Thứ sáu, 22/11/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật II Mùa chay năm B

Cập nhật lúc 09:28 22/02/2024
Suy niệm 1
Mc 9, 2 – 10
Theo truyền thống từ các giáo phụ, thì Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor, cực nam của miền Galilê. Ngày nay các nhà chú giải Thánh Kinh nói rằng Đức Giêsu biến hình ở núi Hernon, cực bắc Galilê.
Câu chuyện được diễn biến như sau:
Chúa Giêsu đưa ba tông đồ ưu tú là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi để cầu nguyện. Chúa thì cầu nguyện. Ba tông đồ thì ngủ khò. Bỗng giật mình thức giấc, ba ông thấy Chúa thì đứng ở giữa, Môsê và Êlia thì đứng hai bên hầu chuyện Chúa. Hứng quá, Phêrô xin Chúa cho phép dựng ba lều để Chúa, Môsê và Êlia lưu lại tại đây.
Bỗng có một đám mây bao phủ và từ trong đám mây có tiếng phán “Đây là Con Ta yêu. Hãy vâng nghe lời Người.”
Khi nghe tiếng phán của Chúa, ba môn đệ lăn cù ra, chết giấc. Đó là truyền thống Do Thái: Ai nghe và nhìn trực tiếp Chúa, thì phải chết. Sợ Chúa đến như thế đó.
Chúa đến lay động ba cái xác như chết và nói: “Trỗi dậy đi. Đừng sợ.” Sau đó ba thầy trò hạ sơn. Câu chuyện ấy được giữ bí mật mãi cho tới khi Chúa phục sinh. Vinh quang của Chúa, thì Chúa cấm. Còn khổ nạn, thì Chúa nói công khai.
Câu chuyện Chúa biến hình là thế. Còn điều chúng ta phải suy nghĩ và thi hành, đó là lời Chúa Cha phán: “Đây là Con Ta yêu. Hãy nghe lời Người.”
Môsê và Êlia là sư phụ của thời Cựu Ước. Cựu ước là con đường dẫn tới Đức Giêsu. Bởi đó Cựu ước chưa có chân lý tuyệt đối. Chỉ một mình Đức Giêsu mới là mạc khải trọn vẹn của Chúa Cha. Chính Môsê và các ngôn sứ cũng chỉ là học trò của Đức Giêsu mà thôi. Thánh Gioan Tẩy giả là sứ ngôn cao trọng nhất, hơn Môsê, Êlia và các sứ ngôn. Vậy mà thánh Gioan Tẩy giả đã tự nhận mình là người không đáng xách dép cho Đức Giêsu, thì Môsê và các sứ ngôn càng không đáng hơn. Cụ thể là:
- Môsê cho phép ly dị. Đức Giêsu khẳng định rằng: “Từ muôn thuở không có như thế.”
- Môsê ra lệnh ném đá người ngoại tình. Đức Giêsu thì bảo: “Ai trong các ông sạch tội thì ném đá trước đi.”
- Môsê không cho phép trị bệnh trong ngày Sabát. Đức Giêsu phá luật ấy, trị bệnh tưới hạt sen.
- Môsê bắt kiêng rất nhiều món ăn, gọi là uế. Đức Giêsu tuyên bố: “Mọi đồ ăn đều thanh hết.”
Cuối cùng, ta phải nói với nhau rằng: Chỉ một mình Đức Giêsu là mạc khải trọn vẹn của Chúa Cha. Môsê và các sứ ngôn dậy điều gì không giống Đức Giêsu, thì cứ bỏ đi. Chỉ một mình Đức Giêsu là Thầy và là mạc khải trọn vẹn của Chúa Cha.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

================

Suy niệm 2
“HÃY NGHE LỜI NGƯỜI”

