Chúa nhật, 22/12/2024

Suy niệm Tin Mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu và Chúa nhật 10 Thường niên năm B

Cập nhật lúc 08:08 06/06/2024
LỄ THÁNH TÂM - NĂM B
Suy niệm 1
Trái Tim Chúa thổn thức vì yêu
(Ga 19, 31-37)
Ngày thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa, ngày Chúa tỏ Trái Tim Tình Yêu của Người ra cho thánh nữ Maria Margarita Alacoque (16/6/1675), phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành với lòng biết ơn lễ Trái Tim Cực Thánh Đức Chúa Giêsu rất hay thương « dịu hiền và khiêm nhường » trong lòng để đáp đền tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa là Cha luôn thổn thức bồi hồi vì thương xót chúng ta.
Trái tim Cha thổi thức bồi hồi vì thương
Khi hiện ra với ông Mô-sê trên núi Si-nai, Thiên Chúa xưng danh mình và nói: “Chúa, Chúa, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giầu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34, 6). Chính Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta về tình yêu Thiên Chúa là “Cha”: “Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mc 5, 45). Tình yêu của Chúa Cha thật “phong phú” và “lớn lao”. Ngôn sứ Hô-sê tỏ cho dân Chúa thấy tình thương vô biên của Chúa đối với loài người. Thiên Chúa tự ví mình như một người mẹ âu yếm con thơ (x.Hs 11,3-4).Trái Tim đó không đơn giản là trái tim bình thường mà là Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trái Tim « yêu thương » dân, « Quả tim Ta thổn thức trong Ta … vì Ta là Thiên Chúa » (x. Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9 ). Trái Tim ấy không chỉ đã tha thứ cho loài người, mà còn trao ban chính sự sống của con mình là Đức Giêsu làm giá chuộc loài người để thoả mãn tình yêu đối với con người. Quả tim ấy được cụ thể nơi Trái tim Chúa Giêsu vượt quá sự hiểu biết của con người (x. Ep  3,8-12.14-19).
Trái Tim bị đâm thủng vì yêu
Vì yêu loài người ta quá bội, Chúa Giêsu đã chịu lưỡi đòng đâm thâu trái tim, để cho nước và máu chảy ra (x. Ga 19, 34).
Trái tim là biểu tượng tự nhiên của tình yêu. Trái tim còn đập cho thấy mình còn sống. Thiên Chúa đã yêu con người bằng trái tim tình yêu. Chúa Giêsu nói với Philiphê: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Trái tim Chúa Giêsu chính là Trái tim Chúa Cha. Trái ấy được miêu tả có vết thương và mão gai quấn quanh. Mão gai nhắc nhớ chúng ta về tình yêu đích thực, chung thủy, hoàn toàn tận hiến cho tha nhân, quên cả đau khổ của chính mình, ngụ ý nói, Tình yêu thực sự không thể tách rời khỏi mão gai.
Trái tim Chúa Giêsu có Thánh Giá biểu tượng chính của Đức tin Kitô giáo, cắm ở phía trên, giúp chúng ta chiêm ngắm tình yêu hy sinh của Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình vì chúng ta khi bị treo trên Thánh Giá. Chúa Giêsu, một con người vô tội bị thế gian kết án, đã lấy yêu thương tha thứ đáp trả hận thù khi thưa cùng Chúa Cha rằng: “Lạy Cha xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ đã làm” (Lc 23. 24). Người cũng dạy chúng ta phải yêu như Chúa yêu và tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.
Trái tim Chúa Giêsu có ngọn lửa bao quanh. Đây là những ngọn lửa vinh quang, lửa tình yêu bừng sáng. Ngọn lửa ấy những ước mong chiếu sáng thế gian tội lỗi và tối tăm, sưởi ấm thế giới lạnh lùng. Đó cũng là ngọn lửa nhiệt thành, chiếu rọi trên các Tông Đồ ngày Lễ Ngũ Tuần.  
Ngón tay Chúa Giêsu chỉ vào Trái tim Chúa, có ý mời gọi chúng ta: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28-29).
Tay kia dang rộng ra như tha thiết chào đón mọi người, vẫy mời chúng ta hãy uốn lòng nên giống Trái tim Chúa để làm như vậy đối với tha nhân. Trái tim Chúa Giêsu quả là một biểu tượng mạnh mẽ của tình yêu Thiên Chúa chúng ta, những người được trao cho sứ mạng yêu thương trên mặt đất này. Hơn bao giờ hết, thế giới hôm nay ngạo mạn cứng đầu, vơi cạn tình yêu đang rất cần đến tình yêu kín múc từ Trái tim Cực Thánh Chúa Giêsu.
Từ nguồn suối thẳm sâu của trái tim mình, Chúa Giêsu đã ban cho Giáo hội các bí tích để có thể trao ban hồng ân sự sống… trở nên Bí tích cứu độ chúng ta, và dạy chúng ta yêu thương nhau. Đây là dấu chỉ tình yêu cao cả nhất Thiên Chúa dành cho nhân loại : “Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13).
Linh mục là hồng ân của Thánh Tâm Chúa
Trái tim Chúa rung động vì cảm thương loài người đã bị đâm thủng vì tội lỗi chúng ta (x.Ga 19,36), đã tuôn trào nguồn ơn cứu độ đời đời cho nhân loại. Ấy vậy mà con người vẫn vô ơn bạc nghĩa trước sự hy sinh cao cả của Chúa, xúc phạm đến Trái tim nhân lành của Chúa.
Nhưng vì là Trái Tim Tình Yêu nên: « Đời nọ tới đời kia, Thánh Tâm Chúa vẫn hằng nuôi dưỡng ý định cứu dân Người khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn » (Ca nhập lễ). Lời thánh Gioan Maria Vianey là bằng chứng : « Linh mục là hồng ân của Thánh Tâm Chúa ban cho loại người » (GLHTCG số 1589). Làm sao ta không cảm động nhớ lại rằng chính từ Trái tim Chúa đã trực tiếp nảy sinh hồng ân linh mục. Hôm nay chúng ta đừng quên cầu cùng Thiên Chúa Ba Ngôi cho các linh mục nhân ngày thánh hóa, để Giáo hội có được những cái máng tốt như lòng Chúa mong ước, thông chuyển tình yêu của Thiên Chúa cho thế gian.
Thánh Phaolô xin Thiên Chúa mở lòng trí ta, giúp ta hiểu được phần nào tình yêu mênh mông vô tận của Chúa Kitô. Tình yêu đó vượt quá trí hiểu của chúng ta: Tình yêu vừa rộng vừa dài, vừa cao vừa sâu (x. Ep 3,8-12.14-19).
Lạy Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
==============
Suy niệm 2
HƯỞNG TẬN NGUỒN ƠN CỨU ĐỘ TRÀO DÂNG

