Thứ sáu, 24/01/2025

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 12 Thường niên năm B

Cập nhật lúc 15:35 21/06/2024
VẪN CHƯA CÓ LÒNG TIN
Mc 4,35-41
Bài đọc thứ I của Chúa Nhật hôm nay trích từ sách Gióp, trình bày cho chúng ta biết Thiên Chúa là chủ tể của thiên nhiên, chính Ngài sáng tạo, điều hành và sắp xếp mọi sự trong vũ trụ để đem lại sự sống trên trái đất. Chỉ cần có đôi chút kiến thức về vũ trụ học, chúng ta cũng biết rằng, thiên nhiên đã được vận hành theo một trật tự hài hòa, được điều khiển cách diệu kỳ bởi một Đấng toàn năng, nhờ đó mà loài người mới có thể sinh sống và phát triển dồi dào. Khoa học kỹ thuật và công nghệ ngày nay đã có những tiến triển vượt bực, nhưng thật ra cũng chỉ là khám phá những bí mật của thiên nhiên, và tuân theo những qui luật hiện hành đó, để từ đó làm nên từ những gì mà thiên nhiên đã làm. Những công trình hay sản phẩm đó được gọi là những phát minh hay những sáng chế mới. Thật ra, con người chẳng thể tự làm ra điều gì mới, nếu đã không thấy và không hiểu những gì mà Thiên Chúa đã làm ra nơi thiên nhiên. Ngay lý trí của con người là nguồn phát khởi cho mọi phát minh, cũng đã được Thiên Chúa tạo dựng sẵn cho mỗi người. Cả sự lành hay sự dữ đều nằm trong chương trình quan phòng của Thiên Chúa. Một lần nữa, bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta xác định rõ ai thực sự là chủ của thiên nhiên. Thánh Máccô kể: Chiều hôm ấy, Đức Giêsu và các môn đệ đi thuyền vượt biển. Một cơn bão nổi lên. Ban đầu, các môn đệ còn chèo chống và giữ được con thuyền đứng vững trước những gió bão. Đó là tình trạng còn trong tầm kiểm soát. Nhưng khi thấy trận cuồng phong quá lớn, vượt tầm kiểm soát, các ông đã cuống cuồng kêu cứu: "Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao ?", và Chúa đã truyền cho sóng gió yên lặng.
Nhưng sau đó Đức Giêsu đã trách các ông: "Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin ?" Lèo lái con thuyền đời mình cũng thế. Khi ta còn kiểm soát được những sự việc xảy ra cho đời mình thì ta “bình chân như vại”, và sống rất tự tin. Ta xác định những mục tiêu, ta hoạch định chương trình, ta làm chủ tình thế. Những lúc đó, ta cảm thấy mình làm nên tất cả và không cần gì đến Chúa. Chỉ khi đối diện với những nguy nan, những trận cuồng phong kinh hồn bạt vía, ta mới kinh sợ và kêu cầu Chúa cứu giúp.
Cuộc đời này cũng giống như biển cả mênh mông, có những lúc biển đời êm trôi lặng lẽ, nhưng rồi có những lúc phong ba bão táp với những thất bại, tai ương, bệnh tật, khốn khó, khiến ta hoang mang sợ hãi. Dù vậy, những giông tố cuộc đời xem ra lại cần thiết để nhờ đó ta nhận diện ra con người thật của mình: con người yếu đuối, mong manh, bất lực, dễ bị chao đảo, không đủ khả năng đương đầu với bao thử thách. Biết mình như thế là một ân ban, một cơ may, để ta biết quay về bên Chúa, biết bám níu và trông cậy vào Ngài.