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Trong thời khắc dịch bệnh vẫn lan tràn, cướp đi tính mạng nhiều người trên toàn thế giới, Giáo hội vẫn tiếp tục sứ mạng trở nên chứng tá cho lòng nhân từ, xót thương và đầy yêu thương của Chúa qua mỗi ngày, đặc biệt Mẹ Giáo hội cùng với chúng ta nhận bụi tro trên đầu, ý thức thân phận yếu hèn, dễ sa ngã của bản thân. Hơn nữa, chúng ta được mời gọi bước vào thời kỳ ân sủng của Mùa Chay, hướng chúng ta trở về với Chúa, lắng nghe Lời Người và tái khám phá vị Thiên Chúa mà chúng ta hằng tin thờ, tôn kính.
Trước hết, Thiên Chúa - Đấng mãi giữ lời: Ab-ra-ham tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, mặc dù chưa biết đích đến là đâu. Ông vâng nghe và thực hiện ngay những gì Người phán truyền, thậm chí chịu hy sinh sát tế đứa con được ân ban. Nhờ vào niềm tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, mà Ab-ra-ham đã chẳng từ chối điều gì, và ông sẵn sàng làm theo thánh ý Chúa. “Ta thề rằng: vì ngươi đã làm điều đó, ngươi không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi, Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển; miêu duệ ngươi sẽ chiếm cửa thành của quân địch, và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta” (St 22, 16-18). Xuyên suốt dòng lịch sử dân tộc Is-ra-el, chúng ta thấy rõ Thiên Chúa đã thực hiện tất cả những gì Người phán hứa. Thiên Chúa hằng trung thành, tín trung, giữ trọn lời của Người, không những dành cho dân Is-ra-el, mà còn trao ban dồi dào cho chúng ta qua Con Một yêu dấu của Người.
Thứ đến, Thiên Chúa - Đấng hằng bên đỡ: Thánh Phao-lô xác tín rằng: “Nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta?…Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết và hơn nữa đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa, cũng đang biện hộ cho chúng ta” (x. Rm 8, 31. 34). Thiên Chúa không chỉ giữ lời phán hứa, mà còn luôn nâng đỡ, chở che, bảo vệ chúng ta, dẫu ta chẳng xứng đáng với Người. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là: chúng ta cho rằng Thiên Chúa đương nhiên phải chăm nom, coi sóc ta; trong khi đó chúng ta vẫn mãi mê với tư lợi, với dự định cá nhân, mà chẳng đoái hoài đến lời kêu mời, thúc giục của Người mỗi ngày, hầu hân hoan thực thi Lời Người, và sống chính trực, yêu thương, tha thứ như Người giáo huấn chúng ta qua Giáo hội, qua các thừa tác viên có chức Thánh, qua mọi biến cố cuộc đời.
Sau cùng, Thiên Chúa - Đấng luôn hiển dung: Trước khi lên Giê-rê-sa-lem chịu tử nạn, Đức Giê-su đã biến hình, tỏ cho ít nhất ba môn đệ thân tín biết vinh quang của Người. Mặc dù là Thiên Chúa, nhưng Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận thấp hèn con người, mà vâng phục thực thi chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha qua cuộc khổ nạn, chịu chết nhục nhã trên Thập giá, nhưng từ cõi chết, Người phục sinh. Mầu nhiệm khổ nạn-chịu chết-phục sinh (thường được gọi là biến cố cuộc đời Đức Ki-tô - Christ-event) được tái diễn hằng ngày trong đời sống đức tin của chúng ta, nhất là: trong Thánh lễ, khi tham dự các Bí tích, khi sống Lời Chúa, khi chúng ta sống bác ái, tha thứ. Nhờ đó, Chúa hiển dung nơi cung lòng chúng ta, trong cộng đoàn, hội nhóm chúng ta, trong gia đình và mọi mối tương quan của chúng ta, giúp chúng ta biến đổi cung cách sống, lối sống, tất cả các phương diện con người chúng ta. Tuy nhiên, để cảm nghiệm trọn vẹn nó, tiên vàn, chúng ta phải ghi nhớ lời của Chúa Cha phán: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người” (x. Mc 9, 7). Chúng ta phải tháp nhập vào Đức Giê-su, phải nương náu, sống với Người, ở lại trong Người, ngõ hầu mọi lời nói, hành vi, tư tưởng,…của Đức Giê-su tỏ lộ rõ rệt nơi chúng ta.
Lạy Thiên Chúa - Đấng trung tín         
Xin cho con luôn nhủ mình tín trung
         
Giữ trọn lời Chúa đến cùng
         
Sống trong hoan lạc thuỷ chung tinh tuyền.
         
