Thứ hai, 23/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 34 Thường niên - Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ

Cập nhật lúc 09:02 23/11/2023
Suy niệm 1
Mt 25, 31 - 46
Dụ ngôn “Ngày phán xét chung” làm cho mọi người ngẩn ngơ.
Trước hết là những người đứng bên tay phải của Chúa. Chúa bảo họ vào Thiên Đàng vì đã cho Chúa ăn, cho Chúa mặc. Họ ngẩn ngơ hỏi Chúa: “Chúng con có thấy Chúa bao giờ đâu mà Chúa bảo chúng con cho Chúa ăn, cho Chúa mặc?”
Sau đó là những người đứng bên tay trái của Chúa. Chúa bảo họ xuống hỏa ngục vì ngày xưa Chúa đói mà không cho Chúa ăn, Chúa ăn mặc rách rưới mà không cho Chúa quần và áo. Họ cãi lại: “Chúng con có thấy Chúa bao giờ đâu mà Chúa bảo là chúng con không cho Chúa ăn, không cho Chúa mặc.
Đến hôm nay, chúng ta cũng thắc mắc vì đạo của Chúa có mười điều răn và sáu điều răn. Vậy mà Chúa không phiền trách vì các linh hồn khi còn sống bỏ lễ Chúa nhật, dâm ô, say xỉn, trộm cắp, vu khống, giết người… Phán xét mà chỉ nhắc có một điều là thiếu bác ái. Phán xét gì mà giản dị quá vậy.
Dĩ nhiên, đây chỉ là một dụ ngôn, chứ ngày phán xét chung không phải là thế đâu. Dụ ngôn này là một bài học Chúa cho ta thấy việc bác ái quan trọng tới mức độ nào và điều Chúa tha thiết mong mỏi nơi chúng ta yêu thương và giúp đỡ người nghèo đói, người bệnh hoạn tật nguyền. Giáo hội cũng đang tha thiết cùng với các người thiện chí chấm dứt tình trạng nghèo trên thế giới. Ăn sung mặc sướng bên cạnh người túng thiếu được Giáo hội coi là xúc phạm nhân phẩm và làm nhục Thiên Chúa.
Nghèo là một vấn đề lớn của loài người. Victor Hugo đã phải thốt lên rằng: “Nghèo và dốt là một cặp vợ chồng đẻ ra quái thai.” Vì nghèo và dốt đã đẻ ra biết bao nhiêu tội ác. Nghèo và dốt vẫn đang đè nặng trên vai 75% dân số trên thế giới. Tỷ lệ 75% này vẫn còn y nguyên trong nhiều thế kỷ rồi.
Chính vì thế mà Chúa yêu cầu con cái của Ngài phải biết chia cơm sẻ áo cho nhau. Đặc biệt Chúa nhấn mạnh rằng: giúp người nghèo là giúp Chúa; không giúp người nghèo là từ chối chính Chúa. Hơn nữa, Chúa bảo ai không giúp người nghèo thì hãy xuống hỏa ngục; ai yêu thương và giúp đỡ người nghèo, thì hãy vào thiên đàng.
Nhưng khổ quá vì giúp người nghèo là việc quá lớn. Chính mẹ Têrêsa Calcutta suốt đời chỉ biết phục vụ người nghèo mà ngài vẫn phải thú nhận rằng “muối bỏ biển”.
Giúp người nghèo còn là một vấn đề làm nản lòng người có thiện chí. Có rất nhiều người nghèo, nhưng lại gian dối và lười biếng. Linh mục và tu sĩ đã từng bị người nghèo gạt gẫm đến mức độ bị cám dỗ thôi không giúp nữa.
Đúng là thế, nhưng không được thất vọng. Vẫn cứ phải giúp người nghèo và phải giúp mãi, vì Chúa đã công bố rồi: giúp người nghèo là giúp Chúa; không giúp người nghèo là từ chối chính Chúa.
Rất may là có nhiều tâm hồn thiện chí cứ lo giúp người nghèo mà không hề bị than phiền. Có một chuyện cụ thể là khi thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu còn là em bé mồ côi mẹ, thì ông bố khi đưa con đi dạo phố, thì ông dặn Têrêsa rằng: “Bố trao túi tiền cho con quản lý. Hễ có người nghèo xin tiền, thì con lấy tiền, rồi cả hai tay cầm tiền bỏ vào mũ của người hành khất. Không được ném tiền vào mũ, mà phải hai tay bỏ vào cho đàng hoàng”. Cũng vẫn có người trích từ năm đến mười phần trăm thu nhập để bỏ vào quỹ bác ái. Cụ thể là tại một giáo xứ kia có một nhóm thiếu nhi mỗi ngày bớt ăn hàng để bỏ vào quỹ mỗi ngày từ 1000 đến 2000 đồng. Cuối tháng, các em đi ra chợ để tặng cho người nghèo. Cứ đều đều như thế. Mong rằng mỗi người chúng ta vận động để trong gia đình cả bố lẫn mẹ và con cái đều có quỹ từ thiện. Mỗi lần bỏ vào quỹ ấy dù 1000 đồng thôi cũng tự thấy rằng Chúa sẽ bảo: “Hãy vào thiên đàng hưởng phúc vĩnh cửu vì Cha đói mà con đã cho Cha ăn.” Làm được vậy thì dễ thôi, mà được Chúa khen và thưởng lớn quá.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
=================
Suy niệm 2
PHÁN XÉT

