Thứ hai, 20/05/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật II Mùa Vọng năm B

Cập nhật lúc 20:05 07/12/2023
Suy niệm 1
Chuẩn bị đón Chúa
(Mc 1, 1 - 8)
Thánh Gioan Tẩy Giả được Chúa sai đến để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ngài kêu gọi mọi người sám hối, tức là sống xấu sang sống tốt.
Cô điếm đến hỏi:
  • Tôi phải làm gì để đón Đấng Cứu Thế?
  • Cô làm nghề gì?
  • Tôi làm nghề bán hoa.
  • Vậy cô phải bỏ nghề đó. Nếu đồng ý thì xuống sông, tôi làm phép rửa cho.
Anh thu thuế đến hỏi:
  • Tôi  phải làm gì?
  • Anh làm nghề gì?
  • Tôi làm nghề thu thuế.
  • Nếu vậy thì không được hà lạm, chỉ thu đúng mức thôi. Nếu đồng ý, thì xuống sông, tôi làm phép rửa cho.
Anh lính lê dương hỏi?
  • Tôi phải làm gì để đón Đấng Cứu Thế?
  • Thế anh làm nghề gì?
  • Tôi là lính.
  • Vậy thì phải đồng ý với đồng lương. Không được ăn hiếp dân. Nếu đồng ý thì xuống sông, tôi làm phép rửa cho.
Như vậy, chuẩn bị đón nhận Đấng Cứu Thế, là sống tốt hơn.
Vậy chuẩn bị đón lễ Giáng Sinh thì làm gì? Nhiều người sẽ khoe là “tôi mua cây thông tuyệt đẹp rồi”; “tôi làm hang đá, tôi mua bánh sinh nhật… nhiều thứ lắm. Nhà tôi ai cũng may áo mới tuyệt đẹp để dọn mình mừng lễ Giáng Sinh”. Có người còn khoe: “tôi đi dự lễ Giáng Sinh ở tận thủ đô Hà Nội, tận thành phố Sài Gòn…”
Tất cả bấy nhiêu thứ chuẩn bị mừng Giáng Sinh đều có thể chấp nhận, nhưng chỉ tạm được thôi. Sự chuẩn bị tốt nhất là:
  • Tập chừa tật xấu: ham coi phim sex; ham nhậu nhẹt; ham đánh bạc…
  • Làm nhiều việc thiện: an ủi người bệnh tật, khuyên lơn người có tập quán xấu; giúp người nghèo…
Như vậy là đã mừng một lễ Giáng Sinh đúng nhất, làm vui lòng Chúa nhất và là cách loan báo Tin Mừng đúng đắn nhất.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
================
Suy niệm 2
DỌN ĐƯỜNG
Mc 1, 1-8
Bước vào Mùa Vọng, chúng ta gặp lại Gioan Tiền Hô, vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước. Ông được cưu mang và sinh ra cách lạ lùng, rõ ràng là một biến cố hoàn toàn do ân sủng của Thiên Chúa. Sau 5 thế kỷ vắng bóng ngôn sứ, nay ông xuất hiện với sứ mạng Tiền Hô, để dọng đường cho Đấng cứu tinh nhân loại. Đúng như lời Thiên Chúa đã nói qua ngôn sứ Isaia:“Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con”. Để thực hiện sứ mạng này, Gioan chọn con đường khổ chế: ẩn tu trong sa mạc, ăn châu chấu và mật ong rừng, uống nước lã và mặc áo da thú. Chính trong hoang địa mà ông đã lớn lên và trưởng thành trong sự gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Nhờ sự đào luyện bản thân cách nghiêm túc, nhiệm nhặt, mà Gioan đã trở thành người mở đường hữu hiệu cho Đấng Cứu Thế.
Khi ra rao giảng, việc quan trọng đầu tiên là Gioan “kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”. Cụm từ Hy Lạp baptisma metanoias (thanh tẩy sám hối: Lc 3,3; Cv 13,24; 19,4): xác định đặc tính của phép rửa Gioan là “phép rửa tượng trưng hoặc diễn tả lòng sám hối”. Lòng sám hối đích thực không hệ tại nơi những tình cảm chóng qua, hay những nghi thức bên ngoài, nhưng phát xuất từ chính tâm tình bên trong, là sự mong đợi Đấng Mêsia ngự đến.
