Thứ hai, 23/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 24 Thường niên A

Cập nhật lúc 22:16 14/09/2023

Suy niệm 1

Mt 18, 21 – 19,1
Ông cha chúng ta dạy rằng “Quá tam ba bận”, nghĩa là tha tối đa ba lần. Thánh Phêrô thì nghĩ rằng tha bảy lần đã là quảng đại lắm rồi. Khi ngài hỏi Chúa “con tha bảy lần cho người xúc phạm đến con thì đã được chưa?” Hỏi như thế có nghĩa là khoe và tưởng Chúa sẽ khen. Ai ngờ Chúa không khen, mà còn chê. Chúa bảo tha bảy mươi lần bảy, có nghĩa là tha mãi, không có giới hạn.
Như vậy là tha thứ là một vấn đề lớn. Nhưng ở đời này tha thứ là việc quá khó. Một cha xứ cao tuổi đã kể rằng: trong đời mục vụ hơn một nửa thế kỷ của ngài, ngài có một kỷ niệm rất đau về vấn đề tha thứ. Chuyện ngài kể như sau. Trong giáo xứ của ngài có hai dòng họ ganh đua nhau kịch liệt. Đó là dòng họ Nguyễn và họ Trần. Bên họ Trần dâng cúng cho nhà thờ mười triệu đồng thì bên họ Nguyễn phải dâng cúng mười một triệu. Bên họ Trần có mười người đi tu, thì bên họ Nguyễn phải có mười một… Một lần kia có cuộc tranh chấp về đất đai. Ông trưởng tộc họ Nguyễn bị dính trọng thương có nguy cơ phải chết. Cha xứ được mời đến giải tội, xức dầu và trao Mình Thánh Chúa. Cha xứ khuyên nạn nhân tha thứ thì ông trả lời: “Đây là thù truyền kiếp, con không thể tha được”. Cha xứ thua 1 – 0, bèn rút ảnh chuộc tội trong túi kẻ liệt ra và nói: “Ông nhìn Chúa đi, Chúa có tội gì đâu mà người ta giết Ngài. Ngài vẫn tha thứ hết: “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ.” Bệnh nhân trả lời: “Chúa khác, con khác. Chúa tha, chứ con không thể tha.” Cha xứ thua 2 – 0. Ngài khẳng định “Nếu ông không tha thứ, thì ông phải xuống hỏa ngục.” Nạn nhân trả lời: “Xuống hỏa ngục thì xuống, chứ tha thì con không tha.” Thế là cha xứ thua 3 – 0. Buồn quá, ngài giơ ảnh chuộc tội lên, nạn nhân không thèm nhìn, quay mặt vào vách và tắt thở.” Cha xứ buồn tê tái. Hai giọt lệ lăn xuống má.
Tại sao tha thứ lại khó quá như vậy. Cá nhân không tha thứ rồi kết quả là giận nhau, chửi nhau, đánh nhau. Cả hai bên đều mất hạnh phúc. Hai quốc gia không tha thứ cho nhau, kết quả là chiến tranh bùng vỡ. Hằng trăm ngôi nhà bị sụp đổ. Hằng ngàn người phải chết, hằng trăm người cụt chân cụt tay. Hằng trăm người góa chồng, hằng trăm trẻ em mồ côi. Quốc gia nào cũng chuẩn bị không tha thứ bằng có Bộ Quốc Phòng. Bộ Quốc Phòng nào cũng sản xuất vũ khí, cũng dạy nhau để giết được nhiều kẻ thù và tốn tỉ đô, trăm tỉ đô, ngàn tỉ đô. Phi lý vô cùng. Cũng chỉ vì không tha thứ. Không tha thứ, vì không thể tha thứ mà còn cho tha thứ là ngu là dại… Điều không tha thứ này cứ xảy ra và lại xảy ra mãi trên dòng lịch sử của loài người. Vậy loài người phải làm thế nào để thi hành được lời của Chúa là tha thứ mãi mãi. Tha thứ không giới hạn.
Người ta cứ than rằng “khó quá”. Có khó, rất khó nhưng không phải là khó quá. Người ta cứ cảm thấy khó quá vì ngay trong gia đình cũng vẫn chưa giáo dục đúng và đủ để ai cũng biết tha thứ. Cụ thể là có một bà mẹ Công giáo dạy con như sau.
Thằng cu tí đi xóm về, khóc hu hu. Bà mẹ hỏi xem tại sao khóc, thì cu tí trả lời nó bị bạn đánh. Bà mẹ dạy con như sau: “Nó đánh mày, thì mày đánh nó. Tại sao mày ngu mày khóc.” Mẹ Công giáo mà dạy con như thế, thì làm sao con biết tha thứ. Phải chi bà mẹ khuyên con tha thứ như Chúa dạy, rồi còn thưởng lòng tha thứ của đứa con biết nghe lời Chúa nữa. Hãy tập tha thứ. Hay tha để được Chúa tha. Thứ tha lời vô vàn. Không tha thứ lỗ ngàn trùng.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

