Thứ bảy, 23/11/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 26 Thường Niên A và lễ Đức Mẹ Mân Côi

Cập nhật lúc 09:20 29/09/2023
CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN A
Suy niệm 1
Mt 21, 28 – 32

Ở trên đời này, người tội lỗi không bao giờ được yêu thương. Người tội lỗi thì luôn luôn bị khinh dể, bị tẩy chay và loại trừ. Cụ thể là trong văn hóa Việt Nam, người làm nghề bán dâm dù già hay trẻ đều bị gọi là CON đĩ chứ không được gọi theo tuổi là cô đĩ, chị đĩ, hay bà đĩ. Một người ăn trộm, thì dù già hay trẻ đều bị gọi là THẰNG ăn trộm, chứ không được gọi theo tuổi là anh ăn trộm, cụ ăn trộm. Người tội lỗi bị bỏ tù không phải là cách giúp người ấy cải tà quy chính, mà chỉ là để trừng phạt. Bỏ tù và giết còn là để cảnh cáo. “Sát nhất nhân, vạn nhân cụ”. Giết một người, để một vạn người sợ là thế. Ngay cả trong gia đình, nếu có một đứa con hư quá, thì vẫn có thể bị khai trừ khỏi gia phả. Nếu có một người lạ mặt bị la lên là “trộm chó”, thì thế nào cũng bị đánh đòn hội chợ. Một thầy giáo ở Bắc Ninh đã là nạn nhân của một trận đòn hội chợ như vậy. Ông chỉ là thầy giáo đi thăm bạn ở xã không quen thân. Thấy người lạ mặt đến vào thời điểm bị trộm chó nhiều, một người đàn ông hô lên “trộm chó”. Thế là xóm làng bu vào đập đánh. Nạn nhân được đưa lên bệnh viện tỉnh cấp cứu. Bấy giờ mới vỡ lẽ “thằng trộm chó” chỉ là một thầy giáo.
Trong xã hội Do Thái thời Đức Giêsu, người bán dâm và người thu thuế cho chế độ thuộc địa La mã bị Giáo hội Do Thái ra vạ tuyệt thông cách ly. Ai giao tế với hai hạng người này thì bị mắc uế. Hôm ấy Đức Giêsu đang đi ngoài đường thì thấy Lêvi, tức là thánh Mátthêu, đang ngồi làm việc ở bàn thu thuế. Chúa nói “mời anh theo tôi”. Anh ta giải nghệ ngay và làm tiệc đãi Chúa và bạn bè. Bạn bè của anh có thể là đồng nghiệp, cũng có thể là người ngoại. Dưới ánh mắt của nhóm Pharisêu, thì tất cả khách tiệc hôm ấy đều là người tội lỗi. Bị ngứa mắt quá, các ông Pharisêu thắc mắc với các môn đệ của Chúa: “Tại sao Thầy trò các anh lại ngồi ăn với bọn tội lỗi?” Đức Giêsu trả lời ngay: “Thầy thuốc cứu bệnh nhân, còn tôi đến để cứu người tội lỗi”. Lập luận chính xác như ban ngày và đúng như một cộng một là hai. Nhưng các ông Pharisêu tuy không cãi lại được, nhưng vẫn cứ ấm ức trong lòng, vì luật của họ là thế.
Một điều đáng suy gẫm là việc Chúa làm thì đúng như thế, nhưng vẫn bị miệng đời chê bai. Không những miệng đời mà cả luật Môsê nữa. Chúa làm phúc mà phải tội. Oan khiên quá chừng. Đây không phải là nỗi oan khiên hy hữu, mà là thường xuyên.
Trong đoàn truyền giáo của Chúa, ngoài thánh Matthêu ra, còn một cô điếm hoàn lương, đó là thánh Mácđala. Đưa hai người tội lỗi trở về làm thánh nhân như thế mà vẫn bị kết án. Oan ức quá! Kệ! Chúa vẫn tiếp tục con đường ấy.
Một lần kia, Chúa và giới hâm mộ đang đi bộ trên đường phố thành Giêrikhô, thì một ông lùn làm trưởng cục thuế đang ngồi trên cành cây vả để được nhìn mặt thần tượng một cái. Chúa ngước mắt lên nói: “Ông Giakêu ơi! Xuống đi. Hôm nay tôi sẽ nghỉ lại nhà ông.” Thánh Luca kể rằng: “Mọi người xầm xì với nhau rằng: nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào nghỉ trọ”. Hôm nay không phải là Pharisêu bất bình, mà là mọi người hâm mộ. Vì yêu người tội lỗi, mà Chúa cứ phải khổ mãi như vậy. Cho đến hôm nay Chúa vẫn cứ phải khổ vì yêu chúng ta là những người tội lỗi. Vì yêu cả loài người tội lỗi mà Chúa đã phải chết đau, chết nhục trên cây khổ giá. Tất cả chúng ta đều là người tội lỗi và Chúa đã phải khổ như thế nào để cứu chúng ta. Biết thế rồi thì chúng ta phải thấy rằng khinh bỉ, loại trừ người tội lỗi là chống lại Đức Giêsu. Điều này vẫn xảy ra thường xuyên trong các họ đạo mà chúng ta không biết. Đó là điều phải ngẫm nghĩ và đổi mới. Mong thay!
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
====================

