Thứ sáu, 24/01/2025

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 32 Thường niên A

Cập nhật lúc 15:03 09/11/2023
Suy niệm 1
Mt 25, 1 – 13
Vào thời Đức Giêsu, người Do Thái có thói quen tổ chức tiệc cưới vào ban đêm. Đặc biệt là không ai biết được giờ rước dâu. Rước dâu sớm là vinh dự của nhà trai. Rước dâu muộn là vinh dự của nhà gái. Còn sớm hay muộn thì tùy thuộc vào sự khéo nói của đại diện thông gia.
Đức Giêsu dùng tập quán này để dạy chúng ta một bài học quan trọng. Ở trên đời này, người ta biết trước được nhiều sự cố. Nhà thiên văn biết trước giờ nào, phút nào, giây nào sẽ có nguyệt thực và nhật thực. Người làm ruộng biết trước ngày nào lúa sẽ chín vàng để lo thu hoạch. Cô dâu có thể trả lời cho mẹ chồng biết ngày nào cháu nội sẽ ra chào đời, để bà thu xếp công việc nhà. Bà vợ có thể cho chồng biết giây phút nào cơm canh sẽ chín, để chồng mời khách vào bàn tiệc… Nhưng có một điều rất lạ là không ai biết mình sẽ chết vào ngày nào, giờ nào.
Vì không biết giờ chết, nên Chúa dạy chúng ta lúc nào cũng phải chuẩn bị hành trang. Rất tiếc là hầu hết loài người đều không chuẩn bị hành trang cho ngày chết. Họ giống như những cô gái mang đèn đi đón chàng rể, mà quên không mang dầu theo. Thế là bị hớ. Thế là thành trò hề cho thiên hạ chế giễu.
Hành trang của thợ gặt là liềm hái. Hành trang của thí sinh là giấy bút và thuộc bài. Hành trang của thợ săn là giáo mác và súng đạn. Hành trang của người đi về thế giới bên kia thì là sống thánh thiện, đặc biệt là yêu thương và giúp đỡ người nghèo.
Điều đang suy nghĩ và lo âu, đó là có rất nhiều người thờ ơ, chỉ sống cho qua ngày mà chẳng hề nghĩ đến tương lai; chỉ biết hưởng lạc thú của đời mà quên sống thánh thiện.
Có một thanh niên kia đi học giáo lý để chuẩn bị cho bí tích hôn nhân. Hôm ấy cha xứ hỏi: “Nếu Chúa cho con biết ngày mai con sẽ chết, thì hôm nay con sẽ làm gì?” Anh chàng thanh niên trả lời tỉnh queo: “Nếu biết ngày mai chết, thì hôm nay con nhậu suốt ngày luôn.” Thật là vô tâm vô tình. Và thử nghĩ xem số người như thế chiếm bao nhiêu phần trăm, và chúng ta có lọt vào số người ấy không. Chúa thì xếp những người ấy vào số năm cô gái khờ dại và bị Chúa trả lời lạnh tanh: “Tôi không biết các ngươi là ai”. Ôi buồn tê tái!
Nhưng trên đời này vẫn may mắn có những người giống năm cô khôn ngoan, chúng ta nên biết và bắt chước.
Có một em thiếu nhi hứa với Chúa mỗi ngày phải làm tối thiểu một việc bác ái. Tối hôm ấy, khi xét mình, em thấy mình chưa làm được điều đã hứa, bèn chạy vội ra nhà ga xe hỏa. Em thấy một cụ già xách hai va li nặng trĩu. Em chạy vội đến xin vác hộ một va li. Ra khỏi nhà ga, cụ già đến trạm xe buýt để chờ. Cụ thưởng cho bé một đồng tiền mệnh giá nhỏ. Bé từ chối và nói: “Con hứa với Chúa mỗi ngày phải làm một việc bác ái. Con làm xong rồi, Chúa sẽ thưởng con. Con không nhận tiền thưởng của bác đâu.” Nói xong hắn ba chân bốn cẳng chạy về nhà, chui vào mùng ngủ sung sướng.
Có một chuyện nữa vừa tếu vừa có thật, ta nên nghe và ngẫm nghĩ. Sau 30 tháng tư năm 1975, có một linh mục tuyên úy của quân đội Việt Nam Cộng Hòa đi cải tạo. Thấy trong trại cải tạo mặt người nào cũng buồn so. Linh mục ấy bèn nảy ra một sáng kiến. Ngài hứa với Chúa: “Lạy Chúa, con hứa với Chúa là mỗi ngày con phải làm cho ít nhất là một người phải cười sung sướng. Nếu không, thì đêm ấy con không được ngủ. Sau 13 năm cải tạo, cha ấy được thả tự do, nhưng chưa được làm công tác mục vụ, mà phải về ở với mẹ. Hôm ấy, sau bữa cơm tối, thì: bà cố vào phòng, đóng cửa, ngồi lần hạt; cô em dâu thì rửa bát đĩa; linh mục cựu tuyên úy thì lên lầu đọc kinh tối. Trong phần xét mình, linh mục thấy mình chưa làm cho ai cười theo lời hứa, bèn chạy xuống tần trệt gõ cửa phòng bà cố.
Mẹ ơi! Con có chuyện bức xúc quá, xin mẹ cho con vào hầu chuyện mẹ. Bà cố trả lời “ừ, vô đi”. Cha cựu tuyên úy bắt đầu thưa chuyện: “Mẹ ơi, con là con út, con không có em để cưng. Xin mẹ vui lòng tái giá để đẻ cho con một thằng em, để con đỡ phải thèm”. Bà cố lấy quạt giấy đập vào vai linh mục con, mắng yêu “làm cha mà giỡn như vậy đó hả”. Vừa nói vừa cười hí hí. Linh mục con bèn thưa: “Con đã làm cho mẹ cười đúng như lời hứa với Chúa. Thôi, con đi ngủ đây”.
Chuyện tếu này đáng được chúng ta suy gẫm và tìm cách thực hiện bằng bất cứ cách nào, miễn là ta có hành trang dày cộm để hành trình về thế giới bên kia. Mong thay!
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
===============
Suy niệm 2
KHÔN NGOAN HAY KHỜ DẠI
Mt 25, 1-13
Ðoạn Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta: Chúa đến bất ngờ
