Thứ tư, 08/05/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật I Mùa Chay năm B

Cập nhật lúc 22:33 17/02/2024

Suy niệm 1

CÁM DỖ THỜI NAY
Nhiều người trong chúng ta có thể đã hỏi ít nhất một lần trong đời rằng: Đức Giê-su vào hoang địa, chịu cám dỗ để làm gì? Ngài là Ngôi Lời, là Thiên Chúa, thì chắc chắn  sẽ chiến thắng mọi cơn xúi giục, lôi kéo, cám dỗ của ma quỷ, điều này không đúng sao? Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Nước Trời cách công khai, biến cố Đức Giê-su chịu cám dỗ có ý nghĩa gì? Hơn hết, cuộc chiến chống lại cám dỗ của Ngài có cần thiết và hệ trọng đối với chúng ta, đặc biệt trong đời sống đạo của mỗi người chúng ta chăng?
Đây chỉ là một số câu hỏi, thiết nghĩ chúng ta đôi lần cũng tự đặt ra cho mình, cũng như cho những ai có trách nhiệm giảng dạy, đào tạo và đồng hành thiêng liêng. Tuy nhiên, ở đây, chúng ta không cố gắng tìm lời giải đáp cho tất cả mọi nghi vấn, câu hỏi mà chúng ta đặt ra. Cho bằng, chúng ta cùng đặt bản thân mình vào các bài đọc hôm nay, nhất là đoạn Tin Mừng ngắn ngủi này, hy vọng chúng ta sẽ tìm thấy, sẽ khám phá điều gì Chúa muốn nói với chúng ta trong Mùa Chay Thánh này: “Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giê-su vào hoang địa và Ngài ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Sa-tan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Ngài” (Mc 1, 12-13).
Như chúng ta biết, sau khi Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan, thì Ngài được Thần Khí thúc đẩy đưa vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ, nơi đó Ngài ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày (x. Mt 3, 16 - 4, 2; Lc 3, 21- 4, 2). Như thế, đây không đơn giản là cuộc chiến chống lại cơn cám dỗ đơn thuần, mà đúng hơn, qua biến cố này, Đức Giê-su để lại tấm gương quý giá, và bộc lộ khả năng thần thiêng nơi con người, bởi lẽ con người được Thiên Chúa dựng nên giống Ngài và theo hình ảnh Ngài (Imago Dei). Thật sự, con người đã sa ngã, phạm tội, không giữ lời hứa với Thiên Chúa (x. hình ảnh A-đam và E-và ăn trái cấm), nhưng tiềm ẩn trong con người vẫn không mất đi tính thần thiêng, cũng chẳng mất đi khả năng chống lại cơn cám dỗ của ma quỷ. Thánh Sử Mác-cô không kể chi tiết Đức Giê-su đã chịu cơn cám dỗ ra sao, và Ngài đã chiến đấu với những cơn cám dỗ thế nào; nhưng Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu và Lu-ca cho chúng ta thấy rõ ba loại cám dỗ chính liên quan đến vật chất (tiền bạc), quyền lực và danh vọng (x. Mt 4, 2-11; Lc 4, 2-13). Đức Giê-su đã dùng Lời Chúa, dùng việc ăn chay cầu nguyện và sự tín thác kiên vững của Ngài mà chống lại sự xúi giục của ma quỷ. Đây chính là cách chúng ta soi vào, noi gương Ngài mỗi khi bị cám dỗ, hoặc có những xu hướng lệch lạc, khiến chúng ta xa rời Thiên Chúa, hoặc đối nghịch với giáo lý Giáo Hội.