Mt 25, 31 - 46
Đoạn Tin Mừng hôm nay đã thay đổi định hướng sống và trở thành chương trình hành động của người nữ tu Têrêsa Calcutta. Lời Chúa hôm nay cũng chính là Lời Chúa mà mẹ đã từng nghe, từng đọc, từng suy gẫm, nhưng tới lúcmẹ nhận ra một điều thật mới lạ làm chấn động trái tim mình. Đó là những người nghèo khổ, xấu số, bất hạnh… không chỉ là những người đáng thương cần cứu giúp mà còn là hiện thân của chính Chúa Giêsu đang đau khổ. Mẹ đã tập nhìn ra chính Chúa Giêsu trong mỗi con người, dù họ có vẻ đáng kinh tởm đến đâu đi nữa”.
Từ đó, mẹ đã say mê phục vụ những bệnh nhân tồi tàn, đã cúi xuống bên những người kiệt sức, đã cứu giúp những người tàn tật, đã ôm về những người bị bỏ mặc cho chết bên vệ đường. Mẹ nhận ra phẩm giá cao quý mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Đối với mẹ, lòng thương xót là “muối” khiến cho mỗi việc mẹ làm thêm đậm đà hương vị, và là “ánh sáng” chiếu soi đêm tốicủa những cuộc đời không còn nước mắt nữa để khóc thương cho sự khốn cùng của mình.
Mỗi người khốn cùng cũng là một bí tích, là nơi mà chúng ta có thể thực sự gặp gỡ chính Đức Giêsu. Trong dụ ngôn ngày phán xét, Vua Giêsu đã đồng hoá mình với những người đói khát, khách lạ, trần trụi, đau yếu hay tù đày, mà chúng ta vẫn gặp mỗi ngày.Ngài ẩn mình hay đúng hơn Ngài tỏ mình qua những người hèn kém đáng thương nhất.
Hôm nay Vua Giêsu vẫn ngửa tay xin ta giúp các anh chị em bé mọn nhất của Ngài: những người lầm than khốn khổ và bệnh tật nghèo hèn; những người dốt nát vàmù chữ; những người đang sống nơi đầu đường xó chợ; những người bị suy sụp tinh thần; những người không nơi nương tựavà đang sống cô đơn buồn tủi; những người góa bụa con côi: những người tự nhốt mình trong tù ngục đam mê;những người trần trụi vì phải sống nhờ thân xác vàbị đẩy ra bên lề xã hội.
Sự tổn thương nặng nề nhất của người nghèo hôm nay là bị tuốt lột nhân phẩm, bị bóc lột nhân cách, bị trấn lột nhân tính, để rồi cuối cùng bị khinh khi chế giễu, bị coi là vô dụng, thừa thãi. Và như vậy, sự ác lớn nhất của con người hôm nay là mất tình yêu, là dửng dưng, vô cảm.
Martin Luther King,là Mục sư, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, và là người đoạt Giải Nobel Hoà bình năm 1964,ông đã nói lên sự thật như sau: “Thế giới đang chìm đắmtrong đau khổ, không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của nhữngngười tốt”.Hóa ra những người tốt cũng là những kẻ xấu, vì đã đồng lõa hay thỏa hiệp với sự dữ, khi chỉ lo cho bản thân mà không quan tâm đến tha nhân;khi không dám lên tiếng chonhững người thấp cổ bé họng, không dám che chở những người thất thế cô thân,v.v…Chúng ta có dám rửa tay nói mình là người sạch tội không?
