh hội từ Tin Mừng, cũng như các giá trị thiện lành nơi xã hội. Do đó, họ đã sống “những gì của Xê-da-rê thì trả lại cho Xê-da-rê, những gì của Thiên Chúa thì trả lại cho Thiên Chúa” (x. Mt 22, 21). Nói đúng hơn, khi tôi ý thức bổn phận “trả lại cho Thiên Chúa tất cả những gì thuộc về Người” thì lúc ấy, tôi cũng đang trong tâm thế và hành động “hoàn trả cho Xê-da-rê cái gì của Xê-da-rê”.
Dẫu biết rằng chúng ta có cố công “trả lại những gì của Thiên Chúa”, thì chẳng thể nào trả hết được. Nhưng thiết nghĩ, Chúa biết rõ thân phận yếu hèn, giới hạn của con người chúng ta trong vai trò công dân hay vai trò tín hữu, nên có lẽ Người không bắt chúng ta trả hết như bài hát “trả hết trả hết cho người” đâu! Đúng hơn, Người mong muốn chúng ta luôn sống biết ơn, tri ân, cảm tạ, và cố gắng nỗ lực thực thi giới răn yêu thương với lòng khoan dung, tha thứ, biết “t thương như Cha trên trời là Đấng thương xót” (x. Lc 6, 36). Ngoài ra, Chúa cũng muốn chúng ta chu toàn bổn phận đối với tha nhân, đối với gia đình, cộng đoàn, xã hội như đã được tóm gọn trong giới răn yêu thương “tuy hai mà một, tuy một mà hai” (mến Chúa, yêu người), bao hàm cả trách nhiệm, bổn phận thực thi luật lệ dân sự, quy định xã hội, nhưng không nhu nhược trước một bộ phận chuyên quyền, một nhóm lợi ích cá nhân, một chính thể suy đồi, một triết thuyết ma mị nào mà họ tự cho là đại diện của toàn thể xã hội nói chung! Vì quả thật, lời tiên tri của ngôn sứ I-sai-ah hàng ngàn năm về trước vẫn là chân lý, không mai một và không lỗi thời chút nào “Ta là Chúa, và chẳng còn chúa nào khác: ngoài Ta ra, không có Thiên Chúa nào nữa. Dù ngươi không biết Ta, Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ, để các kẻ từ đông sang tây nhận biết rằng ngoài Ta ra không có ai khác: Ta là Chúa, và chẳng có chúa nào khác” (Is 45, 5). Nơi gian trần, vua chúa, vương đế, nữ hoàng, hoặc bá vương hiện hữu, nhưng không có chúa nào khác ngoài một Đấng duy nhất, chính là Thiên Chúa đích thật, Người tác tạo muôn loài, muôn vật, kể cả “Xê-da-rê”, xã hội, và Người là Đấng ban sự sống.
Lạy Chúa, giữa đời biến động
Đời con như chiếc chong chóng quay quay.
Xoay theo chiều gió (mà) chẳng hay
Cất công thanh toán, tháng ngày cứ trôi
Của Xê-da-rê (con) trả rồi
Nhưng đối với Chúa, khất hồi nay mai!
Xin cho con biết miệt mài
Chu toàn bổn phận với Ngài, với “ta” (với nghĩa “tha nhân, xã hội”)
Một lòng hăng hái thiết tha
“Sống đời đẹp đạo” vang xa khắp miền. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

