Suy niệm 1
LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Ga 20, 19-31.
Hoài nghi là điều bình thường khi đứng trước những điều chúng ta nghe, nhất là nghe những điều quá lạ lùng vượt ngoài lý trí. Nhưng phải là sự hoài nghi tích cực, đòi nỗ lực suy tư và tìm cách khám phá về sự thật. Khi nghe các anh em nói Thầy đã sống lại và đã hiện ra thì Tôma đã không tin. Ông không để cho mình dễ dàng bị thuyết phục bởi luận chứng suông như vậy. Ông đòi thấy những dấu chứng để minh chứng về sự thật này.
Đức Giêsu nói với ông Tôma:
“Đặt ngón tay vào đây…”. Tôma kinh hoàng thưa lên:
“Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”. Như thế, dấu chỉ để người nhận ra Chúa phục sinh không phải là vinh quang chói lọi hay cái gì khác, mà là chính dấu đinh. Nếu chính Đấng phục sinh vinh hiển đã không muốn dùng vinh quang hay quyền lực của mình để khuất phục thế gian, thì phương chi là chúng ta. Và nếu Chúa đã muốn dùng những dấu đinh nơi chân tay và cạnh sườn làm những dấu chứng phục sinh, thì mỗi người chúng ta cũng không có dấu chứng nào hơn là những vết thương của những thập giá hằng ngày để làm chứng cho Chúa phục sinh.
Các tông đồ cũng đã nhận ra chính Thầy Giêsu nơi năm dấu tích, chứ không phải trong ánh hào quang. Chúa Giêsu thực sự là “người” khi “đầu đội vòng gai, mình mặc áo đỏ” nghĩa là khi Ngài bị đánh đập, sỉ nhục; Ngài thực sự là “Chúa” khi bị đóng đinh trên thập giá vì yêu thương con người. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ mong cho mình được chễm chệ trên giàu sang danh giá, trên địa vị chức tước, trên sự hưởng thụ an nhàn và thỏa mãn cho bản thân. Tất cả lối sống đó đều đối nghịch với thập giá Đức Kitô và không đưa tới sự phục sinh của Ngài. Lối sống đó chẳng thương xót ai mà chỉ làm thương tổn tha nhân.
Tin mừng Phục Sinh cho chúng ta thấy có hai con đường dẫn tới đức tin: một con đường bằng lý luận với những bằng chứng rõ ràng như tính cách của Tôma; và con đường thứ hai là dựa vào tình yêu, thoạt xem có vẻ tầm thường, nhưng thực ra lại nhanh chóng, nhẹ nhàng và cũng không kém phần vững chắc như Gioan khi ông thấy mộ trống và Đức Giêsu hiện ra bên bờ biển hồ Tibêria. Chúng ta hãy củng cố đức tin của mình bằng cả hai con đường đó. Phải có những suy nghĩ lý luận thật vững chắc về Chúa, mặt khác chúng ta cũng hãy cố gắng yêu mến Chúa ngày càng nhiều hơn, bởi vì cũng như thánh Gioan, nếu có thêm sức mạnh của tình yêu, chúng ta sẽ được mở mắt để nhận biết những gì mà người không yêu Chúa không nhận biết.
Chúa Nhật II phục sinh hôm nay, Giáo hội tuyên xưng và tán dương lòng thương xót Chúa. Thánh Gioan Phaolô II đã thiết lập lễ này đáp lại ý Chúa muốn qua thánh nữ Maria Faustina: “
Ta muốn ngày lễ kính lòng thương xót là một trợ giúp và là nơi trú ẩn cho mọi linh hồn và nhất là cho những người tội lỗi đáng thương. Trong ngày ấy, lòng thương xót của Ta sẽ rộng mở, Ta sẽ tuôn đổ một đại dương hồng ân xuống các linh hồn đến gần nguồn mạch lòng thương xót của Ta” (Tiểu nhật ký, số 699). Thánh Gioan Phaolô II qua đời vào đêm cuối tuần Phục Sinh đầu tiên (ngày 2 tháng 4 năm 2005). Lòng thương xót Chúa đã chiếu một luồng ánh sáng vào cái chết của một vị thánh thời đại.
Trong Tông sắc Misericordiae Vultus (Dung mạo Lòng Thương Xót), Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng:
“Điều tối quan trọng đối với Hội Thánh, cũng như để làm cho lời rao giảng của Hội Thánh đáng tin, chính là sống và làm chứng cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và hành động của Hội Thánh cần phải thông truyền lòng thương xót, để đến với trái tim con người và giúp họ gặp thấy lối đường dẫn về Chúa Cha” (số 12). Đáp lại lời kêu gọi trên, trong Thư gởi cộng đoàn Dân Chúa (17.9.2015), HĐGMVN nhấn mạnh:
“Mỗi người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống”. Người Kitô hữu đôi khi không cần trí tuệ để tin vào những thực tại thiêng liêng; không cần giác quan để kiểm soát những dấu chỉ mầu nhiệm trong đạo, mà cần sống bằng lòng mến. Càng yêu mến nhiều thì càng tin chắc. Càng tin vững thì càng bình an. Như vậy, con đường của lòng tin là con đường của lòng mến.
“Ai xót thương người, sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). Những ai luôn tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu phục sinh đều luôn sống tích cực và khám phá ra điều kỳ diệu qua những điều bình thường. Chính đức tin này kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.