Qua Lời Tổng Nguyện của ngày Lễ Thánh Tâm, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Khi chúng ta cử hành Lễ Thánh Tâm Đức Kitô, Con Một Cha yêu dấu, Cha ban cho chúng ta được vui mừng tưởng niệm những kỳ công Người đã thực hiện vì yêu thương chúng ta. Xin Chúa dạy chúng ta biết tìm đến Thánh Tâm Người mà hưởng tận nguồn ơn cứu độ trào dâng.
Hưởng tận nguồn ơn cứu độ trào dâng, từ nơi Thánh Tâm của Thiên Chúa Tình Yêu, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô nói: Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.
Hưởng tận nguồn ơn cứu độ trào dâng, nhờ cái chết thay cho người mình yêu của Đấng tự nguyện chịu treo trên Thập Giá, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Bônaventura nói: Hỡi bạn là người đã được cứu chuộc, bạn hãy ngẫm xem Đấng chịu treo trên thập giá vì bạn, Đấng đã chết để làm cho kẻ chết được sống.
Hưởng tận nguồn ơn cứu độ trào dâng, nhờ Lòng Thương Xót vô bờ của Thiên Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Hôsê nói: Hỡi Épraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Ítraen, Ta trao nộp ngươi sao đành! Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Épraim nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm.
Hưởng tận nguồn ơn cứu độ trào dâng, nhờ lòng tin tưởng, và lòng mến đặt nơi Đức Kitô, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Trong bài Đáp Ca, ngôn sứ Isaia cũng cùng chung tâm tình này khi kêu gọi: Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ. Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi, tôi tin tưởng và không còn sợ hãi, bởi vì Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan tường thuật lại: Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Đức Giêsu hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, hằng luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha: chấp nhận cái chết tủi nhục trên Thập Giá để cứu độ chúng ta. Như hương thơm tiết ra từ cây “hương mộc” cho cả chiếc rìu chặt nó, tình yêu cứu độ từ Thánh Tâm của Đức Giêsu, vẫn tuôn đổ đến giọt máu giọt nước cuối cùng, cho những kẻ bắt bớ, giết hại Người. Thập Giá là sáng kiến tình yêu của Thiên Chúa. Nơi Thập Giá, chúng ta được hoan hỷ vui hưởng kỳ công vĩ đại, Chúa đã thực hiện vì yêu thương chúng ta. Nơi Thánh Tâm, chúng ta được thỏa lòng tận hưởng nguồn ơn cứu độ trào dâng. Ước gì chúng ta biết quay trở về với Thánh Tâm Chúa, ngụp lặn trong đại dương bao la của tình yêu Chúa. Hoa hồng nào mà chẳng có gai, tình yêu nào mà chẳng đòi những hy sinh bỏ mình. Ước gì chúng ta biết trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa trong tình yêu hiến tế: sẵn sàng yêu cho đến quên mình, để được tan biến hoàn toàn trong tình yêu cứu độ của Chúa. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
==============
Suy niệm 3
SUỐI NGUỒN XÓT THƯƠNG

“Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài; tức thì, máu cùng nước chảy ra!”.
“Coup de grâce” - một thành ngữ tiếng Pháp - nói đến “ân huệ” cuối cùng dành cho một tử tội hầu kết thúc sớm cái chết đau đớn của họ. Hai anh trộm chịu đóng đinh với Chúa Giêsu đã hưởng “cú đánh ân huệ” này khi ống chân của họ ‘được đập vỡ’ để có thể chết nhanh vì ngạt thở. Chúa Giêsu không ‘được hưởng’ ân huệ này, vì Ngài đã chết; nhưng, “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài; tức thì, máu cùng nước chảy ra!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Theo truyền thống, người lính đâm cạnh sườn Chúa Giêsu có tên là Longinus; có truyền thống coi ông là viên đại đội trưởng đã thốt lên “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!”; truyền thống khác cho rằng, Longinus đã cải đạo và là tân tòng đầu tiên; một truyền thống còn nói, mắt Longinus bị mù, máu và nước từ cạnh sườn Chúa Giêsu đã rưới xuống chữa lành. Vậy mà bất kể các truyền thống này có đúng hay không, chúng ta biết, cạnh sườn Chúa Giêsu đã bị đâm thâu, máu và nước đã chảy ra; để từ đó, ‘suối nguồn xót thương’ tuôn trào đến tận thế cho nhân loại được ơn cứu rỗi.
Biểu tượng này - trái tim - không chỉ là những gì thuộc về con người, nó còn là một biểu tượng thần linh nói lên tình yêu vô bờ của Thiên Chúa, Đấng cũng có một trái tim yêu thương mà Hôsê tiết lộ, “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” - bài đọc một. Nói đến ‘trái tim’ là nói đến sự sống. Khi Trái Tim Chúa Giêsu bị đâm, máu và nước chảy ra chính là lúc sự sống mới - các Bí tích - của Giáo Hội được tuôn trào. “Máu” biểu tượng cho Thánh Thể, “Nước” là quà tặng của phép Rửa; và trước khi “tắt hơi”, Chúa Giêsu kịp “trao Thần Khí”, Bí tích Thêm Sức được ban. Đó là những chiều kích sâu thẳm ‘dài, rộng, cao, sâu’ “vượt quá sự hiểu biết” mà Phaolô mời gọi chúng ta chiêm ngắm - bài đọc hai; Thánh ca Isaia lặp đi lặp lại, “Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ!”.
Ngày nay, khi tham dự các Bí tích, chúng ta dễ dàng coi các nghi thức chỉ là biểu tượng; đang khi chúng thực sự là các phương tiện thông ơn của Thiên Chúa; đặc biệt Bí tích Thánh Thể. Chính qua linh mục, Chúa Kitô dâng lễ tế lên Chúa Cha. Hôm nay, ngày thánh hoá các linh mục, chúng ta không quên cầu nguyện cho các ngài và cùng với các ngài, mỗi khi chứng kiến một phép Rửa hay một Bí tích nào đó, chúng ta hiện diện ‘một cách thần bí’ với Longinus, nhận lãnh ân sủng và sự tha thứ tuôn đổ từ ‘suối nguồn xót thương’ của Thánh Tâm Chúa; nhờ đó, chúng ta được thanh tẩy, chữa lành và trở nên thanh sạch vẹn toàn.
Anh Chị em,
“Máu cùng nước chảy ra!”. Chiêm ngắm Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, chúng ta tạ ơn Ngài vì Trái Tim Ngài là ‘suối nguồn xót thương’ liên lỉ tuôn trào sự sống mới, ân sủng dưỡng nuôi, quyền năng thứ tha và chữa lành chúng ta đến muôn đời. Không chỉ là nguồn suối, Trái Tim Ngài còn là đại dương sâu lắng và êm đềm đang chờ đợi các tội nhân đến tắm gội trong vực cứu rỗi của họ. Hãy đặt mình trước Thập Giá Chúa Kitô, cho phép Máu và Nước chảy ra từ cạnh sườn Ngài bao phủ và rửa sạch hồn xác bạn và tôi, hầu chúng ta có thể cảm nhận được sự tươi mới và sự sống mới của Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, để linh hồn con không còn lầy lụa, không còn đói, không còn khát… cho con biết chạy đến tắm gội, kín múc nơi ‘suối nguồn xót thương’ là các Bí tích!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 
==============
CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN B
Suy niệm 1
GIA ĐÌNH CỦA CHÚA GIÊSU