Lạy Thiên Chúa - Đấng mãi liên
         
Hằng bên đỡ dù triền miên ngày tháng
         
Che chở con, tình chứa chan
         
Luôn chính trực, đời bình an thiết tha.
         
Lạy Thiên Chúa - Đấng ngợi ca
         
Mặc lấy xác phàm, bao la tin yêu
         
Chịu khổ hình Thập tự treo
         
Phục sinh vinh thắng, sống theo Cha hiền.
         
“Đây là Con Ta tinh tuyền,
         
Vâng nghe Người dạy, hằng luôn thi hành”. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

================

Suy niệm 3
Chết để sống

(Mc 9, 1-9)
Bước vào Chúa nhật thứ hai Mùa Chay, phụng vụ Giáo Hội trình bày cho đức tin và lòng vâng phục tuyệt đối vào Thiên Chúa của ông Apraham. Nhờ vâng lời và tin vào Chúa, ông sẵn sàng sát tế con duy nhất của mình là Isaac Thiên Chúa đã ban cho ông, nên ông được Chúa chúc phúc và thưởng công.
Thánh Phaolô tin rằng Thiên Chúa sẽ bảo vệ chúng ta, vì Ngài thương chúng ta, đến nỗi ban Con Một chịu chết và sống lại, để cho chúng ta là những kẻ phải chết vị tội được sống.
Tin Mừng mô tả cho chúng ta cảnh đẹp lộng lẫy biến hình của Chúa Giêsu, có Phêrô, Giacôbê và Gioan làm chứng : "Chúa Giêsu đã biến hình trước mặt các ông và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết" (Mc 9, 2-3).
Sát tế con duy nhất lại có được dòng dõi trường tồn
Được Thiên Chúa gọi mời, Abraham đã đáp lại tiếng Chúa từ bỏ quê hương xứ sở lên đường theo Chúa. Tuy nhiên, không một thử thách nào nặng nề hơn thử thách Chúa lệnh cho ông : “Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 22, 2). Chúa yêu cầu ông làm một việc quá sức và trí khôn ông. Bởi Isaac là đứa con được Chúa hứa ban cho ông bà khi tuổi đã già.
Isaac, kẻ nối dõi tông đường (x.St 21,12) nay Chúa lệnh sát tế. Lệnh Chúa truyền như phản ngược lại với Lời Chúa hứa. Phải chăng lưỡi dao oan nghiệt giáng xuống trên Isaac sẽ có được dòng dõi trường tồn sao? Abraham đã không thể nào nghĩ khác được. Nhưng ông không do dự, chần chừ. Và đây đã tới đỉnh cao, nơi cử hành hy lễ, ông giơ tay, cầm dao, sẵn sàng giết con, người con duy nhất mà hơn ai hết, ông biết rõ nếu chết đi là ông mất tất cả.
Thái độ dứt khoát và hành động quyết liệt của Abraham, tự nó nói lên trọn vẹn niềm tin của ông vào Ðấng không muốn sự chết nhưng muốn sự sống. Việc Chúa đòi ông hy sinh con một chứng tỏ Chúa hoàn toàn làm chủ sự sống. Bởi Chúa là Sự Sống, Ngài có quyền trao ban sự sống và có quyền đòi lại. Thiên Chúa đã trao Isaac cho Abraham, bây giờ đòi lại sự sống đó, dù Chúa đã cam kết: Isaac sẽ khởi đầu của một miêu duệ đông đảo. Sự đòi hỏi bất thường này chỉ nhằm nói lên khả năng của Thiên Chúa làm được những việc đối với ta xem là nghịch lý: khơi dậy sự sống từ cái chết.
Vâng lệnh Chúa sát tế con mình, Abraham không thể không cảm thấy lòng mình bị xâu xé vì mối tình phụ tử. Nhưng ông đã tuân theo ý Chúa với niềm tín. Đức tin đã biến đổi đời ông. Từ việc sát tế con duy nhất, dân tộc thánh được phát sinh.
Chết để sống