Suy niệm 2
NGÔN HÀNH SÁNH ĐÔI

Chuyện kể rằng: Một hôm, vợ thầy Tăng Tử đi chợ; đứa con nhỏ khóc đòi đi theo. Nghe thế, để khỏi phiền hà dỗ dành mất thời gian, người mẹ liền bảo:
-    Con ở nhà, mẹ đi chợ một lát rồi về làm thịt heo/lợn cho con ăn!
Đứa bé thích ăn thịt heo/lợn, nên nín khóc và đến chỗ bố chơi.
Song lúc về, chẳng thấy vợ làm gì, Tăng Tử bèn đi bắt heo/lợn làm thịt, thì vợ can ngăn:
-    Tôi chỉ nói vậy để cho nó hết khóc ấy mà. Ông tưởng thật sao!!!!
Tăng Tử đáp lời:
-    Nói đùa là thế nào! Đừng cho rằng con trẻ không biết và không nhớ gì. Cha mẹ làm gì nó đều bắt chước đấy. Nay mình nói dối nó, chẳng phải mình đang dạy con trẻ nói dối sao?
Tăng Tử nói xong, liền làm thịt heo/lợn cho con ăn…
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Chỉ vì một lời hứa của người vợ để con không khóc nữa thôi, mà Tăng Tử phải quyết định mổ heo/lợn làm thịt cho con ăn. Kẻ sĩ là vậy! Quân tử là thế! Người có nhân cách hành xử là vậy! Một lời nói không đi đôi với việc làm là lời nói vô giá trị. Ngôn hành bất nhất kéo theo biết bao nhiêu hệ quả khôn lường.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta về điều này. Người con thứ nhất sau khi nghe người cha mời gọi đi làm vườn nho, thoạt tiên nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng suy nghĩ lại, nó hối hận nên lại đi (x. Mt 21, 29). Tuy nhiên, đứa con thứ hai có lẽ vì sợ cha buồn hoặc giữ thể diện cho cha nên thưa cho xong: “Con đây!”, nhưng lại không đi (x. Mt 21, 30). Danh ngôn có câu: Hành động hùng hồn hơn lời nói (actions speak louder than words). Ở đây, chúng ta không đánh giá thấp lời nói hơn hành động, hoặc hành động quan trọng hơn lời nói; song, nói mà không làm thì thật đáng buồn và cứ thế sẽ dần già mất đi niềm tin nơi người nghe. Đôi khi, vì cả nể, không muốn làm phật ý người nghe, hay để giữ thể diện, nên nói cho xong, cho có, cho qua, nhưng lại không động tay chân vào.
Về điểm này, thánh Phao-lô Tông đồ nêu rõ: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình…” (Pl 2, 3). Áp dụng vào thực tế, chúng ta nên thành thật với chính mình, chân thành với tha nhân. Căn bệnh giả dối, thói đời tìm hư danh, quyền bính, chỉ nói cái miệng mà không làm, vô hình chung dẫn tới những xói mòn đạo đức, đánh mất lòng tin nơi con người, từ đó phát sinh suy thoái về giá trị tinh thần, khiến lương tâm lu mờ. Bậc thang giá trị đảo ngược, cán công lý bị điều chỉnh bằng tiền-quyền. Lúc ấy, gian dối trở nên bình thường, thật thà lại trở thành bất thường. Vì thế, ai đó mỉa mai nói: “Chân lý, chân giò cùng một giá; Lương thực, lương tháng, lương tâm há bằng nhau”!!!!! Trong khi kẻ bất tài, thất đức, mồm mép, xu nịnh tâng bốc lên như diều gặp gió, còn người sống liêm chính phải chịu cảnh “thật thà thẳng thắn thường thua thiệt; lươn lẹo lém lỉnh lại lên lon”.
Ước gì, là con cái Chúa, chúng ta không sống hào nhoáng bên ngoài, bên trong trống rỗng, hoặc chỉ nói hay mà không làm, hoặc ‘dẻo mồm dẻo miệng, nhưng chẳng động tay chân’, hoặc ‘làm láo, báo cáo hay’ hoặc chạy theo thành tích dởm! Vì nếu như thế, chúng ta chẳng hơn hạng người: “Khác nào quạ mượn lông công. Ngoài hình xinh đẹp, trong lòng xấu xa” (ca dao) và sớm muộn gì cũng bị đặt nghi vấn: “Trông anh/chị như thể sao mai, biết rằng trong có như ngoài hay chăng?” (ca dao).
Là người Ki-tô hữu, chúng ta không thể sống theo kiểu ‘gió chiều nào che chiều nấy’, để làm trái, đi ngược lại với đạo lý giá trị Tin Mừng, và nghịch với lương tâm ngay thẳng. Hơn nữa, câu nói dường như ai cũng biết cần được nằm lòng và áp dụng: “Mất tiền là mất ít, mất người là mất nhiều, nhưng mất niềm tin là mất tất cả!”
Lạy Chúa,
Xin cho con ý thức rằng:
‘Ngôn hành bất nhất’ đánh mất niềm tin
Gian dối vô lối ‘lên hình’
Giao diện trông đẹp, trong lòng xấu xa.
Coi thường liêm chính, nết na
Luân thường, đạo lý bỏ qua tình người.
Cho con hoán cải cuộc đời
Việc làm-lời nói đi đôi thật thà. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

