Thứ sáu, 24/01/2025

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật Lễ Lá năm B

Cập nhật lúc 10:12 21/03/2024
Suy niệm 1
SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC GIÊSU
Mc 11, 1-10
Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta cử hành biến cố Đức Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Mêsia, đồng thời với tư thế sẵn sàng chịu đau khổ và chịu chết vì chúng ta.
Theo lời Thiên Chúa hứa, dân Israel từng ngày mong chờ hoàng tử nhà Đavít đến cứu thoát họ khỏi cảnh lầm than. Thực tế là họ chỉ nhắm vào việc được giải thoát khỏi ách đô hộ của đế quốc Rôma. Khi Đức Giêsu tiến vào thành thánh, dân chúng đã nhiệt liệt tung hô: các môn đệ “lấy áo choàng của mình trải lên lưng lừa”, dân chúng thì “chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. Người đi trước kẻ theo sau reo hò vang dậy”. Đối với họ, ngày giải phóng đã đến, vị anh hùng đã xuất hiện.
Thế nhưng Đức Giêsu vào thành không phải với phong thái của vị tướng oai phong hiển hách ngồi trên lưng chiến mã để sát phạt, nhưng lại ngồi trên lưng lừa, là hình ảnh của vị vua hòa bình, hiền từ và khiêm nhường để hiến dâng chính mình. Đây là hình ảnh đã được tiên báo bởi ngôn sứ Dacaria:Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa…” (9, 9-10).
Vua Giêsu ngồi trên lưng lừa diễn tả một vị vua hoàn toàn khác, và cũng không mang ý nghĩa giải phóng theo kiểu người Do Thái chờ mong. Ở đây, hình ảnh ‘thủ lãnh cưỡi lừa’ đúng là thích hợp với câu tung hô “Hôsanna!” của người Do Thái, theo nghĩa ‘hãy cứu chúng tôi!’. ‘Cứu chúng tôi’ không phải bằng quyền lực thống trị như bất kỳ lãnh tụ nào khác, nhưng “cứu chúng tôi cho khỏi mọi sự dữ”, bằng lòng từ bi và thương xót của “Đức Vua đang đến...”
Thật vậy, đối với Đức Giêsu, mục đích tối hậu của hành trình lên Giêrusalem là “thánh giá”, nghĩa là trao ban chính bản thân mình cho nhân loại, “yêu mến cho đến tận cùng” (Ga 13,1). Vì chỉ có tình yêu mới cứu thoát con người khỏi sự trầm luân khổ ải. Cuộc đời tràn ngập đau khổ nên Phật giáo coi “Đời là bể khổ”. Nhiều người đã tìm nhiều cách để tránh khổ và diệt khổ. Nhưng Đức Giêsu không tránh khổ, cũng không diệt khổ. Ngài “vác” lấy đau khổ (thập giá), và Ngài dạy tất cả mọi người: “Ai muốn theo Ta, hãy vác thập giá mình mà theo”.
Phụng vụ Lễ Lá được tiếp nối bằng việc công bố sự thương khó, cho chúng ta thấy rõ hơn chân dung của vị vua hòa bình, cũng là người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, vì Ngài đến thế gian là để thi hành ý muốn của Chúa Cha (x. Dt 10,9), để cứu độ nhân loại. Đây không phải một sự cứu độ chỉ cần tuyên bố là xong như bao kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện. Việc sáng tạo muôn loài chỉ cần Thiên Chúa phán một lời, nhưng để cứu độ con người thì phải đánh đổi bằng một đời của Con Một Ngài. Vì sáng tạo thì có thời hạn, còn cứu độ thì vô thời hạn.  
Trên con đường thập giá, Ðức Giêsu đã đi đến tột cùng của nỗi cô đơn: “Lạy Thiên Chúa tôi, tại sao Ngài bỏ tôi?”. Ngài đã bị hành hình một cách ô nhục, tan nát cả tấm thân: đầu bị quấn mão gai như ông vua hề; khuôn mặt thánh thiện bị tát tai và khạc nhổ; tấm thân ngời sáng bị phơi ra cho những trận roi cầy nát; đôi bàn tay thi ân giáng phúc bị co quắp dưới những mũi đinh đóng chặt; đôi bàn chân đi rao giảng tin mừng cũng bị đóng cứng; Đấng trong sạch vô ngần bị lột áo phơi mình ra trần trụi. Không còn gì hãi hùng hơn trong cảnh tượng một người có thể chịu đựng như thế. Nhưng Đức Giêsu đã chịu vì con người và cho con người, để con người được giao hòa với Thiên Chúa.
Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá là một bày tỏ về tội lỗi của loài người chúng ta. Mãi mãi Thập giá là biểu trưng của sự độc ác của con người, là đỉnh cao của trí tuệ con người trong việc sáng chế ra những phương thế hành hạ và loại trừ nhau, là bản án của tội lỗi nhân loại trải qua mọi thời đại. Nhưng Thập giá không chỉ là một mạc khải về tội lỗi con người, mà còn là mặt trái của ánh sáng tình yêu: một tình yêu kiên trung và hy sinh cho đến cùng để tha thứ mọi tội lỗi cho nhân loại.
Tuần Thánh, chúng ta cùng dõi bước theo con đường thập giá của Chúa Giêsu, để trong tin yêu hy vọng, chúng ta cũng đón lấy thập giá của đời mình. Cùng với Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá, ta hãy để tâm hồn mình hòa nhập vào những nỗi thống thiết của Chúa Giêsu. Hãy cảm nhận cái nhìn tràn đầy yêu thương và trìu mến của Chúa trên cuộc đời chúng ta. Trong tình yêu đó, ta hãy tận dụng mọi khổ đau để thông phần với Chúa mà cải hóa đời mình trong tiến trình hoàn thiện.
Cầu nguyện
Lạy Chúa! Chúa đã cho con được biết,
nguyên nhân của sự dữ bởi loài người,
khi dùng tự do của mình để phạm tội,
đi ngược lại đường lối của tình yêu.

