Thứ sáu, 24/01/2025

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 14 Thường niên năm B

Cập nhật lúc 06:29 04/07/2024
Suy niệm 1
CỨNG LÒNG TIN
Mc 6, 1-6
Khi trở về Nagiarét, Đức Giêsu đã tự đặt mình vào một trường hợp chịu thử thách nghiêm trọng. Ngài vào hội đường và giảng dạy, nhưng người ta không tiếp nhận lời giáo huấn của Ngài, trái lại còn tỏ vẻ hiềm thù. “Họ vấp ngã vì Người”. Họ bực bội vì một người xuất thân từ một hoàn cảnh tầm thường như Đức Giêsu, mà lại nói năng và hành động như kẻ có quyền. Dựa vào sự quen biết và cái nhìn bề ngoài nên họ khinh thường Ngài, đồng thời phát sinh thái độ ghen tỵ khi nghe thấy Ngài làm được những việc lạ lùng. Ghen tỵ và thành kiến là một trong những nguyên nhân khiến “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4, 24). Đó là thói đời, thời nào cũng thế, nên chẳng ai lạ gì với câu thành ngữ: “Gần chùa gọi bụt bằng anh”.
Tất cả đều bị tầm thường hóa dưới cái nhìn quá quen biết, “Quen quá hóa nhàm”. Tệ hơn nữa với những con người có tâm hồn hẹp hòi, thô thiển, họ chẳng cảm thấy gì khi đứng trước bậc thánh nhân, mà còn hung hăng đả kích. Phải chăng họ nhìn người kia bằng chính tâm trạng của mình? Coi thường hoặc nghi ngờ người khác là thái độ của một người muốn tránh né bản thân, chưa trưởng thành, chưa có tình yêu đồng loại. Mc. Kenzie có nói một câu thật hay: “Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính, còn người ghen tỵ nhìn bằng kính hiển vi”.
Con Thiên Chúa đã làm người, nhưng Ngài không đòi hỏi một miễn trừ nào. Ngài bằng lòng nhận lấy cuộc đời với mọi trắc trở. Tuy nhiên, những may rủi về gia thế, giàu nghèo và phổ hệ chẳng có gì quan trọng đối với một nhân cách, nhưng người đời lại dựa vào đó để đánh giá nhau. Chúng ta cũng dễ bị phụ thuộc vào những thứ đó mà đánh mất giá trị của chính mình. Đó là cái nhìn sai lạc đã tạo nên thành kiến, là một tật xấu làm cứng đọng tâm khảm, cũng như chặn đứng khả năng đón nhận Chúa và mọi người. Chính vì thành kiến mà những người đồng hương với Đức Giêsu đã không nhận ra khuôn mặt thật của Ngài. Họ không tin Ngài là một tiên tri, càng không thể tin Ngài là Đấng Cứu Thế. Họ không tin vì thấy quá khứ rất thường tình của Ngài, vì thấy hiện tại của Ngài không chút hào quang, vì thấy Ngài chỉ là bác thợ mộc nghèo nàn trong đám dân dã. Vì không tin nên họ đã không thấy.
Tác giả thư Do thái đã xác quyết: “Đức tin là bảo đảm cho những gì ta hy vọng, là bằng chứng cho những gì ta không thấy” (Dt 11,1). J. Woodbridge cũng xác tín: “Đức tin là con mắt để nhìn thấy Chúa, là bàn tay để nắm lấy Ngài, là sức mạnh giúp ta tự hiến cho Ngài”.
Cho dù Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Người có thể làm được mọi sự, nhưng Ngài phải bó tay trước sự cứng lòng của con người. Ngài đã trở nên bất lực trước những kẻ không muốn tin. Thế mới biết con người có khả năng cản trở Thiên Chúa, và có toàn quyền từ chối quà tặng của Ngài. Nếu phép lạ là quà tặng của Thiên Chúa, ta cần phải đón nhận bằng đức tin, nhưng đức tin là ân huệ của Thiên Chúa, ta chỉ có thể nhận được khi tha thiết cầu xin. Nhà bác học kiêm triết gia Pascal đã nói: “Để có đức tin con người phải quì gối cầu xin”.
Nhờ mạc khải, chúng ta biết rõ hơn về mầu nhiệm Chúa làm người, nhưng chưa chắc chúng ta đã khá hơn người làng Nadarét xưa. Chúng ta vẫn có thể bị đóng khung trong cái nhìn bó hẹp về Ðức Giêsu, khiến ta chỉ thấy một phần khuôn mặt của Ngài. Cũng vậy, có những người sống bên cạnh, nhưng ta chẳng thể hiểu họ. Những gì ta biết về họ là đúng, nhưng không đủ. Mỗi người là một mầu nhiệm cần khám phá suốt đời. Cần phải ra khỏi mình, ra khỏi cái nhìn khô cứng để gặp được mầu nhiệm tha nhân, để thấy người khác bằng cái nhìn luôn luôn mới.
Buồn thay, Chúa Giêsu đã không thể làm được phép lạ nào cho dân làng mình. Phải chăng cũng có những điều lạ lùng Thiên Chúa định làm cho ta mà Ngài không làm được, vì không được làm. Thiên Chúa chúng ta quá dễ thương, nhưng bản thân ta lại thương không dễ. Ước chi ta sớm nhận ra điều này, để Chúa được tự do hoạt động nơi mình, làm nên những công trình mà Ngài mong ước cho cuộc sống ta.
Trước sự cứng lòng tin của những người đồng hương, Chúa Giêsu lấy làm lạ, nhưng vẫn an nhiên và tiếp tục ra đi rao giảng Tin Mừng. Cần nhìn ngắm thái độ hiền hậu của Ngài, để ta cũng sẵn sàng chấp nhận khi bị phủ nhận, khi nỗ lực và thiện chí của ta bị khước từ ngay nơi những người thân quen. Ta cứ an vui trong tự do và thanh thoát, không bị cản trở bởi lòng dạ con người, để chu toàn mọi việc theo ý Chúa, để sống với bổn phận bình thường, nhưng với một tình mến phi thường.
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Đức tin dạy cho con biết,
mọi sự bởi Chúa mà ra,
mọi loài do Chúa mà có,
mọi việc nhờ Chúa mà thành.