====================

Suy niệm 3
Nhìn vào nội tâm
(Mt 21, 28-32)
Dụ ngôn Tin mừng Mát-thêu thuật lại rằng: Từ sáng sớm, người cha gọi đứa con thứ nhất đến và bảo: “Nầy con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho với cha.”
Nó vốn ham chơi, lười lao động, nên trả lời ngay: “Con không đi đâu!”
Nhưng nó chợt hồi tâm, nhớ công lao cha mẹ: Cha mẹ lo cho mình từng miếng cơm manh áo. Khi đau ốm cha mẹ chạy chữa thuốc men, khi buồn phiền, cha mẹ ủi an nâng đỡ… Nếu để cha lao động vất vả một mình mà không giúp đỡ, mình là con bất hiếu. Thế là sau một lát hồi tâm, phản tỉnh, nó quyết định vác cuốc ra vườn cùng làm với cha.
Còn người con thứ hai, sau khi nghe cha gọi đi làm vườn, nó dạ dạ vâng vâng cho qua chuyện, rồi sau đó, bỏ mặc cha lao động một mình.
Thế là, nhờ biết hồi tâm, nhìn lại mình, người con thứ nhất trở thành đứa con ngoan; trái lại, vì thiếu hồi tâm, người con thứ hai trở thành đứa con hư hỏng.
Sống trên đời, ai cũng mắc phải lỗi lầm, không ai vô tội. Tuy nhiên, người ta có thể vượt qua lỗi lầm để trở nên người tốt.
Những ai biết phản tỉnh, nhìn lại mình, nhận ra lầm lỗi mình và quyết tâm sửa đổi thì sẽ trở nên người tốt. Ngược lại, nếu không nhìn lại mình để phát hiện lầm lỗi và không quyết tâm sửa đổi thì không thể nên tốt được.
Tiếc thay, mọi người đều có mắt nhìn ra ngoại giới để nhận biết sự vật chung quanh, nhận ra đủ thứ lỗi lầm của người khác… trong khi đó, ít người có khả năng nhìn vào nội tâm để thấy những sai trái của bản thân; vì thế, không thể cải thiện đời sống được.
Cần soi gương
Tấm gương soi tuy đơn sơ nhưng vô cùng hữu dụng. Nhờ soi gương, ta có thể nhận ra đầu tóc rối bù của mình để chải vuốt lại, nhận ra những vết dơ trên khuôn mặt để lau chùi sạch sẽ, nhận ra bộ râu tua tủa để tỉa xén cho gọn gàng… Nếu suốt cả chục năm trời không một lần soi gương, chắc là khuôn mặt ta trông “ghê” lắm!
Biết thế, nên nhà nào cũng sắm gương, người nào cũng soi gương để trang điểm khuôn mặt mình.
Tuy nhiên, việc soi tâm hồn, soi nhân cách để thấy được điều xấu trong đời mình quan trọng hơn soi mặt rất nhiều.
Ta có thể soi tâm hồn, soi hành vi của ta bằng cách phản tỉnh, tức là tự nhìn mình, tự xem xét phê phán mình.
Hãy nhìn lại mình như nhìn một đứa bé đang chơi, một con kiến đang bò… Hãy soi xét chính mình như ta đang xét xem người khác.
Soi thái độ của ta: có trịch thượng, cha chú… hay lịch sự, khiêm nhường?
Soi cung cách ứng xử của ta: có gần gũi hay xa cách người khác?
Soi hành vi của ta, xem có văn hóa hay thiếu chuẩn mực?
Soi lời ăn tiếng nói xem có ôn tồn, nhã nhặn hay cộc cằn, thô lỗ…? Vân vân…
Khi soi mặt, thấy có vết dơ, người ta rửa sạch liền không trì hoãn.
Tương tự như thế, khi tự soi mình, phát hiện nhân cách mình xấu xa, đáng trách… người ta sẽ quyết tâm cải thiện không chậm trễ.
Nhưng nếu không chịu soi nhân cách, ta không thể thấy những nết xấu của mình và hậu quả là sống chung với tật xấu suốt đời.
Lạy Chúa Giê-su,
Không gì làm Chúa vui lòng cho bằng thấy đoàn con biết chừa bỏ thói xấu, cải thiện cuộc đời, trau dồi nhân đức.
Xin giúp chúng con luôn soi mình mỗi ngày, để thấy được những hành vi sai trái mà chừa bỏ; nhờ đó, chúng con sẽ sống đẹp lòng Chúa hơn. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

====================

Suy niệm 4
Sao lại là hạng đĩ điếm?