như chú rể đến lúc nửa đêm, nên phải luôn sống trong thái độ tỉnh thức để đón chờ.Trong ý nghĩa đó, Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn về mười cô trinh nữ đi đón chú rể đến, nhưng chỉ có năm cô khôn ngoan mới hỉ hoan đón mừng chú rể với đèn sáng trong tay, và cùng với chú rể đi vào dự tiệc cưới. Khôn ngoan vì các cô đã chuẩn bị đầy đủ đèn dầu, trong tư thế sẵn sàng dù chàng rể có đến khuya. Còn năm cô khờ dại, mang đèn mà lại không mang dầu, lúc chàng rể đến mới hối hả lo toan.Trong tình thế cấp bách, họ đành phải vay mượn các chị em kia. Nhưng đã tới thời điểm quyết định, mỗi người phải tự đủ cho mình, không ai còn có thể giúp ai, nên van nài cũng vô ích: “Các chị nên ra hàng mua thì hơn”. Nhưng rất tiếc là không còn kịp nữa, thời gian đã hết hạn, chàng rể đã đến, những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới”, và cửa đã đóng lại. 
Đèn là biểu tượng của đức tin vốn soi sáng cho đời sống chúng ta, trong khi dầu là biểu tượng của đức mến vốn nuôi dưỡng, làm cho ánh sáng của đức tin sinh hoa kết trái, là đời sống thánh thiện. Điều kiện sẵn sàng để gặp gỡ Chúa là đức tin, nhưng đức tin không có hành động là đức tin chết, nên đức tin phải được thể hiện qua đức ái. Đi lễ không đủ mà còn phải dấn thân phục vụ. Giữ đạo không đủ mà còn phải sống đạo và truyền đạo. Kinh kệ không đủ mà còn phải liên đới với mọi tình cảnh của con người. Như vậy, khôn ngoan hay khờ dại không phải là một diễn biến trong chốc lát, nhưng nó đã được hình thành từ một quan niệm sống, và đã trở thành một lối sống. Nói cách khác, khôn ngoan hay khờ dại là do mình đã lựa chọn một cách sống. Sai lầm hay thiếu sót đều có thể rút kinh nghiệm để bắt đầu lại, nhưng rất tiếc, có những cơ hội qua đi không bao giờ trở lại, đã mất là mất mãi muôn đời.
Khờ dại ở đây không phải là không biết điều mình phải làm, nhưng biết mà đã không làm; biết điều mình phải chuẩn bị nhưng đã không chuẩn bị, đến lúc cần thì không có, đến lúc làm thì đã quá muộn màng. Năm cô quên mang dầu cho ta thấy một cuộc sống cạn cợt, hời hợt, thiếu ý thức về điều quan trọng nhất. Chỉ lo trang điểm và chú tâm vào những chi tiết phụ thuộc bên ngoài, nên chẳng lạ gì mà quên sót điều chính yếu. Không thể biện minh cho thái độ quá chểnh mảng của mình trước một biến cố lớn lao nhất trên đời. Các cô khờ dại sau khi mua dầu được cũng đến xin chủ tiệc mở tiệc mở cửa, nhưng mọi sự đã được quyết định rồi, có van xin cũng vậy thôi: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô!”. Buồn thay, cùng là những bạn bè thân tình với nhau, nhưng rồi chỉ trong phút chốc mà số mệnh đành rẽ lối, cũng chỉ vì tính ơ hờ, không lo điều phải lo.
Ta không thể vay mượn nhân cách và vốn liếng đạo đức của người khác. Nhất thiết phải có những điều mình tự tạo lấy, không thể dựa dẫm vào ai được. Cổ nhân có câu: “Tự trợ giả Thiên trợ”. Không tự giúp mình thì Trời không thể giúp. Theo nghĩa đó, ngày Chúa đến cũng không phải là điều bất ngờ. Bất ngờ là vì mình đã không có điều mình phải có, không sống điều mình phải sống, không làm điều mình phải làm, nhất là chỉ lo thể hiện những cái không cần thể hiện. Chúa đã trách Matta: “Con lo lắng bối rối về nhiều chuyện quá, chỉ có một điều cần mà thôi”. Albert Einstein cũng minh định rằng: “Tôi chỉ muốn biết ý muốn của Thượng Đế là gì, những thứ còn lại không quan trọng”.
Điều quan trọng là ta coi trọng cái gì? Coi trọng điều không quan trọng là khờ dại. Chính cái ta coi trọng sẽ định hướng mọi hành vi của ta, và cũng từ đó phát sinh một thái độ sống trong mọi tương quan, với Chúa cũng như với tha nhân. Điều quan trọng là ta cần nhớ lời Chúa Giêsu căn dặn: “Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”. Chẳng ai có thể tỉnh thức nếu thiếu một tình yêu nồng cháy. Tình yêu đó làm cho tâm hồn ta phát sáng trong mọi tình trạng, như đèn vẫn sáng vì luôn có đầy dầu. Thực tế, có những ngọn đèn đã hết dầu từ lâu, nên ta cứ phải chăm chút cho ngọn đèn của đời mình.
Tuổi trẻ có nhiều dự định phải thực hiện, nhiều ước mơ phải hoàn thành. Có bao giờ tôi dừng lại đôi chút để thấy dầu đèn của đời mình còn hay hết? Đức tin và lòng mến của tôi còn phát sáng không, hay chỉ liu riu mập mờ? Chẳng ai biết ngày giờ Chúa đến, nhưng Chúa vẫn bên tôi trong từng biến cố, nơi từng con người, qua từng công việc. Và biết đâu hôm nay sẽ là ngày cuối cùng của đời tôi. “Hãy suy nghĩ như mình sắp chết, nhưng hãy hành động như mình bất tử” (Blanchecotte).
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Nhiều khi con thấy mình sao khờ dại,
như năm cô con gái trong Tin Mừng,
lo mang đèn mà lại chẳng mang dầu,
để đón chờ Chúa đến giữa đêm thâu.