Chúa thấy trước mọi sự xảy ra trong cuộc đời ta, nhưng nhiều khi Ngài lặng yên như không thấy. Xem ra Chúa quá vô tình, hững hờ. Trách Chúa cũng là trách chính bản thân ta, lắm khi chỉ lo sống cho riêng mình mà quá thờ ơ lãnh đạm với Chúa. Chỉ khi nguy ngập mới chạy tới Ngài. Hóa ra, chúng ta chỉ coi Chúa như một dụng cụ. Khi cần thì mới dùng đến, Chúa vẫn chấp nhận như vậy, và âm thầm sống trong ta, chờ đợi ta lên tiếng. Không phải chúng ta lên tiếng rồi Chúa mới nghe, nhưng Ngài đã có dự định, và biết phải làm gì cho chúng ta trong từng biến cố. Chính qua biến cố giông bão mà các môn đệ đặt lại vấn đề con người Đức Giêsu trong cuộc đời họ: “Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh”.
Cũng vậy, qua mỗi biến cố, Chúa muốn ta khám phá ra sự hiện diện quyền năng và đầy yêu thương của Ngài trong cuộc đời mình. Qua mọi hoàn cảnh, Chúa muốn ta lớn lên trong đức tin và lòng tín thác. Khi gặp nguy biến ta đừng vội cuốn cuồng sợ hãi, nhưng hãy tập nhận ra Chúa ở ngay bên. Khi gặp những tai ác, sự dữ hay những bủa vây giăng mắc trong đời sống Giáo Hội, đừng để mình thất vọng. Kinh nghiệm thấy, đức tin không phải là con đường thẳng để tiến tới dễ dàng, mà nhiều khi rất cam go như một thử thách để thanh luyện.
Cuộc đời Kitô hữu chẳng khác nào cuộc hành trình vượt biển cả để qua tới bến bờ bình yên, nên không thể tránh được phong ba bão táp. Vì thế điều quan trọng là hãy luôn“hướng nhìn về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Ngài đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa” (Dt 12,2).
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Cuộc đời này như biển cả mênh mông,
có những khi đầy sóng gió chập chùng,
với dịch bệnh tai ương và nghèo túng,
biết bao người phải lâm cảnh khốn cùng,
chúng con thấy hoang mang và nao núng,
lại thấy Chúa như xa cách muôn trùng.

Cuộc sống với đau khổ không thể tránh,
bao lần con ưu phiền và than trách,
nhưng thử thách lại là một phương cách,
Chúa muốn dùng thanh luyện cuộc sống con,
qua đau thương để biết sống can trường,
qua sóng gió để kiên cường đi tới.

Thử thách như cơ hội làm triển nở,
giúp cho con khai mở những tiềm năng,
thúc đẩy con khai sáng cuộc đời mình,
theo đúng như chương trình tình yêu Chúa.

Thử thách như thập giá vẫn hằng ngày,
cho con biết kề đôi vai vác lấy,
trong an vui và hy vọng tràn đầy,
vì thấy mình được nên giống Chúa hơn.

Trong thử thách con thấy mình chới với,
nhưng tin rằng Chúa có mặt khắp nơi,
luôn yêu thương và hành động kịp thời,
không để con sa chìm giữa biển khơi.

Thuyền đời con chẳng bao giờ êm ả,
chỉ êm ả khi về tới bến quê,
xin cho con luôn giữ vẹn lời thề,
sống đức tin giữa cuộc đời trần thế.

Luôn an lòng khi đứng trước bão giông,
vì biết Chúa sẽ ra tay hành động,
con cảm tạ và tôn vinh danh Chúa,
trong gian nan thử thách của đời con. Amen.

Lm. Thái Nguyên
================
Suy niệm 2
THUYỀN CON GIỮA PHONG BA CUỘC ĐỜI
 
Ai đó thường ví von cuộc đời như chiếc thuyền nan lênh đênh giữa biển khơi, gió to, sóng lớn, bão giông, cứ thế mà trôi. Đôi lúc sóng cả êm ả nhẹ nhàng xô bờ, đôi khi giận dữ sóng ầm vang xa!
Các Tông đồ trong đoạn Tin Mừng hôm nay cũng trong hoàn cảnh ấy. Thuyền đang trôi giữa biển hồ Ga-li-lê-a, “chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Đức Giê-su thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ” (x. Mc 4, 37-38). Phải chăng Chúa mệt nên ngủ thiếp đi, và chẳng màng đến tai ương bão giông đang đe doạ các Tông đồ? Phải chăng Chúa biết, nhưng thử lòng tin các ông?