(Mt 21, 28-32)

Tin Mừng hôn nay trình bày dụ ngôn hai người con được Chúa Giêsu kể cho các thượng tế và kỳ lão trong dân nghe, đồng thời mời các ông suy nghĩ xem sao và đưa ra nhận định vấn đề. Chúa nói: Các ông nghĩ sao: "Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho". Nó đáp: "Con không muốn đâu!". Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đây!" nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?". Họ trả lời: "Người thứ nhất" (Mt 21,28-31).
Các thượng tế và kỳ lão hiểu rất rõ sứ điệp trên, sau khi nghe họ trả lời, Chúa Giêsu tuyên bố một câu thật sốc để đời với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31-32).
Sao không phải các ông mà là các cô gái điếm?
Khi Chúa Giêsu đề cao những người đĩ điếm và đối nghịch họ với những kẻ được gọi là công chính là các thượng tế và các kỳ lão, đã gây sốc cho nhiều người. Không có lời nói nào của Chúa Giêsu bị lạm dụng cho bằng lời nói: "Những cô gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước" (Mt 21, 31).  Khi lý tưởng hoá hạng đĩ điếm, người ta cũng lý tưởng hóa luôn cả hạng người thu thuế, luôn đi kèm hạng đi điếm, là những kẻ cho vay nặng lãi, là những nhân viên các cơ quan thâu thuế Roma, tham dự trong những hành xử bất công của những cơ quan này một loại luôn đồng hành loại gái điếm trong Tin Mừng đã gây lên một sự hiểu lầm đáng sợ, khi người ta không nhận thức đủ. Nếu Chúa Giêsu liên kết những gái điếm và những người thu thuế với nhau, Người làm vậy không phải là không có lý do; vì cả hai đều coi tiền bạc là sự quan trọng nhất trong cuộc sống.
Chúa Giêsu tôn trọng các cô gái điếm và người thu thuế hay kẻ tội lỗi, không phải do kiểu sống của họ, nhưng vì khả năng thay đổi và phục thiện như Maria Madalêna (đặt giả thiết bà là một cô gái điếm), Giakêu (x. Lc 9, 1-10), người phụ nữ Samaria (Ga 4, 1-42), người phụ nữ ngoại tình (x. Ga 8, 1-11) và người con trai hoang đàng (x. Lc 15, 11 và 32).
Chúa Giêsu nói rõ lý do tại sao họ sẽ vào nước Thiên Chúa trước : "Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài" (Mt 21, 32).
Hoán cải và tin
Lịch sử cứu độ của Thiên Chúa đối với con người được thêu dệt bằng tình thương, tội thì Chúa phạt, hoán cải thì Chúa cứu. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa phán: "Ta không muốn kẻ vô đạo chết, mà (muốn) kẻ vô đạo bỏ đường nó theo mà trở lại và được sống" (Ez 33,11). Lời mời gọi hoán cải, thay đổi cách sống, nói và làm phải đi đôi với nhau, tin vào Chúa thật cấp bách gửi đến chúng ta.
Lời Chúa qua miệng tiên tri Ezekiel nói : " Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết " (Ed 18, 28). Nghe có vẻ nhẹ nhàng, dễ hiểu. Thế nhưng, đặt vào bối cảnh tôn giáo Do thái lúc bầy giờ, khi mà câu: “Đời cha ăn nho xanh, con ghê răng” (Ed 18,2) ở trên cửa miệng của từng người, nghĩa là tội lỗi của cha mẹ sẽ để hậu quả lại cho con cái, thì nó không còn nhẹ nhàng nữa. Êzêkiel kêu gọi : kẻ công chính hãy cố gắng tiếp tục thi hành công chính, kẻ gian ác phải mau từ bỏ tội lỗi, trở về đường ngay, nghĩa là hoán cải và sống thánh thiện.
Dụ ngôn hai người con có cách đối xử khác nhau với cha mình minh họa cho hai hạng người có tính cách đối nghịch nhau luôn cận kề nhau trong Hội Thánh. Khi người cha yêu cầu hai con đi làm vườn nho, phản ứng tức thì của hai người con hoàn toàn trái ngịch nhau: Người con thứ nhất ban đầu phản kháng, bất tuân, vô lễ, sau nó hối cải ăn năn tội và thực thi bổn phận làm con với cha mình. Người con thứ hai thưa vâng nhưng lại không đi.
Phản ứng tự nhiên của người sống trong tội lỗi là thù nghịch với giáo huấn của  Chúa, không muốn tuân phục và kính sợ Chúa, chỉ muốn khước từ Ngài. Nhưng sau khi phạm tội, họ ăn năn, quay trở lại và thể hiện lòng hối cải bằng hành động tuân phục thánh ý Chúa.
Sự mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm bộc lộ tính cách thật của người ấy: đạo đức giả. Người con thứ không chịu ra vườn làm việc là vì đối với người ấy sự vâng phục bằng lời nói là đủ rồi, anh không hề quan tâm đến tình cảm, lợi ích, cùng sự kỳ vọng của cha mình.
Khi giải thích dụ ngôn, Chúa Giêsu bảo cho các thầy tư tế và các trưởng lão trong dân là những người luôn tìm cách bắt bẻ Chúa Giêsu rằng, chính những kẻ tội lỗi, bị khinh miệt trong xã hội như quân thu thuế và gái điếm là những người sẽ đáp ứng với đòi hỏi của Tin Mừng, còn họ "dẫu thấy vậy cũng không chịu ăn năn." Sự cứng lòng cũng là một đặc tính cố hữu của những người đạo đức giả.
Bài học cho chúng ta
Sám hối và  thay đổi
Người con thứ nhất đã thay đổi. Chúng ta cũng thế, chính Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta khiến chúng ta suy nghĩ lại và phải thay đổi, không thể cứ ở lì trong tình trạng tội lỗi mãi được.
Nói và làm  phải đi đôi với nhau
Người con thứ hai nói mà không làm đã khiến người cha hụt hẫng. Thiên Chúa cũng có lúc bị hụt hẫng trước lối sống của chúng ta, bởi chúng ta hứa mà không làm, chứng nào tật ấy.
Lời Chúa Giêsu văng vẳng bên tai chúng ta trong bối cảnh xã hội hôm nay: “Tôi bảo thật, những quan chức thuế vụ, những cảnh sát giao thông ăn hối lộ, những quan chức tham những bạc tỷ, những cô gái đứng đường, những má mì, bọn đầu trộm đuôi cướp, xì ke ma túy, ngáo đá… sẽ vào Nước Thiên Chúa trước”
Tai sao vậy?
Thưa: Vì họ đã biết thống hối và từ bỏ những việc làm bất chính, áp bức bất công. Nay họ sống công bằng, tuân theo tiếng lương tâm và vui sống trong sự thật dù thiếu thốn tiền của hơn. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta cải đổi đời sống cho xứng danh là Kitô hữu.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

