Chúa nhật, 22/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 6 Phục Sinh năm B

Cập nhật lúc 11:19 03/05/2024
Suy niệm 1
NHƯ THẦY YÊU THƯƠNG
Ga 15, 9-17
Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu ký thác bí mật cuối cùng là lời di chúc quý báu nhất từ trái tim Ngài:“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Nhưng để yêu như Thầy yêu, thì điều cốt lõi là “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. “Ở lại” là đừng sống xa cách Ngài, đừng ra khỏi Ngài, nhưng hãy sống gắn bó với Ngài mọi nơi mọi lúc, qua mọi việc, như chim liền cánh như cây liền lành. Tất cả các cành cây đều được nuôi sống bằng một dòng nhựa, nên hiệp thông với Chúa khiến ta hiệp thông với nhau.
Chỉ có một dòng tình yêu duy nhất luân chuyển: Như Cha đã yêu Thầy, Thầy đã yêu anh em, anh em hãy yêu nhau. Yêu thương là một dòng chảy không ngừng phát xuất từ Cha, nên chúng ta không được biến nó thành ao tù, mà phải làm cho lan tỏa khắp nơi, đến với mọi người trên thế giới. Đức Giêsu muốn toàn thể nhân loại làm thành một cộng đồng tình yêu, không muốn các môn đệ chỉ loay hoay vun vén cho nhau để rồi làm thành một thứ Hội Thánh đóng kín. Vì vậy mà “Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi và sinh được hoa trái”.
Yêu thương là điều tự nhiên trong đời sống con người. Ai cũng muốn yêu và được yêu. Tuy nhiên, tình yêu không phải là thứ tình cảm cạn cợt và hời hợt như tình đời. Tình yêu mà Chúa Giêsu mong đợi nơi chúng ta là tình yêu hy sinh quên mình, để đem lại hạnh phúc cho con người. Bởi vậy, ta thấy dễ yêu nhưng yêu không dễ, như lời bài hát:“Đường vào tình yêu có nhiều trái đắng mang tên khổ qua”, hoặc “Trong tình yêu có trăm lần vui có vạn lần sầu”. Các cô họa thêm là: Trong tình yêu có trăm lần thua có một lần huề. Tình yêu là một tiến trình trải nghiệm gian nan nhất, có khi rơi vào tình trạng khổ sở và cay đắng nhất. Chúng ta không gặp tình yêu trong tình trạng đã tốt đẹp và có sẵn để mà hưởng, nhưng phải tập luyện và làm tăng trưởng mãi.
Thực tế có nhiều quan niệm về tình yêu, và vì có những quan niệm lệch lạc nên tình yêu bị biến chất, biến dạng, có khi còn biến thái. Trong Thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu”, Đức Bênêđictô XVI cho thấy: chưa bao giờ “hai chữ tình yêu” bị lạm dụng như ngày nay. Trong một xã hội chạy theo lợi nhuận và hưởng thụ, nên những người trẻ cũng dễ yêu cuồng sống vội, tình yêu chỉ còn là một thứ chộp giựt. Trong một não trạng xã hội ngày càng tôn vinh thân xác và lạc thú, thì tình yêu trở thành trò đùa, hay thứ hàng hóa để mua bán đổi trao. Trong một xã hội mà người ta chỉ quan trọng vật chất và coi nhẹ giá trị tinh thần, thì tình yêu bị giảm thiểu xuống hàng thứ yếu. Bao nhiêu hỗn loạn phát sinh từ đó, vì đã đánh mất bản chất điéch thực của tình yêu.
Tình yêu không phải là cảm xúc, cảm xúc đến rồi đi, chỉ có tình yêu là ở lại. Cảm xúc có thể là một tia sáng khai mở diệu kỳ, nhưng tổng thể của tình yêu không phải như thế. Tình yêu là một bước tiến vươn lên sự thiện hảo, luôn được đặt trong tiến trình thanh luyện và trưởng thành. Để đạt được mức độ trưởng thành của tình yêu, phải có sự góp phần của toàn thể con người, bằng sự kết hợp mọi khả năng của lý trí, ý chí, tình cảm, không chỉ là những hành động và kiểu cách bề ngoài.
Tình yêu không tìm chiếm đoạt mà tìm niềm vui trong sự trao ban, cho dù người khác không đáp trả, không biết ơn, không dễ thương, không xứng đáng. Tình yêu đích thực chỉ ao ước làm điều thiện cho mọi người, coi hạnh phúc của họ quan trọng hơn hạnh phúc của bản thân, dù nhiều khi phải trả giá đắt. Tình yêu có cái giá của nó, là chính thập giá để biểu hiện tình yêu. Chính nỗi đau mới dạy cho chúng ta cách thức yêu thương. Tình yêu như vậy trở thành sự từ bỏ, sẵn sàng trở thành lễ vật tặng ban như chính Chúa Giêsu, Đấng nâng cao chúng ta lên thành bạn hữu, và đã “hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”.
Thế giới ngày nay khao khát một tình yêu đích thực. Kitô hữu phải là nhân chứng của tình yêu ấy. Chúng ta không có dịp để chết cho người khác như cha Kônbê, nhưng ta luôn có nhiều dịp để sống cho anh em. Sống cho anh em là chết cho chính mình: chết qua những hy sinh âm thầm hằng ngày. Chết không đổ máu, nhưng đổ mồ hôi và nước mắt. Chết không chỉ một lần, nhưng chết dần mòn cho hạnh phúc của tha nhân. Kahil Gibran viết: "Bạn cho đi quá ít khi chỉ cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thực sự cho đi".
Chỉ khi nào ta thực sự yêu mến Chúa thì mới biết yêu thương tha nhân. Và chỉ khi thực sự yêu thương tha nhân ta mới nói lên được tình yêu mến Chúa. Tình yêu là cốt lõi của đời Kitô hữu, nhưng tình yêu ấy phải hòa nhịp với tình yêu của Đức Giêsu, là“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
điều làm nên cuộc sống con hôm nay,
không phải là những công trình to tát,
kiến thức uyên bác hay là công trạng,
nhưng chính là tình yêu thương đầy tràn,
Chúa vĩ đại vì tình Ngài chứa chan.