Mọi người chúng ta sẽ không bị xét xử về điều gì khác ngoài tình yêu, nghĩa là những gì đã làm hay không làm cho anh chị em mình. Không phải mọi người đều đã biết Đức Giêsu, nhưng mọi người đều có một nẻo đường để gặp Ngài, đó là nẻo đường của lòng thương xót”.Chính Ngài đã kêu gọi chúng ta:“Hãy thương xót, như Cha các con là Đấng hay thương xót” (Lc 6, 36). Lòng thương xót không chỉ là hành động của Chúa Cha; mà còn trở thành một tiêu chuẩn để biết được ai là con cái thật của Ngài. Lòng thương xót“chính là nền tảng của đời sống Hội Thánh”, là sự tròn đầy của đức công chính và là biểu lộ rực rỡ nhất sự thật về Thiên Chúa”.Đó là “chìa khóa Thiên Đàng” (GE 105).
Thánh Tômacho biết, việc làm thương xót đối với tha nhân thậm chí còn hơn cả hành vi thờ phượng: “Chúng ta thờ phượng Thiên Chúa không phải đem lại ích lợi gì cho Thiên Chúa, nhưng là cho chúng ta và cho tha nhân… Lòng thương xót khiến ta đáp ứng cho những nhu cầu của người khác, là sự hy sinh được Thiên Chúa ưa thích hơn, vì nó hướng trực tiếp đến hạnh phúc của tha nhân”.[1]
Bài học Tin Mừng hôm nay đã quá rõ: đến cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu; tình yêu đối với tha nhân cũng chính là tình yêu đối với Thiên Chúa. Để những việc ta làm được gọi là “tốt” đối với mọi người, ta hãy làm mọi việc cho họnhư làm cho chính Chúa. Hãy thay đổi định hướng sống và chương trình hoạt động của mình để làm nổi bật lòng thương xót, hay nói sâu sát hơn là trở nên lòng thương xót của Thiên Chúa, để góp phần với Chúa Giêsu, Vua vũ trụ, Đấng đang qui tụ những người lành để làm nên một thế giới tình yêu.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Tha nhân gắn liềnvới bản thân con,
trong mọi mối liên hệ của đời sống,
đều được Chúa yêu thương và cứu chuộc,
nên tất cả cũng đều thuộc về Ngài.
Đời con chỉ kiện toàn được bản thân,
trong mối tình liên đới với tha nhân,
tronghân hoan hay khổ sở buồn rầu,
trongbìnhan hay lo âu của họ,
Số mệnh của đời con đều tùy thuộc,
vào những gì đã sống cho người khác,
vào những gì mà con đã hiến dâng,
để đem lại tươi tốt cho nhân trần.
Rồi đây tới ngày Chúa phán xét,
cũng sẽ dựa vào những điều ấy thôi,
để phân biệt người lành hay kẻ dữ,
để thưởng công hay xử phạt muôn đời.