Giữa thời đại này, có quá nhiều kiểu cám dỗ, vô vàn loại hình lôi kéo chúng ta bỏ đàng công chính, sống buông thả theo lối ‘đến đâu hay đến đấy’. Một trong nhiều thứ cám dỗ mà chúng ta cảm nhận rõ rệt ngày nay, đó là: ‘chẳng sao đâu, anh (chị) vẫn còn nhiều thời gian/thời giờ mà!’, ‘để sau cũng được mà! Chứ vội vàng (xưng tội, ăn năn sám hối…) làm chi!’, ‘hôm nào tiện thì làm (ví dụ: chần chừ đi xưng tội, phạm hết tội nhẹ đến tội trọng, nhưng dự định gộp một lần rồi xưng tội) luôn một thể’, đặc biệt khi sống làm việc ở xứ người, vừa không biết ngôn ngữ vừa biếng nhác, chưa trưởng thành trong đời sống đạo. Ngoài ra, một loại cám dỗ khác cũng khá phổ biến thời nay, đó là: ‘hành vi/hành động sai/xấu nhưng nếu chẳng ai bắt được tận tay, thì xem như bình thường’, ví dụ: ăn cắp vặt, ăn trộm vặt, nếu không ai thấy thì hành vi sai trái ấy vẫn coi như chẳng có gì nghiêm trọng cả. Như chúng ta biết hành vi sai trái, tội lỗi ở bản chất nó thì cho dù khi thực hiện có ai bắt được hay có ai thấy hay không, hành vi đó vẫn sai trái, tội lỗi. Hơn thế, một thứ cám dỗ khác như thể ‘vàng thật vàng thau lẫn lộn’, ấy là: hành động sai ngay tại bản chất của nó, nhưng nếu nhiều người làm thì nó lại trở nên bình thường như ‘bình chân như vại’! Một hành vi xấu xa ở bản chất của nó, thì cho dù nhiều hay ít người làm đi chăng nữa, nó vẫn là hành vi sai trái. Tuy ba kiểu cám dỗ thời đại này tinh vi, và hầu như phải chiến đấu nội tâm, nhưng ở mức độ nào đó, chúng vẫn liên quan đến tiền-tài-tình hoặc tiền tài-quyền lực-danh vọng-sắc dục.
Với tấm gương kiên định chống lại cám dỗ của Đức Giê-su, và trong niềm tín thác “Chúa Ki-tô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Ngài là Đấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa” (1Pr 3, 18), thì chúng ta vượt thắng mọi cơn cám dỗ. Nhờ vào lòng nhân từ Chúa, gia đình ông No-ê (gồm tám người) được cứu khỏi lụt đại hồng thuỷ (x. St 8-9) và Ngài đã ký kết giao ước với ông qua dấu chỉ ‘chiếc cầu vòng’ (‘cái mống’ hoặc ‘cây cung trên trời’ như một số bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt sử dụng), rằng: Thiên Chúa sẽ không trừng phạt như vậy nữa; thay vào đó, Ngài khoan dung, nhân từ, nhẫn nại, chờ đợi con người. Ngài thanh tẩy và ban cho con người một lương tâm ngay thẳng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa hằng sống (x. 1Pr 3, 21-22). Nhờ đó, chúng ta thêm mạnh sức, chống chọi với mọi cám dỗ, mọi xúi giục, mọi lôi kéo của ma quỷ, hòng tách rời chúng ta xa lìa Thiên Chúa. Với đời sống cầu nguyện liên lỉ bền bỉ, ăn chay hãm mình đền tội, và tận tâm làm việc bác ái yêu thương trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta sẽ luôn cảm nghiệm Chúa nâng đỡ, và đồng hành qua Giáo Hội; chúng ta sẽ được thông phần vào mầu nhiệm Thương Khó-Tử Nạn-Phục Sinh của Đức Ki-tô.
Giờ đây, chúng ta thành tâm dâng lời nguyện cầu:
Chúa đã chiến thắng cám dỗ thế nào
Xin cho chúng con chẳng nao lòng vậy
Kiên vững chống lại ma quỷ xấu thay
An chay, cầu nguyện, tháng ngày yêu thương. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