====================

Suy niệm 5
NHÌ
N VỚI NHÃN QUAN CỦA CHÚA!

Đâu đó, chúng ta vẫn thường được nghe hoặc được gieo vào tâm trí câu nói (chắc không có chủ ý!): “nếu không đọc kinh, cầu nguyện…Chúa phạt!”Từ thuở nhỏ, con trẻ mà hư, trái quấy, mẹ/bố thường nói câu này để con biết vâng lời! Bước vào nhà trẻ, mẫu giáo, con trẻ chơi với nhau có khi xô xát đánh nhau, bố/mẹ cũng dùng câu nói này để con đừng đánh bạn bè! Và cứ lớn dần, được học giáo lý, được học chữ ngoài trường lớp, ra đời, có sự nghiệp, lập gia đình, có con, trong lúc vô tình hay cố ý cũng có lúc dùng câu nói được nghe từ xưa “nếu không…, Chúa sẽ phạt!” cho chính con cái mình!
Đối với những ai có tính gia trưởng (luôn cho suy nghĩ, cách nhìn của bản thân đúng đắn và một cách nào đó áp đặt lên người khác) thì ‘đường lối của người khác’ dường như chỉ là thứ yếu, luôn đứng sau ‘đường lối của chính mình”. Tương tự như dân Is-ra-en thời tiên tri Ê-zê-ki-en, cũng luôn cho rằng: ‘Đường lối của Chúa không chính trực’. Và Thiên Chúa đã dùng miệng tiên tri này mà đối chất, răn dạy, chỉ ra lối suy nghĩ, cách sống không đúng đắn của họ: “Hỡi nhà Is-ra-en, hãy nghe đây: phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng, hay đường lối ca các ngươi mới không ngay thẳng?” (x. Ez 18, 25). Cách thức Chúa làm, con đường Chúa đi, kế hoạch Chúa vạch ra chắc chắn khác biệt với chúng ta; nhưng nếu chúng ta không tin nhận những gì khởi sự từ Chúa và kết thúc nơi Người luôn chính trực, đúng đắn, và ích lợi cho chúng ta, thì vô hình chung tư tưởng ngàn xưa của dân Is-ra-en cũng đang tồn tại trong chúng ta vậy!
Hơn nữa, khi mắc sai lầm mà không kịp thời dừng lại, xem xét, sửa đổi thì ‘sai lầm này kéo theo lỗi lầm kia’ như cách lập luận thường thấy nơi chúng ta ‘Thiên Chúa xử phạt’. Ở đây, chúng ta sẽ biết được một lời giải đáp rõ ràng, không chút mơ hồ hay mông lung, qua lời quả quyết của ngôn sứ Ê-zê-ki-en “khi người công chính từ bỏ công chính mà làm điều bất chính, thì nó phải chết vì điều bất chính nó làm” (x. Ez 18, 26). Đúng thật, Thiên Chúa không sát phạt hay xử phạt! Những ai sống chính trực mà bỏ đàng công chính, làm điều ác, việc xấu xa, thì họ phải chết không phải vì Chúa trừng phạt hoặc ra án xử, mà vì điều bất chính họ làm mà thôi. Chúng ta phải chịu trách nhiệm, chịu hậu quả do hành động, hành xử, hành vi, đường lối, cách sống của chúng ta.
Lẽ dĩ nhiên, lỡ may chúng ta là những kẻ gian ác, xấu xa (trong tư tưởng, lời nói, cũng như hành động) từ bỏ điều dữ, bỏ đàng tội lỗi, bỏ thói ngạo mạn kiêu căng, mà thi hành điều chính trực công minh, theo đường lối của Chúa thì “sẽ cứu được mạng sống mình” (x. Ez 18, 27). Hơn nữa, một khi nhận ra, nhìn thấy và từ bỏ mọi điều phản nghịch đã phạm, thì “chắc chắn sẽ đượcsống, chứkhông phải chết” (x. Ez 18, 28).
Theo đường lối của Chúa, điều này đúng đắn cho hết thảy địa vị, nghề nghiệp, ngôn ngữ, văn hoá. Nó sẽ không nghiêng về người có thẩm quyền, có học thức, có chức tước, vị vọng…mà lại rời xa những kẻ thấp hèn, vô học, dân thường cùng đinh, thấp cổ bé miệng và bị loại ra ngoài xã hội (như người tội lỗi, người thu thuế, gái điếm…) như lời Đức Giê-su khẳng định với các thượng tế và kỳ lão trong dân, cũng như mỗi người chúng ta ngày nay rằng: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21, 31). Nếu xét theo cách thức của con người, thì sự việc này không thể nào, đúng hơn là không bao giờ xảy ra được. Tuy nhiên, nếu nhìn theo đường lối của Thiên Chúa, thì điều chúng ta tưởng không, lại thành hiện thực một cách không tưởng! Vì sao như vậy? Câu trả lời ngay sau khi lời tuyên bố trên của Đức Giê-su: “Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy” (Mt 21, 32). Sự hoán cải liên lỉ, hành vì xét mình hằng ngày giúp chúng ta tin tưởng đón nhận đường lối của Chúa. Ngược lại, khi tin tưởng chấp nhận đường lối của Chúa, thì chính Chúa hoán cải con người chúng ta, biến đổi con đường dị biệt của ta, dẫn ta vào quỹ đạo tình thương, nói như Thánh Phao-lô tông đồ trong thư gửi cho giáo đoàn Phi-líp-phê “…liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, tình bác ái khích lệ chúng ta hiệp thông trong Thần Khí, và sống thân tình, biết cảm thương nhau” (x. Pl 2, 1).
Một khi nhận biết, đón nhận, tin tưởng và bước theo đường lối của Chúa, thì những gì Thánh Phao-lô nhắc nhở, nhắn gửi, răn dạy trong bài đọc II phải được suy tư một cách nghiêm túc, rồi thực hành với cả con tim và khắc ghi suốt cuộc hành trình đức tin trên dương thế này: “đừng làm chỉ vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy ly lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Đức Ki-tôGiê-su” (Pl 2, 3-5). Giữa chúng ta với nhau, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình như chính Đức Giê-su Ki-tô, cụ thể: “Người vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà mặc lấy thân phận tôi đòi, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người đã tự hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự…” (Pl 2, 6-8)
Đường lối Chúa chính lộ ngàn đời
Đường lối con chơi vơi khắp chốn.
Đường lối Ngài mãi vuôn tròn
Suốt cuộc đời này bước trọn tin yêu. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