Đức tin mời con phải vượt qua lý trí,
song nhờ lý trí để hiểu biết đức tin.

Đức tin không lý trí,
có nguy cơ xa rời thực tế.
Lý trí không đức tin,
có nguy cơ rơi vào ảo tưởng.

Đức tin và lý trí là quà tặng cao quí,
mà Chúa đã thông ban cho mỗi người.
Tin không phải là biết,
dù cần sự hiểu biết trong đức tin.

Trong chiều sâu của đời sống nhân-linh,
không chỉ có cái biết của lý trí,
nhưng còn cái biết của con tim,
của lòng khao khát Chân Thiện Mỹ,
là khát vọng thâm sâu của con người,
mà lý trí cuối cùng phải dừng lại.

Xin cho con một nhãn giới mới,
để nhìn thấy Chúa qua đức tin,
để nhận ra Chúa qua lý trí,
Đấng thật huyền bí rất diệu kỳ.

Tâm hồn con khao khát một mình Chúa,
chỉ Ngài làm no thỏa trí tâm con. 
Cuộc sống rồi cũng chẳng có gì còn,
chỉ còn mình Chúa cho con yên hàn. Amen.

Lm. Thái Nguyên
===============
Suy niệm 2
TRÔNG NGƯỜI XƯA MÀ NGẪM TA HÔM NAY

Ngạn ngữ Hy Lạp có câu: ‘Triết gia khó sống tại quê hương’ (x. Dione Cristostomo, Epitteto), lẽ nào cùng nghĩa với câu tục ngữ Do Thái giáo mà Chúa Giê-su trích dẫn trong bài Tin Mừng theo Thánh Mác-cô hôm nay: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6, 4)? Nhưng ở đây Thánh sử Mác-cô mở rộng câu ngạn ngữ, áp dụng cho cả gia đình dòng họ như thể nối dài chiều hướng của sự kiện được kể ở Mc 3, 20-21: “Ngài trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Ngài và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Ngài hay tin ấy, liền đi bắt Ngài, vì họ nói rằng Ngài đã mất trí”.
Thật vậy, dân làng Na-da-rét lẽ ra phải vui mừng hoan hỷ đón chào Đức Giê-su trở về quê hương mới phải chứ, và đây cũng là dịp Ngài giảng dạy, làm phép lạ chữa lành cho dân chúng như Ngài đã từng thực hiện tại các nơi khác! Chẳng lẽ vì đầu óc định kiến, hẹp hòi của dân làng Na-da-rét đã bó buộc họ trong tư tưởng mà khiến họ chỉ nhìn vào lai lịch của Đức Giê-su: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-sép, Giu-đa và Si-mon sao? Chị e của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Mc 6, 3), hoặc ‘quen quá hoá nhàm’, hay ‘bụt nhà không thiêng’?
Chuyện kể rằng: Thánh An-tôn ẩn sĩ (251-356) sinh tại Cos-ma, Ai-cập. Người khởi xướng đời sống ẩn tu trong Giáo hội. Một hôm sau khi nói về Bài Giảng Trên Núi, các giáo dân bèn tới hỏi ngài: ‘Thưa cha, chúng con phải làm gì để nên trọn lành?’ Thánh nhân đáp lời: ‘Tin Mừng đã dạy: “Ai tát má phải ngươi, hãy giơ cả má trái cho nó”’. Họ liền phản kháng: ‘Chuyện này khó quá, chắc chúng con làm không được!’ Thánh An-tôn nói: ‘Nếu không được, thì ít ra cũng không báo thù, phải tha thứ cho những kẻ xúc phạm đến mình’. Nhóm giáo dân ấy đồng thanh: ‘Việc này vẫn khó ạ, không thể cứ để yên cho những kẻ xúc phạm mình được!’ Thánh nhân nghe đến đây, bèn quay sang bảo người môn đệ: ‘Con hãy đi nấu cháo cho những người này ăn vì họ quá yếu đuối. Còn ta, ta sẽ cầu nguyện cho họ’.
Là nhà truyền giáo, nhà thuyết giảng nổi danh như Thánh nhân cũng đôi lần gặp thất bại trong việc rao giảng Tin Mừng. Ngay cả đến Chúa Giê-su, nhà giảng thuyết đại tài mà còn thốt lên câu: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6, 4). Điều này chẳng có gì lạ lùng cả, vì người dân làng Na-da-rét chỉ nhìn vào khía cạnh con người tầm thường, quá quen thuộc của Đức Giê-su; họ thiển cận, thành kiến, và đố kỵ; từ đó dẫn tới thái độ cố chấp, hẹp hòi. Họ chẳng tin Đức Giê-su vì chỉ nhìn thấy quá khứ rất ư bình thường của Ngài. Họ chẳng tin vì họ chỉ nhìn thấy hiện tại của Ngài không chút hào quang sáng chói. Họ chẳng tin vì họ chỉ nhìn vào lý lịch quá đỗi tầm thường của Đức Giê-su.
Trông người xưa kia mà ngẫm lại mình hôm nay. Ca dao Việt Nam có câu: ‘Yêu ai yêu cả đường đi / Ghét ai ghét cả tông chi họ hàng’ hoặc ‘Yêu ai thì nói quá ưa / Ghét ai nói thiếu nói thừa như không’. Nếu ta chỉ nhìn với thành kiến, định kiến của bản thân, thì như McKenzie khẳng định: ‘Người có tình yêu nhìn bằng kính viễn vọng, còn người ghen tị nhìn bằng kính hiển vi’. Nếu để định kiến điều khiển cách nhìn, lối suy nghĩ của bản thân thì không sớm thì muộn, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng bi đát như dân làng Na-da-rét xưa kia. Nếu cứ nhìn theo kiểu ‘bụt nhà không thiêng’ thì chắc hẳn chúng ta bỏ lỡ biết bao cơ hội đón nhận Chúa nơi anh chị em, đón nhận bao ơn lành trong đời, vì “…sức mạnh của Ta được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối…và vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (x. 2Cr 12, 8. 10). Nếu vẫn xét theo lai lịch, gốc gác, địa vị xã hội, thì tâm lý ‘con gà ganh nhau tiếng gáy’ vô hình chung phát triển vô tội vạ như ‘diều gặp gió’, và tâm lý đố kỵ, ganh tị với người tài hơn mình sẽ như ‘xe không thắng/phanh’ bởi tính kiêu ngạo, bởi mặc cảm thua kém, bởi lòng bất khoan dung, bởi thiếu trưởng thành nhân cách, bởi thói hùa theo bầy đàn. Như thế, tệ hơn sẽ dẫn tới thái độ rẻ rúng vì cố chấp, hẹp hòi. Giá như Đức Giê-su oai phong đạo mạo như thể ‘trang anh hùng hào kiệt xuất chúng, trâm anh thế phiệt, áo gấm sênh sang, vinh quy về làng’ thì còn cơ may được chào đón, chứ đàng này, ‘Ngài chẳng có đến cái gối tựa đầu, chẳng nhà cao cửa rộng, chẳng xe hơi sang giàu, chẳng tiền hô hậu ủng, chỉ có vài môn đệ tầm thường xuất thân thuyền chài khó nghèo tháp tùng…!’
Sau cùng, đọc lại những dòng suy tư bất hủ của Đức cố Hồng y F.X Nguyễn Văn Thuận, mong sao chúng ta vượt thắng sự yếu hèn mong manh của bản thân và cùng nhau cầu nguyện: ‘Mỗi ngày con phải bớt tự ái, mà thêm bác ái. Mỗi ngày con bớt tự tin, mà tin thêm vào Chúa” (Đường Hy Vọng, số 56). Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
===============
Suy niệm 3
HƯỞNG PHÚC TRƯỜNG SINH
 

