Thứ năm, 26/12/2024

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 9 Thường niên - Kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô

Cập nhật lúc 08:58 30/05/2024

Suy niệm 1

GIAO ƯỚC MỚI
Mc 14, 12-16. 22-26
Sau khi dân Do Thái được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, trên hành trình về Đất hứa thì được thiết lập một Giao ước với Thiên Chúa, để trở thành dân riêng Người. Môsê thuật lại cho dân nghe tất cả những lời phán dạy và lề luật của Thiên Chúa, toàn dân đồng thanh thưa: “Chúng tôi xin thi hành mọi lời Chúa đã phán”. Sau đó Môsê lập bàn thờ và toàn dân cử hành nghi lễ kết ước với Thiên Chúa. Bò tơ được giết làm lễ tế, một nửa máu rưới trên bàn thờ, một nửa rảy trên dân.
Thiên Chúa là Đấng siêu việt, cao cả vô cùng, thế mà Ngài lại hạ mình để ký kết giao ước với loài người chúng ta. Giao ước đã ký kết tại núi Sinai, nhưng dân đã chẳng tuân giữ những lệnh truyền, và luôn chạy theo các ngẫu thần. Dù dân bất trung bất tín, Thiên Chúa vẫn không bỏ dân, Người tiếp tục hết lần nầy tới lần khác kết giao với họ, và qua các ngôn sứ, Ngài luôn cho họ niềm hy vọng cứu độ.
Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã thực hiện ơn cứu độ đó. Ngài thiết lập một Giao ước mới. Lễ vật giao hoà không phải là máu chiên bò mà là chính Ngài: Con Chiên Thiên Chúa. Ngay trong ngày lễ Vượt qua của người Do Thái, trong bữa tiệc ly, Ngài đã lập Bí tích Thánh Thể, biểu hiện một Giao ước mới bằng chính máu mình. Dưới hình bánh rượu, Chúa Giêsu đã tự trao hiến hoàn toàn: "Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy… Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người”.
Tiệc Thánh Thể này Ngài đã tiên báo trong tiệc cưới Cana, đã được Ngài hứa ban cho dân ở Caphanaum, đã được Ngài thiết lập ở Giêrusalem trước khi bước vào cuộc khổ nạn, và đã được chính Ngài cử hành đầu tiên tại làng Emmau. Bốn khung cảnh này hòa quyện và đan kết với nhau tuyệt đẹp trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa.
Như Thư Do Thái đã công bố: Đức Giêsu là Thượng tế của Giao ước mới, thánh hóa loài người bằng chính máu của Ngài (Dt 9,11-15). Thật nhiệm lạ, lễ Vượt Qua Do Thái giáo mà Đức Giêsu cùng các môn đệ cử hành, đã biến thành lễ Vượt Qua Kitô giáo trong việc Chúa Giêsu thiết lập Bàn Tiệc Thánh Thể: vừa nối tiếp vừa đoạn tuyệt, vừa  song đối sâu xa, vừa mới mẻ tận căn giữa hai lễ Vượt Qua này. Thánh Máccô cũng nhấn mạnh “giá trị cánh chung” của “bàn tiệc Thánh Thể”: bàn tiệc này tham dự trước bàn tiệc Thiên Quốc, vì  “chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa”.
Qua việc đóng dấu Giao ước mới bằng chính máu thịt mình, Đức Giêsu trở thành đầu của Dân mới. Đất Hứa mà Ngài dẫn chúng ta tiến vào không phải là một lãnh thổ mà là quê hương của cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta không chỉ là dân của Thiên Chúa mà còn là con cái của Ngài. Mỗi lần cử hành Thánh lễ là chúng ta lập lại giao ước đã ký kết với Thiên Chúa, nhờ máu cứu chuộc của Đức Giêsu đổ ra trên Thánh giá.
Thánh Thể chính là trung tâm đời sống người tín hữu Kitô; là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người với nhau. Thánh Thể còn chính là món quà Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại; là lương thực thiêng liêng cho cuộc sống người tín hữu, và cũng chính là bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu của chúng ta. Mầu nhiệm tình yêu này vượt quá tầm trí mọn của con người, là sáng kiến táo bạo nhất của Thiên Chúa, Đấng đã tự hiến trọn vẹn cho chúng ta qua Đức Giêsu.
Cha Gioan Vianey đã xác định: “Mọi việc lành gom lại cũng không thể so sánh với thánh lễ Misa, vì mọi việc lành là của loài người, còn thánh lễ là của Thiên Chúa”. Ngài còn nói: “Nếu ai hiểu được phép Thánh Thể là gì, người đó sẽ chết ngay”. Chết ngay vì quá hạnh phúc, vì thấy mình tràn ngập tình yêu Thiên Chúa như ngụp lặn giữa đại dương. Thế nhưng nhiều Kitô hữu vẫn xem nhẹ thánh lễ, nên tham dự và cử hành như một nghi thức bên ngoài, thiếu lòng sùng mộ bên trong, nên không cảm nhận được chính Chúa đang hiến thân cho mình.
Thực tế, yêu mến bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là trở nên hiền lành và khiêm nhường, sống thân thương với những người bé nhỏ nghèo hèn? Cử hành bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là chấp nhận hao mòn, xóa mình trong Chúa để có thể hiến thân cho anh em? Tôn sùng bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là để cho“Đức Kitô sống trong tôi”. Những điều ấy phải trở thành hiện thực đối với những ai rước lấy Thánh Thể. Thật sự, Mình Thánh Chúa đang lan tỏa và thấm nhập vào máu thịt của ta để làm cho ta trở nên một Đức Kitô thứ hai (Alter Christus). Và như vậy, Thánh Thể hướng ta đến việc chia sẻ vận mạng của anh em mình; biến ta trở thành tấm bánh cho mọi người, góp phần làm nên cuộc sống mới cho tha nhân.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu!
Giao ước cũ đã ký kết bằng máu,
đó là máu chiên bò rảy trên dân,
nhưng đến thời viên mãn Chúa giáng trần,
thì Ngài đổ máu mình làm lễ vật,
lễ hy sinh để cứu độ nhân trần.

