Thứ sáu, 24/01/2025

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 5 Thường niên B

Cập nhật lúc 16:32 01/02/2024
Suy niệm 1
Mc 1, 29 – 34
Ngày Sa bát là ngày của Chúa. Chính Chúa cũng đã sáng tạo vũ trụ trong thời gian sáu ngày, ngày thứ bảy thì nghỉ. Do đó, để tôn vinh Thiên Chúa, luật Do Thái bắt buộc tín đồ phải nghỉ lao động tuyệt đối vào ngày Sa bát, kể cả nấu ăn, kể cả trị bệnh. Đức Giê su sẵn sàng giữ luật một cách chi ly đến mức độ Ngài nói rằng dù một nét phảy trong luật cũng không được bỏ qua. Nhưng có một điều luật Chúa không tuân hành mà còn quyết tâm phá bỏ, đó là luật cấm trị bệnh. Đối với Chúa, thì luật được lập ra để phục vụ con người, chứ không phải là để bảo vệ cơ chế. Chính Ngài đã giải thích điều đó cho các ông Kinh sư. Ngài bảo rằng: Ngày Sa bát luật cho phép dẫn con lừa đi uống nước. Nếu chẳng may mà nó sa xuống hố, thì được kéo lên. Vậy tại sao lại cấm trị bệnh cho con người. Phải chăng con người còn thua cả con lừa?
Chính vì thế mà Chúa đã chữa bệnh sốt rét cho mẹ vợ ông Phê rô. Tối hôm đó, bà còn đua nhau dẫn bệnh nhân đến để Chúa chữa. Với người Do Thái bảo thủ, thì hôm ấy Chúa phạm tội hằng hà sa số. Chúa lý luận rằng: Luật để phục vụ con người, chứ không phải con người phải phục vụ luật. Ta thường nói: “Luật vị nhân sinh, chứ không phải luật vị luật”. Để hiểu thêm về điều này, ta cứ xem luật đèn xanh đèn đỏ của ngành giao thông. Luật giao thông yêu cầu phương tiện giao thông phải dừng lại khi có đèn đỏ. Mục đích của luật này là để phục vụ con người, là để bảo vệ sinh mạng con người. Nhưng khi luật đèn đỏ không phục vụ con người, thì không được tùng phục. Đó là trường hợp xe cứu thương và cứu hỏa. Hai loại xe này mà dừng trước đèn đỏ là không tôn trọng con người.
Luật vị nhân sinh là bài học một của bài Tin Mừng hôm nay. Bài học hai là phải loan báo Tin Mừng cho mọi người đang sống trên mọi nơi của trái đất. Dân Ca phác na um vì quá quý mến Chúa, nên họ xin Chúa ở lại với họ chứ đừng đi đâu nữa. Được dân thương mến là đáng mừng, nhưng Chúa quyết tâm từ chối, vì phải đi rao giảng ở các thành khác nữa. Ở lại và giảng ở Ca phác na um thì không vất vả, nhưng Chúa vẫn cứ từ chối, để Tin Mừng không bị ngưng đọng ở bất cứ nơi nào. Ở lại thì sướng. Ra đi thì khổ. Chúa chọn cái khổ, vì Chúa khổ, chứ Tin Mừng thì sướng vì nó phục vụ muôn người. Một người khổ, muôn người được sướng. Đó là quyết tâm của Chúa.
Chúa là thế, còn ta thì sao?
Tám trăm năm thời Trung Cổ, Giáo hội dừng chân ở Châu Âu: Tin Mừng bị tù đày; Tin Mừng không đến với lương dân. Thế là đạo thời ấy bị sa sút đến tận đáy vực thẳm. Tám trăm năm Tin Mừng chỉ được rao giảng cho người đã nghe, còn hằng tỷ người khác chẳng biết Đức Giê su là ai? Người ta cứ lo củng cố Giáo hội, nhưng càng củng cố, thì càng lủng củng. Thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Độ” của Đức Gioan Phao lô II đã khẳng định rằng: “Bản chất của Giáo hội là truyền giáo”. Điều đó chứng tỏ rằng thời Trung Cổ, Giáo hội đánh mất bản chất của mình. Muốn cứu Giáo hội, thì Giáo hội phải ra đi, phải đến với lương dân như Đức Giê su đã làm: “Tôi còn phải rao giảng ở các thành khác nữa”. Chúa cứ đi, bất chấp thiếu thốn, gian khổ. Người truyền giáo cũng phải ra đi như vậy. Nếu không đi, thì lại rơi vào sai lầm của thời Trung Cổ. Đáng buồn! Đáng tiếc vô cùng!
Piô Ngô Phúc Hậu
================
Suy niệm 2
NGÀY SỐNG CỦA CHÚA GIÊSU