=================

Suy niệm 4
MỌI SỰ LÀ CỦA CHÚA, HÃY TRẢ THIÊN CHÚA
(Mt 22, 15-22)
Dịp lễ Đức Mẹ La Vang, tháng 8 năm 2017, khi đề cập đến tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Girelli nhận định rằng, tại một số tỉnh, nhà cầm quyền lo lắng và phàn nàn về người Công Giáo và các hành động của họ. Nhưng ngài khuyên nhà cầm quyền CSVN nên nhận thức rằng, Giáo Hội Công Giáo nên được xem như một điều tích cực, thay vì một điều có vấn đề đối với đất nước.
Trích câu nói thời danh của Chúa Giêsu rằng: “Trả cho Caesar những gì của Caesar, và trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa”. Đức Tổng Giám Mục Leopoldo nói tự do tôn giáo không phải cái gì thuộc về các quan chức chính quyền, mà phải nằm trong tay của người dân. Ông kêu gọi “các Caesar Việt Nam hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”.
Đoạn Tin Mừng hôm nay mang đầy tính thời sự vì chúng ta đang sống trong một thế giới con người muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài cuộc sống, hoặc nhận tất cả về mình, không còn kể đến Thiên Chúa nữa. Câu kết của đoạn Tin Mừng hôm nay đã trở thành lời bất hủ và ghi đậm dấu ấn trong lịch sử, trong tương quan phân chia, sở hữu thường ngày. 
Thầy dạy bảo đường lối Thiên Chúa
Chúng ta khẳng định, Chúa Giêsu là Lời sống động của Thiên Chúa thế mà con người lại cố tìm để bắt lỗi Lời của Ngài! Con người nói : “Thầy dạy bảo đường lối Thiên Chúa“, nhưng vẫn cứ hỏi: “Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?” (Mt 22, 17). Hỏi để mà hỏi, không phải để biết cho bằng gài bẫy. Thực tế nhóm Pharisiêu lại tự bẫy và trói chặt mình trong câu hỏi lưỡng nan ấy. Bằng cách từ chối đơn giản hóa vấn đề của đối phương, Chúa Giêsu đặt ra vấn đề căn bản mới và thiết yếu là : ai đứng vào vị trí Thiên Chúa?
Chính vì họ hỏi con đường của Thiên Chúa, “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy … dạy bảo đường lối Thiên Chúa” (Mt 22, 16), nên Người dẫn họ đi theo hướng đó, đây là tất cả giáo lý của Chúa. Thấu hiểu tâm tư của họ, Chúa bảo họ đưa cho xem đồng tiền, xem xong, thấy có khắc hình của một hoàng đế trên đồng tiền, họ khẳng định đó là hình của Cêsarê, Chúa nói: “Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê” ( Mt 22, 21). 
Thực tế, người Do thái không nhận biểu tượng hình ảnh này, dù Cêsarê được biết đến là một hoàng đế tự cọi mình là thần đi chăng nữa, ông cũng chỉ là một con người. Theo Lời Chúa trong sách Sáng Thế, chỉ có Thiên Chúa làm ra con người giống hình ảnh Chúa cách sống động : “Chúng ta làm ra con người giống hình ảnh chúng ta và giống chúng ta” (St 1, 26). Hãy trả đồng tiền này cho chủ nhân của nó và hãy trả cho Thiên Chúa linh hồn chúng ta.
Linh hồn chúng ta thuộc về Chúa
Đồng tiền mang hình ảnh của Cêsarê, nhưng linh hồn chúng ta là chính hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, thể theo thánh vịnh:  ” Lạy Chúa, xin tỏa ánh tôn nhan Người trên chúng tôi”. (Tv 4, 7) … Ánh tôn nhan Thiên Chúa là ánh của ân sủng ghi dấu trên chúng ta hình ảnh Ngài, làm cho chúng ta giống Ngài, ánh tôn nhan Chúa còn là ấn tích được ghi trong trí chúng ta, chúng ta nhận biết ai đó nhờ khuôn mặt của người ấy, thì Thiên Chúa cũng nhận biết chúng ta nhờ tấm gương của lý trí. Nhưng lý trí này đã bị biến dạng do tội lỗi con người, vì tội lỗi khiến con người chống lại Thiên Chúa. Ân sủng Đức Kitô sửa chữa lại lý trí chúng ta. Đó là lý do tại sao thánh Tông đồ Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Êphêsô rằng: ” Hãy đổi mới tình thần ” ( Ep 4, 23). Ánh sáng ở đây còn là ân sủng, nhằm phục hồi hình ảnh Thiên Chúa ghi khắc trong chúng ta.
Thiên Chúa Ba Ngôi đã khắc ghi vào con người hình ảnh giống Ngài. Con người giống Chúa Cha ở điểm trí nhớ, giống Chúa con ở trí hiểu, giống Chúa Thánh Thần ở chỗ biết yêu mến… khi tạo dựng, con người được dựng lên ” giống hình ảnh Chúa” (St 1, 26). Hình ảnh trong sự nhận biết chân lý, tương tự trong nhân đức yêu thương. Ánh tôn nhan Thiên Chúa chính là ân sủng công chính hóa chúng ta và một lần nữa cho thấy hình ảnh được tạo ra. Ánh sáng này là tất cả những điều tốt đẹp nơi con người, được ghi dấu, như hình ảnh của nhà vua trên đồng tiền. Đó là lý do tại sao Chúa nói: “Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê” (Mt 22, 21). Điều này ý nói : phải trả cho Cêsarê hình ảnh của Caesar, trả cho Thiên Chúa linh hồn anh em, đã được điểm tô và ghi dấu ánh sáng tôn nhan Thiên Chúa. Chúng ta không thể trao cho Cêsarê linh hồn của chúng ta, nó luôn thuộc về Chúa. 
Mọi sự là của Chúa
Lời Chúa Giêsu nói: “Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa“( Mt 22, 21) xác lập một sự khác biệt sâu xa giữa thiêng liêng với thế trần, làm nền tảng cho sự tìm kiếm của người kitô hữu trên mặt đất này. Con người là trung tâm và tột đỉnh của sự sáng tạo, phẩm giá con người hiện nay được thừa nhận rộng rãi, tuy nhiên, khó khăn vẫn còn đó, chúng ta phải phân biệt hai chủ quyền khác nhau của Thiên Chúa trên thế giới. Cêsarê và Chúa không ở cùng một cấp độ, Chúa là Đấng Sáng Tạo, Chúa tể trời đất, Cêsarê là hoàng đế, những ông cũng chỉ là một thụ tạo, một con người, ông phải phụ thuộc vào Chúa và cũng phải trả lẽ trước mặt Chúa, đây không phải là Thiên Chúa hoặc Cêsarê mà là Thiên Chúa và Cêsarê, mỗi vị trong cấp độ xứng hợp riêng của mình.
Vậy “Trả cho Cêsarê những gì thuộc về Cêsarê” nghĩa là trả cho Cêsarê những gì chính Chúa muốn trao cho Cêsarê. Chúa thống trị trên tất cả kể cả Cêsarê, nên Thiên Chúa làm chủ quyền thiêng liêng Nước Chúa được thực thi trong Chúa Kitô qua Giáo hội của Người. Đương nhiên, Ngài làm chủ cả thế tục và thể chế chính trị mà Chúa thực hiện gián tiếp qua các quyền bính thế gian. Về vấn đề này, Chúa Giêsu đã từng nói rõ với Philatô khi ông nói với Chúa : “Ông không biết rằng ta có quyền tha ông, mà cũng có quyền đóng đinh ông hay sao?” (Ga 19, 10)  Chúa Giêsu đáp : “Quan chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban xuống cho” (Ga 19, 11). Thánh Phaolô là người đầu tiên nhìn thấy hiệu quả của giáo huấn này nên viết: “Mọi người hãy phục tùng chính quyền bởi vì không có quyền bính nào mà không đến từ Chúa. Ai chống lại quyền bính thì chống lại trật tự Thiên Chúa đã đặt ra… đó là lý do tại sao anh em phải nộp thuế bởi vì chính quyền chịu trách nhiệm như những người phục vụ Chúa” (Rm13,1).
Trước khi vâng lời con người, chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa và lương tâm chúng ta. Đó cũng là nghĩa vụ của chúng ta phải nói với Cêsarê, cụ thể với quyền bính thế gian rằng, hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa
Lạy Chúa là Đấng tạo thành trời đất và là chủ muôn loài, tất cả thuộc về Chúa, xin cho chúng con biết luôn hướng lòng về Chúa và tôn thờ Chúa là Chúa chúng con. Amen.