================

Suy niệm 2
Vũ khí 
chống lại Satan

(Mc 1, 12-15)
Bước vào Mùa Chay Thánh, Giáo hội quen gọi là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng để chống trả ba thù: mà quỷ, thế gian và xác thịt.
Chúng ta biết, trên thế giới hiện nay đang nổ ra các cuộc chiến, điển hình là cuộc chiến giữa Nga và Ucraina, Hamas và Israel. Để giành chiến thắng, các bên luôn đưa ra những giải pháp, thậm chí dùng những vũ khí hiện đại tối tân hòng chiến thắng đối phương.
Ukraine gồng mình giữ phòng tuyến trước các đợt “mưa bom bão đạn” của Nga. Nga dùng tiêm kích Su-34 dội bom FAB-500 xuống sở chỉ huy Ukraine hòng chiến thắng.
Vậy, chúng ta dùng vũ loại vũ khí nào để chiến thắng Satan, kẻ thù lớn nhất của chúng ta đây?
Satan cám dỗ Chúa
Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 4,1–11; Mc 1,12–13; Lc 4,1–13) đều kể lại rằng nơi Chúa Giêsu chịu thử thách là hoang địa, thời gian là 40 ngày và vai trò của Thánh Thần trong việc đưa Chúa vào hoang địa. Tuy nhiên “người cám dỗ” ngay ở đầu trích đoạn: Mathêu gọi là (tên cám dỗ)Marcô gọi là (Satan) còn Luca lại gọi là (Ma quỷ). Theo thánh Marcô Chúa Giêsu dường như chịu thử thách trong 40 ngày ở tại hoang địa.
Khi thánh Marcô nói Chúa Giêsu “sống giữa bầy dã thú” (Mc 1,13) như muốn lên hình ảnh Chúa Giêsu là Adam mới. Người giống như Adam xưa đã bị ma quỷ cám dỗ nhưng không giống Adam xưa Người đã không đầu hàng mà ngược lại Người đã chiến thắng và khôi phục lại địa đàng đã bị mất.
Khí giới Satan sử dụng
Satan là tạo vật thần linh của Thiên Chúa, nhưng đã ham muốn được loài người là tạo vật hữu hình thờ phượng, nên sinh ra tội lỗi chống lại Thiên Chúa và trở thành “cha sự nói dối” (Ga 8,44).
“Satan”, “Kẻ Quỷ Quyệt”, “con rắn” và “con rồng” khi chống lại Thiên Chúa, Satan trở thành kẻ thù lớn nhất của Ngài, và chắc chắn hắn không phải là bạn của nhân loại. Hắn căm ghét và ra sức công kích quyền cai trị Thiên Chúa, và muốn nhìn thấy quyền cai trị của Thiên Chúa chấm dứt. Satan, tiếng Hy Lạp là “kẻ vu khống”.
Nó đã cám dỗ Chúa Giêsu bằng chiêu trò đền cao mình, làm theo ý mình, bắt Chúa Cha làm phép lạ để phục vụ mình, chẳng những không vâng lời Chúa Cha, mà còn bở Chúa Cha mà đi thờ Satan.
Ý Chúa Cha là vũ khí Chúa Giêsu dùng
Tin Mừng thánh Marcô (1,12-15) thuật lại cho chúng ta một cuộc chiến giữa Chúa Giêsu và Satan tại hoang địa trong suốt bốn mươi đêm ngày. Lợi dụng thời gian này, Satan đã dùng vũ khí lợi hại để tấn công Chúa Giêsu.
Satan muốn Chúa Giêsu là một con người hoàn toàn thuộc về thế gian, thế giới mà hắn tạ nhận làm chủ. Vì là con người, Chúa Giêsu đã lấy Lời Chúa và sức mạnh của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần làm vũ khí để chiến đấu với Satan và Người đã chiến thắng, ma quỷ đã phải rút lui, và các các thiên sứ đến hầu hạ Người (x. Mc 1,13).
Các thiên sứ có “quyền năng dũng mãnh”. Họ cao siêu, thông minh và mạnh mẽ hơn loài người. Những thiên sứ trung thành thì dùng quyền năng của mình để làm điều thiện, Satan dùng quyền năng của mình để làm điều ác.
Kinh Thánh gọi hắn là “kẻ cai trị thế gian này” và “chúa đời này” (Ga 12,31; 2 Cor 4,4). Thậm chí Satan Kẻ Quỷ Quyệt còn “có quyền trên sự chết” (Dt 2,14); “kẻ giết người” (Ga 8,44). Quả thật, kẻ thù của chúng ta có quyền năng rất lớn.
Quả thật, trước khi sứ vụ cứu thế khai mào, Chúa Giêsu đã vào hoang địa, ăn chay, cầu nguyện bốn mươi đêm ngày và ở đó chịu Satan cám dỗ.
Satan lợi dụng thời gian này để tấn công và cám dỗ Chúa đi khác đường lối của Chúa Cha, đây cũng là cám dỗ bất tuân giống như con rắn xưa đã cám dỗ Ađam. Satan muốn Chúa Giêsu là một con người hoàn toàn thuộc về thế gian, thế giới mà hắn làm chủ. Vì là con người, Chúa Giêsu đã dùng Lời Chúa và sức mạnh của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần để chiến đấu. Người đã chiến thắng, ma quỷ đã phải rút lui, và các các thiên sứ đến hầu hạ Người (x. Mc 1,13).
Chúng ta phải ý thức rằng, những quỉ kế mà ma quỉ dùng để cám dỗ Chúa Giêsu, cũng là những cách chúng cám dỗ chúng ta ngày hôm nay.
Noi gương Chúa Giêsu làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần
Các chiêu Satan dùng để cám dỗ Ađam va Evà, nó cũng dùng cám dỗ Chúa Giêsu và cả chúng ta ngày hôm nay nữa. Môi trường chúng ta đang sống là nơi diễn ra cuộc chiến đấu thực sự về tâm linh. Một cuộc chiến chống lại Satan, kẻ luôn gây chia rẽ, tên nói dối, kẻ thù của Thiên Chúa và kẻ thù của con người. Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng, cuộc chiến này không thể thắng được, nếu không có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta làm theo ý Chúa.
Khi chống lại Satan, chúng ta không chỉ chống lại hắn, mà còn chống lại tất cả những kẻ đứng về phe hắn trong vấn đề quyền cai trị hoàn vũ, những thần linh phản nghịch khác, tức các ác thần (Kh 12,3-4). Nhiều lần, các ác thần đã chứng tỏ sức mạnh phi thường của mình, gây ra biết bao đau khổ cho những người mà chúng hành hạ (Mc 5,1-5). Đừng bao giờ xem nhẹ quyền năng của những thiên sứ gian ác ấy cũng như quyền năng của “kẻ cai trị ác thần” (Mt 9,34). Nếu không đứng về phía Thiên Chúa, không có sự trợ giúp của Chúa, chúng ta sẽ không bao giờ giành được thắng lợi trong cuộc chiến với Satan.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin dẫn dắt chúng ta trong cuộc chiến thường ngày, nhất là bước vào trận chiến thiêng liêng trong Mùa Chay Thánh. Amen.     
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