Mc 1, 29-39
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu: khởi đầu là cầu nguyện, tiếp đến là rao giảng và chữa lành bệnh tật thể xác cũng như tâm hồn. Ngày sống của Chúa Giêsu như khuôn mẫu để cho chúng ta nhìn lại nhịp sống thường ngày của chính mình.
Quan trọng hơn hết là cầu nguyện.“Từ sáng sớm… Ngài đi ra một nơi thanh vắng và cầu nguyện”. Cầu nguyện là nhu cầu thật sự của Chúa Giêsu. Ngài là con người của mọi người, nhưng trước hết Ngài là người Con của Thiên Chúa. Ngài cần có không gian và thời gian yên tịnh để sống riêng tư một mình. Ngài cần sống bên Cha để tỏ bàyvề gánh nặng công việc, về những đau khổ của loài người, về cuộc chiến chống Satan. Người cần Cha cảm thông vànâng đỡ, cần ánh sáng và nghị lực để làm tròn sứ mạng.Ngài cầu nguyện vì khao khát được kết hiệp mật thiết với Cha. Để rồi từ Cha, Ngài đi ra với mọi người, và từ mọi người, Ngài lại trở về bên Cha, như một vận hành liên tục để kín múc và chuyển thông sự sống mới cho con người.
Cầu nguyện cần thiết đối với Chúa Giêsu như thế, huống chi đối với chúng ta, những con người luôn yếu đuối mỏng giòn. Những ai thiếu đời sống cầu nguyện dù là linh mục hay tu sĩ thì cũng không thể tin được, bởi vì họ không có sức sống linh thiêng của Chúa, nên mọi tiếp xúc và rao giảng cũng chỉ là phàm tục.Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu là cầu nguyện. Không cầu nguyện, dù có làm phép lạ, con cũng đừng tin.” (ĐHV 122). Mọi hoạt động của chúng ta phải bắt nguồn từ cầu nguyện:“Hoạt động mà không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa.” (ĐHV 118).Chúng ta hãy noi gương Đức Giêsu, dành thời giờ để chìm sâu trong Chúa mỗi ngày, nhất là mỗi sáng khi ngày lên và mỗi tối khi đêm về. Đây là điều không thể ép uổng hay cố ráng,nhưng phát xuất tự con tim yêu mến, với lòng khao khát sống thuộc về Chúa hoàn toàn, và nhờ đó có thể trao ban Chúa cho người khác.
Việc quan trọng thứ hai là rao giảng Tin mừng. Đây chính là trọng tâm của sứ mạng mà Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến trần gian. Ngài không chỉ rao giảng Tin Mừng mà còn là Tin Mừng. Những ai đón nhận Ngài, thì Ngài cho họ làm con Thiên Chúa (x. Rm 8, 13).Là Kitô hữu, chúng ta cũng đã được sai đi để loan báoTin Mừng: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20, 21). Thần học gia Maurice Zundel quả quyết rằng: “Đức Kitô còn dở dang và chưa thành toàn bao lâu toàn thể nhân loại chưa tháp nhập vào Ngài”.Mỗi người phải là một tin mừng cho những người chung quanh. Thánh Phaolô nhắc nhớ cho ta:“Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Ta có cảm thấy nhức nhối với lời nhắc nhở này không?
Việc thứ ba là chữa lành.“Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người”. Lời rao giảng của Đức Giêsucòn được thể hiện bằng hành vi yêu thương và chữa lành mọi bệnh tật. Tin Mừng Ngàirao giảng có sức giải phóng con người khỏi sự trói buộc của sự dữ và ma quỉ.Chúa Giêsu đụng chạm đến biển khổ của nhân loại, nhưng Ngài không mong múc cạn, chỉ mong làm vơi đi, cùng chia sẻ và ban cho nó một ý nghĩa, để hướng mọi người đến ơn cứu độ toàn diện mà Ngài sẽ thực hiện trong biến cố tử nạn và phục sinh. Là môn đệ, chúng ta cũng phải trở nên hình ảnh sống động của Đức Giêsu trong việc xoa dịu những nỗi đau khổ của bao người xung quanh mình, làm những gì có thể làm cho họ.Có khi ta cảm thấy bất lực, không biết phải nói gì hay phải làm gì. Những lúc như vậy, chỉ cần chúng ta biết thinh lặng, lắng nghe và đồng cảm với nỗi đau của họ, cũng đã là một sự an ủi và mãn nguyện cho họ rồi.
Điều thứ tư cho thấy Chúa Giêsu - con người của tự do:“Chúng ta hãy đi nơi khác… để Thầy còn rao giảng ở đó nữa”.Ngài luôn đi qua, luôn ra khỏi những tình cảm, những thành công, những mến chuộng và tán tụng của người đời (x. Ga 6, 14-15). Ngài luôn vượt trên những thành kiến, những phân biệt, những nghi kỵ, những kỳ thị, những tập tục, những lề thói, và ngay cả những luật lệ tôn giáo và truyền thống dân tộc. Ngài không dừng lại ở một địa điểm hay thành trì nào, không bám trụ ở một vị trí hay vai trò nào, không bám lấy chức tước hay địa vị nào. Ngài buông lơi tất cả, đi qua tất cả, ra khỏi tất cả, vì Điểm Hẹn cuối cùng của Ngài là trên “đồi vinh quang” của tự do, để mang đến tự do cho con người. Theo Chúa Giêsu, chúng ta cũng là những con người của tự do: tự do để yêu thương, để phục vụ và hiến thân mình, làm cho ơn cứu độ của Thiên Chúa được lan rộng đến mọi người.
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Cuộc sống con vẫn ồn ào náo động,
vẫn luôn bị mê hoặc bởi cái “tôi”,
với cảm xúc sục sôi nhiều ham muốn.