Lm. An–tôn Nguyễn Văn Độ

=================

Suy niệm 5
HÃY TRẢ CHO THIÊN CHÚA

Is 45,1.4-6; 1Tx 1-5b; Mt 22, 15-21
Những người thù nghịch, chống đối Đức Giêsu đã cử mấy người, gồm cả Pharisêu và phe Hêrôđê nữa. Họ đến hỏi Đức Giêsu, để Ngài lỡ lời mà mắc bẫy: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” (Mt 22, 16-17). Họ khéo mở đầu bằng những lời trịnh trọng tôn sư, tâng bốc, nịnh bợ dễ nghe. Họ nghĩ mình nắm chắc phần thắng, vì Ngài chỉ có thể trả lời có hoặc không. Nếu trả lời phải nộp, Ngài sẽ bị kết tội vào hùa với ngoại bang bóc lột dân chúng. Còn nếu trả lời không phải nộp, họ sẽ kết tội Ngài chống lại hoàng đế Xêda. Nhưng Đức Giêsu thấu biết bên trong tâm dạ giả hình của họ, Ngài hỏi ngay: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!” (Mt 22,18).
Ngày nay trong đời sống người Kitô hữu chúng con nhiều khi cũng chẳng khác gì những người Pharisêu này, khi đến với Chúa mà chỉ muốn lèo lái, bắt Chúa thực hiện theo ý mình những điều chúng con muốn và đang cầu xin. Bình thường tôi sống có vẻ ngoan đạo, nhưng khi bị động chạm đến danh dự, của cải là có thể nổi khùng, không còn biết mình là ai nữa.
Vì tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lỗi của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thể ấy”. (Is 55, 8-9).
Các ông Pharisêu chờ ngóng trước câu trả lời lưỡng nan, nhưng Đức Giêsu giải quyết thắc mắc của họ thật nhanh chóng và khôn ngoan: “Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!” (Mt 22, 19). Đến lượt họ bị thẩm vấn: “Hình và hiệu này là của ai đây?” (Mt 22, 20). Rồi người phân giải rõ ràng: “của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” (Mt 22, 21). Những kẻ gài bẫy Người phải trắng mắt, hết sức ngạc nhiên về Người.
Người Kitô hữu vừa có bổn phận xây dựng trần thế và có bổn phận dựng xây cho nước trời. Nhưng điều cao sâu hơn, vượt lên chuyện sòng phẳng ấy, là sống chết cho Tình Yêu. Chúa yêu con nên Chúa nộp mình, Chúa chết cho con và vì con. Con yêu Chúa, con dám hiến dâng trọn cuộc đời cho Chúa, vui vẻ hiến dâng thân mình để phục vụ anh em, cho dẫu phải thiệt thòi hay đau khổ bản thân, vẫn một niềm “sống chết cho Tình Yêu”.
Én Nhỏ