Cầu nguyện Lạy Cha!
Thương xót là hành động của Cha,
là tiêu chuẩn để biết ai con cái,
là sống với tất cả lòng nhân ái,
nhưng bao hàm công bằng và sự thật. Thương xót không dung túng điều xấu xa,
nhưng cho con biết kiên nhẫn vượt qua,
để đón nhận những hồng ân cao cả,
xứng đáng với những gì con người “là”. Thương xót là hành động cao quí nhất,
là phẩm chất sâu nhất của con người,
là hành vi thờ phượng cao hơn cả,
vì điều Chúa muốn không phải là lễ vật,
mà trước tiên là sống với lòng nhân,
không thể nào cân phân theo lý lẽ. Đức Giê-su đã trở nên người thế,
để thể hiện lòng thương xót của Cha,
trên thập giá Ngài cũng đã thứ tha,
trước lòng dạ bạc ác của con người,
ngay cả ông Tô-ma cứng lòng tin,
Ngài cũng đã hạ mình cho xem thấy. Chúa muốn con nên hoàn thiện như Cha,
không phải là không còn gì thiếu sót,
mà là sống nhân từ và tha thứ,
không xét đoán và càng không lên án,
luôn bao dung và đại lượng vô vàn,
vì thương xót là tình yêu vô giới hạn. Xin cho con được đầy lòng thương xót,
dù nhiều khi rất đắng đót trong đời,
nhưng nhờ vậy phát sinh con người mới,
để tình Chúa sáng tỏa khắp muôn nơi,
là niềm vui ơn cứu độ cho đời. Amen. Lm. Thái Nguyên
================
Suy niệm 2
LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm, tháp nhập vào Thánh Tâm Chúa – suối nguồn ơn cứu độ - nơi này chúng ta múc lấy tình yêu vĩnh cửu. Với tâm tình cảm tạ lòng lân tuất vô bờ bến của Chúa, chúng ta cũng không quên thể hiện lòng cảm mến sâu xa đến Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, người đã công bố thánh lễ mừng kính Lòng Chúa Thương Xót qua chứng tá của Thánh nữ Maria Faustina.
Nhìn ngắm Thánh Tâm, cảm nghiệm lòng Chúa xót thương, chúng ta nguyện luôn luôn chúc tụng, hát khen “tình thương của Chúa con sẽ hát ca, con sẽ hát hoài, con sẽ ca ngợi suốt đời” (Tv 89). Đồng thời, qua đó, chúng ta biết nhìn lại con người yếu đuối, tội lỗi của ta, để rồi chúng ta luôn biết sống sao cho phải đạo, cho xứng đáng là người con của Chúa ‘nhân từ, chậm bất bình và rất mực khoan dung’. Chắc hẳn quý ông bà và anh chị em ít nhiều cũng cảm nghiệm, được ơn ích mỗi lần kính lòng thương xót Chúa! Một điều chúng ta xác tín là: lòng Chúa thương xót vô vàn, không bờ bến, trải qua muôn ngàn thế hệ, lớn lao hơn tội lỗi, sự yếu hèn của con người chúng ta. Qua các bài đọc Phụng vụ hôm nay, chúng ta càng được thấy rõ điều này.
‘Lòng Chúa thương xót’ quy tụ dân Chúa, cộng đoàn tín hữu đầu tiên sống trong niềm thành tín, yêu thương và hiệp nhất với nhau (x. Cv 4, 32-35). Mỗi người một vẻ, nhưng tất cả đều đồng tâm nhất trí với nhau qua việc kinh nguyện và nghi thức bẻ bánh (Thánh lễ). Và quan trọng hơn, khi họ tiếp xúc với Lời Chúa, với chính Sự sống của Chúa, cộng đoàn tín hữu đầu tiên đã ‘ra đi’ loan truyền lòng xót thương của Chúa mà họ đã được trải nghiệm bằng việc chia cơm sẻ áo, trợ giúp lẫn nhau, yêu thương tha nhân. Lòng Chúa thương xót thúc giục mỗi chúng ta hãy mạnh dạn ra khỏi tính ương hèn, lười biếng, nếp sống bàng quang, do dự, hờ hửng, dửng dưng, v.v... của bản thân, để đưa chân tiến bước chia san sau khi miệng đọc kinh, lòng suy gẫm, tâm hồn được chan chứa nguồn vui. Lòng Chúa thương xót mời gọi chúng ta sống cho nhau, chứ không chỉ biết ‘co cụm’, ‘quanh quẩn’ những nơi làm thoả mãn tính ích kỷ của ta, những chốn xa hoa, phố phường, những ‘ngôi biệt thự không hồn’ của cộng đoàn, của chúng ta.
