Thứ sáu, 22/11/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật III Thường niên B

Cập nhật lúc 09:58 18/01/2024

Suy niệm 1

Mc 1, 14 – 20
Trình thuật của thánh Máccô quá vắn tắt, chỉ có phần kết mà không có phần mở. Phải đọc hết cả bốn trình thuật chúng ta mới có được câu chuyện đầy đủ và mới hiểu được cả tâm lẫn ý của Chúa. Câu chuyện đầy đủ diễn biến như sau:
Hai môn đệ đầu tiên là Gioan và Anrê. Được Gioan Tẩy Giả giới thiệu, hai ông đến tâm sự với Chúa trong căn lều suốt hai tiếng đồng hồ. Thế là hai ông nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Ngày hôm sau, Anrê dẫn ông anh là Simon đến gặp Chúa. Hôm sau nữa Chúa gọi ông Philíp. Ông Philíp lại giới thiệu Chúa cho Natanaen. Đó là năm môn đệ đầu tiên. Sáu thầy trò trở về miền Bắc và chính thức khai mạc sự nghiệp truyền giáo tại Caphácnaum.
Nhưng đáng tiếc vì ông nào cũng nặng nghĩa với gia đình nên chỉ theo Chúa 50% thôi, nghĩa là cứ đi theo Chúa một thời gian, rồi lại về lo việc gia đình. Cả các ông lẫn thân nhân đều gãi tai xin Chúa thông cảm. Chúa thì không thông cảm, vì Ngài quyết tâm đòi hỏi người phục vụ Tin Mừng phải thoát ly gia đình 100%. Để chinh phục các đệ tử, thì lời nói không đủ, Chúa phải dùng một phép lạ.
Hôm ấy Chúa mượn thuyền của ông Phêrô và nhờ ông ngồi chống thuyền, để Ngài ngồi giảng cho thính giả đang ngồi chen chúc trên bờ. Giảng xong, Chúa bảo Phêrô ra khơi thả lưới. Phêrô buồn quá vì đã mệt suốt đêm không bắt được con cá nào. Bây giờ ông chỉ muốn ăn một ổ bánh, uống một xị rượu, rồi ngủ bù. Nhưng nếu không ra khơi thả lưới theo yêu cầu của Chúa, thì sợ Chúa buồn.
Đang lúc ông Phêrô hờn giỗi, vì phải vâng lời Chúa mà đi thả lưới vào lúc tuyệt vọng, thì lại trúng một mẻ cá siêu sốc: Hai thuyền đầy ắp. Thuyền đầy ắp, nhưng trọng tải là bao nhiêu? Ta có quyền lý luận rằng: thuyền ra khơi trên hồ rộng cỡ 200 km2, thì phải lớn và trọng tải phải tương đương với 2 tấn. Mỗi thuyền 2 tấn thì 2 thuyền là 4 tấn. Giá 1 kí cá hiện nay trên dưới 80.000 đ/1 kg, thì tổng giá là 320.000.000 đ. Mẻ cá này gây sốc cho ông Phêrô và các bạn của ông. Thế là các ông sẵn sàng thoát ly gia đình 100% để phục vụ cho Tin Mừng 100% công sức và thời giờ.
Phép lạ này được coi là phép lạ duy nhất được thực hiện không phải vì bác ái, vì niềm tin, mà vì ơn gọi giáo sĩ và tu sĩ.
Phép lạ lớn lao này nói lên cái tâm của Chúa. Ngài thao thức có nhiều người sẵn sàng thoát ly gia đình để đi tu và đi tu để dành trọn cuộc đời cho công việc loan báo Tin Mừng. Chúa thì thao thức như thế; còn các bậc làm cha mẹ có thao thức khuyên nhủ và khích lệ con cái đi tu không? Chúa thì bức xúc như thế, nhưng giới trẻ trong các giáo xứ có bức xúc làm vui lòng Chúa không? Đó là điều mà mọi người chúng ta phải ngẫm nghĩ, phải hối hận và quyết tâm thay đổi lập trường: không chỉ theo Chúa 50 – 50 mà phải 100%.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