Giao ước mới ký kết bằng lời nguyền,
không chỉ Lời uy quyền trong bữa tiệc,
mà còn chính là bằng việc hiến thân,
khi Chúa chịu phơi trần trên thập giá,
bị hành hình ngay chính lễ Vượt Qua.
dâng lên Cha để tha thứ tội đời.

Giao ước là dấu ấn của tình yêu,
Chúa đã tự cam kết để làm thành,
để hôm nay mỗi ngày trên bàn thánh,
hy tế xưa lại tràn xuống ơn lành,
việc cử hành trở thành ơn cứu độ,
cho những ai một lòng tin mến mộ,
để đời mình thoát khỏi kiếp hư vô,
được chứng ngộ tình thiên thu vạn cổ.

Ôi Bí tích Thánh Thể thật nhiệm mầu,
con nhận ra tình Chúa quá thẳm sâu,
lòng trí con không thể nào suy thấu,
chỉ làm thinh và chiêm ngắm cúi đầu,
cảm tạ Chúa tràn đầy tình yêu dấu,
Chúa đã làm nên để cảm thấu tim con.

Xin cho con lòng say yêu Thánh Thể,
luôn chuyên chăm trong thánh lễ hằng ngày,
là sức thiêng nuôi dưỡng niềm tin cậy,
để dựng xây tình thương mến tràn đầy,
cho lòng con vui vầy lời ước thệ,
từ đây mãi mãi thuộc về Chúa luôn. Amen.

Lm. Thái Nguyên

================

Suy niệm 2
THẦN LƯƠNG HỒN CON
Kính thưa quý cộng đoàn Phụng vụ! Mỗi khi chúng ta tham dự Thánh lễ, chúng ta được dự phần vào Mầu nhiệm Tử nan - Phục Sinh của Chúa Ki-tô; hơn nữa, chúng ta được tận mắt chứng kiến phép lạ cao quý nhất mà chính Chúa Giê-su Ki-tô thực hiện qua vị thừa tác viên có chức Thánh. Một cách cụ thể, Ngài ẩn thân trong hình bánh nhỏ và giọt rượu đơn sơ để ở lại với chúng ta, trong chúng ta và là thần lương để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Vì thế, hôm nay cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta cùng cảm tạ Chúa đã ban chính sự sống Ngài cho mỗi người chúng ta, và ước gì chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô mỗi khi lãnh nhận chính Mình Máu Thánh Ngài.
Nếu nhìn lại lịch sử nhân loại, đặc biệt trong lãnh vực tôn giáo-tín ngưỡng, chúng ta có thể nhận ra rằng: không có một vị sáng lập tôn giáo nào dù lâu đời hay hiện đại, dù lớn hay nhỏ, mà can đảm dám trao ban và để lại chính sự sống, sinh mạng của chính mình cho các đồ đệ cả! Và điều này cũng dễ hiểu vì họ cũng chỉ là con người có một cuộc đời, một mạng sống mà thôi; nếu họ hiến mạng sống cho môn sinh thì xem như họ chấp dứt đời sống của họ trên dương gian này! Tuy nhiên, đối với Đấng làm chủ, làm đầu của Hội Thánh Công Giáo là một loại trừ, vì Ngài chính là Thiên Chúa thật và người thật. Vì thế, Ngài không phụ thuộc vào tính hư mất của con người tự nhiên, mà Ngài chiến thắng sự chết và phục sinh từ cõi chết, hơn thế, còn ẩn thân trong hình bánh rượu nhỏ bé, tầm thường để trở nên lương thực thiêng liêng và ở mãi với chúng ta qua bí tích Thánh Thể.