================

Suy niệm 3
HOANG ĐỊA
St 9, 8-15; 1Pr 3, 18-22; Mc 1, 12-15

“Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người”. (Mc 1, 12-13).
Khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng Cứu Thế, Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần đưa vào hoang địa, để ăn chay, cầu nguyện và chịu cám dỗ. Là một vị Thiên Chúa, nhưng Người đã không ngần ngại chia sẻ phận người. Người vào hoang địa, vui vẻ ăn chay, chịu Satan cám dỗ, quấy rối, nhưng Satan không chiến thắng được Người, vì Người hằng liên kết với Chúa Cha. Khi Người cầu nguyện là Người gặp gỡ, là liên kết hoàn toàn với Chúa Cha. Và Người đã chiến thắng những cơn cám dỗ bằng đời sống cầu nguyện, chay tịnh và vâng phục thánh ý Chúa Cha. Sau bốn mươi ngày đó, Người bắt đầu sứ vụ ra đi rao giảng tin Mừng, chịu bắt bớ, sỉ nhục, hành hạ qua cuộc tử nạn và chiến thắng phục sinh.
Hoang địa là nơi vắng vẻ, cô đơn đến sợ sệt, tĩnh lặng, chỉ có nắng và gió. Ngày xưa Đức Giêsu vào hoang địa nắng cháy, là nơi thử thách nặng nề chịu Satan quấy phá cám dỗ và sống giữa loài dã thú, cảnh khó khăn, trà trộn và xem như nghịch cảnh, nhưng thanh tịnh, hòa bình tựa như khung cảnh ngôn sứ Isaia từng mô tả: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.” (Is 11,6-8).
Ngày hôm nay Thánh Thần Chúa cũng mời gọi chúng con vào hoang địa là chính tâm hồn mình. Thường chúng con không muốn trở về với lòng mình, vì mải mê với những thú vui thế trần, những hưởng thụ dễ dãi mà không muốn phải sửa đổi những thói hư tật xấu, những “thú dữ” của sa mạc cuộc đời, những cám dỗ vây bủa xung quanh.
Lạy Chúa! chính Chúa đã vào hoang địa để cầu nguyện, chiến đấu và đã chiến thắng, xin cho chúng con trong mùa chay biết thực sự trở về với lòng mình, để qua cầu nguyện, được gắn bó mật thiết với Chúa. Nhờ sức mạnh trợ lực của Chúa, chúng con cùng chiến đấu, chiến thắng với Chúa. Amen.
Én Nhỏ