Hơn nữa, Lòng Chúa Thương Xót giúp chúng ta thắng hết sự yếu hèn, thú vui, đam mê, tật xấu thế gian (x.1Ga 5, 1-6) Con người chúng ta thường có xu hướng lên án, kết tội anh chị em qua những toà án di dộng. Mỗi khi chúng ta ngồi lê đôi mách, chúng ta thường kể tội của anh chị em, những người không hiện diện, và vô hình dung chúng ta xét xử anh chị em với sự tham gia của vị thẩm phán đó là chúng ta, vị luật sư bào chữa là chúng ta, và nhân chứng cũng là chúng ta. ‘Toà án di động’ này chẳng đem lại cho chúng ta nguồn vui, niềm thảnh thơi nào, ngoài sự áy náy, nuối tiếc trong tâm tư của chúng ta! Nếu chúng ta thực sự tôn sùng, kính yêu lòng Chúa Thương Xót, chúng ta hãy đón nhận suối nguồn lân tuất, biết tha thứ, biết chiến thắng những thói quen không lành mạnh, những gì là trái ngược với lòng Chúa xót thương mà Ngài luôn luôn trao ban cho chúng ta. Và qua sự chia san, tương thân, tương ái, ‘người ta sẽ nhận biết anh em chính là môn đệ của Thầy’ (x. Ga 13, 35), là ‘môn đệ của lòng vị tha, bác ái, bao dung’.
Sau cùng, Lòng Chúa Thương Xót vượt trên tính kiêu ngạo, lòng nghi ngờ, sự yếu đuối của con người có lòng tin yếu hèn (x. Ga 20, 19-21). Chẳng có gì mà đáng lo ngại, tội lỗi cho bằng ‘nghi ngờ tình yêu Thiên Chúa dành cho con người chúng ta’ (Thánh Gio-an Maria Viên-nê). Giữa xã hội thực dụng này, mọi điều đều quy ra vật chất, quy ra những gì mà ‘sờ, đụng, cân, đo, đong, đếm’ được. Kể cả lòng tin, giá trị, văn hoá, v.v... cũng bị mặc cả, ra giá như món đồ thông thương. Nhưng nhờ lòng Chúa Thương Xót, người Ki-tô giáo chúng ta nhận ra điều gì làm đẹp lòng Chúa, sự gì trái ngược với đạo nghĩa làm người, và làm con Thiên Chúa. Lòng tin cần được cụ thể hoá, cảm nghiệm một cách sâu xa và mang tính cá vị như một cuộc gặp gỡ, đối diện với người mình đặt trọn niềm tin. Lòng tin không dựa trên lời ra tiếng vào, lời rêu rao, nghe ngóng từ ‘những đài truyền thanh di động’, mà lòng tin đích thực, chân chính phải dựa trên mối tương quan giữa người với người, cuộc gặp gỡ giữa hai tâm hồn, giữa hai con tim sống động như cuộc gặp gỡ giữa hai thầy trò: Chúa Giê-su và thánh Tô-ma. Lòng tin đích thực không ‘ngặm nhấm quá khứ tệ hại’ hay ‘trông mong, kỳ vọng mong lung về tương lai’, nhưng lòng tin chân chính biết chấp nhận và vun trồng cho ‘hiện tại’ dẫu cho nó không sáng sủa là bao! Hơn thế, lòng tin không bám víu, lệ thuộc vào luật lệ, điều lệ, mà là phụ thuộc vào lối sống, thái độ, động lực của chúng ta. Lòng Chúa thương xót mời gọi chúng ta can đảm vượt thắng tính đố kỵ, ngờ vực, kỳ vọng mong lung hay thần tượng hoá, v.v...Hơn thế nữa, lòng chúng ta ích kỷ vô hạn, nhưng nếu được đặt vào Lòng Chúa xót thương vô hạn thì sự hữu hạn của chúng ta sẽ được sự vô vàn, bao dung vô hạn của Chúa lấp đầy!
Nguyện xin Chúa cho tâm hồn khép kín của chúng con biết mở rộng, cho đôi mắt ‘bệnh tật’ của chúng con được sáng tỏ, cho đôi tai ‘điếc lác’ của chúng con mở toan ra, cho đôi môi ‘thâm’ của chúng con được trở nên trong sạch, và cho đôi tay, đôi chân ‘bại liệt’ của chúng con được chữa lành hầu chúng con sẵn sàng đón nhận, ra đi với người anh chị em như lòng Chúa thương xót vô bờ bến mà Ngài hằng dành trọn cho nhân loại. Amen.
Lm. Xuân Hy Vọng
================
Suy niệm 3
Vết Thương Của Lòng Thương Xót
(Ga 20, 19-31)
Tại Rôma, ngày 30-04-2000, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong nữ tu Faustina lên bậc hiển thánh và chính thức thiết lập ngày lễ kính Lòng Chúa Xót Thương vào Chúa Nhật II Phục Sinh trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Kể từ đó việc sùng kính Lòng Chúa Xót Thương ngày một phát triển sâu rộng trên khắp thế giới.
Khi nói về “Chúa Nhật Lòng Chúa Xót Thương” thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã viết như sau: “Cũng như Thánh Faustina, chúng ta tuyên xưng rằng ngoài Lòng Chúa Xót Thương, không còn nguồn hy vọng nào khác cho nhân loại, đặc biệt cần thiết cho thời đại chúng ta hôm nay, một thời đại mà nhân loại đang phải trải qua những lo lắng hoảng sợ trước bao nhiêu sự dữ. Kêu cầu đến lòng thương xót của Chúa rất cần thiết để tự đáy tâm hồn đầy khổ đau, lo lắng, và bất ổn của chúng ta luôn trào dâng một niềm cậy trông vững chắc…”
Từ cạnh sườn bị đâm thủng: nguồn ánh sáng và lòng thương xót tuông trào. Phép Rửa tội đích thực là lòng thương xót của Thiên Chúa được “sinh ra” từ cạnh sườn bị đâm thủng của Chúa Kitô, “nguồn suối của lòng thương xót, tuôn trào sự tha thứ“, không chỉ tha thứ tội Tổ Tông, mà còn liên kết chúng ta với Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần.