Con cần trở về trong thinh lặng,
để sống với Chúa trong yên bình,
để thấy rõ mình trong yên tĩnh.

Thiếu thinh lặng để gặp Chúa,
tâm con sẽ bồn chồn manh động,
và bung xung theo những thói thị phi.

Thiếu yên lặng để nghe Chúa,
con sẽ bị cuốn theo phù du thế tục,
cũng ham mê những điều phàm tục.

Thiếu trầm lặng để sống thuộc về Chúa,
con sẽ sống như bao người đang sống,
dễ vong thân xa lạc với chính mình.

Thiếu tĩnh lặng để kín múc thần lực,
con sẽ như muối không còn mặn,
như men không còn nồng,
như hạt giống vẫn trơ trơ.

Thiếu bình lặng để quy hướng về Chúa,
con sẽ luôn hối hả và đon đả,
lo chạy tìm những thứ trong thiên hạ,
cứ ngỡ là vinh hoa, ai ngờ bả phù hoa.

Xin cho con quí chuộng sự thinh lặng,
luôn đều đặn mỗi ngày kề bên Chúa,
để từ đó con đến với mọi người,
đem lại sức sống mới thật thắm tươi,
đó là chính sự sống của Tin Mừng,
mà đời con đang trở thành nhân chứng,
để Chúa được tuyên xưng khắp mọi nơi. Amen.