Mc 3, 20-35

Theo Phúc Âm Máccô, sau khi chọn 12 Tông đồ trên đường rao giảng Tin Mừng, thì hôm nay Đức Giêsu và các ông “trở về nhà”. “Nhà” ở đây có lẽ là nhà của Phêrô vì khi đi rao giảng, Đức Giêsu thường xuyên lui tới và nghỉ ngơi ở đó (Mc 1, 29; 2,1). “Nhà” ở đây cũng có thể hiểu là hình ảnh của Giáo Hội. Hai lần Thánh Máccô ghi rằng, thân nhân của Đức Giêsu “ở ngoài” nhà. Kiểu nói “những kẻ ở ngoài” thông dụng trong thời Giáo Hội sơ khai, ám chỉ những người không phải là Kitô hữu (Tx 4,12; 1 Cr 5,12-13; Cl 4,5; Tm 3,7).
Những người thân thuộc đã nghe tin là Đức Giêsu làm việc quá sức, không còn giờ ăn uống, ngủ nghỉ, đàng khác còn gây thù hận với hàng lãnh đạo tôn giáo, và họ đang “tìm cách giết Ngài” (Mc 3,6) nên thân nhân muốn bắt Ngài đưa về quê,“vì họ nói rằng Ngài đã mất trí”. Đức Giêsu bị họ hàng nhận định cách nặng nề, thiếu hiểu biết, muốn ngăn cản sứ vụ của Ngài. Trong sự việc này có mặt Đức Maria là điều làm chúng ta phải suy nghĩ. Nhưng qua đó, ta cũng thấy không phải chuyện gì xảy ra Đức Maria cũng hiểu được, dù ngay từ đầu đã được thiên thần truyền tin. Có lần thánh Luca cũng ghi nhận Đức Maria không hiểu được Đức Giêsu (Lc 2,50). Chỉ dần dần nhờ “lắng nghe Lời Chúa” và “suy niệm trong lòng” mà Mẹ lớn lên trong đức tin. Quyền làm Mẹ đã tìm thấy một chiều kích mới để trở nên Mẹ Giáo Hội.
Sự kiện éo le chưa xong thì bồi thêm một sự kiện khác, là “các kinh sư từ Giêrusalem đến nói rằng Ngài bị quỷ vương Bêendêbun ám và Ngài dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ”. Lời cáo buộc này nhằm cố ý triệt hạ uy tín và ảnh hưởng của Đức Giêsu trước đoàn lũ dân chúng đang đi theo Ngài. Trong nước Do Thái thời Đức Giêsu, việc trừ quỷ khá phổ biến và được mọi người chấp nhận (Cv 19,13). Hơn nữa, các kinh sư là những người thông thạo Kinh Thánh, họ phải biết việc Êlia xưa đã dùng quyền năng Thiên Chúa mà diệt trừ những kẻ dựa vào quỷ Bêendêbun thời vua Akhap và Ôkhôgia vua Israen (2V1,2-17).
Qua lời tố cáo của nhóm kinh sư, Đức Giêsu cho dân chúng thấy ngay luận điệu gian xảo của họ: “Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền… Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số”. Xatan chỉ bị diệt trừ khi ai đó có một sức mạnh lớn hơn. Đó là chính Đức Giêsu. Thế mà nhóm kinh sư dám dùng lời lẽ ngông cuồng xúc phạm đến Ngài. Và Ngài cho biết, mọi tội phạm thượng đều có thể tha thứ được, Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời". Đó là vì họ đã nói "ông ấy bị thần ô uế ám".
Theo thánh Máccô, ngay từ đầu, Đức Giêsu đã nhận lãnh Thánh Thần khi chịu Phép Rửa trên sông Giođan, và với quyền năng của Thánh Thần, Ngài thi hành sứ mạng cứu độ (1,9-12). Khi nhóm kinh sư xuyên tạc và lật lọng việc trừ quỷ của Đức Giêsu là họ “phạm đến Thánh Thần”, cố chấp không đón nhận ơn cứu độ, nên không được tha thứ.
Tiếp nối sự việc trên, nhân có mẹ và anh em, Đức Giêsu nâng cao tầm nhìn cho các môn đệ: không phải những người ruột thịt là người thân đích thực của Chúa, mà là những người thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Không thể nói:“Lạy Chúa, Lạy Chúa mà được vào Nước Trời” (Mt 7, 21). Chính Ngài từ trời xuống cũng là để làm theo ý muốn của Chúa Cha (Ga 6,38), đến nỗi hy sinh mạng sống mình (Lc 22,42).
Những giáo huấn trên của Đức Giêsu đặt lại vấn đề đời sống của người Kitô hữu hôm nay. Khởi đi từ thực trạng dạy giáo lý tại Việt Nam, cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền đã nhấn mạnh đến 4 cái thiếu: một là thiếu chiều sâu, bởi lo tập trung vào cái đầu thay vì con tim và đôi tay; hai là thiếu chiều cao, bởi chỉ chú trọng đến kiến thức thay vì tương giao và gặp gỡ; ba là thiếu chiều dài, bởi giới hạn vào việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích thay vì trưởng thành đức tin; bốn là thiếu chiều rộng, bởi giới hạn trong khuôn khổ của lớp học thay vì vươn ra ngoài xã hội.
Với nền giáo dục đức tin bất cập như thế, không lạ gì có nhiều giáo dân chẳng hiểu biết gì về Chúa, họ cũng không chịu học hỏi thêm Giáo lý, Thánh kinh, Công đồng… Nhiều người biện minh là không có thời giờ, nhưng thật ra là do lười biếng, không muốn hiểu biết Chúa hơn. Cũng vì nền tảng giáo lý yếu kém mà nhiều giáo dân sống đạo hời hợt, hình thức, không đi sâu vào mối tương quan thân tình với Chúa Giêsu.
Mang danh là Kitô hữu mà không hiểu biết Chúa bao nhiêu. Đã “vô tri thì bất mộ”, không biết nên cũng chẳng yêu, càng không thao thức vươn lên cuộc sống mới như Chúa mong đợi. Quả là một tình trạng đức tin rất mông lung và đáng nghi ngờ, có thể đi tới những lầm lạc nếu không kịp thời chấn chỉnh. Và thật sự đã có những nhóm lạc giáo tại Việt Nam, lôi kéo được nhiều giáo dân, kể cả các linh mục và tu sĩ.
Cầu nguyện 
Lạy Chúa Giêsu!
Chúa nêu lên một điều thật mới lạ,
để nối kết với tất cả người ta,
là những ai thi hành thánh ý Chúa,
mới trở nên thân thích họ hàng Ngài.