Cuộc gặp gỡ thương xót của Đức Kitô với Tôma, không chỉ riêng Tôma mà cả các môn đệ kia nhờ Tôma mà thấy tỏ tường những vết thương của Thầy Chí Thánh. Các môn đệ hết sức vui mừng vì được gặp Chúa.
Cử chỉ trao ban bình an của Chúa cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang lo sợ và kinh ngạc, trở nên những tác viên của Lòng Chúa Thương Xót. Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con“. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại” (Ga 20, 21- 23). Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân “tha thứ các tội lỗi” diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi Phục Sinh. Những vết thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau, thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa đổ xuống trên toàn thế giới, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho chúng nhân niềm hy vọng.
Như thánh Tôma, Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta: “Hãy sỏ ngón tay con vào đây, hãy đưa tay ra và thọc vào cạnh sườn Thầy!” (Ga 20,19) Cử chỉ này đã đủ cho Tôma. Ông không thể sai lầm. Tay Chúa Kitô có một lỗ đanh, cạnh sườn Chúa có vết thương: ngần ấy các dấu chỉ của tình yêu mà Chúa Giêsu không che giấu, thậm trí Người cho chúng ta thấy: lỗ đanh, vết thương ở cạnh sườn Người mà từ đó máu và nước chảy ra: lòng thương xót của Thiên Chúa.
Để giúp chúng ta chuẩn bị lãnh nhận Thánh Thể là của ăn nuôi dưỡng linh hồn, Chúa để lại “phép lạ của Lòng Thương Xót”, đó là bí tích Giải tội. Ở đây Chúa hiện diện với chúng ta như Đấng Cứu Độ với lòng thương xót, là suối nguồn thương xót để ủi an, tha thứ và hoán cải đời sống chúng ta, cho dù tội lỗi chúng ta có đầy tràn.
Mỗi lần chúng ta đi xưng tội với đức tin và tâm tình sám hối thì thật không thể hiểu nổi Lòng Thương xót của Thiên Chúa bao dung tha thứ biết chừng nào. Anh trộm lành ngày xưa vừa nhận mình là kẻ có tội và quay sang xin với Chúa, ngay lập tức anh được Chúa thứ tha: “Ngay hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với Ta”.
Chúa nói với thánh Faustina: “Khi con đi xưng tội, tức là con đến với nguồn Thương xót này, gồm Máu và nước đổ ra từ Trái Tim Ta luôn luôn tuôn xuống linh hồn con... nơi Tòa Án Thương Xót, những phép lạ cao cả nhất tiếp diễn không ngừng… Đây là nơi gặp gỡ của Thiên Chúa Thương xót và linh hồn tội lỗi.
Con hãy dùng đức tin khi quỳ dưới chân người đại diện của Ta… Chính Ta đang chờ đợi con ở đó… Hãy xưng tội trước mặt Ta. Cá nhân vị linh mục đó là Ta, chỉ cách có bức màn. Đừng bao giờ thắc mắc vị linh mục mà Ta dùng đó là ai. Hãy mở linh hồn con khi xưng tội như là xưng với Ta, và Ta sẽ ban cho linh hồn con đầy ánh sáng…Hãy chỉ cho các linh hồn biết phải tìm đâu niềm an ủi. Đó chính là nơi tòa giải tội... bằng đức tin chân thành, hãy đến với vị đại diện Ta nơi tòa giải tội, và kể hết cùng ngài những khốn khổ của linh hồn, và rồi phép lạ của Lòng Thương xót sẽ xảy ra. Một linh hồn giống như thây chết đã thối rữa, đối với quan điểm của loài người là hết hy vọng, là mất tất cả. Nhưng đối với Thiên Chúa lại không vậy. Phép lạ của Lòng Thương xót sẽ phục hồi hoàn toàn linh hồn đó.” (Trích Thông điệp và việc sùng kính Lòng Thương xót Chúa).
Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa, xin thương xót chúng con và thế giới.
Lạy Mẹ maria, Mẹ của lòng nhân từ hay thương xót, xin giúp chúng con là con cái Mẹ duy trì lòng tin vào Con Mẹ, Ðấng cứu chuộc chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
================
Suy niệm 4
XIN GIA TĂNG ÂN SỦNG
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 2 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Hằng năm Chúa dùng ngọn lửa phục sinh mà khơi lại niềm tin trong lòng dân thánh, cúi xin Chúa gia tăng ân sủng, để chúng ta hiểu rằng: chính Chúa Kitô đã thanh tẩy chúng ta bằng Bí Tích Thánh Tẩy, đã tái sinh chúng ta bằng Thánh Thần và cứu chuộc chúng ta bằng Máu Thánh.
Xin Chúa gia tăng ân sủng, để chúng ta luôn biết quy hướng về thượng giới, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô đã kêu gọi: Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.
Xin Chúa gia tăng ân sủng, để chúng ta dứt khoát với tội lỗi, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh cũng chung tâm tình với Phaolô khi khuyên nhủ: Anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng, để anh em mặc lấy trong đời sống, Đấng mà anh em đã mặc lấy trong bí tích. Anh em hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa vì được kết hợp với Đức Kitô Giêsu. Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.