Tuổi trẻ dễ cạn cợt và hời hợt,
thường chỉ lo trau chuốt cái bên ngoài,
mà ít biết trau dồi cái bên trong.
đâu phải con Công mà lo đẹp bộ lông.

Con lo nhiều cho những điều phụ thuộc,
mà rồi dễ quên đi điều chính yếu,
cứ loay hoay theo lối sống người đời,
nên phải đi theo thời chạy theo “mốt”,
mà không lo điều thật tốt cho mình,
để khi bất thình lình giờ Chúa đến,
nhìn lại mình thấy trơ trọi trống không,
lúc nhận ra đã quá trễ tràng rồi.

Nhiều khi con sống quá lơ mơ:
lo có những cái không cần có,
lo biết những cái không cần biết,
lo làm những cái không cần làm.

Xin cho con lo được Chúa trước tiên,
lòng tin mến quan trọng hơn mọi chuyện,
sống thánh thiện lớn lao hơn mọi điều,
đó mới thật là những gì chính yếu.

Đừng mơ chi đến những việc cao siêu,
Đừng đặt nặng về những gì còn thiếu,
cuộc sống không quá nhiều như con tưởng,
chỉ cần sống với tất cả tình thương. Amen.

Lm. Thái Nguyên
===============
Suy niệm 3
ĐÈN
ĐẦY DU CHÁY SÁNG

Kính thưa quý ông bà và anh chị em rất thân mến! Với cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2020 đầy kịch tính không chỉ tại Mỹ mà dậy sóng sôi sục tại nhiều nơi trên toàn thế giới. Dường như khác với mọi kỳ bầu cử, riêng lần này với nhiều biến cố, sự kiện cũng như vô vàn sự thật phơi bày ra trước mắt chúng ta, thì hầu hết đâu đó có chung một nhận định: đây không đơn thuần là cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, mà là cuộc chiến cam go giữa chân lý và gian dối, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa thiện lành và ác dữ…Qua đây, chúng ta thấy được yếu tố ‘tỉnh thức’, ‘sẵn sàng’ và ‘kiên vững’ rất quan trọng trong khi chờ đợi chiến thắng vinh quang của chân lý.
Song, Tin mừng hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến lí do khác trong dụ ngôn ‘mười cô trinh nữ’. Trong lúc chờ đợi chàng rể tới, cả mười cô đều ngủ thiếp đi, bất luận là khôn ngoan hay khờ dại “…vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả” (x. Mt 25, 5). Tại sao chàng rể lại đến trễ? Phải chăng chàng rể muốn đến muộn như vậy? Rất nhiều nghi vấn được đặt ra, nhưng tựu chung lại, chúng ta thấy rằng: Thiên Chúa đến không theo lịch trình, thời gian, kỳ vọng của con người. Ngài thực hiện chương trình theo thánh ý và theo thời điểm của Ngài.
Tuy nhiên, một thực tế rõ ràng là người khôn ngoan hay kẻ khờ dại đều không thể nào chiến thắng ‘trạng thái buồn ngủ, thiếp đi’ trong lúc chờ đợi. Vô số lí do vì sao chúng ta lại ngủ thiếp đi. Có lẽ quá mệt mỏi về thể xác cũng như tinh thần! Hay thao thức, kỳ vọng điều mình muốn mà nó lại chẳng đến hoặc chưa đến, nên chúng ta cảm thấy thất vọng, chán chường! Hơn thế, chúng ta không đủ tỉnh táo, mất đi động lực, nhuệ khí tan biến,…nên dễ dàng rơi vào trạng thái ngủ thiếp đi. Nếu ai trong chúng ta có trải nghiệm chăm sóc người bệnh, đặc biệt người thân thì nhận ra được tính hệ trọng, khẩn cấp của việc tỉnh thức ra sao.
Quả thật, trong đời chúng ta, ít nhiều ai cũng đã rơi vào trường hợp ‘ngủ thiếp’ và ‘chưa tỉnh thức’; nhưng điều quan trọng hơn mà dụ ngôn ‘mười cô trinh nữ’ lột tả, chính là: đèn và dầu. Trong số mười cô trinh nữ, cho dù khôn ngoan hay khờ dại, ai cũng mang đèn, song điểm khác biệt lớn lao và mang tính quyết định là: năm cô khôn ngoan chuẩn bị dầu thắp đèn tươm tất và dồi dào, còn năm cô khờ dại thì chẳng mang theo dầu thêm đề phòng trong trường hợp đèn hết dầu nữa chừng. Ở đây, chúng ta nói đến sự khôn ngoan