Xin cho con tận dụng mọi khoảnh khắc,
để luôn sống với nhau và cho nhau,
vui với người vui, khóc với người khóc,
chia sẻ và cho đi cả tấm lòng.

Trên đời chỉ có thân phận và tình yêu,
thân phận thì giới hạn, tình yêu vô hạn,
xin cho con biết sống bằng tình yêu,
là chính Chúa trong tất cả mọi điều.

Chúa đã yêu con thật quá nhiều,
mà tình con đáp trả chẳng bao nhiêu,
nên ý Chúa chẳng mấy khi con hiểu,
vì muốn sống theo kiểu của người đời,
chỉ lo sao cho danh lợi có thật nhiều,
điều trọng nhất là tình yêu lại thiếu.

Xin cho con đừng chạy theo nhãn hiệu,
kẻo đời con sẽ phải sống kiếp cô liêu,
vì thiếu tình yêu là điều tồi tệ nhất,
sẽ làm nên ngục thất cho con người,
tình yêu mới thật là điều vĩ đại,
những thứ khác đều hoang dại héo tàn.

Xin gột sạch tim con còn hoen ố,
và tẩy đi bao loang lỗ trong hồn,
để tình con yêu Chúa được sạch tinh,
sống quên mình hy sinh vô vị lợi,
yêu mọi người như Chúa đã yêu con,
là bằng chứng vẹn tròn con yêu Chúa. Amen.