================

Suy niệm 2
LỜ
I MỜI GỌI
Kính thưa quý bà và anh chị em rất thân mến! Sống trong xã hội đầy dãy lời mời gọi này, lời kêu mời kia, chúng ta dường như bị cuốn vào dòng xoáy của biết bao quảng cáo, giới thiệu, quảng bá, kể cả khẩu ngữ tuyên truyền sáo rỗng. Với xa lộ thông tin thật thật giả giả tràn lan, khiến chúng ta bối rối, hoang mang, và đôi lúc chẳng thể nào đưa ra nhận định đúng đắn!
Chắc chắn, thời Chúa Giê-su bắt đầu sứ vụ rao giảng không có những chương trình chiến lược quảng bá, khuyến mãi, giới thiệu như bây giờ. Cho nên, phương tiện kêu mời, thu hút sự chú ý của người nghe chủ yếu là lời nói, ngôn từ kèm theo cử chỉ, động tác cơ thể; hoặc sai người nào đại diện thay thế để mời gọi.
Chính vì vậy, khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su đã đưa ra lời mời căn nguyên và trọng yếu trước khi kêu mời những môn đệ bước theo Ngài: “Thời giờ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Lời kêu mời tuy ngắn ngủi, vắn tắt, nhưng chứa đựng toàn bộ lời mời gọi của Thiên Chúa đối với dân Is-ra-el trong thời Cựu ước, cũng như trong thời Tân ước, đặc biệt được đề cập trong các thư của Thánh Phao-lô. Như xưa, Thiên Chúa đã sai ngôn sứ Giô-na gọi mời dân thành Ni-ni-vê ăn năn, hoán cải, trở về với Chúa. Thú vị thay, Ni-ni-vê chẳng phải là dân Is-ra-el (hoặc Ni-ni-vê thường được gọi dân ngoại), và tiên tri Gio-na là người Is-ra-el, không ưa gì dân ngoại. Dĩ nhiên, vì chẳng ưa gì dân Ni-ni-vê, nên thoạt đầu, ông từ chối đến thông truyền lời kêu mời của Thiên Chúa cho dân ấy, và càng không muốn dân này được Thiên Chúa tha thứ. Tuy nhiên, sau sự kiện trọng đại, trên đường chốn Chúa, ông vẫn phải quay trở lại thành và kêu mời dân Ni-ni-vê ăn năn sám hối. Chuyện tiên tri Gio-na không mong muốn, không trông chờ lại diễn ra, đó là: “dân ngoại Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ” (x. Gn 3, 5). Hơn thế, Thiên Chúa thấy việc họ bỏ đường gian ác mà trở về, Ngài đã bao dung tha thứ.
Tương tự, lời nhắn nhủ tha thiết, thúc giục giáo đoàn Cô-rin-tô của Thánh Phao-lô cũng vậy “thời giờ vắn vỏi…những kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi” (x. 1Cr 7, 29.31). Có lẽ ở đời này, những hành động: lấy vợ gã chồng, khóc than, hân hoan, mua sắm, tận hưởng cuộc sống…như được đề cập là cần thiết và quan trọng, tuy nhiên, nếu so với lời kêu mời ăn năn, hoán cải, trở về với Thiên Chúa thì tất cả những việc trên chẳng nghĩa lý gì, đặc biệt, trong thời điểm quyết định “thời gian chẳng còn bao lâu nữa” (1Cr 7, 29), nên thánh nhân đã khuyên: hãy chú tâm đến lời mời gọi ăn năn, quay trở về với Chúa, hơn những gì được xem là trọng yếu và cần thiết trên, “từ nay ai có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng…” (x. 1Cr 7, 29-30).
Một cách rõ ràng hơn, lời rao giảng đầu tiên của Đức Giê-su không lời nào khác ngoài sự kêu mời: “thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Ngài không nói: “hãy tin vào Tin Mừng và ăn năn sám hối!”. Hơn nữa, việc “ăn năn hoán cải, và tin vào Tin Mừng” phải được thực hiện ngay bây giờ và ngay lúc này, chứ không lần lựa, do dự, trì hoãn. Tâm tình nhận lỗi, thú nhận thiếu xót khiến chúng ta bước tới hành động quay về với Chúa, quay về với chân lý. Tâm hồn ngay thẳng đưa đôi chân chúng ta tiến tới thái độ muốn hoà giải, mong được thứ tha. Tâm tư xót xa lỗi tội khiến chúng ta hối cải, hoán đổi và sám hối. Những hành vi này đã là một tin vui, tin hân hoan, và tin thánh ân. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đây thì chưa đủ, chưa trọn vẹn; mà hơn thế, đón nhận, tin vào và sống Tin Mừng nữa. Trong đời sống thường nhật, chúng ta rất nhanh nhẹn đáp lời mời của bạn bè, của xã hội, của mọi nhu cầu của gia đình và bản thân; ngược lại, chúng ta lại trì hoãn, do dự đáp trả lời mời gọi của Chúa qua Giáo hội, qua cộng đoàn, qua các thừa tác viên có chức Thánh, qua các biến cố, qua người này người kia. Chúng ta có xu thế coi trọng mọi điều khác, nhưng lại xem nhẹ lời kêu mời của Chúa. Đôi lúc, chúng ta cũng như ngôn sứ Gio-na không vui, không muốn người khác được Chúa tha thứ, bỏ qua và tệ hơn chẳng chịu hoán cải trở về như dân thành Ni-ni-vê đã lắng nghe, trở về.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta thật sự xét mình, nhìn lại quảng đường đã qua, cũng như kiên quyết đáp lại lời kêu mời của Chúa mỗi ngày “hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” với tinh thần nhanh nhẹn, không trì hoãn như cặp đôi anh em Thánh Phê-rô và Thánh Gia-cô-bê đã sẵn sàng bước theo tiếng Chúa mời gọi.
Lạy Chúa, xin đừng để con trì hoãn                  
Nhưng luôn kiên vững chứa chan sẵn sàng.
                  
