Thứ hai, 23/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 30 Thường niên A

Cập nhật lúc 06:23 26/10/2023
Suy niệm 1
Mt 22, 34 – 40
Nhóm Sađốc không tin xác loài người sẽ sống lại vào ngày tận thế. Thế mà một ông Sađốc lại đem chuyện phục sinh ra để chất vấn Chúa. Chất vấn để chọc quê Chúa thôi. Ông ấy hỏi Chúa rằng: Có một người đàn bà lấy chồng rồi chồng chết mà không có con nối dõi tông đường. Cô ấy tiếp tục lấy sáu người thân tộc của người chồng quá cố ấy. Kết quả là tất cả bảy ông đều chết mà không có con. Vậy đến ngày tận thế, khi mọi người sống lại, thì bà ấy ăn ở với ông nào? Tưởng là Chúa tịt không trả lời được. Ai ngờ Chúa chỉ nói một câu thật vắn tắt: “Khi phục sinh rồi, thì người ta không còn gả chồng lấy vợ nữa, mà còn sống như thiên thần.” Ông Sađốc bị đo ván quá dễ.
Thấy thế, ông Kinh sư rất mừng, vì Sa đốc là đối thủ của Pharisêu. Pharisêu tin có sống lại, còn Sa đốc thì không. Dù vậy, ông Kinh sư vẫn cho rằng Đức Giêsu chỉ là một anh chàng thợ mộc thông minh, nhưng không có kiến thức bài bản và trường lớp. Thế là ông Kinh sư nhào vào để cho Chúa cũng bị đo ván chơi. Ông hỏi một câu mà ông nghĩ rằng người trả lời phải đọc thuộc lòng các tác phẩm Xuất Hành, Lê Vi, Dân Số và Thứ Luật. Câu hỏi ấy là trong các giới răn, giới răn nào trọng nhất? Ông không ngờ Đức Giêsu trả lời vừa nhanh, vừa gọn, vừa rất đúng như sau: Giới răn trọng nhất là yêu Chúa hết lòng, hết trí khôn; và giới răn thứ hai là yêu mọi người như chính mình. Tưởng là Chúa lúng túng, không trả lời được và mất uy tín. Không dè Chúa trả lời đúng quá. Ông Kinh sư đành phải khen: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng.” Miệng thì phải khen, mà lòng thì buồn tê tái.
Sa đốc thì buồn tủi và rút lui. Ông Kinh sư thì làm bộ khen, mà lòng thì buồn tê tái. Nếu chúng ta có mặt ở đó thì sẽ được hai lần vỗ tay bốp bốp.
Mừng và khen Chúa thì được rồi, nhưng thi hành lời giáo huấn của Chúa mới là quan trọng.
Yêu Chúa hết lòng thì quá hay, nhưng coi chừng kẻo lại yêu sai. Hai môn đệ Giacôbê đã từng yêu Chúa hết lòng, nhưng lại yêu sai, khi họ xin Chúa cho họ lấy lửa từ trời xuống thiêu hủy một làng Samari không đón Chúa nghỉ trọ. Chỉ vì Chúa đang đi dự lễ ở Giêrusalem. Chúa phán với hai anh em con nhà Dêbêđê: “Thầy đến không phải để tiêu diệt mà để cứu độ. Ông Phêrô cũng vì yêu Chúa quá, nên mới lấy gươm chém anh chàng Mancô khi anh ta đến để bắt Chúa. Yêu Chúa thì quá tốt, nhưng yêu sai thì quá tệ. Chúng ta phải tự vấn xem có lần nào yêu Chúa mà yêu sai không? Có thể có và có nhiều đấy.
Đã yêu sai rồi, lại còn phải tự hỏi mình có yêu mọi người như chính mình không? “Khó quá”, biết bao nhiêu người đã tự thú như thế. Yêu cha yêu mẹ thì có yêu rồi. Nhưng yêu kẻ thù thì vừa lắc đầu, vừa thở dài “khó quá”. Thương không nổi. Vậy thì đừng quên lời Chúa đã dạy chúng ta: “Nếu không yêu và chúc lành cho kẻ thù, thì không xứng đáng là con của Cha trên trời, Đấng cho mặt trời mọc lên soi sáng cho cả người lành người dữ bằng nhau”.