=================

Suy niệm 2
THA THỨ

Mt 18, 21-35
Trong bài đọc I (Hc 27,30-28.7), ông Ben Sira, tác giả sách Huấn ca, khuyên người ta phải biết tha thứ: Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội nó. Ai bỏ qua điều sai trái cho người khác, Chúa sẽ tha tội cho. Qua bài Tin Mừng, Phêrô hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Ông nghĩ rằng, tha thứ bảy lần là đã quá nhiều, theo quan niệm của Kinh Thánh, số 7 tượng trưng cho sự đầy đủ trọn vẹn. Nhưng không ngờ câu trả lời của Đức Giêsu vượt giới hạn: “Thầy không bảo đến bảy lần, mà là đến bảy mươi lần bảy”.
Để quảng diễn tư tưởng ấy, Chúa Giêsu đã đưa ra một dụ ngôn: một người đầy tớ nợ vua 10.000 nén vàng mà không có gì trả, vua đã rộng lòng tha hết. Khi ra về, người đầy tớ ấy gặp người đồng bạn mắc nợ y chỉ có 100 quan tiền, thế mà y liền túm lấy, bóp cổ đòi cho bằng được. Người bạn sấp mình năn nỉ và hứa sẽ trả, nhưng y nhất định không chịu, còn tống anh bạn vào ngục cho tới khi trả xong. Đúng là tên đầy tớ độc ác, được vua tha cho một số tiền quá lớn mà lại không tha cho bạn mình một số tiền quá nhỏ. Nghe được câu chuyện đó, nhà vua đã nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ đến ngày nào y trả hết nợ.
Cuối dụ ngôn Đức Giêsu kết luận: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. Trước đó, khi dạy các môn đệ kinh Lạy Cha, Đức Giêsu cũng đã xác định: Nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,15. Thánh Phaolô cũng nhắc nhở: “Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,13).
Đức Giêsu đặt nặng việc làm hòa và tha thứ cho nhau còn quan trọng hơn của lễ dâng trên bàn thờ cho Thiên Chúa (x. Mt 5, 23-24). Không những Ngài đòi ta tha thứ trong lòng, mà còn đòi ta phải thực hiện sự tha thứ ấy ra bên ngoài, bằng một hành động cụ thể. Cần phải tỏ rõ như vậy, vì hành động ấy phá tan tình trạng lạnh lùng, xa cách, hay còn ngấm ngầm khó chịu. Nhiều khi trong lòng đã tha, nhưng vẻ lạnh nhạt bên ngoài khiến người kia vẫn hiểu là chưa được tha, hoặc có cảm tưởng là mình vẫn còn bị khinh thường. Văn hào Goethe đã nói: “Sự tha thứ chỉ có thể là một trạng thái trung gian. Nó phải đưa đến sự kính trọng. Nếu không như vậy thì tha thứ là làm nhục”.
Tha thứ thật sự không dễ chút nào. Có thể tha thứ rồi mà lòng vẫn quặn đau mỗi khi nghĩ đến sự tổn thương mình phải chịu do sự xúc phạm hay phản bội của người kia. Lý do là ta thường bám chặt vào những nguyên tắc cứng nhắc, luôn đòi hỏi sự hoàn hảo nơi người khác, và vì vướng kẹt vào những cảm xúc muốn được kính trọng, nên trái tim của ta rất khó nới rộng thêm. Điều này đòi ta phải thu dọn bớt những nhu cầu thỏa mãn sự ích kỷ của mình, đừng đòi chiếm hữu hơn nữa, thì trái tim mới có chỗ để chứa đựng người khác. Càng vị kỷ thì càng không thể vị tha. Không thể vị tha thì tâm hồn ta vẫn buồn sầu thất vọng.
Thật ra có những tổn thương quá lớn khó lòng mà tha thứ ngay một lúc. Không thể phủ nhận rằng trái tim mình đang đau nhức, nên cần một thời gian nữa ta mới có thể chấp nhận và chuyển hóa. Cũng chẳng ngần ngại gì khi cho người kia biết, trái tim ta mới chỉ mở rộng tới mức độ đó thôi. Nhưng tất cả những hành động ấy đều là ân tình, đã là sự tha thứ đích thực rồi. Ta không thể là thánh nhân trong một lúc để sẵn sàng tha thứ hết mọi lỗi lầm, nhưng nếu trái tim ta còn sức chứa đựng thì đừng suy tính gì thêm, cứ hãy đón nhận nhau vào lòng.
Tha thứ là linh dược có thể chữa lành mọi nỗi khổ niềm đau cho người tha thứ và kẻ được thứ tha, đồng thời khai mở năng lực tinh thần cho cả hai, làm cho con người sống lành mạnh và vui tươi. Thà tha lầm còn hơn chấp lỡ. Lỡ khi thái độ cố chấp và hẹp hòi của ta đã vô tình đẩy người kia xuống vực thẳm thì ta sẽ hối hận suốt đời. Hoặc lỡ khi ta là kẻ đã gây cớ vấp phạm cho người kia thì lại gây thêm nghiệp chướng.
Hãy tha thứ để được thứ tha. Ta được Chúa tha món nợ quá lớn, ta chỉ tha cho anh em món nợ quá nhỏ. Tha thứ được, phần phúc của ta càng lớn; không tha thứ được, phần phạt của ta càng nặng. Tha thứ là tự giải thoát mình, là tháo cởi xiềng xích mà mình đã tự trói buộc. Mỗi ngày trong kinh Lạy Cha, chúng ta đều “xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Hãy nhìn ngắm Đức Giêsu trên thập giá, bị kẻ gian ác hành hình mà miệng vẫn xin Cha tha thứ.  
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Đời con luôn lãnh nhận ơn tha thứ,
thế nhưng có mấy khi con thứ tha,
con xin Chúa mở rộng lượng hải hà,
nhưng xem ra lòng con không muốn mở,
sao con lại cứ nỡ trói buộc người?