Việc sám hối bao gồm sự hoán cải. Vì “Sám” là ăn năn lỗi trước, và “Hối” là chừa bỏ lỗi sau. Chỉ có “sám” mà không có “hối” thì tội vẫn còn nguyên. Sám hối và hoán cải cũng không chỉ là sửa chữa những lầm lỗi hay thiếu sót, mà cơ bản là trở về với Thiên Chúa, Đấng là Chân, Thiện, Mỹ, mà từ trong sâu thẳm, con người hằng thao thức và khát mong tìm về. Chỉ dừng lại ở việc hoán cải trí tuệ và luân lý thôi thì đời sống Kitô hữu vẫn còn đang dang dở, chưa dấn thân trọn vẹn con người mình cho Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa cứu độ ta chứ không phải sự hiểu biết về chân lý hay những việc thiện mà ta làm.  
Cụ thể của việc sám hối và hoán cải nơi sứ điệp của Gioan là kêu gọi mọi người “Hãy dọn sẵn con đường của Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Trên phương diện xã hội, nếu không có đường thì giao thông vận chuyển và mọi phát triển đều bế tắc. Nhưng có đường mà đất bùn lầy, đá lởm chởm, nhiều lồi lõm, lối quanh co… sẽ gây trắc trở và nhiều nguy hại. Con đường mà Gioan nói tới là đường vào cõi lòng ta, nhiều khi cũng đã sình lầy và bít bùng hoặc hư hỏng rồi, nên phải “dọn”, phải “sửa”, để Chúa có thể đến với tâm hồn mình.
Dọn đường hay sửa đường là nỗ lực đổi mới bản thân, không chỉ vượt qua những ngăn chặn tiêu cực nơi chính mình, cũng không chỉ làm đẹp một tính cách nào đó, mà còn là tích cực góp phần để tình yêu và chân lý được tỏa sáng, để công lý và hòa bình được ngự trị. Đức Bênêđictô XVI khẳng định: Chính tinh thần sám hối và hoán cải giúp canh tân Giáo Hội chứ không phải việc thay đổi các cơ cấu”.
Mỗi Kitô hữu cũng chính là một con đường để mọi người đến với Chúa và để Chúa đến với mọi người. Nhưng chúng ta hãy thật tâm nhìn lại con đường của tâm hồn mình, biết đâu đang có những chỗ lồi lõm, gồ ghề, quanh co, và có cả vực sâu ngăn chặn Thiên Chúa và con người đến với nhau. Cần bạt đi thói kiêu căng tự mãn, cần san bằng tính tự ái ngang ngạnh, cần lấp đi những hố sâu tham vọng, cần uốn thẳng lại những kiểu sống quanh co dối trá, giả hình... để tâm hồn ta trở thành một con đường thật đẹp để Chúa đến với mọi người xung quanh.
Cuối cùng, tâm tình sám hối và hoán cải phải thật sự đưa ta đến gặp gỡ Đức Giêsu, Đấng cứu độ. Sám hối và hoán cải là nhịp đập của một trái tim hít vô và thở ra để mang lại sự sống, cũng là một sự thanh tẩy và đổi mới bản thân để gặp gỡ Chúa sâu xa hơn. Đức Bênêđictô XVI cũng đã khẳng định rằng: “Trở thành Kitô hữu không phải là kết quả của sự lựa chọn đạo đức hoặc ý tưởng cao thượng mà là cuộc gặp gỡ với một biến cố, một con người, đem lại cho đời sống mình một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (Tông huấn Verbum Domini 11).
Gioan Tẩy Giả nhìn người ta được tẩy sạch khi lên khỏi nước. Ông gạt đi những lời cám ơn và ca ngợi. Ông nói với họ về “Đấng quyền thế hơn”, Đấng mà ông không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”. Đó là Đấng sẽ làm phép rửa cho họ trong Thánh Thần để tiến tới một đời sống mới. Đời sống này sẽ khởi sự khi người ta nhận ra và đón nhận Đức Kitô cùng với sự khôn ngoan của Người vào lòng. Họ đang ở tại bờ của một khởi đầu; họ cần sẵn sàng, khao khát và mở lòng ra.