Chúng ta phải nhận rằng: yêu kẻ thù thì có khó thật, nhưng không khó quá đâu. Phải tập luyện, thì sẽ thắng khó. Vậy thử tự hỏi xem chúng ta có tập luyện để tha thứ cho kẻ thù chưa? Cha mẹ có dạy con yêu kẻ thù chưa? Và chúng ta có hiểu rằng tha thứ và yêu kẻ thù, thì vừa được Chúa yêu, vừa giữ được sức khỏe, hạnh phúc và cả nhan sắc nữa không? Chúng ta cùng nhau suy gẫm và thực hành yêu kẻ thù.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=============
Suy niệm 2
ĐIỀU RĂN LỚN NHẤT
Mt 22, 34-40
Luật Cựu Ước gồm 613 điều: 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm. Giữa một rừng điều răn như thế, người thông luật đã hỏi Đức Giêsu: “Điều răn nào trọng nhất trong Luật Môsê?”. Ngài đã trả lời bằng một câu trong kinh Shema mà người Do thái đọc mỗi ngày, và một câu trong Sách Thứ luật là: phải yêu mến Thiên Chúa hết mình (Tl 6, 5), và yêu thương tha nhân như chính mình. (x. Lv 19, 18). Tất cả mọi điều răn được tóm trong một động từ “Yêu”. Tình yêu là cốt lõi của đời Kitô hữu, vì Thiên Chúa là Tình Yêu (x. 1 Ga 4,8).
Yêu và được yêu là nhu cầu tối hảo chi phối toàn diện đời sống làm người. Nơi mỗi người chỉ có một tình yêu duy nhất dành cho cả Thiên Chúa và cho mọi người. Sự tóm gọn này xuất hiện rõ rệt nơi thánh Gioan, là chuyên gia nói về “yêu”, mà thường không phân biệt đâu là yêu Thiên Chúa và đâu là yêu tha nhân. Tình yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân trong chúng ta đã hòa quyện nên một Vì thế, không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương tha nhân, “vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1Ga 4, 20).
Ai cũng muốn yêu và muốn được yêu, nhưng mấy ai đã tập yêu và biết yêu? Yêu là bước vào một khung trời bao la luôn tươi mới, là mở ra một chặng đường dài trong sự dấn thân và không ngừng chinh phục chính mình. Đó là điều ít ai ý thức được nên thường lầm lạc và gây vấp phạm khi yêu. Chúng ta chẳng bao giờ thấy mình có thể yêu cho đủ, vì tình yêu vẫn luôn vẫy gọi ở phía trước, và đưa bước ta đi qua những nẻo đường luôn mới lạ. Giới hạn tình yêu là bóp chết tình yêu.
Đối với Kitô hữu, tiếp nhận Thiên Chúa và tiếp nhận tha nhân cũng như nhau (x. Mt 10, 40). Càng yêu thương tha nhân càng chứng tỏ mình yêu mến Thiên Chúa. Làm ơn cho tha nhân là làm cho chính Chúa. Mình với Chúa và tha nhân là một trong nhau, hay nói cách khác là Ba trong Một. Tình yêu Chúa mời ta mở lòng ra để đón nhận những tư duy mới, các khả năng mới như một cách thức của Lời Chúa. Khép kín trước thực tại hay bất cứ ai, là khép kín khả năng có thể tái sinh chính mình. Không thể rút lui khỏi cuộc đời để đi tìm kiếm Chúa.