Lm Thái Nguyên

=================
Suy niệm 2
TÌNH YÊU TRAO DÂNG

Khi nói đến tình yêu, con người chúng ta thường cố công định nghĩa hoặc truy tầm lời giải đáp cho câu hỏi:
tình yêu là cái chi chi,
mà lòng ta mãi khắc ghi trọn thề?
Và rồi, cuộc hành trình đi tìm câu trả lời ấy cứ hoài xa, mất hút dần trong sương mù lan toả, như những đám mây cứ trôi hoài mà không chốn dừng chân. Vậy xin thử cùng tôi, một lần chạm đến tình yêu hơn là đi tìm câu định nghĩa tình yêu; một lần cảm nếm tình yêu hơn là cứ trông mong vô vọng. Thử một lần ôm trọn tình yêu như một giấc mơ chẳng bao giờ nghĩ tới, để rồi được suối nguồn tình yêu – Thiên Chúa – đánh động tâm hồn ta, thúc bách ta, dẫn lối ta đi trên con đường chân lý ngàn thu!
Có lẽ quý anh chị em thắc mắc tại sao tôi dành nhiều dòng lê thê để nói đến tình yêu, mà chẳng đoái hoài gì đến các bài đọc trong Phụng Vụ Thánh Lễ hôm nay? Nhưng nếu quan sát kỹ lưỡng, nhìn ngắm, đặt mình vào Lời Chúa thì chắc hẳn chúng ta sẽ nhận ra được một chủ đề xuyên suốt cả ba bài đọc, đó là Tình Yêu. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô yêu quý của chúng ta đã từng xác quyết một điều khi Ngài cùng với khách hành hương Rô-ma đọc Kinh Truyền Tin, rằng: “Nền tảng của đời sống Ki-tô hữu không gì khác ngoài lòng bác ái. Và chỉ nhờ tình yêu này, chúng ta mới có thể nhận chìm những sự gớm ghê, nhơ bẩn mà làm hoen úa tâm hồn ta mà thôi”. Nói cách khác, chúng ta được sinh ra từ nguồn cội tình yêu – Thiên Chúa, và hễ ai sống hiệp thông với Thiên Chúa, thì người đó sống trong tình yêu đích thật.
Ở điểm này, chúng ta đừng rút gọn và biến tình yêu thành mô phạm nghiên cứu tâm lý học, mà nên mở rộng con tim, đôi mắt, cảm xúc, và cả ngũ quan để nghiệm ra tình yêu mà Thiên Chúa đã, đang và sẽ dành cho chúng ta “tình yêu ấy là thế này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta” (x. 1Ga 4, 10). Tình yêu này vượt trên lòng yêu thương cha mẹ-con cái, anh chị em trong gia đình, dòng tộc, và tình bằng hữu (tiếng Hy lạp: philia); tình yêu này cũng trổi vượt hơn tình yêu đôi lứa, nam nữ (tiếng Hy lạp: eros). Nhưng đó là tình yêu kiểu gì mà cao quý, vĩ đại đến như vậy? Câu trả lời rất rõ ràng, cụ thể, và được chính Chúa Giê-su dạy cho chúng ta: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15, 13). Tình yêu không chỉ bằng ngôn từ, mà được thể hiện một cách sâu xa qua hành động hy sinh cả mạng sống, cả con người của mình vì bạn hữu, vì người mình yêu (tiếng Hy lạp: agape). Hơn nữa, Thiên Chúa mời gọi chúng ta – những người mang danh Ki-tô, là con cái Thiên Chúa – biết sống trọn vẹn tình yêu trao dâng này qua những cử chỉ nho nhỏ nhưng đầy lòng tin yêu chân thành; qua nụ cười tươi đơn sơ, mộc mạc làm sống dậy những tâm hồn trống vắng chơi vơi; qua những lời chào nói giản dị nhưng thấm đượm cả tấm lòng, mang lại sự bình an đích thật; qua hành động ‘ra đi’ phục vụ vì tha nhân, v.v...Nói sao cho hết vô số trạng huống, hoàn cảnh khi chúng ta đáp trả lời mời gọi sống tình yêu trao dâng như Thiên Chúa đã không ngần ngại hy sinh, trao ban cả Con Một Người cho chúng ta. Người đã trở nên con người, mặc lấy xác phàm phải hư mất, vâng phục cho đến chết, và chịu tử nạn để cứu chuộc loài người tội lỗi, mỏng dòn, bất xứng với tình yêu vô biên của Người.
Trong đời sống thường nhật, mỗi khi nhìn lên Thánh Giá với tượng Chúa chịu đóng đanh, tôi thường nghiệm thấy tình yêu trao hiến và ân ban thâm sâu của Thiên Chúa dành cho con người yếu hèn như tôi. Qua cảm nghiệm này, tôi cũng mạo muội xin mời quý ông bà, anh chị em dành chút thời gian hướng nhìn lên Chúa chịu tử nạn trên Thập Tự giá, nơi đó tỏ hiện rõ hai chữ tuy ngắn ngủi nhưng cả vũ trụ này không thể chứa nỗi – T.Y (cây Thập Giá tượng trưng cho chữ T, ‘Chúa chịu đóng đinh’ tượng trưng cho chữ Y), Tình Yêu. Và khi nghiệm được tình yêu này, xin quý ông bà, anh chị em cùng tôi thưa lên hai chữ T.Y (trong tiếng Anh: Thank You, nghĩa là Cảm tạ Chúa, cám ơn Chúa...). Hơn thế nữa, mỗi khi chúng ta làm dấu Thánh Giá, chúng ta ý thức hơn: cuộc đời vỏn vẹn, mong manh, nổi trôi của chúng ta được chạm khắc với Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi ấy chúng ta múc lấy sự sống vĩnh cửu. Và cũng từ nơi ấy, phát sinh tình yêu vị tha, bao dung của mỗi người chúng ta dành cho anh chị em trong gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, nơi công sở, ngoài xã hội. Đặc biệt, chúng ta luôn luôn được Tình Yêu trao dâng hướng dẫn, làm ‘kim chỉ nam’ cho mọi tư tưởng, lời nói, hành động, trách nhiệm, nghĩa vụ của chúng ta trong xã hội ngày nay – một xã hội dường như đang chìm sâu trong thế tục, vật chất, lấy đồng tiền, danh vọng, chức quyền làm tiêu chuẩn đánh giá các giá trị tinh thần bất biến; hơn thế nó dường như trở nên thước đo cho các mối tương quan không lành mạnh.
Nguyện xin tình yêu Chúa thúc bách chúng ta ‘lên đường’, rời xa những gian phòng uy nghi, tráng lệ khép kín tâm hồn mình, mà biết ‘ra đi’ chia san, san sẻ tình bác ái, yêu thương trong gia đình trước tiên, kế đến biết liên đới, cảm thông với tha nhân như Thiên Chúa đã không chờ chúng ta đáp trả mà Người lại ‘đi bước trước’ trao ban sự sống, tình yêu cho chúng ta, mặc dầu chúng ta chẳng xứng đáng. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
=================
Suy niệm 3
Chúa Giêsu dạy cách yêu
(Ga 15, 9-17)
Tình Yêu! Đây là một đề tài rất quen thuộc và rất phổ biến đối với thời đại chúng ta. Cuộc sống cần tình yêu, nhân loại cần tình yêu, mỗi người sống trong cuộc đời này đều cần tình yêu và rất cần tình yêu. Có thể nói, tình yêu là lẽ sống, là niềm hạnh phúc, là sự bình an của tất cả mọi người không trừ ai. Nên có bao nhiêu tiểu thuyết là có bấy nhiêu chuyện tình. Có bao nhiêu phim truyện, tiểu phẩm, bài hát là bấy nhiêu cách diễn tả tình yêu. Người ta khai thác tình yêu trên mọi lĩnh vực : thơ ca, hò vè, quảng cáo.v.v... Nhưng thứ tình yêu mà người ta bàn đến là thứ tình yêu nào? Thật là hàm hồ không thể xác định được.
Tình yêu mà chúng ta bàn đến hôm nay là thứ tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, một thứ tình yêu cao quý giúp cho con người vươn tới Thiên Chúa là tình yêu (x. 1Ga 4,8). Tình yêu này là cốt lõi trong đạo và đã trở thành giới luật: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi… Ngươi phải yêu mến tha nhân như chính mình” (Mt 22,37-39). Giới luật này đã được ghi trong sách Thứ luật và sách Lêvi…