Có lẽ rất nhiều giả thuyết đưa ra đối với trạng huống này; tuy nhiên, sau khi các Tông đồ đánh thức Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” (Mc 4, 38), thì Ngài răn đe, lập tức “gió ngưng biển lặng như tờ” (x. Mc 4, 39). Liền sau đó, Đức Giê-su hỏi các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” (Mc 4, 40). Như vậy, Đức Giê-su có thể muốn thử các Tông đồ rằng: Thầy đang hiện diện với các con, cho dù Thầy ngủ thiếp đi. Trong thuyền không chỉ có các con, mà còn có Thầy; nếu tai ương ập đến thì cả thuyền và mọi người cùng chịu hậu quả cơ mà!
Quả thật, trên thuyền đời của mỗi chúng ta, Chúa luôn hiện diện cách sống động qua Lời hằng sống và Thánh lễ, nơi Bí tích Thánh Thể, qua Giáo hội, qua cộng đoàn, qua anh chị em, qua mọi hoàn cảnh sống, dẫu lắm lúc chúng ta không nhận ra hoặc nghĩ tưởng Ngài xa lìa chúng ta. Chuyện kể rằng: một ngày kia, viên lái đò chở hoàng đế Sê-za-rê qua sông, thấy sóng cả đã ngã tay chèo, nhưng được hoàng đế phán một câu bất hủ: ‘Anh không biết là anh đang chở hoàng đế Sê-za-rê sao?’ Anh lái đò ấy chợt lấy lại bình tĩnh mà trèo thuyền đến nơi bình an vô sự.
Nói cho cùng, vị hoàng đế dù oai phong quyền uy đến đâu cũng sẽ bất lực trước trận cuồng phong dữ dội, thế mà vẫn dám nói những lời như vậy; huống chi ở đây, hơn cả vị vua trần gian, Ngài chính là vua cả trên trời dưới đất, mà không làm cho sóng gió bão táp phải lặng yên sao? Ở điểm này, tác giả Thánh vịnh đã tài tình tỏ lộ: 
Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng
Sóng đang gầm, bỗng im tiếng.
Họ vui mừng vì trời yên bể lặng
Và Chúa dẫn đưa về bến mong chờ (Tv 107, 29-30).
Giữa đời, lắm lúc, chúng ta chỉ chạy đến với Chúa mỗi khi bình yên, an nhiên, hạnh phúc. Chúng ta chỉ chạy đến với Chúa những khi được thành công, được khen tặng, được tán thưởng tung hô, mà lãng quên hoặc xa lìa Ngài mỗi khi gặp phong ba tứ bề. Ngược lại, chúng ta chỉ vội vã chạy tới cầu xin Chúa khi gặp gian truân khốn khó, khi gặp thử thách chông gai, khi đối diện tai tương hoạn nạn, khi bị dèm pha chế giễu, v.v…, mà quên lãng cảm tạ Ngài mọi lúc bình an, vui tươi hân hoan, quây quần chia sẻ bên nhau. Còn Chúa thì chắc chắn luôn đồng hành và mãi hiện diện với chúng ta trong mọi khoảnh khắc, mọi thời điểm dù thuận lợi hay bất lợi, dù thành công hay thất bại, dù vui tươi hay buồn tủi, dù lúc ta khoẻ mạnh hay bệnh tật, v.v…Vì vậy, chúng ta phải trở nên ‘tạo vật mới trong Đức Ki-tô’ như Thánh Tông đồ Phao-lô xác tín trong thư thứ hai gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô: “Cho nên phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2Cr 5, 17). Con người bất tín đã qua, nay trở nên thụ tạo mới tín thác vào tình yêu quan phòng của Chúa. Con người hờ hững với anh chị em đã qua, nay trở thành thụ tạo mới chan chứa tình cảm thông, chăm sóc tha nhân. Con người nghi ngờ sự hiện diện của Chúa trong đời đã qua, nay trở nên thụ tạo mới biết trông cậy phó thác vào bàn tay yêu thương điều khiển và chỉ huy thuyền con giữa dòng đời. 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa tình yêu!