Cần nghe tiếng Chúa nơi tiếng người khác, thấy bóng dáng Chúa nơi anh em, biết ý Chúa qua ý người bên cạnh, phục vụ Chúa bằng phục vụ tha nhân, sống với Chúa qua việc sống với mọi người. Chính nơi mỗi người, dù với diện mạo tầm thường và tính cách hèn kém, Thiên Chúa vẫn luôn có thể tỏ lộ cho ta huyền nhiệm của Ngài. Ta nên kính trọng và tập nhìn mọi người anh em bằng con mắt đức tin, để cảm nhận sự hiện diện của Chúa đang sống động trong từng người, và Ngài luôn có những điều muốn nói với ta trong mọi hoàn cảnh.
Người ta tìm thấy trong trang nhật ký cuối cùng của một vị tu sĩ già khi qua đời như sau: “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy. Tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt khỏi tầm tay tôi. Tôi đi tìm người anh em tôi, tôi đã gặp Chúa và linh hồn tôi”. Qua đó ta hiểu được khi từ chối tha nhân cũng là từ chối Thiên Chúa. Con người không thể gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa một cách mơ hồ, mà là nơi chính tha nhân. Thiên Chúa và tha nhân hòa hợp làm một trong cõi lòng ta. Ta yêu tha nhân trong Chúa, và yêu Chúa nơi tha nhân. Cầu nguyện là đặt mình trong Chúa để có thể yêu tha nhân đến vô cùng.
Trong Chúa, ta nhận ra tha nhân là anh em con một Cha, là hình ảnh Đức Kitô đang lê bước trong đời. Trong Chúa, ta nhận ra phẩm giá của một người, dù đó là một thai nhi, một phạm nhân hay người mất trí. Tình yêu mến Chúa đích thực luôn đưa ta đến với cuộc sống của anh em. Tình yêu thương anh em chân thực lại đưa ta đến bên Chúa, để kín múc nơi Ngài nguồn sinh lực hầu tiếp tục hiến trao. Cuối cùng tình yêu ấy quay trở về với chính Thiên Chúa như cùng đích tối hậu của nó, và như vậy phát sinh sự “hợp nhất” toàn hảo, mà Đức Kitô đã thực hiện giữa Thiên Chúa, chính Ngài và các kẻ tin (x. Ga 17, 21...).
Tóm lại, trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa và tha nhân đã hòa quyện làm một trong trái tim tôi. Yêu là ra khỏi cái tôi đóng kín và có khả năng cho đi chính mình. Con đường tình yêu là con đường dành cho những người thánh thiện, dám đặt Chúa lên trên hết, và dám cúi xuống để phục vụ anh chị em. Tình yêu đích thực biến tha nhân thành “một nửa của hồn tôi”. Tình yêu ấy làm cho chúng ta nên giống Đức Kitô, Đấng “yêu mến các kẻ thuộc về Ngài cho đến cùng” (Ga 13, 1).
Cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa là Cha!
Cha đã yêu con trước từ muôn thuở,
đến bây giờ muôn kiếp chẳng hề vơi,
dù can qua hay vật đổi sao dời,
tình Cha vẫn rạng ngời cao sáng mãi,
cho con luôn hy vọng ở ngày mai.

Ngày hôm nay Cha gọi con vào đời,
không phải để làm được những điều chi,
mà là để con sống một cuộc tình,
là cuộc tình của chính Chúa Giê-su,
vì yêu thương nhân loại đã hiến mình.

Ai cũng thích yêu và muốn được yêu,
bởi vì là hạnh phúc của đời người,
con chưa thể nói được mình biết yêu,
nếu như con đã chưa từng được yêu.

Nhưng nếu như đời con muốn được yêu,
con cần phải trở nên thật đáng yêu,
để được yêu và biết yêu hơn nữa,
chứ không thể lần lữa hay chần chừ.  

Xin dạy con mở rộng trái tim mình,
yêu cuộc đời yêu vạn vật khắp nơi,
yêu tha nhân như Chúa đã gọi mời,
yêu cao vời như Chúa đã yêu con.

Con chẳng thể làm được việc lớn lao,
như bao người có tài cao đức trọng,
cũng chẳng dám mơ cao hay ước rộng,
chỉ biết làm điều nho nhỏ Chúa mong.