Chúa nhân từ đã cúi xuống đời con,
đời tăm tối và hư vô tội lỗi,
để cho con thoát khỏi kiếp đơn côi,
làm sáng lên một cuộc đời tươi mới.

Nên con cần phải cúi xuống thật sâu,
đỡ nâng dậy bao người đang khốn khổ,
giúp họ thoát được nỗi sầu vạn cổ,
để buồn thương không còn chỗ trong đời.

Xin cho con một trái tim cảm thấu,
một trái tim nung nấu sống tình yêu,
dám cho đi và chia sẻ thật nhiều,
biết giúp đỡ ai lần than túng thiếu,
cho cuộc sống hôm nay bớt tiêu điều,
để Chúa đến vui mừng biết bao nhiêu! Amen. 

Lm. Thái Nguyên

[1]Summa Theologiae, II-II, q.  30, a. 4.
================= 

Suy niệm 3
VUA CỦA ĐỜ
I TÔI LÀ AI?

Kính thưa quý cộng đoàn Phụng vụ! Hẳn ai trong chúng ta ít nhiều đã quen với hình ảnh vương đế oai phong trong truyền thuyết, cổ tích Việt Nam! Bên cạnh nhiều vị vua hiền đức, biết hy sinh tư lợi mà lo cho xã tắc, dân an, quốc mạnh; cũng không thiếu những thời vua chúa sa vào lạc thú, chỉ biết lợi ích cá nhân, mà chẳng lo cho dân nước!
Hôm nay, chúng ta mừng kính trọng thể lễ Chúa Ki-tô Vua với một tâm thế hồ hỡi khác mọi khi. Vì ai nấy đều lo giãn cách, giữ mọi biện pháp cơ bản hầu phòng bệnh dịch quái ác cô-vi, nhưng cũng không quên sống đạo, sống bác ái như vị Vua Giê-su đã dạy và làm gương cho chúng ta: hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu (x. Ga 15, 13). Hơn nữa, dịp lễ này khiến chúng ta nhìn lại, tự vấn và xác tín rằng: ngoài Vua Giê-su Ki-tô, còn ai hoặc điều gì đang cai trị đời tôi? Tôi biết không ai khác hoặc sự việc gì đó có thể làm vua đời tôi, nhưng vì thói hư tật xấu, vì thói đời bản thân mà tôi đang cho phép họ hay sự thể ấy kiểm soát và điều khiển đời tôi như thể vương đế?
Trước hết, Vua Ki-tô của chúng ta đích thật là chủ chiên lành, Người chăn dắt, nuôi dưỡng đoàn chiên, chứ không vì lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm mà loại bỏ đoàn chiên hoặc lãng quên chúng: "chính Ta sẽ chăn dt các chiên Ta...Ta sẽ chăm sóc và chăn dắt nó trong sự công chính" (x Ed 34, 15-16). Người là vị vua dám bỏ vinh quang trời cao, xuống gian trần, mặc lấy xác phàm con người. Người là vị vua dám ra đi tìm kiếm chiên lạc, bất luận nó bị thế nào. Người là vị vua trao ban sự sống bản thân để mọi người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10). Nếu chúng ta là thần dân của vị vua này, ắt hẳn chúng ta cũng noi gương Người, biết mưu cầu lợi ích tha nhân hơn là tư lợi, biết hy sinh cho tha nhân, biết chia san ân sủng, tài năng cho cộng đoàn, thay vì chôn dấu, v.v...