Mỗi Kitô hữu cũng có một vai trò tiền hô đối với anh chị em xung quanh mình hằng ngày. Cần khiêm tốn và trung thực để giới thiệu về Đức Giêsu là Đấng đã và đang có mặt trong lịch sử loài người.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Cũng như thánh Gio-an Tẩy Giả,
mỗi người chúng con là một con đường,
để Chúa đến với con người hôm nay,
ban sức thiêng cho cuộc sống đời này.
Nhưng lòng con còn quanh co gian dối,
còn che chắn và tăm tối mịt mù,
còn những lối hiềm thù và đố kị,
còn những mô cao khinh thị kiêu căng,
còn gồ ghề và nhỏ nhen ích kỷ,
những vô lý và thô bỉ với người.
Nghe theo thánh Gio-an đã kêu gọi,
xin cho con biết thật tình sám hối,
biết tu tâm và đổi mới bản thân,
biết siêng năng và sốt sắng ân cần,
để dành giờ cho Chúa và tha nhân.
Cũng như thánh Gio-an đã từng sống,
cho con sống khó nghèo và nhiệm nhặt,
biết từ khước những gì là dễ dãi,
những tiện nghi và thoải mái cho mình,
để sống chân tình và giản dị đơn sơ.
Cũng như thánh Gio-an đã hành động,
xin cho con dám
sống một đức tin,
ra khỏi mìnhđến với anh em,
gần gũi và đỡ nâng người yếu kém,
xả thân vì sự thật của Tin Mừng.

Cũng như thánh Gio-an đã nêu gương,
cho con biết rút lui vào hậu trường,
bỏ uy thế và ảnh hưởng của mình,
rất hân hoan nhường đường cho Chúa đến,
để đem lại ơn cứu độ cho đời. Amen.
Lm. Thái Nguyên
================
Suy niệm 3
Tiếng Chúa

(Mc 1, 1-8)
Chúng ta bước vào Mùa Vọng, hay còn gọi là mùa Ad. Mùa Vọng, nguyên nghĩa tiếng Latin là Adventus, (có nghĩa là đến, quang lâm). Thời thánh Giáo hoàng Grêgôriô I, thời gian chuẩn bị đón chờ Chúa đến trước lễ Giáng Sinh kéo dài bốn tuần được gọi là Mùa Vọng.
Mùa Vọng nhắc nhớ người tín hữu những ý nghĩa sau đây:
- Mùa Vọng nhớ lại thời dân Do thái mong đợi Đấng Messia (Chúa Kitô) để giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ. Chúa đã đến lần thứ nhất cách đây hơn hai ngàn năm. Người đến để giải phóng họ khỏi ách nô lệ tội lỗi bằng giáo lý và cái chết của Người.
- Mùa Vọng còn có nghĩa chuẩn bị đón Chúa Kitô (sẽ đến) lần thứ hai vào ngày tận thế. Không ai biết được ngày giờ nào.
- Ngày nay, Mùa Vọng là mùa chúng ta chuẩn bị tâm hồn sốt sáng để mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới.
- Mùa Vọng là mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô (sẽ đến) viếng thăm vào cuối đời mỗi người chúng ta. Vậy nên, mỗi người cần tỉnh thức, sẵn sàng đón Chúa đến vào ngày tận thế đời mình (giờ chết), để Chúa đưa mình về Nước Chúa muôn đời.
Vì thế, những việc cử hành thánh trong Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta hoán cải nội tâm, canh tân niềm tin, vững tin vào tương lai và trở lên men giữa lòng thế giới.
Trong lịch phụng vụ Công Giáo, Mùa Vọng kéo dài bốn tuần và mỗi Chúa nhật với tên gọi truyền thống đặc thù của nó gồm những lời đầu tiên của bài thánh ca mở đầu:
- Chúa nhật I Mùa Vọng : Ad Te levavi... (= Con nâng tâm hồn con lên tới Chúa, lạy Chúa… )
- Chúa nhật II Mùa Vọng : Populus Sion... (= Này hỡi Dân Sion…)
- Chúa nhật III Mùa Vọng : Gaudete... (= Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa…)
- Chủ nhật IV Mùa Vọng Rorate ... (= Trời cao, hãy đổ sương xuống, và làm mưa Đấng Công Chính...)
Tiếng Chúa qua miệng tiên tri Isaia
Chúa nhật II Mùa Vọng với chủ đề : Populus Sion... (Này hỡi Dân SionChúa sắp ngự đến cứu độ muôn dân. Người sẽ lên tiếng thật oai hùng, khiến tâm hồn anh em hoan hủy... " (Ca nhập lễ).