Nếu giới răn yêu người đã có sẵn trong sách Lêvi, tại sao hôm nay Chúa Giêsu lại còn dạy ta một cách yêu như Chúa yêu: “Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con” (Ga 15,12)?

Chúng ta tự hỏi, phải chăng con người dùng những tình cảm tự nhiên để yêu như bạn bè yêu nhau, cha mẹ yêu thương con cái, đồng lớp đồng niên mến thương nhau, hay hai người nam nữ yêu nhau là chưa đủ hay là khác với tình yêu Chúa Giêsu đã yêu chúng ta sao mà Giêsu còn dạy chúng ta một cách thức yêu : Yêu như Thầy đã yêu ?

Vậy, "yêu như Thầy đã yêu" là yêu như thế nào, có gì mới mẻ chăng ? Xem ra chữ "như" có chất chứa hy sinh khi yêu, có nét mới mẻ và đáng sợ, vì chính chữ này làm nên nét đặc trưng của Kitô giáo. Thánh Augustinô viết : khi nói "yêu như Thầy đã yêu mến các con" là Chúa Giêsu nói đến tình yêu thí mạng (x. Ga 14, 13). Chúa đã yêu các môn đệ nói riêng và con người nói chung bằng tình yêu thí mạng. Nay Người đòi buộc các môn đệ, cụ thể là chúng ta phải yêu nhau như Chúa yêu. Tình yêu mà Chúa Giêsu yêu chúng ta phát xuất từ Chúa Cha : "Như Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu các con" (Ga 14, 9). Như vậy là có một nguồn suối tình yêu chảy tràn từ Chúa Cha đến Đức Giêsu, và tiếp tục chảy tràn xuống các môn đệ, dòng suối ấy không ngừng chảy trên chúng ta, nếu chúng ta giữ lại, tình yêu đó sẽ trở nên ao tù nhơ nhớp, nên chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Vậy đâu là bằng chứng để chứng tỏ chúng ta yêu Chúa ? Chúa Giêsu cho chúng ta câu trả lời, "Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người" (Ga 15, 10). Yêu như Thầy yêu là thế đấy.

Thánh Augustinô nói tiếp: "Yêu như Thầy đã yêu các con", khác với lòng mến tự nhiêu thuần túy. Thánh Gioan Tông Đồ viết : "Thiên Chúa là Tình Yêu… hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa… Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa" (1 Ga 4, 7 - 8). Gioan quả quyết : "Thiên Chúa đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta" (1 Ga 4, 10).

Sở dĩ Chúa Giêsu đưa ra cách yêu này vì nội dung của nó phong phú hơn. Nó phong phú không tại chữ “yêu” mà tại chữ “như”. Chúng ta phải yêu thương nhau như Người đã yêu thương. Chúa đã chúng ta thế nào chúng ta phải làm như vậy.