Vì tội lỗi có đau khổ và sự chết,
là hậu quả của vòng vây nghiệp chướng,
khiến cuộc đời mang nặng những sầu thương,
và do đó đánh mất cả thiên đường.

Sự dữ ở mọi nơi và mọi lúc,
tàng ẩn nơi mọi người và mọi vật,
luôn khơi dậy từ ham muốn bên trong,
làm rối loạn cho cuộc sống nhân trần.

Sự dữ khiến nhiều người đặt câu hỏi:
Nếu Thiên Chúa toàn năng,
sự dữ sao lại có?
Nếu Thiên Chúa là tình yêu,
sự toàn năng của Người có hay không?

Chúa Giêsu đã trả lời trên thập giá:
quyền năng của Thiên Chúa là tình yêu,
khi trao hiến Con Mình cho nhân loại.
đền thay sự bại hoại của trần gian,

Sự dữ hay tội lỗi là thách đố,
đều có chỗ trong chương trình tạo dựng,
để con có cơ hội mà minh chứng,
lòng thành tin hay bất tín của mình.

Xin cho con sức mạnh lòng yêu mến,
để dẹp tan những bóng tối tội đời,
những ích kỷ kiêu căng và gian dối...
để tim con từ đây được biến đổi,
trọn cuộc đời để phụng sự Chúa thôi. Amen.
Lm. Thái Nguyên