Còn ân sủng nào cao quý hơn nữa! Còn hạnh phúc nào cao trọng hơn nữa! Nào chúng ta hãy đến múc lấy nguồn ơn sủng vô giá này mỗi khi tham dự tích cực vào bàn tiệc Thánh.!Nói theo lời kinh Tantum Ergo (Kinh Chầu Thánh Thể) của Thánh Tô-ma A-qui-nô: “…nếu mắt trần của ta không nhận thấy, thì lấy đức tin bù lại…” Với con mắt đức tin, với ơn của Chúa và việc mở rộng tâm hồn tín thác của mỗi chúng ta thì khi tham dự Thánh lễ, chúng ta nhận ra chính Chúa Giê-su Ki-tô đang chủ tế qua vị linh mục dù tội lỗi, yếu đuối và lỗi lầm với biết bao đam mê xác phàm của một con người được mời gọi trở nên khí cụ bình an của Ngài. Với đôi mắt đức tin và đời sống cầu nguyện thâm sâu, mỗi khi tham dự bí tích Tình Yêu - bí tích Thánh Thể trong Thánh Lễ, chúng ta nghiệm ra: chính Chúa Giê-su Ki-tô là của lễ toàn thiêu, của lễ tinh tuyền và không vương tì vết, đẹp lòng Thiên Chúa Cha. Dưới ánh nhìn của đức tin, chúng ta được lãnh nhận chính sự sống của Chúa Giê-su Ki-tô, lãnh nhận chính Mình và Máu Ngài dưới hình bánh đơn sơ và giọt rượu thơm ngát. Cũng với đức tin, chúng ta không cần đi tìm phép lạ ở đâu cho xa, mà ngay trong Thánh Lễ, chính Chúa Giê-su Ki-tô biến bánh, rượu trở nên Mình Thánh, Máu Thánh làm thần lương nuôi dưỡng chúng ta, làm thần dược chữa trị tâm hồn chúng ta.
Ôi, con là ai mà được nhận lãnh ơn ích lớn lao như vậy? Ôi, con chẳng xứng đáng được Chúa đến viếng thăm tâm hồn con, nhưng vì tình yêu lớn lao mà Chúa đã dành cho con, mà con được Chúa hạ mình, ẩn thân trong hình bánh rượu đơn sơ bé nhỏ để nuôi sống chúng con! Ước chi mỗi lần rước Mình Máu Thánh Chúa, chúng con được tháp nhập khăng khít với Chúa, được trở nên miệng lưỡi của Ngài, được trở nên tay chân của Ngài, được biến đổi nên giống Ngài hơn để mỗi lời nói chúng con xướng lên đều ích lợi cho anh chị em con, để suy nghĩ của chúng con được trong sạch, luôn theo Thánh ý Ngài, để đôi bàn tay chúng con dám mở ra đón nhận anh chị em dù anh chị em có bất hoà hay xung đột với chúng con, để đôi chân con không do dự tiến bước đến với anh chị em, nhất là những ai đang cần đến sự bình an của Chúa…Và đây cũng chính là sứ mạng của mỗi chúng ta khi tham dự bàn tiệc Thánh Chúa “vì mỗi khi anh (chị) em ăn bánh và uống chén này, anh (chị) em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến” (1Cr 11, 26). Mỗi khi được lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta tuyên xưng Mầu nhiệm Vượt Qua - Cuộc Tử nạn và Phục Sinh của Chúa; đồng thời, sống đức tin can trường “…hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (x. Lc 22, 19) cho tới khi Chúa lại đến trong ngày Cánh chung. Hơn nữa, khi chúng ta được tháp nhập vào Mầu nhiệm này, chúng ta cũng được mời gọi cùng với Chúa Ki-tô chết đi những tính hư tật xấu của bản thân, mọi tội lỗi, và được trở nên con người mới, một con người được mặc lấy sự sống hoàn toàn mới mẻ nơi Chúa Ki-tô. Như thế, chúng ta trở nên can đảm lên đường, sẵn sàng ra đi chia san ơn sủng mà chúng ta được lãnh nhận nơi bí tích Thánh Thể như câu chúc và sai đi của chính Chúa qua vị linh mục chủ tế “Thánh Lễ đã xong, chúc anh chị em ra đi bình an”, không đơn giản chỉ là câu chúc ra về bình an sau Thánh lễ, mà là một lời sai đi “ra đi trong bình an, ra đi chia san những gì đã được lãnh nhận nơi bàn tiệc Thánh, ra đi làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh, ra đi sống vui tươi, xứng đáng là một người Ki-tô hữu, ra đi can trường trở nên nhân chứng giữa đời dù đời chẳng như mong ước….”. Đây cũng chính là lời mời chúng ta như trong bài Tin Mừng hôm nay “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời” (Ga 6, 51); hơn nữa, “ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56). Nói cách khác, chính Chúa sẽ nuôi dưỡng mọi người qua sự hy sinh, bỏ mình, lòng quảng đại chia sẻ, chia san của mỗi người chúng ta. Chúa tự mình dư sức làm những chuyện phi thường, nhưng Ngài đã ra đi, bỏ chính mình, trao ban chính sự sống của Ngài cho chúng ta mà kêu mời chúng ta năng đến với Ngài để lãnh nhận thần lương nuôi hồn, hầu nhiệt thành cộng tác, tham dự vào công cuộc cứu độ, chia san bình an cho mọi người. Vì thế, với sức lực có hạn của mỗi chúng ta mà cộng tác với nhau, với Chúa thì Chúa sẽ biến sức lực ấy trở nên vô hạn và phi thường ngay trong đời sống bình thường qua những con người tầm thường như chúng ta.
Giờ đây, xin mời mọi người hướng về Chúa Giê-su Thánh Thể và cùng nguyện rằng:

                   Ôi Giê-su, con mến yêu, tôn thờ

                   Chân thành nép bên Chúa, con nương nhờ

                   Ngài ẩn thân trong rượu-bánh đơn sơ

                   Nuôi dưỡng tâm hồn con thơ

                   Nguyện trở nên nhân chứng suốt đời. Amen!