Đó chính là tha thiết sống tình yêu,
để con được dâng hiến Chúa thật nhiều,
là điều mà đời con luôn còn thiếu,
nên con chưa giống Chúa được bao nhiêu,
xin cho con một tình mến cao siêu,
để mai ngày đạt tới phúc thiên triều. Amen.

Lm. Thái Nguyên
=============
Suy niệm 3
TUY HAI MÀ MỘT
Đâu đó bạn bè, những người không có đạo thường hỏi chúng ta rằng: cốt lõi của đạo Công Giáo là gì, hoặc điểm chính yếu nhất của đạo Công Giáo là gì? Đặt trường hợp, chúng ta được hỏi, liệu chúng ta có thể trả lời được chăng, hay chúng ta chỉ nhoẻn miệng cười trừ, rồi tạm biệt, hẹn ngày trở lại!!
Tin Mừng hôm nay, câu hỏi mà nhóm luật sĩ đặt ra cho Đức Giê-su cũng hóc búa chẳng kém. Tuy từ ngữ khác với câu chữ thời đại chúng ta, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy nội dung không khác gì mấy, Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?” (Mt 22, 36). Như chúng ta biết, toàn bộ lề luật Mô-sê và sách các Tiên tri (mà bây giờ chúng ta gọi là Kinh Thánh Cựu Ước) rất nhiều, đặc biệt lề luật của người Do Thái thời ấy thì vô vàn, tỉ mỉ đáng kinh ngạc. Cho nên những ai được gọi nhà thông luật hồi đó, quả thật cũng thuộc loại xuất chúng, không xem thường được!
Họ tưởng rằng, Đức Giê-su sẽ không trả lời được, nhưng ngờ đâu Ngài tóm tắt toàn bộ sách luật Do Thái chỉ bằng một câu ngắn gọn, đó là giới răn yêu thương: kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Tuy hai điều nhưng chỉ là một. Ngài trưng dẫn nguyên văn sách Cựu ước: Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (x. Đnl 6, 5) và “ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi” (Lv 19, 18). Ngài quả quyết mạnh mẽ và rõ ràng: Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy…Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”  (x. Mt 22, 38-40). Nói cách khác, Đức Giê-su đặt tầm quan trọng của điều răn mến yêu tha nhân như tính hệ trọng của điều răn yêu mến Thiên Chúa. Và hai giới răn này không được tách rời. Nếu tách biệt, hoặc trọng một điều mà không thực hiện điều kia, thì chúng ta đang rơi vào những lời biện hộ như thường được nghe, được thấy diễn ra trong thực tế của đời sống hằng ngày.
Cụ thể không ít người Công Giáo nghĩ và sống: kính mến Chúa, được thể hiện qua việc đọc kinh, tham dự Thánh lễ, tích cực hăng hái trong công việc nhà xứ, nhưng lại không dễ tha thứ, thương yêu anh chị em mình. Nhiều người vào nhà thờ đọc kinh sốt sắng, to rõ ràng, nhưng khi bước ra khỏi nhà thờ, hoặc về nhà thì lại không dễ thương, nhẹ nhàng, đón nhận yêu mến anh chị em, dễ cáu gắt, để bụng, giận hờn ghen ghét, ganh tị, nuôi hận thù…, hoặc đối xứ không tốt với hàng xóm láng giềng, và thường nhận lại lời chê bai: người có đạo mà sống tệ vậy à?!!!!Lắm lúc, chúng ta trung thành, nhiệt tâm với nhà Chúa, năng nỗ đọc kinh hằng ngày, tham gia các hội đoàn giáo xứ, nhưng mối tương quan với anh chị em lại chẳng được tốt, hoặc không mến yêu tha nhân. Ngược lại, nhiều lúc được hỏi: tại sao không đi lễ, không đọc kinh nguyện hằng ngày, thì lời biện hộ hay lí do hay được nhắc tới, là: ‘đạo tại tâm mà, cho nên khỏi phải đi lễ, đọc kinh, chỉ cần yêu thương người, sống tốt với người khác là đủ!, hay tiêu cực hơn với lối suy nghĩ ‘những người đi lễ, đọc kinh đấy, nhưng vẫn chửi bới người khác, chẳng muốn hy sinh gì của mình để giúp đỡ tha nhân, cho nên tôi chẳng cần làm vậy, biết giúp đỡ người khác, làm việc từ thiện là tốt đẹp rồi!.