Xin Chúa gia tăng ân sủng, để chúng ta được hiệp nhất với nhau, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật: Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.
Xin Chúa gia tăng ân sủng, để chúng ta thắng được thế gian, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Gioan đã khẳng định: Mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian, và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta.
Xin Chúa gia tăng ân sủng, để chúng ta vững tin vào Chúa, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 117, vịnh gia đã kêu gọi: Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Ítraen hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Nhà Aharon hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Ai kính sợ Chúa hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay cũng cho thấy: Tin là một mối phúc: Chúa nói: Này anh Tôma, vì đã thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.
Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan tường thuật lại việc Đức Giêsu hiện ra và bảo ông Tôma: Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin. Ông Tôma đã tuyên xưng: Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! Đức Giêsu bảo: Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin. Thư Hípri đã nói: Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Ấy thế mà, ông Tôma thấy mới tin. Ông thấy gì? Và ông tin điều gì? Ông thấy Đức Giêsu là Chúa (Lord), nhưng ông tin Đức Giêsu là Thiên Chúa (God). Xin Chúa gia tăng ân sủng, để chúng ta cũng có được một đức tin như ông Tôma, để rồi, chúng ta có thể nhìn thấy Chúa trong mọi sự, nhất là, trong những hoàn cảnh éo le bi đát nhất.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
================
Suy niệm 5
SUỐI NGUỒN XÓT THƯƠNG
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Hôm nay chúng ta tiếp tục cùng với Giáo Hội hân hoan ca mừng niềm vui Phục Sinh và chung lời cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài hằng xót thương chúng ta, dẫu chúng ta bất xứng với Ngài.
Nhớ lại dịp lễ phong Thánh cho sơ Maria Faustina Kowalska (1905 1938) — Tông đồ Lòng Thương Xót — vào ngày 30 tháng 4 năm 2000, Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã loan báo: Chúa Nhật sau Lễ Phục Sinh sẽ được gọi là Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa. Lòng thương xót của Ngài trải rộng từ đời này tới đời kia. Mỗi lời nói, hành động và ý muốn của Thiên Chúa đều diễn tả tình yêu nhân lành và lòng xót thương. Chương trình cứu độ của Chúa là giao ước tình yêu, một tình yêu trao ban, tình yêu tận hiến và tình yêu vô điều kiện. Chẳng ai có thể đáp trả tình yêu thương xót của Chúa cho cân xứng, vì Ngài chính là suối nguồn xót thương tuôn đổ dạt dào trong tâm khảm con người, và ai nấy được ngụp lặn trong tình yêu ấy như lời kinh tóm gọn trọn vẹn tâm tình nguyện cầu của chúng ta: ‘Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng lên Cha Mình và Máu, Linh hồn và Thần tính của Đức Giê-su Ki-tô, Con yêu dấu Cha, Chúa chúng con. Để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới’. Thế rồi lời kinh đơn sơ vang lên qua chuỗi hạt Lòng Thương Xót: ‘Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giê-su Ki-tô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới’. Và khép lại với xác tín ‘Lạy Cha Chí Thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới’.
Ước gì mỗi chúng ta được cảm nghiệm sâu sắc Lòng Chúa xót thương nơi mọi trạng huống cuộc đời và trong ngày sống thường nhật; cũng như biết tín thác, tuyên xưng đức tin như Thánh Tô-ma Tông đồ ở bất cứ đâu: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20, 28). Lời tuyên tín này lột tả lòng tin vững mạnh vào Đức Giê-su Ki-tô Phục Sinh ngang qua cuộc gặp gỡ nhiệm mầu với Ngài, chứ không căn cứ vào lời đồn thổi, lời nghe kể từ người này người kia. Lời tuyên tín này xóa tan ý nghĩ cho rằng Tô-ma Tông đồ là người cứng lòng tin! Hơn nữa, đức tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh chính là nguồn động lực thúc đẩy, nâng đỡ cộng đoàn tín hữu thời sơ khai, mọi người “lúc bấy giờ đều đồng tâm nhất trí” (x. Cv 4, 32), và trở nên hành động yêu thương cụ thể, đó là “lòng yêu mến Thiên Chúa là chúng ta tuân giữ giới răn Ngài, và giới răn của Ngài không nặng nề” (1Ga 5, 3). Trên hết lời tuyên tín này được Thánh Thần xác thực, “…đây là cuộc thắng trận thế gian…Đấng đã đến nhờ nước và máu, chính là Đức Giê-su Ki-tô, không phải trong nước mà thôi, nhưng trong nước và máu nữa, có Thánh Thần làm chứng rằng Chúa Ki-tô là chân lý” (1 Ga 5, 5-6).
Một câu chuyện kia được thuật lại như sau: Có nhà thông thái nọ ước mong sáng lập ra tôn giáo mới. Sau nhiều năm ròng rã khắp nơi, ông bèn đem mọi sự khôn ngoan mà ông học hỏi được nhằm thuyết phục người ta gia nhập đạo mới ấy. Nhưng kết quả thật thất vọng vì chẳng ai nghe theo. Thấy thế, ông than thở với bạn hữu và nhận được một lời khuyên: ‘Nếu anh muốn thiên hạ theo anh, đơn giản thôi, anh làm như sau: Vào thứ năm, anh ăn bữa tiệc cuối cùng, còn ngày kế tiếp, để người ta đóng đinh treo anh trên khổ giá, rồi chôn cất, nhưng anh phải sống lại vào ngày Chúa Nhật. Làm được vậy, chắc chắn ai ai cũng sẽ theo anh’. Và anh bạn cho lời khuyên này kết thúc với câu: Đây chính là cao kiến của vị tướng lẫy lừng Na-pô-lê-on!