Đừng để con bi
ện minh với (sự) bất toàn                  
Nhưng hằng hăng hái, bình an tâm hồn.
                  
Ăn năn sám hối, tin vào Phúc Âm
                  
cho ngày tháng thăng trầm trôi qua                  
Vẫn lu
ôn son sắt một đời thiết tha                  
Thực thi Lời Chúa, câu ca ân tình. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

================

Suy niệm 3
Được chọn, gọi và sai đi

(Mc 1, 14-20)
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng ta sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa khi chọn, gọi một người và sai đi thi hành ý Chúa. Chính Thiên Chúa đã có sáng kiến và chọn, gọi Giona đi làm sứ ngôn cho Ngài ở thành Ninive để kêu gọi dân thành Ninive ăn năn sám hối. Đến lượt Chúa Giêsu, chính Người cất tiếng gọi mời anh em Simon và Anrê, với anh em Giacôbê và Gioan đi loan báo cho muôn dân Tin mừng trọng đại về Nước Trời. Trong thư gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô chỉ cho chúng ta biết, Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta.
Chúa chọn, gọi Giona và sai đi
Giona là người Dothái được Chúa kêu gọi đi giảng đạo cho Ninivê, ông không chịu, vì ông ghét thành này. Ninivê không là thủ đô của đế quốc đã xâm chiếm và tàn phá quê hương ông. Giảng đạo cho bọn ấy để họ cũng được ơn của Chúa ư? Không đời nào. Ðàng khác sức mấy mà bọn nghe mà trở lại! Hơn nữa người được sai đi đây lại là Giona, quê mùa của một quốc gia nhỏ.
Giôna không tin ở sứ mệnh Chúa giao phó cho mình. Và ông cũng chẳng muốn thi hành sứ mệnh ấy, kẻo kẻ thù của ông cũng được phúc. Thế nên thay vì đi sang tây, hướng về Ninivê, Giona đã lấy tàu đi Tarsis ở phía đông. Ông chọc tức Chúa, nên Chúa đã nổi lôi đình. Sóng gió nổi dậy. Mọi người trong tàu bắt Giona ném xuống biển. Một con cá lớn lao tới nuốt trửng Giona. Ở trong bụng cá ba ngày, Giona biết tội nên thống hối ăn năn. Ông hứa sẽ vâng lời Chúa. Con cá liền nhả ông ra bờ. Và ông đã đến Ninivê.
Chúa Giêsu chọn, gọi các Tông đồ
Tin Mừng thánh Marcô đã bắt đầu bằng chữ: "Sau khi Gioan bị bắt" (Mc 1,14). Ông là vị tiền hô của Chúa. Cuộc tử nạn của ông báo trước việc Chúa chịu chết. Vì thế, với những chữ trên gợi lên sự kiện "sau khi thụ nạn", Chúa Giêsu đã lui về Galilêa. Người bắt đầu gọi lại các tông đồ. Và như vậy câu truyện Marcô kể bây giờ được bọc trong mầu nhiệm Phục sinh.
Gioan Tẩy giả rao giảng, Chúa Giêsu cũng rao giảng. Sứ điệp của Chúa Giêsu là nội dung các Tông đồ phải đi rao truyền lại. Người giảng ở đất Galilêa (dân ngoại) để Hội Thánh bắt chước Người đi làm việc ở các dân tộc.
"Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm" (Mc 1, 15). Là sứ điệp rất quan trọng và mầu nhiệm. "Thời giờ" ở đây không phải là thời gian năm tháng tính theo các loại đồng hồ, nhưng là lịch sử, là kỷ nguyên. Với việc Ðức Kitô chịu chết và sống lại, lịch sử đã đi vào giai đoạn sung mãn. Thánh Kinh gọi là thời buổi cuối cùng. Từ nay đến tận thế không có gì mới nữa. Chỉ còn việc ơn cứu độ của Ðức Kitô lan rộng ra khắp không gian và thời gian.
Vì thế, "Nước Thiên Chúa đã gần đến" (Mc 1,15). Mọi người phải sám hối "và tin vào Tin Mừng". Tin Mừng ở đây là chính Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa là công bố kế hoạch cứu thế của Chúa trong Ðức Giêsu Kitô.
Vậy đã có Ðức Giêsu Kitô là sứ giả của Thiên Chúa để rao giảng Tin Mừng; Người đã đến đất Galilêa dân ngoại để làm chứng Tin Mừng phải được mang đến cho các dân tộc. Hơn nữa Người đã rao giảng Tin Mừng khi thực hiện việc chịu chết và sống lại để cứu thế; thì không những từ nay người ta phải hối cải và tin vào Tin Mừng, và hơn nữa phải đi rao giảng Tin Mừng ấy.
Vì thế, Chúa Giêsu đã gọi anh em Simon và Anrê, cũng như Giacôbê và Gioan. Họ đang làm nghề bắt cá. Người bảo họ hãy theo Người đi bắt các linh hồn. Lập tức họ bỏ lưới chài và tất cả để đi theo Chúa. Người tiếp tục chọn gọi chúng ta.
Đến lượt chúng ta
Không ai có thể thấy mình ở ngoài sứ điệp trên đây. Tất cả chúng ta đều phải hối cải và tin vào Phúc Âm.
Khi thánh Phaolô nói: "Thời giờ vắn vỏinghĩa là lịch sử đã đến hồi kết. Thiên Chúa đã hoàn tất kế hoạch cứu độ cứu thế của Người, không còn gì để chờ đợi nữa. Từ nay, người ta phải tin vào Đức Giêsu Con Một Thiên Chúa giáng sinh làm người, chịu chết và sống lại; Người vẫn ở cùng chúng ta mọi nơi mọi lúc. Người đang rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho chúng ta, là chính Con Người. Chúng ta phải bỏ con đường xưa nay vẫn đi, quay mặt lại với Người là hối cải và tin vào Người.
Phải thay đổi đời sống: “Ai có vợ, hãy ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì...” (1 Cr 7,29-31) nghĩa là những kẻ ấy sẽ không cư xử như khi chưa biết Chúa Giêsu nữa. Họ sống nhưng không phải họ, mà là Ðức Kitô sống trong họ. Họ ở giữa thế gian nhưng không còn thuộc về thế gian, bởi vì "bộ mặt thế gian này đang qua đi". Thế gian không giữ được họ nữa. Họ đã được Ðức Giêsu Kitô giải phóng. Từ nay họ là con cái tự do của Thiên Chúa. Họ được lại quyền làm chủ vạn vật như Adong trước khi sa ngã. Họ có tự do của tinh thần để không bị sức mạnh cuả sự dữ khống chế.
Ðó là nếp sống mà thánh Phaolô khuyên chúng ta phải đi vào cho phù hợp với ơn gọi của những con người đã tin vào Phúc Âm.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi gương Giona, cùng những người được Thiên Chúa chọn, gọi và sai đi truyền đạt thánh ý Chúa xuống cho muôn dân, để họ bước đi và sống theo đường lối Chúa dạy mà được sống. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