Luôn hiện diện trong con
Cùng trên con thuyền đời
Dù sóng xô gió lớn
Dù êm trôi tháng ngày
Con vẫn hằng tín thác
Cậy trông vào Chúa thôi! Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
================
Suy niệm 3
Sóng gió cuộc đời

(Mc 4, 35 – 40)
Trong những năm gần đây, chúng ta được nghe rất nhiều  tin làm chấn động cả thế giới: những cơn  động đất, sóng thần, bão tố, liên tiếp sảy ra ở nhiều nơi trên thế giới làm chết rất nhiều người, phá hủy bao công trình phúc lợi công cộng. Những trận cuồng phong bão táp chúng ta có thể thấy bằng con mắt giác quan, còn có những trận cuồng phong vô hình đã và đang từng ngày đổ ập vào người ta như trường hợp của ông Gióp người đầy tớ của Thiên Chúa, sóng gió hữu hình đến với các môn đệ Chúa Giêsu, và chắc chắn có sóng gió của đời ta.
Sóng gió đến với ông Gióp
Vì ghen ghét với người tín trung với Thiên Chúa, ma quỷ đã tìm mọi cách để đến gần Thiên Chúa và xin được thử thách ông. Chúa đã cho phép ma quỉ toàn quyền, trừ sức mạnh của thần chết. Thế là bằng mọi cách, ma quỉ đã làm gió làm bão lên đời ông Gióp, khiên ông bị vợ bỏ, con chết, súc vật bị phân tán và ngay cả bản thân ông cũng bị bệnh phong cùi lỡ loét, phải ngồi trên đống phân tro ngoài đồng, còn cái cảnh nào bi đát hơn, chán nản hơn, tuyệt vọng hơn. Ma quỷ đã tấn công ông từ tứ phía, lợi dụng cả bạn bè đến để khích bác, chê bai vì đã dại dột tin tưởng vào Thiên Chúa. Trong cơn thất vọng, ông cũng đã có lần buông lời than trách. Vì thế, Chúa đã hiện ra trong cơn gió lốc và cật vấn ông: "Khi biển cả vỡ bờ chảy xiết, ai đã dùng cánh cửa mà ngăn" và chỉ một lời Chúa truyền, sóng cồn đã theo đà đứng nguyên tại chỗ (G 38, 1.8 -11). Bằng lời lẽ phân minh, Chúa đã tỏ cho ông Gióp thấy Ngài là Ðấng thống trị địa cầu, phàm ai trông cậy tin tưởng vào Chúa sẽ được Ngài ấp ủ yêu thương.
Sóng cả ba đào tạt thuyền các môn đệ
Tin Mừng Thánh Marcô thuật lại, Chúa Giêsu truyền các môn đệ rằng: "Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ" (Mc 4, 35 ) mà không nói lý do như trong Tin Mừng Matthêu sang bờ bên kia vì "đám đông" (Mt 8, 18). Marcô còn ghi rõ : "Cũng có nhiều thuyền khác theo Người" (Mc 4, 36), nhưng không nói rõ liệu các thuyền kia có đi vào trung tâm của bão lớn hay không ? Chỉ biết rằng " Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước" (Mc 4, 37). Các môn đệ quả thực sợ hãi, sợ chết, có khi sợ Thầy đang ở trong thuyền của họ cũng chết nữa ! Cái chết thể xác không thể cưỡng lại nổi, nếu gió to sóng lớn đánh tan thuyền. Rồi các môn đệ than như một lời trách móc cay đắng "Mà Thầy không quan tâm đến sao ?" (Mc 4, 38)
Chúng ta tự hỏi : Chúa Giêsu đã làm gì trong lúc con thuyền vượt biển? Thưa : Người tận dụng thời giờ để nghỉ ngơi và ngủ. Nhưng không phải là Người vắng mặt. Tư tưởng của Người vượt trên chúng ta qua sự nhập thể làm người.