Điều mà Na-pô-lê-on nhấn mạnh ở câu chuyện trên có sức lôi cuốn con người ta chính là sự sống lại. Thật vậy, Chúa chúng ta đã chịu khổ hình, tử nạn trên Thập giá và chiến thắng sự chết, Phục sinh khải hoàn để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, ngõ hầu dẫn chúng ta bước vào sự sống mới. Chương trình cứu độ này khởi sự từ suối nguồn Xót thương của Thiên Chúa, được tác giả Ron Lee Davis diễn tả phần nào trong tác phẩm của ông “A Forgiving God in An Unforgiving World” (tạm dịch: “Thiên Chúa Hằng Tha Thứ trong Một Thế giới Chẳng Biết Thứ Tha”): Thiên Chúa chẳng nhớ đến tội lỗi của chúng ta! Hy vọng, mỗi người chúng ta luôn hân hoan sống đức tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh, dám tuyên tín qua cuộc sống làm con Chúa, và ngày càng trở nên khí cụ sẻ chia lòng vị tha, tình thương xót Chúa đến với mọi người.
Cầu nguyện: Chúng nhau cùng dành ít phút thinh lặng trước ảnh/tượng Lòng Chúa Thương Xót và thầm thỉ với Ngài:
Lạy Chúa, suối nguồn xót thương
Nép mình liên lỉ tựa nương vào Ngài.
Dẫu đời lắm nỗi bi ai
Hằng ngày chạy đến, xin Ngài chở che…Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
================
Suy niệm 6
KHÍ CỤ BÌNH AN – NHÂN CHỨNG YÊU THƯƠNG – SỨ GIẢ VỊ THA
“Bình an cho anh em” (Ga 20, 19) là lời Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh nhắc đi nhắc lại khi Người hiện đến với các Tông Đồ đang ẩn mình sợ hãi sau khi Chúa chịu tử nạn đau thương. Hơn ai hết, Chúa Ki-tô Phục Sinh biết rõ tâm hồn các Tông Đồ, thấu hiểu tâm tư của con người chúng ta cần đến sự bình an thâm sâu ra sao; và sự bình an này không như những điều mà thế gian này mang lại cho bằng chính Chúa Ki-tô Phục Sinh là nguồn bình an tuôn đổ dồi dào tận đáy lòng, đến mọi ngóc ngách, nẻo đời của cuộc sống chúng ta!
Với khúc ca Al-lê-lu-ia khải hoàn vang lên trong đêm Vọng Phục Sinh, chúng ta cùng nhau mở lòng ra, cúi đầu khiêm nhu đón nhận ơn bình an Chúa Phục Sinh mang đến, và ước gì sự bình an này toả lan, biến chúng ta thành những sứ giả bình an của Chúa Ki-tô (x. Ga 20, 19-31), luôn luôn sống ‘đồng tâm nhất trí’ (x. Cv 4, 32-35), và nhờ dấu chỉ hiệp nhất, yêu thương này mà mọi người nhận biết, tiến đến cung lòng xót thương của Chúa (x. 1Ga 5, 1-6).
Như được thuật lại trong sách Công Vụ Tông Đồ, cộng đoàn Ki-tô giáo tiên khởi đã được đón nhận và sống ân sủng bình an mà chính Chúa Ki-tô Phục Sinh trao ban. Ân sủng bình an đó đã lan rộng, thúc đẩy các tín hữu sống hiệp nhất với nhau, vượt qua mọi khác biệt để trở thành chứng tá nhiệt tâm cho Chúa, và Người đã ban cho họ dồi dào ơn sủng (Cv 4, 33). Lối sống ‘đồng tâm nhất trí’ này không những chỉ nhờ vào sự nỗ lực, bỏ mình, hy sinh của mỗi cá nhân trong cộng đoàn, mà tiên vàn nhờ bởi Cuộc Khổ Nạn – Phục Sinh của Chúa Ki-tô, và được minh chứng đầy quyền năng nhờ Thần Khí Sự Thật (Chúa Thánh Linh) mà Chúa Ki-tô Phục Sinh đã trao ban cho các Tông Đồ khi Người hiện đến với các ông sau khi ban ơn bình an, Người sai các ông đi loan truyền, và Người thổi hơi, nói: “các con hãy nhận lấy Thánh Thần” (x. Ga 20, 21-22). Hơn nữa, Người còn trao năng quyền cho các ông trở nên sứ giả của lòng thương xót, của lòng vị tha qua việc tha tội (x. Ga 20, 23).
Sau khi suy tư một số điểm từ Lời Chúa hôm nay, giờ đây chúng ta hãy đặt mình trước Lời Hằng Sống, trước Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh và nhìn lại đời sống đức tin của chúng ta, đời sống cộng đoàn, đời sống gia đình, đời sống tận hiến – phục vụ - truyền giáo của mỗi người chúng ta! Sau cùng, xin Lời Chúa soi chiếu và biến đổi mỗi người chúng ta trong tác vụ, ơn gọi, sứ mệnh của mình.