Chẳng cần bàn luận nhiều, hai xu thướng trên đã và đang hiện hữu ngày càng rõ rệt nơi chúng ta. Nếu chúng ta cứ sống như vậy, thì chắc hẳn giới răn yêu thương bị chia cắt; đúng hơn, chúng ta chưa sống đúng điều răn bác ái mà Chúa dạy. Thật ra, khi chúng ta thật lòng kính mến Chúa với toàn bộ con người chúng ta, thì nhờ điều này mà chúng ta mở lòng đón nhận và yêu thương anh chị em như chính bản thân ta. Và ngược lại, mỗi lúc chúng ta làm việc bái ái, giúp đỡ, tha thứ, yêu mến anh chị em thật tình, thì chúng ta cũng đang nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi họ và kính mến Chúa. Tuy nhiên, lắm lúc chúng ta yếu đuối, tội lỗi, sa ngã, không kiềm chế và xét mình mỗi ngày, thì bị rơi vào tình trạng như thể ‘lừa dối bản thânvì như lời của Thánh Gio-an viết: nếu ai nói: tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói di; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy…Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (x. 1Ga 4, 20-21).
Chính vì vậy, nếu chúng ta thật sự yêu mến hết con người mình thì lòng mến đó sẽ được bộc lộ một cách cụ thể qua những hành động, thói quen tốt lành như: tham dự Thánh lễ, nguyện gẫm, chuyện trò, tâm sự với Chúa trong các buổi tĩnh tâm, những giờ học hỏi Lời Chúa, học giáo lý; nhất là để Chúa biến đổi bản thân, đón nhận Lời và Mình Máu Thánh nuôi dưỡng chúng ta, Ngài mở lòng, thúc giục chúng ta biết chấp nhận yêu thương anh chị em như chính mình, dám hy sinh thời gian, sức lực, tiền của, trí lực, tài năng để giúp đỡ tha nhân. Những ai dám nói mình tích cực làm việc bác ái, mà không bắt nguồn từ lòng mến Chúa, từ mối tương quan thân tình với Chúa, từ việc thực hành Lời Chúa, thì có lẽ đó chưa được gọi là việc bái ái, đó chỉ có thể là việc từ thiện như biết bao nhiêu tổ chức ngoài xã hội hoặc kể cả những ai không phải Công Giáo cũng đang nỗ lực thực hiện thôi. Thoạt tiên, chữ ‘công việc bác áivà ‘công việc từ thiệndường như giống nhau và không ít người Công Giáo nghĩ có thể hoán chuyển cho nhau. Tuy nhiên, nếu xét thật gần và kỹ lưỡng về nền tảng, động lực của nó, chúng ta sẽ thấy khác xa. Công việc từ thiện thì ai cũng làm được, miễn họ có lòng thương cảm, trắc ẩn, bất luận họ là Công Giáo hay không. Trong khi ấy, việc bác ái thật sự được xuất phát từ tình mến Thiên Chúa. Đúng hơn là, Thiên Chúa yêu thương chúng ta tha thiết, vô bờ bến, và chúng ta được cảm nhận tình yêu ấy, rồi nó khiến chúng ta kính mến Người như ‘tình yêu đáp đền tình yêu, con tim đến với con tim. Mặc khác, tình Chúa dành cho chúng ta quá lớn, nên chúng ta cảm nhận tình yêu ấy đến độ chúng ta dám ra khỏi những gì an toàn, thoải mái của bản thân mà đến với anh chị em bằng nụ cười tươi, bằng ánh mắt yêu thương, bằng đôi tay mở rộng, bằng tâm hồn trong sáng, vị tha, bằng đôi chân tiến bước giúp đỡ tha nhân, cách riêng những ai bị gán cho vùng ngoại vi, bị loại bỏ, bị xa lánh…Nói một cách chính xác, lúc ấy, chúng ta đang sống giới răn yêu thương thật sự.