trong đời sống đức tin, hơn là tính thông minh, sáng dạ, khôn khéo, lanh lợi nơi bản tính con người, hay theo cấp độ xã hội. “Những ai yêu mến Đức Khôn Ngoan, sẽ xem thấy dễ dàng, và những ai tìm kiếm, sẽ gặp được. Đức Khôn Ngoan sẽ đón tiếp những ai khao khát…” (x. Kn 6, 12-13). Ai trong chúng ta đều được Chúa ban cho ánh sáng đức tin qua biểu tượng “cây nến cháy sáng” hay “chiếc đèn sáng rực” khi chúng ta được lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Rồi lớn dần lên, chúng ta được trau dồi, học hỏi, rèn luyện trong đời sống đạo đức từ cách dạy dỗ, hướng dẫn của cha mẹ, của cha xứ, quý sơ và các anh chị giáo lý viên, v.v…ngõ hầu ánh sáng đức tin ấy ngày càng được bừng cháy. Trên hết, Thiên Chúa luôn đồng hành, nâng đỡ, khích lệ, giáo dục chúng ta từng bước qua Giáo Hội, qua việc tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích, qua việc đọc-học-suy niệm Kinh Thánh, qua sinh hoạt giáo xứ trong các hội đoàn, qua mọi biến cố vui hay buồn trong đời, v.v…, cụ thể, Ngài tuôn đổ hồng ân, ơn lành, đặc sủng, đoàn sủng, những ơn cần thiết, thậm chí Ngài ban cả Thánh Thần cho chúng ta. Vậy, hình ảnh ‘dầu’ ở đây chính là ơn thánh, là Đức Khôn Ngoan, là chính Chúa Thánh Thần. Đèn cháy sáng cần dầu thế nào, thì đời sống đức tin cần đến ơn Chúa, sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh như vậy.
Hơn nữa, hình ảnh ‘dầu’ cũng khiến chúng ta liên tưởng đến sự nỗ lực cộng tác với ơn Chúa hằng ngày, qua việc hy sinh sống Lời Chúa giữa những bề bộn cuộc sống thực dụng, vật chất này. ‘Dầu’ không chỉ giúp đốt cháy, giữ mãi ánh lửa bừng sáng, mà còn dùng chữa lành, chăm sóc như người Sa-ma-ri-a nhân lành đã làm khi thấy người xa lạ mắc nạn bị vứt bỏ bên lề đường. Với ‘dầu’ này, chúng ta dám bỏ thời gian, của cải, kế hoạch, chương trình, lịch hẹn hò của bản thân mà ân cần chia san với anh chị em đang cần đến mình, bất luận chúng ta biết họ hay không, họ thân quen hay xa lạ với chúng ta hay không! Việc sửa soạn đèn của năm cô khôn ngoan cũng khá ư dễ dàng, bởi lẽ họ đã chuẩn bị lượng dầu dự trữ đầy ắp. Tuy nhiên, tại sao các cô khôn ngoan lại không chia bớt dầu cho năm cô khờ dại? Thậm chí có người còn cho rằng: năm cô khôn ngoan thật ích kỷ, chẳng phải bạn tốt? (giáo dân trong lớp giáo lý trưởng thành của tôi đã nghĩ vậy!!!!). Đễ dễ liên tưởng và trả lời đúng đắn, chúng ta thử nghĩ đến thời gian Chúa gọi chúng ta về (lúc hấp hối), thì thử hỏi chúng ta còn có cơ hội ‘vay mượn’ hay ‘chạy đi mua’ không? Mặc khác, ơn Chúa ban cho chúng ta theo bậc sống, theo trách vụ của mỗi người nữa như: đặc sủng dành cho những ai sống đời sống thánh hiến khác với đặc sủng của người sống đời sống hôn nhân-gia đình…
Tóm lại, Chúa ban cho chúng ta cả ‘đèn’ và ‘dầu’, nhưng trong khi tỉnh thức chờ đợi theo thời gian của Chúa, thì chúng ta cần noi gương năm cô khôn ngoan. Cho dù có thiếp ngủ đi vì lí do nào đi chăng nữa, thì với ‘đèn đầy dầu’, chúng ta lại tỉnh giấc, thức dậy, sẵn sàng đón chàng rể vào tiệc mừng muôn đời.
Lạy Chúa, xin giúp con như năm cô khôn ngoan
phải thiếp đi trong khi chờ đợi chàng rể đến
Cũng chẳng bao giờ quên ‘đèn đầy dầu cháy sáng
Như đèn rực rỡ cần đến dầu tràn trề thế nào
Ánh sáng đức tin của con cần đến ơn Thánh đến như vậy.
Xin giúp con luôn luôn sẵn sàng, sửa soạn chong đèn
‘Dầudạt dào mãi đốt cháy ngọn nến sáng yêu thương. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
===============