Trước khi biến hình, Chúa Giêsu đã thăm dò ý kiến chung, liền sau đó loan báo cuộc thương khó lần thứ I (x. Mc 31, 33). Như thế, Người đã mạc khải cho các môn đệ biết rằng, con đường tiến về Giêrusalem sẽ đưa Người đến với đau khổ, tử nạn và cái chết đau thương trên thập giá, sau đó mới rạng ngời ánh vinh quang. Vì chưa nhận ra ý Chúa nên Phêrô muốn dựng ba lều ở trên núi sau khi chứng kiến Chúa biến hình (x. Mc 9, 5). Và Phêrô đã muốn biến cái tạm thời thành cái vĩnh cửu để khỏi phải đương đầu với khổ đau và thập giá.
Biến cố biến hình còn cho các môn đệ niềm hy vọng là: con đường đau khổ sẽ dẫn đến hạnh phúc, cái chết tủi nhục sẽ dẫn đến ngày Phục sinh hân hoan.
Xin ơn biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần
Chúa biến hình, báo trước Mầu Nhiệm Vượt Qua, và mời gọi chúng ta mở rộng cặp mắt, con tim để nhìn thấy Ánh Sáng nhiệm mầu của Chúa hiện diện trong lịch sử cứu độ. Mầu nhiệm Năm Sự Sáng, thứ Bốn thì Ngắm, Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi, ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần. Nếu như sau khi chịu phép rửa nơi sông Giordan "Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với các dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người" (Mc 1,12-13), thì giờ đây chúng ta cũng phải xin Chúa Thánh Thần trợ giúp.
Chúa biến hình vinh quang sáng láng, để chúng ta biết biến đổi. Nhưng để biến đổi đâu có dễ, cần phải ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp. Chúng ta cũng hãy cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta từng bước trong Mùa Chay, đặc biệt là xin Ngài biến đổi.
Xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta từ con người khô khan biếng trễ xưng tội rước lễ, lười đi nhà thờ bỏ lễ Chúa nhật thành người đạo đức thánh thiện và siêng năng. Xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta từ con người tối tăm tội lỗi nên con người tươi sáng; từ con người ích kỷ tham lam thành người sẵn sàng yêu thương hy sinh và phục vụ mọi người; từ con người kiêu căng tự mãn thành người khiêm nhu tin tưởng và phó thác vào Chúa.
Chúa Thánh Thần đã biến đổi các giác quan của các tông đồ, họ mới có thể nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Cặp mắt được đổi mới, các ông mới nhìn rõ hơn những gì tỏa sáng, tai được biến đổi để nghe rõ hơn tiếng nói tuyệt vời và có thật: là tiếng nói của Thiên Chúa Cha, Đấng hài lòng về Con yêu dấu của Ngài.
Chúng ta cũng thế, hãy để Chúa Thánh Thần tác động mới mong được biến đổi, giác quan của chúng ta mới có thể nhìn thấy và nghe được những điều kỳ diệu và vui mừng trong Thiên Chúa cùng với hàng ngũ các thánh đã được Chúa Giêsu phục sinh từ trong cõi chết. Để được biến đổi chúng ta hãy vâng nghe lời Chúa Abraham và không ngừng cầu nguyện.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin biến đổi con. Xin biến đổi con mắt, môi miệng và lỗ tai con, để con biết thấy cái hay cái đẹp của tha nhân, biết nói lời hay lẽ phải, biết nghe Lời Chúa, và nhất là thực hành Lời Chúa dạy. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