Khi lòng bao dung bị bỏ quên,
tôn giáo sẽ lầm lạc, chân lý sẽ thất lạc,
đạo hạnh sẽ sai lạc, con người ra lệch lạc,
giáo thuyết chỉ còn là mớ bòng bong,
và đức tin cũng chỉ là ảo vọng.

Mỗi khi con tha thứ cho người khác,
tâm nhẹ nhàng và thanh thản biết bao.
cớ sao con lại phải luôn chấp nhất,
hại tinh thần và đánh mất niềm vui.

Nước thiên đàng hay hoả ngục trần gian,
chẳng đâu xa mà ở chính tâm con,
khi tha thứ hay không muốn thứ tha;
là đã theo đường chánh hay đường tà.

Tuy tha thứ con phải chịu họa tai,
giống như Chúa bị coi là khờ dại,
nhưng rồi chính tình thương sẽ chiến thắng,
quả tim đá tan chảy trước thứ tha.

Xin cho con luôn sẵn sàng tha thứ,
tha thứ hoài tha thứ mãi không thôi,
giống như hoa cứ tươi nở mỗi ngày
hương ân tình lại thơm ngát tỏa bay.

Xin cho đời con là lời tha thứ,
lời bao dung như Chúa rất nhân từ,
làm đẹp sáng tình yêu trên thập tự,
để hướng tới thiên đàng mãi an cư. Amen.

