Thứ sáu, 22/11/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 3 Phục Sinh - Năm B

Cập nhật lúc 07:59 11/04/2024
Suy niệm 1
NH AN CỦA CHÚA KI-TÔ PHỤC SINH
Trong xã hội đầy chuyển biến, thế giới với biết bao nhiêu nhiễu nhương, mâu thuẫn giữa các quốc gia, giữa các châu lục, nhất là thời điểm dịch bệnh tai ương, chiến tranh xung đột, hơn ai hết, con người chúng ta cần đến sự bình an tâm hồn thật sự, cần đến tình yêu mến, lòng tương thân tương trợ, và tinh thần hiệp đoàn vượt qua cuộc khủng hoảng chung này.
Đối với mỗi người, được bình an trong đời có thể khác nhau ở cách diễn tả, khác nhau cách biểu lộ, cũng như những biểu hiện của nó. Tuy nhiên, với người Công giáo chúng ta, sự bình an thật sự nơi tâm hồn không gì khác chính là được kết hợp mật thiết với Chúa Ki-tô Phục Sinh, và được cảm nghiệm niềm vui Phục Sinh mà chính Ngài đã mang lại cho chúng ta trong đời sống thường nhật, qua việc tham dự bàn tiệc Thánh, qua việc đọc-suy gẫm Lời Chúa, qua việc cầu nguyện không ngừng mỗi ngày, qua việc bác ái, tha thứ, chia sẻ với tất cả mọi người, nhất là những ai túng thiếu kể cả về vật chất cũng như tinh thần.
Khi ngẫm suy các trình thuật Kinh Thánh về Chúa Phục Sinh, chúng ta biết rằng: sau khi từ cõi chết sống lại, Chúa Ki-tô thấu tỏ nỗi bất an trong tâm hồn, tâm trí của các môn đệ. Ngài biết rõ sự sợ hãi, e dè, nhút nhát sâu kín nơi họ. Ngài hiểu thấu các ông đang trong tình cảnh tinh thần sa sút, thái độ bỏ cuộc, tâm lý ‘nhắm mắt đưa chânthà về quê làm lụng vất vả còn hơn ở lại Giê-ru-sa-lem với tâm thế bị dằn xé, hồi tưởng thời khắc Thầy mình chịu khổ hình nhục nhã, rồi bị đóng đinh trên thập giá như một tên tử tù! Chính vì vậy, mỗi lần hiện ra với các ông, điều Ngài làm trước hết, chẳng phải nhắc lại chuyện cũ, hoặc than phiền trách móc vì sự bỏ mặc, chạy trốn của các ông, mà là trao ban bình an từ chính Ngài, Đấng đã chiến thắng sự chết, chiến thắng bức tường ngăn cách cuối cùng trên dương gian mà mỗi con người sớm muộn gì cũng phải đối mặt, bình an cho các con, Thầy đây, đừng sợ! (Lc 24, 36). Nói cách khác, Chúa Giê-su rất ư tâm lý, Ngài chỉ muốn lấp đầy con tim, tâm trí các môn đệ với sự yên hàn, an bình thật sự mà thôi.
Thế nhưng, với bản tính yếu đuối con người, các môn đệ chưa ra khỏi tình trạng bối rối, hoang mang, thậm chí mơ tưởng, nghi ngờ, không dám tin vào đôi mắt bản thân đang được nhìn thấy Thầy mình đã sống lại, hiện diện trước mặt. Sự bất an nơi tâm hồn kéo theo vô vàn hệ luỵ trong đời. Tương tự như các Tông đồ, mỗi lúc bất an, bất ổn, chúng ta thường rơi vào tình cảnh rối bời, lo âu, mất niềm tin, trở nên ngờ vực, đa nghi…, và nếu cứ để hoài như vậy, thì chúng ta sẽ chẳng thể nào cầu nguyện được, chẳng thể nào làm việc, hay sinh hoạt ở bất cứ bậc sống nào, kể cả đời sống tu trì, đời sống gia đình, cũng như đời sống thường ngày. Hiểu rõ điều này, nên sau khi chúc bình an cho các môn đệ, Chúa Ki-tô Phục Sinh cho họ tương tác thân tình như Ngài đã từng hiện diện trực tiếp, cùng đi, cùng sống với các ông trong ba năm ròng rã đó đây rao truyền Nước Trời, hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thy có đây” (Lc 24, 38); ngoài ra, Người ăn trước mặt các ông, và đưa phần còn lại cho họ” (Lc 24, 43). Người mà các ông kề cận, thân tình trước kia, giờ đây vẫn với thân hình ấy, với đôi mắt nhân ái ấy, với đôi tay, đôi chân bị đóng đinh ấy, người mà đã cùng ngồi chung, ăn uống với các ông…chứ đâu phải một người nào khác xa lạ. Thật sự, khi tảng băng bất an tan chảy, nhường cho sự tin tưởng, kết thân tình, tương tác mến thương, thì đây chính là kết quả của bình an đích thật chân chính, mà Chúa Ki-tô Phục Sinh trao ban.