================

Suy niệm 4
HIỂN DUNG

Mc 9, 2-10
Bài đọc thứ nhất (St 15,5-12.17-18) kể lại việc Thiên Chúa thiết lập giao ước với tổ phụ Abraham. Giao ước ấy là nền tảng của sự biến đổi thân phận loài người, từ trong tội lệ được nâng lên làm dân thánh của Thiên Chúa. Đến bài đọc thứ hai, thánh Phaolô còn cho các tín hữu biết rằng: "Đức Kitô sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người." (Pl 3,17 - 4,1).
Đức Kitô là mẫu mực của việc biến đổi đời sống con người chúng ta. Thế nhưng Phụng vụ Lời Chúa tuần thứ nhất Mùa Chay lại dẫn chúng ta vào sa mạc, để chứng kiến Đức Giêsu chịu cám dỗ. Ở đó, ta thấy Chúa thể hiện nhân tính của Ngài: một con người yếu đuối, mỏng giòn, chịu đói khát, chịu thử thách, chịu cám dỗ như mọi người.
Chúa Nhật tuần thứ hai này, chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng Đức Giêsu hiển dung trên núi cao. Ở đó, ta thấy Chúa thể hiện thiên tính của Ngài: sáng láng, rực rỡ, vinh hiển. Đức Giêsu vẫn là một, không hề phân chia trong bản tính, và luôn hiệp nhất trong Ngôi vị, Ngài thật sự là Thiên Chúa và cũng thật sự là con người, nên sự hiện diện của Ngài vô cùng sinh động và phong phú cho đời sống nhân loại.
Trong cuộc hiển dung này, có ba môn đệ thân tín được Đức Giêsu đưa lên núi Tabo là Phêrô, Gioan và Giacôbê. Ngài muốn cho họ chứng kiến đôi chút sự rạng ngời vinh hiển trong tự căn tính của Ngài là Con Thiên Chúa, để củng cố niềm tin cho họ, trước khi họ chứng kiến Ngài bị giới lãnh đạo tôn giáo khai trừ, bị mọi người ruồng rẫy, và xem ra như bị Chúa Cha như bỏ rơi trong cuộc khổ hình trên núi Sọ.
Trong khi Đức Giêsu hiển dung còn có sự xuất hiện của Môsê: người đón nhận lề luật từ Thiên Chúa; và Elia: người đứng hàng đầu trong số các ngôn sứ của Thiên Chúa. Đàm đạo với hai vị này, Đức Giêsu muốn cho thấy nơi bản thân Ngài đã hoàn tất mọi lời hứa về Đấng Mêsia, trong tính cách là Con Thiên Chúa và Đấng cứu chuộc loài người. Với ý nghĩa đó, Ngài là Môsê mới vừa là Êlia mới, mở ra một trang sử mới trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Trước thị kiến đầy kinh ngạc này, Phêrô nói lên cảm xúc đầy hoan lạc mà ông và các bạn đang tận hưởng, bằng cách xin Thầy cho dựng ba lều để ở lại luôn trên núi. Thực ra, ông không biết mình nói gì, vì các ông kinh hoàng. Tiếp theo là một đám mây bao phủ, nói lên sự xuất hiện của Thiên Chúa với việc trao ban một sứ điệp quan trọng: “Đây là Con Ta yêu dấu”. Lời này lặp lại lời của biến cố phép rửa của Chúa Giêsu, với một chút thay đổi, nhằm khích lệ các môn đệ hãy đặt trọn vẹn niềm tin vào Thầy mình. Tuy nhiên trọng điểm của trình thuật này xem ra hệ tại nơi các từ ngữ sau: “Hãy vâng nghe Lời Người”. Chắc chắn lời này nhắm tới điều mà Đức Giêsu mới nói với họ trước đó về sự thương khó và sự phục sinh của Ngài. Ngài sẽ nhận lãnh vinh quang bên kia sự nhục hình và cái chết, thì liệu họ có giữ được niềm hy vọng, và có dám tiếp tục bước theo Ngài trên con đường thập giá không?
Cũng như Phêrô, Giacôbê và Gioan, mỗi người chúng ta cũng được Chúa dẫn riêng ra một cách nào đó để Ngài biểu lộ chính mình cho ta. Nhưng nhiều khi ta muốn tránh né, chỉ muốn lao đầu vào công việc để thể hiện chính mình. Nhất là giới trẻ với tính khí sôi động, chỉ muốn chạy theo cuộc sống để tìm lợi lộc, danh giá; tìm đến những thú vui bên ngoài, và không ngần ngại ngồi lê với bạn bè, với ly trà chén rượu suốt đêm thâu, nhưng ngồi lại với Chúa một chút thì đã thấy quá lâu. Quen với lối sống ồn ào và bon chen ở đời, nên ta không còn khả năng để sống cái thinh lặng nội tâm, hầu nhận ra sự hiện diện của Chúa đang chờ đợi mình. Chúa vẫn luôn có một dự định cho mỗi người, có điều gì đó sâu xa để trao ban, để củng cố đức tin và gia tăng đức mến cho ta. Chỉ khi có giờ cận kề bên Chúa, ta mới cảm nhận tình thương mến của Ngài, mới vững vàng hơn trước những lôi kéo của thế tục, mới vững tâm hơn trước những nghi nan, mới vững lòng hơn trước những đêm tối cuộc đời, mới vững mạnh hơn trước những đau thương và thử thách.
Đức Giêsu vẫn đưa ta vào từng biến cố quan trọng, nhưng rồi cũng giống như Phêrô, ta chẳng hiểu gì. Tuy nhiên, với tình yêu sâu thẳm, Ngài vẫn tiếp tục khai mở tâm hồn ta. Nếu ta biết “lắng nghe Lời Ngài” bằng cả trái tim mình, biết chấp nhận đi vào con đường hẹp của Ngài, ta sẽ được biến đổi từ “cái tôi bên ngoài” thành “cái tôi sâu thẳm” của mình, là chính mình trong chương trình tình yêu của Thiên Chúa. Chỉ với sự biến đổi hôm nay trong ơn thánh, mới hứa hẹn cho ta một cuộc biến đổi mai ngày trong vinh quang Nước Chúa.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đã chuẩn bị cho các tông đồ,
trước biến cố đau thương và tử nạn,
bằng cách Chúa hiển dung thật sáng láng,
khiến các ông đều cảm thấy kinh hoàng.