Trước hết, chúng ta được lãnh nhận và được mời gọi làm sứ giả bình an của Chúa Phục Sinh, chúng ta đã biết sống kết hiệp với Chúa, sống hết mình với anh chị em, biết cộng tác với ơn Chúa để sống xứng đáng là sứ giả của niềm hoan lạc, của sự bình an chưa? Thay vì loan báo niềm vui, bình an, ơn cứu độ xuất phát từ lòng từ bi Chúa, chúng ta vô tình trở nên những người gieo rắc sự bất an, bất trung, bất tín, nỗi buồn, sầu khổ đến với anh chị em, kể cả cho chính bản thân mình hay không?
Kế đến, chúng ta được Chúa yêu thương mời gọi sống thương yêu, hiệp nhất với nhau, và nhờ đó, chúng ta trở nên chứng nhân của sự hiệp nhất, lòng bác ái. Thế nhưng trong thực tế, chúng ta đi ngược lại với điều đó, tạo ra sự mâu thuẫn, hiểu sai hay hiểu lầm cho nhau! Thay vì vun đắp cho cộng đoàn, gia đình, hội đoàn, giáo xứ được hiệp thông, hiệp nhất nên một thì vô tình chúng ta ‘xây thành đắp luỹ’ cho nhóm riêng biệt của mình, chúng ta ‘tìm kiếm đồng minh’ hay ‘gầy dựng fan hâm mộ’ để rồi ‘chia năm xẻ bảy’ trong hội đoàn, cộng đoàn, giáo xứ!
Tương tự, chúng ta được Chúa thứ tha, và được Người mời gọi trở nên khí cụ của lòng thương xót, tha thứ vô bờ bến của Người, đặc biệt, các thừa tác viên có chức Thánh – là những sứ giả của Suối Nguồn Xót Thương, của lòng thứ tha, chúng ta đã sống đúng với trách vụ, ơn gọi và sứ mạng ấy chưa? Như bao nhiêu tín hữu khác, là những người sống đời sống dâng hiến dù là dòng hoạt động, chiêm niệm hay đan tu, dù là cha xứ hay linh mục truyền giáo trong nước cũng như ngoài nước, chúng ta cũng nên dành ít nhiều thời gian suy gẫm, nhìn lại tác vụ, lối sống, thái độ, tương quan của mình với Chúa, với tha nhân và với chính bản thân mình! Còn với chúng ta là những người Ki-tô hữu, chúng ta đã năng đến đón nhận ơn tha thứ, biết sống thứ tha, và làm chứng cho lòng thương xót của Chúa chưa?
Với vài điểm suy tư trên, để kết bài suy niệm này, chúng ta hãy chạy đến với Lòng Thương Xót Chúa – suối nguồn bình an và tha thứ – mà chúng ta mừng kính hôm nay, để thầm thỉ nguyện cầu:
Lạy Chúa Xót Thương
Chốn con tựa nương
Suối nguồn bình an,
Thứ tha miên trường.
Xin biến đổi con,
Một tấm lòng son
Sứ giả bình an
Vượt núi trèo non.
Ra đi loan truyền
Bác ái tinh tuyền
Hiệp nhất mọi nơi
Từ ái mãi liên!
Lm. Xuân Hy Vọng
================
Suy niệm 7
MỘT ĐIỀU GÌ ĐÓ VĨ ĐẠI HƠN
“Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay cho thấy Tôma thật bướng bỉnh! Nhưng lạ thay, Chúa Phục Sinh muốn dùng con người này để giúp chúng ta hiểu được ‘một điều gì đó vĩ đại hơn!’.
Tôma được mời thọc tay vào lỗ đinh, xỏ tay vào cạnh sườn Thầy và Tôma đã không nói, “Đúng, Chúa đã sống lại!”. Không! Vượt xa hơn, vượt quá sự hiểu biết cần thiết, Tôma tuyên xưng, “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Không thể thiết thân hơn! Chúa Phục Sinh tự đặt mình trong một khoảng cách rộng vừa một bàn tay để Tôma dễ dàng chạm đến Ngài. Ngài mời người môn đệ đầy nghi nan này áp sát Ngài để có thể chạm vào trái tim đầy xót thương của Ngài; hầu không chỉ hết nghi ngờ về thân xác phục sinh của Thầy, nhưng còn không nghi ngờ về một Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Cùng Tôma, bạn và tôi hãy đến bên Chúa Giêsu, chiêm ngắm cạnh sườn rộng mở để thấy cho được ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’, một trái tim héo hắt vì quá yêu các linh hồn.
Không chỉ muốn chạm đến trái tim Chúa Giêsu, chúng ta mời Ngài chạm trái tim mình. Như những người cùi đã phơi trần thân thể biến dạng cho Chúa Giêsu, bạn và tôi cũng chỉ cho Ngài linh hồn biến dạng dị hợm của mình, xin Ngài chạm đến và chữa lành. Hãy cho phép “ngón tay thánh” của Ngài sờ vào những gì cần được cải hoá bởi ân sủng qua Bí tích Hoà Giải; ấy cũng là ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’ Ngài luôn mong mỏi. Và các linh hồn nữa! Phải, các linh hồn cũng là ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’ mà Ngài hằng đói khát.