Kế đến, niềm bình an Chúa Ki-tô Phục Sinh được toả lan, sưởi ấm cái lạnh giá, khô cứng, đóng băng trong tâm hồn các môn đệ, và hơn hết, mở đôi mắt, mở đôi tai, mở lòng trí các ông ra, ngõ hầu biết đón nhận, am hiểu Kinh Thánh: đúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép vThy trong luật Mô-sê, trong sách tiên tri và thánh vịnh” (Lc 24, 44). Thế nên, dần dần tâm hồn các ông được tràn đầy sự bình an của Chúa Ki-tô, tâm trí các ông được khai sáng, hiểu ra sứ mệnh của Thầy mình, đó là: phải chịu tử nạn, nhưng ngày thứ ba sẽ từ cõi chết sống lại (x. Lc 24, 47). Và khi đã được thấm nhuần, các môn đệ can đảm ra đi làm chứng cho Thầy Giê-su. Điển hình, Thánh Phê-rô trở nên chứng tá cho Chúa Ki-tô Phục sinh: Thiên Chúa đã hoàn tất việc Người dùng miệng các tiên tri mà báo trước. Đức Ki-tô của Ngài phi chịu khổ hình. Vy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ" (Cv 3, 18-19). Nói cách khác, khi được đón nhận sự bình an đích thật của Chúa Ki-tô Phục Sinh, các môn đệ ‘chiến thắng chính bản thân, chiến thắng mọi nỗi sợ hãi, vì tin chắc: Chúa Ki-tô Phục Sinh đang hiện diện, đang cùng sống, đang cùng đi với các ngài, nên chẳng cần lo chi! Theo Thánh Gio-an, “…thì chúng ta có Đức Giê-su Ki-tô, Đấng công chính, làm trạng sư nơi Đức Chúa Cha. Chính Người là của lễ đền tội chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian” (1Ga 2, 1-2)
Sau cùng, chúng ta cũng được mời gọi đón nhận sự bình an nơi Chúa Ki-tô Phục Sinh, và can đảm ra đi chia san với hết muôn người trong mọi lĩnh vực, mọi thời, mọi nơi như Lời Chúa nhắn nhủ chúng ta: Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy” (Lc 24, 48).
Chúa Ki-tô Phục Sinh
Trao an bình khắp nơi
Nào cùng nhau nhớ Lời:
Loan truyền hằng mãi liên. Alleluia. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
================
Suy niệm 2
NHÂN CHỨNG PHỤC SINH
Lc 24,35-48
Đang khi các môn đệ hội họp và nghe kể lại chuyện về Thầy Giêsu đã hiện ra trên đường Emmau, thì Thầy lại xuất hiện giữa các ông. Ngài trao ban bình an cho các ông, không phải sự bình an thường tình của thế gian, mà là bình an của Đấng phục sinh đã chiến thắng sự chết và mọi tai ác của sự dữ, để từ đây các ông không còn phải lo sợ về bất cứ điều gì nữa trong cuộc sống này, nhưng “các ông hoảng sợ tưởng là thấy ma. Chúa lại cho các ông xem chân tay và sờ chạm đến Ngài. Thấy các ông còn ngờ vực, nên Ngài liền ăn uống trước mặt các ông.