Sau một ngày giảng dạy, khi chiều đến Chúa Giêsu muốn tránh ra xa đám đông. Mệt mỏi, Người nghỉ ngơi đôi chút. Người ngủ trên chiếc thuyền của các môn đệ, dựa gối vào đàng lái mà ngủ. Chìm vào giấc ngủ, bão tố cuồng phong không thể nào làm người tỉnh giấc. Khiến các môn đệ phải hét vào tai đánh thức Người. Chúng ta đọc được những lời thật lo âu của các môn đệ: "Thưa Thầy, chúng con chết mất" (Mc 4, 38).  Người chỗi dậy.
Chúa Giêsu đã thức dậy, can thiệp đúng lúc và truyền cho gió bão: "Hãy im đi, hãy lặng đi" ( Mc 4, 39 ). Tức thì, gió bão im lặng. Các môn đệ cảm thấy nhẹ nhõm vì không còn hoang mang, sợ hai và lo lắng nữa. Biển lặng tượng trưng cho lòng con người được an bình, được yên lặng. Sau đó, Người đã quở các môn đệ rằng: "Sao các con sợ hãi thế, các con không có đức tin ư ?" (Mc 4, 40).
Chúng ta đặt mình vào trong tình huống này, cuồng phong nổi lên, sóng khiến nước ập vào thuyển, trong khi đó Chúa Giêsu vẫn ngủ. Một bên là gió rít sóng gào, bên kia là hơi thở nhẹ nhàng và đều đặn của Chúa Giêsu. Một bên là các môn đệ chạy lên chạy xuống kêu la hốt hoảng đến mất lòng tin. Bên kia là tư thế nghỉ ngơi bình an hoàn toàn thoải mái ngay ở đàng lái mạn thuyền của Chúa Giêsu. Như thế, ở giữa sức mạnh của phong ba bão táp, con thuyền được lèo lái, không phải bởi một sức mạnh lớn hơn, nhưng bằng một giấc ngủ ngon lành của Chúa Giêsu, vì Người là Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn là các môn đệ không được hoảng hốt, kêu la và đánh thức Thầy, với sự hiện diện của Thầy lẽ ra các ông phải yên tâm mới phải. Cứ để biển động, gió gào, sóng thét và nhất là cứ để Chúa Giêsu ngủ trong thuyền của các ông.
Con thuyền Giáo hội, thuyền của đời ta
Trong lịch sử, truyền thống Kitô giáo vẫn nhìn nhận con thuyền tròng trành vì bão tố, một hình ảnh của Giáo hội. Khi Marcô viết Tin Mừng, có lẽ Phêrô đã chịu tử đạo và giáo đoàn Rôma bị bách hại tàn bạo : "Chúng ta hãy sang bờ biên kia" (Mc 5, 35) có ý nghĩa. Mặc dù bão tố, Giáo hội phải sống và phát triển trong thế giới ngoại giáo này và không chỉ trong cộng đoàn Kitô giáo gốc Do thái mà thôi, nhưng còn từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, khắp muôn dân trở về với Giáo hội Chúa. Và sự im lặng của Thiên Chúa hiển nhiên có thể làm chúng ta quên đi tình yêu biểu lộ cho nhân loại nơi Đức Giêsu Con Thiên Chúa làm người.