Lạy Chúa, ngay giờ đây, ngay khoảnh khắc này, chúng con quỳ trước Chúa, không phải để nài nỉ cầu xin, cho bằng dâng lời cảm tạ vì Chúa đã yêu thương con vô hạn, mặc dù lòng mến của chúng con với Chúa hữu hạn, và đôi lúc tính toán, đầy những điều khoản hay lời hứa suông. Nhưng thật hạnh phúc, nhờ tình Chúa, mà mỗi ngày chúng con cảm nghiệm và được yêu mến Ngài nhiều hơn, thật hơn, cũng như biết mến yêu anh chị em khác nữa.
Mến Chúa yêu ngườigiới răn yêu thương
Tuy hai mà một, tuy một mà hai
Không thể tách rời, trung thành thực thi
Tương giao chặt chẽ, hoà quyện vào nhau
Như sắc không màu, như màu đa sắc
Hằng ngày cảm nhận, khoảnh khắc yêu thương. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
=============
Suy niệm 4
Thương người cũng như mến Chúa
(Mt 22, 34 - 40)
Đoạn Tin Mừng hôm nay mô tả bầu khí tranh chấp đố kỵ của thời Chúa Giêsu. Người phe Biệt phái, kẻ nhóm Sađuđucêô. Bên này gài bẫy bên kia và hí hửng khi đối thủ gặp nạn. Tranh chấp từ lãnh vực chính trị xã hội đến tôn giáo. Nên "khi những người Biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Đađđucêô câm miệng, thì họp nhau lại. Một người trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: "Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất? " (Mt 22, 34-36). Họ hỏi như vậy là vì Luật pháp có tới 613 khoản: 248 lệnh truyền và 365 điều cấm. Nhưng khoản nào trọng hơn khoản nào và khoản nào quan trọng nhất là vấn đề nóng bỏng. Tùy theo người ta nghiêng về phụng vụ hay xã hội, Ðền thờ hay đền vua, mà người ta có thể biện minh cho thái độ Biệt phái hay phái Sađđcêô. Họ hỏi Chúa Giêsu cũng là để gài bẫy Chúa nữa. Ðược hỏi Chúa liền trả lời : "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy  là: "Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi" (Mt 22,37-39).
Mến Chúa là trọng nhất
Trong Kinh Thánh, những từ “lòng”, “tâm trí, “mình” và “sức lực” bổ túc cho nhau để miêu tả toàn bộ con người. Nghĩa là: Yêu mến Chúa bao gồm toàn bộ con người, mọi khả năng và của cải.
Khi dạy chúng ta yêu mến Thiên Chúa, Chúa đòi hỏi chúng ta phải yêu hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Còn yêu thương kẻ khác, Chúa Giêsu không bảo ta phải yêu hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ; nhưng "yêu kẻ khác như chính mình. Tại sao vậy ? Vì Chúa "là dũng lực, là Đá Tảng, chiến luỹ, cứu tinh, là sơn động, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù chúng ta " (x. Tv 17, 2-3), nên chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa không những hết… mà còn trên hết mọi sự. Câu luật này trích trong sách Đệ nhị luật 6,5 có đổi một chút, thay vì “hết sức” thì Chúa nói là “hết trí khôn”. Song cốt yếu không có gì đổi. "Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất" (Mt 22, 38).