Suy niệm 4
Đong đầy dầu yêu thương
Mt 25, 1-13
Được mời làm phù dâu là một vinh dự lớn đối với các cô gái đương xuân. Đây là một cơ hội tốt để giao lưu, để gặp gỡ, để làm quen với nhiều người bạn khác cùng trang lứa… Và biết đâu, nhân dịp nầy, các cô có thể tìm thấy bạn trai ý hợp tâm đầu rồi sau đó kết ước chuyện trăm năm thì còn gì hạnh phúc bằng!
Vì thế, ngay khi được mời làm phù dâu, các cô nô nức sửa soạn cho ngày quan trọng nầy thật chu đáo. Phải trang điểm chi li từ lọn tóc trên đầu cho đến cái móng chân!
Thế rồi, thời điểm chờ đợi đã đến. Các cô tung tăng hớn hở cùng nhau tiến về nhà cô dâu để chuẩn bị nghênh đón chàng rể và để gặp gỡ những người bạn trong mơ.
Thế nhưng, điều đáng tiếc là vì mải lo sửa soạn áo xống, lo trang điểm bên ngoài thật tươm tất chu đáo thì năm trong số mười cô phù dâu xinh đẹp lại quên mất điều quan trọng nhất là chêm thêm dầu vào đèn của mình.
Thế rồi, khi chàng rể đến bất thần giữa đêm đen, các cô chỗi dậy sửa soạn đèn đóm, không ngờ đèn đã cạn dầu từ lúc nào không hay, mà vì không có đèn sáng trên tay, các cô không được vào phòng tiệc cưới.
Các cô giận tức giận cành hông khi nhìn 5 cô bạn phù dâu có đèn sáng trên tay được mời vào phòng tiệc cưới, được tung tăng bên cạnh cô dâu chú rễ, được tươi cười ca hát với các vị khách mời, được làm quen, kết bạn với những chàng phù rễ hào hoa … còn mình thì bị đuổi ra ngoài đêm tối, lầm lũi lê gót về nhà trong buồn tủi và cô đơn.
Như thế, mang đèn mà chẳng mang dầu theo là hành động dại khờ không thể chấp nhận được.
Khi ta không có dầu
Xét lại hoàn cảnh mình, chúng ta cũng là những phù dâu, phù rể đang chờ đợi chàng Rể khác là Chúa Giê-su sẽ đến bất cứ lúc nào.
Chúa Giê-su sẽ đến vào giờ không hẹn trước. Vậy chúng ta đừng mải mê đầu tư tất cả cho thân xác mà không mảy may đầu tư cho đời sống mai sau. Cần phải có dầu đầy bình ngay hôm nay, để rồi khỏi hối tiếc như năm cô phù dâu khờ dại.
Chỉ có dầu yêu thương mới có thể làm cho đèn của chúng ta sáng lên, nhờ đó mới được đón nhận vào phòng tiệc đời đời.
Dựa vào lời dạy của Chúa Giê-su trong dụ ngôn “Phán xét cuối cùng”, ta biết rằng:
Nếu đèn của ta có đầy dầu yêu thương, thì trong giờ Chúa đến, Ngài sẽ nói với ta: “Nào! con là người được Cha Ta chúc phúc, mời con vào hưởng hạnh phúc đời đời với Ta, vì con đã yêu thương chăm sóc phục vụ những người bất hạnh quanh con…”
Và nếu đèn của chúng ta thiếu dầu yêu thương, Chúa Giê-su sẽ nói với ta rằng: “Quân bị nguyền rủa kia! Hãy đi khuất mắt ta mà vào trong hỏa ngục, vì đã không tỏ lòng yêu thương phục vụ những người bất hạnh quanh mình…” (xem Mt 25, 31-46).
Như thế, có đầy dầu yêu thương sẽ mang lại dư đầy ơn phúc, còn thiếu dầu yêu thương sẽ đem lại hậu quả bi đát khôn lường!
Lạy Chúa Giê-su,
Thật là dại khờ khi mang đèn mà chẳng mang dầu theo. Và thật điên rồ khi không tích lũy nhiều dầu yêu thương cho đèn tâm hồn được cháy sáng.
Xin cho chúng con hôm nay biết đổ đầy dầu yêu thương vào đèn của mình bằng cách siêng năng làm việc thiện, chăm lo phục vụ những người thiếu thốn… Chính những thứ dầu nầy mới làm cho tâm hồn chúng con trở nên đèn sáng. Nhờ đó, bất cứ lúc nào Chúa đến, chúng con cũng được mời vào dự tiệc vui muôn đời. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