Chúa không coi thường gia đình ruột thịt,
nhưng cho thấy gia đình Ngài rộng lớn,
và vẫn còn tiếp tục trải dài hơn,
cho dù rất khác nhau về mọi mặt,
nhưng rồi lại có một mẫu số chung,
là cùng nhau thi hành thánh ý Chúa.

Lời Chúa nói còn có ý sâu xa,
trước tiên là muốn ngợi ca Mẹ mình,
vì chẳng ai theo ý Chúa cho bằng Mẹ,
là sẵn sàng thưa hai tiếng “xin vâng”,
cho dù bao bao gian lao lận đận,
chẳng màng gì đến sự sống bản thân.

Khờ khạo thay khi con theo ý mình,
mà chẳng quan tâm gì đến ý Chúa,
con hay dùng lý lẽ để phân bua,
hầu sống theo những gì mình ham thích.

Nếu như thế con đã mất liên hệ,
không còn được thuộc về gia đình Chúa,
sẽ trở nên một kẻ sống “ở ngoài”,
giữa cuộc đời không còn có ngày mai.

Lạy Chúa là nguồn suối của tình yêu,
xin cho con yêu mến Chúa thật nhiều,
để bù lấp những gì con đang thiếu,
dù đau khổ cũng chẳng đáng bao nhiêu.

Xin cho con cứ làm theo Ý Chúa,
đừng biện minh hay che chắn cho mình,
đừng vòng quanh hay giả bộ làm thinh,
nhưng cho con sức mạnh để thi hành. Amen.

Lm. Thái Nguyên
==============

Suy niệm 2
GIA ĐÌNH GIÊ-SU: THỰC THI THÁNH Ý CỦA THIÊN CHÚA

Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Người Á Đông chúng ta thường đề cao và coi trọng các mối tương quan trong gia đình. Thiết nghĩ, Chúa Giê-su cũng là người Á Châu, nên chắc chắn Ngài cũng xem trọng gia đình, họ hàng thân quyến và hết mực yêu thương họ. Tuy nhiên, để trở nên gia đình của Thiên Chúa, gia đình của Chúa Giê-su thì không dựa trên tiêu chuẩn ‘huyết thống’, hay ‘máu mủ ruột thịt’ mà căn cứ theo lời Chúa Giê-su dạy trong bài Tin Mừng hôm nay.
Khi được nghe các Tông Đồ nói: “Mẹ và các anh em đang tìm Thầy ngoài kia”, thì Chúa Giê-su không vội vã chạy ra tìm gặp họ, mà lại hỏi lại dân chúng “ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?” (Mc 3, 33). Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở đây, thì chắc hẳn nhiều người nghĩ Chúa xem thường gia đình, họ hàng của mình! Nhưng nếu đọc hết đoạn này, thì chúng ta được mở rộng tầm nhìn, và thấu hiểu Ngài muốn nói đến chuẩn mực nào để trở nên gia đình của Thiên Chúa: “Anh chị em tôi, mẹ của tôi chính là những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa” (x. Mc 3, 35).
Do đó, muốn là thành viên gia đình của Chúa Giê-su, tiên vàn không phải là mối quan hệ ruột thịt, huyết thống mà chính là mối tương quan với Thiên Chúa qua việc lắng nghe và thi hành ý muốn của Người. Về điều này, không ít người trong chúng ta cũng đang ý thức hoặc vô thức đồng tình và hành động theo câu nói từ trước đến nay: ‘Một người làm quan, cả họ được nhờ!’ Như thế, nếu trong gia đình có linh mục, tu sĩ nam nữ thì các anh chị em, họ hàng của họ không cần đọc kinh nhiều, chẳng cần sống bác ái, hy sinh nhiều thì cũng được hưởng ơn phúc, được nhận vào trong gia đình của Thiên Chúa vì đã có linh mục nhà hy sinh, cầu nguyện dùm, dâng Thánh lễ cho mỗi ngày rồi! Hơn nữa, còn được các Sơ nhà đền tội thay nữa sao! Việc trở nên thánh thiện, và sống như Chúa muốn không hệ tại hoàn toàn ở mối quan hệ huyết thống, dĩ nhiên có sự ảnh hưởng tốt nếu trong gia đình có một hay nhiều người sống đời sống thánh hiến; nhưng suy cho cùng, để trở thành gia đình của Chúa Giê-su thì trước hết phải dựa trên mối tương quan với Thiên Chúa, lắng nghe và thực thi ý muốn của Người. Vì chẳng có ai được lên Thiên đàng hay xuống hoả ngục thay cho ai khác! Trong mối tương quan cộng đoàn, mối quan hệ gia đình ruột thịt thì việc cầu nguyện, hỗ tương, giúp nhau cùng sống tốt là điều phải làm, nhưng để trở nên thành viên của gia đình Thiên Chúa thì bản thân của mỗi người chúng ta phải ý thức thực hiện như Chúa Giê-su dạy: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3, 35).
Mặc khác, những ai thi hành ý của Thiên Chúa cũng chính là những người không phạm đến Thánh Thần; ngược lại, làm theo sự hướng dẫn của Người trong tâm hồn, trong mối tương quan, trong cộng đoàn và trong cuộc sống. Về điều này, Chúa Giê-su khẳng định: “Mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời” (Mc 3, 28 – 29). Mọi tội khác đều được tha thứ “dầu đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (x. Is 1, 18), nhưng ‘tội nói phạm đến Thánh Thần thì chẳng được tha’. Chúng ta thường mắc phải việc kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ; mượn danh Thiên Chúa, các Thánh để buôn thần bán thánh, gây tội ác…, chứ chắc chẳng bao giờ thấy bản thân nói phạm đến Thánh Thần! Vả lại chúng ta cũng chẳng biết về Thánh Thần là mấy, thì làm sao nói phạm đến Người được! Thiết nghĩ nếu hiểu như trên thì chúng ta không mắc tội phạm đến Chúa Thánh Thần đâu! Thế nhưng, những lúc chúng ta nghe biết, nhận ra lời thúc giục, dạy bảo, kêu mời của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mình, trong mọi trạng huống, thay vì làm theo thì chúng ta cứ khư khư không nhận biết, không biết sám hối trở về, ‘lòng chai dạ đá’ không thừa nhận tội lỗi, thiếu sót của mình; ghê gớm hơn nữa là không hoà giải hay không cần ơn tha thứ của Chúa. Những lúc như thế, chúng ta đang phạm đến Chúa Thánh Thần; chúng ta từ chối chính Thiên Chúa là nguồn mạch yêu thương tha thứ; chúng ta không nhận mình có lỗi có tội và do đó chẳng cần ơn thứ tha.
Hiện nay, dường như câu nói tiên tri của Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII vào tháng 10 năm 1946 dịp Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc diễn ra tại Boston, Hoa Kỳ, lại được vang lên đánh động mỗi chúng ta hơn bao giờ hết: “Có lẽ tội trọng nhất trong thế giới ngày nay chính là con người bắt đầu đánh mất cảm thức về tội lỗi!” (Perhaps the greatest sin in the world today is that men have begun to lose the sense of sin.) Xin cho chúng con đừng bị rơi vào tình trạng này, và chúng con tha thiết nguyện xin Lời Chúa hôm nay biến đổi thái độ, lối sống của chúng con để chúng con thực sự trở nên gia đình của Chúa Giê-su. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
============== 
Suy niệm 3
BIẾT NHỮNG GÌ CHÍNH ĐÁNG