Lm. Thái Nguyên
================

Suy niệm 3
CẦU NGUYỆN VÀ PHỤC VỤ

Hẳn ai trong chúng ta ít nhiều đã từng nghe đến cái tên An-tôn Frê-đê-ríc O-za-nam [Antoine-Frédéric Ozanam] (1813-1853), một nhà hoạt động ủng hộ quyền bình đẳng xã hội; ông cũng là nhà báo kiêm luật sư và học giả văn chương Công Giáo nổi tiếng của Pháp vào cuối thế kỷ 19. Thế nhưng thời còn sinh viên, ông đã từng trải qua cơn khủng hoảng đức tin sâu sắc như chính câu chuyện ông thuật lại:
Vào ngày nọ, để tìm chút thanh thản tâm hồn, một chàng sinh viên khẽ bước vào ngôi nhà thờ cổ ở thủ đô ánh sáng Paris. Từ cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng người xa xa đang quỳ gối thinh lặng cầu nguyện hết sức sốt sắng. Bỗng dưng anh chọn đứng nơi góc nhà thờ dõi theo hình dáng và cử chỉ của người này. Chập hồi lâu, khi người ấy đứng lên rời khỏi giáo đường, thì chàng sinh viên trẻ này liền nhận ra đó chính là nhà vật lý học vĩ đại An-rê Ma-ri-e Am-pe [André-Marie Ampère] (1775-1836). Vì tâm trí ứa đầy chất vấn và thắc mắc, anh lẽo đẽo bước theo nhà bác học đến tận phòng làm việc của ông. Nhìn thấy chàng sinh viên đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, Am-pe liền lên tiếng:
–  Anh đang cần gì ư? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý chăng?
Chàng sinh viên nhỏ nhẹ đáp:
– Thưa ông, tôi là sinh viên khoa văn chương, tôi dốt khoản khoa học lắm. Xin ông cho tôi hỏi một vài vấn đề liên quan đến đức tin được không ạ?
Nhà bác học mỉm cười khiêm tốn nói:
– Đức tin là môn tôi yếu nhất; nhưng nếu giúp anh được gì, tôi sẵn sàng!
– Thưa ông, có thể vừa là nhà bác học vĩ đại, vừa là tín hữu nhiệt thành cầu nguyện không?
Am-pe ngỡ ngàng trước câu hỏi của anh, nhưng cũng gượng gạo trả lời:
– Anh ơi! Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện thôi!
Thật ra, Am-pe trích dẫn câu nói của nhà toán học, hoá học và triết gia thời danh người Pháp Bờ-lei-zơ Pas-kal [Blaise Pascal] (1623-1662): ‘Con người vĩ đại khi họ cầu nguyện’. Đúng vậy, Chúa Giê-su vượt hơn hẳn điều đó. Ngài chính là hình mẫu của đời sống cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện không ngừng: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Ngài đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1, 35). Ngài khởi đầu cũng như kết thúc một ngày sinh hoạt với hành động “tìm nơi thanh vắng và cầu nguyện ở đó”. Tuy là Con Thiên Chúa, nhưng trong mọi việc, mọi suy nghĩ, mọi hoạch định, v.v…, Đức Giê-su hằng kết hiệp mật thiết với Chúa Cha qua đời sống cầu nguyện.
Trên thực tế, quả là sai lầm và đáng buồn khi cầu nguyện bị giản lược thành việc đọc kinh hoặc chỉ tóm gọn với vô vàn lời cầu; và vì thế không ít người trong chúng ta cảm thấy nặng nề khi cầu nguyện vì phải học thuộc cả hệ thống kinh kệ, cũng như đọc đi đọc lại bấy nhiêu kinh mỗi ngày! Lắm lúc, với thời đại 5G, 6G, cứ lướt mạng tìm thì ‘kinh có mà đầy!’ Tuy nhiên, đây chưa hẳn là cầu nguyện như Chúa Giê-su đã làm gương cho chúng ta. Ngài cầu nguyện nơi thanh vắng, tĩnh lặng. Ngài chuyện trò, tâm sự với Chúa Cha. Ngài hàn thuyên với Chúa Cha ‘từ con tim đến con tim’. Ngài gắn kết với Chúa Cha. Ngài dùng từ ngữ của mình, ‘ngôn ngữ tâm hồn’ bộc bạch cùng Chúa Cha. Hơn nữa, đời sống cầu nguyện thâm sâu, kín múc từ cung lòng yêu thương, bao dung của Thiên Chúa sẽ thánh hoá, biến đổi con người chúng ta, thúc giục, nâng đỡ chúng ta thực thi Lời Hằng Sống (sống Lời Chúa), và dám ra khỏi ‘chốn tiện nghi’ của bản thân mà đến với anh chị em, ngõ hầu yêu thương, tha thứ, phục vụ, rao truyền, làm chứng như Chúa mời gọi các môn đệ: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1, 38).
Noi gương sống chứng tá của Đức Giê-su, Thánh Phao-lô khẳng khái nói rằng: “Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lí do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9, 16) Đời sống cầu nguyện thật sự tăng sức mạnh phục vụ, mang lại nhiệt huyết rao truyền Tin Mừng qua đời sống đạo hằng ngày, đưa chúng ta đến với mọi người, giúp chúng ta ra khỏi não trạng phân biệt đối xử-thành kiến-định kiến-cục bộ. Đâu đó, chúng ta đã nghe biết, chứng kiến rất nhiều gương phục vụ, rao truyền bằng đời sống đạo mà nó được xây dựng trên đời sống cầu nguyện thâm sâu. Một trong vô vàn chứng tá sống động ấy không ai khác hơn là bác sĩ truyền giáo Al-bớt Sờ-vai-zờ [Albert Schweitzer] (1875-1965). Ông được nhận giải thưởng Nobel Hòa bình Thế giới1952 vì đã hy sinh trọn đời mình cho người nghèo Phi Châu. Khi chứng kiến cử chỉ của ông, một người trong ban tổ chức đón tiếp ông nói với các ký giả: ‘Đây là lần đầu tiên tôi thấy một bài giảng biết đi…’. Nói cách khác, ông là nhân chứng sống đạo tuyệt vời qua việc cầu nguyện-phục vụ.
Cuộc đời đầy những lo toan
Gạo tiền cơm áo, băn khoăn nỗi niềm.
Xin cho con biết cậy tin
Tịnh tâm, tĩnh lặng sống tình mến thương
Hiệp thông, liên đới, tựa nương
Nguyện cầu với Chúa, lên đường sẻ chia. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