================

Suy niệm 4
TRONG ĐỨC KITÔ, 

TA CHỊU CÁM DỖ và CHIẾN THẮNG SATAN
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần I Mùa Chay, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Hằng năm Chúa ban cho chúng ta bốn mươi ngày chay tịnh, để tôi luyện hồn xác chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta sống những ngày khắc khổ ấy, mà học biết Đức Kitô, và dõi theo gương Người, hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ.
Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Xuất Hành tường thuật lại việc ông Môsê đến gặp vua Pharaô: ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của người Hípri đã sai tôi đến gặp vua và nói: Hãy thả cho dân Ta đi để chúng mở lễ kính Ta trong sa mạc. Những cố gắng đầu tiên của ông Môsê và ông Aharon đã hoàn toàn thất bại, nếu không nói là đã làm cho tình cảnh dân Ítraen tệ hại hơn, nhưng, Thiên Chúa sẽ can thiệp, và ngày cứu độ đã gần tới.
Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh đã cho thấy: Trong Đức Kitô, chúng ta chịu cám dỗ, và cũng trong Người, chúng ta đã chiến thắng ma quỷ, bởi vì, như lời ngôn sứ Giêrêmia nói: Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được, vì có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi. Ngươi sẽ không ngã gục vì gươm đao, nhưng, ngươi sẽ được sống và bảo toàn được tính mạng.
Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi, phần chúng ta, khi gặp khó khăn thử thách, chúng ta có vững tin vào lời hứa của Chúa, hay ngã lòng thất vọng? Vững tin vào Chúa, chắc chắn, chúng ta sẽ được cứu thoát. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Sáng Thế cho thấy: Sau cơn hồng thủy, Thiên Chúa lập giao ước với ông Nôê: Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phêrô đã nói: Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy là tám người, được cứu thoát nhờ nước. Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em.
Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 24, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Chúa, đường lối Chúa tất cả là yêu thương và thành tín, đối với ai giữ giao ước của Ngài. Lạy Chúa, nghĩa nặng với ân sâu, Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời, giờ đây xin nhớ lại. Xin Chúa lấy tình thương mà nhớ đến con cùng. Đi theo đường lối Chúa là đi vào con đường sự sống, như lời Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Người ta sống, không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.
Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô tường thuật lại ngắn gọn: Đức Giêsu chịu Xatan cám dỗ, và có các thiên sứ hầu hạ Người. Trong Đức Kitô, chúng ta chịu cám dỗ, và cũng trong Người, chúng ta đã chiến thắng ma quỷ. Đức Giêsu đã chịu cám dỗ về bánh ăn, của cải và quyền lực, nhưng, Người đã chiến thắng nhờ quy hướng mọi sự về Chúa Cha. Đối với thế gian, quy hướng mọi sự về Chúa Cha, là điều thiệt thòi, mất mát, ngu dại, và điên rồ. Những toan tính thế gian liên quan đến “thương trường” thì thật hữu dụng, nhưng, liên quan đến “thiêng trường”, thì lại thật vô dụng. Theo thế gian, chúng ta có thể đạt được lương thực, của cải, quyền lực, nhưng, chúng ta vẫn nghèo nàn ở bên trong. Theo thế gian, chúng ta có thể thống trị cả thiên hạ, nhưng, chúng ta không thể là vua cai trị như Chúa, bởi vì, bên trong chúng ta vẫn còn là nô lệ. Nếu chúng ta muốn thức ăn mau qua, của cải chóng tàn, quyền lực nhất thời, chúng ta sẽ đi theo tiếng gọi của thế gian. Nếu chúng ta muốn bình an vĩnh cửu, hạnh phúc miên trường, hoan lạc thiên thu, chúng ta phải đi theo đường lối, huấn lệnh của Chúa, và chỉ lựa chọn những gì chỉ thuộc về Chúa mà thôi. Sám hối Mùa Chay là: dừng lại những chọn lựa thuộc về thế gian, để bắt đầu quay về chọn lựa những gì thuộc về Thiên Chúa. Chọn thế gian hay chọn Chúa là tùy thuộc vào tự do của mỗi người chúng ta, khi đứng trước các cơn cám dỗ: Tình, Tiền, Tiếng, Thánh, tứ “tê”, ai khôn chọn “Thánh” bốn bề an vui.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ khởi công xây dựng nhà thờ giáo xứ Vân Thê
Thánh lễ khởi công xây dựng nhà thờ giáo xứ Vân Thê
“Viên đá góc tường là chính Đức Ki-tô” (Ep 2,20). Vào lúc 9g00 thứ Hai ngày 06.05.2024, giáo xứ Vân Thê hân hoan chào đón Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến - Giám mục Chính tòa Giáo phận Hưng Hóa, về dâng Thánh lễ khởi công, làm phép và đặt viên đá góc xây dựng nhà thờ giáo xứ Vân Thê.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log