Đời người ai mà chẳng có lúc sóng gió. Có lúc sóng gió tấn công vào chiếc thuyền nhỏ trong thân phận mỏng manh của đời ta. Ðau khổ bệnh tật, thất bại, cô đơn, nghèo đói, hiểu lầm, ghen ghét, tai nạn, rủi ro đó là những bão táp của đưa đẩy cuộc đời. Ðứng trước những cơn phong ba ấy, chúng ta thường hốt hoảng, lo sợ và thậm trí có khi mất niềm tin. Thế nhưng khi nghe Lời Chúa hôm nay, chúng ta thấy đó chính là sứ điệp đầy hy vọng mời gọi ta hãy tin tưởng vào Chúa vì Người là Đấng quyền năng. Không những Chúa có thể dẹp yên sóng gió của biển động, mà còn đem lại sự bình an cho tất cả những ai luôn biết tin tưởng và gắn bó với Chúa. Niềm tin ấy không làm cho đau khổ biến đi. Nhưng sẽ biến đau khổ thành sức mạnh, giúp ta vượt thắng tất cả những thử thách cam go, sóng to, gió cả của cuộc đời. Ðể cuối cùng đạt đến hạng phúc nguồn cứu độ nơi bến bờ quê hương vĩnh cửu. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ 
================
Suy niệm 4
TÔN KÍNH VÀ ÁI MỘ THÁNH DANH

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 12 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin cho mình hằng biết trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, vì những ai được Chúa cho khăng khít với Chúa, thì Chúa chẳng bỏ rơi bao giờ.
Trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, vì Chúa không ngừng đưa tay nâng đỡ những ai kính sợ Người, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Samuen quyển I cho thấy: Tuân lệnh Thiên Chúa, ông Samuen cho Đavít biết rằng ông đã được Thiên Chúa tuyển lựa. Sự lựa chọn này làm ta ngạc nhiên, vì Thiên Chúa thấy tận đáy lòng. Ta phù trợ một trang dũng sĩ, cất nhắc lên một người trẻ trong dân; Ta đã tìm ra nghĩa bộc Đavít, đã xức dầu thánh tấn phong người. Ta sẽ không ngừng đưa tay nâng đỡ. 
Trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, vì Đấng Cứu Độ chúng ta, Đấng thật sự là Kitô, thì đã được xức dầu tấn phong bằng Thánh Thần, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Linh Mục Phautinô Luxiphêranô nói: Khi làm người, Đức Giêsu đã được xức dầu bằng Thánh Thần và quyền năng. Do đó, chính Đức Giêsu, khi làm người, đã thật sự trở thành Đấng Kitô. Nhờ được xức dầu là Thánh Thần, Người đã trở thành Vua và Tư Tế đến muôn đời.
Trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, vì Chúa là Chúa Tể, cả vũ trụ này phải vâng theo mệnh lệnh của Người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Gióp cho thấy: Chúa phán: Ngươi chỉ tới đây thôi, chứ không được tiến xa hơn nữa, đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 106, vịnh gia cũng đã cho thấy: Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng Chúa, Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân. Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng, sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng. Trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, vì chúng ta được cứu độ là nhờ Danh của Đức Kitô, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. 
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô tường thuật lại: Các ông sợ hãi kinh hoàng và nói với nhau: Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh? Đức Kitô là vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện, Danh của Người là Đấng Cứu Độ. Những ai kêu cầu Người, Người sẽ ra tay nâng đỡ: ý thức mình là bệnh nhân, chúng ta sẽ được Người chữa lành; tự nhận mình là tội nhân cần được thương xót, chúng ta sẽ được Người thương cứu độ. Những ai được Chúa cho khăng khít với Chúa, thì Chúa chẳng bỏ rơi bao giờ: Đấng Cứu Độ chúng ta: vừa là Vua, vừa là Tư Tế. Người được xức dầu không phải bằng dầu vật chất, mà bằng Thánh Thần. Xưa kia, trong dân Ítraen, các vua và các tư tế được phong làm vua hoặc làm tư tế do việc xức dầu bằng dầu vật chất, nhưng, không ai cùng một lúc mang hai chức vụ, mà mỗi người hoặc chỉ làm vua, hoặc chỉ làm tư tế thôi. Giữa muôn người, chỉ một mình Đức Kitô là thành toàn và có tất cả sự viên mãn. Người đã đến để kiện toàn chính Lề Luật. Người là vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Người là Chúa Tể, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh. Ước gì chúng ta luôn biết trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, để ta luôn được gìn giữ an toàn trong Danh Thánh của Người, cho dẫu, ngay lúc hiện tại, chúng ta đang phải đối mặt với những gian truân khốn khó của cuộc sống này. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
================
Suy niệm 5
BÃO HOÀNH HÀNH

“Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?”.