(CHÚA NHẬT TUẦN 10 TN NĂM B)
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 10 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, xin đáp lời con cái nài van, mà soi dẫn cho biết những gì là chính đáng, và giúp chúng ta đủ sức thi hành.
Xin Chúa soi dẫn cho biết những gì là chính đáng, và đủ sức thi hành, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Huấn Ca cho thấy: ông Giôsuê và ông Calép đứng ra đương đầu với cộng đồng, ngăn cản không để dân phạm tội, làm im bặt những tiếng xì xầm không hay. Vì thế, trong số sáu trăm ngàn bộ binh, chỉ có hai ông là được cứu thoát để đưa dân vào phần gia sản, vào đất tràn trề sữa và mật.
Xin Chúa soi dẫn cho biết những gì là chính đáng, và quyết tâm thực hiện, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Inhaxiô Antiôkhia nói: Anh em đừng dành cho tôi cái gì khác hơn là cứ để tôi được hiến tế cho Thiên Chúa, đang lúc bàn thờ đã sẵn đây rồi. Thiên Chúa đã đoái thương chọn giám mục Xyri này, mà đem từ phương mặt trời mọc sang hướng mặt trời lặn. Tốt đẹp biết bao được lặn khỏi thế gian này mà về cùng Thiên Chúa, rồi được mọc lên trong Người.
Xin Chúa soi dẫn cho biết những gì là chính đáng, bởi vì, Xatan luôn tìm cách quấy phá, cám dỗ chúng ta chống lại ý Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Sáng Thế tường thuật lại: Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn: Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.
Xin Chúa soi dẫn cho biết những gì là chính đáng, và giữ vững niềm trông cậy trước những thử thách gian truân, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 129, vịnh gia cũng cùng chung tâm tình này khi nói: Chúa luôn luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa. Hơn lính canh mong đợi hừng đông, trông cậy Chúa đi, Ítraen hỡi, chính Người sẽ cứu chuộc Ítraen cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, vì thế, những gì không thiện hảo chắc chắn không xuất phát từ Thiên Chúa, mà từ Xatan. Do ảnh hưởng của Tội Nguyên Tổ, con người thường dễ nghiêng chiều theo những lời mời gọi của Xatan, mà khước từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người và đã chiến thắng Xatan. Người đã được giương cao và Người sẽ kéo mọi người lên với Người. Xatan là cha của sự dối trá, luôn tìm cách làm cho con người lầm đường lạc lối. Chỉ có một mình Chúa mới chế ngự được Xatan. Ước gì chúng ta luôn biết bám chặt vào Chúa, là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, hầu, chúng ta tránh được những lời quyến dụ phù phiếm của Xatan. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
============== 
Suy niệm 4
Sa-tan phải diệt vong
(Mc 3, 20-35) 
Thiên Chúa nhân từ và khôn ngoan, nên mọi việc Ngài làm đều tốt đẹp, bằng chứng là sau khi hoàn tất công trình tạo dựng, “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra rất là tốt đẹp” (St 1,31). Ngài đã sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài, cho họ sống tình thân với Chúa, với nhau và vũ trụ vạn vật. Khởi đầu công trình tạo dựng của Thiên Chúa thì tốt đẹp, vậy sự dữ từ đâu mà ra? Đâu là nguyên nhân khiến cho tình thân nghĩa thiết giữa con người với Thiên Chúa và con người với nhau bị phá vỡ, thiên nhiên nổi dậy chống lại con người ?
Sách Sáng Thế (x. St 1-3) cho ta câu trả lời. Thiên Chúa không tạo nên sự chết, nhưng sự chết đã đi vào thế giới vì sự ghen tương của ma quỉ (x. Kn 1,13-14; 2,23-24). Tác giả Sách Thánh đưa ra nhiều hình ảnh văn chương để suy luận về nguồn gốc sự dữ và tội lỗi trong cuộc sống con người. Trình thuật con người sa ngã (x.  St 3) giải thích cho trình trạng tội lỗi và nguyên nhân đau khổ của con người. Qua đó ta thấy sự dữ không do Thiên Chúa, nhưng là do hậu quả của tội lỗi.