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 14 Thường Niên, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: nhờ Con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên. Xin Chúa rộng ban cho các tín hữu Chúa niềm vui thánh thiện này: Chúa đã thương cứu họ ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, thì xin Chúa cũng cho họ được hưởng phúc trường sinh. 
Muốn hưởng phúc trường sinh, thì phải nghe lời các ngôn sứ: sám hối quay về với Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Samuen quyển II cho thấy: Nghe dụ ngôn của ngôn sứ Nathan rồi, vua Đavít chưa nhận lỗi ngay đâu. Nhưng ông vốn có tâm hồn ngay thẳng, không đóng kín khi gặp ánh sáng. Khi được soi sáng rồi, ông khiêm tốn nhận lỗi, và dẫn đầu những ai thành tâm sám hối trong lịch sử thánh: Tội lỗi con nhiều hơn cát biển, và cứ mãi gia tăng; con không đáng nhìn trời, bởi tội lỗi con nhiều vô số. Con đã chọc giận Chúa, dám làm điều dữ trước mắt Ngài. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa. 
Muốn hưởng phúc trường sinh, thì phải ăn năn đau đớn vì tội đã phạm, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Khi đã trót phạm tội, chúng ta hãy đau đớn buồn phiền, vì tội lỗi làm phiền lòng Thiên Chúa. Điều gì làm mất lòng Thiên Chúa, thì cũng phải làm đau lòng chúng ta, bởi lẽ, điều gì ở nơi bạn khiến bạn buồn phiền, thì Đấng tác tạo nên bạn cũng gớm ghét điều ấy… Lạy Chúa, tội lỗi con làm con nhức nhối như mũi tên cắm phập vào mình. Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy.
Muốn hưởng phúc trường sinh, thì đừng cứng đầu cứng cổ trước lời mời gọi sám hối của các ngôn sứ, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách ngôn sứ Êdêkien tường thuật lại: Ta sai ngươi đến với con cái Ítraen, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta. Chúng vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 122, vịnh gia cũng kêu gọi: Mắt chúng ta hướng nhìn lên Chúa, tới khi Người xót thương chút phận. Như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ, mắt chúng ta cũng hướng nhìn lên Chúa là Thiên Chúa chúng ta, tới khi Người xót thương chút phận. Muốn hưởng phúc trường sinh, thì phải chấp nhận bị bách hại, để trở nên dấu chứng ngôn sứ cho thế giới hôm nay, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình. Chúng ta là loài phản loạn, vì thế, chúng ta phải luôn ý thức có một ngôn sứ đang ở giữa chúng ta, để chúng ta luôn biết sám hối quay về với Chúa, như mắt gia nhân hướng nhìn tay ông chủ, như mắt nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ. Mỗi người chúng ta cũng được Chúa giao cho sứ mạng làm ngôn sứ trong thế giới này. Số phận của các ngôn sứ là phải chịu bị bách hại, bị loại trừ, bị khinh rẻ vì Danh Đức Kitô. Ước gì chúng ta luôn biết can đảm làm chứng cho Chúa, bằng một đời sống chứng tá mang đậm tính ngôn sứ, giữa một thế giới đang cố nhắm mắt, bịt tai trước lời mời gọi: đến hưởng ơn cứu độ của Chúa. Chúa đã hạ mình xuống, để nâng loài người sa ngã lên. Chúa đã thương cứu chúng ta ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, thì ước gì chúng ta đừng đánh mất phúc trường sinh mà Chúa đã dành sẵn cho chúng ta. Ước gì được như thế! 
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
===============
Suy niệm 4
SỐNG VỚI THÁI ĐỘ MỚI, ĐÓN NHẬN ƠN DỒI DÀO