Yêu người cũng giống như mến Chúa
Giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: "Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi" (Mt 22, 39). Chúa Giêsu không đồng hóa hai việc mến Chúa và yêu người. Hai việc đó vẫn khác nhau và có thứ tự trước sau, nhưng quan trọng như nhau; vì thế không được sao nhãng nhiệm vụ nào. Nét độc đáo trong câu trả lời của Chúa Giêsu là thể hiện lập trường của Chúa.
Cứ sự thường, mến Chúa thì phải yêu người. Nhưng người ta vẫn coi đó là những nhiệm vụ rời nhau, những bổn phận không liên lạc gì với nhau. Có thể mến Chúa trong Ðền thờ và không thương người ngoài xã hội hoặc thương người nơi xã hội nhưng lại không mến Chúa trong Ðền thờ. Nhất là coi thương người không bằng mến Chúa.
Ðối với Chúa Giêsu thì không như thế. Phải thương người như mến Chúa. Mến Chúa thôi thúc chúng ta yêu người. Yêu người như chính mình, chúng ta sẽ đối xử với họ theo cách chúng ta muốn họ đối xử với mình (x.Mt 7,12). Ưu tiên là mến Chúa nhưng đồng thời cũng phải thương người. Sau này thánh Gioan sẽ giải thích: không thể có lòng mến Chúa vô hình nếu không thương người hữu hình (1Ga 4,20).
Khi Chúa Giêsu bảo người thông luật "hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi", Chúa như đặt một tấm gương để tự chúng ta soi xem mình có yêu "kẻ khác" hay không? Ai cũng yêu mình, không ai ghét mình bao giờ. Chúa Giêsu xem tình yêu " kẻ khác " như "mệnh lệnh của Người," mệnh lệnh tóm tắt toàn thể lề luật. "Đây là mệnh lệnh của Thầy, là anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em" (Ga 15, 12).
Chúa Giêsu kết luận : "Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó" (Mt 22, 38)Điều răn thì có : thứ nhất mến Chúa, thứ hai yêu người, nhưng mến Chúa thì phải yêu người.
Vừa mến Chúa vừa yêu người
Chúng ta đừng tưởng, thời Cựu Ước dân sống như kiểu luật rừng. Không, lời Chúa trong bài đọc I cho thấy dân 3.000 năm trước đã sống rất nhân đạo.  Chúa truyền cho họ : " Ngươi chớ làm phiền lòng và ức hiếp khách ngoại kiều: vì các ngươi cũng là khách ngoại kiều ngụ trong đất Ai-cập" (Xh 22,20). Và Ngài dạy : "Các ngươi đừng làm hại cô nhi quả phụ. Nếu các ngươi hà hiếp những kẻ ấy, họ sẽ kêu thấu đến Ta, và chính Ta đã nghe tiếng họ kêu van. Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ, sẽ dùng gươm giết các ngươi, vợ các ngươi sẽ phải goá bụa, và con cái các ngươi sẽ phải mồ côi" (Xh 22,21-27).
Ngay cả khi cho vay cũng không được lấy lãi. Ðược giữ vật thế chân để tránh sự lạm dụng, nhưng những đồ cầm đó phải trả lại trước khi mặt trời lặn, kẻo đêm lạnh người nghèo không có áo che thân (x. Xh 22,25-26).
Như thế, yêu không phải vì mọi người là đồng loại, hoặc vì phải nhớ lại hồi trước dân đã từng là nạn nhân của nhiều sự bóc lột, nhưng nhất là vì Thiên Chúa là Ðấng lân tuất, luôn xót thương và bênh vực những kẻ khó nghèo và yếu thế, chống lại bóc lột. Chúa đòi cho mọi người được bình đẳng vì tất cả đều là hình ảnh Chúa. Ai muốn đẹp lòng Chúa thì phải săn sóc đến tha nhân. Chúa không tách rời lòng đạo đức và tình đồng loại, cũng không đồng hóa hai vấn đề mến Chúa và yêu người; Chúa chỉ chấp nhận những lòng mến Chúa đồng thời cũng yêu người.