==================

Suy niệm 2
LỄ LÁ
: THÔNG HIP CUỘC TỬ NẠN CA ĐỨC KI-TÔ

Một trong những tâm lý phức tạp của con người mà ít nhiều chúng ta từng trải nghiệm hằng ngày trong cuộc sống, đó là: tâm lý số đông. Mặc cho sự việc thế nào, hoặc chưa biết thực hư, chân tướng ra sao, cứ thấy nhiều người đồng thuận, thì chúng ta thường nghiêng theo không một chút mảy mảy cân nhắc, nhận định!
Trong thời điểm dịch bệnh, nhiều nơi không cử hành Lễ Lá, hay đơn giản tham dự Thánh lễ trực tuyến, nhưng lễ Chúa Nhật tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su nhắc nhở chúng ta điều gì, và mỗi lần chúng ta tham dự Lễ Lá (như chúng ta thường gọi) với tâm tình nào? Phải chăng chúng ta nghiêng về tâm lý số đông như dân chúng thời đó: cầm lá vạn tuế tung hô, đón Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem, rồi sau đó cũng chính đám đông này la to: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (x. Mc 15, 13.14), hay chúng ta cùng hiệp thông, tham dự vào cuộc Thương Khó - Tử Nạn của Đức Ki-tô, hầu được thánh hoá và được nhận lấy vinh quang Phục Sinh của Ngài?
Trong Kinh Thánh, ít nhất ba lần, Đức Giê-su tiên báo cho các Tông đồ biết về thân phận và sứ mệnh của Ngài, đó là: người Tôi tớ trung tín của Thiên Chúa (x. Mt 16, 21-22; Is 50, 4-7). Hơn nữa, Ngài đã từng tỏ lộ rõ rệt: “Tôi đến thế gian không phải làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (x. Ga 6, 38). Trong mọi việc, Ngài hằng vâng phục, thực hiện theo chương trình cứu độ của Chúa Cha, “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 17), và “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ez 33, 11). Thật vậy, sứ mệnh của Đức Giê-su là hoàn tất ý định của Chúa Cha, cho dù “…bị đánh, bị giật râu, bị nhạo cười và bị phỉ nhổ. Nhưng vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn” (x. Is 50, 6-7). Ở điểm này, chúng ta khác hoàn toàn với người Tôi Trung của Chúa! Chúng ta bất tuân phục, chúng ta luôn tìm mưu cầu ích lợi riêng tư, cá nhân. Hầu như chúng ta muốn người khác làm theo ý mình, tệ hơn là bắt người khác tùng phục bản thân ta! Mỗi lần chúng ta cử hành Lễ Lá, chúng ta cùng nhau nhìn kỹ vào Đức Giê-su, học sống như Ngài: biết vâng phục và thực hiện Thánh ý Chúa nơi cuộc sống mình.
Hơn nữa, vì hết lòng yêu thương chúng ta, người Tôi Tớ tín trung của Thiên Chúa đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mà mặc lấy thân phận xác phàm yếu hèn của con người, hầu giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, cứu chuộc chúng ta khỏi sự huỷ diệt, và đưa chúng ta về với nguồn cội tình yêu là Thiên Chúa Cha, “…tuy là thân phận Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Ngài huỷ bỏ chính mình, nhận lấy thân phận tôi đòi, trở nên giống loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm” (x. Pl 2, 6-7). Ngược lại với A-đam nguyên tổ, Đức Ki-tô khiêm nhường, hạ mình, vâng phục Thiên Chúa đến nỗi tự nguyện chết trên thập tự, “Chúa Ki-tô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá” (Pl 2, 8). Phải chăng, mỗi khi tham dự Lễ Lá, chúng ta được thông phần vào cuộc Thương Khó - Tử Nạn của Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta cũng nên soi lại mình đã sống khiêm hạ mỗi ngày? Một trong bảy mối tội đầu dẫn đến nhiều tội lỗi khác như thể ‘tội mẹ đẻ ra tội con’, chính là: thói ngạo mạn, tính kiêu căng, lòng tự mãn. Chính tật xấu này mà thường đưa đẩy chúng ta tới sự bất tuân, không biết vâng phục Thánh ý Chúa, được thể hiện qua Giáo Hội và qua các giáo huấn của Giáo Hội.
Ước gì, Lễ Lá mỗi năm đều không trôi qua như một lễ hội bên ngoài, mà là cơ hội, thời khắc giúp chúng ta ngày càng được hiệp thông với cuộc Tử Nạn của Đức Ki-tô, hầu đón nhận ơn sủng cao quý thông phần vào vinh quang Phục Sinh của Ngài!
Lạy Chúa Giê-su chứa chan
Tuy là Thiên Chúa, chẳng màng lợi danh
Tự nguyện hiến lễ lòng thanh
Bỏ trời cao xuống, xác phàm thế nhân.
Vâng phục, khiêm hạ thánh ân
Chết treo thập giá, muôn phần vì con.
Vì thế Chúa Cha suy tôn
Ban cho danh hiệu muôn muôn ngàn đời. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