=================

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
Suy niệm 1
LOAN BÁO TIN MỪNG
Mc 16, 15-20
Truyền giáo là một từ ngữ đã gây nhiều vấp váp và hiểu lầm trong quá khứ, cũng không phải là từ ngữ dễ nghe đối với thế giới ngày nay, một thế giới đa nguyên, đa tôn giáo. Chúng ta dùng từ “truyền giáo” dịch từ tiếng Latinh là “missio”. Đúng hơn đây là một “sứ mạng” của toàn thể Giáo hội phát xuất từ một mệnh lệnh và là một ước mơ của Đức Kitô Phục Sinh: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo…".Không lạ gì mà ngay sau Công Đồng Vatican II năm 1967, Đức Phaolô VI đã quyết định chính thức đổi Bộ Truyền Giáo thành “Bộ Loan Báo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc”.Tuy nhiên, ở Việt Nam thì từ “truyền giáo” vẫn còn tiếp tục được dùng một cách rất tự nhiên và nhiều khi ngay cả trong các bản văn chính thức.
Vì thế, truyền giáo mà chúng ta muốn nói đến ở đây là “sứ mạng” hay “làm chứng”,hoặc hình tượng hơn là “làm muối,” “làm men,” “làm ánh sáng”… Đó là những hình ảnh chính Chúa Giêsu đã dùng khi trao sứ mạng cho các môn đệ. Muối, men, ánh sáng thì không ồn ào áp chế – công việc của nó là âm thầm hiện diện, và chỉ cần hiện diện đúng như bản chất của mình, tự khắc môi trường xung quanh nó sẽ thấm mặn, sẽ dậy men, và sẽ đầy ánh sáng. Đó phải là bản chất của mỗi Kitô hữu, nói lên sứ mạng mà chúng ta đã lãnh nhận từ khi chịu phép Rửa tội, nhất là khi chịu phép Thêm sức. Trong ý nghĩa đó mà thánh Phaolô đã khẳng định: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.
Truyền giáo hay loan báo Tin Mừng thuộc về bản chất của Giáo hội. Không truyền giáo, Giáo Hộikhông còn là Giáo Hội. Giáo xứ mà không truyền giáo thì không còn là giáo xứ. Gia đình hay bản thân chúng ta cũng thế, không truyền giáo là không tin Chúa, bởi vì đức tin không có hành động là đức tin chết. Hành động của đức tin là đức ái, mà đức ái cao cả nhất là ban tặng chính Chúa cho người khác.
Hằng ngày chúng ta vẫn cầu nguyện choNước Cha trị đến. Cầu mà không làm là giả dối. Làm mà không nhiệt tìnhlà coi nhẹ Lời Chúa. Tuy nhiên, làm việc truyền giáo không phải là chiêu dụ hay mua chuộc người khác,mà làsự hấp dẫn họ bằng chính đời sống mình, một đời sống chân thật, hiền lành, khiêm tốn và yêu thương phục vụ;một đời sống cho thấyThiên ChúalàĐấng Tạo Thành,và là Cha nhân lành của toàn thể nhân loại, nên mọi người đều là anh em với nhau.
Sứ vụ truyền giáo của Giáo hội thời nào và ở đâu cũng bắt đầu từ mẫu gương Chúa Giêsu.Ngài đi đến với mọi người, nhất là những người nghèo hèn, bệnh tật, tội lỗi. Ngài yêu quí họ, sống gần gũi với họ, cứu giúp và nâng đỡ họ, đem lại an vui và sự sống dồi dào cho họ. Ngài sống nghèo nàn, đơn giản, khiêm nhu phục vụ, đón nhận mọi đau khổ do chính sự gian ác của con người, và cuối cùng hy sinh mạng sống mình làm giá cứu chuộc, nói lên tình yêu cực độ của Thiên Chúa đối với mọi người.Nếu ta thực sự yêu mến Chúathì hãy làm như Chúa đã làm, sống như Chúa đã sống, nghĩa là dám ra khỏi mình để đến với mọi người.
Người tín hữu Việt Nam hình như đang “nhốt Chúa” trong nhà thờ, trong nhà mình, trong cộng đoàn giáo xứ mình. Hay một số giáo sĩ, tu sĩ cũng vậy, thay vì đi ra đến với mọi người, thì lại thích bám trụ trong cơ sở và vị thế của mình để sống an toàn. Vì lý do này mà Đức Thánh Cha Phanxicô phải nhấn mạnh rằng:“Giáo hội phải như Thiên Chúa: luôn đi ra; và khi Giáo hội không đi ra, Giáo hội bị bệnh. Tại sao trong Giáo hội có nhiều bệnh? Vì Giáo hội không đi ra ngoài. Đúng là khi một người đi ra ngoài sẽ có thể gặp nguy hiểm, tai nạn. Nhưng một Giáo hội gặp tai nạn do ra đi loan báo Tin Mừng thì tốt hơn là một Giáo hội ốm yếu do đóng kín. Thiên Chúa luôn ra đi, vì Ngài là Cha, vì Ngài yêu thương. Giáo hội phải làm như vậy: luôn đi ra ngoài”[1].
Riêng ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta tập trung vào chủ đề “Lòng bừng cháy, chân tiến bước”, được gợi hứng từ câu chuyện Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau. Từ đó, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta đổi mới lòng nhiệt thành truyền giáo dựa trên 3 hình ảnh:
(1)Lòng các ông bừng cháy khi nghe Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh.
(2) Mắt các ông mở ra khi Người bẻ bánh.
(3) Chân các ông rảo bước lên đường, hân hoan kể cho người khác biết về Chúa Kitô Phục Sinh.
- Trước hết, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của Kinh Thánh. Theo ngài, việc biết Kinh Thánh rất quan trọng đối với đời sống Kitô hữu, và ‘thậm chí còn quan trọng hơn việc rao giảng Chúa Kitô và Tin Mừng của Người”.
- Ngài cũng nhắc lại với chúng ta về tầm quan trọng của Bí Tích Thánh Thể: “Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của sứ mạng”. Vì vậy, để việc truyền giáo có kết quả, chúng ta cần kết hiệp với Chúa Kitô qua kinh nguyện hằng ngày, đặc biệt là bằng việc tôn thờ Thánh Thể.
- Và việc vội vã lên đường để chia sẻ với người khác niềm vui gặp gỡ ChúaNgười ta không thể gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh mà lòng không bừng cháy nhiệt tình để nói cho mọi người về Đấng Phục Sinh.
Đoạn cuối của Sứ Điệp, Đức Thánh Cha nói rằng:“Tất cả các thành viên của Giáo Hội đều được ủy thác sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô. Và chúng ta có thể đóng góp cho phong trào truyền giáo này: bằng những lời cầu nguyện và hoạt động của chúng ta, bằng những của lễ vật chất và dâng những đau khổ của chúng ta và bằng chứng tá cá nhân của chúng ta”.
Mỗi Kitô hữu và các cộng đoàn giáo xứ có rất nhiều cách thức khác nhau để sống sứ vụ loan báo Tin Mừng theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha,bằng những việc cụ thể sau đây:Đọc Lời Chúa hằng ngày trong gia đình; Tổ chức giờ chia sẻ Lời Chúa cho các lớp Giáo lý và các Hội đoàn trong giáo xứ; Trung thành tham dự các giờ Chầu Thánh Thể tại giáo xứ; Giúp các em giáo lý có thói quen viếng Chúa Giêsu Thánh Thể; Thăm viếng, an ủi, nâng đỡ những người yếu lòng tin; Gần gũi, thân thiện và chân thành với mọi người, đặc biệt những người không cùng tôn giáo; Tập cho các em giáo lý biết chia sẻ và giúp đỡ nhau.
Xin cho mỗi kitô hữu luôn cảm nhận niềm vui gặp gỡ Chúa và hân hoan lên đường loan báo niềm vui Tin Mừng ấy đến cho mọi người.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Loan Tin Mừng là nhiệm vụ cấp thiết,
là sứ vụ cuộc đời Ki-tô hữu,
để Chúa đến và làm chủ nhân gian,