Mặc dù là vua muôn dân, muôn loài, nhưng Đức Giê-su Ki-tô khiêm hạ đến tột cùng (x. Pl 2, 6-11), và "Người đã trao vương quc li cho Thiên Chúa Cha, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự" (x 1Cr 15, 24. 28). Đường đường là vị vua cao sang, ai ai cũng phải phục tùng, bái quỳ, và được bảo vệ hết mực. Như chúng ta quen với hình ảnh thông thường: dân nước, quân lính phải bảo vệ vua, kể cả hy sinh mạng sống mình; nhưng ở đây ngược lại, Vua Giê-su hy sinh mạng sống mình, không những bảo vệ mà còn mang lại sự sống đời đời cho thần dân của Người. Vậy tôi đang là thần dân của Người, hay dân của thần nào khác? Thần ấy có thể là tiền tài, danh vọng, cái tôi, địa vị, quyền lợi cá nhân, hoặc một thú vui nào đó đang thống trị, giam hãm đời tôi. Nếu tôi là thần dân của Vua Giê-su, thì chắc chắn không ai khác, chỉ có Người làm chủ toàn bộ con người và cuộc đời tôi.
Sau cùng, Vua Giê-su Ki-tô là vị Vua nhân hậu và công bình như người mục tử tách chiên ra khỏi dê (x. Mt 25, 32). Người tách biệt chiên và dê dựa trên tình bác ái mà chính Người đã sống, đã làm chứng cho chúng ta, cũng như chúng ta được lãnh nhận sức mạnh ân sủng từ Người, ngỏ hầu thực thi giới răn yêu thương ấy. Chứ Người không dựa trên những tiêu chuẩn mà chúng ta hay mặc định như: thành quả, thành đạt để phân xử. Người cũng chẳng dựa trên văn bằng học vấn, trình độ khoa học, hay nghiên cứu để phân xử công bình. Đúng hơn, Người chỉ dựa vào việc chúng ta đã sống bác ái yêu thương cụ thể chưa, hay chỉ sống giới răn ấy trong tư tưởng, trong lý tưởng, trong lời nói, mà chưa thực hành bao giờ, hoặc nếu có thực hiện đi chăng nữa cũng chỉ hời hợt và thứ yếu! Vua Giê-su Ki-tô đòi hỏi thần dân của Người biết nhận ra sự hiện diện của Người nơi anh chị em, đặc biệt những ai bé mọn nhất, vì Người tự đồng hoá mình với họ: "Ta bảo tht các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25, 40). Tương tự, nếu chúng ta không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là chúng ta không làm cho chính Vua Giê-su (x. Mt 25, 45).
Giờ đây, với tâm tình đơn sơ, tín thác, chúng ta cùng hiệp nhất dâng lời nguyện xin:
Lạy Vua Giê-su lòng con mến yêu
Xin trao đời con vào đôi tay nhân từ của Chúa
Xin mãi làm Vua khoan dung hướng dẫn đỡ nâng
Đừng để con trở nên "ông vua con" của mình
Đừng để ai đó cai trị, điều khiển trí lòng con
Đừng để sự gì chiếm lấy ngôi vị vương đế đích thật
Đừng để và đừng để con sa vào ý nghĩ làm "vua chúa" ai!
Trên hết, xin Người làm Vua vĩnh hằng đời con. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