Lm. Thái Nguyên

==================

Suy niệm 3
THA THỨ NHƯ ĐÃ ĐƯỢC THỨ THA

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ, chúng ta đã từng nghe ít nhiều câu nói của Đức Giê-su “ai yêu mến nhiều thì sẽ được thứ tha nhiều” (x. Lc 7, 47). Thiết nghĩ, nếu chúng ta thật sự yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta sẽ nghiệm thấy chúng ta được tha thứ vô vàn; và nếu chúng ta yêu thương anh chị em thật tình, yêu như yêu chính bản thân mình, thì chúng ta cũng sẽ tha thứ cho anh chị em mình nhiều, bất luận họ ra sao, hoặc bất luận lỗi lầm của họ thế nào!
Các bài đọc hôm nay phát hoạ rõ ràng cách thức Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta, và Ngài đòi hỏi chúng ta cũng sống thứ tha cho anh chị em như vậy. Mỗi khi chúng ta mắc lỗi phạm đến Chúa hay anh chị em, chúng ta đều mong muốn được tha thứ ngay, tha thứ liền và tha thứ một cách nhanh chóng như lòng kỳ vọng. Nhưng khi anh chị em trót gây ra lầm lỗi, sai phạm đến chúng ta thì dường như chúng ta chẳng chịu tha, hoặc chần chừ, có khi giữ mãi trong lòng cho tới lúc nhắm mắt suôi tay. Thật tiếc cho chúng ta nếu đang trong tình trạng hay tâm trạng như thế, vì một lẽ chắc chắn là lòng bất an, ray rứt, tâm bất tịnh, cồn cào, não ruột; còn người mắc lỗi có như vậy hay không, chúng ta không biết, và thậm chí cũng không cần biết tới! Có lẽ họ vẫn vui tươi với cuộc sống hằng ngày, họ vẫn ung dung tự tại như bao người khác…, nhưng tâm hồn chúng ta (là những người không tha thứ, không chịu tha thứ, không muốn tha thứ) sẽ chẳng nguôi ngoai, trái lại, luôn thổn thức, và cuộc sống chúng ta chẳng mấy vui tươi, hân hoan thật tình.
Để hiểu rõ hơn Thiên Chúa yêu thương, tha thứ chúng ta đến mức độ nào, và Người đòi hỏi chúng ta tha thứ cho anh chị em ra sao thì chúng ta cùng tìm hiểu một chút về bản văn gốc của dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay. Bản văn tiếng Việt dịch là: tên đầy tớ nợ ông chủ 10 ngàn nén vàng/bạc, còn người bạn của hắn thì nợ hắn 100 nén bạc. Nếu so về số lượng 10 ngàn nén vàng/bạc với 100 nén bạc, thì chúng ta cũng thấy cũng khá nhiều (gấp 100 lần). Tuy nhiên, nếu nhìn bản văn gốc thì chúng ta càng ngạc nhiên, và hiểu rõ hơn ông chủ trong dụ ngôn đã tha thứ cho tên đầy tớ nhiều như thế nào. Người tôi tớ nợ ông chủ 10 ngàn talanton (đơn vị nén vàng/bạc Hy Lạp) và bạn của hắn nợ hắn chỉ có 100 denarii (đơn vị nén bạc Hy-La, số ít là denarius). Theo cách tính thời đó, 1 talanton khoảng 6 ngàn denarii, 1 talanton ngang bằng tiền lương trong vòng 20 năm (tương đương với $1000-$30000/1 ngày), và 1 denarius tương đương với tiền lương một ngày công cho thợ không lành nghề. Như vậy, người đầy tớ nợ ông chủ 10 ngàn talanton (tương đương với 10000 x 20 năm = 20 vạn năm lương), nghĩa là cả đời cũng không thể trả hết (vì đời người dài nhất cũng chỉ 100 năm là cùng!) Ngược lại, người bạn của tên đầy tớ chỉ nợ y 100 denarii (tương đương 100 ngày lương), nghĩa là có thể hoàn trả lại, mặc dù phải mất hơn 3 tháng lương mới thanh toán được.
Với món nợ mà cả đời, thậm chí tính luôn tổng số đời của họ hàng thân tộc của tên đầy tớ cũng không thể trả hết được, nhưng ông chủ đã dủ lòng thương xót, tha bổng cho hắn vô điều kiện; nhưng y lại không thể bỏ qua hoặc gia hạn cho người bạn y món nợ có thể hoàn trả lại, tuy mất nhiều thời gian, hoặc phải đánh đổi nhiều thứ để dành dụm ngõ hầu thanh toán cho y!
Chúng ta nợ nhau với những món nợ có thể thanh toàn ở đời này hoặc không đáng kể, nhưng chúng ta lại không tha thứ cho nhau, không bỏ qua cho nhau, thì làm sao Thiên Chúa tha cho chúng ta món nợ mà thậm chí hết đời này cũng chưa thể thanh toán được! “Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao?” (Hc 28, 3-4).