================

Suy niệm 4
Chúa gọi

Gn 3,1-5.10; 1Cr 7, Mc 1,14-20
“Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy ông Simon với người anh là ông Anrê, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Dêbêđê,  và người em là ông Gioan. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.” (Mc 1, 16-20).
Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu gọi bốn ngư phủ đầu tiên làm môn đệ. Người gọi các ông ngay trên đường đi dọc theo biển hồ, khi họ đang quăng chài, vá lưới. Lời mời gọi thật giản đơn, với tương lai được đổi nghề lưới cá thành “lưới người”. Các ông đáp lại thật mau mắn và ngay tức khắc. Họ sẵn sàng bỏ lại nghề đang gắn bó, bỏ lại cha để đi theo Người.
Đức Giêsu chọn và gọi các ông là những kẻ làm nghề lưới cá. Người vẫn muốn họ dùng chính kinh nghiệm lưới cá của mình để quăng những mẻ lưới mới như Thiên Chúa muốn. Mẻ lưới tình thương, mẻ lưới cứu độ. Người gọi các ông đi theo và ở với Người, ở bên Người, cùng ăn uống ngủ nghỉ, được nghe Người giảng dạy mỗi ngày, được chứng kiến bao nhiêu phép lạ nhãn tiền. Người còn đưa các ông vào cuộc tử nạn để các ông “thấy” mọi gian nan thử thách cho đến khi Thầy sống lại. Các ông được “tắm rửa” trong Máu Con Chiên và trở nên con người mới can đảm, khác hẳn con người cũ trước kia.
Ngày hôm nay chúng con không được Chúa gọi trực tiếp như các môn đệ xưa, nhưng là gián tiếp qua trung gian người khác và trong mọi hoàn cảnh, nơi chốn, dù chúng con là ai hay làm nghề nghiệp gì. Khi Người gọi các môn đệ không phải để các ông tự xoay xở làm lấy, mà chính Người, “tôi sẽ làm cho các ông”. Chúng con hôm nay thường bị cám dỗ tự lo cho mình, trang bị kiến thức, xếp đặt chương trình... trước không để Chúa lo, nên nhìn vào khả năng riêng thấy sợ mà chối.
Nhưng nếu chúng con mau mắn đáp lời mời gọi, đến “ở với Người và trong Người”. Một khi có Chúa ở cùng, chúng con được hạnh phúc sung mãn, được nếm cảm Nước Trời ngay tại thế. Niềm vui hoan lạc Nước Trời tỏa ra nơi những chứng nhân, nên hấp dẫn và thu hút được nhiều người khác. Như thế Chúa cũng làm cho chúng con trở thành những kẻ “lưới người” như các môn đệ.
Lạy Chúa! Chúa đã chọn chúng con với những khả năng và hoàn cảnh riêng, như Chúa đã chọn các môn đệ hôm nay. Xin biến đổi làm cho chúng con thành chứng nhân như những môn đệ đầu tiên, để có thêm nhiều người nhận biết, yêu mến Chúa và trung kiên theo Chúa đến cùng. Amen.
Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Tổng Giám mục Milano: Chân phước Acutis là sứ điệp mời gọi thanh thiếu niên can đảm yêu thương
Tổng Giám mục Milano: Chân phước Acutis là sứ điệp mời gọi thanh thiếu niên can đảm yêu thương
Chia sẻ về tin Đức Thánh Cha sẽ tuyên thánh cho Chân phước Carlo Acutis vào Năm Thánh 2025, Đức Tổng Giám mục Mario Delpini của Milano nhận định rằng Acutis là sứ điệp mời gọi các thanh thiếu niên tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, lòng can đảm để yêu thương và sức mạnh trong đau khổ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log