Tiếng Chúa qua miệng tiên tri Isaia vang lên kêu gọi Dân Ngài như một sự trấn an trước cảnh nô lệ và tội lỗi: "Hỡi dân Ta, hãy an tâm, hãy an tâm! …Thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá, Chúa đã ban ơn nhiều gấp hai lần tội lỗi" (Is 40, 2). Và hơn thế nữa, Chúa truyền cho Isaia:  "Hãy nói cho các dân thành thuộc chi họ Giuđa rằng: Đây Thiên Chúa các ngươi, đây Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ đến trong quyền lực; cánh tay Người sẽ thống trị. Người mang theo những phần thưởng chiến thắng và đưa đi trước những chiến lợi phẩm. Người chăn dắt đoàn chiên Người như mục tử. Người ẵm chiên con trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ" (Is 40, 9-11). 
Để được như vậy Dân Chúa phải thực hành không trì hoãn tiếng Chúa gọi mời là : "Dọn đường Chúa...lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi " (Is 40, 3). 
Nếu hố sâu và đồi núi gồ ghề cản trở người đi lại, khiến người ta khó đến với nhau thi cần phái lấp hố, bạt đồi. Hố sâu và đồi gồ ghề ở đây là  lòng tự mãn kiêu căng là cản trở lớn nhất trên đường Chúa đến với con người. Khi chúng ta thực hành nét đẹp của khiêm nhường và hạ mình xuống, người ta sẽ khám phá ra sự kiêu ngạo ẩn sâu trong lòng ta. " Hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng" (Is 40, 3). Chúa gần đến, tiếng Chúa gọi mời cấp bách hơn.
Tiếng Chúa thể hiện qua tiếng kêu của Gioan
Gioan Tẩy Giả tự nhận mình là ‘tiếng kêu’ (x. Mc 1,3) từ trong hoang địa, Gioan cất lời rao giảng "phép rửa sám hối cầu ơn tha tội" (Mc 1, 4).  Lời giảng tuy nghiêm nghị nhưng thu hút "cả miền Giuđêa và Giêrusalem" (Mc 1, 5). Gioan được Marcô (1, 2-8) trình bầy như vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước, ví ông như " Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi "  (Mc 1,2; Ml 3,1), Gioan đã xuất hiện với những người đương thời như là hy vọng cuối cùng của một dân tuyệt vọng. Rất ít người nhận ra sứ vụ đích thực của ông là để "dọn đường cho Chúa đến".
Gioan xuất hiện như Tiếng kêu trong hoang địa, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú. Ông không kêu gọi người ta trở nên nhà khổ tu giống như ông. Ông rao giảng rằng: "Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi … Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần" (Mc 1, 7.8).  Lời của Gioan vẫn vang dội qua các thời đại và như một sứ điệp cấp bách gửi đến với chúng ta ngày hôm nay. Kêu mời thay đổi nội tâm, bắt đầu từ việc thừa nhận và xưng thú tội lỗi của mình. Kết quả là: "Cả miền Giuđêa và Giêrusalem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Giođan" (Mc 1, 5).
Sống tiếng Chúa gọi mời
Mùa Vọng năm nay, chúng ta đang sống như thế nào, nếu không phải là chuẩn bị tâm hồn, giục lòng tin, cử hành Phụng vụ cho sốt sáng để lãnh nhận ân sủng mà Chúa Kitô đã mang đến cho trần gian.
Hãy thay đổi cung cách suy nghĩ hành xử và sống thanh đạm "Vì nước trời gần đến". Bốn tuần của Mùa Vọng là như "tiền đường" để bước tiếp vào những ngày thánh. Chúng ta hãy chuẩn bị tinh thần bằng lời cầu nguyện, sẳn sàng tiếp đón Ðấng Cứu Thế ngự đến!
Ước gì Mùa Vọng và việc chờ đón "Hoàng Tử Bình An" đến, giúp chúng ta nhận ra tiếng Chúa gọi mời qua Giáo hội. Hãy tránh ngủ quên, và cương quyết dọn đường cho Chúa, là nguồn mạch bình an, niềm vui, tình yêu và hy vọng, là Ðấng không ngừng đến để an ủi dân Người.