Lạy Chúa, vì Chúa thì con yêu người như mình con vậy. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
=============
Suy niệm 5
MẾN CHÚA - YÊU NGƯỜI
Mt 22, 34-40
Khi nghe tin Thầy Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc bị khóa miệng, thì những người Pharisêu “họp nhóm” lại với nhau. Rồi một người thông luật trong nhóm giơ tay hỏi (ý kiến) Đức Giêsu để thử Người: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” (Mt 22, 36). Phải chăng đây là cơ hội để làm Thầy Giêsu mất mặt? Họ hỏi xem Thầy có hiểu biết gì về luật và có tôn trọng luật lệ không? Ai dè Thầy nhanh chóng “tóm tắt nội dung” rõ ràng: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.” (Mt 22, 37-40). Toàn bộ lề luật được tóm gọn lại trong hai giới răn quan trọng nhất: mến Chúa-yêu người. Hôm nay Thầy nối kết hai điều răn này là một, như một sự bất khả phân ly.
Giới răn thứ nhất: Kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự là điều răn quan trọng đối với người Do Thái. Để nhắc nhớ, họ dán trên cửa, đeo trên đầu như thẻ kinh và đeo trên cánh tay mỗi khi cầu nguyện sáng chiều. Điều răn phổ cập toàn dân như vậy mà họ còn đem ra hỏi Thầy Giêsu, chứng tỏ họ khinh thường muốn làm khó Thầy. Một điều răn đã “khắc ghi trên trán” như vậy, nhưng chỉ dễ nhớ mà không dễ thực hành. Người Do Thái vẫn đúc bê vàng để thờ hoặc chạy theo thần ngoại bang. Ngày nay chúng con cũng thuộc nằm lòng từ bé: “Thứ nhất thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự.” Nhưng có lúc chúng con đặt các thứ khác lên trên Thiên Chúa như tiền, danh, lợi, thú…
Giới răn thứ hai: yêu người thân cận như chính mình. Ai mà không yêu chính mình? Tình yêu đối với tha nhân được đo lường bằng tình yêu đối với chính mình. Đó thực sự là “khuôn vàng thước ngọc”. “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta , vì luật Môsê và các sách ngôn sứ dạy như thế”. (Mt 7, 12). “Chớ làm cho người điều chi mà con không chịu được.” (Tb 4, 15). Lý thuyết thì hay và dễ nhưng khi đối diện với hoàn cảnh cuộc sống thực tế thì xem ra rất khó.
Khi người ta yêu Chúa với tất cả tâm hồn, bằng cả con tim với tình yêu đậm đà mật thiết với Chúa, Chúa sẽ chỉ cho biết phải yêu thương anh em như thế nào, “yêu như Chúa yêu”, hiến dâng cả mạng sống… Tình yêu Chúa như ánh mặt trời. Ta thu nhận sức nóng tình yêu của Chúa qua cầu nguyện, ở lại với Chúa và sống trong Lời Chúa. Để rồi trong Chúa ta được hâm nóng tình người bằng tình yêu Chúa qua những hành động cụ thể, những cử chỉ yêu thương nho nhỏ, một nụ cười, một lời ủi an khích lệ, một ý kiến xây dựng, hành động sẻ chia vật chất, một sự tha thứ bao dung…
Chúa ơi! nhìn lên Thánh giá, con thấy Chúa không còn cách nào để yêu con hơn được nữa. Xin cho con biết tìm về sống trong Tình Yêu Chúa. Nhờ Tình Yêu Chúa hun đúc, tim con cũng thấm đẫm tình yêu ấy, để con sống chan hòa với mọi người anh em của con.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Rôma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Rôma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu
Đức Thánh Cha đã tiếp đón các nhà lãnh đạo Giáo triều Rôma vào Thứ Bảy, ngày 21/12/2024, để trao đổi lời chúc mừng Giáng sinh. Đức Phanxicô muốn một sự quản trị cởi mở với tinh thần cộng đồng trong sự khiêm tốn biết tự nhận lỗi và nói tốt về người khác cũng như là người kiến tạo lời chúc lành.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log