Dân gian có câu: “nhất quá tam” hoặc “quá tam ba bận”. Đơn giản, khi chúng ta làm gì, khi mắc lỗi, cũng như khi tha thứ, thông thường tới ngưỡng tối đa là lần thứ ba. Tương tự như suy nghĩ của người Do Thái nói chung và Phê-rô nói riêng, tha đến lần thứ bảy là tuyệt vời, trên cả lòng mong đợi, và quá ư quảng đại rồi! Mặc khác, Đức Giê-su là người Do Thái, biết rõ tâm tư, và văn hoá Do Thái, đáng lẽ Ngài hoan nghênh, thậm chí nên tán thưởng Phê-rô khi Ngài nghe ông bộc bạch về việc ông tha thứ đến bảy lần chứ! Và nếu thử đặt mình vào tâm trạng của Phê-rô, có lẽ chúng ta cũng sẽ nghĩ như ông là: chắc Thầy Giê-su vui lắm đây, khi nghe những lời này! Tuy nhiên, câu trả lời của Đức Giê-su khiến Phê-rô, các môn đệ và cả chúng ta nữa phải sửng sốt, kinh ngạc, bởi lẽ nó vượt xa, vượt trên những mặc định của Phê-rô tha thứ tối đa là bảy lần, còn mặc định của chúng ta thứ tha tối đa ba lần, đó là: “tha đến bảy mươi lần bảy” (770), nghĩa là tha thứ mãi hoài (x. Mt 18, 22).
Khi đề cập tới việc tha thứ, sống vị tha với anh chị em, thì vô vàn lí do mà chúng ta thường giữ khư khư như thể vũ khí để biện minh cho hành vi không tha thứ của mình cho anh chị em, thí dụ: người ấy không xứng đáng được tha thứ (không xứng đáng với sự tha thứ của tôi, hoặc không xứng đáng được tôi tha thứ); lỡ họ tái phạm sau khi được tha thứ thì sao, đành rằng nói tha rồi; nhưng đụng chuyện gì đó thì ‘lôi ra’ hay nhắc lại bổn cũ để hạ thấp hoặc mày nheo, đay nghiến anh chị em…v, v…; tôi tha cho họ rồi, nhưng ai thứ tha cho tôi, hay ai sẽ tha thứ cho tôi…Thật ra, nếu mà Chúa cũng nghĩ như chúng ta thì chắc hẳn chúng ta sẽ chẳng bao giờ được thứ tha, chẳng bao giờ được bình tâm, an lòng, chẳng thể yên thân! Nhưng may thay, Chúa không eo hẹp, ích kỷ và khăng khăng vào nhận định của bản thân; trái lại, Ngài rộng lượng, đầy khoan dung nhân hậu, chậm bất bình, và rất mực xót thương chúng ta, bất luận khi chúng ta tội lỗi hay sống tốt lành, thánh thiện.
Vì lẽ, Thiên Chúa chẳng bao giờ muốn kẻ tội lỗi, kẻ gian ác phải chết (x. Ez 18, 23; Lc 5, 32) và chẳng giữ mãi lỗi lầm, việc làm xấu xa của chúng ta, hay Ngài không chịu bỏ qua hay tha thứ cho chúng ta đâu! Tuy nhiên, nếu chúng ta không biết tha thứ cho anh chị em, thì lời cảnh báo của Đức Giê-su sẽ thành hiện thực ngay cả ở đời này “Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18, 35). Sau cùng, chúng ta nên khắc ghi lời trong sách Huấn Ca và luôn rộng lòng tha thứ cho anh chị em như chúng ta đã-đang-sẽ được thứ tha, “Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù, nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết mà trung thành giữ các điều răn. Hãy nhớ kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác. Hãy nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác” (Hc 28, 6-7). Lúc ấy và chỉ khi ấy, “bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (x. Hc 28, 1).
Nào chúng ta cùng nhìn lại đời mình, nhìn lại tâm hồn mình, nhìn lại thời gian qua, nhất là những khi chúng ta cảm nghiệm sâu sắc tình Chúa thứ tha, cũng như nhiều lần chúng ta chưa sống giới răn yêu thương, chưa mở lòng thứ tha cho anh chị em. Và trong tâm tình đó, chúng ta cùng nguyện cầu:
Lạy Chúa giàu lòng xót thương
Xin cho con yêu thương như Chúa hằng thương yêu
Xin cho con tha thứ như Chúa hằng thứ tha
Xin cho con mở rộng lòng như lòng Chúa mãi rộng mở
Xin cho con bỏ qua lầm lỗi của anh chị em như Chúa hằng bỏ qua cho con. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