Chúng ta hãy đặt tay ta vào tay Mẹ Maria, Trinh Nữ của sự chờ đợi, để Mẹ dẫn chúng ta đến gặp gỡ Chúa Giêsu Con Mẹ. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

================
Suy niệm 4
VỀ VỚI LÒNG MÌNH
Kính thưa cộng đoàn Phụng Vụ, hôm nay Lời Chúa thúc giục mỗi người chúng ta hãy nhìn lại cuộc sống đức tin của mỗi người, nhìn lại mối tương quan đối với Chúa, đối với anh chị em trong cộng đoàn, gia đình, xã hội và sau hết với chính bản thân mình.
Mỗi lần bước vào Mùa Vọng, mùa ân sủng chuẩn bị tâm hồn đón chờ Chúa đến sinh lại nơi mỗi người, mỗi gia đình, cộng đoàn, chúng ta được Mẹ Giáo Hội nhắc nhở thường xuyên qua lời mời gọi của Chúa, đặc biệt qua các bài đọc hôm nay. Chúa đã dùng tiên tri Isaiah (bài đọc I) kêu mời, nhắn nhủ dân Is-ra-el “hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng”. Qua lời giáo huấn của Thánh Phê-rô (bài đọc II), Chúa hướng lòng chúng ta theo đường lối của Người “không phải Chúa chậm trễ thi hành lời hứa, nhưng vì anh em, Người hành động nhẫn nại, Người không muốn ai phải hư mất, nhưng muốn mọi người ăn năn sám hối”. Và sau cùng, với hình ảnh của Thánh Gio-an Tiền Hô rao giảng phép rửa sám hối, cầu ơn tha tội (bài Phúc Âm), một lần nữa, Chúa mong muốn chúng ta cất bước trên con đường công chính của Người bằng việc sống khiêm nhu, lắng nghe và đáp lời kêu gọi của Người.
Đặt trên nền tảng Lời Chúa hôm nay, và với tâm tình ấy, nào chúng ta cùng tiến sâu vào cung lòng của mình, nơi đó chúng ta có thể gặp lại chính bản thân, cũng như bước vào một cuộc hội ngộ với Thiên Chúa - Người đang mong chờ, tìm gặp chúng ta qua đôi dòng suy niệm có vẻ rời rạc sau đây:
 
                           Hãy dọn đường đón chờ Chúa đến
                           Hãy lấp mọi ‘hố sâu giận hờn’
                           Hãy bạt muôn ‘núi đồi đố kỵ’
                           Làm cho ngay thẳng ‘lối sống cong queo’
                           San cho bằng ‘tâm hồn gồ ghề’
                           Hãy mạnh dạn cất bước loan tin
                           ‘Trèo đèo gian khó’, băng rừng chông chênh
                           Cất tiếng cao đưa tin vui, đừng sợ
                           Báo tin mừng Chúa sẽ đến trong quyền uy
                           Người chăn dắt đoàn chiên như mục tử
                           Ẳm chiên con trên cánh tay nhẹ nhàng
                           Nhẹ dắt đưa chiên mẹ qua ngàn thảo nguyên xanh.
                           Ngàn năm với Chúa như một ngày đợi
                           Đợi một ngày với Chúa như ngàn năm
                           Nhưng đừng nhầm tưởng Chúa ‘ngủ quên’
                           Chẳng phải Người không thi hành lời hứa
                           Chỉ vì Người nhẫn nại với chúng ta
                           Không muốn ai phải hư mất trầm luân cả
                           Chẳng mong ai lìa xa ơn thứ tội
                           Luôn đợi chờ ta trở về ăn năn
                           Lìa xa tội, mặc lấy đức từ bi
                           Vững tâm, trông đợi trời mới và đất mới
                           Chính nơi này, công lý và hoà bình muôn năm.
                           ‘Đấng đến sau tôi là Ngôi Hai cứu độ,
                           Người là đường, chân lý và sự sống
                           Rửa sạch trong bằng chính lửa Thánh Thần’
                           Hồn tôi ơi, vui mừng hoan hỉ
                           Hãy mở lòng, đón nhận Lời trường sinh
                           Thay con người tội lỗi nhân hình này… Amen!