===============

Suy niệm 5
Không Thể Vào Thiên Đàng Bằng Đức Tin Vay Mượn
 

(Mt 25, 1-13)
Đọc dụ ngôn Mười Cô Trinh Nữ lên, chúng ta thấy có điều không ổn, bởi đám cưới có bao điều cần thiết, chứ đâu chỉ cần mỗi người một đèn sáng trong tay là vào dự tiệc cưới. Chàng rể đến cũng phải đem đèn đi theo chứ, vả lại năm cô có đèn mà đèn hết dầu thì vẫn còn năm cô kia, hai người một đèn không đủ sao? Mà cũng thật là thiếu bác ái trong nhóm phù dâu này. Mười chị em cùng nhóm phù râu với nhau mà cũng không chịu chia sẻ dầu cho nhau để tất cả có dầu đèn cùng vào dự tiệc cưới thì vui biết mấy. Khi kể dụ ngôn này, Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta điều gì
Dầu đức tin
Năm cô có đèn nhưng hết dầu xin năm cô đèn còn sáng, lại có dầu dự trữ nữa, vậy mà năm cô kia không cho. Chẳng những thế lại còn nói: “E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra hàng mà mua thì hơn” (Mt 25, 9). Tin Mừng kể lại, chính lúc năm cô đi mua thì chàng rể đến và cửa đóng lại. Lúc năm cô có dầu, đèn sáng về gõ cửa, chính chú rể đích thân ra mở cửa, thấy năm cô, nhưng lại trả lời một cách khắc nghiệt: “Ta không biết các ngươi” (Mt 25, 12). Các cô là những người giúp việc nhà, là những người quen thuộc, mà chú rể nói rằng không quen, không biết. Đành rằng chú rể không biết các cô. Thế còn năm cô bạn kia đâu, sao không ra nhận bạn đưa vào? Hậu quả năm cô này được gọi là năm cô khờ dại, vì đã mang được đèn mà không mang dầu theo. Thật là kết cuộc đáng buồn cho những ai không chuẩn bị sẵn sàng!
Dụ ngôn muốn ám chỉ, dầu ở đây là dầu đức tin. Đức tin cần thiết để được ơn cứu độ. Đức tin không thể vay mượn được. Có đi mua chăng nữa thì cũng uổng công vô ích.
Không ai có thể vào thiên đàng bằng đức tin vay mượn
Đây chỉ là dụ ngôn Chúa Giêu kể cho các môn đệ, chứ thực tế không có đám cưới nào hay đám rước dâu nào lại xảy ra như thế cả. Dù chàng rể có tới trễ, chắc chẳng ai ngủ được, phương chi các cô phù dâu, quần áo đầu tóc như thế làm sao mà ngủ nổi? Khi nói dụ ngôn này, Chúa Giêsu chỉ muốn dạy chúng ta rằng Không ai có thể vào thiên đàng bằng đức tin vay mượn.
Chàng rể chính là Chúa Giêsu, mười trinh nữ phù dâu là toàn thể nhân loại, được Thiên Chúa yêu thương và đón mời về dự tiệc cưới Nước Trời. Dầu và đèn là điều kiện cần có để được tham dự tiệc cưới, thì đức đức tin cũng cần thiết để được vào Thiên Đàng. Mười cô phù dâu, có năm cô khôn và năm cô dại là hình ảnh nhân loại có người dại người khôn. Khôn hay dại tùy thuộc vào thái độ họ có biết sẵn sàng chuẩn bị cho mình đức tin cần thiết không. Cái làm cho mười cô trở thành khôn dại khác nhau ở chỗ cẩn thận và sẵn sàng. Cả mười cô đều ngủ, nhưng năm cô khôn ngủ trong thái độ tin. Còn năm cô dại đã ngủ trong một thái độ chểnh mảng, tới đâu hay tới đó, đến khi “hay” được thì đã quá muộn.
Còn việc chàng rể đến chậm, đến trễ, đến bất ngờ ám chỉ việc Chúa đến. Chắc chắn Chúa sẽ đến, nhưng hoàn toàn bất ngờ, đột xuất, nên ai khôn thì sẵn sàng chờ đón ngày chung cục của thế giới, ngày cánh chung, ngày tận thế, ngày Chúa phán xét toàn thể nhân loại. Ngày đó không ai biết trước được. Sẵn sàng đón nhận giờ chết, giờ bất ngờ, không ai biết trước được. Đòi hỏi mỗi người phải hết sức cẩn thận, phải tin cho đủ với đèn nhân đức tích sẵn thì được vào Nước Trời. Đây chính là bài học Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta.
Hãy học năm cô khôn
Muốn đón Chúa chúng ta phải khôn ngoan, sẵn sàng có nghĩa là đèn phải luôn có dầu. Đèn ở đây là chính đức tin, tình yêu, một lòng mến bình thường, không gây mỏi mệt và buồn chán. Đèn muốn hữu dụng phải có dầu. Dầu đốt mãi cũng phải hết. Vậy, chúng ta phải tích trữ dầu càng nhiều càng tốt. Từng giọt dầu nhỏ bé được thêm vào liên tục là những công việc nhỏ bé, tốt lành, thiện hảo trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Đó là những giọt dầu của tình yêu và lòng mến, giữ cho ngọn lửa đức tin của chúng ta luôn cháy sáng. Với dầu cầu nguyện và việc lành luôn cháy sáng, Chúa sẽ nhận ra chúng ta.
Dầu này là dầu không vay không mượn được như người ta tưởng, nghĩa là không ai có thể vào thiên đàng bằng đức tin vay mượn, nên không thể nói đến chuyện thiếu bác ái ở đây. Nhân đức và cách sống không thể cho vay cho mượn để vào Nước Trời, mỗi người phải tự tích luỹ cho mình, nghĩa là phải trở nên người thực thi lời Chúa hơn là người chỉ biết nghe lời Chúa. Chính Chúa Giêsu nhắn nhủ và mời gọi chúng ta: hãy khôn ngoan như năm cô trinh nữ đem đèn và dữ trữ cả dầu.
Vậy, hãy mến chuộng Ðức Khôn Ngoan. Đức Khôn Ngoan ở đây là chính Chúa. Chúa là Đấng Khôn Ngoan “sáng tỏ, không bao giờ lu mờ” như câu đầu của bài đọc I hôm nay (Kn 6,12). Những “ai ai yêu mến nó, sẽ xem nó dễ dàng, và những ai tìm kiếm nó, sẽ gặp được nó. Nó sẽ đón tiếp những ai khao khát nó, để tỏ mình ra cho họ trước” (Kn 6,13).
Như thế, muốn gặp Chúa phải tìm kiếm; nhưng chỉ ai yêu mến Chúa mới tìm kiếm Người. Duy trì được lòng yêu mến Chúa là có thái độ sẵn sàng; và ai làm như thế được kể là người khôn ngoan. Vậy người khôn có đèn cháy sáng trong tay để sẵn sàng đi gặp Chúa là người có Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến đã được đốt cháy khi chịu phép Rửa tội và đã nhận lấy một cây đèn cháy.
Vậy, trong thời gian chờ ngày Chúa trở lại hãy giữ sao cho lòng mến Chúa cháy mãi. Hãy luôn tưởng nhớ và yêu mến Người. Nhất là hãy luôn luôn thi hành giới răn Người để lại là thi hành lòng bác ái. Như thế, Người đến lúc nào chúng ta vẫn sẵn sàng để vào dự tiệc đời đời với Người chẳng cần vay mượn hay đi mua gì cả.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