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy một sự thật có chút xốn xang, đau lòng: “Không một tiên tri nào được kính trọng nơi quê hương mình” hoặc “ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6, 4); nhưng không phải bởi vậy mà chúng ta không suy gẫm, không thực hành và không sống! Chính Đức Giê-su là nhân chứng rõ rệt khi Ngài trở về quê hương, họ hàng, thân thuộc chỉ biết nhìn khía cạnh con người của Ngài, không biết mở lòng đón nhận những gì tốt lành mà Ngài mang lại.
Nói đến đây, con nhớ một câu chuyện có thật: bạn của con là một linh mục, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ nhỏ đã phải bôn ba vừa đi bán vé số, vừa học chữ. Hằng ngày phải rảo khắp vùng quê, bán càng nhanh càng nhiều vé số để kịp đến trưa trở về ăn cơm rồi đến trường. Thời gian cứ trôi như thoi đưa, vất vả của người bạn ấy vẫn cứ chất chồng, nhưng Chúa đã mời gọi và sắp xếp mọi việc một cách hoàn hảo không ngờ. Bạn ấy được gửi đi du học tại chủng viện Phi-líp-pin. Sau ròng rả nhiều năm đào tạo, đã được lãnh nhận tác vụ linh mục, rồi trở về quê dâng lễ tạ ơn cùng mọi người trong gia đình, gia tộc cũng như giáo xứ. Thánh lễ chuẩn bị bắt đầu, nhiều người trong giáo xứ xì xầm bàn tán nhỏ to ‘ê, chẳng phải ông cha đó trước kia con của bà này, ông kia, hằng ngày phải bán vé số mà! Bây giờ làm cha rồi sao?’ rồi thì người khen, người bỉu môi cười gượng gạo, người thì trầm trồ khen giỏi, người thì chẳng ý từ gì đến xung quanh cứ buông những lời khó nghe…
Trong đời sống thường ngày, chúng ta quá quen với câu nói ‘gần chùa gọi bụt bằng anh’ còn ‘gần nhà thờ gọi cha bằng...’ (tuỳ theo thái độ của người gọi!) hoặc câu nói ‘bụt nhà không thiêng’. Thái độ, cử chỉ, thói quen, lối suy nghĩ này không phải chỉ được diễn tả qua văn thơ trào phúng, ca dao tục ngữ đúc kết kinh nghiệm sống của các bậc tiền bối trong văn hoá Việt Nam chúng ta, mà nó cũng đã được đề cập đến trong Kinh Thánh, lối sống, cách nhìn nhận của người Do Thái thời Chúa Giê-su rồi, “không một tiên tri nào được kính trọng nơi quê hương mình”, và hơn thế nữa “họ hàng vấp ngã vì Ngài” (x. Mc 6, 3). Nói một cách dễ hiểu, họ chỉ chú trọng đến khía cạnh con người của Chúa Giê-su, họ vấp ngã trong cách nhìn đóng khung, quen thuộc từ trước của họ, và họ không biết mở lòng đón nhận Chúa Giê-su như một tiên tri, như một người được sai đến qua lời giảng dạy hấp dẫn, qua các việc lạ lùng, phép lạ, chữa lành của Ngài. Và chính thái độ, lối nhìn, tư tưởng như vậy khiến Chúa Giê-su ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin (x. Mc 6, 6), cho nên Ngài không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa lành vài bệnh nhân (x. Mc 6, 5).
Tương tự, có thể chúng ta cũng trở nên giống như dân Do thái thời Chúa Giê-su hoặc dân Is-ra-en thời Cựu ước như sách tiên tri Ê-dê-ki-en thuật lại ‘họ không nhận biết có Thiên Chúa hiện diện giữa dân của Người qua vị ngôn sứ’ (x. Ed 2, 2-5) nếu chúng ta lặp lại thái độ hẹp hòi, suy nghĩ theo lối mòn, thiển cận, chú trọng đến bề ngoài, đến tính con người, mà quên đi sự hiện diện cao trọng của Thiên Chúa qua thừa tác viên có chức thánh cho dù sở hữu một diện mạo tầm thường, chẳng có gì ‘là chất, là đỉnh’, thì vô hình dung, chúng ta đánh mất ơn thánh thiêng, ân sủng, sứ điệp tình yêu từ Thiên Chúa qua vị thừa tác viên ấy.
Thái độ so sánh, và lối suy nghĩ ‘tốt khoe xấu che’ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhận ra, đón nhận ơn Chúa qua một người tầm thường, qua biến cố nho nhỏ, qua sự việc chẳng lớn lao phi thường. Ở điểm này, chúng ta cùng nhau noi gương thánh Phao-lô ‘tự hào vì sự yếu đuối của mình’ vì “khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi thực sự mạnh mẽ” (x. 2Cr 12, 10). Ngài nói như vậy không phải đề cập đến thái độ ngủ vùi trong sự yếu hèn của bản thân, mà trái lại, mặc lấy cách nhìn khiêm nhu, tấm lòng khiêm tốn, cử chỉ khiêm nhường về chính con người thật sự yếu đuối của mình, thì lúc ấy, ơn Chúa sẽ được biểu lộ một cách rõ nét và mạnh mẽ “ơn Ta đủ cho ngươi, vì sức mạnh của Ta được bày tỏ trong sự yếu đuối” (x. 2Cr 12, 9).
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta nên mặc lấy một cách sống khiêm nhu, một thái độ rộng mở, thái độ vượt trên những định kiến, những lối suy nghĩ theo thói quen hay theo xu hướng ‘thời thượng’, để rồi, chúng ta ngày càng được cảm nhận, đón nhận dồi dào ơn Chúa trong từng bậc sống, từng tác vụ, sứ vụ của mình.
 