====================

Suy niệm 6
Thi hành ý muốn của cha

Ed 18, 25-28; Pl 2, 1-11; Mt 21, 28-32
Đức Giêsu kể dụ ngôn hai người con được người cha sai đi làm vườn nho, để thẩm vấn các kinh sư và Pharisêu xem ai là người thi hành ý muốn của cha. Người con thứ nhất không muốn đi nhưng sau hối hận và đi làm. Còn người con thứ hai thưa vâng rồi lại không đi. Họ phải trả lời người thi hành ý muốn của cha là người thứ nhất, thưa không rồi vẫn thi hành. Ở đây người muốn ví chính họ như người con thứ hai mới thấy chéo nghoe: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy”. (Mt 21,31-32). Nói và làm là hai thái độ khác nhau. Có người chỉ nói mà không làm. Có người không nói nhưng lại làm. Hai thái độ trong bài Tin Mừng hôm nay: hạng người nói mà không làm là các kinh sư và Pharisêu, hạng người không nói mà lại làm là những người thu thuế và tội lỗi.
Những người thu thuế và những cô gái điếm đã nhận ra mình, nhận ra đời sống tội lụy của mình, nhận ra tình thương của Chúa, nhìn thấy nỗi khổ đau ê chề trong hiện tại và khát khao tìm sự giải thoát nơi Chúa. Một khi mở lòng đón nhận Đấng cứu độ, họ được ơn hoán cải đổi mới nhờ Chúa Thánh Thần và sinh hoa trái tốt lành. Còn những người biệt phái và Pharisêu tự mãn về mình thuộc giới đạo đức, là bậc thầy không cần đến ơn cứu độ. Họ càng đóng cửa lòng thì con mắt càng không nhận ra, họ lắc đầu, chối từ không hối hận mà tin ông Gioan. Người đời cũng có cách để đối xử: “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại”.
Bài đọc II ca ngợi chính sự vâng lời và thực thi thánh ý Chúa Cha của Đức Giêsu: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.” (Pl 2, 8-9).
Lạy Chúa! xin giúp con nhận ra và trở về với tình yêu Chúa. Trong tình yêu người ta tự nguyện chứ không cưỡng ép. Xin cho con biết lấy tình yêu đáp lại tình Chúa yêu con, để con không chỉ nói suông mà là người con thực hành ý muốn của Cha trong những việc làm, hành động để chứng tỏ lòng con yêu Chúa. Amen.
Én Nhỏ

==================

LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
Suy niệm 1     
MẸ ĐẦY ÂN SỦNG