Thực ra, Chúa Giêsu đã làm gương, đã thực hiện trước, chúng ta chỉ việc dấn bước theo gương Người. Đây là một việc khả thi, không vượt quá sức chúng ta.

Thiên Chúa đã con người bằng một tình yêu hào phóng khi tạo dựng nên loài người, ban cho con người những hồng ân bên trong và bên ngoài; Ngài cũng đã yêu con người với một tình yêu khổ đau khi cứu chuộc loài người, khi Ngài nghĩ ra cách hủy diệt chính mình, chịu đau đớn nhất, để minh chứng cho con người thấy tình yêu của Chúa, để con người cảm nhận được sự thật rằng: “Thiên Chúa là Tình Yêu”.

Thánh Gioan viết: “Chúa Giêsu đã yêu thương họ thì yêu thương đến cùng”.

Đến cùng của con người có nghĩa là sự chết, Chúa đã yêu thương ta đến chết, Ngài nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy gọi các con là bạn hữu…” (Ga 15,13-15). Chữ “bạn” ở đây trong nghĩa tích cực chỉ những ai thương mình, nhưng trong nghĩa tiêu cực nó chỉ những người mình thương. Chúa Giêsu gọi Giuđa là “bạn” (Mt 26, 50) không phải vì Giuđa thương Ngài, nhưng vì Ngài thương Giuđa, coi Giuđa như bạn hữu: đó là ý nghĩa của lời Chúa. Con người có thể là kẻ thù của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa mãi mãi không là kẻ thù của nhân loại.

Tình yêu của Chúa Giêsu là một tình yêu thương xót, một tình yêu thứ tha, không muốn tiêu diệt kẻ thù, nhưng tiêu diệt lòng thù hận nếu có. (x. Ep 2,16).

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết yêu thương nhau như cách Chúa đã yêu để chứng tỏ rằng chúng con yêu Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 4

LÀM CHO CHÚNG TA ĐƯỢC ĐỔI MỚI

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 6 Phục Sinh, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Trong những ngày vui này, xin Chúa cho tất cả chúng ta biết đem lòng sốt sắng mừng Đức Kitô phục sinh, để Người hiện diện trong cuộc đời chúng ta và làm cho chúng ta được đổi mới.
 
Làm cho chúng ta được đổi mới, là ơn Thiên Chúa ban cho chúng ta nhờ Đức Kitô, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Gioan đã cho thấy: Sống hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con, chúng ta sẽ nhận ra mình tội lỗi, và cần đến ơn tha thứ của Đức Kitô: Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối và không hành động theo sự thật. Nhưng nếu chúng ta đi trong ánh sáng cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu Đức Giêsu, Con của Người, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi.
 
Làm cho chúng ta được đổi mới, là công trình hòa giải với Thiên Chúa, mà Đức Kitô đã mang lại cho chúng ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Syrilô đã nói: Quả vậy, cả mầu nhiệm Nhập Thể cũng như cuộc canh tân kèm theo, đều không ngoài thánh ý Chúa Cha. Nhờ Đức Kitô, chúng ta được đến với Chúa Cha, như chính Người đã nói: Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy, mọi sự đều do bởi Thiên Chúa, là Đấng đã nhờ Đức Kitô, mà cho chúng ta được hòa giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hòa giải.
 
Làm cho chúng ta được đổi mới, là ơn cứu độ phổ quát dành cho cả dân ngoại nữa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc thánh Phêrô làm phép rửa cho những người dân ngoại: Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ? Rồi ông truyền làm phép rửa cho họ nhân danh Đức Giêsu Kitô. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 97, vịnh gia cũng kêu gọi toàn cõi đất hãy vui mừng vì cứu độ của Thiên Chúa: Chúa đã mặc khải ơn Người cứu độ trước mặt chư dân. Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát.
 
Làm cho chúng ta được đổi mới, là ơn huệ nhưng không xuất phát từ Thiên Chúa, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Gioan đã nói: Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.
 
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thiên Chúa là tình yêu, biết Thiên Chúa là biết yêu, không biết yêu thì không biết Thiên Chúa. Tôi tớ không biết việc chủ làm, chúng ta là bạn hữu của Thiên Chúa, nếu chúng ta thực hiện những điều Chúa truyền dạy là: yêu như Chúa yêu. Tình yêu Thiên Chúa sẽ tẩy xóa và phủ lấp muôn vàn tội lỗi. Tình yêu của Thiên Chúa làm cho chúng ta được đổi mới, để trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Đức Kitô đã yêu chúng ta, đến nỗi, đã hiến mạng vì chúng ta, ước gì chúng ta luôn biết để cho tình yêu hiến tế của Người thanh luyện con tim chúng ta, để chúng ta có thể sống giới luật yêu thương như lòng Chúa ước mong. Ước gì được như thế!