Cũng như trên đường Emmau, một lần nữa Đức Giêsu giải thích cho các môn đệ hiểu: “tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm". Ngài lần giở Kinh Thánh để minh chứng cho các ông rõ làÐấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”. Và rồi đây, Thánh Thần sẽ được Chúa Cha ban xuống trên Hội Thánh phôi thai (Cv 2,1) để làm cho các ông trở thành những chứng nhân khôn ngoan và can đảm, quảng đại và kiên trì dấn thân làm chứng về Đấng Phục Sinh.
Các tông đồ đã hoảng loạn trước cái chết của Thầy. Giờ đây việc Ngài phục sinh lại làm cho các ôngkinh hồn bạt vía, vì họ vẫn nghĩ đó là điều không thể, cũng như trước đây các ông nghĩ việc Thầy tử nạn cũng là điều không thể. Nhưng mọi việc đều có thể và xảy ra như thế theo kế hoạch của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã báo trước ba lần việc tử nạn và phục sinh, nhưng các ông vẫn không để ý tới, vì thấy Thầy đầy quyền năng nên đang háo hức trước một tương lai huy hoàng, một vương quốc mới mà họ nghĩ Thầy sắp đứng lên thành lập. Chẳng lạ gì mà mẹ Giacôbê và Gioan mới xin cho hai con mình một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” (Mt 20, 21).
Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt. Có thể nói sau khi Đức Giêsu chết thì các tông đồ dường như cũng đã chết: tinh thần các ông hoàn toàn suy sụp, nhóm mười hai tan tác, còn lại vài người thì co cụm với nhau trong căn phòng đóng kín cửa, lòng họ đầy sợ hãi, nghi ngờ, mặc cảm tội lỗi, buồn phiền và thất vọng. Nhưng sau khi Đức Giêsu sống lại, Ngài đã làm cho họ sống lại: họ không còn sợ hãi, nghi ngờ; không còn mặc cảm tội lỗi, buồn phiền và thất vọng. Con người cũ của các ông đã thay đổi, các ông sống lại trong con người mới, sẵn sàng ra đi khắp nơi loan báo Tin Mừng phục sinh cho mọi người theo lệnh truyền của Thầy.
Đức Kitô phục sinh không chỉ là một sự kiện lịch sử hay một biến cố đã qua, mà còn là một thực tại luôn sống động, nghĩa là Đức Kitô đang sống, đang hiện diện, đang hành động trong đời sống con người, qua mọi biển chuyển và trong mọi thời đại. Giáo hội chính là nhiệm thể của Đức Kitô đang lớn lên từng ngày giữa lòng thế giới. Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình và mời gọi chúng ta hãy chứng kiến việc Chúa phục sinh bằng đức tin, bằng việc sống với Chúa hằng ngày qua Bí tích Thánh Thể, qua Lời Chúa, qua mọi biến cố trong đời… Mọi sự xảy ra trong cuộc đời chúng ta đều mang bóng dáng và dấu vết của Chúa phục sinh, Đấng đang đồng hành, đang âm thầm tỏ mình, đang ngỏ lời, và không ngừng mở ra sự sống mới cho chúng ta trong mọi thời điểm, nhất là những lúc thất bại, đau thương, chán chường và thất vọng.
Không đặt niềm tin vào Đức Kitô, Đấng đang sống với ta, trong ta, thì ta vẫn sống trong cô đơn, lạc loài, buồn thảm, và cuộc đời là sự trống rỗng mênh mông. Có bao nhiêu thành công hay lợi lộc cũng chẳng có nghĩa lý gì, nếu cuộc sống con người còn nằm trong bóng tối, không lối thoát. Đau khổ và cả cái chết nữa không phải là điều đáng kinh hãi, mà chỉ là một thách đố trước cuộc sống vô thường, để từ đây chúng ta dám dấn thân cho một niềm tin: niềm tin Giêsu, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta. Chính vì niềm tin đó mà chúng ta hân hoan tiếp nhận sứ mạngphải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân”, nghĩa là trở thành chứng nhân cho sự sống mới của Đức Kitô nơi chính mình. Điều đó thể hiện qua một cuộc sống đơn sơ, hồn nhiên, trong sáng, âm thầm lan tỏa yêu thương và bình an cho mọi người.