===============

Suy niệm 6
THÀ KHỜ DẠI Ở THẾ GIAN, NHƯNG KHÔN NGOAN VÌ NƯỚC TRỜI

Lắm lúc chúng ta tự hỏi mình: tại sao tôi lại trở thành người Công giáo sống tuân giữ điều này điều kia, sống hy sinh, trao ban như Chúa dạy, phải yêu thương, tha thứ cho anh chị em, kể cả ‘kẻ thù’ mình, mà không sống thoải mái, dễ giải như bao người không Công giáo ngoài kia? Phải chăng, tôi khờ dại khi trở thành người tin Chúa, bước theo Chúa, và nhiều lúc phải chịu thiệt thòi, chịu thua người khác vì đời sống đức tin, đời sống thánh hiến, đời sống cộng đoàn?
Nhìn thoáng qua, có lẽ cũng đúng, nhưng nếu chúng ta đọc kỹ, suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, dụ ngôn kể về mười cô trinh nữ cầm đèn, đón chú rể đến, thì chắc hẳn trong chúng ta chẳng ai muốn giống như năm cô khờ dại kia, mà chỉ muốn trở thành năm cô khôn ngoan mà thôi! Sự khôn ngoan hay khờ dại ở đây không xét trên bình diện tri thức, trí thức, kinh nghiệm sống, kiến thức, địa vị xã hội hay chức vụ, nhưng tiên vàn được đặt trong chiều kích đời sống đức tin. Chính vì vậy, chúng ta có thể là những người khờ dại đối với thế gian, nhưng vì Nước Trời, vì Hội Thánh, vì ơn cứu độ, chúng ta lại là những người khôn ngoan! Tình yêu nào mà chẳng đòi hỏi hy sinh, dâng hiến, trao ban! Đời sống đức tin cũng thế, cũng gập ghềnh, sóng gió, thăng trầm, nhưng có Chúa, vì Nước Trời, mọi khó khăn, gian nguy ấy sẽ được thay bởi niềm vui, vũ điệu, khúc ca mừng hoan hỉ không ngơi.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy rõ điểm giống nhau giữa năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại là: họ đều cầm đèn ra đón chú rể; vì chú rể đến chậm nên đều thiếp đi, rồi ngủ cả; và khi nghe có tiếng hô: “Kìa chú rể đến, hãy ra đón người!”, thì cả mười cô đều thức dậy, sửa soạn đèn nghênh đón chú rể (x. Mt 25, 1-13). Thực tế, mỗi người chúng ta nên hồi tưởng lại giây phút thiêng liêng, trang nghiêm, thánh thiện khi chúng ta được rửa tội (hầu như chúng ta được rửa tội từ nhỏ, nên không ý thức được, nhưng nếu nói chuyện với bố mẹ mình, bố mẹ đỡ đầu thì sẽ biết!), chúng ta được lãnh nhận nến cháy sáng biểu tượng ánh sáng Chúa Ki-tô, đó là ánh sáng đức tin mà Thiên Chúa trao ban tựa như chiếc đèn luôn luôn được thắp sáng của mười cô trinh nữ. Hơn nữa, ai trong chúng ta cũng được trao cho sứ vụ: sống đức tin, sống làm chứng và sẵn sàng nghênh đón ngày Chúa lại đến như hình ảnh các cô trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể vậy. Bên cạnh đó, sự khác biệt lớn lao, chính yếu giữa năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại là: việc mang theo dầu thắp đèn; và năm cô khôn ngoan sẵn sàng đón chú rể, rồi vào dự tiệc cưới, còn năm cô khờ dại thì loay hoay đi mua dầu (x. Mt 25, 1-13). Trong đời sống đức tin, người khôn ngoan hay người khờ dại đều được dựa trên điểm khác biệt này: mang theo dầu thắp sáng ngọn đèn đức tin, kể cả khi chú rể đến muộn; và sự tỉnh thức, sẵn sàng nghênh đón chàng rể vào ngày không ngờ, vào giờ không biết (x. Mt 25, 13). Dù biết vậy, nhưng ‘dầu’ ở đây cụ thể là gì? Trước hết, ‘dầu’ chính là ân sủng, ơn lành, sự chúc phúc của Thiên Chúa ban cho chúng ta (trong Cựu ước, thường được viết là ‘thần khí’ – ơn lành, ân sủng, v.v...), nhưng trong Tân Ước, Thiên Chúa ban cho chúng ta chính ‘Thần Khí’ của Người (không phải là ơn lành hay ân sủng nữa, mà là chính Chúa Thánh Thần, chính Thiên Chúa là món quà quý giá nhất cho chúng ta); kế đến, ‘dầu’ là những phương thế, phương tiện, thời gian, sức khoẻ, khả năng, tài năng, tiềm năng, cơ hội, hoàn cảnh, gia đình, cộng đoàn, sự tương trợ của anh chị em, v.v... Nói tới đây, mỗi người chúng ta nên nhìn lại đời sống đức tin của mình! Xem lại, ngọn đèn đức tin của mình vẫn còn cháy sáng hay đang leo lét, rồi tắt lịm dần? Ngọn nến đức tin của mình đang hừng hừng cháy với cả nhiệt huyết, tâm huyết, lòng nhiệt tình, hăng say hay đang nguội dần và lạnh tanh? Hơn nữa, chúng ta cũng nên tự hỏi: mình có luôn mang theo ‘dầu’ để thắp sáng ngọn đèn đức tin? Chúng ta có sẵn sàng hy sinh như sáp nến phải tan chảy để ngọn nến đức tin luôn được cháy sáng? Chúng ta có dùng ân sủng Chúa, linh đạo của hội dòng, đặc sủng riêng biệt của cộng đoàn, khả năng, sức khoẻ, thời gian, cơ hội Chúa ban, phương thế tốt đẹp, năng lực của mình như ‘dầu’, hầu thắp sáng ngọn đèn đức tin của mình và đồng hành đức tin với anh chị em? Chúng ta có biết dùng ‘dầu’ ấy thắp sáng ngọn nến đời sống đức tin, đời sống cộng đoàn, đời sống gia đình, đời sống tu đức...trong khi chờ đợi ‘chàng rể đến’ chăng? Hay thay vì tỉnh thức chờ đợi thì chúng ta lại ngủ vùi trong những đam mê trần tục, thấp hèn, dục vọng chóng qua, thoả mãn cái tôi của mình, hoặc chúng ta cũng thức, cũng chờ, nhưng không phải chờ ‘chàng rể đến’ mà lại trông chờ danh vọng, tiếng tăm, quyền bính, tự tôn, hay chỉ tỉnh thức để vui chơi trong những sòng bạc, casino, pachinko canh khuya, trắng đêm?
Giờ đây, mỗi một người chúng ta sấp mình trước Chúa và cùng nhau thầm thỉ nguyện cầu với Người:        
Tạ ơn Chúa biết bao năm qua
Dù đời con vất vả ê chề
Xa bến bờ, đam mê trần thế
‘Dầu’ chẳng mang, bước lê không nguôi
‘Đèn’ leo lét, chôn vùi dục vọng
Tỉnh lại rồi, ngủ trong mê say
Xin thức tỉnh lòng này hèn yếu
‘Đèn’ đầy ‘dầu’ bước theo chân Người!