                 (trích từ lời bài hát “Ôi Giê-su” của cùng tác giả bài viết này)

 Lm. Xuân Hy Vọng

================

Suy niệm 3
Thịt nuôi sống, Máu tha tội

(Mc 14, 12-16;22-26)

Ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi, tức 60 ngày sau lễ Phục sinh, Giáo hội cử hành Lễ Của Chúa, hay còn gọi là Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa, nhưng vì lợi ích của giáo dân, một số nơi đã rời vào Chúa Nhật liền sau đó. Lễ này có một điểm đặc biệt là tiếp liền sau Thánh lễ Giáo hội kiệu kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa vừa được truyền phép ra khỏi nhà thờ, đi trên các nẻo đường, vừa đi vừa hát bài: «Chúa nuôi dân bằng lúa mì tinh hảo, mật ong rừng, Người cho hưởng thỏa thuê» (Ca nhập lễ – lời của thánh Tôma Aquinô). Để loan truyền cho mọi người biết rằng: Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể và Hy tế của Người là ơn cứu độ cho toàn thế giới. Đức Ubanô IV thiết lập lễ này ngày 11 tháng 8 năm 1264, nhằm nhắc lại việc cử hành đầy ý nghĩa trong Bữa Tiệc Ly của Chúa, giúp các tín hữu sống lại bầu khí trang nghiêm ấy, với lòng biết ơn Thiên Chúa Cha cách sâu xa, đồng thời khi chầu Mình Thánh Chúa, có thời gian dừng lại trong thinh lặng trước mầu nhiệm Ðức Tin để chiêm ngắm sự cao cả của Bí Tích vô cùng cao quí với trọn con người và tình thương của Chúa Giêsu.
Đây là Máu Giao Ước

Bài trích sách Xuất Hành thuật lại giao ước Thiên Chúa ký kết với dân Israel qua trung gian Môsê. Trước tiên, Môsê lặp lại cho dân những lệnh truyền của Thiên Chúa, và dân đồng ý tuân giữ. Tiếp đến, Môsê viết lại những lệnh truyền ấy của Thiên Chúa để lưu giữ mãi về sau. Sau cùng là nghi lễ kết giao ước: “Môsê cho giết một số bò, lấy máu của chúng rảy một phần lên bàn thờ tượng trưng cho Thiên Chúa, và phần kia lên dân. Máu là tượng trưng cho sự sống, vì thế ý nghĩa của việc rảy máu là từ nay hai bên kết ước (Thiên Chúa và dân Do Thái) cùng một sự sống với nhau” (x. Xh 24, 3-8). Đây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi. Một Giao Ước bằng máu. Thế nhưng dân đã chẳng tuân giữ Giao Ước này, họ đã chạy theo các ngẫu thần. Dù vậy Thiên Chúa cũng không bỏ dân. Ngài vẫn tiếp tục hết lần nầy tới lần khác đề nghị ký kết giao ước với họ; và qua các ngôn sứ, Ngài dạy họ hy vọng ơn cứu độ, tiến báo Máu Chúa Kitô sẽ đổ ra cho muôn người được tha tội (x. Lời truyền phép).
Máu Chúa Kitô tẩy sạch lương tâm
Như đã nói ở trên, Giao Ước cũ cũng được ký kết bằng máu, nhưng là máu của lễ vật hy sinh mà Môsê dùng để rảy trên dân. Tác giả thư Do thái nói đây chỉ là điều “mô phỏng”, cho nên “máu không đổ thì tội vạ không tha” (Dt 9,18-22). Ngược lại, trong Giao Ước Mới, chính Chúa Kitô, Vị Thượng Tế đổ máu mình, lấy chính thân mình làm lễ vật hy sinh đền tội, “khử trừ sự tội nhờ việc hy sinh của Người” (Dt 9,26) ; “Người đã hiến dâng mình một lần đem lại ơn cứu độ muôn đời” (Dt 9,28);.
Như thế, đời sống của con người trong Giao Ước Mới không còn bị nô lệ tội lỗi nữa, vì không những họ được tha thứ hết mọi tội lỗi, nhưng nếu lỡ phạm tội thì họ nại tới Đức Kitô, Vị Thượng Tế Trung Gian, đã lấy máu mình: “Máu đó sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết” (Dt 9,). Vì Người là trung gian của Giao Ước Mới, Đấng tạ tội cho toàn dân.
Tin Mừng thánh Marcô thuật lại: Đang khi ăn Chúa Giêsu cầm bánh trong tay thánh thiện khả kính, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ và nói: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người” (Mc 14, 22-24).
Lời Chúa Giêsu tuyên bố trên Bánh; và trên Chén rượu được Tin Mừng Nhất Lãm và thư Phaolô ghi lại, tuy có sự khác nhau nhưng chỉ là khác biệt thứ yếu, bên ngoài: “Chén này là Giao Ước Mới trong Máu Ta” (x. Lc 22, 19-20; 1 Cr 11, 23-26). “Chén này là Máu Ta, Máu Giáo Ước” (Mc 14, 22-24; Mt 26, 26-29).
Thịt nuôi sống,  Máu tha tội
Chúa Giêsu, bánh cầm trong tay, đang có chiên tế lễ vượt qua trước mặt và nói: “Này là Mình Ta”. Sau khi đã ăn chiên tế lễ vượt qua, bữa ăn tạ ơn vì máu chiên đã đổ ra nhắc lại máu giải thoát năm xưa, Chúa Giêsu cầm lấy chén rượu trong tay và nói : “Này là Máu Ta”, Máu đổ ra để thiết lập Giao Ước. Chúa đồng hóa mình với Con Chiên Hy Tế Vượt Qua. Chính (Mình và Máu Chúa Giêsu) là Chiên Vượt Qua thật, chiên đã được tế hiến đổ máu ra. Và như thế, Chúa Giêsu minh nhiên tỏ cho các môn đệ biết Người là Chiên thật hiến tế để nuôi sống, tha tội và cứu chuộc muôn người.
Đó là lý do sau lễ, kiệu Mình Thánh Chúa ra bên ngoài nhà thờ, tuyên xưng Chúa Giêsu ngự thật trong phép Mình Thánh, mang Chúa vào trong đời ta, với mong ước nhà ta là nhà của Chúa, đường đời ta là đường của Chúa, xin Chúa hiện diện hằng ngày trong đời sống chúng ta! Có Chúa Giêsu là Bánh ban sự sống, Bánh của các thiên thần, Bánh của của kẻ hành hương cùng đi, chúng ta sẽ không cô đơn.
Khi đặt Mình Thánh vào Mặt nhật, dưới dạng mặt trời, có Phương du che trên, ngụ ý rằng Chúa Giêsu là «Mặt Trời» và là Chúa cả muôn phương: Ngài là ánh sáng của lòng ta (đó là ý nghĩa của từ «mặt nhật»)
Bình khói hương thơm nghi ngút vừa đi vừa xông, tượng trưng cho lời nguyện cầu của chúng ta tỏa bay lên trước tòa Chúa.
Các em bé rắc hoa trên đường nhắc lại cuộc rước Chúa Giêsu vào Thành Thánh, và những lời tụng ca của các em rất làm Chúa hài lòng.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con thờ lạy và yêu mến, Đấng đã yêu thương chúng con dường ấy, hầu chúng con được sống đời đời với Người. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