Ðức Giêsu phục sinh là chuyện khó tin, nhưng là điều mà những người khác luôn có thể cảm nhận được từ một Kitô hữu biết sống quên mình, dám dấn thân xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ. Đức tin không dựa vào một biến cố quá khứ cho bằng dựa vào chính con người cụ thể, là cho người khác thấy “Đức Kitô đang sống trong tôi”. 
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Chúa tỏ mình ra sau phục sinh,
khiến các tông đồ phải khiếp kinh,
các ông sợ hãi tưởng là ma,
khiến cho tất cả phải sững sờ.

Quả thật các tông đồ không thể ngờ,
vì xây dựng đời mình trên giấc mơ,
mơ sống trong danh vọng và quyền hành,
nên có lần các ông đã phân tranh,
xem ai ngồi ghế nhất trong thiên hạ,
được vinh quang mà không qua thập giá.

Nhưng rồi mọi mơ ước đã tiêu tan,
Chúa chịu nạn làm các ông hoảng loạn,
Chúa chết đi khiến các ông bàng hoàng,
Chúa xuất hiện các ông càng choáng váng,
nhưng giờ đây sợ hãi đã biến tan,
bên Chúa niềm vui sướng lại dâng tràn.

Để từ đó Chúa trao ban sứ mạng,
là những người làm chứng giữa trần gian,
về khổ hình và phục sinh của Chúa,
đem Tin Mừng đến tận cùng thế giới,
để ai tin được sự sống muôn đời.

Xin cho con một niềm tin yêu mới,
không còn ham những xa hoa danh lợi,
dám ra đi mang Chúa đến cho đời,
tạo an bình vui sống khắp mọi nơi,
cho u buồn và sầu khổ lắng vơi,
để ánh quang phục sinh Chúa rạng ngời. Amen.

Lm. Thái Nguyên
================
Suy niệm 3
Thế giới rất cần bình an của Đức Kitô Phục sinh
( Lc 24, 35 – 48 )
Cuộc chiến không ngừng
Bom đạn vẫn không ngừng rơi tại Ucraina khi thế giới mừng lễ Phục Sinh. Bạo lực tiếp diễn, máu người vô tội vẫn đổ ra, sợ hãi và đau khổ. Chúng ta cố gắng tin rằng Chúa Giêsu đã thực sự sống lại, rằng Người đã thực sự chiến thắng sự chết. Liệu điều đó có thể chỉ là một ảo ảnh, hay chỉ là một phần trong trí tưởng tượng của chúng ta chăng?
Không! Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta nghe vang vọng lời loan báo Phục sinh rất đỗi thân thương đối với Ki-tô giáo Ðông phương: “Chúa Ki-tô đã sống lại! Ngài đã sống lại thật rồi!” Hơn bao giờ hết, nhân loại đang cần Chúa bị đóng đinh và phục sinh. Chỉ có một mình Chúa Giê-su phục sinh mang những vết thương mới có quyền nói với chúng ta về hòa bình. Những vết thương ấy là của chúng ta bởi vì chúng ta đã gây ra cho Ngài bởi tội lỗi của chúng ta, bởi sự cứng lòng của chúng ta, bởi sự thù hận anh em của chúng ta. Những vết thương trên thân thể của Chúa Giê-su phục sinh là dấu chỉ của trận chiến mà Người đã chiến đấu và chiến thắng cho chúng ta, đã chiến thắng bằng vũ khí của tình yêu, để chúng ta có được hòa bình và sống trong bình an.
Các tông đồ làm chứng tỏ tường
Chúa Giêsu sống lại là một thực tế của lịch sử mà những người phụ nữ thánh thiện, các tông và môn đệ chứng thực, họ đã nhìn thấy và nhất là đã đụng chạm vào Chúa Giêsu Phục sinh. Lời của Phêrô là bằng chứng: “Chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Đấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng ” (Cv 10, 37-41).