================

Suy niệm 4
Trong cơn hoạn nạn, h
ãy vững tin vào Chúa

(Mc 1, 29 – 39)
Trong cuộc sống, ai nấy trong chúng ta đều mong mỏi và ước ao có được sự bình yên, vui vẻ và hạnh phúc. Dẫu vậy, có quá nhiều những sự khó khăn và bất trắc xảy ra trong đời sống khiến chúng ta mệt mỏi, chán chường và nhiều lúc muốn bỏ cuộc trên hành trình đức tin của mình. Những lúc như vậy, chúng ta hãy nhớ về cuộc đời của ông Gióp, bà nhạc gia của Simon Phêrô, hay tất cả những người bị quỷ ám thời Chúa Giêsu, những người mắc đủ chứng bệnh khác nhau để được sự yên ủi và nâng đỡ.
Tin vào Thiên Chúa tình thương
Ông Gióp, người của Thiên Chúa đã trải qua những hoạn nạn gì? Ông đã phản ứng như thế nào trong những hoàn cảnh đó? Chúa đã làm gì cho ông?
Ông là một người tốt, yêu mến Chúa và tuân giữ các điều răn của Chúa. Ông và vợ có 10 người con, với tớ trai tớ gái cùng đàn gia súc và rất giàu có (x.G 1,1–5). Chúa để đức tin của ông bị thử thách. Ông đã trải qua những điều khó khăn (x.G 1,6–12). Một ngày nọ, nhiều gia súc của ông bị trộm. Sau đó, một trận hỏa hoạn đã thiêu rụi tất cả tài sản và giết chết tất cả các tôi tớ của ông cùng các súc vật khác. Tiếp theo, một cơn bão đã đánh sập nhà con trai ông. Các con cái của ông ở trong nhà, và tất cả bọn họ đều chết. Vợ chồng ông không còn gì ngoài sức khỏe (x.G 1,13–19). Ông và vợ ông buồn rầu vì đã mất tất cả, kể cả con cái. Nhưng ông vẫn vững tin nơi Chúa. Ông không đổ lỗi cho Chúa về những gì đã xảy ra (x.G 1,20–22). Sau đó ông bị bệnh rất nặng. Những vết lở loét đau đớn bao phủ khắp cơ thể ông. Ông và vợ tự hỏi tại sao tất cả những điều tồi tệ này lại xảy ra (x.G 2,7–93,1–11). Chúa phán bảo với ông và cho ông thấy trái đất, các vì sao, và tất cả các loài sinh vật. Chúa đã dạy cho ông một bài học quan trọng (x.G 38–41). Ông hối cải và xin Chúa tha thứ vì ông đã hoài nghi. Ông hứa sẽ tin tưởng Chúa là tình thương. Chúa đã chữa lành cho ông và ban cho ông có thêm con cái và của cải nhiều gấp đôi những gì ông có trước đây (x.G 19,25–2642).
Tin Chúa Giêsu là Đấng quyền năng
Nếu như Chúa nhật thứ IV Mùa Thường niên, Chúa Giêsu đã thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình tại Capharnaum chứng tỏ chỉ có Chúa là Đấng toàn năng và là Thánh, thì bước vào Chúa nhật V Mùa Thường niên, sứ vụ Thiên sai của Người được tiếp tục thi hành và thể hiện Người là Thiên Chúa quyền năng, đầy lòng yêu thương trong lời nói cũng như trong hành động. Quyền năng Chúa biểu lộ qua việc chữa lành những người bị quỉ ám, mở mắt cho người mù, làm cho kẻ què đi được, người điếc nghe được, kẻ chết sống lại. Yêu thương yêu qua việc rao giảng quan tâm giúp đỡ người ốm đau bệnh tật, người nghèo đói, các trẻ em và người tội lỗi. Chúa Giêsu đúng thật là hiện thân của Thiên Chúa tình thương và quyền năng đến với người nghèo khổ để chữa lành lành họ. Bằng cử chỉ đưa bàn tay, Chúa đụng chạm tới họ, nguồn mạch sự sống tuôn trào, họ được giải thoát và được cứu.
Hãy vững tin vào Chúa
Đức tin cùng sự bền đỗ của ông Gióp trong cơn hoạn nạn thử thách thật đáng khích lệ cho chúng ta ngày nay trên bước đường theo Chúa. Đời sống người tín hữu chúng ta chắc chắn sẽ đối diện nhiều thử thách và khó khăn. Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Nơi thế gian, các ngươi sẽ phải khốn quẫn” (Ga 16,33). Thánh Phêrô viết “…. vì biết rằng những thống khổ như thế, toàn thể các anh em trên thế gian đều phải trải qua” (1 Pr 5,9). Không ai được miễn trừ khó khăn và nghịch cảnh. Những sự thử thách đến cách thình lình và bất ngờ như lời thánh Giacôbê đã nói “… hãy kể như niềm vui trọn hảo, khi anh em sa vòng trăm điều thử thách” (Gc 1,2). Dầu vậy, Lời Chúa cũng bày tỏ cho chúng ta biết rằng Chúa cho phép mọi sự thử thách để chúng ta được lớn lên và tăng trưởng đức tin nơi Chúa (x.Gc 1,2-4, Rm 8,28). Và hơn nữa, Chúa không để chúng ta một mình đối diện với sự khốn khó nhưng Chúa luôn ở cùng để yên ủi và thêm sức để chúng ta vượt qua. Vì vậy, xin Chúa cho chúng ta cũng được vững vàng như ông Gióp trong mọi hoàn cảnh. Có thể trước mắt chúng ta đang rất cô đơn và buồn tủi vì hoạn nạn khó khăn. Nhưng hãy nhìn vào điều Chúa đã bù đắp cho ông Gióp để thêm lên động lực và vững tin nơi chương trình tốt lành mà Chúa dành cho mình phía trước. Chắc chắn chúng ta cũng sẽ có được những trải nghiệm phước hạnh giống ông Gióp khi giữ vững niềm tin nơi Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. A-men!
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