 

=================

Suy niệm 4
Phúc cho người biết thứ tha
Mt 18, 21 - 35

Nhiều nghiên cứu y học cho thấy sự tức giận gây nhiều tác hại nghiêm trọng lên sức khỏe như gây hại cho tim mạch, tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ, tổn hại gan, viêm loét dạ dày, làm suy giảm hệ miễn dịch, rút ngắn tuổi thọ và nhiều chứng bệnh khác… Ngoài ra, giận hờn còn gây xáo trộn tâm lý, khiến người ta cảm thấy bực bội, mất ăn mất ngủ, rồi trút nỗi bực dọc của mình lên đầu những người vô tội chung quanh.
Như vậy, giận hờn người khác là tự hủy hoại sức khỏe mình, tự rước bệnh vào thân, làm cho cuộc đời bất hạnh.
Tuy nhiên, muốn giải tỏa mọi thứ giận hờn để sống khỏe mạnh và hạnh phúc là điều không dễ.
Qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su đề ra một giải pháp tốt đẹp giúp ta xóa bỏ giận hờn, tìm lại bình an cho tâm hồn, đó là hãy tha thứ để được Thiên Chúa thứ tha.
Giải pháp nầy được Chúa Giê-su trình bày qua dụ ngôn sau đây:
Một tên đầy tớ mắc nợ vua một món nợ khổng lồ. Vua truyền cho anh ta phải tự bán thân mình, cùng với tất cả gia tài vốn liếng, bán luôn cả vợ con để trả cho hết nợ.
Anh khẩn khoản nài xin vua cho khất nợ một thời gian… Thấy thế, vua động lòng thương xót, tha hết nợ cho anh.
Thế rồi, khi anh ta vừa ra khỏi công đường, gặp một người bạn mắc nợ anh một số tiền nhỏ, anh túm lấy và buộc người đó phải trả nợ ngay. Người nầy cũng khẩn thiết nài xin anh cho khất một thời gian. Anh không chấp nhận, tống giam người bạn kia vào ngục.
Khi nghe biết sự việc đó, vua truyền cho anh đến và bảo:
“Hỡi tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta. Sao ngươi không tha nợ cho bạn người như ta đã tha cho ngươi? Thế rồi vua nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày trả hết nợ cho ông.”
Rồi Chúa Giê-su kết luận: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35).
Như vậy, nếu không tha thứ cho người khác, chúng ta phải gánh lấy hậu quả đáng sợ biết chừng nào!
Có tha thứ thì mới được thứ tha là một điều kiện phải có để được tha tội. Luật nầy được Chúa Giê-su lặp lại nhiều lần:
Khi dạy ta cầu nguyện với Chúa Cha, Chúa Giê-su nói:
“Xin Cha tha tội cho chúng con cũng như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.” Rồi Chúa Giê-su diễn giải rõ ràng minh bạch ý nguyện nầy như sau:
“Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,12-15).
Và qua Tin mừng Luca, Chúa Giê-su dạy tiếp:
“Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6, 37).
Như thế, khi giận hờn người khác mà không sẵn lòng tha thứ cho nhau, người ta sẽ rước họa vào thân, tự đày đọa thân xác mình, làm cho cuộc sống mất bình an và điều tai hại nhất là không được Thiên Chúa tha tội cho. Vậy thì chúng ta phải xóa bỏ giận hờn và sẵn sàng tha thứ cho nhau.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, không giận hờn oán trách ai và sẵn sàng tha thứ cho những người xúc phạm chúng con như Chúa đã tha thứ cho những kẻ lăng nhục và kết án Ngài trên thập giá. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

 
===================

Suy niệm 5
Tha Thứ, bài học cả đời

(Mt 18, 21 - 35)

Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta phải trải qua cảm giác hy vọng rồi thất vọng vì một ai đó. Những đau khổ, tổn thương do bị xúc phạm khiến chúng ta cảm thấy khổ sở và oán hận. Vậy làm thế nào để vượt qua điều này? Câu trả lời chính là tha thứ.
Tha thứ để được thứ tha
Theo Cựu Ước, quan niệm “thưởng phạt ở đời sau” chỉ mới xuất hiện, vì thế kẻ gian ác sẽ chuốc lấy hậu quả của điều ác mà nó gây ra ngay tại đời này. Nếu ai cố chấp trong sự oán hờn và giận dữ, người ấy rồi sẽ chuốc lấy sự báo thù của Đức Chúa: “Ai báo thù sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi của nó” (Hc 28,7). Đây là điều mà chúng ta thường nói: “Ác giả ác báo, gieo gió gặp bão”.
Tha thứ trong Kitô giáo vượt xa sự không bạo tàn và sự không oán hận: “Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha” (Hc 28). Và nêu lên lý do tại sao phải tha thứ: “Ngươi này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao ? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao?”(Hc 28). Đây cũng là ý nguyện trong kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6, 12). Tôi phải tha thứ cho anh em tôi vì Chúa đã liên tục tha thứ cho tôi. Ðời tôi là một chuỗi những vấp ngã, được đan kết với bao thứ tha. Ơn tha thứ như dòng suối chảy vào đời tôi, nếu bị ngăn lại, nó sẽ thành ao tù, nó chỉ trong lành khi được chảy đến tha nhân. Tha thứ một cách phi thường và hồn nhiên, đó là thái độ của người thấm nhuần Kitô giáo.
Rất cần sự tha thứ
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày câu hỏi nổi tiếng của Phêrô dành cho Thày Giêsu: “Lạy Thày, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bẩy lần không ?” (Mt 18, 21). Ông hỏi Chúa Giêsu như thế vì ông tự nghĩ rằng: Theo các Thầy dạy luật, các Rabbi, thì những người công chính nên tha thứ cho những người xúc phạm tới mình ba lần, sự bất quá tam. Đến lần thứ bốn thì không buộc phải tha thứ cho họ nữa! Do đó, ông tự nghĩ: Tha cho anh em đến bẩy lần là điều quá sức, quá quảng đại và đã chứng tỏ rằng mình thực thi như thế là anh hùng và đáng Chúa khen ngợi rồi!
Thế nhưng, câu trả lời của Chúa làm cho ông chưng hửng, cảm thấy hổ thẹn khi so sánh đề nghị của ông với sự đòi hỏi của Chúa thì thấy mình còn quá xa sự trọn lành, xa đòi hỏi của Tin Mừng, Chúa trả lời: “Thầy không bảo con phải tha đến bẩy lần, nhưng đến bẩy mươi lần bẩy” (Mt 18, 22).
Để giải thích cho Phêrô tại sao cần phải luôn tha thứ, Đức Giêsu kể lại dụ ngôn những kẻ mắc nợ. Người đầu tiên được ông chủ tha hết nợ mặc dầu anh nợ ông chủ một số tiền lớn. Nhưng chính anh chỉ sau đó ít lâu lại không biết thương xót và tha cho người khác là kẻ chỉ mắc nợ anh một số tiền  nhỏ.
Chúa Giêsu tuyên bố : “Cha Ta trên trời sẽ xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18, 35).
Chúng ta không phải là thánh để sẵn sàng bao dung mọi thứ. Trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi ngay cả người thân yêu nhất cũng có thể khiến ta phải đau lòng. Song tha thứ là một việc đáng làm, giúp cho tâm hồn được nhẹ nhàng thanh thoát.
Học cách tha thứ
Có người nói, tha thứ đâu phải dễ. Đúng, rất khó để bắt đầu tha thứ cho người xúc phạm đến ta. Tha thứ là một hành vi nghiêm chỉnh, nếu có thể thì rất khó đối với con người. Người ta không thể nói về sự tha thứ cách nông nổi, khi yêu cầu người bị xúc phạm tha thứ cho người đã xúc phạm đến mình. Các tôn giáo đều dạy sự tha thứ. Tha thứ để làm cho oán tiêu tan, tha thứ để phá vỡ cái vòng oan nghiệt trói buộc con người. Đức Phật cũng đã để lại một châm ngôn “Không phải với sự oán giận mà sự oán giận được xoa dịu; với sự không oán giận, sự oán giận mới được xoa dịu”.
Tha thứ" được mô tả là hình thức tối thượng của tình yêu vô điều kiện, bởi nó kiểm tra độ sâu sắc và sức mạnh tình cảm của ta đối với người khác. Sự tha thứ được ví như một nghệ thuật có thể khiến ai đó phải mất cả đời để có thể thành thạo, một điều mà con người không ngừng học hỏi trong cả cuộc đời mình. Tha thứ không có nghĩa là yếu đuối, nhượng bộ. Trái lại, nó cho thấy sức mạnh của chính mỗi người, khiến họ trở nên mạnh mẽ hơn. Tha thứ giúp mỗi người hàn gắn, phát triển, biến đổi bản thân trong một mối quan hệ. Đó cũng là cách để hai bên chữa lành và hòa giải, nếu có thể, và sau đó một lần nữa thiết lập lại mối quan hệ.
Phản ứng tự nhiên của chúng ta khi bị xúc phạm là bảo vệ chính mình, sau đó chuyển sang trạng thái "xù lên" để chiến đấu, hoặc đóng băng cảm xúc, có thể trả thù trong trường hợp những nỗi đau bị kích hoạt trong tương lai.
Tha thứ giúp ta vượt qua nỗi đau của chính mình. Nó cũng là món quà dành cho kẻ xúc phạm đến ta sau sai lầm, thay vì giữ sự oán thù. Tha thứ là một quá trình chứ không thể nào là một quyết định tức thời. Nếu muốn thực hành tha thứ, việc đầu tiên là học cách đưa ra các quyết định có ý thức, để tha thứ cho người xúc phạm đến ta.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