Con tin rằng trong cuộc sống hôm nay,
Chúa cũng chuẩn bị cho con như vậy,
để vượt qua những gian nan thử thách,
bằng ủi an và nâng đỡ hằng ngày.

Nhưng đòi con phải can đảm đi ra,
ra khỏi mình ra khỏi những tiện nghi,
ra khỏi ù lì và ươn lười bất động,
để sống điều mà Chúa vẫn ước mong.

Xem ra con vẫn còn những tối tăm,
vẫn còn phải lần mò trong rối rắm,
nên không thể tránh được những sai lầm,
chỉ khi con biết lặng trầm bên Chúa,
biết lắng nghe Lời Chúa tận thâm tâm,
đời sống con mới thâm trầm tỏa sáng.

Chỉ có Chúa mới chiếu sáng đời con,
khi con biết đi vào con đường hẹp,
là cách sống thật đẹp ý Chúa Cha,
cũng là con đường Chúa đã đi qua,
để con tiếp bước thành người môn đệ,
và đem lại những ân huệ cho đời.

Chúa là điểm hẹn cho con từng ngày,
để con gặp gỡ vui mừng hăng say,
xin cho con sẵn sàng nên nhân chứng,
dám dấn thân cho sứ mạng Tin Mừng,
để thế giới và lòng người đổi mới,
cho Nước Trời được lan tỏa khắp nơi. Amen.