mang lại ơn cứu độ cho con người.
Có biết bao người đang tìm Chúa,
đang khao khát được gặp Chúa,
đang mong nghe được Lời Chúa,
đang muốn thấy Chúa qua chúng con.

Trước tiên cho con biết nguyện cầu,
để tình yêu Chúa được thấm sâu,
để có nhiều tâm hồn quảng đại,
không ngại dấn thân phụng sự Chúa.

Cho con biết hăm hở và niềm nở,
trong tương quan gặp gỡ với mọi người,
với thái độ chân thành và thương mến,
tạo an vui và liên kết vững bền.

Nhưng đến với mọi người thật không dễ,
vì trong xã hội vô thần và duy vật,
có nhiều điều cách biệt trong tâm tưởng,
với quan niệm và lối sống trái ngược.

Xin cho con cứ nỗ lực dấn thân,
dám đi đến với tất cả mọi người,
cứ nhiệt tâm ân cần với sứ vụ,
đừng nghi ngờ sợ lo hay phòng thủ,
chỉ sợ con không yêu đủ mà thôi.

Con cảm thấy như Chúa đang than thở:
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít...”
và con biết Chúa đang kiếm tìm người,
Này con mạo muội chân tình xin thưa:
Con đây lạy Chúa hãy đưa con vào. Amen

Lm. Thái Nguyên


[1]https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-09/dtc-phanxico-tc-luon-ra-di-tim-kiem.
=================