================

Suy niệm 4
NGHIỆM THẤY ƠN CHÚA CỨU CHUỘC
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Mình Máu Thánh, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã trối lại cho chúng ta Bí Tích Mình và Máu Thánh Chúa, để chúng ta đời đời tưởng nhớ: Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang. Xin cho chúng ta biết một niềm sùng kính, mến yêu Bí Tích Kỳ Diệu này, để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng ta.
Nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc, qua những điều luật và Giao Ước Chúa đã thiết lập với Dân của Người, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách và của Thánh Lễ, sách Xuất Hành cho thấy: Ông Môsê xuống thuật lại cho dân mọi lời của ĐỨC CHÚA và mọi điều luật. Toàn dân đồng thanh đáp: Mọi lời ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành. Bấy giờ, ông Môsê lấy máu rảy lên dân và nói: Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này. 
Nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc, qua tình yêu bao la tuyệt vời mà Đức Kitô đã tỏ ra trong cuộc Thương Khó của Người, và được kính nhớ trong Bí Tích Thánh Thể, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Tôma Aquinô nói: Để ghi khắc sâu hơn tình yêu bao la ấy vào lòng các tín hữu, thì trong bữa ăn tối cuối cùng, sau khi mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ, lúc sắp qua khỏi thế gian này mà về cùng Chúa Cha, Đức Kitô đã lập bí tích này để làm kỷ vật muôn đời ghi nhớ cuộc Thương Khó của Người, để hoàn tất những hình ảnh xưa tiên báo; đó là phép lạ lớn nhất trong các phép lạ Người làm. 
Nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc, qua hy tế cứu độ của Đức Kitô, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thư gửi tín hữu Hípri cho thấy: Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 115, vịnh gia cũng cùng chung tâm tình này khi cầu xin: Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Đức Chúa. Đối với Chúa thật là đắt giá cái chết của những ai trung hiếu với Người. Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ, tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài, xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi. 
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô tường thuật lại: Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy. Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. Nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc, qua bữa tiệc cứu độ của Đức Kitô, bữa tiệc không phải với thịt bê thịt dê, như trong Giao Ước cũ, với Luật cũ, chẳng làm cho chúng ta được nên công chính và hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa, nhưng là, chính Thịt và Máu của Đức Kitô, trong Giao Ước mới, với Luật mới, mang lại ơn cứu độ cho chúng ta. Để chúng ta được tham dự vào thần tính của Người, Con Một Thiên Chúa đã nhận lấy bản tính nhân loại của chúng ta. Người nhận lấy sự gì nơi chúng ta, thì Người ban lại tất cả để cứu độ chúng ta. Trên bàn thờ thập giá, Người đã dâng mình làm lễ tế cho Thiên Chúa Cha để hòa giải chúng ta, và Người đã đổ Máu của Người ra làm giá chuộc, để tẩy sạch mọi tội lỗi của chúng ta. Để chúng ta ghi nhớ hồng ân cao cả này, Người đã để lại Mình Người làm của ăn, và Máu Người làm của uống cho chúng ta rước lấy, dưới hình bánh và hình rượu. Ước gì chúng ta biết một niềm sùng kính, mến yêu Bí Tích Kỳ Diệu này, để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng ta. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