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
=================
Suy niệm 5
YÊU NHAU NHƯ THẦY GIÊ-SU
Kính thưa quý cộng đoàn Phụng vụ! Chúng ta cảm tạ Chúa đã yêu thương, chịu chết và sống lại cho chúng ta. Uớc gì niềm vui Chúa phục sinh luôn là kim chỉ nam cho đời sống Ki-tô hữu của mỗi người chúng ta!
Lời Chúa hôm nay nhắn nhủ chúng ta “hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (x. Ga 15, 9). Từ đó, Ngài mời gọi mỗi người “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh (chị) em” (x. Ga 15, 12). Yêu thương như Thầy Giê-su đã yêu là “hy sinh tính mạng mình vì bạn hữu” (x. Ga 15, 13). Một khi mặc lấy cách sống yêu thương này, thì chúng ta ‘ở lại’ hoặc ‘sống trong’ tình yêu của Thầy Giê-su. Và qua đó, chúng ta cảm nhận được tình yêu của Thiên đối với chúng ta như Thánh Gio-an Tông đồ xác tín: “Điều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta” (1Ga 4, 9-10).
YÊU NHAU NHƯ THẦY GIÊ-SU không phải với tình yêu trừu tượng, hay mang tính văn học triết lý ‘nào ai định nghĩa được tình yêu’ mà tình yêu tận hiến, tha thứ kể cả về chiều rộng, chiều sâu cũng như chiều cao. Thánh Âu-gus-ti-nô khi nói về mức độ của tình yêu thì ngài nói rất chí lý: ‘Mức độ của tình yêu là không có mức độ nào’. Thật vậy, Chúa Giê-su đã yêu thương đến tận cùng, yêu thương đến độ hiến thân mạng sống mình cho nhân loại, trong đó có chúng ta. Ngài yêu thương đến mức chịu chết nhục nhã trên thập tự giá mà không một lời oán trách, hờn căm. Hơn ai hết, Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su đã sống trọn cuộc đời yêu thương như Thầy Giê-su, mặc cho bị bó hẹp trong bốn bức tường dòng chiêm niệm. Thánh nữ luôn cảm nghiệm sâu sắc tình yêu ấy và tóm tắt qua áng thơ đơn sơ sau:

                           ‘Sống yêu thương là cho đi tất cả,

                           Trên đời này chẳng đòi hỏi công lao.

                           Không tính toán, không kể cho là bao,

                           Vì khi yêu nào có ai suy tính’.