Từ lúc Faustina qua đời, 1938, những mặc khải tư của chị bắt đầu được chia sẻ, nhưng đã bị Văn Phòng Toà Thánh đưa vào danh sách “cấm”. Tuy nhiên, năm 1965, với sự cho phép của Văn Phòng này, Tổng Giám mục Karol Wojtyła bắt đầu cung cấp các tư liệu của Faustina và các bài viết của chị bắt đầu toả sáng. Ngày 15/4/1978, Bộ Giáo Lý Đức Tin cho phép phổ biến tài liệu của Faustina về việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót. Sau đó, bởi sự quan phòng kỳ diệu, ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’ đã xảy ra. Chỉ 6 tháng sau, Karol Wojtyła được bầu làm giáo hoàng. Hai thập kỷ sau, ngày 30/4/2000, Faustina được chính Gioan Phaolô II phong hiển thánh; nhân dịp này, ngài thiết lập lễ Lòng Thương Xót vào ngày thứ tám Bát Nhật Phục Sinh hàng năm, tức là ngày hôm nay.
Anh Chị em,
“Chớ cứng lòng, nhưng hãy tin!”. Thật đáng kinh ngạc, tự tay Chúa Giêsu Phục Sinh chọn ra một trong những giáo hoàng vĩ đại nhất để giới thiệu những mặc khải về lòng thương xót của Ngài cho thế giới. Phần chúng ta, hãy đến với Ngài là suối nguồn xót thương bất kể chúng ta là ai, tình trạng linh hồn thế nào: tội lỗi, sốt mến, lơ là hay đạo đức… Đừng để mình chết khát bên mạch suối sự sống. Cuộc đời luôn có gì đó ít hơn, hoặc nhiều hơn, nhưng sự Phục Sinh của Chúa Kitô và lòng thương xót của Ngài thì không thể có ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’. Hãy chọn lựa và sống cho cái tuyệt đối đó - lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô. Ước gì lòng thương xót của Ngài chạm đến bạn và tôi, biến chúng ta thành những khí cụ xót thương của Ngài; và rồi ra đi chạm đến anh chị em mình để họ cũng cảm nhận được lòng thương xót Chúa.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con khát khao một điều gì ngoài Chúa; cho con khát cả những linh hồn cho Chúa; đó cũng là một điều vĩ đại rất đáng ao ước!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế ================
Suy niệm 8
Lạy Thiên Chúa của con!
Ga 20, 19-31
Sau cái chết như “một tử tội” của Thầy Giêsu, các môn đệ vô cùng khiếp sợ. Ngay cả sau khi Thầy đã sống lại, các ông vẫn chưa hoàn hồn vì nỗi sợ người Do Thái. Vào buổi chiều Chúa nhật, phòng ở của các ông còn đang đóng kín các cửa, bỗng Chúa hiện đến đứng ngay giữa và trấn an: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19b). Vì sợ hãi làm cho tâm hồn các ông bị khép kín, sống co cụm, cách biệt các mối tương quan, không gặp gỡ giao tiếp với ai. Khi có Chúa ở giữa với lời ban bình an, các ông như được cởi bỏ mối lo sợ đang ngập tràn. Để họ an tâm xác nhận, Người cho các ông xem chân tay và cạnh sườn rồi thổi hơi (ban Thánh Thần) cho các ông. Người truyền sai đi và ban quyền tha tội cho các ông. Có sự hiện diện với ơn bình an của Chúa Phục Sinh, các ông như được mở tung cõi lòng, như tia nắng mới, làn gió mát ùa vào khiến họ tự tin vững vàng để làm chứng cho Thầy mà không sợ hãi. Sự bình an của Chúa là ơn đặc biệt mà “thế gian chẳng thể ban được”. Sự bình an luôn là niềm khát vọng ngàn đời của cả nhân loại.
Lần trước Chúa hiện đến với các môn đệ thì ông Tôma vắng mặt. Các môn đệ khác nói lại nhưng ông không tin. Có lẽ nhiều người hôm nay chê trách Tôma quá cứng lòng. Nhưng thật ra, Chúa Giêsu đã chết rồi “tự sống lại” là chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử, ông lại không nhìn thấy nên thật khó để tin. Ông đại diện cho những người không sống theo dư luận, không hùa theo đám đông khi chưa nhìn rõ sự việc gì hệ trọng, mà phải là mắt thấy, tai nghe và tay rờ. Tin Mừng hôm nay là chuyện tám ngày sau, hôm ấy ông Tôma cùng ở đó và đã nhìn rõ Thầy mình. Chắc chắn ông đã tin, nhưng biết lòng người môn đệ này, Chúa còn lấy tình thân thương mà “nhắc nhủ” riêng ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (Ga 20, 27). Lúc này ông vừa tin, vừa yêu, vừa kính sợ và chỉ còn biết kêu lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Tình yêu và sự bình an của Chúa Phục Sinh đã tràn ngập tâm hồn ông, khiến ông cảm nhận thật rõ lòng thương xót của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh! Hôm nay là Chúa nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, vì tình yêu và lòng xót thương, Chúa đã chịu chết, chịu lưỡi đòng đâm thấu Trái Tim, để từ đây Máu và Nước đã tuôn trào như suối nguồn thương xót chúng con. Như thánh Tôma Tông đồ, xin Chúa cho chúng con luôn cảm nhận, tin yêu và tín thác trọn cuộc đời mình trong Trái Tim yêu thương của Chúa, để đời chúng con luôn sống trong sự bình an của Chúa, lạy Thiên Chúa của con! Amen.
Én Nhỏ