          Chúa ơi, đổi mới lòng con
          Vội vàng, khép kín chẳng còn trong con.
          Vượt thác ‘đố kỵ’, trèo non
          Yếu hèn chẳng sợ, Chúa còn bên con.
          Đỡ nâng, dìu dắt vuông tròn
          Hồn con yên ủi, sắt son một đời....Amen!
                                                  
 Lm. Xuân Hy Vọng                                      
==================
Suy niệm 5
Chúa ngạc nhiên vì con người cứng lòng

(Mc 6, 1 – 6)
Phụng vụ lời Chúa hôm nay giúp chúng ta khám phá những cảm xúc của ngôn sứ Ê-dê-kien đối với dân Chúa tuyển chọn và yêu thương (x.Ed 4,2-5), đặc biệt là cảm xúc của Chúa Giêsu đối với những người đồng hương của mình khi Chúa vào hội đường rao giảng cho họ (x. Mc 6, 1-6). Trường hợp của dân thành Cô-rin-tô đối với thánh Phaolô cũng không ngoại lệ. Nếu Chúa Giêsu “ngỡ ngàng về sự cứng lòng tin của họ” (Mc 6, 6), thì Ê-dê-kien hay thánh Phao-lô cũng thế (x. 2Cr 12, 7-10).
Con người vẫn tiếp tục làm Chúa ngạc nhiên. Cụ thể, vì thương xót dân Chúa mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en được Chúa sai đến với dân Chúa, những người bị Thiên Chúa coi là những kẻ phản loạn, không tuân giữ Giao Ước mà cha ông họ đã ký kết với Thiên Chúa, họ lòng chai dạ đá, mặt chẳng những cứ trơ trơ lại còn phản loạn cùng Thiên Chúa, khước từ tình thương của Ngài, khiến Ê-dê-ki-en rất ngạc nhiên.
Đến thời Chúa Giêsu chẳng phải dân xa lạ, mà chính đồng hương của Chúa cũng khước từ sứ điệp tình thương ấy. Đúng là, “Người đã đến nhà các gia nhân Người, mà các gia nhân đã không tiếp nhận Người” (Ga 1, 11).
Trong thời gian thi hành sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã chữa lành nhiều người khi họ có lòng tin, đang khi những người khác cứng lòng. Chúa Giêsu ngạc nhiên về thái độ của người đồng hương: thấy giáo lý và các phép lạ Người làm mà họ không mềm lòng ra. Nhưng với cái nhìn của Thiên Chúa hay của đức tin, thì điều này cũng không lạ, bởi vì cả lịch sử thánh cho thấy loài người luôn luôn cưỡng lại tình thương của Thiên Chúa. Trừ một số ít. Số ít này là những kẻ được cứu vớt. Họ sẽ làm thành đàn chiên nhỏ. Họ sẽ thừa tự Nước Trời vì họ tin rằng: có nhà tiên tri của Chúa ở giữa họ, mặc dù bề ngoài có nhiều điều cản trở niềm tin này.
Chúa Giêsu ngạc nhiên vì thành kiến của họ về lý lịch của Chúa : cha mẹ, gia đình và nghề nghiệp : “Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” (Mc 6, 3). Họ không thể đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa làm người.
Thánh Phaolô cũng không nằm ngoài ơn gọi và cuộc đời sứ ngôn của Đức Chúa. Ông được chọn gọi và sai đến với dân ngoại, cụ thể với giáo dân Côrintô yêu quý của người. Phaolô cũng gặp những người gièm pha đủ điều, cốt để tín hữu Côrintô đừng tin vào giáo lý cứu độ của Phaolô nữa. Nhưng nếu bỏ niềm tin này, thì làm sao được cứu độ? Phaolô phải can thiệp ngay. Người gửi thư không phải để chữa mình hay để lấy lại uy tín, nhưng là để thi hành sứ vụ tiên tri, rao giảng ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Ngày hôm nay có người nói rằng: Nếu chúng ta sống vào thời ngôn sứ Ê-dê-kien, hay thời các tông đồ, và chứng kiến Chúa Giêsu như họ, chắc chúng ta cũng giống họ. Họ biết quê hương mình có người tên là Giêsu nhưng không biết người đang nói với họ là Chúa Giêsu, Chúa Cả trời đất…… Thực tế ngày hôm nay khác với ngày xa xưa ấy, vì nhiều người hạnh phúc hơn, tin tưởng vào những điều đã đã nghe và đã thấy.
Quả thật, ở giữa những người ẫu trĩ có một người khiêm nhường; là Thiên Chúa thật đến dạy dỗ chúng dân. Người đến với những thu thuế và tội lỗi, đồng bàn ăn uống với họ (x. Mt 9,11); Vì thế, có người miệt thị nói rằng : “Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao?” (Mc 6,3; Ga 6,42) Nhưng Chúa Giêsu vần là Thiên Chúa thật và là người thật, các vua chúa trần gian phải phụng thời Người … Người hoàn toàn là con người như chúng ta: ăn, uống, ngủ, nghỉ, đổ mồ hôi và mệt mỏi như chúng ta, giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi. Người được gìn giữ khỏi hư nát và khỏi chết giữa muôn người. Giờ đây Người ngự bên hữu Đức Chúa Cha (Mc 16,19), không gì có thể tách Người với Chúa Cha.
Thật là kỳ diệu, để có thể nhận biết và tin rằng một người thế là Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất và mọi sự trên trời dưới đất … Vì thế, hàng ngày chúng ta nghe Chúa Giêsu thông truyền thánh ý Chúa Cha qua các tác giả Tin Mừng, chúng ta phải vâng nghe, tuân giữ các giới răn của Người và tin vào Người.
Chúa đã đòi dân Dothái thời Ê-dê-ki-en phải tin vào Lời Chúa và vào vị tiên tri khi họ không còn quê hương, đền thờ. Người đã đòi bà con thân thuộc của Chúa Giêsu lướt thắng những cản trở bên ngoài thuộc gia thế và địa vị xã hội của nhà tiên tri thành Nagiarét để đón nhận ơn cứu độ. Hằng ngày Chúa vẫn đòi chúng ta phải có niềm tin như vậy qua mọi thử thách trần gian. Hơn nữa Chúa lại muốn chúng ta trở nên các tiên tri của Chúa để giúp anh em đồng loại nhận ra Tin Mừng cứu độ. Chúng ta hãy sẵn lòng tin tưởng vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, cho dù có bao nét bề ngoài của kế hoạch đó dường như muốn làm chúng ta nản lòng.
Lạy  Chúa Giêsu, con tin Chúa là Thiên Chúa thật và là người thật, là Đấng cứu độ chúng con. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
================ 
Suy niệm 6
NGÀI KHÔNG LÀM PHÉP LẠ NƠI QUÊ HƯƠNG!

Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Hầu hết chúng ta đọc biết nhiều trình thuật kể lại việc Chúa Giê-su làm vô số phép lạ, nào là: cho kẻ chết sống lại, chữa lành bệnh phong hủi và các bệnh nhân, trừ quỷ, đồng thời dạy dân chúng biết bao điều về Thiên Chúa Cha, về Nước Trời, v.v…Tuy nhiên, Tin Mừng hôm nay cho thấy: khi Ngài trở về làng Na-da-rét, gặp gỡ đồng hương, họ hàng, làng xóm thân thuộc, Ngài không làm phép lạ nào cả! Thông thường, lúc vinh quy bái tổ’ hay dịp trở về quê hương, ai mà chẳng muốn làm những điều tốt đẹp, tuyệt vời cho gia đình, họ hàng, làng xóm cơ chứ! Nhưng vì sao Đức Giê-su lại không làm dấu lạ nơi quê hương Ngài, chúng ta cùng nhau tìm hiểu qua một số gợi ý suy niệm sau.
Trước hết, chúng ta có thể khẳng định rằng: Chẳng phải Đức Giê-su không muốn hoặc không thể làm phép lạ chữa lành, giải thoát bà con đồng hương của mình khỏi đau khổ bệnh tật, như Ngài đã từng thực hiện những dấu lạ phi thường cho dân chúng ngoài làng mạc quê hương của Ngài. Hơn nữa, dân làng Na-da-rét có thể cũng đã được nghe đến tiếng tăm của Đức Giê-su; nhưng thật lạ lùng, họ chỉ ngạc nhiên sửng sốt về lời giảng huấn của Ngài, và chỉ dừng lại ở đấy “… nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Ngài, nên nói rằng: "Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Ngài làm được những sự lạ thể ấy?…” (x. Mc 6, 2), đến nỗi “…họ vấp phạm vì Ngài” (x. Mc 6, 3). Thế lí do gì mà Đức Giê-su không thực hiện những sự thể phi thường nơi quê hương mình?
Đọc thật kỹ đoạn Tin Mừng theo Thánh Mác-cô hôm nay, chúng ta sẽ thấy ngay sự cứng lòng tin của người làng Na-da-rét, Ngài ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin” (Mc 6, 6). Họ không tín thác vào quyền năng của Đức Giê-su, mà có lẽ họ đã từng được chứng kiến đâu đó những việc phi thường và lời giảng dạy khôn ngoan của Ngài, hoặc cũng nghe về tiếng tăm của Ngài như một vị tiên tri, hay Đấng Cứu Độ rồi. Tuy nhiên, vì tâm hồn họ khép kín, chỉ dừng lại ở điểm ngạc nhiên, mà chưa vươn lên tìm hiểu, ra khỏi bản năng thành kiến trong cách nghĩ suy, trong tư tưởng của bản thân, nên họ chỉ thấy con người Giê-su bình dân học vụ’ như bao nhiêu người đồng trang lứa thời đó mà thôi. Soi rọi vào đời sống đạo của mỗi người chúng ta, phần lớn tương tự như thế. Chúng ta khen tặng những lời giảng hay, sửng sốt, ngạc nhiên, tán thưởng câu chuyện biến đổi cuộc sống, các ơn lành lớn lao mà Chúa ban tặng cho chúng ta qua Giáo Hội, qua cộng đoàn, v.v…, nhưng nếu chỉ dừng lại ở điểm này, thì chúng ta cũng chẳng khác gì những người dân làng Na-da-rét. Hơn nữa, nghe giảng hay, chẳng ngần ngại chúc tụng, trầm trồ khen ngợi, nhưng tiếc thay chúng ta không sống, không chịu đào sâu Lời Chúa, vốn được thông truyền qua Giáo Hội, qua Thừa tác viên có chức Thánh. Thật sự tự hào là Ki-tô hữu, là người được trao ban đức tin, nhưng nếu đức tin trong chúng ta chỉ còn là ngọn đèn leo lét, chỉ là thân cây mất nhựa sống chờ ngày gãy đổ, thì chẳng khác gì thứ niềm tin mà cố Đức Hồng Y Phan-xi-cô, tác giả cuốn sách “Đường Hy Vọng” đã nhắc nhở: Nhiều người nói tôi có đức tin, tôi còn đức tin, có lẽ đức tin của giấy khai sinh, không phải đức tin của đời sống. Ít người sống theo đức tin. Đừng bao giờ mãn nguyện với một đức tin lý thuyết, hình thức, nhưng phải sống một đức tin chân thực, thiết ái, và trung thành”.
Bởi lẽ ‘họ cứng lòng tin, nên chắc hẳn họ không thể nào vượt ra khỏi lối suy nghĩ, cách nhận định mang tính định kiến như họ tự hỏi: Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Ngài làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Ma-ri-a, anh em vi Gia-cô-bê, Giu-se, Giu-đa và Si-mon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” (Mc 6, 2-3). Nói cách khác, họ cho rằng họ biết rõ thân thế, gia đình và họ hàng của Đức Giê-su, vốn chỉ là những người tầm thường, bình dị gần gũi với họ như tình làng nghĩa xóm, chứ đâu có gì nổi bật hay nổi trội chi đâu. Chính lối suy nghĩ đậm đặc định kiến thế này mà khiến đôi mắt thân xác cũng như tâm hồn họ bị đóng kín, khép chặt, khiến họ không thể nhận ra những gì người khác cảm nhận và được lãnh nhận vô vàn ơn lành cao siêu từ Đức Giê-su. Với cách nhìn nhận và tiếp cận thế này của người dân làng Na-da-rét vô hình chung “đóng khung” Đức Giê-su, đồng thời tự nhốt họ trong định kiến hẹp hòi, ẩm thấp và ngột ngạt, còn đâu khoảng trống cho mình và cho người khác, còn đâu không khí thoáng mát để cảm nhận, để hít lấy hơi thở thánh ân qua con người Giê-su Ki-tô! Trong cuộc sống thực tế, chúng ta cảm nhận điều này rõ ràng hơn ai hết: định kiến giam hãm chúng ta mở lòng, đón nhận, chấp nhận người khác, và đồng thời cấm cửa tha nhân đi vào thế giới của bản thân ta. Hơn thế, trong đời sống đạo, lối suy nghĩ đậm đặc định kiến ấy sẽ khiến cõi lòng chúng ta rỉ sét, vì cánh cửa tâm hồn bị đóng chặt then cài lâu ngày rồi. Bản thân vừa không muốn bước ra khỏi đó, và tệ hơn Thiên Chúa, anh chị em chúng ta chẳng thể nào tiến vào được!!!
Tâm hồn khép kín, tư tưởng đầy bùn lầy’ định kiến, quá tự tin vào những gì mình biết, dẫn tới tính tự mãn. Từ đó sinh ra thái độ xem thường người của Thiên Chúa” (ngôn sứ) như lời bất hủ của Đức Giê-su: không một tiên tri nào được chấp nhận nơi quê hương mình” (Lc 4, 24), và thảm hại hơn, thái độ không tôn kính Con Thiên Chúa mặc lấy xác phàm”. Ngôn sứ là người được Thiên Chúa sai đến loan truyền cho dân sứ điệp, chương trình, ý định của Ngài, chứ không phải thực hiện nghị trình riêng của mình; thế nhưng, thân phận người của Thiên Chúa” thật hẩm hiu như các câu chuyện của tiên tri Ê-li-ah, Ê-li-sa và các ngôn sứ khác vào thời Cựu Ước. Chúng ta nên tránh rơi vào lối mòn gần chùa gọi Bụt bằng anh” hoặc bụt nhà không thiêng”. Đành rành sự gần gũi xoá đi ngăn cách, khoảng cách, xua tan hàng rào vô hình, hầu trở nên thân tình, trở thành người hiểu chuyện và nên người bạn thân đúng nghĩa; chứ không dẫn tới thái độ đánh đồng, tệ hơn xem thường, không có thái độ đúng đắn với người của Chúa”. Như thế, thái độ này có thể dẫn tới thói cao ngạo, ta đây, đặt mình trên người khác, ấy là chúng ta đang đi vào vết xe đổ của những người đồng hương Na-da-rét. Thái độ này trái ngược hẳn với cảm nghiệm nơi Thánh Phao-lô “...sức mạnh của Chúa tỏ bày trong sự yếu đuối..., vì khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ” (2Cr 12, 9-10). Chẳng phải mạnh mẽ nhờ sự yếu đuối, yếu hèn, hay tính ương ngạnh của bản thân, mà chính là nhờ thái độ biết nhận mình yếu đuối, cần được đỡ nâng, đồng thời tin tưởng vào Chúa, Đấng thực hiện những sự phi thường trong điều tầm thường, Đấng làm nên việc vĩ đại trong những thứ vụn vặt, Đấng biến sự yếu hèn nơi con người thành sức mạnh trong Ngài.
Tóm lại, xuyên suốt câu chuyện Tin Mừng cho chúng ta thấy, người Do Thái "thích sự thật khi sự thật tán tụng họ, nhưng họ căm ghét sự thật khi sự thật lên án họ" (theo Thánh Âu-gus-ti-nô). Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta ‘đừng đi vào lối mòn’ ấy, trên hết luôn biết mở lòng, tín thác, loại bỏ mọi thành kiến hoặc định kiến, và hết tình cảm kích điều thiện lành nơi tha nhân, chứ không xem thường. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
================== 
Suy niệm 7
ĐIỀU PHI THƯỜNG