==================

Suy niệm 3
Vua Hoà Bình, vai mang Thập Giá cứu độ trần gian

(Mc 14,1-5,47)
Trước Đại Lễ Phục Sinh, Giáo hội cử hành Lễ Lá, kết thúc Mùa Chay Thánh, khi mạc Tuần Thánh. Trong tuần này, Giáo hội cử hành cuộc khổ nạn, sự chết và nhất là sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Độ trần gian.
Sự kiện Chúa Giêsu tiến vào thành Giê-ru-sa-lem được cả Bốn sách Tin Mừng (Máccô 11,1-11, Matthêu 21,1-11; Luca 19,28-44; và Gioan 12, 12-19) kể về việc này.
Chúa Giêsu cưỡi trên con lừa con là con của con vật chở đồ. Theo truyền thống Đông Phương, lừa là một con vật của hòa bình. Việc Chúa Giêsu tiến vào thành Giê-ru-sa-lem trên con lừa ngụ ý ám chỉ Chúa là Vua Hoà Bình.
Ở nhiều vùng đất trong vùng Cận Đông cổ đại, việc lát gạch con đường của một ai đó đáng kính trọng đã đi là chuyện khá phổ biến. Trong sách Các vua quyển thứ 2 chương 9 câu 13 kể rằng Jehu, con của Jehoshaphat, được tôn vinh theo cách này.
Hoan hô, chúc tụng vua Israel, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! (x. Ga 12, 12-16)
Nghe đọc những lời trên lúc mở đầu nghi thức làm phép kiệu lá, tưởng nhớ tới sự kiện Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, dân chúng rủ nhau ra mà đón : “Nhiều người trải áo xuống đường, kẻ khác chặt nhành cây trải lối đi: Kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: "Hoan hô! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Chúc tụng nước Ðavit tổ phụ chúng ta đã đến. Hoan hô trên các tầng trời!” Họ trải áo trên đường để Chúa đi” (Mc 11, 8-10 ).
Cả bốn sách Tin Mừng đều kể rằng dân chúng đã tôn vinh Chúa Giêsu theo cách kiểu trên. Trong bản Nhất Lãm mô tả là dân chúng trải áo và  trên đường, còn Phúc âm Gioan nói rõ là lá cọ. Theo thông lệ Do Thái, lá cọ là một trong bốn loại thực vật được mang đến cho Lễ Lều Tạm, dùng để mô tả niềm vui và chiến thắng. Những cành lá diễn tả những gì mà người ta sử dụng cho cuộc khải hoàn của Chúa Giêsu khi tiến vào thành Giê-ru-sa-lem.
Đám đông dân chúng hân hoan, chúc tụng đón rước Chúa. Tất cả mọi người đều hát noi gương các trẻ em Do Thái đồng thanh tung hô Đức Giêsu: “Thánh, thánh, thánh! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Đúng là một bầu khí vui mừng mà chúng ta cảm nghiệm được khi tái cử hành biến cố năm xưa. Chúa Giêsu, Thái Tử nhà Đavít tiến vào Giêrusalem đã khơi dậy lên bao nhiêu niềm hy vọng nơi tâm hồn những người đơn sơ, nghèo khổ, bị lãng quên. Người thấu hiểu và cảm thông cảnh lầm than khốn khổ của họ, cúi mình xuống chữa lành những vết thương thể xác cũng như tâm hồn và tỏ lòng từ bi đối với họ. Chúng ta thật vui mừng và tràn đầy hy vọng, vì thế giới chúng ta sống đang rất cần tình thương đó.
Niềm vui của dân chúng đang hân hoan, tung hô, chúc tụng Chúa, bỗng sự đấu tố, đòn vọt, vòng gai và thập giá bao trùm. Lời Tiên tri Isaia và bài tường thuật của thánh sử Marcô đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm Thương Khó và cái chết của Chúa Giêsu. Isaia mô tả cho chúng ta hình ảnh của một người bị đánh đòn và chịu vả mặt nhục nhã (x. Isaia 50, 6). Lời đáp ca: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ rơi tôi?” giúp chúng ta chiêm ngắm cơn hấp hối của Chúa Giêsu trên thập giá (x. Mt 15, 34).
Vua Giêsu cưỡi trên con lừa con, không có đoàn tùy tùng vào Thành Thánh để chịu đánh đòn, lăng mạ và xúc phạm; Người vào để chịu đội mão gai và mặc áo choàng đỏ, vương quyền của Người là đối tượng cho sự nhạo cười; Người vào thành Giêrusalem để chịu chết trên Thập giá. Thập giá là ngai vàng của Người, Người mang lấy sự ác và tội lỗi của thế nhân, cùng với Thập giá trên mình. Với lòng từ bi và tình thương của Thiên Chúa, Người lấy máu mình mà rửa cho sạch. Vì thế, Thập giá được Chúa Giêsu đón nhận với tình thương không bao giờ đưa tới sầu muộn, nhưng dẫn đến niềm vui ơn cứu độ.
Bước vào Tuần Thánh tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Chính nhờ sức mạnh của Mầu Nhiệm Vượt Qua mà Giáo Hội có thể công bố cho thế giới rằng : “Chúa Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh hiển” (Phil 2,11). Phải, Chúa Giêsu Kitô là Chúa, Người là Chúa của thời gian và của lịch sử; là Ðấng Cứu Chuộc con người; Người là Ðấng Cứu Thế! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Hosanna! Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