Lm. Thái Nguyên

================

Suy niệm 5
LỜI HẰNG SỐNG NUÔI DƯỠNG ĐỨC TIN

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần II Mùa Chay, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa muốn chúng ta phải vâng nghe Con yêu dấu của Người, phải biết lấy Lời Hằng Sống mà nuôi dưỡng đức tin của chúng ta, nhờ vậy, cặp mắt tâm hồn của chúng ta sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời chúng ta.
Dân Chúa nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong dòng lịch sử, trên đường dẫn tới Đất Hứa, vượt qua Biển Đỏ. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Xuất Hành cho thấy: Đức Chúa dẫn đầu Dân của Người, mặc dù, dân Aicập có đuổi theo và bắt kịp, nhưng, có Chúa hiện diện, Chúa sẽ ra tay bảo vệ Dân của Người: Thuở Ítraen ra khỏi Aicập, thuở nhà Giacóp rời bỏ ngoại bang, thì Giuđa trở thành nơi Chúa ngự, Ítraen nên lãnh địa của Người. Bấy giờ ĐỨC CHÚA đi đằng trước họ, trong một cột mây để dẫn đường. 
Chúng ta phải vâng nghe Con yêu dấu của Chúa, bởi vì, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Lêô Cả đã cho thấy: Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có. Anh em đã tới cùng Vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giêsu. Anh em phải coi chừng, chớ từ chối không nghe Đấng phán dạy. Quả thật, những ai từ chối không nghe Đấng tuyên sấm ở dưới đất, đã không thoát khỏi hình phạt, huống hồ là chúng ta, làm sao chúng ta thoát được, nếu chúng ta quay lưng lại không chịu nghe Đấng tuyên sấm từ trời.
Trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Sáng Thế cho thấy: Ông Ápraham đã tin tưởng tuyệt đối vào lời hứa của Chúa, khi cầm dao sát tế con mình. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 115, vịnh gia cũng đã tuyên xưng đức tin, ngay cả trong tình cảnh ê chề nhục nhã: Tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời trong cõi đất dành cho kẻ sống. Tôi đã tin cả khi mình đã nói: “Ôi nhục nhã ê chề !” Đối với Chúa thật là đắt giá cái chết của những ai trung hiếu với Người. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô cũng kêu gọi chúng ta: hãy đặt hết niềm tin tưởng nơi Chúa, bởi vì, đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? 
Đức Giêsu nói: Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Chúa Cha, Người luôn đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Cha, vì thế, Người rất đẹp lòng Chúa Cha, mà bài Tin Mừng, và câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay đã nói lên điều đó: Từ đám mây sáng chói, tiếng Chúa Cha phán rằng: Đây là Con yêu dấu, làm vui thỏa lòng Ta, hãy vâng nghe lời Người. 
Đức Giêsu đã làm gì, để được Chúa Cha ca ngợi là Con yêu dấu, làm vui thỏa lòng Cha? Chúng ta cũng đã từng nghe Đức Giêsu ngợi khen Cha vì Cha đã mặc khải những mầu nhiệm cao cả cho những kẻ bé mọn. Đức Giêsu đã biết được ý định và cách thức cứu độ nhân loại của Chúa Cha, và với ý chí nhân loại, Người đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha: Người đã chấp nhận đi vào con đường tự hủy, hóa mình ra không, tự nguyện trở nên Người Tôi Tớ trung thành, hy sinh mạng sống mình để hòa giải nhân loại với Chúa Cha. Ước gì chúng ta cũng biết vâng nghe Con yêu dấu của Chúa Cha, biết lấy Lời Hằng Sống mà nuôi dưỡng đức tin của mình, hầu, chúng ta có thể nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời mình, nhất là, trong những tình cảnh éo le, bi đát nhất, để chúng ta cũng được Chúa Cha khen tặng: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về con, như lời Ca Hiệp Lễ hôm nay. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