“Bởi đâu ông ta được như vậy?”.
Trong “Les Misérables”, “Những Người Khốn Khổ”, J. Valjean ở tù 19 năm vì ăn cắp một ổ bánh mì. Được tự do, anh đến nhà một Giám mục, được ăn ngon và ngủ qua đêm. Tối đó, J. Valjean lấy cắp bộ đồ ăn bằng bạc và bị bắt. Cảnh sát giao anh cho vị Giám mục; nhưng, chỉ để nghe, “Tôi đã tặng chúng cho anh ta. Và Jean, bạn quên cái chân đèn!”. J. Valjean đã sốc; sau đó, anh thực sự ăn năn vì lòng tốt phi thường của vị Giám mục.
Kính thưa Anh Chị em,
“Hãy nhận ra ‘điều phi thường’ giữa những gì bình thường!”. Điều phi thường vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại vẫn là Giêsu, Ngôi Lời làm người. Vậy mà, Tin Mừng Chúa Nhật   hôm nay cho biết, Ngài về thăm quê, vào hội đường, đồng hương của Ngài không đón nhận Ngài; còn hơn thế, họ xúc phạm Ngài. Họ tự hỏi, “Bởi đâu ông ta được như vậy?”.
Qua miệng Êzêkiel, Thiên Chúa phán, “Chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng!” - bài đọc một. Ngạc nhiên thay, vị ngôn sứ Êzêkiel tiên báo chính là Chúa Giêsu. Buồn thay, cuộc gặp gỡ của Ngài với người cùng quê thật đáng thất vọng! Thoạt tiên, họ ngạc nhiên về sự khôn ngoan và những việc Ngài làm; nhưng sau đó, họ “vấp phạm”; đúng hơn, ‘xúc phạm’ Ngài. Họ không hiểu làm thế nào, một người họ biết rạch ròi đến thế lại có thể phi thường đến vậy! Họ để cho sự gần gũi và thân quen che phủ khả năng của một niềm tin lẽ ra phải có đối với Ngài, cùng với sự vui mừng trước Con Thiên Chúa.
“Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”; “Ngài đã đến, nhưng người nhà của Ngài không tiếp nhận Ngài”. Nhà thơ Gerard M. Hopkins diễn tả chân lý này một cách tuyệt vời, “Thế giới bị buộc tội bởi sự vĩ đại của Thiên Chúa!”; “Trên một thế giới bị bẻ cong, Đức Thánh Linh vẫn ấp ủ nó với bầu ngực ấm áp và ôi, với đôi cánh rạng ngời!”. Đó là một thế giới không nhận ra ‘điều phi thường’ giữa những gì bình thường!
Tin Mừng muốn nói, Thiên Chúa có thể đến với chúng ta qua bất cứ ai - thân quen hay xa lạ - bất cứ biến cố nào. Vì thường khi, chúng ta coi những gì quen thuộc là hiển nhiên; vậy mà chúng vẫn tiết lộ những bí ẩn về sự vĩ đại và hoạt động của Thiên Chúa trong thế giới. Ngài vẫn có thể tạo nên điều kỳ diệu cả trong những gì chúng ta ước nó đừng bao giờ xảy ra. Như vậy, cả nơi những con người vốn có thể gây đau đớn cho chúng ta, những người ‘không mong chờ’ nhất, thì ‘điều phi thường’ của Thiên Chúa vẫn xảy ra!
Đó là những gì Phaolô gọi là “cái dằm đâm vào thân xác”. Nhưng nhờ cầu nguyện, Phaolô nghe được, “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối!”. Lời Chúa dạy chúng ta, hãy cậy trông vào Chúa, “Mắt chúng ta hướng nhìn lên Chúa, tới khi Ngài xót thương chút phận!” - Thánh Vịnh đáp ca.
Anh Chị em,
“Bởi đâu ông ta được như thế?”. Đừng đặt câu hỏi như vậy, nhưng ngược lại! Bởi đâu tôi được Chúa thương nhiều như vậy? Rất dễ dàng, chúng ta vẫn có thể rơi vào cạm bẫy khiến Chúa Giêsu quay đi. Đã bao lần chúng ta đánh mất cơ hội không gặp được Ngài qua các biến cố, qua những con người. Và chúng ta mất ơn Chúa. Chúng ta quên rằng, chính những con người, những biến cố đó là những hồng ân chính Ngài gửi tặng.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, qua những sự việc ‘tầm thường’, những con người ‘bình thường’ và cả người ‘bất thường’, cho con nhận ra ‘điều phi thường’ Chúa thương gửi trao!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