================

Suy niệm 5
HƯỚNG NHÌN LÊN GIÊ-SU

Anh chị em rất thân mến, trong 4 cuốn sách Phúc Âm, chi tiết về gia đình của các Tông đồ ít khi nào được tường thuật, đề cập đến; nhưng đoạn Tin Mừng hôm nay (Mc 1, 29-39) đã thuật lại một trong những sự kiện hiếm hoi, và điều này không khỏi làm chúng ta thắc mắc, tự hỏi: liệu Thánh sử Mác-cô muốn nhắn gửi chúng ta điều gì khi thuật lại sự kiện Chúa Giê-su đến thăm bà nhạc mẫu của Simon (Phê-rô)? Phải chăng, Ngài muốn chúng ta quan sát thật kỹ, hướng nhìn về những hành động của Chúa Giê-su khi Ngài đến thăm bệnh nhân, đặc biệt là mẹ vợ của Simon (Phê-rô)? Để rồi, chúng ta học hỏi nơi Ngài điều gì đó chăng?
Trong anh chị em, nhiều vị đã có kinh nghiệm trong việc thăm viếng bệnh nhân, thăm những người già nua, neo đơn, không người chăm sóc, v.v...Đó là điều tốt, phải đạo nên làm. Tuy nhiên, các bài đọc Phụng vụ hôm nay giúp chúng ta đào sâu công việc Tông đồ thăm viếng bệnh nhân hơn qua gương sống của Chúa Giê-su khi Ngài viếng thăm bà nhạc mẫu của Simon (Phê-rô) “...tiến lại gần, Ngài cầm tay, nâng đỡ dậy” (x. Mc 1,31).
Thứ nhất, “tiến lại gần”. Hành động này tuy đơn giản, nhưng khi áp dụng trên thực tế thì khó biết bao. Chợt nghĩ chỉ là đưa chân bước, tiến lại gần người anh chị em của mình thôi mà, đâu có gì là khó!!! Theo những người khác, tiến tới gần người anh chị em mình thôi đấy mà, có gì phải lo!!! Thôi thì ‘nhắm mắt, đưa chân’ ắt sẽ tiến lại gần người anh chị em mình đấy mà, có gì phải sợ nhỉ!!! Hành động ‘tiến lại gần’ của Chúa Giê-su không đơn thuần vì trách nhiệm, nghĩa vụ mà phải đến viếng thăm; nhưng thiết nghĩ, Ngài tiến gần tới bà nhạc phụ của Simon với cả con tim và con người của Ngài. Để làm được như vậy, chúng ta phải chiến thắng chính bản thân, phải bỏ mình, ra khỏi những toan tính, suy tưởng, lo lắng riêng tư, phải ra khỏi nơi ‘chăn ấm, nệm êm’ của lòng mình, dám mạo hiểm, chấp nhận những thách đố có thể xảy ra ngoài ý muốn. Vừa qua trong một cuộc tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã đến chào một người đàn ông với khuôn mặt bị biến dạng. Khi trực diện với những gì ghê sợ, rùng rợn, con người chúng ta thường có khuynh hướng tháo lui, tránh né, chốn chạy..., nhưng Đức Thánh Cha đã tiến đến, ôm choàng lấy ông với tất cả tâm hồn của người Mục Tử, vị đại diện Chúa Ki-tô ở trần gian này. Đứng trước những người dị hình dị dạng, bệnh truyền nhiễm, những người mắc bệnh nguy cơ lây nhiễm cao, chúng ta có thể tiến lại gần họ với cả con tim mình chăng? Chúng ta có thể ra khỏi con người đầy suy tính của mình để đến với anh chị em mình, và biết chấp nhận họ không?