Chính Phaolô, người Do thái nhiệt thành cũng quả quyết: “Vì tiên vàn mọi sự, tôi đã truyền lại cho anh em, điều mà chính tôi cũng đã chịu lấy: là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi ta, theo lời Kinh thánh, là Ngài đã bị chôn cất, là Ngài đã sống lại, ngày thứ ba, theo lời Kinh thánh, là Ngài đã hiện ra cho Kêpha, đoạn cho nhóm Mười Hai. Rồi Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em một lần, trong số đó phần đông hiện nay cũng còn sống, nhưng cũng có người đã yên nghỉ. Rồi Ngài đã hiện ra cho Giacôbê; đoạn cho các tông đồ hết thảy.  Cuối hết Ngài đã hiện ra cho cả tôi nữa, không khác một đứa con ranh (1 Cr 15, 3-8 ; Ga 20, 1-29) ; Mt 28, 9-10). Những người dân ngoại và Do thái cũng là những chứng nhân rất đặc biệt!
Bài Ca Tiếp Liên chúng ta hát trong Đêm Vọng Phục Sinh nhắc lại biến cố lịch sử quan trọng này. Maria Madalêna đã thực sự gặp các thiên thần làm chứng tỏ tường, thấy y phục và khăn liệm của Đức Kitô Phục Sinh. Với hồng ân đức tin, đến lượt chúng ta phải công bố tin mừng Chúa Phục sinh (x. Ca Tiếp Liên lễ Phục Sinh).
Quả thật, Chúa Ki-tô đã sống lại sáng láng bước ra khỏi mồ, sau khi tiêu diệt sự chết, bẻ gãy mọi ràng buộc của ngôi mộ. Con Thiên Chúa không còn ở trong mộ, bởi vì Người không thể nào là người tù của sự chết (x. Cv 2, 24) và ngôi mộ không thể nào giữ lại “Ðấng hằng sống” (Kh 1,8), Ðấng là chính nguồn mạch của sự sống đã kết thúc cuộc hành trình nơi ngôi mộ như mọi người, nhưng Người đã chiến thắng sự chết, sống lại ra khỏi mồ.
Tin Mừng Luca hôm nay mô tả, Người đã hiện ra với các môn đệ, khi các ông đang bàn chuyện. Họ khiếp đảm, kinh hoàng tưởng là ma". Sống lại, Chúa Giêsu mạc khải sự phục sinh và thần tính của Người cho họ với thân xác phục sinh, đem lại cho họ niềm vui và tin tưởng trong cuộc đời đầy sóng gió.
Lời Người trách họ: tại sao hoảng hốt và có những suy nghĩ như thế ở trong lòng, khiến chúng ta lại nhớ lại chuyện Chúa đến với họ lúc gặp sóng gió trên biển. để ngầm ý nói rằng: Người đã ngủ dậy, tức là đã sống lại; cộng đoàn của Người không còn gì phải sợ sóng gió trần gian nữa. Việc Người phục sinh là chiến thắng vĩnh viễn.
Để thuyết phục họ. Chúa bảo họ sờ vào thân xác mang thương tích của Người để biết rõ đây không phải là "linh hồn" Người hiện về, nhưng là thân xác Người đã sống lại. Và để giúp họ tin hoàn toàn và dứt khoát, Người còn ăn một chút cá nướng trước mặt họ để họ thấy đây là thân xác đã sống lại thật chứ không phải linh hồn hiện về hay là ma. Có thể nói sự thật trước mắt đã xua đuổi hết mọi hồ nghi khỏi lòng môn đồ. Họ là những người có phúc vì được xem thấy. Nhưng họ còn là những người phải đi công bố Tin Mừng Phục sinh cho những người không được phúc xem thấy.
Bình an của Đức Kitô Phục Sinh
Dưới dáng dấp của một người lữ hành, tỏ ra không biết, rồi đồng cảm với hai môn đệ trên đường Emmaus, đã dùng Kinh Thánh để giải thích, bẻ bánh trước mặt hai ông, giúp các ông nhận ra Người (x. Lc 24, 13 - 35).