==================

Suy niệm 4
GƯƠNG KHIÊM NHƯỜNG

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Lễ Lá, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã muốn cho Đấng Cứu Thế mang thân phận người phàm và chịu khổ hình thập giá, để nêu gương khiêm nhường cho thiên hạ noi theo. Xin Chúa cho chúng ta biết đón nhận bài học Người để lại trong Cuộc Thương Khó, và thông phần Vinh Quang Phục Sinh với Người.
Đức Giêsu là mẫu gương khiêm nhường thực thi thánh ý Chúa Cha, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thư gửi tín hữu Hípri đã tường thuật lại: Đức Kitô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. 
Đức Giêsu đã trở nên hiền lành và khiêm nhường, để nâng chúng ta lên, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Anrê Cơrêta đã nói: Người là Đấng hiền lành, đã vượt lên trên phía mặt trời lặn, tức là lên trên thân phận yếu hèn của chúng ta. Người vui mừng vì trước kia đã tỏ cho chúng ta thấy Người hiền lành như thế, nên đã tới chung sống với chúng ta, để nhờ dây thân thích với chúng ta, Người nâng chúng ta lên và đưa chúng ta đến với Người. 
Đức Giêsu là Người Tôi Trung của Thiên Chúa đã khiêm nhường chấp nhận tất cả, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia cho thấy: Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô cũng đã cho thấy Đức Giêsu đã đi đến cùng của mầu nhiệm tự hủy: Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. 
Người Tôi Trung của Thiên Chúa đã khiêm nhường chấp nhận mọi sỉ nhục, khinh chê, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 21, vịnh gia đã cho thấy: Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao? Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi. Thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai: “Nó cậy Chúa, mặc Người cứu nó! Người có thương, giải gỡ đi nào!” Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay cũng cho thấy sự tự khiêm tự hạ của Người: Vì chúng ta, Đức Kitô đã tự hạ, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu. 
Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô tường thuật lại Cuộc Thương Khó của Đức Kitô. Quyết định của Chúa, ai dò cho thấu. Đường lối của Người, ai theo dõi được. Tại sao Chúa lại chọn cách thức khiêm nhường, tự hủy, để biểu tả tình yêu của Người? Đây là một mầu nhiệm. Đức Giêsu ngồi trên lưng lừa để vào thành thánh Giêrusalem. “Ngựa” được dùng để chiến đấu ngoài sa trường, biểu tượng cho sự mạnh mẽ, oai hùng, còn “lừa” được dùng để chỉ sự khiêm nhường, ôn nhu. Đức Giêsu đích thực là vị Vua Hòa Bình, mang bình an đến cho nhân loại. Noi gương Đức Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, chúng ta hãy lấy hết lòng khiêm nhường, trí khiêm hạ, và hoàn toàn khoét rỗng chính mình, để dọn đường: đón Đức Giêsu đi vào tận sâu thẳm tâm hồn chúng ta. Ước gì chúng ta biết cởi bỏ những chiếc áo, đính đầy những quyến luyến lệch lạc của thú vui trần thế, để mặc lấy Đức Kitô, Đấng đã chấp nhận bị lột trần trụi trên thập giá, để che đậy sự tủi hổ mà tội lỗi đã mang lại cho chúng ta. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