Suy niệm 2
Đáp lời Chúa mời gọi
Thiên Chúa là Cha giàu lòng yêu thương, hết sức trân quý loài người là đoàn con chí ái mà Ngài đã sinh ra và ấp ủ trong tình yêu thương thắm thiết. Tiếc thay, hàng tỷ người trên mặt đất hiện nay không nhận ra Ngài là Cha, chưa biết mọi người chung quanh là anh chị em ruột thịt con cùng Cha trên trời… Vì thế, họ quay lưng lại với Cha trên trời, họ sống thù nghịch với nhau, gây cho nhau vô vàn đau thương khốn khổ trong suốt dòng lịch sử.
Trước thảm cảnh nầy, Thiên Chúa đau lòng vô hạn và Ngài khao khát cho muôn dân nhận biết Ngài là Cha, nhìn nhận nhau là anh chị em một nhà, nhờ đó mới có thể chấm dứt bao cảnh huynh đệ tương tàn, để cùng nhau xây dựng cuộc sống hạnh phúc trong đại gia đình Thiên Chúa. Đây là nỗi khát khao mãnh liệt nhất của Thiên Chúa.
Để xoa dịu, để giải tỏa “cơn khát” nầy, Thiên Chúa không ngừng thôi thúc chúng ta là những đứa con trong nhà hãy lên đường dẫn đưa các anh chị em chưa biết Cha về đoàn tụ.
Lời mời gọi khẩn thiết của Thiên Chúa 
Rất nhiều lần, lời mời gọi của Chúa Giê-su vang dội trong tâm hồn chúng ta:
“Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5,4).
“Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy các con hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2)…
Gần đây, qua Đức thánh Cha Phan-xi-cô, Thiên Chúa tiếp tục thúc giục chúng ta cách quyết liệt và khẩn thiết:
“Tôi thà có một Hội thánh bị bầm dập, mang thương tích và lem luốc vì phải lên đường, hơn là một Hội thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình.[1]
Thế nhưng, những lời thôi thúc mời gọi đó vẫn chưa lay động con tim vô cảm của chúng ta, vẫn chưa khơi lên được ngọn lửa truyền giáo đã tắt ngúm trong tâm hồn chúng ta, mà chỉ như một làn gió thoảng qua rồi tan biến!
Thiên Chúa làm thế nào để đưa những đứa con chưa biết Cha về đoàn tụ?
Để đưa những người con chưa biết Cha về đoàn tụ, Thiên Chúa trao cho chúng ta hai nhiệm vụ sau đây:
- Thứ nhất, Ngài muốn chúng ta trở nên môi miệng Ngài để loan báo cho muôn người nhận biết họ có một Người Cha tuyệt vời là Thiên Chúa và mọi người là anh chị em ruột thịt con cùng Cha, để cùng nhau vui sống trong tình yêu thương.
- Thứ hai, Thiên Chúa muốn dùng chúng ta là những bàn tay của Ngài, đưa ra để dẫn dắt anh chị em lưu lạc về với Ngài.
Thế rồi, Thiên Chúa ngày đêm mong đợi mỗi người chúng ta cấp tốc thực hiện ước vọng của Ngài, để sớm dẫn đưa bao người con lưu lạc về nhà Cha.
Nếu chúng ta không đáp ứng, Ngài sẽ thất vọng và đau lòng xiết bao!
Giờ đây, mỗi người trong chúng ta hãy tự hỏi mình:
- Chúa cần đến tôi là môi miệng Chúa để loan báo Tin mừng, tôi đã loan Tin mừng cho ai chưa? Và nếu chưa thì chờ đến bao giờ mới bắt đầu?
- Chúa cần đến tôi là bàn tay của Chúa để dẫn đưa anh chị em chưa nhận biết về nhà Cha, tôi đã làm chưa? Nếu chưa thì đợi đến bao giờ mới khởi sự?
Lạy Chúa Giê-su,
Từ thân phận bụi đất thấp hèn, Chúa đã đoái thương nâng chúng con lên làm chi thể Chúa và cho tham dự vào vai trò ngôn sứ của Chúa để loan Tin mừng cứu độ muôn dân.
Xin cho chúng con không bao giờ là bàn tay tê bại, nhưng luôn là bàn tay hoạt động thật nhiệt thành để Chúa sử dụng mà đưa nhiều người về đoàn tụ trong nhà Cha. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà


[1] Tông huấn Niềm vui Tin mừng số 49
================= 
Suy niệm 3
Thế giới đang khát Tin Mừng Hoà Bình