YÊU NHAU NHƯ THẦY GIÊ-SU gắn liền với sự hy sinh tận cùng và tự hiến. Tục ngữ Pháp có câu: ‘Partir, c’est mourir un peu’ (tạm dịch: ‘Lìa xa là chết trong lòng một chút’). Rời xa khiến con người đau khổ và chịu hy sinh mất mát. Tình yêu chân thật cũng đòi hy sinh cho nhau, mà hy sinh càng lớn lao thì tình yêu càng đậm sâu dạt dào. Tác giả Pierre L’Ermite giả định: ‘Nếu muốn biết tình yêu chân thật hay không, hãy cho tình yêu vào máy ép, một khi nó tiết ra dung dịch hy sinh vô vị lợi, đó chính là tình yêu đích thật’. Thầy Giê-su chẳng những hy sinh khiêm hạ “mặc dù là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân…” (x. Pl 2, 6-11), mà còn hiến trao sự sống mình làm giá chuộc cứu đời (x. Mc 10, 45). Yêu là chấp nhận hy sinh, và hy sinh cao cả hơn hết chính là cho đi mạng sống mình như Chúa Giê-su đã dạy cũng như đã làm: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15, 13).
Nữ văn sỹ Harriet Elisabeth Beecher Stowe (1811-1896) xuất bản cuốn tiểu thuyết nhan đề ‘Uncle Tom’s Cabin’ (tạm dịch ‘Túp lều bác Tom’) thuật lại cuộc đời của một người nô lệ da đen tên là Tom. Arthur Shelby (A-thua Sel-bi), chủ của bác Tom là một trong số hiếm hoi những người chủ da trắng biết thương yêu kẻ nô bộc da đen nhà mình. Đáp lại bác Tom cũng hết sức quý mến, yêu thương và tận tụy phục vụ ông chủ. Tuy nhiên, chẳng may Sel-bi vì làm ăn thua lỗ nên đã nợ món tiền rất lớn. Một tên da trắng khác chuyên buôn bán nô lệ tên là Haley (Ha-li) đã tìm cách nắm thóp ông, hắn giữ các giấy nợ dùng gây áp lực với Sel-bi. Hắn buộc ông phải bán bác Tom cho hắn để thanh toán nợ nần. Thoạt đầu, Sel-bi nhất quyết không chịu, nhưng sau vì một phần bị đe doạ tịch thu tài sản, một phần bác Tom thuyết phục ông cứ bán ông miễn sao giữ được mạng sống và gia đình của ông chủ nhân hậu, nên cuối cùng ông nghẹn ngào làm theo lời bác Tom. Dĩ nhiên, sau đó cuộc đời bác Tom trở nên lao đao khốn đốn lận đận, chịu trăm bề khổ sở rồi bị hai tên thuộc hạ của Legree (Li-gri) đó là Quimbo và Sambo dùng roi quật cho đến chết. Trước khi từ giã cõi đời, bác Tom đã tha thứ cho Quimbo và Sambo. Tuy là người ăn kẻ ở, nô lệ, nhưng bác Tom đã hy sinh cho Shel-bi.
YÊU NHAU NHƯ THẦY GIÊ-SU là nguồn sống, là động lực chính yếu và là cứu cánh của cuộc đời như thi sĩ R.Tagore cảm nhận: ‘Vạn sự đã do Tình yêu sáng tạo, vạn sự được Tình yêu đỡ nâng, vạn sự trở về và bước vào Tình yêu’. Do đó, chúng ta “yêu nhau như Thầy Giê-su” phải khởi sự từ tình mến bạn bè, gia đình, cộng đoàn, tha nhân, vì ‘chúng ta được đặt để vào trong thế giới này một không gian nhỏ bé, ngõ hầu học được cách thức mang đến cho mọi người tia sáng của tình yêu’ (William Blake). Tương tự, Van Gogh khẳng định: ‘Cách thức tốt nhất để nhận biết Thiên Chúa là hãy yêu thương nhiều, yêu mến bạn bè, vợ con…, và bạn sẽ được bước trên nẻo đường đúng đắn trong việc nhận biết Ngài’.
Nguyện cầu: Xin cho chúng con luôn biết yêu thương nhau như Thầy Giê-su Chí Thánh đã thương yêu chúng con đến tận cùng. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