Lm. Xuân Hy Vọng

===============

Suy niệm 7
Khôn ngoan chờ đợi

Kn 6,12-16; 1Tx 4,13-18; Mt 25, 1-13
Tin Mừng hôm nay kể chuyện mười cô trinh nữ cùng cầm đèn đi đón chàng rể. Nhưng số phận của họ khác nhau, vì năm cô khôn thì “kịp” theo chàng rể vào dự tiệc cưới, nửa số còn lại bị gạt ra ngoài vì chưa chuẩn bị sẵn sàng. Ngày Chúa đến luôn được kể lại trong dụ ngôn với kết quả “một người được đem đi, một người bị bỏ lại”. Chuyện lúa tốt và cỏ lùng, cá tốt cá xấu, người khôn kẻ dại, người trung tín, người chuẩn bị sẵn sàng hay kẻ mải mê chè chén say sưa, đều đưa ta đến câu hỏi: hiện trạng mình đang là hạng người nào mà lo hoán cải?
Mười trinh nữ cùng được chọn đi đón chàng rể, cùng ngủ, cùng dậy, cùng sửa soạn đèn; nhưng khác là đèn của năm cô “khôn” thì “đủ điểm” cháy sáng, còn đèn các cô “dại” thì tắt ngủm vì không còn dầu. Bài học ở năm cô khôn là biết tích trữ dầu đèn, không để đèn tắt vì khô dầu, biết canh phòng sẵn sàng đón chàng rể đến dù bất ngờ. Nghĩa là khi người ta gắng giữ vững đức tin, trông cậy vững vàng và lòng mến thiết tha. Mỗi người phải có đời sống Đức Tin cách tích cực với trách nhiệm cá nhân, không thể vay mượn hoặc làm thay. Cần có sự khôn ngoan của Thiên Chúa để luôn thức tỉnh, không bị mê hoặc bởi những cám dỗ của thời đại trần tục hóa và đầy tinh thần hưởng thụ. Trong thực tại cuộc sống hôm nay chắc chắn có người khôn người dại. Nhưng biết ai dại, ai khôn? “Có lời chép rằng: “Ta sẽ huỷ diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái. Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao?” (1Cr 1, 19-20). Nhìn vào Thầy Giêsu thấy Thầy quá “dại dột” mà chẳng “khôn ngoan” chút nào, tự chuốc lấy đau khổ và chết nhục nhã trên thập tự đó. Nhưng “cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người”. (1Cr 1, 25).
Chúa ơi! khi chúng con liên lỉ sống gắn bó với Chúa, trong từng phút giây luôn có Chúa Hiện Diện, thì bất cứ ngày nào hay giờ nào, chúng con luôn sẵn sàng “ra đón Chúa” vì đã “ở với Chúa luôn”. “Đức Khôn Ngoan sáng chói, và không hề tàn tạ. Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng. Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp. Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết. Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan, thì không phải nhọc nhằn vất vả. Họ sẽ thấy Đức Khôn Ngoan ngồi ngay trước cửa nhà”… người ấy. (Kn 6, 12-14).
Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log