(Is2, 1-5; 1 Tm 2, 4 - 6; Mc 16, 15-20)
Khánh Nhật Truyền giáo lần thứ 97 được cử hành vào ngày 22/10/2023, đang lúc Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới lần thứ 16 diễn ra ở Rôma. Tại Gaza, ngày 07/10, Hamas đã châm ngòi cuộc chiến bắn hại bao người vô tội Israel. Cuộc giao tranh giữa hai bên tính đến ngày 17/10 đã khiến khoảng 4.400 người thiệt mạng, ít nhất 16.000 người bị thương, trong khi cuộc chiến do Nga khai mào tại Ucraina vẫn chưa chấm dứt. Những gì xảy ra trên thế giới cho thấy nhân loại đang khát Tin Mừng Hoà Bình.
Lòng bừng cháy và chân tiến bước
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2023 có chủ đề là: "Lòng bừng cháy" và "chân tiến bước" (Lc, 24, 13-35), thuật lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu Phục Sinh với hai môn đệ trên đường Emmaus. Đức Phanxicô mời gọi các môn đệ truyền giáo của Chúa Kitô, trong tinh thần hiệp hành truyền giáo, hãy ra đi với « lòng bừng cháy » và « chân tiến bước » như hai môn đệ trên đường về Emmaüs để loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô phục sinh. Ngài khẳng định : "Sự cấp thiết hoạt động truyền giáo của Giáo hội dĩ nhiên bao hàm một sự cộng tác ngày càng chặt chẽ giữa mọi phần tử trên mọi cấp độ. Ðây là mục tiêu chính yếu của hành trình Thượng Hội đồng Giám mục mà Giáo hội đang thi hành, với ba từ chủ chốt là "Hiệp thông, tham gia, sứ mạng"… Tiến trình này là lên đường như các môn đệ trên đường Emmaus, lắng nghe Chúa Phục Sinh, Ðấng luôn đến giữa chúng ta để giải thích ý nghĩa Kinh Thánh và Bẻ Bánh cho chúng ta, để chúng ta có thể thi hành sứ mạng của Chúa trong thế giới với sức mạnh của Thánh Linh".
Ðức Thánh Cha nhấn mạnh : "Ngày nay cũng như bấy giờ, Chúa Phục Sinh ở gần các môn đệ thừa sai và tiến bước cạnh họ, nhất là khi họ cảm thấy mất hướng đi, nản chí, sợ hãi trước mầu nhiệm sự ác vây bủa và muốn bóp nghẹt họ. Vì thế, "Chúng ta đừng để mình bị cướp hy vọng!"
Tiếp đến, Chúa Giêsu giải thích Kinh Thánh cho hai môn đệ, làm cho tâm hồn họ nồng cháy. "Chúa Giêsu là Lời Hằng Sống, Lời duy nhất có thể làm nồng cháy, soi sáng và biến đổi con tim". Trong sứ điệp, Ðức Thánh cha nói đến hai môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu trong lúc Ngài Bẻ Bánh. Chúa Giêsu trong Thánh Thể là tột đỉnh và là nguồn mạch sứ mạng truyền giáo.
Ðức Thánh cha cũng nhắc nhở rằng nguyên việc bẻ bánh vật chất chia sẻ với những người đói, nhân danh Chúa Kitô, đã là một hành vi truyền giáo theo tinh thần Kitô giáo. Huống chi việc Bẻ Bánh Thánh Thể, chính Chúa Kitô, càng là hoạt động truyền giáo tuyệt hảo, vì Thánh Thể chính là nguồn mạch và là tột đỉnh đời sống và sứ mạng của Giáo hội".
Thế giới đang khát Tin Mừng Hoà Bình
« Hình ảnh « chân tiến bước » một lần nữa nhắc nhở chúng ta về giá trị trường tồn của missio ad gentes (sứ mạng đến với muôn dân), sứ mạng, được Chúa phục sinh trao ban cho Giáo hội, để loan báo Tin Mừng cho mọi người và mọi dân tộc cho đến tận cùng trái đất. Ngày nay hơn bao giờ hết, nhân loại, bị tổn thương bởi quá nhiều bất công, chia rẽ và chiến tranh, đang cần đến Tin Mừng về hòa bình và ơn cứu độ trong Chúa Kitô. Vì thế, tôi nhân cơ hội này để tái khẳng định rằng « tất cả mọi người đều có quyền đón nhận Tin Mừng. Người Kitô hữu có bổn phận loan báo Tin Mừng mà không loại trừ ai, không phải như người áp đặt một bổn phận mới, nhưng như người chia sẻ niềm vui, chỉ ra một chân trời tươi đẹp, mang lại một bàn tiệc đáng ước ao » (x. PHANXICÔ, Sứ điệp Truyền Giáo, số 14).
Lấy hình ảnh hai môn đệ Emmaus sau khi nhận ra Chúa đã mau mắn lên đường, và hân hoan kể lại Chúa Kitô Phục Sinh, chia sẻ với những người khác niềm vui được gặp Chúa áp dụng với thế giới hôm nay, Ðức Thánh cha khẳng định rằng: "Hình ảnh "Những bước chân đi" một lần nữa nhắc nhở chúng ta về giá trị ngàn đời của sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại... loan báo Tin mừng cho mọi người và mọi dân tộc cho đến tận bờ cõi trái đất. Ngày nay, hơn bao giờ hết, nhân loại, bị thương tổn vì bao nhiêu bất công, chia rẽ và chiến tranh, đang cần Tin mừng hòa bình và ơn cứu độ trong Chúa Kitô(x. PHANXICÔ, Sứ điệp Truyền Giáo, số 14).
Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 65 năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về cuộc chiến đang diễn ra ở Ucraina là “một bước thụt lùi đối với toàn thể nhân loại”. Ngài viết: “Vào chính thời điểm mà chúng ta dám hy vọng rằng những giờ phút đen tối nhất của đại dịch COVID-19 đã qua đi, thì một thảm họa khủng khiếp mới lại giáng xuống nhân loại. Chúng ta đã chứng kiến sự tấn công dữ dội của một tai họa khác: một cuộc chiến khác, ở một mức độ nào đó giống như cuộc chiến chống lại COVID-19, nhưng được thúc đẩy bởi những quyết định đáng trách của con người… Rõ ràng, đây không phải là thời kỳ hậu COVID mà chúng ta đã hy vọng hoặc mong đợi”. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lưu ý: “Mặc dù đã tìm ra vắc-xin cho COVID-19, nhưng các giải pháp phù hợp vẫn chưa được tìm thấy cho cuộc chiến” (x.PHANXICÔ, Sứ điệp Hòa Bình, 2022).
Cầu nguyện cho hòa bình
Trong tuần qua, tên lửa và bom đạn đã đánh vào dân thường, người già, trẻ em và các bà mẹ đang mang thai ở Israel và Palestin. Khát vọng hòa bình là tâm tình của hết mọi người trên toàn thế giới, không riêng Ucraina, Israel, Palestin. Bởi lẽ tất cả chúng ta cùng ở trên một con thuyền, vì thế phải cùng chèo chống để vượt qua sóng gió.
Cầu nguyện để biết nhìn cuộc chiến hiện nay bằng cặp mắt đức tin, nhận ra Chúa nơi mọi người. Nhận ra Chúa nơi đứa trẻ đã chết trong vòng tay người mẹ. Nhận ra Chúa nơi những chiến binh được gửi ra tiền tuyến. Nhận ra Chúa cả nơi người lính trang bị vũ khí nhân danh thập giá của Chúa.
Cầu nguyện là đối diện với thực tại bi thảm của chiến tranh và thúc đẩy hướng giải quyết hòa bình: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.
Chúng ta hãy khẩn cầu xin Đức Maria, Nữ Vương Bình An, sinh ra Chúa Giêsu là Thái Tử Hòa Bình xin Chúa Cha ban trợ giúp thế đang khát khao Tin Mừng Hoà Bình hơn bao giờ hết.
Xin lôi kéo bình an xuống cho nhân thế Mẹ ơi! Nữ Vương Bình An, cầu cho chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================