Trở lại Giêrusalem, hai ông thuật lại cho các Tông Đồ. Đang lúc đứng bàn chuyện, Chúa Giêsu hiện đến với họ khiến họ kinh hoàng khiếp sợ và nói: "Bình an cho các con ! Thầy đây, đừng sợ" (Lc 24, 36). Đó là lời cầu chúc đầu tiên của Đức Kitô Phục Sinh, kèm theo là những chứng tích ở tay chân với những vết thương, họ "vẫn còn chưa tin" (Lc 24, 41). Chúa phải nghĩ đến cách ăn cá nướng và mật ong, trích dẫn luật Môisen, lời các tiên tri và Thánh Vịnh là những bằng chứng không thể sai lầm về sự phục sinh và cuộc sống mới của Chúa. Chính Chúa thực hiện những lời Sách Thánh đã chép, và tiếp theo bằng miệng : "Chính Thầy đây" (Lc 24, 39), đúng Thầy là sự thật và là sự sống. Đó là lý do tại sao các tông đồ, những người ban đầu nghi ngờ, thậm chí khi nhìn thấy cơ thể sống của Chúa cũng chưa tin đã trở nên những chứng nhân rao giảng về sự sống lại của Chúa cách hùng hồn (x. Cv 4).
Lạy Đức Ki tô Phục Sinh, xin ban cho thế giới bình an của Chúa. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
================
Suy niệm 4
NẮM CHẮC HY VỌNG ĐƯỢC PHỤC SINH
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 3 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã làm cho tâm hồn chúng ta tươi trẻ lại, và chan chứa niềm vui vì được làm con Chúa, xin Chúa cho chúng ta hằng giữ mãi niềm vui Chúa ban, và nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển.
Nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển, với niềm trông cậy vững vàng, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Khải Huyền cho thấy: Khi Con Chiên mở ấn thứ năm, thì tôi thấy dưới bàn thờ, linh hồn của những người đã bị giết vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và đã làm chứng. Họ lớn tiếng kêu: “Lạy Chúa chí thánh và chân thật, cho đến bao giờ Ngài còn trì hoãn, không xét xử và không bắt những người sống trên mặt đất phải đền nợ máu chúng con?” Bấy giờ mỗi người trong số họ được lãnh một áo trắng; và có lời phán bảo họ cứ nghỉ yên một thời gian ngắn nữa, chờ cho đủ số những người cũng là tôi tớ Thiên Chúa và là anh em của họ, sắp bị giết như họ.
Nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển, khi cử hành Hy Lễ Tạ Ơn, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Giúttinô đã nói: Nhờ Ngôi Lời Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng tôi, đã trở nên người phàm có thịt có máu để cứu độ chúng tôi. Khi Đức Giêsu sắp phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Người thiết lập Bí Tích Mình và Máu Người, để các tín hữu tưởng niệm cái chết của Người. Người ban Mình Người làm của ăn, ban Máu Người làm của uống. Người truyền cho môn đệ: “Anh em hãy làm như Thầy mới làm, để tưởng nhớ đến Thầy.”
Nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển, khi can đảm làm chứng cho Đức Kitô, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc thánh Phêrô đã mạnh dạn tuyên xưng: Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng. Nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển, khi nỗ lực sống theo những gì Chúa truyền dạy, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Gioan đã cho thấy: Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo.
Nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển, với niềm tin tưởng được giải cứu, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 4, vịnh gia đã cho thấy: Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con. Lạy Thiên Chúa là đèn trời soi xét, khi con kêu, nguyện Chúa đáp lời. Lúc ngặt nghèo, Chúa đã mở lối thoát cho con, xin thương xót nghe lời con cầu khẩn. Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa Giêsu, xin mở trí cho chúng con hiểu lời Kinh Thánh, và khi Chúa phán dạy, xin đốt lòng chúng con cháy lửa nồng nàn. Trong bài Tin Mừng, thánh Luca tường thuật lại việc Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ và nói: Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này. Hai người môn đệ trên đường Emmau đã được Đức Giêsu soi lòng mở trí để hiểu Kinh Thánh, và Người đã đốt lại trong họ ngọn lửa nhiệt thành qua việc bẻ bánh, khiến họ mau mắn quay trở lại Giêrusalem, để cùng với các môn đệ khác làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh. Ước gì chúng ta cũng biết để cho Lời Chúa soi sáng và Thánh Thể Chúa nuôi dưỡng, để tâm hồn chúng ta luôn được tươi trẻ, và chan chứa niềm vui, trong niềm hy vọng được phục sinh vinh hiển.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
================
Suy niệm 5
ĐỂ KHỔ ĐAU

“Đấng Kitô phải chịu khổ hình!”.