===============
Suy niệm 8
Bụt Nhà Không Thiêng

Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6
Đức Giêsu bôn ba giảng dạy, làm phép lạ khắp nơi. Nhưng hôm nay Người trở về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, mà giảng cho dân trong hội đường của họ. Họ cũng tròn mắt ngỡ ngàng: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (Mc 6,2). Người làm họ quá đỗi sửng sốt ngạc nhiên. Nhưng họ lại không tin nổi một người vừa quen vừa… “quèn” ngay trong xóm ngõ nhà mình, mà lại có thể nổi nang xuất chúng được  như vậy. Họ tặc lưỡi hạ thấp Người qua cái lý lịch với cha mẹ họ hàng tầm thường của Người: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôseph, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Mc 6,3). Họ không chấp nhận một “bông hoa lạ” lại nở trên “đống gạch vụn”, đến độ họ “vấp ngã vì Người” (Mc 6,3). Vả lại Người là Thiên Chúa mà lại trở thành con người bình thường như thế, nên họ bị lóa không nhận ra, bị “choáng” nên “vấp ngã” là phải. Người nổi tiếng trứ danh khắp nơi mà về làng chẳng oai vệ bằng cấp, chức quyền địa vị, không tiền bạc rủng rỉnh… nên bị xuống giá, bằng chứng đưa ra từ cái lý lịch cá nhân rõ rành. Người đang bị ở vào thế “bụt nhà không thiêng”. Họ chứng kiến nếp sống của Người quá mộc mạc, chất phác giản dị chẳng giống ai. Người gần gũi với đủ thứ người, tội lỗi, hèn hạ, bệnh tật… Họ khó lòng mà tin nổi Người từ Trời đến và đang ở giữa họ lúc ấy. Người chỉ còn biết trả lời cho họ bằng một luận điệu bất hủ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” (Mc 6,4). Thật là buồn, Người không thể làm nhiều phép lạ tại đó vì họ không tin. Mà hiệu quả của phép lạ hiển nhiên là do lòng tin.
Dân làng đang mong chờ một vị anh hùng đánh đông dẹp bắc, toàn quyền toàn năng, mang chiến thắng và vinh quang về cho dân tộc quê hương. Người sẽ nổi dậy làm cách mạng giải phóng dân tộc khỏi bị ách đô hộ của đế quốc Rôma với một đội quân hùng hậu, nhưng Người đã không làm được như lòng họ mong chờ. Người sẽ là một tổ phụ, một vị ngôn sứ vĩ đại như thời các cha ông của họ đã để lại những dấu ấn, hạ nhục kẻ thù và khinh bỉ các dân ngoại; loại trừ những kẻ tội lỗi, phường khố rách áo ôm, xua đuổi những kẻ tiếp tay cho đế quốc... Nhưng họ đã thất vọng.
Chúa ơi! ngày nay chúng con đã tin Người là Thiên Chúa Ngôi Hai, là Chúa Cứu Thế, Người là Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa mà đến như chúng con hằng tuyên xưng. Ngày xưa dân làng của Chúa không nhìn ra Chúa đang ở trước mặt mà hạ thấp Chúa. Còn chúng con ngày nay nhiều khi lại nghĩ Chúa quá cao vời con chẳng sao vươn tới nên vẫn không gặp được Chúa. Xin cho chúng con nhận ra Chúa đang ở giữa, ở với, ở cùng chúng con trong mỗi phút giây hiện tại. Xin cho chúng con biết sống gắn bó với Chúa, trong Chúa để thấy và tin yêu Chúa. Với một đời sống đức tin sống động, Chúa sẽ thực hiện cho chúng con những phép lạ hiển nhiên ngay giữa đời thường hôm nay.
Én Nhỏ
Thông tin khác:
Ở cùng (26/05/2024)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log