Suy niệm 4
Làm Cho Muôn Dân Trở Thành Môn Đệ

Mt 28,16-20
Điểm hẹn cuối cùng của Đức Giêsu với mười một môn đệ tại một ngọn núi thuộc miền Galilê, ngọn núi Người đã truyền cho các ông đến đó. Tại sao Người hẹn gặp các ông ở Galilê, mà không phải ở đền thờ hay hội đường? Có lẽ Galilê là nơi đặc biệt, nơi xảy ra những biến cố lịch sử cứu độ nhân thế của Người, là một cứ điểm truyền giáo. Đây là miền đất của dân ngoại, thật cần kíp để gieo Tin Mừng. Chính nơi đây Satan đã đưa Người lên để thỏa hiệp với hắn nhưng Người đã chiến thắng. Nên hôm nay trên núi này Đức Giêsu đã công bố với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Khởi đầu sứ vụ, nơi đây Thầy đã gọi các môn đệ đầu tiên. Và cuối cùng hôm nay, điểm hẹn này là nơi Thầy trao sứ vụ loan báo Tin Mừng: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19.20a).
Suốt ba năm, các ông chỉ đi theo Thầy, trực tiếp cận kề học tập bên Thầy. Giờ đến lúc Thầy không còn trực tiếp dạy dỗ các ông, giờ là lúc các ông phải tự “thực hành thực tế” trong khi Thầy “vắng mặt”. Các ông phải “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền”. Đây là trọng trách lớn lao và thật khó khăn vất vả, nhất là khi không thuận tiện, trong cái chật hẹp, tối tăm của đời các môn đệ cũng như mỗi chúng con hôm nay. Nhưng một lời hứa chắc chắn kèm theo để an ủi và thúc bách chúng con: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 20b). Đây là lời hứa để chúng con an tâm khi thi hành sứ vụ khó khăn mà cao cả. Chính Thầy sẽ thực hiện những điều lớn lao kỳ diệu nơi con người mỏng giòn yếu đuối của mỗi chúng con. Từ buổi Thiên sứ truyền tin đã loan báo về Đức Giêsu: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta(Mt 1,23). Vâng, Đấng Emmanuel vẫn luôn hiện diện, đồng hành, ở cùng các môn đệ và những người nhiệt tâm loan báo Tin Mừng trong mọi nơi mọi lúc. Chúa luôn ở cùng chúng con trên bước đường loan báo, trải dài cho đến ngày tận thế.  
Chúa ơi! trước khi về trời Chúa đã trao cho chúng con sứ vụ “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” của Chúa. Lạy Chúa! sức chúng yếu lắm, lòng người đời thì cứng cỏi, nhưng chúng con tin Chúa sẽ ở cùng và ở với chúng con trong mọi nơi mọi lúc. Để dù khó khăn hay gian nguy, chính Chúa sẽ thực hiện những điều kỳ diệu trong con người hèn mọn yếu đuối chúng con, cho muôn dân nhận biết Chúa và đi theo Ngài. Amen.
Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log