=================

Suy niệm 4
VUA VÀ LÀ CHÚA CHÚNG TA
Mt 25, 31-46 
Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội long trọng cử hành lễ Chúa Kitô là Vua vũ trụ với niềm vui khôn tả và quả quyết rằng Người là Vua và là Chúa chúng ta.
Vua muôn đời
Chúa Giêsu là Vua ư? Người là Vua những gì ? 
Vương quốc của Chúa Giêsu Kitô không đơn giản thuộc về thế gian này. Người là Vua vinh quang, Vua mọi sự. Đơn giản, Người là Vua, hoàn toàn là Vua, Vua của Vương Quốc Yêu Thương và An Bình. Người không làm vua trên đất mà sẽ cai trị nhân loại từ trời với tư cách là Vua và là Chúa trời đất. Người là Vua đến muôn đời như lời Sứ Thần Grabiel trong biến cố truyền tin cho Đức Maria nói: "Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận!" (Lc 1,31-33).
Vua yêu thương
Chúa Giêsu Kitô là Vua như một mục tử, khiêm nhường, tận tụy, từ tâm và đầy yêu thương. Lời Chúa trong sách Êdêkiel chứng thực điều đó: "Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau" (Ed 34, 15-16).
Người coi dân lưu đày như đàn chiên tản mác. Người sẽ kéo chúng ra khỏi thân nô lệ, nơi chúng bị phân tán trong ngày đen tối. Đưa tất cả về trên Núi Thánh, để chúng được gặm cỏ nơi đồng cỏ xanh rì và nghỉ ngơi bên dòng suối mát. Chính Người chứ không phải ai khác sẽ chăn dắt chúng; tức là lãnh đạo dân, làm vua của dân chứ không ai khác nữa.
Chúa tuyên bố Người là vua. Nhưng là Vua mục tử chăm sóc từng con chiên một, đáp ứng yêu cầu của mỗi con; đồng thời sẽ không để dê cừu lẫn lộn kẻo chúng húc và làm hại nhau, tức là Chúa sẽ phân biệt kẻ dữ người lành, để đàn chiên của Người nghĩa là Dân thánh của Người được bình an hạnh phúc.
Tư cách của công dân Nước Trời
Vua dạy người ta cách sống xứng đáng là công dân Nước Trời nên đưa ra lời khuyên: "Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa Trời vừa làm tôi Tiền Của" (Mt 6,24). Vua dạy thần dân đối xử tốt với nhau: hãy làm cho người khác điều mà mình muốn họ làm cho mình, nguyên tắc này về sau được gọi là Luật Vàng. Và nhấn mạnh rằng để thật sự hạnh phúc, chúng ta phải tìm hiểu và làm theo ý Chúa (x.Mt 7,12).
Vậy, như Người đã làm Vua vì vâng lời, thì chúng ta muốn vào Nước của Người, kết hợp vào Thân thể Người, chúng ta cũng phải vâng lời Thiên Chúa, thi hành mọi giới Luật Người ban như chính Ðức Kitô, vì vâng lời Chúa Cha, mà được đặt lên thống lĩnh mọi tạo vật.
Người phân các dân tộc ra hai bên tả hữu như mục tử phân chiên ra khỏi dê.
Ðể làm công việc này, Người chỉ có một tiêu chuẩn: bên những người lành là những kẻ đã thi hành lòng nhân ái; còn bên kẻ dữ là những kẻ thiếu lòng nhân đạo. Ðiều khó hiểu là Người đã xét xử người ta theo lòng nhân ái và nhân đạo đối với chính Người. Nhưng có ai đã gặp Người ở trần gian mà thi hành lòng nhân ái? Câu Người trả lời còn lạ lùng hơn nữa. Người nói: Khi các ngươi làm hay không làm gì cho một trong các anh em hèn mọn nhất của Người là làm hay không làm cho chính Người.
Từ ngữ "các anh em hèn mọn nhất" theo Kinh Thánh ám chỉ mọi con người thiếu thốn, đau khổ mà chúng ta gặp. Quả thật, hết mọi người đã trở thành anh em của Chúa Giêsu kể từ ngày Người mặc lấy bản tính nhân loại. Hiểu như vậy, chúng ta có lý để khẳng định rằng, Chúa sẽ phán xét chúng ta theo thái độ bác ái của chúng ta đối với tha nhân. Và đó chính là lệnh truyền Người đã để lại cho chúng ta trước khi về trời.
Chúa Giêsu giải thích: "Khi Con Người đến,... Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái" (Mt 25,31-33), bên những kẻ Chúa Cha chúc phúc" (x. Mt 25,34). Tại sao chiên nhận được ân huệ của Vua?
Vua giải thích: "Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta'. Khi chiên, hay “những người công chính”, hỏi là họ đã làm những điều tốt ấy cho ngài bằng cách nào, Vua đáp lại: 'Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta'" (Mt 25,35-36.40.46).
Họ không làm những việc tốt này ở trên trời, vì ở đó không có người bệnh hoặc người đói. Nhưng họ đã làm những điều này cho các anh em của Đức Kitô ở trên mặt đất.
Còn về dê, là những người bị đặt ở bên trái, thì Vua nói: "Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!' (Mt 25,41-43). Phán quyết này thật thích đáng vì những người bị xét là dê đã không đối xử tử tế với anh em của Đức Kitô, là điều lẽ ra họ phải làm.
Các môn đệ học được rằng phán quyết của Vua Giêsu đưa ra trong tương lai sẽ là vĩnh viễn: "Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta'. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu" (Mt 25,45-46).
Lời giải đáp của Chúa Giêsu khiến chúng ta là công dân Nước Trời xem lại cách sống của chúng ta để sao cho co cái kết hậu là được vào số những người được Chúa Cha chúc phúc.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