Sách Sáng Thế cho thấy nguyên nhân ngoại tại của sự dữ, đó là con rắn, biểu tượng cho quyền lực sự dữ, đã cám dỗ con người phạm tội xa rời Thiên Chúa; sau này nó được đồng hóa với thần dữ (x. 1Sm 18), với Sa-tan (x. G 1).
Tương quan tốt lành của con người với Thiên Chúa bị phá vỡ (St 3, 9-11)
Ngươi đang ở đâu ?” là câu Thiên Chúa hỏi Ađam (St 3,9), thay vì mừng rỡ khi nghe tiếng bước chân của Thiên Chúa Ađam và người nữ chạy ra nghênh đón như cái thuở ban đầu, vào lúc gió chiều hiu hiu thổi, Thiên Chúa thường đến dạo chơi trong vườn với hai ông bà và trò chuyện thân mật với hai ông bà, thì nay lại ẩn núp vào giữa lùm cây trong vườn, vì sợ giáp mặt với Thiên Chúa. Hình ảnh hai ông bà trốn diễn tả phản ứng quen thuộc của những kẻ phạm tội; tội lỗi khiến con người tránh xa Thiên Chúa. Chính tội lỗi đã khiến cho kẻ phạm tội sợ phải diện đối diện với Thiên Chúa, tìm mọi cách xa lánh vị Thiên Chúa tốt lành của mình. Tội lỗi phá vỡ mối tình thân nghĩa thiết với Thiên Chúa là Đấng dựng nên mình.
Nghĩa vợ tình chồng và vạn vật bị rạn nứt (St 3, 12-13)
Thuở ban đầu, khi mới gặp người nữ Thiên Chúa giới thiệu cho mình, Ađam đã thốt lên: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2, 23); ấy vậy giờ đây người chồng đổ hết trách nhiệm cho vợ: “Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với tôi, chính nàng đã cho tôi trái cây và tôi đã ăn” (St 3, 12). Còn người nữ cũng thoái thác trách nhiệm của mình bằng cách đổ lỗi cho con rắn: “Con rắn đã lừa dối tôi và tôi ăn” (St 3, 13). Lời của người nữ là thật, nhưng bà quên rằng mình đã để cho Con Rắn xảo trá lừa dối đến mức hiểu sai ý định tốt lành của Thiên Chúa. Tội đã làm rạn nứt mối tình nghĩa keo sơn bền chặt “nên một xương một thịt” giữa chồng và vợ, mỗi người tìm cách chối quanh co những lỗi lầm của mình, không ai dám nhận phần trách nhiệm của mình.
Con người cũng khiến dã thú trở thành hung dữ, lánh xa họ, không còn hiền như trước (x. St 2,19). Thiên nhiên không còn “quả là rất tốt đẹp” bởi chính con người đã tự chuốc lấy sự tội để xa Ơn Nghĩa Chúa. Thiên Chúa ra hình phạt giáo huấn như sau: “Bởi vì mi đã làm điều đó mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muôn thú địa cầu, mi sẽ bò đi bằng bụng và mi sẽ ăn bù đất mọi ngày trong suốt đời mi”.
Sự hài hòa với vạn vật bị phá vỡ: thế giới hữu hình trở nên xa lạ và thù nghịch với con người (x. St 3, l7-l9). Sự kết hợp nam nữ trở nên căng thẳng (x. St 3, ll-l3); tình huynh đệ tương tàn (x. St 4, 3-15); tiếp đến là sự sa đọa của cả loài người. Cuối cùng, vì bất tuân: “Con người là tro bụi sẽ trở về bụi tro” (St 3, l9).
Lời hứa cứu độ của Thiên Chúa (St 3, 14-15)
Sau khi sa ngã, Thiên Chúa không lỡ bỏ rơi con người. Trái lại, vì tình thương, Thiên Chúa nâng con người lên. Chúa xử con rắn: “Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi”. (St 3, 9-15. 20). Đó là thảm kịch tự do mà Thiên Chúa chấp nhận đến cùng vì yêu thương, nhưng Ngài hứa: “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người” (St 3,15).
Ðoạn sách Sáng Thế trên được gọi là “Tiền Tin Mừng” vì đó là lời loan báo đầu tiên về Ðấng Cứu Thế, về cuộc chiến đấu giữa con rắn với người nữ và chiến thắng cuối cùng của một hậu duệ người nữ này. Tình mẫu tử của Đức Maria đối với nhân loại được biểu lộ “Ađam đặt tên cho vợ mình là Evà, vì bà là mẹ của chúng sinh” (St 3, 20).
Sa-tan phải diệt vong
Như vậy, chính Sa-tan đã, đang và sẽ còn nhúng tay vào trật tự tốt lành mà Đấng Tạo Hóa đã thiết lập trong vũ trụ vì nó muốn con người thời nay:
Hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa là Cha nhân lành giầu lòng xót thương và tha thứ.
Từ khước ơn cứu chuộc của Chúa Kitô.
Phủ nhận Chân Lý mà Thần Khí Chúa đã mặc khải cho con người.
Không còn nhìn nhận tội lổi đã phạm để xin được tha thứ.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
==============
Suy niệm 5
Satan Đã Tận Số