Thứ hai, “Ngài cầm tay”. Thật vậy, hành động này chỉ xảy ra khi cử chỉ “tiến lại gần” được thực hiện. Chúng ta không thể cầm tay ai đó ở tư thế đằng xa, hoặc cầm tay họ như một ‘nụ hôn gió’ hay ‘mi gió’ mà thường được ví von!!! Hơn nữa, cũng không thể nào nhờ ai đó ‘cầm tay’ người anh chị em giùm mình được! Hành động này đòi hỏi chúng ta phải trực diện với anh chị em. Thứ đến, tình trạng của bệnh nhân, những người được viếng thăm không hoàn toàn khoẻ mạnh, tốt đẹp như ta, cho nên để ‘cầm lấy tay’ người anh chị em mình, chúng ta phải đặt mình vào trạng huống, hiện tình, tâm tư, lối suy nghĩ...của anh chị em mình, và chỉ khi đó, chúng ta mới có thể ‘chạm đến’ con tim, mới có thể cảm thông, lắng nghe những tâm sự, với cả ưu tư, lo lắng của họ. Về điểm này, trong thư gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô, Thánh Phao-lô khuyên nhủ mỗi chúng ta như sau: “Mặc dầu tôi tự do đối với tất cả mọi người, nhưng tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người...tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau,...tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi” (1Cr 9,19.22). Theo Ngài, vì lợi ích của anh chị em, để mọi người được thông phần vào ơn cứu rỗi, Ngài đã ‘trở nên mọi sự đối với tất cả mọi người’ để Tin mừng được họ lắng nghe, đón nhận. Vì thế, đối với Ngài “rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9,16).
Thứ ba, “nâng đỡ dậy”. Cử chỉ sau cùng này liên quan mật thiết với hai hành động trên. Cũng vậy, nếu chưa ‘tiến lại gần’ và ‘cầm tay’ anh chị em mình thì ắt hẳn chúng ta không thể ‘nâng đỡ’ họ được. Chúa Giê-su đã ân cần tiến đến, cầm lấy tay và nâng đỡ bà nhạc phụ của Simon dậy với cả lòng mến của một vị Thiên Chúa xuống thế làm người. Ngài chữa lành bà với tất cả niềm cảm thông sâu xa của Con Thiên Chúa, và qua Con Thiên Chúa, mọi người được nhìn thấy, cảm nhận, tiếp xúc với chính vị Thiên Chúa gần gũi, trìu mến, lân tuất vô bờ. Một khi, chúng ta bỏ mình, đặt mình vào hoàn cảnh, đời sống của anh chị em mình thì chỉ khi ấy, chúng ta mới có thể khuyến khích, nâng đỡ, cộng tác, động viên họ một cách hữu hiệu; và trong khoảnh khắc đó, chúng ta mới thực sự sống và rao giảng Tin mừng mà thôi. Nào còn chần chờ gì nữa, nếu không thực hiện bây giờ thì đến khi nào chúng ta mới ra đi, sống chứng tá cho Thiên Chúa – một Thiên Chúa cao cả, nhưng lại thật gần gũi, yêu thương chúng ta liên lỉ, không chút than phiền. Hãy cùng tôi lên đường, sống Tin mừng, sống tươi vui, chia san từ ngay bây giờ vì “đời người chỉ là hơi thở” (x. G 7,7), vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu (x. Tv 144,4).
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết mở lòng, bỏ mình, đến với anh chị em; biết quên đi lợi ích cá nhân, biết cảm thông, thấu hiếu anh chị em; biết dâng cho Chúa ưu tư, nguyện vọng cũng như lo lắng của bản thân, để chấp nhận, khuyến khích, cộng tác, nâng đỡ anh chị em qua mọi phương diện. Sau cùng, xin cho chúng con luôn hướng nhìn lên Chúa, để rồi luôn biết cậy trông vào Ngài.
Như Chúa “tiến lại gần”
Xin cho con ân cần.
“Ngài cầm tay” con người
Ban cho con nụ cười.
“Nâng đỡ dậy” anh (chị) em
Sống một đời trôiêm. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