“Đừng đặt quyền năng của Chúa Kitô Phục Sinh ngang hàng với những mánh khoé của các pháp sư, để Ngài có vẻ như không phải là chính mình. Như thế, khác nào cứ cho là Ngài đã ăn mà không có răng, đi mà không có chân, bẻ bánh mà không có tay, nói mà không có lưỡi; và để lộ một bên hông không có xương sườn!” - Thánh Jêrôme.
Kính thưa Anh Chị em,
Chiều ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu hiện ra cho các tông đồ, họ kinh hồn bạt vía, tưởng mình thấy ma. Bởi lẽ, với họ, Ngài đã chết. Và nhất là vì thiếu hiểu biết Thánh Kinh, họ không thể tin! Họ quên lời Thầy đã nói, “Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại!”. Ơn gọi của Ngài là ơn gọi cứu độ, Ngài đến ‘để khổ đau’, để chuộc lại và Chúa Cha quyền năng làm sao có thể để cho sự chết là tiếng nói cuối cùng!
Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại. Đó chính là Mầu Nhiệm Vượt Qua! Nhiều lần, chúng ta nghe những lời này nhưng không hiểu hết. Mầu Nhiệm Vượt Qua là nội dung các tông đồ rao giảng cho thế giới. Rằng, Giêsu Kitô, Đấng Chúa Cha sai đến ‘để khổ đau’, chết đi vì tội lỗi con người và đã sống lại, tiêu diệt tội lỗi, chiến thắng nó hầu cứu độ con người.
Phêrô đã mạnh mẽ loan báo Mầu Nhiệm này, “Đấng ban sự sống thì anh em giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết!” - bài đọc một; Gioan cũng cao rao cùng một nội dung, “Chính Ngài là của lễ đền tội chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian!” - bài đọc hai.
Trọng tâm toàn bộ các sách Tin Mừng là Ơn Cứu Độ con người phát xuất từ Đấng Cứu Độ Giêsu, một Giêsu đã chết vì con người và đã sống lại để con người có thể tái hưởng Nước Thiên Chúa. Không ai vào đó đơn giản vì họ là người tốt; đúng hơn, bất cứ ai vào Nước Thiên Chúa cũng chỉ nhờ hành động cứu độ chết và sống lại của Chúa Kitô.
Tin Mừng nói, Chúa Giêsu “mở trí cho các ông hiểu Thánh Kinh”. Phải, hiểu biết Thánh Kinh là điều tối quan trọng! “Ai không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô!” - Jêrôme. Ngài đã mở ra những bí ẩn của Thiên Chúa mặc khải trong Thánh Kinh; chỉ cho họ hiểu rằng, ơn gọi của Ngài cũng như của chính họ không thể loại trừ lời mời được gọi ‘để khổ đau’. Mặc dầu khổ đau không tự nó cứu thoát; nhưng nó là con đường dẫn đến vinh quang khi chúng ta thông phần vào thập giá của Ngài.