===================
Suy niệm 6
Tha thứ

Mt 18, 21-35
“Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,21-22).
Chắc là ông Phêrô mệt mỏi vì phải tha thứ cho ai đó đã mấy lần rồi mà vẫn bị xúc phạm, nên đành hỏi Thầy cho biết tha mấy lần là đủ, để biết đường xử lý. Những tưởng chỉ cần cố gắng có ngần có hạn, nhưng Thầy nói “đến bảy mươi lần bảy”, nghĩa là vô hạn định, không cân đo đong đếm. Rồi Thầy kể dụ ngôn để minh chứng lý do cần phải tha thứ không đòi điều kiện như Thầy đã thứ tha: có anh kia mắc nợ vua món nợ tầy đình mười ngàn nén vàng. Nhưng sau khi được vua rộng tình tha trắng, đến lượt anh khi ra về gặp con nợ của mình, thì anh lại túm cổ đòi nợ không chút xót thương, nên đã bị tôn chủ không tha cho anh nữa và xử lại như anh đã đáng.
“Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18, 35). Khuôn thước này ta vẫn đọc hằng ngày trong lời kinh trọng nhất: “và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Tha thứ cho người xúc phạm đến mình, làm khổ mình là chuyện vô cùng khó khăn. Nhưng không có nghĩa là không thể được, một khi có Chúa trong mình thực hiện cho tôi. Khi không tha thứ thì lòng nặng nề u uất, tâm tư bất an, mọi suy nghĩ và hành động trở nên tiêu cực, mặt nặng mày nhẹ, đá thúng đụng nia, thậm chí phát sinh bệnh tật ốm yếu. Nhưng khi tha thứ là chính tôi được nhẹ lòng, được chữa lành bình an, như cắt bỏ được “khối u” đang mang họa cho đời tôi. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, khi tha thứ là đời tôi được sang trang mới, mọi sự trở nên nhẹ nhàng an vui và sẽ phát sinh những điều thiện hảo trong tôi.
Nhưng trước hết và trên hết là tình yêu tha thứ của Chúa. Chính Chúa đã làm gương trước và còn mãi thứ tha cho đến hôm nay. Khi bị đóng đinh trên thập giá, Chúa đã cầu xin Cha tha thứ cho những kẻ làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm (Lc 23, 34). Martin Luther King, một nhà đấu tranh cho dân quyền bằng đường lối bất bạo động tại Hoa Kỳ, được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1964, khi suy nghĩ về lời cầu nguyện này, ông đã kêu lên: “Đó là giây phút đẹp nhất cuộc đời Chúa Giêsu.” Ngày nay Chúa vẫn hằng tha thứ cho tôi, cả khi tôi là đứa con lỗi lầm ngỗ nghịch nhất. Chính Chúa đã tha thứ cho tôi từ trước rồi, bởi vì tha thứ là nghề của Chúa, hạnh phúc của Chúa là thứ tha, trong khi Ngài là Đấng không biết tội là gì. Vậy tôi là gì mà lại không thể bỏ qua lỗi lầm thiếu sót cho anh em của tôi? Hơn nữa ngày ngày tôi cần đến lòng xót thương tha thứ của Chúa.
Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thông báo Thánh lễ Khai Mạc Năm Thánh 2025 với nghi thức hành hương ban ơn Toàn xá tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc
Thông báo Thánh lễ Khai Mạc Năm Thánh 2025 với nghi thức hành hương ban ơn Toàn xá tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc
Chúa nhật ngày 29/12/2024 lễ kính Thánh Gia Thất, Đức Cha Đaminh, Giám mục giáo phận sẽ chủ sự thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025 vào lúc 09h00 tại Nhà thờ Chính tòa Sơn Lộc. Kính xin quý cha, quý thầy sắp xếp lịch mục vụ giáo xứ sao cho phù hợp về tham dự nghi thức hành hương và hiệp dâng thánh lễ với Đức Giám mục giáo phận.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log