================

Suy niệm 6
CẦU NGUYỆN VÀ HOẠT ĐỘNG

G 7,1-4.6-7; 1Cr 9,16-19.22-23; Mc 1, 29-39
Tin Mừng hôm nay liệt kê một ngày sống của Đức Giêsu với sứ mạng dày đặc. Giảng xong, vừa ra khỏi hội đường về đến nhà ông Phêrô, được biết bà mẹ vợ ông đang lên cơn sốt, Người liền chữa bà khỏi cơn sốt. Đáp lại, bà dậy phục vụ các ngài ngay. Người không được nghỉ ngơi, vì đám đông với đủ thứ bệnh tật bao vây suốt ngày đến tối: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ” (Mc 1,32-34). Bệnh viện còn làm việc theo ngày giờ, chứ ở đây vị Lương Y Giêsu thì không có ngày giờ nào, Người sẵn sàng cứu chữa mọi nơi mọi lúc, phục vụ hết mình mà không có lương bổng, lợi nhuận gì hết. Hầu như Người không có giờ nào để ăn uống nữa. Cả thành xúm lại trước cửa làm sao mà đành bỏ họ? Người quá bận rộn với sứ mạng của Đấng Cứu Thế, nhưng không bao giờ vì công việc mà bỏ qua việc cầu nguyện.
Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1,35). Khi các môn đệ kéo nhau đi tìm và gặp thấy, báo cáo mọi người đang tìm Thầy, Người còn giục đi nơi khác tới các làng xã chung quanh, rồi đi khắp miền. Người ta ùn ùn tìm đến Thầy Giêsu vì Thầy chữa bệnh tài giỏi lạ lùng, không cần thuốc, không mất tiền, đói thì có bánh ăn… thế là họ rỉ tai nhau kéo đến, vì có Thầy là có tất cả…
Ngày nay chúng con có biết tìm Thầy trong cầu nguyện, trong tĩnh lặng không? Giữa bao công việc thế trần ồn ào huyên náo, mải miết với cơm áo gạo tiền, buổi tối thì giải trí trên màn hình, liệu chúng con có dành thời giờ để cầu nguyện không?
Lạy Chúa! giữa cuộc sống ồn ào với bao công việc hôm nay, xin cho chúng con biết mến yêu Chúa thật tình. Vì yêu mến, chúng con sẽ tìm ra thời giờ để ở lại với Chúa, cầu nguyện, lắng nghe và tìm biết ý Chúa. Xin cho chúng con biết kín múc sức mạnh từ giờ cầu nguyện và đem ra thực hành trong cuộc sống với những công việc thường nhật. Xin mặc cho chúng con tấm lòng của Chúa, để chúng con sẵn sàng đón nhận, yêu thương phục vụ những người cần đến chúng con.
Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log