Lc 1, 26-38
Mỗi khi tháng Mười về, những người con thảo của Mẹ lại rộn ràng với những lời kinh để cùng tôn vinh Mẹ và suy ngắm cuộc đời Chúa Cứu thế. Mỗi lời kinh “Ave Maria” được sánh ví như một đóa hồng dâng kính Mẹ. Cần buông xuống mọi lo âu và phiền não trong đời, để mỗi ngày ta được thanh thản cất lên lời ca ngợi: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc…",là lời chào của sứ thần Gabriel khi truyền tin cho Mẹ.
Mẹ đầy ơn phúc vì đã được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn. Tình thương ấy đã chở che Mẹ ngay từ lúc chưa chào đời, qua việc giữ gìn Mẹ khỏi vết nhơ nguyên tội, và còn bao bọc Mẹ mãi vẹn toàn, để nhờ đó Mẹ góp phần lớn lao nhất vào công trình cứu độ loài người,vì được tuyển chọn để làm Mẹ Ðấng Cứu Thế. Từ suối nguồn ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta cũng được dự phần vào niềm vui và ân phúc của Mẹ,cũng được Chúa yêu thương và tuyển chọn qua việc tẩy xóa tội nguyên tổ để trở nên con người mới trong Đức Kitô.
Mẹ đầy ơn phúc vì có Thiên Chúa ở cùng. Sự cao trọng nhất của một con người là có Thiên Chúa ở cùng. Trong Cựu Ước, những người có Thiên Chúa ở cùng là những người được kêu gọi và sai đi thực hiện Thánh ý Người. Nhưng Thiên Chúa ở cùng Mẹ vượt trên hết mọi người khác, vì được tràn đầy Thánh Thần và cưu mang Ngôi Lời. Mẹ trở nên như Hòm Bia, như Ðền Thánh,nơi vinh quang Thiên Chúa hiện diện giữa con người. Không lạ gì mà bà Êlisabét ca ngợi Mẹ: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ.” (Lc 1, 42). Mẹ đã sinh Đức Kitô cho nhân loại, nhờ Mẹ mà chúng ta mang danh hiệu Kitô hữu, là những người có Chúa ở cùng như lời chúc của linh mục trong mỗi thánh lễ. 
Mẹ thật có phúc vì đã tin Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với Mẹ (Lc 1, 45). Mẹ không hiểu hết con đường mình sắp đi. Có biết bao trắc trở, khó khăn, mờ tối. Nhưng qua hai tiếng “Xin vâng”, Mẹ đã hoàn toàn phó thác đời mình trong tay Chúa, để Chúa dẫn đi ngay trong đêm tối của đức tin. Mọi tín hữu đều được mời gọi sống hành trình đức tin như Mẹ,để được chung hưởng hạnh phúc với Mẹ, như lời Chúa phán:“Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29).
Sau một cuộc đời dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, Mẹ Maria đã được Người tôn vinh, được Giáo Hội tôn kính với biết bao danh hiệu rạng ngời. Để giờ đây, chúng ta thì thầm lời kinh: “Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời…”.Tại Lộ Đức, trong 18 lần hiện ra với Bernadette, Đức Mẹ luôn cầm trong tay một tràng chuỗi bạc, và khuyên con cái Mẹ hãy lần hạt. Đức Mẹ nói với Bernadette như sau: “Mẹ không hứa cho con hạnh phúc đời này, nhưng là hạnh phúc đời sau”. Tuy nhiên, hạnh phúc cũng đã bắt đầu chớm nở ở đời này cho những ai lần chuỗi Mân côi, cải thiện đời sống và tôn sùng trái tim Đức Mẹ.
Kinh Mân Côi là chìa khóa vạn năng để chúng ta mở ra kho ân sủng vô biên của Thiên Chúa. Chân Phước Alan nói rằng:“Sau Hy Tế trong Thánh Lễ, một Hy Tế cao trọng nhất, cùng những kỷ niệm sống động của những đau khổ của Chúa Kitô, thì không còn loại sùng kính nào tốt hơn, đem ích lợi nhiều cho các linh hồn bằng Kinh Mân Côi, một kinh cũng nhắc lại những kỷ niệm và diễn lại cuộc đời, sự đau khổ của Chúa Giêsu Kitô”.Như vậy, lần chuỗi Mân Côi không chỉ hướng về Mẹ mà còn hướng về chính Đức Giêsu,con Mẹ và là Con Thiên Chúa.
Đối với người trẻ hôm nay đang sống trong một thời đại tốc độ, nghĩ rằng đọc kinh như thế thật mất giờ. Đó là một suy nghĩ cạn cợt và hời hợt, chưa đi sâu vào chính nội tâm mình, vì đang bị vây bủa bởi những bon chen và lợi lộc vật chất. Thật ra, tâm hồn mỗi người chúng ta ít nhiều cũng đang bị nhiều thứ chế ngự, phân rẽ, khó lòng tìm thấy bình an và niềm vui sống cho cuộc đời mình,Chính qua việc lần chuỗi, mà chúng ta thống nhất con người toàn diện là thân, tâm, trí: tay cầm chuỗi, miệng thì thầm, tâm thì niệm, trí thì suy, để chìm sâu vào trong các mầu nhiệm mân côi, là cả cuộc đời Chúa Giêsu bên cạnh sự hiện diện của Đức Mẹ, để ta đón nhận sức sống linh thiêng cho đời mình.
Chỉ những ai tin vào lòng thương xót Chúa qua chuỗi kinh mân côi, người đó mới có khả năng tái tạo cuộc sống tốt đẹp hơn; mới có sức mạnh kiên trì để vượt qua những thử thách; mới có đầy an ủi và nâng đỡ để đón nhận những đau thương; mới có niềm vui và phấn khởi để nâng cao và sáng tạo cuộc đời mình theo ý định của Thiên Chúa. Chỉ những ai sốt sắng lần chuỗi mân côi mới khám phá ra năng lực kỳ diệu của lời kinh, để sống một cuộc đời đẹp nhất như Chúa hằng mong đợi.
Lời nguyện
Ma-ri-a, lạy Mẹ đầy ân sủng!
lòng con đầy yêu mến và cảm phục,
vì Mẹ được chính Thiên Chúa ở cùng,
vì là nữ tỳ rất mực tôi trung,
để cho nhân thế kính yêu tôn sùng.