=================
Suy niệm 6
LÀ BẠN HỮU

“Thầy gọi các con là bạn hữu!”.
“Có hai điều mà con người không có số học để tính toán, không có thước mực để đo lường. Một là mức độ mất mát của Thiên Chúa, Đấng dám cho đi chính mình; hai là mức độ ân tứ của Ngài khi phải ban Con Một cho tội nhân. Tội lỗi phải thực sự vượt quá chính nó, khi Thiên Chúa buộc phải ban Con mình để làm Bạn của tội nhân. Và bấy giờ, tội nhân được trở nên con cái Ngài, ‘là bạn hữu’ của Ngài!” - John Charles Ryle.  
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay chứng thực nhận định của J. C. Ryle; đồng thời, nói với chúng ta - những con người phàm trần - một điều không tưởng! Rằng, chúng ta ‘là bạn hữu’ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói, “Thầy gọi các con là bạn hữu!”.
Với Chúa Giêsu, chúng ta gọi Ngài là Đấng Cứu Rỗi, là Thầy, là Chúa, là Vua và là Bạn như Ngài xác nhận. Khi nói Chúa Giêsu như Người Bạn, điều quan trọng là phải hiểu đúng bản chất của tình bạn đó. Tình bạn với Chúa Giêsu không phải là tình bạn đơn giản khiến chúng ta trở thành “bạn bè”. Nó không như tình bạn giữa hai người bình đẳng. Ngài là Chúa nên tình bạn với Ngài mang những đặc điểm độc đáo không có trong những tình bạn khác. Không thể có người bạn nào lớn hơn chính Thiên Chúa. “‘Là bạn hữu’ với Chúa, tình bạn này phải ở dạng thuần khiết nhất!” - Tôma Aquinô.
Đó là một tình bạn; đúng hơn, một tình yêu, trong đó, trọng tâm duy nhất của một người là lợi ích của người khác. Nó không dựa trên lợi ích riêng của một người. Vấn đề không phải là “Tôi nhận được gì từ nó?”. Trong thư Côrintô, Phaolô định nghĩa tình yêu vị tha như sau: “Tình yêu thì kiên nhẫn, nhân hậu. Nó không đố kỵ, không khoa trương, không thổi phồng, không thô lỗ, không tìm tư lợi, không nóng nảy, không nuôi hận thù… Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Tình yêu không bao giờ thất bại!”. Đây không chỉ là định nghĩa của tình yêu mà còn là nền tảng duy nhất cho một tình bạn chân chính.
Xem xét những phẩm chất đó, chúng ta thấy Thiên Chúa liên hệ với chúng ta theo từng cách này. Việc chúng ta có đáp lại những đức tính này đối với Chúa hay không sẽ quyết định ‘mức độ sâu sắc’ của mối quan hệ ‘là bạn hữu’ chúng ta thiết lập với Ngài. Vì thế, tình yêu chúng ta dâng Ngài đúng đắn nhất xuất hiện dưới hình thức thờ phượng. Ngài đáng được tôn thờ, đầu phục, tin cậy và vâng phục hoàn toàn. Một điều đẹp đẽ và an ủi là khi thờ phượng Chúa, chúng ta nhận lại sự sống của Ngài. Và điều này thiết lập một tình bạn thánh thiện vốn sẽ biến đổi chúng ta nên trọn lành.
Anh Chị em,
“Thầy gọi các con là bạn hữu!”. Hãy suy gẫm lời mời của Chúa Giêsu; từ đó, bước vào một tình bạn đích thực với Ngài! Điều này có nghĩa là Thiên Chúa trở thành trung tâm của cuộc đời bạn. Nó có nghĩa là bạn tìm cách hiến thân một cách vị tha và không dè dặt cho Đấng xứng đáng với mọi tình yêu của bạn. Nó có nghĩa là bạn chọn sự thờ phượng và vâng phục Ngài hoàn toàn. Phần thưởng của tình yêu này là bạn có thể bước vào một mối liên kết thánh thiện, thuần khiết và viên mãn đến mức nó khiến bạn trọn vẹn ‘biến đổi’, giúp bạn ‘là bạn hữu’ của Chúa, đúng con người mà bạn mong muốn.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, không là bạn của Chúa, con dễ làm bạn với ma quỷ và những gì thuộc về nó. Giúp con tìm điều đẹp lòng Chúa; và con sẽ thiết thân hơn với Chúa mỗi ngày!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
=================
Suy niệm 7
Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU CỦA THẦY
Cv 10,25-26.34-35.44-48; 1Ga 4,7-10; Ga 15, 9-17
Những lúc Thầy trò bên nhau nghe sao mà chứa chan tình yêu, gần nhau hơn bao giờ hết, Thầy nói những lời yêu thương, Thầy tỏ bày nỗi lòng, thao thức của Thầy, Thầy dặn đi dặn lại phải yêu thương như Thầy đã yêu. Thầy lấy chính tình Thầy ra làm khuôn mẫu, các môn đệ như muốn hớp lấy những lời vàng ngọc từ miệng Thầy lúc ấy. “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn… anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”
Tình Thầy thân thương đến độ trò chẳng dám mơ, coi trò như bạn vô cùng thân thương. Thầy hy sinh cả mạng sống vì yêu. “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” Cũng bởi vì yêu thương nên Thầy đã “chọn anh em”, cho dù Thầy biết rõ từng người, xấu đẹp từ bên trong, nông nổi nhất thời, tham tiền hám danh, hèn nhát, nhẹ dạ, thất tín và phản bội Thầy nữa… “ Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại…” Người được Thầy nhắm, được Thầy “thương mến” mà chọn mặt gửi… lòng yêu thì hãy mau mắn vâng nghe và làm theo Ý Thầy, dù không hiểu thấu sự gì. Ngoan ngoãn vâng theo Ý Thầy mà ra đi sẽ sinh được hoa trái thơm ngon, tốt đẹp vững bền.
Thầy Giêsu ơi! ngày nay mỗi khi chúng con được “chọn và gọi” ra đi làm theo Thánh ý, chúng con nhìn sức riêng mình mà sợ hãi chối đay đảy, hoặc “khiêm nhường” nhận mình u mê dại dột, dốt nát, bất tài, thiếu sức khỏe, khả năng, thời giờ… Chúng con chưa hiểu chính Thầy đã chọn, thuận theo Ý Thầy mà ra đi sẽ được Thầy dẫn dắt và làm trổ sinh hoa trái tốt đẹp vững bền. Dù chúng con bất xứng bên trong cách nào chỉ mình Thầy biết, Thầy vẫn yêu thương tín nhiệm. Theo Thầy bước đi, cuộc đời bé nhỏ hèn mọn sẽ trở nên đáng sống và làm cho thế giới tươi đẹp hẳn lên.
Không phải con đã chọn Ngài, nhưng chính Ngài đã chọn con. Không phải con đã yêu Ngài, nhưng chính Ngài đã yêu con. Ngài đã yêu con Chúa ơi! Ngài đã yêu con trước khi con biết yêu Ngài và trước khi con biết đáp lời: Lạy Thiên Chúa! con đây!”
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log