==================

Suy niệm 5
CHO MỘT MỤC ĐÍCH CAO CẢ NHẤT

“Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”.
“Cái ách và thập giá là biểu tượng sinh đôi của Kitô hữu. Thập giá nói đến việc từ bỏ thế gian vì Chúa Kitô; cái ách nói đến việc gánh lấy thế gian như Chúa Kitô. Cái thứ nhất nói đến hy sinh; cái thứ hai nói đến phục vụ. Người môn đệ Chúa Giêsu không thể chọn lấy cái này và bỏ cái kia! Cả hai gắn kết nhau ‘cho một mục đích cao cả nhất!’” - Anon.
Kính thưa Anh Chị em,
Phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá cho chúng ta những trải nghiệm và cảm xúc hoàn toàn trái ngược nhau khi chiêm ngắm Chúa Giêsu, từ phấn khích đến đau đớn tột cùng: “Hoan hô trên các tầng trời!”; “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”. Tại sao lại như thế? Thưa vì Chúa Cha muốn như vậy ‘cho một mục đích cao cả nhất!’.
Làm thế nào mọi thứ có thể thay đổi trong một tuần ngắn ngủi? Câu trả lời sâu sắc nhất cho câu hỏi này là Chúa Cha đã muốn! Ngài muốn bằng ý muốn dễ dãi của mình rằng, nhiều người sẽ tự do phản bội Con Ngài, bỏ rơi Con Ngài và để Con Ngài bị đóng đinh. Vào Tuần Thánh đầu tiên đó, Chúa Giêsu có thể sử dụng quyền năng thần linh để từ chối thập giá. Nhưng Ngài không làm vậy. Thay vào đó, sẵn lòng bước qua tuần này, Ngài thấy trước và đón nhận mọi khổ đau và sự khước từ. Ngài đã không làm vậy vì miễn cưỡng hay hối tiếc nhưng sẵn lòng đón nhận, chọn nó làm ý muốn của chính Ngài.
Trong sự khôn ngoan hoàn hảo của Chúa Cha, đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu là phương thế cứu chuộc tốt nhất. Ngài đã làm bối rối sự khôn ngoan của thế gian bằng cách dùng sự đau khổ và sự đóng đinh Con Ngài làm phương tiện hoàn hảo cho sự thánh khiết của chúng ta. Qua đó, Ngài đã biến điều ác lớn nhất thành điều tốt lành nhất. Giờ đây, do niềm tin, thánh giá được treo ở trung tâm nhà thờ và trong mỗi gia đình của chúng ta như một nhắc nhở thường xuyên rằng, ngay cả sự dữ lớn nhất cũng không thể chiến thắng được quyền năng, sự khôn ngoan và tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa mạnh hơn cái chết và cuối cùng, Ngài chiến thắng ngay cả khi tất cả dường như đã mất.
Hãy để Tuần Thánh mang đến niềm hy vọng thiêng liêng cho bạn và tôi! Chúng ta thường bị cám dỗ chán nản; tệ hơn, cám dỗ đến tuyệt vọng. Nhưng tất cả sẽ không mất đi. Và cuối cùng, không gì có thể cướp đi niềm vui của chúng ta trừ khi chúng ta để nó vuột mất. Không khó khăn, gánh nặng và thánh giá nào có thể khuất phục chúng ta nếu chúng ta kiên định trong Chúa Giêsu Kitô. Hãy để Ngài biến đổi tất cả những gì chúng ta chịu đựng trong cuộc sống bằng vòng tay vinh quang của Ngài trên thập giá của chính Ngài!
Anh Chị em,
“Sao Ngài bỏ rơi con?”. Hãy suy gẫm việc Chúa Giêsu bị bỏ rơi là một hành động thiêng liêng; qua đó, Chúa Cha cho phép sự đau khổ trầm trọng này được sử dụng ‘cho một mục đích cao cả nhất’ từng được biết đến. Chúa Giêsu đã tự hiến sự sống của Ngài một cách tự do và mời gọi bạn cũng làm như vậy. Hãy suy gẫm thập giá trong đời bạn và biết rằng, Chúa có thể sử dụng nó cho mục đích tốt, mang lại lòng thương xót dồi dào cho bạn và cho người khác qua vòng tay tự do của bạn khi bạn dâng nó lên Ngài như một của lễ hy sinh. Hãy để mắt đến thập giá Chúa và thập giá bạn! Chúc mừng Tuần Thánh!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho tuần lễ này biến đổi những thời khắc đen tối và yếu đuối nhất của con thành thời khắc của ân sủng khi con nghiệm ra tình yêu Chúa dành cho con!”, Amen.