Vì Mẹ thương nhân loại sống lầm than,
giữa thế gian bao khốn khó nguy nàn,
nên Mẹ đã đem đến những ân ban,
để thế giới hưởng bình an của Chúa.

Mẹ đã yêu thương nhiều lần xuất hiện,
để mời gọi chúng con biết hướng thiện,
biết quay về với nẻo chính đường ngay,
tìm đến Chúa trong đời sống hằng ngày.

Bằng chuỗi lần Mân Côi Mẹ chỉ dạy,
cùng với lòng sám hối kể từ nay,
và mộtlòng yêu mến Mẹ dâng đầy,
để con luôn ở trong tay Từ Mẫu.

Xin cho con buông xuống mọi lo âu,
đừng để cho tội lỗi gây buồn sầu,
nhưng để cho tình yêu luôn nung nấu,
để tình Mẹ thẩm thấu trái tim con.

Xin cho con thôi tranh chấp hơn thua,
đừng đặt nặng danh lợi và tiền của,
kẻomất sự hiện diện Chúa nơi con,
và ân sủng bình an cũng chẳng còn.

Xin cho con cận kề bên Mẹ,
niềm vui nỗi buồn con thỏ thẻ,
xin Mẹ cùng chia sẻ với con,
này đây xác hồn con dâng trọn,
thì thầm lời kinh nguyện từng chiều,
kinh Kính Mừng với tất cả tình yêu. Amen.

Lm. Thái Nguyên

==================

Suy niệm 2
TIẾNG XIN VÂNG CỦA MẸ

Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1, 26-38
Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Sứ Thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria chịu thai Đấng Cứu Thế. Nhờ lời thưa “Xin vâng” của Mẹ như chìa khóa mở cửa nguồn ơn Cứu Độ. Từ đây, chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện, tiếng xin vâng của Mẹ thay đổi cả thế giới, ơn Cứu Độ được ban xuống cho nhân loại.
Mẹ quá ư tuyệt vời, chẳng vậy lời đầu tiên sứ thần Gabriel mang đến tặng Mẹ là: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28). Mẹ đơn sơ khiêm hạ, nên bối rối trước lời khen tặng ấy. Lúc đầu Mẹ cũng phản ứng cách tự nhiên theo lẽ thường mà thắc mắc theo sự hiểu biết của con người: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1,34). Sứ thần đã cắt nghĩa và chứng minh rằng đối với Thiên Chúa không có gì là không thể được. Mẹ là Đấng đầy ân sủng và luôn “có Chúa ở cùng”, nên Mẹ đã để Chúa làm chứ không nhìn vào sức mình, mà can đảm liều mình đáp lời với hai tiếng “xin vâng” làm đổi thay cho cả thế giới. Mẹ đã mềm lòng ra để cho Chúa “chiếm đoạt”: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà”. (Lc 1, 38). Ngày nay trước sứ vụ hay những công việc lớn nhỏ, chúng con thường chỉ nhìn vào sức mình nên sợ và chối đay đảy. Nhưng một khi có Chúa ở với thì “phận nữ tỳ” trở thành Mẹ Thiên Chúa. Cũng vậy, dù là tạo vật hèn kém, bất xứng nhưng có Chúa ở cùng, chúng con sẽ thành chi thể, bạn hữu và anh em của Người.
Từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng con cũng được Đấng Emmanuel ở với chúng con, chúng con phải làm sao để Đấng ấy được lớn lên trong chúng con. Ngày nay con vẫn luôn hát bài ca “Xin vâng” của Mẹ. Lúc hát thì có vẻ dễ dàng, hăng hái như “thuộc lòng” hai tiếng “xin vâng” tự bao giờ. Khi vui vẻ hạnh phúc thì cũng dễ dàng nói lớn hai tiếng “xin vâng”. Vậy mà trong những lúc gặp khó khăn, biến cố nghịch cảnh, thất bại… con lại thấy khó làm sao khi thưa lên hai tiếng ấy cách hăng hái thật lòng. Làm sao con học với Mẹ đây? Trọn cuộc đời Mẹ chỉ hai tiếng “xin vâng” trước mọi biến cố trong đời. Mẹ xin vâng trong biến cố Truyền Tin hôm nay, xin vâng khi đem con đi trốn, khi lạc mất con… nhất là khi đứng dưới chân thập giá.
Mẹ ơi! nhờ tiếng “xin vâng” của Mẹ mà nhân loại chúng con được phúc “đổi đời”! Con nức lòng biết ơn và cám ơn Mẹ, vì nhờ Mẹ mà nay con có Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng Emmanuel, để con mãi được “ở với” Ngài. Xin Mẹ dạy con sống với Chúa Giêsu Thánh Thể như Mẹ, nhờ Mẹ với Mẹ và trong Mẹ, giữa cuộc đời trần tục đầy sóng gió của con.
Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log