Anh Chị em,
“Đấng Kitô phải chịu khổ hình!”. Không ai muốn khổ hình, nhưng một nghịch lý là không ai không gặp khổ đau. Hãy đón nhận chúng như Chúa Kitô! Bạn và tôi không thể đón nhận Chúa Kitô mà không đón nhận thập giá của Ngài, bạn cũng không nhận lấy thập giá nếu ở đó không có Chúa Kitô. Thiên Chúa Cha muốn chúng ta nên một với Con Ngài, kết hợp với hy tế của Ngài trong mọi biến cố đời mình để cùng Ngài, trở nên hy tế cho tha nhân. Một số tín hữu nghĩ, họ sẽ làm được một việc lớn lao nào đó cho Chúa, nhưng tất cả những gì Chúa cho phép họ làm là ‘chịu khổ đau’. Mỗi người đều có một câu chuyện khác với người khác, nhưng mọi người đều có chung câu chuyện khổ đau. Nhưng ai biết thông phần vào thập giá Chúa Kitô, mặc dù ‘nước sâu’, tất cả đều có thể ‘qua bờ bên kia!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con tìm an nhàn; cho con biết, với Chúa, con chỉ cứu độ được con, cứu độ anh chị em con nhờ thông phần vào sự chết và sự sống lại của Ngài!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
================
Suy niệm 5
Chính anh em là chứng nhân
Cv 3,13-15.17-19; 1Ga 2,1-5a; Lc 24, 35-48
Hai môn đệ thất thểu bỏ về làng Emmaus, nhưng được gặp gỡ Chúa Phục Sinh suốt hành trình mà không biết. Đến cuối đường họ được “mở con mắt”, thay đổi hoàn toàn, tức tốc hăng hái trở về Giêrusalem để làm chứng với Nhóm Mười Một. Trở về căn phòng kín hội tụ, các ông thi nhau kể chuyện phục sinh, bởi niềm vui Tin Mừng phục sinh đang bùng vỡ. Họ báo với hai ông Chúa sống lại thật rồi. Hai ông cũng có tin vui sốt dẻo không kém và còn lạ lùng, kỳ diệu hơn, họ hồ hởi kể rằng mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người “bẻ bánh”. Các ông đang say sưa kể, thì chính Đức Giêsu bỗng đứng giữa các ông mà chúc bình an. Nghe lời chúc bình an từ Thầy mà các ông vẫn kinh hồn bạt vía tưởng là thấy ma, quá nhầm!... Bởi vì cái chết “như tử tội” của Thầy làm cho các ông quá sợ và thất vọng, hãy còn miên man trí não, đến độ không thể tin nổi Thầy lại đang “sống” mà chúc bình an trước mặt. Lại bởi vì có sự khác biệt, khi ông Lazarô hoặc em bé mười hai tuổi được Chúa cho sống lại thì vẫn là thân xác bình thường thân quen y như khi trước (sau này họ vẫn chết), nên người thân vui mừng chứ không sợ hãi. Đằng này Chúa Phục sinh khác hẳn, thân xác sáng láng, không còn phụ thuộc vào thời gian, xuyên qua vật chất dễ dàng như Thiên thần, không cần phải ăn uống, ngủ nghỉ. Giờ Người đã “thuộc thượng giới”: “Anh em hãy hướng lòng về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,2). Mới hay rằng sau này khi được phục sinh với Chúa, chúng con cũng được thuộc về “thượng giới”, giống như Chúa Phục Sinh vậy. Đây là dấu chứng cho niềm tin “xác loài người ngày sau sống lại” của chúng con và càng thêm chắc hy vọng.
Hôm nay Người bỗng “đột nhập” phòng kín mà hiện diện giữa các môn đệ, thì ai mà không sợ hãi ngờ vực mà tưởng là thấy ma? Nhưng Thầy giúp các ông định thần lại, vừa khẳng định vừa cho các ông kiểm chứng: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24,38-40). Các ông đã hoàn hồn nhưng còn ngỡ ngàng lắm chưa tin, có lẽ mừng quá thành ra chưa tin nổi một sự thật mà cứ như trong mơ vậy. Người càng làm thân hơn mà hỏi các ông có gì ăn không? Họ đưa Người một khúc cá nướng, Người cầm và ăn liền trước mặt các ông. Bây giờ chắc các ông đã an tâm là chính Thầy mình đang ở giữa họ. Lúc này Người mới giải thích cặn kẽ, cho các ông ôn lại Kinh Thánh qua các sách Luật và Ngôn sứ, Thánh vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm. Khi còn ở với anh em Thầy đã nói rất nhiều rồi mà giờ vẫn “lơ ngơ”. Họ được Người mở trí cho các ông hiểu rằng Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba sống lại.
Chúa luôn đi bước trước để giúp chúng con nhận ra, gặp gỡ Chúa rồi trở thành chứng nhân của Chúa: “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24, 47b-48).
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh! Bằng con mắt đức tin, xin Chúa cho chúng con luôn nhận ra, “thấy” và gặp gỡ Chúa. Để qua những biến cố đời thường, chúng con luôn sống trong sự hiện diện của Chúa. Với niềm vui, yêu thương thắm thiết, Chúa sẽ làm cho chúng con trở nên chứng nhân của Chúa từ bản thân, trong gia đình, miền đất chúng con sinh sống và cho tất cả những người chúng con gặp gỡ. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log