================

Suy niệm 6
Chúa Hiển Dung

St 22,1-2.9a.10-13.15-18; Rm 8,31b-34; Mc 9,2-10
Tuần trước Thầy báo cho môn đệ biết trước cuộc thương khó Thầy sẽ phải chịu, các ông không hiểu, Phêrô thì không chấp nhận nổi nên can ngăn, bị Thầy mắng là “Satan”! Hôm nay Thầy kéo ba môn đệ được yêu hơn (trong đó có Phêrô) đi riêng lên một ngọn núi cao, cho cả ba chiêm ngưỡng thước phim có một không hai: “Thầy biến đổi hình dạng”! Sướng quá các ông quên hết sự đời! Vẫn ông Phêrô nhanh nhảu nói vu vơ mơ mộng trong mê sảng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” (Mc 9,5). Chỉ “dựng lều” cho ba nhân vật trong “bức tranh tuyệt mỹ” này thôi, còn các ông thì cứ say ngắm thế này đã đủ, chả còn thiết sự gì nữa… Thế đấy, ai thấy khổ mà chẳng bàn lùi tránh né, thấy sung sướng oai phong thì ôm mơ dệt mộng chẳng muốn xa rời.
Khi chìm đắm chất ngất trong lúc cầu nguyện, ở trên núi (cảnh đất trời gần nhau), trong giây phút xuất thần, Thầy trở nên rực rỡ tuyệt trần. Ngày xưa lúc Môsê cầu nguyện gương mặt ông cũng bừng sáng lên. Hôm nay được lên núi cầu nguyện với Thầy, các ông được sung sướng ngất ngây, được chiêm ngưỡng vinh quang Thầy, trực diện với bậc Ngôn Sứ vị vọng trong lịch sử cứu độ, đàm đạo về cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Thầy, cuộc Tử Nạn mà Thầy đã loan báo. Phêrô hôm nay được nghe và xem thấy tận mắt. Đang say mê với cảnh thiên đường, bỗng từ trong đám mây có tiếng Chúa Cha xác nhận và kéo các ông trở về thực tại: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7). Ở lại chiêm ngắm Thầy biến hình thì dễ, nhưng phải thực hành vâng nghe lời Người là điều khó hơn nhiều, phải từ bỏ mình, vác thập giá, đi vào con đường hẹp, liều mất mạng sống…
Biến cố hiển dung của Thầy nhằm củng cố đức tin cho các môn đệ, trước khi bước vào thử thách trong cuộc thương khó. Nhưng sự hăng hái này không còn tới ngày mà khuôn mặt Thầy đầy mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu, ngày xem thấy khuôn mặt đầy thương tích của Thầy trên đồi Sọ. Sau này Phêrô đã làm chứng rằng: “Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến”. Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người.” (2Pr 1,16-19).
Thầy ơi! ngày nay chúng con có đủ can đảm xuống núi làm chứng cho Thầy giữa những tối tăm trong cuộc sống thực tại, bằng những điều mình từng “thấy” khi được lên núi với Thầy không? Xin Thầy dẫn đưa chúng con vào mối tình gắn bó keo sơn với Thầy, để trong Thầy, chúng con được biến đổi từ trong ánh mắt, đôi tai, môi miệng, trái tim, để dung nhan sáng láng dịu hiền của Thầy hiện rõ trên khuôn mặt phàm trần của chúng con.
Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Tổng Giám mục Milano: Chân phước Acutis là sứ điệp mời gọi thanh thiếu niên can đảm yêu thương
Tổng Giám mục Milano: Chân phước Acutis là sứ điệp mời gọi thanh thiếu niên can đảm yêu thương
Chia sẻ về tin Đức Thánh Cha sẽ tuyên thánh cho Chân phước Carlo Acutis vào Năm Thánh 2025, Đức Tổng Giám mục Mario Delpini của Milano nhận định rằng Acutis là sứ điệp mời gọi các thanh thiếu niên tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, lòng can đảm để yêu thương và sức mạnh trong đau khổ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log