================

Suy niệm 5
ĐỜI KHÔNG THÁNH THỂ LÀ CUỘC SỐNG NHƯ XÁC KHÔNG HỒN

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Ít nhiều gì chúng ta cũng đã nghe, đọc các câu chuyện tan thương như tai ương, hoạn nạn, khổ sở, lầm than, v.v…Và một trong vô số đó, có mẫu chuyện đời như sau:
Bé trai tên I-an tám tuổi lâm chứng bệnh hiểm nghèo, và ròng rã suốt cả tháng trời em phải vật lộn với thần chết. Các bác sĩ ra sức điều trị, và cho em tái khám thì thật bất ngờ với kết quả: em đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Em và gia đình, ai nấy đều mừng vui khôn tả, đến nỗi rơi lệ nghẹn ngào chẳng nói nên lời. Tuy nhiên, đến lượt đứa em gái A-bi lâm phải chứng bệnh tương tự như anh nó. Cả nhà lại rơi vào cảnh lo âu, phiền muộn. Sau khi chuyện trò với các bác sĩ điều trị, thì mọi người thân của em đều biết cách duy nhất để cứu sống A-bi là phải sử dụng máu của anh nó, may ra mới khỏi bệnh. Cứ lần lựa mãi, đến lúc không thể tránh né vấn đề nữa, cả nhà buộc phải hỏi ý kiến I-an. Thoạt đầu em tỏ ra lo lắng lắm, nhưng sau đó em đã cương quyết trả lời: ‘Dạ vâng, con sẵn sàng hiến máu cho em con’. Quả thật, nhờ máu huyết của anh trai, A-bi được khỏi bệnh. Có điều khi ca truyền máu hoàn tất, I-an đã làm cho các bác sĩ ngẩn ngơ khi hỏi: ‘Vậy ra, con vẫn còn sống ư?’ vì bé cứ tưởng mình sẽ tắt thở ngay sau khi tiếp máu cho em.
Nơi cậu bé tám tuổi I-an, chúng ta chiêm ngưỡng tình thương lớn lao như chính Chúa Giê-su đã khẳng định: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng mình vì bạn hữu” (Ga 15, 13). Mặc dù em không chết như em tưởng, nhưng sự sẵn sàng chết vì tình nghĩa anh em ruột thịt đã khiến cho lòng yêu thương của em trở nên cao cả nhường bao.
Tuy nhiên, hơn cả tình thương mà I-an dành cho cô em gái bé bỏng A-bi, hôm nay chúng ta được cảm nghiệm, được lãnh nhận, được biến đổi nhờ tình yêu tự hiến và tận hiến của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng trao ban sự sống cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể trong bàn tiệc Thánh Lễ cao cả. Nơi bữa tiệc Vượt Qua sau cùng, Ngài đã lập Bí tích Thánh Thể (x. Mc 14, 22-25) hầu ở lại với các Tông Đồ, môn đệ và chúng ta mãi mãi qua hình bánh rượu đơn sơ bé nhỏ. Ôi kỷ vật cao cả lớn lao dường bao! Không những là kỷ vật tưởng niệm, mà còn là sự liên kết, hiệp thông, chia san sự sống vô cùng tuyệt vời, chẳng có tư tưởng phàm nhân hay vĩ nhân nào có thể nghĩ ra suy thấu được! Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su hiến dâng mạng sống Ngài nuôi dưỡng chúng ta. Nơi Bí tích Thánh Thể, Ngài cư ngụ, trở nên một với chúng ta. Nơi Bí tích Thánh Thể, Ngài tặng trao tình yêu sâu thẳm cho chúng ta. Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su biến giao ước cũ được đóng dấu bằng máu súc vật (x. Xh 24, 3-8) thành giao ước mới, giao ước được ký kết bằng chính Bửu huyết của Ngài: “Đây là máu Thầy, máu giao ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14, 24), vì chưng Ngài chính là vị Thượng tế của Giao ước mới, thánh hoá loài người bằng chính máu của mình (x. Dt 9, 11-15) như tác giả thư gửi cho Tín hữu Do Thái đã xác tín.
Vì vậy, mỗi lần chúng ta tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể, tham dự Thánh Lễ, chúng ta cảm nghiệm sâu sắc Bí tích Tình yêu, Thần lương nuôi dưỡng cả hồn lẫn xác chúng ta với cả tấm lòng cảm tạ. Mỗi khi rước lễ, chúng ta được lãnh nhận chính Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô, được trở nên một với Ngài, được sự sống Thần linh ấy biến đổi-nâng đỡ-nuôi dưỡng-thúc bách chúng ta ra đi trở nên chứng tá trung thành-trung tín của Ngài trong mọi lãnh vực cũng như trong mọi trạng huống cuộc sống này. Mỗi khi tháp nhập với Chúa Ki-tô, chúng ta cũng được mời gọi “bẻ bánh” chia san với người và với đời. Mỗi lúc đến với Thánh Lễ, rước Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô, chúng ta được thúc giục tiếp tục ‘cử hành’ Thánh Lễ giữa đời nơi lối xóm, nơi công sở, nơi mọi hoàn cảnh sống và bậc sống như chính Chúa Giê-su đã căn dặn: “…Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (x. Lc 22, 19).
Quả thật, Thánh Gio-an Ma-ri-a Vian-ney đã từng thốt lên từ cảm nghiệm của ngài, rằng: ‘Mọi việc lành họp lại cũng không thể so sánh với Thánh Lễ Mi-sa, vì tất cả việc lành là của loài người, còn Thánh Lễ là của Thiên Chúa’. Ngài tiếp tục: ‘Nếu ai hiểu được phép Thánh Thể là gì, người đó sẽ chết ngay’. Chết ngay vì quá hạnh phúc; chết ngay vì thấy tình yêu Thiên Chúa tràn ngập cõi lòng tựa như đang ngụp lặn giữa đại dương bao la. Do đó, mỗi khi tham dự Thánh Lễ, lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, chúng ta nên chuẩn bị tâm hồn, dọn mình cho xứng đáng để đón mời Chúa Giê-su ngụ lại nơi ‘mái ấm cõi lòng’ mình và xác tín sống tốt, trở nên giống Ngài hơn khi thưa ‘Amen’ lúc rước lễ.
Để kết thúc bài suy niệm này, con xin mượn những lời đầy tâm huyết của Mẹ Thánh Tê-rê-sa miền Cal-cút-ta, mà nguyện gẫm cùng với quý cộng đoàn:  ‘Trong Bí tích Thánh Thể, tôi nhận được lương thực tâm linh nâng đỡ tôi trong mọi công việc. Không có Thánh Thể, tôi không thể sống nổi dù chỉ một ngày hoặc một giờ trong đời tôi’. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng

================

Suy niệm 6
QUÀ TẶNG DIỆU KỲ
“Đây là Mình Thầy, Đây là Máu Thầy!”.
Một nhà tu đức nói, “Cử hành Thánh Thể, cách chung, là thước đo của một cộng đoàn Kitô hữu. Nhìn cách thức một cộng đoàn cử hành Thánh Lễ, người ta có thể biết ngay đây là một cộng đoàn ‘đang sống’, ‘đang hấp hối’ hay ‘đã chết!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Mừng kính trọng thể Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Linh Hồn và Thần Tính của Ngài, chúng ta mừng kính một ‘Quà Tặng Diệu Kỳ’ mà việc cử hành không chỉ là thước đo của một cộng đoàn, nhưng còn ở việc sống Bí tích tình yêu này.
Thánh Thể là tất cả! Tất cả sự viên mãn của cuộc sống, sự cứu rỗi, lòng thương xót, ân sủng, hạnh phúc và thiên đàng… Tại sao Bí tích Thánh Thể có tất cả những điều này và còn nhiều điều khác nữa? Bởi lẽ đơn giản, Thánh Thể là Thiên Chúa! “Đây là Mình Thầy, Đây là Máu Thầy!”; “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống!”. Vì thế, Thánh Thể là ‘Quà Tặng Diệu Kỳ’, là ‘tất cả những gì Thiên Chúa là!’.
Trong bài thánh ca truyền thống tuyệt đẹp “Adoro te Devote”, Tôma Aquinô viết, “Con thờ lạy hết tình, ôi Vị Thần ẩn giấu thực sự bên dưới những vẻ bề ngoài này. Toàn thể trái tim con suy phục Ngài; và khi chiêm ngưỡng Ngài, nó hoàn toàn quy phục. Thị giác, xúc giác, vị giác đều bị đánh lừa khi phán đoán về Ngài”. Lời tuyên xưng này cho thấy, khi thờ lạy Thánh Thể, chúng ta thờ lạy một Thiên Chúa ẩn mình. Giác quan bị đánh lừa; bởi lẽ, những gì chúng ta thấy, nếm cảm, không tiết lộ thực tế: Thánh Thể là Thiên Chúa!
Là người Công Giáo, chúng ta được dạy về sự tôn kính đối với Thánh Thể. Nhưng “tôn kính” thôi chưa đủ! Điều quan trọng là phải suy gẫm trong lòng rằng, “Tôi có tin Bí tích Thánh Thể là Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng Cứu Thế, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Chí Thánh?”; “Tôi có tin tưởng đủ sâu sắc để trái tim có thể rung động với tình yêu và lòng kính tôn tột bậc mỗi khi ở trước một Thiên Chúa đang hiện diện dưới bức màn Bí tích?”; và “Khi tôi quỳ gối, tôi có quy phục trong lòng rằng, tôi yêu mến Chúa bằng cả con người mình?”.
Điều này nghe có vẻ hơi quá. Có lẽ việc cúi đầu cung kính đơn giản là đủ cho bạn? Nhưng không phải vậy. Chúng ta còn phải nhìn thấy Ngài ở đó bằng con mắt đức tin trong tâm hồn. Phải tôn thờ Ngài “hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn”; phải kêu lên “Thánh, Thánh, Thánh - Chúa là Thiên Chúa Các Đạo Binh, Thiên Chúa Toàn Năng!”. Chúng ta phải cảm động đến sự thờ phượng sâu sắc nhất khi bước vào sự hiện diện thánh thiêng của Ngài; và quan trọng hơn, sống Bí tích yêu thương này đối với anh chị em mình.
Anh Chị em,
“Đây là Mình Thầy, Đây là Máu Thầy!”. Hôm nay, bạn và tôi suy gẫm về chiều sâu đức tin của mình về ‘Quà Tặng Diệu Kỳ’ này. Mình Máu Chúa Kitô là công cụ thánh hoá; là dấu chỉ sự tự hiến của một Thiên Chúa đã trở nên của ăn thức uống hầu nuôi sống và liên kết các tế bào trong Nhiệm Thể ‘với Đầu và với nhau’; đồng thời, xây đắp cho Nhiệm Thể ‘đạt tới tầm vóc Chúa Kitô toàn thể’. Vì thế, hãy tự hỏi, tôi có yêu thương anh chị em tôi như Bí tích này chờ đợi? Tôi có yêu mến Chúa Giêsu hơn mỗi khi tham dự Thánh Lễ? Vì cách thức tôi sống - cử hành Bí tích này - cho biết tôi ‘đang sống’, ‘đang hấp hối’ hay ‘đã chết!’.  
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con ‘đang sống’, ‘đang hấp hối’ hay ‘đã chết?’. Xin ban ơn trợ giúp để con có thể kinh ngạc và kính sợ mỗi khi rước lấy ‘Quà Tặng Diệu Kỳ’ này!”, Amen. 
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