St 3,9-15; 2Cr 4,13-5,1; Mc 3,20-35
Sứ mạng rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật để cứu nhân độ thế của Thầy Giêsu gặp nhiều những ngáng trở, phỉ báng, cố chấp xúc phạm ác ý. Thân nhân thì nói rằng Thầy bị mất trí và đi bắt Thầy về. Trong Tin Mừng hôm nay, sau khi chứng kiến phép lạ Thầy chữa cho một người bị quỷ ám, dân chúng đang kinh ngạc cảm phục trước uy quyền của Thầy và ca tụng Thầy. Còn các kinh sư lại dám xuyên tạc chống đối mà nói rằng Thầy bị quỷ Bêendêbun ám, rằng Thầy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ, còn gì xúc phạm hơn?
Thầy gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà chứng minh: “Satan làm sao trừ Satan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Satan mà chống Satan, Satan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.” (Mc 3,23-27). Không bao giờ xảy ra chuyện quỷ mà lại đi diệt trừ quỷ, làm như vậy là nó chia rẽ chống đối nhau, triệt hạ phe ta, đá bóng về gôn nhà, nhà nát từ trong ra, làm sao tồn tại được mà không tận số? Lời đổ thừa của các kinh sư hôm nay thật xúc phạm và ngang trái.
Nghe tiếng quỷ thì đã sợ, vì chúng mạnh hơn con người. Muốn thắng ma quỷ thì phải mạnh hơn chúng. Chỉ có Đấng mạnh hơn là Thánh Thần, sức mạnh của Thiên Chúa. Thầy Giêsu đã dùng sức mạnh này để xua trừ ma quỷ. Thật khó chịu, khi Thầy giải phóng, cứu được người kia khỏi quỷ ám, thoát xích xiềng quỷ dữ thì lại bị mấy ông cắt nghĩa xấu phi bác. Các ông dám nói Thầy “nhân danh quỷ”, có thể xếp các ông vào tội chai đá, cứng lòng, cố chấp, không ăn năn sám hối và tin vào Thầy thì làm sao có thể nhận được ơn tha thứ: “Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”.  Đó là vì họ đã nói “ông ấy bị thần ô uế ám.” (Mc 3,29-30).
Con đường thực thi ý Cha của Thầy gặp bao sóng gió chông gai, cho đến khi bị treo thân lên cây gỗ mà chết tức tưởi. Nhưng Thầy đã chiến thắng tội lỗi, sự dữ và thắng cả sự chết mà sống lại vinh quang. Xưa kia Thầy hằng làm những việc cao trọng lẫy lừng thì bị người ta chống đối, hạ bệ diệt trừ, làm ơn mắc oán. Vậy mà chúng con hôm nay tiếng là tiếp bước theo Thầy, mà nhờ Thầy làm được việc gì thì chỉ muốn người ta tung hô khen ngợi, chứ bị chê bai chống báng thì chỉ muốn tháo lui bỏ cuộc cho an thân.
Chúa ơi! với sức người hèn mọn, chúng con rất sợ bị quỷ lừa gạt, mời gọi, ám hại. Xin Chúa ngự trị hằng phút trong chúng con, để sức mạnh của Chúa làm cho con người dòn mỏng của chúng con có thể chiến thắng những mê lầm do ác thần gây ra. Bởi vì “có Chúa trong thành địch thù tan nát hết. Chúa trong lòng ta lo lắng gì hồn ta ơi!”
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log