=================

Suy niệm 5
VƯƠNG QUỐC TÌNH YÊU
Ed 34,11-12.15-17; 1Cr 15,20-26.28; Mt 25,31-46
Hôm nay Chúa mở ra cho các môn đệ chuyện ngày cánh chung. Ngôn sứ Êdêkien đã tiên báo trong bài đọc I: “Phần các ngươi, hỡi chiên của Ta, Đức Chúa là Chúa thượng phán. Này Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê.” (Ed 34,17). Chuyện thì dài cả trang mà ngày nay chúng con ai cũng thuộc nằm lòng từ đầu đến cuối. Chiên thì ở bên phải, còn dê thì ở bên trái… Chung cuộc những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời, bởi hàng loạt những việc bác ái mà họ đã làm. Số còn lại ra đi để chịu cực hình muôn kiếp vì đã không làm cho anh em những việc đó.
Trong “Vương Quốc Nước Trời” này thật là lạ, Vua gì mà lại đi đồng hóa mình với những người đói khát, trần truồng, đau yếu, ngồi tù? còn đâu phẩm vị oai phong Đức Vua nữa? “Vì xưa Ta đói… Ta khát… là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Mọi điều phải làm rút lại chỉ còn là mến Chúa yêu người. Các bé đi học giáo lý vẫn hát: “Chúa đã dạy em yêu Chúa và yêu người… Em luôn giữ Lời Ngài em luôn sống vì mọi người. Em tuân giữ Lời Ngài để chứng tỏ là em yêu Chúa.” Yêu Chúa thì ra sức giữ Lời Chúa. Chúa dạy yêu người. Yêu người chứng tỏ là yêu Chúa, gọn lại chỉ cò một chữ… YÊU.
Ngày nay ngắm trước bức tranh ngày phán xét cuối cùng, chúng con an tâm nghĩ mình được đứng bên phải. Chúng con đã làm rất nhiều việc cho người đói khát trần truồng… đóng góp sau trận bão lũ, tham gia công tác từ thiện trong cộng đoàn… chứ đâu có làm ngơ? Ngày xưa Chúa luôn chạnh lòng thương không thể đi tiếp, mà phải dừng lại ngay bên người què quặt đui mù chết chóc khòm lưng, toàn hạng làm rối cả chợ đời, rủ rê cả người tội lỗi… Con Tim yêu của Đấng Thánh chỉ hạnh phúc khi họ được Ngài chữa cho lành mạnh, hết đau khổ tủi nhục, được hạnh phúc tràn đầy. Ngày nay nếu gặp người hành khất chúng con thương quá mời vào nhà, vài lời cảm thông, chưa kịp gì mời tạm ly nước trắng cho đỡ khát, họ uống vào mát họng mát ruột mát cả con tim! Chúng con cũng “mát lòng” khi tim mình cùng nhịp, cùng nhóm máu với Tim Chúa. Đằng này mới thấy người ta từ ngoài ngõ đã chẹp miệng khó chịu, “bố thí” xong lên lớp cho bài học dạy phải làm ăn chứ khỏe mạnh hơn tôi nhiều. Nghe thấy kẻ nào bị vào tù thì tặc lưỡi: “đáng kiếp”! Nếu vậy thì dù là chiên, khéo chúng con cũng phải đứng bên trái thôi. Có tấm hình  thánh Gioan Phao lô II ngay bên cạnh Ali Agca, kẻ ám sát Ngài đang ở nhà tù mới đẹp làm sao?
Lạy Chúa Giêsu Kitô là Vua, Vua Nước Trời, Vua Sự Thật, Vua Tha Thứ, Vua Tình Yêu! Xin Chúa luôn ngự trị tâm hồn chúng con ở mọi nơi và trong mọi lúc, để chúng con luôn được sống hạnh phúc viên mãn trong Vương Quốc của Chúa. Amen.
Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đức Giê-su Ki-tô - Đường hiện diện
Đức Giê-su Ki-tô - Đường hiện diện
Trong bài viết ‘Đức Giê-su Ki-tô: Đường Hiện Diện’, chúng ta cùng nhau tìm hiểu năm hình thức hiện diện căn bản của Người: (1) Đức Giê-su Hằng Hữu; (2) Đức Giê-su Hiệp Nhất; (3) Đức Giê-su Hội Thánh (Giáo Hội); (4) Đức Giê-su Huyền Nhiệm; (5) Đức Giê-su Hiển Trị (Quang Lâm).
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log