================

Suy niệm 7
Anh Em Hãy Cầm Lấy Mà Ăn
Xh 24,3-8; Dt 9,11-15; Mc 14,12-16.22-26
Tin Mừng hôm nay thuật lại bữa tiệc Vượt qua cuối cùng của Thầy Giêsu và các môn đệ. Thầy đã kín đáo chuẩn bị từ trước, nên các ông thấy diễn tiến lạ lùng, đúng như lời Thầy dặn: “Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: “Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt qua với các môn đệ của tôi ở đâu?” Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta”. Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các môn đệ thấy y như Người đã nói.” (Mc 14,13-16). Trong bữa tiệc cuối cùng này, Thầy cho các ông ăn một lễ Vượt Qua vĩ đại hơn bữa tiệc Vượt Qua hằng năm của người Do Thái. Đây là tiệc Vượt Qua mới, là bữa tiệc ly, tiệc hiến tế, tiệc Giao Ước mới bằng chính Mình và Máu Thầy, chứ không phải máu chiên cừu trong giao ước cũ: “Cũng đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy”. Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là Máu Thầy, Máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người”. (Mc 14,22-24).
Từ thời cựu ước đến nay, máu vẫn luôn là sự sống của con người. Có lẽ các môn đệ và hôm ấy và nhiều người chúng con hôm nay, dù tay cầm lấy mà ăn đó, nhưng chưa hiểu và cảm nhận niềm hạnh phúc sung sướng khi được ăn Mình và Máu Thánh Chúa, Đấng là Sự Sống đã trao hiến cho chúng con.  Trước cái chết đang chờ ngày hôm sau, Thầy Giêsu không để cái chết ập xuống, chụp lấy, nhưng Thầy chủ động tiến tới, đảm nhận và biến cái chết thành quà tặng cho tình yêu. Qua lời đọc trên cử chỉ dâng bánh và rượu trong bữa ăn Vượt qua cuối cùng này, Người biến đổi nghi lễ kỷ niệm Vượt Qua của dân Do Thái trở thành cuộc Vượt Qua của chính Người. Bữa ăn cuối cùng giữa Đức Giêsu và các môn đệ vừa loan báo, vừa là hình bóng của bữa tiệc Cánh Chung trong Nước Thiên Chúa: “Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa”. (Mc 14,26).
Chúa ơi! Thịt và Máu Chúa thật là của ăn của uống nuôi sống con từng ngày, của ăn mà càng ăn con càng đói, càng uống con lại càng khao khát hơn. Dẫu con đây muôn ngàn bất xứng, nhưng vì Tình Yêu, Chúa còn khao khát con hơn ngàn lần con khao khát đón nhận. Xin cho con luôn luôn đáp tình Chúa mời gọi, để con đến, ở lại với Chúa, trong Chúa, mà tận hưởng no say nguồn sống từ thần lương cao quý này, để nhờ Mình Máu Chúa bổ dưỡng, con được sống hạnh phúc sung mãn hôm nay và mai sau được sống muôn đời.
Én Nhỏ

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Cần Kiệm: Đêm hoan ca và Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo xứ Cần Kiệm: Đêm hoan ca và Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Hòa chung niềm vui mừng Chúa Giáng Sinh cùng toàn thể nhân loại, tối ngày 24/12/2024, tại quảng trường nhà thờ Thiên Lộc, giáo xứ Cần Kiệm đã tổ chức đêm hoan ca, diễn nguyện và Thánh lễ trọng thể kỷ niệm Con Thiên Chúa Giáng trần, với chủ đề: “NĂM SỰ VUI - CUỘC LỮ HÀNH HY VỌNG”.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log