“Đôi khi Chúa làm dịu cơn bão; đôi khi Ngài để bão hoành hành và xoa dịu con cái mình!” - Anon.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay thật hiện sinh khi chúng ta đang ở vào thời kỳ ‘bão hoành hành’ mà thế giới và Giáo Hội đang trải qua, khiến đức tin chúng ta bị thử thách. Đôi khi, như các môn đệ, chúng ta hấp tấp hỏi Chúa Giêsu, “Thầy ơi, Thầy chẳng lo gì sao?”. Nếu Thiên Chúa thực sự hiện hữu, nếu Ngài là Cha, tại sao những sự việc này xảy ra?
Đối mặt với ký ức khủng khiếp của các trại tập trung trong thế chiến thứ hai, Đức Bênêđíctô 16 tự hỏi: “Thiên Chúa ở đâu trong những ngày đó? Tại sao Ngài im lặng? Làm sao Ngài có thể cho phép sự tàn sát không ngừng này xảy ra?”. Thiên Chúa sẽ không trả lời những câu hỏi này. Bạn có thể cầu xin Ngài mọi điều ‘ngoại trừ lý do’ của sự việc; bạn không có quyền bắt Ngài chịu trách nhiệm! Thực ra, Thiên Chúa đang hiện diện, đang nói. Chính chúng ta là những người ‘không hiện diện’ và do đó, không nghe Ngài. “Chúng ta không thể nhìn thấu kế hoạch huyền nhiệm của Thiên Chúa - chúng ta chỉ thấy từng phần - và sẽ rất sai lầm nếu tự coi mình là thẩm phán của Thiên Chúa và lịch sử. Khi đó, chúng ta sẽ không bảo vệ con người mà chỉ góp phần vào sự sụp đổ của nó!” - Bênêđíctô 16.
Thực ra, vấn đề không phải là Thiên Chúa không hiện hữu, mà là con người chúng ta sống ‘như thể’ Thiên Chúa không hiện hữu! Đây là câu trả lời của Ngài, “Sao nhát thế? Các con vẫn chưa có lòng tin sao?”. Đừng chất vấn Ngài; thay vào đó, hãy cầu nguyện và tôn trọng ý muốn của Ngài! Bấy giờ bi kịch sẽ ít hơn... và thật đáng kinh ngạc, chúng ta sẽ thốt lên, “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”. Có Chúa Giêsu trên thuyền không có nghĩa là mọi chuyện sẽ suôn sẻ. Chúng ta cần khám phá rằng, Ngài đang hoạt động cả khi ‘bão hoành hành’. Cần hỏi Ngài đang dạy chúng ta điều gì. Nếu thử thách ‘kéo’ chúng ta đến gần Ngài hơn, thì có thể đó là một ân sủng thực sự đang hoạt động. Chúng ta chưa học được rằng, “Mọi sự đều có ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa!”.