 
Lm. Xuân Hy Vọng
================
Suy niệm 5
Hãy dọn đường cho Chúa   
Is 40,1-5.9-11; 2Pr 3,8-14; Mc 1,1-8
Mở đầu Tin Mừng Maccô hôm nay, tác giả trích dẫn lời tiên báo về công cuộc rao giảng của Gioan Tẩy Giả trong hoang địa rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” (Mc 1, 2-3).  Đây là lời hối thúc thật khẩn trương của Gioan Tẩy Giả ta đã nghe hằng năm trong mùa vọng, phải sám hối vì Nước Trời là chính Chúa đã đến gần. Ông hô vang hãy dọn đường cho Chúa đến, sửa lối cho thẳng để Người đi.
Bài đọc I nêu rõ: “Có tiếng hô: Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu.” (Is 40, 3-4). Chúa sẽ đến trên những con đường thẳng của sự chính trực công minh, trong những tấm lòng chân thành, với những hành vi ngay thẳng, những tâm tình đơn sơ, hiền hòa khiêm tốn, luôn sẵn sàng và khao khát sửa đổi cuộc đời nên mới. Nhưng tôi cần có thời giờ dành cho Chúa, để nhìn sâu vào lòng mình, để nhờ chính Chúa soi rọi vào cái cõi lòng tưởng là sáng sủa thơm tho, cho thấy trong ẩn kín con người của mình. Thời đại nào cũng vậy, con người vẫn đang chìm vào trong “giấc ngủ” của cuộc sống trần gian. Lúc Chúa đến, Người lại nhẹ nhàng lặng lẽ đến chẳng ngờ! Nên khi càng biết mình thì lòng khao khát càng phải lớn mạnh, càng tha thiết cần Chúa đến, càng chờ mong hết mình. Chúng con cần biết ý thức những giới hạn, yếu đuối trong đời mình, bởi đã cố gắng nhiều phen, bao lần gồng mình quyết chí chừa sửa, nhiều lần đề phòng cẩn thận… thế mà chỉ được vài ngày đâu lại hoàn đó, chứng nào tật ấy, tội vẫn cứ tiếp diễn. Vậy chỉ có Chúa mới có thể làm cho mọi sự trong chúng con an ổn lại được.
Khi chúng con sám hối, đổi mới canh tân đời sống, thì triều đại Chúa sẽ nở hoa công lý trong cảnh thái bình. Cuộc đời Gioan Tẩy Giả luôn nêu gương khiêm tốn, dạy chúng con sống khiêm nhường. Nhìn vào ông dân chúng thời đó luôn nghĩ ông chính là Đấng Mêsia muôn dân đang mong đợi. Nhưng ông đã khiêm tốn mà phân bua: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.” (Mc 1, 7-8).
Lạy Chúa! xin cho chúng con nhận ra Chúa trong những biến cố đời thường, nơi những người anh em bé mọn, thiếu thốn, lầm than vất vả ngay bên, để chúng con niềm nở đón nhận và sẻ chia với họ trong yêu thương và cùng nắm tay nhau đón mừng Chúa đến trong cuộc đời của mỗi chúng con. Xin Chúa cho chúng con nhận ra và sống mầu nhiệm nhập thể của Chúa, khiêm nhường nhìn nhận, sửa đổi canh tân đời sống, biết làm nhỏ đi chính mình, để Chúa được lớn lên trong chúng con mỗi ngày. Ước chi cuộc đời hiện tại của chúng con làm chứng rằng Người chính là Thiên Chúa đã đến và ở lại với chúng con, hôm nay và mãi mãi. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đội hoa giáo xứ Chính tòa Sơn Lộc và Đội hoa giáo xứ Mộc Hoàn: Đồng tiến dâng hoa kính Đức Mẹ
Đội hoa giáo xứ Chính tòa Sơn Lộc và Đội hoa giáo xứ Mộc Hoàn: Đồng tiến dâng hoa kính Đức Mẹ
Với tất cả tâm tình của những người con thảo hướng về Mẹ Maria trong Tháng Hoa, vào lúc 19g00 thứ Bảy, lễ vọng Chúa Thánh Thần hiện xuống, ngày 18/05/2024, tại Nhà thờ Chính tòa Sơn Lộc đã diễn ra buổi đồng tiến dâng hoa kính Đức Mẹ của hai giáo xứ Mộc Hoàn và Sơn Lộc.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log