================

Suy niệm 6
ĐƯỜNG TÌNH YÊU
Mc 15, 1-39

Mùa chay dần khép lại, hôm nay toàn thể Giáo Hội bước vào Tuần Thánh. Trong Tin Mừng hôm nay, thánh sử Maccô tường thuật “hành trình đau khổ” đầy chông gai của Đức Giêsu, từ khi Người bị bắt cho đến khi tắt thở trên thập giá. Đây là “đường trường đầy đau đớn khổ nhục cho đến chết”, nhưng là ĐƯỜNG TÌNH YÊU, Ngài đã nhẫn nhục chịu đựng trong vâng phục Chúa Cha để cứu độ con người tội lỗi.
Sau khi bị bắt, Người bị lôi hết tòa án này đến tòa án khác, bị tra hỏi, tạt vả. Trước tòa án Philatô, Ngài bị xử bất công, phải xử án chết oan nghiệt thay cho tên cướp Baraba, bởi sóng người hô hào đả đảo cùng các thượng tế nhà đạo. Tên cướp được tha bổng, còn Người vô tội thì phải chịu hành hình. Mấy năm trời bôn ba rao giảng cứu chữa, làm ơn cho đủ mọi hạng người, để đến hôm nay Thầy Giêsu phải tự vác Thập giá tủi nhục đớn đau, rồi bị căng thây đóng đinh vào đó mà treo lên cùng với hai tên trộm cướp.
Chúa nhật Lễ Lá hôm nay mời gọi mỗi người chúng con nhìn lại bản thân mình. Con có thể là một trong số các môn đệ, khi Thầy giảng dạy như một Đấng có uy quyền thì hăng hái theo bước. Khi Thầy bị bắt bớ thì bỏ cuộc trốn chạy, chối từ như chưa bao giờ biết Thầy kẻo bị vạ lây. Con có thể là những người trong đám dân, khi vui thì sẵn sàng trải áo làm đường rước, hết lời tung hô ca ngợi, nhưng lúc khác lại hùa theo số đông mà trở lòng đả đảo chống đối, kết án xấu tha nhân... Nhưng có thể con cũng là một Simon Kyrênê sẵn lòng vác đỡ thập giá cho người khổ đau.
Đức Giêsu cam lòng chịu đựng tất cả vì tình yêu con người và vâng phục Ý Cha cho đến chết trên thập tự, đó là một minh chứng, tận cùng cho một tình yêu, yêu cho đến chết, mà chết cũng chỉ vì yêu. “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5, 7-9). Bước theo Đức Giêsu trên con đường thập giá là lội ngược dòng đời, vác thập giá theo Chúa không phải dễ, nhưng có Chúa đồng hành và đỡ nâng, chúng con cũng từ thập giá bước vào vinh quang với Chúa.
Ôi Chúa Giêsu của lòng con Chúa ơi! Chiêm ngắm Chúa chịu căng thây trên thập giá, con nhận ra chẳng có tình yêu nào như tình Chúa yêu con. Chúa chết cho con sống muôn đời. Chúa chết vì yêu con. Vì con Chúa quên thân mình, đời con dám mơ gì hơn? Xin cho con tâm hồn chìm lắng trong cái chết của Chúa, để bao tội lỗi, đau khổ của con chìm xuống hòa nhập vào mầu nhiệm Thập giá, để Chúa ôm trọn lấy con trong tình yêu bao dung tha thứ. Xin cho con bước đi theo Chúa từng ngày trên CON ĐƯỜNG TÌNH YÊU. Xin cho con được yêu mãi Người, Giêsu ơi!
Én Nhỏ  

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log