Anh Chị em,
“Thầy chẳng lo gì sao?”. Những cơn gió nào đang đập vào cuộc đời tôi? Những làn sóng nào đang cản trở định hướng của tôi khiến đời sống tinh thần, đời sống gia đình, thậm chí cả đời sống tâm lý của tôi nguy kịch? Hãy nói tất cả với Chúa Giêsu; kể cho Ngài mọi chuyện. Ngài muốn điều này! Ngài muốn chúng ta ôm lấy Ngài để tìm nơi trú ẩn trước những sóng gió bất ngờ trong cuộc đời. Hãy đến gần Chúa Giêsu, đánh thức Ngài, nói với Ngài. Đây là khởi đầu đức tin: nhận ra rằng, chỉ mình chúng ta không thể nổi; rằng chúng ta cần Chúa như thuỷ thủ cần hải đăng, cần những vì sao để tìm hướng đi. Đức tin bắt đầu từ việc tin rằng tôi không đủ cho chính mình, tôi cần Chúa. Khi vượt qua cám dỗ khép kín, vượt qua lòng đạo đức sai lầm không muốn làm phiền Thiên Chúa, để bắt đầu kêu cầu Ngài, thì Ngài có thể thực hiện những điều kỳ diệu. Chính sức mạnh nhẹ nhàng và phi thường của lời cầu nguyện mới làm nên những điều kỳ diệu ngay khi ‘bão hoành hành’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con chăm nhìn sóng, dạy con nhìn Chúa! Đừng để con bỏ Chúa một góc dưới đáy thuyền đời mình, dạy con đánh thức Chúa - người vốn hay ngủ - dậy!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế 
================
Suy niệm 6
Thuyền Có Chúa
G 38,1.8-11; 2Cr 5,14-17; Mc 4,35-41
*Thuyền của các môn đệ:
Thuyền của Thầy Giêsu và các môn đệ chiều hôm ấy gặp cuồng phong, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước và sắp chìm. Sợ hãi đến vậy mà Thầy ở đàng lái vẫn vô tư “dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ”. Các môn đệ cuống cuồng la lên: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4,38b). Các ông vẫn chưa tin vào quyền năng của Thầy, nên ngay cả khi có Thầy cùng đồng hành ngay trên thuyền, mà vẫn sợ chết quá nên mới om sòm la lối. Thầy thức dậy bắt đầu can thiệp, biển lặng như tờ, Thầy trò bình an thoát chết. Khi cuồng phong bão táp các ông hoảng hốt, giờ gió yên biển lặng, cũng lại hoảng sợ thì thào với nhau “người này là ai”? Các môn đệ kém tin thật, ngay cả khi có Chúa ở bên, bị Thầy chê trách là phải.
*Thuyền Giáo Hội:
Hình ảnh thuyền của các môn đệ gặp sóng gió hôm nay cũng là hình ảnh con thuyền Giáo Hội. Giáo Hội cũng từng gặp bao nhiêu thử thách đau thương, chống đối, bị bách hại qua mọi thời. Nhưng Giáo Hội vẫn tồn tại, đứng vững và phát triển không ngừng vì luôn có Chúa ở cùng. “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
*Thuyền đời tôi:
Nhìn vào cuộc đời mỗi người, đâu phải lúc nào “cuộc đời cũng đẹp sao”, nhưng cũng gặp biết bao sóng gió, thử thách gian nan. Đời người phải chống trọi với bao sự dữ, bệnh tật, yếu đuối, chịu đau khổ do người khác gây nên làm cay đắng cõi lòng, bị chỉ trích, chống đối, phản bội… Nhưng chính Chúa đang ở trong cùng một thuyền với tôi, cho dù Ngài như đang “ngủ”. Có lúc tôi an tâm vì đời con có Chúa. Nhưng có lúc “Ngài có đó, nhưng con tưởng mình đang cô đơn”, vì Ngài vẫn như đang ngủ, vẫn im lặng. Và con người hoảng sợ tìm “thầy” khác, hoặc gồng mình xoay sở để chống trọi với phong ba, làm sao dẹp yên được sóng đời?
Với niềm tin son sắt, lòng cậy vững vàng, phó thác mọi biến cố, khó khăn trong đời của mình trong bàn tay Chúa, chắc chắn Chúa sẽ ra tay thực hiện, làm cho mọi sự trở nên tốt đẹp. Đức tin của các môn đệ cũng được thanh luyện qua thử thách. Lòng tin nơi con người cũng phải trải qua thử thách mới trở nên kiên cường vững mạnh. Chỉ có lòng tin vững mạnh nơi Thầy Giêsu, Đấng từng dẹp yên sóng biển, mới đưa thuyền đời ta đến bến bình an.
Đức Chúa đã trả lời ông Gióp về quyền năng tay Ngài trong bài đọc I: “Cửa đại dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu, khi ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân? Đường ranh giới, chính Ta vạch sẵn, lại đặt vào nơi cửa đóng then cài; rồi Ta phán:”Ngươi chỉ tới đây thôi, chứ không được tiến xa hơn nữa, đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành”. (G 38,8-11). 
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log